Tình Yêu Hài Hước Của Bảo An

Chương 54 - Chương 54

/68


Mai lên đường, phải tập trung sớm, thế nhưng đêm nay có lẽ Hoài Phong lại phải thức trắng mất rồi. Tất cả đều tại cái hôn bất chợt của An mà thôi. Khe khẽ vuốt ve bờ môi dưới, trong lòng Hoài Phong chẳng những lâng lâng những xúc cảm sung sướng mà còn phảng phất cả một chút tiếc nuối nữa cơ. Giá kể Phong nhanh tay hơn đôi giây thì cậu và An đã kéo dài được khoảnh khắc ngọt ngào kia thêm được mấy độ. Và nụ hôn đó sẽ là một nụ hôn thực sự, chứ không đơn thuần chỉ là môi chạm môi như kia vậy đâu. Gõ gõ ngón trỏ lên khuôn miệng mình, Phong đang tính…

“Chả có nhẽ giờ chạy đến đấy và xin làm lại.”

Lời lẩm nhẩm vừa dứt, cậu chàng liền đập tay đập chân xuống giường mấy cái bồm bộp ra điều ngại ngùng vô cùng. Hoài Phong cũng trong sáng lắm cơ, ai đời mới chỉ nghĩ tới thôi mà toàn thân cậu chàng đã phừng phừng bốc hỏa ngay được rồi. Thật chẳng giống Hoài Phong mà mọi người vẫn thường hay nhắc đến chút nào.

Trằn trọc mãi tới gần hai giờ sáng, Phong mới chìm được vào giấc ngủ với những ngón tay vẫn còn đặt lên đôi môi mình và niềm hy vọng được tận hưởng lại giây phút kia một lần nữa trong giấc mơ này.

Tuy rằng thức khuya là thế nhưng cũng may, buổi sang hôm nay Phong vẫn có mặt đúng giờ tại nơi tập kết. Không khí tràn đầy xúc động của buổi điễn đưa giữa người ở và kẻ lên đường đã thổi bay được hết những mệt mỏi và cơn buồn ngủ trong Phong. Dạo trước, cậu có nghe một vài anh cùng xóm kể về những khổ cực trong thời gian đi lính nghĩa vụ và vượt lên trên tất cả mọi vất vả về thể xác chính là nỗi nhớ nhà, người thân yêu da diết. Khi ấy, Phong đã nhếch môi cười vì cho rằng bản thân mình tuyệt nhiên sẽ chẳng hề nghĩ về gia đình này chút nào đâu, trừ mẹ và cô em gái. Nhưng bây giờ lại khác, nhờ có Bảo An tài tình chắp nối mà mối quan hệ giữa mọi thành viên trong nhà Hoài Phong ngày càng được thắt chặt hơn xưa, tình cảm gia đình cũng nhờ đó mà đi lên trông thấy. Thế nên bây giờ, đứng giữa những cái ôm và lời dặn dò của bà nội và mẹ cha cùng cô em gái, phải kiềm chế lắm Phong mới không òa lên khóc nhè như đứa trẻ con. Nay phải tạm chia xa, Phong sẽ lo lắm mỗi khi Hoài An bị bắt nạt hay ủ rũ vì những chuyện buồn vu vơ thì ai sẽ là người ở bên bênh vực và động viên cô bé? Còn nữa, Phong vắng nhà như vậy, hẳn là mẹ sẽ nhớ mong cậu nhiều lắm. Mấy đêm trước đi chơi về khuya, cậu đã bắt gặp mẹ đang ngồi trong phòng mình và sụt sùi nước mắt. Nghĩ tới viễn cảnh mẹ ngày nào cũng khóc đỏ hoen đôi mắt vì ngóng chờ mình, Phong lại thấy xót xa cõi lòng đến vô cùng. Hoài Phong cũng lo cho bố nhiều lắm, cậu thực không yên tâm với những bữa ăn trưa của bố bên ngoài hàng quán một chút nào đâu. Đã đi làm vất vả và gánh vác toàn bộ tài chính cho gia đình, Phong muốn suất cơm chưa của bố phải luôn ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất. Mấy hôm rồi nghe bố đùa rằng “Dạo này quen ăn cơm thằng Phong nấu rồi, ăn đồ do người khác làm tưng dưng lại thấy không quen”, Phong sợ bố thời gian tới bố sẽ chán ăn mà sinh bỏ bữa mất thôi. Và bà nội, Hoài Phong sẽ nhớ lắm những tiếng cằn nhằn, trách móc của bà mỗi ngày.

Ngay khoảnh khắc này, Hoài Phong đã biết những ngày trong quân ngũ tới đây, cậu sẽ bị những thứ tình cảm kia giày vò tâm trí. Huống hồ bây giờ, cậu còn có cả một Bảo An để nhớ nhung mỗi ngày nữa chứ. Mấy hôm trước khi nghe An nói sẽ không thể góp mặt trong buổi chia tay Phong hôm nay, cậu chàng đã thấy hụt hẫng và tỉ thân vô cùng. Nhưng giờ nghĩ kỹ Phong lại thấy như thế hóa ra lại may, vì không có An ở đây, cậu sẽ nhẹ lòng mà lên đường tòng quân hơn nhiều. Hơn nữa, An vắng mặt cũng là bởi có lý do riêng hợp tình lắm chứ.

Số là hôm nay cô Thục có chuyến công tác ở ngay tại quê nội nhà An để chuẩn bị cho một cửa hàng mới khắp khai trương ở ngay xứ này. Do vậy, mẹ muốn sẵn dịp đưa An theo cùng để con bé có cơ hội ra viếng thăm nơi yên nghỉ của bố. Cô Thục bận lo công chuyện chưa xong, thành thử ra sáng nay chỉ có mình An ra thăm mộ bố. An mất bố năm lên hai, vậy nên bây giờ con bé chẳng hề có một chút ký ức nào về bố cả. Suốt mười mấy năm qua, Bảo An chỉ có thể gần gũi và trò chuyện cùng bố thông qua món quà cuối cùng mà ông để lại thôi. Và so với việc tỉ tê bên chú gấu trắng đó, An thấy được ngồi ngay sát ngôi mộ nơi bố nằm thế này mới thật gần gũi hơn rất nhiều. Trừ những dịp Tết lễ được về quê chơi và ra thăm mộ bố thì An ít có cơ hội được tâm tình cùng bố như thế này lắm. Thành thử ra bây giờ An mới kể lể hăng say lắm. Từ chuyện đỗ đại học đã được khai báo từ hồi Tết đến đây cho tới mấy vấn đề khác nữa. Và, cả nụ hôn tối hôm qua với Phong, An cũng thần thật nói cho bố nghe. Cuối cùng, trước đúng đứng dậy ra về, An có hỏi bố một câu thế này:

“Bằng kinh nghiệm của một người đàn ông, bố có nghĩ cậu ấy đã yêu con rồi không ạ?”

Hoài Phong đi rồi, mọi người ở nhà ai nấy đều cảm thấy trống trải vô cùng và có lẽ người nhớ thương Phong nhiều nhất lại chính là người bà vẫn thường hay khó tính với cậu mỗi ngày. Theo thói quen đã sớm hình thành từ lâu, đêm nào bà cũng ra ngồi trước hiên nhà và ngóng chờ Hoài Phong, hệt như cái dạo cậu còn ở nhà và thường hay la cà rong chơi đến khuya chưa về. Thiếu đi bóng Phong, nhà cửa cũng vì thế mà vắng đi rất nhiều. Nhất là từ đợt mẹ Phong tìm được việc làm thêm bên ngoài và Hoài An thì bắt đầu bận rộn với những ca học nối đuôi nhau. Trong ngồi nhà thành thử ra chỉ còn mỗi mình bà lủi thủi từ sáng sớm đến tận chiều tối giờ cơm, khi con cháu trở về.

Thương bà, Bảo An vẫn thường hay lui tới nhà Phong để trò chuyện cùng dùng cơm trưa với bà. Có An đến, bà mừng lắm, chỉ mốn giữ con bé ở lại chơi nguyên ngày mà thôi. Và như để giảm bớt nỗi nhớ nhung về Phong, hai bà cháu thường xuyên lấy cậu chàng ra để làm chủ đề bàn tán rôm rả suốt cả buổi. Cứ mỗi lần An gối đầu vào lòng bà và cất giọng mè nheo năn nỉ:

“Bà ơi, bà kể cho con nghe về Phong ngày nhỏ đi bà.”

Là y như rằng, bà sẽ chiều theo đòi hỏi của An ngay tức thì. Bất kỳ chuyện gì nhớ được lúc đó, bà đều đem kể hết cho Bảo An nghe. Nào là việc Hoài Phong đến năm lớp bốn vẫn chưa ngưng được hẳn cái tật tè dầm ban đêm. Rồi thì chuyện cậu chàng đã tinh nghịch xỏ giầy đội mũ lấy được từ bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo và chạy quanh xóm, miệng hô to tự nhận mình là vua nữa chứ. Và cả tướng ngủ xấu xí và bành trướng của Phong được duy trì từ bé cho tới tận bây giờ, An cũng đều biết hết qua lời kể của bà. Chẳng những thế, bà còn bảo:

“Lúc thức thì thằng bé có vẻ lầm lì thế thôi. Nhưng đến khi đặt lưng nằm ngủ, cu cậu lại ồn ào lắm đấy. Hầu như đêm nào cũng bị nói mớ hết thôi. Có dạo đang ngủ, cu cậu bỗng dưng ngồi bật dậy hát inh oi và vỗ tay đôm đốp trong phòng, làm cả nhà được phen mất ngủ.”

Bà cũng khoe rằng:

“À, ngày còn nhỏ thằng Phong thích vẽ vời lắm nhé. Bức nào cũng đẹp hết cả. Cháu có muốn xem thử không, bà dắt vào phòng nó xem?”

“Có ạ.”

Nghe xong lời đề nghị của bà, Bảo An liền gật đầu nhận lời ngay tức khắc. Chỉ có điều, khác với bà hào hứng muốn ngắm lại những bức tranh do thằng cháu đích tôn từng vẽ thì An lại mong được tham quan căng phòng riêng tư của Phong hơn cả. Tuy đã đến nhà Phong chơi nhiều lần nhưng được vào phòng ngủ của cậu thế này, với An đây chính là lần đầu tiên. Vừa mới bước chân qua cánh cửa gỗ và ngó qua được một lượt, Bảo An đã liền cảm thấy có chút xấu hổ nhen nhói trong lòng vì thấy…

“Sao cậu là con trai mà phòng ốc lại gọn gàng hơn tớ quá nhiều vậy chứ?”

Cũng may ngay sau đó, bà nội lại lên tiếng phá tan hình tượng của Phong trước mặt cô bé mà bà đã nhắm làm cháu dâu sau này:

“Thằng Phong tính tình luộm thuộm lôi thôi lắm, từ dạo nó đi cái phòng mới được ngăn nắp vậy đấy. Có đợt con bé Hoài An vào đây dọn dẹp còn lôi được từ trong gầm giường ra đôi, ba bát mỳ đã ăn cạn nước cơ mà.”

Đưa tay lên bụm miệng cười, Bảo An nghe vậy liền thấy nhẹ lòng hơn hẳn bao nhiêu. Rồi bà dắt tay An vào ngồi ở giường của Phong và lấy ra từ tận sâu trong cái tủ dưới chân bàn học một tập tài liệu đựng toàn giấy khổ A4. Đưa toàn bộ chỗ tranh cho An xem, bà cũng ngồi xuống và niềm nở khoe bằng chất giọng tự hào:

“Thằng cu vẽ đẹp lắm. Mà tiếc rằng càng lớn nó càng mải chơi rồi bỏ bê luôn hết cả. Bao nhiêu năm rồi, bà tuyệt nhiên chẳng thấy nó đụng tay vào bút nữa. Chỉ giữ lại số tranh này thôi.”

“Dạ!”

“Đây này, bức này là nó vẽ bà, còn cái này là vẽ bố và mẹ thằng bé. Cái này là vẽ em gái và có cả mấy tấm vẽ toàn thể gia đình nữa này…”

Hai bà cháu đang xem tranh thì bất chợt có tiếng hàng xóm đứng gọi ngoài sân. Bà bảo An cứ thoải mái ngồi trong này xem hết hẵng về, để bà ra ngoài tiếp khách. Đợi ba ra khỏi phòng rồi, Bảo An mới đứng dậy và chính thức lục lọi, tham quan từng ngóc ngách cái “vương quốc riêng” của Phong. Đi loanh quanh trong phòng và ngó nghiêng đủ thứ, An khẽ phì cười và tự nói:

“Cậu đúng thật… Cái gì cũng chỉ hai màu đen hoặc xám thế này, âm u chết đi được. Sau này, tớ sẽ đặc biệt dành tặng cho cậu một căn phòng lòe loẹt hơn cả cầu vồng luôn cơ.”

Rồi chẳng hiểu nghĩ thế nào mà An lại ì ạch lật tung cả tấm đệm trên giường Phong lên để tò mò kiểm tra xem bên dưới có giấu cái gì không cơ. Và những gì tìm được thật khiến An sững sờ và cảm động đến rưng rưng khóe mắt. Cầm mấy bức tranh Hoài Phong vẽ mình và cất ngay ngắn nơi đầu giường lên xem, An cận thận nhìn lại từng dòng chữ nhỏ “Bảo An – ngày… tháng… năm…” phía góc dưới từng tờ giấy A4 và không ngừng nghẹn ngào run run nơi cuống họng khi nhận ra Hoài Phong thực sự không hề từ bỏ sở thích cầm chì như những gì bà vừa bảo ban nãy. Cậu vẫn vẽ, chỉ có điều những bức tranh ấy cậu giữ cho riêng mình ngắm mà thôi.

Nỗi nhớ Phong vẫn nhen nhóm trong lòng lâu nay bỗng dừng trào dâng mãnh liệt, An không ngăn được dòng cảm xúc, bèn ngồi thụp xuống và òa lên khóc nức nở. Đến độ bà nội phải chào vội vị khách và chạy nhanh vào với An. Sau khi nhìn những gì An đang cầm trên tay và nghe con bé thổn thức kể lể lại, bà liền hiểu ngay mọi chuyện. Tuy hai bên khóe mắt nhăn nheo cũng rơm rớm những lệ nhưng bà vẫn cố bình tĩnh vuốt ve và vô về an ủi Bảo An.

Mỗi ngày đến chơi với bà, An lại được nghe dăm ba câu chuyện về Phong. Nhờ thế mà dần dần An cũng biết được nhiều bí mật hay ho và hài hước từ thuở còn bé bé ngây ngô của Phong lắm nhé. Chỉ tiếc rằng, càng về sau Bảo An càng ít có dịp đến đây và tâm tình cùng bà hơn hẳn. Âu cũng bởi cái sự nghiệp học hành. Nhớ dạo trước, An vẫn thường hay nghe mọi người nói rằng học đại học nhàn rỗi và thoải mái vô bờ. Ngờ đâu đến giờ được đích thân trải nghiệm, con bé mới vỡ lẽ, hóa ra tất cả đều là nói dối hết cả.

Vì trường đại học cách xa nhà và còn bị phụ thuộc vào thời giờ của những chuyến xe buýt nên việc đi lại đối với An thành thử ra cũng vất vả lắm nhé. Con bé thường xuyên phải dậy khi trời mới năm rưỡi sáng để có thể đến được lớp học vừa lúc điểm danh đầu giờ. Đi dọc theo con đường dẫn tới trạm xe buýt thân quen và nhìn thấy tất thảy nhà nhà xung quanh vẫn còn đang tối đèn yên giấc, An chỉ biết thầm khóc òa trong lòng vì nghĩ chẳng ai khổ bằng mình. Nhưng đấy là do An còn chưa biết, rằng so với Phong thì con bé vẫn còn sung sướng lắm đó thôi. Vì chí ít, An vẫn có thể bùng học ở một số môn và không mảy may lo sợ bất kỳ hình phạt nào xảy ra. Còn Hoài Phong thì đều như bắp, ngày nào cũng phải dậy sớm hơn An đến cả tiếng đồng hồ. Đã vậy, cậu còn phải thực hiện xếp chăn xếp màn sao cho thật ngay ngắn và vuông vắn nữa chứ. Trong quân đội, mọi người gọi đó là nội vụ. Nếu chẳng may lỡ tay lôi thôi để cho nội vụ xấu xí và méo mó thì chắc chắn buổi trưa hôm đấy, cậu chàng sẽ phải mặc đầy đủ tác phong bao gồm quân phục, giày và mũ cối ra ngồi giữa sân nắng để tập xếp lại. Đâu được như An, giường gối cứ tùy tiện, lung tung vứt đó vì đã có mẹ hiền lát sau lên dọn. Chưa hết, Bảo An tuy mang tiếng phải đứng chen chân trên xe buýt đông kịt những người nhưng dẫu sao thì con bé vẫn có thể tranh thủ chợp mắt ngủ chút xíu trước khi xe dừng. Trong khi đó, Hoài Phong sau khi làm xong những công việc kể trên còn phải tập thể dục buổi sáng nữa cơ. Hôm thì hít đất đến mấy chục cái, hôm lại chạy đường dài tận ba cây số và với Phong, khổ nhất vẫn là những buổi phải chạy vũ trang. Những buổi như thế, Phong phải mặc quân phục dã chiến, vác súng trên vai và chạy hết đoạn đường dài một cây rưỡi. Và đôi giày lính thì cũng chẳng nhẹ nhõm gì cho cam.

Thực hiện xong một chuỗi các hoạt động trên kia, Hoài Phong đương nhiên là đói sôi cả bụng. Ấy vậy nhưng cậu chàng nào có được ăn ngay, còn phải loay hoay với công việc dọn vệ sinh khu vực nữa chứ. Phải đến sáu giờ sáng, khi có tiếng kẻng vang lên thì Phong và mọi người mới được xếp hàng xuống nhà doanh trại ăn cơm. Một suất ăn của bộ đội thường chỉ toàn cơm là cơm thôi, thịt thà ít lắm mà canh cũng nhạt miệng vô cùng. Thời gian đầu chưa quen, Hoài Phong cảm thấy nuốt chẳng trôi chút nào. Mấy lần toan bỏ mứa nhưng lại nhớ tới giọng An thường hay leo lẻo dạo trước rằng “Cậu có biết còn bao nhiêu người ở những vùng nước lũ hiện đang phải ngồi trên mái nhà chờ đồ tiếp tế không hả?” nên cậu chàng lại gắng sức ăn hết sạch. Phong chấp hành nghiêm túc lời An dạy là thế nhưng con bé ấy thì chỉ được cái nói suông là tài. Chả hiểu lên đại học bị bạn bè chê bai béo ú ra làm sao mà dạo gần đây An toàn tìm cách bỏ dở phần ăn của mình hết thôi, dù rằng bụng đang còn sôi và đôi môi thì vẫn tọp tẹp thèm thuồng lắm đấy.

Ở trường đại học, An chẳng thể nào lười biếng bỏ qua việc học mấy môn không thích để đến cuối năm mới làm mặt đáng thương lên xin thầy cô chiếu cố như thời cấp ba được nữa. Làm một cô sinh viên rồi, điểm số cũng như kết quả tổng kết của An sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những gì con bé học được và thể hiện trong những bài kiểm tra. Thi trượt là học lại, tuyệt nhiên không còn lựa chọn nào khác. Bù lại, ngồi trong lớp học, Bảo An cũng như bao bạn bè khác có thể được tự do dùng điện thoại, chẳng cần ghi bài luôn cơ. Và chỉ cần không gây ồn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh thì dù là ngủ gục hay làm việc riêng gì đó, An đều được phép. Chẳng thế mà đối với mấy môn đại cương nhàm chán và dài ngoằng lý thuyết, con bé đều chọn cách chui xuống phía cuối lớp, nằm gục ra bàn và đánh một giấc ngủ bù thật ngon lành. Ngủ chán ngủ chê, An lại ngồi chống tay lên cằm và thơ thẩn ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài lớp học. Dõi theo từng chiếc lá đang tung bay trong gió, An khe khẽ mấp máy môi tự hỏi rằng:

“Gió trời thì đang nô đùa ngoài kia. Còn ‘gió’ của tớ giờ đang làm gì nhỉ?”

Câu trả lời là “gió” của An hiện đang ngồi xổm ngoài sân nắng gắt và chơi cờ ca rô cùng bạn đó mà. Chuyện kể rằng ngồi trong giờ học chính trị căng thẳng quá, Phong mới lén lút rút mấy tờ giấy ra và gạ gẫm cậu bạn ngồi cạnh làm mấy ván cờ giải khuây đầu óc. Bị phát hiện nên hai cậu liền được phát cho ngay một quyển vở dày cộp và buộc phải ra ngồi ngoài sân ngồi chơi kín hết các mặt giấy mới được tính là xong hình phạt. Vừa lau mồ hôi vừa miệt mài đánh cờ, Phong vừa không ngừng lẩm nhẩm thắc mắc:

“Thế quái nào mà vào đây vẫn phải học.”

Ngày đó, cũng vì muốn thoát kiếp ngồi lớp học hành nên cậu chàng mới chọn con đường đi lính, dù biết trước sẽ phải chịu nhiều vất vả về mặt thể xác. Trước khi vào đây, Hoài Phong vẫn tưởng sẽ chỉ cần học quân sự với hai phần chiến thuật và bắn súng thôi, môn chính trị nhiều lý thuyết thế này, cậu chưa hề nghĩ tới. Và tuy là luôn lên giây cót sẵn sàng hy sinh thân xác cho những tập luyện ngoài thao trường kia nhưng thú thực cho đến tận bây giờ, Hoài Phong vẫn chưa thực sự quen được với sự khắc nghiệt của môn học đó. Cậu phải ra thao trường tập bắn súng dưới cái nắng gay gắt mà chẳng hề có mái che, giờ học chiến thuật thì tha hồ được lăn lê bò toài dưới nền đất nóng bỏng. Nhiều bữa, Phong còn tưởng mình sắp hóa thịt nướng luôn rồi cũng nên. Có hôm đang học, trời bỗng đổ cơn mưa, Hoài Phong liền cảm thấy vui thầm trong bụng vì chắc nhẩm thế nào cũng sẽ được nghỉ ngơi một buổi cho xem. Nhưng rồi chỉ với một câu nói của chỉ huy, rằng “Mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không mưa” đã hoàn toàn đập tan những mộng tưởng mà Phong vừa xây. Và những lần như thế, Hoài Phong cùng đồng đội lại được lăn lội với sình lầy. Thật đúng là “có đi qua những ngày mưa mới biết yêu hơn những ngày nắng”.

Ca học buổi sáng thường kết thúc lúc mười một giờ, thời gian nghỉ đủ để Phong có thể ăn vội chén cơm và về phòng lăn ra ngủ dưỡng sức cho ca học khi chiều. Mắt đã díu và cơ thể thì vô cùng oải mệt, tưởng chừng như chỉ cần đặt lưng xuống giường là cậu chàng sẽ liền ngáy ro ro tức thì. Cơ mà từ dạo vào đây, chưa có buổi trưa hôm nào Phong được yên một giấc trọn vẹn hết cả. Âu cũng bởi những người bạn cùng phòng thay vì ngủ trưa, họ lại lôi đàn ra đánh, lấy sáo ra thổi đó mà. Rồi thì nói cười ầm ĩ, thật khiến Phong dù đã thu mình trong góc và lấy chăn chùm kín quanh đầu vẫn không tài nào chợp mắt được nổi ít giây. Mệt mỏi ghê gớm! Chẳng giống như Bảo An, mang tiếng có cơ hội ngủ nướng từ trưa đến tận chiều tối nhưng lại không hề biết tận hưởng chút nào. Con bé dùng thời gian đó cho việc la cà phố xá cùng bạn, để rồi tối về vẫn thức khuya và sáng hôm sau lại gục mặt xuống bàn ngủ bù trong những tiết đại cương với thầy cô dễ tính.

Buổi chiều được nghỉ học, An thường đến một phòng tập gym gần nhà để luyện tập mấy bài cơ bản với mục đích giảm cân và cũng vì muốn chốc về đói bụng sẽ ăn ngon miệng hơn đó mà. Cũng với khung giờ từ lúc bốn rưỡi cho đến năm giờ mười lăm chiều đấy, Hoài Phong lại được dịp chơi trò chơi nông trại phiên bản đời thực ở ngoài vườn rau. Trước lúc dùng bữa cơm chiều, Phong và đồng đội còn phải tham gia tăng gia sản xuất nữa cơ. Nào thì trồng rau, nào thì cuốc đất và còn phải vác cả phân gà ủ với trấu ra bón mới thật hãi hùng biết mấy. Và với Phong, sợ nhất vẫn là những lần lâu lâu phải gánh phân bò tươi đi trồng cỏ. Cái này lúc đầu mùi không kinh lắm đâu nhưng tới khi rải xuống cỏ rồi tưới lên trên thì lúc sau Hoài Phong thực hết muốn ăn cơm nữa rồi. Ngay đến cả quần áo cũng nhiễm mùi luôn cơ. Báo hại đến đêm lên giường, Hoài Phong phải trằn trọc mãi mới ngủ được khi thứ mùi kia vẫn cứ luẩn quẩn quanh nơi lỗ mũi.

Đi lính nghĩa vụ thế này, khung giờ mà Hoài Phong cảm thấy mong đợi và thoải mái nhất chắc chắn lúc dùng xong bữa cơm tối. Vì sau khi xem xong bản tin thời sự và đọc báo, cậu sẽ được ngồi nói chuyện thoải mái cho tới tận khi đi ngủ. Lại nhắc tới chuyện ngủ nghỉ lúc đêm, Hoài Phong cho rằng khung giờ này cũng đáng sợ và hãi hùng lắm nhé. Ai đời, đang đêm yên giấc lại bị lôi đầu dựng dậy vì báo động và hành quân mới oải biết mấy.

Báo động thì nhiều mục lắm. Có khi là kiểm tra tác phong, tầm hai đến ba lần một đêm, binh lính sẽ phải mặc đủ tác phong và nhanh chóng chạy ra xếp hàng điểm danh. Cũng có khi phải ra sân chạy tứ trụ, bốn tiểu đội trưởng đứng bốn góc sân, thay phiên nhau hô “Trung đội thành bốn hàng ngang/dọc tập hợp”, lính tráng nghe xong liền chạy đến chỗ đó tập trung ngay tức thì. Và với cá nhân Hoài Phong, kiểu báo động đáng sợ nhất chính là hành quân di chuyển. Nửa đêm nửa hôm, cậu chàng sẽ bị dựng dậy mặc trang phục dã chiến, vác thêm khẩu súng và đeo thêm cái balo với đầy đủ những thứ rồi chạy ra sân gđứng rung lắc để kiểm tra xem đồ đạc liệu có rơi vãi hay không.

Còn hành quân, nghe có vẻ nhẹ nhang thế thôi, chứ theo Phong nghĩ thì ai đi lính rồi cũng thấy vất. Nó là như thế này này, một người lính sẽ phải mang trên mười lăm ký balo và trên bốn cân súng để đi một đoàn đường dài khoảng mười hai kilomet. Lúc đầu, Phong cũng như bao người khác, đều thấy khoái chí lắm vì chả mấy dịp được ra ngoài chơi đêm. Nhưng sau khi đi được độ hơn hai cây thì ai ai cũng bắt đầu thấm mệt. Từ cây thứ bốn thứ năm trở đi thì tất cả chỉ còn biết cắm đầu vào mà đi theo quán tính thôi. Phong nói cũng được nghỉ giải lao giữa chặng nhưng với cá nhân cậu thì khoảng thời gian đó thực chẳng ăn thua gì vì cậu còn chưa kịp hồi sức đã phải lật đật đứng dậy và tiếp tục hành quân ngay rồi. Tuy rằng mỗi lần như thế chân tay đều mỏi nhừ và phồng rộp hết cả lên nhưng Phong phải công nhận rằng nó giúp cho sức bền cũng như sự dẻo dai của cậu được cải thiện trông thấy. Và cái lợi trước mắt chính là cậu chàng có thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và mơ màng được nhìn thấy gương mặt Bảo An.

Cùng lúc đó, An cũng đang ôm gối ngủ ngon và trong giấc mộng đẹp, con bé trông thấy Hoài Phong đang cầm chắc cây súng bảo vệ mình sau lưng.

“Phong ơi…”

/68

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status