Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Chương 2: Chùa Kim Long, anh hùng cứu nạn. Làng ẩn dật, Hồ Ly trả ơn.

/100


Nói về Ninh Lão tiên sinh dạy Bao Công, hễ nói qua là thuộc ngay, Ninh Lão nghi là người nhà đã có dạy sách nào, hễ nói chưa hết câu trên là hiểu được câu dưới. Ninh Lão rất vui vẻ nghĩ sau này Bao Công chắc sẽ hiển đạt, nên thường cho là thần đồng, là kỳ tài, lại sửa cho tên Chửng nghĩa là vớt, lấy ý sau này sẽ cứu vớt dân ra khỏi nơi nước lửa và đặt chữ là Văn Chính, cũng lấy ý là người sẽ có tài về chính trị, vì chữ văn với chữ chính nhập lại mà ra nghĩa ấy.

Ác qua thỏ lại, Bao Công học được năm năm, tuổi đã mười bốn, văn giỏi thơ hay. Ninh Lão hằng thôi thúc nộp tên ứng thi, nhưng Viên ngoại chẳng cho. Qua hai năm sau, Bao Công đã mười sáu tuổi, bấy giờ gặp kỳ tiểu khảo, " Ninh Lão tiên sinh không thể bỏ qua cơ hội tốt nữa, liền sang nhà Bao Sơn nói rằng: "Ý tôi muốn cho Bao Công ứng khảo đã hai năm nay, song bị Viên ngoại cản trở làm ra lôi thôi mất cả thời giờ, nay vừa tới khảo kỳ, tôi tới cho cậu hay, nếu chịu đem Bao Công đi ứng khảo thời thôi; bằng không, tôi xin thế quyền lo tính cho nó". Bao Sơn nói: "Việc thầy tính rất phải, nhưng phải để tôi khuyên cha tôi đã". Nói rồi đến thưa với Viên ngoại rằng: "Ninh Lão tiên sinh muốn chú ba ứng khảo ấy là vinh dự cho nhà ta, chúng ta lẽ nào từ chối, thà là cho nó đi, tiên sinh không còn nói gì được nữa". Viên ngoại ưng thuận. Bao Sơn mừng rỡ vô cùng, về nói lại với Ninh Lão. Ninh Lão gật đầu xếp đặt các việc cho Bao Công ứng khảo. Công việc ấy Viên ngoại không thèm để ý tới, chỉ có Bao Sơn là mong mỏi cho nên hết lòng lo lắng thôi.

Ngày khảo thi đã qua, trời vừa rạng sáng, nghe tiếng chộn rộn trước ngõ, Viên ngoại tưởng là bọn nha dịch nào, ai dè mở cửa ra là tin báo Bao Công thi đậu. Viên ngoại nghe tin đã chẳng mừng lại ra chiều buồn bã, lui vào nhà nằm, thân thích nườm nượp tới chúc mừng, ông cũng chẳng ra; thậm chí không có lời tạ ơn Ninh Lão. Bao Sơn năn nỉ đôi ba lần mới chịu cho làm tiệc để thù báo. Ngày ấy khi Ninh Lão tới nhà khách, Viên ngoại chỉ nắm tay mời ngồi thôi, không chuyện vãn gì, tỏ ra chiều lơ đãng lắm. Tiệc bày xong, cùng nhau phân ngôi chủ khách, trên bàn sực nức mùi thịt cá, đầy những rượu ngọt bánh ngon. Viên ngoại vẫn có vẻ như vậy, Ninh Lão dằn không được mới mở lời rằng: "Nay lịnh lang sẵn chất thông minh, nếu lo cho học, chẳng những là bậc tú tài, mà cử nhân, tiến sĩ cũng có thể dư sức, sau này hiển đạt không biết tới đâu là cùng, đó là một đức hạnh... " Ninh Lão vừa nói tới đó, Viên ngoại ngắt ngang câu chuyện rằng: "Đức hạnh gì? Đó là bất hạnh cho nhà tôi nên mới sinh thứ con phá gia như vậy?". Ninh Lão nghe qua lấy làm lạ hỏi: "Sao Viên ngoại lại nói lạ vậy? Thuở nay có ai là người không muốn cho con cháu thành đạt, và cũng không ai lại buông lời lạ kỳ dường ấy". Viên ngoại liền đem giấc chiêm bao trong lúc sinh Bao Công thuật cả lại cho Ninh Lão nghe. Ninh Lão vốn là người học rộng biết nhiều, nghe qua đoán chắc là Khuê tinh giáng thế, lại thấy cử chỉ đoan trang và tư chất thông minh của Bao Công thời quyết sau này nên bậc đại quý, ngồi nghe cứ gật đầu khen hay mãi. Viên ngoại kể xong, nói tiếp rằng: "Từ nay về sau xin tiên sinh chớ dạy nó nữa". Ninh Lão chẳng bằng lòng đáp: "Thế thời không cho nó thi khảo hay sao?". Viên ngoại nói: "Không cần". Ninh Lão cả giận nói: "Trước khi con ông chưa học với tôi thì còn là con ông, nay đã học với tôi, thời là học trò tôi, tôi phải lo thế nào cho học trò được hiển đạt, hầu khỏi tiếng giáo bất nghiêm, từ nay xin khỏi làm nhọc tới Viên ngoại, tôi cứ làm như ý nguyện tôi là đủ". Dứt lời đứng dậy đi ra không đợi tới mãn tiệc. Tại sao Ninh Lão làm ra mặt giận như vậy? Là vì ông thừa biết Viên ngoại vốn người ngu độn, Bao Sơn thì hiếu hạnh quá dầy, nếu bỏ luống e Bao Công khó nổi thành danh, nên mới có ý đứng ra lo cho cậu học trò yêu.

Đến kỳ thi hương, Ninh Lão tiên sinh bàn bạc với Bao Sơn để sửa soạn cho Bao Công ứng thí. Bây giờ không cần thưa lại với Viên ngoại nữa, Ninh Lão tự mình chủ trương, Bao Sơn cũng vui lòng vâng dạ. Đến ngày treo bảng thấy tên Bao Công được xếp đầu. Bao Sơn vui mừng khôn xiết, duy có Viên ngoại cứ buồn rầu như trước. Lần này Bao Sơn thết yến đãi khách và tạ ơn Ninh Lão tiên sinh. Ăn uống linh đình, chuyện trò vồn vã gần một ngày, đâu đó dọn dẹp xong xuôi, Ninh Lão bàn với Bao Sơn nên đưa Bao Công lên kinh thi Hội. Bao Sơn cũng bẩm lại với Viên ngoại, Viên ngoại cực chẳng đã phải cho, song không bằng lòng đem theo nhiều tôi tớ, e hao tốn tiền của, chỉ cho một tiểu đồng là Bao Hưng đi theo mà thôi.

Đến lúc ra đi, Bao Công vào lạy cha mẹ, từ giã anh và chị dâu rồi vào thư phòng bái biệt tôn sư. Ninh Lão nắm tay căn dặn nhiều lời vàng đá, Bao Hưng sửa soạn hành lý xong xuôi, cùng Bao Công lên đường. Bao Sơn theo tiễn mười dặm đường xa rồi mới chia tay.

Bao Công và Bao Hưng lên ngựa ruổi dong, ngày đi đêm nghỉ, cứ nhắm hướng kinh sư bước tới. Bữa kia gặp một quán nhỏ, thầy trò đi thẳng, lựa chỗ ngồi, kêu nhà hàng dọn cơm. Dọn ra, Bao Công ngồi giữa, Bao Hưng ngồi ghé một bên, hai thầy trò cùng nhau ăn uống.

Bao Công nhìn sang bàn bên cạnh thấy một vị đạo nhân đang bưng chén rượu ra chiều nghĩ ngợi. Từ ngoài đi vào một gã võ sinh oai phong lẫm liệt, rõ mặt anh hùng. Đạo nhân vừa thấy võ sinh, lật đật đứng dậy, miệng gọi ân nhân và mời ngồi. Người ấy không ngồi, móc trong túi ra một nén bạc đưa cho đạo nhân và nói rằng: "Tạm lấy bạc này, tối nay chúng ta sẽ gặp nhau". Đạo nhân nhận nén bạc gật đầu một cái rồi bước ra khỏi quán đi liền. Bao Công thấy võ sinh tuổi chừng hai mươi, phong độ hiên ngang, liền đứng dậy lại gần, chắp tay nói rằng: "Chào tôn huynh, nếu tôn huynh chẳng chê kẻ hèn mọn, xin cho hầu chuyện chơi cho vui". Người ấy ngắm Bao Công một hồi, rồi cả cười đáp rằng: "Đã được ơn ngài hạ cố, lẽ nào dám chẳng vâng lời". Bao Hưng vội vàng đứng dậy kêu nhà hàng đem đồ ăn và rượu thêm, còn mình đứng một bên hầu tiệc. Bao Công cùng người lạ phân ngôi chủ khách. Khách là Triển Chiêu tên chữ là Hùng Phi. Một người văn một người võ, nhưng câu chuyện rất là ý hợp tâm đầu. Uống được ít chén, Triển Chiêu cáo từ rằng: "Vì có chút việc riêng, chẳng tiện ngồi lâu, xin kiếu tôn huynh ngày khác sẽ tái hội". Nói đoạn đứng dậy ra đi, Bao Công không rõ là chuyện gì, cứ việc ăn uống, rồi thầy trò lại tiếp tục lên đường.

Đi một đỗi, trời tối, không thấy đường đi, gặp một toán mục đồng đương lùa trâu về, Bao Hưng chạy tới trước hỏi thăm: "Các anh ơi? Đây là chỗ nào, xin cho được biết". Mục đồng đáp: "Từ đây qua mé tây nam hai mươi bốn dặm, có trấn Tam Nguyên là một nơi đô hội, các người đã đi lạc qua đây là hướng chính tây, nếu muốn đi vòng lại, phải xa đến ba mươi dặm". Bao Công thấy trời đã tối quá không đi kịp liền hỏi: "Phía trước có chỗ ngủ nhờ được một đêm chăng?". Mục đồng đáp: "Trước mặt là đồn Sa Nhi, không có quán, chỉ có nhà người ở mà thôi". Dứt lời lùa trâu đi thẳng, còn thầy trò Bao Công cứ nhằm đồn Sa Nhi đi tới. Đi được vài giờ thấy một tòa miếu, trên có tấm biển đề bảy chữ: "Sắc kiến Hộ quốc Kim long tự". Bao Công nghĩ thầm rằng: "Trời tối lỡ đường chi bằng vào đây tạm ở một đêm, sáng sẽ đáp tiền nhang khói". Nghĩ vậy liền xuống ngựa vào gõ cửa. Một ông sãi trong chùa bước ra mở cửa hỏi rõ lai lịch rồi mời vào. Vào tới trong, Bao Hưng nhốt ngựa cất đồ, còn Bao Công được hòa thượng dắt vào nhường cho ở viện Vân Đường. Phân ngôi chủ khách, cùng ngồi, trà nước xong xuôi, hòa thượng hỏi thăm nhà cửa tên họ Bao Công, biết là học trò đi lên kinh thi Hội. Bao Công hỏi lại, hòa thượng đáp rằng: "Bần tăng tên là Pháp Bổn có một sư đệ là Pháp Minh, chùa này chỉ có hai chúng tôi trụ trì mà thôi". Nói đoạn đi ra, một lát thấy sãi nhỏ bưng vào một mâm cơm chay, thầy trò ngồi lại ăn uống, xong xuôi Bao Công sai Bao Hưng cất dọn mâm chén đỡ mất công cho sãi nhỏ. Bao Hưng vâng lời bưng đi, ra khỏi viện Vân Đường, thấy xa xa có một người đàn bà trẻ tuổi vừa đi lại vừa nói: "Mé tây viện Vân Đường có khách ngủ nhờ, chúng ta phải ra mé sau mới được". Bao Hưng không biết núp vào đâu, liền lùi lại, chờ người đàn bà ấy qua khỏi mới đi tiếp. Trả mâm chén rồi lật đật chạy về phòng báo cho Bao Công hay. Đương lúc nói chuyện thấy sãi nhỏ bưng thếp đèn, tay bưng bình trà, dớn dác đi tới, để đèn và bình trà xuống bàn rồi quày quả đi vào. Bao Hưng lại càng sinh nghi, đoán chắc nơi này là ổ trộm cướp, nên mới có đàn bà, muốn lánh ra khỏi nơi ổ gấu hang hùm, song coi lại cửa chùa đã khóa chặt rồi, tìm chỗ nào cũng không có lối ra. Bao Hưng thấy vậy mới nói với Bao Công rằng: "Bẩm cậu, bây giờ làm thế nào trốn ra khỏi chùa này?". Bao Công nói: "Cửa đã khóa chặt, một kẽ hở cũng không, vậy đi ngả nào được bây giờ?". Còn bàn bàn luận luận, chưa tìm được kế thoát thân, bỗng nghe cửa kẹt một tiếng, hai cánh mở ra, có một người bước vào, Bao Hưng hoảng hốt chạy núp vào một góc, còn Bao Công nhìn kỹ lại thì ra là gã võ sinh mới gặp lúc ban ngày ở tửu quán.

Nguyên vị đạo nhân ở quán cơm trước là người trong chùa này, vì hai sãi Pháp Bổn và Pháp Minh đi cướp bóc, bắt đàn bà con gái, bị hòa thượng ngầy ngà, nên chúng giết hòa thượng mà chiếm chùa. Đạo nhân sợ bị liên can và cũng muốn vì hòa thượng phục thù, nên đi cáo quan. Ai dè hai sãi giặc kia có nhiều tiền lo lót với bọn nha lại, vì vậy chúng nó có người bênh vực, lại đổ cho đạo nhân là vu cáo cho người lương thiện, bắt đánh 20 roi và đuổi ra khỏi chùa. Đạo nhân uất ức không biết tỏ với ai, vào rừng từ tận, may gặp Triển Chiêu đi tới cứu cho khỏi chết, lại hỏi nguyên do, rồi hứa lo giúp cho đạo nhân, dặn đạo nhân phải ở lại quán, để dễ bề tới lui lo tính. Lúc ban ngày Triển Chiêu vào quán cho đạo nhân bạc mới gặp Bao Công ở đó, vì việc hai sãi kia chưa trị được, nên vừa uống được vài chén, liền từ giã Bao Công về nhà trọ, thay hình đổi dạng rồi vào chùa. Tới nơi Triển Chiêu nhảy vách vào, đi lần lần lên gác thấy hai sãi ngồi giữa, bốn, năm đứa đàn bà ngồi vây quanh, uống rượu đánh đàn, vui vẻ như chốn làng chơi chứ chẳng phải nơi chùa Phật. Chúng nó hoan lạc như vậy mà cũng chẳng quên có thói dữ, nên xầm xì với nhau rằng: "Đúng canh ba chúng ta còn nhọc một chút, là phải giết hai thầy trò ở bên viện Vân Đường kia". Triển Chiêu nghe nói nghĩ thầm rằng: "Ta phải lo cứu hai người kia trước rồi sau sẽ trở lại giết lũ mày, dẫu chúng nó có bay lên trời cũng không thoát khỏi". Nghĩ vậy liền trở lại viện Vân Đường dùng khuyết kiếm cạy khoen xô cửa bước vào, tưởng là ai, té ra là Bao Công, người mới quen trong quán lúc ban ngày.

Triển Chiêu bước vào thấy Bao Công, liền thuật lại lời của bọn ác tăng bàn soạn, và tiếp rằng: "Tôn huynh mau mau theo tôi ra khỏi viện này tìm đường lánh nạn". Nói đoạn dắt thầy trò Bao Công đi ra, đến bên tường thò tay vào đây lấy một sợi dây, một mối buộc vào lưng Bao Công, còn một mối nắm vào tay nhảy lên đầu tường, kéo Bao Công lên, rồi thòng xuống mé ngoài. Bao Công xuống tới đất mở dây trả lại Triển Chiêu cũng làm cách ấy mà cứu Bao Hưng. Khi hai thầy trò ra khỏi chùa; Triển Chiêu dặn rằng: "Thôi! Đã thoát nơi nguy hiểm, tôn huynh cứ an lòng đi đi, Bao Công nhìn lại, thấy Triển Chiêu nhảy vọt một cái đã mất tăm dạng.

Bao Công cùng Bao Hưng bước cao bước thấp, đường sá gian nan, đánh liều đi mãi, tới đầu cổng một làng kia thời trống đã điểm canh năm. Xa xa thấy một ngọn đèn leo lét, Bao Hưng chỉ cho Bao Công mà nói rằng: "Kìa kìa, nhấp nhoáng ngọn đèn, thật là nhà người, chúng ta nên lại xin nghỉ, đợi sáng sẽ đi". Bao Công khen phải, liền đi tới gõ cửa. Cửa tre vừa mở, một ông già trong nhà bước ra hỏi: "Ai đi đâu khuya khoắt lắm vậy?". Bao Hưng đáp: "Vì thầy trò chúng tôi nóng đi, nên lên đường quá sớm, té ra trời còn khuya lắm, nên ghé đây xin nghỉ đỡ, đợi thật sáng sẽ đi". Ông già xem tướng Bao Công rõ là người học trò, còn Bao Hưng lanh lợi, nên vui lòng lắm, liền mời vào trong. Thầy trò vào nhà, thấy ông già là kẻ chuyên nghề đậu hũ, la liệt những cối, thùng, chậu, ảng, có một cái chõng, bèn cùng xúm ngồi với nhau. Bao Công hỏi ông già rằng: "Xin lão trượng cho biết tôn danh là gì?". Ông già đáp: "Lão họ Mạnh, nhà không trai gái, một mình chuyên nghề đậu hũ nuôi thân". Ông già nói xong, vào trong vớt cho hai thầy trò mỗi người một chén đậu hũ non. Đêm khuya, lặn lội nhọc nhằn, cổ khô bụng xót, nên hai thầy trò uống vào ngon ngọt như rượu Quỳnh Tương. Nhân ngồi trò chuyện với Mạnh lão, hỏi qua đường đi nước bước, mới biết còn hai chục dặm nữa mới tới Tam Nguyên.

Đương khi chuyện vãn, thấy lửa đỏ rực một góc trời, Mạnh lão lại cửa dòm ra thấy ngọn lửa ló lên ở phía đông nam, suy ra chắc là ở Kim Long tự phát hỏa. Bao Công và Bao Hưng cũng chạy ra xem, trong bụng biết ngay là hiệp sĩ đã đốt chùa rồi, song giả bộ hỏi Mạnh lão rằng: "Chỗ cháy đó lão trượng có biết được không?". Mạnh lão đáp: "Làm dữ mang tai, lưới trời dẫu thưa mà khó lọt, số là chùa Kim Long, từ lúc hòa thượng chết, để lại hai đứa học trò là Pháp Minh và Pháp Bổn, hai con quỷ đó là hai đứa không Trời không Phật, thường hay giết người giật của, đón đường bắt gái, sánh với bọn lục lâm lại quá ác hơn, nay lẽ trời báo ứng, chúng nó bị họa cũng không trách gì".

Trời đông đã trắng, ngọn cỏ còn sương, thầy trò Bao Công từ tạ Mạnh lão lên đường, ông già họ Mạnh đưa ra cửa và chỉ rõ ràng đường đi.

Hai thầy trò Bao Công ra đi, rừng bụi ngoắt ngoéo, đường sá khó khăn, ngựa, hành lý và tiền bạc đã mất hết rồi, không biết làm sao. Bao Công đi một lát lại nghỉ, nghỉ rồi lại đi, buồn lắm mới than với Bao Hưng rằng: "Đường từ đây lên Kinh sư còn mấy ngày nữa, mà trong túi không tiền, ngựa mất, lại đi bộ như vầy, chịu làm sao cho nổi?" Bao Hưng khuyên giải rằng: "Xin thầy chớ lo, đợi đến Tam Nguyên là nơi cậu tôi ở, sẽ tạm tiền mua lừa và chút hành lý, có lẽ cũng dùng tới Kinh sư được". Bao Công tưởng thật, cũng vui lòng ráng sức đi, trời vừa trưa tới Tam Nguyên. Ngó thấy người đông cảnh đẹp, náo nhiệt phi thường, thầy trò vào một cái quán hai tầng lầu, lên thẳng tầng trên, kêu nhà hàng đem cơm thịt, ăn uống no nê. Xong rồi, Bao Hưng thưa cùng Bao Công rằng: "Xin thầy ở đây, để tôi đi kiếm cậu tôi, mượn tiền mua lừa và sắm đồ hành lý". Bao Công gật đầu, Bao Hưng chạy xuống nhìn kỹ hiệu quán là Vọng Xuân lầu, để lúc trở lại đừng nhầm. Bao Hưng ra đi, bụng tính kiếm chỗ vắng vẻ sẽ cởi giầy và áo lót ra bán lấy tiền, về nói dối là của cậu mình cho. Đi dông đi dài một hồi, mình đổ mồ hôi, lại thấy một đám đông người đứng chùm nhum, kẻ xem người ngóng như có cuộc gì vui lắm vậy. Bao Hưng liền chạy tới, chen vào, không thấy gì lạ hơn là một tờ giấy trải trên mặt đất, nét chữ rõ ràng, vừa nghe người đứng một bên đọc lên rằng: "Lời cáo bạch cùng hiền nhân quân tử ở tứ phương được rõ: Nguyên con gái ông họ Lý ở làng Ẩn Dật, bị yêu mị khuấy phá, nếu ai có tài chữa bệnh đuổi tà ông sẽ tạ ơn ba trăm lượng bạc, quyết chẳng nuốt lời ". Bao Hưng biết rõ chuyện rồi, trong bụng nghĩ thầm rằng: "Nay chúng ta đương cơn cùng khốn, cũng nên lại đó cầu may, nếu được thì có tiền đi đường, không thời ăn chực vài ngày cũng đỡ". Nghĩ vậy liền lần tới người giữ cáo bạch.

Đó thật là:

Lúc khốn gặp nhằm cơ hội tốt,

Khi cùng nghĩ kịp trí mưu hay

/100

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status