Những năm sau này, mỗi khi nghĩ lại đêm ở điện Thủy Nguyên, ta đều cảm thấy rất buồn cười. Nếu lúc đó ta thực sự bỏ mạng, vậy lời trăn trối cuối cùng ta nói với phu quân mình lại là tên của một nữ nhân khác. Trên đời còn có thể có chuyện gì kì quái hơn? Bởi vậy, dù cho từ khi tỉnh lại vết thương trên lưng ta không ngừng đau nhức, ta vẫn tự thấy mình còn may mắn chán.
Do tầm bắn không chuẩn, mũi tên của Tô Nhược không tổn thương đến gân cốt phủ tạng của ta, nhưng nàng ta lại cẩn thận thoa thêm một lớp độc trên đó, cho nên ta cũng phải chịu không ít cực khổ. Ngự y phải châm cứu liên tục mười canh giờ mới ép được độc ra ngoài, giữ lại cái mạng cho ta. Người nào cũng nói trúng phải kì độc này mà vẫn còn sống nổi là chuyện trăm năm có một. Ta thì chỉ nghĩ mình phải cảm ơn Y Tiên lần nữa.
Lúc ta tỉnh lại đã là mười ngày sau.
Suốt mười ngày bất tỉnh, ta cứ lơ mơ trong những giấc mộng dài nối tiếp nhau, đến mức không thể nhớ nổi đâu là mộng, đâu là thật. Có lúc, ta mơ thấy mình còn bé bỏng, được mẫu thân nắm tay dắt đi qua những vạt hoa cỏ trải dài vô tận. Thế rồi đột nhiên, mẫu thân lại buông tay ta mà đi mất. Ta vừa khóc vừa đuổi theo nhưng hoa cỏ bỗng quấn chặt chân ta, ta chẳng thể nào đuổi kịp, chỉ biết giương mắt nhìn mẫu thân đi mất.
Lại có lúc, ta mơ thấy mình đã lớn rồi, một mình chân trần dẫm lên con đường trải toàn là những bụi gai nhọn, đi đến đâu hai chân liền bị gai đâm tứa máu đến đó. Trước mặt, sau lưng đều là bóng tối, chỉ nghe văng vẳng tiếng trẻ con khóc quấy. Ta cắn răng đi lần theo tiếng khóc kia một đoạn liền thấy có hai đứa bé trai rất nhỏ tranh nhau bò đến. Một đứa nói: Hoàng trưởng tỷ, cứu ta. Đứa còn lại thì nói: Hoàng trưởng tỷ, đừng giết ta. Trên thân thể chúng như có hàng ngàn vết thương, càng bò lại gần ta máu chảy càng nhiều. Cuối cùng, khi đến sát chân ta thì chỉ còn lại hai cục máu đỏ tươi.
Cũng có lúc, ta mơ thấy Hoàng Đế. Nhưng trong giấc mơ của ta, hắn không phải Hoàng Đế, ta cũng không phải Hòa phi. Hắn là A Tiếu, ta là Bánh Bao. Chúng ta sống trong một căn nhà nhỏ ven sông, mỗi ngày hắn đều làm bánh bao cho ta mang đi bán. Buổi tối, chúng ta cùng nằm trên một chiếc chõng tre, tán dóc đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cuộc sống ấy vui vẻ đến mức ta cứ muốn sống mãi trong một giấc mộng như thế, chẳng mong tỉnh lại nữa.
Ấy thế mà ta vẫn tỉnh lại.
Người đầu tiên mà ta nhìn thấy khi vừa mở mắt ra là Hoàng Đế.
Hắn đương ngồi nghẹo cổ trên đầu giường chỗ ta nằm, ngủ gà gật. Gương mặt hắn hốc hác đi nhiều, quầng mắt trũng sâu, thâm chí đôi môi mỏng lạnh nhạt thường ngày cũng khô khốc đến rướm máu. Hình ảnh ấy làm lòng ta tự nhiên đau xót. Có lẽ chuyện thích khách làm hắn đau đầu lắm.
Lúc ấy, ta chẳng biết mình đã hôn mê bao lâu, chỉ thấy toàn thân mệt mỏi rã rời, lưng đau đến tê dại, đầu thì nhức như búa bổ. Ta nằm ở đó nhìn Hoàng Đế một hồi, càng cảm thấy nhớ giấc mơ mình vừa có. Phải chi A Tiếu và Bánh Bao mới là hiện thực, còn Hoàng Đế và Hòa phi chỉ là một cơn ác mộng hoang đường thì tốt biết bao nhiêu?
Ta mệt đến nỗi không thở dài nổi nữa. Nghĩ ngợi đôi chút, ta quyết định không lên tiếng, chỉ cố hết sức rướn người nhích về phía Hoàng Đế, gối đầu lên đùi hắn, thầm hi vọng có thể mơ lại giấc mơ kia thêm một lần nữa. Đằng nào thực tế cũng không được như ý, mơ mộng một chút thì cũng đã sao.
Đám nhạc công và vũ cơ kia đều là tử sĩ. Nhiệm vụ thất bại, cả bọn đã tự sát ngay lập tức. Đầu mối duy nhất còn lại chỉ có Tô Nhược. Mà không, có lẽ thời điểm này nên gọi nàng ta là Hảo Nương mới phải lẽ.
Hảo Nương là tì nữ cận thân của Hiền phi Lê Khiết. Nàng ta được Lê phủ nhận nuôi từ nhỏ, theo hầu lúc Lê Khiết mới lọt lòng, tình cảm còn thân hơn tỷ muội. Lần tuyển tú đầu tiên, Hảo Nương đã có người trong lòng. Lê Khiết vì không muốn Hảo Nương lỡ làng tuổi xuân nên nhất quyết không mang nàng ta vào cung. Hảo Nương ở lại Lê phủ một năm rồi theo người kia về quê, vừa khéo tránh được họa sát thân. Chỉ là, nàng ta và Lê Khiết tình sâu nghĩa nặng, không quên được mối thù diệt tộc của nhà họ Lê cho nên đã từ bỏ phu quân tìm đường về kinh thành báo thù. Trên đường đi gặp phải sơn tặc, Hảo Nương suýt chút bỏ mạng, may nhờ có vị tiểu thư tốt bụng nhà họ Tô đi ngang cứu được, đưa về làm nha hoàn. Hảo Nương ẩn thân trong Tô phủ một thời gian, sau gặp được quý nhân bày kế nên mới lập ra vụ việc kinh thiên động địa này. Còn vị quý nhân giúp đỡ Hảo Nương không ai khác ngoài người nhà họ Trang.
Phải, chính là họ Trang, gia tộc của vị sủng phi Trang Ly trong lời kể của Hoàng Đế. Do có thù oán sâu sắc với Trang Ly, ngay từ lần tuyển tú đầu tiên, Hoàng Đế đã tuyên bố không thu nhận bất kì nữ nhân nào của nhà họ Trang, kể cả những gia tộc có liên hệ ba đời đến nhà họ Trang cũng chịu chung số phận. Khi Trang Ly đắc sủng, Trang thị huênh hoang đã đắc tội không biết bao nhiêu gia tộc trong triều. Quyết định loại bỏ Trang thị khỏi Hậu cung vĩnh viễn là quyết định hiếm hoi nhận được sự tán thành nhiệt liệt của quan lại trong triều. Nhà họ Trang cùng với các chi, dòng dần dần suy yếu. Họ Trang chẳng còn gì để mất, tình cờ gặp được Hảo Nương cũng là một kẻ ôm hận trong lòng, bèn lợi dụng Hảo Nương hòng mưu hại Hoàng Đế. Hoàng Đế xuất cung lần này là thời cơ hiếm có. Hảo Nương lợi dụng lòng tin của Tô Nhược, dụ dỗ nàng rời khỏi thành vào đúng ngày này để chiếm lấy thân phận Tô tiểu thư mà tiếp cận Hoàng Đế. Biết hắn có tính thích mỹ nhân, họ Trang liền cho người dạy nàng ta cách trang điểm, ăn mặc để tôn lên nét đẹp bản thân, hi vọng dùng sắc đẹp gây sự chú ý. Phương pháp hành thích đã được tính toán từ lâu: Họ Trang sai người làm cho Hảo Nương một bộ nỏ đặc biệt có thể tháo lắp dễ dàng. Bình thường dùng làm thoa cài và vật trang trí trên tóc, nhưng chỉ cần tháo xuống trong chớp mắt liền có thể lắp lại thành một cây nỏ nhỏ. Chỉ riêng chuyện này, ta cho rằng họ Trang rất có đầu óc. Những người ở cạnh Hoàng Đế đều bị kiểm tra sát sao. Đao kiếm, ám tiễn bình thường khó lòng qua mắt. Hảo Nương đã thành niên từ lâu, cho dù có muốn luyện võ cũng chẳng thể nào giỏi cho được. Dùng thứ võ công đao kiếm bình thường không có cơ hội tiếp cận Hoàng Đế. Ngược lại, học bắn nỏ chỉ cần chăm chỉ, không cần luyện từ nhỏ. Dù tài bắn có không tốt lắm cũng không sao, trên mũi tên đã thoa kịch độc, chỉ cần sượt qua da một chút là đã đủ hại chết Hoàng Đế rồi. Ai dám ngờ bộ trâm thoa lỉnh kỉnh trên đầu nàng ta lại có thể lắp thành một cái nỏ chứ? Những vết chai kì lạ trên tay nàng ta hẳn cũng là do tập bắn nỏ mà ra. Đám thích khách kia xem chừng chỉ là mồi nhử để náo loạn Ngự tiền, tạo thời cơ cho Hảo Nương mà thôi. Hoàng Đế chướng mắt Trang thị từ lâu, nay đã có cơ hội quang minh chính đại nhổ cỏ tận gốc, cũng không tính là thiệt thòi. Nợ máu trả bằng máu, ân oán chất chồng mấy đời liền, hi vọng đến đây có thể kết thúc rồi.
Những chuyện này, ta cũng chỉ nghe Hoàng Đế kể lại. Trong mười ngày ta ngủ mê man, mọi sự đều được hắn giải quyết ổn thỏa. Nhìn bộ dạng vểnh mặt dương dương tự đắc của hắn, hẳn là đang tự hào lắm.
Thêm mấy ngày nữa trôi qua, ta đã khỏe thêm một chút. Những ngày này, hầu như Hoàng Đế chẳng rời ta một bước. Ngay cả chuyện thoa thuốc, thay băng hắn cũng giành làm, khiến ta ngượng muốn chết mà không cãi được.
Nghĩ lại, Hảo Nương cũng có lý đấy chứ. Có khi trẫm đáng chết thật. Nếu không vì Trẫm, Lê thị đã không rước họa diện tộc. Khiết nhi cũng không đoản mệnh.
Hoàng Đế vừa rón rén rắc thuốc lên vết thương sau lưng ta, vừa lẩm bẩm.
Ta biết chuyện của Hiền phi và nhà họ Lê vẫn luôn là nỗi đau trong lòng hắn nên chỉ nói lảng đi:
Hoàng Thượng nói gì thế? Thích khách thì có lý lẽ gì được?
Hoàng Đế rắc thuốc xong, khều khều lưng ta mấy cái. Ta biết điều, bèn hơi nhấc hai tay lên cho hắn quấn băng. Dường như tâm trí hắn đã dồn hết vào việc này, nên câu trả lời cũng hơi lãng đãng:
Trẫm chỉ muốn đưa nàng đi chơi một lần. Không ngờ lại liên lụy nàng đến nông nỗi này.
Ta đang quay lưng về phía Hoàng Đế, không nhìn được vẻ mặt của hắn, chỉ cảm thấy âm điệu của câu nói này quá mức nặng nề, bèn đùa:
Thiếp chẳng phải đã nói với Hoàng Thượng rồi sao? Là do thiếp không hợp phong thủy nơi này, do phong thủy thôi...
Ngày đầu tiên bị xô xuống hồ. Ngày thứ hai bị tên bắn suýt bỏ mạng. Mười mấy ngày tiếp theo đều nằm liệt giường. Phong thủy chỗ này hẳn là xấu.
Hoàng Đế băng bó xong, choàng áo lên người ta, thở hắt ra:
Đến lúc này mà nàng còn đùa được.
Ta phì cười:
Đúng là vậy mà.
Người sau lưng lại thở dài thườn thượt. Hắn chợt vòng tay từ phía sau ôm ngang eo ta, nhưng chỉ đặt hờ rất nhẹ như sợ làm ta đau.
Nàng nghĩ gì mà lại làm như thế? Không sợ chết à?
Giọng hắn rất nghiêm túc. Ta không thể vờ nói đùa để trốn tránh được nữa.
Nhiều ngày nay rảnh rỗi nằm nghĩ lại, ta cho rằng lúc đó mình không thực sự muốn dùng thân mình liều mạng đỡ tên cho hắn. Có lẽ ta chỉ muốn đẩy hắn ra khỏi tầm bắn của Hảo Nương, chỉ là ta quên mất món khinh công ăn trộm của mình đã một năm không dùng đến, ta đã không còn nhanh nhẹn như xưa. Vậy nên mới không tránh kịp, mới hứng trọn mũi tên kia.
Ta cho rằng như thế.
Ta thực không muốn thừa nhận rằng trong thời khắc sinh tử ấy, trong đầu ta chỉ hiển hiện duy nhất một ý nghĩ: Chàng không thể chết!
Ta không muốn thừa nhận mình đã bước quá sâu vào một con đường không có lối quay về.
Trước câu hỏi của Hoàng Đế, ta đành phải cúi đầu đáp rất nhỏ:
Lúc đó thiếp chẳng nghĩ được gì cả.
Một nụ hôn lành lạnh rơi xuống gáy ta, mang theo cả hơi thở gấp gáp của hắn:
Sau này không được làm như thế nữa. Nàng làm ta sợ muốn chết. Ngự y nói nàng đã bước một chân vào cửa tử rồi, có biết không? Chẳng phải chúng ta đã giao hẹn rồi ư? Nàng sống đến một trăm lẻ ba tuổi, ta sống đến một trăm tuổi. Nàng muốn phạm tội khi quân sao?
Cảm giác nhột nhạt sau gáy làm ta khẽ rùng mình. Một mũi tên độc không giết nổi ta. Nhưng còn độc trong người hắn thì sao? Hắn nói như thế mà chẳng biết rằng, trong hai người chúng ta, không chừng hắn mới là kẻ sắp phải nuốt lời.
Ta cố nén lại nỗi lo lắng trong thâm tâm, gượng cười lấp liếm:
Thiếp không dám... Chúng ta ai cũng không được nuốt lời.
Hoàng Đế không nhìn thấu được lòng ta, chỉ một lời này đã đủ cho hắn nở nụ cười nhẹ nhõm. Mà ta, cũng chỉ cần nụ cười này là lòng đã nhẹ nhõm theo rồi.
/195
|