Dương Qua ngồi tận sâu xa, vừa trông thấy anh em họ Võ xông ra đánh với Hoắc Đô thì cười thầm trong bụng :
- Không biết hai anh em này liều thân ra đánh với Hoắc Đô Vương tử là vì nòi giống Hán tộc hay là để làm hài lòng một giai nhân là Quách Phù cô nương ? Bảo rằng bọn bay vì nòi giống mà ra tay thì không thể nào mà tin được ! Vì trên đời này không có gì to tát hơn mối thù giết cha giết mẹ ( ? ) . Nếu hai anh em bây có chút khí khái thì đã đi tìm Lý Mạc Thu mà trả thù rồi, có lý nào ở đây đóng vai trò nô bộc để làm vừa lòng ý trung nhân ? Trên thiên hạ biết bao nhiêu kẻ khoác áo nhân nghĩa , lợi dụng mục đích phục vụ dân tộc để âm mưu làm lợi riêng cho mình ! Chẳng hiểu hai anh em nhà ngươi có khi nào thầm nghĩ mà tủi thẹn với hai cái tên đẹp đẽ "Đôn Nho" và "Tu Văn" hay không ? Mang danh Văn, Nho mà cứ cam tâm đi làm tôi đòi cho một cô gái còn hơn cả cha mẹ mình. Huống chi cả hai anh em ruột mà cùng yêu thương một cô gái thì thật quả là vô luân. Nếu họ không loạn luân một cách công nhiên thì cũng ít ra đã loạn luân về mặt tư tưởng và tinh thần rồi . Thật đáng trách và cũng thật đáng phàn nàn vậy !
Trong lúc Dương Qua trầm ngâm suy nghĩ về mục đích và tư cách của anh em họ Võ thì Quách Tỉnh, Hoàng Dung và bao nhiêu anh hùng trong đại yến thảy đều quan tâm đến cục diện trận chiến dang diễn ra phía dưới.
Nguyên trong khi đối đáp, anh em họ Võ thấy Hoắc Đô mằng mình là bọn con nít, miệng còn hôi sữa thì trong lòng đã oán hận và thẹn thùng vì lời nói thốt ra trước mặt người đẹp. Hơn nữa, vừa rồi thấy Hoàng Dung đoạt cây gậy trúc trong tay Hoắc Đô một cách quá dễ dàng, thì cả hai đinh ninh rằng gã này tài nghệ cũng không bao nhiêu, nên trong lòng cũng đã có ý khinh thường rồi. Huống chi cả hai đã mang danh là môn đệ của Quách Tỉnh đại hiệp, lúc này cùng nhau hợp lực tấn công hắn, cho dù không thắng nổi cũng thể để bại được.
Phàm trâu nghé chưa biết sợ cọp, nên hai người vung gươm tấn công Hoắc Đô Vương tử. Nhưng phàm ở đời có tiếp xúc với thiên hạ mới biết rõ tài năng của mình, chứ quanh năm cứ quanh quẩn trong nhà để so sánh với Quách Phù và bao nhiêu người mới nhập môn thì lúc nào cũng chủ quan tự cho mình là tài giỏi hơn ai hết. Hôm nay chạm trán với Hoắc Đô cũng là một dịp để nhìn xa hơn chút nữa.
Sau vài chiêu đánh đỡ, hai thanh trường kiếm của anh em họ Võ đã dần trở nên vụng về chậm chạp, không giữ vững được bình tĩnh như trước, thỉnh thoảng lại bị rối loạn. So với hai người, tài nghệ của Hoắc Đô cao hơn một bậc rất xa.
Hoắc Đô cũng muốn nhân dịp này trổ tài cho quần hùng trông thấy, nên giả vở luống cuống sơ hở, để Võ Tu Văn đâm vào một kiếm, rồi xuất kỳ bất ý, y cầm quạt điểm ngang vào thanh trường kiếm kêu "keng một tiếng rất to, thanh trường kiếm đã gãy thành hai đoạn .
Hai anh em họ Võ hoảng hốt, mất cả bình tĩnh. Võ Tu Văn sợ hãi vội bước lùi ra sau. Võ Đôn Nho sợ em bị tập kích theo nguy tới tánh mạng , nên vội đưa trường kiếm ra ngăn cản Hoắc Đô, không cho đuổi theo.
Lập tức Hoắc Đô vung quạt hất mạnh lên nhằm ngay thanh kiếm.
Võ Đôn Nho cảm thấy hình như có một luồng điện mạnh làm tê rền cả tay. Thanh trường kiếm bị đánh tung lên trên không như một lằn điện xẹt, văng tuốt ra đằng sau rất xa.
Tuy sợ hãi, nhưng quá uất ức và thẹn thùng, anh em họ Võ quyết không bỏ chạy, cố đứng lại dùng quyền cước đấu cùng Hoắc Đô.
Võ Đôn Nho dùng tay trái án ngữ trước bụng , còn tay phải quay ra sau lưng, tung một chưởng trong "Giáng Long Thập Bát Chưởng" tấn công Hoắc Đô. Còn Võ Tu Văn thì dùng tay trái che trước ngực, chìa ngón trỏ thẳng về phía trước, tay phải cũng vòng ra phía sau lưng, áp dụng thuật "Nhất Dương chỉ" để đối phó.
Thấy cả hai đã mất hết binh khí mà vẫn còn hiên ngang dùng quyền chưởng chống đỡ, Hoắc Đô không dám xem thường, chú ý dùng những đòn tuyệt kỹ để nghênh chiến, trong lòng suy nghĩ :
- Ta thắng chúng quá rõ rệt rồi, và thắng một keo cũng đủ rồi, cần gì phải đi đến nước cuối cùng cho nhọc thân vô ích.
Nghĩ vậy, y chắp tay vái một cái rồi cười ha hả nói lớn :
- Xin mời hai vị về nghỉ ngơi dưỡng sức. Chúng ta đấu cùng nhau cốt để thử tài cao thấp chứ nào phải phường đạo tặc mà hòng giết chóc lẫn nhau như thế ?
Lời nói thốt ra có vẻ từ tốn dịu dàng, nhưng bao hàm một ý nghĩa mỉa mai khinh miệt và khí phách.
Hai anh em họ Võ quá xấu hổ, nóng bừng cả tai, trong lòng muốn ra đánh nữa cho hả giận, nhưng không tiện ra tay vì thiếu binh khí. Muốn dùng chưởng lực, điểm huyệt thì Hoắc Đô lại không chịu xáp lại gần. Vì vậy cả hai đành lẳng lặng rút về chỗ khác chứ không trở lại chỗ Quách Phù lúc trước nữa.
Quách Phù cảm thấy thương hại, bèn chạy lại bên cạnh an ủi :
- Thôi, hai anh đừng buồn nữa. Hãy hợp sức cùng em, ba chúng ta cùng tấn công hắn để giành thắng lợi về mình.
Quần hùng chăm chú theo dõi hành động của ba người, không ai nói gì hết.
Nói xong, Quách Phù tuốt kiếm nhảy ra nói lớn :
- Anh em chúng ta quyết tâm sống mái một trận cuối cùng với tên Hung Nô Mông Cổ này.
Nhưng Quách Tỉnh đã thét lớn :
- Phù nhi ! Không được vỗ lễ, chớ làm huyên náo như thế !
Quách Phù lúc nào cũng kính nể cha, cho nên khi Quách Tỉnh vừa quát mắng, nàng đã sợ hãi rút lui ra sau, tra gươm vào vỏ ngay, nhưng đôi mắt phượng vẫn gườm gườm nhìn thẳng về phía Hoắc Đô Vương Tử.
Thấy một nữ lang xinh đẹp chăm chú nhìn mình, Hoắc Đô vui vẻ gật đầu mấy cái rồi cười mơn nói :
- Nếu cô nương không thoả mãn lúc ban ngày ban mặt, không phải lỗi về phần tôi đâu nhé. Vậy xin chờ đêm tới, Tiểu Vương sẽ xin hầu tiếp cô nương.
Quách Phù tức quá, trợn mắt nhìn hắn rồi nhổ nước miếng trên cỏ tỏ vẻ khinh bỉ rồi quay đầu bỏ đi.
Bị đại bại trước Hoắc Đô, anh em họ Võ chỉ ngại Quách Phù nhạo báng. Nhưng khi thấy nàng không những không có cử chỉ nhạo báng mà còn có ý ủng hộ thì cả hai yên tâm hơn, quên cả thất bại vừa rồi.
Hoắc Đô phe phẩy chiếc quạt nói :
- Bên tôi có cả thảy ba thầy trò. Sư phụ, sư huynh và tôi đang chờ một trận tranh tài xứng đáng. Mấy trận vừa qua chẳng qua chỉ là một dịp qua quít cho vui, không có gì đáng kể, xin bỏ qua cũng được. Bây giờ xin Quách đại hiệp vui lòng chọn người xứng đáng để ra thử tài cao thấp, kẻo để tình trạng như từ nãy đến giờ thì chán quá.
Quách Tỉnh sực nhớ lại vừa rồi Hoàng Dung nói là sẽ đề cử một ngừoi có đủ khả năng chiến thắng thì đoán là vợ mình đã tìm ra kế hay cho nên yên tâm tin tưởng, lớn tiếng nói :
- Được rồi, chúng tôi sẽ đề cử người xứng đáng ra tranh tài, ai thắng sẽ được giữ ngôi Minh chủ võ lâm, khỏi cần thúc hối làm gì.
Hoắc Đô Vương tử nghĩ bụng :
- Cứ xem lực lượng bên ấy thì chỉ có Quách Tỉnh là người đáng sợ hơn hết. Nhưng y đối với sư phụ ta chắc không thấm vào đâu. Hoàng Dung thì thân pháp cũng có vẻ kỳ diệu lắm, nhưng bà ta đang trong thời kỳ thái nghén, sức khỏe chẳng đầy đủ, thành thử không đáng quan tâm lắm. Trừ hai mạng này ra, ta xét thấy không còn tay nào đáng kể nữa.
Đoán ngầm thấy chắc ăn, Hoắc Đô lớn giọng nói :
- Xin quý vị khỏi nhọc công lo lắng chọn lựa nữa cho tốn thời giờ. Nếu bên ấy nhắm theo không được thì xin cứ chịu thua và nhường chức MInh chủ võ lâm lại cho chúng tôi thì hơn, mà còn giữ được tình hoà khí.
Toàn thể quần hùng thấy Hoắc Đô vừa đánh bại Lỗ Hữu Cước nặng nề và hạ luôn cả hai anh em họ Võ thì đã có phần kiêng nể nên ai nấy thảy đều chờ mệnh lệnh của Hoàng Dung chứ không lên tiếng như trước nữa.
Hoàng Dung quay sang hỏi Hoắc Đô :
- Có phải túc hạ ra điều kiện là keo thứ nhất túc hạ so tài , keo thứ hai đến phiên lệnh sư huynh, và keo chót là do lệnh Tôn sư, có phải như vậy không ?
Vừa thắng luôn hai keo, Hoắc Đô đã có ý xem thường phe địch nên Hoắc Đô điềm nhiên đáp :
- Đúng như vậy,.Tôi muốn theo lệ mới là để cao đấu với cao, thấp đấu với thấp cho xứng vai xứng vế, và cũng không ai phiền trách chỗ nào được, dù được hay thua cũng công bằng hết. Chừng ấy đôi bên không bên nào được oán hận.
Nghe nói xong, Hoàng Dung thấp giọng nói với quần hùng :
- Nếu như vậy thì phe mình ăn chắc đi rồi, xin anh em cứ tin tưởng....
Quách Tỉnh vội hỏi :
- Căn cứ vào đâu mà em dám chắc chắn là sẽ nắm phần thắng lợi như vậy ?
Hoàng Dung ghé tai ông nói nhỏ :
- Dùng ngựa hay của ta đua với ngựa thường của họ. Sau đó đem ngựa thường của mình đua với ngựa kém của người ta. Đó là phương pháp đua ngựa mà xưa kia Điền Kỵ đã áp dụng để thắng vua Tề đoạt giải ngàn vàng đó !
Quách Tỉnh không phải là người học rộng về văn chương điển tích, còn ngẩn ngơ chưa hiểu ý ra sao, thì Hoàng Dung lại ghé vào tai ông nói tiếp :
- Ông vốn là người tinh thông binh pháp, há lại quên chuyện Tôn Tẫn chân nhân dạy về diệu pháp rồi sao ?
Vừa nghe vợ nói, Quách Tỉnh bỗng sực nhớ lại lúc thiếu thời nghiên cứu Võ mục di thư có một đoạn ghi rằng :"Đại tướng nước Tề là Điền Kỵ đua ngựa với vua Tề,đánh cuộc ngàn vàng. Điền Kỵ tới thỉnh kế Tôn Tẫn chân nhân thì người dạy rằng : Lúc đầu đem ngựa kém đua với ngựa giỏi của vua. Như vậy vua thắng keo đầu nhưng phải thua hai keo sau. Ta thua một thắng hai tức là đã thắng rồi. Như thế làm sao không ăn giải được ?"
Khi nghe Hoàng Dung nhắc lại, ông chợt nhớ ra câu chuyện đó, bèn vỗ đùi khen hay và trong bụng đinh ninh thế nào vợ mình cũng có mưu kế để thắng bọn Hoắc Đô Vương tử.
Lúc bấy giờ, Hoàng Dung quay sang bên phải nói :
- Chu sư huynh, với thuật " Nhất dương chỉ", nhất định sư huynh phải thắng đứt tên Hoắc Đô vương tử rôi phải không ?
Nguyên Chu Tử Liễu là một thư sinh nước Đại lý, trước đây thi đỗ Trạng nguyên làm quan phò Đoàn Nam Đế nước Đại Lý, sau lên tới chức quan Tể Tướng, tột phẩm công thần. Vốn là bậc quân tử tài ba, kiến thức hơn người. Khi mới nhập môn cùng Nhất Đăng đại sư , ông đứng hàng thứ năm, sau Ngư, Tiều, Canh, Độc. Nhưng cách mười năm sau, ông đã vượt lên đứng hàng thứ hai. Càng ngày, võ công của ông càng tiến bộ bao nhiêu thì ông lại càng ôn hoà thuần hậu bấy nhiêu, chứ không bao giờ ỷ mình giỏi mà khinh thường người khác. Vì có đặc tính đó mà Nhất Đăng đại sư tín cẩn thương mến, dốc lòng truyền hết võ công "Nhất dương chỉ" cho.
Về thuật "Nhất dương chỉ " Quách Tỉnh và Hoàng Dung chẳng những kém hơn Chu Tử Liễu mà ngay cả bọn Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Hách Đại Thông ... là những võ lâm tiền bối cũng còn thua xa.
Vốn là người lòng dạ ngay thẳng chất phác, nên khi nghe Hoàng Dung nói, Quách Tỉnh đã gật đầu đáp luôn :
- Cứ so sánh tài nghệ thì Chu sư huynh có thể ăn đứt Hoắc Đô , phần tôi thì cũng có thể đánh bại được Đạt Nhĩ Ma, nhưng điều đáng ngại là không biết Hách sư thúc có cự nổi với Kim Luân Pháp Vương hay không ? Chúng ta nên thận trọng mới được.
Hách Đại Thông xưa nay vốn là người hào khí nghĩa hiệp, biết rõ cuộc đấu võ hôm nay sẽ quyết định tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, chứ không phải là một cuộc so tài bình thường trong võ lâm. Nếu phe mình để ngôi Minh chủ rơi vào tay Kim Luân Pháp Vương thì bao nhiêu anh hùng Hán tộc sẽ bị chúng nó tiêu diệt dần dần hết. Như thế còn thể nào nói tới chuyện kháng Mông Cổ cứu quốc nữa.
Suy nghĩ xong, ông vuốt râu khẳng khái nói :
- Nếu việc này có lợi cho nước nhà , dân tộc thì dù thân già này có bị ác tăng bằm làm muôn mảnh ta cũng sẵn sàng hy sinh không hề tiếc.
Hoàng Dung nói :
- Như kế đã định sẵn, chúng ta chỉ cần thắng hai keo mà thôi, cho chúng nó thắng một keo cũng chẳng sao. Cứ theo tôi thì keo thứ ba không quan hệ mấy.
Quách Tỉnh nghe nói mừng quá cười lớn bảo :
- Hay quá, mưu kế quả là hay tuyệt !
Chu Tử Liễu tươi cười nói :
- Trong ba keo này, chỉ keo của tôi là nặng nề nhất. Nếu phen này mà không thắng nổi Vương tặc Mông Cổ thì đời sau thiên hạ phỉ nhổ lên thân xác, và không còn mặt mũi nào nhìn anh hùng hảo hán Trung Nguyên nữa.
Hoàng Dung tìm lời trấn an :
- Xin sư huynh đừng bi quan quá, không có chuyện chi đáng ngại hết. Vậy sư huynh cứ yên tâm ra chiến đấu đi !
Chu Tử Liễu khoan thai bước xuống vái Hoắc Đô Vương tử rồi lễ phép nói :
- Theo sự phân công trong nội bộ thì hôm nay tại hạ được hân hạnh lãnh giáo điện hạ keo này. Kẻ hèn này tên Tử Liễu, họ Chu, người ở Côn Minh thuộc xứ Vân Nam, vốn là đệ tử của Nhất Đăng đại sư. Bình sinh vốn ham mê văn chương thi phú, võ nghệ không tinh thông bao nhiêu. Vì vậy, hôm nay trong cuộc so tài cùng điện hạ , nêu có điều gì sơ suất, xin điện hạ vui lòng miễn chấp cho. Kẻ hèn này xin có lời cảm tạ trước.
Nói xong, ông rũ tay áo lấy ra một cây bút , cầm tay đưa thẳng lên trời vẽ luôn mấy vòng, rõ ràng là tác phong của một nhà nho không khác.
Hoắc Đô nghe giọng nghĩ bụng :
- Kẻ này nói năng lễ độ từ tốn khiêm cung, chắc bản lãnh phải cao siêu, tài ba xuất chúng. Ta cần phải để phòng mới được.
Nghĩ vậy, y vòng tay đáp lễ và nhỏ nhẹ nói :
- Tiểu Vương chưa có dịp được tiếp kiến và học hỏi lão tiền bối, không hiểu lão tiền bối quen sử dụng loại binh khí nào ?
Chu Tử Liễu cười ha hả nói :
- Mông Cổ là nước man di thiếu chữ nghĩa, văn chương, nên nhân tiện đây ta muốn dùng văn chương chữ nghĩa mà chỉ điểm cho một ít.
Hoắc Đô nghe nói, trong lòng giận sôi, suy nghĩ :
- Quân này láo thật. Hắn muốn dùng danh từ kiêu ngạo để mạ lỵ Đại Mông Cổ ta, Sự xáo láo này không thể tha thứ được. Phen này ta phải kết liễu mạng sống của hắn cho bọn này biết tay mới được !
Tuy nhiên, hắn cũng dằn lòng nói nhỏ nhẹ :
- ý tôi muốn biết ông sử dụng loại đao kiếm gì chứ đâu có hỏi văn chương chứ nghĩa mà ông bảo như vậy ?
Chu Tử Liễu múa tít cây bút lên trời mấy vòng rồi cười lớn đáp :
- Kẻ hèn xuất thân trong hàng nghiên bút, nào có biết đao kiếm là gì đâu. Những kẻ chuyên dùng đao búa chỉ là những bọn lòng lang dạ thú, chỉ chuyên ỷ mạnh hiếp người, xem sinh mạng con người như cỏ rác, có khi nào nghĩ đến nhân nghĩa, nhiều khi còn làm những điều thương luân bại lý nữa là đằng khác.
Hoắc Đô đưa mắt nhìn cây bút, thì thấy cán bằng trúc, đầu bút bằng lông dê, trên đầu có nhúng ướt mực cũng như muôn ngàn cây bút khác, chứ không phải là loại bút các nhà võ thuật thường dùng để điểm huyệt.
Y toan lên tiếng vặn hỏi thì thình lình có một bóng trắng bay qua lạnh như làn khói, mờ mờ trông như hình ảnh một nữ lang.Người này vừa sa xuống đã liếc mắt nhìn vào đám đông, hình như để tìm kiếm một kẻ nào vậy.
Quần hùng đang chăm chú nhìn vào trận đấu sắp diễn ra của Chu Tử Liễu và Hoắc Đô không hề để ý đến mọi việc bên ngoài. Nhưng bỗng nhiên có một bóng nữ lang bạch y vừa xuất hiện một cách quá ư đột ngột thì ai nấy tất thảy đều ngạc nhiên nhìn kỹ lại.
Dưới ánh đèn đuốc sáng rực như ban ngày, nư lang có nước da trắng xanh, hình như trong người đang mang bệnh, tuy nhiên hình dung vô cùng xinh đẹp. Trông nàng phảng phất như một tiên nữ, từ khuôn mặt cho đến dáng điệu thật vô cùng diễm lệ, hình như tất cả những nét gì tinh tuý nhất của vũ trụ này tất thảy đều tập trung để kết hợp lại thành nàng. Nàng đẹp đến nỗi chẳng biết dùng danh từ nào để tả, để gọi cho đúng. Mọi người có cảm tưởng đây là một tiên nữ vừa giáng trần !
Không ai hẹn mà cùng ồ lên một tiếng và cùng trầm trồ khen "quả thật là đẹp, đẹp như tiên nữ giáng trần"
Vừa trông thấy cô gái này, Dương Qua mừng rỡ như điên cuồng, vụt đứng thẳng dậy,chạy vụt ra khỏi chỗ chàng đang đứng, tay vung miệng reo :
- Cô nương ... Trời ơi, cô nương !
Nữ lang đó quả đúng chính là Tiểu Long Nữ.
Từ khi cùng Dương Qua chia tay mỗi người một ngả, Tiểu Long Nữ một mình trở lại Cổ mộ đài, sống những ngaỳ cô độc buồn bã, ngày đêm cô tịch, một bóng một đèn.
Hai mươi năm trước kia, nàng đã từng sống trong Cổ Mộ Đài hiu quạnh, cuộc đời như mặt nước hồ thu, không bao giờ buồn chán.
Nhưng từ khi gặp Dương Qua, hai người cùng nhau chung sống với nếp sống bình dị hồn nhiên trong Cổ Mộ đài, đôi khi nàng tự nhiên thấy cõi lòng xao xuyến như hồ thu gợn sóng. Tuy vậy, nàng vẫn cố tâm kìm hãm và vẫn giữ được tuyết sạch, giá trong, cả hai không bao giờ để lửa tình chi phối.
Khi trở về Cổ Mộ Đài lần sau, Tiểu Long Nữ cố nén lòng quên hết dĩ vãng và mọi nếp sống đã qua cùng chàng để tìm lại nếp sống bình thản trong cảnh hoang vu u tịch, nhưng không thể nào được nữa.
Lắm khi đang ngồi trên giường Hàn ngọc, nàng chợt nhớ tới hình ảnh Dương Qua đang nằm ngủ say sưa trên chiếc giường này, cà cũng chính trên cái bàn cạnh đấy, hàng ngày chàng lo rót nước bưng lại hầu mình. Bao nhiêu hình ảnh đó luôn luôn xâm chiếm tâm hồn nàng , khiến cho Tiểu Long Nữ không thể nào chăm lo tu luyện được nữa. Nàng đã trải qua cả ngày dài ngồi suy nghĩ vẩn vơ, thương hình nhớ bóng, bỏ cả ăn ngủ, kéo dài cuộc sống chập chơn như cơn ác mộng.
Cảnh thác loạn trong ngôi Cổ Mộ cứ keo dài ngày này sang ngày khác, không bao lâu đã được một tháng trường.
Tiểu Long Nữ không chịu đựng được nữa và một ngày kia, nàng quyết tâm đi tìm Dương Qua.
Suốt đời từ tấm bé sống trong Cổ Mộ, nàng đâu hiểu gì về cuộc sống bên ngoài, từ nhân tình thế thái đến quan niệm nhân sinh,cái gì nàng cũng thấy mờ mờ mịt mịt như chú Mán về đồng. Từ bé, nàng chỉ được sư phụ dạy cho phương pháp luyện phép "bài trừ thất tình lục dục" khiến nàng có thể trở thành một con người không bị xúc động vì ngoại vật, không hờn, không giận và không để mọi vật chi phối. Vì vậy, cái gì đối với nàng cũng đều mờ mịt, mỗi bước đường đều hoàn toàn bỡ ngỡ, ngơ ngẩn.
Đối với một người không bao giờ chung sống cùng xã hội bên ngoài mà phải vượt núi trèo đèo đi tìm Dương Qua giữa nhân thế bao la thì có khác chi là "mò kim đáy bể"
Bước ra khỏi Cổ Mộ, không biết là nên đi về hướng nào, nàng cứ đánh liều đi về phía trước mãi, tới đâu hay tới đó.
Trên đường đi gặp ai nàng cũng cứ tưởng họ đều quen biết Dương Qua nên thật thà hỏi : - Ông, bà có gặp Dương Qua đi về hướng nào hay không ?
Người nào nghe nàng hỏi cũng đều buồn cười, chỉ nhìn nàng lắc đầu, biết đâu mà chỉ ?
Thân gái dặm trường, đường đời không định hướng, nàng đánh liều cất bước, hễ đói bụng thì ghé nhà người ta, gặp cơm thì ngồi lại ăn, chứ không hề biết là ăn thì phải trả tiền, hoặc nếu không có tiền thì cũng phải hỏi chủ đồng ý trước mới được. Với tánh quá ư hồn nhiên và ngơ ngẩn của nàng khiến cho nhiều người phải cười nôn cả ruột.
Cũng may là nhờ nàng có nha sắc vô cùng xinh đẹp, nên ai ai trông thấy cũng đều có cảm tình ngay, ngoài ra còn có kẻ nghĩ rằng nàng là tiên nữ giáng trần để thử lòng nhân thế nên ai cũng hết lòng chiều chuộng dễ dãi cùng nàng. Không một người nào có ý ngăn trở hay làm khó khăn cho nàng từ bữa ăn tới chỗ ngủ.
Một ngày ka, nàng đang ngồi nơi quán trọ, chợt nghe thiên hạ bàn tán nơi Lục gia trang tại Kinh tử quan có tổ chức "Anh hùng yến" . Tiểu Long Nữ chợt nghĩ :
- Cứ nghĩ võ công của Dương Qua cũng đáng mặt anh hùng. Có lẽ hắn có tên dự Anh hùng yến cũng nên. Ta cứ đến đó may ra sẽ gặp.
Nghĩ vậy rồi nàng quyết tâm dò đường tìm tới Kinh Tử quan và hỏi trang viện họ Lục.
Hàng ngàn quan khách bốn phương về dự Anh hùng yến, nhưng trừ Hách Đại Thông, Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính là biết nàng còn bao nhiêu người khác không ai có thể ngờ được nàng là Tiểu Long Nữ. Tuy nhiên, mọi người thảy đều ngạc nhiên về dung nhan cực kỳ diễm lệ của Tiểu Long Nữ và đoán đây cũng là một dị nhân kỳ nữ.
Vừa nhận được nàng, Doãn Chí Bình giật mình kinh sợ tái mét cả mặt mày. Triệu Chí Kính theo dõi nhận thấy như vậy chỉ bĩu môi cười thầm.
Quách Tỉnh và Hoàng Dung nhìn cử chỉ của hai người thì lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì sao, nên trong lòng rất nghi hoặc.
Nghe giọng nói quá ư tha thiết mừng rỡ của Dương Qua, Tiểu Long Nữ cảm động quá, run run giọng nói :
- Qua nhi ! Sao người đi đâu để ta mất công tìm kiếm vậy ?
Dương Qua đôi mắt đẫm lệ, sụt sùi một hồi lâu mới nói lên được :
- Sao, cô nương ... , cô nương có ... bị lạc đường không vậy ?
Tiểu Long Nữ lắc đầu đáp :
- Không đâu ! Ta đi tới đâu cũng hỏi thăm người ta nên không bao giờ bị lạc lối cả !
Dương Qua mừng quá nói dồn dập :
- Tôi định đi tìm kiếm cô nương, thời may cô tìm tới đây, may quá, mừng quá !
Hàng ngàn tân khách theo dõi cử chỉ của hai người đều ngạc nhiên hết sức. Giữa đám đông thiên hạ mà hai người cùng nhau trò truyện hình như đang ở trong phòng riêng, không chút ngại ngùng và xem như xung quanh không có một người nào nhìn họ.
Tiểu Long Nữ cầm chặt tay Dương Qua, lòng tràn ngập cả hoan hỷ lẫn sầu thương.
Hoắc Đô Vương tử trông thấy Tiểu Long Nữ đẹp quá cũng đứng sững ra nhìn chứ không biết là ai. Y không ngờ rằng đây là người đẹp Tiểu Long Nữ mà xưa kia y đã đến cầu hôn thất bại nơi Chung Nam Sơn.
Trông thấy người đẹp lại xoắn sít bên cạnh một anh chàng mặt mày lem luốc, áo quần rách vá trăm mảnh thì y có lòng ganh tỵ bèn mắng lớn :
- Đây là chốn anh hùng tranh tài cao thấp, đâu phải là chốn để cho trai giá tự tình ? Biết điều thì hãy tránh đi cho khuất mắt .
Dương Qua không thèm đáp lại, nắm tay Tiểu Long Nữ kéo nàng ra mé ngoài hiên ngồi bên nhau kể hết nỗi nhớ niềm thương trong những ngày xa cách .
Thấy hai người đã đi xa rồi, Hoắc Đô quay sang Chu Tử Liễu :
- Nếu ông không biết sử dụng binh khí thì chúng ta dùng quyền cước so tài cùng nhau cũng được.
Chu Tử Liễu cười lớn đáp :
- Đâu được ! Nước Trung Hoa là một nước văn hiến, lấy lễ nghĩ làm căn bản, lấy văn chương mà cầu hiền, dùng bút nghiên mà chọn bạn, đâu phải như phưỡng dã man mọi rợ như quân Mông Cổ chúng bay, chỉ biết lấy sự chém giết làm lẽ sống ?
Hoắc Đô nổi giận thét lớn :
- Ta cũng không cần dùng đến gươm giáo đâu !
Nói xong, y xoè quạt quạt liền mấy cái.
Chu Tử Liễu bước ngang qua một bên tránh né rồi dùng bút vẽ luôn mấy cái về phía Hoắc Đô.
Hoắc Đô thấy đối phương vừa xuất thủ lanh lẹ phi thường đã đem lòng kính nể không dám coi thường, hết sức thận trọng cố ý dò xét xem thuộc môn phái nào để tiện bề đối phó, hoặc tấn công phòng thủ.
Chu Tử Liễu thấy Hoắc Đô có vẻ ngán mình trong bụng mừng thầm bèn doạ lớn :
- Chỉ cần một nét bút của ta có thể vẽ tan một ngàn quân Mông Cổ đấy. Vậy điện hạ hãy cẩn thận đề phòng cho kỹ đấy nhé !
Nói vừa dứt lời, ông vun g bút điểm luôn mấy cái liên tiếp .
Hoắc Đô Vương tử tuy học tại Tây Tạng, chưa hề lăn lộn giang hồ, nhưng sự hiểu biết của Kim Luân Pháp Vương rộng như biển hồ, bao nhiêu võ công chốn Trung Nguyên ông ta đều biết qua hết cả. Biết rằng Hoắc Đô cần học mình tất cả những kinh nghiệm để uy hiếp quần hùng Trung Nguyên, nên Kim Luân Pháp Vương sẵn sàng đem hết tuyệt học của mình ra truyền thụ. Nhưng ngờ đâu, Chu Tử Liễu xuất thủ cầm bút điểm luôn mấy cái mà y vẫn chưa nhận định được là thuộc môn phái nào. Mỗi khi múa bút lên trời ý không biết chữ gìm, tác dụng ra sao, mà lạ thay, cứ mỗi lần Chu Tử Liễu đảo bút là y lại thấy rung chuyển cả các đại huyệt trong người.
Nguyên Chu Tử Liễu là một văn nhân nổi tiếng phương Nam, sau này theo học võ công nhưng không bao giờ xao nhãng nghiệp văn chương. Võ công càng tinh thục, văn pháp cũng được trau dồi, ông chú tâm phối hợp cả hai môn theo Thư Pháp Nhất Dương Chỉ thành một môn tuyệt kỹ. Đây là môn thư pháp do ông tự sáng chế. Nếu người khác muốn học lại cũng rất khó vì cần phải giỏi cả ba thứ : văn hay, võ giỏi và thuật Nhất Dương chỉ nữa mới được.
Thuật thư pháp này gọi là "Văn trung hữu võ, võ trung hữu văn" nghĩa là trong văn có võ, trong võ có văn, cần phải kiêm tài văn võ.
Theo quan niệm của Hoắc Đô thì bọn nhà văn chỉ là những nhà hữu nho, chỉ chuyên đọc Tứ thư, Ngũ Kinh, chuyên về thi phú, ngâm vịnh,trói gà không chặt, chẳng làm nên trò trống gì. Không ngờ hôm nay trước mặt y, một thư sinh trổ tài điểm huyệt bằng bút, mỗi nét bút tung ra là một đòn điểm huyệt vô cùng thần bí. Lạ hơn nữa là lối điểm bút liên miên bất tận, theo lối viết chữ loang loáng như thảo thư, ánh bút phấp phới như ánh sáng chói loà không biết đâu đề phòng hay né tránh cả.
Thấy lối hươi bút điểm huyệt của Chu Tử Liễu quá ư tinh diệu thần bí, Hoắc Đô Vương tử nghi nghi hoặc hoặc, nhìn trân trối chẳng biết nên tới hay nên lui.
Quách Tỉnh tuy không thạo về văn chương cho lắm nhưng cứ nhìn theo lối múa bút của họ Chu cũng phải gật gù thầm phục là kỳ diệu.
Còn Hoàng Dung thì ngay từ nhỏ đã được cha là Hoàng Dược Sư dạy học nhiều loại kinh pháp văn chương nên bà là một người cả văn võ đều thạo. Cho nên trông thấy thư pháp của Chu Tử Liễu biểu diễn với một lối lạ lùng, bà cũng thầm phục hết sức.
Quách Phù chạy lại gần mẹ, thỏ thẻ hỏi :
- Mẫu thân, Bác Chu dùng bút vẽ ngang vẽ dọc những gì mà có vẻ huyền diệu tài tình quá như vậy. ?
Hoàng Dung đang bận theo dõi nên không tiện giải thích lâu dài, chỉ đáp suông một câu :
- Đó là bút pháp của Phòng Huyền Linh.
Quách Phù không biết hỏi thêm :
- Phòng Huyền Linh là ai vậy, mẫu thân ?
Hoàng Dung giải thích đơn sơ cho con nghe :
- Phòng Huyền Linh là một vị đại thần đời Đường, ông ta có lối chữ viết như rồng bay phượng múa, nét chữ già dặn sắc sảo, tinh anh. Vì vậy nên thiên hạ bái phục và gọi ông là "giai thư linh phẩm".
Miệng thì nói chuyện với con gái, nhưng mắt bà không rời khỏi cuộc đấu giữa hai người.
Lúc bấy giờ, Chu Tử Liễu say mê với cuộc đấu , vứt bỏ cả mũ, hình thái không khác nào một kẻ điên khùng hay say rượu cả, vung tay viết những nét bút vừa mạnh, vừa dài, xem qua như rắn bò, rồng cuốn.
Quách Phù ngạc nhiên quá vội hỏi thêm Hoàng Dung :
- Mẫu thân, bác này có lẽ say rượu hay là nổi cơn điên rồi chăng ?
Hoàng Dung cười đáp :
- Không điên đâu. Nếu cho ông ấy uống thêm vài cốc mỹ tửu, ông ta càng viết đẹp hơn nữa đấy con ạ !
Nói dứt lời, Hoàng Dung xách bầu rượu lại gần nói lớn :
- Chu đại ca, hãy nếm vài ngụm rượu cho ấm lòng và thêm hứng thú !
Miệng nói, tay rót một chung đầy trao cho Chu Tử Liễu . Mùi rượu thơm phức xông ra ngào ngạt, nghe thoảng như mùi quế hương. Đây là loại rượu hảo hạng đặc biệt do Hoàng Dung mang từ đảo Đào Hoa về, tất cả quần hùng ở đây ai cũng công nhận là "thiên hạ đệ nhất mỹ tửu".
Chu Tử Liễu bước lùi ra sau mấy bước, đưa tay tiếp lấy chung rượu, uống một hơi cạn hết.
Hoàng Dung lại rót thêm chung thứ hai, Chu Tử Liễu cũng uống cạn luôn. Qua chung thứ ba thì Chu Tử Liễu đã cảm thấy đầu óc nóng bừng, tinh thần hứng thú, hình như được Phật bà ban cho nước cam lộ. Vì vậy nên ông bưng chung thứ ba uống từng ngụm nhỏ để kéo dài sự hứng thú.
Hoắc Đô nhìn thấy đối phương trong lúc đang chiến đấu cùng mình mà còn khề khà nhắm rượu có ý khinh thường thì nổi nóng dùng quạt định đập bể chung rượu, nhưng Hoàng Dung đã đoán biết từ trước nên kịp thu tay về ngay.
Chu Tử Liễu không thèm để ý tới Hoắc Đô, chỉ cúi đầu cảm tạ Hoàng Dung đãi rượu.
Hoàng Dung tươi cười nói :
- Đại ca, sau khi uống rượu vào rồi, chắc hẳn đại ca viết và múa đẹp lắm đấy !
Chu Tử Liễu vừa cười vừa đáp lời Hoàng Dung và cũng gián tiếp nói chuyện với Hoắc Đô:
- Gia Cát Khổng Minh xưa kia lâm trận, dù bên mình có hàng vạn tinh binh cũng vẫn giữ được thần trí vô cùng bình tĩnh thư thái an nhàn, không bao giờ nôn nóng hấp tấp. Kẻ hèn này ngày nay chỉ đua tài cùng một kẻ dưới tay, lòng dạ không hơn gì lang sói, thì cần gì phải nói gấp đến chuyện hơn thua ?
Nhìn trời cười thêm một lúc nữa, ông nói tiếp :
- Sẵn có tửu hứng, tôi xin viết theo lối bút pháp của Trương Húc thời xưa để Hoàng Bang chủ thưởng thức nhé. Chu Tử Liễu này tuy không hơn nhiều kẻ trượng phu Trung Nguyên, nhưng cũng không đến nỗi bị thịt như bọn man rợ nơi đây đâu !
Nói xong, ông ta hươi bút viết luôn bài "Thánh tảo" ( nghĩa là chữ viết đẹp như thánh ) của Trương Húc cho Hoàng Dung và quần hùng xem.
Kim Luân Pháp Vương tuy ngồi nhắm mắt tham thiền, nhưng vẫn chú ý theo dõi cuộc tranh tài giữa đôi bên. Khi thấy bên này đưa ra một nhà nho múa bút ba hoa để kéo dài thời giờ thì bực mình gọi Hoắc Đô :
- Ai Cổ Tư Kim con, sao con mê muội lắm vậy ? Còn thuật "thất nhi thất nhi" đâu rồi không dùng tới ?
Quần hùng nghe nói chẳng hiểu y muốn gì cả. Duy có Hoắc Đô Vương tử đã chợt nghĩ ra :
- Sư phụ không muốn mình chậm trễ kéo dài thì giờ và muốn mình dùng thuật gió lốc để tấn công đối phương chứ gì ?
Nghĩ vậy, y dung nội lực, chúm môi thổi phù một cái, tiếp đo tay trái phất mạnh , tay phải quạt lia, khiến cho một cơn gió lốc thật mãnh liệt thổi phụt về hướng Chu Tử Liễu.
Trận cuồng phong xuất phát từ ống tay áo và cánh quạt của Hoắc Đô ào ào thổi tới như một cơn lốc. Sức gió phạt ngang qua một chút mà nhiều kẻ trong quần hùng không đứng vững phải ngã lăn ra như có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn theo và xô đẩy.
Hùa theo luồng gió lốc, Hoắc Đô còn chúm môi hú lên những tràng dài nghe rất rùng rợn như ma kêu quỷ rống để áp đảo tinh thần đối phương.
Hoắc Đô còn dùng quạt quạt lia lịa để tăng thêm cường lực cho trận quái phong. Đây là một thuật thổi gió phun sấm của Mông Cổ, một thuật đặc biệt dùng để khống chế tinh thần địch. Trần cuồng phong mạnh đến nỗi làm tróc cả mấy tảng đá to ở ngoài hoa viên, và nhiều người phải lật đật đứng sang một bên để khói bị luồng gió thổi té. Lắm kẻ hoảng sợ chạy ra đằng sau nấp vào tường nhà hay nhảy luôn xuống giếng.
Hoàng Dung thấy Dương Qua và Tiểu Long Nữ đang ngồi sát vai nhau trên thềm đá gần đó, cách đấu trường hơn một trượng, đúng ngay vào đầu luồng gió đang thổi cuốn tới. Mặc cho gió cuốn, cả hai vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, vẫn nói chuyện như thường. Cả một trận cuông phong xô nhà bứng đá, làm dạt cả cây cối, thế mà đối với hai người không khác nào là một cơn gió chiều hè, không thèm tránh né và cũng không thèm quan tâm đến trận chiến giữa Hoắc Đô và Chu Tử Liễu.
Hoàng Dung ngạc nhiên vô cùng. Từ đó bà chú ý theo dõi Dương Qua và Tiểu Long Nữ hơn là trận đấu của hai người. Bà nghĩ bụng :
- Cô gái này có vẻ lạ lùng, và nhất định là võ công phải rất cao siêu tuyệt đỉnh. Nàng rất thân mật và thắm thiết cùng Qua nhi. Chẳng hiểu nàng thuộc môn phái nào mà xưa nay ta chưa từng quen biết.
Lúc bấy giờ Tiểu Long Nữ đã ngoài hai mươi tuổi. Vì từ nhỏ sống trong Cổ Mộ, không mấy khi tắm ánh nắng mặt trời nên nước da nàng hơi xanh mét, tuy nhiên vẫn mịn màng như nhung. Vì tập luyện nhiều nên nàng già đi hơn mấy tuổi. Thoạt nhìn qua nàng có vẻ như một nữ lang trạc chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi.
Ngày còn sống trong Cổ Mộ, chưa gặp Dương Qua, lòng nàng thảnh thơi không vương vẫn chút tình cảm, vui, buồn, mừng, giận thì nàng trẻ hơn tuổi mình có đến mấy năm, nghĩa là khi đó nàng chỉ phỏng chừng mười hai, mười ba tuổi mà thôi.
Từ lúc gặp Dương Qua , bị tình cảm chi phối, và nhất là sau thời gian cách biệt , ngày đêm nhớ nhung trông đợi, thất tình lục dục đã dày vò tinh thần, thể xác, nàng như bị bệnh tương tư, nên đã già đi rất nhiều. Kinh nghiệm với bệnh tương tư suốt thangsg trong Cổ Mộ đài, lúc bấy giờ Tiểu Long Nữ mới nghĩ lại lời giáo huấn của sư phụ là đúng. Nàng tự thấy, nếu mình dốc lòng tu luyện , đừng để hương vị yêu đương lung lạc thì dẫu thọ tới trăm tuổi cũng vẫn còn trẻ như người năm chục tuổi mà thôi, chứ không đến nỗi bị già trước tuổi như hiện tại.
Nhưng dưới mắt của Hoàng Dung thì Tiểu Long Nữ có nhiều cử chỉ hết sức hồn nhiên , thanh nhã, sắc diện phúc hậu. Đem so sánh với con mình thì không khác gì bao phấn với bì vôi, con mình không thể nào sánh kịp, từ sắc đẹp cho đến nét duyên dáng.
Mải mê nhìn ngắm và suy xét về người con gái đang ngồi tâm sự cùng Dương Qua, Hoàng Dung bỗng nghe Chu Tử Liễu thét lớn :
- Thôi, đừng hòng dùng ma thuật để lung lạc ta. Trận quái phong của mi đâu có lợi hại gì, hãy mở to mắt ra xem bút pháp của ta đây !
Nói xong, ông dùng bút hươi mạnh thành những nét dọc ngang như mạng nhện giăng khiến cho Hoắc Đô đâm ra hoảng hốt sợ hãi nghĩ :
- Té ra thuật thổi gió phun sấm của mình chẳng có nghĩa lý gì với tên thầy đồ này !
Y đang ngẩn ngơ chưa biết tính lẽ nào thì bỗng Kim Luân Pháp Vương nói lớn :
- Mã mễ bát mễ, cổ tư hắc tư...
Toàn thể quần hùng không ai hiểu rõ ý nghĩa của tám chữ này nên thảy nhìn nhau ngơ ngác, sững sờ.
Riêng Chu Tử Liễu khi nghe Kim Luân Pháp Vương mách nước cho Hoắc Đô thì tự nghĩ:
- Mặc kệ cho bọn bay bày vẽ lẫn nhau. Bây giờ bày trò gì ta cũng phá được. Ráng mà thi thố cho hết tài, chưa biết kẻ nào thắng, kẻ nào thua đấy nhé ?
Nghĩ xong, ông đổi hẳn bút pháp. Lúc bấy giờ ông không hươi bút viết thành chữ như lúc trước mà dùng cán bút đâm vào như một người thợ đá đang đục gọt để làm tượng.
Quách Phù thấy kỳ lạ quá, vỗ vai mẹ hỏi :
- Mẫu thân, sao bác ấy lại khắc chữ vào đá để làm gì vậy ?
Hoàng Dung mỉm cười đáp :
- Sao con kém thông minh thế ? Bác Chu khắc bia đá theo lối chữ triện thời xuân thu đã khắc vào bia đá đó. Con có đọc được chữ gì không ?
Quách Phù chú mục vào nhìn theo, thấy nét ngang nét dọc rối rít như một bức địa đồ, không phân biệt được chữ gì hết. Nàng nhìn lên hỏi mẹ :
- Bác ấy đang viết chữ gì vậy ? Sao mà khó đọc quá !
Hoàng Dung cười đáp :
- Đây là lối chữ triện cổ, khó đọc lắm, ngay như mẹ đây còn khó khăn , lúng túng huống chi là con, đọc sao ra nổi ?
Quách Phù vỗ tay nói lớn :
- Nếu mẫu thân mà đọc còn khó khăn thì cái thằng rợ Mông Cổ này làm sao mà đọc cho được ?
Hoắc Đô Vương tử nghe Quách Phù ngạo mình là thằng rợ Mông Cổ thì nổi giận và nghĩ bụng không biết Chu Tử Liễu đem loại chữ này ra thi thố để làm gì vậy ? Y bèn xáp lại, vung quạt quạt phẩy mấy cái vào người Chu Tử Liễu.
Thật ra Hoắc Đô đâu biết được rằng , cứ mỗi nét bút của thuật "Nhất Dương Chỉ" có thể phát huy lên tất cả sức mạnh trong người. Vì vậy cho nên mặc dù y cố sức quạt mạnh, nhưng đối với Chu Tử Liễu không hề bị ảnh hưởng. Ngoài ra, y quạt càng mạnh, thì họ Chu càng viết lanh lẹ và đẹp hơn là đằng khác. Trong lúc xuất kỳ bất ý, Chu Tử Liễu lanh tay viết luôn mấy chữ lên quạt của Hoắc Đô nữa.
Hoắc Đô vội vàng rút tay lại và hỏi lớn :
- Vì sao nhà ngươi lại viết chữ "võng" và chữ "lưới" trên quạt của ta như vậy ?
Chu Tử Liễu cười ha hả đáp :
- Ngu quá, đó là chữ "nhĩ" chứ đâu phải là chữ "võng" như mày nói !
Rồi thuận tay, ông viết thêm luôn một chữ khác nữa.
Hoắc Đô hỏi :
- Thế chữ này có phải là chữ " nguyệt" là mặt trăng không ?
Chu Tử Liễu lắc đầu đáp :
- Không phải đâu ! Chữ đó là chữ "nãi nghĩa là thẹn đó
Hoắc Đô nổi nóng và thẹn thùng, vội vàng giằng quạt ra không cho viết nữa, nhưng Chu Tử Liễu cũng đã viết được hai chữ khác .
Hoắc Đô nổi nóng vùng mắng lớn :
- Đồ man rợ !
Chu Tử Liễu cất tiếng cười ha hả nói lớn :
- Phải, mi là đồ man rợ chứ còn ai nữa !
Bao nhiêu quần hùng dều oán hận quân Mông Cổ đã xâm lấn Trung Nguyên, giày xéo Hán tộc, ai ai cũng nuôi chí phục thù rửa hận, nên nay nghe Chu Tử Liễu mắng tên Hoắc Đô Vương tử Mông Cổ là đồ man rợ thì rất lấy làm hả hê, mát lòng mát dạ vô cùng.
Nãy giờ bị Chu Tử Liễu dùng thuật "chân, thảo, triện, lệ" trong "Thư pháp Nhất Dương Chỉ" ra áp đảo, Hoắc Đô không thể nào thi thố được tài năng sở trường nên trong lòng rất căm tức. Hắn nổi nóng dùng quạt đập liên tiếp vào khắp nơi trên người của Chu Tử Liễu quyết tâm hạ độc thủ.
Không ngờ y càng ra tay mạnh chừng nào thì càng lộ nhiều sơ hở để Chu Tử Liễu áp dụng thuật điểm huyệt theo "Nhất Dương chỉ pháp liên hoàn" . Bị trúng đòn, Hoắc Đô cảm thấy đầu óc choáng váng, mặt mũi tối tăm, hai tai nóng bừng rồi ngã ra ngất xỉu.
Hai anh em họ Võ thấy sư bá dùng thuật Nhất Dương chỉ hạ được Hoắc Đô Vương tử thì trong lòng hân hoan vô hạn, muốn chạy ào ra đấu trường để tung hô bác lên cao cho thiên hạ anh hùng trông rõ, đồng thời cũng là một dịp để ra oai với Quách Phù.
Nhưng hai người chưa kịp lại gần bỗng nghe Chu Tử Liễu la ối lên một tiếng thất thanh rồi ngã quay ra mặt đất. hai chân giãy lên đành đạch.
Thấy Chu Tử Liễu bất ngờ bị thương nặng, quần hùng thảy đều ngạc nhiên nhưng chưa biết nguyên nhân tại vì sao, nên khắp nơi đã nổi lên những lời bàn tán xôn xao náo nhiệt.
Nguyên trong khi thấy Hoắc Đô bị trúng đòn ngã lăn ra đất, Chu Tử Liễu động lòng từ tâm không muốn hạ độc thủ và bước lại gần phất tay áo để giải huyệt cho hắn. Khi được giải huyệt rồi, Hoắc Đô đã không biết cảm ơn mà còn manh tâm quyết hại Chu Tử Liễu bằng một đòn độc thủ hèn hạ. Hắn lập tức xoay cán quạt lại, hướng về phía Chu Tử Liễu rồi bấm nút kín khiến cho bốn cây đinh tẩm độc từ trong quạt bắn ra nhanh như tên lao thẳng vào mình họ Chu.
Cứ theo quy luật võ lâm thì khi kẻ nào đã bị thua, không được dùng ám khí để hại lén. Vì đinh ninh vào quy luật ấy nên Chu Tử Liễu đã đến gần giải huyệt cho Hoắc Đô mà không đề phòng trước. Khi vừa giải huyệt xong, họ Chu đứng quá gần Hoắc Đô cho nên lúc bốn mũi kim độc lao ra, Chu Tử Liễu không thể nào tránh né cho kịp. Trên bốn mũi độc đinh này có tẩm sẵn một loại nhựa của một giống côn trùng từ bên ngoài Tây Tạng, rất nguy hiểm nếu đã thấm vào máu. Vì vậy nên Chu Tử Liễu bị thuốc độc hành giãy giụa như hổ phải tên.
Nhận thấy Hoắc Đô dùng thủ đoạn hèn hạ ngầm hại người chiến thắng, quần hùng nhao nhao lên phản đối, lắm kẻ còn chỉ thẳng vào mặt y mắng lớn :
- Thật là đồ tiểu nhân vô liêm sỉ, đã thua rồi mà còn dùng ám khí hại người !
Hoắc Đô cười hềnh hệch đáp rất tự nhiên :
- Đó chỉ là phương pháp chuyển bại thành thắng chứ có lạ gì đâu mà la lối như vậy ? Nếu Chu huynh dùng ám khí hại Tiểu Vương này, chắc các vị cũng bằng lòng lắm chứ ? Hơn nữa, trước khi giao đấu không thấy nói rõ về điểm này bao giờ.
Quần hùng thấy y mặt dày mày dạn như thế, già miệng cãi chày cãi cối nên không ai thèm tranh luận nữa
Quách Tỉnh vội vàng bước lại bồng Chu Tử Liễu lên, thấy cả bốn mũi đinh độc ghim khắp chỗ xung quanh miệng, và mặt mày Chu Tử Liễu đã thất sắc, cười không ra cười, mếu không ra mếu nữa.
Biết loại đinh này có tẩm độc nặng lắm nên Quách Tỉnh dùng thuật điểm huyệt , điểm luôn vào các đại huyệt trên người Chu Tử Liễu khiến cho máu độc không thể chảy vào tim được nữa rồi quay sang hỏi Hoàng Dung :
- Bây giờ nên tính sao bây giờ ?
Hoàng Dung cúi đầu suy nghĩ :
- Muốn có thuốc giải độc thế nào cũng phải cầu đến Kim Luân Pháp Vương hay Hoắc Đô vương tử. Chỉ hai người này có thể trừ được độc dược, tuy nhiên, cầu được họ không phải là một chuyện dễ.
Vì còn đang do dự chưa biết dùng cách nào nên Hoàng Dung đứng lặng thinh không đáp. vẻ mặt đăm chiêu buồn buồn.
Ngư Nhân trông thấy sư đệ thọ độc nặng nề , trong lòng vừa lo vừa giân, liền xắn tay áo định chạy lại tấn công Hoắc Đô ngay.
Nhưng Hoàng Dung chợt nghĩ :
- Quân Mông Cổ đã thắng một trận rồi. Nếu để Ngư Nhân ra đấu, rủi thua thêm nữa thì hư việc lớn. Hơn nữa, sức ông này đâu có thể chọi được với Đạt Nhĩ Ma.
Nghĩ vậy, bà gọi lớn :
- Ngư huynh, xin hãy thong thả, đừng nóng nảy quá như thế !
Ngư Nhân dừng chân nhìn bà nói :
- Thưa, Hoàng Bang chủ có điều gi dạy bảo ?
Hoàng Dung nhỏ nhẹ nói :
- Xin đại huynh hãy thong thả, chúng ta cần bàn tính lại cho chu đáo trước khi hành động. Mình đã thua một keo rồi. Nếu keo này không trù liệu cho kỹ, rủi thua chúng lần nữa thì đại cuộc hỏng hết.
Ngư Nhân cho là Hoàng Dung nói có lý nên cố dằn tâm không xông ra gây sự nữa.
Hoắc Đô dùng ám khí hạ được Chu Tử Liễu rồi, tự cho là thắng thế, vênh mặt nhìn quanh bốn phía, hiu hiu tự đắc, tưởng như nơi đây không ai có thể đương cự cùng mình.
Đang hứng chí nhìn quanh khắp mặt quần hùng, chợt ngó ra mái hiên, thấy Dương Qua và Tiểu Long Nữ đang ngồi sánh vai nhau trò chuyện. Hai người vừa nói vừa bứt những lá cây xung quanh khẽ xoa lên mặt đất, không thèm để ý đến mọi sự xung quanh. Hoắc Đô sinh lòng ganh tỵ và cảm thấy chướng mắt , cơn giận dâng lên ngùn ngụt, cầm quạt trỏ hướng đó mắng lớn :
- Quân súc sinh vô liêm sỉ, nơi đây không phải là chỗ để tình tự trai gái. Muốn yên thân thì xéo đi cho khuất mắt ta ngay bây giờ.
Dương Qua từ khi gặp được Tiểu Long Nữ thì trong lòng hân hoan sung sướng tới cực độ. Đối với chàng, ngoài Tiểu Long Nữ ra không còn điều gì đáng quan tâm nữa. Vì vậy nên chàng mải mê chuyện trò cùng nàng mà không cần để ý đến trận đấu giữa Hoắc Đô và Chu Tử Liễu. Trong lúc này dù thiên hạ có giết nhau, trời nghiêng đất lở thì cả hai cũng chẳng quan tâm.
Dương Qua nghĩ :
- Bao nhiêu năm chung sống trong Cổ Mộ , Tiểu Long Nữ đã xem mình như ý trung nhân, dám cùng nhau sống chết, thật cũng đã chí tình. Hèn chi có một dạo nàng ngỏ ý hỏi muốn làm vợ mình có được chăng, nhưng vì câu hỏi này quá bất ngờ nên mình phân vân chưa biết đáp sao cho phải, do đó nàng nổi giân cất bước ra đi biệt tăm không tìm ra tông tích. Những tưởng bóng hồng đã mất theo ngàn mây cỏ nội, không bao giờ hội ngộ để giáp mặt trao lời. Ngờ đâu nàng vẫn nặng tình thương nhớ, chẳng nài ngàn dặm lặn lội tìm ta, chắc không ngoài mục đích hỏi lại câu hỏi :"có thể làm vợ ta được chăng ?" .Nhưng suy nghĩ cho kỹ, nàng là sư phụ mình,lẽ nào ta dám vượt vòng lễ giáo để đi lấy cô nương làm vợ ?
Trong thời gian cùng chung sống trong Cổ Mộ, không biết tình yêu nảy nở từ lúc nào, nhưng cả hai người đều cố dùng hết nghị lực để kìm hãm và che đậy. Mãi đến khi sắp từ biệt không ngờ cô nương lại bồng bột biểu lộ tâm sự thầm kín trong lòng đem diễn tả ra bằng một câu hỏi vừa ngây thơ, vừa chân thật,chẳng chút ngại ngùng,
Bao nhiêu những niềm suy tư che đậy trong lòng, Dương Qua đem ra thổ lộ hết cùng Tiểu Long Nữ.
Trước kia Tiểu Long Nữ đã khắc chế được thất tình lục dục , không bao giờ nghĩ đến yêu đương, và cũng không hề yêu ai. Lòng nàng khi nào cũng bình thản như mặt nước hồ thu không gợn sóng, chẳng bao giờ giận hay bực tức ai cả . Hơn nữa, trong Cổ Mộ đâu có ai có thể khiến cho nàng phải giận hờn hay nhung nhớ đâu.
Nhưng từ khi gặp Dương Qua , không hiểu tình yêu từ lúc nào đã nảy nở, càng khống chế, nó càng thêm bồng bột, muốn quên cũng không quên được, muốn rứt cũng rứt không ra. Đối với nàng, lúc này, càn khôn đều là nhỏ bé, chỉ có tình Dương Qua là lớn mà thôi.
Đang khát vọng tình yêu, nay bỗng gặp nhau nên Dương Qua chẳng cần xem thiên hạ ra gì, mà Tiểu Long Nữ cũng không nề hà lễ nghi của thế tục.Cả hai cùng một ý tưởng :
- Yêu nhau, nay mới được gặp nhau là thoả mãn lắm rồi, cần chi tới tiếng đời thị phi hơn thiệt. Mình chỉ làm theo ý mình, khách bàng quan không quan hệ lắm. Vì vậy nên mặc cho hàng ngàn người đang có mặt xung quanh đây., mặc cho cục diện căng thẳng đáu tranh một còn một mất , hai người vẫn thản nhiên kề vai sát má trò chuyện cho phỉ tình.
Mải mê với câu chuyện tâm tình, Dương Qua không nghe được những lời quát tháo vô lễ của Hoắc Đô Vương tử. Đối với tất cả mọi người khi đang ngụp trong bể tình ái thì đâu có kể gì nhân tình thế thái bên ngoài. Vì vậy nên mặc cho hắn hò hét, trợn mắt ra oai , Dương Qua và Tiểu Long Nữ vẫn không có một lời đáp lại.
Thấy hai người không thèm đếm xỉa tới lời nói của mình, Hoắc Đô càng bực tức hơn nữa, định xông tới đá cho mấy cái. Nhưng vừa lúc đó , Kim Luân Pháp Vương dùng tiếng Tây Tạng bảo :
- Hoắc Đô , con đã thắng được một keo rồi, hãy tiếp tục luôn keo khác đi thôi !
Nghe lời thầy nói, Hoắc Đô không dám cãi, chỉ nguýt Dương Qua một cái rồi nhìn khắp quần hùng lên tiếng :
- Tiểu Vương này đã thắng được keo đầu. Qua keo thứ hai sẽ do sư huynh Đạt Nhĩ Ma đảm nhận. Vậy bên đó xem ai có đủ tài năng xin đề cử ra tranh tài cao thấp.
Hoắc Đô tuyên bố vừa dứt câu, thì Đạt Nhĩ Ma vận áo cà sa màu đỏ, tay cầm một thứ binh khí lạ lùng, hùng dũng bước ra giữa đấu trường hiên ngang đợi đối thủ.
Mọi người chú ý vào món vũ khí của y thì thấy đó là một loại vũ khí mà Phật giáo thường gọi là "Kim cương giáng ma chữ" bề dài trên bốn thước, sức nặng ngàn cân, trên đầu có miệng loa ra, toàn thân bóng loáng như làm bằng vàng khối.
Đạt Nhĩ Ma nhìn hướng về phía quần hùng chào tay làm lễ mười cái rồi quay lại múa cây chày giáng ma chữ lên trời.
Cây chày Kim cương giáng ma chữ bị tung vút lên cao đụng phải nóc nhà khiến cho ngói gỗ xô xác nghe rào rào rồi từ trên nóc lao xuống cắm sâu vào lòng đất, ngập trên hai thước.
Với thân hình mảnh dẻ, cây gậy nặng nề mà chỉ tung nhẹ một cái đã có oai lực chừng ấy, quả là y có một công lực phi thường. Chỉ có một đòn ra oai dằn mặt của Đạt Nhĩ Ma đã khiến cho quần hùng kính nể.
Hoàng Dung nghĩ :
- Cứ như tài nghệ và sức lực của tên này thì Tỉnh ca thừa sức chế ngự. Nhưng nếu Tỉnh ca xuất trận , sau này ai có đủ sức chống lại Kim Luân Pháp Vương ? Thôi thì dù sao ta cũng liều một phen thử xem sao !
Nghĩ vậy, bà vung cây gậy trúc đả cẩu xông ra tiếp chiến.
Quách Tỉnh trông thấy thất kinh, vội đưa tay ra ngăn cản :
- Bà đang còn yếu lắm, không nên liều lĩnh. Không thể nào đánh với hắn được đâu.
Bị chồng ngăn cản, Hoàng Dung suy nghĩ :
- Nếu phen này thua nữa thì nguy hiểm lắm. Nhưng thấy bọn chúng khinh thường quá không thể nào chịu nổi.
Trong khi bà đang lưỡng lự chưa biết nên giải quyết thế nào thì Ngư Nhân, đệ tử của Nhất Đăng đại sư bước lại nói :
- Thưa Hoàng Bang chủ, để tôi ra chiến đấu cùng tên ác tăng này để rửa hận cho sư đệ tôi và đồng đạo võ lâm Trung Nguyên.
Không còn cách nào để từ chối, Hoàng Dung đành gắng gượng nhận lời, nhưng bà dặn thêm :
- Xin sư huynh hãy cẩn thận cho lắm kẻo ...
Bà chưa nói hết câu thì hai anh em họ Võ đã mang cặp thiết tương ( cây chèo bằng sắt ) dâng lên. Ngư Nhân cầm lấy rồi tung người ra giữa trung quân, hai mắt toả hào quang, tay vung tít đồi thiết tương lộng gió ào ào.
Đạt Nhĩ Ma vội cầm chày đưa lên đỡ.
Chèo sắt giáng xuống , chày vàng hất lên, hai món vũ khí chạm nhau nghe xoảng một tiếng chát tai khiến quần hùng thất sắc. Cả hai đối thủ đều thối lui mấy bước , hổ khẩu đều toét , máu chảy đầm đìa.
Cả hai đều ngán tài và sức lực của nhau nên chẳng ai dám xem thường đối phương, đứng cách xa nhau mấy bước trợn mắt nhìn nhau trừng trừng.
Đạt Nhĩ Ma dùng tiếng Mông Cổ chủi thề, Ngư Nhân cũng dùng tiếng Đại lý chủi ại.
Một chặp sau, cả hai lại xông vào vòng chiến nữa.
Trận đấu diễn ra vô cùng ác liệt, dùng toàn những thế độc quyết hạ nhau chứ không khinh thường và cười cợt như trận đấu trước giữa Chu Tử Liễu và Hoắc Đô.
- Không biết hai anh em này liều thân ra đánh với Hoắc Đô Vương tử là vì nòi giống Hán tộc hay là để làm hài lòng một giai nhân là Quách Phù cô nương ? Bảo rằng bọn bay vì nòi giống mà ra tay thì không thể nào mà tin được ! Vì trên đời này không có gì to tát hơn mối thù giết cha giết mẹ ( ? ) . Nếu hai anh em bây có chút khí khái thì đã đi tìm Lý Mạc Thu mà trả thù rồi, có lý nào ở đây đóng vai trò nô bộc để làm vừa lòng ý trung nhân ? Trên thiên hạ biết bao nhiêu kẻ khoác áo nhân nghĩa , lợi dụng mục đích phục vụ dân tộc để âm mưu làm lợi riêng cho mình ! Chẳng hiểu hai anh em nhà ngươi có khi nào thầm nghĩ mà tủi thẹn với hai cái tên đẹp đẽ "Đôn Nho" và "Tu Văn" hay không ? Mang danh Văn, Nho mà cứ cam tâm đi làm tôi đòi cho một cô gái còn hơn cả cha mẹ mình. Huống chi cả hai anh em ruột mà cùng yêu thương một cô gái thì thật quả là vô luân. Nếu họ không loạn luân một cách công nhiên thì cũng ít ra đã loạn luân về mặt tư tưởng và tinh thần rồi . Thật đáng trách và cũng thật đáng phàn nàn vậy !
Trong lúc Dương Qua trầm ngâm suy nghĩ về mục đích và tư cách của anh em họ Võ thì Quách Tỉnh, Hoàng Dung và bao nhiêu anh hùng trong đại yến thảy đều quan tâm đến cục diện trận chiến dang diễn ra phía dưới.
Nguyên trong khi đối đáp, anh em họ Võ thấy Hoắc Đô mằng mình là bọn con nít, miệng còn hôi sữa thì trong lòng đã oán hận và thẹn thùng vì lời nói thốt ra trước mặt người đẹp. Hơn nữa, vừa rồi thấy Hoàng Dung đoạt cây gậy trúc trong tay Hoắc Đô một cách quá dễ dàng, thì cả hai đinh ninh rằng gã này tài nghệ cũng không bao nhiêu, nên trong lòng cũng đã có ý khinh thường rồi. Huống chi cả hai đã mang danh là môn đệ của Quách Tỉnh đại hiệp, lúc này cùng nhau hợp lực tấn công hắn, cho dù không thắng nổi cũng thể để bại được.
Phàm trâu nghé chưa biết sợ cọp, nên hai người vung gươm tấn công Hoắc Đô Vương tử. Nhưng phàm ở đời có tiếp xúc với thiên hạ mới biết rõ tài năng của mình, chứ quanh năm cứ quanh quẩn trong nhà để so sánh với Quách Phù và bao nhiêu người mới nhập môn thì lúc nào cũng chủ quan tự cho mình là tài giỏi hơn ai hết. Hôm nay chạm trán với Hoắc Đô cũng là một dịp để nhìn xa hơn chút nữa.
Sau vài chiêu đánh đỡ, hai thanh trường kiếm của anh em họ Võ đã dần trở nên vụng về chậm chạp, không giữ vững được bình tĩnh như trước, thỉnh thoảng lại bị rối loạn. So với hai người, tài nghệ của Hoắc Đô cao hơn một bậc rất xa.
Hoắc Đô cũng muốn nhân dịp này trổ tài cho quần hùng trông thấy, nên giả vở luống cuống sơ hở, để Võ Tu Văn đâm vào một kiếm, rồi xuất kỳ bất ý, y cầm quạt điểm ngang vào thanh trường kiếm kêu "keng một tiếng rất to, thanh trường kiếm đã gãy thành hai đoạn .
Hai anh em họ Võ hoảng hốt, mất cả bình tĩnh. Võ Tu Văn sợ hãi vội bước lùi ra sau. Võ Đôn Nho sợ em bị tập kích theo nguy tới tánh mạng , nên vội đưa trường kiếm ra ngăn cản Hoắc Đô, không cho đuổi theo.
Lập tức Hoắc Đô vung quạt hất mạnh lên nhằm ngay thanh kiếm.
Võ Đôn Nho cảm thấy hình như có một luồng điện mạnh làm tê rền cả tay. Thanh trường kiếm bị đánh tung lên trên không như một lằn điện xẹt, văng tuốt ra đằng sau rất xa.
Tuy sợ hãi, nhưng quá uất ức và thẹn thùng, anh em họ Võ quyết không bỏ chạy, cố đứng lại dùng quyền cước đấu cùng Hoắc Đô.
Võ Đôn Nho dùng tay trái án ngữ trước bụng , còn tay phải quay ra sau lưng, tung một chưởng trong "Giáng Long Thập Bát Chưởng" tấn công Hoắc Đô. Còn Võ Tu Văn thì dùng tay trái che trước ngực, chìa ngón trỏ thẳng về phía trước, tay phải cũng vòng ra phía sau lưng, áp dụng thuật "Nhất Dương chỉ" để đối phó.
Thấy cả hai đã mất hết binh khí mà vẫn còn hiên ngang dùng quyền chưởng chống đỡ, Hoắc Đô không dám xem thường, chú ý dùng những đòn tuyệt kỹ để nghênh chiến, trong lòng suy nghĩ :
- Ta thắng chúng quá rõ rệt rồi, và thắng một keo cũng đủ rồi, cần gì phải đi đến nước cuối cùng cho nhọc thân vô ích.
Nghĩ vậy, y chắp tay vái một cái rồi cười ha hả nói lớn :
- Xin mời hai vị về nghỉ ngơi dưỡng sức. Chúng ta đấu cùng nhau cốt để thử tài cao thấp chứ nào phải phường đạo tặc mà hòng giết chóc lẫn nhau như thế ?
Lời nói thốt ra có vẻ từ tốn dịu dàng, nhưng bao hàm một ý nghĩa mỉa mai khinh miệt và khí phách.
Hai anh em họ Võ quá xấu hổ, nóng bừng cả tai, trong lòng muốn ra đánh nữa cho hả giận, nhưng không tiện ra tay vì thiếu binh khí. Muốn dùng chưởng lực, điểm huyệt thì Hoắc Đô lại không chịu xáp lại gần. Vì vậy cả hai đành lẳng lặng rút về chỗ khác chứ không trở lại chỗ Quách Phù lúc trước nữa.
Quách Phù cảm thấy thương hại, bèn chạy lại bên cạnh an ủi :
- Thôi, hai anh đừng buồn nữa. Hãy hợp sức cùng em, ba chúng ta cùng tấn công hắn để giành thắng lợi về mình.
Quần hùng chăm chú theo dõi hành động của ba người, không ai nói gì hết.
Nói xong, Quách Phù tuốt kiếm nhảy ra nói lớn :
- Anh em chúng ta quyết tâm sống mái một trận cuối cùng với tên Hung Nô Mông Cổ này.
Nhưng Quách Tỉnh đã thét lớn :
- Phù nhi ! Không được vỗ lễ, chớ làm huyên náo như thế !
Quách Phù lúc nào cũng kính nể cha, cho nên khi Quách Tỉnh vừa quát mắng, nàng đã sợ hãi rút lui ra sau, tra gươm vào vỏ ngay, nhưng đôi mắt phượng vẫn gườm gườm nhìn thẳng về phía Hoắc Đô Vương Tử.
Thấy một nữ lang xinh đẹp chăm chú nhìn mình, Hoắc Đô vui vẻ gật đầu mấy cái rồi cười mơn nói :
- Nếu cô nương không thoả mãn lúc ban ngày ban mặt, không phải lỗi về phần tôi đâu nhé. Vậy xin chờ đêm tới, Tiểu Vương sẽ xin hầu tiếp cô nương.
Quách Phù tức quá, trợn mắt nhìn hắn rồi nhổ nước miếng trên cỏ tỏ vẻ khinh bỉ rồi quay đầu bỏ đi.
Bị đại bại trước Hoắc Đô, anh em họ Võ chỉ ngại Quách Phù nhạo báng. Nhưng khi thấy nàng không những không có cử chỉ nhạo báng mà còn có ý ủng hộ thì cả hai yên tâm hơn, quên cả thất bại vừa rồi.
Hoắc Đô phe phẩy chiếc quạt nói :
- Bên tôi có cả thảy ba thầy trò. Sư phụ, sư huynh và tôi đang chờ một trận tranh tài xứng đáng. Mấy trận vừa qua chẳng qua chỉ là một dịp qua quít cho vui, không có gì đáng kể, xin bỏ qua cũng được. Bây giờ xin Quách đại hiệp vui lòng chọn người xứng đáng để ra thử tài cao thấp, kẻo để tình trạng như từ nãy đến giờ thì chán quá.
Quách Tỉnh sực nhớ lại vừa rồi Hoàng Dung nói là sẽ đề cử một ngừoi có đủ khả năng chiến thắng thì đoán là vợ mình đã tìm ra kế hay cho nên yên tâm tin tưởng, lớn tiếng nói :
- Được rồi, chúng tôi sẽ đề cử người xứng đáng ra tranh tài, ai thắng sẽ được giữ ngôi Minh chủ võ lâm, khỏi cần thúc hối làm gì.
Hoắc Đô Vương tử nghĩ bụng :
- Cứ xem lực lượng bên ấy thì chỉ có Quách Tỉnh là người đáng sợ hơn hết. Nhưng y đối với sư phụ ta chắc không thấm vào đâu. Hoàng Dung thì thân pháp cũng có vẻ kỳ diệu lắm, nhưng bà ta đang trong thời kỳ thái nghén, sức khỏe chẳng đầy đủ, thành thử không đáng quan tâm lắm. Trừ hai mạng này ra, ta xét thấy không còn tay nào đáng kể nữa.
Đoán ngầm thấy chắc ăn, Hoắc Đô lớn giọng nói :
- Xin quý vị khỏi nhọc công lo lắng chọn lựa nữa cho tốn thời giờ. Nếu bên ấy nhắm theo không được thì xin cứ chịu thua và nhường chức MInh chủ võ lâm lại cho chúng tôi thì hơn, mà còn giữ được tình hoà khí.
Toàn thể quần hùng thấy Hoắc Đô vừa đánh bại Lỗ Hữu Cước nặng nề và hạ luôn cả hai anh em họ Võ thì đã có phần kiêng nể nên ai nấy thảy đều chờ mệnh lệnh của Hoàng Dung chứ không lên tiếng như trước nữa.
Hoàng Dung quay sang hỏi Hoắc Đô :
- Có phải túc hạ ra điều kiện là keo thứ nhất túc hạ so tài , keo thứ hai đến phiên lệnh sư huynh, và keo chót là do lệnh Tôn sư, có phải như vậy không ?
Vừa thắng luôn hai keo, Hoắc Đô đã có ý xem thường phe địch nên Hoắc Đô điềm nhiên đáp :
- Đúng như vậy,.Tôi muốn theo lệ mới là để cao đấu với cao, thấp đấu với thấp cho xứng vai xứng vế, và cũng không ai phiền trách chỗ nào được, dù được hay thua cũng công bằng hết. Chừng ấy đôi bên không bên nào được oán hận.
Nghe nói xong, Hoàng Dung thấp giọng nói với quần hùng :
- Nếu như vậy thì phe mình ăn chắc đi rồi, xin anh em cứ tin tưởng....
Quách Tỉnh vội hỏi :
- Căn cứ vào đâu mà em dám chắc chắn là sẽ nắm phần thắng lợi như vậy ?
Hoàng Dung ghé tai ông nói nhỏ :
- Dùng ngựa hay của ta đua với ngựa thường của họ. Sau đó đem ngựa thường của mình đua với ngựa kém của người ta. Đó là phương pháp đua ngựa mà xưa kia Điền Kỵ đã áp dụng để thắng vua Tề đoạt giải ngàn vàng đó !
Quách Tỉnh không phải là người học rộng về văn chương điển tích, còn ngẩn ngơ chưa hiểu ý ra sao, thì Hoàng Dung lại ghé vào tai ông nói tiếp :
- Ông vốn là người tinh thông binh pháp, há lại quên chuyện Tôn Tẫn chân nhân dạy về diệu pháp rồi sao ?
Vừa nghe vợ nói, Quách Tỉnh bỗng sực nhớ lại lúc thiếu thời nghiên cứu Võ mục di thư có một đoạn ghi rằng :"Đại tướng nước Tề là Điền Kỵ đua ngựa với vua Tề,đánh cuộc ngàn vàng. Điền Kỵ tới thỉnh kế Tôn Tẫn chân nhân thì người dạy rằng : Lúc đầu đem ngựa kém đua với ngựa giỏi của vua. Như vậy vua thắng keo đầu nhưng phải thua hai keo sau. Ta thua một thắng hai tức là đã thắng rồi. Như thế làm sao không ăn giải được ?"
Khi nghe Hoàng Dung nhắc lại, ông chợt nhớ ra câu chuyện đó, bèn vỗ đùi khen hay và trong bụng đinh ninh thế nào vợ mình cũng có mưu kế để thắng bọn Hoắc Đô Vương tử.
Lúc bấy giờ, Hoàng Dung quay sang bên phải nói :
- Chu sư huynh, với thuật " Nhất dương chỉ", nhất định sư huynh phải thắng đứt tên Hoắc Đô vương tử rôi phải không ?
Nguyên Chu Tử Liễu là một thư sinh nước Đại lý, trước đây thi đỗ Trạng nguyên làm quan phò Đoàn Nam Đế nước Đại Lý, sau lên tới chức quan Tể Tướng, tột phẩm công thần. Vốn là bậc quân tử tài ba, kiến thức hơn người. Khi mới nhập môn cùng Nhất Đăng đại sư , ông đứng hàng thứ năm, sau Ngư, Tiều, Canh, Độc. Nhưng cách mười năm sau, ông đã vượt lên đứng hàng thứ hai. Càng ngày, võ công của ông càng tiến bộ bao nhiêu thì ông lại càng ôn hoà thuần hậu bấy nhiêu, chứ không bao giờ ỷ mình giỏi mà khinh thường người khác. Vì có đặc tính đó mà Nhất Đăng đại sư tín cẩn thương mến, dốc lòng truyền hết võ công "Nhất dương chỉ" cho.
Về thuật "Nhất dương chỉ " Quách Tỉnh và Hoàng Dung chẳng những kém hơn Chu Tử Liễu mà ngay cả bọn Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Hách Đại Thông ... là những võ lâm tiền bối cũng còn thua xa.
Vốn là người lòng dạ ngay thẳng chất phác, nên khi nghe Hoàng Dung nói, Quách Tỉnh đã gật đầu đáp luôn :
- Cứ so sánh tài nghệ thì Chu sư huynh có thể ăn đứt Hoắc Đô , phần tôi thì cũng có thể đánh bại được Đạt Nhĩ Ma, nhưng điều đáng ngại là không biết Hách sư thúc có cự nổi với Kim Luân Pháp Vương hay không ? Chúng ta nên thận trọng mới được.
Hách Đại Thông xưa nay vốn là người hào khí nghĩa hiệp, biết rõ cuộc đấu võ hôm nay sẽ quyết định tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, chứ không phải là một cuộc so tài bình thường trong võ lâm. Nếu phe mình để ngôi Minh chủ rơi vào tay Kim Luân Pháp Vương thì bao nhiêu anh hùng Hán tộc sẽ bị chúng nó tiêu diệt dần dần hết. Như thế còn thể nào nói tới chuyện kháng Mông Cổ cứu quốc nữa.
Suy nghĩ xong, ông vuốt râu khẳng khái nói :
- Nếu việc này có lợi cho nước nhà , dân tộc thì dù thân già này có bị ác tăng bằm làm muôn mảnh ta cũng sẵn sàng hy sinh không hề tiếc.
Hoàng Dung nói :
- Như kế đã định sẵn, chúng ta chỉ cần thắng hai keo mà thôi, cho chúng nó thắng một keo cũng chẳng sao. Cứ theo tôi thì keo thứ ba không quan hệ mấy.
Quách Tỉnh nghe nói mừng quá cười lớn bảo :
- Hay quá, mưu kế quả là hay tuyệt !
Chu Tử Liễu tươi cười nói :
- Trong ba keo này, chỉ keo của tôi là nặng nề nhất. Nếu phen này mà không thắng nổi Vương tặc Mông Cổ thì đời sau thiên hạ phỉ nhổ lên thân xác, và không còn mặt mũi nào nhìn anh hùng hảo hán Trung Nguyên nữa.
Hoàng Dung tìm lời trấn an :
- Xin sư huynh đừng bi quan quá, không có chuyện chi đáng ngại hết. Vậy sư huynh cứ yên tâm ra chiến đấu đi !
Chu Tử Liễu khoan thai bước xuống vái Hoắc Đô Vương tử rồi lễ phép nói :
- Theo sự phân công trong nội bộ thì hôm nay tại hạ được hân hạnh lãnh giáo điện hạ keo này. Kẻ hèn này tên Tử Liễu, họ Chu, người ở Côn Minh thuộc xứ Vân Nam, vốn là đệ tử của Nhất Đăng đại sư. Bình sinh vốn ham mê văn chương thi phú, võ nghệ không tinh thông bao nhiêu. Vì vậy, hôm nay trong cuộc so tài cùng điện hạ , nêu có điều gì sơ suất, xin điện hạ vui lòng miễn chấp cho. Kẻ hèn này xin có lời cảm tạ trước.
Nói xong, ông rũ tay áo lấy ra một cây bút , cầm tay đưa thẳng lên trời vẽ luôn mấy vòng, rõ ràng là tác phong của một nhà nho không khác.
Hoắc Đô nghe giọng nghĩ bụng :
- Kẻ này nói năng lễ độ từ tốn khiêm cung, chắc bản lãnh phải cao siêu, tài ba xuất chúng. Ta cần phải để phòng mới được.
Nghĩ vậy, y vòng tay đáp lễ và nhỏ nhẹ nói :
- Tiểu Vương chưa có dịp được tiếp kiến và học hỏi lão tiền bối, không hiểu lão tiền bối quen sử dụng loại binh khí nào ?
Chu Tử Liễu cười ha hả nói :
- Mông Cổ là nước man di thiếu chữ nghĩa, văn chương, nên nhân tiện đây ta muốn dùng văn chương chữ nghĩa mà chỉ điểm cho một ít.
Hoắc Đô nghe nói, trong lòng giận sôi, suy nghĩ :
- Quân này láo thật. Hắn muốn dùng danh từ kiêu ngạo để mạ lỵ Đại Mông Cổ ta, Sự xáo láo này không thể tha thứ được. Phen này ta phải kết liễu mạng sống của hắn cho bọn này biết tay mới được !
Tuy nhiên, hắn cũng dằn lòng nói nhỏ nhẹ :
- ý tôi muốn biết ông sử dụng loại đao kiếm gì chứ đâu có hỏi văn chương chứ nghĩa mà ông bảo như vậy ?
Chu Tử Liễu múa tít cây bút lên trời mấy vòng rồi cười lớn đáp :
- Kẻ hèn xuất thân trong hàng nghiên bút, nào có biết đao kiếm là gì đâu. Những kẻ chuyên dùng đao búa chỉ là những bọn lòng lang dạ thú, chỉ chuyên ỷ mạnh hiếp người, xem sinh mạng con người như cỏ rác, có khi nào nghĩ đến nhân nghĩa, nhiều khi còn làm những điều thương luân bại lý nữa là đằng khác.
Hoắc Đô đưa mắt nhìn cây bút, thì thấy cán bằng trúc, đầu bút bằng lông dê, trên đầu có nhúng ướt mực cũng như muôn ngàn cây bút khác, chứ không phải là loại bút các nhà võ thuật thường dùng để điểm huyệt.
Y toan lên tiếng vặn hỏi thì thình lình có một bóng trắng bay qua lạnh như làn khói, mờ mờ trông như hình ảnh một nữ lang.Người này vừa sa xuống đã liếc mắt nhìn vào đám đông, hình như để tìm kiếm một kẻ nào vậy.
Quần hùng đang chăm chú nhìn vào trận đấu sắp diễn ra của Chu Tử Liễu và Hoắc Đô không hề để ý đến mọi việc bên ngoài. Nhưng bỗng nhiên có một bóng nữ lang bạch y vừa xuất hiện một cách quá ư đột ngột thì ai nấy tất thảy đều ngạc nhiên nhìn kỹ lại.
Dưới ánh đèn đuốc sáng rực như ban ngày, nư lang có nước da trắng xanh, hình như trong người đang mang bệnh, tuy nhiên hình dung vô cùng xinh đẹp. Trông nàng phảng phất như một tiên nữ, từ khuôn mặt cho đến dáng điệu thật vô cùng diễm lệ, hình như tất cả những nét gì tinh tuý nhất của vũ trụ này tất thảy đều tập trung để kết hợp lại thành nàng. Nàng đẹp đến nỗi chẳng biết dùng danh từ nào để tả, để gọi cho đúng. Mọi người có cảm tưởng đây là một tiên nữ vừa giáng trần !
Không ai hẹn mà cùng ồ lên một tiếng và cùng trầm trồ khen "quả thật là đẹp, đẹp như tiên nữ giáng trần"
Vừa trông thấy cô gái này, Dương Qua mừng rỡ như điên cuồng, vụt đứng thẳng dậy,chạy vụt ra khỏi chỗ chàng đang đứng, tay vung miệng reo :
- Cô nương ... Trời ơi, cô nương !
Nữ lang đó quả đúng chính là Tiểu Long Nữ.
Từ khi cùng Dương Qua chia tay mỗi người một ngả, Tiểu Long Nữ một mình trở lại Cổ mộ đài, sống những ngaỳ cô độc buồn bã, ngày đêm cô tịch, một bóng một đèn.
Hai mươi năm trước kia, nàng đã từng sống trong Cổ Mộ Đài hiu quạnh, cuộc đời như mặt nước hồ thu, không bao giờ buồn chán.
Nhưng từ khi gặp Dương Qua, hai người cùng nhau chung sống với nếp sống bình dị hồn nhiên trong Cổ Mộ đài, đôi khi nàng tự nhiên thấy cõi lòng xao xuyến như hồ thu gợn sóng. Tuy vậy, nàng vẫn cố tâm kìm hãm và vẫn giữ được tuyết sạch, giá trong, cả hai không bao giờ để lửa tình chi phối.
Khi trở về Cổ Mộ Đài lần sau, Tiểu Long Nữ cố nén lòng quên hết dĩ vãng và mọi nếp sống đã qua cùng chàng để tìm lại nếp sống bình thản trong cảnh hoang vu u tịch, nhưng không thể nào được nữa.
Lắm khi đang ngồi trên giường Hàn ngọc, nàng chợt nhớ tới hình ảnh Dương Qua đang nằm ngủ say sưa trên chiếc giường này, cà cũng chính trên cái bàn cạnh đấy, hàng ngày chàng lo rót nước bưng lại hầu mình. Bao nhiêu hình ảnh đó luôn luôn xâm chiếm tâm hồn nàng , khiến cho Tiểu Long Nữ không thể nào chăm lo tu luyện được nữa. Nàng đã trải qua cả ngày dài ngồi suy nghĩ vẩn vơ, thương hình nhớ bóng, bỏ cả ăn ngủ, kéo dài cuộc sống chập chơn như cơn ác mộng.
Cảnh thác loạn trong ngôi Cổ Mộ cứ keo dài ngày này sang ngày khác, không bao lâu đã được một tháng trường.
Tiểu Long Nữ không chịu đựng được nữa và một ngày kia, nàng quyết tâm đi tìm Dương Qua.
Suốt đời từ tấm bé sống trong Cổ Mộ, nàng đâu hiểu gì về cuộc sống bên ngoài, từ nhân tình thế thái đến quan niệm nhân sinh,cái gì nàng cũng thấy mờ mờ mịt mịt như chú Mán về đồng. Từ bé, nàng chỉ được sư phụ dạy cho phương pháp luyện phép "bài trừ thất tình lục dục" khiến nàng có thể trở thành một con người không bị xúc động vì ngoại vật, không hờn, không giận và không để mọi vật chi phối. Vì vậy, cái gì đối với nàng cũng đều mờ mịt, mỗi bước đường đều hoàn toàn bỡ ngỡ, ngơ ngẩn.
Đối với một người không bao giờ chung sống cùng xã hội bên ngoài mà phải vượt núi trèo đèo đi tìm Dương Qua giữa nhân thế bao la thì có khác chi là "mò kim đáy bể"
Bước ra khỏi Cổ Mộ, không biết là nên đi về hướng nào, nàng cứ đánh liều đi về phía trước mãi, tới đâu hay tới đó.
Trên đường đi gặp ai nàng cũng cứ tưởng họ đều quen biết Dương Qua nên thật thà hỏi : - Ông, bà có gặp Dương Qua đi về hướng nào hay không ?
Người nào nghe nàng hỏi cũng đều buồn cười, chỉ nhìn nàng lắc đầu, biết đâu mà chỉ ?
Thân gái dặm trường, đường đời không định hướng, nàng đánh liều cất bước, hễ đói bụng thì ghé nhà người ta, gặp cơm thì ngồi lại ăn, chứ không hề biết là ăn thì phải trả tiền, hoặc nếu không có tiền thì cũng phải hỏi chủ đồng ý trước mới được. Với tánh quá ư hồn nhiên và ngơ ngẩn của nàng khiến cho nhiều người phải cười nôn cả ruột.
Cũng may là nhờ nàng có nha sắc vô cùng xinh đẹp, nên ai ai trông thấy cũng đều có cảm tình ngay, ngoài ra còn có kẻ nghĩ rằng nàng là tiên nữ giáng trần để thử lòng nhân thế nên ai cũng hết lòng chiều chuộng dễ dãi cùng nàng. Không một người nào có ý ngăn trở hay làm khó khăn cho nàng từ bữa ăn tới chỗ ngủ.
Một ngày ka, nàng đang ngồi nơi quán trọ, chợt nghe thiên hạ bàn tán nơi Lục gia trang tại Kinh tử quan có tổ chức "Anh hùng yến" . Tiểu Long Nữ chợt nghĩ :
- Cứ nghĩ võ công của Dương Qua cũng đáng mặt anh hùng. Có lẽ hắn có tên dự Anh hùng yến cũng nên. Ta cứ đến đó may ra sẽ gặp.
Nghĩ vậy rồi nàng quyết tâm dò đường tìm tới Kinh Tử quan và hỏi trang viện họ Lục.
Hàng ngàn quan khách bốn phương về dự Anh hùng yến, nhưng trừ Hách Đại Thông, Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính là biết nàng còn bao nhiêu người khác không ai có thể ngờ được nàng là Tiểu Long Nữ. Tuy nhiên, mọi người thảy đều ngạc nhiên về dung nhan cực kỳ diễm lệ của Tiểu Long Nữ và đoán đây cũng là một dị nhân kỳ nữ.
Vừa nhận được nàng, Doãn Chí Bình giật mình kinh sợ tái mét cả mặt mày. Triệu Chí Kính theo dõi nhận thấy như vậy chỉ bĩu môi cười thầm.
Quách Tỉnh và Hoàng Dung nhìn cử chỉ của hai người thì lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì sao, nên trong lòng rất nghi hoặc.
Nghe giọng nói quá ư tha thiết mừng rỡ của Dương Qua, Tiểu Long Nữ cảm động quá, run run giọng nói :
- Qua nhi ! Sao người đi đâu để ta mất công tìm kiếm vậy ?
Dương Qua đôi mắt đẫm lệ, sụt sùi một hồi lâu mới nói lên được :
- Sao, cô nương ... , cô nương có ... bị lạc đường không vậy ?
Tiểu Long Nữ lắc đầu đáp :
- Không đâu ! Ta đi tới đâu cũng hỏi thăm người ta nên không bao giờ bị lạc lối cả !
Dương Qua mừng quá nói dồn dập :
- Tôi định đi tìm kiếm cô nương, thời may cô tìm tới đây, may quá, mừng quá !
Hàng ngàn tân khách theo dõi cử chỉ của hai người đều ngạc nhiên hết sức. Giữa đám đông thiên hạ mà hai người cùng nhau trò truyện hình như đang ở trong phòng riêng, không chút ngại ngùng và xem như xung quanh không có một người nào nhìn họ.
Tiểu Long Nữ cầm chặt tay Dương Qua, lòng tràn ngập cả hoan hỷ lẫn sầu thương.
Hoắc Đô Vương tử trông thấy Tiểu Long Nữ đẹp quá cũng đứng sững ra nhìn chứ không biết là ai. Y không ngờ rằng đây là người đẹp Tiểu Long Nữ mà xưa kia y đã đến cầu hôn thất bại nơi Chung Nam Sơn.
Trông thấy người đẹp lại xoắn sít bên cạnh một anh chàng mặt mày lem luốc, áo quần rách vá trăm mảnh thì y có lòng ganh tỵ bèn mắng lớn :
- Đây là chốn anh hùng tranh tài cao thấp, đâu phải là chốn để cho trai giá tự tình ? Biết điều thì hãy tránh đi cho khuất mắt .
Dương Qua không thèm đáp lại, nắm tay Tiểu Long Nữ kéo nàng ra mé ngoài hiên ngồi bên nhau kể hết nỗi nhớ niềm thương trong những ngày xa cách .
Thấy hai người đã đi xa rồi, Hoắc Đô quay sang Chu Tử Liễu :
- Nếu ông không biết sử dụng binh khí thì chúng ta dùng quyền cước so tài cùng nhau cũng được.
Chu Tử Liễu cười lớn đáp :
- Đâu được ! Nước Trung Hoa là một nước văn hiến, lấy lễ nghĩ làm căn bản, lấy văn chương mà cầu hiền, dùng bút nghiên mà chọn bạn, đâu phải như phưỡng dã man mọi rợ như quân Mông Cổ chúng bay, chỉ biết lấy sự chém giết làm lẽ sống ?
Hoắc Đô nổi giận thét lớn :
- Ta cũng không cần dùng đến gươm giáo đâu !
Nói xong, y xoè quạt quạt liền mấy cái.
Chu Tử Liễu bước ngang qua một bên tránh né rồi dùng bút vẽ luôn mấy cái về phía Hoắc Đô.
Hoắc Đô thấy đối phương vừa xuất thủ lanh lẹ phi thường đã đem lòng kính nể không dám coi thường, hết sức thận trọng cố ý dò xét xem thuộc môn phái nào để tiện bề đối phó, hoặc tấn công phòng thủ.
Chu Tử Liễu thấy Hoắc Đô có vẻ ngán mình trong bụng mừng thầm bèn doạ lớn :
- Chỉ cần một nét bút của ta có thể vẽ tan một ngàn quân Mông Cổ đấy. Vậy điện hạ hãy cẩn thận đề phòng cho kỹ đấy nhé !
Nói vừa dứt lời, ông vun g bút điểm luôn mấy cái liên tiếp .
Hoắc Đô Vương tử tuy học tại Tây Tạng, chưa hề lăn lộn giang hồ, nhưng sự hiểu biết của Kim Luân Pháp Vương rộng như biển hồ, bao nhiêu võ công chốn Trung Nguyên ông ta đều biết qua hết cả. Biết rằng Hoắc Đô cần học mình tất cả những kinh nghiệm để uy hiếp quần hùng Trung Nguyên, nên Kim Luân Pháp Vương sẵn sàng đem hết tuyệt học của mình ra truyền thụ. Nhưng ngờ đâu, Chu Tử Liễu xuất thủ cầm bút điểm luôn mấy cái mà y vẫn chưa nhận định được là thuộc môn phái nào. Mỗi khi múa bút lên trời ý không biết chữ gìm, tác dụng ra sao, mà lạ thay, cứ mỗi lần Chu Tử Liễu đảo bút là y lại thấy rung chuyển cả các đại huyệt trong người.
Nguyên Chu Tử Liễu là một văn nhân nổi tiếng phương Nam, sau này theo học võ công nhưng không bao giờ xao nhãng nghiệp văn chương. Võ công càng tinh thục, văn pháp cũng được trau dồi, ông chú tâm phối hợp cả hai môn theo Thư Pháp Nhất Dương Chỉ thành một môn tuyệt kỹ. Đây là môn thư pháp do ông tự sáng chế. Nếu người khác muốn học lại cũng rất khó vì cần phải giỏi cả ba thứ : văn hay, võ giỏi và thuật Nhất Dương chỉ nữa mới được.
Thuật thư pháp này gọi là "Văn trung hữu võ, võ trung hữu văn" nghĩa là trong văn có võ, trong võ có văn, cần phải kiêm tài văn võ.
Theo quan niệm của Hoắc Đô thì bọn nhà văn chỉ là những nhà hữu nho, chỉ chuyên đọc Tứ thư, Ngũ Kinh, chuyên về thi phú, ngâm vịnh,trói gà không chặt, chẳng làm nên trò trống gì. Không ngờ hôm nay trước mặt y, một thư sinh trổ tài điểm huyệt bằng bút, mỗi nét bút tung ra là một đòn điểm huyệt vô cùng thần bí. Lạ hơn nữa là lối điểm bút liên miên bất tận, theo lối viết chữ loang loáng như thảo thư, ánh bút phấp phới như ánh sáng chói loà không biết đâu đề phòng hay né tránh cả.
Thấy lối hươi bút điểm huyệt của Chu Tử Liễu quá ư tinh diệu thần bí, Hoắc Đô Vương tử nghi nghi hoặc hoặc, nhìn trân trối chẳng biết nên tới hay nên lui.
Quách Tỉnh tuy không thạo về văn chương cho lắm nhưng cứ nhìn theo lối múa bút của họ Chu cũng phải gật gù thầm phục là kỳ diệu.
Còn Hoàng Dung thì ngay từ nhỏ đã được cha là Hoàng Dược Sư dạy học nhiều loại kinh pháp văn chương nên bà là một người cả văn võ đều thạo. Cho nên trông thấy thư pháp của Chu Tử Liễu biểu diễn với một lối lạ lùng, bà cũng thầm phục hết sức.
Quách Phù chạy lại gần mẹ, thỏ thẻ hỏi :
- Mẫu thân, Bác Chu dùng bút vẽ ngang vẽ dọc những gì mà có vẻ huyền diệu tài tình quá như vậy. ?
Hoàng Dung đang bận theo dõi nên không tiện giải thích lâu dài, chỉ đáp suông một câu :
- Đó là bút pháp của Phòng Huyền Linh.
Quách Phù không biết hỏi thêm :
- Phòng Huyền Linh là ai vậy, mẫu thân ?
Hoàng Dung giải thích đơn sơ cho con nghe :
- Phòng Huyền Linh là một vị đại thần đời Đường, ông ta có lối chữ viết như rồng bay phượng múa, nét chữ già dặn sắc sảo, tinh anh. Vì vậy nên thiên hạ bái phục và gọi ông là "giai thư linh phẩm".
Miệng thì nói chuyện với con gái, nhưng mắt bà không rời khỏi cuộc đấu giữa hai người.
Lúc bấy giờ, Chu Tử Liễu say mê với cuộc đấu , vứt bỏ cả mũ, hình thái không khác nào một kẻ điên khùng hay say rượu cả, vung tay viết những nét bút vừa mạnh, vừa dài, xem qua như rắn bò, rồng cuốn.
Quách Phù ngạc nhiên quá vội hỏi thêm Hoàng Dung :
- Mẫu thân, bác này có lẽ say rượu hay là nổi cơn điên rồi chăng ?
Hoàng Dung cười đáp :
- Không điên đâu. Nếu cho ông ấy uống thêm vài cốc mỹ tửu, ông ta càng viết đẹp hơn nữa đấy con ạ !
Nói dứt lời, Hoàng Dung xách bầu rượu lại gần nói lớn :
- Chu đại ca, hãy nếm vài ngụm rượu cho ấm lòng và thêm hứng thú !
Miệng nói, tay rót một chung đầy trao cho Chu Tử Liễu . Mùi rượu thơm phức xông ra ngào ngạt, nghe thoảng như mùi quế hương. Đây là loại rượu hảo hạng đặc biệt do Hoàng Dung mang từ đảo Đào Hoa về, tất cả quần hùng ở đây ai cũng công nhận là "thiên hạ đệ nhất mỹ tửu".
Chu Tử Liễu bước lùi ra sau mấy bước, đưa tay tiếp lấy chung rượu, uống một hơi cạn hết.
Hoàng Dung lại rót thêm chung thứ hai, Chu Tử Liễu cũng uống cạn luôn. Qua chung thứ ba thì Chu Tử Liễu đã cảm thấy đầu óc nóng bừng, tinh thần hứng thú, hình như được Phật bà ban cho nước cam lộ. Vì vậy nên ông bưng chung thứ ba uống từng ngụm nhỏ để kéo dài sự hứng thú.
Hoắc Đô nhìn thấy đối phương trong lúc đang chiến đấu cùng mình mà còn khề khà nhắm rượu có ý khinh thường thì nổi nóng dùng quạt định đập bể chung rượu, nhưng Hoàng Dung đã đoán biết từ trước nên kịp thu tay về ngay.
Chu Tử Liễu không thèm để ý tới Hoắc Đô, chỉ cúi đầu cảm tạ Hoàng Dung đãi rượu.
Hoàng Dung tươi cười nói :
- Đại ca, sau khi uống rượu vào rồi, chắc hẳn đại ca viết và múa đẹp lắm đấy !
Chu Tử Liễu vừa cười vừa đáp lời Hoàng Dung và cũng gián tiếp nói chuyện với Hoắc Đô:
- Gia Cát Khổng Minh xưa kia lâm trận, dù bên mình có hàng vạn tinh binh cũng vẫn giữ được thần trí vô cùng bình tĩnh thư thái an nhàn, không bao giờ nôn nóng hấp tấp. Kẻ hèn này ngày nay chỉ đua tài cùng một kẻ dưới tay, lòng dạ không hơn gì lang sói, thì cần gì phải nói gấp đến chuyện hơn thua ?
Nhìn trời cười thêm một lúc nữa, ông nói tiếp :
- Sẵn có tửu hứng, tôi xin viết theo lối bút pháp của Trương Húc thời xưa để Hoàng Bang chủ thưởng thức nhé. Chu Tử Liễu này tuy không hơn nhiều kẻ trượng phu Trung Nguyên, nhưng cũng không đến nỗi bị thịt như bọn man rợ nơi đây đâu !
Nói xong, ông ta hươi bút viết luôn bài "Thánh tảo" ( nghĩa là chữ viết đẹp như thánh ) của Trương Húc cho Hoàng Dung và quần hùng xem.
Kim Luân Pháp Vương tuy ngồi nhắm mắt tham thiền, nhưng vẫn chú ý theo dõi cuộc tranh tài giữa đôi bên. Khi thấy bên này đưa ra một nhà nho múa bút ba hoa để kéo dài thời giờ thì bực mình gọi Hoắc Đô :
- Ai Cổ Tư Kim con, sao con mê muội lắm vậy ? Còn thuật "thất nhi thất nhi" đâu rồi không dùng tới ?
Quần hùng nghe nói chẳng hiểu y muốn gì cả. Duy có Hoắc Đô Vương tử đã chợt nghĩ ra :
- Sư phụ không muốn mình chậm trễ kéo dài thì giờ và muốn mình dùng thuật gió lốc để tấn công đối phương chứ gì ?
Nghĩ vậy, y dung nội lực, chúm môi thổi phù một cái, tiếp đo tay trái phất mạnh , tay phải quạt lia, khiến cho một cơn gió lốc thật mãnh liệt thổi phụt về hướng Chu Tử Liễu.
Trận cuồng phong xuất phát từ ống tay áo và cánh quạt của Hoắc Đô ào ào thổi tới như một cơn lốc. Sức gió phạt ngang qua một chút mà nhiều kẻ trong quần hùng không đứng vững phải ngã lăn ra như có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn theo và xô đẩy.
Hùa theo luồng gió lốc, Hoắc Đô còn chúm môi hú lên những tràng dài nghe rất rùng rợn như ma kêu quỷ rống để áp đảo tinh thần đối phương.
Hoắc Đô còn dùng quạt quạt lia lịa để tăng thêm cường lực cho trận quái phong. Đây là một thuật thổi gió phun sấm của Mông Cổ, một thuật đặc biệt dùng để khống chế tinh thần địch. Trần cuồng phong mạnh đến nỗi làm tróc cả mấy tảng đá to ở ngoài hoa viên, và nhiều người phải lật đật đứng sang một bên để khói bị luồng gió thổi té. Lắm kẻ hoảng sợ chạy ra đằng sau nấp vào tường nhà hay nhảy luôn xuống giếng.
Hoàng Dung thấy Dương Qua và Tiểu Long Nữ đang ngồi sát vai nhau trên thềm đá gần đó, cách đấu trường hơn một trượng, đúng ngay vào đầu luồng gió đang thổi cuốn tới. Mặc cho gió cuốn, cả hai vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, vẫn nói chuyện như thường. Cả một trận cuông phong xô nhà bứng đá, làm dạt cả cây cối, thế mà đối với hai người không khác nào là một cơn gió chiều hè, không thèm tránh né và cũng không thèm quan tâm đến trận chiến giữa Hoắc Đô và Chu Tử Liễu.
Hoàng Dung ngạc nhiên vô cùng. Từ đó bà chú ý theo dõi Dương Qua và Tiểu Long Nữ hơn là trận đấu của hai người. Bà nghĩ bụng :
- Cô gái này có vẻ lạ lùng, và nhất định là võ công phải rất cao siêu tuyệt đỉnh. Nàng rất thân mật và thắm thiết cùng Qua nhi. Chẳng hiểu nàng thuộc môn phái nào mà xưa nay ta chưa từng quen biết.
Lúc bấy giờ Tiểu Long Nữ đã ngoài hai mươi tuổi. Vì từ nhỏ sống trong Cổ Mộ, không mấy khi tắm ánh nắng mặt trời nên nước da nàng hơi xanh mét, tuy nhiên vẫn mịn màng như nhung. Vì tập luyện nhiều nên nàng già đi hơn mấy tuổi. Thoạt nhìn qua nàng có vẻ như một nữ lang trạc chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi.
Ngày còn sống trong Cổ Mộ, chưa gặp Dương Qua, lòng nàng thảnh thơi không vương vẫn chút tình cảm, vui, buồn, mừng, giận thì nàng trẻ hơn tuổi mình có đến mấy năm, nghĩa là khi đó nàng chỉ phỏng chừng mười hai, mười ba tuổi mà thôi.
Từ lúc gặp Dương Qua , bị tình cảm chi phối, và nhất là sau thời gian cách biệt , ngày đêm nhớ nhung trông đợi, thất tình lục dục đã dày vò tinh thần, thể xác, nàng như bị bệnh tương tư, nên đã già đi rất nhiều. Kinh nghiệm với bệnh tương tư suốt thangsg trong Cổ Mộ đài, lúc bấy giờ Tiểu Long Nữ mới nghĩ lại lời giáo huấn của sư phụ là đúng. Nàng tự thấy, nếu mình dốc lòng tu luyện , đừng để hương vị yêu đương lung lạc thì dẫu thọ tới trăm tuổi cũng vẫn còn trẻ như người năm chục tuổi mà thôi, chứ không đến nỗi bị già trước tuổi như hiện tại.
Nhưng dưới mắt của Hoàng Dung thì Tiểu Long Nữ có nhiều cử chỉ hết sức hồn nhiên , thanh nhã, sắc diện phúc hậu. Đem so sánh với con mình thì không khác gì bao phấn với bì vôi, con mình không thể nào sánh kịp, từ sắc đẹp cho đến nét duyên dáng.
Mải mê nhìn ngắm và suy xét về người con gái đang ngồi tâm sự cùng Dương Qua, Hoàng Dung bỗng nghe Chu Tử Liễu thét lớn :
- Thôi, đừng hòng dùng ma thuật để lung lạc ta. Trận quái phong của mi đâu có lợi hại gì, hãy mở to mắt ra xem bút pháp của ta đây !
Nói xong, ông dùng bút hươi mạnh thành những nét dọc ngang như mạng nhện giăng khiến cho Hoắc Đô đâm ra hoảng hốt sợ hãi nghĩ :
- Té ra thuật thổi gió phun sấm của mình chẳng có nghĩa lý gì với tên thầy đồ này !
Y đang ngẩn ngơ chưa biết tính lẽ nào thì bỗng Kim Luân Pháp Vương nói lớn :
- Mã mễ bát mễ, cổ tư hắc tư...
Toàn thể quần hùng không ai hiểu rõ ý nghĩa của tám chữ này nên thảy nhìn nhau ngơ ngác, sững sờ.
Riêng Chu Tử Liễu khi nghe Kim Luân Pháp Vương mách nước cho Hoắc Đô thì tự nghĩ:
- Mặc kệ cho bọn bay bày vẽ lẫn nhau. Bây giờ bày trò gì ta cũng phá được. Ráng mà thi thố cho hết tài, chưa biết kẻ nào thắng, kẻ nào thua đấy nhé ?
Nghĩ xong, ông đổi hẳn bút pháp. Lúc bấy giờ ông không hươi bút viết thành chữ như lúc trước mà dùng cán bút đâm vào như một người thợ đá đang đục gọt để làm tượng.
Quách Phù thấy kỳ lạ quá, vỗ vai mẹ hỏi :
- Mẫu thân, sao bác ấy lại khắc chữ vào đá để làm gì vậy ?
Hoàng Dung mỉm cười đáp :
- Sao con kém thông minh thế ? Bác Chu khắc bia đá theo lối chữ triện thời xuân thu đã khắc vào bia đá đó. Con có đọc được chữ gì không ?
Quách Phù chú mục vào nhìn theo, thấy nét ngang nét dọc rối rít như một bức địa đồ, không phân biệt được chữ gì hết. Nàng nhìn lên hỏi mẹ :
- Bác ấy đang viết chữ gì vậy ? Sao mà khó đọc quá !
Hoàng Dung cười đáp :
- Đây là lối chữ triện cổ, khó đọc lắm, ngay như mẹ đây còn khó khăn , lúng túng huống chi là con, đọc sao ra nổi ?
Quách Phù vỗ tay nói lớn :
- Nếu mẫu thân mà đọc còn khó khăn thì cái thằng rợ Mông Cổ này làm sao mà đọc cho được ?
Hoắc Đô Vương tử nghe Quách Phù ngạo mình là thằng rợ Mông Cổ thì nổi giận và nghĩ bụng không biết Chu Tử Liễu đem loại chữ này ra thi thố để làm gì vậy ? Y bèn xáp lại, vung quạt quạt phẩy mấy cái vào người Chu Tử Liễu.
Thật ra Hoắc Đô đâu biết được rằng , cứ mỗi nét bút của thuật "Nhất Dương Chỉ" có thể phát huy lên tất cả sức mạnh trong người. Vì vậy cho nên mặc dù y cố sức quạt mạnh, nhưng đối với Chu Tử Liễu không hề bị ảnh hưởng. Ngoài ra, y quạt càng mạnh, thì họ Chu càng viết lanh lẹ và đẹp hơn là đằng khác. Trong lúc xuất kỳ bất ý, Chu Tử Liễu lanh tay viết luôn mấy chữ lên quạt của Hoắc Đô nữa.
Hoắc Đô vội vàng rút tay lại và hỏi lớn :
- Vì sao nhà ngươi lại viết chữ "võng" và chữ "lưới" trên quạt của ta như vậy ?
Chu Tử Liễu cười ha hả đáp :
- Ngu quá, đó là chữ "nhĩ" chứ đâu phải là chữ "võng" như mày nói !
Rồi thuận tay, ông viết thêm luôn một chữ khác nữa.
Hoắc Đô hỏi :
- Thế chữ này có phải là chữ " nguyệt" là mặt trăng không ?
Chu Tử Liễu lắc đầu đáp :
- Không phải đâu ! Chữ đó là chữ "nãi nghĩa là thẹn đó
Hoắc Đô nổi nóng và thẹn thùng, vội vàng giằng quạt ra không cho viết nữa, nhưng Chu Tử Liễu cũng đã viết được hai chữ khác .
Hoắc Đô nổi nóng vùng mắng lớn :
- Đồ man rợ !
Chu Tử Liễu cất tiếng cười ha hả nói lớn :
- Phải, mi là đồ man rợ chứ còn ai nữa !
Bao nhiêu quần hùng dều oán hận quân Mông Cổ đã xâm lấn Trung Nguyên, giày xéo Hán tộc, ai ai cũng nuôi chí phục thù rửa hận, nên nay nghe Chu Tử Liễu mắng tên Hoắc Đô Vương tử Mông Cổ là đồ man rợ thì rất lấy làm hả hê, mát lòng mát dạ vô cùng.
Nãy giờ bị Chu Tử Liễu dùng thuật "chân, thảo, triện, lệ" trong "Thư pháp Nhất Dương Chỉ" ra áp đảo, Hoắc Đô không thể nào thi thố được tài năng sở trường nên trong lòng rất căm tức. Hắn nổi nóng dùng quạt đập liên tiếp vào khắp nơi trên người của Chu Tử Liễu quyết tâm hạ độc thủ.
Không ngờ y càng ra tay mạnh chừng nào thì càng lộ nhiều sơ hở để Chu Tử Liễu áp dụng thuật điểm huyệt theo "Nhất Dương chỉ pháp liên hoàn" . Bị trúng đòn, Hoắc Đô cảm thấy đầu óc choáng váng, mặt mũi tối tăm, hai tai nóng bừng rồi ngã ra ngất xỉu.
Hai anh em họ Võ thấy sư bá dùng thuật Nhất Dương chỉ hạ được Hoắc Đô Vương tử thì trong lòng hân hoan vô hạn, muốn chạy ào ra đấu trường để tung hô bác lên cao cho thiên hạ anh hùng trông rõ, đồng thời cũng là một dịp để ra oai với Quách Phù.
Nhưng hai người chưa kịp lại gần bỗng nghe Chu Tử Liễu la ối lên một tiếng thất thanh rồi ngã quay ra mặt đất. hai chân giãy lên đành đạch.
Thấy Chu Tử Liễu bất ngờ bị thương nặng, quần hùng thảy đều ngạc nhiên nhưng chưa biết nguyên nhân tại vì sao, nên khắp nơi đã nổi lên những lời bàn tán xôn xao náo nhiệt.
Nguyên trong khi thấy Hoắc Đô bị trúng đòn ngã lăn ra đất, Chu Tử Liễu động lòng từ tâm không muốn hạ độc thủ và bước lại gần phất tay áo để giải huyệt cho hắn. Khi được giải huyệt rồi, Hoắc Đô đã không biết cảm ơn mà còn manh tâm quyết hại Chu Tử Liễu bằng một đòn độc thủ hèn hạ. Hắn lập tức xoay cán quạt lại, hướng về phía Chu Tử Liễu rồi bấm nút kín khiến cho bốn cây đinh tẩm độc từ trong quạt bắn ra nhanh như tên lao thẳng vào mình họ Chu.
Cứ theo quy luật võ lâm thì khi kẻ nào đã bị thua, không được dùng ám khí để hại lén. Vì đinh ninh vào quy luật ấy nên Chu Tử Liễu đã đến gần giải huyệt cho Hoắc Đô mà không đề phòng trước. Khi vừa giải huyệt xong, họ Chu đứng quá gần Hoắc Đô cho nên lúc bốn mũi kim độc lao ra, Chu Tử Liễu không thể nào tránh né cho kịp. Trên bốn mũi độc đinh này có tẩm sẵn một loại nhựa của một giống côn trùng từ bên ngoài Tây Tạng, rất nguy hiểm nếu đã thấm vào máu. Vì vậy nên Chu Tử Liễu bị thuốc độc hành giãy giụa như hổ phải tên.
Nhận thấy Hoắc Đô dùng thủ đoạn hèn hạ ngầm hại người chiến thắng, quần hùng nhao nhao lên phản đối, lắm kẻ còn chỉ thẳng vào mặt y mắng lớn :
- Thật là đồ tiểu nhân vô liêm sỉ, đã thua rồi mà còn dùng ám khí hại người !
Hoắc Đô cười hềnh hệch đáp rất tự nhiên :
- Đó chỉ là phương pháp chuyển bại thành thắng chứ có lạ gì đâu mà la lối như vậy ? Nếu Chu huynh dùng ám khí hại Tiểu Vương này, chắc các vị cũng bằng lòng lắm chứ ? Hơn nữa, trước khi giao đấu không thấy nói rõ về điểm này bao giờ.
Quần hùng thấy y mặt dày mày dạn như thế, già miệng cãi chày cãi cối nên không ai thèm tranh luận nữa
Quách Tỉnh vội vàng bước lại bồng Chu Tử Liễu lên, thấy cả bốn mũi đinh độc ghim khắp chỗ xung quanh miệng, và mặt mày Chu Tử Liễu đã thất sắc, cười không ra cười, mếu không ra mếu nữa.
Biết loại đinh này có tẩm độc nặng lắm nên Quách Tỉnh dùng thuật điểm huyệt , điểm luôn vào các đại huyệt trên người Chu Tử Liễu khiến cho máu độc không thể chảy vào tim được nữa rồi quay sang hỏi Hoàng Dung :
- Bây giờ nên tính sao bây giờ ?
Hoàng Dung cúi đầu suy nghĩ :
- Muốn có thuốc giải độc thế nào cũng phải cầu đến Kim Luân Pháp Vương hay Hoắc Đô vương tử. Chỉ hai người này có thể trừ được độc dược, tuy nhiên, cầu được họ không phải là một chuyện dễ.
Vì còn đang do dự chưa biết dùng cách nào nên Hoàng Dung đứng lặng thinh không đáp. vẻ mặt đăm chiêu buồn buồn.
Ngư Nhân trông thấy sư đệ thọ độc nặng nề , trong lòng vừa lo vừa giân, liền xắn tay áo định chạy lại tấn công Hoắc Đô ngay.
Nhưng Hoàng Dung chợt nghĩ :
- Quân Mông Cổ đã thắng một trận rồi. Nếu để Ngư Nhân ra đấu, rủi thua thêm nữa thì hư việc lớn. Hơn nữa, sức ông này đâu có thể chọi được với Đạt Nhĩ Ma.
Nghĩ vậy, bà gọi lớn :
- Ngư huynh, xin hãy thong thả, đừng nóng nảy quá như thế !
Ngư Nhân dừng chân nhìn bà nói :
- Thưa, Hoàng Bang chủ có điều gi dạy bảo ?
Hoàng Dung nhỏ nhẹ nói :
- Xin đại huynh hãy thong thả, chúng ta cần bàn tính lại cho chu đáo trước khi hành động. Mình đã thua một keo rồi. Nếu keo này không trù liệu cho kỹ, rủi thua chúng lần nữa thì đại cuộc hỏng hết.
Ngư Nhân cho là Hoàng Dung nói có lý nên cố dằn tâm không xông ra gây sự nữa.
Hoắc Đô dùng ám khí hạ được Chu Tử Liễu rồi, tự cho là thắng thế, vênh mặt nhìn quanh bốn phía, hiu hiu tự đắc, tưởng như nơi đây không ai có thể đương cự cùng mình.
Đang hứng chí nhìn quanh khắp mặt quần hùng, chợt ngó ra mái hiên, thấy Dương Qua và Tiểu Long Nữ đang ngồi sánh vai nhau trò chuyện. Hai người vừa nói vừa bứt những lá cây xung quanh khẽ xoa lên mặt đất, không thèm để ý đến mọi sự xung quanh. Hoắc Đô sinh lòng ganh tỵ và cảm thấy chướng mắt , cơn giận dâng lên ngùn ngụt, cầm quạt trỏ hướng đó mắng lớn :
- Quân súc sinh vô liêm sỉ, nơi đây không phải là chỗ để tình tự trai gái. Muốn yên thân thì xéo đi cho khuất mắt ta ngay bây giờ.
Dương Qua từ khi gặp được Tiểu Long Nữ thì trong lòng hân hoan sung sướng tới cực độ. Đối với chàng, ngoài Tiểu Long Nữ ra không còn điều gì đáng quan tâm nữa. Vì vậy nên chàng mải mê chuyện trò cùng nàng mà không cần để ý đến trận đấu giữa Hoắc Đô và Chu Tử Liễu. Trong lúc này dù thiên hạ có giết nhau, trời nghiêng đất lở thì cả hai cũng chẳng quan tâm.
Dương Qua nghĩ :
- Bao nhiêu năm chung sống trong Cổ Mộ , Tiểu Long Nữ đã xem mình như ý trung nhân, dám cùng nhau sống chết, thật cũng đã chí tình. Hèn chi có một dạo nàng ngỏ ý hỏi muốn làm vợ mình có được chăng, nhưng vì câu hỏi này quá bất ngờ nên mình phân vân chưa biết đáp sao cho phải, do đó nàng nổi giân cất bước ra đi biệt tăm không tìm ra tông tích. Những tưởng bóng hồng đã mất theo ngàn mây cỏ nội, không bao giờ hội ngộ để giáp mặt trao lời. Ngờ đâu nàng vẫn nặng tình thương nhớ, chẳng nài ngàn dặm lặn lội tìm ta, chắc không ngoài mục đích hỏi lại câu hỏi :"có thể làm vợ ta được chăng ?" .Nhưng suy nghĩ cho kỹ, nàng là sư phụ mình,lẽ nào ta dám vượt vòng lễ giáo để đi lấy cô nương làm vợ ?
Trong thời gian cùng chung sống trong Cổ Mộ, không biết tình yêu nảy nở từ lúc nào, nhưng cả hai người đều cố dùng hết nghị lực để kìm hãm và che đậy. Mãi đến khi sắp từ biệt không ngờ cô nương lại bồng bột biểu lộ tâm sự thầm kín trong lòng đem diễn tả ra bằng một câu hỏi vừa ngây thơ, vừa chân thật,chẳng chút ngại ngùng,
Bao nhiêu những niềm suy tư che đậy trong lòng, Dương Qua đem ra thổ lộ hết cùng Tiểu Long Nữ.
Trước kia Tiểu Long Nữ đã khắc chế được thất tình lục dục , không bao giờ nghĩ đến yêu đương, và cũng không hề yêu ai. Lòng nàng khi nào cũng bình thản như mặt nước hồ thu không gợn sóng, chẳng bao giờ giận hay bực tức ai cả . Hơn nữa, trong Cổ Mộ đâu có ai có thể khiến cho nàng phải giận hờn hay nhung nhớ đâu.
Nhưng từ khi gặp Dương Qua , không hiểu tình yêu từ lúc nào đã nảy nở, càng khống chế, nó càng thêm bồng bột, muốn quên cũng không quên được, muốn rứt cũng rứt không ra. Đối với nàng, lúc này, càn khôn đều là nhỏ bé, chỉ có tình Dương Qua là lớn mà thôi.
Đang khát vọng tình yêu, nay bỗng gặp nhau nên Dương Qua chẳng cần xem thiên hạ ra gì, mà Tiểu Long Nữ cũng không nề hà lễ nghi của thế tục.Cả hai cùng một ý tưởng :
- Yêu nhau, nay mới được gặp nhau là thoả mãn lắm rồi, cần chi tới tiếng đời thị phi hơn thiệt. Mình chỉ làm theo ý mình, khách bàng quan không quan hệ lắm. Vì vậy nên mặc cho hàng ngàn người đang có mặt xung quanh đây., mặc cho cục diện căng thẳng đáu tranh một còn một mất , hai người vẫn thản nhiên kề vai sát má trò chuyện cho phỉ tình.
Mải mê với câu chuyện tâm tình, Dương Qua không nghe được những lời quát tháo vô lễ của Hoắc Đô Vương tử. Đối với tất cả mọi người khi đang ngụp trong bể tình ái thì đâu có kể gì nhân tình thế thái bên ngoài. Vì vậy nên mặc cho hắn hò hét, trợn mắt ra oai , Dương Qua và Tiểu Long Nữ vẫn không có một lời đáp lại.
Thấy hai người không thèm đếm xỉa tới lời nói của mình, Hoắc Đô càng bực tức hơn nữa, định xông tới đá cho mấy cái. Nhưng vừa lúc đó , Kim Luân Pháp Vương dùng tiếng Tây Tạng bảo :
- Hoắc Đô , con đã thắng được một keo rồi, hãy tiếp tục luôn keo khác đi thôi !
Nghe lời thầy nói, Hoắc Đô không dám cãi, chỉ nguýt Dương Qua một cái rồi nhìn khắp quần hùng lên tiếng :
- Tiểu Vương này đã thắng được keo đầu. Qua keo thứ hai sẽ do sư huynh Đạt Nhĩ Ma đảm nhận. Vậy bên đó xem ai có đủ tài năng xin đề cử ra tranh tài cao thấp.
Hoắc Đô tuyên bố vừa dứt câu, thì Đạt Nhĩ Ma vận áo cà sa màu đỏ, tay cầm một thứ binh khí lạ lùng, hùng dũng bước ra giữa đấu trường hiên ngang đợi đối thủ.
Mọi người chú ý vào món vũ khí của y thì thấy đó là một loại vũ khí mà Phật giáo thường gọi là "Kim cương giáng ma chữ" bề dài trên bốn thước, sức nặng ngàn cân, trên đầu có miệng loa ra, toàn thân bóng loáng như làm bằng vàng khối.
Đạt Nhĩ Ma nhìn hướng về phía quần hùng chào tay làm lễ mười cái rồi quay lại múa cây chày giáng ma chữ lên trời.
Cây chày Kim cương giáng ma chữ bị tung vút lên cao đụng phải nóc nhà khiến cho ngói gỗ xô xác nghe rào rào rồi từ trên nóc lao xuống cắm sâu vào lòng đất, ngập trên hai thước.
Với thân hình mảnh dẻ, cây gậy nặng nề mà chỉ tung nhẹ một cái đã có oai lực chừng ấy, quả là y có một công lực phi thường. Chỉ có một đòn ra oai dằn mặt của Đạt Nhĩ Ma đã khiến cho quần hùng kính nể.
Hoàng Dung nghĩ :
- Cứ như tài nghệ và sức lực của tên này thì Tỉnh ca thừa sức chế ngự. Nhưng nếu Tỉnh ca xuất trận , sau này ai có đủ sức chống lại Kim Luân Pháp Vương ? Thôi thì dù sao ta cũng liều một phen thử xem sao !
Nghĩ vậy, bà vung cây gậy trúc đả cẩu xông ra tiếp chiến.
Quách Tỉnh trông thấy thất kinh, vội đưa tay ra ngăn cản :
- Bà đang còn yếu lắm, không nên liều lĩnh. Không thể nào đánh với hắn được đâu.
Bị chồng ngăn cản, Hoàng Dung suy nghĩ :
- Nếu phen này thua nữa thì nguy hiểm lắm. Nhưng thấy bọn chúng khinh thường quá không thể nào chịu nổi.
Trong khi bà đang lưỡng lự chưa biết nên giải quyết thế nào thì Ngư Nhân, đệ tử của Nhất Đăng đại sư bước lại nói :
- Thưa Hoàng Bang chủ, để tôi ra chiến đấu cùng tên ác tăng này để rửa hận cho sư đệ tôi và đồng đạo võ lâm Trung Nguyên.
Không còn cách nào để từ chối, Hoàng Dung đành gắng gượng nhận lời, nhưng bà dặn thêm :
- Xin sư huynh hãy cẩn thận cho lắm kẻo ...
Bà chưa nói hết câu thì hai anh em họ Võ đã mang cặp thiết tương ( cây chèo bằng sắt ) dâng lên. Ngư Nhân cầm lấy rồi tung người ra giữa trung quân, hai mắt toả hào quang, tay vung tít đồi thiết tương lộng gió ào ào.
Đạt Nhĩ Ma vội cầm chày đưa lên đỡ.
Chèo sắt giáng xuống , chày vàng hất lên, hai món vũ khí chạm nhau nghe xoảng một tiếng chát tai khiến quần hùng thất sắc. Cả hai đối thủ đều thối lui mấy bước , hổ khẩu đều toét , máu chảy đầm đìa.
Cả hai đều ngán tài và sức lực của nhau nên chẳng ai dám xem thường đối phương, đứng cách xa nhau mấy bước trợn mắt nhìn nhau trừng trừng.
Đạt Nhĩ Ma dùng tiếng Mông Cổ chủi thề, Ngư Nhân cũng dùng tiếng Đại lý chủi ại.
Một chặp sau, cả hai lại xông vào vòng chiến nữa.
Trận đấu diễn ra vô cùng ác liệt, dùng toàn những thế độc quyết hạ nhau chứ không khinh thường và cười cợt như trận đấu trước giữa Chu Tử Liễu và Hoắc Đô.
/104
|