Tửu Quốc

Chương 8

/10


1Một Gáo huynh,

Tác phẩm và thư đều đã nhận được.

Đọc xong "Lấy tổ yến", suy nghĩ miên man. Hồi nhỏ nghe ông tôi kể, trên bàn ăn người giàu nào là guốc lạc đà, tay gấu, óc khỉ, tổ yến... Guốc lạc đà thì tôi đã trông thấy, béo múp, chắc là ngon nhưng tôi vô phúc, không được ăn. Hồi nhỏ tôi cũng đã một hai lần ăn vó ngựa chết do anh thứ hai lấy trộm từ đội sản xuất về, tất nhiên chẳng có nhà bếp giỏi giang nào nấu nướng cho ăn, mẹ tôi cho mắm muối vào nước rồi đem luộc, thịt chẳng được là bao, nhưng húp nước no kễnh bụng. Bữa vó ngựa đã để lại dấu ấn sâu sắc, nay vẫn không thể quên, ngày Tết anh em đoàn tụ vẫn nhắc lại chuyện củ, bây giờ vẫn thấy dư vị trên đầu lưỡi. Đó là những năm 60 cực kỳ khó khăn, ấn tượng mới sâu sắc đến như thế. Tay gấu thì năm kia có một xí nghiệp mời cơm, món cuối cùng đen như hắc ín, chủ tiệc trịnh trọng giới thiệu: Đây là món tay gấu, đưa từ Hắc Long Giang về. Thế là tôi hăm hở gắp một đũa đưa lên miệng nhai nhỏ nhẹ, cảm thấy dinh dính, dai dai, không thơm chẳng thối, không khác móng đất lợn là mấy, bụng nghĩ vậy nhưng ngoài miệng thì khen ngon. Chủ nhà nhón một tí nếm thử, nói: "Phát" không tốt! Rồi phê bình nhà bếp không biêt nấu món này. Tôi quả thật không hiểu "phát" nghĩa là gì nhưng không tiện hỏi. Về sau tôi hỏi một anh bạn công tác lâu năm ở khách sạn, mới biết ý nghĩa của từ "phát". Anh ta bảo tôi, bàn tay gấu mà tôi ăn đã sấy khô, do đó phải "phát" cho nó nở ra, còn chân gấu tươi thì không cần "phát", nhưng chế biến cũng không dễ. Anh ta bảo, giả dụ kiếm được tay gấu tươi; phải đào hố dưới đất, lót vôi cục, đặt tay gấu vào rồi xếp vôi cục lên trên, sau đó tưới nước ấm, vôi cục toả nhiệt khi gặp nước, làm sạch lông ở tay gấu. Anh ta nói, ăn tay gấu thì phải kiên nhẫn, ninh càng dừ càng ngon, nếu định ăn vào tối thì buổi sáng đã bắt đầu ninh, mất thì giờ lắm! Ngoài ra, tôi còn nghe ông tôi nói con gấu nhịn ăn trong mùa đông, chỉ mút bàn chân cho đỡ đói, tôi thấy nói vậy cũng chẳng có cơ sở. Còn như đầu khỉ, lúc đầu tôi cứ ngỡ là đầu con khỉ, sau mới biết là một loại nấm của cây. Đầu khỉ thì tồi chưa ăn, nhưng vì bị đau dạ dày, tôi ăn rất nhiều "nấm đầu khỉ". Gần đây tôi gặp trên xe lửa một sư phụ chuyên bào chế thuốc, ông bảo lấy đâu ra nấm đầu khỉ nhiều như thế? Mộc nhĩ trộn với nấm rơm đấy! Tôi giật mình, không ngờ thuốc men mà người ta cũng làm giả! Thuốc mà còn rởm thì có gì không rởm! Cuối cùng là tổ yến đáng sợ tôi chưa trông thấy bao giờ, cũng chưa từng được ăn. Trước kia đọc "Hồng lâu mộng" thấy cô Lâm Đại Ngọc bị bệnh lao, chốc chốc lại ăn tổ yến, biết nó là món ăn quí, người thường không thể có mà ăn. Nhưng tôi không hề nghĩ rằng nó quí đến như thế. Lương của nửa đời người cần cù làm việc, chưa đủ mua vài cân tổyến! Đọc truyện của huynh, tôi sẽ không bao giờ ăn tổ yến, quí hiếm chỉ là một lí do, lí do nữa là tàn nhẫn quá! Tôi không phải là kẻ đạo đức giả, một kẻ "yến đạo chủ nghĩa", nhưng cứ nghĩ đến con chim yến quyện máu với nước dãi để làm tổ thì thật kinh khủng. Trình độ của tồi chỉ sàn sàn trình độ của "ông tôi" trong truyện của huynh. Tôi nghi ngờ những điều "mẹ vợ tôi" kể, hoang đường quáỉ Người Hồng Kông ăn tổ yến, nhưng ngoài đường phố Hồng Kông có rất nhiều người lùn, mồm nhọn, má tóp; Người Sơn Đông chúng tôi ăn toàn bí ử mà ai cũng cao to lừng lững, trên đường gái đẹp không từng đoàn nhưng người đẹp thì chỗ nào cũng có. Qua đó có thể thấy, dinh dưỡng của tổ yến so với bí ử không hơn kém nhau là bao, bỏ ra cả đống tiền để mua cái của ấy, thực tế là một hành động ngu xuẩn, huống hồ lại còn nhẫn tâm phá huỷ ngôi nhà của những con yến Kim Ti thì không đơn thuần chỉ là ngu xuẩn! Gần đây, nhất là sau khi đọc truyện của huynh, tôi thấy người Trung Quốc chúng ta vắt óc tìm tòi những món ăn ngon, đương nhiên những người có điều kiện ăn cao lương mĩ vị thì toàn là tiền chùa, còn đông đảo quần chúng thì cốt ăn lấy no, tiền đâu mà đòi ăn ngon? Đúng là thời đại thịt núi rượu sông, đám quan lại trong truyện của huynh còn ngông hơn bọn Lưu Văn Thái chuyên ăn da chân vịt. Những chuyện như thế này mấy năm trước còn có một vài bài báo vô thưởng vô phạt hoặc vài tranh châm biếm đả kích như gãi ghẻ, bây giờ thì không còn gì nữa.

Trở lại chuyện chính, truyện "Lấy tổ yến" của huynh hơi đậm màu sắc chính trị, theo tồi huynh nên xả cho hết những tình cảm bột phát trong người rồi viết lại. Thu nhặt tổ yến, một nghề lâu đời mà sắp tuyệt diệt, đầy vẻ bí ẩn kỳ lạ, sẽ trở thành câu chuyện hấp dẫn. Tôi nhấn mạnh, nên bỏ công sức đầu tư vào những tình tiết kỳ bí!

Chuyện tôi về thành phố Rượu, lãnh đạo cơ bản đã đồng ý, nhưng tôi phải kết thúc thiên tiểu thuyết đầu tay của tôi rồi mới có thể lên đường. Tôi lúc nào cũng nhớ tới Lễ hội Rượu Bú Dù đầu tiên ở chỗ huynh, không lỡ hẹn đâu!

Bản thảo gửi trả huynh bằng thư chuyển phát nhanh, huynh nhớ kiểm tra đủ.

Chúc huynh viết khoẻ!

Mạc Ngôn

2Kính gửi thầy Mạc Ngôn

Đã nhận được thư của thầy và cả tập bản thảo gửi bằng thư chuyển phát nhanh. Thực ra thầy không nên tốn tiền như thế, chỉ cần gửi bưu điện thường, chậm vài hôm cũng không sao, vì trò đang viết truyện "Tiên tửu", tạm thời chưa sửa "Lấy tổ yến".

Thầy vô cùng cảm khái về câu chuyện "Lấy tổ yến" của trò, và qua đó còn nhớ lại chuyện luộc chân ngựa ngày trước, cho nên dù "Lấy tổ yến" không được đăng cũng đã lập chiến công hiển hách - Nếu không có chuyện này thì chưa chắc thầy viết cho trò dài đến thế!

Đúng như lời thầy nói, thiên hạ thổi phồng quá đáng về tác dụng dinh dưỡng của tổ yên. Theo trò, nó chẳng qua là chất tiết ra từ loài chim, có hàm lượng anbumin cao, thế thôi, chẳng làm gì có công dụng thần kỳ như người ta nói, nếu không thì những người một ngày ăn ba, bốn tổ yến chắc hẳn trường sinh bất tử! Trò được ăn tổ yến có mỗi một lần như đã viết trong truyện. Thầy về thành phố Rượu, trò sẽ tìm mọi cách kiếm một ít cho thầy ăn. Đương nhiên ăn là thứ yếu, cái chính là có thêm chút ít kinh nghiệm về chuyện này.

Còn chuyện bi phẫn trong lòng, trò nhất định sẽ tống khứ nó ra. Trong tình hình này, không ai còn hơi sức đâu mà quậy, hơn nữa còn kiểm điểm rất nghiêm túc, xã hội biến đổi như hôm nay, mỗi người đều có trách nhiệm, bản thân trò cũng mượn gió bẻ măng, uống khắp lượt các loại rượu nổi tiếng trong thiên hạ, chẳng rẻ hơn tổ yến là bao, e rằng người dân chưa ai nhìn thấy, chẳng hạn như Gevrey - Chambertin, La Romanee - Conti của Pháp; Lay, Doktor của Đức; Barbaresco, Lacrima Christi của Ý... đều là những loại rượu quí, quỳnh tương ngọc dịch trăm phần trăm! Thầy ơi, thầy đến mau, chuyện khác thì trò không dám nói khoác, còn chuyện khua khoang ít rượu ngon để thầy uống là trong tầm tay. Xin thầy đừng ngượng, thầy trò mình uống còn hơn là để cái bọn tham quan ô lại nó uống!

Vậy là thầy sắp về thành phố Rượu, trò có bao nhiêu điều muốn nói, đợi khi gặp thầy sẽ dốc bầu tâm sự với thầy.

Xin gửi thầy tác phẩm mới viết xong: "Rượu Bú Dù" để thầy cho ý kiến, vốn định viết dài hơn chút, nhưng mấy ngày nay thân thể rã rời, nên vội vã kết thúc. Đọc xong thầy không cần gửi trả qua bưu điện, mà khi về thành phố Rượu, thầy cầm về hộ. Trò nghỉ một hôm rồi viết tiếp một truyện ngắn, sau đó sửa "Lấy tổ yến".

Chúc thầy viết lách thuận buồm xuôi gió!

Học trò: Lý Một Gáo

3Rượu Bú Dù

Rượu Bú Dù - Rượu nhà họ Viên (Viên tửu). Người sản xuất ra rượu này là ai? Là bố vợ tôi, Viên Song Ngư, giáo sư trường đại học Chưng cất Rượu của thành phố Rượu. Nếu bảo rằng thành phố Rượu như viên ngọc gắn trên bản đồ tổ quốc vĩ đại của chúng ta thì trường đại học Chưng cất là viên ngọc giữa thành phố Rượu, còn bố vợ tôi là viên ngọc của trường, long lanh sắc màu nhất, bắt mắt nhất. Được là học trò của ông, rồi thành con rể ông là vinh dự cho tôi cả đời. Tôi gặp may khiến bao người ghen tị cũng có, hâm mộ cũng có. Trong khi đặt tên, tôi phân vân mãi, gọi là "Rượu Bú Dù" hay "Rượu nhà họ Viên" hoặc "Rượu Viên", nghĩ đi nghĩ lại, tạm lấy tên là "Rượu Bú Dù", gọi vậy nghe có vẻ hoang dã. Bố vợ tôi học thức uyên thâm, nhân cách cao thượng, để tìm cho ra công thức rượu Bú Dù, ông tự nguyện lên Bạch Viên Lĩnh sống cùng lũ vượn, gội gió dầm mưa, một nắng hai sương, cuối cùng ông thành công.

Để bạn đọc không thích rượu hiểu đại khái kiến thức về rượu của ông bố vợ, tôi buộc phải chép ra đây từng đoạn dài trong giáo trình phát cho chúng tôi, đầu đề: "Tửu loại khởi nguyên học".

Hồi ấy tôi vẫn còn là một thằng ngố, từ chốn quê mùa bước vào miếu đường thiêng liêng của rượu, kiến thức về rượu gần như bằng số không. Khi ông nhạc tôi tay chống ba toong, mặc âu phục trắng, dáng điệu vô cùng tao nhã bước lên bục giảng, tôi nghĩ bụng, rượu chẳng qua là thứ nước cay chứ gì? Để xem ông già này ăn nói như thế nào! Bố vợ tôi đứng trên bục giảng chưa nói câu gì đã cười khà khà, vừa cười vừa lấy trong túi ra một chai nhỏ, mở nút uống một ngụm, chẹp chẹp miệng, hỏi: Các bạn sinh viên! Tôi dang uống gì thế? Có người nói: Nước máy. Có người nói: Nước đun sôi để nguội. Có người nói: Một chất trong suốt. Có người nói: Rượu. Tôi biết chắc là rượu vì ngửi thấy mùi, tôi nói rất nhỏ: "Nước tiểu". "Rồi! - Bố vợ tôi đập tay xuống bàn nói: Trò nào bảo là rượu, giơ tay!" Một cô có cái bím tóc to đùng đứng dậy, mặt đỏ bừng, liếc nhìn bố vợ tôi một cái rồi cúi đầu xuống, tay mân mê bím tóc, đây là thói quen của những cô gái để tóc dài - động tác học trên phim. Bố vợ tôi hỏi: "Sao trò biết đó là rượu?" Cô nói lí nhí, phải cố gắng lắm mới nghe thấy: "Em ngửi thấy mùi rượu". "Mũi trò sao thính thế?" Mặt cô gái càng đỏ, không những đỏ mà còn đỏ tía. "Vì sao?" Bố vợ tôi hỏi. Cô gái nói càng nhỏ: "Mấy ngày này khứu giác em rất nhậy". Bố vợ tôi vỗ trán, đột nhiên ngộ ra: "Tôi hiểu rồi, hiểu rồi!" Em ngồi xuống. Bố vợ tôi hiểu cái gì, các bạn biết không? Tôi thì sau này mới biết. Ông nói, có một số phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt, khứu giác đặc biệt mẫn cảm, sức tưởng tượng cực kỳ phong phú. Vì vậy, có rất nhiều phát minh quan trọng của nhân loại có liên quan mật thiết đến thời kỳ này. "Trò nào bảo là nước tiểu, đứng dậy!" - Bố vợ tôi nghiêm giọng, nói. Tai tôi ù đi, mắt nảy đom đóm như bị nện một gậy giữa đỉnh đầu, không ngờ ông già thính tai đến thế! - Đứng dậy! Đừng ngượng - Ông nói. Vẻ lúng túng của tôi khiến cả lớp chú ý, đương nhiên cũng khiến cô đang hành kinh, có bím tóc to chú ý. Tên cô là Kim Mạn Lệ, cái tên điển hình cho điệp viên nữ. Về cô tôi sẽ có bài bình riêng. Sau này cô cũng trở thành nghiên cứu sinh do bố vợ tôi hướng dẫn. Toi rồi, cái miệng thối như cứt chó này gây tai hoạ rồi! Lý Một Gáo ơi là Lý Một Gáo! Trước khi đi bố mẹ mày dặn như thế nào? Chẳng phải đã dặn mày nói ít nghe nhiều đó sao? Thuốc cao cũng không trám được miệng mày lại! Chim gõ kiến chết vì cái mỏ, mày chết vì cái mồm! Tôi ngượng nghịu đứng dậy, không dám ngửng đầu lên. "Trò tên là gì?" "... Dạ, tên Lý Một Gáo". Chả trách tưởng tượng kinh thế! Thì ra là Tửu Tiên giáng thế! Mọi người nghe vậy cười ồ. Ông giơ hai tay ra hiệu đùng cười, tợp một ngụm rượu, chẹp miệng nói: "Lý Một Gáo, ngồi xuống! Thực tình tôi rất thích cậu, cậu khác với mọi người!"

Tôi ngẩn ngơ ngồi xuống, mắt nhìn bố vợ. Ông đút nút chai rượu, lắc mạnh để thử đã chặt chưa rồi đưa cái chai ra chỗ nắng, chiêm ngưỡng rượu trong chai sủi bọt, cất giọng cực kỳ hấp dẫn: "Các trò thân mến, đây là chất nước thiêng, trong những ngày cải cách mở cửa hiện nay, tác dụng của nó ngày càng lớn, không hề phóng đại mà nói rằng, không có nó, thì chấn hưng thành phố Rượu chỉ là câu nói suông. Rượu là ánh nắng, là không khí, là máu. Rượu là âm nhạc, là hội hoạ, là balét, là thi ca. Người nấu rượu là bậc đại sư thâu tóm tất cả các loại hình nghệ thuật vào ông ta. Mong rằng trong các trò có ai đó sẽ trở thành bậc thầy về chưng cất rượu, đem chưng bầy ở Hội chợ Basaillot để giành hmy chương vàng, đem lại vinh quang cho tổ quốc. Có ngươi miệt thị chuyên môn của tôi, cho rằng nghề nấu rượu không có tiền đồ, các trò thân mến, tôi có thể nói với các trò, rằng một ngày nào đó quả đất bị huỷ diệt thì những phân tử rượu sẽ bay lượn trong vũ trụ!". Trong tiếng vỗ tay như sấm ông giơ cao chai rượu, nét mặt trang nghiêm thánh thiện - hình ảnh đặc tả người anh hùng trong phim ảnh. Tôi ngượng, thấy mình không nên ví rượu với nước tiểu, dù rằng chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành nước tiểu.

Về nguồn gốc của thứ nước thiêng đó, đến nay vẫn còn là câu đố. Suối rượu mấy ngàn năm tụ lại thành sông Hoàng, thành Trường Giang, nhưng vẫn không tìm thấy đầu nguồn. Chúng ta chỉ còn cách phỏng đoán. Các nhà thiên văn khi phân tích quang phổ vũ trụ, phát hiện ra ngoại tầng không gian có rất nhiều phân tử rượu. Gần đây, nhà phi hành vũ trụ nữ người Mỹ trong khi bay chợt ngửi thấy hơi rượu nồng nặc, cảm thấy lâng lâng như chếnh choáng say. Từ đâu mà có phân tử rượu trong vũ trụ? Mùi rượu mà nhà phi hành nữ ngửi thấy từ đâu mà ra? Từ thiên thể khác hay từ thành phố Rượu chúng ta bay lên? Các trò thân mến, hãy mở rộng đôi cánh tưởng tượng ra nào!

Bố vợ tôi nói, người xưa qui công phảt minh rượu cho thần linh, hơn nữa. còn dựng bao nhiêu chuyện cảm động. Đề nghị xem giáo trình...

Người Ai cập cổ đại cho rằng, Osiris là người đầu tiên phát minh ra rượu, vì rằng ông ta là hộ thần của con người sau khi chết, rượu dùng để tế tiền nhân, siêu độ vong linh, chắp cánh cho họ bay về thế giới cực lạc. Những người còn sống chúng ta khi say rượu cũng có cảm giác bay bổng, vậy nên bản chất của rượu là phơi phới như muốn bay lên. Người Misutudalaia đội lên đầu Noah vòng nguyệt quế của ông thuỷ tổ nghề nấu rượu. Họ nói, Noah không những tái tạo lại con người sau khi nước rút, mà còn tặng rượu cho con người để đề phòng tai nạn. Misutudlaia còn chỉ Erinan, nơi Noah nấu rượu.

Người Hi Lạp cổ đại có tửu thần riêng của mình, tên vị thần này là Dionysus, là tiên thánh trong chư thần ở Olimpic, suốt ngày bầu bạn với rượu. Ngài đại diện cho cuồng hoan, tượng trưng cho xiềng xích rơi rụng lả tả, tượng trưng cho tinh thần quật khởi của con người.

Tôn giáo nào tin vào tinh thần chí thượng thì có cách nhìn nhận khác về nguồn gốc của rượu, Phật giáo và đạo Islam căm thù rượu sâu sắc, họ tuyên bố rượu là cội nguồn của mọi tội ác. Cơ đốc giáo cho rằng rượu là máu của chúa Jesus, là biểu hiện bằng vật chất tinh thần cứu thế của Chúa. Uống rượu vào, cùng nhịp tim, có thể thông linh với Thượng đế. Tôn giáo coi rượu như một thứ tinh thần, đây là một kiến giải sáng suốt tuy rằng ta đều biết rượu là một loại vật chất, nhưng tôi xin nhắc các bạn: nguòi nào coi rượu đơn thuần là vật chất, người ấy rất khó trở thành cây đa cây đề trong nghệ thuật. Rượu là tinh thần, vấn đề này để lại dấu ấn trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc, thí dụ từ Spirits (rượu mạnh) trong tiếng Anh, Spiritueux (rượu mạnh) trong tiếng Pháp. Những từ này đều giống nhau về từ căn, liên quan đến ý nghĩa "tinh thần".

Nhưng chúng ta vốn theo chủ nghĩa duy vật, nhấn mạnh rượu là tinh thần, chẳng qua là để cho tâm linh chúng ta bay bổng, bay đến rã rời rồi rơi xuống vẫn còn lục lọi trong đống giấy cũ để tìm nguồn gốc của rượu. Đây quả là một công việc đẹp đẽ. Văn hiến tôn giáo và tác phẩm văn học của Ấn Độ cổ đại như "Vệ Đà" (Veka) có nhắc đến một loại có tên "Soma" chỉ rượu uống và một loại khác có tên Baoma chỉ rượu tế. Người Xibôlai trong "Cựu ước toàn thư" (The old Testament), nhiều lần đề cập đến "Rượu chua" và "Rượu ngọt". Văn giáp cốt cổ xưa của ta viết: "Rượu này...Giáp lớn...Đinh", có nghĩa là "Rượu này cúng Giáp lớn, rượu kia cúng Đinh". Trong giáp cốt văn có chữ "Sướng", Ban Cố đòi Hán giải thích trong "Bạch hổ thông nghĩa": hương của trăm loại cỏ, trộn với nhau lên men mà thành". "Sướng" có nghĩa là rượu ngon. "Sướng" đồng nghĩa với thông suốt, khoan khoái, tận tình, không trở ngại, uống cho sướng... Rượu là mảnh đất của tự do. Cho đến nay, những phát hiện văn tự ghi chép về rượu khắp nơi trên thế giới, sớm nhất phải kể các nút vò rượu khai quật được trong các ngôi mộ cổ thời tiền sử ở Ai Cập, có khắc rõ nét dấu ấn của triều đại Ramses III (1198 - 1166 trước công nguyên)

Dùng chữ ghi chép về rượu sớm nhất, có thể kể: Trong chữ Trung Quốc có chữ "Phong" chỉ một loại rượu ngọt; "Bojah" chữ Ấn Độ cổ, chỉ một loại rượu chiết từ ngũ côc; "Bosa", tiếng Asaipia, chỉ rượu đại mạch; "Servisia", tiếng Cao Lư cổ; "Pior", tiếng Đức cổ; "Eolo", tiếng Scăngđinavơ cổ; "Bere", tiếng Ăngglô Sácxông cổ. Trên đây là cách viết về bia của các dân tộc cổ; Rượu sữa, dân du mục cổ xưa ở Mông Cổ gọi là "Koumiss", người Mêsuputalaia gọi là "Mazoun"; Rượu mật ong, người Hi Lạp gọi là "Mclikaton", người La Mã cổ gọi là "Aqua Musla", người Santơ gọi là "Chouchen"; người Scăngđinavơ thường uống rượu mật ong - trong lễ cưới, "Tháng trăng mật" có tên từ đó, ngày nay cả thế giới đều gọi. Các văn tự ghi chép nêu trên đều có mặt trong nền văn hoá của các dân tộc trên thế giới, không thể dẫn ra tất cả.

Dẫn ra một lô một lốc trong giáo trình của bố vợ, chắc chắn các vị ngán tận cổ, xin lỗi, tôi cũng ngán kinh khủng, nhưng chẳng còn cách nào khác, chịu khỏ một tí vậy, sắp xong rồi, sắp xong rồi đây! Căn cứ vào chữ viết để xác định nguồn gốc của rượu, phải lần ngược khoảng mười thế kỷ trước công nguyên, khiến nhiều người cảm thấy rắc rối quá. Rượu ra đòi sớm hơn lịch sử loài người, lập luận này hoàn toàn chính xác. Một lượng lổn những cổ vật khai quật được đã cung cấp đầy đủ chứng cứ cho chúng ta. Trong di chỉ Long Sơn có "hồ" rượu ba chân bằng gôm, "tôn" đựng rượu hoa văn đẹp mắt, "giả" bề thế to đùng. Tranh vẽ rượu tế thần trong hang động Mila, tháp Anta, Tây Ban Nha v...v...đều chứng minh rượu đã có trên một vạn năm lịch sử.

Các bạn, bố vợ tôi nói rằng, rượu là một hợp chất hữu cơ. Trong thiên nhiên, nó có thể tự nhiên thành rượu - một kiểu cướp quyền tạo hoá. Đường dưới tác động của men, thêm bớt một số vật chất khác, liền hoá hợp thành rượu. Trong thiẽn nhiên có vô vàn những hợp chất có đường, những loại trái cây hàm lượng đường tương đối nhiều thì dễ bị men phân giải, như quả nho chẳng hạn. Giả dụ có những chùm nho bị gió, nước hoặc thú rừng đem tới một chỗ đất trũng, độ ẩm và ôn độ thích đáng khiến chất men ngoài vỏ hoạt động, biến quả nho thành rượu ngọt. Trung Quốc có câu: "Bú dù (một loại vượn) ủ rượu" là căn cứ vào sách "Phùng lung dạ thoại". Sách này viết: "Hoàng Sơn có rất nhiều bú dù, xuân hè hái hoa quả cất trong hang đá trũng, lên men thành rượu, thơm ngào ngạt. Sách " Thanh bại loại sao. Ngạc tây ngẫu ký" chép: "Các phủ Ngạc Tây, Bình Lạc, trong núi có nhiều vượn rất giỏi làm rượu bằng các loài hoa", tiều phu lên núi gặp sào huyệt của lũ vượn thấy rất nhiều rượu, thơm ngon kỳ lạ. Lũ vượn chỉ biết hái hoa quả rồi nhét hổ lớn vào hốc đá nhăng nhít như thế mà thành rượu, huống hồ cha ông chúng ta! Cách khỉ chế rượu như đã nói thì ở nước nào cũng có. Tỉ dụ như ở Pháp, dân rượu cho rằng những con chim tập kết trái cây ở tổ, rồi vì một lí do nào đó chúng quên không ăn, tóm lại, hốc cây trở thành hũ đựng rượu. Con người biết làm ra rượu là do có sự gợi ý của chim chóc. Sự sinh thành của rượu phải là đồng bộ với sự xuất hiện những trái cây có đường, vậy nên trước khi có loài người, trên địa cầu đã thơm ngát mùi rượu.

Vậy thì, con người chế ra rượu từ khi nào? Trước hết, điều, này quyết định bởi con người nhìn thấy rượu trong thiên nhiên. Có người không sợ chết hay là khát quá hoá liều, uống cái thứ rượu ấy của chim trong hốc đá, được nếm mùi vị kỳ lạ của chất nước và cảm giác lâng lâng sau khi uống, và thế là người ta rồng rắn kéo nhau đi tìm hốc đá và tổ chim. Hốc đã tìm hết rồi, rượu uống sạch rồi, người ta nảy ra ý tự làm ra rượu. Động cơ có rồi, tiếp theo là mô phỏng lũ vượn, bỏ trái cây vào hốc đá.

Nhưng không phải lần nào cũng thành rượu, có khi trái cây trong hốc khô quắt, khi lại thối nhũn. Rất nhiều lần như thế, con người dừng học tập cách chê rượu của lũ khỉ, nhưng mùi thơm của rượu hấp dẫn quá giúp con người có dũng khí thực nghiệm, và thế là nảy ra kinh nghiệm: dựa vào thiên nhiên mà làm ra rượu hoa quả. Mọi người vui nổ trời, khoả thân nhảy múa dưới ánh đuốc suốt đêm trong động. Con người học tập cách ủ, học tập cách trồng trọt, đồng thời học thuần dưỡng thú rừng, đến khi lương thực có thể thay thê thịt thú và cá, trở thành thức ăn chủ yếu, cuộc thí nghiệm dùng lương thực để nấu rượu bắt đầu. Cái gì đã khiến động cơ ấy nảy sinh? Có thể là do ngẫu nhiên, cũng có thể là ý trời. Khi một giọt rượu được hình thành trong vật làm lạnh chảy xuống chai, nhân loại đã bước sang một trang sử chói lọi, mở đầu một thời đại văn minh rực rỡ.

- Hết giờ! - Bố vợ tôi nói.

Tan học, bố vợ tôi tu ồng ộc một hơi cạn rượu trong chai, miệng chép chép rồi lại chẹp chẹp, đút chai rượu vào túi, kẹp cặp da vào nách, nhìn tôi chằm chằm như có ngụ ý sâu xa gì đó rồi ưỡn ngực bước ra khỏi lớp học.

Bốn năm sau tôi tốt nghiệp đại học, lại thi đỗ vào lớp nghiên cứu sinh Thạc sĩ do bố vợ tôi hướng dẫn, đề tài luận văn Thạc sĩ của tôi là: "Chủ nghĩa hiện thực ảo trong tiểu thuyết của châu Mỹ La tinh với công việc pha chế rượu". Bản luận văn được bố vợ tôi khen hết lời, được chấp thuận dễ dàng, lại còn được giới thiệu đăng trên trang nhất "Đại học Chưng cất học báo". Tiếp đó, bố vợ nhận tôi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Tôi đã chọn phương hướng nghiên cứu: "Những biểu hiện lý hoá của những người giàu tình cảm trong quá trình pha chế rượu và ảnh hưởng tổng quát của nó với rượu". Bố vợ cực kỳ tán thưởng phương hướng nghiên cứu của tôi, ông cho rằng, góc độ mà tôi chọn đề tài rất mới lạ, rất có ý nghĩa và rất thú vị. Ông đề nghị trước khi bắt tay vào viết luận văn, tôi dành ra một năm đi thư viện đọc sách, thu thập tư liệu, đừng vội chấp bút.

Một người tên là Tôn Ông của thành phố Rượu, thích rượu, uống như hũ chìm, mỗi bữa phải vài đấu. Ruộng tốt có hơn chục mẫu, nhà có vài chục gian, đều theo rượu ra đi, vợ là Lưu thị dắt con đi lấy người khác. Tôn Ông la cà đầu đường xó chợ, đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, áo quần lam lũ như kẻ ăn mày, thấy người ta uống rượu liền quì xuống dập đầu toé máu xin uống kẹ. Một hôm có một người mặt mũi trẻ thơ nhưng tóc thì đã bạc, nhẹ nhàng đi tới bảo Ông: "Từ đây đi về phía đông nam một trăm dặm, có một quả núi tên Bạch Viên Lĩnh, trên núi có rừng xanh tươi tốt, trong rừng có lũ bú dù (vượn) biết ủ rượu, ở đó rượu chảy như suối, sao không đến mà uống cho đã? Ăn xin ở đây làm gì!" Được lời, ông đi liền, đi như bay, không kịp cảm ơn. Đến chân núi, ngước nhìn thấy cây cối rậm rạp, không có đường, bèn vịn dây leo mà lên, vào sâu trong rừng, cây to chọc trời, dây leo chằng chịt, chim chóc hót vang. Một con thú to như con trâu, mắt sáng như điện, tiếng gầm như sấm, cây cối xào xạc. Ông hãi quá chạy tìm chỗ nấp thì bị ngã xuống hố, mắc vào ngọn cây, nghĩ bụng phen này chắc chết. Chợt ngửi thấy mùi rượu thơm điếc mũi, trong lòng phấn chấn, bèn tụt xuống, nhằm phía có mùi thơm mà đi tới. Những bụi cây lúp xúp, hoa quả trĩu cành. Một con vượn trắng nhỏ ôm một ôm quả màu tím, y như bằng mã não, nhảy nhót phía trước mặt. Ông đi theo nó, bỗng phía trước mặt rộng dần ra, trông thấy một khỏi đá cực lớn rộng chừng mấy chục thước vuông, giữa lõm xuống sâu hơn một trượng. Con vượn trắng ném quả cây xuống cái hõm, tiếng động từ đó vang lên như pha lê vỡ, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, lại gần thấy toàn là rượu. Lũ vượn gập lá thành hình cái gầu, múc rượu mà uống. Chỉ lát sau chúng đã đi đứng loạng choạng, nhíu mặt nhăn mày, trông thật tức cười. Tôn Ông vội áp sát, lũ vượn tháo lui khoảng một trượng rồi đứng đó mà hò hét. Bất chấp, ông cúi xuống hớp từng ngụm rượu như cá kình đớp nước một hồi, cảm thấy trong bụng sảng khoái, miệng thơm lạ lùng, lâng lâng như vào cõi tiên, bắt; chước lũ vượn, cũng nhảy nhót hò hét. Lũ vượn chạy theo ông, thái độ trở nên thân thiện. Từ đó, ông ở lại luôn trong hang, mệt thì ngủ, thức lại uống, đôi khi chơi đùa với lũ vượn, vui quá không muốn về, dân làng đều cho là ông đã chết, một đồn mươi, già trẻ lớn bé tin như thế. Mấy chục năm sau, con trai ông vào núi lấy củi, thấy ông tóc tuy bạc nhưng khuôn mặt trẻ như thanh niên, thần khỉ thanh thoát, từ rừng sâu đi ra thì tưởng là tiên, sụp xuống lạy. Ông nhìn kỹ chú tiều, hỏi: "Tên con là Tam Tiên phải không?" Đáp: "Vâng". Ông nói: "Ta là cha của con". Người con nghe nói lúc còn nhỏ có người cha nghiện rượu, bị dụ lên núi rồi chết trên ấy. Hãi quá! Ông thuật lại cảnh ngộ kỳ lạ của mình, nhắc lại một số chuyện cũ khi còn ở với gia đình, người con mới tin, đề nghị ông quay về để phụng dưỡng. Ông cười, nói: "Nhà mình có đủ rượu cho ta uống không cần đong đếm không?" Ông bảo con đợi một lát, bám dây rừng leo lên, nhanh như vượn. Lát sau, ông đem xuống một ống nứa ngộ có nắp đạy bằng một bó hoa màu tím, bảo: "Trong này là rượu Vượn (Viên tửu), uống rượu này khỏe mạnh trẻ lâu". Người con đem ống rượu về nhà, mở nắp rót ra chậu, rượu có màu xanh sẫm, thơm lạ lùng, chưa từng thấy nơi nào có. Người con rất có hiếu, bèn rót rượu vào chai rồi đem biếu bố vợ. Bố vợ là người hầu của Lưu viên ngoại, liền đem biếu Lưu viên ngoại. Viên ngoại thấy rượu lạ, hỏi, ông bố vợ cứ lời chàng rể thưa lại. Viên ngoại trình báo quan phủ. Quan phủ phái mấy chục ngươi lên núi tìm kiếm suốt mấy tháng trời, chỉ thấy rừng rậm mênh mông, gai góc dầy đặc, ngoài ra không thấy gì khác.

Tôi đọc đoạn văn mà như bắt được vàng, vội nhờ photocopy ở chỗ dịch vụ rồi đem về tặng bố vợ. Đó là một buổi tối cách đây ba năm, bố mẹ vợ đang đấu khẩu bên bàn ăn, bên ngoài cửa sổ trời đang mưa nặng hạt, sấm nổ đùng đùng, những tia chớp xanh lét chạy loằng ngoằng trên trời như những làn roi vụt ngang vụt dọc, kính cửa sổ rung lên, sáng lên từng chập. Tôi lắc đầu rũ nước bám trên tóc. Mưa rào kèm mưa đá khiến mặt mũi tôi tê dại, nước mắt ràn rụa. Mẹ vợ nhìn tôi có vẻ giận, nói: "Con gái đã gả chồng như bát nước đã hắt bỏ, có chuyen gì các con phải cùng nhau giải quyết, nhà này không phải Toà dân sự!

Nghe nói vậy tôi biết bà hiểu lầm, định giải thích thì bị đứt đoạn bằng một cái hắt hơi. Vậy là trong khi mũi tôi đang nẩy nẩy như bị thần kinh, tôi nghe thấy mẹ vợ lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ anh cũng là cái loại đàn ông coi rượu như vợ? Chẳng lẽ...

Khi đó tôi chưa hiểu câu nói của mẹ vợ. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Khi đó tôi chỉ thấy mẹ vợ miệng lẩm bẩm, mặt đỏ gắt như trong lòng chất chứa oán thù. Bà hình như nói với tôi, nhưng mắt thì lại nhìn chằm chằm vào bố vợ, ánh mắt vô cảm, ngưng đọng và lạnh như mắt rắn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ánh mắt như thế, bây giờ mỗi khi nhớ lại vẫn thây lạnh xương sống.

Bố vợ ngồi ngay ngắn bên bàn ăn đúng với phong độ một giáo sư, mái đầu hoa râm bóng lên như tơ tằm dưới ánh đèn ấm áp. Ông không thèm để ý đến mẹ vợ, chỉ chăm chú uống rượu. Loại rượu ông uống có tên là "Quả phụ Phôngten", rượu hương cau, sánh như mật, màu vàng kim, mịn màng như bộ ngực các bà đầm; Tăm rượu li ti nối đuôi nhau chạy ngược lên như tiếng thì thầm của cô gái phương tây; Mùi thơm quí phái khiến người muốn hít sâu trong lồng ngực, quả thực rượu ngon, có một không hai. Ngắm loại rượu này khoái hơn ngắm các cô đầm loã thể, ngửi loại rượu này sướng hơn hôn các cô đầm, uống loại rượu này hơn...

Ông một tay vuốt ve bình rượu mịn màng như bích ngọc, tay kia nghịch nghịch cái cốc pha lê cao chân, ngón tay thon dài của ông say đắm chuyển dịch trên mặt bình. Ông giơ cốc lên ngang mày để quan sát ánh đèn xuyên qua chất dịch có màu sắc dịu dàng này. Chợt ông vội đưa cốc rượu lên mũi ngửi rồi thè lưỡi nếm, đúng là nếm, chỉ đôi môi và chót lưỡi chạm vào rượu, vẻ hào hứng bừng lên trong mắt, ông tợp một ngụm to rượu trong cốc, nín hơi, ngậm trong miệng không nuốt vội, hai má bạnh ra, mặt có vẻ tròn thêm nhưng cằm thì hình như càng nhọn. Tôi ngạc nhiên nhận ra ông không có râu, một sợi cũng không, như cằm phụ nữ chứ không phải cằm đàn ông. Rượu chạy quanh trong miệng, chắc chắn ông cảm thấy ngon vô cùng, trên mặt đỏ lên từng đám như hoá trang vụng. Ông ngậm mãi ngụm rượu không nuốt khiến tôi tự nhiên sinh ra phản cảm về tâm lý, như bị nước vào lỗ tai. Một tia chớp lóe lên ngoài cửa sổ, trong buồng một màu xanh lét, ông nuốt ngụm rượu trong ánh sáng xanh run rẩy đó. Tôi trông thấy rượu đã chảy qua họng ông như thế nào. Sau đó, ông liếm môi, mắt ươn ướt như vừa khóc xong. Tôi từng trông thấy ông uống rượu trong lớp, cũng có thể coi là bình thường; ông uống rượu ở nhà với một tình rượu như thế thì không thể coi là bình thường. Một chuỗi những động tác của bố vợ trong khi mân mê cái cốc và trong khi thưởng thức rượu, khiến tôi đoán mò có lẽ ông là dân pê-đê, tuy rằng tôi chưa trông thấy pê-đê bao giờ, nhưng tôi cảm thấy dân pê-đê khi gặp nhau, cử chỉ, tình cảm và thái độ hẳn giống bố vợ tôi đối với bình, cốc và rượu.

- Tam! - Mẹ vợ dằn mạnh đũa xuống bàn, chửi một câu chẳng nhằm vào ai, đứng dậy trở về phòng, đóng cửa lại. Thực tình tôi rất ngượng. Khi ấy tôi không biết bà tởm cái gì, bây giờ thì tôi biết rồi.

Bố vợ tôi cụt hứng, ông đứng lên, hai tay nắm mép bàn, ngây người nhìn cánh cửa màu xanh hồi lâu, trên mặt tình cảm biến ảo: thất vọng, đau khổ, giận dỗi. Khi giận dỗi hiện trên mặt, tôi thấy ông thở dài vặn nút bình, ngồi xuống ghế sofa cạnh tường như một bộ xương đã lũa hết da thịt. Tôi chợt thấy thương ông, muốn an ủi ông đôi câu nhưng chẳng biết mở miệng thế nào. Nhớ tập tư liệu trong cặp, tôi liền nhớ mục đích cuộc viếng thăm, vội lấy ra đưa cho ông. Tôi chưa có thói quen gọi ông bằng "bố", từ trước tới nay vẫn gọi ông bằng "thầy", mẹ vợ rất không bằng lòng, may mà ông không chấp nhặt. Ông bảo, gọi là "thầy" tự nhiên hơn, thoải mái hơn, thậm chí ông còn cho rằng, chàng rể gọi bố vợ bằng "bố" nghe có vẻ giả tạo và kinh tởm. Tôi rót cho ông một tách trà, nước chỉ còn khoảng năm mươi độ, cánh chè nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi biết ông không thích uống trà, nước sôi hay không thì cũng thế. Ông dùng lòng bàn tay ấn nắp tách tỏ ý cảm kích. Sau đó ông hỏi tôi, giọng mệt mỏi:

- Hừm, lại cãi nhau phải không?

Qua lời ông, tôi biết ông chán chường vì bất lực trước mối quan hệ của vợ chồng tôi, tiếng thở dài của ông trùm lên căn phòng khách nhỏ bé. Tôi đưa cho ông tập bản sao, nói:

- Thưa thầy, hôm nay con phát hiện tài liệu này ở thư viện, rất thú vị, thầy đọc thử.

Tôi thấy rõ ông không tỏ ra hào hứng về tập tài liệu, cũng không hào hứng gì về chàng rể của ông. Xem ra ông chỉ mong tôi biến, để ông ở lại một mình trên sofa, chìm đắm trong dư vị của rượu Phôngten. Chẳng qua là vì lịch sự nên ông không bảo tôi về đi; cũng vì lịch sự, ông giơ cánh tay mềm oặt có thể là do phóng túng quá độ, cầm lấy tập tài liệu. Tôi nhắc:

- Thưa thầy, đây là bài viết về rượu Bú Dù, hơn nữa lại là những con bú dù ở Bạch Viên Lĩnh!

Nghe tôi nói, ông miễn cưỡng cầm tập giấy lên, ánh mắt chậm chạp bò trên mặt giấy như hai con ve sầu già bò trên cành cây. Nếu chỉ như thế thì tôi thất vọng quá. Nó chứng tỏ tôi không hiểu ông. Mà tôi thì hiểu ông, biết rằng tài liệu này sẽ làm ông thích thú, ông sẽ cảm thấy sung sướng. Tôi lấy lòng ông không phải để cầu cạnh ông điều gì, mà vì tôi ngày càng cảm thấy rằng, trong lòng ông giằ này đang ẩn nấp một con thú nhỏ lông trơn mượt, mõm ngắn tai to, mũi đỏ chót, tứ chi ngắn ngủn, chẳng là mèo cũng không phải chó, ngây ngô đáng yêu, mà con thú nhỏ này như người anh em sinh đối với tôi, tôi thích nó.

Những cảm giác nói trên là vô cùng viển vông, tất nhiên. Quả nhiên mắt ông sáng lên, ngồi thẳng lên cơ thể đang rệu rã, tâm trạng vui vẻ thông qua vành tai ửng hồng, qua những ngón tay run run.

Tôi như trông thấy con thú nhỏ đó nhảy ra khỏi cơ thể ông, vạch trên khoảng không cách đầu ông ba thước những quầng sáng màu tơ tằm. Tôi thực sự vui vẻ, thực sự khoan khoái, thực sự vui mừng!

Ông đọc lại từ đầu đến cuối rồi nhắm mắt, ngón tay trỏ gõ một cách vô ý thức lên tập tài liệu. Ông mở mắt, nói:

- Tôi đã quyết định rồi!

- Thầy quyết định chuyện gì ạ?

- Anh bên tôi bấy nhiêu năm, chẳng lẽ không biết tôi quyết định chuyện gì sao?

- Trò kiến thức nông cạn, đoán không ra những tính toán như thần của thầy.

- Sáo rỗng! - Ông không vui - Tôi phải lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù!

Giác quan thứ sáu đang khuấy động tâm can, tôi cảm thấy điều mong đợi từ lâu sắp xảy ra, cuộc sống phẳng lặng như ao tù sắp nổi sóng, một đê tài thú vị trên chiếu rượu sắp loan truyền cả nước, hơn nữa, sẽ khiến cho thành phố Rượu, trường đại học Chưng cất và bản thân tôi bao trùm trong không khí văn học đầy màu sắc lãng mạn kết hợp với văn học bình dân. Mà tất cả những chuyện ấy bắt nguồn từ một phát hiện ngẫu nhiên trong thư viện. Bố vợ tôi sắp lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù, và tiếp theo, là từng đoàn người lên núi tìm ông. Nhưng tôi vẫn nói:

- Thưa, thầy cũng biết là loại văn chương này quá nửa do những kẻ vô công rồi nghề phịa ra, chỉ có thể viết thành tiểu thuyết viễn tưởng, mà không thể coi đó là chuyện thật.

Ông đã rời ghế sofa, hăng hái như một chiến binh sắp ra mặt trận, ông nói:

- Ý tôi đã quyết, anh đừng nhiều lời!

- Thưa thầy, chuyện lớn như vậy, thầy nên trao đổi với mẹ vợ con một tí.

Ông lạnh nhạt nhìn tôi, nói:

- Bà ấy với tôi không còn quan hệ gì nữa.

Ông gỡ bỏ đồng hồ đeo tay và kính làm như đi vào giường nhưng ông lại đi ra cổng, không chần chừ một giây, ông mở cánh cổng, và cũng không hề do dự, ông sập cổng rất mạnh. Cánh cổng bằng gỗ mỏng tang ngăn tôi và ông thành hai thế giới. Tiếng gió tiếng mưa tiếng sấm chốp và luồng không khí lạnh của đêm mưa ùa vào khi cửa mở hé, đã lập tức chấm dứt khi cánh cổng khép lại. Tôi lặng người nghe tiếng quẹt của đôi dép lê trên các bậc cầu thang xi măng, tiếng loạt soạt dẫm lên giấy lộn vương vãi yếu dần cho đến khi mất hẳn. Phòng khách của bố vợ như rộng ra vì không có ông, dù rằng có tôi với thân hình cao to lừng lững đang đứng giữa nhà. Nhưng tôi cảm thấy, về cơ bản tôi không phải con người, cột xi măng cũng không phải. Chuyện xảy ra nhanh quá nên biến thành ảo giác, nhưng đâu phải ảo giác, đồng hồ của ông, kính của ông còn đây, trên bàn trà, hai trang tư liệu coppy nằm chéo trên ghế sofa, bình rượu và chiếc cốc ông vuốt ve sờ nắn vẫn đang trên bàn ăn, chấn lưu của đèn nhật quang vẫn đang nổ lách tách, chiếc đồng hồ cổ treo tường vẫn đang chạy tích tắc. Lại nữa, tôi còn nghe thấy - dù cách một lần cửa, trong buồng của bà, chắc chắn là trên giường, mẹ vợ úp mặt trên cánh tay thanh mảnh mà sụt sịt bằng mũi và miệng phối hợp, y hệt một bà nông dân húp cháo nóng.

Tôi suy nghĩ rất lâu, quyết định nói chuyện này với bà. Vậy là, lúc đầu tôi còn có ý thăm dò, sau dứt khoát gõ cửa. Trong khoảng giữa những tiếng gõ, bà chuyển từ sụt sịt sang nức nở, hơn nữa còn có cả tiếng hỉ mũi. Nước mũi hỉ ra vứt đi đâu nhỉ? Ý nghĩ chẳng có giá trị thực tế này như con nhặng xanh cứ bám riết trong đầu, đuổi không đi, thực đáng ghét! Tôi thừa biết bà đã rõ mọi chuyện ở ngoài này, nhưng tôi cố làm ra vẻ tự nhiên, nói:

- ...Thầy đi rồi!...Thầy bảo thầy lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù...

Bà vắt mũi. Mũi vắt ra bôi vào đâu nhỉ? Qua tiếng thở hổn hển, tôi hình dung ra bà đã rời giường, đứng một chỗ nhìn ra cửa, cũng có thể nhìn lên bức ảnh ông bà chụp chung hôm cưới trên tường. Tôi đã từng ngắm bức ảnh đó. Nó lồng trong một cái khung chạm trổ màu đen, y như khung tang để con cháu tưởng nhớ. Trong ảnh, bố vợ tôi phơi phới tuổi xuân, khóe miệng có góc chứng tỏ ông là con người hài hước và có duyên. Tóc rẽ giữa, đường ngôi trắng như vết sẹo bị chém bằng dao sắc, trông như hộp sọ từng bị bửa đôi. Ông nghiêng đầu về phía mẹ vợ, cằm nhọn cách mái tóc chải bằng của bà phía dưới ba phân. Điều này tượng trưng cho quyền lực của người chồng, cũng tượng trưng cho tình yêu. Dưới ách đô hộ của phu quyền và tình yêu, khuôn mặt bà tròn vành vạnh, lông mày rậm, mũi có góc có cạnh, miệng khỏe và đầy sức sống. Khi ấy mẹ vợ như một thiếu niên tuấn tú cải trang thành thanh nữ, trên khuôn mặt còn ghi lại tính cách cương cường, không nề khó khăn gian khổ, dám vươn lên trong nghề thu hoạch tổ yến, không hề ăn nhập với dung nhan kiều mị kiểu Dương Quí Phi bây giờ. Sao bà có thể trở thành như hiện nay nhỉ? Làm sao ông bà lại đẻ ra một đứa con gái xấu mặt cho cả dân tộc Trung Hoa? Mẹ như điêu khắc bằng ngà, con gái như nặn bằng đất sét. Tôi tin rằng về vấn đề này sớm muộn có câu trả lời. Khung ảnh và mặt kính đã lâu không lau chùi, những con nhện ẩn hiện như ranh đã chăng lưới trên đó, lưới bám đầy bụi trắng. Mẹ vợ nghĩ gì khi nhìn cái chứng tích lịch sử ấy? Có lẽ bà đang hồi tưởng những tháng năm hạnh phúc? Nhưng ông bà sống với nhau có hạnh phúc hay không thì tôi không biết. Tôi suy ra rằng, những cặp vợ chồng sống được với nhau mấy chục năm, nhất định là những người tỉnh táo, biết kiềm chế. Những người như vậy, hạnh phúc mà họ thể nghiệm trong đòi, quá lắm cũng chỉ là thứ hạnh phúc muộn màng, trễ nải, mông muội và cay đắng, như nước chót của rượu, đục và nhạt thếch. Còn những cặp ba ngày đã bỏ nhau, chắc chắn là hai con ngựa bất kham. Tình cảm của họ cháy bỏng, có thể soi sáng cho thế giới xung quanh, đốt cho thiên hạ chảy mỡ, như nắng độc giữa trưa, như bão táp nhiệt đới, sắc như kiếm, bốc như rượu nước đầu, đậm như nét vẽ mực nho. Hôn nhân kiểu này là vốn liếng tinh thần của nhân loại. Còn hôn nhân kiểu đầu tiên là đống bùn nhão nhoét, vừa làm tê liệt nhậy cảm của nhân loại, vừa trì hoãn tiến trình đi lên của lịch sử. Vì vậy tôi xin bác bỏ phỏng đoán lúc nãy của tôi: Mẹ vợ ngắm bức ảnh lịch sử không phải để nhớ lại hạnh phúc những năm tháng đã qua, mà để nhó lại từng sự việc đáng kinh tởm mà bố vợ khiến bà buồn nôn trong mấy chục năm. Thực tế sẽ chửng minh phán đoán của tôi là đúng.

Tôi lại gõ cửa, nói:

- ...Mẹ xem nên như thế nào? Đi gọi thầy về hay đến báo cho nhà trường?

Bà im lặng trong một phút, im lặng tuyệt đối, ngừng thở luôn. Điều này khiến tôi không yên tâm. Đột nhiên bà cất tiếng tru tréo, giọng sắc như cật nứa, hoàn toàn trái ngược với tuổi tác, địa vị, với tác phong đĩnh đạc thường ngày của bà. Điều này khiến tôi sợ. Tôi e bà nghĩ quẩn, treo cổ lên một cái đinh nào đó trong nhà, thẳng đuỗn như một con ngỗng luộc. Trên cái đinh treo lịch hay trên cái đinh treo mũ? Hai cái đều nhỏ và ngắn không chịu nổi cơ thể phục phịch của mẹ vợ tôi. Vậy là tôi chỉ lo hão. Tiếng khóc lảnh lói của bà khiến tôi sợ cứng người. Tôi nghĩ, chỉ còn cách gõ cửa dồn dập thì nới bịt nổi miệng bà.

Tôi không chỉ gõ cửa, mà còn vừa gõ vừa dẫn giải. Mẹ vợ lúc này rối như tơ vò, tôi phải dùng tiết tấu phân minh của tiếng gõ cửa và lời lẽ thông kinh hoạt lạc như rượu ngũ gia bì để bà tỉnh táo lại. Tôi đã nói những gì? Đại để: lên Bạch Viên Lĩnh là tâm nguyện của thầy đã có từ lâu, vì rượu mà thầy không tiếc sinh mệnh của thầy và của cả nhà. Tôi còn nói, việc thầy ra đi không lièn can gì đến mẹ vợ. Tôi còn nói, rất có thể thầy tìm ra rượu Bú Dù, một cống hiến vĩ đại cho nhân loại, khiến văn hoá rượu càng thêm phong phú, mở ra một kỷ nguyên mới về chưng cất rượu cho nhân loại, đem lại vinh quang cho tổ quốc, nâng cao chí khí cho dân tộc, kiếm lợi nhuận cho thành phố Rượu. Tôi còn nói: "Không vào hang cọp sao bắt được cọp con", không lên núi Bú Dù sao kiếm được rượu Bú Dù? Hơn nữa, tôi tin rằng, chuyến đi này kiếm được rượu hay không thì thầy cũng trở về sống bên mẹ vợ tới đầu bạc răng long!

Mẹ vợ rít lên the thé:

- Tôi thèm vào ông ấy trở về! Tôi không thích ông ấy trở về! Tốt nhất là ông ấy chết quách trên Bạch Viên Lĩnh! Tốt nhất là ông ấy biến thành con khỉ lông lá đầy người!

Những lời của bà khiến tôi rợn tóc gáy, tất cả những lỗ chân lông đều toát mồ hôi. Trước đó tôi lờ mờ cảm thây cuộc sống của hai người không êm thấm lắm, đôi lúc mâu thuẫn vặt, nhưng không thể ngờ mẹ vợ căm thù bố vợ hơn bần nông và trung nông lớp dưới căm thù địa chủ, hơn cả công nhân căm thù tư bản! Thế là tín điều bồi dưỡng mấy chục năm "Mối thù giai cấp nặng tựa Thái Sơn" bỗng chốc tan thành mây khói. Một con người hận một con người đến dường ấy, hồn nhiên đó là cái đáng lưu ý, là một cống hiến vĩ đại cho toàn nhân loại. Nó giống một bông hoa anh túc màu tím, cực độc, nở trên vũng bùn tình cảm của nhân loại, nếu anh không ngắt nó, không ăn nó, thì nó là sự tồn tại của cái đẹp, có sức hấp dẫn mà không một loài hoa lương thiện, bác ái nào có thể sánh kịp.

Tiếp đó, mẹ vợ bắt đầu kể tội bố vợ, quả là đôi dòng tố khổ đôi dòng lệ. Mẹ vợ nói:

- Ông ấy có còn là con người nữa không? Còn là một người đàn ông nữa không? Mấy chục năm nay, ông ấy coi rượu như vợ, nêu một tiền lệ xấu coi rượu ngon như người đẹp, uống rượu là giao hợp, thế là ông ấy dồn toàn bộ tinh lực ném vào rượu, vào bình rượu, vào chén rượu...

Tiến sĩ Lý, thực ra tôi không phải là mẹ vợ anh.

Tôi không có con - làm sao tôi có con được - Vợ anh là đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi nhặt từ trong thùng rác về.

Cháy nhà ra mặt chuột! Tôi thở dài như cất được gánh nặng.

- Anh là con người thông minh tuyệt trần, anh Tiến sĩ, không ai bắt bọ bỏ vào tai mình. Anh phải sớm nhận ra nó không phải con đẻ của tôi. Chính vì vậy, tôi muốn tôi với anh là bạn thân, là người để tôi thổ lộ tâm can. Anh Tiến sĩ, tôi là đàn bà, không phải con sư tử đá bên ngoài cổng Cố Cung, không phải con gà sắt tây trên nóc nhà, không phải động vật lưỡng tính đực cái là một. Tôi muốn tất cả những ham muốn của người đàn bà nhưng không được... Nào ai hiểu cho nỗi khổ của tôi!...

Tôi nói:

- Đã vậy, sao mẹ không li hôn?

- Tôi hèn, sợ người ta chửi...

Tôi nói:

- Thậm vô lý!

- Đúng là thậm vô lý, nhưng cuộc sống vô lý ấy sắp kết thúc rồi! Anh Tiến sĩ, tôi có thể giải thích vì sao tôi không li hôn. Vì ông ta chế riêng cho tôi một loại rượu cực mạnh, có tên "Tây Môn Khánh", uống vào sinh ảo giác, có khi còn sướng hơn làm tình thật...

Tôi nghe trong sự e thẹn của bà lại là cảm giác ngọt ngáo.

- Nhưng từ khi anh xuất hiện trước mặt tôi thì rượu đó mất thiêng.

Tôi không còn tâm trạng nào mà gõ cửa.

- Có một người đàn bà như bàn tay gấu tẩm hương liệu ninh lửa nhỏ đã hơn chục năm, giờ đã chín tới, thơm điếc mũi. Chẳng lẽ anh không ngửi thấy mùi thơm đó, anh Tiến sĩ?

Cửa buồng bật mở, mùi thơm của món tay gấu ninh ùa ra như sóng thuỷ triều, tôi bám chặt khung cửa như người chết đuốĩ vớ lấy mái chèo...

4Thằng lùn đen nhẻm trúng đạn, giật cục một cái như định bay lên, nhưng viên đạn nóng bỏng đã bắn trúng trung khu thần kinh, khiến hắn tuy vẫn sống nhưng rơi vào tình trạng rối loạn, biểu hiện ở chỗ: hắn không thể như Tiến sĩ đã viết trong truyện "Một Thước anh hào", phát huy năng lượng thần kỳ tiềm tàng trong cơ thể, bay lên dán mình trên trần nhà như con thạch sùng; trái lại, thân thể hắn nảy cao mấy phân rồi trượt khỏi đầu gối nữ xế xuống đất. Đinh Câu trông thấy hắn co quắp trên nền nhà, cơ cổ co giật trông như những sợi dây điện cao thê run rẩy trước gió lạnh. Máu và óc vọt ra khỏi đầu, vấy bẩn sàn nhà véc ni bóng lộn. Sau đó một chân hắn co giật dữ dội y hệt cái cổ con gà sống choai bị cắt tiết, thân thể hắn theo đà đạp chân mà xoay tròn đến mười mấy vòng. Chân hắn ngừng đạp, tiếp theo, là toàn thân co giật, lúc đầu toàn thân, sau từng bộ phận. Cơ bắp trên người hắn chuyển động rân rân như làn sóng cổ vũ của các fan mê bóng đá trên khấn đài: từ đầu các ngón chân trái lên bàn chân trái bắp chân trái về bên trái mông bên trái eo trái vai trái, vòng sang vai phải lưng phải eo phải mông phải về phải bắp chân phải bàn chân phải ngón chân phải. Rồi co giật theo chiều ngược lại. Rất lâu, co giật cũng ngừng. Đinh Câu nghe thấy thằng lùn xả hơi ra ngoài, thân thể đang co quắp bỗng dài ra. Hắn chết. Trong khi quan sát quá trình giẫy chết của tên lùn, anh không ngừng quan sát nữ xế. Vào cái phút tên lùn tụt khỏi đầu gối nữ xế, cô ta nằm ngửa trên giường lò xo. Tấm ga trải giường trắng như tuyết, ngổn ngang những gối đệm hình thù quái dị, gối lông vịt, vì khi đầu cô dập mạnh xuống chiếc gối viền đăng ten màu hồng, Đinh Câu trông thấy tơ lông vịt bay lên. Hai chân dạng ra, thả xuống dưới giường, người nằm ngửa, cầí tư thế khiến Đinh Câu lại trào lên những ham hố vẩn đục, anh nhó lại cảnh cuồng hoan với cô xế, và liền sau đó là cơn ghen. Anh cắn chặt môi nhưng ngọn lửa tà dâm trong lồng ngực biến thành nỗi đau khiến anh rên rỉ như con thú bị thương nặng. Anh đá văng cái xác thằng lùn, đứng bên nữ xế, tay lăm lăm khẩu súng ngắn vẫn còn toả khói xanh. Cơ thể cô gợi lên trong anh tình yêu và thù hận, anh mong cô chết nhưng lại càng mong cô chỉ sợ quá mà ngất đi. Anh nâng đầu cô lên, nhìn cặp môi mở hé thấp thoáng hàm răng đều như ngọc trai, hình ảnh buổi sáng cuối thu ở mỏ than La Sơn, lại hiện ra trước mắt anh trinh sát, khi đó anh cảm thấy chiếm hữu dã man cặp môi anh là đôi môi lạnh ngắt, mềm nhũn, không đàn hồi, vô cùng quái đản, như một nắm sợi rối... Anh trông thấy giữa hai lông mày là một cái lỗ to bẵng hạt đậu vàng, xung quanh lỗ là những chấm xanh đen, anh hiểu đó là thuốc súng. Anh lảo đảo, mùi tanh lợm lại từ dạ dày trào lên họng. Anh quì trước cặp chân nôn ra một búng máu tươi, nhoe nhoét cả bụng cô. Anh kinh hoàng kêu lên:

- Mình bắn chết cô ta rồi!

Anh giơ ngón tay trỏ sờ vết đạn giữa hai lông mày, cảm thấy chỗ đó nhiệt độ rất cao, rìa vết thương lởm chởm như có gai cà vào đầu ngón tay anh. Cảm giác quen quá, anh cố lục tìm trong trí nhớ, thì ra đó là cảm giác cải lưỡi cà vào răng mới nhú. Tiếp đó, anh lại nhớ cái cảnh anh phê bình con trai khi nó liếm cái răng mới mọc: khuôn mặt tròn tròn, đôi mắt tròn xoe, quần áo tươm tất đến mấy cũng lôi thôi lếch thếch, lưng đeo cặp sách, tay cầm nhành liễu, vừa đi vừa lấy lưỡi đẩy răng đến trước mặt anh. Anh trinh sát vỗ vỗ đầu con, nó lấy roi vụt vào chân anh. "Đáng ghét! Sao lại vỗ đầu con? Bố không biết vỗ đầu sẽ ngu đi à?" Nó ngoẹo đầu, nháy mắt bảo anh, giọng nghiêm chỉnh. Anh trinh sát cười: "Ngốc ơi là ngốc! vỗ đầu không ngu đi, chỉ có lấy lưỡi đẩy răng thì nó sẽ mọc xiên..." Nỗi nhớ khiến anh rạo rực cả người, anh vội rụt ngón tay lại, nước mắt ứa ra, anh cúi đầu khẽ gọi tên con trai, nắm tay đấm liên hồi lên trán, vừa đấm vừa chửi:

- Đồ khốn! Đinh Câu, mày là thằng khốn nạn! Sao mày dám làm những chuyện như thế này?

Thằng con trai nguýt anh, tỏ vẻ không bằng lòng rồi bỏ đi, đôi chân rắn chắc của nó bước thoăn thoắt, chỉ một thoáng mất hút sau đám xe cộ đông như mắc cửi.

Anh nghĩ, giết hai mạng người, tử hình là cái chắc, nhưng trước khi chết phải gặp con trai cái đã! Thế là anh lại nhớ thị xã giờ đây xa lắc xa lơ như một thiên quốc chứ không phải thủ phủ của tỉnh!

Anh cầm khẩu súng chỉ còn mỗi một viên đạn, chạy ra khỏi cổng quán rượu Một Thước. Hai chị em cô lùn đứng hai bên cổng xông tới nắm vạt áo, anh rũ bỏ các cô, rồi bất kể sống chết len lỏi trong đám xe cộ đông như nước trên đường. Anh nghe tiếng phanh rít chói tai, hình như một chiếc xe tông vào đít anh, nhân đà đó anh vọt lên vỉa hè. Anh loáng thoáng nghe thấy tiếng kêu ầm ĩ ở ngoài cổng quán Một Thước. Anh chạy rất nhanh trên vỉa hè rụng đầy lá khô, cảm thấy trời đã rạng sáng, những đám mây hồng rải rác trên bầu trời vừa tạnh mưa. Cơn mưa mùa đông khiến mặt đường trơn tuột, những cành cây la đà vương lên băng mỏng, đẹp vô cùng. Gần như chỉ trong khoảnh khắc, anh đã chạy ra con đường lát đá quen thuộc. Rãnh nước bên dường bốc hơi màu sữa. Bao nhiêu là món ăn ngon: thịt thủ lợn, tinh hoàn chiên mỡ, cá đuối, tôm nướng vàng... nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một đám người áo quần lam lũ cầm những chiếc sào dài có buộc cái vợt ở đầu, vớt thức ăn. Người nào cũng mép bóng nhẫy, khuôn mặt hồng hào, chứng tỏ kiếm đủ dinh dưỡng từ đồng rác, anh nghĩ. Có mấy người cưỡi xe đạp đột nhiên mặt mũi méo xệch đến mức khó coi, ngã lăn xuống rãnh làm nước bắn tung toé, mùi rượu đang phân giải, mùi thối rữa của xác súc vật xộc vào mũi khiến anh muốn lộn mửa. Anh men theo chân tường mà chạy, mặt đường lồi lõm khiến anh ngã soành soạch. Anh nghe tiếng thét bắt lấy phía sau. Ngoái lại nhìn, anh trông thấy một đám người nhẩy như choi choi mà hò hét, không một ai dám đuổi theo. Anh chạy chậm lại, tim đập gấp khiến ngực đau nhói. Bức tường đá bên kia là nghĩa trang liệt sĩ mà anh quen thuộc, những cây lưu niên hình tháp ló ngọn trắng như tuyết lên trời, rất mực thanh khiết!

Anh vừa chạy vừa nghĩ, sao mình lại phải chạy nhỉ? Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt! Chạy đi đâu bây giờ? Hai chân anh vẫn tiếp tục chạy. Anh trông thấy cây ngân hạnh cổ thụ, ông già bán vằn thắn đứng yên như cây gỗ mục, gánh hàng bốc hơi nghi ngút, khuôn mặt ông già lúc ẩn lúc hiện như vầng trăng xấu xí luồn trong mây mù. Anh nhớ hình như ông già cầm của anh một viên đạn vàng chóe do anh gán nợ ăn vằn thắn. Anh định đòi lại viên đạn, nhưng mùi vằn thắn trào lên họng, mà đây lại là vằn thắn nhân rau phỉ trộn thịt lợn. Rau phỉ đầu mùa xanh mơn mởn, giá rất đắt. Anh nắm tay nữ xế vằo chợ nông sản ở thị xã mua rau Những người nông dân từ ngoại thành vào bán rau đang gặm bánh bột quả cỏ, răng dính đầy rau phỉ. Anh trông thấy ông già xòe hai tay phô cho anh thấy viên đạn vàng chóe, hình như định xin anh điều gì đó. Anh định làm rõ ông già xin anh cái gì, nhưng tiếng chó sủa đã làm gián đoạn dòng suy nghĩ. Con chó vằn hổ lặng lẽ xuất hiện trước mặt mà tiếng sủa thì như ở nơi rất xa, trượt trên đầu ngọn cỏ, khi đến gần thì không còn nghe thấy gì, anh trông thấy cái đầu nặng nề của nó gục gặc, miệng khép mở nhưng tuyệt nhiên không phát ra tiếng, cảnh tượng y như trong mộng, đầy Lí ẩn. Tuy mặt trời đã lên nhưng ánh nắng còn yếu đến nỗi bóng cây ngân hạnh ngả lên mình con chó rất mò nhạt. Qua ánh mắt con chó, anh thấy nó không thù ghét gì anh. Nó sủa không phải để ra oai, mà như một dấu hiệu bè bạn hoặc giục giã. Anh lúng búng với ông già bán vằn thằn câu gì đó, nhưng lời vừa ra khỏi miệng đã bay theo gió. Vì vậy khi ông già hỏi anh nói gì, anh sinh lú lẫn:

- Cháu đi tìm con trai cháu.

Anh gật đầu với con chó, đi vòng ra tận sau cây hạnh, tránh con chó rất xa. Anh trông thấy ông già gác nghĩa trang đứng nép dưới tán cây lớn, tay cầm khẩu súng săn, nòng chĩa lên ngọn cây. Qua ánh mắt ông già, anh cũng cảm thấy cổ sự thôi thúc trong đó. Vô cùng xúc động, anh vái ông già rồi quay mình chạy về phía đám nhà cao tầng lô nhô trước mặt, lặng ngắt, không một bóng người. Tiếng súng nổ phía sau khiến anh ngã sóng soài theo bản năng, lăn một vòng nấp sau bụi tường vi xơ xác. Liền sau đó lại một tiếng súng nữa, nhìn về hướng có tiếng súng, anh trông thấy một con chim lớn màu đen rớt từ trên ngọn cây xuống như một hòn đá. Cây ngân hạnh run rẩy, vài chiếc lá vàng rơi trong ánh nắng màu quất chín rất nên thơ, đầy ý nhạc. Ông già gác nghĩa trang dựa lưng vào thân cây hạnh, im như một pho tượng. Anh trông thấy khói súng vương trên đầu ruồi khẩu hai nòng, lại trông thấy con chó vằn hổ từ gốc cây bên kia chạy về, miệng ngậm con chim đen. Nó nhả con chim trước mặt ông già rồi nằm phục xuống bên cạnh, đồng tử phản chiếu ánh nắng, như hai chấm vàng.

Trước khi vào quần thể nhà cao tầng, anh phải đi xuyên qua một vườn hoa vắng vẻ giữa phố, trông thấy mấy ông già đang cho chim ăn, một số thanh niên đang nhảy dây. Anh giấu súng vào thắt lưng, làm ra vẻ nhàn tản đi qua chỗ họ vào khu nhà cao tầng, liền thấy mình đã phạm một sai lầm tai hại. Đây chỉ là cái chợ sớm, mua bán đồ cũ. Rất nhiều người ngồi xổm trước hàng họ của mình: chiếc đồng hồ báo thức cũ, huy hiệu Mao Trạch Đông thòi "Cách mạng văn hoá", tượng bán thân Mao Trạch Đông, có cả máy quay đĩa kiểu cổ có loa như hoa loa kèn V...V... Không có người mua. Người bán dán mắt vào người đi chợ ít ỏi. Anh cảm thấy đây là một cái bẫy, một trận càn chữ O, những người bán hàng đều là cảnh sát chìm. Bằng vào kinh nghiệm mấy chục năm, Đinh Câu càng nhìn càng thấy họ quả là cảnh sát mặc thường phục. Anh cảnh giác, lùi lại sau gốc bạch dương quan sát động tĩnh. Bảy tám thanh niên từ sau ngôi nhà cao tầng đi ra, có cả nam lẫn nữ, nhìn ánh mắt và cử chỉ, Đinh Câu đoan chắc chúng là một nhóm hoạt động phi pháp, mà con nhỏ mặc chiếc áo dài đen chấm gối, đầu đội mũ đỏ, cổ đeo một chuỗi tiền xu đời Thanh, đi giữa nhóm chính là đứa đầu sỏ. Anh chợt nhìn thấy mấy vết nhăn trên cổ con nhỏ và mùi thuốc lá ngoại bay ra từ miệng nó y như nó đang nằm phía dưới anh. Anh ngắm khuôn mặt con nhỏ. Từ khuôn mặt xa lạ này hiện dần ra khuôn mặt của nữ xế như con ve sầu chui ra khỏi cái vỏ mỏng tang. Lại nữa, cái lỗ tròn tròn ở giữa hai lông mày rỉ máu màu hoa hồng chảy dài xuống giữa sống mũi, vạch đôi miệng, xuống nữa, chảy xuống đến rốn, rạch đôi cơ thể, một đống gan ruột lòi ra ngoài.

Anh trinh sát rú lên một tiếng, bỏ chạy, nhưng chạy không thoát cái chợ sớm, đành ngồi xuống giả vờ chọn mua súng lục cũ. Anh cảm thấy người đàn bà hai mảnh đang đứng sau lưng, tự quấn chặt người tằng cuộn giấy màu tím, quấn rất nhanh, lúc đầu còn trông rõ đôi tay đeo găng nhựa màu xám nhanh thoăn thoắt, lát sau, đôi tay đã biến thành hai cái bóng màu vàng, ẩn hiện trong màu xanh của băng giấy. Màu của băng giấy là màu xanh ngọc siêu bền, có một sức sống mãnh liệt. Thế là những băng giấy tự nhảy múa, chớp mắt đã quấn chặt người đàn bà. Sống lưng lạnh toát, anh giả vờ rỗi rãi, cầm khẩu Colt dáng rất đẹp lên ngắm nghía, cố xoay cái côi đạn đã han rỉ mà không được. Anh hỏi người bán hàng: "Có dấm Sơn Tây không?" Người bán hàng trả lời không có. Anh thở dài tỏ vẻ thất vọng. Người bán hàng nói: "Ông xem ra có vẻ là người trong nghề nhưng thực ra không phải. Chỗ tôi đây không có dấm Sơn Tây nhưng có dấm trắng Triều Tiên đánh gỉ nhanh gấp trăm lần dấm Sơn Tây". Ngươi bán hàng thọc bàn tay vừa trắng vừa mập vào ngực như sờ cái gì trong đó, anh trông thấy thấp thoáng bên trong cái nịt vú thêu của người bán hàng có hai bình pha lê màu xanh nhưng không phải xanh trong mà là xanh đục. Rất nhiều loại rượu nổi tiếng của nước ngoài đựng bằng loại bình này. Loại bình pha lê đục này rất quí, rõ ràng là pha lê nhưng chẳng giống pha lê chút nào, quí là ở chỗ ấy. Từ cách lập luận như trên, anh đi đến một diễn dịch: trên mâm rõ ràng không phải đứa trẻ, nhưng nhìn kiểu nào cũng là đứa trẻ, cho nên cái món thịt trẻ mà không phải trẻ này cung quí. Bàn tay kia lôi ra một cái bình trên có khắc những chữ ngoằn ngoèo, anh không đọc được nhưng làm ra vẻ ta đây, nói: "Uyxki hay Brandi há?" Làm như đầy bụng chữ ngoại quốc! Người bán hàng nói: "Đây là dấm trắng Triều Tiên mà ông cần". Anh đón lấy bình dấm, ngẩng nhìn lên, người bán hàng rất giống vị lãnh đạo cho anh bao thuốc lá nhãn hiệu Trung Hoa, nhìn kỹ hoá ra không giống lắm. Ngươi bán hàng nhìn anh cười để lộ hai chiếc răng khểnh rất trẻ con. Anh mở nút, bọt dấm trào lên miệng bình. Anh bảo: "Dấm gì mà sủi bọt như bia!" Người bán hàng nói: "Chẳng lẽ trên đời chỉ có bia sủi bọt?" Anh nghĩ một thoáng, nói: "Con của không phải rượu bia, vậy mà miệng con của sủi bọt. Vậy anh đúng, tôi sai". Anh trút chỗ dấm vào khẩu Colt, mùi rượu xộc lên, khẩu súng khuất dưới đám bọt, nổ tanh tách như một con của to bự. Anh thọc tay vào, ngón trỏ buốt như bị rết cắn. Anh quát người bán hàng: "Anh có biết buôn súng là phạm pháp không?" Người bán hàng cười nhạt, nói: "Thế anh tưởng tôi là con buôn chắc?" Anh ta thọc tay vào ngực lôi chiếc nịt vú ra khua khua trong không khí, vỏ bọc bên ngoài văng đi, lộ ra chiếc còng Mỹ bằng thép không gỉ sáng loáng. Người bán hàng lập tức biến thành đội trưởng cảnh sát hình sự tiêu chuẩn, mày rậm, mũi lõ tóc quăn, râu quai nón. Anh ta chộp lấy tay Đinh Câu bập còng đánh tách một tiếng ôm gọn cổ tay anh, còn mỏ kia bập vào tay anh ta, nói: "Vậy là hai ta chung một còng, đừng có hi vọng trốn thoát, trừ phi anh khỏe như trâu, vác tôi chạy". Lúc nguy cấp tự nhiên khỏe ra, Đinh Câu vác luôn đội trưởng cảnh sát hình sự lên vai. Anh cảm thấy thằng cha này không có trọng lượng, hình như bằng giấy bồi. Lúc này bọt tan, gỉ sạch, nòng súng lộ ra ánh thép xanh vốn có. Anh cúi nhặt khẩu súng không khó khăn gì, cổ tay cảm nhận được sức nặng, bàn tay cảm nhận được độ ấm của nó. "Đúng là một khẩu súng tốt" - Anh nghe thấy đội trưởng cảnh sát hình sự trên vai khen. Anh dùng sức lẳng một cái, viên cảnh sát bay vèo đập vào đám dây leo trên tường, đám dây leo chằng chịt, to có nhỏ có, những lá màu đỏ chen lẫn lá xanh trông thực đẹp mắt. Anh trông thấy viên cảnh sát từ từ bật trở lại, đứng thẳng đuỗn trước mặt anh, còn chiếc còng thì dai như gân khỉ, vẫn trên cổ tay hai người. Viên cảnh sát nói: "Đây là còng Mỹ, đừng hòng chạy thoát!" Đinh Câu điên tiết tì khẩu Colt vào chiếc còng nổ một phát, súng giật gần như văng khỏi tay, nhìn lại chiếc còng không hề sây sát. Anh bắn liền mấy phát, kết quả không khác phát đầu tiên. Viên đội trưởng dùng cái tay không bị còng, thò vào túi lấy thuốc lá, bật lửa, thuốc lá thuốc do Mỹ sản xuất, bật lửa Nhật, đều là loại số dách. Anh nói: "Người anh em thành phố Rượu xài sang quá". Viên đội trưởng cười nhạt, nói: "Thôi buổi này, chết vì bội thực là anh to gan, chết vì đói là anh nhát gan, tiền giấy bay đầy trời, xem ai nhặt được". Đinh Câu nói: "Nói vậy có nghĩa là thành phố Rượu các anh ăn thịt trẻ con là có thật?" Đội trưởng cảnh sát nói: "Làm thịt trẻ con thì có gì ghê gốm!" Đinh Câu hỏi: "Anh ăn bao giờ chưa?" Viên đội trưởng hỏi lại: "Chẳng lẽ anh chưa ăn?" Đinh Câu nói: "Tôi ăn một trẻ rởm làm bằng các loại nguyên liệu". Viên đội trưởng hỏi: "Làm sao anh biết đó là rởm? Viện Kiểm sát sao lại cử về một anh chàng đần như anh kia chứ!" Đinh Câu nói: "Chú em, chẳng dám giấu gì chú. Những ngày này tôi bị một con đàn bà níu chặt". Viên đội trưởng nói: "Biết rồi, anh đã phạm tội giết nó". Đinh Câu nói: "Tôi biết là phạm tội, nhưng tôi muốn về trên tỉnh thăm thằng con trai một tí rồi mới đi đầu thú". Viên đội trưởng nói: "Đó cũng là một lí do. Thương thay tấc dạ của người làm cha mẹ! Được, tôi tha cho anh!" Viên đội trưởng nói xong ghé răng cắn gãy còng. Cái còng đạn bắn không gãy, vậy mà anh ta cắn vỡ vụn như một sợi miến khô! Viên đội trưởng nói: "Ông anh, trên Thị đã có lệnh nhất quyết bắt sống anh. Thả anh, tôi chịu trách nhiệm không nhỏ. Nhưng tôi cũng là bố một đứa con trai, tôi hoàn toàn thông cảm với anh, vậy nên mới tha anh lần này". Đinh Câu gập người sát đầu gối, nói: "Người anh em, Đinh Câu này xuống suôi vàng cũng không quên cái ơn của cậu!"

Anh trinh sát co giờ chạy. Qua chiếc cổng lớn, anh trông thấy xe con sang trọng đầy sân, một số người quần là áo lượt đang xuống xe. Thấy tình hình bất lợi, anh rẽ vào một ngõ nhỏ, trong ngõ có một cô gái đang ngồi sửa giày, mặt thuỗn ra như đang có điều suy nghĩ. Một cô gái phấn son lòe loẹt từ trong quán cơm nhỏ chạy ra chặn anh lại, nói: "Sư phụ vào quán ăn cơm, uống rượu giải phiền". Cô gái vừa chào vừa dán người vào anh, nhiệt tinh biểu lộ quá mức trên nét mặt. Đinh Câu nói: "Không ăn, không uống". Cô ta nắm khuỷu tay anh lôi vào, nói: "Không ăn không uống thì vào nghỉ chân một lát cũng tốt". Anh nổi cáu hẩy cô ta một cái. Cô ta nằm lăn ăn vạ, gào toáng lên: "Anh ơi ra mau! Thằng lưu manh đánh người đây này!" Đinh Câu định bỏ chạy nhưng hai chân đã bị cô ta ôm chặt. Anh ngã đè lên cô ta. Anh bò dậy đạp cho cô ta một cái thật mạnh, cô ta ôm bụng lăn một vòng. Lúc này anh trông thấy một người đàn ông tướng ngũ đoản, tay ôm bầu rượu, tay kia cầm con dao phay, từ bên trong chạy ra. Thấy tình hình không hay, anh bỏ chạy, tự mình cảm thấy chạy như thế là tốt, tim đập bình thường, chạy nhanh như gió. Chạy một hồi ngoảnh lại thấy người đàn óng dừng lại chỗ cột bê tông, dạng chân tè một bãi. Lúc này anh mới cảm thấy mệt, tim đập thình thịch, người toát mồ hôi, hai chân mỏi rời, quả thực bước không nổi.

Chàng trinh sát vận xui, ngửi mùi mò đến bên một chiếc xe ba bánh bán bánh nướng. Một chú nhỏ bày hàng, một bà già thu tiền, hình như hai mẹ con. Anh thấy đói, trong họng có bàn tay thò ra xin, nhưng anh không tiền mua. Một chiếc mô tô màu cỏ úa ngông nghênh đỗ xịch bên chiếc xe hàng. Đinh Câu thất kinh định chuồn êm, nhưng nghe cậu thượng sĩ trên xe nói rất to: "Chủ quán, nướng cho hai cái!" Đinh Câu thở phào.

Đinh Câu trong thấy hai chiến sĩ cảnh sát một cao một thấp, người cao mắt to lông mày rậm, người thấp mặt mũi sáng sủa. Họ vây quanh xe bánh, tán gẫu với chú nhỏ bán hàng, chuyện chẳng đâu vào đâu, kiểu tán dóc. Bánh đã chín, đổ tương ớt lên, một làn hơi trắng bốc lên. Hai người cầm bánh ăn, bánh nóng phải đổi tay liên tục, miệng thổi phù phù, ăn ngon nhưng cũng vất vả. Chỉ một thoáng, hai chiến sĩ mỗi người ăn hết ba cái. Chiến sĩ thấp lòi trong túi ra một bình rượu đưa cho chiến sĩ cao, nói: "Làm một tợp!" Chiến sĩ cao cười hì hì: "Nào thì một tợp!" Anh trông thấy chiến sĩ cao ngậm miệng bình màu sắc lung linh, tợp một ngụm rất điệu rồi từ từ hít không khí vào theo, cuối cùng nuốt đánh ực một cái, khen: "Rượu ngon, rượu ngon!" Chiến sĩ thấp đón lấy bình rượu, ngửa cổ tu một ngụm, mắt lim dim, tỏ ra vô cùng khoan khoái, lát sau nói: "Đ. bà nó! Thế này mới là rượu!" Chiến sĩ cao lấy trong cốp xe hai củ hành, bóc vỏ, vặt lá, đưa cho chiến sĩ thấp một củ, nói: "Đây là hành Sơn Đông chính hiệu". Chiến sĩ thấp nói: "Tôi có ớt đây! - Vừa nói vừa moi trong túi ra mấy quả ớt đỏ chói, khoe: - Ớt Hồ Nam chính hiệu đây. Cậu ăn không? Không ăn là không cách mạng, không cách mạng thì là phản cách mạng". Chiến sĩ cao nói: "An hành mới là cách mạng chân chính!" Hai chiến sĩ đều cáu, người này vung củ hành, người kia vung quả ớt lên đánh xáp lá cà, chiến sĩ cao nện củ hành vào đầu chiến sĩ thấp, chiến sĩ thấp dúi quả ớt vào miệng chiến sĩ cao. Người bán hàng vội can, nói các đồng chí đừng đánh nhau nữa, tôi thây cả hai đồng chí đều rất cách mạng. Hai cảnh sát rời nhau ra, người nào cũng mặt hầm hầm. Chú bán hàng cười rũ. Đinh Câu cũng cảm thấy buồn cười, chẳng hiểu nghĩ thế nào, anh cười thật. Bà mẹ chú bán hàng hỏi: "Chú cười cái gì? Tôi thấy chú không phải người tốt!" Đinh Câu vội phân bua: "Cháu là người tốt, tốt tuyệt đối đấy ạ!" "Người tốt mà có giọng cười như thế à?" Đinh Câu hỏi: "Cháu cười như thế nào?" Bà già huơ tay, như từ trên không lây xuống chiếc gương, đưa cho Đinh Câu, bảo: "Chú soi gương đi!" Đinh Câu cầm lấy gương, sững sờ: "Anh trông thấy một lỗ đạn tròn xoay ở giữa hai lông mày, đang chảy máu. Nhìn vào trong lỗ, anh trông thấy đầu đạn đồng vàng chóe đang di chuyển trong đại não! Anh bất giác la rầm lên, vứt vội chiếc gương nhỏ bỏng như cục sắt nung đỏ, chiếc gương lăn dựng đứng đến tận chân bức tường sơn đỏ đã phai màu, trên tường kẻ những chữ lớn, nhìn kỹ hình như đó là khẩu hiệu: Ra sức tiêu diệt rượu và gái! Anh chợt hiểu hàm nghĩa của câu khẩu hiệu, bèn lấy ngón tay sờ từng chữ. Chữ nào cũng bỏng y như miếng sắt nung. Ngoảnh lại nhìn, hai cảnh sát đã biến mất, bỏ lại chiếc mô tô. Anh bước tối, thấy trong xe còn chai rượu bèn cầm lên lắc thử, tăm sủi lên, rượu có màu xanh ngọc như nấu bằng đỗ xanh, nút đóng mà mùi thơm vẫn xộc vào mũi. Anh hối hả mở nút, ngậm miệng chai tu một hơi, cảm thấy cổ chai lạnh toát luồn vào cổ họng cháy bỏng, khoan khoái muốn chết luôn. Chất dịch màu xanh trơn như dầu thực vật chảy thẳng vào dạ dày, khiến dạ dày anh như em học sinh tiểu học ôm bó hoa tươi hoan hô ầm ĩ, khiến tinh thần anh phấn chấn như đại hạn gặp mưa rào. Loáng cái, anh đã uống cạn chai rượu. Anh nhìn cái chai rỗng với vẻ tiếc rẻ rồi quẳng đi, đạp cần khỏi động, vịn tay nắm nhảy lên yên, anh cảm thấy chiếc xe sung sướng rung lên, hí vang, gõ vó rung bòm như con tuấn mả khát vọng đường dài. Anh nhả phanh, chiếc xe lắc lư bò lên đường lớn rồi gầm lên, bắt đầu chạy. Anh cảm thấy chiếc xe như có linh tính, anh không cần lái, mà chỉ lo ngồi cho vững, bám chặt tay nắm cho khỏi ngã. Thế là tiếng nổ của động cơ biến thành tiếng hí của ngựa, hai chân anh cảm nhận hơi ấm của lưng ngựa, mũi a nh ngửi thấy mùi mồ hôi ngựa đầy hấp dẫn. Từng chiếc từng chiếc xe bị rớt lại phía sau, từng chiếc từng chiếc xe ngược chiều trố mắt kinh hãi, luống cuống dạt sang hai bên đường. Đinh Câu như mê đi. Mấy bận anh tưởng như dứt khoát sẽ tông vào một chiếc xe nào đó, thậm chí còn nghe thấy nó la lên thất thanh, nhưng cuối cùng biến nguy thành an: những vật sáng đó mềm như sợi bún luồn qua khe hở chỉ đút lọt cái kim, nhường đường cho anh và chiếc xe anh cưỡi. Một con sông xuất hiện trước mặt, không có cầu, nước réo ào ào tung bọt trắng xoá. Anh nhấc tay lái, chiếc xe bay lên trời, thân thể anh nhẹ như tò giấy, gió mạnh thổi gập người anh lại, những ngôi sao to bằng cái đấu có thể với tay là chạm phải. Chẳng phải bay lên trời đó sao? Anh nghĩ bụng, cảm thấy cái việc mà trước kia anh nghĩ là vô cùng khó khăn, thực ra lại quá dễ. Sau đó anh trông thấy một bánh xe văng ra, lát sau lại một bánh, lát sau lại một bánh nữa. Anh kinh hoảng la rầm lên, tiếng la trườn trên những ngọn cây nhấp nhô như sóng, như gió lướt trên những ngọn cây. Sau đó anh rơi xuống, chiếc xe không bánh mắc trên chạc cây, lũ sóc xông tới gặm các phụ tùng bằng sắt, nhai rau ráu. Anh không ngờ răng sóc lại sắc và rắn đến như thế! Gặm sắt thép mà như gặm gỗ mục! Anh khởi động hai chân, cảm thấy chúng vẫn bình thường, không hề bị thương. Anh đứng lên bàng hoàng ngó quanh, thấy cây cối chọc thẳng lên trời, dây leo chằng chịt nở đầy hoa tím trông không thật tí nào, như hoa giấy. Dây leo còn nặng trĩu từng chùm như quả nho màu tím và màu xanh, hai loại, mịn màng như điêu khắc bằng ngọc. Những trái cây ấy trong suốt, chỉ nhìn cũng biết dưỡng chất phong phú, nguyên liệu hảo hạng để sản xuất rượu. Anh nhớ hình như nữ xế hay một cô gái đẹp nào đó mà anh quên mất tên, nói rằng trên núi có một vị giáo sư tóc trắng như bông, đang cùng với lũ vượn chế một loại rượu ngon tuyệt trần, màu da của rượu này còn mịn màng hơn màu da của Naomi Cămpheo, cặp mắt của loại rượu này còn mê hồn hơn mắt của thiên sứ, đôi môi của loại rượu này còn gợi tình hơn đôi môi của nữ hoàng sắc đẹp... Nó không phải rượu, mà là kiệt tác của Thượng đế. Anh trông thấy những cột ánh sáng lọt qua tán lá, sương mù lượn quanh, lũ khỉ nhảy nhót trong sương mù, chải lông hoặc bắt rận cho nhau. Một con khỉ đực cao to, lông mày bạc trắng, bứt một chiếc lá cuộn lại rồi thổi như thổi kèn, lũ khỉ lập tức tập trung lại, xếp hàng ba như người, lại còn nhìn trái nhìn phải cho ngay ngắn. Nhộn thật, anh trinh sát nghĩ. Anh thấy lũ khỉ chân tay nghều ngào, lưng không, trán dô, hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu của lính tiêu binh, nhưng lại nghĩ, không nên khắt khe quá với lũ khỉ, người bình thường phải luyện tập nửa năm mới dạt trình độ đội danh dự, phải dùng thừng quấn chân, lấy ván gỗ ép thẳng lưng, đêm ngủ không được dùng gổi đầu. Anh nghĩ, không nên khắt khe quá. Anh trông thấy cái đuôi phía sau con khỉ như một cây cù nèo. Cù nèo dùng để hái quả khỏi gãy cành, lũ khỉ cũng vậy. Người già cũng phải dùng gậy chống. Ở Bắc Kinh còn có một cái ngõ mang tên Ngõ Gậy, đã có gậy chống phía trước, ắt hẳn có gậy đỡ phía sau, trước sau đều phải chống, huống hồ lũ khỉ. Khỉ chỉ cần chống phía sau. Cái đít đỏ chót khi trèo cây lại rõ mồn một. Con khỉ già huấn thị. Lũ khỉ rời đội ngũ, leo lên hái những quả nho màu tím hoặc màu ngọc bích. Nho rất to quả, hạt bằng quả bóng bàn. Anh chép miệng, nước miếng tứa ra. Giơ tay hái nhưng không với tới, chỉ đứng mà nhìn. Lũ khỉ đội nho chạy đến bên miệng giếng ném xuống. Mùi thơ-n của rượu bốc lên, đẹp như mĩ nữ, quánh như khói đặc. Anh cúi nhìn xuống giếng, mặt nước như tấm gương đồng phản chiếu một vầng trăng màu vàng kim. Lũ khỉ treo người trên cây, y hệt trong truyện kể. Cảnh tượng đẹp tuyệt, lũ khỉ mặt mũi cổ quái trông thật đáng yêu. Anh nghĩ, nếu có máy ảnh chụp cảnh này, chắc chắn rúng động giới nhiếp ảnh thế giới, chiếm giải quốc tế, tiền thưởng mười vạn mĩ kim, đổi ra nhân dân tệ sáu mươi vạn, ăn sung mặc sướng suốt đời, con trai học đại học, lấy vợ không sợ thiếu tiền. Con trai đã thay răng, hai cái răng cửa to tướng, giữa hở một kẽ, trông như một thằng ngô. Bỗng lũ khỉ nối đuôi nhau nhảy xuống giếng phá vỡ vầng trăng trên mặt nước, ánh sáng màu vàng kim tung tóe bám trên thành giếng như những giọt mật. Thành giếng mọc đầy rêu, có hai cây cỏ linh chi màu đồng điếu. Một con tiên hạc trắng đầu đỏ sà xuống đớp đi một cây, nó duỗi dài đôi chân, nhẹ nhàng đập cánh bay lên cung trăng, chắc là để tặng Hằng Nga. Cung trăng có đất mịn màu vàng in hai hàng dấu chân, đó là dấu chân của hai phi công vũ trụ người Mĩ, dấu chân có thể tồn tại năm mươi vạn năm không biến mất. Hai phi công vũ trụ như hai âm hồn. Trăng sáng đến nỗi không mở được mắt. Anh đứng dưới ánh trăng, quả nhiên tóc bạc trắng, không râu không ria, áo quần lam lũ, mặt đầy vết thương. Anh xách một cái thùng Dằng gỗ tượng thụ, tay cầm gáo gỗ, múc từng gáo rượu vào thùng, giơ lên rất cao rồi mới từ từ trút xuống, rượu như một sợi thừng màu vàng mật, vương ra đất lập tức quánh lại một cục như cao su, trông rất ngon, anh rất muốn ăn. Anh định hỏi: "ông là vị giáo sư thần kinh không bình thường của trường đại học Chưng cất phải không?" ông nói, ta là Lý Nhĩ vương của Trung Quốc xuất hiện dưới ánh trăng. Lý Nhĩ vương chửi trời chửi đất trong bão táp, ta đứng dưới trăng ca tụng người đẹp. Chuyện cổ dân gian đã biến thành hiện thực. Rượu là sự phát hiện vĩ đại nhất của loài người, không có rượu không thể có "Kinh Thánh", không thể có Kim tự tháp Ai Cập, chưa chắc đã có Vạn lý trường thành Trung Quốc, không có âm nhạc, không có thành quách, không có thang mây đánh thành, không có bẫy gỗ giữ thành, không có phá vỡ hạt nhân, không có cá măng trên sông Usuri, không có cả hồi và chim di chuyển theo mùa. Con người trong tử cung mẹ ngửi thấy mùi rượu. Da cá ngạc làm báu đựng rượu loại thượng hạng. Truyện chưởng gợi ý rất sâu cho các nghệ sĩ nấu rượu. Khuất Nguyên vì sao mà bất mãn? Vì không có rượu uống nên ông bất mãn. Tào Tháo ban bố lệnh cấm rượu, nói là để tiết kiệm lương thực. Đó là người thông minh làm một việc ngớ ngẩn! Làm sao cấm nổi rượu? Cấm rượu chẳng khác cấm nhân loại ngủ với nhau để sinh con đẻ cái, cấm thế nào được? Cái chuyện ấy còn hấp dẫn hơn lực hấp dẫn của trái đất! Dù quả táo có bay lên trời thì cũng không cấm được rượu. Những dãy núi hình tròn trên mặt trăng sao mà giống những chiếc chén rượu! Đấu trường La Mã có thể cải tạo thành lò ủ men. Các loại rượu Thanh Mai, Trúc Diệp Thanh, Trạng Nguyên Hồng, Thấu Bình Hương, cảnh Dương Xuân, Khang Hy Tuý, Hạnh Hoa Thôn, Liên Hoa Bạch... đều là rượu ngon, nhưng so với rượu Bú Dù của ta, còn khuya mới bằng! Một thằng khốn kiếp nào đó nói rằng, có thể trộn nước tiểu vào rượu. Đấy chẳng qua là tưởng tượng. Nhật Bản trị bệnh bằng uống nước tiểu, mỗi sáng uống một cốc nước tiểu của mình, có thể phòng ngừa bách bệnh. Lý Thời Trân nói, nước tiểu trẻ con có thể hạ tâm hoả, xem ra có lý. Bợm chân chính không cần thức nhắm khi uống rượu. Bọn Khoan Kim Cương nhắm rượu với trẻ em là không biết uống tượu...


/10

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status