Quái lão không chờ bóng trắng rớt xuống, đã vung một tấm lưới nhỏ ra, một luồng tiềm lực hút chặt lấy bóng trắng vào lưới, cái bóng trắng chỉ còn giãy đành đạch.
Thì ra đó là một con cá chép lớn, dài khoảng năm thước, đang nằm đập đuôi bình bịch xuống ván thuyền. Chiếc đũa tre cắm sâu một nửa vào lưng nó.
Người ta bảo “ra đường thấy lắm chuyện lạ”. Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi thuộc hàng đệ tử thông minh, vừa nhìn đã biết quái lão vừa sử dụng hai thủ pháp. Khi phóng chiếc đũa xuống nước là thủ pháp “Kim Châm Xuyên Lãng Thâm Hải”, sau đó là thủ pháp “Hấp Môn Tiếp Dẫn”. Cả hai thủ pháp ấy đều là tuyệt học của võ lâm, nhất là thủ pháp “Hấp Môn Tiếp Dẫn” sớm đã thất truyền, chỉ nghe truyền thuyết kể lại. Nay hai người vừa chính mắt chứng kiến người sử dụng, thật là cơ duyên hiếm thấy.
Căn cứ vào thân thủ của quái lão mà đoán, người này hẳn phải là đệ nhất kiếm thủ.
Đôi nam nữ thiếu niên thông tuệ vội vàng cúi mình mà vái, chỉ nghe quái lão nói nhỏ nhẹ :
- Lão phu xưa nay không muốn chiếm tiện nghi của người khác. Lão phu ăn hết phần tiệc còn lại của các ngươi, nay lấy cá để trả, vậy là sòng phẳng.
Đôi bạn trẻ ngẩng đầu lên thì đã không thấy bóng dáng quái lão đâu nữa. Nhìn tứ phía, chỉ còn gió đêm hiu hiu, sóng nước dập dềnh. Quái lão đến vô ảnh, đi vô hình, chuyện vừa xảy ra tưởng một giấc mơ.
Hai người cứ đứng ngây ra hồi lâu, nhớ lại cuộc giao thủ vừa rồi bằng đũa, quả ích lợi không ít.
Tử Vi nói :
- Vừa rồi quái lão điểm trúng vào đầu vai của muội chính là dùng tuyệt chiêu thứ tám “Linh Dương Chương Giác”, một chiêu khó luyện nhất. Muội đã học được ở quái lão cách vận dụng rồi.
Đường Chấn Anh nói :
- Huynh bị quái lão điểm trúng bên sườn lại không phải tuyệt chiêu của “Bàn Cổ Khai Thiên luân pháp”, mà là chiêu “Luân Hành Trung Chuyển”. Quái lão sử dụng quá ư xảo diệu.
Tử Vi nói :
- Quái lão không có ý động thủ với chúng ta, mà dường như chỉ định khảo nghiệm một chút thôi.
Đường Chấn Anh gật đầu, tiếp :
- Huynh cũng có cảm giác như vậy. Nếu không, chỉ e hai ta đã bị đả thương rồi.
Hai người đàm luận một hồi rồi nhìn trời sao, thấy đã sang giờ Dần, mới chui vào trong khoang. Qua một đêm đầy hứng khởi, họ vừa nằm xuống thì đã ngủ một giấc say sưa. Tỉnh dậy thì đã quá giờ Ngọ ngày hôm sau. Rửa mặt xong, họ bước ra ngoài khoang.
Đám thủy thủ đang bàn luận rôm rả về chuyện con cá chép khổng lồ. Hai người chỉ nhìn nhau mỉm cười, nghĩ rằng cuộc giao đấu bằng đũa đêm qua nhà thuyền không hề hay biết.
Chủ thuyền vừa thấy hai người bước ra, vội bước tới cúi mình nói :
- Chúc công tử và cô nương an khang.
Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi sống lâu trên núi, không quen với nghi thức thế tục, thấy vậy vội đáp lễ.
Chủ thuyền thấy hai vị khách khiêm nhường như vậy thì càng kính mến, mới nói :
- Đêm qua chắc nhị vị đi nghỉ quá muộn, tiểu nhân thấy trà rượu hết cả. Con cá chép lớn này nhị vị bắt được, thật quá tài tình. Không rõ nhị vị muốn ăn món gì, để tiểu nhân còn chuẩn bị.
Đường Chấn Anh gật đầu đáp :
- Tại hạ muốn đổi con cá này với các vị lấy một hồ rượu.
Chủ thuyền và đám thủy thủ vui vẻ cảm tạ, rồi họ dốc sức chèo gấp. Thuyền trôi mau lẹ, hai bên bờ có nhiều núi non, cảnh vật trầm tịch. Chiều hôm sau thuyền đã tới địa phận Tứ Xuyên.
Từ đây đến Nga Mi sơn có thể đi bằng đường thủy, nhưng phải vòng vèo khá xa. Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi nghĩ đến sự an nguy của Kim Đỉnh bổn viện, bèn bỏ thuyền đi đường bộ cho nhanh. Họ mua hai con ngựa, rồi nhắm Nga Mi Kim Đỉnh mà đi suốt ngày đêm.
Trời thu xanh ngắt, gió thu hiu hắt, ngựa phi nước đai đến chiều tối ngày hôm sau thì họ đã tới bên ngoài huyện thành gần dãy Nga Mi sơn.
Họ dừng ngựa trên con đường lớn. Đường Chấn Anh ngẩng nhìn trời, thấy mặt trời đã lặn, bèn hỏi Tử Vi :
- Vi muội mệt rồi thì phải? Đêm nay chúng ta có nên nghỉ lại trong huyện thành chăng?
Tử Vi hỏi :
- Từ đây đến Kim Đỉnh bổn viện còn bao xa?
Đường Chấn Anh đáp :
- Ở phía Tây nam thành, từ đây tới đó khoảng sáu bảy chục dặm.
Tử Vi nhìn về phía Tây nam, quả thấy núi non trùng trùng điệp điệp, con đường lớn này chạy về chính hướng đó, bèn nói :
- Sáu bảy chục dặm có gì là xa, hà tất phải nghỉ lại trong huyện thành.
- Không nghỉ lại cũng được, nhưng phải tìm một phạn điếm mà ăn uống chút đã. Huống hồ lên tới Kim Đỉnh đòi hỏi nhiều sức lực. Dầu sao đêm nay chúng ta cũng tới đó thôi.
Tử Vi nghĩ một chút, nói :
- Vào phạn điếm ăn uống cũng mất thời giờ, và lại muội chưa thấy đói lắm. Huynh hãy đi mua vài cái bánh bao, ta vừa đi vừa ăn cũng được.
Đường Chấn Anh nhất nhất chiều theo nàng, thấy nàng không muốn vào huyện thành, chàng cũng không nài ép, bèn đáp :
- Vậy để huynh đi mua bánh. Muội cứ ở đây chờ huynh.
Đoạn thúc ngựa chạy vào trong huyện thành mờ mờ sương khói.
Ngay ở cửa thành đã có một phạn điếm, chàng ghé vào mua bánh bao rồi trở lại ngay. Cả đi lẩn về chỉ một lát, nhưng đã không thấy Tử Vi ở chỗ cũ nữa.
Tưởng nàng chỉ đi quanh quẩn đâu đấy một chút, nào ngờ mãi vẫn chẳng thấy nàng đâu. Đường Chấn Anh mới biết là đã có chuyện nghiêm trọng. Chàng vội ngó nghiêng tứ phía, bỗng thấy trên một cây lớn ở ven đường có ba điểm sáng màu lam chao động như ma trơi. Trong cảnh nhập nhoạng tối, cảnh tượng này giữa cánh rừng âm u thật khiến người ta sởn gai ốc.
Đường Chấn Anh giục ngựa lại gần để nhìn cho rõ, thì ra đó là ba bông hoa mai màu lam to bằng hạt đậu xanh. Chàng nghĩ đây hẳn là thứ ám khí có độc, bèn đeo bao tay vào rồi mới gỡ ba bông mai quái dị xuống.
Rút bông mai ra, trên cành còn lưu lại một lỗ hổng nhỏ bằng lỗ chân kim, ba tia nước màu đen nhỏ xíu phụt ra, may mà Đường Chấn Anh né tránh nhanh như cắt. Quả nhiên đó là chất độc.
Chàng xem kỹ mặt sau bông mai, thấy có một cái châm dài khoảng một tấc, rất cứng và tinh xảo. Không rõ người sử dụng loại ám khí này thuộc môn phái nào?
Chàng chưa có thời giờ suy nghĩ, bèn cẩn thận gói ba bông mai lại, cất vào túi đồ. Bỗng dưng mất tích Tử Vi, chẳng hiểu việc ấy có liên quan gì tới ba bông mai này chăng? Chàng đoán rằng nhất định nàng đã phát hiện có kẻ khả nghi nên mới đuổi theo, vì vội vã mà không thể đợi chàng.
Con đường này về đêm quá vắng bóng người đi lại. Không thấy hai bên đường có động tĩnh gì, chàng bèn phóng ngựa giữa đường lớn mà tiến về phía trước.
Chàng lo cho sự an nguy của Tử Vi, cứ ra roi liên tiếp. Con ngựa phóng như bay, chân tựa hồ không chạm đất. Không bao lâu đã tới Nga Mi sơn khẩu.
Đường lớn tới đây vừa vặn có ngã ba. Đường Chấn Anh đang do dự, không biết có nên truy đuổi tiếp theo đường lớn, hay rẽ lên phía Kim Đỉnh bổn viện. Bỗng thấy trên đỉnh có ba ngọn hỏa tiễn bay vọt lên trời. Đó chính là tín hiệu khẩn cấp của phái Nga Mi.
Chàng giật mình, không suy nghĩ gì nữa, vội quay ngựa, bỏ đường lớn, phóng về phía sơn khẩu.
Điều kỳ quái là từ lúc phi ngựa như bay vào đây, chàng không hề gặp một ai canh phòng, trái hẳn lẽ thường, khiến chàng hết sức lo lắng.
Đến lưng chừng núi, sơn thế dốc đứng, từ đây lên Kim Đỉnh khó bề cưỡi ngựa, Đường Chấn Anh bèn xuống ngựa và dắt ngựa quẹo sang mé tả mà đi. Một lát sau tới cánh rừng dày, ở đây có mấy gian tịnh xá do phái Nga Mi thiết kế, rất tao nhã và tiện lợi, dùng làm nơi dừng ngựa cho thiện nam tín nữ lên thắp hương trên chùa hoặc làm nơi nghỉ chân cho du khách muốn tìm thăm thắng cảnh. Phái Nga Mi luôn phái người trông nom và tiếp khách ở đây.
Đường Chấn Anh dắt ngựa vào khu vực tịnh xá. Cảnh tượng vắng lặng rợn người. Không một ánh đèn, tịnh xá tối om. Chàng bèn buộc ngựa bên ngoài, bước nhanh vào trong tịnh thất, châm bùi nhùi lên, thấy bên trong trần thiết vẫn như cũ, nhưng không có một ai. Bàn ghế phủ một lớp bụi dày, rõ ràng từ lâu không người lai vãng.
Cảnh tượng này chứng tỏ Nga Mi phái đã xảy ra biến cố chưa từng có. Đường Chấn Anh nhớ rằng mười mấy năm nay ở phái Nga Mi không hề thấy hiện tượng như thế này.
Chàng không dám dừng lâu, vội búng mình vọt ra ngoài, bỗng nghe tiếng kim khí va chạm nhau dồn dập từ phía triền núi vọng xuống.
Chàng vội dùng thân pháp khinh công vọt lên. Được vài chục trượng thì thấy có mấy bóng đen đang giao chiến ác liệt với nhau.
Chỉ nghe một thanh âm thiếu nữ luôn miệng nói :
- Các vị nhận lầm người rồi, chúng ta là đồng môn đồng phái với nhau.
Lời của thiếu nữ vừa dứt, đã bị tiếng niệm Phật hiệu cắt ngang :
- Cô nương chớ huyên thuyên mà đánh lừa bần tăng. Nga Mi phái ở đây không có cô nương nào hết.
- Hãy tiếp chiêu kiếm này.
Keng, keng... lại một chập binh khí va chạm vào nhau. Binh khí của mấy vị hòa thượng đề bị văng đi cả.
Đường Chấn Anh đã nhận ra thanh âm của thiếu nữ chính là Tử Vi, thì vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội cao giọng nói :
- Vi muội, toàn là người nhà cả, đừng giận họ. Tại hạ là Đường Chấn Anh đây.
Lời chưa dứt, chàng đã bay vọt lên chỗ họ.
Mười mấy vị hòa thượng nhất tề lùi lại, miệng niệm Phật hiệu, hạ binh khí, chấp tay trước ngực nói :
- Thì ra là sư thúc trở về, chúng đệ tử không biết để nghênh tiếp, xin nhận lễ ở đây.
Đoạn cả nhóm định quỳ xuống.
Đường Chấn Anh vội ngăn lại :
- Nga Mi phái chúng ta đang lâm cảnh nguy khốn, miễn lễ.
Đoạn nhìn Tử Vi mỉm cười hỏi :
- Sao Vi muội lại bỏ đi một mình thế? Để huynh lo quá.
Rồi chàng quay sang nói với các vị hòa thượng :
- Làm sao người mình lại đánh lẫn nhau như vậy? Nàng là đệ tử của nhị sư tổ Tuyệt Trần thần ni đó.
Đám hòa thượng chợt hiểu ra, nói :
- Thì ra nữ thí chủ là sư thúc của chúng đệ tử, hèn chi sư thúc quá am tường Nga Mi trấn sơn kiếm pháp. Mười mấy người chúng đệ tử liên thủ mà không địch nổi sư thúc. Xin sư thúc nhận một vái mà lượng thứ cho hành động lỗ mãng của chúng điệt nhi.
Tử Vi đỏ mặt, nàng vốn là một thiếu nữ, nay mười mấy vị hòa thượng cứ một điều kêu nàng bằng sư thúc, hai điều sư thúc, lại còn cúi mình để vái lạy, thì bèn kéo tay áo Đường Chấn Anh rồi hai người vội ngăn đám hòa thượng lại, không cho làm như vậy.
Bỗng một tiếng niệm Phật hiệu vọng lại, tiếp đến là có tiếng người gằn giọng :
- Kẻ nào liên tiếp sát hại người của bổn phái? Lần này bắt được hắn rồi phải không?
Giọng nói như tiếng chuông, chứng tỏ công lực nội gia thâm hậu.
Đường Chấn Anh nghe giọng, nhận ra nhị sư huynh Hư Tiêu, bèn ngẩng lên gọi :
- Nhị sư huynh, tiểu đệ Đường Chấn Anh tới đây mà.
Lời chàng chưa dứt, một bóng đen đã vọt tới, đáp xuống trước mặt chàng. Đám hòa thượng luôn miệng kêu sư phụ, sư thúc, rồi kính cẩn vái lạy.
Đường Chấn Anh và Tử Vi quỳ xuống thi lễ. Hư Tiêu bước tới ngăn Đường Chấn Anh, rồi nhìn Tử Vi chăm chú và hỏi :
- Vị này...
Đường Chấn Anh đáp :
- Là Tử Vi sư muội, đệ tử của nhị sư thúc.
Nên biết Tuyệt Trần thần ni sau khi nhận nuôi Tử Vi, đã hai chục năm nay chưa hề đến Kim Đỉnh tự của phái Nga Mi, nên quần tăng chưa biết mặt. Nay Hư Tiêu hòa thượng nghe bảo Tử Vi là sư muội, thì bất giác vuốt chòm râu bạc, vui vẻ nói :
- Không ngờ bần tăng đã ngoài năm mươi tuổi mà còn có một vị sư muội thanh tú thoát tục như thế này. Quả là hy hữu, hy hữu.
Đoạn hỏi thăm sư phụ Vô Tướng thiền sư. Đường Chấn Anh đáp rằng sư phụ chưa hết thời hạn bế quan, nên tạm phái hai người đến đây nắm bắt tình hình trước đã.
Hư Tiêu hòa thượng nói :
- Hỏng rồi! Hỏng rồi! Chẳng lẽ ba vị sư huynh của hiền đệ mang thư đến cho sư phụ mà sư phụ chưa gặp hay sao?
Đường Chấn Anh thở dài đáp :
- Ba vị sư huynh đều đã tới Lư Sơn, nhưng chưa gặp sư phụ thì đã ngộ nạn. Khi tiểu đệ và sư muội phát hiện thi thể thì mật thư đã bị lấy mất.
Hư Tiêu chưa nghe Đường Chấn Anh nói hết thì sắc mặt đã tái đi, người run run, vội hỏi :
- Trên thi thể có đặc điểm gì không?
Đướng Chấn Anh đáp :
- Không thấy thương tích, trên mặt có đánh số bằng mực son.
Hư Tiêu hỏi luôn :
- Số bao nhiêu?
Đường Chấn Anh đáp :
- Mười ba, mười bốn, và mười lăm.
Nghe đến đó, nước mắt của Hư Tiêu đã chảy ròng ròng trên mặt, giọng ông đầy xúc động :
- Đức Phật từ bi, thiện tai, thiện tai. Quả nhiên không ngoài dự liệu của mọi người ở đây.
Đường Chấn Anh bèn hỏi :
- Thỉnh vấn nhị sư huynh, chẳng lẽ ở đây có sự biến?
Hư Tiêu nấc lên một tiếng thê thảm, lệ tuôn lã chã :
- Ở đây không tiện nói, sư đệ và sư muội hãy theo ta.
Chỉ thấy tay áo cà sa của Hư Tiêu vẫy vẫy như hai cánh hạc, thân hình bay nhanh lên phía đỉnh núi. Đôi nam nữ thiếu niên vội nhún mình đẩy chân lao theo. Đám hòa thượng thấy Tử Vi cô nương có thân pháp khinh linh mỹ diệu không thua gì Hư Tiêu và Đường Chấn Anh, thì đều tấm tắc tán thưởng :
- Vị nữ sư thúc này tuy ít tuổi nhưng công phu thâm hậu, hèn chi chúng ta không địch nổi.
Đoạn họ cũng nhất tề thi triển phép khinh công mà theo lên.
Chừng nửa giờ sau, họ đã tới Kim Đỉnh.
Nga Mi Kim Đỉnh cao chót vót, quanh năm mây mù che phủ. Tử Vi mới đến đây lần đầu, lại vào ban đêm, nhưng cũng thấy đây là một kỳ quan. Mây trắng lớp lớp bay qua, gió núi thổi từng chập, khiến mây trời tụ tán thất thường, khi dày khi mỏng, lúc nhanh lúc chậm, trăng sao lúc ẩn lúc hiện, khi bị mây nuốt chửng, lúc được mây nhả ra, ngẩng mặt chạm đỉnh trời, giơ tay chạm tinh tú. Thật vô cùng kỳ thú.
Đường Chấn Anh thấy Tử Vi mãi ngắm cảnh sắc, bèn kéo tay áo nàng, nói :
- Vi muội, làm gì có thời gian ngắm cảnh, chúng ta mau vào trong bái kiến đại sư huynh.
Tử Vi gật đầu, sánh bước cùng Đường Chấn Anh đi nhanh hơn, thoáng chốc đã thấy sừng sững Không Tĩnh tự uy chấn võ lâm, nức tiếng xa gần.
Đường Tử Vi không kịp nhìn kỹ đã bị Đường Chấn Anh kéo áo bước qua sơn môn.
Trong ngoài sơn môn đều có các vị hòa thượng canh giữ, người nào người nấy tay lăm lăm binh khí, sắc diện ngưng trọng dị thường, như thể sắp lâm trận, thoáng hiện vẻ kinh hoàng. Họ cúi mình chào hỏi Đường Chấn Anh, thì ra toàn là hàng đệ tử.
Bỗng nghe một tiếng niệm Phật hiệu, rồi tiếp theo là một giọng nói vang lên :
- Xa nhau ba năm, hôm nay sư đệ trở về, ngu huynh rất mừng. Nhị vị lão nhân gia sư phụ và sư thúc vẫn mạnh giỏi chứ?
Đường Chấn Anh ngẩng nhìn, nhật ra tứ sư huynh Hư Chấn, chưa kịp đáp thì Hư Chấn đã chỉ Tử Vi hỏi :
- Vị này là sư muội phải không?
Đường Tử Vi cúi mình đáp :
- Tiểu muội Đường Tử Vi, khấu đầu ra mắt sư huynh.
Đoạn cùng Đường Chấn Anh song song quỳ xuống.
Hư Chấn hòa thượng vội bước tới đỡ họ dậy, nói :
- Sư muội mới gặp lần đầu, chưa biết tính xấu của ngu huynh. Anh sư đệ nên nhớ ngu huynh rất ngại tục lễ. Từ nay nếu các vị còn giữ lễ thế này thì ngu huynh sẽ không khách khí với các vị nữa đâu.
Thật là một vị hòa thượng hào phóng.
Hư Chấn dẫn hai người vào bên trong một quãng, nói :
- Ngu huynh phụng mệnh trấn thủ sơn môn, không dám rời khỏi nửa bước, chúng ta sẽ nói chuyện sau vậy.
Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi đã biết tính của tứ sư huynh, cũng không đáp thoại, liền bước lên bậc thềm, xuyên qua đại điện mà đi vào phía trong. Tử Vi nói nhỏ với Đường Chấn Anh :
- Khu vực này canh phòng nghiêm mật, tới mấy trăm người, sao còn phải để tứ sư huynh đích thân trấn giữ sơn môn?
Đường Chấn Anh đáp :
- Xem ra đã có biến cố đáng sợ xảy ra.
Hai người để ý thấy trong nội tự toàn bộ tăng lữ người người đều ở vào vị trí của mình, binh khí lăm lăm, việc bố trí phòng thủ đâu ra đấy, cực kỳ nghiêm ngặt.
Tòa Không Tĩnh tự rộng mênh mông lúc này không một ánh đèn, ngay ở các thông đạo cũng tối mờ mờ. Mấy trăm vị tăng lữ tuy đều sẵn sàng hành động, nhưng khung cảnh hoàn toàn trầm tịch vô thanh.
Hết thảy những người mà Đường Chấn Anh gặp ngày trước thường rất vui vẻ cười nói với chàng, đêm nay thấy chàng tới chỉ lặng lẽ giơ tay biểu ý, rất ít ai lên tiếng.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nhìn quang cảnh này mà rùng mình. Đường Chấn Anh nghĩ thầm: “Còn đâu Không Tĩnh tự uy chấn võ lâm, còn đâu danh sơn thắng cảnh? Một Kim Đỉnh lừng lẫy nay có khác gì cái hang chuột?”.
Chàng đau đớn nhớ lại uy phong năm xưa của phái Nga Mi.
Tử Vi thấy Không Tĩnh tự quả là một công trình kiến trúc đồ sộ phi phàm. Đại điện dài rộng mênh mông. Nàng theo Đường Chấn Anh đi hồi lâu mới đến tự viện, xung quanh tre trúc mọc đầy, tiếp đến một hàng tùng bách. Tự viện có năm gian quây thành vòng tròn, cao thấp khác nhau đến mấy tầng, cửa sổ thông ra tứ phía, toàn do thợ khéo chạm trổ tinh vi. Trên cửa treo một tấm biển viết bốn chữ đại tự thếp vàng “Vô Tướng Tịnh Xá”. Đây chính là nơi Vô Tướng thiền sư bao năm tu luyện.
Hai người vừa bước vào trong Vô Tướng tịnh xá thì có tiếng niệm Phật hiệu vang lên sang sảng, rồi hàng loạt tiếng bước chân, bảy vị cao tăng đã dàn thành hàng ngang đứng ở thềm đá chờ sẵn.
Tử Vi liếc qua một lượt, thấy cả bảy vị cao tăng đều đã ngoài ngũ tuần, chỉ có một vị để râu chính là Hư Tiêu sư huynh. Vị cao tăng đứng giữa cao lớn, tướng mạo trang nghiêm, mặc áo cà sa màu hồn không giống sáu vị còn lại, nàng đoán chắc hẳn đó là đại sư huynh.
Đường Chấn Anh đưa mắt cho Tử Vi, thế là hai người cùng quỳ xuống nói :
- Sư đệ Đường Chấn Anh, sư muội Đường Tử Vi khấu đầu trước đại sư huynh và các vị sư huynh.
Vị mắc áo cà sa màu hồng là Hư Vân hòa thượng, nói :
- Sư đệ, sư muội, miễn lễ, hãy mau đứng dậy vào trong tự thất.
Đoạn cùng sáu vị kia quay mình bước vào trước.
Hai người đứng dậy bước lên thềm đá, vén mành trúc bước vào, vừa ngẩng nhìn, chợt cùng kêu lên kinh hoàng, và chạy bổ tới một chiếc giường tre cực lớn.
Trên giường đặt ba thi thể, trên mặt có đánh dấu son số mười sáu, mười bảy, mười tám. Bút tích giống hệt như trên mặt ba vị sư huynh bị giết ở Lư Sơn, hiển nhiên là do cùng một hung thủ.
Đường Chấn Anh vội quay sang sư huynh Hư Vân hỏi :
- Ba vị sư điệt này không biết bị sát hại khi nào?
Hư Vân buồn bã đáp :
- Cách đây chưa lâu.
Đường Chấn Anh kinh ngạc :
- Tiểu đệ và sư muội phụng mệnh về đây, đi mải miết suốt ngày đêm, không ngờ tên sát nhân ấy lại có thể đến trước thế này.
Tử Vi tiếp lời :
- Đại sư huynh, khi tiểu muội sắp vào núi, đã truy đuổi theo một bóng đen.
Hư Vân kinh ngạc vội hỏi :
- Sư muội có nhìn rõ bóng đen ấy là kẻ như thế nào hay không?
Tử Vi đáp :
- Tiểu muội đang đứng ở cửa nam tại Nga Mi huyện thành, trên đường lớn để chờ Chấn Anh sư huynh đi mua bánh. Lúc ấy trời vừa sập tối, bỗng thấy từ phía sau có một bóng đen phóng tới cực nhanh. Tiểu muội không lưu tâm, bóng đen kia chẳng nói một lời, phóng liền ba đạo lam quang về phía tiểu muội. Muội chưa biết là thứ ám khí gì nên không dám tiếp, phải vội né tránh. Thừa dịp đó, bóng đen kia đã chạy đi mấy trượng, tiểu muội liền phóng ngựa đuổi theo, đến tận sơn khẩu vẫn không kịp, bèn xuống ngựa và dùng phép khinh công. Nhưng đến lưng chừng núi thì bất ngờ bị mười mấy vị sư điệt ngộ nhận tiểu muội là địch nhân, cho nên bóng đen kia đã chạy thoát. Song, tiểu muội nhìn đằng sau lưng thì biết hắn là nam nhân.
Hư Vân trầm ngâm nói :
- Thế thì không phải rồi, sau khi người của bổn phái bị sát hại, những ngày qua tìm kiếm ở vùng phụ cận, chúng ta chỉ phát hiện vết tích của nữ nhân, mà nay bóng đen kia lại là nam nhân. Trong lúc sư muội đang truy đuổi bóng đen, ba vị sư điệt lại bị giết chết, do đó, có thể đoán rằng bọn chúng khủng bố phái ta hoàn toàn không chỉ có một tên.
Đường Chấn Anh rút ba bông mai ra đưa cho đại sư huynh coi.
Hư Vân nhìn thấy bông mai, thấy chúng được chế tác hết sức tinh xảo, ánh lam quang lóng lánh, biết ngay là thứ ám khí đặc biệt, kẻ sử dụng hoàn toàn không thuộc hạng tầm thường. Hư Vân nhìn Đường Chấn Anh dò hỏi, chàng hiểu ý, liền đem việc phát hiện mấy bông mai kể lại.
Tử Vi bước lại gần quan sát, rồi nói :
- Nhất định đây là thứ ám khí mà bóng đen nọ đã phóng vào tiểu muội...
Lời còn chưa dứt, bỗng nàng ngừng bặt, quát lên một tiếng, đoạn quay người, phách không một chưởng thật mạnh về phía cửa sổ, song cửa gãy vụn văng đi. Tử Vi búng mình vọt qua cửa sổ ra ngoài, động tác xuất thủ cực kỳ thần tốc, mọi người đều thầm khen ngợi.
Đường Chấn Anh lập tức búng người ra khỏi tự thất, chân chưa chạm đất đã dùng thức Vân Lý Phiêu Thân vọt lên mái hiên, sau đó nhún chân vượt qua hai dãy đại điện, để ý tìm Tử Vi, nhưng không thấy bóng nàng đâu.
Lại nói Tử Vi cô nương vọt ra ngoài xong, thấy một bóng người chếch lên phía đại điện, nàng liền đề khí, thân hình khinh linh lao đuổi theo.
Nàng đặt chân lên mái điện, thì bóng đen kia đã lao xuống phía sau điện. Nàng bèn vọt lên cao hơn hai trượng, thấy hắn đã chạy sang một gian khác.
Kẻ kia chưa kịp đứng vững trên mái hiên đó, bỗng có hai hòa thượng xuất hiện từ phía sau. Chíu chíu... hai hòa thượng vung tay phóng liền sáu viên thiết đảm, nhắm tới thượng, trung, và hạ bàn của hắn.
Hắn không hồ đồ né tránh, mà khoát tay quét một nửa vòng tròn, cạch cạch cạch, cả sáu viên thiết đảm đều văng đi, tiếp đó, hắn sấn người tới, vung hai tay công kích hai hòa thượng.
Hai hòa thượng thấy hắn hung hăng xông tới thì không dám kinh suất, bèn triển khai Nga Mi chưởng pháp, một người sử chiêu “La Hán Cử Đỉnh”, người kia sử chiêu “Kim Ấn Phục Ma” nghênh tiếp đòn thế của hắn.
Hắn tựa hồ không ham chiến, hai hòa thượng vừa xuất chiêu, hắn liền xoay người lao chếch đi. Tử Vi cô nương vừa vặn đuổi tới, cây Thất Khổng thần địch đã thủ sẵn trong tay, cổ tay nàng xoay nhẹ, cây Thần địch phóng ra chiêu “Thái Công Điếu Kim”.
Kẻ kia tuy mặt hướng về phía trước, nhưng tai nghe thấy tiếng gió sau lưng, biết có đòn công kích, hắn đang ở thế lao đi, bèn rùn người xuống, một chân làm trụ, xoay ngang người lại, chân kia tung lên một cước. Động tác đặc biệt xảo diệu.
Cây Thần địch của Tử Vi bị lạc vào khoảng không. Nàng chẳng ngờ đối phương lại khôn khéo dùng chiêu “Ngọa Ngưu Thân Thoái”, nàng đang ở thế lao nhanh, muốn dừng lại cũng không kịp, mắt thấy bụng dưới của mình sắp bị dính đòn cước của đối phương, nhưng lâm nguy không hoảng loạn, nàng lập tức đẩy mạnh mũi chân xuống mái điện, hai vai ưỡn rộng, bay vọt theo thế nằm ngang qua đầu tên kia. Thật là hú vía.
Hai hòa thượng toát mồ hôi lo cho nàng, miệng kêu :
- A di đà Phật!
Ngay kẻ kia cũng phải thốt lên :
- Khá khen!
Đoạn hắn bật dậy, thân hình lắc lư, dùng chiêu “Bát Bộ Đăng Không” chạy vọt ra khỏi tự.
Phàm những chỗ hắn lao qua, các tăng lữ đều xuất thủ ngăn lại, nhưng thảy đều vô hiệu.
Tử Vi thi triển thuật khinh công, quyết bám theo hắn, không chịu buông tha.
Hai người, một trước một sau ra khỏi Không Tĩnh tự, tai nghe khắp nơi trên Nga Mi Kim Đỉnh nhốn nháo cả lên. Hai như hai cánh chim đêm, bay xuyên qua mây.
Cước bộ của Tử Vi và kẻ kia tương đương nhau, khó phân hơn kém. Kẻ kia muốn bứt khỏi sự truy đuổi của Tử Vi không dễ, nhưng Tử Vi muốn đuổi kịp hắn cũng khó lòng.
Nàng nghĩ thầm: “Người trong võ lâm rất ngại nghe mạ lỵ, tại sao mình không chửi bới hắn vài câu, khích cho hắn đứng lại?”
Nghĩ vậy, nàng bèn cất tiếng :
- Lén lén lút lút còn gì là kẻ anh hùng? Ngươi có giỏi thì đứng lại đấu với lão bà bà trăm hiệp.
Kẻ kia đại khái cũng biết nếu chỉ dựa vào cước trình thì khó bề thoát khỏi sự truy đuổi, bèn vọt chéo sang một bên rồi đứng lại. Nhưng không chịu quay mặt về phía Tử Vi cô nương.
Tử Vi dừng chân cách kẻ kia một trượng, dùng Thất Khổng thần địch hộ thân, rồi mới quan sát kẻ kia. Thân hình hắn vào loại trung bình, y phục màu đen, trên lưng đeo hai thứ binh khí cổ quái, một là Kim mai, một là Hạc chưởng, dài chừng hai thước, bắt chéo trên lưng.
Tử Vi bất giác giật mình, nhớ lúc rời Lư Sơn, sư bá từng căn dặn “phàm những người nào mang loại binh khí Kim Mai Hạc Chưởng, thì cố gắng né tránh, vạn bất đắc dĩ mới được liều mạng giao đấu...”.
Nàng còn đang do dự, thì người kia đã cất giọng bực bội :
- Ngươi muốn ta đứng lại, thì ta đã đứng lại rồi. Tại sao còn chưa xuất thủ?
Thanh âm của hắn rất khó nghe.
Tử Vi đáp :
- Ngay cả lễ giáo tối thiểu mà ngươi cũng không hiểu, tại sao quay lưng lại mà đối thoại với người khác? Hãy mau quay mặt lại coi.
Kẻ kia cười nhạt nói :
- Muốn đánh thì cứ đánh, hà tất phải nhiều lời. Ta chỉ đối diện với bậc cao thủ, còn hạng nha đầu ti tiện như ngươi, ta không thèm ngó cho bẩn mắt.
Ngôn từ thật cuồng ngạo, bức người.
Từ nhỏ đến giờ, Tử Vi cô nương chưa hề bị ai kêu là con nha đầu ti tiện, bèn nổi giận quát :
- Ngươi cuồng ngạo không dám quay mặt lại, có phải phụ mẫu ngươi sinh ra ngươi không có mặt mũi hay chăng?
Câu này mạt sát quá nặng, đến ngợm còn chẳng chịu nổi nữa là một người có sỉ diện. Kẻ kia lập tức quay ngược lại thét to :
- Thì ta ngoảnh mặt đây, ngươi muốn gì?
Tử Vi thấy kẻ kia đầu bịt vải đen sụp xuống che kín trán, cặp mắt sáng đảo qua đảo lại, bộ râu quai nón màu vàng rậm rì, rối bung như một đám cỏ. Nàng hỏi :
- Ở bên ngoài Nga Mi huyện thành, có phải ngươi đã dùng ám khí đánh lén bổn cô nương?
Hắn ngạo mạn đáp :
- Không sai, là ta đó!
Tử Vi gằn giọng :
- Bổn cô nương và ngươi không hề quen biết, vì sao ngươi lại lén hạ độc thủ?
- Ta thích thì làm như thế!
- Ngươi là ai?
- Không cho ngươi biết.
- Vì cớ gì ban đêm ngươi lại lén lút đến Không Tĩnh tự?
- Ta thích thế, ngươi làm gì nổi ta?
- Đệ tử của bổn phái bị sát hại, có phải bởi tay ngươi?
Kẻ kia quát lớn :
- Ai hơi đâu mà đàm thoại với hạng nha đầu nhà ngươi, hãy tiếp chiêu.
Đoạn xông tới, hai tay dùng chiêu “Hoàng Long Thám Qua” chụp xuống đầu Tử Vi.
Kẻ kia lời lẽ xấc xược, hiềm nỗi Tử Vi nhớ lời dặn của sư bá, phải né tránh kẻ mang binh khí Kim Mai Hạc Chưởng. Nay thấy hắn đã xông tới xuất chiêu, đã định sử dụng Thất Khổng thần địch, nhưng thấy hắn chưa dùng binh khí, vội nhảy xéo sang hai bước nói :
- Ngươi dùng tay không, bổn cô nương chẳng muốn chiếm tiện nghi làm gì. Hãy mau rút Kim Mai Hạc Chưởng ra đi.
Kẻ kia chột dạ, buột miệng hỏi :
- Tại sao ngươi biết danh xưng binh khí của ta?
Tử Vi biết đã gọi đúng, bèn cười khảy đáp :
- Thứ binh khí tầm thường ấy có gì lạ mà bổn cô nương chẳng nhận ra?
Kẻ kia bất giác nhìn kỹ cây Thần địch trong tay nàng, như chợt hiểu, vội hỏi :
- Nha đầu ti tiện, có phải ngươi đang cầm Thất Khổng thần địch?
Tử Vi ngạc nhiên, hóa ra hắn đã nhận biết bảo vật của võ lâm, bèn gật đầu :
- Xem chừng ngươi không đến nỗi ngốc.
Kẻ kia hỏi luôn :
- Tuyệt Trần lão cô tử là thế nào với ngươi?
Tử Vi thấy đối phương kêu đúng pháp danh của sư phụ bằng từ ngữ xấc xược, thì nổi giận quát :
- Tuyệt Trần thần ni là bậc võ lâm chi thánh, ngươi dám mở miệng xúc phạm?
Kẻ kia giờ mới biết đã gặp đối thủ, nên không dám chậm trễ, vội rút hai thứ binh khí ra, tay tả cầm Kim mai, tay hữu cầm Hạc chưởng, nói :
- Hôm nay ta kết liễu con nha đầu nhãi ranh này trước, sau đó sẽ trừng trị sư phụ của nhà ngươi.
- Câm họng!
Tử Vi quát lớn, hai tay cầm địch, cây địch với thân hình thành một đường thẳng, lao như một mũi tên bật khỏi dây cung, nhắm tới gốc mũi của kẻ kia. Đó chính là chiêu đầu tiên “Thần Tiễn Xuyên Dương” của “Thần Địch Cửu Phiên”.
Kẻ kia thấy thế thần tốc của nàng, vội sử chiêu “Chi Đạn Hỉ Thước”, giơ Kim mai lên chống đỡ.
Tử Vi ngầm đề chân khí, chân không chạm đất, xoay cổ tay, hạ thấp cây Thần địch nhắm tới hai yếu huyệt Tương Đài và Kỳ Môn ở trung bàn của đối phương.
Kẻ kia thấy nàng biến chiêu quá lẹ, thầm thán phục, vội sử chiêu “Phất Hoa Phân Liễu” quét ngang Hạc chưởng để tiếp công thế.
Tử Vi sớm dự đoán hắn se xuất chiêu này, lập tức rụt cây Thần địch, chân hữu phóng một cước với chiêu “Khôi Tinh Thích Đẩu”, đá mạnh và bụng dưới của hắn.
Kẻ kia bị lạc không một đòn Hạc chưởng, thấy nàng có thể đang ở trên không mà phóng cước như vậy, vội nhảy lùi lại hai bước.
Tử Vi đã dùng hai đòn Thần địch và một đòn cước nhanh như lằn chớp, buộc đối phương thoái lui, chân nàng vừa chạm đất đã thừa thế xoay cổ tay, cây Thất Khổng thần địch lại liên tiếp công kích ba chiêu chiếm lấy tiên cơ. Chỉ nghe mấy tiếng “chíu chíu chíu”, lợi hại vô cùng.
Kẻ kia sau một hồi loạn cước đã không còn dám coi thường đối phương nữa. Kim Mai Hạc Chưởng trong tay hắn phối hợp nhuần nhuyễn, sau mười chiêu đã mú tít lên, phong vũ không thể lọt qua, kỹ xảo khôn lường, công lực thâm hậu. Điều khó hiểu là hắn tựa hồ am hiểu rất tường tận các chiêu thức của Thần địch, nên hóa giải khá dễ dàng, khiến Tử Vi cả kinh.
Kẻ kia càng đấu càng hăng, mai quang chưởng ảnh càng diễn càng kỳ. Tử Vi muốn dùng các chiêu đầu của Thần địch để thủ thắng, e còn khó hơn thăng thiên. Nàng bèn quyết định chuyển sang phần hai của “Thần Địch Cửu Phiên”. Cây Thất Khổng thần địch vừa hất ngược đón gió đã phát xuất một chuỗi âm thanh nghe như tiếng ngọc vỡ, tử quang đột nhiên vươn dài.
Kẻ kia giật mình, thấy cây Tầhn Địch đã thay đổi hẳn chiêu thức.
Tử Vi thấy hắn hóa giải dễ dàng ba mươi sáu chiêu của phần thứ nhất, nhưng xem ra không biết các chiêu thức của phần thứ hai, hắn có vẻ ngỡ ngàng trước chiêu thức mới của nàng.
Song, hắn cũng chẳng thuộc hạng tầm thường. Hắn cười ngạo, cũng đổi ngay chiêu thức. Ngọn Kim mai đâm thẳng tới huyệt Huyền Cơ của Tử Vi.
Tử Vi quét ngang cây Thần địch, “keng” một tiếng, hai loại binh khí va vào nhau tóe lửa. Cả hai người cùng bật ngược trở lại, thấy binh khí của mình không bị sứt mẻ thì mới yên tâm đôi phần.
Động tác của Tử Vi rất khinh linh, nàng sấn ngay tới, nhưng thấy kẻ kia vung tay hữu, một đạo lam quang vô thanh vô tức bay vút tới chỗ nàng.
Tử Vi biết ngay là ám khí lam mai, vội quét cây Thần địch đánh rớt bông mai, rồi tiện thể sử chiêu “Linh Xà Cửu Khúc”, chính là một trong chín tuyệt chiêu của “Thần Địch Cửu Phiên”.
Kẻ kia ngưng thần chú mục, thấy cây địch như long xà uốn lượn bất định, ngang dọc trên dưới, chọc tả đâm hữu, nhử dưới thích trên, trong chớp mắt đã biến hóa diệu kỳ, không thể đoán biết cây địch sẽ đánh vào chỗ nào.
Hắn chưa biết hóa giải cách nào, đành nghiến răng dùng Kim mai sử chiêu “Phong Vân Tế Hội”, Hạc chưởng sử chiêu “Phát Lãng Kích Chu” vừa công vừa thủ, nữa thực nửa hư để đối phó, liền đó dựa thế “Kim Lý Đảo Xuyên Ba” mà búng thân về phía sau. Hắn biết rõ không thể thoát thân, nhưng thừa hiểu “Linh Xà Cửu Khúc” hoàn toàn không phải là chiêu thức tầm thường, nếu không hóa giải được yếu lĩnh, thì công vô ích, mà thủ cũng vô dụng.
Tử Vi thì như bóng với hình, bám sát lấy hắn, thấy hắn sắp bị thân địch của nàng đả thương, bỗng có tiếng ai đó quát to :
- Coi chừng!
Hai đạo lam quang theo tiếng quát mà lao đến, nhắm vào cổ tay hữu cầm địch của Tử Vi.
Biến cố đột ngột khiến Tử Vi không kịp suy nghĩ, vộ rút cây địch lại, gạt ngang “tinh tinh” hai tiếng, hai bông lam mai đã văng đi.
Đối phương như cá mắc lưới nay được thoát hiểm, vội thoái lui liền một trượng, toát mồ hôi hột.
Tử Vi cô nương cả giận, nhìn về phía vừa phát ra tiếng quát, thấy một kẻ đứng cách hai trượng, trang phục y như tên thứ nhất, chỉ khác là sắc râu quai nón lồng bồng của tên này màu đỏ. Nàng bèn hỏi :
- Ngươi là ai, dùng ám khí hại người há là bậc anh hùng?
Gã râu đỏ làm như không nghe thấy, quay sang nói với gã râu vàng :
- Sư đệ thật hồ đồ, tại sao lại trái lời sư phụ, để lộ chân tướng...
Gã râu vàng đã biết tội, vội van nài :
- Thỉnh sư huynh lượng thứ cho tiểu đệ nhất thời lỗ mãng, nay sự thể đã vậy, mong sư huynh giúp tiểu đệ một tay giết chết con nha đầu này để diệt khẩu.
Đoạn vung Kim Mai Hạc Chưởng xông về phía Tử Vi.
Tên râu đỏ cũng tức thời rút Kim Mai Hạc Chưởng sấn tới công kích nàng.
Tử Vi xoay cổ tay, Thất Khổng thần địch tạo nên một màn tử quang bảo hộ thân mình rồi hỏi :
- Các ngươi định liên thủ với nhau ư?
Gã râu vàng gằn giọng :
- Liên thủ thì sao?
Gã râu đỏ cười gằn :
- Hôm nay không phải là cuộc giao đấu tầm thường. Hai ta phải lấy mạng ngươi để diệt khẩu, khỏi cần nói đến quy củ võ lâm lôi thôi.
Tử Vi biết tình hình bất ổn, nhưng tính tình cao ngạo, lá gan không nhỏ, nên thản nhiên cười nói :
- Hạng trói gà không chặt như các ngươi đừng nói là hai tên, dù hai mươi tên liên thủ thì lão bà bà ta cũng coi như cỏ rác.
Tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng trong bụng không dám khinh suất, thủ thể chu đáo để lấy tịnh chế động.
Gã râu đỏ vừa định xuất thủ, chỉ thấy Tử Vi mắt phượng lim dim, tia mắt vẫn sáng rực, tịnh khí ngưng tức, hai vai hơi doảng, mười ngón tay cầm đứng cây Thần địch, chính là chiêu “Triều Thiên Nhất Trụ Hương”, văn phong bất động, biết chính là một danh gia cao thủ đang vận khí hành công trước khi lâm chiến với địch thủ thường sử dụng tâm pháp thượng thừa này. Cho nên hắn không dám tùy tiện xuất chiêu, mà đưa mắt cho gã sư đệ râu vàng, ra ý bảo tên kia xuất chiêu trước để thử đối phương.
Gã râu vàng hiểu ý, giơ Kim Mai Hạc Chưởng, chẳng nói chẳng rằng, bổ ngay xuống đầu Tử Vi.
Chiêu này chỉ là để thử, nếu đối phương xuất thủ thì thôi, nếu đối phương không xuất thủ thì dĩ nhiên sẽ bị vỡ đầu.
Tử Vi há không hiểu điều đó. Chỉ thấy thân hình nàng vẫn bất động như Thái Sơn, không tránh né, không hốt hoảng, đợi hai cánh tay gã kia hạ gần xuống, bỗng nàng đột ngột chọc cây Thần địch đánh lên hai huyệt Khúc Trì của hắn.
Động tác của nàng quá ư thần tốc, từ thế tịnh mà phát chiêu, nên ám kình cực lớn, gã râu vàng chỉ thấy hai tay tê dại rồi bị đẩy lùi ba bước.
Gã râu đỏ thét lên một tiếng “đả”, cây Kim mai chọc tới huyệt Huyền Cơ, còn Hạc chưởng thì phạt ngang vào eo lưng Tử Vi.
Một mai một chưởng phối hợp thật ảo diệu.
Tử Vi dùng Thần địch đánh bạt Kim mai, đoạn xoay cổ tay đâm tới huyệt Khoa Bàng của đối phương.
Gã râu đỏ dùng Hạc chưởng chống đỡ.
Tử Vi rụt tay lại, đang định biến chiêu, bỗng thấy gió tạt sau lưng, vội lách mình tránh côn thế từ phía sau của gã tóc vàng.
Hai tên kia quyết sát nhân diệt khẩu, nên dồn toàn lực để hạ độc thủ, toàn nhắm vào các huyền quan yếu huyệt của nàng mà ra đòn.
Cây Thất Khổng thần địch của Tử Vi tuy thiên biến vạn hóa, nhưng một mình nàng khó bề đối phó với hai đối thủ lợi hại, sau năm chiêu, nàng đã lâm vào tình thế bại vong.
Giữa lúc đó, bỗng có tiếng quát lớn :
- Vi muội hãy yên tâm, tiểu huynh đã đến đây.
Thanh âm như tiếng chuông, vang động một vùng.
Chính là giọng nói của Đường Chấn Anh. Chàng vọt tới bên cạnh Tử Vi, Nhật Nguyệt song luân trong tay múa tít, tả xung hữu đột xé gió vù vù, chớp mắt đã công kích liền năm chiêu.
Hai gã kia chưa kịp đối phó, bị bức phải thoái lui liên tục.
Tử Vi thấy Đường Chấn Anh đến tiếp cứu thì phấn chấn tinh thần, nói to :
- Anh ca ca, đừng để chúng chạy thoát, kẻ dùng lam mai ám toán muội chính là hai tên này.
Đường Chấn Anh xông tới, Nhật Nguyệt song luân sử chiêu “Dương Thổ Âm Hấp” công kích hai gã kia.
Tử Vi nhún chân theo sát bên chàng. Cây Thần địch dùng chiêu “Khổng Tước Bình” phối hợp với Đường Chấn Anh mà đánh tới.
Hai gã kia thấy tình thế nguy cấp, đưa mắt cho nhau, Mai chưởng cùng vung lên, ngầm đề chân chí, bay vọt ra xa mấy trượng, rồi bỏ chạy về phía cánh rừng bên cạnh.
Bỗng từ trong rừng loáng lên hai ánh kiếm quang, rồi có tiếng quát :
- Tiếp chiêu!
Hai đường kiếm như hai dải cầu vồng mà trắng đâm tới ngực hai gã, những tưởng phen này chúng khó bề toàn mạng.
Nhưng hai gã trong khoảnh khắc sinh tử, lâm nguy không hề bấn loạn, vội dùng Hạc chưởng xuất chiêu “Phất Hoa Phân Liễu”. Chỉ nghe “keng keng” hai tiếng, trường kiếm đã bị gạt đi, người sử kiếm phải thoái lui mấy bước.
Hai cây Hạc chưởng đập mạnh vào kiếm, bị gãy làm đôi, rớt văng đi bịch bịch. Hai gã thất kinh, vội vã đào thoát về hai hướng khác nhau, thân hình bay vọt đi nhanh hơn lằn chớp.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nhìn kỹ, thấy hai người vừa xuất kiếm là nhị sư huynh Hư Tiêu và tam sư huynh Hư Lôi.
Bốn người đang định băng mình truy đuổi, bỗng nghe phía sau vang lên tiếng nói :
- A di đà Phật! Họ đã đào tẩu, không cần truy đuổi nữa, sư đệ, sư muội, hãy chuẩn bị hồi tự thì hơn.
Bốn người quay lại, thấy đại sư huynh Hư Vân đứng cách họ năm trượng, hai bên có bốn vị hoàng y hòa thượng theo hầu, họ chính là các vị Hộ pháp Kim Cương của Chưởng môn phái Nga Mi.
Nên biết Vô Tướng thiền sư khi đi Lư Sơn bế quan tu luyện, có chỉ định Hư Vân hòa thượng tạm thay chức Chưởng môn, chủ trì Không Tĩnh tự, hết thảy mọi người đều răm rắp tuân theo mệnh lệnh của vị hòa thượng này.
Gần ba năm đảm nhiệm trọng trách, Hư Vân hòa thượng không hề rời khỏi bổn tự, dù có yếu sự cũng chỉ phái sư đệ đi thay. Hôm nay Hư Vân hòa thượng phá lệ xuất tự, hoàn toàn là vì lo cho Đường Chấn Anh và Tử Vi.
Đường Chấn Anh từng được Hư Vân hòa thượng truyền thụ nhiều môn võ công, được cùng ăn uống với đại sư huynh nên đôi bên có quan hệ tối thân cận. Hư Vân hòa thượng ái hộ chàng hết mực. Huống hồ, chàng lại là đệ tự ruột của Vô Tướng thiền sư, nên cành được đại sư huynh quý trọng. Còn sư muội Tử Vi thì tuy mới gặp lần đầu, đại sư huynh cũng biết nàng là đệ tử được sủng ái nhất của sư thúc Tuyệt Trần thần ni. Hai vị sư đệ và sư muội này từ ngàn dặm xa xôi tới đây, nếu gặp chuyện bất trắc, thì đại sư huynh sẽ đắc tội với nhị vị sư trưởng.
Bởi vậy, khi thấy Tử Vi và Đường Chấn Anh lao qua cửa sổ ra ngoài, Hư Vân hòa thượng vội ra lệnh cho hai sư đệ Hư Tiêu và Hư Lôi lập tức đuổi theo tiếp ứng.
Bản thân Hư Vân hòa thượng cũng chưa yên tâm, bèn đích thân dẫn bốn Kim Cương hộ pháp rượt theo tới đây.
Vừa đến, thấy hai vị tiểu sư đệ sư muội đang công kích hai kẻ lạ mặt, xuất chiêu rất có uy lực, bức đối phương phải đào tẩu. Hư Vân hòa thượng sợ họ truy đuổi lỡ có thiếu sót, bèn kêu họ dừng lại.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nghe tiếng gọi của đại sư huynh, vội chạy tới cúi mình thưa :
- Tiểu đệ, tiểu muội bất tài, để đại sư huynh phải thân chinh tiếp cứu.
Hư Vân hòa thượng tươi cười nói :
- Cách biệt ba năm, hiền đệ được ân sư sở truyền, ngu huynh phải mừng hiền đệ mới phải. Còn cây Thất Khổng thần địch của sư muội thật là đăng đường nhập ảnh, cứ y như sư thúc hồi trẻ vậy.
Nói đoạn thì bật cười ha hả, đoạn kéo tiểu sư đệ và sư muội sang một bên nói :
- Lưu ý này, ngu huynh muốn thi cước trình với nhị vị...
Lời vừa dứt, một tăng hai tiểu đã cầm tay nhau sóng vai lao đi như ba cánh chim về phía Không Tĩnh tự.
Những người còn lại đều vui vẻ thi triển khinh công thân pháp về theo.
Tới Không Tĩnh tự, vừa vào trong Vô Tướng tịnh xá, chưa kịp ngồi xuống, bỗng thấy một hòa thượng trung niên hốt hoảng chạy vào, mặt trắng bệch, quỳ xuống, thở không ra hơi, toàn thân run bần bật.
Đường Chấn Anh nhận ra đó là đại đệ tử của Hư Vân hòa thượng, pháp danh Ngộ Huyền, là kẻ đứng thứ nhất hàng chữ Ngộ của phái Nga Mi. Đường Chấn Anh cảm thấy quái lạ, không hiểu vì lý do gì mà gã lại biến thành một kẻ thảm hại như thế này?
Chàng đang suy nghĩ, thì Ngộ Huyền hai tay dâng một vật trình lên Hư Vân hòa thượng.
Hư Vân nhận lấy, cau mày, sắc diện sa sầm, quẳng vật kia xuống bàn nghe cạch một tiếng. Các vị hòa thượng nhìn vật trên bàn, thảy đều thốt lên tiếng “ối”.
Đường Chấn Anh và Tử Vi ngơ ngác, nhìn thấy đó là một chiếc ngân bài đầu hổ, đề bốn chữ “Đoạt Hồn Sách Mệnh”.
Tử Vi nhặt chiếc ngân bài lên, lật mặt sau, thấy có hai hàng chữ nhỏ:
“Diêm Vương bảo canh ba ngươi chết,
Ai dám lưu ngươi đến canh năm”.
Đường Chấn Anh và Tử Vi đọc xong cùng thấy sởn gai ốc.
Hư Vân hòa thượng nhìn Ngộ Huyền, hỏi :
- Cái vật tệ hại này, ngươi nhặt nó lúc nào?
Ngộ Huyền đáp :
- Bẩm vừa mới đây.
Hư Vân lại hỏi :
- Ở chỗ nào?
Ngộ Huyền đáp :
- Đệ tử phụng mệnh trấn giữ hậu đại điện, đột nhiên thấy chiếc ngân bài này được ném tới chân đệ tử...
Hư Vân quắc mắt ngắt lời :
- Thật là đồ vô dụng, xem ra có khi ngươi bị địch nhân đánh vào đầu cũng không hay biết.
Ngộ Huyền hổ thẹn cúi đầu.
Lúc này không khí trong Vô Tướng tịnh xá trầm lặng, im phăng phắc, rõ ràng mọi người đều bị chiếc ngân bài kim lệnh làm cho kinh sợ. Ai nấy đều căng thẳng và khẩn trương như sắp sa xuống vực sâu, như đang ở giới hạn của sự sinh tử, cảm giác nặng nề khôn tả.
Đường Chấn Anh là người đầu tiên cất tiếng phá tan không khí trầm lặng, giọng chàng sang sảng :
- Không hiểu chiếc ngân bài này có lai lịch thế nào? Tại sao lại làm cho mọi người kinh sợ? Thỉnh đại sư huynh cho tiểu đệ được biết nội tình.
Hư Vân hòa thượng thong thả quay sang phía Đường Chấn Anh, sắc diện ngưng trọng, thở dài đáp :
- Chuyện này phải kể từ đầu mới rõ. Gần ba năm nay, sau ngày Anh đệ theo sư phụ đi Lư Sơn, nhờ uy danh của sư phụ, lại được chúng sư đệ đồng tâm hiệp lực nên phái Nga Mi chúng ta vẫn bình yên vô sự, mọi việc đâu ra đó, nào ngờ tai họa bất ngờ ập xuống...
Hư Vân nói đến đây, hai bàn tay chắp lại trước ngực, mắt lim dim, trầm ngâm một lát rồi mới tiếp :
- Ấy là vào ngày mồng ba tháng trước, sau cơn mưa tầm tã, vừa xong buổi kinh sáng, bỗng sư đệ Hư Lượng tới gặp huynh và mang theo một vật...
Tử Vi cô nương đã hiểu vài phần, bèn hỏi :
- Chắc là Hư Lượng sư huynh mang đến trình một chiếc ngân bài như thế này?
Hư Vân gật đầu :
- Đúng vậy, huynh xem qua chưa rõ chiếc ngân bài ấy có dụng ý gì, chỉ bảo Hư Lượng sư đệ hãy lưu tâm phòng bị cẩn thận. Ai ngờ sáng hôm sau thì Hư Lượng sư đệ đã... ôi... đã ngộ nạn mà viên tịch.
Câu cuối cùng Hư Vân nói bằng giọng nghẹn ngào.
Tử Vi hỏi luôn :
- Đại sư huynh có kiểm tra kỹ thi thể của Hư Lượng sư huynh chứ?
Hư Vân đáp :
- Dĩ nhiên, nhưng không phát hiện được gì cả, không một vết thương, cũng chẳng phải trúng độc, không biết vì sao mà chết.
Ngừng một chút, mới kể tiếp :
- Sau đó tai họa tiếp tục giáng xuống, trong thời gian chưa quá hai mươi ngày, Không Tĩnh tự của chúng ta bị chết mất mười hai người mà toàn thuộc vào hàng chữ Hư, mà ai cũng bị sát hại giống như Hư Lượng sư đệ.
Tử Vi hỏi :
- Những người bị hại, trước khi ngộ nạn, đều nhận được loại ngân bài thế này ư?
Hư Vân đáp :
- Đúng vậy, phàm ai phát hiện ngân bài này thì trong vòng một giờ tất sẽ bị sát hại.
Đường Chấn Anh nói :
- Đã thế thì tại sao không đề phòng?
Hư Vân cười buồn bã, đáp :
- Đã dùng đủ cách, nhưng đều vô ích.
Hư Tiêu nói :
- Sư đệ và sư muội mới đến nên chưa biết, nói ra thật kinh hoàng khó tin, những người phát hiện ngân bài đều được bảo vệ bốn phía, nhưng vẫn không thoát chết.
- Ôi, có chuyện quái dị như vậy sao?
Đường Chấn Anh và Tử Vi cùng thốt lên.
Hư Vân thở dài, nói :
- Huynh thấy địch nhân xem chừng còn muốn giết hại nhiều người nữa, lại chưa có cách gì ngăn trở, hàng ngàn đệ tử của Không Tĩnh tự như cá nằm trên thớt, sinh mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào. Huynh đã lệnh cho hết thảy đệ tử phòng bị, bổn tự hóa thành một cái bẫy, từng lá cây ngọn cỏ cũng trở thành binh khí. Vạn bất đắc dĩ mới phái ngũ sư đệ Hư Không đến Lư Sơn trần tình với sư phụ, lại sợ Hư Không sư đệ đơn thân độc mã, bèn phái hai sư đệ Hư Thanh, Hư Minh đi sau tiếp ứng, nào ngờ cả ba sư đệ đều tử nạn. Ôi, đến nay số bị hại đã lên tới mười tám người. Ngộ Huyền vừa phát hiện ngân bài...
Đoạn Hư Vân đưa mắt nhìn Ngộ Huyền.
Ngộ Huyền biết mọi người lo lắng cho mình, lại nhìn sắc diện rầu rĩ của sư phụ Hư Vân, thì bèn quỳ xuống, nói :
- Kiếp nạn không thể tránh, đệ tử đã phát hiện ngân bài, ắt số mệnh đã tận, không muốn để bị địch nhân sát hại, chi bằng đệ tử tự sát cho xong, thỉnh sư phụ cùng các vị sư thúc bảo trọng quý thệ, đệ tử xin vĩnh biệt...
Nói xong vái ba lần, đoạn đứng dậy, rút từ bên đùi ra một chiết giới châm, đâm thẳng vào ngực mình.
Động tác của gã quá mau lẹ, mọi người muốn cứu cũng chẳng kịp, ngay Hư Vân cũng không ngờ đệ tử làm như vậy, bỗng một bóng người vọt tới nhanh hơn tia chớp, một tiếng “keng” khẽ vang lên, cây giới châm đã bị rớt xuống đất.
Người vừa xuất thủ chính là Đường Chấn Anh, thân pháp thật quá khinh linh.
Đường Chấn Anh nắm cổ tay Ngộ Huyền, nói với giọng sang sảng hào hùng :
- Phật tổ đã dạy: “Thân này không dễ có”. Sao đại sư điệt lại coi rẻ mạng sống như vậy? Sinh tử tùy duyên, sư điệt chớ vội lo. Từ lúc này trở đi, ta sẽ ăn cùng mâm, nằm cùng giường với sư điệt, quyết không rời xa nửa bước, để coi kẻ muốn đoạt hồn sách mệnh sẽ giở trò quái quỷ gì.
Tử Vi cô nương cũng bước lại bên cạnh, nói :
- Tiểu muội sẽ góp phần với Anh sư huynh.
Giọng nàng kiên quyết như đao chém đá.
- A di đà Phật!
Những tiếng niệm Phật hiệu liên tục vang lên trong Vô Tướng tịnh xá. Mọi người thấy hào khí của hai nam nữ thiếu niên đều vô cùng xúc động.
Nhất là Hư Vân hòa thượng. Nghe sư đệ và sư muội nói đầy khí khái, can đảm, thì thốt lên tán thưởng :
- Nga Mi phái chúng ta có được hai bậc anh hoa thế này cũng đủ hùng thị võ lâm, trừ diệt quần ma. Vừa là phúc cho phái chúng ta, vừa là hạnh cho toàn thể võ lâm.
* * * * *
Boong boong boong... chuông báo canh gióng giả cất lên. Đã sang giờ Mão, trời sắp sáng.
Bình nhật, đây chính là lúc bắt đầu tụng kinh buổi sáng, nhưng từ khi tai họa giáng xuống, Hư Vân đã lệnh cho chúng tăng ở nguyên vị trí phòng thủ mà vận khí hành công, tạm miễn nghi thức tập trung trước đại điện.
Bữa thảo trai được bưng lên, Đường Chấn Anh và Tử Vi cùng dùng điểm tâm với các vị sư huynh. Ngộ Huyền không rời Đường Chấn Anh nửa bước.
Ăn xong, Hư Vân hòa thượng lo sư đệ, sư muội mệt mỏi nên bảo họ đi nghỉ một chút, nhưng hai người bị chiếc ngân bài Đoạt Hồn Sách Mệnh kinh động, đâu còn bụng dạ nằm nghỉ. Sau khi mấy người thương lượng, do phát hiện ngân bài ở trong hậu đại điện, hai người quyết định sẽ cùng Ngộ Huyện sư điệt ngồi điều tức tại đó, chờ kẻ đoạt hồn sách mệnh mò tới.
Hào khí của Đường Chấn Anh và Tử Vi quyết khiêu chiến với kẻ ám sát, phút chốc đã lan truyền ra khắp Không Tĩnh tự, gần một ngàn đệ tử bỗng phấn chấn tinh thần, can đảm thêm bội phần. Sau gần một thoáng kinh hoàng trầm tịch, giá lạnh, lúc này không khí sống động hẳn lên.
Hậu đại điện là một tòa điện hùng vĩ nhất của Không Tĩnh tự. Trước điện có lát gạch đỏ, hai phía đông tây có bồi điện. Đằng sau là cánh rừng già và rừng trúc, một khe suối sâu bao quanh, cách biệt với ngoại giới.
Các cửa bên và cửa sổ cửa hậu đại điện đều đóng kín, chỉ để ngỏ một cửa chính cho người ra vào.
Trước bàn thờ, ở cửa chính có kê ba tấm bồ đoàn. Đường Chấn Anh và Tử Vi ngồi ở đó, nhìn ra thềm, Ngộ Huyền ngồi ngay bên cạnh.
Ba người điều tức hành công, nhưng ngầm ở tư thế cảnh giới, nếu có tiếng gió thổi lay ngọn cỏ sẽ lập tức xuất thủ.
Toàn bộ Không Tĩnh tự bước vào tình thế cực kỳ khẩn trương. Vì sự việc Ngộ Huyền, phải bố trí lại việc phòng thủ, chỉ thấy chúng tăng đi lại như con thoi, áo cà sa thấp thoáng, nhưng không phát ra tiếng nói hoặc âm thanh gì.
Quần tăng hành động chớp nhoáng, thân pháp khinh linh, ứng biến cơ động, đủ thấy võ công của phái Nga Mi thực chẳng phải hư danh.
Chưởng môn tạm thời là Hư Vân hòa thượng có bốn Kim Cương hộ pháp tháp tùng, đang đích thân kiểm tra việc bố trí phòng thủ ngoài bấc thềm của hậu đại điện.
Trên đại điện và hai bên bồi điện, mỗi nơi đều có năm người. Tại đại điện, đứng đầu là nhị sư đệ Hư Tiêu, tại đông bồi điện là do tam sư đệ Hư Lôi chỉ huy, còn ở tây bồi điện thì do tứ sư đệ Hư Chấn thống lĩnh. Tổng cộng mười lăm vị hòa thượng đều ai ở vị trí người nấy.
Bốn phía ngoài thềm có tám đệ tử thuộc hàng pháp danh chữ Ngộ cầm giới đao canh chừng.
Ngoài xa năm bước, lại có chín đệ tử hàng chữ Ngộ cầm trượng hoặc ôm đao phòng bị.
Hai vòng vây này hợp thành “Bát Quái Cửu Cung Liên Hoàn trận pháp” của phái Nga Mi, mỗi người đứng theo vị trí nhất định, theo sự bố trí chặt chẽ.
Hư Vân hòa thượng kiểm tra một lượt, thấy không có gì sơ hở thì mới ra hiệu cho mười lăm hòa thượng ở khu vực tiền điện ẩn thân. Sau đó quay ra đứng ngoài thềm phất tay, thế là mười bảy đệ tử lập tức chuyển động trận thế Bát Quái Cửu Cung.
Tiếp đó, bốn Kim Cương hộ pháp theo Hư Vân hòa thượng vòng về phía tiền điện. Tiền điện này có cửa sau. Họ mở cửa sau, cửa này đối diện với hậu đại điện. Hư Vân hòa thượng ngồi ngay xuống giữa cửa sau, bốn Hộ pháp ngồi ở hai bên.
Trong hậu đại điện có mấy chục cây nến lớn, nhưng chỉ được thắp khi có đại sự, bình nhật thì không đốt để khỏi tốn kém. Vì thế, trong điện tối mờ mờ, nhất là đêm nay trăng bị mây dày che phủ, nên càng tối hơn, trông vào điện thấy ghê ghê.
Chỉ có ở hành lang thắp mấy cây đèn gió chiếu sáng ra ngoài bậc thềm.
Mới đầu giờ Mão, trời vẫn còn là đêm tối.
Nga Mi Kim Đỉnh sát cơ trùng trùng.
Tăng lữ trong Không Tĩnh tự thảy đều kh
Thì ra đó là một con cá chép lớn, dài khoảng năm thước, đang nằm đập đuôi bình bịch xuống ván thuyền. Chiếc đũa tre cắm sâu một nửa vào lưng nó.
Người ta bảo “ra đường thấy lắm chuyện lạ”. Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi thuộc hàng đệ tử thông minh, vừa nhìn đã biết quái lão vừa sử dụng hai thủ pháp. Khi phóng chiếc đũa xuống nước là thủ pháp “Kim Châm Xuyên Lãng Thâm Hải”, sau đó là thủ pháp “Hấp Môn Tiếp Dẫn”. Cả hai thủ pháp ấy đều là tuyệt học của võ lâm, nhất là thủ pháp “Hấp Môn Tiếp Dẫn” sớm đã thất truyền, chỉ nghe truyền thuyết kể lại. Nay hai người vừa chính mắt chứng kiến người sử dụng, thật là cơ duyên hiếm thấy.
Căn cứ vào thân thủ của quái lão mà đoán, người này hẳn phải là đệ nhất kiếm thủ.
Đôi nam nữ thiếu niên thông tuệ vội vàng cúi mình mà vái, chỉ nghe quái lão nói nhỏ nhẹ :
- Lão phu xưa nay không muốn chiếm tiện nghi của người khác. Lão phu ăn hết phần tiệc còn lại của các ngươi, nay lấy cá để trả, vậy là sòng phẳng.
Đôi bạn trẻ ngẩng đầu lên thì đã không thấy bóng dáng quái lão đâu nữa. Nhìn tứ phía, chỉ còn gió đêm hiu hiu, sóng nước dập dềnh. Quái lão đến vô ảnh, đi vô hình, chuyện vừa xảy ra tưởng một giấc mơ.
Hai người cứ đứng ngây ra hồi lâu, nhớ lại cuộc giao thủ vừa rồi bằng đũa, quả ích lợi không ít.
Tử Vi nói :
- Vừa rồi quái lão điểm trúng vào đầu vai của muội chính là dùng tuyệt chiêu thứ tám “Linh Dương Chương Giác”, một chiêu khó luyện nhất. Muội đã học được ở quái lão cách vận dụng rồi.
Đường Chấn Anh nói :
- Huynh bị quái lão điểm trúng bên sườn lại không phải tuyệt chiêu của “Bàn Cổ Khai Thiên luân pháp”, mà là chiêu “Luân Hành Trung Chuyển”. Quái lão sử dụng quá ư xảo diệu.
Tử Vi nói :
- Quái lão không có ý động thủ với chúng ta, mà dường như chỉ định khảo nghiệm một chút thôi.
Đường Chấn Anh gật đầu, tiếp :
- Huynh cũng có cảm giác như vậy. Nếu không, chỉ e hai ta đã bị đả thương rồi.
Hai người đàm luận một hồi rồi nhìn trời sao, thấy đã sang giờ Dần, mới chui vào trong khoang. Qua một đêm đầy hứng khởi, họ vừa nằm xuống thì đã ngủ một giấc say sưa. Tỉnh dậy thì đã quá giờ Ngọ ngày hôm sau. Rửa mặt xong, họ bước ra ngoài khoang.
Đám thủy thủ đang bàn luận rôm rả về chuyện con cá chép khổng lồ. Hai người chỉ nhìn nhau mỉm cười, nghĩ rằng cuộc giao đấu bằng đũa đêm qua nhà thuyền không hề hay biết.
Chủ thuyền vừa thấy hai người bước ra, vội bước tới cúi mình nói :
- Chúc công tử và cô nương an khang.
Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi sống lâu trên núi, không quen với nghi thức thế tục, thấy vậy vội đáp lễ.
Chủ thuyền thấy hai vị khách khiêm nhường như vậy thì càng kính mến, mới nói :
- Đêm qua chắc nhị vị đi nghỉ quá muộn, tiểu nhân thấy trà rượu hết cả. Con cá chép lớn này nhị vị bắt được, thật quá tài tình. Không rõ nhị vị muốn ăn món gì, để tiểu nhân còn chuẩn bị.
Đường Chấn Anh gật đầu đáp :
- Tại hạ muốn đổi con cá này với các vị lấy một hồ rượu.
Chủ thuyền và đám thủy thủ vui vẻ cảm tạ, rồi họ dốc sức chèo gấp. Thuyền trôi mau lẹ, hai bên bờ có nhiều núi non, cảnh vật trầm tịch. Chiều hôm sau thuyền đã tới địa phận Tứ Xuyên.
Từ đây đến Nga Mi sơn có thể đi bằng đường thủy, nhưng phải vòng vèo khá xa. Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi nghĩ đến sự an nguy của Kim Đỉnh bổn viện, bèn bỏ thuyền đi đường bộ cho nhanh. Họ mua hai con ngựa, rồi nhắm Nga Mi Kim Đỉnh mà đi suốt ngày đêm.
Trời thu xanh ngắt, gió thu hiu hắt, ngựa phi nước đai đến chiều tối ngày hôm sau thì họ đã tới bên ngoài huyện thành gần dãy Nga Mi sơn.
Họ dừng ngựa trên con đường lớn. Đường Chấn Anh ngẩng nhìn trời, thấy mặt trời đã lặn, bèn hỏi Tử Vi :
- Vi muội mệt rồi thì phải? Đêm nay chúng ta có nên nghỉ lại trong huyện thành chăng?
Tử Vi hỏi :
- Từ đây đến Kim Đỉnh bổn viện còn bao xa?
Đường Chấn Anh đáp :
- Ở phía Tây nam thành, từ đây tới đó khoảng sáu bảy chục dặm.
Tử Vi nhìn về phía Tây nam, quả thấy núi non trùng trùng điệp điệp, con đường lớn này chạy về chính hướng đó, bèn nói :
- Sáu bảy chục dặm có gì là xa, hà tất phải nghỉ lại trong huyện thành.
- Không nghỉ lại cũng được, nhưng phải tìm một phạn điếm mà ăn uống chút đã. Huống hồ lên tới Kim Đỉnh đòi hỏi nhiều sức lực. Dầu sao đêm nay chúng ta cũng tới đó thôi.
Tử Vi nghĩ một chút, nói :
- Vào phạn điếm ăn uống cũng mất thời giờ, và lại muội chưa thấy đói lắm. Huynh hãy đi mua vài cái bánh bao, ta vừa đi vừa ăn cũng được.
Đường Chấn Anh nhất nhất chiều theo nàng, thấy nàng không muốn vào huyện thành, chàng cũng không nài ép, bèn đáp :
- Vậy để huynh đi mua bánh. Muội cứ ở đây chờ huynh.
Đoạn thúc ngựa chạy vào trong huyện thành mờ mờ sương khói.
Ngay ở cửa thành đã có một phạn điếm, chàng ghé vào mua bánh bao rồi trở lại ngay. Cả đi lẩn về chỉ một lát, nhưng đã không thấy Tử Vi ở chỗ cũ nữa.
Tưởng nàng chỉ đi quanh quẩn đâu đấy một chút, nào ngờ mãi vẫn chẳng thấy nàng đâu. Đường Chấn Anh mới biết là đã có chuyện nghiêm trọng. Chàng vội ngó nghiêng tứ phía, bỗng thấy trên một cây lớn ở ven đường có ba điểm sáng màu lam chao động như ma trơi. Trong cảnh nhập nhoạng tối, cảnh tượng này giữa cánh rừng âm u thật khiến người ta sởn gai ốc.
Đường Chấn Anh giục ngựa lại gần để nhìn cho rõ, thì ra đó là ba bông hoa mai màu lam to bằng hạt đậu xanh. Chàng nghĩ đây hẳn là thứ ám khí có độc, bèn đeo bao tay vào rồi mới gỡ ba bông mai quái dị xuống.
Rút bông mai ra, trên cành còn lưu lại một lỗ hổng nhỏ bằng lỗ chân kim, ba tia nước màu đen nhỏ xíu phụt ra, may mà Đường Chấn Anh né tránh nhanh như cắt. Quả nhiên đó là chất độc.
Chàng xem kỹ mặt sau bông mai, thấy có một cái châm dài khoảng một tấc, rất cứng và tinh xảo. Không rõ người sử dụng loại ám khí này thuộc môn phái nào?
Chàng chưa có thời giờ suy nghĩ, bèn cẩn thận gói ba bông mai lại, cất vào túi đồ. Bỗng dưng mất tích Tử Vi, chẳng hiểu việc ấy có liên quan gì tới ba bông mai này chăng? Chàng đoán rằng nhất định nàng đã phát hiện có kẻ khả nghi nên mới đuổi theo, vì vội vã mà không thể đợi chàng.
Con đường này về đêm quá vắng bóng người đi lại. Không thấy hai bên đường có động tĩnh gì, chàng bèn phóng ngựa giữa đường lớn mà tiến về phía trước.
Chàng lo cho sự an nguy của Tử Vi, cứ ra roi liên tiếp. Con ngựa phóng như bay, chân tựa hồ không chạm đất. Không bao lâu đã tới Nga Mi sơn khẩu.
Đường lớn tới đây vừa vặn có ngã ba. Đường Chấn Anh đang do dự, không biết có nên truy đuổi tiếp theo đường lớn, hay rẽ lên phía Kim Đỉnh bổn viện. Bỗng thấy trên đỉnh có ba ngọn hỏa tiễn bay vọt lên trời. Đó chính là tín hiệu khẩn cấp của phái Nga Mi.
Chàng giật mình, không suy nghĩ gì nữa, vội quay ngựa, bỏ đường lớn, phóng về phía sơn khẩu.
Điều kỳ quái là từ lúc phi ngựa như bay vào đây, chàng không hề gặp một ai canh phòng, trái hẳn lẽ thường, khiến chàng hết sức lo lắng.
Đến lưng chừng núi, sơn thế dốc đứng, từ đây lên Kim Đỉnh khó bề cưỡi ngựa, Đường Chấn Anh bèn xuống ngựa và dắt ngựa quẹo sang mé tả mà đi. Một lát sau tới cánh rừng dày, ở đây có mấy gian tịnh xá do phái Nga Mi thiết kế, rất tao nhã và tiện lợi, dùng làm nơi dừng ngựa cho thiện nam tín nữ lên thắp hương trên chùa hoặc làm nơi nghỉ chân cho du khách muốn tìm thăm thắng cảnh. Phái Nga Mi luôn phái người trông nom và tiếp khách ở đây.
Đường Chấn Anh dắt ngựa vào khu vực tịnh xá. Cảnh tượng vắng lặng rợn người. Không một ánh đèn, tịnh xá tối om. Chàng bèn buộc ngựa bên ngoài, bước nhanh vào trong tịnh thất, châm bùi nhùi lên, thấy bên trong trần thiết vẫn như cũ, nhưng không có một ai. Bàn ghế phủ một lớp bụi dày, rõ ràng từ lâu không người lai vãng.
Cảnh tượng này chứng tỏ Nga Mi phái đã xảy ra biến cố chưa từng có. Đường Chấn Anh nhớ rằng mười mấy năm nay ở phái Nga Mi không hề thấy hiện tượng như thế này.
Chàng không dám dừng lâu, vội búng mình vọt ra ngoài, bỗng nghe tiếng kim khí va chạm nhau dồn dập từ phía triền núi vọng xuống.
Chàng vội dùng thân pháp khinh công vọt lên. Được vài chục trượng thì thấy có mấy bóng đen đang giao chiến ác liệt với nhau.
Chỉ nghe một thanh âm thiếu nữ luôn miệng nói :
- Các vị nhận lầm người rồi, chúng ta là đồng môn đồng phái với nhau.
Lời của thiếu nữ vừa dứt, đã bị tiếng niệm Phật hiệu cắt ngang :
- Cô nương chớ huyên thuyên mà đánh lừa bần tăng. Nga Mi phái ở đây không có cô nương nào hết.
- Hãy tiếp chiêu kiếm này.
Keng, keng... lại một chập binh khí va chạm vào nhau. Binh khí của mấy vị hòa thượng đề bị văng đi cả.
Đường Chấn Anh đã nhận ra thanh âm của thiếu nữ chính là Tử Vi, thì vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội cao giọng nói :
- Vi muội, toàn là người nhà cả, đừng giận họ. Tại hạ là Đường Chấn Anh đây.
Lời chưa dứt, chàng đã bay vọt lên chỗ họ.
Mười mấy vị hòa thượng nhất tề lùi lại, miệng niệm Phật hiệu, hạ binh khí, chấp tay trước ngực nói :
- Thì ra là sư thúc trở về, chúng đệ tử không biết để nghênh tiếp, xin nhận lễ ở đây.
Đoạn cả nhóm định quỳ xuống.
Đường Chấn Anh vội ngăn lại :
- Nga Mi phái chúng ta đang lâm cảnh nguy khốn, miễn lễ.
Đoạn nhìn Tử Vi mỉm cười hỏi :
- Sao Vi muội lại bỏ đi một mình thế? Để huynh lo quá.
Rồi chàng quay sang nói với các vị hòa thượng :
- Làm sao người mình lại đánh lẫn nhau như vậy? Nàng là đệ tử của nhị sư tổ Tuyệt Trần thần ni đó.
Đám hòa thượng chợt hiểu ra, nói :
- Thì ra nữ thí chủ là sư thúc của chúng đệ tử, hèn chi sư thúc quá am tường Nga Mi trấn sơn kiếm pháp. Mười mấy người chúng đệ tử liên thủ mà không địch nổi sư thúc. Xin sư thúc nhận một vái mà lượng thứ cho hành động lỗ mãng của chúng điệt nhi.
Tử Vi đỏ mặt, nàng vốn là một thiếu nữ, nay mười mấy vị hòa thượng cứ một điều kêu nàng bằng sư thúc, hai điều sư thúc, lại còn cúi mình để vái lạy, thì bèn kéo tay áo Đường Chấn Anh rồi hai người vội ngăn đám hòa thượng lại, không cho làm như vậy.
Bỗng một tiếng niệm Phật hiệu vọng lại, tiếp đến là có tiếng người gằn giọng :
- Kẻ nào liên tiếp sát hại người của bổn phái? Lần này bắt được hắn rồi phải không?
Giọng nói như tiếng chuông, chứng tỏ công lực nội gia thâm hậu.
Đường Chấn Anh nghe giọng, nhận ra nhị sư huynh Hư Tiêu, bèn ngẩng lên gọi :
- Nhị sư huynh, tiểu đệ Đường Chấn Anh tới đây mà.
Lời chàng chưa dứt, một bóng đen đã vọt tới, đáp xuống trước mặt chàng. Đám hòa thượng luôn miệng kêu sư phụ, sư thúc, rồi kính cẩn vái lạy.
Đường Chấn Anh và Tử Vi quỳ xuống thi lễ. Hư Tiêu bước tới ngăn Đường Chấn Anh, rồi nhìn Tử Vi chăm chú và hỏi :
- Vị này...
Đường Chấn Anh đáp :
- Là Tử Vi sư muội, đệ tử của nhị sư thúc.
Nên biết Tuyệt Trần thần ni sau khi nhận nuôi Tử Vi, đã hai chục năm nay chưa hề đến Kim Đỉnh tự của phái Nga Mi, nên quần tăng chưa biết mặt. Nay Hư Tiêu hòa thượng nghe bảo Tử Vi là sư muội, thì bất giác vuốt chòm râu bạc, vui vẻ nói :
- Không ngờ bần tăng đã ngoài năm mươi tuổi mà còn có một vị sư muội thanh tú thoát tục như thế này. Quả là hy hữu, hy hữu.
Đoạn hỏi thăm sư phụ Vô Tướng thiền sư. Đường Chấn Anh đáp rằng sư phụ chưa hết thời hạn bế quan, nên tạm phái hai người đến đây nắm bắt tình hình trước đã.
Hư Tiêu hòa thượng nói :
- Hỏng rồi! Hỏng rồi! Chẳng lẽ ba vị sư huynh của hiền đệ mang thư đến cho sư phụ mà sư phụ chưa gặp hay sao?
Đường Chấn Anh thở dài đáp :
- Ba vị sư huynh đều đã tới Lư Sơn, nhưng chưa gặp sư phụ thì đã ngộ nạn. Khi tiểu đệ và sư muội phát hiện thi thể thì mật thư đã bị lấy mất.
Hư Tiêu chưa nghe Đường Chấn Anh nói hết thì sắc mặt đã tái đi, người run run, vội hỏi :
- Trên thi thể có đặc điểm gì không?
Đướng Chấn Anh đáp :
- Không thấy thương tích, trên mặt có đánh số bằng mực son.
Hư Tiêu hỏi luôn :
- Số bao nhiêu?
Đường Chấn Anh đáp :
- Mười ba, mười bốn, và mười lăm.
Nghe đến đó, nước mắt của Hư Tiêu đã chảy ròng ròng trên mặt, giọng ông đầy xúc động :
- Đức Phật từ bi, thiện tai, thiện tai. Quả nhiên không ngoài dự liệu của mọi người ở đây.
Đường Chấn Anh bèn hỏi :
- Thỉnh vấn nhị sư huynh, chẳng lẽ ở đây có sự biến?
Hư Tiêu nấc lên một tiếng thê thảm, lệ tuôn lã chã :
- Ở đây không tiện nói, sư đệ và sư muội hãy theo ta.
Chỉ thấy tay áo cà sa của Hư Tiêu vẫy vẫy như hai cánh hạc, thân hình bay nhanh lên phía đỉnh núi. Đôi nam nữ thiếu niên vội nhún mình đẩy chân lao theo. Đám hòa thượng thấy Tử Vi cô nương có thân pháp khinh linh mỹ diệu không thua gì Hư Tiêu và Đường Chấn Anh, thì đều tấm tắc tán thưởng :
- Vị nữ sư thúc này tuy ít tuổi nhưng công phu thâm hậu, hèn chi chúng ta không địch nổi.
Đoạn họ cũng nhất tề thi triển phép khinh công mà theo lên.
Chừng nửa giờ sau, họ đã tới Kim Đỉnh.
Nga Mi Kim Đỉnh cao chót vót, quanh năm mây mù che phủ. Tử Vi mới đến đây lần đầu, lại vào ban đêm, nhưng cũng thấy đây là một kỳ quan. Mây trắng lớp lớp bay qua, gió núi thổi từng chập, khiến mây trời tụ tán thất thường, khi dày khi mỏng, lúc nhanh lúc chậm, trăng sao lúc ẩn lúc hiện, khi bị mây nuốt chửng, lúc được mây nhả ra, ngẩng mặt chạm đỉnh trời, giơ tay chạm tinh tú. Thật vô cùng kỳ thú.
Đường Chấn Anh thấy Tử Vi mãi ngắm cảnh sắc, bèn kéo tay áo nàng, nói :
- Vi muội, làm gì có thời gian ngắm cảnh, chúng ta mau vào trong bái kiến đại sư huynh.
Tử Vi gật đầu, sánh bước cùng Đường Chấn Anh đi nhanh hơn, thoáng chốc đã thấy sừng sững Không Tĩnh tự uy chấn võ lâm, nức tiếng xa gần.
Đường Tử Vi không kịp nhìn kỹ đã bị Đường Chấn Anh kéo áo bước qua sơn môn.
Trong ngoài sơn môn đều có các vị hòa thượng canh giữ, người nào người nấy tay lăm lăm binh khí, sắc diện ngưng trọng dị thường, như thể sắp lâm trận, thoáng hiện vẻ kinh hoàng. Họ cúi mình chào hỏi Đường Chấn Anh, thì ra toàn là hàng đệ tử.
Bỗng nghe một tiếng niệm Phật hiệu, rồi tiếp theo là một giọng nói vang lên :
- Xa nhau ba năm, hôm nay sư đệ trở về, ngu huynh rất mừng. Nhị vị lão nhân gia sư phụ và sư thúc vẫn mạnh giỏi chứ?
Đường Chấn Anh ngẩng nhìn, nhật ra tứ sư huynh Hư Chấn, chưa kịp đáp thì Hư Chấn đã chỉ Tử Vi hỏi :
- Vị này là sư muội phải không?
Đường Tử Vi cúi mình đáp :
- Tiểu muội Đường Tử Vi, khấu đầu ra mắt sư huynh.
Đoạn cùng Đường Chấn Anh song song quỳ xuống.
Hư Chấn hòa thượng vội bước tới đỡ họ dậy, nói :
- Sư muội mới gặp lần đầu, chưa biết tính xấu của ngu huynh. Anh sư đệ nên nhớ ngu huynh rất ngại tục lễ. Từ nay nếu các vị còn giữ lễ thế này thì ngu huynh sẽ không khách khí với các vị nữa đâu.
Thật là một vị hòa thượng hào phóng.
Hư Chấn dẫn hai người vào bên trong một quãng, nói :
- Ngu huynh phụng mệnh trấn thủ sơn môn, không dám rời khỏi nửa bước, chúng ta sẽ nói chuyện sau vậy.
Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi đã biết tính của tứ sư huynh, cũng không đáp thoại, liền bước lên bậc thềm, xuyên qua đại điện mà đi vào phía trong. Tử Vi nói nhỏ với Đường Chấn Anh :
- Khu vực này canh phòng nghiêm mật, tới mấy trăm người, sao còn phải để tứ sư huynh đích thân trấn giữ sơn môn?
Đường Chấn Anh đáp :
- Xem ra đã có biến cố đáng sợ xảy ra.
Hai người để ý thấy trong nội tự toàn bộ tăng lữ người người đều ở vào vị trí của mình, binh khí lăm lăm, việc bố trí phòng thủ đâu ra đấy, cực kỳ nghiêm ngặt.
Tòa Không Tĩnh tự rộng mênh mông lúc này không một ánh đèn, ngay ở các thông đạo cũng tối mờ mờ. Mấy trăm vị tăng lữ tuy đều sẵn sàng hành động, nhưng khung cảnh hoàn toàn trầm tịch vô thanh.
Hết thảy những người mà Đường Chấn Anh gặp ngày trước thường rất vui vẻ cười nói với chàng, đêm nay thấy chàng tới chỉ lặng lẽ giơ tay biểu ý, rất ít ai lên tiếng.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nhìn quang cảnh này mà rùng mình. Đường Chấn Anh nghĩ thầm: “Còn đâu Không Tĩnh tự uy chấn võ lâm, còn đâu danh sơn thắng cảnh? Một Kim Đỉnh lừng lẫy nay có khác gì cái hang chuột?”.
Chàng đau đớn nhớ lại uy phong năm xưa của phái Nga Mi.
Tử Vi thấy Không Tĩnh tự quả là một công trình kiến trúc đồ sộ phi phàm. Đại điện dài rộng mênh mông. Nàng theo Đường Chấn Anh đi hồi lâu mới đến tự viện, xung quanh tre trúc mọc đầy, tiếp đến một hàng tùng bách. Tự viện có năm gian quây thành vòng tròn, cao thấp khác nhau đến mấy tầng, cửa sổ thông ra tứ phía, toàn do thợ khéo chạm trổ tinh vi. Trên cửa treo một tấm biển viết bốn chữ đại tự thếp vàng “Vô Tướng Tịnh Xá”. Đây chính là nơi Vô Tướng thiền sư bao năm tu luyện.
Hai người vừa bước vào trong Vô Tướng tịnh xá thì có tiếng niệm Phật hiệu vang lên sang sảng, rồi hàng loạt tiếng bước chân, bảy vị cao tăng đã dàn thành hàng ngang đứng ở thềm đá chờ sẵn.
Tử Vi liếc qua một lượt, thấy cả bảy vị cao tăng đều đã ngoài ngũ tuần, chỉ có một vị để râu chính là Hư Tiêu sư huynh. Vị cao tăng đứng giữa cao lớn, tướng mạo trang nghiêm, mặc áo cà sa màu hồn không giống sáu vị còn lại, nàng đoán chắc hẳn đó là đại sư huynh.
Đường Chấn Anh đưa mắt cho Tử Vi, thế là hai người cùng quỳ xuống nói :
- Sư đệ Đường Chấn Anh, sư muội Đường Tử Vi khấu đầu trước đại sư huynh và các vị sư huynh.
Vị mắc áo cà sa màu hồng là Hư Vân hòa thượng, nói :
- Sư đệ, sư muội, miễn lễ, hãy mau đứng dậy vào trong tự thất.
Đoạn cùng sáu vị kia quay mình bước vào trước.
Hai người đứng dậy bước lên thềm đá, vén mành trúc bước vào, vừa ngẩng nhìn, chợt cùng kêu lên kinh hoàng, và chạy bổ tới một chiếc giường tre cực lớn.
Trên giường đặt ba thi thể, trên mặt có đánh dấu son số mười sáu, mười bảy, mười tám. Bút tích giống hệt như trên mặt ba vị sư huynh bị giết ở Lư Sơn, hiển nhiên là do cùng một hung thủ.
Đường Chấn Anh vội quay sang sư huynh Hư Vân hỏi :
- Ba vị sư điệt này không biết bị sát hại khi nào?
Hư Vân buồn bã đáp :
- Cách đây chưa lâu.
Đường Chấn Anh kinh ngạc :
- Tiểu đệ và sư muội phụng mệnh về đây, đi mải miết suốt ngày đêm, không ngờ tên sát nhân ấy lại có thể đến trước thế này.
Tử Vi tiếp lời :
- Đại sư huynh, khi tiểu muội sắp vào núi, đã truy đuổi theo một bóng đen.
Hư Vân kinh ngạc vội hỏi :
- Sư muội có nhìn rõ bóng đen ấy là kẻ như thế nào hay không?
Tử Vi đáp :
- Tiểu muội đang đứng ở cửa nam tại Nga Mi huyện thành, trên đường lớn để chờ Chấn Anh sư huynh đi mua bánh. Lúc ấy trời vừa sập tối, bỗng thấy từ phía sau có một bóng đen phóng tới cực nhanh. Tiểu muội không lưu tâm, bóng đen kia chẳng nói một lời, phóng liền ba đạo lam quang về phía tiểu muội. Muội chưa biết là thứ ám khí gì nên không dám tiếp, phải vội né tránh. Thừa dịp đó, bóng đen kia đã chạy đi mấy trượng, tiểu muội liền phóng ngựa đuổi theo, đến tận sơn khẩu vẫn không kịp, bèn xuống ngựa và dùng phép khinh công. Nhưng đến lưng chừng núi thì bất ngờ bị mười mấy vị sư điệt ngộ nhận tiểu muội là địch nhân, cho nên bóng đen kia đã chạy thoát. Song, tiểu muội nhìn đằng sau lưng thì biết hắn là nam nhân.
Hư Vân trầm ngâm nói :
- Thế thì không phải rồi, sau khi người của bổn phái bị sát hại, những ngày qua tìm kiếm ở vùng phụ cận, chúng ta chỉ phát hiện vết tích của nữ nhân, mà nay bóng đen kia lại là nam nhân. Trong lúc sư muội đang truy đuổi bóng đen, ba vị sư điệt lại bị giết chết, do đó, có thể đoán rằng bọn chúng khủng bố phái ta hoàn toàn không chỉ có một tên.
Đường Chấn Anh rút ba bông mai ra đưa cho đại sư huynh coi.
Hư Vân nhìn thấy bông mai, thấy chúng được chế tác hết sức tinh xảo, ánh lam quang lóng lánh, biết ngay là thứ ám khí đặc biệt, kẻ sử dụng hoàn toàn không thuộc hạng tầm thường. Hư Vân nhìn Đường Chấn Anh dò hỏi, chàng hiểu ý, liền đem việc phát hiện mấy bông mai kể lại.
Tử Vi bước lại gần quan sát, rồi nói :
- Nhất định đây là thứ ám khí mà bóng đen nọ đã phóng vào tiểu muội...
Lời còn chưa dứt, bỗng nàng ngừng bặt, quát lên một tiếng, đoạn quay người, phách không một chưởng thật mạnh về phía cửa sổ, song cửa gãy vụn văng đi. Tử Vi búng mình vọt qua cửa sổ ra ngoài, động tác xuất thủ cực kỳ thần tốc, mọi người đều thầm khen ngợi.
Đường Chấn Anh lập tức búng người ra khỏi tự thất, chân chưa chạm đất đã dùng thức Vân Lý Phiêu Thân vọt lên mái hiên, sau đó nhún chân vượt qua hai dãy đại điện, để ý tìm Tử Vi, nhưng không thấy bóng nàng đâu.
Lại nói Tử Vi cô nương vọt ra ngoài xong, thấy một bóng người chếch lên phía đại điện, nàng liền đề khí, thân hình khinh linh lao đuổi theo.
Nàng đặt chân lên mái điện, thì bóng đen kia đã lao xuống phía sau điện. Nàng bèn vọt lên cao hơn hai trượng, thấy hắn đã chạy sang một gian khác.
Kẻ kia chưa kịp đứng vững trên mái hiên đó, bỗng có hai hòa thượng xuất hiện từ phía sau. Chíu chíu... hai hòa thượng vung tay phóng liền sáu viên thiết đảm, nhắm tới thượng, trung, và hạ bàn của hắn.
Hắn không hồ đồ né tránh, mà khoát tay quét một nửa vòng tròn, cạch cạch cạch, cả sáu viên thiết đảm đều văng đi, tiếp đó, hắn sấn người tới, vung hai tay công kích hai hòa thượng.
Hai hòa thượng thấy hắn hung hăng xông tới thì không dám kinh suất, bèn triển khai Nga Mi chưởng pháp, một người sử chiêu “La Hán Cử Đỉnh”, người kia sử chiêu “Kim Ấn Phục Ma” nghênh tiếp đòn thế của hắn.
Hắn tựa hồ không ham chiến, hai hòa thượng vừa xuất chiêu, hắn liền xoay người lao chếch đi. Tử Vi cô nương vừa vặn đuổi tới, cây Thất Khổng thần địch đã thủ sẵn trong tay, cổ tay nàng xoay nhẹ, cây Thần địch phóng ra chiêu “Thái Công Điếu Kim”.
Kẻ kia tuy mặt hướng về phía trước, nhưng tai nghe thấy tiếng gió sau lưng, biết có đòn công kích, hắn đang ở thế lao đi, bèn rùn người xuống, một chân làm trụ, xoay ngang người lại, chân kia tung lên một cước. Động tác đặc biệt xảo diệu.
Cây Thần địch của Tử Vi bị lạc vào khoảng không. Nàng chẳng ngờ đối phương lại khôn khéo dùng chiêu “Ngọa Ngưu Thân Thoái”, nàng đang ở thế lao nhanh, muốn dừng lại cũng không kịp, mắt thấy bụng dưới của mình sắp bị dính đòn cước của đối phương, nhưng lâm nguy không hoảng loạn, nàng lập tức đẩy mạnh mũi chân xuống mái điện, hai vai ưỡn rộng, bay vọt theo thế nằm ngang qua đầu tên kia. Thật là hú vía.
Hai hòa thượng toát mồ hôi lo cho nàng, miệng kêu :
- A di đà Phật!
Ngay kẻ kia cũng phải thốt lên :
- Khá khen!
Đoạn hắn bật dậy, thân hình lắc lư, dùng chiêu “Bát Bộ Đăng Không” chạy vọt ra khỏi tự.
Phàm những chỗ hắn lao qua, các tăng lữ đều xuất thủ ngăn lại, nhưng thảy đều vô hiệu.
Tử Vi thi triển thuật khinh công, quyết bám theo hắn, không chịu buông tha.
Hai người, một trước một sau ra khỏi Không Tĩnh tự, tai nghe khắp nơi trên Nga Mi Kim Đỉnh nhốn nháo cả lên. Hai như hai cánh chim đêm, bay xuyên qua mây.
Cước bộ của Tử Vi và kẻ kia tương đương nhau, khó phân hơn kém. Kẻ kia muốn bứt khỏi sự truy đuổi của Tử Vi không dễ, nhưng Tử Vi muốn đuổi kịp hắn cũng khó lòng.
Nàng nghĩ thầm: “Người trong võ lâm rất ngại nghe mạ lỵ, tại sao mình không chửi bới hắn vài câu, khích cho hắn đứng lại?”
Nghĩ vậy, nàng bèn cất tiếng :
- Lén lén lút lút còn gì là kẻ anh hùng? Ngươi có giỏi thì đứng lại đấu với lão bà bà trăm hiệp.
Kẻ kia đại khái cũng biết nếu chỉ dựa vào cước trình thì khó bề thoát khỏi sự truy đuổi, bèn vọt chéo sang một bên rồi đứng lại. Nhưng không chịu quay mặt về phía Tử Vi cô nương.
Tử Vi dừng chân cách kẻ kia một trượng, dùng Thất Khổng thần địch hộ thân, rồi mới quan sát kẻ kia. Thân hình hắn vào loại trung bình, y phục màu đen, trên lưng đeo hai thứ binh khí cổ quái, một là Kim mai, một là Hạc chưởng, dài chừng hai thước, bắt chéo trên lưng.
Tử Vi bất giác giật mình, nhớ lúc rời Lư Sơn, sư bá từng căn dặn “phàm những người nào mang loại binh khí Kim Mai Hạc Chưởng, thì cố gắng né tránh, vạn bất đắc dĩ mới được liều mạng giao đấu...”.
Nàng còn đang do dự, thì người kia đã cất giọng bực bội :
- Ngươi muốn ta đứng lại, thì ta đã đứng lại rồi. Tại sao còn chưa xuất thủ?
Thanh âm của hắn rất khó nghe.
Tử Vi đáp :
- Ngay cả lễ giáo tối thiểu mà ngươi cũng không hiểu, tại sao quay lưng lại mà đối thoại với người khác? Hãy mau quay mặt lại coi.
Kẻ kia cười nhạt nói :
- Muốn đánh thì cứ đánh, hà tất phải nhiều lời. Ta chỉ đối diện với bậc cao thủ, còn hạng nha đầu ti tiện như ngươi, ta không thèm ngó cho bẩn mắt.
Ngôn từ thật cuồng ngạo, bức người.
Từ nhỏ đến giờ, Tử Vi cô nương chưa hề bị ai kêu là con nha đầu ti tiện, bèn nổi giận quát :
- Ngươi cuồng ngạo không dám quay mặt lại, có phải phụ mẫu ngươi sinh ra ngươi không có mặt mũi hay chăng?
Câu này mạt sát quá nặng, đến ngợm còn chẳng chịu nổi nữa là một người có sỉ diện. Kẻ kia lập tức quay ngược lại thét to :
- Thì ta ngoảnh mặt đây, ngươi muốn gì?
Tử Vi thấy kẻ kia đầu bịt vải đen sụp xuống che kín trán, cặp mắt sáng đảo qua đảo lại, bộ râu quai nón màu vàng rậm rì, rối bung như một đám cỏ. Nàng hỏi :
- Ở bên ngoài Nga Mi huyện thành, có phải ngươi đã dùng ám khí đánh lén bổn cô nương?
Hắn ngạo mạn đáp :
- Không sai, là ta đó!
Tử Vi gằn giọng :
- Bổn cô nương và ngươi không hề quen biết, vì sao ngươi lại lén hạ độc thủ?
- Ta thích thì làm như thế!
- Ngươi là ai?
- Không cho ngươi biết.
- Vì cớ gì ban đêm ngươi lại lén lút đến Không Tĩnh tự?
- Ta thích thế, ngươi làm gì nổi ta?
- Đệ tử của bổn phái bị sát hại, có phải bởi tay ngươi?
Kẻ kia quát lớn :
- Ai hơi đâu mà đàm thoại với hạng nha đầu nhà ngươi, hãy tiếp chiêu.
Đoạn xông tới, hai tay dùng chiêu “Hoàng Long Thám Qua” chụp xuống đầu Tử Vi.
Kẻ kia lời lẽ xấc xược, hiềm nỗi Tử Vi nhớ lời dặn của sư bá, phải né tránh kẻ mang binh khí Kim Mai Hạc Chưởng. Nay thấy hắn đã xông tới xuất chiêu, đã định sử dụng Thất Khổng thần địch, nhưng thấy hắn chưa dùng binh khí, vội nhảy xéo sang hai bước nói :
- Ngươi dùng tay không, bổn cô nương chẳng muốn chiếm tiện nghi làm gì. Hãy mau rút Kim Mai Hạc Chưởng ra đi.
Kẻ kia chột dạ, buột miệng hỏi :
- Tại sao ngươi biết danh xưng binh khí của ta?
Tử Vi biết đã gọi đúng, bèn cười khảy đáp :
- Thứ binh khí tầm thường ấy có gì lạ mà bổn cô nương chẳng nhận ra?
Kẻ kia bất giác nhìn kỹ cây Thần địch trong tay nàng, như chợt hiểu, vội hỏi :
- Nha đầu ti tiện, có phải ngươi đang cầm Thất Khổng thần địch?
Tử Vi ngạc nhiên, hóa ra hắn đã nhận biết bảo vật của võ lâm, bèn gật đầu :
- Xem chừng ngươi không đến nỗi ngốc.
Kẻ kia hỏi luôn :
- Tuyệt Trần lão cô tử là thế nào với ngươi?
Tử Vi thấy đối phương kêu đúng pháp danh của sư phụ bằng từ ngữ xấc xược, thì nổi giận quát :
- Tuyệt Trần thần ni là bậc võ lâm chi thánh, ngươi dám mở miệng xúc phạm?
Kẻ kia giờ mới biết đã gặp đối thủ, nên không dám chậm trễ, vội rút hai thứ binh khí ra, tay tả cầm Kim mai, tay hữu cầm Hạc chưởng, nói :
- Hôm nay ta kết liễu con nha đầu nhãi ranh này trước, sau đó sẽ trừng trị sư phụ của nhà ngươi.
- Câm họng!
Tử Vi quát lớn, hai tay cầm địch, cây địch với thân hình thành một đường thẳng, lao như một mũi tên bật khỏi dây cung, nhắm tới gốc mũi của kẻ kia. Đó chính là chiêu đầu tiên “Thần Tiễn Xuyên Dương” của “Thần Địch Cửu Phiên”.
Kẻ kia thấy thế thần tốc của nàng, vội sử chiêu “Chi Đạn Hỉ Thước”, giơ Kim mai lên chống đỡ.
Tử Vi ngầm đề chân khí, chân không chạm đất, xoay cổ tay, hạ thấp cây Thần địch nhắm tới hai yếu huyệt Tương Đài và Kỳ Môn ở trung bàn của đối phương.
Kẻ kia thấy nàng biến chiêu quá lẹ, thầm thán phục, vội sử chiêu “Phất Hoa Phân Liễu” quét ngang Hạc chưởng để tiếp công thế.
Tử Vi sớm dự đoán hắn se xuất chiêu này, lập tức rụt cây Thần địch, chân hữu phóng một cước với chiêu “Khôi Tinh Thích Đẩu”, đá mạnh và bụng dưới của hắn.
Kẻ kia bị lạc không một đòn Hạc chưởng, thấy nàng có thể đang ở trên không mà phóng cước như vậy, vội nhảy lùi lại hai bước.
Tử Vi đã dùng hai đòn Thần địch và một đòn cước nhanh như lằn chớp, buộc đối phương thoái lui, chân nàng vừa chạm đất đã thừa thế xoay cổ tay, cây Thất Khổng thần địch lại liên tiếp công kích ba chiêu chiếm lấy tiên cơ. Chỉ nghe mấy tiếng “chíu chíu chíu”, lợi hại vô cùng.
Kẻ kia sau một hồi loạn cước đã không còn dám coi thường đối phương nữa. Kim Mai Hạc Chưởng trong tay hắn phối hợp nhuần nhuyễn, sau mười chiêu đã mú tít lên, phong vũ không thể lọt qua, kỹ xảo khôn lường, công lực thâm hậu. Điều khó hiểu là hắn tựa hồ am hiểu rất tường tận các chiêu thức của Thần địch, nên hóa giải khá dễ dàng, khiến Tử Vi cả kinh.
Kẻ kia càng đấu càng hăng, mai quang chưởng ảnh càng diễn càng kỳ. Tử Vi muốn dùng các chiêu đầu của Thần địch để thủ thắng, e còn khó hơn thăng thiên. Nàng bèn quyết định chuyển sang phần hai của “Thần Địch Cửu Phiên”. Cây Thất Khổng thần địch vừa hất ngược đón gió đã phát xuất một chuỗi âm thanh nghe như tiếng ngọc vỡ, tử quang đột nhiên vươn dài.
Kẻ kia giật mình, thấy cây Tầhn Địch đã thay đổi hẳn chiêu thức.
Tử Vi thấy hắn hóa giải dễ dàng ba mươi sáu chiêu của phần thứ nhất, nhưng xem ra không biết các chiêu thức của phần thứ hai, hắn có vẻ ngỡ ngàng trước chiêu thức mới của nàng.
Song, hắn cũng chẳng thuộc hạng tầm thường. Hắn cười ngạo, cũng đổi ngay chiêu thức. Ngọn Kim mai đâm thẳng tới huyệt Huyền Cơ của Tử Vi.
Tử Vi quét ngang cây Thần địch, “keng” một tiếng, hai loại binh khí va vào nhau tóe lửa. Cả hai người cùng bật ngược trở lại, thấy binh khí của mình không bị sứt mẻ thì mới yên tâm đôi phần.
Động tác của Tử Vi rất khinh linh, nàng sấn ngay tới, nhưng thấy kẻ kia vung tay hữu, một đạo lam quang vô thanh vô tức bay vút tới chỗ nàng.
Tử Vi biết ngay là ám khí lam mai, vội quét cây Thần địch đánh rớt bông mai, rồi tiện thể sử chiêu “Linh Xà Cửu Khúc”, chính là một trong chín tuyệt chiêu của “Thần Địch Cửu Phiên”.
Kẻ kia ngưng thần chú mục, thấy cây địch như long xà uốn lượn bất định, ngang dọc trên dưới, chọc tả đâm hữu, nhử dưới thích trên, trong chớp mắt đã biến hóa diệu kỳ, không thể đoán biết cây địch sẽ đánh vào chỗ nào.
Hắn chưa biết hóa giải cách nào, đành nghiến răng dùng Kim mai sử chiêu “Phong Vân Tế Hội”, Hạc chưởng sử chiêu “Phát Lãng Kích Chu” vừa công vừa thủ, nữa thực nửa hư để đối phó, liền đó dựa thế “Kim Lý Đảo Xuyên Ba” mà búng thân về phía sau. Hắn biết rõ không thể thoát thân, nhưng thừa hiểu “Linh Xà Cửu Khúc” hoàn toàn không phải là chiêu thức tầm thường, nếu không hóa giải được yếu lĩnh, thì công vô ích, mà thủ cũng vô dụng.
Tử Vi thì như bóng với hình, bám sát lấy hắn, thấy hắn sắp bị thân địch của nàng đả thương, bỗng có tiếng ai đó quát to :
- Coi chừng!
Hai đạo lam quang theo tiếng quát mà lao đến, nhắm vào cổ tay hữu cầm địch của Tử Vi.
Biến cố đột ngột khiến Tử Vi không kịp suy nghĩ, vộ rút cây địch lại, gạt ngang “tinh tinh” hai tiếng, hai bông lam mai đã văng đi.
Đối phương như cá mắc lưới nay được thoát hiểm, vội thoái lui liền một trượng, toát mồ hôi hột.
Tử Vi cô nương cả giận, nhìn về phía vừa phát ra tiếng quát, thấy một kẻ đứng cách hai trượng, trang phục y như tên thứ nhất, chỉ khác là sắc râu quai nón lồng bồng của tên này màu đỏ. Nàng bèn hỏi :
- Ngươi là ai, dùng ám khí hại người há là bậc anh hùng?
Gã râu đỏ làm như không nghe thấy, quay sang nói với gã râu vàng :
- Sư đệ thật hồ đồ, tại sao lại trái lời sư phụ, để lộ chân tướng...
Gã râu vàng đã biết tội, vội van nài :
- Thỉnh sư huynh lượng thứ cho tiểu đệ nhất thời lỗ mãng, nay sự thể đã vậy, mong sư huynh giúp tiểu đệ một tay giết chết con nha đầu này để diệt khẩu.
Đoạn vung Kim Mai Hạc Chưởng xông về phía Tử Vi.
Tên râu đỏ cũng tức thời rút Kim Mai Hạc Chưởng sấn tới công kích nàng.
Tử Vi xoay cổ tay, Thất Khổng thần địch tạo nên một màn tử quang bảo hộ thân mình rồi hỏi :
- Các ngươi định liên thủ với nhau ư?
Gã râu vàng gằn giọng :
- Liên thủ thì sao?
Gã râu đỏ cười gằn :
- Hôm nay không phải là cuộc giao đấu tầm thường. Hai ta phải lấy mạng ngươi để diệt khẩu, khỏi cần nói đến quy củ võ lâm lôi thôi.
Tử Vi biết tình hình bất ổn, nhưng tính tình cao ngạo, lá gan không nhỏ, nên thản nhiên cười nói :
- Hạng trói gà không chặt như các ngươi đừng nói là hai tên, dù hai mươi tên liên thủ thì lão bà bà ta cũng coi như cỏ rác.
Tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng trong bụng không dám khinh suất, thủ thể chu đáo để lấy tịnh chế động.
Gã râu đỏ vừa định xuất thủ, chỉ thấy Tử Vi mắt phượng lim dim, tia mắt vẫn sáng rực, tịnh khí ngưng tức, hai vai hơi doảng, mười ngón tay cầm đứng cây Thần địch, chính là chiêu “Triều Thiên Nhất Trụ Hương”, văn phong bất động, biết chính là một danh gia cao thủ đang vận khí hành công trước khi lâm chiến với địch thủ thường sử dụng tâm pháp thượng thừa này. Cho nên hắn không dám tùy tiện xuất chiêu, mà đưa mắt cho gã sư đệ râu vàng, ra ý bảo tên kia xuất chiêu trước để thử đối phương.
Gã râu vàng hiểu ý, giơ Kim Mai Hạc Chưởng, chẳng nói chẳng rằng, bổ ngay xuống đầu Tử Vi.
Chiêu này chỉ là để thử, nếu đối phương xuất thủ thì thôi, nếu đối phương không xuất thủ thì dĩ nhiên sẽ bị vỡ đầu.
Tử Vi há không hiểu điều đó. Chỉ thấy thân hình nàng vẫn bất động như Thái Sơn, không tránh né, không hốt hoảng, đợi hai cánh tay gã kia hạ gần xuống, bỗng nàng đột ngột chọc cây Thần địch đánh lên hai huyệt Khúc Trì của hắn.
Động tác của nàng quá ư thần tốc, từ thế tịnh mà phát chiêu, nên ám kình cực lớn, gã râu vàng chỉ thấy hai tay tê dại rồi bị đẩy lùi ba bước.
Gã râu đỏ thét lên một tiếng “đả”, cây Kim mai chọc tới huyệt Huyền Cơ, còn Hạc chưởng thì phạt ngang vào eo lưng Tử Vi.
Một mai một chưởng phối hợp thật ảo diệu.
Tử Vi dùng Thần địch đánh bạt Kim mai, đoạn xoay cổ tay đâm tới huyệt Khoa Bàng của đối phương.
Gã râu đỏ dùng Hạc chưởng chống đỡ.
Tử Vi rụt tay lại, đang định biến chiêu, bỗng thấy gió tạt sau lưng, vội lách mình tránh côn thế từ phía sau của gã tóc vàng.
Hai tên kia quyết sát nhân diệt khẩu, nên dồn toàn lực để hạ độc thủ, toàn nhắm vào các huyền quan yếu huyệt của nàng mà ra đòn.
Cây Thất Khổng thần địch của Tử Vi tuy thiên biến vạn hóa, nhưng một mình nàng khó bề đối phó với hai đối thủ lợi hại, sau năm chiêu, nàng đã lâm vào tình thế bại vong.
Giữa lúc đó, bỗng có tiếng quát lớn :
- Vi muội hãy yên tâm, tiểu huynh đã đến đây.
Thanh âm như tiếng chuông, vang động một vùng.
Chính là giọng nói của Đường Chấn Anh. Chàng vọt tới bên cạnh Tử Vi, Nhật Nguyệt song luân trong tay múa tít, tả xung hữu đột xé gió vù vù, chớp mắt đã công kích liền năm chiêu.
Hai gã kia chưa kịp đối phó, bị bức phải thoái lui liên tục.
Tử Vi thấy Đường Chấn Anh đến tiếp cứu thì phấn chấn tinh thần, nói to :
- Anh ca ca, đừng để chúng chạy thoát, kẻ dùng lam mai ám toán muội chính là hai tên này.
Đường Chấn Anh xông tới, Nhật Nguyệt song luân sử chiêu “Dương Thổ Âm Hấp” công kích hai gã kia.
Tử Vi nhún chân theo sát bên chàng. Cây Thần địch dùng chiêu “Khổng Tước Bình” phối hợp với Đường Chấn Anh mà đánh tới.
Hai gã kia thấy tình thế nguy cấp, đưa mắt cho nhau, Mai chưởng cùng vung lên, ngầm đề chân chí, bay vọt ra xa mấy trượng, rồi bỏ chạy về phía cánh rừng bên cạnh.
Bỗng từ trong rừng loáng lên hai ánh kiếm quang, rồi có tiếng quát :
- Tiếp chiêu!
Hai đường kiếm như hai dải cầu vồng mà trắng đâm tới ngực hai gã, những tưởng phen này chúng khó bề toàn mạng.
Nhưng hai gã trong khoảnh khắc sinh tử, lâm nguy không hề bấn loạn, vội dùng Hạc chưởng xuất chiêu “Phất Hoa Phân Liễu”. Chỉ nghe “keng keng” hai tiếng, trường kiếm đã bị gạt đi, người sử kiếm phải thoái lui mấy bước.
Hai cây Hạc chưởng đập mạnh vào kiếm, bị gãy làm đôi, rớt văng đi bịch bịch. Hai gã thất kinh, vội vã đào thoát về hai hướng khác nhau, thân hình bay vọt đi nhanh hơn lằn chớp.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nhìn kỹ, thấy hai người vừa xuất kiếm là nhị sư huynh Hư Tiêu và tam sư huynh Hư Lôi.
Bốn người đang định băng mình truy đuổi, bỗng nghe phía sau vang lên tiếng nói :
- A di đà Phật! Họ đã đào tẩu, không cần truy đuổi nữa, sư đệ, sư muội, hãy chuẩn bị hồi tự thì hơn.
Bốn người quay lại, thấy đại sư huynh Hư Vân đứng cách họ năm trượng, hai bên có bốn vị hoàng y hòa thượng theo hầu, họ chính là các vị Hộ pháp Kim Cương của Chưởng môn phái Nga Mi.
Nên biết Vô Tướng thiền sư khi đi Lư Sơn bế quan tu luyện, có chỉ định Hư Vân hòa thượng tạm thay chức Chưởng môn, chủ trì Không Tĩnh tự, hết thảy mọi người đều răm rắp tuân theo mệnh lệnh của vị hòa thượng này.
Gần ba năm đảm nhiệm trọng trách, Hư Vân hòa thượng không hề rời khỏi bổn tự, dù có yếu sự cũng chỉ phái sư đệ đi thay. Hôm nay Hư Vân hòa thượng phá lệ xuất tự, hoàn toàn là vì lo cho Đường Chấn Anh và Tử Vi.
Đường Chấn Anh từng được Hư Vân hòa thượng truyền thụ nhiều môn võ công, được cùng ăn uống với đại sư huynh nên đôi bên có quan hệ tối thân cận. Hư Vân hòa thượng ái hộ chàng hết mực. Huống hồ, chàng lại là đệ tự ruột của Vô Tướng thiền sư, nên cành được đại sư huynh quý trọng. Còn sư muội Tử Vi thì tuy mới gặp lần đầu, đại sư huynh cũng biết nàng là đệ tử được sủng ái nhất của sư thúc Tuyệt Trần thần ni. Hai vị sư đệ và sư muội này từ ngàn dặm xa xôi tới đây, nếu gặp chuyện bất trắc, thì đại sư huynh sẽ đắc tội với nhị vị sư trưởng.
Bởi vậy, khi thấy Tử Vi và Đường Chấn Anh lao qua cửa sổ ra ngoài, Hư Vân hòa thượng vội ra lệnh cho hai sư đệ Hư Tiêu và Hư Lôi lập tức đuổi theo tiếp ứng.
Bản thân Hư Vân hòa thượng cũng chưa yên tâm, bèn đích thân dẫn bốn Kim Cương hộ pháp rượt theo tới đây.
Vừa đến, thấy hai vị tiểu sư đệ sư muội đang công kích hai kẻ lạ mặt, xuất chiêu rất có uy lực, bức đối phương phải đào tẩu. Hư Vân hòa thượng sợ họ truy đuổi lỡ có thiếu sót, bèn kêu họ dừng lại.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nghe tiếng gọi của đại sư huynh, vội chạy tới cúi mình thưa :
- Tiểu đệ, tiểu muội bất tài, để đại sư huynh phải thân chinh tiếp cứu.
Hư Vân hòa thượng tươi cười nói :
- Cách biệt ba năm, hiền đệ được ân sư sở truyền, ngu huynh phải mừng hiền đệ mới phải. Còn cây Thất Khổng thần địch của sư muội thật là đăng đường nhập ảnh, cứ y như sư thúc hồi trẻ vậy.
Nói đoạn thì bật cười ha hả, đoạn kéo tiểu sư đệ và sư muội sang một bên nói :
- Lưu ý này, ngu huynh muốn thi cước trình với nhị vị...
Lời vừa dứt, một tăng hai tiểu đã cầm tay nhau sóng vai lao đi như ba cánh chim về phía Không Tĩnh tự.
Những người còn lại đều vui vẻ thi triển khinh công thân pháp về theo.
Tới Không Tĩnh tự, vừa vào trong Vô Tướng tịnh xá, chưa kịp ngồi xuống, bỗng thấy một hòa thượng trung niên hốt hoảng chạy vào, mặt trắng bệch, quỳ xuống, thở không ra hơi, toàn thân run bần bật.
Đường Chấn Anh nhận ra đó là đại đệ tử của Hư Vân hòa thượng, pháp danh Ngộ Huyền, là kẻ đứng thứ nhất hàng chữ Ngộ của phái Nga Mi. Đường Chấn Anh cảm thấy quái lạ, không hiểu vì lý do gì mà gã lại biến thành một kẻ thảm hại như thế này?
Chàng đang suy nghĩ, thì Ngộ Huyền hai tay dâng một vật trình lên Hư Vân hòa thượng.
Hư Vân nhận lấy, cau mày, sắc diện sa sầm, quẳng vật kia xuống bàn nghe cạch một tiếng. Các vị hòa thượng nhìn vật trên bàn, thảy đều thốt lên tiếng “ối”.
Đường Chấn Anh và Tử Vi ngơ ngác, nhìn thấy đó là một chiếc ngân bài đầu hổ, đề bốn chữ “Đoạt Hồn Sách Mệnh”.
Tử Vi nhặt chiếc ngân bài lên, lật mặt sau, thấy có hai hàng chữ nhỏ:
“Diêm Vương bảo canh ba ngươi chết,
Ai dám lưu ngươi đến canh năm”.
Đường Chấn Anh và Tử Vi đọc xong cùng thấy sởn gai ốc.
Hư Vân hòa thượng nhìn Ngộ Huyền, hỏi :
- Cái vật tệ hại này, ngươi nhặt nó lúc nào?
Ngộ Huyền đáp :
- Bẩm vừa mới đây.
Hư Vân lại hỏi :
- Ở chỗ nào?
Ngộ Huyền đáp :
- Đệ tử phụng mệnh trấn giữ hậu đại điện, đột nhiên thấy chiếc ngân bài này được ném tới chân đệ tử...
Hư Vân quắc mắt ngắt lời :
- Thật là đồ vô dụng, xem ra có khi ngươi bị địch nhân đánh vào đầu cũng không hay biết.
Ngộ Huyền hổ thẹn cúi đầu.
Lúc này không khí trong Vô Tướng tịnh xá trầm lặng, im phăng phắc, rõ ràng mọi người đều bị chiếc ngân bài kim lệnh làm cho kinh sợ. Ai nấy đều căng thẳng và khẩn trương như sắp sa xuống vực sâu, như đang ở giới hạn của sự sinh tử, cảm giác nặng nề khôn tả.
Đường Chấn Anh là người đầu tiên cất tiếng phá tan không khí trầm lặng, giọng chàng sang sảng :
- Không hiểu chiếc ngân bài này có lai lịch thế nào? Tại sao lại làm cho mọi người kinh sợ? Thỉnh đại sư huynh cho tiểu đệ được biết nội tình.
Hư Vân hòa thượng thong thả quay sang phía Đường Chấn Anh, sắc diện ngưng trọng, thở dài đáp :
- Chuyện này phải kể từ đầu mới rõ. Gần ba năm nay, sau ngày Anh đệ theo sư phụ đi Lư Sơn, nhờ uy danh của sư phụ, lại được chúng sư đệ đồng tâm hiệp lực nên phái Nga Mi chúng ta vẫn bình yên vô sự, mọi việc đâu ra đó, nào ngờ tai họa bất ngờ ập xuống...
Hư Vân nói đến đây, hai bàn tay chắp lại trước ngực, mắt lim dim, trầm ngâm một lát rồi mới tiếp :
- Ấy là vào ngày mồng ba tháng trước, sau cơn mưa tầm tã, vừa xong buổi kinh sáng, bỗng sư đệ Hư Lượng tới gặp huynh và mang theo một vật...
Tử Vi cô nương đã hiểu vài phần, bèn hỏi :
- Chắc là Hư Lượng sư huynh mang đến trình một chiếc ngân bài như thế này?
Hư Vân gật đầu :
- Đúng vậy, huynh xem qua chưa rõ chiếc ngân bài ấy có dụng ý gì, chỉ bảo Hư Lượng sư đệ hãy lưu tâm phòng bị cẩn thận. Ai ngờ sáng hôm sau thì Hư Lượng sư đệ đã... ôi... đã ngộ nạn mà viên tịch.
Câu cuối cùng Hư Vân nói bằng giọng nghẹn ngào.
Tử Vi hỏi luôn :
- Đại sư huynh có kiểm tra kỹ thi thể của Hư Lượng sư huynh chứ?
Hư Vân đáp :
- Dĩ nhiên, nhưng không phát hiện được gì cả, không một vết thương, cũng chẳng phải trúng độc, không biết vì sao mà chết.
Ngừng một chút, mới kể tiếp :
- Sau đó tai họa tiếp tục giáng xuống, trong thời gian chưa quá hai mươi ngày, Không Tĩnh tự của chúng ta bị chết mất mười hai người mà toàn thuộc vào hàng chữ Hư, mà ai cũng bị sát hại giống như Hư Lượng sư đệ.
Tử Vi hỏi :
- Những người bị hại, trước khi ngộ nạn, đều nhận được loại ngân bài thế này ư?
Hư Vân đáp :
- Đúng vậy, phàm ai phát hiện ngân bài này thì trong vòng một giờ tất sẽ bị sát hại.
Đường Chấn Anh nói :
- Đã thế thì tại sao không đề phòng?
Hư Vân cười buồn bã, đáp :
- Đã dùng đủ cách, nhưng đều vô ích.
Hư Tiêu nói :
- Sư đệ và sư muội mới đến nên chưa biết, nói ra thật kinh hoàng khó tin, những người phát hiện ngân bài đều được bảo vệ bốn phía, nhưng vẫn không thoát chết.
- Ôi, có chuyện quái dị như vậy sao?
Đường Chấn Anh và Tử Vi cùng thốt lên.
Hư Vân thở dài, nói :
- Huynh thấy địch nhân xem chừng còn muốn giết hại nhiều người nữa, lại chưa có cách gì ngăn trở, hàng ngàn đệ tử của Không Tĩnh tự như cá nằm trên thớt, sinh mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào. Huynh đã lệnh cho hết thảy đệ tử phòng bị, bổn tự hóa thành một cái bẫy, từng lá cây ngọn cỏ cũng trở thành binh khí. Vạn bất đắc dĩ mới phái ngũ sư đệ Hư Không đến Lư Sơn trần tình với sư phụ, lại sợ Hư Không sư đệ đơn thân độc mã, bèn phái hai sư đệ Hư Thanh, Hư Minh đi sau tiếp ứng, nào ngờ cả ba sư đệ đều tử nạn. Ôi, đến nay số bị hại đã lên tới mười tám người. Ngộ Huyền vừa phát hiện ngân bài...
Đoạn Hư Vân đưa mắt nhìn Ngộ Huyền.
Ngộ Huyền biết mọi người lo lắng cho mình, lại nhìn sắc diện rầu rĩ của sư phụ Hư Vân, thì bèn quỳ xuống, nói :
- Kiếp nạn không thể tránh, đệ tử đã phát hiện ngân bài, ắt số mệnh đã tận, không muốn để bị địch nhân sát hại, chi bằng đệ tử tự sát cho xong, thỉnh sư phụ cùng các vị sư thúc bảo trọng quý thệ, đệ tử xin vĩnh biệt...
Nói xong vái ba lần, đoạn đứng dậy, rút từ bên đùi ra một chiết giới châm, đâm thẳng vào ngực mình.
Động tác của gã quá mau lẹ, mọi người muốn cứu cũng chẳng kịp, ngay Hư Vân cũng không ngờ đệ tử làm như vậy, bỗng một bóng người vọt tới nhanh hơn tia chớp, một tiếng “keng” khẽ vang lên, cây giới châm đã bị rớt xuống đất.
Người vừa xuất thủ chính là Đường Chấn Anh, thân pháp thật quá khinh linh.
Đường Chấn Anh nắm cổ tay Ngộ Huyền, nói với giọng sang sảng hào hùng :
- Phật tổ đã dạy: “Thân này không dễ có”. Sao đại sư điệt lại coi rẻ mạng sống như vậy? Sinh tử tùy duyên, sư điệt chớ vội lo. Từ lúc này trở đi, ta sẽ ăn cùng mâm, nằm cùng giường với sư điệt, quyết không rời xa nửa bước, để coi kẻ muốn đoạt hồn sách mệnh sẽ giở trò quái quỷ gì.
Tử Vi cô nương cũng bước lại bên cạnh, nói :
- Tiểu muội sẽ góp phần với Anh sư huynh.
Giọng nàng kiên quyết như đao chém đá.
- A di đà Phật!
Những tiếng niệm Phật hiệu liên tục vang lên trong Vô Tướng tịnh xá. Mọi người thấy hào khí của hai nam nữ thiếu niên đều vô cùng xúc động.
Nhất là Hư Vân hòa thượng. Nghe sư đệ và sư muội nói đầy khí khái, can đảm, thì thốt lên tán thưởng :
- Nga Mi phái chúng ta có được hai bậc anh hoa thế này cũng đủ hùng thị võ lâm, trừ diệt quần ma. Vừa là phúc cho phái chúng ta, vừa là hạnh cho toàn thể võ lâm.
* * * * *
Boong boong boong... chuông báo canh gióng giả cất lên. Đã sang giờ Mão, trời sắp sáng.
Bình nhật, đây chính là lúc bắt đầu tụng kinh buổi sáng, nhưng từ khi tai họa giáng xuống, Hư Vân đã lệnh cho chúng tăng ở nguyên vị trí phòng thủ mà vận khí hành công, tạm miễn nghi thức tập trung trước đại điện.
Bữa thảo trai được bưng lên, Đường Chấn Anh và Tử Vi cùng dùng điểm tâm với các vị sư huynh. Ngộ Huyền không rời Đường Chấn Anh nửa bước.
Ăn xong, Hư Vân hòa thượng lo sư đệ, sư muội mệt mỏi nên bảo họ đi nghỉ một chút, nhưng hai người bị chiếc ngân bài Đoạt Hồn Sách Mệnh kinh động, đâu còn bụng dạ nằm nghỉ. Sau khi mấy người thương lượng, do phát hiện ngân bài ở trong hậu đại điện, hai người quyết định sẽ cùng Ngộ Huyện sư điệt ngồi điều tức tại đó, chờ kẻ đoạt hồn sách mệnh mò tới.
Hào khí của Đường Chấn Anh và Tử Vi quyết khiêu chiến với kẻ ám sát, phút chốc đã lan truyền ra khắp Không Tĩnh tự, gần một ngàn đệ tử bỗng phấn chấn tinh thần, can đảm thêm bội phần. Sau gần một thoáng kinh hoàng trầm tịch, giá lạnh, lúc này không khí sống động hẳn lên.
Hậu đại điện là một tòa điện hùng vĩ nhất của Không Tĩnh tự. Trước điện có lát gạch đỏ, hai phía đông tây có bồi điện. Đằng sau là cánh rừng già và rừng trúc, một khe suối sâu bao quanh, cách biệt với ngoại giới.
Các cửa bên và cửa sổ cửa hậu đại điện đều đóng kín, chỉ để ngỏ một cửa chính cho người ra vào.
Trước bàn thờ, ở cửa chính có kê ba tấm bồ đoàn. Đường Chấn Anh và Tử Vi ngồi ở đó, nhìn ra thềm, Ngộ Huyền ngồi ngay bên cạnh.
Ba người điều tức hành công, nhưng ngầm ở tư thế cảnh giới, nếu có tiếng gió thổi lay ngọn cỏ sẽ lập tức xuất thủ.
Toàn bộ Không Tĩnh tự bước vào tình thế cực kỳ khẩn trương. Vì sự việc Ngộ Huyền, phải bố trí lại việc phòng thủ, chỉ thấy chúng tăng đi lại như con thoi, áo cà sa thấp thoáng, nhưng không phát ra tiếng nói hoặc âm thanh gì.
Quần tăng hành động chớp nhoáng, thân pháp khinh linh, ứng biến cơ động, đủ thấy võ công của phái Nga Mi thực chẳng phải hư danh.
Chưởng môn tạm thời là Hư Vân hòa thượng có bốn Kim Cương hộ pháp tháp tùng, đang đích thân kiểm tra việc bố trí phòng thủ ngoài bấc thềm của hậu đại điện.
Trên đại điện và hai bên bồi điện, mỗi nơi đều có năm người. Tại đại điện, đứng đầu là nhị sư đệ Hư Tiêu, tại đông bồi điện là do tam sư đệ Hư Lôi chỉ huy, còn ở tây bồi điện thì do tứ sư đệ Hư Chấn thống lĩnh. Tổng cộng mười lăm vị hòa thượng đều ai ở vị trí người nấy.
Bốn phía ngoài thềm có tám đệ tử thuộc hàng pháp danh chữ Ngộ cầm giới đao canh chừng.
Ngoài xa năm bước, lại có chín đệ tử hàng chữ Ngộ cầm trượng hoặc ôm đao phòng bị.
Hai vòng vây này hợp thành “Bát Quái Cửu Cung Liên Hoàn trận pháp” của phái Nga Mi, mỗi người đứng theo vị trí nhất định, theo sự bố trí chặt chẽ.
Hư Vân hòa thượng kiểm tra một lượt, thấy không có gì sơ hở thì mới ra hiệu cho mười lăm hòa thượng ở khu vực tiền điện ẩn thân. Sau đó quay ra đứng ngoài thềm phất tay, thế là mười bảy đệ tử lập tức chuyển động trận thế Bát Quái Cửu Cung.
Tiếp đó, bốn Kim Cương hộ pháp theo Hư Vân hòa thượng vòng về phía tiền điện. Tiền điện này có cửa sau. Họ mở cửa sau, cửa này đối diện với hậu đại điện. Hư Vân hòa thượng ngồi ngay xuống giữa cửa sau, bốn Hộ pháp ngồi ở hai bên.
Trong hậu đại điện có mấy chục cây nến lớn, nhưng chỉ được thắp khi có đại sự, bình nhật thì không đốt để khỏi tốn kém. Vì thế, trong điện tối mờ mờ, nhất là đêm nay trăng bị mây dày che phủ, nên càng tối hơn, trông vào điện thấy ghê ghê.
Chỉ có ở hành lang thắp mấy cây đèn gió chiếu sáng ra ngoài bậc thềm.
Mới đầu giờ Mão, trời vẫn còn là đêm tối.
Nga Mi Kim Đỉnh sát cơ trùng trùng.
Tăng lữ trong Không Tĩnh tự thảy đều kh
/16
|