Bách Huệ,
Mình viết thư cho bạn với tư cách của một người đã làm mẹ.
Con mình vừa ra đời hôm qua.
Thằng bé tóc đen nhánh.
Nó dài và mảnh khảnh.
Những ngày dơ dáy sau khi sinh nở chưa hết.
Trong một trăm ngày chồng mình và mình sẽ ngủ riêng.
Mình nghĩ bạn đang ở trong căn phòng trên gác nhà bạn.
Mình rất mong được nhận tin về con bạn.
Hãy sinh nó ra trên đời.
Cầu Phật Bà phụ hồ độ trì cho bạn.
Mình mong gặp bạn khôn xiết để biết bạn vẫn khỏe.
Hãy đến tham dự lễ đầy tháng của con mình nhé.
Bạn sẽ được đọc những gì mình viết về con trai mình trên chiếc quạt của chúng ta.
Tuyết Hoa
TÔI Rất MỪNG LÀ CON TRAI TUYẾT HOA sinh ra khỏe mạnh và tôi hy vọng nó vẫn sẽ luôn như thế, vì cuộc sống ở vùng này rất khắc nghiệt. Đàn bà vùng này chỉ mong ước có năm đứa con đến tuổi trưởng thành. Để làm được như vậy, chúng tôi phải mang bầu mỗi năm hoặc hai năm một lần. Nhiều đứa bé đã chết yểu vì mẹ sẩy thai, hoặc chết trong khi sinh ra, hoặc chết do bệnh tật. Con gái - dễ bị ốm yếu vì thiếu ăn và không được chăm sóc - không bao giờ vượt qua được sự yếu ớt của mình. Chúng tôi chết yểu - khi bị bó chân như em gái tôi, khi vượt cạn, hay vì phải làm việc quá vất vả mà ăn uống lại kham khổ - hoặc sống lâu hơn những người thân yêu. Những đứa con trai được quý như vàng cũng rất dễ bị chết, cơ thể chúng quá non bấy để có thể bám trụ, linh hồn của chúng bị ma quỷ dụ dỗ. Rồi, khi trở thành những người đàn ông, họ lại có nguy cơ dính vào đao kiếm, ngộ độc, những chuyện rắc rối trên đồng hay ngoài đường, hay do không chịu đựng nổi sự căng thẳng vì phải quản lý cả một đại gia đình. Đó là lý do tại sao ở đây có rất nhiều bà góa. Nhưng bất kể thế nào, thì năm năm đầu đời của những đứa trẻ, dù là trai hay gái, đều rất mong manh.
Tôi lo lắng không chỉ cho con trai Tuyết Hoa mà còn cho đứa bé tôi đang mang trong mình. Thật khổ sở khi lo sợ mà chẳng có một ai động viên hay an ủi mình. Khi tôi còn ở nhà, mẹ tôi quá bận rộn với việc thi hành các truyền thống và tục lệ nặng nề nên chẳng có thì giờ đâu mà cho tôi bất cứ lời khuyên thực tế nào, còn thím tôi, người đã từng bị sẩy nhiều lần, thì chỉ cố gắng dứt khoát tránh mặt tôi để vận rủi không ám vào tôi. Giờ khi đã về nhà chồng, tôi cũng không có một ai cả. Bố mẹ chồng tôi và chồng tôi tất nhiên đều lo lắng cho sức khỏe của đứa bé, nhưng không ai lo lắng rằng tôi có thể chết khi sinh người nối dõi tông đường cho họ.
Lá thư của Tuyết Hoa giống như một điềm lành đối với tôi. Nếu chuyện sinh nở của cô thuận lợi, thì chắc tôi và con tôi cũng sẽ vượt cạn suôn sẻ mà thôi. Tôi thấy mình mạnh mẽ lên khi hiểu ra rằng dù chúng tôi đều đã có cuộc sống mới, tình yêu của chúng tôi dành cho nhau đã không suy chuyển chút nào. Bất kể chuyện gì xảy ra, nó sẽ chỉ mạnh mẽ hơn khi chúng tôi dấn thân vào những ngày gạo muối. Qua những lá thư chúng tôi chia sẻ với nhau những thử thách và chiến thắng của mình, nhưng cũng như với mọi việc khác chúng tôi vẫn cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Vì đã là một người đàn bà về ở trong nhà chồng, chúng tôi phải từ bỏ cung cách thời con gái của mình. Chúng tôi viết những lá thư kiểu cũ rích, với những hình thức đã được chấp nhận và câu từ trang trọng. Phần vì chúng tôi là những kẻ xa lạ ở quê chồng, đang mải bận học cách sống của gia đình mới. Phần vì chúng tôi không biết chẳng may ai sẽ đọc được lá thư của chúng tôi.
Lời lẽ của chúng tôi phải thận trọng. Chúng tôi không được viết bất cứ điều gì quá tiêu cực về hoàn cảnh của mình. Việc này đòi hỏi phải khôn khéo, vì chính những bức thư của người đàn bà đã có chồng cũng cần phải có những lời phàn nàn thông thường - rằng chúng tôi đáng thương, chẳng có chút quyền hành nào, vắt kiệt sức làm việc, nhớ nhà và buồn bã. Chúng tôi được khuyến khích nói thẳng những cảm xúc của mình mà không tỏ ra vô ơn, tính toán, hay bất hiếu. Song cô gái nào trót vạch áo cho người xem lưng thì sẽ là làm nhục cả nhà bố mẹ đẻ lẫn nhà chồng, cho nên, bạn cũng biết đấy, đó là lý do tại sao tôi phải đợi cho đến khi họ đã qua đời cả mới viết câu chuyện này.
Trước hết, tôi là người may mắn, vì tôi chẳng gặp chuyện gì tồi tệ để mà thuật lại cả. Khi tôi được hứa hôn, tôi đã biết rằng chú của chồng tôi là một tiến sĩ, nấc thang cao nhất trong con đường học vấn thời phong kiến. Câu tục ngữ tôi nghe hồi còn nhỏ, “Một người làm quan cả họ được nhờ,” giờ rõ ràng là đúng. Chú Lữ sống ở kinh thành và giao quyền quản lý toàn bộ điền sản của mình cho ông chủ Lữ, bố chồng tôi. Hầu như ngày nào trước khi mặt trời ló dạng ông đã đi ra đồng nói chuyện với những người nông dân về vụ mùa, coi sóc việc tưới tiêu, và gặp gỡ những người lớn tuổi khác ở Thông Khẩu. Tất cả công việc tính toán và trách nhiệm về mọi chuyện diễn ra trên khu điền sản này đều đặt cả lên vai ông. Chú Lữ tiêu tiền mà không hề phải bận tâm xem tiền được rót vào hầu bao của mình như thế nào. Bố chồng tôi làm việc suôn sẻ là nhờ có hai người em trai sống trong những ngôi nhà riêng gần đó - dù không đẹp được như vậy. Họ thường tới nhà chồng tôi ăn cơm tối, còn vợ họ thì hầu như ngày nào cũng có mặt trên buồng phụ nữ ở nhà chồng tôi. Nói cách khác, mọi người trong nhà họ Lữ - đến cả chó mèo, cho tới năm đứa ở gái chân to dưới bếp - đều được hưởng lợi từ địa vị của ông.
Chú Lữ là ông chủ lớn nhất, nhưng tôi đã giữ vững được vị trí của mình vì là con dâu trưởng và lại sinh được con trai đầu lòng cho chồng tôi. Ngay khi con tôi được sinh ra và bà đỡ đặt nó vào tay tôi, tôi sung sướng đến mức quên ngay tắp lự cơn đau sinh nở và cảm thấy yên lòng vì không còn lo lắng có điều gì tồi tệ xảy ra với nó nữa. Mọi người trong nhà đều vui mừng và thể hiện sự biết ơn đối với tôi bằng nhiều cách. Mẹ chồng tôi nấu cho tôi món canh đặc biệt với một ít rượu, gừng và lạc để tôi sớm có sữa và co dạ con. Bố chồng tôi bảo những người thiếp của ông mang đến cho tôi những tấm lụa màu lam thêu kim tuyến để tôi có thể may cho thằng cháu đích tôn của ông một cái áo khoác. Chồng tôi ngồi cạnh và trò chuyện với tôi.
Vì những lý do đó mà tôi đã bảo những cô gái trẻ về làm dâu nhà họ Lữ, cũng như những người khác mà tôi gặp gỡ khi truyền dạy nữ thư, rằng họ nên mau chóng sinh con trai. Những đứa con trai chính là chỗ dựa của người đàn bà. Chúng mang lại cho họ bản sắc riêng, cũng như phẩm giá, sự che chở và tiền bạc. Chúng là sợi dây liên kết giữa người chồng và tổ tiên của anh ta. Đây là một thành tựu mà người đàn ông không thể nào đạt được nếu không có vợ anh ta. Chỉ người vợ mới có thể đảm bảo cho việc duy trì dòng dõi. Mà đó cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của mọi đấng nam nhi, là cách tốt nhất để anh ta hoàn thành bổn phận làm con của mình. Còn đối với người đàn bà, con trai chính là hạnh phúc viên mãn. Tôi đã làm trọn vẹn việc đó và tôi sung sướng ngất ngây.
Tuyết Hoa,
Con trai mình đang nằm cạnh mình.
Thời gian dơ bẩn sau khi sinh nở cũng chưa hết.
Chồng mình đến thăm mình mỗi sáng.
Nét mặt anh lộ rõ vẻ hạnh phúc.
Đôi mắt con trai mình cứ nhìn mình như muốn hỏi.
Mình không thể đến gặp bạn vào dịp đầy tháng con bạn được.
Vậy bạn hãy viết những lời hay đẹp nhất cho con trai của mình trên chiếc quạt nhé.
Hãy kể cho mình nghe về gia đình mới của bạn.
Mình không gặp chồng mình thường xuyên lắm. Bạn thì sao?
Mình nhìn qua song cửa về phía nhà bạn.
Bạn luôn luôn hát ca trong trái tim mình.
Mình nghĩ tới bạn mỗi ngày.
Bách Huệ
Tại sao người ta lại gọi những ngày này là ngày gạo muối? Vì đó là chuỗi ngày bạn phải làm những công việc nội trợ thông thường: thêu thùa, dệt vải, may vá, khâu giày, nấu nướng, rửa bát đĩa, lau nhà cửa, giữ cho bếp luôn đỏ lửa, và luôn sẵn sàng ân ái với người đàn ông mà mình vẫn chưa hề hiểu hết. Đó cũng là những ngày chỉ toàn âu lo và cực nhọc của một người mẹ trẻ với đứa con đầu lòng. Tại sao nó khóc? Nó đói chăng? Nó bú no chưa? Nó có bao giờ ngủ không? Nó có ngủ quá nhiều không? Và lại còn những cơn sốt, mụn nhọt, rệp cắn, quá nóng, quá lạnh, đau bụng, ấy là chưa thể hết tất cả những bệnh tật lan tràn trong vùng và cướp đi bao đứa trẻ hàng năm, bất chấp những nỗ lực của các thầy lang, bất chấp việc cúng bái của gia đình, và nước mắt của những người mẹ? Ngoài đứa trẻ đang bú trên ngực ra, bạn còn phải lo lắng hơn nữa về trách nhiệm thực sự của người đàn bà: sinh thêm nhiều con trai hơn nữa để đảm bảo cho thế hệ tiếp theo và các thế hệ sau đó nữa. Nhưng trong suốt những tuần đầu tiên của cuộc đời con trai, tôi lại lo lắng đến chuyện khác, không liên quan gì đến trách nhiệm của nàng dâu, người vợ hay người mẹ.
Khi tôi xin phép mẹ chồng mời Tuyết Hoa đến dự lễ đầy tháng của con trai tôi, bà đã nói không. Sự khinh thường này là một điều mà những người trong vùng xem như sự sỉ nhục khủng khiếp. Tôi cảm thấy tan nát cõi lòng và bối rối vì bà sẽ làm thế nhưng không thể làm gì để thay đổi quyết định của bà được. Ngày đó lại là một trong những dịp lễ tiết quan trọng và tưng bừng nhất trong cuộc đời tôi, và tôi phải tận hưởng nó mà không có Tuyết Hoa ở bên cạnh. Gia đình họ Lữ đến viếng miếu thờ họ để ghi tên con trai tôi lên bức tường bên cạnh tên tất cả những thành viên khác trong gia đình. Những quả trứng đỏ - một biểu tượng của cuộc sống, được nhuộm đỏ cho buổi lễ - được đưa đến cho khách khứa và họ hàng. Bữa tiệc lớn được dọn ra với món canh yến xào, chim ướp muối sáu tháng, và vịt cho uống rượu rồi hầm nhừ với gừng, tỏi, ớt đỏ hoặc ớt xanh cay. Sau tất cả những điều đó, tôi nhớ Tuyết Hoa kinh khủng, nên sau đó tôi viết thư miêu tả cặn kẽ nhất những chi tiết mà tôi có thể nhớ, không hề nghĩ rằng chúng có thể sẽ gợi cô nhớ về quá khứ đáng sợ. Có vẻ như cô đã chấp nhận sự sa sút đó, vì cô gửi tới cho tôi món quà là chiếc áo em bé có thêu họa tiết và một chiếc mũ được trang trí với những hoạt tiết xinh xắn.
Khi mẹ chồng tôi nhìn thấy những thứ ấy, bà nói, “một người mẹ phải thận trọng khi lựa chọn những ai bước vào cuộc đời mình. Mẹ của con trai cô không thể kết giao với vợ của một tay đồ tể được. Mẹ hiền mới dạy con thảo được, và chúng ta mong cô hãy nghe theo mong muốn của chúng ta.”
Nghe vậy, tôi biết rằng gia đình chồng tôi không chỉ muốn Tuyết Hoa không đến dự buổi tiệc này, mà họ còn muốn tôi không gặp Tuyết Hoa nữa. Tôi kinh hoàng, hoảng sợ, lại vì vừa sinh con, tôi khóc suốt. Tôi không biết phải làm gì. Tôi sẽ phải chống lại bố mẹ chồng tôi trong chuyện này mà không hề nhận ra điều đó nguy hiểm đến mức nào.
Trong khi chờ đợi, hầu như ngày nào Tuyết Hoa và tôi cũng bí mật viết thư cho nhau. Tôi nghĩ rằng tôi biết tất cả về nữ thư và không bao giờ nên để cho đàn ông đụng đến hay nhìn thấy chúng, nhưng bây giờ khi sống ở nhà họ Lữ, nơi mà tất cả đàn ông đều biết chữ viết của nam giới, tôi nhận thấy chữ viết bí mật của người phụ nữ không còn bí mật gì cho lắm. Rồi tôi lại phát hiện ra là đàn ông khắp vùng này đều biết đến nữ thư. Làm sao mà không biết được cơ chứ? Họ đi những đôi giày có thêu nữ thư. Họ nhìn thấy chúng tôi thêu những lá thư trên vải. Họ nghe chúng tôi hát và phô ra cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới của mình. Chỉ có điều họ coi chữ viết của chúng tôi là thấp kém.
Người ta bảo trái tim đàn ông làm bằng sắt, còn trái tim đàn bà làm bằng nước. Điều này thể hiện qua chữ viết của đàn ông và chữ viết của đàn bà. Chữ viết của đàn ông có hơn 50.000 chữ, mỗi chữ lại khác nhau hoàn toàn, mỗi chữ lại có ý nghĩa và sắc thái sâu sắc. Chữ viết của đàn bà chỉ có hơn 600 ký tự, mà chúng tôi dùng để biểu âm, giống như những đứa bé, để tạo ra hơn 10.000 từ. Học chữ viết của đàn ông phải mất cả đời. Còn chữ viết của đàn bà là cái mà chúng tôi thu lượm từ khi còn con gái, rồi dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa. Đàn ông viết về những chuyện bên ngoài như văn chương, sổ sách và sản lượng mùa màng; phụ nữ viết những chuyện trong nhà về con cái, công việc nội trợ hàng ngày, và cảm xúc. Những người đàn ông trong nhà họ Lữ cũng rất hãnh diện vì vợ họ thông thạo nữ thư và thêu thùa khéo léo, mặc dù những thứ đó có ý nghĩa đối với việc sinh tồn cũng chỉ ngang với cái rắm của con lợn.
Vì đàn ông tưởng rằng chữ viết của chúng tôi là thứ vớ vẩn, họ không buồn chú ý đến những lá thư mà tôi gửi đi hay nhận được. Nhưng mẹ chồng tôi lại khác. Tôi phải tìm cách qua mắt được bà. Vì giờ bà không yêu cầu khai báo là tôi đang viết thư cho ai, và trong vài tuần kế tiếp Tuyết Hoa và tôi thiết kế một hệ thống truyền thư hoàn hảo. Chúng tôi dùng Dũng Cảm chạy qua chạy lại giữa hai thôn để chuyển những bức thư của chúng tôi, những chiếc khăn tay thêu, và vải dệt. Tôi thích ngồi bên song cửa và trông sang cô. Nhiều lần tôi nghĩ tôi có thể tự đi một chuyến xem sao. Chỗ đó không xa lắm và chân tôi cũng đủ khỏe để đi quãng đường ấy, nhưng chúng tôi có nguyên tắc kiểm soát những chuyện như vậy. Ngay cả nếu một người đàn bà có thể đi được quãng đường xa, cô ta cũng không nên để người khác thấy mình một mình trên đường. Mối nguy bị những kẻ hạ lưu bắt cóc luôn rình chờ, còn thanh danh thậm chí còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn nếu người đàn bà đó không có người hộ tống đúng đắn - chồng, các con trai, bà mối hay phu kiệu. Lẽ ra tôi có thể đi bộ đến nhà Tuyết Hoa, nhưng tôi chưa bao giờ dám mạo hiểm làm điều đó.
Bách Huệ,
Bạn hỏi về gia đình mới của mình.
Mình rất may mắn.
Hồi ở nhà, mình không hề thấy hạnh phúc.
Mẹ mình và mình im lặng cả ngày lẫn đêm.
Những người thiếp, các anh em của mình, các chị em của mình, và người hầu trong nhà cũng bỏ đi.
Nhà mình trống huơ trống hoác.
Ở đây mình có mẹ chồng, bố chồng, chồng mình và các em gái của anh ấy.
Ở đây không có thê thiếp hay người hầu.
Chỉ có mình đảm nhiệm hết.
Mình không ngại vất vả.
Mọi thứ cần biết mình đã học được từ bạn, từ chị, mẹ, và thím của bạn.
Nhưng những người đàn bà ở đây không như ở nhà bạn.
Họ không thích vui đùa.
Họ không kể chuyện.
Mẹ chồng mình tuổi chuột.
Bạn có thể nghĩ xem còn có ai tệ hơn nữa cho một người tuổi ngựa không?
Chuột thì luôn cho là ngựa ích kỷ và không suy nghĩ cho người khác, dù mình không như vậy.
Còn ngựa thì tin rằng chuột đầy mưu mô và đòi hỏi khắt khe, đúng như tính cách của bà ấy.
Nhưng bà ấy không đánh đập mình.
Bà ấy không la mắng mình tệ hơn những gì tập tục quy định đối với một cô con dâu mới.
Bạn có nghe tin gì về bố mẹ mình không?
Trong mấy ngày mình về nhà chồng
Bố mẹ mình đã bán nốt những đồ đạc cuối cùng.
Họ đem theo tiền và trốn đi trong đêm.
Là ăn mày, họ sẽ không phải đóng thuế hay trả những món nợ khác.
Nhưng không biết giờ họ ở đâu?
Mình lo lắng cho mẹ mình.
Không biết bà còn sống không?
Hay là mẹ đã qua đời?
Mình không biết nữa.
Có lẽ mình sẽ không bao giờ còn được gặp lại mẹ nữa.
Ai có thể đoán trước là gia đình mình lại suy vi đến thế?
Chắc họ đã gây nghiệp chướng gì ở kiếp trước.
Nhưng nếu họ đã làm vậy, thì mình sẽ ra sao nhỉ?
Bạn có nghe được bất cứ tin gì có thể nói cho mình biết với không?
Và bạn có hạnh phúc không?
Tuyết Hoa
Giờ khi tôi biết được cái tin bi thảm về bố mẹ Tuyết Hoa, tôi bắt đầu nghe ngóng kỹ càng hơn những chuyện bàn tán về nhà Tuyết Hoa. Những nhà buôn và những người bán hàng rong ruổi khắp vùng kể rằng họ nhìn thấy bố mẹ Tuyết Hoa ngủ dưới một cái cây, xin ăn, hay mặc áo quần dơ bẩn và rách nát. Tôi vẫn thường nghĩ xem gia đình lão đồng giàu sang thanh thế đến mức nào ở Thông Khẩu và người mẹ xinh đẹp của cô đã cảm thấy ra sao khi về làm dâu một gia đình gốc gác quan lại. Giờ trông bà ấy mới thảm hại làm sao. Tôi lo cho đôi chân bó của bà. Không còn những người bạn có địa vị vai vế, bố mẹ của Tuyết Hoa bị phó mặc cho sự khoan dung của trời đất. Không còn nhà cửa cha mẹ, Tuyết Hoa còn kém cả kẻ mồ côi. Tôi nghĩ thà rằng bố mẹ đã chết, để bạn thờ cúng và kính yêu tổ tiên mình, còn hơn bố mẹ phiêu bạt trong cuộc sống tạm bợ của kẻ ăn mày. Làm thế nào cô biết được khi họ qua đời? Làm sao cô có thể chuẩn bị một đám tang theo đúng lễ nghi, dọn dẹp mồ mả mỗi dịp năm mới, hay làm họ khuây khỏa khi họ đau khổ ở thế giới bên kia? Việc cô đang khổ tâm mà không có tôi để nghe cô giãi bày khiến tôi day dứt và đối với cô chắc khó mà chịu đựng nổi.
Như câu hỏi sau cùng của Tuyết Hoa - tôi có hạnh phúc không? Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi có nên viết về những người đàn bà trong gia đình mới của tôi không? Căn buồng phụ nữ mới của tôi là nơi tụ tập của quá nhiều đàn bà, mà lại chẳng ai ưa ai cả. Tôi là con dâu trưởng, nhưng không bao lâu sau khi tôi đến Thông Khẩu thì vợ của em trai thứ hai cũng về nhà này. Cô ta có mang ngay lập tức. Cô vừa tròn mười tám tuổi và khóc suốt vì nhớ nhà. Cô sinh được một đứa con gái, điều đó làm mẹ chồng tôi thất vọng và khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Tôi cố gắng kết thân với nàng dâu thứ, nhưng cô cứ nép vào một góc với giấy, mực và bút lông, liên tục viết thư cho mẹ và các chị em kết nghĩa, hiện vẫn còn ở trong thôn cô. Lẽ ra tôi có thể kể với Tuyết Hoa về những cung cách khó coi mà nàng dâu thứ cố gắng làm để gây ấn tượng với bà Lữ bằng cách liên tục khấu đầu, thì thầm những lời xun xoe nịnh nọt, và vận động ngầm để có được địa vị, trong khi ba người thiếp của ông chủ Lữ thì cãi nhau chí chóe suốt ngày, những đố kỵ tủn mủn làm mặt mũi họ xưng xỉa và bụng dạ giận sôi lên, nhưng tôi không dám viết những sự vụ này ra giấy.
Liệu tôi có thể kể với Tuyết Hoa về chồng tôi không? Tôi nghĩ là có, nhưng tôi chẳng biết phải viết gì. Tôi ít khi gặp anh, và khi gặp thì thường là anh đang nói chuyện với ai khác hoặc đang làm những công việc quan trọng. Suốt thời gian ban ngày, anh ra ngoài xem xét đo đạc những cánh đồng và coi sóc việc mùa màng ngoài đó, còn tôi thì thêu thùa hoặc làm những việc nhà trong căn buồng phụ nữ. Tôi chuẩn bị bữa sáng, trưa và tối cho anh, nhớ lại dáng điệu đoan trang và lặng lẽ của Tuyết Hoa khi cô thể hiện ở bàn ăn của gia đình tôi. Anh không nói chuyện với tôi trong những lúc như vậy. Thỉnh thoảng anh ghé qua căn phòng chung của chúng tôi để thăm con trai và ngủ với tôi. Tôi thừa nhận rằng chúng tôi cũng giống như mọi cặp vợ chồng khác - như vợ chồng Tuyết Hoa chẳng hạn - nên cũng chẳng có gì thú vị để mà kể cả.
Tôi biết trả lời sao đây với câu hỏi của Tuyết Hoa rằng tôi có hạnh phúc không, trong khi xung đột chính trong cuộc đời tôi lại là vì quan hệ với cô?
“Ta biết rằng cô đã học được nhiều điều tốt từ Tuyết Hoa,” một hôm mẹ chồng tôi nói vậy khi bà bắt gặp tôi viết thư cho lão đồng của mình, “và chúng ta biết ơn vì điều đó. Nhưng cô ta không còn là người thôn này nữa, cô ta cũng không còn nhận được sự bảo trợ của ông chủ Lữ. Ông ấy không thể mà cũng không nên cố gắng thay đổi số phận của cô ta làm gì. Cô cũng biết đấy, chúng ta có những luật lệ quản lý các bà vợ khi có xô xát và tranh chấp địa giới. Là những vị khách đàn bà, các bà vợ sẽ không bị làm hại trong những mối cừu hận, trong những vụ tấn công, hay trong xô xát, vì chúng ta được xem là sở thuộc của cả quê chồng lẫn quê mình. Cô biết đấy, Bách Huệ, vì là vợ nên chúng ta nhận được sự che chở và chung thủy của cả hai nơi. Nhưng nếu có chuyện gì đó xảy ra với cô ở thôn của Tuyết Hoa, thì bất cứ điều gì chúng ta làm đều có thể dẫn tới việc bị trả thù và thậm chí có thể là xô xát liên miên.
Tôi lắng nghe những lời biện minh của bà Lữ, nhưng tôi biết lý do của bà còn sâu xa hơn nhiều. Gia đình bố mẹ đẻ Tuyết Hoa sa sút còn cô thì bị gả cho một kẻ ô uế. Gia đình chồng tôi chỉ đơn giản là không muốn tôi kết giao với cô ấy.
“Số phận của Tuyết Hoa đã được định trước,” mẹ chồng tôi tiếp tục, dám thử đến gần hơn với sự thật, “và số phận của nó không còn gặp gỡ số phận của cô ở bất kỳ điểm nào nữa. Ông chủ Lữ và ta sẽ rất có thiện cảm với một cô con dâu quyết định phá bỏ thỏa ước với một người đã không còn là lão đồng đích thực nữa. Nếu cô cần có bạn có bè, ta cho cô biết là ta sẽ giới thiệu cô với mấy cô gái trẻ mới cưới về Thông Khẩu.”
“Con sẽ ghi nhớ lời mẹ. Cảm ơn mẹ,” tôi lầm bầm miễn cưỡng, mà trong lòng tôi gào thét lên kinh hãi. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ!
“Họ muốn cô gia nhập vào hội chị em kết nghĩa sau khi lấy chồng của họ đấy.”
“Vâng. Cảm ơn mẹ…”
“Cô nên coi lời mời của họ là niềm vinh dự.”
“Con sẽ làm vậy.”
“Điều ta muốn nói là cô phải gạt bỏ Tuyết Hoa ra khỏi tâm trí mình,” mẹ chồng tôi nói, và kết thúc bằng một lời răn quen thuộc, chỉ có điều là nói khác đi. “Ta không muốn những kỷ niệm về cô gái bất hạnh đó ảnh hưởng đến cháu nội của ta.”
Mấy người thiếp che miệng cười khẩy. Họ thích thú khi nhìn thấy tôi đau khổ. Trong những lúc như vậy, địa vị của họ được nâng lên còn của tôi thì bị hạ xuống. Nhưng bất chấp những lời trách mắng liên tục khiến những người ấy lấy làm thích thú và làm tôi sợ chết khiếp, mẹ chồng tôi vẫn đối tốt với tôi còn hơn mẹ đẻ. Bà tuân thủ mọi nguyên tắc, như Tuyết Hoa đã nói. “Tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu; phu tử tòng tử.” Tôi đã nghe điều này cả đời mình, vì thế tôi không hề sợ nó. Nhưng một hôm, trong lúc bực mình với bố chồng tôi, mẹ chồng tôi dạy tôi một châm ngôn khác: “Phải tuân phục, tuân phục, tuân phục, rồi mới được làm những gì cô muốn.” Bây giờ, bố mẹ chồng có thể ngăn cản tôi gặp gỡ Tuyết Hoa, nhưng họ không thể xóa bỏ tình yêu của tôi dành cho cô.
Tuyết Hoa,
Chồng mình đối xử tốt với mình.
Mình còn không biết hết đất đai của gia đình mình ở những đâu.
Mình cũng phải làm việc vất vả.
Mẹ chồng mình theo dõi tất cả mọi chuyện mình làm.
Những người đàn bà trong nhà mình đều giỏi nữ thư.
Mẹ chồng dạy mình nhiều từ mới.
Mình sẽ chỉ cho bạn khi chúng ta gặp nhau lần tới.
Mình thêu thùa, may vá, khâu giày.
Mình xe sợi và chuẩn bị bữa ăn.
Mình có một đứa con trai.
Cầu Phật Bà phù hộ cho mình có thêm một đứa con trai khác.
Cả bạn cũng vậy.
Hãy nghe mình.
Bạn phải phục tùng chồng bạn.
Bạn phải nghe lời mẹ chồng bạn.
Mình muốn bạn đừng có lo lắng nhiều.
Thay vì đó, hãy nhớ những lúc hai đứa thêu thùa và đêm đến cùng nhau thì thầm.
Chúng ta là đôi uyên ương.
Chúng ta là đôi loan phượng cùng nhau bay lượn trên bầu trời
Bách Huệ
Trong lá thư tiếp theo, không thấy Tuyết Hoa nói gì đến gia đình mới của cô mà hơn thế chỉ nói rằng con trai cô đã biết ngồi. Khi kết thúc, cô lại hỏi thăm về cuộc sống của tôi.
Kể cho mình nghe về những bữa ăn và những cuộc bàn luận ở nhà bạn đi
Họ có trích dẫn thi, thư, lễ, nhạc khi ăn không?
Mẹ chồng của bạn có kể chuyện vui cho nam giới trong nhà nghe không?
Bà có cùng hát cho họ nghe để giúp họ tiêu hóa tốt không?
Tôi cố gắng trả lời thành thật. Những người đàn ông trong nhà tôi chỉ bàn bạc về chuyện tiền nong: còn mảnh đất nào để họ có thể cho thuê không, ai sẽ cày cấy trên đó, họ có thể thu khoản địa tô là bao nhiêu, thuế má thế nào. Họ cũng khao khát vươn lên “cao hơn” để “đứng trên đầu ngọn núi”. Mọi gia đình đều nói những điều đó vào dịp năm mới, kết hợp với những món ăn đặc biệt gợi lên ước nguyện đó - nhìn vào món ăn mà biết chính xác nó nói lên ước nguyện gì. Nhưng gia đình chồng tôi làm hết sức để đạt được chúng. Điều đó làm những cuộc trò chuyện trở nên tẻ ngắt và tôi chẳng hiểu nổi, mà cũng không bận tâm tìm hiểu làm gì. Họ đã giàu có hơn bất kỳ ai ở Thông Khẩu. Tôi không tưởng tượng nổi họ còn muốn gì nữa, nhưng không bao giờ họ thôi khát khao vươn lên tới đỉnh.
Tôi hy vọng Tuyết Hoa giờ đã hạnh phúc hơn, quen hơn với hoàn cảnh - mọi người vợ đều phải thế - hoàn toàn khác với mọi thứ trong cuộc sống của cô trước đây. Một buổi chiều tối, khi đang cho con trai bú, tôi nghe bà Vương dừng kiệu trước ngưỡng cửa nhà tôi. Tôi mong bà ấy sẽ lên gác. Thay vì đó lại là mẹ chồng tôi bước vào phòng và cau mày tỏ ý không hài lòng bỏ lá thư xuống cái bàn bên cạnh tôi. Ngay khi con trai tôi ngủ, tôi kéo ngọn đèn dầu lại gần và mở bức thư ra. Tôi thấy ngay là hình thức của lá thư đã khác đi. Lòng bồn chồn, tôi bắt đầu đọc.
Bách Huệ,
Mình ngồi ở cầu thang mà khóc. Mình nghe chồng mình đang giết lợn ngoài kia. Anh ta càng ngày càng vi phạm trầm trọng điều răn cấm sát sinh.
Khi mình mới về nhà chồng, mẹ chồng mình bắt mình đứng trên thềm nhà và nhìn một con lợn bị giết để mình biết được phương kế sinh nhai của nhà mình. Chồng và bố chồng mình mang lợn đến cổng nhà. Nó bị trói vào một cái sào hai đầu đặt trên vai bố chồng mình và chồng mình, bốn vó chổng lên trời. Con lợn ở giữa họ, kêu eng éc suốt. Nó biết điều gì sẽ xảy ra. Mình phải nghe việc này nhiều lần lắm rồi, vì chúng đều biết chuyện gì sắp xảy ra và tiếng kêu của chúng thường xuyên vang khắp thôn.
Bố chồng mình đặt con lợn xuống cạnh cái chảo lớn đựng nước sôi. (Bạn có nhớ cái chảo ở ngoài sân nhà mình không? Cái chảo đặt trên thềm ấy? Dưới đó một chút là chỗ để đun). Chồng mình cắt tiết con lợn. Đầu tiên, anh ta hứng máu để làm tiết canh, sau đó anh ta vần con lợn vào trong cái chảo. Con lợn được luộc qua để làm mềm da. Chồng mình bảo mình cạo lông con lợn. Mình khóc suốt, nhưng không ầm ĩ như tiếng lợn kêu ban nãy. Mình nói với họ rằng mình sẽ không muốn nhìn hay tham gia vào cái việc ô uế này thêm một lần nào nữa. Mẹ chồng mình sỉ mắng mình là đồ bạc nhược.
Càng ngày mình càng giống bà vợ họ Vương. Bạn có nhớ dì mình từng kể cho chúng ta nghe câu chuyện đó không? Mình đã trở thành người ăn chay. Mẹ chồng mình không bận tâm. Họ lại càng có thêm nhiều thịt để ăn.
Mình cô độc trên thế giới này, chỉ còn có bạn và con trai mình.
Mình ước gì mình chưa bao giờ lừa dối bạn. Mình hứa sẽ luôn luôn chỉ nói sự thật với bạn, nhưng mình không muốn bạn biết về cuộc đời bẩn thỉu của mình.
Mình ngồi bên cửa sổ và nhìn qua những cánh đồng về phía thôn cũ. Mình tưởng tượng bạn cũng đang ngồi bên cửa sổ và nhìn về phía mình. Trái tim mình bay qua những cánh đồng để đến với bạn. Bạn đang ngồi ở đó chứ? Bạn có nhìn mình không? Bạn có cảm thấy mình không?
Vắng bạn mình rất buồn. Mình xin bạn hãy viết thư hoặc đến thăm mình.
Tuyết Hoa
Thật khủng khiếp! Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ về phía thôn Cẩm Điền, ước gì ít ra tôi cũng có thể nhìn thấy Tuyết Hoa. Tôi cảm thấy kinh hãi khi biết cô đang khổ sở mà tôi thì chẳng thể vòng tay ôm lấy cô để an ủi. Trước mặt mẹ chồng tôi và những người đàn bà khác trong buồng tôi lôi ra một tờ giấy và mực đã pha. Trước khi nhấc bút lông lên, tôi đọc lại thư của Tuyết Hoa. Đó là lần đầu tiên tôi thấm thía hết nỗi buồn của cô. Giờ tôi nhận ra rằng cô đã phá vỡ lề thói viết thư truyền thống mà những người vợ phải tuân theo khi dùng nữ thư để viết về cuộc sống của mình thẳng thắn và trung thực.
Với hành động táo bạo của cô, tôi nhận ra mục đích thật sự của chữ viết bí mật của chúng tôi. Nó không chỉ là để bọn con gái viết cho nhau những bức thư ngắn hay để giới thiệu chúng tôi với những người đàn bà trong gia đình chồng. Nó đem đến cho chúng tôi một tiếng nói. Nữ thư là phương tiện thay cho đôi chân bị bó đưa chúng tôi đến được với nhau, để những suy nghĩ của chúng tôi bay qua những cánh đồng như Tuyết Hoa từng nói. Những người đàn ông trong gia đình chúng tôi chẳng muốn chúng tôi có bất cứ điều gì quan trọng để mà bày tỏ. Họ cũng không bao giờ mong chúng tôi có những cảm xúc hay thể hiện những ý tưởng sáng tạo nào đó. Đám đàn bà - mẹ chồng tôi và những người đàn bà khác - còn phong tỏa chúng tôi khủng khiếp hơn. Nhưng kể từ giờ, tôi hy vọng Tuyết Hoa và tôi sẽ có thể viết ra sự thật về cuộc sống của mình, dù chúng tôi ở bên nhau hay xa cách nhau. Tôi muốn tuôn ra những câu quá phổ biến của các bà vợ trong những ngày gạo muối và những suy nghĩ thực của tôi. Chúng tôi sẽ viết như khi chúng tôi chụm đầu vào nhau để thủ thỉ trò chuyện trong căn buồng trên gác ở nhà bố mẹ tôi.
Tôi phải đi gặp Tuyết Hoa và nói với cô là mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nếu tôi đi thăm cô trái với mong muốn của mẹ chồng tôi, tôi sẽ phạm phải một trong những tội lỗi tày đình. Tội lén lút trốn đi viết và đọc thư còn nhẹ hơn tội này, nhưng tôi phải làm thế nếu muốn gặp lão đồng của mình.
Tuyết Hoa,
Cứ nghĩ đến việc bạn phải ở nhà đó là mình lại khóc. Bạn quá tốt để phải chịu những điều tồi tệ như vậy. Chúng ta phải gặp nhau. Hãy về nhà bố mẹ mình vào hội Đuổi Chim. Chúng ta sẽ đưa con trai mình theo nữa. Chúng ta sẽ lại vui vẻ. Bạn sẽ quên đi những điều phiền muộn của mình. Hãy nhớ rằng ở bên cạnh chiếc giếng người ta không khát. Ở bên cạnh một người chị em người ta không tuyệt vọng. Trong tim mình, mình mãi mãi là người chị em của bạn.
Bách Huệ
Ngồi ở khuê phòng, tôi lên kế hoạch và bày mưu, nhưng tôi thấy sợ. Đơn giản là thượng sách - tôi sẽ đón Tuyết Hoa đi cùng kiệu trên đường về nhà - nhưng đó cũng là cách dễ bị phát hiện nhất. Mấy bà thiếp có thể nhìn qua song cửa sổ và thấy chiếc kiệu của tôi rẽ phải về phía Cẩm Điền. Nguy hiểm hơn là đường đi có thể sẽ có nhiều người - bao gồm cả mẹ chồng tôi - trở về nhà bố mẹ họ để dự lễ hội. Ai cũng có thể nhìn thấy chúng tôi; bất kỳ ai cũng có thể báo lại nếu nhìn thấy chúng tôi, chỉ vì muốn bợ đỡ gia đình họ Lữ. Nhưng vào lúc lễ hội diễn ra, tôi đã có được đủ lòng dũng cảm đến mức tôi nghĩ chúng tôi sẽ thành công.
NGÀY ĐầU TIÊN của tháng Hai âm lịch đánh dấu mùa vụ bắt đầu, và hội Đuổi Chim cũng đã đến. Trong nhà tôi, vào buổi sáng hôm đó, những người đàn bà dậy sớm để nặn bánh thang viên; bên ngoài, lũ chim đang chờ những người đàn ông bắt đầu gieo thóc. Tôi làm việc cạnh mẹ chồng, dính những viên bánh tròn vào với nhau, dùng thứ gạo này để bảo vệ cho lúa gạo ngoài đồng, thứ lương thực quý giá nhất trong cuộc sống. Khi đến lúc, những cô gái chưa chồng ở Thông Khẩu mang bữa tiệc đãi chim này ra và đặt lên những cây gậy ngoài đồng để thu hút lũ chim, trong khi đám đàn ông rắc những hạt thóc tẩm thuốc độc ở rìa các cánh đồng cho lũ chim tự nuốt vào bụng chúng. Ngay khi lũ chim mổ những hạt thóc chết người đầu tiên, những người đàn bà đã lấy chồng ở Thông Khẩu cũng bước vào kiệu, lên xe, hay trèo lên lưng những người hầu chân to băng qua đồng trở về nhà bố mẹ đẻ của họ. Các bà già nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi không đi khỏi, lũ chim sẽ ăn hết những hạt thóc mà chồng chúng tôi sắp gieo và chúng tôi sẽ không thể có thêm bất kỳ đứa con trai nào nữa.
Theo kế hoạch, những người khiêng kiệu dừng lại ở Cẩm Điền. Tôi không bước ra ngoài chiếc kiệu vì sợ có ai đó nhìn thấy. Cánh cửa mở ra và Tuyết Hoa, với đứa con đang ngủ trên vai, lên kiệu với tôi. Đã tám tháng trôi qua kể từ khi tôi gặp cô tại Miếu Cô Bà cho đến giờ. Với khối lượng công việc cô đã làm, tôi cứ ngỡ rằng vẻ phúng phính của cô khi mang bầu hẳn phải biến mất, nhưng trông cô vẫn đầy đặn trong chiếc áo dài thắt ngang lưng và váy. Ngực cô lớn hơn ngực tôi, mặc dù tôi thấy con cô nhẳng nheo hơn con tôi. Bụng cô nom có vẻ sổ ra, đó là lý do tại sao cô lại đặt con trai lên vai thay vì ẵm đứa bé trong tay mình.
Cô nhẹ nhàng xoay thằng bé ra để tôi có thể nhìn thấy mặt nó. Tôi dứt con trai tôi ra khỏi vú mình và nâng nó lên để hai thằng bé có thể đối diện với nhau. Một đứa bảy tháng, một đứa sáu tháng. Người ta nói tất cả những đứa bé đều xinh đẹp. Con trai tôi đúng là như vậy, nhưng con của Tuyết Hoa, thay vì có mái tóc đen dày, tóc của nó lơ thơ như đám sậy ở bờ sông, nước da vàng vọt bệnh tật và mặt mũi thì cau có. Nhưng tất nhiên tôi vẫn khen ngợi cô vì đã sinh được chú nhóc đó, và Tuyết Hoa cũng làm như vậy đối với tôi.
Người chúng tôi khi thì lắc lư, lúc lại va vào nhau, và chao đảo theo bước đi của những người khiêng kiệu, chúng tôi nói chuyện về những dự định mới. Cô đang dệt vào mảnh vải một câu thơ - một công việc khó khăn và mệt mỏi. Tôi đang học cách làm món chim ngâm rượu - một nhiệm vụ khá dễ dàng, có điều phải làm sao cho đúng cách để tránh bị hỏng. Nhưng đó là đùa cợt đơn giản; chúng tôi còn phải nói với nhau nhiều chuyện nghiêm túc. Khi tôi hỏi cô mọi chuyện thế nào, cô trả lời không lưỡng lự một giây.
“Mỗi sáng thức dậy, mình chẳng có niềm vui nào khác ngoài tình cảm với con mình,” cô thú nhận, nhìn vào mắt tôi. “Mình thích hát khi giặt giũ hay mang củi vào nhà, nhưng chồng mình sẽ nổi giận nếu anh ta nghe thấy. Khi anh ta bực bội, anh ta sẽ không cho phép mình bước ra khỏi cửa để làm bất cứ việc gì ngoài việc nhà ra. Nếu anh ta vui vẻ, vào buổi tối anh ta sẽ để mình ngồi trên bậc thềm nơi anh ta hay mổ lợn. Nhưng khi ngồi ở đó, mình chỉ toàn nghĩ đến những con vật đã bị giết chết. Vào buổi đêm, khi mình đi ngủ, mình biết mình sẽ lại thức dậy, nhưng ở đó sẽ không có bình minh, chỉ toàn bóng đêm.”
Tôi cố cam đoan với cô. “Bạn nói chuyện đó là vì bạn vừa mới làm mẹ và trời lại đang chuyển sang đông.” Tôi không có quyền so sánh nỗi cô đơn của mình với nỗi cô đơn của cô, nhưng ngay cả tôi cũng bị u sầu bủa vây vào những thời điểm đó, những lúc nhớ nhà hay khi bóng tối lạnh lẽo của những ngày ngắn ngủi làm tôi chán nản. “Mùa xuân đến rồi,” tôi bảo Tuyết Hoa, và cũng là bảo chính mình. “Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn vì ngày sẽ dài hơn.”
“Mỗi ngày của mình sẽ tốt hơn nếu ngắn lại,” cô trả lời một cách trần trụi. “Chỉ khi chồng mình và mình đi ngủ thì những lời phàn nàn mới ngừng lại. Mình không còn phải nghe bố chồng mình càu nhàu rằng trà nhạt, mẹ chồng chì chiết vì sự yếu ớt của mình, các em chồng bắt giặt giũ quần áo, chồng mình bảo mình phải bớt lúng túng với cuộc sống ở làng đi, còn con trai mình thì suốt ngày đòi hỏi, đòi hỏi liên tục.”
Tôi thấy kinh hoàng vì hoàn cảnh của lão đồng lại tồi tệ đến thế. Cô đang đau khổ còn tôi lại chẳng biết phải nói gì, dù chỉ vài ngày trước tôi đã tự hứa với mình rằng chúng tôi sẽ thẳng thắn với nhau hơn. Vì lúng túng và ngại ngùng, tôi lại để mình bị trói vào các quy ước.
“Mình luôn cố gắng hòa hợp với chồng và mẹ chồng mình, làm vậy mình có được cuộc sống dễ thở hơn,” tôi khuyên cô. “Bạn cũng nên làm như vậy. Giờ bạn chịu khó chịu đựng, nhưng một ngày nào đó mẹ chồng của bạn cũng qua đời và bạn sẽ trở thành bà chủ trong nhà. Tất cả những người vợ sinh được con trai đầu lòng, thì cuối cùng sẽ nắm được quyền hành trong tay.”
Cô mỉm cười thảm não, và tôi cố tìm hiểu ý tứ sâu xa trong lời than phiền của cô đối với thằng bé con. Tôi thực sự không hiểu nổi. Con trai là cuộc đời của một người đàn bà. Đáp ứng các yêu cầu của nó là công việc và sự thỏa mãn của người đàn bà.
“Rồi thằng bé cũng sớm biết đi thôi,” tôi nói. “Bạn sẽ phải chạy theo nó khắp nơi. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.”
Cô ôm chặt lấy đứa bé trong tay. “Mình lại sắp có thêm một đứa nữa.”
Tôi tươi cười chúc mừng cô, nhưng đầu óc tôi thì rối cả lên. Điều này giải thích tại sao ngực cô lại căng lên và cái bụng trông lùm lùm thế kia. Cô đẹp ra nhiều. Nhưng làm sao cô lại có bầu quá sớm như thế? Đó có phải là cái chuyện ô uế mà cô đã viết trong thư không? Chồng cô đã chăn gối với cô từ trước cữ kiêng ba tháng ư? Hẳn phải là như vậy.
“Mình mong bạn sẽ có thêm một bé trai,” tôi cố nặn ra một câu để nói.
“Mình cũng hy vọng thế.” Cô thở dài. “Vì chồng mình bảo rằng có một con chó còn tốt hơn là có một đứa con gái.”
Chúng tôi đều hiểu được ý nghĩa thật sự của lời anh ta, nhưng ai lại đi huỵch toẹt nói vào mặt người vợ đang mang thai của mình như vậy?
May thay, chiếc kiệu đã hạ xuống và tiếng anh em trai tôi reo lên vui vẻ đón chào ngoài kia cứu thoát tôi khỏi sự khó xử khi không biết phải đáp lại thế nào. Tôi đã về đến nhà.
Nhà tôi thay đổi nhiều biết bao! Vợ chồng anh trai tôi đã có hai đứa con. Chị dâu tôi trở về nhà bố mẹ đẻ để cùng tham dự hội Đuổi Chim, nhưng để con gái lại cho nhà tôi trông. Cậu em trai của tôi vẫn chưa lấy vợ, nhưng công việc chuẩn bị cho lễ cưới của nó cũng đã hòm hòm. Nó đã chính thức trở thành một người đàn ông. Chị gái tôi trở về nhà với hai đứa con gái và một đứa con trai. Trông chị già sọm đi, dù tôi cứ ngỡ chị vẫn là người con gái hồi mới búi tóc. Mẹ tôi không còn có thể chì chiết tôi dễ dàng được nữa, dù bà cố tìm cơ hội để làm vậy. Bố tôi thì tự hào, nhưng tôi vẫn nhận ra gánh nặng mà ông cảm thấy khi phải nuôi ngần này miệng ăn ngay cả chỉ trong vài ngày ngắn ngủi này. Cùng một lúc, có tới bảy đứa nhóc từ sáu tháng đến sáu tuổi. Cả nhà vang lên tiếng những bước chân lép bép bước qua bước lại trên sàn, kêu gọi chú ý, và những bài hát dỗ dành cho chúng yên lặng. Thím tôi thích thú với những đứa bé tung tăng xung quanh, một gia đình nhiều trẻ con là giấc mơ của cả đời thím. Nhưng, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy nước mắt thím trào ra. Nếu cuộc đời công bằng hơn, thì Mỹ Nguyệt cũng đã có thể ở đây với những đứa con của cô ấy.
Chúng tôi có ba ngày để tán gẫu, cười đùa, ăn uống và ngủ - không hề có cãi vã, nói xấu, chỉ trích hay kết tội. Với tôi và Tuyết Hoa, quãng thời gian tuyệt nhất là những buổi đêm trên căn buồng phụ nữ. Chúng tôi đặt hai đứa con trai nằm giữa. Ngắm hai đứa bé nằm bên nhau, sự khác biệt giữa chúng còn hiển hiện rõ ràng hơn nữa. Thằng bé của tôi khá mũm mĩm với chỏm tóc đen nhánh dựng ngược giống y chang chồng tôi. Nó thích mê đi khi được bú và mút ừng ực bầu sữa của tôi cho đến lúc no đờ ra khoan khoái, rồi ngừng lại nhìn tôi và mỉm cười. Con trai của Tuyết Hoa có lúc khó khăn với sữa của mẹ nó, thằng bé trớ ra vai cô khi cô vỗ vỗ lưng để nó ợ hơi. Thằng bé cũng quấy theo một kiểu khác nữa - nó khóc vào lúc chiều muộn, mặt nó đỏ gay vì giận dữ, mông nó đỏ hồng và phồng rộp lên vì vết hăm. Nhưng khi bốn người chúng tôi cùng rúc vào chăn, cả hai đứa bé đều im lặng, lắng nghe lời thì thầm của chúng tôi.
“Bạn có thích ân ái không?” Tuyết Hoa hỏi, khi cô tin chắc rằng mọi người đã ngủ.
Từ lâu lắm rồi chúng tôi đã được nghe những câu chuyện đùa tục tĩu từ những người đàn bà lớn tuổi hay những kiểu bình luận quá tự nhiên thoải mái của thím tôi về những khoái cảm trong chuyện chăn gối của chú thím. Tất cả những chuyện đó thường làm tôi bối rối, nhưng giờ đây tôi hiểu rằng không có gì phải bối rối về chuyện như vậy.
“Chồng mình và mình giờ giống như đôi uyên ương,” Tuyết Hoa tiếp tục gợi chuyện, khi thấy tôi không đáp lời ngay. “Vợ chồng mình đem đến hạnh phúc lớn cho nhau khi cùng chắp cánh bay lên.”
Điều cô nói kéo tôi trở lại. Có phải cô lại đang nói dối tôi, như cô từng làm thế bao năm qua không? Trong khi tôi im lặng rối bời, cô lại tiếp lời.
“Mặc dù cả hai vợ chồng mình đều thích chuyện đó,” Tuyết Hoa tiếp tục, “nhưng mình rất lo khi chồng mình không tuân theo các quy tắc về chuyện chăn gối sau khi sinh nở. Anh ta chỉ đợi có hai mươi ngày.” Cô lại dừng lại, rồi nói tiếp, “mình không đổ lỗi cho anh ta. Mình đã đồng ý. Mình cũng thích chuyện đó.”
Dù hoàn toàn bối rối trước chuyện Tuyết Hoa bày tỏ ham muốn chăn gối, tôi cũng đã bớt căng thẳng hơn. Cô đã nói thật, vì không ai lại đi nói dối để che giấu một sự thật tồi tệ hơn. Còn gì đáng hổ thẹn hơn khi làm một chuyện ô uế?
“Điều đó không tốt đâu,” tôi thì thầm đáp lại. “Bạn phải tuân theo các quy tắc.”
“Nếu không thì sao? Mình sẽ trở thành kẻ ô uế như chồng mình chắc?”
Rõ ràng là tôi đã nghĩ vậy, nhưng tôi chỉ nói, “mình không muốn bạn ốm đau hoặc chết.”
Cô cười vang trong bóng tối. “Không ai bị bệnh vì ân ái đâu bạn ạ. Nó chỉ mang đến cho bạn những khoái cảm mà thôi. Mình phải làm việc cực nhọc cả ngày cho mẹ chồng mình. Lẽ nào mình lại không đáng được hưởng thụ lạc thú đó vào ban đêm? Và, nếu mình có thêm một đứa con trai nữa, mình sẽ được sung sướng hơn bây giờ.”
Cái phần này thì tôi biết là sự thật. Thằng bé nằm ngủ giữa chúng tôi kia vừa khó nuôi vừa ốm yếu. Tuyết Hoa cần có thêm một đứa con trai nữa... phòng khi.
Vèo một cái, ba ngày của chúng tôi đã trôi qua. Tôi thấy nhẹ lòng đi nhiều. Chiếc kiệu của tôi trả Tuyết Hoa trước ngưỡng cửa nhà cô; sau đó tôi trở về nhà mình. Không ai phát hiện ra chiến thuật nghi binh của tôi trên đường đi, và số tiền tôi trả cho những người khiêng kiệu bảo đảm rằng họ sẽ im lặng. Được khuyến khích bởi chuyến đi trót lọt đó, tôi biết tôi sẽ có thể gặp Tuyết Hoa thường xuyên hơn. Có nhiều lễ hội trong năm đòi hỏi những người đàn bà có chồng quay về quê nhà, vả lại chúng tôi còn có những cuộc viếng thăm hàng năm đến Miếu Cô Bà. Dù đã là những người đàn bà có chồng, nhưng chúng tôi vẫn là lão đồng của nhau, bất kể mẹ chồng tôi có nói gì đi nữa.
NHỮNG THÁNG TIẾP theo, Tuyết Hoa và tôi vẫn tiếp tục viết thư cho nhau, những lá thư của chúng tôi cứ lượn qua lượn lại những cánh đồng tự do như những chú chim tung bay theo ngọn gió trên cao. Những lời than vãn của cô bớt dần, và tôi cũng vậy. Chúng tôi đã là những bà mẹ trẻ và cuộc sống của chúng tôi tươi sáng lên bởi những khám phá từng ngày về các cậu bé của chúng tôi - một chiếc răng mới nhú, tiếng nói bập bẹ đầu tiên, những bước đi đầu tiên. Theo suy nghĩ của tôi, chúng tôi rồi cũng sẽ thấy bằng lòng khi hòa mình được với nhịp sống trong gia đình mới của mình, học cách làm hài lòng mẹ chồng, và thích nghi với các bổn phận của một người vợ. Thậm chí, tôi đã quen thuộc hơn với việc kể với Tuyết Hoa về những khoảnh khắc thầm kín giữa vợ chồng tôi. Giờ tôi mới hiểu lời dạy của các tiền bối ngày xưa: “Lên giường, là chồng; ra khỏi giường lại là đấng quân tử.” Tôi thấy thích chồng mình hơn khi anh ở trên giường. Ban ngày, anh nhất nhất tuân theo Cửu Lự. Anh phải khiêm tốn, trung thành kính cẩn, và chính trực. Khi chưa rõ về chuyện gì, anh hỏi bố mình, và những khi bực bội hiếm hoi anh cũng cẩn trọng để không để lộ ra ngoài. Nên đến đêm, khi anh ân ái với tôi, tôi thấy hạnh phúc bởi thấy anh thích thú nhưng lại cũng thấy nhẹ cả người khi anh kết thúc chuyện đó. Khi còn độ tuổi búi tóc tôi đã không hiểu nổi những điều mà thím tôi nói, và tôi thật sự không hiểu nổi sự sung sướng của Tuyết Hoa khi ân ái. Nhưng dù sự thiếu hiểu biết của tôi có tệ đến đâu, tôi vẫn biết một điều: bạn không thể phá vỡ quy tắc về sự ô uế mà không phải trả một cái giá nào đó.
Bách Huệ
Mình đã bị sẩy mất đứa con gái. Nó chết khi còn chưa bắt rễ, vì thế nó không phải biết đến những đau khổ của cuộc đời. Mình nắm bàn chân nhỏ xíu của nó trong tay. Bàn chân đó sẽ không bao giờ phải nếm trải nỗi đau đớn của việc bó chân. Mình chạm vào mắt nó. Đôi mắt ấy sẽ không bao giờ phải chứng kiến nỗi buồn khi phải rời xa nhà bố mẹ, hay nhìn thấy mẹ nó lần cuối cùng, hay nói lời vĩnh biệt với đứa con đã chết. Mình đặt bàn tay lên trái tim của nó. Trái tim này sẽ không bao giờ biết đến đớn đau, buồn bã, cô đơn, hay xấu hổ. Mình nghĩ về con bé ở thế giới bên kia. Liệu mẹ mình có ở bên nó không? Mình chẳng biết gì về số phận của họ.
Mọi người trong nhà đều đổ tội cho mình. Mẹ chồng mình nói, “Tại sao chúng tôi lại phải rước cô về khi cô không thể sinh con trai cơ chứ?” Chồng mình thì bảo, “Cô còn trẻ. Cô sẽ còn đẻ thêm nhiều đứa nữa. Lần tới phải sinh cho tôi một đứa con trai đấy.”
Mình chẳng có cách nào để trút vợi nỗi buồn này. Không có ai để lắng nghe mình cả. Mình ước gì có thể nghe thấy tiếng bạn lên gác.
Mình tưởng tượng mình hóa thành chú chim. Mình sẽ bay lên mây, và thế giới bên dưới sẽ trở nên nghìn trùng xa cách.
Miếng ngọc mà mình đeo trên cổ để bảo vệ đứa con chưa sinh của mình đang đè nặng lên tâm trí mình. Mình không thể ngừng suy nghĩ về đứa con gái bé bỏng đã mất.
Tuyết Hoa
Việc sẩy thai vẫn thường xảy ra ở vùng chúng tôi, và người ta cho rằng không việc gì phải chăm sóc những người đàn bà bị sẩy thai, nhất là khi đứa bé chết non lại là con gái. Sự chết non chỉ được xem là điều khủng khiếp nếu đứa bé là con trai. Nếu đứa bé chết non là con gái, thì có khi bố mẹ chúng còn thấy đó là may mắn. Không ai muốn có thêm một miệng ăn vô dụng cả. Với tôi, khi tôi đang mang thai và sợ chết khiếp rằng có chuyện gì xảy ra với đứa con của mình, thì thành thật mà nói tôi cũng không biết mình sẽ cảm thấy thế nào nếu đứa bé là con gái và chết trước khi hít thở bầu không khí của cuộc đời này. Ý tôi muốn nói là tôi thấy bối rối trước những cảm giác mà Tuyết Hoa đang trải qua.
Tôi đã nài xin cô kể cho tôi nghe sự thật, nhưng giờ cô đã kể thì tôi lại không biết phải trả lời thế nào. Tôi muốn đáp thư với sự cảm thông. Tôi muốn vỗ về và an ủi cô. Nhưng tôi lại thấy lo sợ cho cô và không biết phải viết gì. Mọi chuyện xảy đến với cuộc đời Tuyết Hoa - hiện thực của tuổi thơ cô, cuộc hôn nhân khủng khiếp của cô, và bây giờ là chuyện này - nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Tôi mới sang tuổi hai mốt. Tôi chưa bao giờ thực sự phải nếm trải khổ đau, cuộc đời tôi hạnh phúc, chính vì thế ở tôi ít sự thấu cảm.
Tôi lục tìm trong đầu mình những từ thích hợp để viết cho người con gái mà tôi yêu quý, và cảm thấy xấu hổ ghê gớm khi lại để cho những quy ước mà tôi đã lớn lên cùng bó buộc lấy trái tim mình như tôi đã làm khi ngồi trên chiếc kiệu lần trước. Khi nhấc bút lên, tôi thoái lui trở lại với sự an toàn của một lá thư truyền thống thích hợp với một người đàn bà đã có chồng, hy vọng điều này sẽ nhắc Tuyết Hoa nhớ rằng sự bảo vệ duy nhất dành cho đàn bà chúng tôi là vẻ mặt điềm tĩnh thể hiện ra ngoài, ngay cả trong những lúc tột cùng đau đớn. Cô ấy phải cố mang thai lần nữa - và phải sớm - vì bổn phận của mọi người đàn bà là phải cố gắng sinh được những đứa con trai.
Tuyết Hoa,
Mình ngồi ở khuê phòng suy nghĩ kỹ càng.
Mình viết thư mong an ủi được bạn.
Hãy nghe mình.
Bạn yêu quý, hãy làm trái tim bạn ngừng thổn thức.
Hãy nghĩ rằng mình đang ở bên bạn - tay trong tay.
Hãy hình dung rằng mình đang khóc bên bạn.
Nước mắt chúng ta hòa thành bốn dòng suối tuôn chảy mãi mãi.
Hãy biết điều này.
Nỗi buồn của bạn thật sâu sắc nhưng bạn không đơn độc đâu.
Đừng quá đau khổ.
Đó là trời định, cũng như giàu sang hay nghèo khó vậy.
Nhiều đứa bé đã chết.
Đó là nỗi đau đớn của trái tim người mẹ.
Chúng ta không thể kiểm soát được chuyện này.
Chúng ta chỉ biết lại cố gắng mà thôi.
Lần tới, hãy cố sinh một cậu bé…
Bách Huệ
Hai năm trôi qua, trong thời gian đó những đứa con của chúng tôi đã tập đi, tập nói. Con trai Tuyết Hoa biết nói biết đi trước con trai tôi; đương nhiên rồi. Nó lớn hơn thằng bé nhà tôi sáu tuần tuổi kia mà, nhưng chân nó không giống thân cây cứng cáp như chân con tôi. Thằng bé vẫn gầy nhẳng, và dường như đó cũng là đặc điểm trong cá tính của nó. Nói vậy không có nghĩa là bảo nó không thông minh. Nó rất khôn nhưng không khôn bằng con trai tôi. Mới lên ba, thằng bé của tôi đã thích cầm bút lông. Cu cậu thật tuyệt vời, cục cưng của cả phòng phụ nữ chúng tôi. Ngay cả các bà thiếp cũng quan tâm đến nó luôn luôn, cãi cọ nhau vì nó khi họ đã làm xong những tấm lụa mới.
Ba năm sau ngày đứa con đầu của tôi sinh ra, đứa con trai thứ hai chào đời. Số của Tuyết Hoa không được may mắn như tôi. Có thể cô thích thú với chuyện chăn gối cùng chồng mình, nhưng việc đó lại chẳng có kết quả gì - ngoại trừ hai đứa con gái chết non. Sau mấy lần sẩy thai đó, tôi giới thiệu cho cô đến với một thầy lang trong vùng để cắt thuốc giúp cô có con trai và bổ thận tráng dương cho chồng cô. Cô báo lại là nhờ lời khuyên của tôi, vợ chồng cô đã thỏa mãn bằng nhiều cách.
Mình viết thư cho bạn với tư cách của một người đã làm mẹ.
Con mình vừa ra đời hôm qua.
Thằng bé tóc đen nhánh.
Nó dài và mảnh khảnh.
Những ngày dơ dáy sau khi sinh nở chưa hết.
Trong một trăm ngày chồng mình và mình sẽ ngủ riêng.
Mình nghĩ bạn đang ở trong căn phòng trên gác nhà bạn.
Mình rất mong được nhận tin về con bạn.
Hãy sinh nó ra trên đời.
Cầu Phật Bà phụ hồ độ trì cho bạn.
Mình mong gặp bạn khôn xiết để biết bạn vẫn khỏe.
Hãy đến tham dự lễ đầy tháng của con mình nhé.
Bạn sẽ được đọc những gì mình viết về con trai mình trên chiếc quạt của chúng ta.
Tuyết Hoa
TÔI Rất MỪNG LÀ CON TRAI TUYẾT HOA sinh ra khỏe mạnh và tôi hy vọng nó vẫn sẽ luôn như thế, vì cuộc sống ở vùng này rất khắc nghiệt. Đàn bà vùng này chỉ mong ước có năm đứa con đến tuổi trưởng thành. Để làm được như vậy, chúng tôi phải mang bầu mỗi năm hoặc hai năm một lần. Nhiều đứa bé đã chết yểu vì mẹ sẩy thai, hoặc chết trong khi sinh ra, hoặc chết do bệnh tật. Con gái - dễ bị ốm yếu vì thiếu ăn và không được chăm sóc - không bao giờ vượt qua được sự yếu ớt của mình. Chúng tôi chết yểu - khi bị bó chân như em gái tôi, khi vượt cạn, hay vì phải làm việc quá vất vả mà ăn uống lại kham khổ - hoặc sống lâu hơn những người thân yêu. Những đứa con trai được quý như vàng cũng rất dễ bị chết, cơ thể chúng quá non bấy để có thể bám trụ, linh hồn của chúng bị ma quỷ dụ dỗ. Rồi, khi trở thành những người đàn ông, họ lại có nguy cơ dính vào đao kiếm, ngộ độc, những chuyện rắc rối trên đồng hay ngoài đường, hay do không chịu đựng nổi sự căng thẳng vì phải quản lý cả một đại gia đình. Đó là lý do tại sao ở đây có rất nhiều bà góa. Nhưng bất kể thế nào, thì năm năm đầu đời của những đứa trẻ, dù là trai hay gái, đều rất mong manh.
Tôi lo lắng không chỉ cho con trai Tuyết Hoa mà còn cho đứa bé tôi đang mang trong mình. Thật khổ sở khi lo sợ mà chẳng có một ai động viên hay an ủi mình. Khi tôi còn ở nhà, mẹ tôi quá bận rộn với việc thi hành các truyền thống và tục lệ nặng nề nên chẳng có thì giờ đâu mà cho tôi bất cứ lời khuyên thực tế nào, còn thím tôi, người đã từng bị sẩy nhiều lần, thì chỉ cố gắng dứt khoát tránh mặt tôi để vận rủi không ám vào tôi. Giờ khi đã về nhà chồng, tôi cũng không có một ai cả. Bố mẹ chồng tôi và chồng tôi tất nhiên đều lo lắng cho sức khỏe của đứa bé, nhưng không ai lo lắng rằng tôi có thể chết khi sinh người nối dõi tông đường cho họ.
Lá thư của Tuyết Hoa giống như một điềm lành đối với tôi. Nếu chuyện sinh nở của cô thuận lợi, thì chắc tôi và con tôi cũng sẽ vượt cạn suôn sẻ mà thôi. Tôi thấy mình mạnh mẽ lên khi hiểu ra rằng dù chúng tôi đều đã có cuộc sống mới, tình yêu của chúng tôi dành cho nhau đã không suy chuyển chút nào. Bất kể chuyện gì xảy ra, nó sẽ chỉ mạnh mẽ hơn khi chúng tôi dấn thân vào những ngày gạo muối. Qua những lá thư chúng tôi chia sẻ với nhau những thử thách và chiến thắng của mình, nhưng cũng như với mọi việc khác chúng tôi vẫn cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Vì đã là một người đàn bà về ở trong nhà chồng, chúng tôi phải từ bỏ cung cách thời con gái của mình. Chúng tôi viết những lá thư kiểu cũ rích, với những hình thức đã được chấp nhận và câu từ trang trọng. Phần vì chúng tôi là những kẻ xa lạ ở quê chồng, đang mải bận học cách sống của gia đình mới. Phần vì chúng tôi không biết chẳng may ai sẽ đọc được lá thư của chúng tôi.
Lời lẽ của chúng tôi phải thận trọng. Chúng tôi không được viết bất cứ điều gì quá tiêu cực về hoàn cảnh của mình. Việc này đòi hỏi phải khôn khéo, vì chính những bức thư của người đàn bà đã có chồng cũng cần phải có những lời phàn nàn thông thường - rằng chúng tôi đáng thương, chẳng có chút quyền hành nào, vắt kiệt sức làm việc, nhớ nhà và buồn bã. Chúng tôi được khuyến khích nói thẳng những cảm xúc của mình mà không tỏ ra vô ơn, tính toán, hay bất hiếu. Song cô gái nào trót vạch áo cho người xem lưng thì sẽ là làm nhục cả nhà bố mẹ đẻ lẫn nhà chồng, cho nên, bạn cũng biết đấy, đó là lý do tại sao tôi phải đợi cho đến khi họ đã qua đời cả mới viết câu chuyện này.
Trước hết, tôi là người may mắn, vì tôi chẳng gặp chuyện gì tồi tệ để mà thuật lại cả. Khi tôi được hứa hôn, tôi đã biết rằng chú của chồng tôi là một tiến sĩ, nấc thang cao nhất trong con đường học vấn thời phong kiến. Câu tục ngữ tôi nghe hồi còn nhỏ, “Một người làm quan cả họ được nhờ,” giờ rõ ràng là đúng. Chú Lữ sống ở kinh thành và giao quyền quản lý toàn bộ điền sản của mình cho ông chủ Lữ, bố chồng tôi. Hầu như ngày nào trước khi mặt trời ló dạng ông đã đi ra đồng nói chuyện với những người nông dân về vụ mùa, coi sóc việc tưới tiêu, và gặp gỡ những người lớn tuổi khác ở Thông Khẩu. Tất cả công việc tính toán và trách nhiệm về mọi chuyện diễn ra trên khu điền sản này đều đặt cả lên vai ông. Chú Lữ tiêu tiền mà không hề phải bận tâm xem tiền được rót vào hầu bao của mình như thế nào. Bố chồng tôi làm việc suôn sẻ là nhờ có hai người em trai sống trong những ngôi nhà riêng gần đó - dù không đẹp được như vậy. Họ thường tới nhà chồng tôi ăn cơm tối, còn vợ họ thì hầu như ngày nào cũng có mặt trên buồng phụ nữ ở nhà chồng tôi. Nói cách khác, mọi người trong nhà họ Lữ - đến cả chó mèo, cho tới năm đứa ở gái chân to dưới bếp - đều được hưởng lợi từ địa vị của ông.
Chú Lữ là ông chủ lớn nhất, nhưng tôi đã giữ vững được vị trí của mình vì là con dâu trưởng và lại sinh được con trai đầu lòng cho chồng tôi. Ngay khi con tôi được sinh ra và bà đỡ đặt nó vào tay tôi, tôi sung sướng đến mức quên ngay tắp lự cơn đau sinh nở và cảm thấy yên lòng vì không còn lo lắng có điều gì tồi tệ xảy ra với nó nữa. Mọi người trong nhà đều vui mừng và thể hiện sự biết ơn đối với tôi bằng nhiều cách. Mẹ chồng tôi nấu cho tôi món canh đặc biệt với một ít rượu, gừng và lạc để tôi sớm có sữa và co dạ con. Bố chồng tôi bảo những người thiếp của ông mang đến cho tôi những tấm lụa màu lam thêu kim tuyến để tôi có thể may cho thằng cháu đích tôn của ông một cái áo khoác. Chồng tôi ngồi cạnh và trò chuyện với tôi.
Vì những lý do đó mà tôi đã bảo những cô gái trẻ về làm dâu nhà họ Lữ, cũng như những người khác mà tôi gặp gỡ khi truyền dạy nữ thư, rằng họ nên mau chóng sinh con trai. Những đứa con trai chính là chỗ dựa của người đàn bà. Chúng mang lại cho họ bản sắc riêng, cũng như phẩm giá, sự che chở và tiền bạc. Chúng là sợi dây liên kết giữa người chồng và tổ tiên của anh ta. Đây là một thành tựu mà người đàn ông không thể nào đạt được nếu không có vợ anh ta. Chỉ người vợ mới có thể đảm bảo cho việc duy trì dòng dõi. Mà đó cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của mọi đấng nam nhi, là cách tốt nhất để anh ta hoàn thành bổn phận làm con của mình. Còn đối với người đàn bà, con trai chính là hạnh phúc viên mãn. Tôi đã làm trọn vẹn việc đó và tôi sung sướng ngất ngây.
Tuyết Hoa,
Con trai mình đang nằm cạnh mình.
Thời gian dơ bẩn sau khi sinh nở cũng chưa hết.
Chồng mình đến thăm mình mỗi sáng.
Nét mặt anh lộ rõ vẻ hạnh phúc.
Đôi mắt con trai mình cứ nhìn mình như muốn hỏi.
Mình không thể đến gặp bạn vào dịp đầy tháng con bạn được.
Vậy bạn hãy viết những lời hay đẹp nhất cho con trai của mình trên chiếc quạt nhé.
Hãy kể cho mình nghe về gia đình mới của bạn.
Mình không gặp chồng mình thường xuyên lắm. Bạn thì sao?
Mình nhìn qua song cửa về phía nhà bạn.
Bạn luôn luôn hát ca trong trái tim mình.
Mình nghĩ tới bạn mỗi ngày.
Bách Huệ
Tại sao người ta lại gọi những ngày này là ngày gạo muối? Vì đó là chuỗi ngày bạn phải làm những công việc nội trợ thông thường: thêu thùa, dệt vải, may vá, khâu giày, nấu nướng, rửa bát đĩa, lau nhà cửa, giữ cho bếp luôn đỏ lửa, và luôn sẵn sàng ân ái với người đàn ông mà mình vẫn chưa hề hiểu hết. Đó cũng là những ngày chỉ toàn âu lo và cực nhọc của một người mẹ trẻ với đứa con đầu lòng. Tại sao nó khóc? Nó đói chăng? Nó bú no chưa? Nó có bao giờ ngủ không? Nó có ngủ quá nhiều không? Và lại còn những cơn sốt, mụn nhọt, rệp cắn, quá nóng, quá lạnh, đau bụng, ấy là chưa thể hết tất cả những bệnh tật lan tràn trong vùng và cướp đi bao đứa trẻ hàng năm, bất chấp những nỗ lực của các thầy lang, bất chấp việc cúng bái của gia đình, và nước mắt của những người mẹ? Ngoài đứa trẻ đang bú trên ngực ra, bạn còn phải lo lắng hơn nữa về trách nhiệm thực sự của người đàn bà: sinh thêm nhiều con trai hơn nữa để đảm bảo cho thế hệ tiếp theo và các thế hệ sau đó nữa. Nhưng trong suốt những tuần đầu tiên của cuộc đời con trai, tôi lại lo lắng đến chuyện khác, không liên quan gì đến trách nhiệm của nàng dâu, người vợ hay người mẹ.
Khi tôi xin phép mẹ chồng mời Tuyết Hoa đến dự lễ đầy tháng của con trai tôi, bà đã nói không. Sự khinh thường này là một điều mà những người trong vùng xem như sự sỉ nhục khủng khiếp. Tôi cảm thấy tan nát cõi lòng và bối rối vì bà sẽ làm thế nhưng không thể làm gì để thay đổi quyết định của bà được. Ngày đó lại là một trong những dịp lễ tiết quan trọng và tưng bừng nhất trong cuộc đời tôi, và tôi phải tận hưởng nó mà không có Tuyết Hoa ở bên cạnh. Gia đình họ Lữ đến viếng miếu thờ họ để ghi tên con trai tôi lên bức tường bên cạnh tên tất cả những thành viên khác trong gia đình. Những quả trứng đỏ - một biểu tượng của cuộc sống, được nhuộm đỏ cho buổi lễ - được đưa đến cho khách khứa và họ hàng. Bữa tiệc lớn được dọn ra với món canh yến xào, chim ướp muối sáu tháng, và vịt cho uống rượu rồi hầm nhừ với gừng, tỏi, ớt đỏ hoặc ớt xanh cay. Sau tất cả những điều đó, tôi nhớ Tuyết Hoa kinh khủng, nên sau đó tôi viết thư miêu tả cặn kẽ nhất những chi tiết mà tôi có thể nhớ, không hề nghĩ rằng chúng có thể sẽ gợi cô nhớ về quá khứ đáng sợ. Có vẻ như cô đã chấp nhận sự sa sút đó, vì cô gửi tới cho tôi món quà là chiếc áo em bé có thêu họa tiết và một chiếc mũ được trang trí với những hoạt tiết xinh xắn.
Khi mẹ chồng tôi nhìn thấy những thứ ấy, bà nói, “một người mẹ phải thận trọng khi lựa chọn những ai bước vào cuộc đời mình. Mẹ của con trai cô không thể kết giao với vợ của một tay đồ tể được. Mẹ hiền mới dạy con thảo được, và chúng ta mong cô hãy nghe theo mong muốn của chúng ta.”
Nghe vậy, tôi biết rằng gia đình chồng tôi không chỉ muốn Tuyết Hoa không đến dự buổi tiệc này, mà họ còn muốn tôi không gặp Tuyết Hoa nữa. Tôi kinh hoàng, hoảng sợ, lại vì vừa sinh con, tôi khóc suốt. Tôi không biết phải làm gì. Tôi sẽ phải chống lại bố mẹ chồng tôi trong chuyện này mà không hề nhận ra điều đó nguy hiểm đến mức nào.
Trong khi chờ đợi, hầu như ngày nào Tuyết Hoa và tôi cũng bí mật viết thư cho nhau. Tôi nghĩ rằng tôi biết tất cả về nữ thư và không bao giờ nên để cho đàn ông đụng đến hay nhìn thấy chúng, nhưng bây giờ khi sống ở nhà họ Lữ, nơi mà tất cả đàn ông đều biết chữ viết của nam giới, tôi nhận thấy chữ viết bí mật của người phụ nữ không còn bí mật gì cho lắm. Rồi tôi lại phát hiện ra là đàn ông khắp vùng này đều biết đến nữ thư. Làm sao mà không biết được cơ chứ? Họ đi những đôi giày có thêu nữ thư. Họ nhìn thấy chúng tôi thêu những lá thư trên vải. Họ nghe chúng tôi hát và phô ra cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới của mình. Chỉ có điều họ coi chữ viết của chúng tôi là thấp kém.
Người ta bảo trái tim đàn ông làm bằng sắt, còn trái tim đàn bà làm bằng nước. Điều này thể hiện qua chữ viết của đàn ông và chữ viết của đàn bà. Chữ viết của đàn ông có hơn 50.000 chữ, mỗi chữ lại khác nhau hoàn toàn, mỗi chữ lại có ý nghĩa và sắc thái sâu sắc. Chữ viết của đàn bà chỉ có hơn 600 ký tự, mà chúng tôi dùng để biểu âm, giống như những đứa bé, để tạo ra hơn 10.000 từ. Học chữ viết của đàn ông phải mất cả đời. Còn chữ viết của đàn bà là cái mà chúng tôi thu lượm từ khi còn con gái, rồi dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa. Đàn ông viết về những chuyện bên ngoài như văn chương, sổ sách và sản lượng mùa màng; phụ nữ viết những chuyện trong nhà về con cái, công việc nội trợ hàng ngày, và cảm xúc. Những người đàn ông trong nhà họ Lữ cũng rất hãnh diện vì vợ họ thông thạo nữ thư và thêu thùa khéo léo, mặc dù những thứ đó có ý nghĩa đối với việc sinh tồn cũng chỉ ngang với cái rắm của con lợn.
Vì đàn ông tưởng rằng chữ viết của chúng tôi là thứ vớ vẩn, họ không buồn chú ý đến những lá thư mà tôi gửi đi hay nhận được. Nhưng mẹ chồng tôi lại khác. Tôi phải tìm cách qua mắt được bà. Vì giờ bà không yêu cầu khai báo là tôi đang viết thư cho ai, và trong vài tuần kế tiếp Tuyết Hoa và tôi thiết kế một hệ thống truyền thư hoàn hảo. Chúng tôi dùng Dũng Cảm chạy qua chạy lại giữa hai thôn để chuyển những bức thư của chúng tôi, những chiếc khăn tay thêu, và vải dệt. Tôi thích ngồi bên song cửa và trông sang cô. Nhiều lần tôi nghĩ tôi có thể tự đi một chuyến xem sao. Chỗ đó không xa lắm và chân tôi cũng đủ khỏe để đi quãng đường ấy, nhưng chúng tôi có nguyên tắc kiểm soát những chuyện như vậy. Ngay cả nếu một người đàn bà có thể đi được quãng đường xa, cô ta cũng không nên để người khác thấy mình một mình trên đường. Mối nguy bị những kẻ hạ lưu bắt cóc luôn rình chờ, còn thanh danh thậm chí còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn nếu người đàn bà đó không có người hộ tống đúng đắn - chồng, các con trai, bà mối hay phu kiệu. Lẽ ra tôi có thể đi bộ đến nhà Tuyết Hoa, nhưng tôi chưa bao giờ dám mạo hiểm làm điều đó.
Bách Huệ,
Bạn hỏi về gia đình mới của mình.
Mình rất may mắn.
Hồi ở nhà, mình không hề thấy hạnh phúc.
Mẹ mình và mình im lặng cả ngày lẫn đêm.
Những người thiếp, các anh em của mình, các chị em của mình, và người hầu trong nhà cũng bỏ đi.
Nhà mình trống huơ trống hoác.
Ở đây mình có mẹ chồng, bố chồng, chồng mình và các em gái của anh ấy.
Ở đây không có thê thiếp hay người hầu.
Chỉ có mình đảm nhiệm hết.
Mình không ngại vất vả.
Mọi thứ cần biết mình đã học được từ bạn, từ chị, mẹ, và thím của bạn.
Nhưng những người đàn bà ở đây không như ở nhà bạn.
Họ không thích vui đùa.
Họ không kể chuyện.
Mẹ chồng mình tuổi chuột.
Bạn có thể nghĩ xem còn có ai tệ hơn nữa cho một người tuổi ngựa không?
Chuột thì luôn cho là ngựa ích kỷ và không suy nghĩ cho người khác, dù mình không như vậy.
Còn ngựa thì tin rằng chuột đầy mưu mô và đòi hỏi khắt khe, đúng như tính cách của bà ấy.
Nhưng bà ấy không đánh đập mình.
Bà ấy không la mắng mình tệ hơn những gì tập tục quy định đối với một cô con dâu mới.
Bạn có nghe tin gì về bố mẹ mình không?
Trong mấy ngày mình về nhà chồng
Bố mẹ mình đã bán nốt những đồ đạc cuối cùng.
Họ đem theo tiền và trốn đi trong đêm.
Là ăn mày, họ sẽ không phải đóng thuế hay trả những món nợ khác.
Nhưng không biết giờ họ ở đâu?
Mình lo lắng cho mẹ mình.
Không biết bà còn sống không?
Hay là mẹ đã qua đời?
Mình không biết nữa.
Có lẽ mình sẽ không bao giờ còn được gặp lại mẹ nữa.
Ai có thể đoán trước là gia đình mình lại suy vi đến thế?
Chắc họ đã gây nghiệp chướng gì ở kiếp trước.
Nhưng nếu họ đã làm vậy, thì mình sẽ ra sao nhỉ?
Bạn có nghe được bất cứ tin gì có thể nói cho mình biết với không?
Và bạn có hạnh phúc không?
Tuyết Hoa
Giờ khi tôi biết được cái tin bi thảm về bố mẹ Tuyết Hoa, tôi bắt đầu nghe ngóng kỹ càng hơn những chuyện bàn tán về nhà Tuyết Hoa. Những nhà buôn và những người bán hàng rong ruổi khắp vùng kể rằng họ nhìn thấy bố mẹ Tuyết Hoa ngủ dưới một cái cây, xin ăn, hay mặc áo quần dơ bẩn và rách nát. Tôi vẫn thường nghĩ xem gia đình lão đồng giàu sang thanh thế đến mức nào ở Thông Khẩu và người mẹ xinh đẹp của cô đã cảm thấy ra sao khi về làm dâu một gia đình gốc gác quan lại. Giờ trông bà ấy mới thảm hại làm sao. Tôi lo cho đôi chân bó của bà. Không còn những người bạn có địa vị vai vế, bố mẹ của Tuyết Hoa bị phó mặc cho sự khoan dung của trời đất. Không còn nhà cửa cha mẹ, Tuyết Hoa còn kém cả kẻ mồ côi. Tôi nghĩ thà rằng bố mẹ đã chết, để bạn thờ cúng và kính yêu tổ tiên mình, còn hơn bố mẹ phiêu bạt trong cuộc sống tạm bợ của kẻ ăn mày. Làm thế nào cô biết được khi họ qua đời? Làm sao cô có thể chuẩn bị một đám tang theo đúng lễ nghi, dọn dẹp mồ mả mỗi dịp năm mới, hay làm họ khuây khỏa khi họ đau khổ ở thế giới bên kia? Việc cô đang khổ tâm mà không có tôi để nghe cô giãi bày khiến tôi day dứt và đối với cô chắc khó mà chịu đựng nổi.
Như câu hỏi sau cùng của Tuyết Hoa - tôi có hạnh phúc không? Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi có nên viết về những người đàn bà trong gia đình mới của tôi không? Căn buồng phụ nữ mới của tôi là nơi tụ tập của quá nhiều đàn bà, mà lại chẳng ai ưa ai cả. Tôi là con dâu trưởng, nhưng không bao lâu sau khi tôi đến Thông Khẩu thì vợ của em trai thứ hai cũng về nhà này. Cô ta có mang ngay lập tức. Cô vừa tròn mười tám tuổi và khóc suốt vì nhớ nhà. Cô sinh được một đứa con gái, điều đó làm mẹ chồng tôi thất vọng và khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Tôi cố gắng kết thân với nàng dâu thứ, nhưng cô cứ nép vào một góc với giấy, mực và bút lông, liên tục viết thư cho mẹ và các chị em kết nghĩa, hiện vẫn còn ở trong thôn cô. Lẽ ra tôi có thể kể với Tuyết Hoa về những cung cách khó coi mà nàng dâu thứ cố gắng làm để gây ấn tượng với bà Lữ bằng cách liên tục khấu đầu, thì thầm những lời xun xoe nịnh nọt, và vận động ngầm để có được địa vị, trong khi ba người thiếp của ông chủ Lữ thì cãi nhau chí chóe suốt ngày, những đố kỵ tủn mủn làm mặt mũi họ xưng xỉa và bụng dạ giận sôi lên, nhưng tôi không dám viết những sự vụ này ra giấy.
Liệu tôi có thể kể với Tuyết Hoa về chồng tôi không? Tôi nghĩ là có, nhưng tôi chẳng biết phải viết gì. Tôi ít khi gặp anh, và khi gặp thì thường là anh đang nói chuyện với ai khác hoặc đang làm những công việc quan trọng. Suốt thời gian ban ngày, anh ra ngoài xem xét đo đạc những cánh đồng và coi sóc việc mùa màng ngoài đó, còn tôi thì thêu thùa hoặc làm những việc nhà trong căn buồng phụ nữ. Tôi chuẩn bị bữa sáng, trưa và tối cho anh, nhớ lại dáng điệu đoan trang và lặng lẽ của Tuyết Hoa khi cô thể hiện ở bàn ăn của gia đình tôi. Anh không nói chuyện với tôi trong những lúc như vậy. Thỉnh thoảng anh ghé qua căn phòng chung của chúng tôi để thăm con trai và ngủ với tôi. Tôi thừa nhận rằng chúng tôi cũng giống như mọi cặp vợ chồng khác - như vợ chồng Tuyết Hoa chẳng hạn - nên cũng chẳng có gì thú vị để mà kể cả.
Tôi biết trả lời sao đây với câu hỏi của Tuyết Hoa rằng tôi có hạnh phúc không, trong khi xung đột chính trong cuộc đời tôi lại là vì quan hệ với cô?
“Ta biết rằng cô đã học được nhiều điều tốt từ Tuyết Hoa,” một hôm mẹ chồng tôi nói vậy khi bà bắt gặp tôi viết thư cho lão đồng của mình, “và chúng ta biết ơn vì điều đó. Nhưng cô ta không còn là người thôn này nữa, cô ta cũng không còn nhận được sự bảo trợ của ông chủ Lữ. Ông ấy không thể mà cũng không nên cố gắng thay đổi số phận của cô ta làm gì. Cô cũng biết đấy, chúng ta có những luật lệ quản lý các bà vợ khi có xô xát và tranh chấp địa giới. Là những vị khách đàn bà, các bà vợ sẽ không bị làm hại trong những mối cừu hận, trong những vụ tấn công, hay trong xô xát, vì chúng ta được xem là sở thuộc của cả quê chồng lẫn quê mình. Cô biết đấy, Bách Huệ, vì là vợ nên chúng ta nhận được sự che chở và chung thủy của cả hai nơi. Nhưng nếu có chuyện gì đó xảy ra với cô ở thôn của Tuyết Hoa, thì bất cứ điều gì chúng ta làm đều có thể dẫn tới việc bị trả thù và thậm chí có thể là xô xát liên miên.
Tôi lắng nghe những lời biện minh của bà Lữ, nhưng tôi biết lý do của bà còn sâu xa hơn nhiều. Gia đình bố mẹ đẻ Tuyết Hoa sa sút còn cô thì bị gả cho một kẻ ô uế. Gia đình chồng tôi chỉ đơn giản là không muốn tôi kết giao với cô ấy.
“Số phận của Tuyết Hoa đã được định trước,” mẹ chồng tôi tiếp tục, dám thử đến gần hơn với sự thật, “và số phận của nó không còn gặp gỡ số phận của cô ở bất kỳ điểm nào nữa. Ông chủ Lữ và ta sẽ rất có thiện cảm với một cô con dâu quyết định phá bỏ thỏa ước với một người đã không còn là lão đồng đích thực nữa. Nếu cô cần có bạn có bè, ta cho cô biết là ta sẽ giới thiệu cô với mấy cô gái trẻ mới cưới về Thông Khẩu.”
“Con sẽ ghi nhớ lời mẹ. Cảm ơn mẹ,” tôi lầm bầm miễn cưỡng, mà trong lòng tôi gào thét lên kinh hãi. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ!
“Họ muốn cô gia nhập vào hội chị em kết nghĩa sau khi lấy chồng của họ đấy.”
“Vâng. Cảm ơn mẹ…”
“Cô nên coi lời mời của họ là niềm vinh dự.”
“Con sẽ làm vậy.”
“Điều ta muốn nói là cô phải gạt bỏ Tuyết Hoa ra khỏi tâm trí mình,” mẹ chồng tôi nói, và kết thúc bằng một lời răn quen thuộc, chỉ có điều là nói khác đi. “Ta không muốn những kỷ niệm về cô gái bất hạnh đó ảnh hưởng đến cháu nội của ta.”
Mấy người thiếp che miệng cười khẩy. Họ thích thú khi nhìn thấy tôi đau khổ. Trong những lúc như vậy, địa vị của họ được nâng lên còn của tôi thì bị hạ xuống. Nhưng bất chấp những lời trách mắng liên tục khiến những người ấy lấy làm thích thú và làm tôi sợ chết khiếp, mẹ chồng tôi vẫn đối tốt với tôi còn hơn mẹ đẻ. Bà tuân thủ mọi nguyên tắc, như Tuyết Hoa đã nói. “Tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu; phu tử tòng tử.” Tôi đã nghe điều này cả đời mình, vì thế tôi không hề sợ nó. Nhưng một hôm, trong lúc bực mình với bố chồng tôi, mẹ chồng tôi dạy tôi một châm ngôn khác: “Phải tuân phục, tuân phục, tuân phục, rồi mới được làm những gì cô muốn.” Bây giờ, bố mẹ chồng có thể ngăn cản tôi gặp gỡ Tuyết Hoa, nhưng họ không thể xóa bỏ tình yêu của tôi dành cho cô.
Tuyết Hoa,
Chồng mình đối xử tốt với mình.
Mình còn không biết hết đất đai của gia đình mình ở những đâu.
Mình cũng phải làm việc vất vả.
Mẹ chồng mình theo dõi tất cả mọi chuyện mình làm.
Những người đàn bà trong nhà mình đều giỏi nữ thư.
Mẹ chồng dạy mình nhiều từ mới.
Mình sẽ chỉ cho bạn khi chúng ta gặp nhau lần tới.
Mình thêu thùa, may vá, khâu giày.
Mình xe sợi và chuẩn bị bữa ăn.
Mình có một đứa con trai.
Cầu Phật Bà phù hộ cho mình có thêm một đứa con trai khác.
Cả bạn cũng vậy.
Hãy nghe mình.
Bạn phải phục tùng chồng bạn.
Bạn phải nghe lời mẹ chồng bạn.
Mình muốn bạn đừng có lo lắng nhiều.
Thay vì đó, hãy nhớ những lúc hai đứa thêu thùa và đêm đến cùng nhau thì thầm.
Chúng ta là đôi uyên ương.
Chúng ta là đôi loan phượng cùng nhau bay lượn trên bầu trời
Bách Huệ
Trong lá thư tiếp theo, không thấy Tuyết Hoa nói gì đến gia đình mới của cô mà hơn thế chỉ nói rằng con trai cô đã biết ngồi. Khi kết thúc, cô lại hỏi thăm về cuộc sống của tôi.
Kể cho mình nghe về những bữa ăn và những cuộc bàn luận ở nhà bạn đi
Họ có trích dẫn thi, thư, lễ, nhạc khi ăn không?
Mẹ chồng của bạn có kể chuyện vui cho nam giới trong nhà nghe không?
Bà có cùng hát cho họ nghe để giúp họ tiêu hóa tốt không?
Tôi cố gắng trả lời thành thật. Những người đàn ông trong nhà tôi chỉ bàn bạc về chuyện tiền nong: còn mảnh đất nào để họ có thể cho thuê không, ai sẽ cày cấy trên đó, họ có thể thu khoản địa tô là bao nhiêu, thuế má thế nào. Họ cũng khao khát vươn lên “cao hơn” để “đứng trên đầu ngọn núi”. Mọi gia đình đều nói những điều đó vào dịp năm mới, kết hợp với những món ăn đặc biệt gợi lên ước nguyện đó - nhìn vào món ăn mà biết chính xác nó nói lên ước nguyện gì. Nhưng gia đình chồng tôi làm hết sức để đạt được chúng. Điều đó làm những cuộc trò chuyện trở nên tẻ ngắt và tôi chẳng hiểu nổi, mà cũng không bận tâm tìm hiểu làm gì. Họ đã giàu có hơn bất kỳ ai ở Thông Khẩu. Tôi không tưởng tượng nổi họ còn muốn gì nữa, nhưng không bao giờ họ thôi khát khao vươn lên tới đỉnh.
Tôi hy vọng Tuyết Hoa giờ đã hạnh phúc hơn, quen hơn với hoàn cảnh - mọi người vợ đều phải thế - hoàn toàn khác với mọi thứ trong cuộc sống của cô trước đây. Một buổi chiều tối, khi đang cho con trai bú, tôi nghe bà Vương dừng kiệu trước ngưỡng cửa nhà tôi. Tôi mong bà ấy sẽ lên gác. Thay vì đó lại là mẹ chồng tôi bước vào phòng và cau mày tỏ ý không hài lòng bỏ lá thư xuống cái bàn bên cạnh tôi. Ngay khi con trai tôi ngủ, tôi kéo ngọn đèn dầu lại gần và mở bức thư ra. Tôi thấy ngay là hình thức của lá thư đã khác đi. Lòng bồn chồn, tôi bắt đầu đọc.
Bách Huệ,
Mình ngồi ở cầu thang mà khóc. Mình nghe chồng mình đang giết lợn ngoài kia. Anh ta càng ngày càng vi phạm trầm trọng điều răn cấm sát sinh.
Khi mình mới về nhà chồng, mẹ chồng mình bắt mình đứng trên thềm nhà và nhìn một con lợn bị giết để mình biết được phương kế sinh nhai của nhà mình. Chồng và bố chồng mình mang lợn đến cổng nhà. Nó bị trói vào một cái sào hai đầu đặt trên vai bố chồng mình và chồng mình, bốn vó chổng lên trời. Con lợn ở giữa họ, kêu eng éc suốt. Nó biết điều gì sẽ xảy ra. Mình phải nghe việc này nhiều lần lắm rồi, vì chúng đều biết chuyện gì sắp xảy ra và tiếng kêu của chúng thường xuyên vang khắp thôn.
Bố chồng mình đặt con lợn xuống cạnh cái chảo lớn đựng nước sôi. (Bạn có nhớ cái chảo ở ngoài sân nhà mình không? Cái chảo đặt trên thềm ấy? Dưới đó một chút là chỗ để đun). Chồng mình cắt tiết con lợn. Đầu tiên, anh ta hứng máu để làm tiết canh, sau đó anh ta vần con lợn vào trong cái chảo. Con lợn được luộc qua để làm mềm da. Chồng mình bảo mình cạo lông con lợn. Mình khóc suốt, nhưng không ầm ĩ như tiếng lợn kêu ban nãy. Mình nói với họ rằng mình sẽ không muốn nhìn hay tham gia vào cái việc ô uế này thêm một lần nào nữa. Mẹ chồng mình sỉ mắng mình là đồ bạc nhược.
Càng ngày mình càng giống bà vợ họ Vương. Bạn có nhớ dì mình từng kể cho chúng ta nghe câu chuyện đó không? Mình đã trở thành người ăn chay. Mẹ chồng mình không bận tâm. Họ lại càng có thêm nhiều thịt để ăn.
Mình cô độc trên thế giới này, chỉ còn có bạn và con trai mình.
Mình ước gì mình chưa bao giờ lừa dối bạn. Mình hứa sẽ luôn luôn chỉ nói sự thật với bạn, nhưng mình không muốn bạn biết về cuộc đời bẩn thỉu của mình.
Mình ngồi bên cửa sổ và nhìn qua những cánh đồng về phía thôn cũ. Mình tưởng tượng bạn cũng đang ngồi bên cửa sổ và nhìn về phía mình. Trái tim mình bay qua những cánh đồng để đến với bạn. Bạn đang ngồi ở đó chứ? Bạn có nhìn mình không? Bạn có cảm thấy mình không?
Vắng bạn mình rất buồn. Mình xin bạn hãy viết thư hoặc đến thăm mình.
Tuyết Hoa
Thật khủng khiếp! Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ về phía thôn Cẩm Điền, ước gì ít ra tôi cũng có thể nhìn thấy Tuyết Hoa. Tôi cảm thấy kinh hãi khi biết cô đang khổ sở mà tôi thì chẳng thể vòng tay ôm lấy cô để an ủi. Trước mặt mẹ chồng tôi và những người đàn bà khác trong buồng tôi lôi ra một tờ giấy và mực đã pha. Trước khi nhấc bút lông lên, tôi đọc lại thư của Tuyết Hoa. Đó là lần đầu tiên tôi thấm thía hết nỗi buồn của cô. Giờ tôi nhận ra rằng cô đã phá vỡ lề thói viết thư truyền thống mà những người vợ phải tuân theo khi dùng nữ thư để viết về cuộc sống của mình thẳng thắn và trung thực.
Với hành động táo bạo của cô, tôi nhận ra mục đích thật sự của chữ viết bí mật của chúng tôi. Nó không chỉ là để bọn con gái viết cho nhau những bức thư ngắn hay để giới thiệu chúng tôi với những người đàn bà trong gia đình chồng. Nó đem đến cho chúng tôi một tiếng nói. Nữ thư là phương tiện thay cho đôi chân bị bó đưa chúng tôi đến được với nhau, để những suy nghĩ của chúng tôi bay qua những cánh đồng như Tuyết Hoa từng nói. Những người đàn ông trong gia đình chúng tôi chẳng muốn chúng tôi có bất cứ điều gì quan trọng để mà bày tỏ. Họ cũng không bao giờ mong chúng tôi có những cảm xúc hay thể hiện những ý tưởng sáng tạo nào đó. Đám đàn bà - mẹ chồng tôi và những người đàn bà khác - còn phong tỏa chúng tôi khủng khiếp hơn. Nhưng kể từ giờ, tôi hy vọng Tuyết Hoa và tôi sẽ có thể viết ra sự thật về cuộc sống của mình, dù chúng tôi ở bên nhau hay xa cách nhau. Tôi muốn tuôn ra những câu quá phổ biến của các bà vợ trong những ngày gạo muối và những suy nghĩ thực của tôi. Chúng tôi sẽ viết như khi chúng tôi chụm đầu vào nhau để thủ thỉ trò chuyện trong căn buồng trên gác ở nhà bố mẹ tôi.
Tôi phải đi gặp Tuyết Hoa và nói với cô là mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nếu tôi đi thăm cô trái với mong muốn của mẹ chồng tôi, tôi sẽ phạm phải một trong những tội lỗi tày đình. Tội lén lút trốn đi viết và đọc thư còn nhẹ hơn tội này, nhưng tôi phải làm thế nếu muốn gặp lão đồng của mình.
Tuyết Hoa,
Cứ nghĩ đến việc bạn phải ở nhà đó là mình lại khóc. Bạn quá tốt để phải chịu những điều tồi tệ như vậy. Chúng ta phải gặp nhau. Hãy về nhà bố mẹ mình vào hội Đuổi Chim. Chúng ta sẽ đưa con trai mình theo nữa. Chúng ta sẽ lại vui vẻ. Bạn sẽ quên đi những điều phiền muộn của mình. Hãy nhớ rằng ở bên cạnh chiếc giếng người ta không khát. Ở bên cạnh một người chị em người ta không tuyệt vọng. Trong tim mình, mình mãi mãi là người chị em của bạn.
Bách Huệ
Ngồi ở khuê phòng, tôi lên kế hoạch và bày mưu, nhưng tôi thấy sợ. Đơn giản là thượng sách - tôi sẽ đón Tuyết Hoa đi cùng kiệu trên đường về nhà - nhưng đó cũng là cách dễ bị phát hiện nhất. Mấy bà thiếp có thể nhìn qua song cửa sổ và thấy chiếc kiệu của tôi rẽ phải về phía Cẩm Điền. Nguy hiểm hơn là đường đi có thể sẽ có nhiều người - bao gồm cả mẹ chồng tôi - trở về nhà bố mẹ họ để dự lễ hội. Ai cũng có thể nhìn thấy chúng tôi; bất kỳ ai cũng có thể báo lại nếu nhìn thấy chúng tôi, chỉ vì muốn bợ đỡ gia đình họ Lữ. Nhưng vào lúc lễ hội diễn ra, tôi đã có được đủ lòng dũng cảm đến mức tôi nghĩ chúng tôi sẽ thành công.
NGÀY ĐầU TIÊN của tháng Hai âm lịch đánh dấu mùa vụ bắt đầu, và hội Đuổi Chim cũng đã đến. Trong nhà tôi, vào buổi sáng hôm đó, những người đàn bà dậy sớm để nặn bánh thang viên; bên ngoài, lũ chim đang chờ những người đàn ông bắt đầu gieo thóc. Tôi làm việc cạnh mẹ chồng, dính những viên bánh tròn vào với nhau, dùng thứ gạo này để bảo vệ cho lúa gạo ngoài đồng, thứ lương thực quý giá nhất trong cuộc sống. Khi đến lúc, những cô gái chưa chồng ở Thông Khẩu mang bữa tiệc đãi chim này ra và đặt lên những cây gậy ngoài đồng để thu hút lũ chim, trong khi đám đàn ông rắc những hạt thóc tẩm thuốc độc ở rìa các cánh đồng cho lũ chim tự nuốt vào bụng chúng. Ngay khi lũ chim mổ những hạt thóc chết người đầu tiên, những người đàn bà đã lấy chồng ở Thông Khẩu cũng bước vào kiệu, lên xe, hay trèo lên lưng những người hầu chân to băng qua đồng trở về nhà bố mẹ đẻ của họ. Các bà già nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi không đi khỏi, lũ chim sẽ ăn hết những hạt thóc mà chồng chúng tôi sắp gieo và chúng tôi sẽ không thể có thêm bất kỳ đứa con trai nào nữa.
Theo kế hoạch, những người khiêng kiệu dừng lại ở Cẩm Điền. Tôi không bước ra ngoài chiếc kiệu vì sợ có ai đó nhìn thấy. Cánh cửa mở ra và Tuyết Hoa, với đứa con đang ngủ trên vai, lên kiệu với tôi. Đã tám tháng trôi qua kể từ khi tôi gặp cô tại Miếu Cô Bà cho đến giờ. Với khối lượng công việc cô đã làm, tôi cứ ngỡ rằng vẻ phúng phính của cô khi mang bầu hẳn phải biến mất, nhưng trông cô vẫn đầy đặn trong chiếc áo dài thắt ngang lưng và váy. Ngực cô lớn hơn ngực tôi, mặc dù tôi thấy con cô nhẳng nheo hơn con tôi. Bụng cô nom có vẻ sổ ra, đó là lý do tại sao cô lại đặt con trai lên vai thay vì ẵm đứa bé trong tay mình.
Cô nhẹ nhàng xoay thằng bé ra để tôi có thể nhìn thấy mặt nó. Tôi dứt con trai tôi ra khỏi vú mình và nâng nó lên để hai thằng bé có thể đối diện với nhau. Một đứa bảy tháng, một đứa sáu tháng. Người ta nói tất cả những đứa bé đều xinh đẹp. Con trai tôi đúng là như vậy, nhưng con của Tuyết Hoa, thay vì có mái tóc đen dày, tóc của nó lơ thơ như đám sậy ở bờ sông, nước da vàng vọt bệnh tật và mặt mũi thì cau có. Nhưng tất nhiên tôi vẫn khen ngợi cô vì đã sinh được chú nhóc đó, và Tuyết Hoa cũng làm như vậy đối với tôi.
Người chúng tôi khi thì lắc lư, lúc lại va vào nhau, và chao đảo theo bước đi của những người khiêng kiệu, chúng tôi nói chuyện về những dự định mới. Cô đang dệt vào mảnh vải một câu thơ - một công việc khó khăn và mệt mỏi. Tôi đang học cách làm món chim ngâm rượu - một nhiệm vụ khá dễ dàng, có điều phải làm sao cho đúng cách để tránh bị hỏng. Nhưng đó là đùa cợt đơn giản; chúng tôi còn phải nói với nhau nhiều chuyện nghiêm túc. Khi tôi hỏi cô mọi chuyện thế nào, cô trả lời không lưỡng lự một giây.
“Mỗi sáng thức dậy, mình chẳng có niềm vui nào khác ngoài tình cảm với con mình,” cô thú nhận, nhìn vào mắt tôi. “Mình thích hát khi giặt giũ hay mang củi vào nhà, nhưng chồng mình sẽ nổi giận nếu anh ta nghe thấy. Khi anh ta bực bội, anh ta sẽ không cho phép mình bước ra khỏi cửa để làm bất cứ việc gì ngoài việc nhà ra. Nếu anh ta vui vẻ, vào buổi tối anh ta sẽ để mình ngồi trên bậc thềm nơi anh ta hay mổ lợn. Nhưng khi ngồi ở đó, mình chỉ toàn nghĩ đến những con vật đã bị giết chết. Vào buổi đêm, khi mình đi ngủ, mình biết mình sẽ lại thức dậy, nhưng ở đó sẽ không có bình minh, chỉ toàn bóng đêm.”
Tôi cố cam đoan với cô. “Bạn nói chuyện đó là vì bạn vừa mới làm mẹ và trời lại đang chuyển sang đông.” Tôi không có quyền so sánh nỗi cô đơn của mình với nỗi cô đơn của cô, nhưng ngay cả tôi cũng bị u sầu bủa vây vào những thời điểm đó, những lúc nhớ nhà hay khi bóng tối lạnh lẽo của những ngày ngắn ngủi làm tôi chán nản. “Mùa xuân đến rồi,” tôi bảo Tuyết Hoa, và cũng là bảo chính mình. “Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn vì ngày sẽ dài hơn.”
“Mỗi ngày của mình sẽ tốt hơn nếu ngắn lại,” cô trả lời một cách trần trụi. “Chỉ khi chồng mình và mình đi ngủ thì những lời phàn nàn mới ngừng lại. Mình không còn phải nghe bố chồng mình càu nhàu rằng trà nhạt, mẹ chồng chì chiết vì sự yếu ớt của mình, các em chồng bắt giặt giũ quần áo, chồng mình bảo mình phải bớt lúng túng với cuộc sống ở làng đi, còn con trai mình thì suốt ngày đòi hỏi, đòi hỏi liên tục.”
Tôi thấy kinh hoàng vì hoàn cảnh của lão đồng lại tồi tệ đến thế. Cô đang đau khổ còn tôi lại chẳng biết phải nói gì, dù chỉ vài ngày trước tôi đã tự hứa với mình rằng chúng tôi sẽ thẳng thắn với nhau hơn. Vì lúng túng và ngại ngùng, tôi lại để mình bị trói vào các quy ước.
“Mình luôn cố gắng hòa hợp với chồng và mẹ chồng mình, làm vậy mình có được cuộc sống dễ thở hơn,” tôi khuyên cô. “Bạn cũng nên làm như vậy. Giờ bạn chịu khó chịu đựng, nhưng một ngày nào đó mẹ chồng của bạn cũng qua đời và bạn sẽ trở thành bà chủ trong nhà. Tất cả những người vợ sinh được con trai đầu lòng, thì cuối cùng sẽ nắm được quyền hành trong tay.”
Cô mỉm cười thảm não, và tôi cố tìm hiểu ý tứ sâu xa trong lời than phiền của cô đối với thằng bé con. Tôi thực sự không hiểu nổi. Con trai là cuộc đời của một người đàn bà. Đáp ứng các yêu cầu của nó là công việc và sự thỏa mãn của người đàn bà.
“Rồi thằng bé cũng sớm biết đi thôi,” tôi nói. “Bạn sẽ phải chạy theo nó khắp nơi. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.”
Cô ôm chặt lấy đứa bé trong tay. “Mình lại sắp có thêm một đứa nữa.”
Tôi tươi cười chúc mừng cô, nhưng đầu óc tôi thì rối cả lên. Điều này giải thích tại sao ngực cô lại căng lên và cái bụng trông lùm lùm thế kia. Cô đẹp ra nhiều. Nhưng làm sao cô lại có bầu quá sớm như thế? Đó có phải là cái chuyện ô uế mà cô đã viết trong thư không? Chồng cô đã chăn gối với cô từ trước cữ kiêng ba tháng ư? Hẳn phải là như vậy.
“Mình mong bạn sẽ có thêm một bé trai,” tôi cố nặn ra một câu để nói.
“Mình cũng hy vọng thế.” Cô thở dài. “Vì chồng mình bảo rằng có một con chó còn tốt hơn là có một đứa con gái.”
Chúng tôi đều hiểu được ý nghĩa thật sự của lời anh ta, nhưng ai lại đi huỵch toẹt nói vào mặt người vợ đang mang thai của mình như vậy?
May thay, chiếc kiệu đã hạ xuống và tiếng anh em trai tôi reo lên vui vẻ đón chào ngoài kia cứu thoát tôi khỏi sự khó xử khi không biết phải đáp lại thế nào. Tôi đã về đến nhà.
Nhà tôi thay đổi nhiều biết bao! Vợ chồng anh trai tôi đã có hai đứa con. Chị dâu tôi trở về nhà bố mẹ đẻ để cùng tham dự hội Đuổi Chim, nhưng để con gái lại cho nhà tôi trông. Cậu em trai của tôi vẫn chưa lấy vợ, nhưng công việc chuẩn bị cho lễ cưới của nó cũng đã hòm hòm. Nó đã chính thức trở thành một người đàn ông. Chị gái tôi trở về nhà với hai đứa con gái và một đứa con trai. Trông chị già sọm đi, dù tôi cứ ngỡ chị vẫn là người con gái hồi mới búi tóc. Mẹ tôi không còn có thể chì chiết tôi dễ dàng được nữa, dù bà cố tìm cơ hội để làm vậy. Bố tôi thì tự hào, nhưng tôi vẫn nhận ra gánh nặng mà ông cảm thấy khi phải nuôi ngần này miệng ăn ngay cả chỉ trong vài ngày ngắn ngủi này. Cùng một lúc, có tới bảy đứa nhóc từ sáu tháng đến sáu tuổi. Cả nhà vang lên tiếng những bước chân lép bép bước qua bước lại trên sàn, kêu gọi chú ý, và những bài hát dỗ dành cho chúng yên lặng. Thím tôi thích thú với những đứa bé tung tăng xung quanh, một gia đình nhiều trẻ con là giấc mơ của cả đời thím. Nhưng, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy nước mắt thím trào ra. Nếu cuộc đời công bằng hơn, thì Mỹ Nguyệt cũng đã có thể ở đây với những đứa con của cô ấy.
Chúng tôi có ba ngày để tán gẫu, cười đùa, ăn uống và ngủ - không hề có cãi vã, nói xấu, chỉ trích hay kết tội. Với tôi và Tuyết Hoa, quãng thời gian tuyệt nhất là những buổi đêm trên căn buồng phụ nữ. Chúng tôi đặt hai đứa con trai nằm giữa. Ngắm hai đứa bé nằm bên nhau, sự khác biệt giữa chúng còn hiển hiện rõ ràng hơn nữa. Thằng bé của tôi khá mũm mĩm với chỏm tóc đen nhánh dựng ngược giống y chang chồng tôi. Nó thích mê đi khi được bú và mút ừng ực bầu sữa của tôi cho đến lúc no đờ ra khoan khoái, rồi ngừng lại nhìn tôi và mỉm cười. Con trai của Tuyết Hoa có lúc khó khăn với sữa của mẹ nó, thằng bé trớ ra vai cô khi cô vỗ vỗ lưng để nó ợ hơi. Thằng bé cũng quấy theo một kiểu khác nữa - nó khóc vào lúc chiều muộn, mặt nó đỏ gay vì giận dữ, mông nó đỏ hồng và phồng rộp lên vì vết hăm. Nhưng khi bốn người chúng tôi cùng rúc vào chăn, cả hai đứa bé đều im lặng, lắng nghe lời thì thầm của chúng tôi.
“Bạn có thích ân ái không?” Tuyết Hoa hỏi, khi cô tin chắc rằng mọi người đã ngủ.
Từ lâu lắm rồi chúng tôi đã được nghe những câu chuyện đùa tục tĩu từ những người đàn bà lớn tuổi hay những kiểu bình luận quá tự nhiên thoải mái của thím tôi về những khoái cảm trong chuyện chăn gối của chú thím. Tất cả những chuyện đó thường làm tôi bối rối, nhưng giờ đây tôi hiểu rằng không có gì phải bối rối về chuyện như vậy.
“Chồng mình và mình giờ giống như đôi uyên ương,” Tuyết Hoa tiếp tục gợi chuyện, khi thấy tôi không đáp lời ngay. “Vợ chồng mình đem đến hạnh phúc lớn cho nhau khi cùng chắp cánh bay lên.”
Điều cô nói kéo tôi trở lại. Có phải cô lại đang nói dối tôi, như cô từng làm thế bao năm qua không? Trong khi tôi im lặng rối bời, cô lại tiếp lời.
“Mặc dù cả hai vợ chồng mình đều thích chuyện đó,” Tuyết Hoa tiếp tục, “nhưng mình rất lo khi chồng mình không tuân theo các quy tắc về chuyện chăn gối sau khi sinh nở. Anh ta chỉ đợi có hai mươi ngày.” Cô lại dừng lại, rồi nói tiếp, “mình không đổ lỗi cho anh ta. Mình đã đồng ý. Mình cũng thích chuyện đó.”
Dù hoàn toàn bối rối trước chuyện Tuyết Hoa bày tỏ ham muốn chăn gối, tôi cũng đã bớt căng thẳng hơn. Cô đã nói thật, vì không ai lại đi nói dối để che giấu một sự thật tồi tệ hơn. Còn gì đáng hổ thẹn hơn khi làm một chuyện ô uế?
“Điều đó không tốt đâu,” tôi thì thầm đáp lại. “Bạn phải tuân theo các quy tắc.”
“Nếu không thì sao? Mình sẽ trở thành kẻ ô uế như chồng mình chắc?”
Rõ ràng là tôi đã nghĩ vậy, nhưng tôi chỉ nói, “mình không muốn bạn ốm đau hoặc chết.”
Cô cười vang trong bóng tối. “Không ai bị bệnh vì ân ái đâu bạn ạ. Nó chỉ mang đến cho bạn những khoái cảm mà thôi. Mình phải làm việc cực nhọc cả ngày cho mẹ chồng mình. Lẽ nào mình lại không đáng được hưởng thụ lạc thú đó vào ban đêm? Và, nếu mình có thêm một đứa con trai nữa, mình sẽ được sung sướng hơn bây giờ.”
Cái phần này thì tôi biết là sự thật. Thằng bé nằm ngủ giữa chúng tôi kia vừa khó nuôi vừa ốm yếu. Tuyết Hoa cần có thêm một đứa con trai nữa... phòng khi.
Vèo một cái, ba ngày của chúng tôi đã trôi qua. Tôi thấy nhẹ lòng đi nhiều. Chiếc kiệu của tôi trả Tuyết Hoa trước ngưỡng cửa nhà cô; sau đó tôi trở về nhà mình. Không ai phát hiện ra chiến thuật nghi binh của tôi trên đường đi, và số tiền tôi trả cho những người khiêng kiệu bảo đảm rằng họ sẽ im lặng. Được khuyến khích bởi chuyến đi trót lọt đó, tôi biết tôi sẽ có thể gặp Tuyết Hoa thường xuyên hơn. Có nhiều lễ hội trong năm đòi hỏi những người đàn bà có chồng quay về quê nhà, vả lại chúng tôi còn có những cuộc viếng thăm hàng năm đến Miếu Cô Bà. Dù đã là những người đàn bà có chồng, nhưng chúng tôi vẫn là lão đồng của nhau, bất kể mẹ chồng tôi có nói gì đi nữa.
NHỮNG THÁNG TIẾP theo, Tuyết Hoa và tôi vẫn tiếp tục viết thư cho nhau, những lá thư của chúng tôi cứ lượn qua lượn lại những cánh đồng tự do như những chú chim tung bay theo ngọn gió trên cao. Những lời than vãn của cô bớt dần, và tôi cũng vậy. Chúng tôi đã là những bà mẹ trẻ và cuộc sống của chúng tôi tươi sáng lên bởi những khám phá từng ngày về các cậu bé của chúng tôi - một chiếc răng mới nhú, tiếng nói bập bẹ đầu tiên, những bước đi đầu tiên. Theo suy nghĩ của tôi, chúng tôi rồi cũng sẽ thấy bằng lòng khi hòa mình được với nhịp sống trong gia đình mới của mình, học cách làm hài lòng mẹ chồng, và thích nghi với các bổn phận của một người vợ. Thậm chí, tôi đã quen thuộc hơn với việc kể với Tuyết Hoa về những khoảnh khắc thầm kín giữa vợ chồng tôi. Giờ tôi mới hiểu lời dạy của các tiền bối ngày xưa: “Lên giường, là chồng; ra khỏi giường lại là đấng quân tử.” Tôi thấy thích chồng mình hơn khi anh ở trên giường. Ban ngày, anh nhất nhất tuân theo Cửu Lự. Anh phải khiêm tốn, trung thành kính cẩn, và chính trực. Khi chưa rõ về chuyện gì, anh hỏi bố mình, và những khi bực bội hiếm hoi anh cũng cẩn trọng để không để lộ ra ngoài. Nên đến đêm, khi anh ân ái với tôi, tôi thấy hạnh phúc bởi thấy anh thích thú nhưng lại cũng thấy nhẹ cả người khi anh kết thúc chuyện đó. Khi còn độ tuổi búi tóc tôi đã không hiểu nổi những điều mà thím tôi nói, và tôi thật sự không hiểu nổi sự sung sướng của Tuyết Hoa khi ân ái. Nhưng dù sự thiếu hiểu biết của tôi có tệ đến đâu, tôi vẫn biết một điều: bạn không thể phá vỡ quy tắc về sự ô uế mà không phải trả một cái giá nào đó.
Bách Huệ
Mình đã bị sẩy mất đứa con gái. Nó chết khi còn chưa bắt rễ, vì thế nó không phải biết đến những đau khổ của cuộc đời. Mình nắm bàn chân nhỏ xíu của nó trong tay. Bàn chân đó sẽ không bao giờ phải nếm trải nỗi đau đớn của việc bó chân. Mình chạm vào mắt nó. Đôi mắt ấy sẽ không bao giờ phải chứng kiến nỗi buồn khi phải rời xa nhà bố mẹ, hay nhìn thấy mẹ nó lần cuối cùng, hay nói lời vĩnh biệt với đứa con đã chết. Mình đặt bàn tay lên trái tim của nó. Trái tim này sẽ không bao giờ biết đến đớn đau, buồn bã, cô đơn, hay xấu hổ. Mình nghĩ về con bé ở thế giới bên kia. Liệu mẹ mình có ở bên nó không? Mình chẳng biết gì về số phận của họ.
Mọi người trong nhà đều đổ tội cho mình. Mẹ chồng mình nói, “Tại sao chúng tôi lại phải rước cô về khi cô không thể sinh con trai cơ chứ?” Chồng mình thì bảo, “Cô còn trẻ. Cô sẽ còn đẻ thêm nhiều đứa nữa. Lần tới phải sinh cho tôi một đứa con trai đấy.”
Mình chẳng có cách nào để trút vợi nỗi buồn này. Không có ai để lắng nghe mình cả. Mình ước gì có thể nghe thấy tiếng bạn lên gác.
Mình tưởng tượng mình hóa thành chú chim. Mình sẽ bay lên mây, và thế giới bên dưới sẽ trở nên nghìn trùng xa cách.
Miếng ngọc mà mình đeo trên cổ để bảo vệ đứa con chưa sinh của mình đang đè nặng lên tâm trí mình. Mình không thể ngừng suy nghĩ về đứa con gái bé bỏng đã mất.
Tuyết Hoa
Việc sẩy thai vẫn thường xảy ra ở vùng chúng tôi, và người ta cho rằng không việc gì phải chăm sóc những người đàn bà bị sẩy thai, nhất là khi đứa bé chết non lại là con gái. Sự chết non chỉ được xem là điều khủng khiếp nếu đứa bé là con trai. Nếu đứa bé chết non là con gái, thì có khi bố mẹ chúng còn thấy đó là may mắn. Không ai muốn có thêm một miệng ăn vô dụng cả. Với tôi, khi tôi đang mang thai và sợ chết khiếp rằng có chuyện gì xảy ra với đứa con của mình, thì thành thật mà nói tôi cũng không biết mình sẽ cảm thấy thế nào nếu đứa bé là con gái và chết trước khi hít thở bầu không khí của cuộc đời này. Ý tôi muốn nói là tôi thấy bối rối trước những cảm giác mà Tuyết Hoa đang trải qua.
Tôi đã nài xin cô kể cho tôi nghe sự thật, nhưng giờ cô đã kể thì tôi lại không biết phải trả lời thế nào. Tôi muốn đáp thư với sự cảm thông. Tôi muốn vỗ về và an ủi cô. Nhưng tôi lại thấy lo sợ cho cô và không biết phải viết gì. Mọi chuyện xảy đến với cuộc đời Tuyết Hoa - hiện thực của tuổi thơ cô, cuộc hôn nhân khủng khiếp của cô, và bây giờ là chuyện này - nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Tôi mới sang tuổi hai mốt. Tôi chưa bao giờ thực sự phải nếm trải khổ đau, cuộc đời tôi hạnh phúc, chính vì thế ở tôi ít sự thấu cảm.
Tôi lục tìm trong đầu mình những từ thích hợp để viết cho người con gái mà tôi yêu quý, và cảm thấy xấu hổ ghê gớm khi lại để cho những quy ước mà tôi đã lớn lên cùng bó buộc lấy trái tim mình như tôi đã làm khi ngồi trên chiếc kiệu lần trước. Khi nhấc bút lên, tôi thoái lui trở lại với sự an toàn của một lá thư truyền thống thích hợp với một người đàn bà đã có chồng, hy vọng điều này sẽ nhắc Tuyết Hoa nhớ rằng sự bảo vệ duy nhất dành cho đàn bà chúng tôi là vẻ mặt điềm tĩnh thể hiện ra ngoài, ngay cả trong những lúc tột cùng đau đớn. Cô ấy phải cố mang thai lần nữa - và phải sớm - vì bổn phận của mọi người đàn bà là phải cố gắng sinh được những đứa con trai.
Tuyết Hoa,
Mình ngồi ở khuê phòng suy nghĩ kỹ càng.
Mình viết thư mong an ủi được bạn.
Hãy nghe mình.
Bạn yêu quý, hãy làm trái tim bạn ngừng thổn thức.
Hãy nghĩ rằng mình đang ở bên bạn - tay trong tay.
Hãy hình dung rằng mình đang khóc bên bạn.
Nước mắt chúng ta hòa thành bốn dòng suối tuôn chảy mãi mãi.
Hãy biết điều này.
Nỗi buồn của bạn thật sâu sắc nhưng bạn không đơn độc đâu.
Đừng quá đau khổ.
Đó là trời định, cũng như giàu sang hay nghèo khó vậy.
Nhiều đứa bé đã chết.
Đó là nỗi đau đớn của trái tim người mẹ.
Chúng ta không thể kiểm soát được chuyện này.
Chúng ta chỉ biết lại cố gắng mà thôi.
Lần tới, hãy cố sinh một cậu bé…
Bách Huệ
Hai năm trôi qua, trong thời gian đó những đứa con của chúng tôi đã tập đi, tập nói. Con trai Tuyết Hoa biết nói biết đi trước con trai tôi; đương nhiên rồi. Nó lớn hơn thằng bé nhà tôi sáu tuần tuổi kia mà, nhưng chân nó không giống thân cây cứng cáp như chân con tôi. Thằng bé vẫn gầy nhẳng, và dường như đó cũng là đặc điểm trong cá tính của nó. Nói vậy không có nghĩa là bảo nó không thông minh. Nó rất khôn nhưng không khôn bằng con trai tôi. Mới lên ba, thằng bé của tôi đã thích cầm bút lông. Cu cậu thật tuyệt vời, cục cưng của cả phòng phụ nữ chúng tôi. Ngay cả các bà thiếp cũng quan tâm đến nó luôn luôn, cãi cọ nhau vì nó khi họ đã làm xong những tấm lụa mới.
Ba năm sau ngày đứa con đầu của tôi sinh ra, đứa con trai thứ hai chào đời. Số của Tuyết Hoa không được may mắn như tôi. Có thể cô thích thú với chuyện chăn gối cùng chồng mình, nhưng việc đó lại chẳng có kết quả gì - ngoại trừ hai đứa con gái chết non. Sau mấy lần sẩy thai đó, tôi giới thiệu cho cô đến với một thầy lang trong vùng để cắt thuốc giúp cô có con trai và bổ thận tráng dương cho chồng cô. Cô báo lại là nhờ lời khuyên của tôi, vợ chồng cô đã thỏa mãn bằng nhiều cách.
/19
|