Từng Có Một Người, Yêu Tôi Như Sinh Mệnh

Chương 3: Mùa xuân

/12


Sau khi biết được bí mật về biển số xe từ Andre, hai ba ngày sau đó tâm trạng tôi không ổn định, làm việc gì cũng quên trước quên sau giống như người treo ngược hồn trên cành cây.

Trước đó, ấn tượng của tôi về xã hội đen chỉ dừng lại ở phim ảnh Hongkong thập niên chín mươi với những cảnh vung dao chém giết lung lung. Nhưng đã từng được tận mắt chứng kiến màn tanh máu tàn khốc ở chợ "Bảy km", tôi càng cảm thấy bất an và lo lắng cho Duy Duy.

Tôi ngồi trước cây đàn piano với tâm trạng không yên, chỉ một bản nhạc luyện tập đơn giản, thầy giáo phụ đạo phải sửa đi sửa lại mấy lần. Lần nào đến một tiết tấu, tôi cũng mắc sai lầm tương tự.

Cuối cùng thầy giáo phụ đạo tỏ ra tức giận: "Mai, em chẳng tập trung gì cả, lãng phí thời gian của cả hai chúng ta".

Tôi đành kết thúc buổi tập sớm hơn quy định và thu dọn sách vở về nhà. Căn hộ vắng lặng như tờ, Duy Duy đã ba ngày nay không thấy bóng dáng, điện thoại di động của cô luôn trong tình trạng tắt máy.

Mùa đông trời tối rất nhanh, tôi một mình ngồi ở phòng khách tối om. Cứ nghĩ đến câu nói của Tôn Gia Ngộ ở đồn cảnh sát, trong lòng tôi càng cảm thấy bất an. Tôi muốn tìm anh hỏi cho ra nhẽ, nhưng tôi không biết làm thế nào mới có thể liên lạc với anh.

Một lúc sau, tôi đột nhiên nhớ đến một chuyện. Tôn Gia Ngộ từng tặng Duy Duy điện thoại Nokia loại đời mới nhất. Duy Duy dùng một thời gian nhưng không rõ từ lúc nào cô lại đổi sang điện thoại Samsung. Có lẽ khoảng thời gian đó, hai người bắt đầu xảy ra mâu thuẫn.

Tôi quyết định thử vận may, đứng dậy đi mở ngăn kéo bàn trang điểm của Duy Duy. Quả nhiên chiếc điện thoại màu đỏ nằm cô độc trong góc ngăn kéo. Tôi mở máy và lập tức tìm thấy số điện thoại của Tôn Gia Ngộ ở trong danh mục.

Tôi dùng máy bàn bấm số của anh, tim tôi đập thình thịch thình thịch.

"Alo!". Đầu bên kia nghe máy, âm thanh hỗn loạn gồm cả tiếng người nói chuyện và tiếng nhạc truyền đến.

"Chào...chào anh". Tôi bỗng dưng lắp bắp: "Tôi...tôi là...Triệu Mai".

"Chào chào em em...em nhớ nhớ nhớ tôi phải không?" Tôn Gia Ngộ cất giọng điệu lười biếng, thể hiện rõ ý cười trêu chọc.

Tôi giả vờ không nghe thấy, cố gắng thả lỏng đầu lưỡi: "Tôi muốn hỏi anh một chuyện".

"Tôi biết, không có việc thì em sẽ không bao giờ tìm tôi. Nói đi, là chuyện gì?" Thanh âm của anh nghe rõ hơn, hình như anh tìm một nơi yên tĩnh để nói chuyện.

Tôi định thần, lời nói cũng trở nên lưu loát bình thường: "Tôi không tìm thấy Duy Duy nên đành phải gọi cho anh".

"Là chuyện này à?" Tôn Gia Ngộ cười khẽ: "Em nghĩ tôi có thể làm gì con bé đó? Nó có bản lĩnh lớn lắm, không cần người khác lo lắng đâu".

"Anh đã sớm biết Duy Duy dính đến xã hội đen, đúng không?" Tôi không muốn vòng vo với anh, đề cập thẳng vào vấn đề.

Đầu kia điện thoại im lặng một hồi. Sau đó Tôn Gia Ngộ mới hỏi: "Làm sao em biết được?"

"Đừng bận tâm đến việc làm sao tôi biết. Anh chỉ cần trả lời tôi, có đúng hay không?"

Tôn Gia Ngộ cuối cùng cũng thu lại giọng điệu ngạo đời: "Không hẳn sớm lắm, tối hôm đó nhìn thấy biển số xe tôi mới biết".

"Anh khoanh tay đứng nhìn cô ấy lún sâu vào hay sao?"

"Sao em nói vậy, tôi còn oan ức hơn cả Đậu Nga nữa. Ở sở cảnh sát em cũng thấy rồi đấy, tôi chỉ mới khuyên nhủ vài câu, kết quả con bé đó lật cả món nợ cũ từ đời nào, làm tôi suýt nữa theo nó xuống Âm phủ".

(Đậu Nga Oan là tác phẩm của nhà soạn kịch đời Nguyên Trung Quốc Quan Hán Khanh. Đây là vở bi kịch kể về số phận bi thảm của cô gái Đậu Nga. "Đậu Nga Oan" được diễn đi diễn lại suốt 700 năm qua, được xếp vào một trong top 10 vở bi kịch cổ điển Trung Quốc, và dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.)

"Không bị ép đến bước đường cùng, phụ nữ sẽ không làm những việc bế tắc như vậy đâu". Tôi lập tức bảo vệ Duy Duy. Tính cô tuy rất nóng nảy, là loại người "thà chết vinh còn hơn sống nhục" nhưng cô không phải là người không biết nói lý lẽ.

Tôn Gia Ngộ trầm mặc một vài giây rồi bật cười: "Bước đường cùng? Làm gì đến nỗi chuyện bé xé ra to như vậy. Bảo bối này, tôi biết em cảm thấy bất bình, nhưng em cũng phải tìm hiểu sự việc đã, rốt cuộc ai mới bức ai? Tôi còn chưa nói hết câu, một cái bình hoa lớn đầy nước bay về phía tôi. Nếu không phải tôi phản ứng nhanh né tránh kịp thời, chắc đã xảy ra án mạng ngay tại hiện trường rồi".

Nhớ đến miếng băng y tế ở trên vai anh, tôi không thể nói gì hơn, chỉ cố giải thích: "Nhưng...".

"Được rồi". Anh cất giọng dịu dàng: "Em đừng can thiệp vào việc của người khác, con bé đó em không quản nổi đâu. Em đừng bao giờ đi hỏi thẳng nó, tính của Bành Duy Duy ác liệt phải biết. Em càng nói nó càng làm càn, nếu nó muốn làm loạn em cứ để mặc nó, chơi chán rồi tự nó sẽ biết đường quay về, em nghe rõ chưa?

Tôi ngậm miệng không tiếp lời anh.

Tôn Gia Ngộ liền chuyển sang đề tài khác: "Em đã ăn cơm chưa?"

"Chưa".

"Ra ngoài đi, tôi mời em".

"Tôi không muốn đi, cám ơn anh. Chào anh!" Không đợi Tôn Gia Ngộ trả lời, tôi vội đặt ống nghe xuống.

Tôi lại ngồi bó gối trong bóng tối một lúc lâu. Trái tim như bị đè nặng đến mức đau buốt, nhưng tôi không tìm ra nguyên nhân của nỗi đau đó.

Sau khi tắm rửa qua loa, tôi đang dọn dẹp nhà tắm thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Tưởng lại là cảnh sát đến kiểm tra giấy tờ, tôi ngó đi ngó lại xích chống trộm mới cẩn thận mở cửa. Cửa vừa mở, tôi há hốc miệng, gần như cho rằng mắt tôi xuất hiện ảo giác.

Người đứng ngoài cửa là Tôn Gia Ngộ.

Tôi vẫn đứng ở trong phòng nói vọng qua khe cửa: "Duy Duy không ở nhà".

"Tôi biết". Anh giơ chân đẩy cửa, tay xách một cái túi giấy lắc đi lắc lại trước mặt tôi: "Tôi mang đồ ăn đến cho em".

Đồ ăn Tôn Gia Ngộ mang đến là sủi cảo nhân thịt bò bắp cải.

Người chưa từng sống ở nước ngoài chắc khó tưởng tượng tôi nhớ món ăn Trung Quốc đến mức nào. Tôi mới sang đây nửa năm nhưng gần như không chịu đựng nổi. Tôi thường nằm mơ mình vào nhà hàng ở Bắc Kinh, gọi một bàn đầy thức ăn. Có điều đa phần thức ăn chưa vào miệng, tôi đã tỉnh giấc vì nước dãi chảy ròng ròng.

Ở Odessa cũng có nhà hàng Trung Quốc, giá đắt cắt cổ không nói làm gì, quan trọng hơn mùi vị của các món ăn là lạ, đúng kiểu chỉ hấp dẫn ở mã ngoài.

Vì vậy khi nhìn thấy hộp sủi cảo tròn tròn trắng trắng trên tay Tôn Gia Ngộ, tôi không thể kìm chế nuốt nước bọt ừng ực, mấy chục viên sủi cảo đã bán đứng tôi.

Tôi liền mở cửa để anh vào nhà.

"Nguội mất rồi, nhà em có chảo không, làm nóng rồi ăn sau". Tôn Gia Ngộ đi thẳng vào nhà bếp.

Tôi vội đi theo Tôn Gia Ngộ, giật lấy cái chảo trên tay anh: "Để tôi, anh đã ăn chưa?"

"Lúc em gọi điện thoại đến, tôi vừa mới ăn xong". Anh lùi lại đứng ở cửa nhà bếp: "Tôi có một người bạn Ukraine, gần đây cô ấy đột nhiên mê mẩn văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Thế là chúng tôi trở thành máy xử lý thức ăn ở nhà cô ấy".

"Thế thì tốt quá". Tôi trả lời lấy lệ, đống sủi cảo cháy xèo xèo trong chảo dầu tỏa mùi thơm ngát đã thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi.

Nước từ trên cái xẻng xào nấu rơi xuống chảo dầu nổ tanh tách, dầu bắn cả lên mu bàn tay tôi đau rát. Tôi kêu lên một tiếng rồi lùi lại phía sau hai bước.

"Ngốc quá!". Tôn Gia Ngộ giật lấy cái nắp đậy xuống chảo: "Để tôi làm cho".

"Không cần đâu". Tôi dậm chân: "Anh cầm giúp tôi cái tạp dề với".

Tôn Gia Ngộ cầm tạp dề đến: "Tôi giúp em đeo?"

"Ừ". Tôi vừa gật đầu vừa lật sủi cảo.

Tôn Gia Ngộ đứng sau lưng tôi hơi cúi đầu, anh vòng cái tạp dề trước mặt tôi, sau đó anh buộc dây ở thắt lưng tôi. Nhưng anh đặt tay trên eo tôi lâu hơn cần thiết, tôi cảm thấy không thỏa đáng, vừa định mở miệng kháng nghị, anh liền cúi sát vào mặt tôi, giọng nói anh thoảng qua bên tai tôi: "Eo em gọn thật đấy".

Hơi thở nóng hổi và đôi môi anh lướt qua vành tai tôi khiến toàn thân tôi bủn rủn, cây xẻng xào suýt nữa rơi xuống đất.

Tôn Gia Ngộ cười khẽ, anh buông tay quay người đi ra khỏi nhà bếp. Ở bên ngoài vọng vào tiếng nói của anh: "Đừng đứng ngây người ra đó, em còn không gắp ra đĩa sủi cảo cháy hết rồi kia kìa".

Mùi vị sủi cảo không tồi, chỉ có rau bắp cải hơi nhũn, có lẽ lúc nấu hơi quá lửa, nhưng ngon không kể xiết.

"Ăn từ từ thôi, cẩn thận bị bỏng đấy, ngon không em?"

"Rất ngon". Tôi vừa nhét một miếng sủi cảo vào miệng thở dài: "Lúc nào mới được ăn sủi cảo nhân thịt lợn rau bắp cải một lần nữa? Tôi nhớ món đó sắp phát điên rồi".

Có câu nói người rời xa quê hương chẳng đáng giá một xu, đồ vật ngược lại quý hiếm vô cùng. Ở trong nước vài hào nửa cân bắp cải, sang bên này bình thường rất hiếm khi thấy ở ngoài chợ.

Tôn Gia Ngộ chỉ mỉm cười nhìn tôi ở phía đối diện. Ánh mắt anh hơi kỳ lạ, giống như nhớ lại chuyện xa xưa, có chút dịu dàng, cũng có chút xuất thần. Nghe đến mong ước của tôi, anh mới định thần, giơ tay búng mạnh vào trán tôi: "Cô bé này, chỉ mỗi thế thôi sao?"

Tôi nghiêng đầu né tránh rồi lại cúi xuống ăn, trong lòng tôi hơi coi thường bản thân. Nếu tôi có nghĩa khí, tôi nên lập tức đứng dậy vạch rõ ranh giới với người đàn ông này. Gương mặt u ám của Duy Duy vẫn còn hiện trước mắt tôi, vậy mà tôi lại cùng anh ngồi đây nói chuyện phiếm như không có gì xảy ra, có phải tôi vô liêm sỉ lắm không?

"Lễ giáng sinh em định đi đâu chơi?" Tôn Gia Ngộ hỏi tôi.

Miệng tôi đầy sủi cảo, lúng búng mãi cũng không thốt ra lời. Khó khăn lắm tôi mới nuốt trôi rồi lên tiếng trả lời anh: "Tôi chẳng đi đâu hết. Sau kỳ nghỉ là tôi phải thi, tôi ở nhà học bài".

Tỷ lệ sinh viên dự bị bị đào thải ở Học viện âm nhạc Odessa từ trước đến nay luôn rất cao, tôi không dám lơi là. dù chỉ một chút.

Tôn Gia Ngộ tỏ ra không tin: "Đám lưu học sinh tôi gặp nhiều rồi, có ai không cầm tiền của bố mẹ ra ngoài ăn chơi xả láng đâu. Chẳng có mấy người thật sự chăm chỉ"

"Tôi khác bọn họ". Tôi xịu mặt nói.

Vụ thi trượt đại học năm đó là một đòn đả kích nặng nề với tôi. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn sống trong những lời khen ngợi, đi đường luôn ngẩng cao đầu, thậm chí còn tưởng mình là Clara Haskil tái thế. Không ngờ tương lai của tôi bị chặn đứng ở kỳ thi đại học. Lúc nhận được kết quả thi, tôi thật sự muốn chết quách cho xong. (Clara Haskil là nữ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Romania).

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tôi chăm chỉ học tập là muốn lấy lại sự kiêu ngạo ngày nào.

Tôn Gia Ngộ cười cười, anh không nói thêm điều gì mà đứng dậy đi quanh nhà. Gặp thứ gì anh cũng cầm lên xem, không hề tỏ ra khách sáo.

Đợi đến khi tôi rửa bát xong từ nhà bếp đi ra, Tôn Gia Ngộ đang cầm một miếng bìa cứng khá dài lật đi lật lại. Mặt sau miếng bìa dài dán mảnh giấy in các phím đàn piano. Bình thường không phải đến trường học, tôi toàn dùng nó để luyện đầu ngón tay, tuy chẳng ra sao nhưng cũng còn hơn không có.

"Em tập đàn bằng cái này?" Tôn Gia Ngộ ngẩng đầu, ánh mắt đầy nghi hoặc.

"Ừ, thế thì sao?"

"Tại sao em không tập luyện trên đàn thật?"

Tôi trề môi: "Phí thuê đàn đắt quá, bình thường cuối tuần tôi mới đi. Cuối tuần giảm một nửa giá".

Một nửa giá tiền vẫn còn mười lăm đô la Mỹ một giờ, đúng là muốn ăn cướp mà, hơn nữa phải hẹn trước một tuần. Sinh viên dự bị như tôi muốn nhận được sự chỉ bảo của thầy giáo phụ đạo còn phải tính tiền riêng.

Tôn Gia Ngộ "ừm" một tiếng rồi bỏ miếng bìa cứng xuống. Bắt gặp bộ mặt nhăn nhó của tôi, anh nhịn cười hỏi: "Tức bụng hả?"

Tôi ngượng ngùng gật đầu. Vừa rồi ăn vội quá nên không có cảm giác, bây giờ mới thấy tôi đã ăn quá nhiều, dạ dày ấm ách khó chịu.

Tôn Gia Ngộ xoa đầu tôi, cười ha hả: "Thật là...có ai tranh cướp của em đâu. Ăn không hết thì để lại bữa sau cũng được mà".

Tôi hất tay Tôn Gia Ngộ và lườm anh. Tuy tôi cố gắng giữ vẻ mặt bình thản nhưng trong lòng tôi cảm thấy bản thân đúng là chẳng ra sao.

"Tôi cùng em ra ngoài đi dạo bộ cho tiêu hóa".

Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đành gật đầu nhận lời.

Cách khu chung cư không xa có một công viên nhỏ, chúng tôi chậm rãi đi dọc theo bờ hồ. Hai chúng tôi không ai lên tiếng, tuyết trắng đã bao phủ lên lớp cỏ ở dưới chân. Cỏ bên dưới mềm mại, trên mặt kết thành băng nên tạo thành tiếng lạo xạo khi chúng tôi dẵm lên.

Mặt hồ kết một lớp băng mỏng, được chiếu sáng bởi ánh đèn đường mờ mờ. Bên hồ trồng đầy cây hoa hồng dại và cây sơn tra, nghe nói đến mùa xuân chúng nở đầy hoa, tỏa ra mùi hương thơm ngát, khiến trái tim con người dù sắt đá đến mấy cũng tan chảy. Nhưng lúc này, bên hồ chỉ có vẻ lạnh lẽo tiêu điều.

Tôi mặc áo khoác lông vũ dầy, người tròn xoe như cái bánh tẻ. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy lạnh, ngón tay gần như đông cứng. Tôi rút găng tay và đưa tay lên miệng thổi.

Tôn Gia Ngộ cầm tay tôi bỏ vào túi áo khoác của anh, dù cách một lớp găng tay nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy nhiệt độ cơ thể anh. Cảm giác này rất khó hình dung, phảng phất một sự mê hoặc chết người.

Chuyện xảy ra sau đó tôi hơi mơ màng. Mỗi khi nhớ đến cảnh tượng này, tôi cảm thấy không chân thực, giống như những mảnh vỡ trong giấc mơ.

Tôn Gia Ngộ quay người ôm chặt lấy tôi, tôi không kìm chế nổi bắt đầu run rẩy. Tôi giãy giụa vì tưởng anh sẽ hôn tôi, nhưng anh không hôn mà chỉ chạm môi vào tai tôi. Da sau vành tai như được chạm điện khiến toàn thân tôi tê liệt, rồi có một sợi tơ nhỏ dẫn điện vào tim tôi, khiến tim tôi co rút.

"Diorissimo". Anh cất giọng trầm ấm khẽ khàng: "Em quả nhiên thích loại này".

Đúng vậy, các loại nước hoa khác của CD hoặc là quá ngọt ngào hoặc là quá phong tình nên không thích hợp với tôi. Chỉ riêng Diorissimo là có mùi hương dìu dịu không có tính xâm lược. Tôi mở mắt, ngắm nhìn gương mặt nghiêng hoàn mỹ của anh. Đường nét khóe miệng anh có một vẻ rất trẻ con.

Tôi đột nhiên nhớ đến hình ảnh cô độc của anh trên hành lang ở cục cảnh sát, trong lòng tôi cảm thấy nhói đau.

Bờ môi Tôn Gia Ngộ cuối cùng cũng phủ xuống môi tôi. Mặc dù rất thẹn thùng nhưng tôi cũng cố gắng phối hợp với anh. Tôi không có cảm giác sung sướng mà chỉ hơi chóng mặt, có lẽ vì thiếu oxy.

Sắc trời tối hẳn, tất cả ngọn đèn ở bên đường bật lên, chiếu sáng một vùng tuyết trắng xóa. Trước mắt tôi ẩn hiện cành cây đan xen vào nhau nổi bật giữa không trung. Mặt tôi hơi ươn ướt lành lạnh, hóa ra lại có tuyết rơi.

Tôi vùi mặt vào ngực Tôn Gia Ngộ, lắng nghe tiếng tim đập của anh. Thì ra anh cũng có trái tim, trái tim sống yên ổn trong lồng ngực anh. Tôi bất giác thở dài.

Tôn Gia Ngộ cởi cúc cổ áo tôi rồi hôn từ cổ tôi xuống. Đôi môi anh ma sát trên xương đòn của tôi, như chiếc lông vũ nhẹ nhàng quệt qua. Linh hồn tôi từ từ bay bổng, không biết trôi dạt về phương nào. Một nơi tĩnh mịch vắng vẻ như nơi này là địa điểm lai vãng của những chàng ma cà rồng quyến rũ mặc áo choàng đen. Con mồi yếu ớt cam tâm tình nguyện trở thành người bị hại của bọn họ, trầm luân trong ý loạn tình mê không có cách nào thoát khỏi.

Hình bóng của Duy Duy đột nhiên hiện ra trước mắt tôi, tôi rùng mình tỉnh khỏi giấc mông. Sau đó tôi cật lực đẩy Tôn Gia Ngộ.

Con người này như có ma lực, một khi tiếp cận anh, ý chí sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn.

"Em sợ gì chứ? Sợ tôi ăn em sao?" Tôn Gia Ngộ tỏ ra bất ngờ trước hành động phản kháng của tôi.

Tôi nhìn anh không chịu lên tiếng. Nước mắt dâng tràn bờ mi. Tôi đã mất nụ hôn đầu cho một người đàn ông nổi tiếng lăng nhăng trong giới thương nhân Trung Quốc.

Tôn Gia Ngộ giơ tay ôm tôi: "Bảo bối..."

Tôi lại đẩy mạnh anh và co giò chạy mất, bất chấp anh cao giọng gọi tên tôi ở phía sau.

--------------------------

Khi tôi về đến nhà, không ngờ trong phòng có ánh đèn sáng. Tôi dùng chìa khóa mở cửa, Duy Duy trở về sau nhiều ngày biệt tăm biệt tích, cô đang khom lưng đánh móng chân, một màu xanh tím kỳ dị, nhìn nhiều sẽ thấy nhức mắt.

"Triệu Mai, có người đến nhà mình sao?" Duy Duy ngẩng đầu hỏi tôi.

Tôi có tật giật mình, không dám nhìn thẳng vào cô: "Không có...À...là bạn học đến mượn bản nhạc".

Duy Duy không để ý đến sắc mặt tôi. Cô chỉ gật đầu rồi lại tiếp tục sơn móng.

Tôi thở dài nhẹ nhõm, cũng không dám hỏi cô thời gian qua đi đâu. Tôi vội về phòng mình, nằm lên giường sờ miệng một lúc lâu.

Duy Duy về nhà hóa ra là để thu dọn quần áo. Sáng sớm ngày hôm sau, tôi lặng lẽ theo dõi cô xếp quần áo vào vali. Nhớ đến lời dặn dò của Tôn Gia Ngộ, dù có rất nhiều thắc mắc nhưng tôi không biết mở miệng như thế nào.

Cuối cùng Duy Duy đóng nắp vali, ngồi xuống bên cạnh tôi và châm một điếu thuốc lá một cách thành thạo.

Tôi không thể tiếp tục im lặng: "Vừa hút thuốc lại vừa uống rượu, dây thanh đới của cậu sẽ hỏng hết".

Duy Duy học thanh nhạc, thanh đới một khi bị tổn thương sẽ khó có thể cứu vãn. Đối với một sinh viên ngành của cô, điều đó có nghĩa mọi việc kết thúc.

Trầm mặc một lát, Duy Duy cất giọng lạnh nhạt: "Ai thèm bận tâm chứ?"

"Cậu định đi đâu vậy?"

"Đi Lviv trượt tuyết".

"Một mình cậu?"

"Đến một nơi như Lviv, tất nhiên đi cùng bạn trai rồi".

"Duy Duy, cậu có cảm thấy bản thân vui vẻ không?".

Duy Duy tắt điếu thuốc, đá chân vào chiếc vali: "Vui chứ! Tại sao tớ lại không vui? Tớ sẽ không chà đạp bản thân vì một người đàn ông không yêu tớ. Tớ phải sống thật tốt, cho anh ta tức hộc máu mắt".

Tôi đành phải trầm mặc. Duy Duy đã biết rõ cô muốn gì và làm gì thì với tư cách một người bạn, tôi cũng chỉ có thể ngậm miệng.

-----------------------

Duy Duy đi rồi, cô nói mười mấy ngày sau mới quay về Odessa. Dịp giáng sinh tôi không có nơi nào để đi nên đón đêm bình an ở nhà Andre.

Bố mẹ Andre nhiệt tình và hiếu khách. Anh còn có hai cô em gái sinh đôi tầm mười tám mười chín tuổi, rất xinh đẹp hoạt bát đáng yêu. Nghe nói tôi học piano, họ bắt tôi cùng diễn tấu, và bắt Andre hát phụ họa.

Tôi phát hiện Andre hát rất hay. Giọng hát của anh trầm ấm, có vị của Paul McCartney. (Cựu thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles).

Buổi tối đêm bình an tương đối náo nhiệt. Khi chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, mọi người cùng cầu nguyện và mở quà tặng. Món quà tôi mang đến là một tấm khăn giải bàn thêu hoa, vừa vặn rơi vào tay mẹ Andre. Bà rất vui mừng, tiến đến hôn lên trán tôi và nói cám ơn rối rít.

Tôi cũng nhận được quà Giáng sinh giống anh em Andre. Món quà tôi nhận được là đôi găng tay len nhiều màu sắc. Tất cả chúng tôi đều hân hoan vui vẻ.

Đêm bình an kết thúc, do tôi kiên quyết đòi về nên Andre lái xe đưa tôi về. Xe vừa đi vào con đường tối, tôi tự nhiên trầm mặc giống như lạc vào thế giới khác. Cơ miệng tôi đau nhức vì ban nãy cười nhiều làm tôi không muốn nói chuyện.

"Mai, cô mệt lắm phải không?" Tiếng Andre giống như vọng đến từ một nơi xa xăm nào đó.

"Tôi không mệt, chỉ là hơi buồn ngủ". Tôi cố gắng lấy lại tinh thần.

Anh liếc nhìn tôi: "Cô đã suy nghĩ kỹ chưa? Không đi trượt tuyết cùng chúng tôi thật sao? Cô ở một mình suốt kỳ nghỉ giáng sinh?"

"Đúng vậy, tôi phải học bài. Tôi nói với anh rồi còn gì?"

Andre quay đầu chuyên tâm lái xe: "Tôi cảm thấy cô có tâm sự. Lúc nào cô cũng chìm đắm trong thế giới của mình, vì vậy tôi cảm thấy không yên tâm".

Tôi vỗ vai Andre: "Tôi đâu phải là trẻ con lên ba, anh lo lắng gì chứ?"

Andre hừm một tiếng: "Tôi biết nguyên nhân vì sao rồi?"

Tôi không nhịn được cười: "Anh biết gì chứ? Andre, anh đừng như ông cụ non thế, anh sẽ rất mệt đấy."

Andre không lên tiếng, anh tiễn tôi tới chân khu chung cư. Sau đó anh hôn lên má tôi tạm biệt: "Giáng sinh vui vẻ! Cô gái yêu quý của tôi."

Tôi đứng ở cửa lớn, dõi theo bóng anh lắc lư trên đường. Mãi đến khi anh khuất dạng tôi mới quay người đi vào thang máy.

Trong nhà tối om, chỉ có ánh đèn từ bên ngoài hắt lên bộ bàn ghế. Tiếng cười nói vui vẻ, tiếng đàn hát ở nhà bên cạnh vọng sang khiến tôi càng cảm thấy cô độc. Mũi tôi cay cay, nước mắt trào xuống.

Những lúc như thế này, tôi thường không dám gọi điện cho bố mẹ. Tôi sợ không kìm chế được tâm trạng, khiến bố mẹ tôi lo lắng.

Tôi chỉ có thể vùi đầu vào trong chăn khóc nức nở. Đợi đến khi tôi mệt mỏi chìm vào giấc ngủ, trời đã tờ mờ sáng.

---------------------

Buổi chiều ngày Giáng sinh, tôi bị đánh thức bởi hồi chuông điện thoại.

Tôi trở mình, thò tay ra khỏi chăn tìm điện thoại mà không tình nguyện chút nào. Mắt vẫn nhắm nghiền, tôi hỏi một cách lơ đãng: "Ai đấy ạ?"

"Tôn Gia Ngộ".

Tôi giật mình tỉnh giấc, lập tức ngồi dậy: "Có chuyện gì thế?"

"Giọng của em khó nghe quá, vẫn chưa tỉnh ngủ sao? Mau thức dậy đi, tôi cho em xem thứ này hay lắm".

Tôi thật sự sợ gặp anh nên kiếm cớ thoái thác: "Tôi không ở Odessa, tôi đi trượt tuyết rồi".

"Vớ vẩn". Anh cười ở đầu bên kia: "Em nói dối mà chẳng xem xét tình hình gì cả. Tôi đang ở ngoài cửa, vừa rồi tôi còn nghe thấy tiếng chuông điện thoại của em".

Tôi im lặng, quả nhiên có tiếng gõ cửa. Tôi nhất thời không biết nói gì, hai má tôi nóng ran.

"Cho em hai mươi phút, tôi đợi em dưới tầng một, nhanh lên!". Nói xong không chờ tôi tìm lý do từ chối, Tôn Gia Ngộ lập tức cúp máy.

Trước mặt anh hình như tôi luôn ở thế bị động, không hề có chút tự tin. Tôi nhảy xuống giường, đánh răng rửa mặt chải đầu và thay quần áo bằng tốc độ nhanh nhất.

Bên ngoài trời rất lạnh, tuyết hình như lại sắp rơi, để lộ da ở bên ngoài một lúc sẽ bị đông cứng, tôi bất giác kéo chặt hai vạt áo khoác.

Tôn Gia Ngộ đang đứng tựa vào cửa xe hút thuốc lá. Thấy tôi đi ra, anh mới ném đầu thuốc lá xuống đất và nở nụ cười để lộ hàm răng trắng: "Em cũng nhanh ra phết".

Tôi tựa hồ vẫn canh cánh trong lòng vụ đánh mất nụ hôn đầu. Thế là tôi cố nghiêm mặt, hỏi anh bằng ngữ điệu lạnh lùng: "Anh muốn tôi xem thứ gì?"

Tôn Gia Ngộ nhận ra thái độ lạnh nhạt của tôi, anh mở cửa sau xe và làm động tác "mời" rất khoa trương: "Nàng công chúa thân mến, mời nhìn...".

Hai cái bắp cải xanh ngát đang lặng lẽ nằm trên ghế sau, tỏa ra một vẻ mê hoặc vô cùng.

"Trời ơi..." Bộ dạng lạnh nhạt và xa cách của tôi biến mất hoàn toàn. Tôi vui mừng hỏi anh: "Anh...anh kiếm ở đâu ra thế?"

Tôn Gia Ngộ ghé sát mặt, môi anh mơn man trên má tôi: "Hôm qua đại sứ quán phát bắp cải cho cán bộ công nhân viên, tôi vừa vặn đi ngang qua đó. Thế là đến đêm tôi trèo tường vào bên trong, ăn trộm được mấy cái".

"Anh lại nói linh tinh rồi".

Anh cười với tôi: "Em không cần biết nó từ đâu đến. Em hãy nghĩ xem nên làm món gì?"

"Ôi nhiều lắm, xào chua cay, làm dưa góp, trộn sống, xào phở bắp cải thịt thái chỉ...". Tôi đếm đầu ngón tay, vừa đếm vừa nuốt nước bọt ừng ực. Cuối cùng hai chúng tôi gần như đồng thanh lên tiếng: "Sủi cảo nhân thịt lợn bắp cải".

Tôn Gia Ngộ cười lớn, đẩy tôi vào ghế phụ: "Đi thôi, đến chỗ tôi nấu, tất cả trông chờ vào trình độ nấu nướng của em".

Tôn Gia Ngộ sống ở địa bàn tốt nhất trong thành phố, là ngôi nhà kiểu cũ màu xám, chia thành hai hộ trái phải. Ngôi nhà có hai tầng, phía nam có một cửa sổ dài nhìn ra Biển Đen. Anh sống cùng Lão Tiền, người đàn ông tôi và Bành Duy Duy gặp lần trước và một thương nhân Trung Quốc họ Khâu.

Tôi cảm thấy hơi kỳ lạ, nhìn ngang nhìn ngửa cũng thấy anh chẳng giống người có thể chung sống hòa thuận với người không có một chút quan hệ.

Về nghi vấn của tôi, Tôn Gia Ngộ giải thích nhẹ như gió thoảng mây vờn: "Một ngày nào đó chết ở trong phòng thì cũng có người phát hiện".

"Đúng vậy". Tôi lại nhớ đến chuyện bị mất nụ hôn đầu, trêu anh một cách ác ý: "Nếu không thịt thối rữa ra cũng chẳng ai biết đến".

Tôn Gia Ngộ quay đầu trừng mắt với tôi: "Em là con gái sao ăn nói độc địa thế?"

Tôi giả bộ oan ức bĩu môi: "Những lời tôi nói đều là sự thật, anh không thích nghe thì thôi".

Tôi không nói dối một chút nào, Andre từng kể cho tôi nghe câu chuyện tương tự, khiến tôi buồn nôn suốt một tuần, nhìn thấy thịt là chạy mất dép.

Trong vụ án đó, một thương nhân người Phúc Kiến bị đồng hương giết chết rồi dóc thịt nấu chín rồi bỏ vào bồn xí, làm cho đường ống nước thải của nhà hàng xóm ở tầng dưới bị tắc nghẽn. Người hàng xóm gọi thợ đến sửa, sau khi thông đường ống mới phát hiện bên trong toàn là xương vụn và thịt thối rữa.

Người hàng xóm tưởng là xác chết chó mèo bị ngược đãi nên phẫn nộ báo cảnh sát. Cảnh sát thông ống cống ra bao nhiêu xương thịt và nội tạng, đến cuối cùng lòi ra ngón tay con người. Tất cả những người có mặt ở hiện trường đều sợ chết khiếp.

Vụ án này từng gây chấn động Odessa một thời, khiến giá thuê phòng tăng vọt, bởi vì người bản xứ không chịu cho người Trung Quốc thuê nhà.

"Anh hãy nói xem, ở trong nước không tốt sao? Cứ cố ra nước ngoài rồi bỏ mạng ở nơi đất khách quê người". Tôi không thể hiểu nổi.

Nghe câu chuyện của tôi, Tôn Gia Ngộ đến chân mày cũng không thèm động đậy. Anh tắt máy rút chìa khóa, sau đó mới nói: "Em còn nhớ vụ án ở Trung tâm thương mại "Bảy km" không?"

Tôi gật đầu, trước đây anh toàn lảng tránh, cuối cùng hôm nay anh cũng nhắc đến sự kiện đó.

"Nạn nhân bị đâm hơn một trăm nhát dao, gần như không còn nguyên dạng, em biết tại sao không?"

Tuy tận mắt chứng kiến vụ án mạng nhưng tôi vẫn nổi da gà, lắc đầu lia lịa.

Phải thù hận đến mức nào mới chém người ta hơn một trăm nhát dao?

Tôn Gia Ngộ cười lạnh lùng: "Tên đó là người của tổ chức Thanh Điền, chuyên thu phí bảo kê ở trung tâm thương mại "Bảy km". Hắn rất hống hách nên thương nhân ở trung tâm thương mại vô cùng ghét hắn. Khi họ không thể chịu nổi hơn, họ đã gom tiền thuê xã hội đen người Ukraine thanh toán hắn. Đáng tiếc là thằng đó mệnh lớn, nhận được tin báo từ trước nên chuồn mất. Nửa năm sau, hắn đột nhiên xuất hiện ở khu vực phụ cận, bị người nào đó phát hiện. Sau một cú điện thoại, cả trung tâm thương mại đóng cửa sớm, phần lớn đám thương nhân lùng sục mọi ngóc nghách tìm hắn, kết quả như em đã chứng kiến."

Hai chân tôi mềm nhũn, gần như đứng không vững. Nhớ đến chuyện xảy ra ngày hôm đó, toàn thân tôi lạnh toát.

"Những kẻ ra tay chém người, phần lớn là đồng hương của hắn, là những thương nhân trong sạch không hề có tiền án. Người Triết Giang bình thường nói chuyện hòa nhã, đến lúc chém người không hề run tay. Em có thể đoán tên đó gây thù chuốc oán đến mức nào?"

"Vụ đó cuối cùng đã kết án chưa?" Tôi hỏi.

"Hơn ba mươi người tham gia, cảnh sát có thể tìm ai định tội chứ? Hội đồng hương xuất đầu lộ diện nhét ít tiền cho cảnh sát là xong. Chuyện xảy ra trong nội bộ người Trung Quốc, cảnh sát cũng chẳng thèm quan tâm".

Tôi không thể nói ra lời, hóa ra sự thật là như vậy. Thảo nào Tôn Gia Ngộ dặn tôi không được khai với cảnh sát.

Andre cũng từng nói, kể từ khi người Trung Quốc đổ bộ vào Odessa, tỷ lệ phạm tội tăng đến mức chóng mặt. Do nơi này xuất hiện xã hội đen người Phúc Kiến và Triết Giang nên những thương nhân Trung Quốc nhiều tiền dễ trở thành con cừu béo và mục tiêu của kẻ xấu.

Vậy mà nhiều người vẫn đặt chữ "lợi" lên hàng đầu, mạng sống chỉ xếp thứ hai, thương nhân quả là người kỳ quái nhất trên thế giới này.

"Có điều..." Tôn Gia Ngộ quay đầu cười nhạo tôi: "May mà thủ phạm là đám thương nhân, nếu em gặp phải xã hội đen thật sự, em bị giết người diệt khẩu từ lâu rồi".

Tôi bước chậm rãi sau lưng Tôn Gia Ngộ, cố gắng tiêu hóa câu chuyện biến thái của anh.

Ngôi nhà Tôn Gia Ngộ sinh sống có lối kiến trúc truyền thống kiểu Nga, nó vốn là của một quan chức chính phủ về hưu từ thời Liên Xô cũ. Trong nhà chỗ nào cũng xuất hiện dấu vết của năm tháng, đến tấm thảm trải sàn và rèm cửa đã cũ nhưng vẫn rất đẹp đẽ, phảng phất không khí cổ xưa.

Nhà bếp có phong cách Địa Trung Hải điển hình. Nhà bếp hình như vừa được sửa chữa lại, vài chỗ còn có vết lửa cháy đen. Bàn nấu ăn dụng cụ đầy đủ. Trên bếp ga đặt một cái chảo xào nấu của Trung Quốc.

Đây là một nhà bếp lý tưởng trong mộng ước của tôi, tôi reo lên một tiếng chạy vào bên trong: "Tôi làm món bắp cải chua cay nhé?"

"Em cũng biết nấu cơm cơ à? Tôi cứ tưởng nhà nghệ thuật là thần tiên không động đến khói bếp nhân gian". Tôn Gia Ngộ đứng ở cửa bếp cười cười.

"Anh mới là nhà nghệ thuật, cả họ nhà anh mới làm nghệ thuật". Tôi đáp trả anh.

Người không làm nghệ thuật lúc nào cũng tưởng nghệ thuật là lãng mạn xa vời lắm. Kỳ thực nghệ thuật cũng như các ngành nghề khác mà thôi, cũng gặp vấn đề sinh kế. Nếu không ăn no bụng thì nghệ thuật chẳng là gì cả, vì vậy "dân dĩ thực vi thiên" mới là chân lý vĩnh hằng. (Dân dĩ thực vi thiên: Dân lấy ăn làm trời)

Khi bắp cải và ớt khô được bỏ vào cháo dầu sôi sùng sục, cả nhà bếp cuồn cuộn khói nồng nặc, máy hút mùi kiểu Âu chỉ dùng để làm cảnh. Tôi bị sặc đến mức ho khù khụ, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi đẩy cửa sổ để không khí lưu thông.

Vừa xúc thức ăn ra đĩa, tôi chợt nghe thấy tiếng gõ cửa dồn rập. Lúc đầu tôi không bận tâm nhưng bên ngoài tiếng đập cửa vẫn không ngừng vang lên, trong phòng không hiểu tại sao không có tiếng trả lời, tôi đành đi ra mở cửa, tay vẫn cầm cây xèng xào nấu.

Dây xích chống trộm ở cửa ra vào vừa tháo xuống, ai đó lập tức đạp mạnh cửa, hai người mang mặt nạ chống hơi độc xông vào nhà, đẩy tôi tới tận nhà bếp.

Tôi lùi lại phía sau vài bước đồng thời hét lớn: "Tôn Gia Ngộ!"

Tôn Gia Ngộ từ nhà tắm đi ra. Tôi hoảng hốt chỉ tay vào nhà bếp, miệng ấp a ấp úng.

Tôn Gia Ngộ không lên tiếng, anh nhấc cái ghế xông vào nhà bếp.

Tôi vội kêu lớn tiếng: Này...này...không phải...". Tôi vẫn chưa kịp dứt lời, Tôn Gia Ngộ mặt mũi nhăn nhó ra khỏi nhà bếp. Anh cẩn thận tiễn hai người đàn ông ra tận ngoài cửa.

Tôi hiếu kỳ thò đầu ra ngoài, thấy trước cửa đậu hai chiếc xe cứu hỏa.

Tôn Gia Ngộ quay lại, anh ngồi xuống ghế sofa đặt hai tay sau gáy thở dài: "Không biết ai nhiều chuyện thế, một tháng gọi cứu hỏa hai lần, chủ nhà sẽ quét tôi ra khỏi cửa mất".

Lần trước bởi vì Bành Duy Duy, mấy người hàng xóm đáng thương sợ xanh mặt. Tôi biết mình đã gây ra chuyện nên tránh sang một bên nhìn anh cười cười.

Nụ cười của tôi dường như chọc giận Tôn Gia Ngộ, anh trừng mắt: "Em còn cười nữa tôi sẽ cởi áo khoàng tắm ra đấy".

Đến lúc này tôi mới phát hiện anh chỉ mặc một cái áo choàng tắm, toàn thân vẫn đầy nước. Dây đai áo choàng buộc qua loa, có thể nhìn ra bên trong anh không mặc gì cả.

Mặt tôi đột nhiên đỏ bừng, tôi vội ngậm miệng quay ra chỗ khác. Tôi tin người đàn ông trước mặt nói được làm được.

Nhà bếp loạn hết cả lên, chỗ nào cũng phủ một lớp bọt trắng khá dày. Đĩa bắp cải chua cay của tôi tất nhiên không thể ăn được nữa, nồi thịt bò ở bên cạnh cũng bị liên lụy, tôi đành đổ hết vào thùng rác.

Tôi đúng là mất công chảy nước miếng, trong lòng vô cùng thất vọng nên không ngừng oán trách: "Những người này có mắt như mù, rõ ràng không có lửa bọn họ cứu hỏa gì chứ?"

Bắt gặp vẻ mặt chán nản của tôi, Tôn Gia Ngộ mỉm cười: "Được rồi, bây giờ em lại có việc để làm, quét dọn nhà bếp thôi".

Anh thay quần áo, cùng tôi quỳ xuống đất giải quyết hiện trường. Chúng tôi làm lau chùi suốt hai tiếng đồng hồ, mới dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp.

Cả ngày tôi chưa nhét thứ gì vào bụng, đói đến mức da bụng dính chặt vào lưng từ lâu, bụng không ngừng kêu ùng ục. Do động tĩnh quá lớn, đến Tôn Gia Ngộ cũng nghe thấy. Anh quay lưng về phía tôi cười khùng khục, sau đó anh giật tấm rẻ lau trong tay tôi: "Để đó đi, khi nào về rồi tính sau, chúng ta ra ngoài ăn cơm".

Nhìn đồng hồ đã bảy giờ tối, tôi do dự đáp: "Ngày mai tôi còn phải lên lớp, anh hãy đưa tôi về nhà".

Tôn Gia Ngộ kéo tay tôi ra ngoài: "Tôi vừa nghĩ đến một nơi, chắc chắn em sẽ thích. Mau đi thôi, tôi cũng đói sắp phát điên lên rồi".

Bánh xe ma sát trên lớp băng đông cứng, Tôn Gia Ngộ lái xe về phía ngoại ô Odessa. Bên ngoài trời tối om, chỉ nhìn thấy tuyết bay trắng xóa ở đầu mũi ô tô, nơi có đèn pha chiếu sáng.

Không hiểu tại sao tôi đột nhiên cảm thấy sợ hãi, linh tính báo cho tôi biết sắp xảy ra chuyện gì đó. Tôi không nhịn được hỏi Tôn Gia Ngộ: "Chúng ta đi đâu đây?"

"Mang em đi bán!". Gương mặt anh không có bất cứ biển hiện nào, anh giơ ngón tay lạnh buốt vuốt ve cổ tôi. Biết rõ là anh nói đùa nhưng tôi vẫn nổi da gà.

Ô tô dừng trước một ngôi biệt thự nhỏ ở vùng quê. Tôn Gia Ngộ xuống xe bấm chuông. Một bà lão người bản xứ mở cửa đón chúng tôi.

Tôn Gia Ngộ quay đầu gọi tôi: "Triệu Mai, lại đây!"

Tôi chầm chậm bước tới, anh nắm tay tôi giới thiệu với bà lão: "Nina, đây là bạn cháu".

Bà lão mỉm cười gật đầu với và đưa chúng tôi vào trong nhà. Tôi chú ý thấy cơ thể bà gần như nghiêng về một bên, một chân dường như không thể điều khiển, khiến bà đi lại rất khó khăn. Nhưng bà vẫn cố giữ tư thế thẳng lưng.

Tôi dùng lực bóp tay Tôn Gia Ngộ. "Thảm họa nguyên tử Chernobyl". Anh nói nhỏ bằng tiếng Trung.

Tôi từng có ấn tượng sâu sắc khi xem ảnh về vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Không ngờ mấy chục năm sau, tôi có thể gặp người bị hại của vụ thảm họa đó.

Bên trong ngôi biệt thự gần như trống không, chỉ bày vài thứ đồ gia dụng đơn giản. Trần nhà hình như có gió lạnh thổi qua, nhiệt độ trong phòng và bên ngoài gần như nhau.

Bà lão nói vài câu với Tôn Gia Ngộ, tôi chỉ nghe hiểu vài từ bữa tối, nhà bếp gì đó.

"Chúng ta xuống bếp, ở đó ấm áp hơn phòng khách". Anh dịch cho tôi nghe.

Bữa tối rất đơn giản, chỉ có một nồi canh đặc, ít khoai tây nghiền và túi thịt Song Hối của Trung Quốc mà Tôn Gia Ngộ đem đến. (Song Hối là nhãn hiệu đồ ăn nhanh làm bằng thịt như xúc xích nổi tiếng Trung Quốc).

Tôi rơi vào tình trạng bụng đói quá độ nên ngồi ngây người trước bàn ăn, trong lòng thắc mắc không biết Tôn Gia Ngộ đưa tôi tới đây nhằm mục đích gì.

Anh gắp một miếng trắng trắng vào đĩa của tôi. Tôi hỏi bằng giọng nghi hoặc: "Đây là gì vậy? Đậu phụ?"

"Em nếm thử đi, món ăn nổi tiếng của Ukraine đấy". Tôn Gia Ngộ mỉm cười, tôi cảm thấy nụ cười của anh không có ý tốt.

Tôi cắn một miếng, mùi vị cũng được, chỉ là cảm giác hơi là lạ. Tôi do dự một giây rồi lại cắn tiếp miếng nữa.

"Ngon không?". Anh cười ngoác miệng.

Tôi gật đầu: "Rốt cuộc là món gì vậy?"

"Mỡ lợn".

"Gì cơ?"

"Mỡ lợn ủ muối". Tôn Gia Ngộ nở nụ cười đắc ý.

Tôi ôm miệng chạy thẳng vào nhà vệ sinh nôn sạch sẽ. Từ nhỏ đến lớn tôi không kén ăn nhưng có tật không động đến thịt mỡ ngoài nhân sủi cảo đã được xay nhỏ.

"Anh đúng là đồ chẳng ra gì?" Tôi tức giận đến mức chỉ hận là không thể đào hố chôn anh.

"Lại mắng người rồi". Tôn Gia Ngộ vỗ lưng tôi, miệng vẫn còn lải nhải: "Chẳng phải em yêu cầu sao, thịt lợn và rau bắp cải, chúng ta chẳng thiếu một thứ gì".

"Biến đi". Tôi vẫn chưa hết tức giận.

"Cô bé không sao đấy chứ". Trong gương xuất hiện hình ảnh bà lão với nụ cười hiền hậu: "Nếu không sao thì mời tới thư phòng uống tách cà phê".

Bà lão nói tiếng Nga chậm rãi và rõ ràng, cuối cùng tôi cũng nghe hiểu câu này.

Vừa vào thư phòng, tôi lập tức ngây người như lạc vào mộng cảnh. Hóa ra nơi này là một thế giới hoàn toàn khác.

Bốn bức tường quanh căn phòng đều là giá sách, sách trên giá đều được phân loại và sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Tôi đảo mắt quan sát một vòng, trên giá là tuyển tập piano, đĩa hát nhựa cổ xưa và nhạc phổ ca kịch. Cả căn phòng giống như một thư viện âm nhạc cổ điển, một góc tường đặt một chiếc piano cũ kỹ, nắp đàn đang mở, các phím đàn màu trắng đã chuyển sang màu ngà ngà. Bức tường phía trên cây đàn treo nhiều khung ảnh. Nhân vật chính trong những tấm ảnh chỉ có một người, một thiếu nữ người Nga xinh đẹp. Bối cảnh đằng sau là sân khấu, kịch viện, piano, hoa tươi...

Trên một tấm ảnh lớn nhất, một người đàn ông trung niên khoác vai thiếu nữ, cả hai có gương mặt từa tựa nhau. Tôi lén đưa mắt nhìn bà lão. Gương mặt bà đầy nếp nhăn, thật sự nhìn không ra bà và cô thiếu nữ trên các bức ảnh có đặc điểm chung nào.

Bà lão ra hiệu tôi ngồi xuống và cất giọng ôn hòa: "Mai, cháu tên là Mai đúng không? Tại sao cháu lại tới Odessa?"

Tại sao ư? Bởi vì nơi này giá cả không đắt đỏ, visa cũng dễ xin.

Tất nhiên là tôi không thể nói thẳng ra như vậy. Câu trả lời của tôi khách khí, đúng tiêu chuẩn ngoại giao: "Cháu rất thích Odessa, bởi vì nơi này là quê hương của hai nghệ sỹ piano vĩ đại Emil Gilels và Rikhter".

Tôi bổ sung thêm một câu: "Còn Vitas nữa, Vitas đẹp trai cũng sinh ra ở thành phố này".

Tôn Gia Ngộ ngồi bên cạnh lật cuốn sách, nghe tôi nói vậy, anh ngẩng đầu nhìn tôi và nở nụ cười mờ ám.

Tôi hiểu anh đang nghĩ gì, chắc anh cười tôi ngốc nghếch. Tôi được đà nói tiếp: "Rất giống ca sỹ trong "Lascia Ch'io Pianga", thần bí đẹp đẽ, khiến con người mê đắm".

Bà lão không nhịn được cười thành tiếng, cười đến nỗi nếp nhăn trên khóe mắt bà như bông hoa cúc nở nộ. Bà lão quay sang nói với Tôn Gia Ngộ: "Tuổi trẻ đúng là tuổi trẻ, tôi cũng có thời như vậy, thích một người đến mức sùng bái...".

Khoan đã, trong đầu tôi lóe lên một tia sáng, người đàn ông trung niên trên tấm ảnh treo tường kia chẳng phải là Emil Gilels, nghệ sỹ nhân dân Liên Xô từng tốt nghiệp ở Học viện âm nhạc Odessa hay sao?

Nếu vậy, bà lão ở trước mặt tôi là...

Tôi đứng bật dậy, xúc động đến mức không nói ra lời: "Bà...bà là...".

Bà lão lắc đầu ngăn tôi lại, nụ cười bà phảng phất nỗi chua xót khó diễn tả: "Tất cả đều đã qua rồi".

Tôn Gia Ngộ đứng đằng sau bà lão, anh cau mày ra hiệu cho tôi, tôi lập tức ngoan ngoãn ngậm miệng. Nhưng tâm trạng của bà lão rõ ràng bị ảnh hưởng, bà lập tức viện cớ rời khỏi thư phòng.

Nhìn theo bóng lưng bà, tôi cảm thấy rất áy náy: "Tôi đã nói sai điều gì rồi à?"

"Không có, chỉ là em hơi ngốc nghếch".

"Xì!"

"Xì gì mà xì?" Anh gõ vào gáy tôi.

"Sao anh quen bà ấy?"

"Bé ngốc, em không nhìn ra sao? Bà ấy chính là chủ căn hộ tôi đang thuê".

"Hả?" Tôi mở to mắt: "Vậy tại sao bà ấy không sống trong thành phố mà ở nơi hoang vắng này?"

"Chồng bà ấy là cán bộ cao cấp của Liên Xô trước kia nhưng qua đời lâu rồi. Lúc đó tiền lương hưu của bà ấy vài ngàn rúp, sống rất thoải mái. Sau khi Liên Xô giải thể, lương hưu của bà ấy nếu đổi ở chợ đen chưa tới một trăm đô la Mỹ. Nếu không cho thuê nhà thì bà ấy sống bằng gì?"

Tôi không tiếp lời anh, im lặng một lúc mới cất giọng đầy sùng bái : "Nếu nhắc đến tên bà ấy, trong giới piano chắc mọi người sẽ ngả mũ kính phục".

"Không sai, vài người cùng thời đại với bà đều giảng dạy tại một số Học viện âm nhạc ở các nước Tây Âu. Chỉ vì lý do sức khỏe mà bà ấy phải ở lại".

Tôi vỗ tay: "Ôi trời, nếu bà ấy có thể chỉ dẫn tôi chơi piano, bắt tôi làm người hầu của bà mấy năm tôi cũng đồng ý".

Tôn Gia Ngộ nhìn tôi, ánh mắt anh lóe lên một tia gian tà: "Đúng vậy, một lá thư tiến cử của bà còn hơn ba năm nỗ lực của em. Em thử xem có nên đối xử tốt với tôi hơn không?"

Tôi không bận tâm đến anh, cầm mấy quyển nhạc lật đi lật lại, nhưng tim tôi không ngừng đập thình thịch.

Tôn Gia Ngộ cười cười, anh cầm mấy cái đĩa hát nhựa đi về góc phòng. Góc phòng đặt một máy nghe nhạc cũ kỹ, giống đạo cụ trong phim điện ảnh đen trắng ở thập niên bốn mươi. Nhưng khi đĩa hát nhựa được bật lên, không khí đột nhiên êm dịu hẳn. Cả căn phòng lập tức chìm vào giai điệu ai oán của vở ca kịch nổi tiếng "Madama Butterfly".

Tôn Gia Ngộ thuận tay đóng cửa. Anh rót một ly rượu vang rồi ngồi xuống ghế nhắm mắt giả bộ nghỉ ngơi.

Tôi đấu tranh tư tưởng một lúc, cuối cùng cũng không thắng nổi cám dỗ quá lớn. Tôi đi đến trước mặt anh ngồi xổm xuống, đồng thời cất giọng ngọt ngào: "Tôi muốn thương lượng với anh một chuyện có được không?"

Tôn Gia Ngộ mở mắt, anh chỉ tay lên đùi mình: "Ngồi lên đây, ngồi lên đây tôi mới thương lượng".

Tôi trừng mắt với anh không chịu nhúc nhích. Tôn Gia Ngộ không thèm bận tâm đến tôi, lại nhắm nghiền mắt.

Tôi nghiến răng, tần ngần mất hai mươi giây mới chậm rãi ngồi lên đùi anh.

Khóe miệng anh hơi động đậy rồi nhếch lên, anh hỏi bằng một giọng lười biếng: "Em muốn thương lượng chuyện gì?"

"Anh thử hỏi bà ấy giúp tôi xem bà ấy có chịu nhận tôi không? Tôi sẽ trả phí phụ đạo".

"Ồ, khẩu khí ghê quá". Tôn Gia Ngộ hơi khép hờ mi mắt nhìn tôi: "Bà ấy không dễ dàng nhận học trò đâu. Trước tiên phải xem có tư chất không, không là thiên tài bà ấy sẽ không nhận. Hơn nữa tiền luyện đàn một giờ mười lăm đô la em còn chê đắt thì làm sao trả nổi phí phụ đạo cho bà ấy?"

Tôi biết mình đã nói sai, nhưng đáng hận hơn là anh có trí nhớ tốt, đến câu nói buột mồm của tôi anh cũng nhớ rõ.

Tôn Gia Ngộ đứng dậy kéo tôi lại gần, môi anh lướt nhẹ trên má tôi. Anh cất giọng dịu dàng: "Tối nay đừng về nữa, được không em?"

Tôi không lên tiếng, trong lòng hỗn loạn vô cùng. Tôi không phải là thiếu nữ mười sáu tuổi ngây thơ nên tôi biết rõ tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì.

Tôn Gia Ngộ tìm đến bờ môi tôi rồi ngậm chặt. Đây là nụ hôn vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, không giống lần đầu tiên. Từ đầu đến chân tôi như bị điện giật, trong lòng chảy đầy mật ngọt.

Thanh củi vẫn cháy trong lò sưởi, phát ra tiếng kêu tí tách vui tai. Bên ngoài trời tuyết bay trắng xóa, trong phòng ấm áp như mùa xuân về.

Tuyết trắng, lò sưởi, âm nhạc, rượu vang, bầu không khí vô cùng mê hoặc, ngay từ đầu tôi đã biết anh luôn tìm cách quyến rũ tôi nhưng tôi không thể cưỡng nổi.

Tôn Gia Ngộ cúi đầu dùng miệng cởi từng cúc áo sơmi của tôi. Anh nâng ly rượu vang đổ xuống người tôi, bầu ngực tôi bỗng dưng lạnh toát. Môi và đầu lưỡi của anh lập tức áp sát, anh tham lam không ngừng liếm mút, khiến toàn thân tôi đông cứng.

"Hãy thả lỏng toàn thân, bảo bối, đây là một chuyện rất dễ chịu và kỳ diệu...". Anh cất giọng trầm khàn bên tai tôi.

Khi Tôn Gia Ngộ tiến sâu vào người tôi, hai hàng lệ chảy dài bên khóe mắt tôi. Bởi vì đau, cũng bởi vì tôi đã kết thúc thời thiếu nữ sau hai mươi hai năm.

Con người luôn sợ hãi những biến số không biết trước.

Tôi biết bản thân đang đùa với lửa.

Mặc dù vậy, tôi vẫn tình nguyện.

/12

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status