Tình Sử Võ Tắc Thiên

Chương 11

/25


Hồi 10 Nhà tiên đoán thời tiết

Tôi còn nhớ khi tôi được năm tuổi thì cha tôi về Trường An kể cho cả gia đình nghe tấn thảm kịch đã xảy ra cho Thái tử Hoằng tại Lạc Dương, và báo tin người đã được phong làm Thái tử để thay thế . Được hưởng vinh dự lớn lao như vậy mà người không tỏ ra vui vẻ chút nào .

Người có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi:

- Nếu có thể, ta sẽ không bao giờ ăn cùng với Mẫu Hậu .

Dù sao việc cha tôi được làm Thái tử cũng khiến bọn trẻ chúng tôi vui mừng và gia đình tôi thay đổi nếp sống.

Trước kia cha tôi làm trưởng quan tỉnh Cam Túc nhưng cả gia đình vẫn sống ở Trường An . Nay người làm Thái tử, chúng tôi dọn vào sống trong cung .

Tôi còn nhớ nguyên sách vở của người đã chiếm ba xe bò đầy. Hồi ấy người hai mươi hai tuổi , và có ba con trai, tôi là út. Tôi được gặp ông bà nội mấy lần và được nghe láng máng về cuộc lễ Phong Sơn và chuyện San San bị đầu độc, nhưng tôi không nhớ mặt mũi ông nội tôi ra sao . Tôi chỉ biết từ sau chuyến đi Thái Sơn , ông nội càng ngày càng suy yếu thường nằm liệt giường. Và đến cuối năm 675 , ông nội ngừng hẳn việc triều chính.

Chúng tôi sống tại Trường An cách xa Lạc Dương nơi bà nội ở. Điều này làm cha tôi rất hài lòng . Người thường vui vẻ nô đùa với chúng tôi, có ngày người rũ chúng tôi đi đá banh, có ngày người dẫn cả bọn đi săn bắn. Người rất thích ngựa và chim ưng . Người dạy tôi cách để chim ưng đậu trên tay, nhưng tôi không ưa chúng vì cặp mắt chúng dữ tợn quá. Người rất mê những con ngựa cao lớn -cùng sở thích với Cao Tôn và Thái Tôn-, nhất là những con lấy giống từ Thiên Sơn (Turkestan). Mỗi khi người cưỡi ngựa tôi thường đứng xem và phục lăn .

Cha tôi là một người vui tươi, khoẻ mạnh, một tay kiếm rất cừ và bắn cung cũng không đến nỗi tệ . Người học rất giỏi , khi sáu bảy tuổi người đã nỗi tiếng là thuộc nhiều thơ và có thể đọc đọc bộ Thư Kinh , một bộ sử của Khổng Tử , viết bằng cổ văn rất khó đọc.

Trong thời gian ở Trường An người đã cùng một số học giả soạn ra bộ Chú Giải về Lịch Sử đời Hậu Hàn .

Công việc này đòi hỏi một công trình khảo cứu thấu đáo về cổ ngữ và các phát âm các địa danh . Khi bộ sách hoàn tất, ông nội nhiệt liệt khen thưởng người vì người chính là chủ biên của công trình vĩ đại đó .

Thái tử Hiền là người thực tế và khôn ngoan hơn Thái tử Hoằng. Rút kinh nghiệm từ cái chết không đúng lúc của Hoằng, chàng thường có khuynh hướng lánh xa Vo Hậu, nhất là không bao giờ ăn cùng mâm với bà. Chàng thường ở Trường An và ít khi qua Lạc Dương .

Võ Hậu linh cảm thái độ khác lạ của chàng và trong lòng bà ngấm ngầm tức giận.

Bà hiểu rằng trong tương lai phe ngoại thích -họ Võ- của bà sẽ xuống dốc vì một tay chàng .

Năm 679 , Cao Tôn bị một trận đau nặng và Hiền được phong làm Phụ Chánh -người cộng đồng nhiếp chánh với vua- chàng tránh tới mức tối đa việc viếng thăm cha mẹ , vì tình nghĩa giữa chàng và Võ Hậu đã bị rạn nứt và chàng không muốn đi vào vết xe đổ của Thái tử Hoằng .

Từ ngày lên làm Phụ Chánh, Hiền rất chuyên chú với công việc triều chính vì chàng biết vua cha có thể qua đời bất cứ lúc nào . Chàng đã ở vào tuổi hai mươi ba , không còn ngây thơ ngu dại để kẻ khác có thể lợi dụng danh nghĩa chàng mà thao túng triều đình. Ít lâu sau, Hiền nghe phong phanh trong cung có dư luận đồn rằng chàng là con của bà Công tước , chị ruột Võ Hậu. Chắc hẳn Võ Hậu đã tung ra tin nầy với một mục đích mờ ám . Hiền còn nhận được mấy lá thư của Võ Hậu trách chàng thiếu bổn phận làm con . Hiền rất buồn về những chuyện này. Chàng lo lắng không biết mẹ chàng đang âm mưu gì và số phận chàng sẽ ra sao ? Có lẽ chàng sẽ phải tự vệ bằng mọi cách.

Trong khi đó, tại Đông đô, Võ Hậu thường đi lại với một đạo sĩ kiêm tướng số tên là Minh Tôn Yên . Xưa nay Võ Hậu vẫn khoái đạo sĩ và thầy thuốc. Những kẻ xứng ý bà đều được phép vào khuê phòng của bà.

Hơn một năm nay Cao Tôn hoàn toàn nằm liệt giường nên bà không còn sợ Vua bắt quả tang như trước kia nữa. Nhờ sự đi lại thân mật, tên đạo sĩ đã dò ra tâm sự của bà.

Gã đánh trúng tâm lý bà khi nói rằng tướng một của Thái tử Hiền rất xấu, cháu sẽ không sống lâu và thiếu may mắn - điều này đúng vì nhiều thầy tướng khác cũng nói vậy - gã viện cớ rằng chàng phạm vào mấy điều kỵ như anh hoa phát tiết ra ngoài, mũi nhọn quá .v.v. Trái lại Triết có nhiều nét giống Thái Tôn, và chàng có nhiều phúc tướng nhất.

Nhưng lời bàn này lại càng chia rẽ tình mẫu tử giữa Võ Hậu và Hiền.

Hiền rất ghét tướng số mê tín dị đoạn và rất khinh những người đàn bà nhẹ dạ tin nhảm. Võ Hậu chẳng cần dấu những lời bàn của tên đạo sĩ, còn Hiền cũng không dấu thái độ khinh miệt đối với y .

Mùa đông năm 679-680, đạo sĩ Minh bị giết trên đường từ Lạc Dương đến Trường An . Hai thành phố cách nhau hơn một trăm dặm và phải đi qua đèo Đồng Quan dẫn tới sông Hoàng Hà. Cuộc ám sát xảy ra trến đường đèo và không bắt được thủ phạm. Có thể Hiền đã nhúng tay vô vụ này , cũng có thể không , nhưng trừ khử một tên "bán miệng ăn tiền" là một việc hợp lý.

Không biết mối liên quan giữa Võ Hậu và tên đạo sĩ ra sao , chỉ biết rằng khi nghe tin này, bà đã nỗi giận lôi đình . Bà nghi ngay Hiền là thủ phạm và cho gọi chàng về Lạc Dương .

Trong khi Hiền ở Lạc Dương, Võ Hậu sai người khám xét tư dinh chàng tại Trường An và tìm thấy ba trăm món vũ khí trong chuồng ngựa. Những vũ khí nãy có thể do Hiền cất dấu để phòng khi cần đến, hoặc cũng có thể do người khác mang tới để vu cho chàng. Thế là Hiền bị ghép tội phản nghịch , mặc dầu mọi người tự hỏi chàng có thể làm phản với một dúm vũ khí như vậy không và phản ai, khi chính chàng là Thái tử sắp lên ngôi ?

Không cần xét nguyên do, Hiền bị bắt quả tang tàng trữ vũ khí, cũng như Vương hậu trước đây bị bắt vì chôn dấu một hình nhân bằng gỗ dưới gầm giường. Muốn chắc , Võ Hậu mua chuộc một tên bộ hạ của Hiền và bảo hắn khai rằng chính Hiền đã giết đạo sĩ Minh và mưu phản.

Các đại thần được họp lại để xét xử hành động của Hiền và họ đã hùa theo Võ Hậu để buộc tội chàng. Phản nghịch là tội tử hình.

Cao Tôn rùng mình khi nghĩ đến số phận của hai người con trước -Trung và Hoằng - Ông vội vã can thiệp để gỡ tội cho Hiền. Ông viện lẽ Hiền đã có công lớn khi làm Phụ Chánh, không có lý do nào thúc đẩy chàng mưu phản. Vả lại một vị phụ Chánh có thừa thẩm quyền giữ vũ khí trong nhà , và dù chàng có giết tên đạo sĩ đi nữa thì đã sao ? Dù sao, Vua cũng có quyền ân xá tối hậu, bác bỏ quyết định của các Đại thần.

Thật là phi lý khi một Thái tử đang nhiếp chánh phải đền mạng cho một tên đạo sĩ quèn . Giả sử Võ Hậu không cố ý trừ khử Hiền vì thấy chàng có đủ khả năng tự lập thì bà đã không cho lục soát tư dinh và buộc tội chàng.

Kết quả Hiền không bị xử tử đúng như nguyện vọng của Võ Hậu, nhưng chàng bị truất và cầm tù. Hoàng tử Triết lên thay .

Tôi lên mười khi thảm hoạ xảy đến cho gia đình . Lúc đầu vì lo lắng quá, chúng tôi không tìm ra nguyên nhân của vụ án, nhưng về sau chúng tôi đã hiểu . Chắc hẳn cha tôi đã có lần đả kích bà nội về chuyện đi lại với tên đạo sĩ , khiến bà nội nỗi giận. Khi cha tôi bị bắt và bị đày đi xa - Tứ Xuyên - chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với người . Người không bị giết ngay vì ông nội còn sống, và mãi đến khi bà nội chết , người ta mới đem hài cốt đã mục nát của người về chôn cùng tổ tiên .

Sau khi cha tôi bị hại, ba đứa chúng tôi bị đem về Lạc Dương và bị giam lỏng nơi hậu cung . Năm khi mười hoạ chúng tôi mới thấy mặt ông bà nội. Chúng tôi hay gặp cô tôi là Công chúa Thái Bình hơn nữa vì không hiểu tại sao bà rất thích chúng tôi . Hồi đó Công chúa mới mười lăm, mười sáu , và chưa lập gia đình . Một năm sau, Công chúa lấy chồng và không còn tìm đến chúng tôi nữa. Chúng tôi ít khi gặp Công chúa nhưng lại được nghe nhiều những chuyện lăng nhăng của Công chúa trong cung.

Tháng mười hai năm 683, ông nội mất.

Hai tháng sau chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy chú tôi là Hoàng tử Đán được sắc phong làm Hoàng đế và được đưa vào nghỉ mát cùng chúng tôi tại hậu cung . Cả gia quyến ông cũng bị quản thúc rất chặt chẽ.

Gần đây, trong thời kỳ tôi viết tập truyện nầy, có một chuyẹn vừa ngộ nghĩnh vừa chua chát xảy ra trong gia đình tôi : Nhờ mười tám năm bắt giử trong cung, tôi biến thành một nhà tiên đoán thời tiết. mọi người đều thán phục linh cảm của tôi .

Năm đó vào tháng tư , tiết trời nắng ráo, Vương tước đất Tề - em ruột của vua Minh Hoàng hiện nay - tới thăm tôi . Trong khi đang nói chuyện , tôi bổng cảm thấy trong người khác lạ và tôi nói với ông : Trời sắp mưa .

Dĩ nhiên Tề vương không tin vì lúc đó giữa mùa nắng , nhưng chỉ một tiếng đồng hồ thì trời chuyển mưa, một trận mưa như thác đã đổ xuống và kéo dài mười mấy ngày chưa dứt. Rồi một buổi chiều, khi đang ngồi ăn cơm , tôi lại nói với Tề Vương : Mưa sắp tạnh .

Tề Vương có vẻ vẫn chưa chưa tin, tôi nói tiếp :

- Để rồi coi .

Sáng hôm sau mưa tạnh , trời lại quang đãng như thuờng. Tề Vương lấy làm lạ, bèn kể lại chuyện này cho Minh Hoàng nghe . Khi Vua hỏi tôi chuyện đó có thực không, tôi trả lời :

- Thực ra chẳng có gì kỳ diệu. Bởi còn nhỏ khi bị giữ trong cung điện tại Lạc Dương, tôi được bọn họ Võ cho ăn đòn rất nhiều , chắc lúc đó Bệ Hạ còn nhỏ quá nên không nhớ. Hiện nay những vết sẹo ngoài da đã lành , nhưng trong người tôi còn hơi khác lạ . Khi trời xấu, tôi cảm thấy đau nhức khắp khớp xương ; đến khi trời trở lại bình thường tôi mới hết đau . Nhờ ơn bà nội ngày nay tôi có tài tiên đoán thời tiết.

Vừa nhắc tới bà nội , bầu không khi lập tức khẩn trương . Tôi biết là mình đã lỡ lời.

/25

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status