Trúc Mã Thanh Mai

Chương 10

/62


Ngày hôm sau, Sầm Kim với mẹ đi xe buýt về nhà. Bác sĩ quan nói muốn đến đón mẹ cô, nhưng lúc đó giao thông không thuận tiện, đơn vị chưa có xe con, nếu bác đi đón cũng chỉ có thể đi xe đạp hoặc đi xe ba gác, cho nên mẹ không đồng ý mà tự mình đưa cô về nhà.

Kể từ hôm đó, mẹ đối xử với Sầm Kim như một người lớn, có chuyện gì cũng kể với cô, bàn bạc với cô, dường như cô đã trưởng thành gấp mười lần chỉ sau một đêm, lúc nào cũng giống như bà cụ non, an ủi mẹ:

- Mẹ đừng sợ, mẹ nhìn con là sẽ không sợ. Mẹ đừng khóc, mẹ nhìn con thì sẽ không khóc.

Qua mẹ cô biết bố đã được ra viện vào hôm sau, bố vẫn ở phòng làm việc của công đoàn, nhưng việc phê phán bố cũng trở nên dữ dội hơn, thường xuyên thâu đêm suốt sáng, thay nhau bày chiến thuật bánh xe, yêu cầu ông giải thích tư tưởng phản Đảng, chống nhân dân đang ẩn sâu trong lòng, bởi ông đã lấy cách tự sát để chống lại nền dân chủ chuyên chính của nhân dân, tự mình đoạn tuyệt với nhân dân, với Đảng, chứng tỏ với Đảng, với nhân dân, ông vẫn ôm mối thù hận sâu sắc.

Nhưng bố chỉ một mực im lặng, họ tra khảo dồn dập quá thì nói:

- Việc này không liên quan gì đến Đảng, đến nhân dân, tôi tự vẫn là vì tôi cảm thấy có lỗi với vợ và con gái tôi.

- Hãy lột bỏ cái mặt nạ giả tạo của giai cấp tư sản!

Bố lại trầm lặng, giống như một con sư tử đá, không nói một lời.

Vào một buổi tối, rất muộn mẹ mới về nhà, vừa vào cửa đã bảo cô:

- Bọn họ đánh bố con! Còn dùng dây thừng treo bố con lên xà ngang, cái tên họ Châu đó huênh hoang với mọi người rằng hắn chỉ cần bẻ quặt hai tay bố con ra sau lưng, buộc hai ngón cái của ông vào nhau, rồi kéo treo lên xà, ông sẽ chết ngất.

Cô sợ quá khóc ầm lên, mẹ trách cô:

- Con mít ướt như vậy thì sau này mẹ sẽ không nói cho con chuyện gì hết.

Cô vội vàng lau nước mắt, nhưng lau mãi cũng không hết, cứ lau được một chút thì nước mắt lại tuôn ra.

Mẹ nói:

- Cái tên họ Châu đó tên là Châu Hữu Lục, hãy nhớ lấy hắn, hắn đã đánh bố con, treo bố con lên. Nhưng giờ không thể nói những điều này, con biết không? Nếu không họ sẽ kết tội mẹ dạy con ghi sổ nợ chính trị.

Cô gật gật đầu.

Mẹ kéo cô đứng lên:

- Đi, mẹ con mình đi tìm ông sĩ quan quân đội, bảo ông ta hãy quản lý đám thuộc hạ của ông ta.

Mẹ đưa cô đến nhà bác sĩ quan, gõ cửa, Vệ Quốc mở cửa, nói to vào trong nhà:

- Bố ơi, cô Đào.

Bác sĩ quan lập tức đi ra, mời hai mẹ con vào nhà.

Mẹ nói:

- Tôi muốn phản ánh với anh một việc.

- Vào nhà đi, vào nhà đi, vào trong rồi nói, bên ngoài có muỗi.

Mẹ kéo cô vào phòng ngoài của nhà bác sĩ quan, bác nói:

- Cô giáo Đào, chúng ta hãy vào phòng trong nói chuyện, đây là bếp, bừa bộn quá.

- Tôi sẽ nói ở đây.

- Vậy thì… Vệ Quốc, đưa Kim Kim vào phòng trong chơi đi.

- Nó không thích chơi với con trai.

Cô lập tức thanh minh:

- Con thích chơi với anh Vệ Quốc.

Mẹ lườm cô một cái rồi bỏ tay cô ra. Cô với Vệ Quốc vào một phòng khác, rất ngăn nắp sạch sẽ, có một chiếc giường đơn, trên giường là chiếc đệm màu bộ đội. Vệ Quốc lấy bi ve của cậu ra cho cô chơi, còn mình thì đứng ở cửa để nghe bên ngoài nói chuyện.

Cô cũng bước tới, nghe thấy mẹ nói:

- Anh sĩ quan, Chủ tịch Mao đã đích thân lập ra “Ba điều kỷ luật, tám điều cần chú ý”, mỗi quân nhân đều phải chấp hành nghiêm chỉnh đúng không?

- Đúng, dân thường cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh.

- Nhưng có quân nhân lại vi phạm quy định.

- Cô giáo Đào, xin cô cứ nói rõ, rốt cuộc là ai đã vi phạm “Ba điều kỷ luật tám điều cần chú ý?”. Vi phạm điều nào?

- Châu Hữu Lộc, ông ta đã vi phạm điều thứ năm, không được đánh và chửi bới người khác.

- Anh ta đánh ai?

- Anh ta đã đánh Sầm Chi.

- Cô nghe ai nói vậy?

- Anh không cần phải biết tôi nghe ai nói, anh chỉ cần nói anh có quan tâm hay không thôi.

- Tất nhiên là tôi sẽ xem xét, nhưng tôi phải điều tra rõ sự thật trước đã.

- Được, chỉ cần anh đồng ý sẽ xem xét việc này là được, Kim Kim, chúng ta về thôi.

Cô vẫn chưa chơi được với Vệ Quốc mấy đã bị mẹ kéo về nhà. Mẹ nói với cô:

- Mẹ đã nói với ông sĩ quan rồi, xem ông ta có làm hay không, nếu ông ta không làm thì…

Sau đó thì không còn nghe thấy nói ai đánh bố nữa.

Nhưng sau cái lần bị ngất và ngã đó, mẹ đã mắc bệnh dễ xỉu, thường xuyên tự dưng ngất lịm, ngã nhào xuống đất, có khi phải mất một lúc lâu mới tỉnh lại, cũng không xảy ra chuyện gì, nhưng có lúc bị hôn mẹ liên tục mấy ngày liền, nằm trên giường không dậy nổi.

Mẹ sợ nhất bị xỉu khi đi nhà vệ sinh, sợ quần chưa kịp kéo lên thì người đã bất tỉnh, hoặc thảm hơn là đang kéo lên thì bị ngất xỉu trên hố xí, cho nên lúc đi vệ sinh, mẹ thường đưa Kim Kim theo. Cô thấy mẹ giờ như người pha lê, càng cảm thấy mình phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, bất cứ khi nào có thể cô cũng không rời mẹ nửa bước để lo cho mẹ.

Bác sĩ quan nghe nói có phương thuốc trị bệnh chóng mặt là hầm thiên ma với gà mái, thấy bảo ăn một lần có thể trị tận gốc căn bệnh này. Nhưng lúc đó mua gà đã rất khó rồi chứ đừng nói là mua gà mái. Không biết bác sĩ quan kiếm đâu được một con gà mái, còn kiếm được cả ít thiên ma, tự ninh gà ở nhà rồi bưng đến nhà cô đưa mẹ cô ăn.

Mẹ đã từ chối nhiều lần, mãi không thoái thác được, đành phải nhận, rồi mẹ cố nhét vào tay bác sĩ quan chút tiền.

Mẹ cho cô ăn thịt gà, cô không chịu ăn, nhưng mẹ nói canh là dùng để trị bệnh, còn thịt không có tác dụng, nếu cô không ăn thì mẹ cũng vứt chỗ thịt gà đi, cô đành phải ăn chỗ thịt gà, ăn đến mấy bữa, rất ngon!

Ăn hết một con gà nhưng bệnh xỉu của mẹ cô vẫn không khỏi tận gốc, có lúc vẫn bị ngất đi. Mẹ rất lo, thường xuyên nói:

- Kim Kim, nhỡ mẹ bị đổ bệnh, hay bị ngã chết, thì con phải làm thế nào?

Một buổi chiều, Vệ Quốc chạy đến nhà cô, tay cầm một cái túi vải, đưa ra cho cô:

- Cho em con ếch này.

Cô giật nảy mình:

- Anh làm gì vậy?

- Bố anh mượn được quyển sách y học, trong đó có một phương thuốc có thể chữa được bệnh của mẹ em, đó là canh gà đồng hầm.

- Gà đồng là con gì?

- Chính là con ếch! Đây là ếch anh bắt được, cho em để trị bệnh cho mẹ.

Vệ Quốc nói rồi vứt cái túi xuống đất, mấy con ếch kêu ộp ộp, còn nhảy loạn xạ trong túi, khiến cái túi cũng nhảy dựng lên, cô sợ quá tránh sang một bên, cô sợ lũ ếch nhảy ra được sẽ trèo lên người cô.

Vệ Quốc cười nói:

- Em nhát gan quá, đến ếch cũng sợ. Anh không sợ ếch, anh còn dám giết ếch nữa.

- Đừng giết chúng.

- Không giết, vậy mẹ em ăn gì?

Cô không kêu nữa:

Vệ Quốc hỏi:

- Nhà em có thớt và đinh không?

- Anh cần thớt và đinh làm gì?

- Giết ếch. Mà thôi, nhà em chắc không có, để anh về nhà lấy.

Một lát sau, Vệ Quốc quay lại, tay kia cầm một con dao nhỏ. Cậu đặt cái thớt xuống đất, một đầu tì vào tường, đầu kia giẫm một chân lên, mở miệng túi đựng ếch ra, thò tay vào trong bắt một con ếch ra, còn chân kia giẫm lên miệng túi, cố định đầu con ếch vừa lôi ra vào cái đinh cong trên thớt, dùng dao nhỏ cắt một nhát chỗ cổ con ếch, sau đó lột da con ếch giống như lột quần áo, rồi sau đó không biết làm thế nào mà bỏ hết được đầu và ruột của con ếch, trên cái đinh chỉ còn lại một con ếch cụt đầu đã bị lột da.

Cô sợ quá chỉ muốn bỏ chạy.

Vệ Quốc vừa giết ếch vừa hỏi:

- Em có muốn đi bắt ếch không? Anh có thể đưa em đi, nhưng phải trời tối mới bắt được.

- Trời tối thì em không dám ra ngoài, em cũng không dám bắt ếch.

- Anh biết ngay là em không dám đi. Em có biết nhóm lửa nấu cơm không?

- Em không biết.

- Nhưng hai bọn mình phải luộc ếch, vậy chắc phải nhóm lửa rồi.

Vệ Quốc tìm cái bếp than của nhà cô, vẫn còn vài thanh củi mồi, cậu mang cái bếp ra ngoài nhà, dạy cô cách nhóm lửa:

- Cho củi mồi xuống phía dưới cùng, bên trên là mấy thanh củi to hơn, rồi trên nữa là viên than. Để cửa lò đúng với hướng gió, dưới cầu lò đặt ít giấy báo, châm lửa, củi mồi cháy rồi sẽ cháy đến phía củi cứng phía trên, giờ có rất nhiều khói, chứng tỏ củi cứng cháy rồi, lấy quạt quạt một chút, có nhìn thấy ngọn lửa không? Quạt thêm mấy cái nữa, lửa cháy lên rồi thì dừng quạt, quạt mạnh quá củi sẽ cháy nhanh hết, than chưa kịp bén lửa.

- Sao anh biết nhóm lửa như vậy?

- Vì ở nhà anh đều do anh nhóm lò.

- Nhưng em chưa bao giờ nhìn thấy anh nhóm lò.

- Lúc anh nhóm lò thì em vẫn còn đang ngủ.

Vệ Quốc mang từ nhà cậu đến một cái lon thép hình trụ tròn, đặt lên trên bếp lò:

- Cái lon này giống như cái ống khói, có lực hấp dẫn, có thể hút ngọn lửa lên, như vậy viên than sẽ cháy nhanh. Anh tặng em cái này, anh sẽ làm cái khác.

Lửa cháy rồi, Vệ Quốc chuyển bếp than vào trong phòng, đặt cẩn thận, vỗ vỗ tay phủi chỗ bụi than rồi nói:

- Thôi, cái lò nặng như vậy chắc em không bê nổi, sau này cứ để anh giúp em nhóm lò đi, nhưng nếu em biết giữ lửa tốt thì lửa trong lò sẽ không bị tắt, em khỏi cần phải nhóm lửa hàng ngày.

Đã gần trưa, Vệ Quốc bắc lên bếp một cái nồi lớn rồi đổ nước vào nồi, trong nồi đặt một cái bát tráng men, cho con ếch đã làm sạch vào trong bát, rồi cho chút nước vào trong bát, bỏ mấy lát gừng, chút hạt tiêu, đậy nắp lại rồi đun cách thủy.

Đến trưa mẹ về đến nhà, ếch đã được nấu xong, Vệ Quốc cũng đã chạy mất. Sầm Kim hào hứng quá, không cầm lòng nổi liền báo cáo với mẹ:

- Mẹ ơi, con nấu cho mẹ bát canh gà đồng đấy, mẹ mau ăn đi, ăn xong bệnh của mẹ sẽ khỏi.

Mẹ nhìn thấy cái lò than đang cháy, còn cả cái nồi to đặt trên bàn, sợ quá liền nói:

- Con… con lại nghịch trò gì vậy?

- Con không nghịch, là canh gà đồng nấu cho mẹ đấy.

- Con kiếm đâu được gà đồng?

- Anh Vệ Quốc bắt cho, lò than cũng do anh nhóm, gà đồng cũng do anh ấy ninh.

Cô tưởng mẹ sẽ phải cảm ơn cô và Vệ Quốc nhưng mẹ lại nghiêm mặt nói:

- Sau này đừng có chơi với cái thằng đó, nó là đứa trẻ hư.

- Anh ấy không phải là đứa trẻ hư.

- Sao nó không hư? Chân tay thì bẩn thỉu, hay ăn cắp vặt, còn đánh nhau gây chuyện với người ta.

Cô còn muốn biện hộ cho Vệ Quốc, nhưng mẹ nói:

- Con ếch này chắc lại do nó ăn trộm chứ gì? Ếch là loài động vật có ích để diệt côn trùng, đội sản xuất không cho bắt, chắc nó nhân lúc người ta không để ý đã bắt trộm, nếu nông dân mà phát hiện ra thì sẽ đánh chết nó.

Điều này làm cô hoảng sợ, cô vội chạy, đi tìm Vệ Quốc, cậu đang ăn cơm trong nhà, nhìn thấy cô liền bưng bát chạy ra, cười toe toét hỏi:

- Gà đồng ăn ngon không?

- Em vẫn chưa ăn.

- Mẹ em có khen ngon không?

- Mẹ cũng không ăn.

- Sao đều không ăn? Anh cố đợi đến lúc mẹ em gần về ăn cơm mới ninh đấy, phải tranh thủ ăn lúc nóng, nguội lạnh đi thì không ngon đâu.

Cô truyền đạt lại những lời mẹ nói cho anh nghe, rồi dặn dò:

- Anh đừng đi bắt ếch nữa, nếu không sẽ bị người ta đánh chết đấy.

Vệ Quốc vẫn cười toe toét:

- Anh không bắt ở trong ruộng của đội sản xuất, anh bắt bên đường, ai đánh anh chứ?

- Anh bắt bên đường thật à?

- Tất nhiên, ếch ở trong ruộng của đội sản xuất không được bắt, nhưng ếch bên đường thì không phải do đội sản xuất nuôi, được bắt thoải mái chứ?

Cô chạy về nhà, nói lại với mẹ. Mẹ nửa tin nửa ngờ:

- Có thật là nó bắt ở bên đường không? Bên đường có ếch sao?

Cô xác nhận:

- Bên đường có, thỉnh thoảng đi trên đường con cũng nhìn thấy ếch nhảy trong đám cỏ.

Mẹ không nói gì nữa.

Cứ cách mấy hôm, Vệ Quốc lại mang tặng cô một túi ếch, ban đầu là đến nhà cô giết, sau đó là giết xong rồi mới đưa đến nhà cô, rồi sau nữa thì trực tiếp bưng một bát canh gà đồng đến nhà cô.

Cậu nói:

- Nhà em dao cùn lắm, bếp lò khó nhóm, nồi cũng khó nấu, chẳng cái gì dễ dùng cả, anh dùng đồ nhà anh quen rồi, hơn nữa nhà em ăn cơm ở bếp ăn trường, nhóm lò cũng chẳng làm gì, chỉ để ninh gà đồng thôi thì không hợp lí, cứ ninh sẵn ở nhà anh rồi mang cho em thôi.

- Bố anh biết được thì có đánh anh không?

- Không đâu, bố biết anh ninh cho mẹ em ăn thì sẽ không đánh anh.

- Tại sao?

- Anh cũng không biết, tóm lại là bố cũng biết anh ninh ếch, nhưng ông ấy chưa từng đánh anh vì việc này. Không những không đánh anh vì việc đó mà dạo này cũng không hay đánh anh nữa. Nghe bố anh nói, mẹ em ghét nhất là đàn ông đánh trẻ con, mẹ em bảo nếu ai đánh con cô ấy như bố anh thì cô ấy sẽ liều mạng với kẻ đó, vậy là bố anh không đánh anh nữa. Anh đã từng nói với em, bố anh rất nghe lời mẹ em mà.

©STENT: http://www.luv-ebook.com

Mẹ ăn món canh ếch mấy lần, hình như có hiệu quả thật, một thời gian không thấy chứng chóng mặt ngất xỉu tái phát nữa.

Nhưng vào một buổi tối, Sầm Kim nghe thấy tiếng ầm ĩ ở cửa sổ phía sau, có mấy người đang hét:

- Mở cửa! Mở cửa! Lôi nó ra đây! Tôi nhìn thấy nó chạy vào trong phòng này!

Cô và mẹ đều chạy ra phía sau để xem, thấy một đám đàn ông đang vây lấy trước nhà Vệ Quốc, có mấy người trong tay cầm cả đòn gánh và xẻng sắt, còn có người tay cầm cái đòn gánh bằng sắt nhọn hai đầu.

Mẹ nói:

- Chết rồi! Chắc chắn là Vệ Quốc bắt ếch trong ruộng bị nông dân bắt quả tang rồi.

Mẹ và cô chạy đến trước cửa nhà Vệ Quốc, nhìn thấy bác sĩ quan đã mở cửa đi ra. Mấy bác nông dân nhìn thấy một người mặc quân phục đi ra thì đều sững lại, không dám hò hét nữa.

Bác sĩ quan nói:

- Con trai tôi đến ruộng mọi người bắt ếch là sai, nhưng các anh các chị đánh cũng đánh rồi, mắng cũng mắng rồi, còn muốn thế nào nữa?

Một chú nông dân dũng cảm nói:

- Nó giẫm nát hết ruộng của chúng tôi, chúng tôi phải bắt nó bồi thường.

Bác sĩ quan nói:

- Con trai tôi đã giẫm nát ruộng nhà các anh chị, tôi có thể đền cho nó. Nhưng các anh chị đánh con trai tôi bị thương thì cũng phải bồi thường tiền thuốc men.

Đám đông có vẻ hơi nhụt chí, có người nói:

- Chúng tôi đâu có đánh bị thương con trai anh?

Bác liền gọi vào trong nhà:

- Vệ Quốc, mau ra đây, để cho họ thấy rốt cuộc có đánh bị thương con không!

Vệ Quốc từ trong nhà bước ra, bác sĩ quan bảo Vệ Quốc quay lưng về phía đám đông, vén áo cậu lên, đám đông “á” một tiếng, rồi bắt đầu tản đi, có người lẩm bẩm:

- Ai mà gây nghiệp chướng như vậy chứ? Con người ta giẫm đám ruộng thôi sao lại đánh nó tàn nhẫn đến thế chứ?

- Tôi đâu có đánh.

- Tôi cũng không đánh.

Đám đông dần dần tản hết.

Bác sĩ quan đợi những người nông dân đi cả rồi liền một tay tóm chặt Vệ Quốc lôi vào trong phòng.

Mẹ vội vàng xông đến, ôm lấy che cho Vệ Quốc, nói với bác:

- Anh còn định làm gì nữa? Thằng nhỏ này bị đánh thảm thế này rồi, anh còn nhẫn tâm đánh nó nữa? Anh… Sao anh dã man như vậy?

Bác sĩ quan nói:

- Cô giáo Đào, cô không biết thằng này nó ngang ngạnh thế nào đâu, tôi đã giải thích với nó bao nhiêu lần rồi, tôi đến đây là để truyền tư tưởng của Mao Trạch Đông, để giúp giáo viên trường trung học làm cách mạng, ai ai cũng đều nhìn vào tôi, tôi phải là tấm gương tốt. Nhưng cái thằng khốn này luôn gây rắc rối cho tôi, khiến tôi phải chịu bao điều tiếng xấu.

Mẹ nói:

- Vì chữa bệnh cho tôi nó mới đi bắt ếch, anh muốn đánh thì cứ đánh tôi đi.

/62

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status