Tháng tư là lời nói dối của em

Chương 1: Back To April

/1


Chương 1 : Back To April

Đó là vào một ngày cuối tháng tư thời tiết trong lành và mát dịu như vị một trái mơ chua. Hoa mơ rụng trắng núi rừng như tuyết tan giữa mùa hè, rải khắp các lối đi, con đường có thể dẫn lên đỉnh núi Rimpaxala, ngọn núi cao nhất vùng Tây Bắc này.

Trên đỉnh núi là thánh điện của một vị thần mẫu linh thiêng nhất vùng, là người bấy lâu nay chấn giữ sự bình yên cho dân làng, khiến cho đồng ruộng không bị hạn hán, mất mùa hay đói kém, gia súc trong vùng nuôi luôn béo khỏe, tốt tươi.

Trước nay điện vẫn chỉ được biết tới trong làng, bỗng một ngày sự việc một cặp vợ chồng hiếm muộn ngoài Bắc trong một lần tình cờ đến du lịch đã ghé thăm điện thờ Thánh Mẫu, trước đó họ cũng đã đi nhiều nơi, đều rất thành tâm cầu xin mà chưa thấy kết quả thì lần này khi đi về được khoảng 2 tuần không biết sao lại có "tin vui". Bọn họ vui mừng khôn xiết, đem câu chuyện này kể cho bạn bè, người thân, còn làm thành một "topic" rất hot trên mạng xã hội, thu hút được hơn 10k lượt like và rất nhiều bình luận của mọi người, khiến cho điện thờ này bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Sau đó, tiếng lành đồn xa, những tình nguyện viên ngoài đồng bằng đến Tây Bắc này làm tình nguyện, hầu hết đều là những sinh viên trẻ đang độ tuổi thanh xuân khi đến đền Thánh Mẫu này cầu duyên lúc trở về đều rất đạt mãn nguyện, dần dần nơi đây bắt đầu trở thành một trong những địa điểm cầu duyên "thiêng" nhất miền Bắc, mỗi năm thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm, kinh tế cũng vì thế mà trở nên phát triển hơn trước.

Dù kinh tế đã phát triển hơn nhưng giáo dục ở vùng này vẫn chưa mấy phổ biến. Cả xã mà chỉ có đúng 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Mỗi lớp chưa tới mười người. Ở đây, được cho đi học hẳn phải là những gia đình giàu có nhất làng, có trâu đầy chuồng, thóc đầy kho, nước suối lúc nào cũng có người làm chất đầy trong những chum đồng trước cửa nhà.

Nhà tôi tuy không phải hộ giàu nhất làng, nhưng cũng có trâu đầy chuồng, thóc đầy kho, nước suối có đầy đủ, tuy chẳng là gì so với những gia đình ở thành phố, nhưng ở dưới quê như thế cũng có thể gọi là đủ ăn. Khác với các gia đình miền núi khác, ba mẹ tôi đã rất chú trọng mà cho tôi được ăn học đầy đủ, không kém gì những người ở phố, từ lớp một cho đến tận hết năm lớp 12. Đó là một điều mà không phải con em nào trong xã cũng có được, thậm chí, lớp của tôi hiện tại tính cả khối mới được có 4 người, nên cả 4 người đều đã nhận được học bổng của một tập đoàn công nghệ thông tin nổi tiếng trao tặng suất học bổng "Đèn đom đóm", là học bổng đặc cách được nhận vào trường mà không cần phải trải qua kì thi đại học khắc nghiệt như người khác, thậm chí học phí suốt 4 năm học cũng được tài trợ hoàn toàn, nhưng bù lại phải làm thêm cho công ty trong quá trình học tập coi như một hình thức "trả nợ".

Nhận được tin này, ba mẹ tôi rất vui, liền nướng một con heo sữa to tướng ăn mừng với cả làng suốt 3 ngày 3 đêm mới tan, hương rượu mơ cứ thế nồng nàn bay khắp nhà.

Nhưng đối với tôi, sự kiện ấy không đơn thuần chỉ là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mà còn là ngày mà tôi gặp lại người đó.

Dưới tán anh đào chíu chít những chùm quả chín mọng, tôi có thể nhìn thấy người đó bước xuống từ trong chiếc "hộp" ( mà sau này tôi mới biết là xe ô tô ) màu vàng chanh, lấp loáng, xa xôi tựa như đến từ một thế giới khác, hoàn toàn không ăn nhập gì với khung cảnh nhà sàn, những nương ngô bát ngát và những chuồng chăn nuôi gia súc xập xệ của nơi đây.

Tôi khi đó vẫn còn là một thiếu nữ tuổi mười năm đang chập chững bước vào tuổi cập kê, hai má như hai cánh hoa hồng ửng đỏ, mặc chiếc váy thổ cẩm mẹ thêu tay tỉ mỉ, đeo hoa tai màu mè, len lén nhìn trộm người mới đến từ thành phố, tất cả quần áo đến trang sức đều lạ lẫm, hoàn toàn là những thứ trước nay tôi chưa từng thấy bao giờ. Người đó dáng đứng anh tuấn như một cây tùng hiên ngang trong tuyết, khuôn mặt với các nét thanh tú đến nỗi khiến tôi chợt ngẩn ngơ.

Xung quanh người ấy có đến 3 4 người mặc đồ đen khác, hộ tống vào tận bên trong nhà sàn.

Ba mẹ tôi từ trong nhà ra tiếp đón rất nồng nhiệt. Lúc này, họ mới bắt đầu cất tiếng gọi tôi. Tôi núp sau rặng anh đào chỉnh chang lại mái tóc, sau mới chạy lại.

Nghe ba giới thiệu là "khách du lịch ngoài Bắc" ghé chơi, tôi dẫn họ đến căn phòng nghỉ của khách mà ba đã kêu dọn dẹp từ 2 hôm trước. Dù trống trong tim vẫn đánh lô tô, tôi vẫn cố giữ vẻ mặt thản nhiên như thường ngày bảo với họ :
- "Đã có nước nóng. Các vị từ phương xa đến đây chắc đều đã mệt mỏi, hãy thưởng thức một chút hương vị nước khoáng tự nhiên được tôi lấy từ suối nguồn Rimpaxa của vùng này"

Người ấy nhìn tôi gật đầu cười, tỏ ý đã hiểu. Tôi vì một nụ cười ấy mà cả người bỗng run lên, khuôn mặt thì ửng đỏ, sợ bị phát hiện, tôi lấy lí do phải đi xem nồi cơm trên bếp, liền nhanh chóng xin cáo từ.

Lúc vào bếp, trống đánh lô tô trong ngực vẫn còn. Tôi cho thêm củi vào bếp con heo sữa đang quay, sẵn tiện bỏ vào đó thêm vài củ khoai lang.

Bữa tối đó, căn nhà lại nồng nàn hương rượu mơ. Con heo sữa được đặt ở chính giữa sàn, những món đặc sản khác thì được bày xung quanh.

Tôi nhân lúc mọi người đang chuẩn bị bữa tối liền bê đĩa khoai lang nướng, đến khu nhà ở của khách. Nhưng chưa kịp bước chân vào, thì đã bị tên mặc đồ đen này giữ lại, vẻ mặt hắn có phần cảnh giác :
- "Đồ ăn này là gì đây, tại sao lại không mang lên trên ( ý là trên bàn cho mọi người cùng ăn )"

Tôi phân trần :
- "Có chút đồ ăn vặt muốn mang lên quí khách, không phải món ăn tối"

Người mặc đồ đen ấy liền phủi tay :
- "Cậu chủ không hay ăn vặt. Cô mang đi đi"

Đúng lúc tôi đang chuẩn bị quay về thì một giọng nói trầm ấm vang lên :
"Không sao đâu. Để cô ấy mang vào nhà đi, tôi thích ăn khoai lang nướng lắm."

Người ấy đứng đằng xa, vẫn nụ cười ấm áp như lần đầu tiên, tựa mặt trời mới lên đầu núi, khiến lòng tôi bỗng chốc như có một cơn mưa cánh hoa đào rụng lả tả. Tôi cúi thấp mặt, chỉ mong trời tối sẽ không làm lộ ra hai bên má đang dần nóng ran lên của mình.

Lúc quay ra, tôi còn nhớ rõ, trên bầu trời đêm hôm ấy, trăng ngày 15 sáng lấp lánh, dường như đang mỉm cười.

Hương rượu mơ nồng nàn trên bếp, mùi cơm chín tỏa hương thơm khắp gian sảnh chính. Con lợn sữa vàng ươm, những món đặc sản từ thịt núi rừng tươi hấp dẫn được bày xung quanh.

Người đó ăn rất nhiều, nhưng phong thái và cử chỉ đều rất từ tốn, nhìn thế nào cũng  khác với những người miền núi như chúng tôi, vô tình đã tạo nên một bức tranh tương phản đầy khắc nghiệt.

Tôi có lẽ không phải người duy nhất nhận ra điều đó. Vì thế, ban đầu cuộc nói chuyện trên bàn ăn còn có phần xa cách, gượng gạo. Nhưng người ấy là người luôn biết cách khiến người ta cảm mến, ba mẹ tôi dần dần cũng xóa đi khoảng cách lúc ban đầu, nhiệt tình kể cho cậu nghe những chuyện của vùng Tây Bắc này.

Tôi cảm thấy trong mình vài phần chua xót, liền bưng ly rượu lên nhấp một lúc mấy ngụm, bên tai chỉ còn tiếng lửa reo bập bùng, rồi cứ miên man suy nghĩ riêng, không để ý gì đến câu chuyện đang diễn ra xung quanh nữa.

Chỉ nhớ là họ đã trò chuyện đến tận đêm khuya, khi trăng đã già, tiếng gà gáy canh ba cất lên, lúc này tiệc mới tan.

Đêm hôm đó, tôi trằn trọc một không ngủ, nghĩ thế nào lại dậy bỏ thêm một viên mỡ vào đĩa đèn sáng, sau đó ngồi ngay ngắn trên bàn học cho đến tận khi gà gáy canh năm.

Sáng hôm sau, tôi từ sớm lên nương vặt ngô. Từ đằng xa bỗng có tiếng gọi, "A Hành", tôi quay lại, phát hiện ra Thập Thất đang đứng sau lũy tre. Anh chàng này là con nhà hàng xóm, từ nhỏ đến giờ đã lớn lên cùng tôi, có thể xem như một người anh trai vô cùng thân thiết.

Thập Thất lững thững bước theo sau, nước da anh nâu bóng màu đồng của một thanh niên thuộc về đồng ruộng. Nhà anh là con trưởng làng, chính xác là nhà giàu nhất vùng, ba mẹ anh cũng giục anh đi học từ sớm như tôi, nhưng anh lại không có chí học hành, thường hay trốn học ra ruộng, nên chẳng học hết lớp 3, anh đã trở thành một lực điền trụ cột của gia đình.
Anh vừa đi vừa khẽ giật giật một bên tóc tết của tôi :
- "Nhà em có khách đến chơi à ?"

Tôi mỉm cười trả lời :
- "Hình như là người đồng bằng"

Thập Thất liền bĩu môi che bai :
- " Mẹ khiếp ! Anh chúa ghét mấy thằng từ thành phố, cậy mình ra vẻ huênh hoang này nọ, toàn là những tên ẻo lả chẳng được tích sự gì"

Tôi chỉ mỉm cười lắng nghe.

Ra đến ruộng, tôi bẻ những trái ngô non, vẫn còn tươi nguyên hạt, bỏ vào rổ.

Thập Thất lững thững giúp tôi phía sau. Anh nói một tràng dài, nghe đâu con trai ông chủ tịch một tập đoàn lớn đến vùng này làm từ thiện mấy ngày, trưởng làng là ba anh đã sắp xếp đón tiếp cho nhà tôi. Vì vậy mà ba mẹ mới quay lợn sữa, đục hẳn bình rượu mơ ngâm mười năm trong bếp ra đón tiếp, thì ra là một vị khách quí như vậy. Tôi nhớ lại.

Thập Thất nói nhiều, nhưng chủ yếu đều là chê bai :
- Anh thấy cậu ta là người thành phố mà xấu hoắc, con trai gì mà da trắng dớt như con gái, thấy mà ớn ! Chắc cho cậu ta cũng chẳng thể làm nổi công việc đồng áng này của bọn mình. Em thấy có đúng không ?

Tôi cắm cúi vào đống ngô mà không bình luận gì.

Thấy vậy, Thập Thất càng dai hơn :
- Người đồng bằng ỷ thế là người đồng bằng rồi khinh thường dân miền núi như chúng ta, thật chẳng coi ai ra gì. Người đồng bằng thì sao chứ, chắc gì nhà nó đã giàu hơn nhà anh ?

Thấy tôi vẫn không trả lời, Thập Thất cuối cùng giật phăng chiếc rổ ngô trên tay tôi, giận dữ quát :
- Em có nghe thấy anh nói gì không hả ? Hay là em cũng thích thằng nhãi đó chứ gì ?

Tôi chỉ nhẹ nhàng đáp :
- "Trả lại cho em "

Thập Thất lúc này mặt đã đỏ gay, giống như một hòn than ủ lâu trong bếp củi, cuối cùng cũng bùng cháy :
- Thì ra em cũng giống như những đứa con gái tầm thường khác trong làng, đều hám hư vinh cả thôi. Ngay từ đầu anh biết em chăm chỉ học cũng chỉ vì muốn lên thành phố thôi, có đúng không ? Em chán ghét cái vùng hẻo lánh này nên muốn theo thằng đó đúng không ? Em thật hoang tưởng, em nghĩ em là ai, thằng đó nó là người thành phố sao nó phải để ý đến một đứa dân tộc như em, nó sẽ chẳng quan tâm đến em đâu. Em thật là đáng thương !"

Tôi giật lại chiếc rổ từ tay anh, dường như cũng hét lên :
- "Chuyện của em không liên quan đến anh. Anh mới là người đáng thương !"

Tôi chạy đi, rồi không biết mình đã chạy theo con đường nào mà đến được Rimpaxala, nơi thờ Thánh Mẫu. Tôi đi bộ suốt 2 tiếng đồng hồ để lên được đỉnh núi, lúc đến nơi cũng đã gần xế chiều.
Tôi ngồi trên một mỏm đá, phóng tầm mắt ra xa, nơi này chính là đỉnh của Rimpaxala, cũng nơi cao nhất Tây Bắc.
Dưới kia, những căn nhà sàn chỉ còn là những chấm nhỏ giống như những vì sao điểm xuyết trên bầu trời đêm, còn phía xa xa chính là thảo nguyên bát ngát xanh tươi.

Nơi này chính là thế giới của tôi !
Thập Thất nói không sai, tôi muốn ra thành phố ! Học hành chăm chỉ cũng vì muốn ra thành phố ! Dù chưa bao giờ thừa nhận nhưng ý định này vẫn luôn như mạch nước ngầm âm thầm chảy trong núi Rimpaxala kia, chưa bao giờ ngừng lại.
Và tôi đang ảo tưởng, tôi đúng chỉ là một cô gái miền núi quê mùa, chỗ người đó có thiếu gì những cô gái đẹp, người đó há lại phải thích một cô gái như tôi sao. E chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nhưng ảo tưởng thì sao, tôi chấp nhận ảo tưởng ! Dù biết vì sao trên cao kia không hái được tôi vẫn muốn đưa tay lên hái thử một lần, chẳng những không làm tay mình bẩn mà còn có không phải hối tiếc !
Một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên từ đằng sau :
- "Hoàng hôn đẹp thật đấy, em có muốn uống một ít rượu mơ không ?"

Tôi giật mình quay lại, thì ra anh đã đến ngồi xuống bên cạnh từ lúc nào. Anh không hề nhìn tôi mà phóng tầm mắt ra xa.

Sau cùng, tôi đành hỏi một câu mà bản thân tôi cũng rất tò mò câu trả lời :
- "Anh thấy nơi đây thế nào ?"

Anh chỉ trả lời :
"Bình yên quá. Đôi khi bình yên thế này cũng là một loại hạnh phúc"

Tôi hỏi tiếp :
- Anh thấy thích nơi này chứ ?

Anh mỉm cười :
- Có lẽ vậy.

Tôi được nước lấn tới :
- Nếu thích anh có thể ở lại đây luôn.

Tôi biết mình không nên hỏi câu này, nhưng một lời nói ra quyết không thấy hối hận.

Anh nhìn tôi bật cười :
- "Anh còn có gia đình, bạn bè ở kia. Anh không thể bỏ họ mà đến đây được."

Rốt cuộc vẫn là như vậy. Tôi đã từng hỏi câu này với nhất nhiều những vị khách khác nhau, "Bạn có thích nơi này không ?", hầu hết bọn họ đều trả lời là "có", nhưng khi tôi hỏi "Nếu thích sao bạn không ở đây luôn ?" thì luôn luôn là những câu trả lời "Tôi còn có gia đình" " tôi còn công việc của mình", họ đều thích nơi này nhưng lại chẳng ai chịu đến sống ở đây.

Tôi thở dài :
- Em biết mà. Anh đâu có thích nơi này.

Anh nhìn tôi cười.
Rồi hỏi lại tôi :
- Vậy còn em có thích nơi này không ?

Tôi có thích nơi này không ? Tôi thích nơi này ! Nhưng tôi sẽ không ở đây mãi mãi, tôi chỉ biết như thế, nhưng tôi không ghét nơi này. Vậy là tôi thích hay tôi ghét ...
-" Chỉ là bình yên đôi khi cũng làm cho cuộc sống nhàm chán ..."

Anh cười.
- "Em muốn lên thành phố không ?"

Tôi nhìn sâu vào con ngươi của mắt anh, thấy một bản thân kiên quyết, tôi biết câu trả lời này của mình, quyết không hối hận:
- "Có !"
Anh mỉm cười, rót một ly rượu mơ, đưa cho tôi :
- "Vậy uống đi, nếu em biết mình muốn gì thì em cũng sẽ đạt được nó thôi !"

Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh lúc tôi mười lăm tuổi, lần thứ hai là trong buổi lễ trao học bổng toàn phần của công ti nọ, khi đó tôi đã là một thiếu nữ mười tám đôi mươi.

Dáng hình của anh vẫn anh tuấn như xưa, khuôn mặt của anh vẫn như trong trong ngàn giấc mộng của tôi.
Thời gian đã 3 năm trôi qua như con thoi, nhưng dường như chỉ có thời gian là thay đổi.

Anh đứng trước mặt mỉm cười với tôi, đại diện cho công ty tận tay trao cho tôi suất học bổng của công ty anh.

Tôi nhìn vào đôi mắt ấm áp ấy mỉm cười mà trái tim đã trở nên giá lạnh. Cảm giác của tôi không hề giống với niềm hân hoan của 3 người được nhận học bổng kia...
Vị đắng tràn lên từ cuối họng làm tôi nhớ lại vị đắng trong bữa cơm chiều ngày hôm đó. Giữa chúng tôi là hai thái cực đối lập, là một khoảng cách giai cấp xa vời, liệu cứ chạy, kiên trì chạy như thế này, có một ngày tôi có thể rút ngắn được khoảng cách ấy ? Hay cứ chạy, càng chạy, khi sắp đến được vị trí đó thì bỗng nhận ra người ta đã không còn ở đó từ rất lâu rồi...


/1

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status