Thiên Tỏa

Chương 29: chương 29

/33


Nhìn, nghe, bắt mạch. Tôi đã thực hiện xong những bước thăm dò và bước đầu xác định được đúng hướng đi, đầu tiên phải dùng sợi dây da lừa dò đếm số vòng ren của chiếc vít nối với Định tâm cầu, tôi phải tẩn mẩn thao tác nửa tiếng đồng hồ mới tháo được nó ra, phía sau vị trí đó là một mắt khóa nhỏ bằng đầu ngón tay sâu hoắm. Tôi tiếp tục dùng mũi kim móc lùa sợi dây da lừa vào sâu bên trong, dò tìm từng vị trí của hệ thống đinh móc bên trong, rồi dùng chiếc hộp tích lực cắt vài lần.

Tất cả gồm có hai trăm mười sáu chiếc đinh móc cần được cứa đứt từng cái một nên rất mất thời gian. Tôi phải hi sinh tới hơn hai mươi sợi dây lừa và mất trọn một đêm mới mở được chiếc hộp ra. Khi nhìn lên, trời cũng đã rạng sáng, nhưng chúng tôi không một ai cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ.

Cho tới khi nghe thấy âm thanh quen thuộc của những chiếc vòng xích đang chuyển động, tôi mới chắc chắn rằng chiếc hộp đã được mở ra, trong lòng phấn khích vô cùng, bàn tay tôi run lên vì hồi hộp, không biết trong đó rốt cuộc cất giấu thứ gì.

Lão Ngũ vỗ vỗ vai tôi, mặt mày rạng rỡ, nói:<>

- Khá lắm, nhóc con, cuối cùng cũng đã chinh phục được chiếc hộp lì lợm này, coi như mi cách Thiên giới không còn xa nữa đâu, hãy để cho lão già này được mở mang tầm mắt nhé. Hay đấy, hay đấy!

Tôi khẽ mỉm cười, thấy lòng nhẹ nhõm đi phần nào, đưa tay sờ lên phần nắp hộp. Cả ba chúng tôi cùng chụm đầu lại nhìn chăm chăm vào mảnh vải nhung đỏ, trong đó có đặt một tấm biển màu đen.

Tấm biển đó to gần bằng thẻ chứng minh nhân dân, dầy chừng một phân, bốn góc được mài nhẵn nhụi, trên bề mặt khắc hoa văn chi chít. Tôi hiếu kì đưa tay nhấc nó lên, cảm thấy khá nặng tay không khác gì một miếng gỗ. Những đường hoa văn được chạm khắc rất tinh xảo với hình sóng nước uốn lượn, chính giữa là ba chữ phồn thể vuông vắn.

Chữ đầu tiên thì tôi nhận ra ngay, chính là chữ “Sở”; chữ thứ hai thì hơi khó một chút, trông nó có vẻ giống chữ “Khinh”, nhưng không dám chắc; còn chữ thứ ba thì tôi hoàn toàn không biết. Lật lại mặt sau thì thấy ở đó có khắc khuôn mặt một cô gái, đường nét khá đơn giản nhưng lại rất có thần, đặc biệt là dải tóc tết phía sau lưng, nhưng sao càng nhìn càng thấy có nét hao hao giống tôi?

Tôi bắt đầu thấy chuyện này thật thú vị, liền quay sang hỏi Lão Ngũ:

- Lão Ngũ, đây là cái gì, cô gái khắc ở mặt sau sao trông giống…<>

Chưa nói hết câu, tôi đã im bặt, không hiểu sao Lão Ngũ và chị Giai Tuệ lại nhìn tôi chằm chằm, khuôn mặt biểu lộ thần sắc thật khó hiểu.

Thấy thái độ của hai người rất kì quái, tôi vội vàng hỏi họ có chuyện gì.

Lão Ngũ vân vê mấy sợi râu thưa, chỉ vào tấm biển trong tay tôi, giọng trầm hẳn xuống:

- Nhóc con, ba từ đấy chính là tên của mi đấy!

Tôi lập tức ngẩn người, đầu óc ong ong trống rỗng, mắt như dán vào ba chữ khắc trên đó, điều này… điều này… sao lại có thể như vậy chứ?

Lão Ngũ cầm lấy tấm biển loay hoay nhìn ngắm một hồi, bỗng lão trợn mắt:

- Mẹ kiếp, hay đấy! Ít nhất cái này cũng phải có trên dưới bốn mươi năm, thì ra lão Sở cũng biết đường chuẩn bị trước.

Tôi khó nhọc nuốt nước bọt, một cảm giác ớn lạnh bao phủ lên người, bốn mươi năm trước làm gì đã có tôi, tại sao ông nội lại phải làm trước tấm biển này? Tôi lập tức liên tưởng tới chiếc đĩa sứ mang hình sơn thủy, hình như nó cũng là một vật xuất hiện vào thời điểm rất không nên xuất hiện. Thế nhưng nguyên do xuất hiện của chiếc đĩa sứ kia đã được tìm thấy, đó là bị người khác đánh tráo, vậy còn tấm biển mang tên tôi thì giải thích thế nào đây, chẳng nhẽ cũng bị người ta đánh tráo nốt?<>

Chị Giai Tuệ hơi chau mày, rồi bỗng nhiên thốt lên:

- Độ nông sâu của chiếc hộp có gì đó là lạ, chắc phải còn một lớp nữa, Lan Lan, em nhìn lại chiếc hộp xem.

Tôi nhìn vào lòng hộp, quả nhiên, chúng tôi mới mở được một phần ba, đây chẳng qua chỉ là lớp đáy giả mà thôi. Tôi lập tức nhấc lớp đáy ra, phía dưới lại là một lớp vải nhung khác, bên trên đặt một mảnh trúc màu vàng xanh, chiều dài vừa đúng một đốt. Hai đầu mảnh trúc được vạt nhẵn, qua màu sắc và thớ trúc, có lẽ nó đã được đặt vào đây từ rất lâu rồi. Ông nội đã từng dặn, bên trong chiếc hộp này đều là bảo bối của Kiện môn, lẽ nào mảnh trúc này cũng là một trong số đó?

Tôi đang lan man suy nghĩ, thì Lão Ngũ đã nhanh tay nhấc lớp đáy thứ hai lên. Phía dưới cùng đặt một cuốn sách nhỏ mỏng tang màu xanh nhạt, mép hơi quăn và sờn rách, xem ra nó đã rất cũ, trên trang bìa có một khoảng trắng ghi Giải kiện tập lục bằng lối chữ Khải vuông vắn. Nhìn dòng tên sách, nếu tôi đoán không nhầm thì đó là cuốn sách bí truyền ghi lại những kinh nghiệm mở khóa vi diệu mà tổ tiên truyền lại.

Tôi đặt tấm biển đen, mảnh trúc cùng cuốn Giải kiện tập lục lên trên mặt bàn, đờ đẫn nhìn chúng hồi lâu, tại sao tấm biển đen lại khắc tên tôi, và mảnh trúc kia tượng trưng cho điều gì?

Lão Ngũ thò tay cầm cuốn Giải kiện tập lục lên, liếc nhìn tôi rồi nói:

- Nhóc con, nhìn đủ chưa, để lão già này đọc trước xem thế nào nhé!

Tôi chưa kịp trả lời thì lão đã cầm cuốn sách lật giở qua loa vài trang. Tôi tiến lại gần lão, trang sách chi chít những chữ phồn thể to bằng hạt đậu tương, không phân hàng lối, nên không rõ nội dung bên trong viết cái gì. Trang cuối cùng của cuốn sách là hình hai bàn tay đang xòe ra, lòng bàn tay và mười đầu ngón tay chằng chịt những vết sẹo. Có những vết kéo dài, có vết hình tròn, hình tam giác, hình móng ngựa, còn một vài đường rãnh to nhỏ khác nhau, đặc biệt chúng được phân bổ theo một trật tự quy củ, nhưng mỗi tay là một hình khác biệt…

Nhìn hình ảnh đó, tim tôi bỗng đập thình thịch, chỉ vào hình ảnh bàn tay trong sách rồi la toáng lên đầy phấn khích:

- Đây chính là sơ đồ sẹo tay, giống y hệt của ông nội cháu, chính mắt cháu đã nhìn thấy rồi mà.

Lão Ngũ liếc đôi mắt dài và nhỏ ti hí sang tôi, gật gù nói:

- Tay chân chi chít sẹo thế này, mẹ kiếp, cũng thảm thật!p>

Chị Giai Tuệ cầm tấm biển đen lên, chậm rãi phân tích:

- Chiếc hộp càn khôn này là vật gia truyền của nhà họ Sở, bên trong cất giấu cuốn sách bí truyền thì không có gì đáng nói, nhưng còn tấm biển đen và mảnh trúc thì không thể hiểu nổi. Lão Ngũ, lão thấy sao?

- Để ta xem lại đã, không khéo bên trong đó còn giấu bí mật khác. - Lão Ngũ lên tiếng.

Chị Giai Tuệ như muốn tránh những nghi ngờ không đáng có, nên đã tự động đứng dậy đi ra ghế sofa ngồi chờ.

Lão Ngũ lật giở kĩ càng từng trang sách, vẻ mặt cũng rất lạ, lúc thì chau mày, lúc thì lẩm bẩm điều gì đó trong miệng, hai con ngươi liên tục đảo từ trên xuống dưới, như muốn lục tìm lại điều gì đó hết sức quan trọng trong kí ức.

Tôi sốt ruột ngồi đợi bên cạnh, nhưng cũng không dám cắt ngang, đành cố kiềm chế và chăm chú nhìn lão, chờ đợi một câu trả lời.

Mất đúng một tiếng đồng hồ, Lão Ngũ mới giở tới trang cuối cùng rồi gập lại để lên mặt bàn, nét mặt vô cùng hào hứng:

- Mẹ kiếp, này nhóc con, ba chúng ta đúng là một lũ chuột, thỏ ăn hại. Giờ thì phải cất công tới động Lão Mậu một chuyến rồi. Ha ha ha… hay đấy, hay đấy!

Tôi ngỡ ngàng, không hiểu vì sao mà Lão Ngũ tự dưng quay sang mạt sát cả ba người, lại còn nói phải tới động Lão Mậu, động đó nằm ở đâu chứ?

Thấy tôi thắc mắc, Lão Ngũ chỉ cười và mắng tôi một câu:

- Chuột, thỏ, rùa[1] đi cùng đường. Đó là một câu thành ngữ, mi không hiểu được là đúng rồi.

[1] Trong tiếng Trung chữ “quy” (rùa) đồng âm với chữ “đồ ăn hại”.

Chị Giai Tuệ không nhịn được cười khúc khích, đặt nhẹ tay lên vai tôi, giải thích:

- Câu thành ngữ đó là “thù đồ đồng quy”, có nghĩa là tuy đi không cùng đường nhưng lại có chung đích đến. Lão Ngũ không có ý chửi chúng ta đâu.

Lão Ngũ bật cười khanh khách, vỗ vỗ lên vai tôi, trêu ghẹo:

- Đúng, đúng, đúng, “thử thố đồng quy, thử thố đồng quy”. Lão già này da mặt dày, để ta làm kẻ ăn hại cũng không sao. Hai đứa mi tự chia nhau làm chuột và thỏ đi.

Tôi vân vê túm tóc, khẽ gật đầu ra vẻ đã hiểu, nhưng thực ra trong lòng lại nghĩ tới câu chuyện Rùa và Thỏ mà tôi từng nghe lúc nhỏ, nhưng trong đó chỉ nói đến cuộc thi chạy giữa rùa và thỏ chứ có nhắc đến chuột nào đâu.

Tôi hỏi tiếp Lão Ngũ, cuốn Giải kiện tập lục đó rốt cuộc viết về cái gì? Lão nói đó đều là phương pháp tu luyện kĩ thuật của phái Kiện môn, sau đó lão đưa tấm biển màu đen lên ngang miệng, hà hơi rồi vừa lau vào tay áo vừa cho tôi biết đây chính là Kiện bài làm từ loại ngọc Hắc Mộc hiếm có, thường sinh trưởng ở gốc cổ thụ, được nuôi dưỡng bằng linh khí, mang thuộc tính của cả đất và đá nên độ quý hiếm của nó có thể sánh ngang với loại ngọc Lam Điền Bạch Thủy, một miếng bé thế này thôi cũng đủ mua được cả căn nhà…

Thấy lão lại bắt đầu lan man sang chuyện khác, tôi liền ngắt lời, hỏi lại lão Kiến bài là gì? Lão Ngũ cáu kính trả lời:

- Kiến kiến cái con khỉ ấy, là Kiện bài! Trong quyển sách này có nói rằng, mỗi truyền nhân của Bắc phái đều có một miếng Kiện bài do chính tay trưởng môn nhân trao cho, rồi phải đích thân đưa nó tới động Lão Mẫu ở Bắc Trấn để quy tông nhập vi, khi đó mới chính thức được trở thành người mở khóa.

Bây giờ thì tôi đã rõ. Thì ra là động Lão Mẫu, chứ không phải là động lão Mậu! Tôi có cảm giác tên địa danh này quen quen, nhưng hiện giờ không thể nhớ ra nó ở đâu. Ngoài ra, lẽ nào ông nội đã đặt tên cho tôi trước cả khi tôi sinh ra, còn khắc tên lên miếng Kiện bài nữa? Nhưng không đúng! Từ trước đến nay vật này đều truyền cho nam chứ không truyền cho nữ, chẳng phải ngay lúc đầu ông nội cũng không có ý định truyền nghệ cho tôi còn gì.

Tôi vắt óc suy nghĩ mãi nhưng không thể nào đoán ra được. Chị Giai Tuệ cầm miếng Kiện bài lên, hỏi Lão Ngũ:

- Lão Ngũ, nghe lão nói vậy, chắc là lão cũng định tới động Lão Mẫu ở Bắc Trấn đúng không ạ?

Lão Ngũ gật gật đầu, khệnh khạng qua lại vài bước, vân về chỏm râu, nói:

- Thực ra cũng không định nói cho hai đứa bay biết đâu, nhưng giờ ba chúng ta đã trở thành chuột, thỏ, rùa rồi nên cũng không giấu hai đứa nữa. Mùa xuân năm sau, Lão Ngũ ta phải tới Lư Sơn, Bắc Trấn để Luận Đạo.

Tôi thấy lão nói kì quặc quá liền thắc mắc giờ đều đã là chuột, thỏ, rùa rồi còn tự chui vào lư[2] làm gì, Lão Ngũ phải đi luận cái gì Đạo mới được chứ?

[2] Con lừa âm Hán Việt là “Lư”, gần âm với chữ “Lữ”

Chị Giai Tuệ vội giảng giải cho cái tai lòi của tôi, Bắc Trấn cũng giống như vùng sản sinh ra cát bay Lăng Hải, đều nằm phía dưới thành phố Cẩm Châu thuộc tỉnh Liêu Ninh. Trung Quốc có năm huyện lớn nằm trên núi đó là Đông Trấn Thanh Châu Nghi Sơn, Tây Trấn Ung Châu Ngô Sơn, Trung Trấn Ký Châu Lộ Sơn, Nam Trấn Dương Châu Kim Kê Sơn, Bắc Trấn Y Vu Lư Sơn, gọi tắt là Lư Sơn. Trên Lư Sơn có một ngôi chùa Thanh Nham hoàn toàn bằng đá tự nhiên ở thôn Thường Hưng, thuở ban đầu nó thuộc nước Bắc Ngụy. Bên trong thiền viện có một cái động tự nhiên thời “Lão Mẫu nghiêng đầu” - một trong ba mươi hai phép hóa thân của Quan Thế m Bồ Tát. Số lượng Quan m ở đây nhiều vô kể, cho dù là tượng đứng hay tượng ngồi thì khuôn mặt đều nghiêng về một phía nên gọi là “Lão Mẫu nghiêng đầu”. Nghe nói đến đây cầu tài cầu tự đều rất thiêng, nên hương khói nghi ngút quanh năm. Hai năm trước, Cục Cảnh sát tổ chức nghỉ mát ở đây nên chị đã được hướng dẫn viên du lịch giảng giải rất kĩ càng.<>

Lão Ngũ nhìn chị Giai Tuệ, gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

- Giai Tuệ nói không sai. - Rồi lão quay sang bên tôi, - Nhóc con, mi có biết Lão Mẫu Quan Thế m chính là sư tổ của Đạo môn và Kiện môn chúng ta không?

Tôi đương nhiên là không thể nào tin nổi, làm sao Quan m Bồ Tát lại là sư tổ của Đạo môn và Kiện môn, nên vội vàng hỏi lại lão thực hư nguồn gốc câu chuyện.

Lão Ngũ nheo nheo đôi mắt, tay vỗ nhẹ lên cuốn Giải kiện tập lục, nói:

- Đạo môn của Trung Quốc kể từ triều nhà Đường trở về sau, đã tôn Quan m làm sư tổ, điều này không có nghĩa Quan Thế m cũng là một kẻ trộm cắp mà bà chỉ liên quan đến một truyền thuyết. Vừa xong Giai Tuệ đã nói rồi, Quan m có ba mươi hai phép hóa thân, một trong những phép đó là biến thành Phật bà Quan m nghìn tay nghìn mắt, trên mỗi lòng bàn tay là một con mắt, nghìn mắt tượng trưng cho khả năng phổ quát nhân gian. Nhưng từ nhà Đường trở đi, nghìn con mắt của Quan m không còn nằm trong lòng bàn tay nữa. Nghe các bậc tiền bối kể lại rằng, những năm đầu đời Đường, Bả Thế Gia Hậu Lão Thất trong một lần đi trộm đồ đã vô tình đánh mất báu vật của tổ tiên để lại, nên cho rằng cuộc đời mình coi như từ đây chấm dứt, và nảy sinh ra ý định tự tử, ông trèo lên chùa Thanh Nham trên núi Lư Sơn để tự vẫn. Không ngờ, Phật Bà Quan m bỗng nhiên giáng thế, nói rằng cuộc đời lão chuyên cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo, làm việc thiện thì không phải chết, nên bà đã tặng một con mắt trong lòng bàn tay cho Hậu Lão Thất, rồi khuyên ông hãy lấy lại danh dự cho mình.

Hậu Lão Thất đã khóc như mưa và nguyện bái Quan m làm sư tổ, ông còn thề rằng cả đời sẽ không bao giờ làm điều ác. Khỏi phải nói, sau khi có được con mắt của Phật Bà Quan m, Hậu Lão Thất như có sức mạnh phi thường, tung hoành khắp sáu mươi ba tỉnh từ Bắc tới Nam, trở thành Hiệp Đạo Bá vương thời bấy giờ. Đặc biệt là, ông đã nắm trong tay thuật mở khóa, nên đã đưa nó vào Đạo môn, lập thành một chi phái và tự phong mình là Kiện môn khai sơn đại tông sư.

Do lúc bấy giờ Đạo - Kiện đều chung một nhà, nên hai phái cùng tôn Quan m làm sư tổ, đặt trước tượng phật bà một lư hương và sớm tối thành tâm cúng bái. Do nghìn cánh tay thiếu đi một con mắt, nên cánh tay thiếu mắt đó gọi là Diệu thủ. Người ta hay gọi những thuật siêu phàm của Đạo môn là “Diệu thủ không không”, nguyên nhân cũng là từ đây.

Tôi thấy mình như vừa đến được một chân trời mới, thì ra Đạo môn lại có nguồn gốc lịch sử hào hùng như vậy. Tôi cũng từng được nghe ông nội kể về nguồn gốc của Kiện môn, và cũng có nhắc đến Hậu Lão Thất. Hơn nữa, ông nội cũng đặt một bức tượng Quan m bằng vàng trong phòng, ngày nào cũng dâng hương lạy tạ với thái độ hết sức thành kính, vậy câu chuyện này chắc chắn là có thật rồi. Thế nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc, Lão Ngũ nói phải tới Lư Sơn để Luận Đạo là việc gì? Thấy tôi thắc mắc, Lão Ngũ khẽ gật đầu và nói tiếp:

- Đạo môn, Kiện môn đều tôn Lão Mẫu làm sư tổ nên chùa Thanh Nham trên núi Lư Sơn theo lẽ tự nhiên cũng phân thành hai thánh địa. Mi có còn nhớ ta đã từng nói, trong Đạo môn ngoài quan hệ sư phụ và đệ tử ra, tất cả mọi người đều dựa vào tài năng để phân cao hạng. Bả Thế càng cao thì tên tuổi càng lớn, cụ thể thế nào thì còn rất nhiều điều thú vị.

Ngày mười chín tháng Hai âm lịch hàng năm được coi là ngày đản sinh của Lão Mẫu, nên tất cả anh em trong Đạo môn đều tới đây dâng hương mừng thọ. Mi nghĩ xem, cao nhân từ khắp nơi đổ về, tuy cùng một phái nhưng có người nọ người kia, không tránh khỏi những khác biệt về cách nghĩ và lối sống thậm chí cả những bất hòa. Nhưng một khi đã tới đây, ai ai cũng cố gắng kiềm chế cùng bái Tổ. Cho tới tận tới Nam Tống, đã xảy ra một sự việc rất hệ trọng. Bả Thế Gia Phùng Lão Thất ở Nam Thất tỉnh và Bả Lão Gia Tống Lão Thất ở Bắc Lục tỉnh chỉ vì việc phân chia vai vế mà đã gây ẩu đả tại động Lão Mẫu, tất cả đệ tử dưới quyền hai người cùng xông trận. Nghe nói, cuộc chiến lúc đó diễn ra hết sức căng thẳng, đã có rất nhiều người phải đổ máu, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng, đỉnh núi Lư Sơn lúc đó như nhuộm trong màu máu tươi, một trong mười tám thuật của Đạo môn là Nhuyễn cốt xuyên sơn cũng bị thất truyền từ đấy.

Nghe tới đây, tôi cũng thấy lòng buồn tê tái, vội hỏi Lão Ngũ:

- Lão Ngũ, vậy cuối cùng thì ai thắng?

Lão Ngũ thở dài, giọng đầy hận thù:

- Thua với thắng cái mẹ gì… Phe của Tống Lão Thất giành ưu thế, ông ta đã giáng một chưởng khiến Phùng Lão Thất hộc cả máu mồm. Trước khi xuống núi, Phùng Lão Thất đã cắn ngón tay, chỉ lên trời cao mà thề rằng, từ nay về sau Đạo môn Nam phái sẽ không bao giờ bước chân tới động Lão Mẫu trừ khi đánh bại Bắc phái…

Chị Giai Tuệ bỗng nói chen vào một câu:

- Lão Ngũ, vậy sau này Bả Thế Gia Thôi Lão Cửu đã thống nhất Đạo môn như thế nào ạ?

Lão Ngũ dựa lưng vào tường, mắt mơ màng hồi tưởng:<>

- Lúc ở dưới địa cung, ta chưa kịp nói rõ cho hai đứa nghe. Thực ra Đạo môn tồn tại cho tới ngày hôm nay đã trải qua ba giai đoạn thăng trầm. Giai đoạn thứ nhất là cuộc đổ máu giữa hai phái Bắc Nam tại núi Lư Sơn, dẫn đến việc hai phái hoàn toàn chấm dứt quan hệ đồng môn, không ai thèm để ý đến ai. Cho tới khi Thôi Lão Cửu luyện tới cấp chín, mới thống nhất được hai phái Đạo môn, tạm thời sóng yên biển lặng. Sự việc sau đó thì hai đứa cũng đã biết, đó chính là giai đoạn thứ hai. Còn về giai đoạn thứ ba…

Nói tới đây, Lão Ngũ bỗng dưng im bặt, hàm răng cắn chặt lên môi như đang cố kìm nén một nỗi đau đớn nào đó, nhưng đôi mắt lại toát lên vẻ hận thù sâu sắc. Một lúc sau, lão mới lắc đầu rồi nghiến răng nói một câu khó hiểu:

- Giai đoạn thứ ba thì không cần nhắc đến nữa. Mẹ kiếp, không người thân thích thì đã có nghề, nghề không chín thì vẫn còn tổ sư. Mẹ kiếp… cho vào dĩ vãng…

Thấy thái độ căm thù tột độ của lão, tôi cũng không dám nhắc đến nữa, chỉ cảm thấy rất lạ, giai đoạn thứ ba chắc chắn phải có mối liên quan mật thiết đến cuộc đời của Lão Ngũ.

Lão Ngũ thở hắt ra, im lặng một lúc lâu rồi mới tiếp tục nói:

- Hai đứa phải biết rằng, tu luyện Đạo thuật vô cùng khổ luyện, có khi mất đến hàng chục năm trời mà vẫn không nâng được một cấp, cho nên từ xưa đến nay hội đã đặt ra một quy tắc, cứ đúng mười năm sẽ tổ chức một lần Luận Đạo Bả Thế đại hội tại động Lão Mẫu. Cũng có thể nói rằng, đấy là dịp Bả Thế Gia cao nhất sẽ trực tiếp kiểm tra trình độ và bản lĩnh của môn nhân. Tổng cộng có bốn phần thi, nếu như qua tất cả bốn phần thì được tăng lên một cấp, còn nếu không, thì xin lỗi, mười năm sau hãy quay trở lại.

Lão Ngũ vừa xoa cằm vừa nói với giọng hết sức nghiêm túc:

- Tính ra, Lão Ngũ ta cũng đã tham gia ba lần đại hội, đó là vào năm 1970, năm 1980 và năm 1990. Bản lĩnh của ta quả thực cũng không tồi, ngay lần đầu tiên ứng thí đã đạt đến cấp năm, nghe sư phụ nói, ta có cái gì đó rất giống Thôi Lão Cửu, câu nói này làm ta vô cùng tự hào. Sau này sư phụ không còn nữa, hai lần Luận Đạo sau đó, ta đều là người đứng ra chủ trì. Nhưng trong hai mươi năm liền chỉ nâng cấp cho vài tên Lão Tam, đến một tên Lão Tứ cũng không có. Sau đó, ta lại bị tống vào tù, nên đại hội năm 2000 không tham gia. Đã tròn mười năm trôi qua… ha ha ha… Mẹ kiếp, ta vẫn muốn xem xem bản lĩnh của lũ nhóc con giờ như thế nào. Hay đấy, hay đấy…

Nghe những lời của Lão Ngũ, tôi có cảm giác như mình đang được nghe học giả Thiện Điền Phương bình truyện. Khi Lão Ngũ giảng giải về đại hội Luận Đạo, trong đầu tôi lại nghĩ đến cảnh luận kiếm ở Hoa Sơn, nơi diễn ra các cuộc đấu nảy lửa giữa các cao thủ võ lâm, thật sự không biết là thật hay giả đây. Nếu đúng như những lời lão nói, thì lần này sẽ có rất nhiều vua trộm tụ hội tại Lư Sơn để phân tài cao thấp, chắc chắn sẽ rất náo nhiệt. Cứ nghĩ đến ngày mười chín tháng Hai sắp tới, tôi lại thấy ngứa ngáy tay chân, thực sự rất muốn tới đó một lần để mở mang đầu óc.

Thấy tôi nghe có vẻ say sưa, Lão Ngũ liền vỗ nhẹ lên vai tôi, nói:

- Đây toàn là nội sự của Lão Ngũ ta, mi nghe để biết thôi đấy, giờ là đến tấm Kiện bài của mi.<>

Tôi sực tỉnh ra, thầm trách bản thân chút xíu nữa thì quên mất việc chính, liền giỏng tai nghe Lão Ngũ nói tiếp.

Lão Ngũ lật từng trang cuốn Giải kiện tập lúc xem qua một lần nữa rồi tiếp tục kể cho chúng tôi nghe, động Lão Mẫu thực ra là một lối đi bí mật vào lòng núi Lư Sơn, nhưng hiện giờ đã bị phong tỏa, muốn vào phải có chìa khóa mới được. Bên trong đó là một tảng đá có tên là Kiện môn Quy vị, theo những gì trong cuốn sách này nói, người kế thừa của Kiện môn phái phải tự mình đặt tấm Kiện bài vào tảng đá Quy vị, như vậy mới chính thức được công nhận là trưởng môn nhân. Sau này, kể cả khi đã già vẫn phải tìm cho ra mảnh ngọc Hắc Mộc khác, khắc tên người kế tục lên đó, coi như là chính thức truyền vị cho thế hệ tiếp theo. Thế nhưng loại ngọc Hắc Mộc này vô cùng hiếm có, tìm được hay không còn phải xem bản lĩnh của người đó…

Những điều Lão Ngũ kể giúp tôi vỡ ra nhiều điều, thế nhưng tấm Kiện bài khắc tên tôi thực sự vẫn là một câu đố bí ẩn. Nếu như ông nội thực sự muốn tôi kế nhiệm tại sao không truyền dạy thuật mở khóa cho tôi từ khi còn nhỏ, và giải thích cặn kẽ về những chuyện liên quan? Tại sao không dạy tôi cách mở chiếc hộp càn khôn? Những nghi vấn đó thực sự khiến tôi day dứt và khó hiểu.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn, Lão Ngũ đưa cuốn Giải kiện tập lục cho tôi, rồi nói:

- Mặc kệ Lão Sở nghĩ gì, dù sao mi cũng đã mở được chiếc hộp và tìm ra tấm Kiện bài bằng gỗ Hắc Mộc rồi. Thế này đi, lão già này sẽ cùng mi tới Lư Sơn một chuyến, coi như giúp mi khẳng định danh tính trong môn phái.

Tôi khẽ gật đầu đồng ý, xem ra trước mắt chẳng có cách nào khá hơn thế, vả lại, có Lão Ngũ và chị Giai Tuệ đi cùng, tôi cũng không lo lắng gì lắm, coi như là đi du lịch một chuyến vậy.

Khi chúng tôi bàn bạc ổn thỏa thì cũng đã gần mười giờ trưa, chị Giai Tuệ xin phép ra về, còn tôi và Lão Ngũ thì ai về phòng nấy nghỉ ngơi. Tôi định chợp mắt một chút cho đỡ mệt, nhưng trằn trọc mãi không yên, đầu óc không ngừng nghĩ ngợi về những điều Lão Ngũ vừa kể. Hàng tá câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi, tấm Kiện bài quy vị như thế nào đây, đại hội Luận Đạo sắp tới sẽ ra sao, mảnh trúc vàng kia rốt cuộc có ý nghĩa gì, còn cả ông nội nữa, càng ngày tôi càng nhận ra ông đã giấu tôi rất nhiều điều, tất cả là vì cái gì đây, rốt cuộc hiện giờ ông đang ở đâu…

Ba ngày sau, chị Giai Tuệ mới lại đến căn biệt thự, đem theo một tin hết sức bất ngờ: Qua quá trình điều tra nhân khẩu của công an tỉnh và Cục An ninh quốc gia, chị cùng Tôn Ngọc Dương đã tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng cũng tìm ra người kế vị của phái Mặc môn, hơn nữa người đó lại đang định cư ngay tại thành phố Thẩm Dương.


/33

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status