KẾ HOẠCH CƠ BẢN VÀ KẾ HOẠCH THỜI CƠGần đến Tết Giáp Dần (1974), tình hình miền Nam sôi động. Nghị quyết Trung ương đã thấm dần đến cơ sở.
Tôi làm việc với các đồng chí Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Vũ Lăng, Võ Quang Hồ, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tác chiến. Lúc này, anh Lê Trọng Tấn được cử vào Khu 5 giúp quân khu triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về mặt quân sự. Tình hình chiến sự ở miền Nam từ Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển biến có lợi cho ta. Chúng tôi trao đổi về phương hướng tác chiến hai năm 1974, 1975 với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của chiến trường, chuẩn bị tăng cho Khu 8 và Khu IX thêm một vạn quân và 3.000 tấn vũ khí, huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu của bộ đội và năng lực chỉ huy của cán bộ các cấp, tích cực vận chuyển chiến lược cho miền Nam, dự kiến kế hoạch thời cơ
Ngày 30-1-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ đẩy mạnh cách mạng miền Nam.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, các đồng chí lãnh đạo B2, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Hoàng Minh Thảo.
Thay mặt Quân uỷ, tôi báo cáo tình hình quân sự, chính trị, đánh giá sự chuyển biến ngày càng có lợi trên các chiến trường, đề nghị chủ trương phối hợp đấu tranh toàn diện và phương hướng tác chiến cho đến năm 1975. Tiếp đó anh Năm Công trình bày cụ thể tình hình Khu 5, nêu những vấn đề cần giải quyết như chống địch đóng bốt, lấn dũi, đánh rã và đánh tiêu diệt, phát động quần chúng, đồng bào Công giáo, Phật giáo cùng lực lượng thứ ba đấu tranh làm suy yếu bộ máy kìm kẹp của địch. Anh Trần Độ báo cáo tình hình chiến trường Nam Bộ, sự chuyển biến rõ nhưng còn chậm từ tháng 8-1973 đến lúc này, nhận xét có khả năng Mỹ phải chịu thua. Anh Phạm Văn Đồng nêu ý kiến cần tìm ra những "points critiques" 1 để tạo chuyển biến nhanh hơn. Anh Hoàng Văn Thái cho rằng tình hình chiến trường đang có bước đi lên, cách đánh quân nguỵ cần tạo bất ngờ, diệt đồn bốt, quận lỵ, chi khu, kết hợp quân sự, chính trị, binh vận để chống phá bình định.
Các anh trong Bộ Chính trị phát biểu, thống nhất ý kiến về đánh giá tình hình, đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.
Kết luận hội nghị, anh Ba nêu rõ thế cân bằng trong tình hình thế giới, khi không ai có thể giữ vị trí bá quyền thì Mỹ muốn quay trở lại miền Nam cũng không phải dễ. Nhưng Mỹ có vào lại hay không, chủ yếu là do sự nỗ lực của ta. Nếu ta đánh mạnh, phá được "équilibre" (thế cân bằng) thì Mỹ khó lòng vào được.
Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh đấu tranh toàn diện, làm cho có nghệ thuật hơn, tạo thời cơ, và khi đã có thời cơ thì phải nắm được ngay để giành thắng lợi.
***
Sau những ngày làm việc căng thẳng, tập trung cao độ sức khỏe của tôi giảm sút nhanh chóng. Nhiều lần bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng công việc không cho phép.
Một buổi sáng, trên đường công tác, bỗng nhiên bụng đau dữ dội. Cơn đau đột ngột làm cho đầu óc choáng váng, hơi thở gấp. Trong khoảnh khắc, tôi bị ngất xỉu.
Khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong máy bay lên thẳng cấp cứu về Hà Nội.
Các giáo sư, bác sĩ Viện Quân y 108 làm việc hết sức khẩn trương, nhưng chưa chẩn đoán được căn bệnh.
Người tôi mệt lả, bụng đau quằn quại từng cơn.
Thấy bệnh tình nguy kịch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định đưa tôi sang Liên Xô điều trị bằng một chuyến chuyên cơ. Đi cùng tôi đề phòng tai biến có gịáo sư, Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh, các bác sĩ Trần Văn Hiến, Phạm Văn Ngà.
Đồng chí, bạn hữu ra tiễn rất đông.
Trước khi lên máy bay, tôi xúc động cảm ơn anh Lê Đức Thọ, anh Lê Thanh Nghị, thay mặt Bộ Chính trị, cùng các anh ở Văn phòng Trung ương Đang, Văn phòng Quân uỷ. Bộ Quốc phòng và bà con, bầu bạn. Đã tưởng là khó có ngày về
Tại Liên Xô, Trung ương Đảng bạn hết sức quan tâm.
Các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Mátxcơva dành cho tôi sự chăm sóc hết lòng. Tuy vậy, những cơn đau kéo đến ngày một mau hơn, dữ dội hơn. Đã một lần, khi tiêm thuốc để chẩn đoán bệnh, tim ngừng đập trong mấy giây. Hội chẩn tiếp theo hội chẩn. Vẫn chưa biết được nguyên nhân.
Nhớ mãi tấm gương tận tuỵ vì người bệnh của các giáo sư, tiến sĩ Xmaghin, Krapivin, nữ bác sĩ Irina, những người thầy thuốc đầy tinh thần trách nhiệm, cuối cùng đã tìm ra căn bệnh quái ác. Đó là bệnh sỏi mật, nhưng ở dạng sỏi mềm, rất khó phát hiện. Tôi mắc bệnh này đã nhiều năm mà không hề hay biết
Lúc này túi mật đã viêm rất to. Cần phải mổ ngay. Để chậm sẽ vỡ, nguy hiểm đến tính mạng. Ca mổ vào loại đại phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Bác sĩ mổ cho tôi vào "thì chính" là giáo sư Maiác, 71 tuổi, Anh hùng lao động, chuyên viên cao cấp Bộ Y tế, thầy thuốc chuyên khoa về mật giỏi nhất của Liên Xô.
Nghĩ mình khó lòng qua khỏi, tôi đã viết mấy điều để lại. Ngoài việc riêng, tôi dặn dò về công tác cán bộ, về những chủ trương, biện pháp thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến nhanh đến cao trào.
May mắn thay, mọi việc đều tốt đẹp. Ca mổ rất thành công. Tôi phải nằm bất động trên giường bệnh mười một ngày, sút mất hơn chục kilôgam. Qua một cái Tết bệnh viện xa quê hương, lòng nóng như lửa đốt.
Hiểu rõ tâm trạng ấy, ngay khi ra viện, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bố trí một máy bay đưa tôi từ Mátxcơva về thẳng Hà Nội.
Mặc dù còn rất yếu, mệt, chỉ mấy ngày sau khi về nước, tôi vào ngay Văn phòng Bộ Quốc phòng thăm anh em và nắm tiếp tình hình. Mọi người hết sức vui mừng thấy tôi đã tai qua nạn khỏi. Đồng chí Bùi Đình Kế xúc động đọc một bài thơ sáng tác bằng cả tấm lòng:
Ôi mừng vui, ta lại đón xuân sang
Trong cảnh sắc, trong lòng người mong đợi
Hồng hào, tươi vui, nụ cười trẻ lại
Gân thêm săn và nhựa sống thêm căng
Trên đường dài lại cât bước băng băng.
***
Tháng 4-1974. Nguy hiểm đã qua.
Trong thời gian được các giáo sư, bác sĩ kiểm tra theo dõi tại khoa A11, Viện Quân y 108, tôi dành thời gian nghe báo cáo, thông qua nghị quyết về công tác quân sự địa phương và nghị quyết về chống phá "bình định" ở miền Nam của Quân uỷ Trung ương.
Lúc này Mỹ - nguỵ ráo riết đẩy mạnh kế hoạch "bình định nông thôn". Đây là cái "nút" của học thuyết Níchxơn, một học thuyết mà đặc trưng nổi bật là coi trọng việc xây dựng lực lượng phản động bản xứ thành công cụ thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hơn 28 vạn cuộc hành quân "bình định" của nguỵ trong một năm qua đã chứng tỏ chúng cho đây là "cơ hội thích hợp để sống sót". Bằng hệ thống đồn bốt, các lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, các tổ chức tề, điệp, cảnh sát, các tổ chức chính trị phản động, chúng ra sức giành dân, đánh vào vùng đông dân, nhằm mục đích nắm dân, khống chế dân, xây dựng cơ sở vật chất - xã hội cho nguỵ quyền, hòng làm cho các cuộc nổi dậy của đồng bào ta mất cơ sở quần chúng. Địch đang thực hiện"phương châm" của mưu sĩ Kítxinhgiơ: Tốt hơn hết là chúng ta hãy kiểm soát lấy 100% của 60% lãnh thổ nước này (chỉ miền Nam Việt Nam), hơn là kiểm soát 60% của 100% lãnh thổ. Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố. Hiện nay "bình định" là biện pháp chiến lược hàng đầu, là keo sống mái cuối cùng. Sống là đây và chết cũng là đây.
Trong năm 1973, nguỵ quyền Sài Gòn ở thế đi xuống, gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, chúng có những nỗ lực lớn và đã đạt được kết quả nhất định.
Số các "lõm giải phóng" của ta gồm 400 ấp bị địch lấn chiếm. Chúng còn đóng thêm được 700 đồn bốt. Tuy bị thương vong nặng, quân nguỵ vẫn không tan rã, trái lại, quân số có tăng lên. Riêng quân địa phương tăng gấp ba lần. Chúng vẫn kìm kẹp, khống chế được quần chúng. Ở đồng bằng Khu 5, địch củng cố được một số vùng do chúng kiểm soát và lấn thêm một số vùng khác.
Tuy nhiên, nhìn chung toàn chiến trường miền Nam, trước sức phản công và tiến công của quân và dân ta, các hoạt động của địch dần dần chững lại và lâm vào thế chống đỡ bị động. Chúng không xoá được thế "da báo" ở miền Nam.
Ngày 4-1-1974, Nguyễn Văn Thiệu hò hét: Chiến tranh đã lại bắt đầu. Giọng lưỡi có vẻ hung hăng, nhưng thực chất là một lời kêu cứu. Đã có những dấu hiệu quan thầy Mỹ quay lưng lại với Thiệu. Sự cô lập về chính trị của Thiệu đã lên tới đỉnh cao. Đảng Dân chủ, cái phương tiện để Thiệu tập trung phe cánh và huy động quần chúng chống cộng sản, rệu rã không khác gì Đảng Cần lao nhân vị của Diệm - Nhu trước đây. Thực ra, cũng chưa bao giờ nó được phát triển thành một tổ chức rộng rãi, mà chẳng qua là một tập đoàn cơ hội, xôi thịt, tranh giành quyền lợi lẫn nhau. Tai hại hơn, lúc này nó đang là môi trường dung dưỡng, đỡ đầu cho tham nhũng và hối lộ, nơi sắp đặt những chức vụ béo bở trong bộ máy nguỵ quyền.
Về kinh tế, do quân Mỹ rút đi, viện trợ Mỹ bị cắt giảm, Thiệu gặp khó khăn ghê gớm. Nạn thất nghiệp lan tràn. Giá cả tăng vọt, đồng tiền liên tục phá giá.
Thuế nhập khẩu giảm nhiều, dẫn tới ngân khố nguỵ quyền suy sút trầm trọng. Quân nguỵ không thể giảm, mặc dù lương quan, lương lính không đủ ăn. Các kế hoạch "Tăng cường" và "Tăng cường cộng" càng làm cho Thiệu phụ thuộc thêm vào Mỹ. Thiết bị trị giá khoảng 750 triệu đôla đưa vào miền Nam thay thế cho những thiệt hại của quân nguỵ, nay lại trở thành con dao hai lưỡi, một gánh nặng bất kham. Các máy bay F5A và C123 đều đã cũ, lỗi thời và xuống cấp, không thể hoạt động nếu không được Mỹ cung cấp phụ tùng thay thế.
Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh khác. Các công hàm gửi đi xin Mỹ viện trợ linh kiện bảo trì đều không có hồi âm. Sức chiến đấu của quân nguỵ sút kém rõ rệt. Thế bố trí chiến lược bị phân tán, căng kéo. Địch khó lòng đối phó với một cuộc tiến công lớn của quân ta.
Cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam diễn ra quyết liệt, nhất là ở đồng bằng Khu 5 và Khu 8. Từ những tháng cuối năm 1973, ta chặn đứng phần lớn các hoạt động "bình định", lấn chiếm của địch. Chiến tranh nhân dân ở địa phương được duy trì và đẩy mạnh. Ta giành lại khoảng bốn triệu dân, trong đó có một triệu 20 vạn dân vùng giải phóng. Với gần 10 vạn chiến sĩ từ hậu phương lớn bổ sung vào, quân số bộ đội chủ lực ở miền Nam tăng lên; trang bị kỹ thuật cũng nhanh chóng cải tiến. Các lực lượng vũ trang địa phương tăng chưa nhiều, nhưng đã có tiến bộ mới trong tác chiến.
Công cuộc xây dựng vùng giải phóng được xúc tiến mạnh mẽ, toàn diện. Vai trò và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày càng được nâng cao.
Trên miền Bắc, tình hình chính trị - kinh tế ổn định.
Gió hoà mưa thuận, sản xuất nông nghiệp liên tiếp được mùa. Tháng 10-1973, Quân đoàn I mang tên Quyết Thắng, binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu, tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được thành lập. Quân đoàn tập hợp trong đội ngũ của mình các sư đoàn chủ lực thiện chiến: 308, 312, 320, mở đầu quá trình tổ chức các binh đoàn chiến lược khác ngay tại chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh trong thời kỳ mới.
***
Tháng 3-1974, trong thời gian tôi còn dưỡng bệnh tại Liên Xô, Quân uỷ Trung ương đã mở một hội nghị quan trọng bàn thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 21 về mặt quân sự.
Hội nghị do các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái 2 và Lê Trọng Tấn chuẩn bị. Đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu IX vừa mới ra Hà Nội trong tháng 2-1974 để báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, cùng tham gia công việc này.
Sau khi nghe anh Lê Trọng Tấn trình bày bản đề án quân sự, hội nghị đã đánh giá tổng quát tình hình miền Nam từ khi có Hiệp định Paris, đề ra phương hướng, biện pháp tạo thế mới, lực mới cho các hoạt động quân sự mùa khô 1974-1975. Cụ thể là đẩy nhanh công tác chuẩn bị chiến lược để có thể tác chiến vào cuối mùa khô 1973-1974 và cả trong mùa mưa 1974; hoàn thành đợt một và bắt đầu đợt hai kế hoạch vận chuyển chi viện chiến trường; đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; hoàn chỉnh mạng đường chiến lược, chiến dịch; phát triển đường ống dẫn dầu sâu xuống phía nam; xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ dọc Đường 559 và trong các vùng giải phóng; hoàn thành kế hoạch tuyển quân năm 1974 và đợt một năm 1975; củng cố bộ đội chủ lực, nhất là khối chủ lực cơ động chiến lược ở miền Bắc.
Anh Văn Tiến Dũng đi vắng, không dự họp. Khi về anh tán thành nội dung hội nghị và góp thêm một số ý kiến quan trọng. Sau khi được Bộ Chính trị thông qua, anh đã thay mặt Quân uỷ Trung ương ký nghị quyết này.
Đây là một bản nghị quyết đúng đắn, kịp thời. Về tương quan lực lượng giữa ta và địch, Quân uỷ Trung ương nhận định: Nhìn chung lại, so sánh lực lượng địch, ta qua năm 1973 càng cho thấy rõ thế và lực cách mạng miền Nam đã tạo nên những chỗ mạnh rất cơ bản, đang trên đà phát triển, có đầy đủ điều kiện và khả năng đưa cách mạng tiến lên từng bước vững chắc, Mỹ - nguỵ ngày càng khó khăn hơn và đang trên đà đi xuống, xu thế phát triển của tình hình ngày càng có lợi cho ta hơn.
Trong vài ba năm tới, nhiệm vụ trung tâm số một vẫn là đánh phá kế hoạch "bình định", lấn chiếm của địch; từng bước đưa phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị tiến lên, chuẩn bị điều kiện và thời cơ đẩy tới cao trào cách mạng; xây dựng và rèn luyện bộ đội chủ lực, nâng dần quy mô đánh tiêu diệt quân nguỵ; xây dựng căn cứ địa ở miền Nam; xây dựng miền Bắc về kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu mới của địch. Tất cả đều nhằm làm thay đổi so sánh lực lượng toàn diện có lợi cho ta, nắm vững thời cơ, sẵn sàng chủ động phối hợp ba quả đấm mạnh: chủ lực, nông thôn và thành thị, làm chuyển biến cục diện một cách bất ngờ và nhanh chóng, giành thắng lợi cao nhất.
Yêu cầu bức thiết là giành dân, giành quyền làm chủ ở đồng bằng, giải phóng và làm chủ vững chắc ở miền núi, từng bước giành quyền làm chủ ở thành thị, phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam. Quân uỷ Trung ương nhấn mạnh yêu cầu phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, kiên quyết, chủ động tiến công và phản công địch ở đồng bằng, miền núi cũng như ở vùng sau lưng địch.
Về phương thức hoạt động, cần giữ vững và phát triển chiến tranh nhân dân địa phương, đồng thời đẩy mạnh tác chiến quy mô vừa và lớn của bộ đội chủ lực, vừa tác chiến vừa xây dựng, sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn khi có thời cơ, khẩn trương thúc đẩy phong trào thành thị phát triển, nhất là ở Sài Gòn.
Tôi rất hoan nghênh bản nghị quyết này. Trước khi đi chữa bệnh ở Liên Xô, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh cần phát triển mạnh mẽ chiến tranh nhân dân địa phương.
Dân quân du kích là lực lượng tại chỗ chống phá bình định có hiệu quả nhất. Về tác chiến, tôi cho rằng bộ đội địa phương cần phấn đấu đánh tiêu diệt đến mức tiểu đoàn, còn bộ đội chủ lực phải tiêu diệt cho được lữ đoàn, sư đoàn địch. Quyết không cho chúng xoá thế "da báo" ở miền Nam. Ngoài ra còn phải có những đòn chủ lực đánh mạnh vào các thành phố và các cơ quan đầu não của địch để tạo chuyển biến nhanh chóng trên chiến trường.
Đầu tháng 4-1974, Quân uỷ Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ cấp cao, chủ yếu ở các quân khu phía Bắc, để quán triệt nghị quyết và triển khai thực hiện. Quân uỷ cũng điện hoả tốc phổ biến nghị quyết cho các chiến trường miền Nam. Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo cụ thể những nội dung công tác lớn, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tư tưởng, công tác binh vận, rà soát sắp xếp cán bộ, khẩn trương xây dựng khối chủ lực cơ động chiến lược, thành lập thêm những quân đoàn mạnh được tổ chức, huấn luyện theo phương hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng qui mô lớn. Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ, các ngành hữu quan tổ chức động viên, tuyển quân bổ sung lực lượng cho chiến trường, tăng cường công tác phòng không nhân dân ở miền Bắc, củng cố các tuyến đường chiến lược Trường Sơn, xây dựng hệ thống kho tàng, bảo đảm thông tin liên lạc và hậu cần, kỹ thuật.
***
Vừa làm việc vừa tranh thủ nghỉ ngơi, tôi dành thời gian rèn luyện thân thể. Theo lời khuyên của anh Tôn Thất Tùng, tôi đi bộ mỗi buổi sáng, cự ly từ ngắn đến dài, từ đi chậm dần dần đi theo tốc độ bình thường. Sức khỏe hồi phục nhanh. Quả là một hạnh phúc lớn.
Trong thời gian tôi đi chữa bệnh, đề cương kế hoạch chiến lược đã được dự thảo đến lần thứ tư. Đọc bản dự thảo lần này, tôi chưa thật yên tâm. Đánh giá tình hình địch, đề cương vẫn cho rằng nguỵ quyền Sài Gòn "buộc phải thi hành từng phần Hiệp định để chặn bước tiến của ta, cứu vãn sự sụp đổ của chúng rồi tiếp tục phá hoậi, vẫn tiếp tục chiến tranh". Về khả năng can thiệp của Mỹ, vẫn phán đoán khả năng Mỹ dùng lục quân can thiệp có ít mà chỉ dùng không quân, hải quân ở miền Nam rồi đánh lan ra miền Bắc hoặc đồng thời trên cả hai miền. Về biện pháp chiến lược, dự thảo đề cao quy luật kết hợp quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy phát triển lên đỉnh cao là tổng tiến công, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi khi có thời cơ. Đáng chú ý là dự thảo lần này vẫn nhắc lại, nếu chiến tranh phát triển lên quy mô lớn thì hướng chính để tiêu diệt chủ lực địch là Tây Nguyên, thứ đến miền Đông Nam Bộ và Trị - Thiên.
Còn có biết bao vấn đề lớn về địch, về ta, về thời cơ, về cách đánh. Tiến công vào thời điểm nào? Sử dụng lực lượng ra sao? Nếu mở những cuộc tiến công tiêu diệt lớn thì hướng chính nên ở đâu? Có thể chọn Tây Nguyên, nơi hiểm yếu, ở đấy địch không mạnh, hay chọn đồng bằng Nam Bộ là nơi đông dân nhiều của? Kết hợp quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy, nhưng phát triển lên tổng khởi nghĩa có được không, và trong những tình huống nào?
Tôi lắng nghe ý kiến của nhiều đồng chí trong Quân uỷ và các đồng chí trong Tổ trung tâm. Một số ý kiến cho rằng đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, sau này ta đánh sẽ khó khăn. Vì vậy, nên chọn Nam Bộ làm hướng chính, phía Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường vào đồng bằng Nam Bộ. Tôi và một số anh em khác thiên về chọn Tây Nguyên làm hướng chính, nơi đây ta có nhiều thuận lợi để thực hiện ý đồ đánh tiêu diệt lớn.
Cuộc trao đổi chưa ngã ngũ.
Tôi gợi ý các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn cùng Tổ trung tâm cần phân tích, đánh giá cho kỹ thế và lực của ta, làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm. Nên chọn một trong hai hướng chiến lược Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhưng chỉ có thể tiến công khi ta có điều kiện dứt điểm. Cần nắm vững yêu cầu nâng cao chất lượng của bộ đội một cách toàn diện, huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Cần chú ý chỉ thị của Quân uỷ Trung ương: "Dù thời cơ chính trị tạo ra có thuận lợi bao nhiêu, thì cũng phải đánh sụp nguỵ quân nguỵ quyền.
Đòn công kích phải đi trước một bước. Cho nên, bất kể trong trường hợp nào, cũng phải nắm trong tay một lực lượng tập trung tương đối mạnh, và trong sử dụng, trong xây dựng, đều phải chăm lo giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự để luôn luôn là một vũ khí sắc bén của cách mạng. Bất luận trong tình huống nào, cũng phải xây dựng lực lượng ở miền Nam cho thật mạnh".
***
Cuối tháng 5-1974, Bộ Tổng tư lệnh triệu tập hội nghị trao đổi kinh nghiệm về chống phá "bình định" của địch, có hầu hết đại biểu các chiến trường miền Nam ra dự. Khi thông qua bản báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu, tôi khen ngợi Cục Tác chiến và Cục Dân quân đã chuẩn bị nội dung khá công phu, dưới sự chỉ đạo của anh Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Những kinh nghiệm rút ra từ hội nghị này là quan điểm cách mạng bạo lực, tư tưởng cách mạng tiến công, đánh giá đúng và kịp thời âm mưu, thủ đoạn của địch, là bảo đảm thường xuyên cho các lực lượng vũ trang luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng phải được củng cố ở cơ sở, từ đó mà phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang địa phương, biết vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh thích hợp, phát huy sức mạnh của ba mũi giáp công, chủ động tiến công và phản công địch. Thực tiễn chiến trường được soi sáng bằng lý luận cach mạng, bằng tư tưởng quân sự Việt Nam, đúc kết thành những bài học sinh động, thiết thực, có tác dụng lôn đẩy mạnh công cuộc chống phá âm mưu "bình định", lấn chiếm của địch ở chiến trường.
***
Trong khí thế tiến công, đồng bào và chiến sĩ cả nước mừng kỷ niệm lần thứ 20 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954-7-5-1974).
Tối 6-5, đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô họp mít tinh trọng thể tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhạ nước tới dự đông đủ.
Sau lời khai mạc của anh Nguyễn Duy Trinh, tôi đọc điễn văn nêu rõ ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, phân tích nguyên nhân thắng lợi và những bài học mang tính thời đại sâu sắc.
Liên hệ với tình hình miền Nam, lúc này là vấn đề thời sự nóng hổi trong mọi quả tim, tôi nêu cao thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ về nước. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của sự chỉ đạo sắc bén, tài giỏi của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của trí tuệ và xương máu của quân và dân ta trong cả nước.
Hướng về miền Nam ruột thịt, tôi khẳng định: "Trong 20 năm qua, với những cố gắng cực kỳ to lớn, đế quốc Mỹ đã không thể nào ngăn nổi ngọn trào cách mạng cuồn cuộn dâng cao trên dải đất này; vậy thì trong bối cảnh lịch sử ngày nay, đế quốc Mỹ đã bị thất bại phải rút khỏi nước ta, bọn tay sai đang gặp những khó khăn chồng chất, chúng không thể nào xoay ngược lại bánh xe lịch sử".
Cuối cùng, tôi kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Phát huy truyền thống quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần anh dũng quật cường của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết triệu người như một, phấn khởi, tin tưởng, hăng hái tiến lên! Chúng ta quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thơng nhất Tổ quốc".
Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng nhạc hùng tráng của ca khúc "Chiến thắng Điện Biên", như hứa hẹn một mùa xuân chiến thắng mới, một Điện Biên Phủ mới.
***
Mùa hè năm 1974, anh Văn Tiến Dũng và tôi đều không được khỏe. Anh Dũng ốm phải đi nghỉ ở nước ngoài. Tôi vẫn còn trong kỳ dưỡng bệnh thường ra nghỉ ở Đồ Sơn.
Tình hình chuyển biến rất nhanh. Không một ai có thể ngồi yên. Tôi tranh thủ làm việc với đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hồi này cũng thường nghỉ ở đấy.
Anh Ba bàn với tôi về một loạt vấn đề chiến lược.
Chúng tôi trao đổi cùng tìm đáp án cho những câu hỏi nóng bỏng: Cuộc chiến tranh ở miền Nam đã đến giai đoạn nào? Thời cơ lớn đã xuất hiện chưa? Đã có điều kiện chín muồi cho một cuộc tổng tiến công chưa? Nếu có, tiến công và nổi dậy như thế nào? Phương hướng chiến lược ra sao?. Thấy sức khỏe của tôi đã dần dần hồi phục, một hôm anh Ba bảo: "Công việc rất quan trọng, khẩn trương. Anh nắm lấy mà làm". Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đến lúc này, gần một năm đã trôi qua. Trước sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đối phương đã bị đẩy lùi với tốc độ ngày càng nhanh trong, thế đi xuống không thể cưỡng, lại nổi. Âm mưu "bình định", lấn chiếm của chúng thất bại rõ rệt.
Hệ thống, đồn bốt bị phá vỡ từng mảng. Cái "da báo" không những không thu hẹp mà còn loang rộng. Quân nguỵ lùi dần vào thế phòng, ngự trên các chiến trường.
Việc Quốc hội Mỹ cắt hẳn ngân sách viện trợ quân sự cho Đông Dương trong sáu tháng còn lại của năm tài chính 1974 kết thúc vào ngày 30-6 năm ấy càng làm cho nguỵ quân, nguỵ quyền khốn đốn. Danh mục các loại nhu cầu thiết yếu bị thiếu hụt tăng lên, bao gồm đạn được dược phẩm và tiền: Các quân y viện không đủ thuốc dùng. Nhiều trường hợp băng phải giặt đi dùng lại. Cái thân tầm gửi cảm thấy hoang mang, nhục nhã một khi quan thầy ở bên kia đại dương tỏ ra chán ngán cuộc chiến tranh ở nơi này.
Ở Mỹ, vụ bê bối Oatơghết đã đến lúc bùng nổ. Chiến dịch đả kích Níchxơn nổi lên khắp nơi. Nước Mỹ sống trong một bầu không khí chính trị ngột ngạt. Níchxơn lúng túng đương đầu với quần chúng và lực lượng đối lập Quốc hội Mỹ không còn bụng dạ nào nghĩ đến việc hà hơi tiếp sức cho chế độ Sài Gòn.
Tôi nêu vấn đề này với anh Ba, cho đây là một yếu tố quan trọng tạo nên thời cơ thuận lợi cho ta. Cần tranh thủ giảnh thắng lợi quyết định ở miền Nam trước kỳ bầu cử ở Mỹ tháng 11-1976. Qua trao đổi, anh Ba và tôi đều thấy đã đến lúc có thể kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam trong vài ba năm tới.
***
Tình hình chiến trường trên đà chuyển biến nhanh.
Bộ Chính trị quyết định họp vào tháng 9-1974 để đánh giá tình hình và xác định quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Các vấn đề chiến lược chủ yếu, như tiến công đánh tiêu diệt lớn quân nguỵ, hướng tiến công chủ yếu thời cơ chiến lược, khả năng can thiệp hoặc quay trở lại của Mỹ, chiếm hầu hết tâm trí tôi. Một mặt, tôi yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu sâu sắc các vấn đề trên, mặt khác tự mình suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến trình bày trong cuộc họp Bộ Chính trị sắp tới.
Lúc này, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng. Tướng nguỵ Dương Văn Minh có lần đã nói: "Ai nắm được đồng bằng sông Cửu Long là nắm được Nam Bộ". Đây cũng là chỗ mạnh của địch, nơi dự trữ nhân lực, vật lực lớn nhất của miền Nam. Kế hoạch "bình định" của địch đang bị đẩy lùi. Ta có khả năng và cần phải đập tan âm mưu của chúng, giành quyền làm chủ vùng này để cắt nguồn bổ sung quân nguỵ, đưa Sài Gòn vào thế bị bao vây.
Làm thế nào để nhanh chóng tạo thời cơ? Cần làm gì để "chớp" thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn quân nguỵ? Những câu hỏi ấy thường trực trong đầu Tôi mang theo chúng ngay cả vào trong giấc ngủ.
Lúc này, bản dự thảo kế hoạch chiến lược đã được chỉnh lý đến lần thứ năm. Dự thảo mang số 133/TG1 ngày 16-5-1974 với nhan đề "Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba năm làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam!"
Quân uỷ chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị thông qua, và nêu một số ý kiến cơ bản:
1. Cần nắm lại toàn bộ tình hình phát triển của chiến trường từ cuối năm 1973 đến nay. Do chiến trường hoạt động tốt, kiên quyết tiến công và phản công địch, hậu phương miền Bắc lại tăng cường chi viện, nên thế và lực mới đã hình thành ngày càng rõ nét. Cần đi sâu nghiên cứu phân tích, đánh giá những nhân tố mới vừa được tạo ra, làm cơ sở cho quyết tâm chiến lược.
2. Việc xây dựng kế hoạch chiến lược, nên tiến hành theo hai bước. Mục tiêu của bước một là giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Ta mạnh hơn địch cả về quân sự và chính trị, làm chủ phần lớn vùng nông thôn và rừng núi. So sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi hẳn. Sang bước thứ hai, dựa trên cơ sở thắng lợi của bước một, phát triển đánh lớn, tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi hoàn toàn.
3. Về hướng chiến lược, trong bước một, nên nghiên cứu chọn nam Tây Nguyên hoặc miền Đông Nam Bộ, cần chú ý nam Tây Nguyên là nơi địch sơ hở, ta có điều kiện tập trung lực lượng lớn, nơi có khả năng tiêu diệt lớn quân địch, tạo được bước ngoặt quy định. Cần tích cực làm đường cơ động, nguỵ trang khéo, giữ bí mật, cồ nhiều biện pháp nghi binh, tạo yếu tố bất ngờ, không để lộ ý định, không để lộ lực lượng, làm cho địch chú ý đề phòng. Trước mắt, chủ lực nên hoạt động ở mức độ vừa phải.
4. Cần có kế hoạch riêng cho miền Bắc, tập trung vào công tác động viên lực lượng, chi viện miền Nam cả về người và vật chất, kỹ thuật, đồng thời phải có phương án tác chiến phòng địch tiến hành trở lại chiến tranh phá hoại hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển nam Khu IV.
5. Về xây dựng lực lượng, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng chiến đấu. Biên chế tổ chức phải hợp lý, tỷ lệ giữa các quân chủng, binh chủng phải cân đối, phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế. Đặc biệt quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến lược.
6. Về cách đánh, cần phát triển kinh nghiệm đánh phá "bình định", đồng thời tổ chức nghiên cứu cách đánh của bộ đội chủ lực tiêu diệt chi khu, quận lỵ, thị xã và các thành phố lớn, tiêu diệt chiến đoàn địch, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiêu diệt sư đoàn địch.
7. Nghiên cứu kế hoạch kết hợp quốc phòng với kinh tế trong đó có việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế và chuẩn bị phục hồi đường sắt ở nam Khu IV.
***
Mấy hôm sau, đồng chí Bí thư thứ nhất cho mời các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn xuống Đồ Sơn, báo cáo tình hình và trao đổi ý kiến, chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị.
Trước khi lên đường, anh Thái và anh Tấn cùng đến gặp tôi. Là những người lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, có nhiều kinh nghiệm về công tác tham mưu và kinh nghiệm tác chiến, các anh đã chuẩn bị kỹ tình hình mọi mặt, dự kiến các chủ trương chiến lược quân sự và tác chiến chiến dịch. Sau khi nghe hai anh trình bày các vấn đề sẽ báo cáo và đề cập với anh Ba, tôi đã nói hết những điều nghiền ngẫm từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, nhất là về quan điểm bạo lực cách mạng, về kế hoạch giành thắng lợi, về quá trình tổng tiến công và nổi dậy sẽ diễn ra khi thời cơ xuất hiện.
Tối 22-7, vừa từ Đồ sơn về, hai anh đến gặp tôi ngay tại nhà riêng. Trời oi bức. Mọi người đều mặc áo sơmi ngắn tay màu sáng. Tôi tiếp các anh trong vườn, dưới ánh trăng, trong không khí gia đình. Anh Hoàng Văn Thái vốn là người bạn chiến đấu thân thiết từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Anh Lê Trọng Tấn là một cán bộ đánh nhiều, đánh giỏi mà tôi rất quý mến qua nhiều chiến dịch. Tôi không ngờ cả hai anh, tuy ít tuổi hơn tôi, lại ra đi vĩnh viễn, để lại cho gia đình, bạn bè và quân đội ta biết bao thương tiếc.
Đêm hôm ấy, các anh báo cáo tỉ mỉ với tôi về cuộc gặp và làm việc với anh Ba.
Vào cuộc họp, anh Ba nêu ba vấn đề lớn:
- Đánh giá tình hình địch - ta.
- Phương hướng chiến lược của ta năm 1975 và vài năm sau ở miền Nam.
- Xây dựng và bảo vệ miền Bắc.
Trọn buổi sáng ngày 20-7, anh Thái và anh Tấn báo cáo tóm tắt bản dự thảo kế hoạch chiến lược, tình hình quân sự, chính trị ở miền Nam có chỉ dẫn trên bản đồ, những công việc lớn đã và đang tiến hành, trong đó có việc chuẩn bị đánh Thượng Đức ở Khu 5 và đợt hai vận chuyển chiến lược của Đoàn 559, việc làm đường chiến lược chiến dịch, xây dựng căn cứ hậu cần ở Trị - Thiên, Khu 5 Tây Nguyên và Nam Bộ, kết quả tuyển quân, xây dựng lực lượng, huấn luyện chiến đấu cho bộ đội và việc chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Các anh cũng báo cáó kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương và Nghị quyết tháng 3-1974 của Quân uỷ Trung ương được Bộ Chính trị thông qua.
Đồng chí Bí thư thứ nhất hỏi kỹ về tình hình Quảng Trị, tình hình miền Đông Nam Bộ, tình hình Quân khu IX, Quân khu 5, về sức chiến đấu của quân nguỵ sau khi quân Mỹ rút. Anh Tấn báo cáo: Khi hỏi tên Nguyễn Văn Thọ, đại tá lữ trưởng nguỵ bị bắt trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, hắn nói: "Nếu không có hậu cần và vũ khí Mỹ, kế hoạch gì rồi cũng rách!". Khi hỏi không có Mỹ thì quân nguỵ chịu được bao lâu. Thọ trả lời: "Chỉ được hai năm".
Anh Thái trình bày thêm về sự cần thiết phải có những đòn quyết định tiêu diệt những tập đoàn chủ lực lớn của địch để nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo bước nhảy vọt. Muốn thế, phải có lực lượng, cơ sở vật chất, phải bảo đảm kỹ thuật, bao đảm hậu cần, phải tạo thế, tạo thời cơ.
Chiều 20 và ngày 21-7, anh Ba phát biểu suy nghĩ của anh về những vấn đề của kế hoạch chiến lược, về thời cơ chiến lược. Anh dành nhiều thời gian phân tích tình hình thế giới có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Với cách nhìn toàn cục, anh Ba nêu rõ vấn đề Việt Nam và Đông Dương đang là sự kiện nổi bật ở khu vực Đông Nam Á, một vùng chiến lược mà nhiều cường quốc, kể cả một số nước lớn ở châu Á đều có tham vọng tranh giành ảnh hưởng. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho Mỹ yếu đi rõ rệt. Một khi Mỹ thua, phải rút quân, nhiều nước sợ Việt Nam thắng và mạnh lên. Các thế lực đế quốc và phản động quốc tế gặp nhau ở điểm này.
Tuy nhiên, các nước ấy đều chưa sẵn sàng và chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc khẩn trương tạo thời cơ và "chớp" thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn càng trở nên cấp thiết.
Về cách đánh, ý kiến của anh Ba là cần nghiên cứu cách đánh như thế nào để thắng to, thắng nhanh, khiến Mỹ không kịp trở tay, các nước khác khó lòng can thiệp.
Muốn đánh lớn, thắng lớn, về chiến lược, chiến dịch, phải có bộ đội chủ lực mạnh, sử dụng từng quân đoàn tiêu diệt sư đoàn địch. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp. Đây là một bài toán khó, phải có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn mới tìm ra đáp số. Cần chuẩn bị như thế nào để sang năm 1975 có thể đánh được quy mô vừa, cũng có thể đánh được quy mô lớn, tiêu diệt từng sư đoàn địch, phải vừa tiêu diệt địch, vừa làm tan rã hàng ngũ chúng. Phải giành cho được bất ngờ. Nên chia cắt địch, mở rộng vùng giải phóng sau lưng địch, tạo thế trận có lợi.
Cần đưa thêm lực lượng ở miền Bắc vào. Chú ý đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, phong trào này đang được các yếu tố khác thúc đẩy, nhất là mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ địch. Sắp tới, Níchxơn có thể đổ, Pho sẽ lên thay. Ta cần đưa phong trào lên mạnh để có thêm thế mới và lực mới. Anh Ba nói: "Giành được thắng lợi quyết định trong vài ba năm tới là giỏi, giỏi lắm".
Sau khi làm việc với đồng chí Bí thư thứ nhất, trên đường về Hà Nội, các anh suy nghĩ nhiều về thời cơ chiến lược. Rõ ràng tình hình đòi hỏi cần phải khẩn trương hơn.
Được thêm ý kiến của anh Ba, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh bản đề cương về kế hoạch chiến lược, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ Chính trị.
***
Tình hình tiếp tục chuyển nhanh. Trước áp lực không thể cưỡng lại từ nhiều phía, ngày 9-8-1974, Níchxơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Tin này đến với Thiệu như một đòn sét đánh. Giêrôn Pho, Phó Tổng thống kể từ ngày Ácniu từ chức lên tạm thay cho đến khi bầu tổng thống mới vào năm 1976. Nước Mỹ đứng trước bao khó khăn. Quốc hội Mỹ lại tiếp tục cắt giảm viện trợ cho nguỵ quyền Sài Gòn chỉ còn 701 triệu đôla cho tài khoá 1974-1975, không bằng một nửa số viện trợ trong tài khóa 1972-1973. Để xoa dịu, Pho đã cho Thiệu một liều thuốc an thần: "Tôi biết rằng bước đầu tiên trong năm tài chính hiện nay được Quốc hội phê chuẩn để giúp cho Việt Nam cộng hoà, cả về quân sự lẫn kinh tế đã làm cho ngài phải lo lắng. Quá trình lập pháp của chúng tôi thì phức tạp và chưa hoàn chỉnh. Mặc dù cần có thêm một thời gian để thuyết phục Quốc hội, tôi cam kết lần nữa để ngài tin tưởng ở tôi rằng cuối cùng sự ủng hộ của chúng tôi sẽ đầy đủ cho cả quân viện lẫn kinh viện".
Trên chiến trường, hoạt động của quân nguỵ giảm đi trông thấy. Rõ nhất là các hoạt động của không quân, pháo binh và phương tiện cơ động. Tuy vẫn lớn tiếng hò hét chiến tranh, Nguyễn Văn Thiệu đã phải kêu gọi binh lính nguỵ "đánh theo kiểu con nhà nghèo"(!)
Ở B2 (Nam Bộ và Khu 6), địch bị đẩy lùi. Ở Khu 5, chúng bị chặn lại. Phát huy thắng lợi, quân ta chủ động chọc thủng tuyến phòng thủ Sài Gòn của nguỵ ở cửa ngõ phía bắc (đường 7, Rạch Bắp, Bến Cát). Mặc dù địch thường xuyên lấn chiếm, quân ta vẫn kiên cường giữ vững khu giải phóng Lộc Ninh bằng mọi giá, theo yêu cầu của Quân uỷ Trung ương. Địch thất bại trong kế hoạch "bình định" các vùng đông dân. Vùng địch kiểm soát ngày càng thu hẹp. Lực lượng địch bị co kéo khắp nơi. Quân ta không những đã giành lại tất cả các vùng giải phóng như trước ngày 28-1-1973, mà còn giải phóng thêm hàng chục xã ở đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ kháng chiến được mở rộng và củng cố khá vững vàng.
B2 đã có những nỗ lực rất lớn cả về tác chiến lẫn chuẩn bị chiến trường cho mùa khô tới. Nổi bật lên lúc này là trận quân ta tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức ở Khu 5 từ ngày 29-7-1974 đến ngày 7-8-1974, giải phóng quận lỵ Thượng Đức và bốn xã gồm 13.000 dân, sau đó đánh bại các đợt phản kích của sư đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân nguỵ. Đây là một trận then chốt trong chiến dịch mùa thu 1974 của Khu 5. Thượng Đức là vị trí án ngữ cửa ngõ của căn cứ liên hợp Đà Nẵng. Trong trận này, quân nguỵ phản ứng chậm, lực lượng cơ động phải điều động chắp vá vì thiếu quân và không đủ phương tiện để chở quân. Tinh thần quân chủ lực và quân địa phương nguỵ đều sa sút. Lần đầu tiên một sư đoàn chủ lực của ta cùng quân và dân địa phương đánh bại một sư đoàn dự bị chiến lược của quân nguỵ.
Cùng với thắng lợi ở Nông Sơn, Tiên Phước, Minh Long (Khu 5) Tánh Linh (Khu 6), Nha Bích, Tống Lê Chân (Đông Nam Bộ), trận Thượng Đức cho phép rút ra nhận định: quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn quân chủ lực cơ động của nguỵ. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất. Quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh.
Đối với cấp chiến lược, nhận định đầy sức thuyết phục này có liên quan rất lớn đến việc hạ quyết tâm chiến lược.
Tại Tổng hành dinh, hằng ngày theo dõi chặt chẽ chuyển biến của chiến trường, tôi thấy tình hình phát triển với nhịp độ ngày càng tăng, có khả năng đột biến. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta suốt 20 năm qua đã chuẩn bị tiền đề cho những bước nhảy vọt sẽ diễn ra. Tình hình chiến trường miền Nam và sự rối loạn trong nội tình nước Mỹ, xét cho cùng cũng do sức mạnh đấu tranh, trí tuệ và xương máu của ta tạo lên.
Nhân tố chủ quan, nhất là sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, đối với chiến trường, sự điều hành chiến tranh giải phóng và chỉ đạo chiến lược trong từng thời kỳ của Bộ thống soái tối cao là vô cùng quan trọng.
Vì sao đầu năm 1973, ta đang ở thế thắng, thế áp đảo địch phải chịu lùi bước, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu, thế mà sau Hiệp định Paris, tình hình bỗng trở nên khó khăn, thậm chí có nguy cơ đảo ngược? Vì sao một khi lãnh đạo, chỉ huy kiểm điểm, vạch rõ được sai lầm, nêu được chủ trương, phương hướng hành động đúng đắn thì chẳng bao lâu, ta lại giành thế chủ động và tiến mạnh, tiến nhanh.
Trách nhiệm của người lãnh đạo, của cơ quan đầu não nặng nề biết bao trước vận mệnh của Tổ quốc. Một sự lãnh đạo, chỉ huy chiến lược đúng chỉ có thể có được khi lãnh đạo biết nắm vững phương pháp luận biện chứng, biết nhìn thẳng vào sự thật, biết tự phê bình và phê bình nghiêm túc, kết hợp lý luận với thực tiễn rút ra những bài học kịp thời.
***
Ra nghỉ ở Đồ Sơn, tôi thường ở tại biệt thự số 2, cũng có lần tại nhà khách gần Pagốtđông (Pagodon), trong khu trung tâm, hồi ấy chưa mở cho khách du lịch.
Trong thời gian này, đồng chí Võ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến làm thư ký giúp tôi làm kế hoạch chiến lược. Đôi khi còn có đồng chí Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao giúp viết bài theo yêu cầu của các báo, đồng chí Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn giúp thảo bài diễn văn quan trọng kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Quân đội nhân dânViệt Nam tháng 12 năm ấy.
Kế hoạch chiến lược được giữ tuyệt đối bí mật. Đồng chí Võ Quang Hồ được bố trí ở riêng. Hằng ngày làm việc, mọi tài liệu đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo mật.
Theo hướng dẫn của anh Tôn Thất Tùng, sáng sáng tôi đi bộ quanh bán đảo Đồ Sơn, leo lên các mỏm đồi, đi dọc theo đường mòn nối liền các điểm cao có rừng thông bao phủ, đến 9 giờ sáng mới trở về. Vừa đi vừa suy nghĩ, khi dừng lại ở dọc đường, tôi thường trao đổi công việc với các đồng chí cùng đi. Cũng là "nhất cử lưỡng tiện", vừa rèn luyện sức khỏe vừa nghĩ ra được ý kiến hay.
Trong những ngày hè ở Đồ Sơn, công việc chủ yếu là chuẩn bị kế hoạch chiến lược giành thắng lợi ở miền Nam. Tôi đã đọc cho đồng chí Võ Quang Hồ ghi từng phần của bản kế hoạch, từ nhận định tình hình địch - ta, tình hình quốc tế đến ý định chiến lược và các bước đi cụ thể. Đây là lần dự thảo thứ sáu.
Tình hình Mỹ và thế giới lúc này rất có lợi cho ta.
Vấn đề phải cân nhắc kỹ là khả năng Mỹ lại vào cứu nguy cho nguỵ. Đọc các tài liệu của Bộ Ngoại giao và nghe báo cáo của Cục Quân báo, tôi đi đến nhận định nếu ta chuẩn bị chu đáo, nắm chắc thời cơ, đánh đổ nguỵ quyền nhanh, gọn, thì có thể Mỹ không dám vào.
Nếu nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ lớn, nhưng tình hình còn nhùng nhằng, Mỹ thấy vào có thể cứu được nguỵ, thì cũng có thể Mỹ dùng không quân, hải quân can thiệp ở miền Nam rồi mở rộng ra miền Bắc, hoặc đồng thời đánh phá, phong toả cả miền Bắc và miền Nam. Khả năng Mỹ dùng lục quân có ít. Tuy vậy, ta cũng phải vừa đánh vừa theo dõi phản ứng của Mỹ, hạn chế khả năng can thiệp của chúng.
Các chiến trường đang phát triển tiến công, nhất là từ tháng 4-1974. Với lực lượng hiện có ở miền Nam, ta có khả năng giành lại phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Khu 5, thực hiện các chỉ tiêu giành dân, giành đất, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn chỉnh vùng giai phóng và căn cứ địa miền núi, chia cắt địch ra từng khu vực, xây dựng, củng cố thêm một bước hậu phương ở miền Nam. Phong trào thành thị trước mắt còn yếu nhưng đã có tiền đề cách mạng to lớn và ngày càng chín muồi, nên có khả năng phát triển và phát triển nhảy vọt khi nguỵ quân, nguỵ quyền lâm vào thế khủng hoảng toàn diện. Về khả năng khởi nghĩa lớn ở thành thị còn phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thúc đẩy phong trào phát triển nhanh.
Mục đích trước mắt của ta là đánh đổ nguỵ quyền địa phương, giải phóng nông thôn, buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris, tạo điều kiện phát triển mạnh phong trào thành thị, tiến lên đánh đổ nguỵ quyền trụng ương.
Phương pháp là tiến công và nổi dậy, phát triển lên đỉnh cao là tổng tiến công - tổng khởi nghĩa khi có thời cơ.
Căn cứ vào những ý kiến đã thảo luận trong Bộ Chính trị, tôi phác thảo ra ý định chiến lược là động viên nỗ lực cao nhất, chuẩn bị khẩn trương, đầy đủ nhất cả ba đòn chiến lược: chủ lực, nông thôn, thành thị nhằm giành thắng lợi cao nhất. Sẽ tùy tình hình cụ thể về địch, về ta, về quốc tế, tùy mức độ của thời cơ chủ yếu do chủ quan tạo nên mà quyết định mức độ giành thắng lợi, mức độ sử dụng lực lượng cơ động của miền Bắc, hoặc giành thắng lợi triệt để, hoặc giành thắng lợi cơ bản, lập chính phủ liên hiệp quá độ ba thành phần, thi hành Hiệp định Paris, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi triệt để, về hướng tiến công chủ yếu, trên cơ sở các phương án tác chiến do Tổ trung tâm đề xuất, dự thảo kế hoạch đề ra tiến hành ba đòn chiến lược trên cả ba vùng, trong đó đô thị có tầm quan trọng quyết định, đặc biệt là Sài Gòn và Đà Nẵng. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Trong bước một, kế hoạch đề ra trong các năm 1974, 1975, 1976, với lực lượng của miền Nam, ta giành phần lớn nông thôn miền Nam, hoàn chỉnh vùng giải phóng, hình thành thế bao vây áp sát các thành phố, thị xã, tạo nên sự uy hiếp ngày càng lớn, đồng thời phát triển nhanh lực lượng chính trị, đẩy mạnh phong trào công khai, hợp pháp của lực lượng thứ ba và phong trào đấu tranh chính trị quần chúng cơ bản ở thành thị. Phát động toàn dân làm công tác binh vận. Chủ lực tác chiến tiêu diệt từng sư đoàn nguỵ. Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ triển khai bám sát các mục tiêu không quân, hậu cần, cơ quan đầu não. Hoàn thành kế hoạch làm đường chiến lược chiến dịch, bảo đảm vận chuyển vật chất, cơ động nhanh chóng bộ đội, chuẩn bị đánh lớn. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Sang bước hai, sẽ đẩy nhanh điều kiện chín muồi, nắm vững thời cơ tổng tiến công tổng khởi nghĩa với điều kiện ta đã giành phần lớn nông thôn, bao vây áp sát thành phố, thị xã, chủ lực ta tiêu diệt được sư đoàn nguỵ trong thời gian ngắn. Quân nguỵ liên tiếp thất bại về chiến lược; nguỵ quyền mâu thuẫn, khủng hoảng nghiêm trọng, bị cô lập cao độ, nội bộ chia rẽ, phân hoá, ta tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế.
Dự thảo kế hoạch dự kiến các điều kiện khách quan, chủ quan có thể chín muồi vào đầu năm 1977, xác định kế hoạch năm 1976, nêu rõ các mặt công tác chuẩn bị, các chỉ tiêu phát triển lực lượng, giai phóng đất đai, chú ý nghi binh, giữ bí mật, bất ngờ.
Tháng 8-1974, anh Văn Tiến Dũng đi chữa bệnh ở nước ngoài về. Cùng trao đổi với nhau, anh Dũng và tôi đều nhất trí trên tất cả các vấn đề. Ngay sau khi làm xong, bản kế hoạch dự thảo được gửi đến các đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí chủ chốt trong Quân uỷ Trung ương. Bộ thống soái tối cao đã nhìn thấy thời cơ chiến lược đang tới gần. Vấn đề bây giờ là quyết tâm và phương pháp cách mạng.
Việc xảy dựng các "quả đấm thép" trong giai đoạn cuối của chiến tranh, một vấn đề mà tôi nhiều lần đề xuất sau ngày ký Hiệp định Paris, được xúc tiến mạnh mẽ. Được Bộ Chính trị đồng ý, ngay sau khi hội đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Tổng tư lệnh khẩn trương xây dựng ba quân đoàn chủ lực cơ động: Quân đoàn I mang tên Quyết Thắng thành lập ngày 24-10-1973, tiếp đó, ngày 17-5-1974, Quân đoàn II (Quân đoàn Hương Giang) và ngày 20-7-1974, Quân đoàn IV (Quân đoàn Cửu Long) lần lượt ra đời.
***
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày truyền thống của Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn 308 (28-8-1949-28-8-1974), tôi mời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại đoàn 308 trước đây có vinh dự được Mặt trận Việt Minh - Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tặng thanh kiếm mang dòng chữ "Mã đáo thành công", ý nghĩa là đánh đâu thắng đó.
Trong đội hình của Quân đoàn Quyết Thắng, với tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận lệnh xuất quân, các chiến sĩ Quân tiên phong tổ chức kỷ niệm trọng thể ngày truyền thống vẻ vang của mình theo đúng nghi thức chính quy. Bộ đội vui mừng đón Bác Tôn kính mến như được đón hình ảnh của miền Nam ruột thịt. Sau khi cùng Bác Tôn đi duyệt đội danh dự, tham dự lễ diễu binh, tôi thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho bộ đội: "Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Miền Bắc đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai còn ngoan cố tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân mới.
Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta. Chúng ta nhất định thắng
Các đồng chí cán bộ các cấp phải gương mẫu, sư đoàn phải ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là trình độ quản lý bộ đội, quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong thời điểm quan trọng này, các đồng chí hãy khẩn trương xây dựng sư đoàn chính quy, hiện đại, dũng cảm, thiện chiến, sẵn sàng chiến đấu cao, hễ ra quân là đánh thắng và thắng to, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, xứng đáng với danh hiệu Sư đoàn Quân tiên phong, góp phần cống hiến lớn nhất vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt và nghĩa vụ quốc tế".
Suốt dọc đường về, ngồi cạnh Bác Tôn, những kinh nghiệm và ký ức về xây dựng và sử dụng bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Pháp, nhất là ở Điện Biên Phủ, lại hiện ra trong đầu óc tôi, cùng với hình ảnh lá cờ "Chiến thắng", thanh kiếm "Mã đáo thành công" và những gương mặt trẻ, khỏe của các chiến sĩ Sư đoàn 308.
***
Cuối tháng 8-1974, Bộ Tổng Tham mưu tập trung nắm chắc tình hình, xác minh tin tức, chuẩn bị tài liệu cần thiết phục vụ Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tôi tranh thủ làm việc với Tổ trung tâm. Để có một cái nhìn tổng quát, trong một lần làm việc ở Hà Đông với đồng chí Nguyễn Đông, Chánh văn phòng Quân uỷ và các đồng chí Vũ Lăng, Võ Quang Hồ, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, chúng tôi sơ bộ trao đổi ý kiến về quy luật chiến tranh nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, trên cơ sở đó tìm phương hướng hành động ở chiến trường miền Nam trong tình hình mới. Điểm lại từ Cách mạng Tháng Tám cho đến lúc này, phải chăng quy luật ấy là sử dụng bạo lực cách mạng, tiến hành khởi, nghĩa toàn dân và chiến tranh toàn dân, phát động cao trào cách mạng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đánh địch toàn diện cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược bằng các chiến dịch tổng hợp, các cách đánh sáng tạo có hiệu suất cao, nhằm đúng mục tiêu chiến lược, tạo thời cơ thực hiện những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định để làm chuyển biến tình hình và giành thắng lợi. Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam khi quân Mỹ đã rút đi cũng không ngoài quy luật ấy.
Trước mắt, cần tổng kết cách đánh quân nguỵ bình định, lấn chiếm, tăng thêm người và hoả lực, bảo đảm quân số tiêu đoàn địa phương có đủ 300, tiểu đoàn chủ lực 400, miền Bắc khẩn trương tổ chức từng tiểu đoàn, đại đội hoả lực mạnh đưa vào chiến trường, tiến tới trung đoàn phải diệt được quận lỵ, chi khu quân sự, tiểu đoàn diệt đại đội địch. Khu 8 và Khu IX chưa có sự chỉ huy thống nhất, nên chăng thành lập một Bộ chỉ huy chung.
Về hướng tiến công chiến lược là nam Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột, tôi dựa vào những suy nghĩ đã có từ những ngày kháng chiến chống Pháp, về tầm quan trọng và vị trí chiến lược quân sự của Tây Nguyên kết hợp với thực tiễn chiến trường lúc này và những chỗ mạnh, chỗ yếu trong thế bố trí chiến lược của Mỹ - nguỵ. Nhiều nhà quân sự, cả ta và địch, đều nói nắm được Tây Nguyên là khống chế được toàn bộ chiến trường miền Nam Đông Dương. Đây là cái mái nhà của địa bàn miền Nam bán đảo này. Thế bố trí chiến lược "mạnh hai đầu" của Mỹ - nguỵ nhằm đối phó với ta ở phía bắc (Trị - Thiên) và ở phía Nam (Quân khu III và IV nguỵ) càng lộ rõ nam Tây Nguyên là địa bàn vừa hiểm yếu, vừa yếu lại vừa sơ hở.
Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tổng Tham mưu đã phát hiện rất sớm những nhược điểm của địch ở nam Tây Nguyên. Trong khi bố trí lực lượng rất mạnh ở Vùng I chiến thuật (từ Quang Trị đến Quảng Ngãi) để giữ địa bàn giáp giới với miền Bắc, thì ở Vùng II chiến thuật (bao gồm cả Tây Nguyên), địch chỉ bố trí một lực lượng vừa phải. Riêng ở Tây Nguyên, địch đề phòng ta ở phía Bắc (Pleiku - Kon Tum) nhiều hơn là ở phía nam (Buôn Ma Thuột).
Ngay từ giữa năm 1973, trong bản "Đề cương kế hoạch chiến lược" dự thảo lần đầu tiên, Tổ trung tâm đã đề nghị: "… Hướng chủ yếu của các đòn chủ lực: Tây Nguyên, Miền Đông, Trị - Thiên, Quảng Đà. Chủ yếu là Tây Nguyên vì: địa hình tốt, bảo đảm phát huy được binh khí kỹ thuật; kết hợp được đòn chủ lực với tiến công, nổi dậy ở đồng bằng Khu 5; bảo đảm được liên tục tiến công; có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất; địch hiện nay tương đối yếu…".
Anh Dũng và tôi đã xem và cho ý kiến để Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch.
Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo, với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, đã nêu ý kiến: khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành.
Mấy hôm sau, tôi mời cơm anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân tại gia đình. Lúc đó, trong cán bộ ta có hai ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ: một số đồng chí chọn Tảy Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, một số khác chọn đồng bằng Nam Bộ. Trong lúc chuyện trò thân mật, tôi đã nói với hai anh: "Thế nào ta cũng đánh Tây Nguyên trước".
Việc chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính còn là suy nghĩ của nhiều đồng chí khác. Tháng 7-1974, khi gặp tôi cũng như khi gặp các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn ở Đồ Sơn, anh Ba có nhắc đến Tây Nguyên.
Đồng chí Lê Trọng Tấn đã có lần ra tình huống tập bài cho học viên trường bổ túc quân sự cấp cao: "Nếu chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu thì mục tiêu đầu tiên là ở đâu?". Tuyệt đại đa số đáp án của học viên đều thống nhất chọn hướng nam, đánh vào Buôn Ma Thuột.
Sau này, anh Lê Hữu Đức kể lại: Một buổi sáng mùa hè năm 1973, đồng chí Bí thư thứ nhất gọi anh lên báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi chuẩn bị ra về, anh Ba hỏi:
- Bộ Tổng Tham mưu đang làm gì?
- Dạ, đang dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
- Thế à! Đồng chí có thể báo cáo cho tôi nghe được không?
Liên tục trong vòng hai tiếng đồng hồ, anh Đức báo cáo bản Đề cương dự thảo. Anh Ba nghe rất chăm chú.
Cuối cùng anh chỉ thị:
- Chiều nay, mời cả tổ sang làm việc với tôi.
Buổi chiều, các anh Lê Trọng Tấn, Vũ Lăng, Lê Hữu Đức sang nhà riêng của anh Ba. Sau khi nghe anh Tấn báo cáo, nội dung gần như anh Đức báo cáo buổi sáng, anh Ba nói:
- Tôi đang suy nghĩ như vậy. Hôm nay nghe xong, Tổ trung tâm lại củng cố suy nghĩ đó của tôi. Tôi sẽ báo cáo với Bộ Chính trị.
Trên đường về, anh Tấn dặn anh Lăng và anh Đức:
- Vấn đề tuyệt mật, để tôi trực tiếp báo cáo anh Dũng và anh Văn.
Sáng thứ ba tuần sau, trước khi thảo luận, anh Tấn nói lại ý của anh Dũng và anh Văn cho toàn tổ: "Anh Dũng chỉ thị đánh đúng vào Buôn Ma Thuột là chỗ yếu chí tử của địch. Đánh được vào đấy mới thắng to. Làm đường là rất hợp "khẩu vị" của anh Văn, vì có đường mới sử dụng được pháo lớn, xe tăng, mới đánh lớn được Anh Văn bảo mình bàn kỹ với anh em công binh, cố gắng làm đường để đánh vào Buôn Ma Thuột. Anh còn nhắc kinh nghiệm Điện Biên Phủ, bắc Quảng Trị. Đường quan trọng lắm".
Rõ ràng, việc chọn hướng chiến lược Tây Nguyên, chủ yếu là nam Tây Nguyên và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu tiến công đầu tiên không phải mới được đặt ra trong những ngày này.
***
Ngày 27-9, trong buổi hội ý công tác của Bộ Chính trị, anh Ba nêu ra năm nội dung để chuẩn bị thảo luận.
Đó là chủ trương kế hoạch của cách mạng miền Nam năm 1975 và những năm sau, nhiệm vụ của quân đội, tổ chức bộ máy nhà nước, công tác cán bộ và một số công việc khác. Anh gợi ý: Điểm nổi bật trong so sánh lực lượng là ta chủ động, địch bị động, thế và lực của Mỹ - nguỵ đã khác trước và có thể còn khác nữa. Ta phải có cách đánh khiến Mỹ phải chịu, cần đẩy lực lượng địa phương lên giải quyết cho được chi khu, quận lỵ, chủ lực đánh cỡ tiêu đoàn, trung đoàn, diệt sinh lực của địch từ ngoài vào trong, tiến lên diệt sư đoàn, thị xã. Cần chú ý đặc công. Nhằm vào các cơ quan đầu não, cơ sở vật chất, sân bay, bến cảng, đường giao thông. Trong mấy năm, làm thay đổi so sánh lực lượng, tạo thời cơ, chuẩn bị đòn quyết định bằng tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Yêu cầu tập trung làm kế hoạch, tổ chức lực lượng, tổng kết cách đánh, với tinh thần tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt.
Căn cứ vào tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu bổ sung kế hoạch chiến lược. Một bản đề cương mới: "Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam" mang số 172/TG1 đã làm xong ngày 26-8-1974.
Cũng trong thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ B2 gửi ra Trung ương và Quân uỷ Trung ương một kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành sự nghiệp cách mạng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Như vậy là cả phía trước và phía sau, từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đến các chiến trường đã gặp nhau trong quyết tâm giành thắng lợi cluyết định trong vài ba năm tới. Vấn đề còn lại là phương án hành động tối ưu để giành thắng lợi sớm nhất, gọn nhất, tiết kiệm xương máu nhất.
***
Ngày 30-9-1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc tại Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, anh Võ Chí Công lúc này đang có mặt ở Thủ đô cũng được mời đến dự.
Trên các bức tường quanh phòng họp, Cục Tác chiến treo sẵn những tấm bản đồ quân sự lớn tỷ lệ 1/500.000, với các ký hiệu thể hiện tình hình chiến sự mới nhất.
Đáng chú ý là bản đồ trận tiến công của quân ta tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn, quận lỵ Thượng Đức và các đợt phản kích của các lữ đoàn địch đã bị ta đánh bại ở Khu 5.
Hội nghị dành hẳn hai ngày để nghe báo cáo.
Anh Hoàng Văn Thái trình bày tình hình quân sự - chính trị của miền Nam chín tháng qua. Với những dẫn chứng cụ thể, bản báo cáo cho thấy đối phương đã bị thất bại một bước nghiêm trọng trong âm mưu "bình định", lấn chiếm, bộc lộ những suy yếu và những khó khăn mới. Số cuộc hành quân lấn chiếm giảm dần. Các cuộc hành quân giải toả tăng lên. Địch đang ở thế đi xuống rõ rệt. Tuy vậy, quân địch còn đông, hoả lực, phi pháo tuy đã rất hạn chế nhưng vẫn còn hoạt động, bộ máy kìm kẹp còn khống chế được nhân dân trong vùng địch kiểm soát.
Từ tháng 4 trở đi, tình hình chuyển biến nhanh hơn. Địch không còn đủ sức đối phó với các cuộc tiến công và phản công của ta. Vùng giải phóng được mở rộng. Đối với mót số vùng ở Tây Nguyên, Khu 5 và miền Đông Nam Bộ, địch đã phải bỏ hẳn. Tinh thần quân nguỵ rệu rã, số đào ngũ tăng gấp ba lần năm 1973. Địch không còn đủ sức đánh vào tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Nếu Mỹ tiếp tục cắt giảm viện trợ, nguỵ sẽ còn suy yếu nhanh hơn nữa. Mỹ không còn khả năng đưa quân bộ vào miền Nam. Nếu dùng không quân và hải quân can thiệp, Mỹ cũng không thể cứu nguỵ khỏi sụp đổ.
Về phía ta, phong trào chống đối Mỹ - Thiệu của các tầng lớp nhân dân ở đô thị lên mạnh. Vùng giải phóng được củng cố. Bộ đội chủ lực có nhiều tiến bộ, nhưng còn phải nâng cao hơn nữa trình độ tảc chiến hiệp đồng binh chủng, đánh địch trong công sự, đánh tiêu diệt lớn.
Trong trận Thượng Đức, tuy diệt được địch, nhưng quân ta đánh chưa thật gọn. Việc chi viện chiến trường đang xúc tiến, nhưng còn phải đẩy mạnh hơn nữa trong mấy năm tới, nhất là trong năm 1975. Báo cáo đề nghị cho tuyển thêm 15 vạn chiến sĩ mới vào cuối năm 1974 và 6 vạn nữa vào đầu năm 1975 để có đủ lực lượng thực hiện kế hoạch giành thắng lợi. Đây là một số lượng rất cao so với tỷ lệ dân số, nhưng không thể làm khác được.
Tiếp đó, anh Lê Trọng Tấn báo cáo đề án kế họạch, chiến lược hai năm và riêng năm 1975, với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Kế hoạch chiến lược gồm hai bước:
Bước 1 (1975): Tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp nhằm:
1. Đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định" của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân nguỵ, giải phóng và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven Sài Gòn, đồng bằng Khu 5 và Trị - Thiên.
2. Mở thông hành lang chiến lược từ nam Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ và ba tỉnh phía nam Khu 5, từ Tây Ninh xuống bắc Sài Gòn, từ Tây Ninh xuống Long An, xuống tây nam Sài Gòn, từ Kiến Phong, Kiến Tường đến Mỹ Tho. Mở các căn cứ bàn đạp, áp sát các đô thị và căn cứ trọng yếu của địch.
3. Phá huỷ một bộ phận quan trọng phương tiện chiến tranh, tiềm lực kinh tế, cắt giao thông địch.
4. Thúc đẩy phong trào đô thị phát triển.
5. Xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện cho bước hai.
Kế hoạch chiến lược năm 1975 chia làm ba đợt:
- Đợt 1: Từ tháng 12-1974 đến tháng 2-1975, là đợt tiến công có mức độ. Hoạt động chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Đợt 2: Là đợt chủ yếu. Từ tháng 3 đến tháng 6-1975, mở chiến dịch tiến công quy mô lớn trên chiến trường nam Tây Nguyên và các chiến dịch phối hợp ở miền Đông Nam Bộ, bắc Khu 5 và Trị - Thiên. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục tiến công và nổi dậy, mở mảng, mở vùng, đánh phá "bình định".
Đợt 3: Từ tháng 8 đến tháng 10-1975 là đợt phát triển thắng lợi bằng đây mạnh hoạt động ở Trị - Thiên và Khu 5, đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng thực hiện phương án thời cơ.
Bước 2 (1976): Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Về hướng chiến lược và nhiệm vụ của từng chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị:
- Trị - Thiên, Quảng Đà là chiến trường đánh phá "bình định", tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn, chia cắt chiến lược.
- Tây Nguyên (trọng điểm là nam Tây Nguyên) là chiến trường chủ yếu của chủ lực tiêu diệt lực lượng địch.
- Nam Bộ: Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven Sài Gòn là chiến trường chủ yếu đánh phá "bình định" nhằm hoàn thành thế bao vây và cô lập Sài Gòn.
Miền Đông là chiến trường của chủ lực, tiêu diệt lực lượng địch, mở mảng, mở vùng, mở hành lang Tây Ninh và phối hợp với Khu 8 mở hành lang Kiến Phong - Kiến Tường, tạo bàn đạp áp sát Sài Gòn - Mỹ Tho.
Về thời cơ chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu dự kiến thời cơ có thể xuất hiện trong ba tình huống:
1. Khi ta đánh mạnh nhất vào đợt hai năm 1975.
2. Ngay trong mùa mưa ở Nam Bộ.
3. Những tháng cuối năm 1975, khi nguỵ tổ chức bầu tổng thống.
Phương hướng là: "Kiềm chế Mỹ, đánh đổ nguỵ, hạn chế chiến tranh ở phạm vi miền Nam, đồng thời sẵn sàng đối phó phản ứng quyết liệt của Mỹ bằng không quân, hải quân và quân cứu hoả".
Trong bản báo cáo, Bộ Tổng Tham mưu cũng trình bày cụ thể kế hoạch hậu cần chiến lược làm cơ sở cho việc đặt kế hoạch tác chiến chiến lược và những mục tiêu cần đạt tới, nhất là trong năm 1975, về khả năng can thiệp trở lại của Mỹ khi ta đánh lớn, khả năng vật chất kỹ thuật của ta để đánh lớn, về khả năng nổi dậy của quần chúng ở các đô thị, nhất là ở Sài Gòn.
Tôi phát biểu ý kiến bổ sung, nêu rõ lúc này thế và lực của ta đang phát triển nhanh chóng theo chiều hướng có lợi. Tình hình đó cho phép ta chuẩn bị ngay kế hoạch tiến tới tổng công kích, mở đầu là tổ chức các đợt tiến công tiêu diệt lớn quân địch, sau đó đánh vào các thành phố. Địch còn có những chỗ mạnh. Xương sống của địch là quân đội nguỵ, được coi là mạnh nhất trong các đội quân tay sai của đế quốc. Bên cạnh chúng, vẫn còn cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ. Đầu não của chúng đang ở các đô thị, nhất là ở Sài Gòn. Kế hoạch bình định được chúng coi là cơ sở, tạo nguồn dự trữ để thực hiện "Việt Nam hoá chiến tranh". Tuy nhiên, địch đang trên đà đi xuống. Viện trợ Mỹ không ngừng bị cắt giảm. Tinh thần quân nguỵ rệu rã, binh sĩ phần lớn bị bắt buộc đi lính, sức chiến đấu sút kém rõ rệt. Nguỵ quyền cũng suy yếu trầm trọng. Mâu thuẫn giữa chúng với chủ Mỹ ngày càng tăng. Nguỵ quyền Sài Gòn đang đứng trước những khó khăn về kinh tế - xã hội vô phương cứu vãn. Đế quốc Mỹ đang lúng túng. Phong trào phản chiến từ sau Hiệp định Paris càng lên cao. Nạn lạm phát xuất hiện. Đảng Cộng hoà bị vụ bê bối Oatơghết trói chặt chân tay. Mỹ rất khó đưa quân trở lại miền Nam. Đây là hoàn cảnh khách quan hết sức thuận lợi, ta cần tận dụng, không được bỏ lỡ.
Khó khăn của địch là thuận lợi của ta. Cách mạng miền Nam đang chuyển mạnh theo hướng đi lên. Chiến trường Nam Bộ bước vào một mùa mưa chưa từng có.
Bất chấp thời tiết khó khăn, quân và dân ta đẩy mạnh mọi mặt hoạt động tạo thế mới và lực mới, cả vật chất và tinh thần. Ta tiêu diệt một bộ phận khá lớn sinh lực của địch, giữ vững các "lõm giải phóng" ở đồng bằng sông Cửu Long, xung quanh Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng và căn cứ địa rộng lớn, duy trì được thế uy hiếp địch về mặt chiến lược. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, dự trữ cho chiến đấu cũng rất khả quan. Ngành hậu cần, Đoàn Trường Sơn đã vận chuyển với khối lượng lớn, "lót ổ" hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, xăng dầu, tạo thêm thế mạnh, chuẩn bị đủ cho bộ đội chiến đấu trong một năm rưỡi, xây dựng lực lượng, nhất là xây dựng những "quả đấm chủ lực", thu được nhiều kết quả. Bộ đội chủ lực đã triển khai hầu hết ở miền Nam.
Tôi đặc biệt lưu ý hội nghị về trận Thượng Đức, qua đó thấy rõ khi không dựa được vào sự chi viện lớn của không quân Mỹ, khi không còn nhiều đạn pháo để sử dụng thì sức chiến đấu của quân nguỵ rất yếu cả trong tiến công cũng như trong phòng ngự. Cuối cùng, tôi khẳng định thời cơ chiến luớc đã đến, cần khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị, cần có những trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt lớn quân địch để giành toàn thắng.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị phát biểu ý kiến rất sôi nổi. Thận trọng, khúc chiết, rạch ròi từng ý, anh Trường Chinh nêu rõ Mỹ đang đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là thay ngựa giữa dòng như đã thay Ngô Đình Diệm trước kia, hoặc là can thiệp có mức độ để cứu vãn tình thế. Ta cần lợi dụng thời cơ Mỹ đang bê bối về nhiều mặt, tranh thủ giành thắng lợi quyết định.
Anh Phạm Văn Đồng nhắc lại lần gặp Kítxinhgiơ năm ngoái. Trả lời câu hỏi: Dân tộc Việt Nam đã ba lần thắng quân Nguyên. Còn các ông, liệu các ông đánh chúng tôi mấy lần? Nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã giơ lên một ngón tay. Rồi anh khẳng định: Nước Mỹ đang bê bối lắm! Cho kẹo, quân Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam.
Anh Nguyễn Duy Trinh cũng đồng ý như vậy, và nói tiếp: Tuy nhiên, ta vẫn cần phải đề phòng.
Mọi người đều nhất trí một khi Mỹ đã rút quân ra thì khó lòng trở vào lại miền Nam. Vào bằng lục quân đã khó, còn nếu vào bằng không quân thì không quyết định được chiến trường, làm sao cứu được nguỵ? Mỹ gặp nhiều khó khăn ở trong và ngoài nước, khả năng viện trợ cho nguỵ ngày càng giảm. Dù chúng có can thiệp thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể cứu vãn được sự sụp đổ của nguỵ. Ta đã giành quyền chủ động trên chiến trường, tạo được thế chiến lược vững chắc từ Bắc đến Nam. Lực lượng quân sự, dự trữ vật chất được tăng cường. Hệ thống đường chiến lược, chiến dịch đang tiếp tục hoàn chỉnh. Ở đô thị miền Nam, phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân sinh, dân chủ, đòi độc lập dân tộc đòi lật đổ Thiệu đang phát triển. Vai trò của Mặt trận dân tộc giải phóng, của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình ngày càng được nâng cao. Rõ ràng, nguỵ đã suy yếu nghiêm trọng toàn diện. Ở miền Nam, ta đã mạnh hơn địch.
Về kế hoạch chiến lược, hội nghị thấy rằng hai năm 1975 và 1976 đều có vị trí quan trọng, nhưng năm 1975 là năm bản lề, tạo điều kiện mọi mặt để trong năm 1976 giành thắng lợi cuối cùng. Năm 1975, ta bắt đầu đòn tiến công nam Tây Nguyên, kết hợp với mở vùng, mở mảng ở đồng bằng sông Cửu Long, nối liền Tây nguyên với miền Đông Nam Bộ. Phải thực hiện tốt kế hoạch năm 1975 để đón năm 1976. Phải tạo cho được yếu tố bất ngờ có thể dẫn đến những bưôc phát triển nhảy vọt.
Đối với Mỹ, cần kết hợp với đấu tranh ngoại giao để loại trừ khả năng can thiệp, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể đề phòng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân, nhất là khi nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Tình thế cách mạng đang chín muồi. Một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu sẽ diễn ra và sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quân, nguỵ quyền miền Nam là không thể tránh khỏi.
Hội nghị nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ, nhất là khi Thiệu đổ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Về hướng chiến lược, Hội nghị đề ra bộ đội chủ lực phải chuẩn bị trên cả hai hướng:
- Tây Nguyên, trọng điểm là nam Tây Nguyên, là hướng chiến lược rất quan trọng.
- Miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.
Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
Về cách đánh chiến lược, chiến dịch, cần kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, kết hợp ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, thành thị). Bộ đội chủ lực phải đánh những trận quyết chiến, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường rừng núi, phối hợp với các chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5. Chú ý chia cắt chiến lược, cắt giao thông, tạo điều kiện nổ ra ly khai, binh biến.
Công tác tư tưởng phải lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, tổ chức, động viên mọi lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân giành thắng lợi to lớn, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Sáng 8-10-1974, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị. Đồng chí nêu rõ sau bảy ngày thảo luận, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chiến trường đã có sự nhất trí quan trọng là đã đến lúc hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Từ 30 năm nay, cuộc kháng chiến của ta đã đi vào một điểm của thời đại. Đánh cho Mỹ ra đã là vĩ đại. Nay hoàn thành được cách mạng dân tộc dân chủ, mở ra kỷ nguyên Việt Nam thì lại càng vĩ đại.
Đồng chí phân tích thế đi xuống của nguỵ, thế thua của Mỹ, thế thắng, thế đi lên của cách mạng. Về thời cơ chiến lược, đồng chí nói: "Do sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi lăm năm nữa, bọn nguỵ gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục, mạnh lên, thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo".
"Để thực hiện quyết tâm chiến lược ấy phải có chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Kết hợp quân sự, chính trị, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, đô thị, căng địch ra mà đánh, bao vây và tiêu diệt, với một đội quân chính trị rất mạnh, một đội quân quân sự rất mạnh. Quyết tâm là quân đội. Đây là lực lượng quyết định.
Cần có kế hoạch xây dựng, tác chiến, rất cấp bách với tinh thần khẩn trương, quyết thắng".
Cuối cùng đồng chí khẳng định:
"Quyết tâm của ta là động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền trung ương và các cấp, giành toàn bộ miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà.
Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất, để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong thời gian hai năm 1975-1976. Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự".
Hội nghị vang dội tiếng vỗ tay dài.
Trong không khí phấn khởi, quyết tâm, tôi đứng lên hứa trước Đảng: "Toàn quân sẽ kiên quyết thực hiện bằng được nhiệm vụ lịch sử mà đồng chí Bí thư thứ nhất đã thay mặt Đang trao cho quân đội".
Các đại biểu là cán bộ quân sự họp ngày hôm ấy đều cảm thấy một trách nhiệm lớn lao đè nặng lên đôi vai của mình trong bước ngoặt quyết định của cách mạng. Lật trang đầu cuốn sổ công tác còn để trống, tôi ghi bằng nét lớn: "Quyết tâm chiến lược, quyết chiến lịch sử", một quyết tâm lớn trong tháng 9-1974 đáng ghi nhớ.
Mười ngày họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình Bộ thống soái tối cao chỉ đạo giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Sau một năm triển khai phương hướng chiến lược do Nghị quyết Trung ương 21 đề ra, chiến trường chuyển biến nhanh theo hướng có lợi. Đây là thời điểm mà lãnh đạo khởi đầu bàn tới quyết tâm chiến lược và một số vấn đề cơ bản có liên quan đến việc hạ quyết tâm.
Giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam là một việc hết sức trọng đại, hết sức khó khăn, phức tạp.
Nghệ thuật quân sự là nghệ thuật của các khả năng.
Nhận thức là một quá trình. Khởi đầu chiến tranh cũng như kết thúc chiến tranh có liên quan mật thiết đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Một quyết tâm chiến lược chỉ có thể đúng khi đã có đủ các yếu tố chủ quan và khách quan cần thiết. Từ những bước chuẩn bị cụ thể, tạo thế, tạo lực, đến lúc tình hình chín muồi, sẽ tạo ra bước nhảy vọt cách mạng, có khi vượt mọi dự kiến ban đầu.
Ở thời điểm nóng bỏng này, trí tuệ của lãnh đạo tập trung soi sáng con đường đi tới toàn thắng của dân tộc, vạch rõ phương hướng và biện pháp giáng đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Các chuyển biến trên chiến trường miền Nam cung cấp cho ta nhiều dữ liệu quan trọng. Trận Thượng Đức là thước đo sức chiến đấu của quân ta và quân nguỵ.
Cuộc rút chạy khỏi Tống Lê Chân là tiếng kèn lui quân bạc nhược của địch. Níchxơn buộc phải rời ghế Tổng thống Mỹ là biểu hiện thể trạng bệnh hoạn của một tên xâm lược khổng lồ bất lực.
Tất cả cho phép Bộ thống soái tối cao rút ra những kết luận đanh thép. Đó là:
- Trên chiến trường miền Nam, ta đang phát triển thế chủ động chiến lược, đẩy địch vào thếbị động phòng ngự.
Sức chiến đấu của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của nguỵ.
- Mỹ không thể đưa quân trở lại, cũng khó lòng cứu nguỵ khỏi sụp đổ.
- Thời cơ chiến lược đang phát triển nhanh chóng đến độ chín muồi.
Ngay sau hội nghị, tôi chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu bổ sung kế hoạch, đồng thời truyền đạt ngay nhiệm vụ và kế hoạch quân sự bước đầu đã được Bộ Chính trị thông qua đến các chiến trường. Về tuyển quân, thực tế đã có những khó khăn gay gắt. Tổng quân số lúc này đã chiếm hơn 50% số trai từ 18 đến 25 tuổi hiện có trong cả nước. Trong khi đó, yêu cầu tuyển thêm 17 vạn quân trong năm 1975 (tăng 50% so với năm 1973 và năm 1974) là cao nhưng rất cần thiết. Tôi yêu cầu bất kỳ tình huống nào cũng phải có đủ lực lượng chiến đấu cho miền Nam giành thắng lợi, dù có phải tuyển thêm ở độ tuổi từ 26 đến 30 và một phần ở khu vực học sinh, sinh viên và cán bộ, công nhân viên nhà nước. Riêng về hậu cần, tôi nhấn mạnh đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Phải chuẩn bị cho hai năm 1975 và 1976, ít nhất cũng phải đủ cho một năm rưỡi, vì một lẽ giản đơn là nếu không có gạo, đạn, nhiên liệu thì bộ đội không đánh lớn được. Cần hoàn chỉnh trục đường chiến lược trước mùa khô để có thể vận chuyển cả hai mùa vào tới Lộc Ninh, đồng thời gấp rút phát triển mạng đường chiến dịch đến các mục tiêu tiến công theo dự kiến. Hệ thống kho, trạm cũng như kế hoạch vận chuyển phải được triển khai hoàn chỉnh.
Tôi cũng yêu cầu Tổng cục Chính trị tiến hành tốt công tác tư tưởng, công tác động viên chính trị, cổ động chiến trường. Qua kinh nghiệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, công tác này đã phát huy tác dụng, cổ vũ mạnh mẽ khí thế tiến công của quân và dân miền Nam, thông tin, cổ động hậu phương miền Bắc hướng về tiền tuyến lớn, phối hợp cùng miền Nam đánh giặc. Cùng với tin thắng trận và các bản thông cáo chiến thắng, những bài bình luận quân sự của Quyết Thắng, của Cửu Long, của Chiến Trường thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, một thời đã làm nức lòng cả nước, hướng mọi trái tim theo cùng một ý chí tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, quyết chiến và quyết thắng.
Các cơ quan Tổng hành dinh làm việc không kê ngày đêm. Ai cũng muốn góp phần công sức, trí tuệ của mình, phát huy cao độ chức năng tham mưu của cơ quan chiến lược đối với chiến trường, chuẩn bị cho mùa thi đua lập công hằng mong đợi.
--------------------------------
1Điểm xung yếu.2Đầu năm 1974, anh Hoàng Văn Thái sau khi chữa bệnh tại Cộng hoà dân chủ Đức, vì lý do sức khỏe, đã ở lại miền Bắc và nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Anh Trần Văn Trà lên thay làm Tư lệnh B2.
Tôi làm việc với các đồng chí Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Vũ Lăng, Võ Quang Hồ, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tác chiến. Lúc này, anh Lê Trọng Tấn được cử vào Khu 5 giúp quân khu triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về mặt quân sự. Tình hình chiến sự ở miền Nam từ Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển biến có lợi cho ta. Chúng tôi trao đổi về phương hướng tác chiến hai năm 1974, 1975 với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của chiến trường, chuẩn bị tăng cho Khu 8 và Khu IX thêm một vạn quân và 3.000 tấn vũ khí, huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu của bộ đội và năng lực chỉ huy của cán bộ các cấp, tích cực vận chuyển chiến lược cho miền Nam, dự kiến kế hoạch thời cơ
Ngày 30-1-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ đẩy mạnh cách mạng miền Nam.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, các đồng chí lãnh đạo B2, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Hoàng Minh Thảo.
Thay mặt Quân uỷ, tôi báo cáo tình hình quân sự, chính trị, đánh giá sự chuyển biến ngày càng có lợi trên các chiến trường, đề nghị chủ trương phối hợp đấu tranh toàn diện và phương hướng tác chiến cho đến năm 1975. Tiếp đó anh Năm Công trình bày cụ thể tình hình Khu 5, nêu những vấn đề cần giải quyết như chống địch đóng bốt, lấn dũi, đánh rã và đánh tiêu diệt, phát động quần chúng, đồng bào Công giáo, Phật giáo cùng lực lượng thứ ba đấu tranh làm suy yếu bộ máy kìm kẹp của địch. Anh Trần Độ báo cáo tình hình chiến trường Nam Bộ, sự chuyển biến rõ nhưng còn chậm từ tháng 8-1973 đến lúc này, nhận xét có khả năng Mỹ phải chịu thua. Anh Phạm Văn Đồng nêu ý kiến cần tìm ra những "points critiques" 1 để tạo chuyển biến nhanh hơn. Anh Hoàng Văn Thái cho rằng tình hình chiến trường đang có bước đi lên, cách đánh quân nguỵ cần tạo bất ngờ, diệt đồn bốt, quận lỵ, chi khu, kết hợp quân sự, chính trị, binh vận để chống phá bình định.
Các anh trong Bộ Chính trị phát biểu, thống nhất ý kiến về đánh giá tình hình, đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.
Kết luận hội nghị, anh Ba nêu rõ thế cân bằng trong tình hình thế giới, khi không ai có thể giữ vị trí bá quyền thì Mỹ muốn quay trở lại miền Nam cũng không phải dễ. Nhưng Mỹ có vào lại hay không, chủ yếu là do sự nỗ lực của ta. Nếu ta đánh mạnh, phá được "équilibre" (thế cân bằng) thì Mỹ khó lòng vào được.
Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh đấu tranh toàn diện, làm cho có nghệ thuật hơn, tạo thời cơ, và khi đã có thời cơ thì phải nắm được ngay để giành thắng lợi.
***
Sau những ngày làm việc căng thẳng, tập trung cao độ sức khỏe của tôi giảm sút nhanh chóng. Nhiều lần bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng công việc không cho phép.
Một buổi sáng, trên đường công tác, bỗng nhiên bụng đau dữ dội. Cơn đau đột ngột làm cho đầu óc choáng váng, hơi thở gấp. Trong khoảnh khắc, tôi bị ngất xỉu.
Khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong máy bay lên thẳng cấp cứu về Hà Nội.
Các giáo sư, bác sĩ Viện Quân y 108 làm việc hết sức khẩn trương, nhưng chưa chẩn đoán được căn bệnh.
Người tôi mệt lả, bụng đau quằn quại từng cơn.
Thấy bệnh tình nguy kịch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định đưa tôi sang Liên Xô điều trị bằng một chuyến chuyên cơ. Đi cùng tôi đề phòng tai biến có gịáo sư, Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh, các bác sĩ Trần Văn Hiến, Phạm Văn Ngà.
Đồng chí, bạn hữu ra tiễn rất đông.
Trước khi lên máy bay, tôi xúc động cảm ơn anh Lê Đức Thọ, anh Lê Thanh Nghị, thay mặt Bộ Chính trị, cùng các anh ở Văn phòng Trung ương Đang, Văn phòng Quân uỷ. Bộ Quốc phòng và bà con, bầu bạn. Đã tưởng là khó có ngày về
Tại Liên Xô, Trung ương Đảng bạn hết sức quan tâm.
Các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Mátxcơva dành cho tôi sự chăm sóc hết lòng. Tuy vậy, những cơn đau kéo đến ngày một mau hơn, dữ dội hơn. Đã một lần, khi tiêm thuốc để chẩn đoán bệnh, tim ngừng đập trong mấy giây. Hội chẩn tiếp theo hội chẩn. Vẫn chưa biết được nguyên nhân.
Nhớ mãi tấm gương tận tuỵ vì người bệnh của các giáo sư, tiến sĩ Xmaghin, Krapivin, nữ bác sĩ Irina, những người thầy thuốc đầy tinh thần trách nhiệm, cuối cùng đã tìm ra căn bệnh quái ác. Đó là bệnh sỏi mật, nhưng ở dạng sỏi mềm, rất khó phát hiện. Tôi mắc bệnh này đã nhiều năm mà không hề hay biết
Lúc này túi mật đã viêm rất to. Cần phải mổ ngay. Để chậm sẽ vỡ, nguy hiểm đến tính mạng. Ca mổ vào loại đại phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Bác sĩ mổ cho tôi vào "thì chính" là giáo sư Maiác, 71 tuổi, Anh hùng lao động, chuyên viên cao cấp Bộ Y tế, thầy thuốc chuyên khoa về mật giỏi nhất của Liên Xô.
Nghĩ mình khó lòng qua khỏi, tôi đã viết mấy điều để lại. Ngoài việc riêng, tôi dặn dò về công tác cán bộ, về những chủ trương, biện pháp thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến nhanh đến cao trào.
May mắn thay, mọi việc đều tốt đẹp. Ca mổ rất thành công. Tôi phải nằm bất động trên giường bệnh mười một ngày, sút mất hơn chục kilôgam. Qua một cái Tết bệnh viện xa quê hương, lòng nóng như lửa đốt.
Hiểu rõ tâm trạng ấy, ngay khi ra viện, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bố trí một máy bay đưa tôi từ Mátxcơva về thẳng Hà Nội.
Mặc dù còn rất yếu, mệt, chỉ mấy ngày sau khi về nước, tôi vào ngay Văn phòng Bộ Quốc phòng thăm anh em và nắm tiếp tình hình. Mọi người hết sức vui mừng thấy tôi đã tai qua nạn khỏi. Đồng chí Bùi Đình Kế xúc động đọc một bài thơ sáng tác bằng cả tấm lòng:
Ôi mừng vui, ta lại đón xuân sang
Trong cảnh sắc, trong lòng người mong đợi
Hồng hào, tươi vui, nụ cười trẻ lại
Gân thêm săn và nhựa sống thêm căng
Trên đường dài lại cât bước băng băng.
***
Tháng 4-1974. Nguy hiểm đã qua.
Trong thời gian được các giáo sư, bác sĩ kiểm tra theo dõi tại khoa A11, Viện Quân y 108, tôi dành thời gian nghe báo cáo, thông qua nghị quyết về công tác quân sự địa phương và nghị quyết về chống phá "bình định" ở miền Nam của Quân uỷ Trung ương.
Lúc này Mỹ - nguỵ ráo riết đẩy mạnh kế hoạch "bình định nông thôn". Đây là cái "nút" của học thuyết Níchxơn, một học thuyết mà đặc trưng nổi bật là coi trọng việc xây dựng lực lượng phản động bản xứ thành công cụ thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hơn 28 vạn cuộc hành quân "bình định" của nguỵ trong một năm qua đã chứng tỏ chúng cho đây là "cơ hội thích hợp để sống sót". Bằng hệ thống đồn bốt, các lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, các tổ chức tề, điệp, cảnh sát, các tổ chức chính trị phản động, chúng ra sức giành dân, đánh vào vùng đông dân, nhằm mục đích nắm dân, khống chế dân, xây dựng cơ sở vật chất - xã hội cho nguỵ quyền, hòng làm cho các cuộc nổi dậy của đồng bào ta mất cơ sở quần chúng. Địch đang thực hiện"phương châm" của mưu sĩ Kítxinhgiơ: Tốt hơn hết là chúng ta hãy kiểm soát lấy 100% của 60% lãnh thổ nước này (chỉ miền Nam Việt Nam), hơn là kiểm soát 60% của 100% lãnh thổ. Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố. Hiện nay "bình định" là biện pháp chiến lược hàng đầu, là keo sống mái cuối cùng. Sống là đây và chết cũng là đây.
Trong năm 1973, nguỵ quyền Sài Gòn ở thế đi xuống, gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, chúng có những nỗ lực lớn và đã đạt được kết quả nhất định.
Số các "lõm giải phóng" của ta gồm 400 ấp bị địch lấn chiếm. Chúng còn đóng thêm được 700 đồn bốt. Tuy bị thương vong nặng, quân nguỵ vẫn không tan rã, trái lại, quân số có tăng lên. Riêng quân địa phương tăng gấp ba lần. Chúng vẫn kìm kẹp, khống chế được quần chúng. Ở đồng bằng Khu 5, địch củng cố được một số vùng do chúng kiểm soát và lấn thêm một số vùng khác.
Tuy nhiên, nhìn chung toàn chiến trường miền Nam, trước sức phản công và tiến công của quân và dân ta, các hoạt động của địch dần dần chững lại và lâm vào thế chống đỡ bị động. Chúng không xoá được thế "da báo" ở miền Nam.
Ngày 4-1-1974, Nguyễn Văn Thiệu hò hét: Chiến tranh đã lại bắt đầu. Giọng lưỡi có vẻ hung hăng, nhưng thực chất là một lời kêu cứu. Đã có những dấu hiệu quan thầy Mỹ quay lưng lại với Thiệu. Sự cô lập về chính trị của Thiệu đã lên tới đỉnh cao. Đảng Dân chủ, cái phương tiện để Thiệu tập trung phe cánh và huy động quần chúng chống cộng sản, rệu rã không khác gì Đảng Cần lao nhân vị của Diệm - Nhu trước đây. Thực ra, cũng chưa bao giờ nó được phát triển thành một tổ chức rộng rãi, mà chẳng qua là một tập đoàn cơ hội, xôi thịt, tranh giành quyền lợi lẫn nhau. Tai hại hơn, lúc này nó đang là môi trường dung dưỡng, đỡ đầu cho tham nhũng và hối lộ, nơi sắp đặt những chức vụ béo bở trong bộ máy nguỵ quyền.
Về kinh tế, do quân Mỹ rút đi, viện trợ Mỹ bị cắt giảm, Thiệu gặp khó khăn ghê gớm. Nạn thất nghiệp lan tràn. Giá cả tăng vọt, đồng tiền liên tục phá giá.
Thuế nhập khẩu giảm nhiều, dẫn tới ngân khố nguỵ quyền suy sút trầm trọng. Quân nguỵ không thể giảm, mặc dù lương quan, lương lính không đủ ăn. Các kế hoạch "Tăng cường" và "Tăng cường cộng" càng làm cho Thiệu phụ thuộc thêm vào Mỹ. Thiết bị trị giá khoảng 750 triệu đôla đưa vào miền Nam thay thế cho những thiệt hại của quân nguỵ, nay lại trở thành con dao hai lưỡi, một gánh nặng bất kham. Các máy bay F5A và C123 đều đã cũ, lỗi thời và xuống cấp, không thể hoạt động nếu không được Mỹ cung cấp phụ tùng thay thế.
Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh khác. Các công hàm gửi đi xin Mỹ viện trợ linh kiện bảo trì đều không có hồi âm. Sức chiến đấu của quân nguỵ sút kém rõ rệt. Thế bố trí chiến lược bị phân tán, căng kéo. Địch khó lòng đối phó với một cuộc tiến công lớn của quân ta.
Cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam diễn ra quyết liệt, nhất là ở đồng bằng Khu 5 và Khu 8. Từ những tháng cuối năm 1973, ta chặn đứng phần lớn các hoạt động "bình định", lấn chiếm của địch. Chiến tranh nhân dân ở địa phương được duy trì và đẩy mạnh. Ta giành lại khoảng bốn triệu dân, trong đó có một triệu 20 vạn dân vùng giải phóng. Với gần 10 vạn chiến sĩ từ hậu phương lớn bổ sung vào, quân số bộ đội chủ lực ở miền Nam tăng lên; trang bị kỹ thuật cũng nhanh chóng cải tiến. Các lực lượng vũ trang địa phương tăng chưa nhiều, nhưng đã có tiến bộ mới trong tác chiến.
Công cuộc xây dựng vùng giải phóng được xúc tiến mạnh mẽ, toàn diện. Vai trò và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày càng được nâng cao.
Trên miền Bắc, tình hình chính trị - kinh tế ổn định.
Gió hoà mưa thuận, sản xuất nông nghiệp liên tiếp được mùa. Tháng 10-1973, Quân đoàn I mang tên Quyết Thắng, binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu, tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được thành lập. Quân đoàn tập hợp trong đội ngũ của mình các sư đoàn chủ lực thiện chiến: 308, 312, 320, mở đầu quá trình tổ chức các binh đoàn chiến lược khác ngay tại chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh trong thời kỳ mới.
***
Tháng 3-1974, trong thời gian tôi còn dưỡng bệnh tại Liên Xô, Quân uỷ Trung ương đã mở một hội nghị quan trọng bàn thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 21 về mặt quân sự.
Hội nghị do các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái 2 và Lê Trọng Tấn chuẩn bị. Đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu IX vừa mới ra Hà Nội trong tháng 2-1974 để báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, cùng tham gia công việc này.
Sau khi nghe anh Lê Trọng Tấn trình bày bản đề án quân sự, hội nghị đã đánh giá tổng quát tình hình miền Nam từ khi có Hiệp định Paris, đề ra phương hướng, biện pháp tạo thế mới, lực mới cho các hoạt động quân sự mùa khô 1974-1975. Cụ thể là đẩy nhanh công tác chuẩn bị chiến lược để có thể tác chiến vào cuối mùa khô 1973-1974 và cả trong mùa mưa 1974; hoàn thành đợt một và bắt đầu đợt hai kế hoạch vận chuyển chi viện chiến trường; đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; hoàn chỉnh mạng đường chiến lược, chiến dịch; phát triển đường ống dẫn dầu sâu xuống phía nam; xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ dọc Đường 559 và trong các vùng giải phóng; hoàn thành kế hoạch tuyển quân năm 1974 và đợt một năm 1975; củng cố bộ đội chủ lực, nhất là khối chủ lực cơ động chiến lược ở miền Bắc.
Anh Văn Tiến Dũng đi vắng, không dự họp. Khi về anh tán thành nội dung hội nghị và góp thêm một số ý kiến quan trọng. Sau khi được Bộ Chính trị thông qua, anh đã thay mặt Quân uỷ Trung ương ký nghị quyết này.
Đây là một bản nghị quyết đúng đắn, kịp thời. Về tương quan lực lượng giữa ta và địch, Quân uỷ Trung ương nhận định: Nhìn chung lại, so sánh lực lượng địch, ta qua năm 1973 càng cho thấy rõ thế và lực cách mạng miền Nam đã tạo nên những chỗ mạnh rất cơ bản, đang trên đà phát triển, có đầy đủ điều kiện và khả năng đưa cách mạng tiến lên từng bước vững chắc, Mỹ - nguỵ ngày càng khó khăn hơn và đang trên đà đi xuống, xu thế phát triển của tình hình ngày càng có lợi cho ta hơn.
Trong vài ba năm tới, nhiệm vụ trung tâm số một vẫn là đánh phá kế hoạch "bình định", lấn chiếm của địch; từng bước đưa phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị tiến lên, chuẩn bị điều kiện và thời cơ đẩy tới cao trào cách mạng; xây dựng và rèn luyện bộ đội chủ lực, nâng dần quy mô đánh tiêu diệt quân nguỵ; xây dựng căn cứ địa ở miền Nam; xây dựng miền Bắc về kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu mới của địch. Tất cả đều nhằm làm thay đổi so sánh lực lượng toàn diện có lợi cho ta, nắm vững thời cơ, sẵn sàng chủ động phối hợp ba quả đấm mạnh: chủ lực, nông thôn và thành thị, làm chuyển biến cục diện một cách bất ngờ và nhanh chóng, giành thắng lợi cao nhất.
Yêu cầu bức thiết là giành dân, giành quyền làm chủ ở đồng bằng, giải phóng và làm chủ vững chắc ở miền núi, từng bước giành quyền làm chủ ở thành thị, phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam. Quân uỷ Trung ương nhấn mạnh yêu cầu phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, kiên quyết, chủ động tiến công và phản công địch ở đồng bằng, miền núi cũng như ở vùng sau lưng địch.
Về phương thức hoạt động, cần giữ vững và phát triển chiến tranh nhân dân địa phương, đồng thời đẩy mạnh tác chiến quy mô vừa và lớn của bộ đội chủ lực, vừa tác chiến vừa xây dựng, sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn khi có thời cơ, khẩn trương thúc đẩy phong trào thành thị phát triển, nhất là ở Sài Gòn.
Tôi rất hoan nghênh bản nghị quyết này. Trước khi đi chữa bệnh ở Liên Xô, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh cần phát triển mạnh mẽ chiến tranh nhân dân địa phương.
Dân quân du kích là lực lượng tại chỗ chống phá bình định có hiệu quả nhất. Về tác chiến, tôi cho rằng bộ đội địa phương cần phấn đấu đánh tiêu diệt đến mức tiểu đoàn, còn bộ đội chủ lực phải tiêu diệt cho được lữ đoàn, sư đoàn địch. Quyết không cho chúng xoá thế "da báo" ở miền Nam. Ngoài ra còn phải có những đòn chủ lực đánh mạnh vào các thành phố và các cơ quan đầu não của địch để tạo chuyển biến nhanh chóng trên chiến trường.
Đầu tháng 4-1974, Quân uỷ Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ cấp cao, chủ yếu ở các quân khu phía Bắc, để quán triệt nghị quyết và triển khai thực hiện. Quân uỷ cũng điện hoả tốc phổ biến nghị quyết cho các chiến trường miền Nam. Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo cụ thể những nội dung công tác lớn, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tư tưởng, công tác binh vận, rà soát sắp xếp cán bộ, khẩn trương xây dựng khối chủ lực cơ động chiến lược, thành lập thêm những quân đoàn mạnh được tổ chức, huấn luyện theo phương hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng qui mô lớn. Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ, các ngành hữu quan tổ chức động viên, tuyển quân bổ sung lực lượng cho chiến trường, tăng cường công tác phòng không nhân dân ở miền Bắc, củng cố các tuyến đường chiến lược Trường Sơn, xây dựng hệ thống kho tàng, bảo đảm thông tin liên lạc và hậu cần, kỹ thuật.
***
Vừa làm việc vừa tranh thủ nghỉ ngơi, tôi dành thời gian rèn luyện thân thể. Theo lời khuyên của anh Tôn Thất Tùng, tôi đi bộ mỗi buổi sáng, cự ly từ ngắn đến dài, từ đi chậm dần dần đi theo tốc độ bình thường. Sức khỏe hồi phục nhanh. Quả là một hạnh phúc lớn.
Trong thời gian tôi đi chữa bệnh, đề cương kế hoạch chiến lược đã được dự thảo đến lần thứ tư. Đọc bản dự thảo lần này, tôi chưa thật yên tâm. Đánh giá tình hình địch, đề cương vẫn cho rằng nguỵ quyền Sài Gòn "buộc phải thi hành từng phần Hiệp định để chặn bước tiến của ta, cứu vãn sự sụp đổ của chúng rồi tiếp tục phá hoậi, vẫn tiếp tục chiến tranh". Về khả năng can thiệp của Mỹ, vẫn phán đoán khả năng Mỹ dùng lục quân can thiệp có ít mà chỉ dùng không quân, hải quân ở miền Nam rồi đánh lan ra miền Bắc hoặc đồng thời trên cả hai miền. Về biện pháp chiến lược, dự thảo đề cao quy luật kết hợp quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy phát triển lên đỉnh cao là tổng tiến công, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi khi có thời cơ. Đáng chú ý là dự thảo lần này vẫn nhắc lại, nếu chiến tranh phát triển lên quy mô lớn thì hướng chính để tiêu diệt chủ lực địch là Tây Nguyên, thứ đến miền Đông Nam Bộ và Trị - Thiên.
Còn có biết bao vấn đề lớn về địch, về ta, về thời cơ, về cách đánh. Tiến công vào thời điểm nào? Sử dụng lực lượng ra sao? Nếu mở những cuộc tiến công tiêu diệt lớn thì hướng chính nên ở đâu? Có thể chọn Tây Nguyên, nơi hiểm yếu, ở đấy địch không mạnh, hay chọn đồng bằng Nam Bộ là nơi đông dân nhiều của? Kết hợp quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy, nhưng phát triển lên tổng khởi nghĩa có được không, và trong những tình huống nào?
Tôi lắng nghe ý kiến của nhiều đồng chí trong Quân uỷ và các đồng chí trong Tổ trung tâm. Một số ý kiến cho rằng đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, sau này ta đánh sẽ khó khăn. Vì vậy, nên chọn Nam Bộ làm hướng chính, phía Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường vào đồng bằng Nam Bộ. Tôi và một số anh em khác thiên về chọn Tây Nguyên làm hướng chính, nơi đây ta có nhiều thuận lợi để thực hiện ý đồ đánh tiêu diệt lớn.
Cuộc trao đổi chưa ngã ngũ.
Tôi gợi ý các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn cùng Tổ trung tâm cần phân tích, đánh giá cho kỹ thế và lực của ta, làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm. Nên chọn một trong hai hướng chiến lược Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhưng chỉ có thể tiến công khi ta có điều kiện dứt điểm. Cần nắm vững yêu cầu nâng cao chất lượng của bộ đội một cách toàn diện, huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Cần chú ý chỉ thị của Quân uỷ Trung ương: "Dù thời cơ chính trị tạo ra có thuận lợi bao nhiêu, thì cũng phải đánh sụp nguỵ quân nguỵ quyền.
Đòn công kích phải đi trước một bước. Cho nên, bất kể trong trường hợp nào, cũng phải nắm trong tay một lực lượng tập trung tương đối mạnh, và trong sử dụng, trong xây dựng, đều phải chăm lo giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự để luôn luôn là một vũ khí sắc bén của cách mạng. Bất luận trong tình huống nào, cũng phải xây dựng lực lượng ở miền Nam cho thật mạnh".
***
Cuối tháng 5-1974, Bộ Tổng tư lệnh triệu tập hội nghị trao đổi kinh nghiệm về chống phá "bình định" của địch, có hầu hết đại biểu các chiến trường miền Nam ra dự. Khi thông qua bản báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu, tôi khen ngợi Cục Tác chiến và Cục Dân quân đã chuẩn bị nội dung khá công phu, dưới sự chỉ đạo của anh Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Những kinh nghiệm rút ra từ hội nghị này là quan điểm cách mạng bạo lực, tư tưởng cách mạng tiến công, đánh giá đúng và kịp thời âm mưu, thủ đoạn của địch, là bảo đảm thường xuyên cho các lực lượng vũ trang luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng phải được củng cố ở cơ sở, từ đó mà phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang địa phương, biết vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh thích hợp, phát huy sức mạnh của ba mũi giáp công, chủ động tiến công và phản công địch. Thực tiễn chiến trường được soi sáng bằng lý luận cach mạng, bằng tư tưởng quân sự Việt Nam, đúc kết thành những bài học sinh động, thiết thực, có tác dụng lôn đẩy mạnh công cuộc chống phá âm mưu "bình định", lấn chiếm của địch ở chiến trường.
***
Trong khí thế tiến công, đồng bào và chiến sĩ cả nước mừng kỷ niệm lần thứ 20 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954-7-5-1974).
Tối 6-5, đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô họp mít tinh trọng thể tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhạ nước tới dự đông đủ.
Sau lời khai mạc của anh Nguyễn Duy Trinh, tôi đọc điễn văn nêu rõ ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, phân tích nguyên nhân thắng lợi và những bài học mang tính thời đại sâu sắc.
Liên hệ với tình hình miền Nam, lúc này là vấn đề thời sự nóng hổi trong mọi quả tim, tôi nêu cao thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ về nước. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của sự chỉ đạo sắc bén, tài giỏi của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của trí tuệ và xương máu của quân và dân ta trong cả nước.
Hướng về miền Nam ruột thịt, tôi khẳng định: "Trong 20 năm qua, với những cố gắng cực kỳ to lớn, đế quốc Mỹ đã không thể nào ngăn nổi ngọn trào cách mạng cuồn cuộn dâng cao trên dải đất này; vậy thì trong bối cảnh lịch sử ngày nay, đế quốc Mỹ đã bị thất bại phải rút khỏi nước ta, bọn tay sai đang gặp những khó khăn chồng chất, chúng không thể nào xoay ngược lại bánh xe lịch sử".
Cuối cùng, tôi kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Phát huy truyền thống quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần anh dũng quật cường của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết triệu người như một, phấn khởi, tin tưởng, hăng hái tiến lên! Chúng ta quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thơng nhất Tổ quốc".
Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng nhạc hùng tráng của ca khúc "Chiến thắng Điện Biên", như hứa hẹn một mùa xuân chiến thắng mới, một Điện Biên Phủ mới.
***
Mùa hè năm 1974, anh Văn Tiến Dũng và tôi đều không được khỏe. Anh Dũng ốm phải đi nghỉ ở nước ngoài. Tôi vẫn còn trong kỳ dưỡng bệnh thường ra nghỉ ở Đồ Sơn.
Tình hình chuyển biến rất nhanh. Không một ai có thể ngồi yên. Tôi tranh thủ làm việc với đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hồi này cũng thường nghỉ ở đấy.
Anh Ba bàn với tôi về một loạt vấn đề chiến lược.
Chúng tôi trao đổi cùng tìm đáp án cho những câu hỏi nóng bỏng: Cuộc chiến tranh ở miền Nam đã đến giai đoạn nào? Thời cơ lớn đã xuất hiện chưa? Đã có điều kiện chín muồi cho một cuộc tổng tiến công chưa? Nếu có, tiến công và nổi dậy như thế nào? Phương hướng chiến lược ra sao?. Thấy sức khỏe của tôi đã dần dần hồi phục, một hôm anh Ba bảo: "Công việc rất quan trọng, khẩn trương. Anh nắm lấy mà làm". Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đến lúc này, gần một năm đã trôi qua. Trước sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đối phương đã bị đẩy lùi với tốc độ ngày càng nhanh trong, thế đi xuống không thể cưỡng, lại nổi. Âm mưu "bình định", lấn chiếm của chúng thất bại rõ rệt.
Hệ thống, đồn bốt bị phá vỡ từng mảng. Cái "da báo" không những không thu hẹp mà còn loang rộng. Quân nguỵ lùi dần vào thế phòng, ngự trên các chiến trường.
Việc Quốc hội Mỹ cắt hẳn ngân sách viện trợ quân sự cho Đông Dương trong sáu tháng còn lại của năm tài chính 1974 kết thúc vào ngày 30-6 năm ấy càng làm cho nguỵ quân, nguỵ quyền khốn đốn. Danh mục các loại nhu cầu thiết yếu bị thiếu hụt tăng lên, bao gồm đạn được dược phẩm và tiền: Các quân y viện không đủ thuốc dùng. Nhiều trường hợp băng phải giặt đi dùng lại. Cái thân tầm gửi cảm thấy hoang mang, nhục nhã một khi quan thầy ở bên kia đại dương tỏ ra chán ngán cuộc chiến tranh ở nơi này.
Ở Mỹ, vụ bê bối Oatơghết đã đến lúc bùng nổ. Chiến dịch đả kích Níchxơn nổi lên khắp nơi. Nước Mỹ sống trong một bầu không khí chính trị ngột ngạt. Níchxơn lúng túng đương đầu với quần chúng và lực lượng đối lập Quốc hội Mỹ không còn bụng dạ nào nghĩ đến việc hà hơi tiếp sức cho chế độ Sài Gòn.
Tôi nêu vấn đề này với anh Ba, cho đây là một yếu tố quan trọng tạo nên thời cơ thuận lợi cho ta. Cần tranh thủ giảnh thắng lợi quyết định ở miền Nam trước kỳ bầu cử ở Mỹ tháng 11-1976. Qua trao đổi, anh Ba và tôi đều thấy đã đến lúc có thể kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam trong vài ba năm tới.
***
Tình hình chiến trường trên đà chuyển biến nhanh.
Bộ Chính trị quyết định họp vào tháng 9-1974 để đánh giá tình hình và xác định quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Các vấn đề chiến lược chủ yếu, như tiến công đánh tiêu diệt lớn quân nguỵ, hướng tiến công chủ yếu thời cơ chiến lược, khả năng can thiệp hoặc quay trở lại của Mỹ, chiếm hầu hết tâm trí tôi. Một mặt, tôi yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu sâu sắc các vấn đề trên, mặt khác tự mình suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến trình bày trong cuộc họp Bộ Chính trị sắp tới.
Lúc này, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng. Tướng nguỵ Dương Văn Minh có lần đã nói: "Ai nắm được đồng bằng sông Cửu Long là nắm được Nam Bộ". Đây cũng là chỗ mạnh của địch, nơi dự trữ nhân lực, vật lực lớn nhất của miền Nam. Kế hoạch "bình định" của địch đang bị đẩy lùi. Ta có khả năng và cần phải đập tan âm mưu của chúng, giành quyền làm chủ vùng này để cắt nguồn bổ sung quân nguỵ, đưa Sài Gòn vào thế bị bao vây.
Làm thế nào để nhanh chóng tạo thời cơ? Cần làm gì để "chớp" thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn quân nguỵ? Những câu hỏi ấy thường trực trong đầu Tôi mang theo chúng ngay cả vào trong giấc ngủ.
Lúc này, bản dự thảo kế hoạch chiến lược đã được chỉnh lý đến lần thứ năm. Dự thảo mang số 133/TG1 ngày 16-5-1974 với nhan đề "Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba năm làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam!"
Quân uỷ chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị thông qua, và nêu một số ý kiến cơ bản:
1. Cần nắm lại toàn bộ tình hình phát triển của chiến trường từ cuối năm 1973 đến nay. Do chiến trường hoạt động tốt, kiên quyết tiến công và phản công địch, hậu phương miền Bắc lại tăng cường chi viện, nên thế và lực mới đã hình thành ngày càng rõ nét. Cần đi sâu nghiên cứu phân tích, đánh giá những nhân tố mới vừa được tạo ra, làm cơ sở cho quyết tâm chiến lược.
2. Việc xây dựng kế hoạch chiến lược, nên tiến hành theo hai bước. Mục tiêu của bước một là giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Ta mạnh hơn địch cả về quân sự và chính trị, làm chủ phần lớn vùng nông thôn và rừng núi. So sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi hẳn. Sang bước thứ hai, dựa trên cơ sở thắng lợi của bước một, phát triển đánh lớn, tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi hoàn toàn.
3. Về hướng chiến lược, trong bước một, nên nghiên cứu chọn nam Tây Nguyên hoặc miền Đông Nam Bộ, cần chú ý nam Tây Nguyên là nơi địch sơ hở, ta có điều kiện tập trung lực lượng lớn, nơi có khả năng tiêu diệt lớn quân địch, tạo được bước ngoặt quy định. Cần tích cực làm đường cơ động, nguỵ trang khéo, giữ bí mật, cồ nhiều biện pháp nghi binh, tạo yếu tố bất ngờ, không để lộ ý định, không để lộ lực lượng, làm cho địch chú ý đề phòng. Trước mắt, chủ lực nên hoạt động ở mức độ vừa phải.
4. Cần có kế hoạch riêng cho miền Bắc, tập trung vào công tác động viên lực lượng, chi viện miền Nam cả về người và vật chất, kỹ thuật, đồng thời phải có phương án tác chiến phòng địch tiến hành trở lại chiến tranh phá hoại hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển nam Khu IV.
5. Về xây dựng lực lượng, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng chiến đấu. Biên chế tổ chức phải hợp lý, tỷ lệ giữa các quân chủng, binh chủng phải cân đối, phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế. Đặc biệt quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến lược.
6. Về cách đánh, cần phát triển kinh nghiệm đánh phá "bình định", đồng thời tổ chức nghiên cứu cách đánh của bộ đội chủ lực tiêu diệt chi khu, quận lỵ, thị xã và các thành phố lớn, tiêu diệt chiến đoàn địch, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiêu diệt sư đoàn địch.
7. Nghiên cứu kế hoạch kết hợp quốc phòng với kinh tế trong đó có việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế và chuẩn bị phục hồi đường sắt ở nam Khu IV.
***
Mấy hôm sau, đồng chí Bí thư thứ nhất cho mời các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn xuống Đồ Sơn, báo cáo tình hình và trao đổi ý kiến, chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị.
Trước khi lên đường, anh Thái và anh Tấn cùng đến gặp tôi. Là những người lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, có nhiều kinh nghiệm về công tác tham mưu và kinh nghiệm tác chiến, các anh đã chuẩn bị kỹ tình hình mọi mặt, dự kiến các chủ trương chiến lược quân sự và tác chiến chiến dịch. Sau khi nghe hai anh trình bày các vấn đề sẽ báo cáo và đề cập với anh Ba, tôi đã nói hết những điều nghiền ngẫm từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, nhất là về quan điểm bạo lực cách mạng, về kế hoạch giành thắng lợi, về quá trình tổng tiến công và nổi dậy sẽ diễn ra khi thời cơ xuất hiện.
Tối 22-7, vừa từ Đồ sơn về, hai anh đến gặp tôi ngay tại nhà riêng. Trời oi bức. Mọi người đều mặc áo sơmi ngắn tay màu sáng. Tôi tiếp các anh trong vườn, dưới ánh trăng, trong không khí gia đình. Anh Hoàng Văn Thái vốn là người bạn chiến đấu thân thiết từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Anh Lê Trọng Tấn là một cán bộ đánh nhiều, đánh giỏi mà tôi rất quý mến qua nhiều chiến dịch. Tôi không ngờ cả hai anh, tuy ít tuổi hơn tôi, lại ra đi vĩnh viễn, để lại cho gia đình, bạn bè và quân đội ta biết bao thương tiếc.
Đêm hôm ấy, các anh báo cáo tỉ mỉ với tôi về cuộc gặp và làm việc với anh Ba.
Vào cuộc họp, anh Ba nêu ba vấn đề lớn:
- Đánh giá tình hình địch - ta.
- Phương hướng chiến lược của ta năm 1975 và vài năm sau ở miền Nam.
- Xây dựng và bảo vệ miền Bắc.
Trọn buổi sáng ngày 20-7, anh Thái và anh Tấn báo cáo tóm tắt bản dự thảo kế hoạch chiến lược, tình hình quân sự, chính trị ở miền Nam có chỉ dẫn trên bản đồ, những công việc lớn đã và đang tiến hành, trong đó có việc chuẩn bị đánh Thượng Đức ở Khu 5 và đợt hai vận chuyển chiến lược của Đoàn 559, việc làm đường chiến lược chiến dịch, xây dựng căn cứ hậu cần ở Trị - Thiên, Khu 5 Tây Nguyên và Nam Bộ, kết quả tuyển quân, xây dựng lực lượng, huấn luyện chiến đấu cho bộ đội và việc chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Các anh cũng báo cáó kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương và Nghị quyết tháng 3-1974 của Quân uỷ Trung ương được Bộ Chính trị thông qua.
Đồng chí Bí thư thứ nhất hỏi kỹ về tình hình Quảng Trị, tình hình miền Đông Nam Bộ, tình hình Quân khu IX, Quân khu 5, về sức chiến đấu của quân nguỵ sau khi quân Mỹ rút. Anh Tấn báo cáo: Khi hỏi tên Nguyễn Văn Thọ, đại tá lữ trưởng nguỵ bị bắt trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, hắn nói: "Nếu không có hậu cần và vũ khí Mỹ, kế hoạch gì rồi cũng rách!". Khi hỏi không có Mỹ thì quân nguỵ chịu được bao lâu. Thọ trả lời: "Chỉ được hai năm".
Anh Thái trình bày thêm về sự cần thiết phải có những đòn quyết định tiêu diệt những tập đoàn chủ lực lớn của địch để nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo bước nhảy vọt. Muốn thế, phải có lực lượng, cơ sở vật chất, phải bảo đảm kỹ thuật, bao đảm hậu cần, phải tạo thế, tạo thời cơ.
Chiều 20 và ngày 21-7, anh Ba phát biểu suy nghĩ của anh về những vấn đề của kế hoạch chiến lược, về thời cơ chiến lược. Anh dành nhiều thời gian phân tích tình hình thế giới có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Với cách nhìn toàn cục, anh Ba nêu rõ vấn đề Việt Nam và Đông Dương đang là sự kiện nổi bật ở khu vực Đông Nam Á, một vùng chiến lược mà nhiều cường quốc, kể cả một số nước lớn ở châu Á đều có tham vọng tranh giành ảnh hưởng. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho Mỹ yếu đi rõ rệt. Một khi Mỹ thua, phải rút quân, nhiều nước sợ Việt Nam thắng và mạnh lên. Các thế lực đế quốc và phản động quốc tế gặp nhau ở điểm này.
Tuy nhiên, các nước ấy đều chưa sẵn sàng và chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc khẩn trương tạo thời cơ và "chớp" thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn càng trở nên cấp thiết.
Về cách đánh, ý kiến của anh Ba là cần nghiên cứu cách đánh như thế nào để thắng to, thắng nhanh, khiến Mỹ không kịp trở tay, các nước khác khó lòng can thiệp.
Muốn đánh lớn, thắng lớn, về chiến lược, chiến dịch, phải có bộ đội chủ lực mạnh, sử dụng từng quân đoàn tiêu diệt sư đoàn địch. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp. Đây là một bài toán khó, phải có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn mới tìm ra đáp số. Cần chuẩn bị như thế nào để sang năm 1975 có thể đánh được quy mô vừa, cũng có thể đánh được quy mô lớn, tiêu diệt từng sư đoàn địch, phải vừa tiêu diệt địch, vừa làm tan rã hàng ngũ chúng. Phải giành cho được bất ngờ. Nên chia cắt địch, mở rộng vùng giải phóng sau lưng địch, tạo thế trận có lợi.
Cần đưa thêm lực lượng ở miền Bắc vào. Chú ý đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, phong trào này đang được các yếu tố khác thúc đẩy, nhất là mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ địch. Sắp tới, Níchxơn có thể đổ, Pho sẽ lên thay. Ta cần đưa phong trào lên mạnh để có thêm thế mới và lực mới. Anh Ba nói: "Giành được thắng lợi quyết định trong vài ba năm tới là giỏi, giỏi lắm".
Sau khi làm việc với đồng chí Bí thư thứ nhất, trên đường về Hà Nội, các anh suy nghĩ nhiều về thời cơ chiến lược. Rõ ràng tình hình đòi hỏi cần phải khẩn trương hơn.
Được thêm ý kiến của anh Ba, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh bản đề cương về kế hoạch chiến lược, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ Chính trị.
***
Tình hình tiếp tục chuyển nhanh. Trước áp lực không thể cưỡng lại từ nhiều phía, ngày 9-8-1974, Níchxơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Tin này đến với Thiệu như một đòn sét đánh. Giêrôn Pho, Phó Tổng thống kể từ ngày Ácniu từ chức lên tạm thay cho đến khi bầu tổng thống mới vào năm 1976. Nước Mỹ đứng trước bao khó khăn. Quốc hội Mỹ lại tiếp tục cắt giảm viện trợ cho nguỵ quyền Sài Gòn chỉ còn 701 triệu đôla cho tài khoá 1974-1975, không bằng một nửa số viện trợ trong tài khóa 1972-1973. Để xoa dịu, Pho đã cho Thiệu một liều thuốc an thần: "Tôi biết rằng bước đầu tiên trong năm tài chính hiện nay được Quốc hội phê chuẩn để giúp cho Việt Nam cộng hoà, cả về quân sự lẫn kinh tế đã làm cho ngài phải lo lắng. Quá trình lập pháp của chúng tôi thì phức tạp và chưa hoàn chỉnh. Mặc dù cần có thêm một thời gian để thuyết phục Quốc hội, tôi cam kết lần nữa để ngài tin tưởng ở tôi rằng cuối cùng sự ủng hộ của chúng tôi sẽ đầy đủ cho cả quân viện lẫn kinh viện".
Trên chiến trường, hoạt động của quân nguỵ giảm đi trông thấy. Rõ nhất là các hoạt động của không quân, pháo binh và phương tiện cơ động. Tuy vẫn lớn tiếng hò hét chiến tranh, Nguyễn Văn Thiệu đã phải kêu gọi binh lính nguỵ "đánh theo kiểu con nhà nghèo"(!)
Ở B2 (Nam Bộ và Khu 6), địch bị đẩy lùi. Ở Khu 5, chúng bị chặn lại. Phát huy thắng lợi, quân ta chủ động chọc thủng tuyến phòng thủ Sài Gòn của nguỵ ở cửa ngõ phía bắc (đường 7, Rạch Bắp, Bến Cát). Mặc dù địch thường xuyên lấn chiếm, quân ta vẫn kiên cường giữ vững khu giải phóng Lộc Ninh bằng mọi giá, theo yêu cầu của Quân uỷ Trung ương. Địch thất bại trong kế hoạch "bình định" các vùng đông dân. Vùng địch kiểm soát ngày càng thu hẹp. Lực lượng địch bị co kéo khắp nơi. Quân ta không những đã giành lại tất cả các vùng giải phóng như trước ngày 28-1-1973, mà còn giải phóng thêm hàng chục xã ở đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ kháng chiến được mở rộng và củng cố khá vững vàng.
B2 đã có những nỗ lực rất lớn cả về tác chiến lẫn chuẩn bị chiến trường cho mùa khô tới. Nổi bật lên lúc này là trận quân ta tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức ở Khu 5 từ ngày 29-7-1974 đến ngày 7-8-1974, giải phóng quận lỵ Thượng Đức và bốn xã gồm 13.000 dân, sau đó đánh bại các đợt phản kích của sư đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân nguỵ. Đây là một trận then chốt trong chiến dịch mùa thu 1974 của Khu 5. Thượng Đức là vị trí án ngữ cửa ngõ của căn cứ liên hợp Đà Nẵng. Trong trận này, quân nguỵ phản ứng chậm, lực lượng cơ động phải điều động chắp vá vì thiếu quân và không đủ phương tiện để chở quân. Tinh thần quân chủ lực và quân địa phương nguỵ đều sa sút. Lần đầu tiên một sư đoàn chủ lực của ta cùng quân và dân địa phương đánh bại một sư đoàn dự bị chiến lược của quân nguỵ.
Cùng với thắng lợi ở Nông Sơn, Tiên Phước, Minh Long (Khu 5) Tánh Linh (Khu 6), Nha Bích, Tống Lê Chân (Đông Nam Bộ), trận Thượng Đức cho phép rút ra nhận định: quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn quân chủ lực cơ động của nguỵ. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất. Quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh.
Đối với cấp chiến lược, nhận định đầy sức thuyết phục này có liên quan rất lớn đến việc hạ quyết tâm chiến lược.
Tại Tổng hành dinh, hằng ngày theo dõi chặt chẽ chuyển biến của chiến trường, tôi thấy tình hình phát triển với nhịp độ ngày càng tăng, có khả năng đột biến. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta suốt 20 năm qua đã chuẩn bị tiền đề cho những bước nhảy vọt sẽ diễn ra. Tình hình chiến trường miền Nam và sự rối loạn trong nội tình nước Mỹ, xét cho cùng cũng do sức mạnh đấu tranh, trí tuệ và xương máu của ta tạo lên.
Nhân tố chủ quan, nhất là sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, đối với chiến trường, sự điều hành chiến tranh giải phóng và chỉ đạo chiến lược trong từng thời kỳ của Bộ thống soái tối cao là vô cùng quan trọng.
Vì sao đầu năm 1973, ta đang ở thế thắng, thế áp đảo địch phải chịu lùi bước, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu, thế mà sau Hiệp định Paris, tình hình bỗng trở nên khó khăn, thậm chí có nguy cơ đảo ngược? Vì sao một khi lãnh đạo, chỉ huy kiểm điểm, vạch rõ được sai lầm, nêu được chủ trương, phương hướng hành động đúng đắn thì chẳng bao lâu, ta lại giành thế chủ động và tiến mạnh, tiến nhanh.
Trách nhiệm của người lãnh đạo, của cơ quan đầu não nặng nề biết bao trước vận mệnh của Tổ quốc. Một sự lãnh đạo, chỉ huy chiến lược đúng chỉ có thể có được khi lãnh đạo biết nắm vững phương pháp luận biện chứng, biết nhìn thẳng vào sự thật, biết tự phê bình và phê bình nghiêm túc, kết hợp lý luận với thực tiễn rút ra những bài học kịp thời.
***
Ra nghỉ ở Đồ Sơn, tôi thường ở tại biệt thự số 2, cũng có lần tại nhà khách gần Pagốtđông (Pagodon), trong khu trung tâm, hồi ấy chưa mở cho khách du lịch.
Trong thời gian này, đồng chí Võ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến làm thư ký giúp tôi làm kế hoạch chiến lược. Đôi khi còn có đồng chí Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao giúp viết bài theo yêu cầu của các báo, đồng chí Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn giúp thảo bài diễn văn quan trọng kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Quân đội nhân dânViệt Nam tháng 12 năm ấy.
Kế hoạch chiến lược được giữ tuyệt đối bí mật. Đồng chí Võ Quang Hồ được bố trí ở riêng. Hằng ngày làm việc, mọi tài liệu đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo mật.
Theo hướng dẫn của anh Tôn Thất Tùng, sáng sáng tôi đi bộ quanh bán đảo Đồ Sơn, leo lên các mỏm đồi, đi dọc theo đường mòn nối liền các điểm cao có rừng thông bao phủ, đến 9 giờ sáng mới trở về. Vừa đi vừa suy nghĩ, khi dừng lại ở dọc đường, tôi thường trao đổi công việc với các đồng chí cùng đi. Cũng là "nhất cử lưỡng tiện", vừa rèn luyện sức khỏe vừa nghĩ ra được ý kiến hay.
Trong những ngày hè ở Đồ Sơn, công việc chủ yếu là chuẩn bị kế hoạch chiến lược giành thắng lợi ở miền Nam. Tôi đã đọc cho đồng chí Võ Quang Hồ ghi từng phần của bản kế hoạch, từ nhận định tình hình địch - ta, tình hình quốc tế đến ý định chiến lược và các bước đi cụ thể. Đây là lần dự thảo thứ sáu.
Tình hình Mỹ và thế giới lúc này rất có lợi cho ta.
Vấn đề phải cân nhắc kỹ là khả năng Mỹ lại vào cứu nguy cho nguỵ. Đọc các tài liệu của Bộ Ngoại giao và nghe báo cáo của Cục Quân báo, tôi đi đến nhận định nếu ta chuẩn bị chu đáo, nắm chắc thời cơ, đánh đổ nguỵ quyền nhanh, gọn, thì có thể Mỹ không dám vào.
Nếu nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ lớn, nhưng tình hình còn nhùng nhằng, Mỹ thấy vào có thể cứu được nguỵ, thì cũng có thể Mỹ dùng không quân, hải quân can thiệp ở miền Nam rồi mở rộng ra miền Bắc, hoặc đồng thời đánh phá, phong toả cả miền Bắc và miền Nam. Khả năng Mỹ dùng lục quân có ít. Tuy vậy, ta cũng phải vừa đánh vừa theo dõi phản ứng của Mỹ, hạn chế khả năng can thiệp của chúng.
Các chiến trường đang phát triển tiến công, nhất là từ tháng 4-1974. Với lực lượng hiện có ở miền Nam, ta có khả năng giành lại phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Khu 5, thực hiện các chỉ tiêu giành dân, giành đất, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn chỉnh vùng giai phóng và căn cứ địa miền núi, chia cắt địch ra từng khu vực, xây dựng, củng cố thêm một bước hậu phương ở miền Nam. Phong trào thành thị trước mắt còn yếu nhưng đã có tiền đề cách mạng to lớn và ngày càng chín muồi, nên có khả năng phát triển và phát triển nhảy vọt khi nguỵ quân, nguỵ quyền lâm vào thế khủng hoảng toàn diện. Về khả năng khởi nghĩa lớn ở thành thị còn phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thúc đẩy phong trào phát triển nhanh.
Mục đích trước mắt của ta là đánh đổ nguỵ quyền địa phương, giải phóng nông thôn, buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris, tạo điều kiện phát triển mạnh phong trào thành thị, tiến lên đánh đổ nguỵ quyền trụng ương.
Phương pháp là tiến công và nổi dậy, phát triển lên đỉnh cao là tổng tiến công - tổng khởi nghĩa khi có thời cơ.
Căn cứ vào những ý kiến đã thảo luận trong Bộ Chính trị, tôi phác thảo ra ý định chiến lược là động viên nỗ lực cao nhất, chuẩn bị khẩn trương, đầy đủ nhất cả ba đòn chiến lược: chủ lực, nông thôn, thành thị nhằm giành thắng lợi cao nhất. Sẽ tùy tình hình cụ thể về địch, về ta, về quốc tế, tùy mức độ của thời cơ chủ yếu do chủ quan tạo nên mà quyết định mức độ giành thắng lợi, mức độ sử dụng lực lượng cơ động của miền Bắc, hoặc giành thắng lợi triệt để, hoặc giành thắng lợi cơ bản, lập chính phủ liên hiệp quá độ ba thành phần, thi hành Hiệp định Paris, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi triệt để, về hướng tiến công chủ yếu, trên cơ sở các phương án tác chiến do Tổ trung tâm đề xuất, dự thảo kế hoạch đề ra tiến hành ba đòn chiến lược trên cả ba vùng, trong đó đô thị có tầm quan trọng quyết định, đặc biệt là Sài Gòn và Đà Nẵng. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Trong bước một, kế hoạch đề ra trong các năm 1974, 1975, 1976, với lực lượng của miền Nam, ta giành phần lớn nông thôn miền Nam, hoàn chỉnh vùng giải phóng, hình thành thế bao vây áp sát các thành phố, thị xã, tạo nên sự uy hiếp ngày càng lớn, đồng thời phát triển nhanh lực lượng chính trị, đẩy mạnh phong trào công khai, hợp pháp của lực lượng thứ ba và phong trào đấu tranh chính trị quần chúng cơ bản ở thành thị. Phát động toàn dân làm công tác binh vận. Chủ lực tác chiến tiêu diệt từng sư đoàn nguỵ. Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ triển khai bám sát các mục tiêu không quân, hậu cần, cơ quan đầu não. Hoàn thành kế hoạch làm đường chiến lược chiến dịch, bảo đảm vận chuyển vật chất, cơ động nhanh chóng bộ đội, chuẩn bị đánh lớn. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Sang bước hai, sẽ đẩy nhanh điều kiện chín muồi, nắm vững thời cơ tổng tiến công tổng khởi nghĩa với điều kiện ta đã giành phần lớn nông thôn, bao vây áp sát thành phố, thị xã, chủ lực ta tiêu diệt được sư đoàn nguỵ trong thời gian ngắn. Quân nguỵ liên tiếp thất bại về chiến lược; nguỵ quyền mâu thuẫn, khủng hoảng nghiêm trọng, bị cô lập cao độ, nội bộ chia rẽ, phân hoá, ta tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế.
Dự thảo kế hoạch dự kiến các điều kiện khách quan, chủ quan có thể chín muồi vào đầu năm 1977, xác định kế hoạch năm 1976, nêu rõ các mặt công tác chuẩn bị, các chỉ tiêu phát triển lực lượng, giai phóng đất đai, chú ý nghi binh, giữ bí mật, bất ngờ.
Tháng 8-1974, anh Văn Tiến Dũng đi chữa bệnh ở nước ngoài về. Cùng trao đổi với nhau, anh Dũng và tôi đều nhất trí trên tất cả các vấn đề. Ngay sau khi làm xong, bản kế hoạch dự thảo được gửi đến các đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí chủ chốt trong Quân uỷ Trung ương. Bộ thống soái tối cao đã nhìn thấy thời cơ chiến lược đang tới gần. Vấn đề bây giờ là quyết tâm và phương pháp cách mạng.
Việc xảy dựng các "quả đấm thép" trong giai đoạn cuối của chiến tranh, một vấn đề mà tôi nhiều lần đề xuất sau ngày ký Hiệp định Paris, được xúc tiến mạnh mẽ. Được Bộ Chính trị đồng ý, ngay sau khi hội đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Tổng tư lệnh khẩn trương xây dựng ba quân đoàn chủ lực cơ động: Quân đoàn I mang tên Quyết Thắng thành lập ngày 24-10-1973, tiếp đó, ngày 17-5-1974, Quân đoàn II (Quân đoàn Hương Giang) và ngày 20-7-1974, Quân đoàn IV (Quân đoàn Cửu Long) lần lượt ra đời.
***
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày truyền thống của Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn 308 (28-8-1949-28-8-1974), tôi mời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại đoàn 308 trước đây có vinh dự được Mặt trận Việt Minh - Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tặng thanh kiếm mang dòng chữ "Mã đáo thành công", ý nghĩa là đánh đâu thắng đó.
Trong đội hình của Quân đoàn Quyết Thắng, với tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận lệnh xuất quân, các chiến sĩ Quân tiên phong tổ chức kỷ niệm trọng thể ngày truyền thống vẻ vang của mình theo đúng nghi thức chính quy. Bộ đội vui mừng đón Bác Tôn kính mến như được đón hình ảnh của miền Nam ruột thịt. Sau khi cùng Bác Tôn đi duyệt đội danh dự, tham dự lễ diễu binh, tôi thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho bộ đội: "Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Miền Bắc đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai còn ngoan cố tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân mới.
Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta. Chúng ta nhất định thắng
Các đồng chí cán bộ các cấp phải gương mẫu, sư đoàn phải ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là trình độ quản lý bộ đội, quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong thời điểm quan trọng này, các đồng chí hãy khẩn trương xây dựng sư đoàn chính quy, hiện đại, dũng cảm, thiện chiến, sẵn sàng chiến đấu cao, hễ ra quân là đánh thắng và thắng to, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, xứng đáng với danh hiệu Sư đoàn Quân tiên phong, góp phần cống hiến lớn nhất vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt và nghĩa vụ quốc tế".
Suốt dọc đường về, ngồi cạnh Bác Tôn, những kinh nghiệm và ký ức về xây dựng và sử dụng bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Pháp, nhất là ở Điện Biên Phủ, lại hiện ra trong đầu óc tôi, cùng với hình ảnh lá cờ "Chiến thắng", thanh kiếm "Mã đáo thành công" và những gương mặt trẻ, khỏe của các chiến sĩ Sư đoàn 308.
***
Cuối tháng 8-1974, Bộ Tổng Tham mưu tập trung nắm chắc tình hình, xác minh tin tức, chuẩn bị tài liệu cần thiết phục vụ Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tôi tranh thủ làm việc với Tổ trung tâm. Để có một cái nhìn tổng quát, trong một lần làm việc ở Hà Đông với đồng chí Nguyễn Đông, Chánh văn phòng Quân uỷ và các đồng chí Vũ Lăng, Võ Quang Hồ, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, chúng tôi sơ bộ trao đổi ý kiến về quy luật chiến tranh nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, trên cơ sở đó tìm phương hướng hành động ở chiến trường miền Nam trong tình hình mới. Điểm lại từ Cách mạng Tháng Tám cho đến lúc này, phải chăng quy luật ấy là sử dụng bạo lực cách mạng, tiến hành khởi, nghĩa toàn dân và chiến tranh toàn dân, phát động cao trào cách mạng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đánh địch toàn diện cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược bằng các chiến dịch tổng hợp, các cách đánh sáng tạo có hiệu suất cao, nhằm đúng mục tiêu chiến lược, tạo thời cơ thực hiện những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định để làm chuyển biến tình hình và giành thắng lợi. Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam khi quân Mỹ đã rút đi cũng không ngoài quy luật ấy.
Trước mắt, cần tổng kết cách đánh quân nguỵ bình định, lấn chiếm, tăng thêm người và hoả lực, bảo đảm quân số tiêu đoàn địa phương có đủ 300, tiểu đoàn chủ lực 400, miền Bắc khẩn trương tổ chức từng tiểu đoàn, đại đội hoả lực mạnh đưa vào chiến trường, tiến tới trung đoàn phải diệt được quận lỵ, chi khu quân sự, tiểu đoàn diệt đại đội địch. Khu 8 và Khu IX chưa có sự chỉ huy thống nhất, nên chăng thành lập một Bộ chỉ huy chung.
Về hướng tiến công chiến lược là nam Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột, tôi dựa vào những suy nghĩ đã có từ những ngày kháng chiến chống Pháp, về tầm quan trọng và vị trí chiến lược quân sự của Tây Nguyên kết hợp với thực tiễn chiến trường lúc này và những chỗ mạnh, chỗ yếu trong thế bố trí chiến lược của Mỹ - nguỵ. Nhiều nhà quân sự, cả ta và địch, đều nói nắm được Tây Nguyên là khống chế được toàn bộ chiến trường miền Nam Đông Dương. Đây là cái mái nhà của địa bàn miền Nam bán đảo này. Thế bố trí chiến lược "mạnh hai đầu" của Mỹ - nguỵ nhằm đối phó với ta ở phía bắc (Trị - Thiên) và ở phía Nam (Quân khu III và IV nguỵ) càng lộ rõ nam Tây Nguyên là địa bàn vừa hiểm yếu, vừa yếu lại vừa sơ hở.
Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tổng Tham mưu đã phát hiện rất sớm những nhược điểm của địch ở nam Tây Nguyên. Trong khi bố trí lực lượng rất mạnh ở Vùng I chiến thuật (từ Quang Trị đến Quảng Ngãi) để giữ địa bàn giáp giới với miền Bắc, thì ở Vùng II chiến thuật (bao gồm cả Tây Nguyên), địch chỉ bố trí một lực lượng vừa phải. Riêng ở Tây Nguyên, địch đề phòng ta ở phía Bắc (Pleiku - Kon Tum) nhiều hơn là ở phía nam (Buôn Ma Thuột).
Ngay từ giữa năm 1973, trong bản "Đề cương kế hoạch chiến lược" dự thảo lần đầu tiên, Tổ trung tâm đã đề nghị: "… Hướng chủ yếu của các đòn chủ lực: Tây Nguyên, Miền Đông, Trị - Thiên, Quảng Đà. Chủ yếu là Tây Nguyên vì: địa hình tốt, bảo đảm phát huy được binh khí kỹ thuật; kết hợp được đòn chủ lực với tiến công, nổi dậy ở đồng bằng Khu 5; bảo đảm được liên tục tiến công; có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất; địch hiện nay tương đối yếu…".
Anh Dũng và tôi đã xem và cho ý kiến để Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch.
Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo, với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, đã nêu ý kiến: khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành.
Mấy hôm sau, tôi mời cơm anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân tại gia đình. Lúc đó, trong cán bộ ta có hai ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ: một số đồng chí chọn Tảy Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, một số khác chọn đồng bằng Nam Bộ. Trong lúc chuyện trò thân mật, tôi đã nói với hai anh: "Thế nào ta cũng đánh Tây Nguyên trước".
Việc chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính còn là suy nghĩ của nhiều đồng chí khác. Tháng 7-1974, khi gặp tôi cũng như khi gặp các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn ở Đồ Sơn, anh Ba có nhắc đến Tây Nguyên.
Đồng chí Lê Trọng Tấn đã có lần ra tình huống tập bài cho học viên trường bổ túc quân sự cấp cao: "Nếu chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu thì mục tiêu đầu tiên là ở đâu?". Tuyệt đại đa số đáp án của học viên đều thống nhất chọn hướng nam, đánh vào Buôn Ma Thuột.
Sau này, anh Lê Hữu Đức kể lại: Một buổi sáng mùa hè năm 1973, đồng chí Bí thư thứ nhất gọi anh lên báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi chuẩn bị ra về, anh Ba hỏi:
- Bộ Tổng Tham mưu đang làm gì?
- Dạ, đang dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
- Thế à! Đồng chí có thể báo cáo cho tôi nghe được không?
Liên tục trong vòng hai tiếng đồng hồ, anh Đức báo cáo bản Đề cương dự thảo. Anh Ba nghe rất chăm chú.
Cuối cùng anh chỉ thị:
- Chiều nay, mời cả tổ sang làm việc với tôi.
Buổi chiều, các anh Lê Trọng Tấn, Vũ Lăng, Lê Hữu Đức sang nhà riêng của anh Ba. Sau khi nghe anh Tấn báo cáo, nội dung gần như anh Đức báo cáo buổi sáng, anh Ba nói:
- Tôi đang suy nghĩ như vậy. Hôm nay nghe xong, Tổ trung tâm lại củng cố suy nghĩ đó của tôi. Tôi sẽ báo cáo với Bộ Chính trị.
Trên đường về, anh Tấn dặn anh Lăng và anh Đức:
- Vấn đề tuyệt mật, để tôi trực tiếp báo cáo anh Dũng và anh Văn.
Sáng thứ ba tuần sau, trước khi thảo luận, anh Tấn nói lại ý của anh Dũng và anh Văn cho toàn tổ: "Anh Dũng chỉ thị đánh đúng vào Buôn Ma Thuột là chỗ yếu chí tử của địch. Đánh được vào đấy mới thắng to. Làm đường là rất hợp "khẩu vị" của anh Văn, vì có đường mới sử dụng được pháo lớn, xe tăng, mới đánh lớn được Anh Văn bảo mình bàn kỹ với anh em công binh, cố gắng làm đường để đánh vào Buôn Ma Thuột. Anh còn nhắc kinh nghiệm Điện Biên Phủ, bắc Quảng Trị. Đường quan trọng lắm".
Rõ ràng, việc chọn hướng chiến lược Tây Nguyên, chủ yếu là nam Tây Nguyên và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu tiến công đầu tiên không phải mới được đặt ra trong những ngày này.
***
Ngày 27-9, trong buổi hội ý công tác của Bộ Chính trị, anh Ba nêu ra năm nội dung để chuẩn bị thảo luận.
Đó là chủ trương kế hoạch của cách mạng miền Nam năm 1975 và những năm sau, nhiệm vụ của quân đội, tổ chức bộ máy nhà nước, công tác cán bộ và một số công việc khác. Anh gợi ý: Điểm nổi bật trong so sánh lực lượng là ta chủ động, địch bị động, thế và lực của Mỹ - nguỵ đã khác trước và có thể còn khác nữa. Ta phải có cách đánh khiến Mỹ phải chịu, cần đẩy lực lượng địa phương lên giải quyết cho được chi khu, quận lỵ, chủ lực đánh cỡ tiêu đoàn, trung đoàn, diệt sinh lực của địch từ ngoài vào trong, tiến lên diệt sư đoàn, thị xã. Cần chú ý đặc công. Nhằm vào các cơ quan đầu não, cơ sở vật chất, sân bay, bến cảng, đường giao thông. Trong mấy năm, làm thay đổi so sánh lực lượng, tạo thời cơ, chuẩn bị đòn quyết định bằng tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Yêu cầu tập trung làm kế hoạch, tổ chức lực lượng, tổng kết cách đánh, với tinh thần tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt.
Căn cứ vào tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu bổ sung kế hoạch chiến lược. Một bản đề cương mới: "Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam" mang số 172/TG1 đã làm xong ngày 26-8-1974.
Cũng trong thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ B2 gửi ra Trung ương và Quân uỷ Trung ương một kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành sự nghiệp cách mạng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Như vậy là cả phía trước và phía sau, từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đến các chiến trường đã gặp nhau trong quyết tâm giành thắng lợi cluyết định trong vài ba năm tới. Vấn đề còn lại là phương án hành động tối ưu để giành thắng lợi sớm nhất, gọn nhất, tiết kiệm xương máu nhất.
***
Ngày 30-9-1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc tại Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, anh Võ Chí Công lúc này đang có mặt ở Thủ đô cũng được mời đến dự.
Trên các bức tường quanh phòng họp, Cục Tác chiến treo sẵn những tấm bản đồ quân sự lớn tỷ lệ 1/500.000, với các ký hiệu thể hiện tình hình chiến sự mới nhất.
Đáng chú ý là bản đồ trận tiến công của quân ta tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn, quận lỵ Thượng Đức và các đợt phản kích của các lữ đoàn địch đã bị ta đánh bại ở Khu 5.
Hội nghị dành hẳn hai ngày để nghe báo cáo.
Anh Hoàng Văn Thái trình bày tình hình quân sự - chính trị của miền Nam chín tháng qua. Với những dẫn chứng cụ thể, bản báo cáo cho thấy đối phương đã bị thất bại một bước nghiêm trọng trong âm mưu "bình định", lấn chiếm, bộc lộ những suy yếu và những khó khăn mới. Số cuộc hành quân lấn chiếm giảm dần. Các cuộc hành quân giải toả tăng lên. Địch đang ở thế đi xuống rõ rệt. Tuy vậy, quân địch còn đông, hoả lực, phi pháo tuy đã rất hạn chế nhưng vẫn còn hoạt động, bộ máy kìm kẹp còn khống chế được nhân dân trong vùng địch kiểm soát.
Từ tháng 4 trở đi, tình hình chuyển biến nhanh hơn. Địch không còn đủ sức đối phó với các cuộc tiến công và phản công của ta. Vùng giải phóng được mở rộng. Đối với mót số vùng ở Tây Nguyên, Khu 5 và miền Đông Nam Bộ, địch đã phải bỏ hẳn. Tinh thần quân nguỵ rệu rã, số đào ngũ tăng gấp ba lần năm 1973. Địch không còn đủ sức đánh vào tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Nếu Mỹ tiếp tục cắt giảm viện trợ, nguỵ sẽ còn suy yếu nhanh hơn nữa. Mỹ không còn khả năng đưa quân bộ vào miền Nam. Nếu dùng không quân và hải quân can thiệp, Mỹ cũng không thể cứu nguỵ khỏi sụp đổ.
Về phía ta, phong trào chống đối Mỹ - Thiệu của các tầng lớp nhân dân ở đô thị lên mạnh. Vùng giải phóng được củng cố. Bộ đội chủ lực có nhiều tiến bộ, nhưng còn phải nâng cao hơn nữa trình độ tảc chiến hiệp đồng binh chủng, đánh địch trong công sự, đánh tiêu diệt lớn.
Trong trận Thượng Đức, tuy diệt được địch, nhưng quân ta đánh chưa thật gọn. Việc chi viện chiến trường đang xúc tiến, nhưng còn phải đẩy mạnh hơn nữa trong mấy năm tới, nhất là trong năm 1975. Báo cáo đề nghị cho tuyển thêm 15 vạn chiến sĩ mới vào cuối năm 1974 và 6 vạn nữa vào đầu năm 1975 để có đủ lực lượng thực hiện kế hoạch giành thắng lợi. Đây là một số lượng rất cao so với tỷ lệ dân số, nhưng không thể làm khác được.
Tiếp đó, anh Lê Trọng Tấn báo cáo đề án kế họạch, chiến lược hai năm và riêng năm 1975, với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Kế hoạch chiến lược gồm hai bước:
Bước 1 (1975): Tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp nhằm:
1. Đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định" của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân nguỵ, giải phóng và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven Sài Gòn, đồng bằng Khu 5 và Trị - Thiên.
2. Mở thông hành lang chiến lược từ nam Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ và ba tỉnh phía nam Khu 5, từ Tây Ninh xuống bắc Sài Gòn, từ Tây Ninh xuống Long An, xuống tây nam Sài Gòn, từ Kiến Phong, Kiến Tường đến Mỹ Tho. Mở các căn cứ bàn đạp, áp sát các đô thị và căn cứ trọng yếu của địch.
3. Phá huỷ một bộ phận quan trọng phương tiện chiến tranh, tiềm lực kinh tế, cắt giao thông địch.
4. Thúc đẩy phong trào đô thị phát triển.
5. Xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện cho bước hai.
Kế hoạch chiến lược năm 1975 chia làm ba đợt:
- Đợt 1: Từ tháng 12-1974 đến tháng 2-1975, là đợt tiến công có mức độ. Hoạt động chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Đợt 2: Là đợt chủ yếu. Từ tháng 3 đến tháng 6-1975, mở chiến dịch tiến công quy mô lớn trên chiến trường nam Tây Nguyên và các chiến dịch phối hợp ở miền Đông Nam Bộ, bắc Khu 5 và Trị - Thiên. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục tiến công và nổi dậy, mở mảng, mở vùng, đánh phá "bình định".
Đợt 3: Từ tháng 8 đến tháng 10-1975 là đợt phát triển thắng lợi bằng đây mạnh hoạt động ở Trị - Thiên và Khu 5, đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng thực hiện phương án thời cơ.
Bước 2 (1976): Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Về hướng chiến lược và nhiệm vụ của từng chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị:
- Trị - Thiên, Quảng Đà là chiến trường đánh phá "bình định", tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn, chia cắt chiến lược.
- Tây Nguyên (trọng điểm là nam Tây Nguyên) là chiến trường chủ yếu của chủ lực tiêu diệt lực lượng địch.
- Nam Bộ: Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven Sài Gòn là chiến trường chủ yếu đánh phá "bình định" nhằm hoàn thành thế bao vây và cô lập Sài Gòn.
Miền Đông là chiến trường của chủ lực, tiêu diệt lực lượng địch, mở mảng, mở vùng, mở hành lang Tây Ninh và phối hợp với Khu 8 mở hành lang Kiến Phong - Kiến Tường, tạo bàn đạp áp sát Sài Gòn - Mỹ Tho.
Về thời cơ chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu dự kiến thời cơ có thể xuất hiện trong ba tình huống:
1. Khi ta đánh mạnh nhất vào đợt hai năm 1975.
2. Ngay trong mùa mưa ở Nam Bộ.
3. Những tháng cuối năm 1975, khi nguỵ tổ chức bầu tổng thống.
Phương hướng là: "Kiềm chế Mỹ, đánh đổ nguỵ, hạn chế chiến tranh ở phạm vi miền Nam, đồng thời sẵn sàng đối phó phản ứng quyết liệt của Mỹ bằng không quân, hải quân và quân cứu hoả".
Trong bản báo cáo, Bộ Tổng Tham mưu cũng trình bày cụ thể kế hoạch hậu cần chiến lược làm cơ sở cho việc đặt kế hoạch tác chiến chiến lược và những mục tiêu cần đạt tới, nhất là trong năm 1975, về khả năng can thiệp trở lại của Mỹ khi ta đánh lớn, khả năng vật chất kỹ thuật của ta để đánh lớn, về khả năng nổi dậy của quần chúng ở các đô thị, nhất là ở Sài Gòn.
Tôi phát biểu ý kiến bổ sung, nêu rõ lúc này thế và lực của ta đang phát triển nhanh chóng theo chiều hướng có lợi. Tình hình đó cho phép ta chuẩn bị ngay kế hoạch tiến tới tổng công kích, mở đầu là tổ chức các đợt tiến công tiêu diệt lớn quân địch, sau đó đánh vào các thành phố. Địch còn có những chỗ mạnh. Xương sống của địch là quân đội nguỵ, được coi là mạnh nhất trong các đội quân tay sai của đế quốc. Bên cạnh chúng, vẫn còn cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ. Đầu não của chúng đang ở các đô thị, nhất là ở Sài Gòn. Kế hoạch bình định được chúng coi là cơ sở, tạo nguồn dự trữ để thực hiện "Việt Nam hoá chiến tranh". Tuy nhiên, địch đang trên đà đi xuống. Viện trợ Mỹ không ngừng bị cắt giảm. Tinh thần quân nguỵ rệu rã, binh sĩ phần lớn bị bắt buộc đi lính, sức chiến đấu sút kém rõ rệt. Nguỵ quyền cũng suy yếu trầm trọng. Mâu thuẫn giữa chúng với chủ Mỹ ngày càng tăng. Nguỵ quyền Sài Gòn đang đứng trước những khó khăn về kinh tế - xã hội vô phương cứu vãn. Đế quốc Mỹ đang lúng túng. Phong trào phản chiến từ sau Hiệp định Paris càng lên cao. Nạn lạm phát xuất hiện. Đảng Cộng hoà bị vụ bê bối Oatơghết trói chặt chân tay. Mỹ rất khó đưa quân trở lại miền Nam. Đây là hoàn cảnh khách quan hết sức thuận lợi, ta cần tận dụng, không được bỏ lỡ.
Khó khăn của địch là thuận lợi của ta. Cách mạng miền Nam đang chuyển mạnh theo hướng đi lên. Chiến trường Nam Bộ bước vào một mùa mưa chưa từng có.
Bất chấp thời tiết khó khăn, quân và dân ta đẩy mạnh mọi mặt hoạt động tạo thế mới và lực mới, cả vật chất và tinh thần. Ta tiêu diệt một bộ phận khá lớn sinh lực của địch, giữ vững các "lõm giải phóng" ở đồng bằng sông Cửu Long, xung quanh Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng và căn cứ địa rộng lớn, duy trì được thế uy hiếp địch về mặt chiến lược. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, dự trữ cho chiến đấu cũng rất khả quan. Ngành hậu cần, Đoàn Trường Sơn đã vận chuyển với khối lượng lớn, "lót ổ" hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, xăng dầu, tạo thêm thế mạnh, chuẩn bị đủ cho bộ đội chiến đấu trong một năm rưỡi, xây dựng lực lượng, nhất là xây dựng những "quả đấm chủ lực", thu được nhiều kết quả. Bộ đội chủ lực đã triển khai hầu hết ở miền Nam.
Tôi đặc biệt lưu ý hội nghị về trận Thượng Đức, qua đó thấy rõ khi không dựa được vào sự chi viện lớn của không quân Mỹ, khi không còn nhiều đạn pháo để sử dụng thì sức chiến đấu của quân nguỵ rất yếu cả trong tiến công cũng như trong phòng ngự. Cuối cùng, tôi khẳng định thời cơ chiến luớc đã đến, cần khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị, cần có những trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt lớn quân địch để giành toàn thắng.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị phát biểu ý kiến rất sôi nổi. Thận trọng, khúc chiết, rạch ròi từng ý, anh Trường Chinh nêu rõ Mỹ đang đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là thay ngựa giữa dòng như đã thay Ngô Đình Diệm trước kia, hoặc là can thiệp có mức độ để cứu vãn tình thế. Ta cần lợi dụng thời cơ Mỹ đang bê bối về nhiều mặt, tranh thủ giành thắng lợi quyết định.
Anh Phạm Văn Đồng nhắc lại lần gặp Kítxinhgiơ năm ngoái. Trả lời câu hỏi: Dân tộc Việt Nam đã ba lần thắng quân Nguyên. Còn các ông, liệu các ông đánh chúng tôi mấy lần? Nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã giơ lên một ngón tay. Rồi anh khẳng định: Nước Mỹ đang bê bối lắm! Cho kẹo, quân Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam.
Anh Nguyễn Duy Trinh cũng đồng ý như vậy, và nói tiếp: Tuy nhiên, ta vẫn cần phải đề phòng.
Mọi người đều nhất trí một khi Mỹ đã rút quân ra thì khó lòng trở vào lại miền Nam. Vào bằng lục quân đã khó, còn nếu vào bằng không quân thì không quyết định được chiến trường, làm sao cứu được nguỵ? Mỹ gặp nhiều khó khăn ở trong và ngoài nước, khả năng viện trợ cho nguỵ ngày càng giảm. Dù chúng có can thiệp thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể cứu vãn được sự sụp đổ của nguỵ. Ta đã giành quyền chủ động trên chiến trường, tạo được thế chiến lược vững chắc từ Bắc đến Nam. Lực lượng quân sự, dự trữ vật chất được tăng cường. Hệ thống đường chiến lược, chiến dịch đang tiếp tục hoàn chỉnh. Ở đô thị miền Nam, phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân sinh, dân chủ, đòi độc lập dân tộc đòi lật đổ Thiệu đang phát triển. Vai trò của Mặt trận dân tộc giải phóng, của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình ngày càng được nâng cao. Rõ ràng, nguỵ đã suy yếu nghiêm trọng toàn diện. Ở miền Nam, ta đã mạnh hơn địch.
Về kế hoạch chiến lược, hội nghị thấy rằng hai năm 1975 và 1976 đều có vị trí quan trọng, nhưng năm 1975 là năm bản lề, tạo điều kiện mọi mặt để trong năm 1976 giành thắng lợi cuối cùng. Năm 1975, ta bắt đầu đòn tiến công nam Tây Nguyên, kết hợp với mở vùng, mở mảng ở đồng bằng sông Cửu Long, nối liền Tây nguyên với miền Đông Nam Bộ. Phải thực hiện tốt kế hoạch năm 1975 để đón năm 1976. Phải tạo cho được yếu tố bất ngờ có thể dẫn đến những bưôc phát triển nhảy vọt.
Đối với Mỹ, cần kết hợp với đấu tranh ngoại giao để loại trừ khả năng can thiệp, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể đề phòng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân, nhất là khi nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Tình thế cách mạng đang chín muồi. Một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu sẽ diễn ra và sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quân, nguỵ quyền miền Nam là không thể tránh khỏi.
Hội nghị nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ, nhất là khi Thiệu đổ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Về hướng chiến lược, Hội nghị đề ra bộ đội chủ lực phải chuẩn bị trên cả hai hướng:
- Tây Nguyên, trọng điểm là nam Tây Nguyên, là hướng chiến lược rất quan trọng.
- Miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.
Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
Về cách đánh chiến lược, chiến dịch, cần kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, kết hợp ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, thành thị). Bộ đội chủ lực phải đánh những trận quyết chiến, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường rừng núi, phối hợp với các chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5. Chú ý chia cắt chiến lược, cắt giao thông, tạo điều kiện nổ ra ly khai, binh biến.
Công tác tư tưởng phải lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, tổ chức, động viên mọi lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân giành thắng lợi to lớn, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Sáng 8-10-1974, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị. Đồng chí nêu rõ sau bảy ngày thảo luận, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chiến trường đã có sự nhất trí quan trọng là đã đến lúc hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Từ 30 năm nay, cuộc kháng chiến của ta đã đi vào một điểm của thời đại. Đánh cho Mỹ ra đã là vĩ đại. Nay hoàn thành được cách mạng dân tộc dân chủ, mở ra kỷ nguyên Việt Nam thì lại càng vĩ đại.
Đồng chí phân tích thế đi xuống của nguỵ, thế thua của Mỹ, thế thắng, thế đi lên của cách mạng. Về thời cơ chiến lược, đồng chí nói: "Do sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi lăm năm nữa, bọn nguỵ gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục, mạnh lên, thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo".
"Để thực hiện quyết tâm chiến lược ấy phải có chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Kết hợp quân sự, chính trị, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, đô thị, căng địch ra mà đánh, bao vây và tiêu diệt, với một đội quân chính trị rất mạnh, một đội quân quân sự rất mạnh. Quyết tâm là quân đội. Đây là lực lượng quyết định.
Cần có kế hoạch xây dựng, tác chiến, rất cấp bách với tinh thần khẩn trương, quyết thắng".
Cuối cùng đồng chí khẳng định:
"Quyết tâm của ta là động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền trung ương và các cấp, giành toàn bộ miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà.
Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất, để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong thời gian hai năm 1975-1976. Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự".
Hội nghị vang dội tiếng vỗ tay dài.
Trong không khí phấn khởi, quyết tâm, tôi đứng lên hứa trước Đảng: "Toàn quân sẽ kiên quyết thực hiện bằng được nhiệm vụ lịch sử mà đồng chí Bí thư thứ nhất đã thay mặt Đang trao cho quân đội".
Các đại biểu là cán bộ quân sự họp ngày hôm ấy đều cảm thấy một trách nhiệm lớn lao đè nặng lên đôi vai của mình trong bước ngoặt quyết định của cách mạng. Lật trang đầu cuốn sổ công tác còn để trống, tôi ghi bằng nét lớn: "Quyết tâm chiến lược, quyết chiến lịch sử", một quyết tâm lớn trong tháng 9-1974 đáng ghi nhớ.
Mười ngày họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình Bộ thống soái tối cao chỉ đạo giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Sau một năm triển khai phương hướng chiến lược do Nghị quyết Trung ương 21 đề ra, chiến trường chuyển biến nhanh theo hướng có lợi. Đây là thời điểm mà lãnh đạo khởi đầu bàn tới quyết tâm chiến lược và một số vấn đề cơ bản có liên quan đến việc hạ quyết tâm.
Giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam là một việc hết sức trọng đại, hết sức khó khăn, phức tạp.
Nghệ thuật quân sự là nghệ thuật của các khả năng.
Nhận thức là một quá trình. Khởi đầu chiến tranh cũng như kết thúc chiến tranh có liên quan mật thiết đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Một quyết tâm chiến lược chỉ có thể đúng khi đã có đủ các yếu tố chủ quan và khách quan cần thiết. Từ những bước chuẩn bị cụ thể, tạo thế, tạo lực, đến lúc tình hình chín muồi, sẽ tạo ra bước nhảy vọt cách mạng, có khi vượt mọi dự kiến ban đầu.
Ở thời điểm nóng bỏng này, trí tuệ của lãnh đạo tập trung soi sáng con đường đi tới toàn thắng của dân tộc, vạch rõ phương hướng và biện pháp giáng đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Các chuyển biến trên chiến trường miền Nam cung cấp cho ta nhiều dữ liệu quan trọng. Trận Thượng Đức là thước đo sức chiến đấu của quân ta và quân nguỵ.
Cuộc rút chạy khỏi Tống Lê Chân là tiếng kèn lui quân bạc nhược của địch. Níchxơn buộc phải rời ghế Tổng thống Mỹ là biểu hiện thể trạng bệnh hoạn của một tên xâm lược khổng lồ bất lực.
Tất cả cho phép Bộ thống soái tối cao rút ra những kết luận đanh thép. Đó là:
- Trên chiến trường miền Nam, ta đang phát triển thế chủ động chiến lược, đẩy địch vào thếbị động phòng ngự.
Sức chiến đấu của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của nguỵ.
- Mỹ không thể đưa quân trở lại, cũng khó lòng cứu nguỵ khỏi sụp đổ.
- Thời cơ chiến lược đang phát triển nhanh chóng đến độ chín muồi.
Ngay sau hội nghị, tôi chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu bổ sung kế hoạch, đồng thời truyền đạt ngay nhiệm vụ và kế hoạch quân sự bước đầu đã được Bộ Chính trị thông qua đến các chiến trường. Về tuyển quân, thực tế đã có những khó khăn gay gắt. Tổng quân số lúc này đã chiếm hơn 50% số trai từ 18 đến 25 tuổi hiện có trong cả nước. Trong khi đó, yêu cầu tuyển thêm 17 vạn quân trong năm 1975 (tăng 50% so với năm 1973 và năm 1974) là cao nhưng rất cần thiết. Tôi yêu cầu bất kỳ tình huống nào cũng phải có đủ lực lượng chiến đấu cho miền Nam giành thắng lợi, dù có phải tuyển thêm ở độ tuổi từ 26 đến 30 và một phần ở khu vực học sinh, sinh viên và cán bộ, công nhân viên nhà nước. Riêng về hậu cần, tôi nhấn mạnh đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Phải chuẩn bị cho hai năm 1975 và 1976, ít nhất cũng phải đủ cho một năm rưỡi, vì một lẽ giản đơn là nếu không có gạo, đạn, nhiên liệu thì bộ đội không đánh lớn được. Cần hoàn chỉnh trục đường chiến lược trước mùa khô để có thể vận chuyển cả hai mùa vào tới Lộc Ninh, đồng thời gấp rút phát triển mạng đường chiến dịch đến các mục tiêu tiến công theo dự kiến. Hệ thống kho, trạm cũng như kế hoạch vận chuyển phải được triển khai hoàn chỉnh.
Tôi cũng yêu cầu Tổng cục Chính trị tiến hành tốt công tác tư tưởng, công tác động viên chính trị, cổ động chiến trường. Qua kinh nghiệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, công tác này đã phát huy tác dụng, cổ vũ mạnh mẽ khí thế tiến công của quân và dân miền Nam, thông tin, cổ động hậu phương miền Bắc hướng về tiền tuyến lớn, phối hợp cùng miền Nam đánh giặc. Cùng với tin thắng trận và các bản thông cáo chiến thắng, những bài bình luận quân sự của Quyết Thắng, của Cửu Long, của Chiến Trường thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, một thời đã làm nức lòng cả nước, hướng mọi trái tim theo cùng một ý chí tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, quyết chiến và quyết thắng.
Các cơ quan Tổng hành dinh làm việc không kê ngày đêm. Ai cũng muốn góp phần công sức, trí tuệ của mình, phát huy cao độ chức năng tham mưu của cơ quan chiến lược đối với chiến trường, chuẩn bị cho mùa thi đua lập công hằng mong đợi.
--------------------------------
1Điểm xung yếu.2Đầu năm 1974, anh Hoàng Văn Thái sau khi chữa bệnh tại Cộng hoà dân chủ Đức, vì lý do sức khỏe, đã ở lại miền Bắc và nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Anh Trần Văn Trà lên thay làm Tư lệnh B2.
/10
|