Thâm Cung

Chương 35

/195


Thành thực mà nói thì ta là một kẻ xui xẻo: mẫu thân mất sớm, phụ hoàng không yêu thương, mặt mũi tầm thường, học tài tệ hại. Tiếng là đại công chúa một nước lớn nhưng ta lại sống chẳng khác gì một đứa trẻ đầu đường xó chợ, bị mẫu hậu ghét bỏ cho nên mãi không gả đi được, đến lúc gả được thì lại gả ngay cho một tên Hoàng Đế nhóc con ốm yếu tính cách chẳng ra làm sao.

Cái số của ta lúc nào cũng đen đủi như thế, nhưng hôm nay ta phải nói là một ngày vô cùng, vô cùng đen đủi, rất có thể là một trong những ngày đen đủi nhất trong hai mươi năm cuộc đời ta. Mới buổi sáng đã bị Lý Thọ ném vào trong Ngự Thư phòng làm nền cho Hoàng Đế diễn kịch, ta cứ nghĩ mình may mắn làm tốt rồi thì sự đen đủi của ngày hôm nay sẽ chấm dứt, nhưng thật không ngờ tới vận rủi chẳng chịu rời ta một li.

Vốn đang yên lành cùng Hoàng Đế đứng ngắm tranh mỹ nhân, chẳng hiểu thế nào Hoàng Đế lại nổi hứng muốn vẽ cho ta một bức tranh chân dung. Hắn nhiệt tình như vậy, ta mà từ chối thì chẳng khác nào bảo mình không cần cái đầu này nữa. Huống hồ chi được Hoàng Đế vẽ tranh chính là một loại ân sủng to lớn mà không phải ai muốn cũng được.

Vì vậy, ta phải tận hưởng, tận hưởng, tận hưởng…

Ta cứ tự nhủ như vậy, nhưng ân sủng này quả là dài, ta tận hưởng mãi mà không hết. Đã hai canh giờ trôi qua, thân thể ta vì ngồi yên một chỗ không được cử động nên đã cứng đờ, vậy mà Hoàng Đế vẫn còn một tay chống cằm, một tay cầm bút lông. Cứ hạ một nét rồi dừng lại suy tư gì đó một lúc sau mới hạ thêm nét nữa.

Trước kia, ta cứ tưởng phạt quỳ đã là gian khổ lắm rồi, nhưng nay ngồi yên cho Hoàng Đế vẽ mới biết, quỳ gối chưa đáng là bao. Bị phạt quỳ, ít ra khi mỏi còn có thể nhúc nhích, đung đưa qua lại hoặc rũ người xuống cho đỡ mệt, thậm chí nếu không có người canh gác, ta còn có thể ngủ gà gật. Còn việc ngồi làm mẫu này chẳng những không thể nhúc nhích mà đến chớp mắt còn bị bắt phải hạn chế, ngứa cũng không được gãi, chỉ cần hơi động đậy là Hoàng Đế lại gắt lên, dọa xé tranh đi vẽ lại từ đầu. Ta cứ đờ ra như tượng gỗ suốt mấy canh giờ, toàn thân tê cứng không còn cảm giác giống như sắp hóa thành tượng thật.

“Hoàng thượng… sắp xong chưa?”

Ta mấp máy môi hỏi, giọng khàn cả đi vì khát nước.

Hoàng Đế ngước lên nhìn ta, tủm tỉm cười:

“Sắp rồi.”

Ta đã hỏi câu “sắp xong chưa” đến lần thứ hai mươi thì Hoàng Đế cũng đáp “sắp rồi” bấy nhiêu lần. Sắp rồi, sắp rồi, sắp rồi… Sắp sắp cái đầu nhà ngươi!

Tự nhiên ta có cảm giác Hoàng Đế đang báo thù việc ta đem tiếng đàn ra dọa hắn ban nãy. Nhất định là như vậy.

Hoàng Đế chết tiệt.

Lại thêm không biết bao lâu trôi qua, khi ta tưởng như mình đã hóa đá mất rồi, thì Hoàng Đế hạ bút nghe “cạch” một tiếng xuống thư án, vui vẻ nói:

“Xong rồi.”

Trong lòng ta reo lên một tiếng, tra tấn lâu như vậy cuối cùng cũng xong.

“Này, lại đây xem đi. Không phải nãy giờ nàng nôn nóng lắm sao? Đừng có ngồi ngẩn ra đó chứ!”

Hoàng Đế cười đến sáng lạn, hào hứng vẫy gọi ta.

Cái gì mà ngẩn ra? Là người ta bị tê cứng rồi mới phải. Nhưng lệnh vua không thể cãi, ta chỉ có thể gắng gượng lê thân người tê dại, cứng đờ đi về phía Hoàng Đế như một con rối gỗ. Có lẽ dáng đi của ta lúc này rất quái đản, ta thấy Hoàng Đế hình như đang cố nén cười.

Chật vật đến được bên cạnh Hoàng Đế, ta phải vịn vào thư án mới đứng vững được.

Nữ tử trong tranh vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Tóc đen như mực, da trắng như tuyết, dung mạo ôn hòa, tuy không xinh đẹp rực rỡ nhưng lại có nét dịu dàng, điềm đạm đáng yêu. Cũng mắt, cũng mũi, cũng miệng ấy không sai một li, nhưng đi vào trong tranh lại hóa thành mềm mại yểu điệu. Bức tranh này rõ ràng là vẽ ta, nhưng lại chẳng giống với hình ảnh mà ta vẫn thấy mỗi khi soi gương.

Hoàng Đế thay một cây bút khác, chấm mực rồi cẩn thận viết xuống phần đề từ hai dòng chữ:

Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu

Trần thế giai nhân tổng thị vô. (1)

Ta không hiểu hàm nghĩa sâu xa của mấy chữ này, nhưng đại ý thì vẫn nắm được. Ta chẳng phải mỹ nhân cho nên Hoàng Đế không dùng loại thơ ca ngợi mỹ nhân làm đề từ cho ta. Có điều… ta cảm thấy hai câu này dù không tán tụng dung nhan, mỹ mạo gì đó, nhưng so ra lại có tâm ý hơn nhiều. Lòng ta chợt như có dòng suối ấm áp chảy qua. Hắn… thật sự coi trọng ta như vậy sao?

“Hoàng Thượng… thiếp đâu có tốt như vậy?”

Ta bần thần mãi, không biết nên nói gì, cuối cùng lại buột miệng hỏi một câu như vậy.

Hoàng Đế nắm lấy tay ta kéo lại gần hắn, dịu dàng đáp:

“Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi.”

Cùng một cảnh tượng, cùng một câu nói, tất cả giống hệt với kí ức của ta thuở bé. Sự trùng hợp đến trớ trêu ấy như một tia sét đánh mạnh vào cái đầu đang ngây ra của ta. Ta chăm chú nhìn Hoàng Đế, bàn tay mát rượi của hắn vẫn đang nắm chặt tay ta, đôi môi hắn vẫn đang mỉm cười hết sức dịu dàng, ánh mắt hắn vẫn trong trẻo, thản nhiên và tĩnh lặng, hoàn toàn không có sự ngọt ngào say đắm như mẫu thân ngày trước.

Dòng suối ấm áp đang chảy qua lòng ta bỗng chốc hóa thành sông băng lạnh lẽo. Ta vươn tay làm như hoảng hốt ôm lấy cổ Hoàng Đế, nghẹn ngào nói:

“Hoàng thượng có thể nói với thiếp như vậy… thiếp vui lắm…”

Hoàng Đế phì cười, vỗ về lưng ta:

“Ngốc thật! Trẫm chỉ nói với nàng một câu, làm gì mà lại cảm động như vậy?!”

Ta yên lặng không đáp, chỉ một mực ôm chặt Hoàng Đế. Bởi vì ta sợ nếu ta không ôm lấy hắn thế này, hắn sẽ nhìn thấy mặt ta, sẽ nhìn thấy sự chán ghét cùng bất mãn trong mắt ta.

Chỉ một khắc trước, ta đã cảm thấy Hoàng Đế thực ra cũng không đến nỗi tệ. Ta đã nghĩ thích hắn một chút thì cũng chẳng sao. Nhưng lúc này ta cuối cùng cũng ngộ ra.

Một câu nói tình ý thắm thiết, vậy mà khi nói ra ánh mắt lại chẳng có lấy một chút si mê. Có lẽ những lời như thế hắn nói đã thành quen miệng rồi. Có lẽ hắn rốt cuộc cũng giống phụ hoàng của ta thôi.

Lời nói của đế vương lúc nào nghe cũng có vẻ đáng tin như thế. Chỉ cần tin rồi là sẽ giống như mẫu thân cả đời trầm mê, vạn kiếp bất phục. Ta không thể đi vào con đường đó. Cho nên Hoàng Đế này… ta không thể thích hắn, một chút cũng không được.

***

Dùng ngọ thiện xong, Hoàng Đế nghỉ trưa còn ta thì ôm bức tranh hắn vẽ lững thững ra về. Người che ô tiễn ta ra cổng là Miên Duệ. Vết bỏng trên tay nàng ta đã đỡ rất nhiều, chỉ còn lại một vài vệt da sậm màu hơn mà thôi. Ta nhớ Ngọc Nga từng nói cám gạo xay có thể dưỡng trắng da, bèn bảo Miên Duệ:

“Bản cung nghe nói cám gạo xay dưỡng da rất tốt. Ngươi tìm một ít về pha với nước sạch, hai ngày thoa tay một lần, tin rằng không bao lâu tay sẽ đẹp như cũ.”

Miên Duệ ngẩn ra, lắp bắp:

“Nương nương… lâu như vậy rồi… chuyện nhỏ như vậy… người vẫn nhớ sao?”

Ta nhíu mày:

“Sao có thể không nhớ? Bản cung cũng chưa đến nỗi lẩn thẩn như vậy.”

Miên Duệ nhìn ta, cảm kích đáp:

“Đa tạ nương nương thương xót…”

Ta gật đầu với nàng, cũng không nói thêm nữa.

Thực ra ở chỗ ta có không ít cao dưỡng da, cho Miên Duệ một hộp cũng không phải chuyện khó. Nhưng lần trước ta đã cho nàng thuốc trị bỏng, nếu bây giờ lại đưa thêm e sẽ khiến người khác nhòm ngó, chẳng may dèm pha đến tai Hoàng Đế khiến hắn nghĩ ta mua chuộc người ở chỗ hắn thì càng phiền phức. Hơn nữa cao dưỡng da ở chỗ ta đều là quà của Hoàng Hậu và Trịnh phi tặng, giá trị không nhỏ. Nếu để ai đó phát hiện Miên Duệ dùng thứ đắt giá như vậy, đối với Miên Duệ không phải là việc tốt. Vậy nên ta chỉ có thể nhắc nàng ta dùng cám gạo. Công dụng không thể so sánh với cao dưỡng da đắt tiền nhưng cám gạo chẳng đáng mấy xu, trong cung cũng dễ kiếm. Một cung nữ dùng thứ như vậy là tốt nhất.

Ra đến cổng ta liền gặp Ngọc Nga đang che ô đứng sẵn.

“Chủ nhân!” Ngọc Nga mừng rỡ chạy đến giương ô che nắng cho ta.

Đợi Miên Duệ đi khuất rồi, ta mới hỏi Ngọc Nga:

“Ô này ngươi lấy ở đâu? Người ở Cát Tường điện cho ngươi sao?”

Ngọc Nga lắc đầu:

“Người ở Cát Tường điện đâu có ai thèm nhìn đến nô tỳ. Cái ô này là do một vị đại nhân cho nô tỳ đấy.”

Ta tò mò hỏi:

“Vị đại nhân nào? Vì sao lại cho ngươi?”

Ngọc Nga lại tiếp tục lắc đầu:

“Nô tỳ cũng không biết. Sau khi chủ nhân vào đó một lúc thì các vị đại nhân cũng ra về. Nô tỳ sợ mình cản đường các vị đại nhân nên đứng nép vào một góc. Lúc đó, có một vị đại nhân trông rất cao lớn tiến tới hỏi nô tỳ có phải là đang đứng đợi Hòa phi nương nương không, sau khi nô tỳ trả lời thì ngài ấy đưa chiếc ô này cho nô tỳ. À phải, suýt chút nô tỳ quên mất, ngài ấy còn bảo nô tỳ chuyển lời đa tạ Hòa phi nương nương.”

Ta kinh ngạc nghĩ, lẽ nào là vị cháu ngoại của Đới Thụy? Vì sao lại đa tạ ta? Hắn nghĩ ta đến cứu ngoại tổ phụ của hắn?

“Chủ nhân, như vậy là sao ạ? Có phải nô tỳ đã làm sai gì không ạ?” Ngọc Nga hoang mang hỏi.

“Không có gì, chúng ta đi thôi.”

Ta thở dài, khoác tay nàng rời đi, vừa đi vừa kể sơ qua sự tình.

Ngọc Nga nghe xong, liếc nhìn bức tranh cuộn tròn trên tay ta, lo lắng hỏi:

“Chủ nhân, vậy bây giờ phải làm sao đây?”

Ta ngẩng đầu nhìn bầu trời đương còn nắng chói chang:

“Đi Triêu Lan cung.”

“Chủ nhân, sao lại đi Triêu Lan cung? Bây giờ là giờ nghỉ trưa, e là Hoàng Hậu đã ngủ rồi.”

“Không đâu, Hoàng Hậu nhất định là đang đợi bản cung.”

Nói đoạn quay sang Ngọc Nga:

“Ngươi vẫn chưa ăn trưa đúng không? Dù sao cũng đứng nắng cả buổi rồi, ngươi hãy về ăn trưa nghỉ ngơi chút đi. Bản cung đi một mình cũng được, nếu có gì cần sẽ nhờ người gọi ngươi sau.”

Ngọc Nga nghe vậy liền giãy nảy, lắc đầu nguầy nguậy:

“Sao có thể thế được? Nô tỳ không đói, không mệt, nô tỳ sẽ đi cùng chủ nhân!”

Ta bật cười, vốn cũng biết nàng sẽ phản ứng như vậy, bèn lần tay áo lấy ra một gói giấy đưa cho nàng:

“Thế thì cho ngươi cái này.”

Ngọc Nga tò mò cầm lấy, nhưng một tay phải cầm ô nên chật vật mãi mà không mở được. Ta đành giúp nàng. Bên trong gói giấy là một cái bánh bao nhân thịt chim trĩ hầm. Lúc dùng thiện, tranh thủ khi Hoàng Đế chăm chú nghe Tô Trường Tín bẩm báo gì đó, ta liền lấy trộm cất đi, để dành cho Ngọc Nga.

Ngọc Nga cầm cái bánh bao trên tay, hai mắt rưng rưng:

“Đã xảy ra nhiều chuyện như vậy… mà chủ nhân vẫn nhớ đến nô tỳ…”

Ta tặc lưỡi, nói cho qua chuyện:

“Mau ăn đi thôi. Đừng để đến Triêu Lan cung mà đói ngất ra đấy thì mất mặt bản cung lắm!”

“Vâng ạ.”

Ngọc Nga sụt sùi đáp, ngoan ngoãn ăn bánh, không nói thêm nữa.

Ài, sao bọn họ đều cho rằng trí nhớ của ta kém như thế nhỉ? Chẳng lẽ ta thật sự rất già rồi sao?

Đến Triêu Lan cung, quả như ta nghĩ, Hoàng Hậu vẫn chưa nghỉ trưa. Nàng như thường lệ truyền ta vào phòng nghỉ.

Trong phòng đặt hai chậu băng lớn mát rượi. Hoàng Hậu mặc một chiếc váy dài mỏng manh, dáng vẻ yêu kiều, nằm nghiêng người trên sạp loan phượng, trông như sắp ngủ vậy. Vừa nhìn thấy ta mặt đầy sợ hãi đi vào, Hoàng Hậu ngồi bật dậy, tỏ vẻ kinh ngạc:

“Nguyệt nhi đấy à? Có việc gì mà lại đến vào lúc này?”

Ta trao lại bức tranh cho Ngọc Nga đứng bên ngoài, còn mình thì chạy nhào đến bên chân Hoàng Hậu, hoảng hốt nói:

“Tỷ tỷ… không xong rồi… muội… muội gây ra họa lớn rồi…”

Đây là lần đầu tiên ta gặp Hoàng Hậu mà không hành lễ. Nàng chưa thấy ta hoảng đến luống cuống như thế bao giờ, càng ngạc nhiên hơn, vội đỡ ta ngồi lên cạnh nàng, vừa sửa sang lại mấy sợi tóc bay tán loạn trước trán ta, vừa hỏi:

“Xem bộ dạng của muội kìa! Chuyện gì mà sợ hãi như vậy? Có gì từ từ nói.”

Ta níu lấy cánh tay Hoàng Hậu như người đuối nước gặp khúc cây trôi, run rẩy kể lại toàn bộ sự tình, dĩ nhiên là cũng có điều chỉnh theo hướng có lợi cho bản thân một chút.

Ban đầu ta có hơi băn khoăn không biết đem chuyện này nói với Hoàng Hậu liệu có làm hỏng chuyện của Hoàng Đế hay không, vì dù sao Hoàng Hậu vẫn là người họ Hà. Nhưng nghĩ lại, nhân mạch của Hoàng Hậu trong cung dầy đặc, Tô Trường Tín và Lý Thọ lại cùng ta tranh cãi trước Ngự Thư phòng lâu như thế thì làm sao không đến tai Hoàng Hậu kia chứ?

Đúng như ta nghĩ, giờ này mà Hoàng Hậu chưa ngủ thì chỉ có thể là chờ ta đến. Nếu lúc này ta mà không hoảng loạn chạy đến cầu cứu Hoàng Hậu, tin rằng ngày mai liền gặp họa. Mặt khác, từ khi đến đây, ta vẫn luôn dựa dẫm Hoàng Hậu, chuyện này không ai là không biết. Có chuyện lớn xảy ra, ta sao có thể không bẩm báo với nàng. Hoàng Đế chắc hẳn phải hiểu rõ ta sẽ không thể giấu giếm Hoàng Hậu. Hắn chẳng phải loại người nông cạn, nếu đã lường trước việc ta không thể kín miệng mà vẫn chọn ta thì chắc chắn hắn đã có tính toán cả rồi. Ta bây giờ chỉ cần lo chỗ Hoàng Hậu cho êm đẹp thôi.

Hoàng Hậu nghe ta kể xong, chau mày nói:

“Lý Thọ không ngờ to gan như vậy.”

Ta dùng ánh mắt hoang mang nhìn nàng:

“Tỷ tỷ, muội cho rằng Lý Thọ không có cái gan đó… chuyện này e là có ẩn tình…”

Hoàng Hậu dịu dàng mỉm cười, siết tay một cái:

“Bất luận là ẩn tình gì, hôm nay muội cũng đã làm được một việc tốt cho Bách Phượng. Đừng suy nghĩ nhiều.”

Ta thăm dò không được gì, đành bỏ ý định, đi thẳng vào vấn đề quan trọng nhất:

“Muội sao dám không suy nghĩ. Hôm nay muội đã làm ra việc vô phép như thế… Lão Phật gia nhất định sẽ không hài lòng…”

Hoàng Hậu đứng dậy rót cho ta một ly trà, bình thản nói:

“Lão Phật gia thường ngày rất ít khi quản chuyện hậu cung. Hơn nữa Hoàng Thượng là thiên tử, người không trách tội muội thì tức là muội không làm sai. Lão Phật gia luôn nể mặt Hoàng Thượng.”

Ta đón lấy ly trà bằng cả hai tay, vẫn tỏ ra bất an:

“Nhưng còn những người khác…”

Hoàng Hậu cười khẽ:

“Có tỷ tỷ ở đây, muội không cần phải sợ. Cùng lắm thì ta phạt muội một chút gì đó cho có là được.”

Ta thở phào nhẹ nhõm:

“Đa tạ tỷ tỷ.”

Đã biết là tội sống khó thoát, nhưng có lời này của Hoàng Hậu, ta có thể yên tâm rồi. Chỉ hi vọng nàng sẽ không phạt bổng lộc thôi.

Tâm trạng thoải mái, ta và Hoàng Hậu bắt đầu tán chuyện linh tinh. Nói đến bức tranh Hoàng Đế vẽ cho ta, Hoàng Hậu vậy mà chẳng mở lời muốn xem, chỉ cười cười trêu ta:

“Muội có phúc lắm đấy. Xưa nay Hoàng Thượng mới chỉ vẽ tranh chân dung cho ba người thôi.”

Ta hiếu kì hỏi:

“Là những ai thế ạ?”

“Lão Phật gia, ta và muội.”

Lòng ta chết điếng.

Như vậy… Hoàng Hậu không hề biết về bức tranh vẽ Lê Hiền phi. Cũng có thể nói là nàng không biết đến hoặc chí ít là chưa từng bước chân vào căn phòng đó. Mà từ đây cũng có thể kết luận rằng không có bao nhiêu người được Hoàng Đế cho phép vào, nếu không chuyện bức tranh Hiền phi sao lại không đến tai Hoàng Hậu? Hay là Hoàng Hậu đang thử ta, xem ta đã vào căn phòng đó chưa nhỉ?

Hôm nay thật sự có quá nhiều chuyện đau đầu rồi. Bất luận Hoàng Hậu thật sự không biết hay giả vờ không biết thì ta vẫn cảm thấy may mắn vì ban nãy chỉ kể qua loa, vẫn chưa nói hớ ra, nếu không lại càng thêm phức tạp. Ta bây giờ mặc dù vui vẻ trò chuyện với Hoàng Hậu, nhưng thật tâm chỉ muốn trở về Cẩm Tước cung êm ấm của mình mà thôi.

***

Thời khắc rời khỏi Triêu Lan cung chính là lúc ta cảm thấy hạnh phúc nhất. Ngọc Nga cũng như ta, đều muốn trở về nhà càng nhanh càng tốt nên luôn miệng hối thúc những thái giám khiêng kiệu.

Kiệu về đến gần Cẩm Tước cung, bỗng nghe Ngọc Nga hoảng sợ nói:

“Chủ nhân… trước cổng cung… có chuyện gì đó…”

Nói năng ấp úng không đầu không đuôi, ta cũng bị nàng dọa cho đứng tim.

“Chuyện gì là chuyện gì?”

Ta vén màn kiệu, thầm nghĩ rốt cuộc đã về đến cửa nhà, còn việc gì có thể khiến Ngọc Nga hoảng lên như thế. Thái giám khiêng kiệu thấy ta có ý muốn bước xuống, lập tức nhanh nhẹn đỡ lấy.

Vừa ra khỏi kiệu, ta liền biết hôm nay mình nhất định đã bị sao quả tạ chiếu trúng. Đúng là về đến cửa rồi vẫn chưa thoát được kiếp nạn.

“Chủ nhân… Lý công công sao lại…”

Ngọc Nga một tay giương ô che nắng cho ta, một tay đỡ lấy ta, nhưng nhìn là thấy nàng còn run rẩy hơn ta nhiều.

Đúng vậy, thứ trước mắt chúng ta chính là tấm lưng vĩ đại của Lý Thọ.

Lý công công quyền lực nhất nhì Nội Thị giám hiện đang nghiêm trang quỳ gối trước Cẩm Tước cung. Lưng áo hắn ướt đẫm mồ hôi, xem chừng đã quỳ ở đấy rất lâu rồi. Đứng bên cạnh Lý Thọ là Ngọc Thủy, Tiểu Phúc Tử và Tiểu Minh Tử.

Ta nghiến răng nghiến lợi, cố đè nén cơn giận mà đi về phía trước, ung dung cất tiếng:

“Lý công công đang làm gì thế này?”

Bọn người Ngọc Thủy vừa nghe tiếng ta liền mừng rỡ chạy ra nghênh đón:

“Chủ nhân về rồi!”

Lý Thọ cũng hơi xoay người lại, chắp tay thỉnh an:

“Nô tài bái kiến Hòa phi nương nương.”

Lúc này ta mới thấy, Lý Thọ không chỉ đơn giản là quỳ trước cửa nhà ta, mà dưới chân hắn còn có một tấm Thiết Hối, khiến cho ta hơi kinh ngạc.

Thứ gọi là Thiết Hối này thực chất là một tấm phản đúc bằng sắt, dày độ năm phân, bề mặt gồ ghề lởm chởm, kích thước vừa đủ cho một người quỳ lên. Khi quỳ lên, những gai sắt đủ hình dạng này sẽ đâm vào đầu gối gây đau đớn gấp mấy lần so với chỉ quỳ dưới đất. Vì Thiết Hối là một khối sắt đặc, cho nên nhiệt độ sẽ tùy theo thời tiết mà biến đổi rất lớn. Quỳ trên Thiết Hối, trời lạnh sẽ lạnh thấu xương như quỳ trên nước đá, trời nóng sẽ cháy da cháy thịt như quỳ trên chảo lửa. Vậy nên mới nó mới được gọi là Thiết Hối – quỳ ở trên nó, không ai là không hối hận.

Ngày trước, ta đã từng nếm qua hương vị của Thiết Hối, đến bây giờ nhìn thấy vẫn còn ớn lạnh. Lý Thọ dám mang cả Thiết Hối đến đây quỳ, thành ý quả là sâu sắc.

“Lý công công sao lại quỳ ở đây?” Ta tỏ vẻ kinh hãi, bước nhanh đến muốn nâng Lý Thọ.

Lý Thọ cúi gầm mặt, dáng vẻ vô cùng khổ sở:

“Bẩm nương nương, nô tài đến thỉnh tội với nương nương.”

“Thỉnh tội gì chứ? Mau mau đứng lên thôi! Trời nắng thế này, lại còn quỳ trên cái thứ đáng sợ đó… chân ngài sẽ hỏng mất thôi!”

Nói đoạn lại quay sang trách Ngọc Thủy:

“Các ngươi cũng thật là! Sao có thể để Lý công công quỳ như thế?”

Ngọc Thủy vội phân trần:

“Chúng nô tỳ đã khuyên can nhiều lần, nhưng Lý công công vẫn khăng khăng quỳ ở đó thỉnh tội với chủ nhân…”

Bởi vì thân phận của Lý Thọ cho nên bọn Ngọc Thủy chỉ dám khuyên can chứ không dám có hành động gì, khuyên không được cũng chỉ đành đứng đó cùng chịu trận. Lý Thọ này đúng là đã diễn quá nhập tâm rồi. Hắn muốn thỉnh tội thì cứ thỉnh tội, có biết bao nhiêu cách, sao nhất thiết phải chọn cách khoa trương như vậy?

“Thôi được rồi…” Ta mệt mỏi tựa vào Ngọc Nga. “Bản cung không trách tội ngài đâu, ngài mau đứng dậy vào trong bôi thuốc…”

“Không thể thế được… Nô tài tội đáng chết…”

Sự thái quá của Lý Thọ đã đẩy sự chịu đựng của ta tới giới hạn. Ta thở hắt ra:

“Bản cung biết ngài cũng có chỗ khó xử, làm sao lại đi trách ngài? Chúng ta đều là người hầu hạ Hoàng Thượng, vốn dĩ không cần làm khó nhau như thế.”

Ý tại ngôn ngoại. Lý Thọ thông minh, một lời như vậy cũng đủ rồi. Nói xong, ta quay sang Tiểu Phúc Tử và Tiểu Minh Tử, ra lệnh:

“Hai người các ngươi còn đứng đó làm gì? Không mau đỡ Lý công công vào trong?”

Có câu này của ta, Tiểu Phúc Tử và Tiểu Minh Tử nhanh như cắt tới cạnh Lý Thọ, mỗi người một bên, dứt khoát xách Lý Thọ lên, tha vào trong cung, không để cho hắn có cơ hội lằng nhằng thêm nữa.

Ngọc Thủy nhìn ta, ngập ngừng hỏi:

“Chủ nhân, nên làm gì với Lý công công đây?”

Ta cười lạnh, nghiến răng nói rõ từ chữ một:

“Ngươi đi vào đắp thuốc cho hắn. Nhớ, xoa bóp vết thương thật cẩn thận vào. Đừng để Hoàng Thượng nghĩ ta bạc đãi Lý công công.”

____________

(1) Dịch: Kể từ lần đầu gặp được nàng thì mọi gian nhân trên đời này coi như không còn nữa.

(Đoàn Dự, Thiên Long Bát Bộ – Kim Dung)

/195

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status