Tục Tái Sanh Duyên

Chương 14 - Hồi Thứ Năm ( A)

/59


THƯỢNG HOÀNG NHẸ BƯỚC CẦU TIÊN CẢNH

THÁI HẬU RA TAY CỨU TRUNG THẦN

Lại nói chuyện Triệu Lân từ khi phò mã Triệu Câu đi rồi, giả cách cung kính chịu lòn cúi nội giám Mã Thuận và nhà Đồ Man Hưng Phục, vì thế hai đứa gian quyền kia không có lòng nghi kỵ, vẫn cho được tự do ra vào trong cung. Một hôm, Triệu Lân viết một bản tâu nhờ bảo mẫu đệ trình Phi Giao hoàng hậu. Phi Giao hoàng hậu nghe nói là bản tâu của Triệu Lân đã có ý nghi, liền mở ra xem. Bản tâu như sau này:

“Ngự tiền đô úy là Triệu Lân xin có lời tâu bày để hữu hoàng hậu xét đoán: Nguyên các thái y quan xem mạch Hùng hậu, phần nhiều nói là có long thai. Nếu quả có long thai thực thì sau này tất bất lợi cho hữu cung. Chi bằng nhân lúc thai hình còn nhỏ này, thần đệ giả cách dâng thuốc “bảo thai” kỳ thực thì cứ dùng thuốc “sấu thai” dần dà mỗi ngày một chén, làm cho thai hình tiêu thước mà không thể kết quả được. Việc này là một việc bí mật chẳng lẽ bàn với các thái y quan, vậy xin tâu cho thần đệ vào trông nom thuốc thang, rồi thần đệ sẽ tùy cơ ứng biến.

“Có thế mới bảo toàn được ngôi hoàng hậu, mà thần đệ cũng được chia vinh. Thần đệ thiển nghĩ như vậy, còn nên chăng thế nào, xin lượng trên xét đoán.”

Phi Giao hoàng hậu xem xong mừng mà phán rằng:

- Nếu vậy thì rất hay! Quốc cữu Triệu Lân thật là một người có mưu lược, lại biết nghĩ tình chị em ruột thịt với ta. Kỳ thay, cùng trong cốt nhục một mẹ sinh ra, mà anh Triệu Câu coi ta như thù hằn. Từ khi ta vào cung tới nay, gần một năm tròn, anh ta vẫn có ý khinh bỉ và vô lễ với ta vậy. Ta nói thật cho mà biết! Chứ sau này hễ quyền chính về tay ta thì anh ta cũng khó lòng mà toàn được tính mệnh. Nay Triệu Lân xin vào trông nom việc thuốc thang, âu là để ta tâu cho.

Nói xong, tức khắc sai người vào nam nội tâu với thượng hoàng và thái hậu, còn mình thì vào cung tâu với vua Anh Tôn rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Em ruột thần thiếp là Triệu Lân cũng có am hiểu y lý, vì thuở nhỏ vẫn theo thân mẫu thần thiếp học tập nghề thuốc, cho nên mạch lý rất tinh thông. Thần thiếp đã viết bản tâu xin thái hậu cho Triệu Lân vào cung trông nom việc thuốc thang, chẳng hay thánh thượng có phê chuẩn cho không?

Vua Anh Tôn nghe nói gật đầu, rồi tấm tắc khen ngợi:

- Ái khanh thật là một người hiền đức! Lúc nào cũng ân cần lo nghĩ đến tả hoàng hậu, mà chẳng biết bụng dạ tả hoàng hậu có được như bụng ái khanh hay không?

Phi Giao hoàng hậu nói:

- Thần thiếp xin nguyện có trời trất lòng này quyết không bao giờ biến đổi.

Nói xong, liền ngoảnh mặt lại bảo nội giám Mã Thuận rằng:

- Nhà ngươi mau mau truyền trời quốc cữu Triệu Lân vào cung để xem mạch cho tả hoàng hậu.

Mã Thuận vâng mệnh, tức khắc đi ngay. Bấy giờ vua Anh Tôn cũng đi vào nam nội. hồi lâu, nội giám vào tâu, có quốc cữu Triệu Lân đã ứng hầu tại ngoài cửa cung. Phi Giao hoàng hậu truyền cho vào, Triêụ Lân bước vào, sụp lạy ở phía ngoài rèm mà tâu rằng:

Thần đệ là Triệu Lân đã vào bái yết.

Phi Giao hoàng hậu bằng lòng truyền cung nữ bắc ghế cho ngồi và ban trà uống. Phi Giao hoàng hậu hỏi rằng:

- Bệnh thể của thái hậu và tả hoàng hậu thế nào, em đã xem qua rồi phải không?

Triệu Lân tâu rằng:

- Muôn tâu hoàng hậu! Thái hậu vì bi thương quá độ mà thành bệnh, nhưng không hề chi, chỉ điều dưỡng trong ít lâu, tự khắc sẽ khỏi. Còn như tả hoàng hậu thì thần đệ hiện đã có kê một đơn thuốc đệ trình thượng hoàng và thái hậu xem.

Triệu Lân lại giả cách đem đơn thuốc đệ trình Phi Giao hoàng hậu. Khi Phi Giao hoàng hậu mở xem thì trong đơn viết như sau:

“Thần đệ là Triệu Lân cẩn tấu. Cứ như mạch lý của tả hoàng hậu thì quả nhiên là có long thai. Nếu sau này sinh được hoàng nam, tất bất lợi cho hữu hoàng hậu. Hữu hoàng hậu đã bất lợi thì nguồn lộc của nhà Hoàng Phủ ta khó lòng mà bảo toàn được. Nay thần đệ xin cho uống bài sấu thai ẩm khiến ngày một hao mòn, không kết thành thai hình vậy.”

Phi Giao hoàng hậu mừng rỡ mà phán rằng:

- Nếu vậy thì em thật là am hiểu y lý mà biết nghĩ đến tình chị em ruột thịt cùng nhau. Trưởng huynh nhà ta lại kém em xa lắm. Ngày nay ta cố tâu cho em được vào cung trông nom việc thuốc thang, nhưng chỉ sợ tả hoàng hậu không chịu uống thuốc.

Triệu Lân mật tâu rằng:

- Muông tâu hoàng hậu! Bảo mẫu vốn là một người tâm phúc có thể tin cậy được. Sao hoàng hậu không sai sang để trông nom, nhưng kỳ thực thì để đề phòng tả hoàng hậu, và khiến cho Bình Giang vương cũng không có lòng nghi ngờ vậy.

Phi Giao hoàng hậu nghe nói rất lấy làm mừng lòng mà khen:

- Em quả là người có mưu lược.

Nói xong, truyền nội giám truyền đem các đồ châu bảo vàng ngọc ra ban thưởng cho Triệu Lân và dặn:

- Việc này ta ủy thác cho em, em nên phải hết lòng. Mã Thuận là người tâm phúc của ta, bất cứ việc gì em cũng nên bàn với hắn.

Triệu Lân vâng mệnh lui ra, về qua phủ phò mã, sai người vào nói với Gia Tường công chúa rằng:

- Có gia thư ở quê nhà ở tới, xin đệ trình để công chúa xem.

Cung nữ nhận thư đem vào, Gia Tường công chúa kinh sợ không biết việc gì, liền mở ra xem. Bức thư như sau:

“Tôi là Triệu Lân xin nói để công chúa biết rằng tả hoàng hậu thật có long thai, chỉ vì đam trệ, cho nên thần trí không minh mà sinh ra hoảng hốt. Tôi đã tâu với hữu hoàng hậu xin cho uống bài “sấu thai ẩm” để haị long thai, nhưng kỳ thực thì dùng bài “bảo thai hóa đam” sẽ giữ được an toàn vô sự. Công chúa nên tâu rõ với thái hậu cùng hiệp lực để bảo vệ cho long thai, chớ có cùng hữu hoàng hậu tranh hành, mà nước nhà lại gây ra nhiều việc biến loạn”.

Gia Tường công chúa xem thư nửa mừng nửa lo. Xem xong, tra bức thư vào trong tay áo, truyền sắp xe vào bái yết thái hậu. Khi vào tới nơi Gia Tường công chúa làm lễ vấn an, rồi lại tâu với thái hậu rằng:

- Vừa rồi con có tiếp được gia thư tới nơi, vậy xin đệ trình để thái hậu rõ.

Nói xong, liền cầm bức thư dâng thái hậu. Thái hậu xem thư trước còn không hiểu, sau mới nghĩ ra thì nổi giận:

- Ta không ngờ Phi Giao lại độc ác đến như thế. Nếu vậy thì ta còn mặt mũi nào mà trông thấy Vệ vương phi nữa. Ta nhịn thế nào được! Cung nữ đâu, mau mau triệu Phi Giao hoàng hậu đến đây cho ta hỏi.

Gia Tường công chúa quì xuống mật tâu với thái hậu:

- Muôn tâu mẫu hậu! Xin mẫu hậu chớ nóng nảy. Việc này bại lộ, tất khó lòng bảo toàn được long thai. Vả nói ra bây giờ thì hữu hoàng hậu tất không chịu nhận lỗi, cũng không lấy lẽ gì mà biếm truất hữu hoàng hậu cho được. Chi bằng mẫu hậu hãy giả cách không biết, rồi tùy cơ ứng biến để bảo toàn cho tả hoàng hậu. Huống chi việc này là một việc trọng yếu, có quan hệ đến nước nhà, nay Mạnh vương phi lại không ở đây, cho nên việc cũng hơi khó. Xin mẫu hậu hãy nén lòng nghĩ kỹ, chớ khiến phong thanh bại lộ mà gây thành một vại tày trời.

Thái hậu nghe lời tâu, nín lặng không nói câu gì, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phán:

- Người ta ở đời muôn việc chẳng qua cũng bởi số mệnh. Nhà Hoàng Phủ ta mấy đời trung hiếu, ai ngờ ngày nay lại sinh xuất ra một đứa nữ nhi tai quái như thế này. Nay bảo mẫu đang thừa trực tại trong cung, con nên gọi mụ đến mà mật bảo mụ phải giả làm hộ vệ long thai cho tả hoàng hậu.

Gia Tường công chúa nói:

- Con đã nghĩ được một kế. Bảo mẫu vốn có tài khéo bẻ bão, con giả cách đau bão, rồi triệu mụ đến, bấy giờ sẽ liệu cách mà nhủ bảo mụ, xin mẫu hậu chớ lo ngại.

Thái hậu gật đầu, cũng cố nén cơn tức giận. Gia Tường công chúa cáo từ lui ra, giả cách đau bão, sai người triệu bảo mẫu đến. Khi bảo mẫu đến, Gia Tường công chúa đuổi hết mọi người chung quanh, rồi hai tay ôm lấy bảo mẫu khóc mà bảo rằng:

- Mụ bảo mẫu ơi! Mụ nên phát khởi từ tâm mà cứu lấy hoàng hậu và hoàng tử.

Nói xong, thuật hết đầu đuôi cho bảo mẫu nghe. Bảo mẫu nghe nói giật mình kinh sợ, chẳng còn hồn vía nào, hồi lâu mới định thần mà nói với Gia Tường công chúa rằng:

- Trời ơi! Tôi không ngờ đến thế, nhưng tôi cũng hơi biết đã lâu mà không dám nói ra.

Bấy giờ bảo mẫu lại thuật chuyện Phi Giao hoàng hậu khi ở trong cung phù phép nguyền rủa Hùng hậu cho Gia Tường công chúa nghe và nói:

- Gia Tường công chúa ơi! Công chúa giao việc ấy, tôi thiết nghĩ khó bảo toàn được, vậy không dám nhận lời.

Gia Tường công chúa nói:

- Bảo mẫu ơi! Xưa nay mụ vốn là một người trung thành, cớ sao việc này mụ lại từ chối. Số là ta chỉ nhờ mụ có một việc cứ ngày ngày mụ đem thuốc cho Hùng hậu uống, và mụ trông nom săn sóc, đề phòng hai đứa Bàng Nguyệt Tố và Lý Hoa Quyên. Còn ngoài ra chẳng có hình tích gì, như thế thì Phi Giao hoàng hậu cũng quyết không nghi ngờ chi vậy. Bảo mẫu ơi! Hùng hậu không bảo toàn được long thai thì nhà Hoàng Phủ cũng khó lòng mà tránh khỏi tai vạ, mà công lao của bảo mẫu đối với nhà Hoàng Phủ từ xưa đến nay cũng uổng phí mà thôi.

Bảo mẫu cáo từ lui ra, về tâu với Phi Giao hoàng hậu, chỉ nói là việc bẻ bão, cho nên Phi Giao hoàng hậu cũng không ngờ. Ngày hôm sau, Võ anh điện đại học sĩ thân vương là Thiếp Mộc Nhĩ và các quan trong họ tôn thất đều dâng biểu nói ba vị thân vương nên cho thụ phong đi ở nơi khác, thượng hoàng xem biểu, liền trao cho vua Anh Tôn. Vua Anh Tôn phê rằng:

“Ba vị thân vương cần phải hầu hạ ở dưới gối thượng hoàng và thái hậu, không thể đi xa được, vậy việc này hãy đợi trong một vài năm nữa sẽ bàn”

Bấy giờ Đồ Man Hưng Phục đã phụng mật chỉ của Phi Giao hoàng hậu, đem các đồ châu báu lễ đút lót cho thân vương Thiếp Mộc Nhĩ, lại đem vàng bạc tống cho cho các quan trong họ tôn thất. Vậy nên khi chúng thấy lời phê của vua Anh Tôn thì tức khắc họp nau hơn một trăm người tôn thất, kéo nhau đến cửa ngọ môn, khóc mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Việc này là một việc trọng yếu có quan hệ đến nước nhà, vì các vị thân vương không nên ở lâu năm tại trong nội. Vậy xin thánh thượng phê chuẩn cho ba vị thân vương được thụ phong đi nơi khác. Còn hai bà Ôn phi và Mai phi cũng đều cho đi theo con.

Lương thừa tướng thấy vậy cố tâu xin hãy thư thả đến qua năm. Thiếp Mộc Nhĩ nói:

- Lương thừa tướng thật nhiều điều ngang ngạnh, làm bại hoại cả pháp luật hoàng gia.

Lương thừa tướng nổi giận tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Hán vương và Triệu vương hiện đã trưởng thành, thụ còn có lý, chứ Chu vương mới mười một tuổi thì kẻ hạ thần thiết nghĩ chưa nên cho đi.

Bấy giờ mọi người trong tôn thất đồng thanh mà tâu rằng:

- Lương Trấn Lân vào hùa với ba vị thân vương, không biết trên đầu có ai.

Vua Anh Tôn bất đắc dĩ mới phê rằng:

- Hán vương và Triệu vương theo như lời tâu, Chu vương còn nhỏ, nên để ở lại hầu hạ thượng hoàng và thái hậu, đợi khi trưởng thành, bấy giờ sẽ cho đi thụ phong. Còn Ôn phi và Mai phi cho đi theo con. Lại truyền bộ hộ quan trích tiền côn khố ra ban cấp.

Các tôn thất nghe lời thánh chỉ, đều lấy làm vui mừng tung hô vạn tuế. Từ khi Hán vương và Triệu vương đi khỏi rồi, thượng hoàng có ý buồn rầu, bà thái hậu cũng quá nghĩ mà thành bệnh, thường vẫn thở ngắn than dài, không được vui lòng vậy. Một hôm Bình Giang vương Hùng Hiệu điểm duyệt mười vạn quân ngự lâm, thấy thiếu mất năm trăm quân binh kỵ. Hùng Hiệu truyền hỏi thì Quân chính quan bẩm rằng:

- Dám bẩm lão gia! Tháng trước quan tả quân đô đốc là Đồ Man Định Quốc đến viếng lấy năm trăm quân đem vào cấm vệ.

Hùng Hiệu nghe nói nổi giận mà rằng:

- Sao dám tự tiện điểm lấy cấm binh mà không bẩm mệnh ta!

Quân chính quan nói:

- Dám bẩm lão gia! Vì bấy giờ lão gia đang nghỉ giả hạn, cho nên chưa kịp bẩm bạch.

Hùng Hiệu truyền đòi Đồ Man Định Quốc đến. Khi Đồ Man Định Quốc vào tới nơi, Hùng Hiệu quát mắng:

-Nhà ngươi nên tự biết tội mình mà quì xuống mới phải.

Đồ Man Định Quốc nói:

- Tiểu tướng này vô tội. Vả đang mặc quân phục, không có phép được quì.

Hùng Hiệu lại càng tức giận, nét mặt hầm hầm mà mắng rằng:

- Nếu vậy nhà ngươi to gan thật! Dám tự tiện điểm lấy cấm binh mà không bẩm mệnh ta, bây giờ nhà ngươi còn chưa biết là đại tội hay sao?

Nói xong, đập bàn quát to lên:

- Tội này đã đáng chém đầu chưa? Nhà ngươi thật không coi quốc pháp ra gì cả.

Đồ Man Định Quốc cũng nổi giận mà cãi lại:

- Lão gia chém thế nào được tôi! Tôi phụng mệnh thánh thượng điểm lấy cấm binh cào canh giữ trong cung, chẳng lẽ hiệu lệnh của lão gia, lại to hơn thánh thượng hay sao! Nay lão gia mắng tôi tức là tội tiết mạn thánh thượng đó.

Hùng Hiệu nghe nói lại càng tức giận bội phần, liền đứng dậy rút thanh bảo kiếm, đập bàn quát:

- Quân sĩ đâu! Trói cổ nó đem ra chém đầu cho ta.

Quân sĩ vâng mệnh, đem Đồ Man Định Quốc ra để sắp hành hình. Bỗng thấy một tên nội giám phi ngựa chạy đến mà quát to lên rằng:

- Khoan đã! Có thánh chỉ ban đến.

Hùng Hiệu chưa kịp chém Đồ Man Định Quốc, nghe nói có thánh chỉ, tức khắc quì xuống để nghênh tiếp. Nội giám truyên đọc thánh chỉ như sau này:

-“Trẫm có truyền chỉ cho Đồ Man Định Quốc điểm lấy năm trăm quân cấm binh, đem vào canh giữ ở trong cung, bấy giờ quốc trượng đang nghỉ giả hạn, vậy nên trẫm chưa tuyên dụ. Việc này không phải Đồ Man Định Quốc dám khinh thường quốc pháp, xin quốc trượng lượng tình mà tha thứ cho. Khâm tai.”

Hùng Hiệu lạy tạ thánh chỉ, rồi đứng dậy nói với nội giám:

- Ngự lâm quân nguyên để canh phòng đại nội, xưa nay chưa hề có điểm quân đem vào trong cung bao giờ, thánh thượng quá tin lời gian nịnh mà làm việc ấy. Nay dẫu có thánh chỉ ban đến truyền tha tử tội cho Đồ Man Định Quốc, nhưng còn tội hắn dám buông lời hỗn láo, chống cự với ta, cũng không phải là tội nhỏ. Thế thì ta tha cho tội chết, mà còn tội sống tất phải nghiêm trị mới được.

Nói xong, liền ngồi xuống ghế, truyền đánh cho Đồ Man Định Quốc bốn mươi côn và cách bỏ tên đi. Đánh xong, Hùng Hiệu trở về vương phủ, nét mặt vẫn còn hầm hầm tức giận, thuật chuyện đầu đuôi cho Vệ vương phi nghe. Vệ vương phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Phu quân ơi! Tôi chỉ sợ gây ra thu oán, nhưng việc đã xảy ra dường này thì xin phu quân phải nhẫn nại mới xong, chờ vợ chồng Tương vương tới đây, bấy giờ sẽ tùy cơ ứng biến.

Hùng Hiệu nói:

- Tôi không thể nhịn được. Thôi thì tôi cũng liều mình để báo đáp triều đình. Việc này thượng hoàng và thái hậu không hiểu tình, âu là sáng mai tôi phải vào tâu rõ. Vợ chồng Tương vương còn thủ tang ba năm, chẳng lẽ cứ ngồi đây mà để cho bọn quyền gian làm mê hoặc thánh thượng.

Nói xong, tức khắc vào trong thư phòng, đốt hương viết bản tâu: trước tâu việc Đồ Man Hưng Phục giao thông với Mã Thuận, sau tâu việc Đồ Man Định Quốc dám trái phép đem cấm binh vào cung. Khi viết bản tâu xong, Hùng Hiệu dại thở dài mà than rằng:

- Triều chính đã không ở tay ta, mà binh quyền lại dần đã về tay những phường xiểm nịnh. Nay ta ngồi nhìn bọn quyền gian làm loạn, chi bằng liều một thân ta để báo đáp triều đình.

Sáng sớm hôm sau, Hùng Hiệu đem bản tâu vào dâng vua Anh Tôn, vua Anh Tôn không thi hành, chỉ sai nội giám truyền miệng rằng:

- Quốc trượng cứ yên lòng, trăm việc hãy trông vào trẫm. Việc điểm lấy cấm binh là lỗi tại trẫm, nhưng chưa đến nỗi biến loạn nào. Nay hãy xá tội cho Đồ Man Định Quốc được nguyên chức cũ, mà đổi sang làm cửu môn đề đốc.

Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói thở dài mà than rằng:

- Nếu vậy thì thật là hỏng việc! Nay Đồ Man Định Quốc không bị trách phạt mà lại được thăng chức. Vả làm cửu môn đề đốc thì không thuộc quyền vương phủ càng chóng sinh ra biến loạn.

Lại nói chuyện thượng hoàng ở nam nội ngày đêm buồn rầu. Một hôm gặp tiết Nguyên đán, vua Anh Tôn vào triều kiến. Khi vua Anh Tôn lui về rồi, thượng hoàng ngồi nghĩ lại càng thêm buồn rầu, phần vì nhớ Hán vương và Triệu vương, phần thì nhớ Ôn phi và Mai phi. Vừa ngày nào sum họp một nhà, kẻ cười người nói, mà ngày nay chiếc thân vò võ biết cùng ai kể lể ngày xưa. Thượng hoàng nghĩ vậy mới thở dài than rằng:

- Năm trước thái hậu khuyên ta chớ nên truyền ngôi cho con, ngày nay ta nghĩ mới lấy làm hối. Thái hậu bị bệnh đã hai tháng nay mà thuốc thang chẳng có ai săn sóc. Hai vị thân vương đều phải thụ phong đi nơi khác, mà Ôn phi và Mai phi cũng phải đi theo con. Chỉ còn một đứa con nhỏ ở lại thì ngày đêm luống những ngẩn ngơ nhớ mẹ, khiến ta trông thấy càng thêm nỗi xót thương. Con ta lên nối ngôi, cũng bởi là bậc trung tài, cho nên một vị thiên tử đường đường mà phải bó tay chịu quyền hữu hoàng hậu. Chẳng lẽ bây giờ ta lại lập người khác. Thái hậu nguyên là một người có công với ta, từ khi vào cung đến giờ, vẫn một lòng hiếu thảo, nếu ngày nay ta lập Hán vương hoặc Triệu vương thì tất thái hậu không được yên lòng.

Thượng hoàng nói xong lại cúi đầu ngẫm nghĩ, bỗng cười một tiếng mà rằng:

- Ta truyền ngôi cho con là muốn để hưởng lấy phúc thanh nhàn, thế thì ngày nay ta chỉ nên đoạn tuyệt trần duyên mà đi tu là hơn cả. Ta nghe nói trên núi Ngũ Đài sơn có các vị cao tăng đắc đạo, âu là ta tìm tới đó, để tu luyện lấy phép trường sinh. Nhưng còn phiền về nỗi ta xưa nay vẫn ở trong cung, ngoài ra chẳng biết đường đi lối lại nào cả, chiếc thân vò võ, làm thế nào mà lần mò cho tới Ngũ Đài sơn được. Vả mỗi khi ra ngự lại có văn võ hộ vệ, biết dùng kế gì mà lẻn đi.

Thượng hoàng đang nghĩ quanh nghĩ quẫn, chưa quyết định bề nào thì bỗng thấy nội giám Quyền Xương quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu thượng hoàng! Người là một bậc chí tôn vô thượng, chẳng hay cớ sao ngày nay kẻ hạ thần trộm thấy long nhan cũng có vẻ không vui?

Thượng hoàng thở dài mà than rằng:

- Quyền Xương! Nhà ngươi là người tâm phúc của ta mà sao nhà ngươi lại không biết bụng ta vậy. Nhưng ngày nay chí ta đã quyết, chẳng hay khi ta vắng mặt rồi thì nhà ngươi tự xử ra thế nào?

Quyền Xương nghe nói sợ toát mồ hôi ra, lạy dập đầu mà tâu rằng:

- Muôn tâu thượng hoàng! Chẳng hay cớ sao thượng hoàng lại nói câu ấy. Nay thượng hoàng dẫu có tuổi, mà dung nhan trông vẫn quắc thước, kẻ hạ thần thiết tưởng ngày xuân, xuân hãy còn dài.

Thượng hoàng lại cười mà phán rằng:

- Người ra dẫu thọ, chẳng qua trăm tuổi, rát lại cũng không tránh khỏi sự chết. Ngày nay ra làm thế nào mà tránh sự chết cho được.

Quyền Xương lại lạy dập đầu mà tâu rằng:

- Khi thượng hoàng trăm tuổi, giả sử thân khuyển mã này còn sống thì cũng quyết xin bíu long giá mà đi theo.

Thượng hoàng nói:

- Quyền Xương! Nhà ngươi muốn bỏ sống mà theo ta chết thì chi bằng tránh sự chết mà theo ta sống là hơn, nhưng chẳng hay nhà ngươi có liều bỏ thân gia được không? Ta đây chán đời đã lâu, vẫn muốn tìm nơi thanh tĩnh, nghe nói trên núi Ngũ Đài sơn có nhiều cao tăng, vậy định lẻn đi một vài năm để tu luyện lấy phép trường sinh, rồi sau sẽ trở về cung, nhà ngươi có theo ta cùng đi có được không?

Quyền Xương nghe nói, lại lạy mà tâu rằng:

- Muôn tâu thượng hoàng! Nếu thượng hoàng đi tu, kẻ hạ thần cũng quyết lòng xin theo, nhưng chỉ sợ tu hành khổ hạnh, nâu sòng lam lũ, dưa muối lần hồi, thượng hoàng chịu sao cho nổi. Lại còn một nỗi rất khó chịu nữa là thất tình lục dục đều phải nghiêm giới thì quả tu mới giữ được trọn. Còn một việc này xưa nay thánh thượng vẫn không dám nói ra, ngày nay cũng xin tâu bày để thượng hoàng soi xét. Số là trong họ tôn thất, bây giờ bè đảng rất nhiều. Hữu hoàng hậu chỉ biết chuyên quyền mà quá tin lời những kẻ gian nịnh, hay dùng vàng bạc giao thông với các quan triều thần để làm điều trái phép, thế mà thánh thượng nào có thấu tình, kẻ hạ thần chỉ mong sao cho vợ chồng Tương vương tới đây, họa may việc này mới an toàn vô sự được.

Thượng hoàng cười mà bảo rằng:

- Nhà ngươi chắc chi đến việc ấy nữa, từ xưa các vua sáng nghiệp, hồ dễ mấy người truyền được vạn niên, chẳng qua muôn việc bởi trời, lòng ta đây đã quyết lánh ra ngoài vòng trần tục. Ta muốn lẻn đi mà không cho ai biết, vậy nhà ngươi nên vì ta mà nghĩ kế mau mau.

Quyền Xương lại tâu rằng:

- Muôn tâu thượng hoàng! Kẻ hạ thần nghĩ được một kế: Đến ngày nguyên tiêu này mở hội hoa đăng, kẻ đi người lại rất đông, hôm ấy thượng hoàng vi phục (mặc áo như người thường để cho không ai biết mình) cùng kẻ hạ thần lẻn đi thì quyết không ai biết, nhưng việc này phải phát xuất, tất thiên hạ lấy làm kinh dị, vậy thượng hoàng nên để một tờ thánh dụ lại, nói rõ việc đi tu hành trước là để yên lòng thái hậu và thánh thượng, sau là khiến thiên hạ thần dân khỏi phải nghi ngờ vậy.

Quyền Xương nói chưa dứt lời thì thượng hoàng đã vỗ đùi mà khen ngợi rằng:

- Hay lắm! Hay lắm! Kế ấy thật là thần diệu! Nhưng nhà ngươi nên cẩn thận, cứ sửa soạn đồ hành lý mà chớ tiết lộ cho ai biết.

Quyền Xương tâu rằng:

- Các đồ hành lý kẻ hạ thần xin sửa soạn sẵn ở nhà, bất tất phải lấy ở trong cung. Việc ấy đã có kẻ hạ thần, xin thượng hoàng chớ lo ngại.

Thượng hoàng gật đầu khen phải. Đến ngày nguyên tiêu thượng hoàng truyền mở hội hoa đăng. Thần dân mừng rỡ, kéo nhau đi xem hội. Vua Anh Tôn và Phi Giao hoàng hậu cũng có ý vui, chỉ có thái hậu không ra thưởng hoa đăng, thượng hoàng mới vào cung thăm thái hậu. Khi vào tới nơi, thấy thái hậu âu sầu buồn bã, liền cầm lấy tay mà an ủi rằng:

- Hôm nay có cuộc vui sao thái hậu lại không ra ngự thưởng? Thái hậu ơi! Thái hậu vốn là một bậc nữ trượng phu, vậy cũng nên đạt lý, chớ quá thương cha mẹ, không biết gìn vàng giữ ngọc, để thay ta mà lo vác việc ở trong cung. Con ta hãy còn ít tuổi, lên nối ngôi vua, cũng cần phải có thái hậu trông nom giúp. Vả ngày nay Hán vương và Triệu vương đi cả, Ôn phi và Mai phi đều đi theo. Trong cung vắng vẻ thái hậu cũng nên cố gượng tươi cười, để khiến cho ta được vui lòng vậy

Thượng hoàng nói xong, lại cười ha hả. Thái hậu nghĩ thầm: “Không hiểu cớ sao hôm nay thượng hoàng lại nói mấy câu kỳ dị như thế”. Ngẫm nghĩ hồi lâu, mới nói với thượng hoàng rằng:

- Thượng hoàng ơi! Thượng hoàng chớ thấy thiếp đau yếu mà có ý lo phiền. Thiếp sở dĩ không thưởng hoa đăng là vì có tang hai thân thiếp, chứ không phải thiếp quá ư bi thương vậy. Hán vương và Triệu vương dẫu ít tuổi, nhưng có Ôn phi cùng Mai phi đi theo thì cũng chẳng ngại gì. Hôm nay thượng hoàng đi thưởng cuộc hoa đăng, nên mau mau trở về, thiếp sẽ truyền nội giám đặt tiệc ở trong cung để đợi thượng hoàng đó.

Thượng hoàng mỉm cười mà bảo rằng:

- Đa tạ thịnh tình của thái hậu, nhưng đợi khi nào thái hậu thật được khỏe mạnh, bấy giờ ta sẽ cùng nhau uống rượu vui.

Bỗng thấy nội giám quì tâu, xin rước thượng hoàng ngự xem hội hoa đăng. Thượng hoàng đã đứng dậy, lại có ý ngần ngại mà bảo thái hậu rằng:

- Tôi đi! Thái hậu ở trong cung nên gìn vàng giữ ngọc nhé.

Thái hậu cũng đứng dậy tiễn mà đáp rằng:

- Thượng hoàng nên mau mau trở về, kẻo khiến thiếp mong đợi.

Thái hậu nói xong, thượng hoàng ngoảnh lại hỏi Hưng Bình công chúa rằng:

- Chu vương đâu?

Hưng Bình công chúa nói:

- Hiện tứ đệ đã ở Ngũ Phượng lầu để cùng hoàng huynh hậu giá thượng hoàng tại đó.

Thái hậu tiễn ra đến cửa cung, rồi trở vào ngồi một mình nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ thầm: “Quái lạ, mấy câu thượng hoàng nói vừa rồi, hình như có ý từ biệt ta vậy. Nào là dặn dò các công việc, lại cầm lấy tay ta, nước mắt chạy quanh, khiến ta ngẫm nghĩ, luống những đau lòng đứt ruột. Hay là tam điệt (trỏ Triệu Lân) xem mạch cho ta, tâu với thượng hoàng là ta bệnh nặng, cho nên thượng hoàng mới ân cần mà khuyên giải ta như thế. Thượng hoàng ơi! Ta cũng đa tạ lòng tử tế của thượng hoàng, nhưng nghĩ đến chín chữ cù lao thì không thể nào nguôi cho được. Nhà ta hiện nay dẫu rằng vinh quý, nhưng tai vạ chưa biết ngày nào. Ta vẫn tưởng Phi Giao hiền thục giống mẹ, cho nên mới tuyển vào cung, ai ngờ lại sinh ra lộng quyền, làm nhiều điều trái phép. Giả sử Hùng hậu có sự bất trắc, ta còn mặt mũi nào trông thấy Vệ vương phi. Nếu không có lời Gia Tường công chúa tâu thì Phi Giao kia ta chỉ đưa một lưỡi gươm cho rãnh chuyện. Chẳng lẽ ta đường đường là ngôi thái hậu, mà lại chịu để một con yêu quái làm nhiễm loạn chốn cung vi”.

Thái hậu ngồi đợi mãi cho đến hết canh ba, không thấy thượng hoàng về, mới sai nội giám sang cung thượng hoàng hỏi. Hồi lâu, bỗng thấy nội giám về hoảng hốt tâu:

- Muôn tâu thái hậu! Thật là một việc rất lạ!

Thái hậu liền kinh ngạc mà hỏi rằng:

- Việc chi thế hở con? Mau mau nói cho ta nghe.

Nội giám tâu:

- Muôn tâu thái hậu! Không thấy thượng hoàng đâu cả.

Thái hậu nghe nói, nét mặt tái mét, đứng dậy hỏi:

/59

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status