Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 38: Chia Thiên Hạ, Long Trung Vạch Kế Ðánh Trường Giang, Tôn Thị Báo Thù

/119


Chia Thiên Hạ, Long Trung Vạch Kế

Ðánh Trường Giang, Tôn Thị Báo Thù

Nhắc lại Huyền Ðức sau hai phen đi cầu Khổng Minh mà không được, hôm ấy lại sửa soạn đi nữa.

Quan Vân Trường can rằng:

- Huynh trưởng đã hai phen đến khấu đầu cầu khẩn, như thế cũng đã là trọng lễ thái quá rồi. Có lẽ Gia Cát Lượng không có thực học, chỉ là kẻ hư danh, nên mới sợ mà trốn tránh. Sao huynh trưởng cảm mộ người ấy một cách quá đáng vậy?

Huyền Ðức nói:

- Không phải vậy đâu. Xưa Tề Hoàn Công muốn gặp một kẻ quê mùa nơi Ðông Quách mà cần phải đi năm lần mới được thấy mặt, huống chi ta muốn ra mắt một bậc đại hiền?

Trương Phi nói:

- Ðại ca luận như thế không đúng. Sá gì một gã nông phu mà đại ca gọi là đại hiền? Lần này đại ca chẳng cần phải đi làm gì cho mệt. Nếu hắn không chịu đến thì em sẽ chỉ đem một sợi giây thừng đi trói cổ hắn, lôi về đây cho đại ca.

Huyền Ðức nạt lớn:

- Ðừng nói bậy! Em không nghe việc Văn Vương đi tìm Khương Tử Nha sao? Rất đổi như Văn Vương là bậc chúa thánh mà còn kính trọng người hiền sĩ, huống hồ ta chỉ là kẻ tài hèn. Lần này em không cần đi nữa, để ta với Vân Trường đi cũng xong.

Trương Phi nói:

- Hai anh đã ra đi, nở nào bắt em phải ở nhà?

Huyền Ðức nói:

- Nếu em muốn đi thì không được thất lễ.

Trương Phi đành phải vâng lời. Rồi ba anh em lên ngựa, dẫn đoàn tùy tùng lên đường thẳng đến Ngọa long cương.

Khi còn cách thảo lư độ nửa dặm đường, Huyền Ðức xuống ngựa đi bộ.

Ðang đi bỗng gặp Gia Cát Quân, Huyền Ðức vội thi lễ, rồi hỏi:

- Lệnh huynh hôm nay có ở nhà không?

Quân thưa:

- Thưa có. Mới về chiều hôm qua. Tướng quân hôm nay có thể hội kiến cùng gia huynh.

Dứt lời, vùn vụt đi thẳng.

Huyền Ðức mừng rỡ nói:

- Phen này thật là may mắn, có thể gặp mặt tiên sinh rồi.

Trương Phi gườm gườm nhìn theo Gia Cát Quân, tức giận nói:

- Tên này vô lễ quá! Ðáng lẽ hắn mời mình đến nhà mới phải, sao lại bỏ đi như vậy?

Huyền Ðức gạt đi:

- Ai cũng có công việc nấy, em đừng nên trách móc người ta.

Ba người đến trước trang viện gọi cửa. Cậu tiểu đồng hôm nọ ra mở cửa.

Huyền Ðức nói:

- Lại phiền tiên đồng vào báo: "Có Lưu Bị xin bái kiến tiên sinh" nhé!

Tiểu đồng nói:

- Hôm nay tiên sinh có ở nhà, song ngủ muộn chưa dậy.

Huyền Ðức nói:

- Nếu thế thì em hãy thong thả, đừng thông báo vội.

Dứt lời sai Quan, Trương ra ngoài cửa đứng chờ, còn mình thì rón rén bước vào.

Vừa qua khỏi ngưỡng cửa, Huyền Ðức đã thấy Khổng Minh đang nằm ngửa trên giường ngáy pho pho.

Huyền Ðức vội chắp tay đứng đợi trên thềm.

Ðứng như thế đã hơn nửa canh giờ nhưng Khổng Minh vẫn chưa dậy.

Quan, Trương đứng chờ ngoài cửa đã lâu, không thấy động tĩnh gì cả, liền rón rén vào xem thì thấy Huyền Ðức đứng chắp tay hầu.

Trương Phi đùng đùng nổi giận, bảo Quan Vân Trường:

- Lão này thật khi dễ chúng ta quá, lão thấy đại ca đứng hầu dưới thềm, lại ngửa mặt lên cao giả đò ngủ không chịu dậy. Thôi, để em ra sau nổi lửa đốt chòi, xem lão có thức dậy hay không?

Vân Trường cản ngăn lắm Trương Phi mới thôi.

Huyền Ðức nghe tiếng xì xào, quay lại thấy vậy vội sai hai người hãy lui ra ngoài mà chờ.

Bỗng Khổng Minh trở mình một cái như sắp trở dậy, Huyền Ðức đã mừng...

Nhưng rồi Khổng Minh lại quay mặt vào vách ngủ nữa.

Ðồng tử thấy đã lâu quá, toan bước đến đánh thức, nhưng Huyền Ðức ngăn lại:

- Ấy, cứ thong thả... đừng làm kinh động!

Rồi lại kiên nhẫn đứng chờ... Chờ mãi, qua suốt một canh giờ nữa, Khổng Minh mới tỉnh giấc.

Vừa mở mắt đã ngâm mấy câu rằng:

Mộng lớn ai người sớm tỉnh ra?

Bình sinh ta vẫn biết mình ta.

Lều tranh no giấc, bừng con mắt!

Bóng ác ngoài song đã xế tà...

Ngâm dứt, quay mình lại hỏi tiểu đồng:

- Có tục khách đến nhà chăng?

Tiểu đồng thưa:

- Có Lưu Hoàng thúc đến đây đứng chờ thầy đã lâu.

Khổng Minh vội ngồi dậy quở tiểu đồng:

- Sao ngươi không đánh thức ta? Ðể ta còn vào thay áo đã.

Dứt lời, vội đi thẳng vào nhà trong.

Ðộ nửa giờ sau, Khổng Minh mới chỉnh tề khăn áo bước ra đón Huyền Ðức.

Huyền Ðức thấy Khổng Minh mình cao tám thước, mặt đẹp như bạch ngọc, mắt sáng tợ sao sa, đầu đội khăn xếp cuốn, mình khoác áo lông hạc, phiêu phiên đường bệ mà có phong thái thần tiên.

Huyền Ðức vội thi lễ mà rằng:

- Một đứa cháu hèn kém của nhà Hán, một kẻ ngu phu ở Trác quận, nghe tiếng tiên sinh đã từ lâu như sấm vang tai, vừa đây đã hai lần đến đây bái yết mà vẫn chưa được gặp, nên có ghi tên hèn gửi lại trên văn kỷ. Chẳng hay tiên sinh đoái nhìn chưa?

Khổng Minh nghiêng mình đáp lễ, nói:

- Tôi là một kẻ quê mùa ở Nam Dương, tính lười nết xấu, được Tướng quân mấy lần chiếu cố, thực tôi lấy làm hổ thẹn vô cùng.

Thi lễ xong, Khổng Minh mời Huyền Ðức chia ngôi chủ khách mà ngồi đàm đạo.

Lát sau, tiểu đồng bưng trà lên, hai người dùng qua vài chung, rồi Khổng Minh nói:

- Tôi xem ỵ thư hôm nọ, thấy đại ý của Tướng quân muốn làm việc đại nghĩa, cứu dân độ thế. Song tiếc rằng Lượng này ít tuổi, vô tài, chỉ làm nhọc công Tướng quân đó thôi.

Huyền Ðức ân cần nói:

- Lời của Từ Nguyên Trực và Tư Mã Ðức Tháo há nói sai sao? Xin tiên sinh chớ chê Bị này bỉ tiện mà dạy bảo cho...

Khổng Minh lắc đầu:

- Ðức Tháo, Nguyên Trực mới là những bậc cao sĩ trên đời, còn Lượng chỉ là một gã nông phu có tài cán chi mà bàn việc thiên hạ? Sao Tướng quân lại bỏ ngọc đẹp để đi tìm đá sỏi như vậy?

Huyền Ðức nghiêng đầu tha thiết nói:

- Ðại trượng phu có kỳ tài kinh bang tế thế, há lại sống vất vả vô ích nơi suối hoang, rừng rậm, để tài lớn mai một đi chăng? Xin tiên sinh hãy thương lấy sinh linh thiên hạ, mà dạy bảo mở mang cái trí ngu cho Bị.

Khổng Minh khẽ mỉm cười, hỏi:

- Xin cho nghe cái chí nguyện của Tướng quân?

Huyền Ðức bèn ngồi ngay ngắn lên, trịnh trọng đáp:

- Nay nhà Hán nghiêng đổ, bị kẻ gian hùng chiếm đoạt, Bị này không kể sức, muốn cử binh diệt trừ loài phản tặc, như trí thuật kém cỏi, không thể làm được việc nên nhờ tiên sinh vạch đường cho, để cứu khổn phò nguy, thật là vạn hạnh.

Khổng Minh trầm tư một lúc, rồi nói:

- Từ khi Ðổng Trác phản nghịch, hào kiệt nổi dậy khắp thiên hạ. Tào Tháo thế kém hơn Viên Thiệu, cuối cùng thắng được Viên Thiệu, đó không phải chỉ nhờ số trời mà cũng nhờ mưu người đó. Nay Tào Tháo đã nắm trăm vạn quân trong tay, lấy Thiên tử để sai khiến chư hầu. Như thế, thật khó tranh giành lại được. Tôn Quyền chiếm Giang Ðông nối nghiệp đã ba đời, nước hiểm trở, dân thuận phục. Vậy cũng chỉ nên kết làm ngoại viện, chứ không thể mưu chiến. Còn Kinh châu phía Bắc có sông Hán, sông Miện; nguồn lợi phía Nam đến tận Nam hải; mặt Ðông liền với Ngô Hội; phía Tây thì thông với Ba Thục, chính là đất dụng võ. Nếu chẳng phải chân chúa thì khó mà giữ được. Ðó là chỗ trời dành cho Tướng quân đó, chớ nên bỏ. Ðất Ích châu hiểm trở, ngàn dặm đồng lầy, nổi tiếng là "cái kho nhà trời". Xưa vua Cao Tổ cũng nhờ vào đó mà nên đế nghiệp. Nay Lưu Chương nhu nhược, dân đông nước giàu, lại chẳng biết lo giữ vững. Những kẻ trí năng đều chán nản, chỉ mong mỏi được thờ một đấng minh quân. Nay Tướng quân là dòng dỏi nhà Hán, tín nghĩa sáng rỡ khắp bốn bể, lại biết thu phục anh hùng, cầu người hiền như khát nước, nếu gồm được châu Kinh, châu Ích mà giữ vững thế hiểm, thì phía Tây hòa với các rợ Nhung, phía Nam vỗ yên các xứ Di, Việt, rồi bên ngoài kết liên Tôn Quyền, bên trong sửa sang chính lý. Chờ khi thiên hạ có biến, hãy sai một Thượng tướng kéo quân Kinh châu lên miền Uyển Lạc. Còn Tướng quân thì thân đem đại binh Ích châu ra mặt Tần Xuyên. Thử hỏi trăm họ bốn phương, nơi đâu lại không đem giỏ cơm, bầu nước ra đón Tướng quân?

Ðó, Lượng này vì Tướng quân mà vạch kế như thế đấy. Tướng quân hãy lo mà làm đi.

Rồi gọi tiểu đồng đem ra một bức địa đồ, treo lên giữa nhà, Khổng Minh trỏ tay bảo Huyền Ðức:

- Ðây là bản đồ năm mươi bốn huyện Tây Xuyên. Tướng quân muốn dựng nghiệp Ðế thì phía Bắc phải nhường cho Tào Tháo chiếm thiên thời. Phía Nam nhượng cho Tôn Quyền chiếm lấy địa lợi. Còn Tướng quân phải chiếm lấy nhân hòa. Vậy trước phải lấy Kinh châu làm nhà, sau lấy Tây Xuyên mà khai cơ nghiệp, tạo thành cái thế chân vạc rồi sau mới mưu đồ đến cái đất Trung nguyên.

Huyền Ðức nghe nói, đứng dậy cung kính xá một cái và tạ rằng:

- Lời vàng ngọc của tiên sinh đã mở mang óc ngu tối, khiến Bị như rẽ được mây mù, trông thấy trời xanh. Ngặt vì Lưu Cảnh Thăng ở Kinh châu và Lưu Quỵ Ngọc ở Tây Xuyên đều là người trong tôn tộc nhà Hán, Bị nỡ nào thâu đoạt cho đành?

Khổng Minh nói:

- Ðêm qua, tôi xem thiên tượng thấy Lưu Biểu chẳng còn sống bao lâu nữa, còn Lưu Chương không phải là người nối nghiệp, cơ nghiệp này ngày sau ắt cũng về tay Tướng quân.

Huyền Ðức cúi đầu bái tạ.

Thế là chỉ qua một câu chuyện ngắn ngủi ấy, đủ thấy Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã dư biết "Thiên hạ chia ba" sau này. Thật là bật kỳ tài quán thế, vạn cổ chỉ có một không hai vậy.

Người sau có thơ rằng:

Dự châu đang lúc vận gieo neo,

May gặp danh nhân dưới mái lều.

Thiên hạ chia ba, rồi sẽ thấy,

Tiên sinh cười trỏ bản đồ treo.

Huyền Ðức ngỏ lời bái thỉnh Khổng Minh:

- Bị này tuy danh hèn đức mỏng, xin tiên sinh chớ nệ, xuất sơn giúp cho, Bị này nguyện chắp tay nghe theo lời chỉ dạy.

Khổng Minh từ tạ:

- Lượng này đã vui nghề cày cuốc, lười biếng việc đời từ lâu. Thật không thể vâng lời Tướng quân được.

Huyền Ðức ngẹn ngào năn nỉ:

- Nếu tiên sinh không ra giúp thì thiên hạ biết chừng nào mới êm ấm được và sinh linh còn trông mong ai cứu vớt nữa?

Dứt lời, lệ tuôn ướt đầm cả tay áo.

Khổng Minh thấy lòng của Huyền Ðức quả thật chân thành, bèn nhận lời:

- Tướng quân có lòng đoái tưởng thì tôi xin nguyện đem hết sức hèn này mà báo đáp ân tình.

Huyền Ðức vui mừng khôn xiết, liền gọi Quan, Trương vào bái kiến và dâng lễ vật, vàng lụa.

Khổng Minh từ chối không nhận.

Huyền Ðức nói:

- Ðây không phải là lễ ra mắt đại hiền. Chỉ gọi là một chút vật mọn để tỏ tấm lòng của Bị này thôi.

Khổng Minh thấy không thể từ chối được, sai tiểu đồng đem lễ vật vào trong.

Thế rồi Huyền Ðức cùng mọi người ngủ lại trong thảo trang một đêm.

Sáng hôm sau, Gia Cát Quân trở về, Khổng Minh dặn:

- Anh chịu ơn Lưu Hoàng Thúc ba lần họ cố, không thể không ra giúp. Em hãy ở nhà chăm lo cày ruộng, chớ để ruộng rẫy hoang rậm nhé. Một ngày kia thành công rồi, anh sẽ trở về đây nương tựa.

Người sau có thơ rằng:

Thân chưa bay nhảy, tính lui rồi,

Ngày khác thành công, hẳn nhớ lời.

Bởi Chúa nghiêng lòng đem phó thác,

Trận tiền gió lạnh, ánh sao rơi...

Lại có bài thơ cổ phong như sau:

Cao Hoàng vung kiếm thần ba thước,

Rắn trắng Mang đường đổ máu loang.

Diệt Sở, bình Tần, xây xã tắc,

Hai trăm năm lẻ, dứt triều cương.

Lạc dương, Quang Vũ kế ngai rồng,

Truyền đến Hoàn, Linh lại lở long.

Hiến Ðế dời đô về huyện Hứa,

Bốn phương hào kiệt nổi như ong!

Chuyên quyền Tào Tháo được thiên thời,

Mở nghiệp, Tôn Quyền cũng vững nơi.

Huyền ức riêng mình không đất đứng,

Nương thân Tân Dã tạm thời thôi...

Nam Dương Gia Cát ẩn tài danh,

Bụng chứa kinh luân với giáp binh.

Từ Thứ ra đi, vừa tiến cử,

Lưu Quân ba lượt đến lều tranh!

Tiên sinh hăm bảy tuổi đương xuân,

Thu xếp cầm thư, giữ ruộng vườn.

Tây Thục, Kinh châu trời sẳn để...

Cho người mở rộng túi kinh luân.

Một lời đầu lưỡi, nổi ba đào,

Muôn kế tung ra, sấm sét gào!

Rồng cuộn, hổ vờn yên bốn cõi,

Muôn đời ai dễ sánh tài cao?

Rồi sau đó, Huyền Ðức, Quan, Trương từ biệt Gia Cát Quân, rồi cùng Khổng Minh trở về Tân Dã.

Từ ngày được Khổng Minh, Huyền Ðức kính trọng như bậc thầy, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, suốt ngày bàn luận việc thiên hạ.

Một hôm, Khổng Minh nói:

- Nghe Tào Tháo đào ao Huyền Vũ ở Kỵ châu để luyện tập thủy quân, ắt đã có bụng xâm phạm Giang Nam rồi. Vậy thì Chúa công cũng nên cho người sang sông dò xem hư thật ra sao?

Huyền Ðức theo lời, sai quân sang đất Giang Ðông dọ la.

Nhắc lại Tôn Quyền từ ngày thừa kế sự nghiệp của Tôn Sách, giữ vững Giang Ðông, rộng lòng thâu nạp hiền sĩ, mở quán nghênh tân ở Ngô Hội, sai Cố Ung và Trương Hoành túc trực đón tiếp tân khác bốn phương.

Luôn mấy năm, cứ người này tiến cử người kia, người kia lại tiến cử người nọ, số mưu sĩ tề tựu mỗi lúc một đông.

Bấy giờ đã được thêm Hám Trạch tự Ðức Thuận ở Cối Kê, Nghiêm Tuấn tự là Man Tài người Bành thành, Tiết Tổng tự là Kính Văn ở Bái huyện, Trình Bỉnh tự là Ðức Khu người Nhữ Nam, Châu Hoàn tự là Hưu Mục ở Ngô quận, Lục Tích tự là Công Kỷ ở Hoài Nam, Trương Ôn tự là Huệ Thứ người đất Ngô, Lăng Thống tự là Công Trực ở Cối Kê, Ngô Xán tự là Khổng Hưu ở Ô Trình...

Những người này ở khắp nơi kéo về Giang Ðông, được Tôn Quyền kính lễ hậu đãi.

Sau đó, lại còn có thêm mấy tướng giỏi nữa đến phò như Lữ Mông tự là Tứ Minh người Nhữ Dương, Lục Tốn tự là Bá Ngôn ở Ngô quận, Từ Thịnh tự là Văn Hưởng người Lang gia, Phan Cương tự là Văn Khuê ở Ðông quận, Ðinh Phụng tự là Thừa Uyên ở Lư Giang...

Văn thần võ tướng đều hợp sức phò tá, cho nên Giang Ðông bấy giờ mới được tiếng là nhiều nhân tài.

Năm Kiến An thứ bảy, Tào Tháo phá xong Viên Thiệu xong, thanh thế càng ngày càng lẫy lừng, binh hùng tướng mạnh không sao kể hết.

Tào Tháo lại sai sứ qua Giang Ðông bảo Tôn Quyền đem con vào triều tùy giá.

Tôn Quyền do dự mãi, chưa biết nên xử trí thế nào?

Ngô Thái phu nhân cho đòi Trương Chiêu và Châu Du vào thương nghị, bàn tính

Trương Chiêu nói:

- Tào Tháo khiến Chúa công cho con vào triều tùy giá tức là lối "khiên chế chư hầu" đó. Nhưng nếu Chúa công không tuân theo thì Tháo sẽ hưng binh sang đánh Giang Ðông. Với khí thế của Tào Tháo hiện nay, chúng ta cự sao lại!

Châu Du nói:

- Chúa công thừa kế nghiệp của cha anh để lại gồm sáu quận, binh tinh lương đủ, tướng sĩ hết lòng theo mệnh lệnh, có gì bức bách mà phải đưa con vào làm tin nơi xứ người? Hễ đưa con sang tức là phải liên hòa với Tháo, mỗi khi Tháo ra hiệu lệnh gì cũng phải nghe theo. Phỏng như Tháo lại triệu Chúa công vào chầu, chẳng lẽ Chúa công không tuân. Như thế thì ta tự lấy dây buộc mình rồi. Chi bằng cứ để thong thả, xem hạ giở trò gì rồi sẽ dùng kế mà đối phó.

Ngô Thái phu nhân khen:

- Lời Châu Du nói rất phải.

Tôn Quyền nghe theo, liền từ khước sứ giả, không chịu gửi con mình vào triều. Tào Tháo bất bình, có ỵ đánh Giang Nam từ đó, ngặt vì phía Bắc chưa yên, nên chưa thể xuất quân Nam chinh được.

Năm Kiến An thứ tám, vào tháng mười một, Tôn Quyền lại dẫn binh sang đánh Hoàng Tổ.

Hai bên giao chiến trên sông Ðại giang (1). Quân Hoàng Tổ thua chạy.

Một bộ tướng của Quyền là Lăng Tháo phóng thuyền nhẹ đi trước, đánh đuổi tới Hạ khẩu, bị bộ tướng của Tổ là Cam Ninh bắn một mũi tên mà chết.

Con của Lăng Tháo là Lăng Thống, bấy giờ mới mười lăm tuổi, rán sức đoạt thuyền cướp thây cha đem về.

Quyền thấy xuất sư không lợi nên bãi chiến, tạm thu quân về Ðông Ngô.

Bấy giờ có người em trai Quyền là Tôn Dực làm quan Thái Thú quận Ðan Dương.

Dực vốn tánh cương cường nóng nảy, lại hay uống rượu.

Mỗi khi say, thường đánh đập quân sĩ tàn nhẫn.

Viên Ðốc tướng Ðan Dương là Qui Lãm cùng viên Quận thừa là Ðái Viên có bụng mưu sát Dực.

Hai người mới kết thông với người tùy tùng của Dực là Biên Hồng để sát hại Dực.

Hôm ấy, chư tướng cùng các vị huyện lệnh về hội hợp đông đủ tại Ðan Dương.

Tôn Dực cho bày yến tiệc thết đãi. Vợ của Dực là Từ thị xinh đẹp và thông minh, rất giỏi về khoa bói Dịch.

Bấy giờ nàng gieo thử một quẻ, thấy "tượng" rất xấu, liền khuyên chồng đừng ra tiếp khách.

Nhưng Dực không nghe, cứ đi cùng các quan ra công đường chủ tọa buổi tiệc.

Ðến chiều, tiệc mới tan, Biên Hồng ngầm giấu con dao trong mình theo chân Dực ra cửa, bất thình lình rút dao đâm Dực chết ngay tại chỗ.

Qui Lãm, Ðái Viên liền đổ tội cho Biên Hồng, sai quân lôi ra chợ chém đầu.

Rồi hai tên thừa thế cướp của cải và thị thiếp của Tôn Dực.

Qui Lãm thấy Từ thị nhan sắc diễm lệ, động lòng dục, liền bảo nàng:

- Ta đã báo thù chồng cho nàng xong, vậy nàng hãy về với ta, nếu cãi lời, ta e tánh mạng nàng khó toàn.

Từ thị khóc lóc nói:

- Chồng thiếp mới chết, chưa tiện theo Tướng quân ngay. Xin đợi đến tối ba mươi này, thiếp cúng "trừ phục" xong, rồi chúng ta sẽ thành thân cũng chưa muộn.

Qui Lãm nghe nói, sung sướng ưng lời, lui ra chờ đợi.

Từ thị liền bí mật triệu hai viên tướng tâm phúc của Dực là Tôn Cao và Phó Anh vào phủ mà khóc lóc rằng:

- Lúc tiên phu còn sống thường ca tụng hai người là bậc trung nghĩa. Nay hai tên giặc Ðái, Qui mưu sát chủ, lại đổ tội cho Biên Hồng, cướp hết của cải, tôi tớ mà chia nhau. Qui Lãm còn cưỡng bức, bắt tôi phải làm hầu thiếp cho nó. Tôi đành phải giả tảng ưng lời cho yên lòng nó. Vậy hai Tướng quân một mặt sai người báo tin cho Ngô Hầu biết, một mặt lập mưu kế để trừ hai thằng phản tặc ấy, để rửa thù nhục này, thì người chết được ngậm cười, mà kẻ sống đội ơn muôn thuở.

Dứt lời, Từ thị lại cúi đầu lạy hai lạy. Tôn Cao, Phó Anh vội trả lễ, đôi mắt người nào cũng đẫm lệ.

Hai người nói:

- Chúng tôi mang ơn tri ngộ của Phủ quan rất nhiều, nay Phủ quan bị tặc thần hãm hại, mà chúng tôi chưa thể chết theo là còn muốn lập kế báo thù cho chủ. Giờ phu nhân sai khiến, chúng tôi há dám không hết sức?

Dứt lời, hai người viết mật thư, sai người tâm phúc đem cấp báo với Tôn Quyền.

Qua đến đêm ba mươi, Từ thị sai Tôn, Phó hai tướng phục sẳn trong màn the nơi phòng kín.

Ðoạn bày lễ tế chồng ngoài nhà thờ.

Tế chồng xong, Từ thị trút bỏ hết đồ hiếu phục, vào phòng riêng tắm gội nước hương, trang điểm thật lộng lẫy, cười nói tươi vui.

Qui Lãm hay tin, sung sướng như mở cờ trong bụng.

Ðến đêm, Từ thị cho con hầu ra mời Lãm vào phủ, bày tiệc giữa nhà chuốc rượu.

Khi Lãm đã say, Từ thị dìu vào phòng the.

Qui Lãm sung sướng mê mẩn, vì sắp được cùng người đẹp thành thân, lại đã nồng hơi men, chếch choáng theo vào.

Vừa bước vào phòng, Từ thị thét lớn:

- Tôn, Phó hai Tướng quân đâu?

Tức thì hai tướng từ sau màn nhảy ra chận đường, làm cho Qui Lãm không còn đường chạy, luýnh quýnh bị Phó Anh chém một đao nhào xuống đất.

Tôn Cao vội bồi thêm một nhát nữa, chết ngay.

Xong, Từ thị sai hai người núp vào bên cửa, khiến con hầu đi mời Ðái Viên vào dự tiệc. Viên vừa bước vào phủ, vừa bước lên nhà, cũng bị Phó Anh và Tôn Cao chém tới, chết liền tại chỗ, không kịp kêu la một tiếng.

Giết xong hai tên phản nghịch, Phó Anh và Tôn Cao sai quân đi bắt và giết hết già trẻ thân thuộc của hai tên Qui Lãm và Ðái Viên cùng dư đảng của chúng.

Thù chồng đã trả, Từ thị mặc đồ tang phục, cắt lấy thủ cấp của hai tên giặc đem ra trước bàn thờ tế chồng.

Qua ngày hôm sau, Tôn Quyền đích thân đem binh mã đến Ðan Dương, thấy em dâu đã giết được hai tên giặc Ðái, Qui, mừng rỡ vô cùng, liền phong Tôn Cao và Phó Anh làm Nha Môn tướng, đóng giữ Ðan Dương, và đón Từ thị về nhà dưỡng lão.

Khắp Giang Ðông, ai nghe tin này cũng phải chắc lưỡi khen Từ thị là người tiết liệt.

Người sau có thơ khen nàng rằng:

Tài đức gồm hai tuyết giá trong,

Tru di nghịch tặc, rửa hờn chồng.

Tôi hèn bó gối, tôi trung chết,

Thua hẳn Ðông Ngô một má hồng.

Bấy giờ khắp Ðông Ngô, các nhóm giặc cỏ, giặc núi đều bị dẹp tan.

Trong sông Ðại Giang có dư bảy ngàn chiến thuyền.

Tôn Quyền liền bái Châu Du làm Ðại Ðô Ðốc, thống lãnh quân mã thủy lục Giang Ðông.

Tháng mười, năm Kiến An thứ mười hai, vào tiết Ðông, mẹ ruột của Tôn Quyền là Ngô Thái phu nhân lâm bệnh nặng, liền đòi Châu Du và Trương Chiêu về nói:

- Ta vốn người đất Ngô, cha mẹ mất sớm, nên theo em trai là Ngô Cảnh sang ở Việt Trung. Sau về làm dâu họ Tôn, sinh được bốn trai. Con trưởng là Sách, lúc mang thai ta nằm mơ thấy nuốt mặt trăng vào bụng. Con thứ hai là Quyền, lúc hoài thai lại thấy nuốt mặt trời vào bụng. Bốc sư đã nói rằng mộng thấy "nhật nguyệt nhập hoài" ắt sinh quý tử... Không may Sách mất sớm, đem cơ nghiệp Giang Ðông giao phó cho Quyền. Vậy nếu ta có thác đi, hai tướng phải gắng hết sức phò tá Quyền giữ gìn sự nghiệp của cha anh để lại.

Ðoạn, Ngô Thái phu nhân quay qua nói với Tôn Quyền:

- Con phải đãi Tử Bố với Công Cẩn như thầy con vậy, không được khinh thường nhé! Em gái của mẹ cùng kết hôn với cha con thì con cũng phải coi như mẹ ruột của con vậy. Ðứa em gái của con, con phải nuôi dạy hết lòng, rồi lựa nơi xứng đáng, kén người giai tế mà gả chồng cho em.

Hơi nói yếu dần, Ngô Thái phu nhân cố ngoi đầu lên quan sát mọi vật lần cuối cùng, rồi ngã người ra, nhắm mắt tắt thở. Tôn Quyền ôm mẹ khóc than một hồi, đoạn sai các quan lo việc tang chế...

Qua năm sau, nhằm tiết xuân, Tôn Quyền thương nghị muốn kéo quân đi đánh Hoàng Tổ.

Trương Chiêu can:

- Chúa công còn ở trong tang chế, không nên động binh.

Nhưng Châu Du nói:

- Báo thù rửa hận, cần gì phải đợi hết tang!

Tôn Quyền còn đang do dự chưa quyết định, chợt có quan Bắc Bình Ðô Úy Lữ Mông về xin ra mắt, rồi thưa:

- Tôi trấn thủ ở cửa sông Long Thu, ngày vừa qua bỗng thấy bộ tướng của Hoàng Tổ là Cam Ninh dẫn quân tới xin hàng. Tôi đã dò la kỹ lưỡng được biết rằng Ninh tự là Hưng Bá, người ở Lâm Giang thuộc Ba quận. Người thông hiểu về kinh sử, có sức mạnh hơn người, tính lại thích lãng du, thường chiêu tập bọn du đảng, lưng đeo chuông đồng, tung hoành khắp thiên hạ. Ai ai nghe tiếng chuông đều kinh hãi ù té bỏ chạy trốn. Ninh còn lấy gấm Tây Xuyên làm buồm thuyền, vì thế người ta gọi là "giặc buồm gấm". Về sau, Ninh hối hận việc làm của mình nên cải tà quy chánh, dẫn thủ hạ đến đầu Lưu Biểu. Thấy Biểu không làm nổi việc lớn, Ninh muốn sang theo Ðông Ngô ta, nhưng lại bị Hoàng Tổ giữ lại ở Hạ Khẩu. Trước đây, quân ta tiến đánh, Tổ đã nhờ Cam Ninh mới giữ được thành. Về sau, Tổ lại bạc đãi Ninh. Viên Ðô Ðốc là Tô Phi đã hai, ba lần tiến cử Ninh để Hoàng Tổ trọng dụng. Nhưng Hoàng Tổ nói: "Hắn là một tên cướp sông, trọng dụng làm gì!" Do đó, Cam Ninh oán giận Hoàng Tổ. Tô Phi biết được, liền bày tiệc rượu mời Cam Ninh dùng, và nói: "Tôi đã mấy lần tiến cử, nhưng Chúa công không trọng dụng. Ngày tháng thoi đưa, đời người mấy chốc... ông nên tính rộng mưu xa là hơn. Nay tôi cử ông làm chức Trưởng ở Ngọc huyện để tiện cho ông hành động, muốn ở hay đi thì tùy ỵ..." Nhờ thế Cam Ninh mới thoát được Hạ Khẩu, muốn sang hàng Giang Ðông ngay, nhưng còn sợ Giang Ðông thù về việc mình đã giết Lăng Tháo cứu Hoàng Tổ ngày trước. Tôi có nói: "Chúa công tôi mong người hiền như khát nước, không oán hận đâu. Vả lại, khi lâm trận ai cũng phải hết lòng vì chủ, có gì đáng oán ông đâu?" Ninh vui mừng hớn hở kéo quân qua sông chờ bái kiến. Vậy xin Chúa công định đoạt.

Tôn Quyền mừng rỡ nói:

- Nếu ta có Cam Hưng Bá giúp sức, ắt phá được Hoàng Tổ.

Dứt lời, sai Lữ Mông dẫn Cam Ninh vào. Ninh tham bái xong, Quyền nói:

- Hưng Bá đến đây, ta mừng vô hạn, đâu còn nghĩ đến chuyện cũ? Xin đừng nghi ngờ gì cả, và xin Tướng quân chỉ giáo cho kế sách phá Hoàng Tổ.

Ninh thưa:

- Nay vận Hán đến ngày tàn, thế nào Tào Tháo cũng cướp ngôi. Ðất Nam kinh Tháo không thể để yên ngồi ngó. Lưu Biểu thì không biết tính xa, con cái lại ngu hèn, làm sao giữ nổi sự nghiệp. Minh công nên sớm khắc phục Kinh châu, nếu chậm e Tháo tính trước mất. Nay trước hãy phá Hoàng Tổ. Tổ đã già yếu, lại chỉ biết tham lợi, vơ vét của dân, làm cho lòng dân vô cùng oán hận. Ðã vậy, chiến cụ lại không sửa sang, quân sĩ không kỷ luật. Nếu Minh công mà tới đánh, ắt thế như trẻ tre. Phá Hoàng Tổ rồi, gióng trống kéo quân qua phía Tây chiếm lấy cửa Sở quan mà mưu đồ Ba Thục. Ðược vậy, nghiệp bá ắt thành.

Tôn Quyền nói:

- Thật là lời vàng ngọc, làm cho ta sáng mắt lên.

Liền sai Châu Du làm Ðại Ðô Ðốc, quản thủ hết thủy binh và bộ binh, Lữ Mông làm Tiền bộ tiên phong, dt và Cam Ninh làm Phó tướng, còn Tôn Quyền thì thống lãnh đại quân mười vạn kéo đến đánh Hoàng Tổ.

Quân tế tác dò biết, phi báo về Giang Hạ (2).

Hoàng Tổ vội nhóm hết các tướng thương nghị rồi phong Tô Phi làm Ðại tướng, Trần Tựu và Ðặng Long làm Tiên phong, rồi kéo hết binh mã Giang Hạ ra nghênh địch.

Trần Tựu, Ðặng Long mỗi tướng điều khiển mỗi đội chiến thuyền tới đóng chận nơi cửa sông Miện.

Trên thuyền chuẩn bị hơn ngàn cung bền nỏ cứng, lại lấy giây chạc lớn buộc các thuyền lại với nhau vững chắc trên mặt nước.

Khi nghe quân Ðông Ngô đến, nghe trên thuyền Giang Hạ gióng lên một hồi trống, rồi cung nỏ bắn ra loạn xạ.

Thuyền của Ðông Ngô không dám tiến, phải lui về mấy dặm đồn quân trên sông Trường giang.

Cam Ninh thấy vậy, nói với dt:

- Sự thể đến nước này không tiến cũng không xong.

Liền chọn hơn một trăm thuyền nhỏ, mỗi chiếc chở hơn năm mươi quân tinh tráng, thì hai mươi tay chèo thuyền, còn ba mươi người đều mặc giáp sắt, tay cầm đao bén.

Hiệu lệnh truyền ra, tất cả chiến thuyền nhất tề xông sang, không kể tên đá, cứ phóng sát vào thuyền địch, chém đứt những chiếc dây chạc của thuyền địch.

Thế là thuyền Giang Hạ quay ngang mũi lại, tan rã.

Cam Ninh vươn mình phóng qua thuyền Ðặng Long, chém Ðặng Long một đao chết ngay.

Trần Tựu thấy thế thất kinh, quay thuyền bỏ chạy.

Lữ Mông thấy vậy nhảy qua một chiếc thuyền nhỏ, tự tay chèo lái vạt đến, xông thẳng vào đoàn thuyền địch mà phóng hỏa.

Trần Tựu vội nhảy lên bờ tẩu thoát. Lữ Mông liều mạng nhảy lên theo, đuổi sát đến nơi, chém Tựu một nhát ngang lưng chết luôn.

Khi Tô Phi dẫn quân đến bờ sông tiếp ứng, thì quân Ðông Ngô đã kéo ồ lên bộ cả rồi, không sao địch nổi.

Quân Hoàng Tổ thua chạy, Tô Phi hốt hoảng thúc ngựa bỏ chạy, bỗng gặp ngay đại tướng Ðông Ngô là Phan Chương. Hai ngựa giao đầu vài hiệp thì Phi bị Chương bắt sống đem xuống thuyền, điệu về nạp cho Tôn Quyền.

Tôn Quyền khiến quân đem Tô Phi giam vào cũi, chờ bắt được Hoàng Tổ rồi sẽ giết một thể.

Rồi thôi thúc ba quân, không kể ngày đêm, hết sức đánh phá Hạ Khẩu.

Ðó là:

Tướng ngu chẳng dụng tay "buồm gấm",

Thuyền chiến tan hoang đứt "chạc ràng".

Chú Thích:

Ðại giang, Trường giang, Thanh giang, Dương tử giang chỉ là một con sông Giang vậy.

Giang Hạ tức đất Vũ Xương ngày nay, là một địa điểm chiến lược vô cùng quan trọng, cho nên thời nào có chiến tranh, cửa Hạ Khẩu cũng vẫn là chỗ chiến trường gay go.

/119

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status