Nhà riêng ở núi Chung Nam
Trẻ từng yêu mùi đạo,
Già ở núi Nam này.
Lúc hứng riêng mình dạo,
Khi vui chỉ tự hay.
Ði theo nguồn nước đổ,
Ngồi ngắm áng mây bay.
Chợt gặp ông già núi,
Quên về, nói chuyện say.[1]
Vương Duy
[1] Bản dịch Lê Nguyễn Lưu.
Bạn đã bao giờ sinh lòng quyến luyến một người nào đó chưa từng gặp mặt chỉ vì một tờ thư pháp, một bức tranh, một khúc ca, hoặc thứ gì khác hay chưa? Có lẽ bạn cũng chẳng cố ý nhớ nhung, nhưng chút xúc cảm kia đã chạm phải tơ lòng, khiến bạn cứ vô tình nhớ đến. Thậm chí trong mộng cũng từng ngẫu ngộ đôi lần, song dẫu vậy, bạn vẫn không dám tùy tiện quấy nhiễu. Bởi rất nhiều người, rất nhiều việc chiêm bao thì đẹp, nếu tùy tiện đánh thức, chẳng những khuấy động sự bình yên của người ta, mà còn phá vỡ sự tĩnh tại của mình.
Cũng từng nghĩ tới việc cắt lấy một đoạn ký ức trong mộng, dệt thành một tấm áo phận duyên. Chỉ có điều, đâu phải mọi duyên phận trên đời đều như ý nguyện. Giống như bạn thích một chiếc áo, nhưng mặc lên người chưa chắc đã hợp, mà vận mệnh lại chẳng đo người cắt áo, mỗi khi vận mệnh không thuận theo mình, cũng đành nhẫn chịu mà thôi. Có lúc chọn bầu bạn cùng tịch mịch, để cõi lòng đôi khi nổi sóng dần lắng lại thành một dòng nước thanh tịnh trong trẻo, cũng coi như tu luyện được một cảnh giới Thiền nào đó. Mọi người đều nói tịch mịch là nỗi u buồn sinh ra khi yêu đến đậm sâu, kẻ ưa tịch mịch có lẽ sẽ chán ghét tình đời mưa gió, nhưng nhất định không trốn lánh non nước thiên nhiên. Chúng ta nên tin rằng, trên đời thực sự có dạng người như vậy, trước danh lợi trùng trùng thì nhìn mà không thấy, nhưng lại xao lòng trước một đóa hoa dại vô danh giữa núi rừng.
Mỗi khi bị tình duyên trói buộc, lại nhớ đến một câu thơ của Vương Duy: Đi theo nguồn nước đổ, ngồi ngắm áng mây bay. Thi tăng thời Đường đếm không xuể, nhưng Thi Phật thì chỉ có một Vương Ma Cật. Rất nhiều người đem lòng yêu mến ông là bởi cảnh thơ, có thể đưa người ta rời xa thế tục chỉ trong chớp mắt, lại giúp người đã lâm vào đường cùng tìm được cơ xoay chuyển nơi liễu mờ hoa tỏ. Có người chê ông tiêu cực, bị biếm trích sinh chán nản bèn khoác tay nải trốn vào núi Chung Nam, làm một hạt cải trước Phật. Gảy đàn hú vang giữa núi rừng yên tĩnh, mặc rêu xanh từ từ lan đầy vạt áo, Đại Đường thịnh thế như hoa, phảng phất đã thành cái ngoái đầu và lướt qua từ kiếp trước.
Mười năm đèn lạnh, đêm mưa giang hồ, Vương Duy chọn vào núi, không phải là một quyết định hấp tấp và mù mờ. Nếu không nếm hết nỗi quạnh hiu thế tình khi sênh ca bặt tiếng, triều đường biến loạn, trải qua cảnh tiêu điều thê lương cuối thu đằng đẵng, hẳn ông cũng không cương quyết quay lưng đến vậy. Từng say đắm ngâm khúc Tương tư , trồng một hạt đậu đỏ từ thời Đường hơn ngàn năm trước, mỗi con người trúng độc hoa tình đều muốn hái một hạt đậu đỏ xuống hòng tự giải. Ba ngàn dòng nước, sau cùng ông vẫn chọn núi rừng tịch mịch, chỉ núi rừng mới có thể hoàn toàn tách rời ông khỏi hồng trần huyên náo. Ông thật sự đã quá mệt rồi, bèn đi đến nơi nước cạn, ngồi xuống thong dong ngắm mây cuộn mây tản bên trời. Vui mừng cùng buồn đau đã trải, chớp mắt đều tiêu tan đi hết, ông chợt thấy mình thực vô tình, bởi không còn luyến lưu trần thế.
Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc, rốt cuộc là Phật vô tình hay nặng tình? Nếu vô tình, sao ngài vẫn thương xót chúng sinh, nếu nặng tình, sao ngài lại chẳng mảy may động lòng trước ái tình trần thế? Có lẽ sự vô tình của Phật là do tình sâu ngưng đọng lại, mà tình sâu của Phật, lại cần vô tình để buông bỏ. Vương Duy là kẻ nặng tình, song ngay cả ông cũng không biết, đến tận lúc già, ông vẫn thủy chung với tịch mịch nhường ấy. Núi sông là thứ tịch mịch, bất luận sự đời đã trải qua bao bể dâu dời đổi, núi sông vẫn im lặng vô ngôn như vậy. Vương Duy yêu chính là cái vô ngôn ấy, phải dùng tâm linh để giao lưu, khiến ông cảm thấy thực sự tĩnh tại, không có tổn thương, cũng không cần gánh lấy bất cứ tội nghiệt nào.
Đại Đường thịnh thế đáng tiếc đáng nhớ kia đột nhiên tiêu tan ngay trước mắt, danh lợi mà ông từng dốc lòng theo đuổi, lúc này đây, ở trong rừng núi, lại chẳng đổi được một cọng cỏ một nhành cây. Ở nơi này, giá trị của công danh còn thua một hạt bụi, chúng ta cứ nói thế tục quá đỗi thực tế, song núi rừng cũng vậy thôi. Nếu ta đem theo một trái tim lõi đời vào rừng núi thì sẽ bị tất cả sinh linh ở đây cự tuyệt. Duyên phận là chuyện giữa hai người, đôi đàng tình nguyện, người hoan kẻ ái, mới là có phận có duyên. Nếu chỉ một người động lòng thì không sao đi đến được lúc hoa nở, cũng không sao đi đến tột cùng, dù có đem tình sâu nhường nào vun xới che chở, nó vẫn sẽ chết yểu. Vương Duy hiểu điều đó, nên đã dứt bỏ hết tương tư nhân gian, chỉ chuyện trò cùng nước, tham thiền cùng mây.
Tháng ngày trong núi trôi qua rất nhanh, như sao băng vụt lóe, chớp mắt không biết đã mấy độ hoa nở hoa tàn. Tháng ngày trong núi dường như cũng dài đằng đẵng nên cỏ cây hoa lá nơi đây chẳng mảy may cải biến. Ngỡ rằng lìa trần thế đã lâu, lòng sẽ dần già cỗi, nào ngờ dây đàn sinh mệnh càng gảy càng vang, dưới ánh trăng trong, còn lấp lánh ánh thuần tịnh. Muôn ngàn khúc mắc rối ren trên thế gian đã bị gió mát trăng thanh nhẹ nhàng tháo gỡ. Đây chính là mối duyên giữa Vương Duy và sông núi, một mối duyên Thiền, khiến người ta ngưỡng mộ và mơ ước. Tuy nói rằng mỗi người chỉ cần giơ tay ra là chạm được gió mát, ngẩng mặt liền thấy mây trắng bay, ngồi lặng có thể nghe nước chảy, song nếu không có một tấm lòng tĩnh tại thì chẳng cách nào trò chuyện và cảm thụ sâu sắc được tự nhiên vạn vật. Vương Duy làm được như vậy, là bởi ông đã xa rời huyên náo, mến chuộng tịch mịch. Tôi là một kẻ ưa mơ mộng, thường mơ được rời xa trần thế, sống thư nhàn giữa non xanh nước biếc. Gảy đàn vẽ tranh, ngồi lặng tham thiền, mặc cho tháng năm như nước, mà tôi phải chăng cũng già đi? Có người nói rằng, đến khi già, sẽ cùng tôi vào núi ở. Không phải hứa hẹn, cũng chẳng phải thề thốt, chỉ bình thản nói vậy thôi. Tuy biết rõ là nói dối, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng, người có thể nói ra câu đó, hẳn cũng là kẻ ưa tĩnh mịch. Tiếc rằng trên đời này có biết bao người như vậy, lại bị vận mệnh kéo đi, không cách nào tự tại hít thở. Bởi thế nên ngay cả nhận lời một người, cũng nói hàm hồ như vậy, mà có ai lại khăng khăng chờ đợi vì một câu nói vô kỳ hạn vậy đâu?
Trong cuộc sống không như ý này, tôi luôn xúc động khôn cùng trước những câu thơ của Vương Duy, bởi tôi cũng yêu tịch mịch, yêu cái tịch mịch của non, của nước, của Thiền. Tôi nguyện nhìn một ông lão ngồi bên khe nước ngắm mây lên, hay nhàn tản buông câu cạnh dòng suối róc rách. Biết rõ lưỡi câu chẳng móc gì, mà vẫn mải miết ngồi câu lấy đôi phần nhàn tản. Tôi từng nói với người khác rằng, nét đẹp nhất của cuộc đời là sự mộc mạc. Mộc mạc thuần khiết không phải một đứa trẻ chưa hiểu việc đời, đôi mắt còn trong vắt; cái thuần khiết thực sự chính là một ông lão đã dày dạn gió sương, nếm đủ mùi vị thế gian, đến cuối cùng mới thấy cơm nhạt trà trong cũng đủ rồi. Cõi lòng ông đã gạn lọc hết những phức tạp rườm rà, còn lại, chỉ là thuần túy.
Tôi hi vọng có một ngày nào đó, tấm lòng mình có thể trong sáng như gương, để tôi có thể ngồi trước gương ngắm tóc mai điểm bạc, dung nhan già cỗi của bản thân mà không sinh lòng cảm thán, chỉ bình thản chờ đợi. Tôi cũng hi vọng, một ngày nào đó, tôi ngồi bên bờ nước cạnh chân mây, buông cần câu lấy cái bóng mình. Dù phải chịu một đời tịch mịch cũng cam lòng, bởi đó chỉ là sự cô quạnh của sinh mệnh, còn linh hồn vẫn đủ đầy viên mãn. Vậy cứ làm một bản thân an tĩnh đi, đặt những người mình bận tâm vào sâu trong đáy lòng, không khuấy động họ. Dù một ngày nào đó trong giấc mộng, vì chút rung động nhỏ nhoi mà lệ rơi đầy mặt thì sau khi tỉnh lại, cũng phải vờ như không có gì xảy ra. Có những người những việc đã định sẵn chỉ có thể gặp trong mộng mà thôi.
Để tôi làm một đóa mây nhàn tản, không có nơi đến, chẳng hay đường về, cứ trôi nổi trên bầu trời bao la ấy. Nếu người có duyên trông thấy, sẽ đem viết vào thơ, vẽ vào tranh, dệt vào mộng. Nhược bằng kẻ vô duyên thì lướt qua đi, lướt qua vậy, lướt qua không phải vô tình, mà là để duyên phận trôi đi lâu hơn xa hơn nữa
Trẻ từng yêu mùi đạo,
Già ở núi Nam này.
Lúc hứng riêng mình dạo,
Khi vui chỉ tự hay.
Ði theo nguồn nước đổ,
Ngồi ngắm áng mây bay.
Chợt gặp ông già núi,
Quên về, nói chuyện say.[1]
Vương Duy
[1] Bản dịch Lê Nguyễn Lưu.
Bạn đã bao giờ sinh lòng quyến luyến một người nào đó chưa từng gặp mặt chỉ vì một tờ thư pháp, một bức tranh, một khúc ca, hoặc thứ gì khác hay chưa? Có lẽ bạn cũng chẳng cố ý nhớ nhung, nhưng chút xúc cảm kia đã chạm phải tơ lòng, khiến bạn cứ vô tình nhớ đến. Thậm chí trong mộng cũng từng ngẫu ngộ đôi lần, song dẫu vậy, bạn vẫn không dám tùy tiện quấy nhiễu. Bởi rất nhiều người, rất nhiều việc chiêm bao thì đẹp, nếu tùy tiện đánh thức, chẳng những khuấy động sự bình yên của người ta, mà còn phá vỡ sự tĩnh tại của mình.
Cũng từng nghĩ tới việc cắt lấy một đoạn ký ức trong mộng, dệt thành một tấm áo phận duyên. Chỉ có điều, đâu phải mọi duyên phận trên đời đều như ý nguyện. Giống như bạn thích một chiếc áo, nhưng mặc lên người chưa chắc đã hợp, mà vận mệnh lại chẳng đo người cắt áo, mỗi khi vận mệnh không thuận theo mình, cũng đành nhẫn chịu mà thôi. Có lúc chọn bầu bạn cùng tịch mịch, để cõi lòng đôi khi nổi sóng dần lắng lại thành một dòng nước thanh tịnh trong trẻo, cũng coi như tu luyện được một cảnh giới Thiền nào đó. Mọi người đều nói tịch mịch là nỗi u buồn sinh ra khi yêu đến đậm sâu, kẻ ưa tịch mịch có lẽ sẽ chán ghét tình đời mưa gió, nhưng nhất định không trốn lánh non nước thiên nhiên. Chúng ta nên tin rằng, trên đời thực sự có dạng người như vậy, trước danh lợi trùng trùng thì nhìn mà không thấy, nhưng lại xao lòng trước một đóa hoa dại vô danh giữa núi rừng.
Mỗi khi bị tình duyên trói buộc, lại nhớ đến một câu thơ của Vương Duy: Đi theo nguồn nước đổ, ngồi ngắm áng mây bay. Thi tăng thời Đường đếm không xuể, nhưng Thi Phật thì chỉ có một Vương Ma Cật. Rất nhiều người đem lòng yêu mến ông là bởi cảnh thơ, có thể đưa người ta rời xa thế tục chỉ trong chớp mắt, lại giúp người đã lâm vào đường cùng tìm được cơ xoay chuyển nơi liễu mờ hoa tỏ. Có người chê ông tiêu cực, bị biếm trích sinh chán nản bèn khoác tay nải trốn vào núi Chung Nam, làm một hạt cải trước Phật. Gảy đàn hú vang giữa núi rừng yên tĩnh, mặc rêu xanh từ từ lan đầy vạt áo, Đại Đường thịnh thế như hoa, phảng phất đã thành cái ngoái đầu và lướt qua từ kiếp trước.
Mười năm đèn lạnh, đêm mưa giang hồ, Vương Duy chọn vào núi, không phải là một quyết định hấp tấp và mù mờ. Nếu không nếm hết nỗi quạnh hiu thế tình khi sênh ca bặt tiếng, triều đường biến loạn, trải qua cảnh tiêu điều thê lương cuối thu đằng đẵng, hẳn ông cũng không cương quyết quay lưng đến vậy. Từng say đắm ngâm khúc Tương tư , trồng một hạt đậu đỏ từ thời Đường hơn ngàn năm trước, mỗi con người trúng độc hoa tình đều muốn hái một hạt đậu đỏ xuống hòng tự giải. Ba ngàn dòng nước, sau cùng ông vẫn chọn núi rừng tịch mịch, chỉ núi rừng mới có thể hoàn toàn tách rời ông khỏi hồng trần huyên náo. Ông thật sự đã quá mệt rồi, bèn đi đến nơi nước cạn, ngồi xuống thong dong ngắm mây cuộn mây tản bên trời. Vui mừng cùng buồn đau đã trải, chớp mắt đều tiêu tan đi hết, ông chợt thấy mình thực vô tình, bởi không còn luyến lưu trần thế.
Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc, rốt cuộc là Phật vô tình hay nặng tình? Nếu vô tình, sao ngài vẫn thương xót chúng sinh, nếu nặng tình, sao ngài lại chẳng mảy may động lòng trước ái tình trần thế? Có lẽ sự vô tình của Phật là do tình sâu ngưng đọng lại, mà tình sâu của Phật, lại cần vô tình để buông bỏ. Vương Duy là kẻ nặng tình, song ngay cả ông cũng không biết, đến tận lúc già, ông vẫn thủy chung với tịch mịch nhường ấy. Núi sông là thứ tịch mịch, bất luận sự đời đã trải qua bao bể dâu dời đổi, núi sông vẫn im lặng vô ngôn như vậy. Vương Duy yêu chính là cái vô ngôn ấy, phải dùng tâm linh để giao lưu, khiến ông cảm thấy thực sự tĩnh tại, không có tổn thương, cũng không cần gánh lấy bất cứ tội nghiệt nào.
Đại Đường thịnh thế đáng tiếc đáng nhớ kia đột nhiên tiêu tan ngay trước mắt, danh lợi mà ông từng dốc lòng theo đuổi, lúc này đây, ở trong rừng núi, lại chẳng đổi được một cọng cỏ một nhành cây. Ở nơi này, giá trị của công danh còn thua một hạt bụi, chúng ta cứ nói thế tục quá đỗi thực tế, song núi rừng cũng vậy thôi. Nếu ta đem theo một trái tim lõi đời vào rừng núi thì sẽ bị tất cả sinh linh ở đây cự tuyệt. Duyên phận là chuyện giữa hai người, đôi đàng tình nguyện, người hoan kẻ ái, mới là có phận có duyên. Nếu chỉ một người động lòng thì không sao đi đến được lúc hoa nở, cũng không sao đi đến tột cùng, dù có đem tình sâu nhường nào vun xới che chở, nó vẫn sẽ chết yểu. Vương Duy hiểu điều đó, nên đã dứt bỏ hết tương tư nhân gian, chỉ chuyện trò cùng nước, tham thiền cùng mây.
Tháng ngày trong núi trôi qua rất nhanh, như sao băng vụt lóe, chớp mắt không biết đã mấy độ hoa nở hoa tàn. Tháng ngày trong núi dường như cũng dài đằng đẵng nên cỏ cây hoa lá nơi đây chẳng mảy may cải biến. Ngỡ rằng lìa trần thế đã lâu, lòng sẽ dần già cỗi, nào ngờ dây đàn sinh mệnh càng gảy càng vang, dưới ánh trăng trong, còn lấp lánh ánh thuần tịnh. Muôn ngàn khúc mắc rối ren trên thế gian đã bị gió mát trăng thanh nhẹ nhàng tháo gỡ. Đây chính là mối duyên giữa Vương Duy và sông núi, một mối duyên Thiền, khiến người ta ngưỡng mộ và mơ ước. Tuy nói rằng mỗi người chỉ cần giơ tay ra là chạm được gió mát, ngẩng mặt liền thấy mây trắng bay, ngồi lặng có thể nghe nước chảy, song nếu không có một tấm lòng tĩnh tại thì chẳng cách nào trò chuyện và cảm thụ sâu sắc được tự nhiên vạn vật. Vương Duy làm được như vậy, là bởi ông đã xa rời huyên náo, mến chuộng tịch mịch. Tôi là một kẻ ưa mơ mộng, thường mơ được rời xa trần thế, sống thư nhàn giữa non xanh nước biếc. Gảy đàn vẽ tranh, ngồi lặng tham thiền, mặc cho tháng năm như nước, mà tôi phải chăng cũng già đi? Có người nói rằng, đến khi già, sẽ cùng tôi vào núi ở. Không phải hứa hẹn, cũng chẳng phải thề thốt, chỉ bình thản nói vậy thôi. Tuy biết rõ là nói dối, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng, người có thể nói ra câu đó, hẳn cũng là kẻ ưa tĩnh mịch. Tiếc rằng trên đời này có biết bao người như vậy, lại bị vận mệnh kéo đi, không cách nào tự tại hít thở. Bởi thế nên ngay cả nhận lời một người, cũng nói hàm hồ như vậy, mà có ai lại khăng khăng chờ đợi vì một câu nói vô kỳ hạn vậy đâu?
Trong cuộc sống không như ý này, tôi luôn xúc động khôn cùng trước những câu thơ của Vương Duy, bởi tôi cũng yêu tịch mịch, yêu cái tịch mịch của non, của nước, của Thiền. Tôi nguyện nhìn một ông lão ngồi bên khe nước ngắm mây lên, hay nhàn tản buông câu cạnh dòng suối róc rách. Biết rõ lưỡi câu chẳng móc gì, mà vẫn mải miết ngồi câu lấy đôi phần nhàn tản. Tôi từng nói với người khác rằng, nét đẹp nhất của cuộc đời là sự mộc mạc. Mộc mạc thuần khiết không phải một đứa trẻ chưa hiểu việc đời, đôi mắt còn trong vắt; cái thuần khiết thực sự chính là một ông lão đã dày dạn gió sương, nếm đủ mùi vị thế gian, đến cuối cùng mới thấy cơm nhạt trà trong cũng đủ rồi. Cõi lòng ông đã gạn lọc hết những phức tạp rườm rà, còn lại, chỉ là thuần túy.
Tôi hi vọng có một ngày nào đó, tấm lòng mình có thể trong sáng như gương, để tôi có thể ngồi trước gương ngắm tóc mai điểm bạc, dung nhan già cỗi của bản thân mà không sinh lòng cảm thán, chỉ bình thản chờ đợi. Tôi cũng hi vọng, một ngày nào đó, tôi ngồi bên bờ nước cạnh chân mây, buông cần câu lấy cái bóng mình. Dù phải chịu một đời tịch mịch cũng cam lòng, bởi đó chỉ là sự cô quạnh của sinh mệnh, còn linh hồn vẫn đủ đầy viên mãn. Vậy cứ làm một bản thân an tĩnh đi, đặt những người mình bận tâm vào sâu trong đáy lòng, không khuấy động họ. Dù một ngày nào đó trong giấc mộng, vì chút rung động nhỏ nhoi mà lệ rơi đầy mặt thì sau khi tỉnh lại, cũng phải vờ như không có gì xảy ra. Có những người những việc đã định sẵn chỉ có thể gặp trong mộng mà thôi.
Để tôi làm một đóa mây nhàn tản, không có nơi đến, chẳng hay đường về, cứ trôi nổi trên bầu trời bao la ấy. Nếu người có duyên trông thấy, sẽ đem viết vào thơ, vẽ vào tranh, dệt vào mộng. Nhược bằng kẻ vô duyên thì lướt qua đi, lướt qua vậy, lướt qua không phải vô tình, mà là để duyên phận trôi đi lâu hơn xa hơn nữa
/46
|