Song Nữ Hiệp Hồng Y

Chương 7: Luận Đao Trong Mưa

/96


Chàng càng nghĩ càng nhận thấy chỉ có cách đó là thượng sách hơn hết thôi, nên chàng cảm thấy phấn khởi vô cùng, như vậy còn ngủ làm sao được. Chàng quyết định xong, liền ngồi dậy luyện tập võ công một hồi.

Ăn cơm trưa xong, Thanh Lam đeo trường kiếm vào ngang lưng, ra chuồng ngựa lựa lấy một con ngựa thật khoẻ, rồi cưỡi ngựa đi thẳng về phía Tây Từ Lộ Châu tới Nguỵ Quận, tuy chỉ xa hơn chừng hai trăm dặm thôi, nhưng phải vượt qua núi Thái Hành và đi qua Phủ Dương thì quãng đường ấy gần hơn, và lại Phủ Dương là nơi đồn binh quan trọng của Siêu nghĩa quân mà dượng mình vẫn thường toa. trấn ở đó, nên quãng đường này tuy là đường núi, nhưng đã được công binh khai đường đắp lộ, xây thành một con đường cái quan thực lớn rộng, suốt dọc đường lại có cảnh vệ quân của dượng chàng. Vì những lý do ấy, chàng nghĩ thầm:

"Nếu ta đi đường này, nhỡ cảnh vệ quân trông thấy, về thưa với dượng thì kế hoạch lén đi này của mình có phải hư hỏng hết không!" Nghĩ như vậy, chàng không đi theo đường cái quan nữa, mà đi vào con đường nhỏ. Đi được hơn tiếng đồng hồ, bỗng thấy trời tối sầm gió lộng kéo tới bụi bay mù mịt, chàng biết sắp có trận mưa to đổ xuống, trong lòng lo âu vô cùng vội ngừng ngựa lại nhìn bốn chung quanh xem có chỗ nào để tránh mưa không? Nhưng quanh đó không có một nhà cửa nào hết, và cả hang hốc cũng không có nốt. Chàng đành phải thúc ngựa chạy về tới phía trước ngờ đâu vừa đi tới chân núi đã có mưa lác đác đổ xuống nhưng chàng vẫn đi tiếp. Thực may mắn cho chàng, phóng được một quãng đường đã thấy trong eo núi, ở chỗ cách mình không xa, có mấy căn nhà lá xuất hiện. Chàng mừng rỡ khôn tả, liền thúc ngựa tiến lên, nhưng khi tới gần mới hay đó là một cái lều rơm không có người ở. Có lẽ là người đi săn dùng để làm chỗ nghỉ chân.

Lúc ấy mưa càng ngày càng to, chàng vội xuống ngựa dắt cả ngựa vào bên trong, vừa vào được trong lều đó thì bên ngoài đã mưa to gió lớn, nước mưa đổ xuống như thác rồi. Cũng may kiếm được chỗ này lánh mưa, bằng không người và ngựa ướt như tắm.

Ngày thường ở quen nhà cao cửa rộng, nếu không gặp trời mưa này thì chàng đâu biết một cái lều rơm nho nhỏ như vậy cũng đáng quý như thế nào? Chàng đứng ngẩn người ra xem mưa, bỗng trên đường núi cũng có một người đang phi thân tới để lánh mưa.

Chỉ trong nháy mắt, người đó đã tới gần, chàng mới hay người đó là một thiếu niên mặc áo dài vải xanh, chừng mười sáu mười bẩy, đầu và mình mẩy ướt đãm. Thanh Lam vội tránh sang bên để cho người đó vào và mồm thì nói:

- Mời huynh đài vào đây!

Người đó vào tới trong lều, liền giơ tay lên vuốt nước mưa đọng ở trên mặt và ngắm nhìn Thanh Lam một hồi, rồi hỏi:

- Bạn tới đây để lánh mưa đấy à?

Thanh Lam thấy thiếu niên ấy có vẻ quen mặt lắm, nhưng chàng không nghĩ ra được đã gặp thiếu niên ấy ở đâu? Sau chàng mới nhớ tới và bụng bảo dạ rằng:

"ừ, phải rồi! Mặt người này giống hệt con nhãi họ Liễu đêm qua không sai chút nào, lông mày cũng dài như thế, mắt cũng to như vậy.

Nhưng phải nỗi mặt hơi đen một chút... à không, bây giờ chàng ta vừa lấy tay lau mặt một cái, da mặt đã trắng như ngọc liền..." - Này, bạn kia! Tôi hỏi gì, bạn có nghe thấy không?

Thiếu niên nọ thấy Thanh Lam cứ ngẩn người ra nhìn mình mà không trả lời, chàng có vẻ hổ thẹn, mặt hơi đỏ bừng và cũng hơi tức giận mà hỏi dồn Thanh Lam như trên.

Thanh Lam thấy chàng như vậy liền giật mình đánh thót một cái ngượng vô cùng và chắp tay, chào và đáp:

- Ồ, tiểu sinh nghĩ tới một người bạn giống hệt huynh đài, cho nên mới thất lễ như thấyế, mong huynh đài lượng thứ cho!

Thiếu niên nọ thấy chàng cuống quýt lên xin lỗi mình như vậy, mới hay là chàng vô tâm, nên vội nguôi cơn giận, mặt mới tươi cười lại, nhưng vẫn kêu "hừ" một tiếng rồi cứ đứng mà vắt áo cho khỏi ướt thôi.

Nhất thời không sao nghĩ ra được chuyện gì để nói, Thanh Lam đành phải khoanh tay về phía sau, quay mặt nhìn ra ngoài trời xem.

Ngờ đâu trận mưa càng ngày càng lớn, nhưng trời đã sáng dần, cảnh sắc ở bên ngoài sau cơn mưa đẹp như tranh vẽ, chàng cứ ngẩn người ra thưởng thức mỹ cảnh thôi.

Có lẽ thiếu niên they nếu đứng yên như vậy thì buồn bã không chịu nổi, y đã lên tiếng nói trước:

- Này, bạn kia, định đi đâu thế?

- Tiểu sinh định đi Nguỵ Quận ...

Thanh Lam vội đáp nên nhất thời lỡ mồm, muốn ngừng nói nhưng cũng đã không kịp rồi.

Thiếu niên cười khì một tiếng và tiếp:

- Tôi nghe thấy phong cảnh ở Nguỵ Quận đẹp lắm, tôi cũng muốn đi đó du ngoạn một phen bây giờ có bạn đi cùng thật là may mắn lắm.

- Nói xong chàng ta cười khì, lộ hai hàm răng trắng như ngọ ngà và thái độ cũng ngây thơ vô cùng.

Thanh Lam vừa cười vừa hỏi tiếp:

- Nhà huynh đài ở đâu thế?

Thiếu niên ngẩn người ra giây lát rồi mới đáp:

- Cha mẹ tôi không cho tôi đi ra bên ngoài du ngoạn một mình như thế này, ngày cứ bắt học tập, mỗi hôm nay tôi mới lẻn trốn ra được. Còn bạn thì sao?

Thanh Lam thấy thiếu niên nọ ngây thơ một cách đáng yêu vội trả lời:

- Tại hạ đi Nguỵ Quân có chút việc bận.

Thiếu niên ấy có vẻ thất vọng, nói tiếp:

- Bạn bận việc không đi chơi với tôi được thì thôi, một mình tôi đi chơi cũng được.

Nói tới đó, hình như chàng ta bỗng nghĩ tới một việc gì, liền mỉm cười hỏi tiếp:

- Đệ chưa thỉnh giáo huynh trưởng quí tính đại danh là gì đấy?

Thanh Lam vừa cười vừa đáp:

- Thực đấy, cả tôi cũng quên nốt! Tôi họ Giang, tên là Thanh Lam, còn...

- Tôi họ Phù tên là Lan, cha mẹ tôi vẫn gọi tôi là Lan nhi, vậy huynh đài cũng cứ gọi tôi là Lan nhi được rồi!

Hai người ngồi ở trên một hòn đá vuông, càng chuyện trò càng vui vẻ. Thanh Lam thấy thiếu niên nọ ăn nói cũng nhã nhặn nhưng trong lòng cũng kinh ngạc thầm và tự nghĩ rằng:

"Có lẽ chàng ta cũng là con nhà thư hương, còn mình đây mồ côi cha mẹ từ hồi còn nhỏ, được dượng nuôi nấng cho ăn học tới giờ, dung có biểu ca với biểu tỉ chơi với mình, nhưng biểu ca lại lơn hơn mình mấy tuổi. Mấy năm nay, dượng bắt biểu ca phải trông nom những việc to nhỏ trong phủ, còn biểu tỉ thì suốt ngày ở trong khuê phòng, cũng ít khi xuống lầu, nên cho tới giờ mình cũng không có một người bạn tri âm nào hết." Vì vậy chàng chuyện trò với Lan nhi hồi lâu, không hiểu tại sao chàng cảm thấy thích thú vô cùng. Hai người chuyện trò hồi lâu, rồi quên cả lễ phép, Thanh Lam bỗng nắm lấy cánh tay trái của Lan nhi, thấy tay chàng nọ mềm mại, như không có xương chàng ngạc nhiên hết sức. Còn Lan nhi cứ khẽ cười và cúi gầm mặt xuống.

Thanh Lam thấy mặt chàng ta tuy hơi đen nhưng da ở sau gáy lại trắng như ngọc ngà, trong lòng ngạc nhiên vô cùng. Nhưng sau chàng đoán ra có lẽ vì thích đi ra bên ngoài chơi bời nên mặt mới bị phơi đen như thế, chứ không tại sao cả.

Lan nhi khẽ rụt tay lại, ngửng đầu nhìn sắc trời và nói tiếp:

- Chúng ta cứ mải chuyện trò, trời tạnh mưa lúc nào cũng không hay.

Tiếp theo đó, chàng ta lại hậm hực nói:

- Hà! Thật bực mình quá! Con ngựa của tôi đi phía đằng kia, vì lỡ chân một cái nên đã bị sái mất một cẳng, tôi đành phải bỏ nó ở đó.

Từ đây đi tới Nguỵ Quận còn xa như vậy biết làm sao bây giờ đây?

Thanh Lam nghe thấy chàng ta nói như vậy, bụng bảo dạ rằng:

"Thảo nào hồi nãy mình thấy chàng ta một mình đi ở trong mưa như vậy, thế ra ngựa của chàng đã bị què. Người chàng mảnh khảnh yếu ớt như thế nầy làm sao mà đi được quãng đường núi gồ ghề và xa xôi như vậy?" Nghĩ tới đó, chàng lại nghĩ tiếp:

"Từ đây đi tới Nguỵ Quận, tuy phải đi hơn hai trăm dặm thực, nhưng với khinh công của ta thì chỉ độ nửa ngày là cùng sẽ tới nơi liền. Đằng nào ban ngày ban mặt cũng không làm được trò trống gì, chi bằng biếu con ngựa này cho chàng ta..." Nghĩ tới đó, chàng bỗng buột miệng nói:

- Ngựa của hiền đệ đã què thì hiền đệ cứ việc cưỡi con ngựa của ngu huynh vậy.

Lan nhi kinh ngạc hỏi lại:

- Thế còn huynh trưởng thì sao?

- Không sao, ra khỏi khu núi này tôi đã có người quen ngay, tôi sẽ hỏi họ mượn ngựa đi sau cũng được.

Lan nhi rất cảm động và cũng rất hớn hở, nói tiếp:

- Lam đại ca tử tế quá!

Thanh Lam đứng dậy dắt ngựa ra ngoài căn lều, rồi đưa cương cho Lan nhi nói:

- Hiền đệ lên ngựa đi!

Lan nhi không khách sáo gì hết phi thân lên ngựa ngay.

Thanh Lam bỗng nghĩ đến một vấn đề gì, liền bụng bảo dạ rằng:

"Lan hiền đệ trốn cha mẹ đi như vậy, chắc trong người cũng không đem theo tiền bạc đâu?" Nghĩ đoạn, chàng liền mở bọc áo chia năm mươi lạng vàng cho Lan nhi và nói tiếp:

- Hiền đệ, chúng ta tuy mới quen nhau, nhưng đã coi nhau như bạn thân rồi, vậy hiền đệ hãy cầm lấy số vàng này để tiêu xài, mau bỏ vào túi đi!

Lan nhi không cám ơn gì hết bỏ ngay số vàng đó vào túi.

Thanh Lam khẽ vỗ vào mông ngựa một cái, con ngựa liền phóng chạy như bay ngay.

Lan nhi quay đầu lại nói với:

- Lam đại ca! Tới Nguỵ Quận, đệ đợi chờ đại ca nhé?

Chàng ta chưa nói dứt, người và ngựa đã đi thực xa rồi.

Thanh Lam chờ cho Lan nhi đi rồi mới ngửng đầu lên nhìn, thấy trên trời có cầu vồng xuất hiện trông rất đẹp mắt và chim chóc bay ra kiếm ăn, nom vui vẻ hết sức. Chàng nghĩ tới được kết giao với một người bạn như Lan nhi trong lòng cũng hớn hở vô cùng. Sau đó chàng đứng ngẩn người ra giây lát rồi mới nhớ tới việc của mình, vội lên đường đi luôn.

Chàng một thân một mình đi ở trên núi, liền giở hết tốc lực khinh công ra, đi nhanh như bay vậy không bao lâu mặt trăng đã mọc, chàng một hơi đi được hơn trăm dặm đường, tay mồ hôi nhễ nhại nhưng tinh thần của chàng càng đi càng cảm thấy phấn chấn thêm.

Vì lúc ra đi quên đem lương khô nên tới giờ chàng thấy đói và khát nữa, nhưng đang đi ở trong rừng núi nầy thì lấy đâu thức ăn và nước uống? Tuy bên đường có suối thực đấy, nhưng chàng là một cậu công tử con nhà quan có bao giờ uống nước lạnh đâu? Nên chàng vẫn phải chịu nhịn đói khát mà đi thêm hai ba dặm nữa. Bỗng thấy bên đường trong bụi cây có đèn lửa ló ra, chàng đoán chắc nơi đó thể nào cũng là chùa miếu gì chứ không sai. Nên chàng mừng rỡ hết sức, bụng bảo dạ rằng:

- "Nếu có chùa miếu ở nơi đây, ta chỉ cần cúng cho họ ít tiền vàng nhang là có thức ăn cùng nước uống liền." Nghĩ tới đó, chàng vội rảo cẳng đi về phía có đèn, khi tới nơi, chàng mới biết đó là một ngôi chùa cổ đổ nát xây ở dưới chân núi.

Khi đi tới trước cửa chùa, chàng thấy tấm bảng mục nát vẫn còn bốn chữ như sau:

"Linh âm Cổ sát". Chàng vội tiến lên mấy bước, giơ tay gõ cửa. Không thấy ai trả lời, chàng lại đấm mạnh thêm mấy cái.

Quả nhiên một lát sau đã có người lên tiếng thưa và một hoà thượng tuổi trạc ba mươi ra mở cửa liền. Y đảo ngược đôi ngươi một hồi và ngắm nhìn sau y thấy chàng đeo trường kiếm, mới vội chắp tay chào rồi vừa cười vừa nói:

- A Di Đà Phật! Chắc thí chủ lạc lối nên đêm khuya như thế này vẫn phải đi đường như vậy? Mời thí chủ hãy vào bên trong nghỉ ngơi.

Thanh Lam vội đáp lễ, mặt hơi đỏ bừng và nói tiếp:

- Vâng, tiểu sinh mải đi đường, nên lỡ độ đường mà cũng không hay. Vì vậy mới phải vào đây quấy quả đại sư một đêm!

- Mời thí chủ cứ vào.

Nói xong, y mời chàng vào rồi thuận tay đóng cửa lại. Y dẫn Thanh Lam đi vòng qua đại điện, vượt qua hai lần cửa rồi tới một tĩnh thất, y quay lại nói với Thanh Lam tiếp:

Chắc thí chủ chưa ăn uống gì phải không? Mời thí chủ hãy nghỉ ngơi giây lát để tiểu tăng xuống bếp dọn cơm chay và pha nước ấm lên thí chủ dùng và cũng tiện lên thưa vói sư phụ một tiếng đã.

- Đại sư cứ để tự nhiên cho.

Chờ hoà thượng ấy đi ra rồi, Thanh Lam liền cởi trường kiếm ra treo đầu giường, ngồi một lát bỗng thấy ngoài cửa sổ có bóng người thấp thoáng, hình như có bóng người nhìn trộm vào. Chàng vừa ngửng đầu lên, người đó đã lẩn khuất ngay. Chàng nghĩ thầm:

"Từ khi ta theo thầy đồ luyện tập nội công tới giờ được hơn một năm, tai mắt của ta đã thính nhiều, hoa lá rụng ở cách mấy trượng ta cũng có thể nghe thấy được. Như vậy người nọ dấu sao nổi ta." Nhưng chàng lại nghi ngờ vì quá đói bụng mà mắt hoa nhìn lầm chăng?

Một lát sau, chàng đã nghe thấy tiếng chân ở đằng xa tới gần, hoà thượng đã bưng một dĩa bánh bao nóng hổi và một ấm nước trà nóng để lên trên bàn, rồi vừa cười vừa nói:

- Tiểu chùa ở chỗ khuất nẻo, nên chỉ có mấy chiếc bánh bao này thôi, xin thí chủ hãy dùng tạm.

Nói xong, y rót một chén nước đưa tới trước mặt Thanh Lam và nói tiếp:

- Trời đã muộn rồi, thí chủ đi đường cũng mệt nhọc lắm, xơi bánh bao rồi thí chủ cũng nên đi ngủ sớm thì hơn. Tiểu tăng xin cáo lui đây!

Thanh Lam thấy đêm khuya quấy nhiễu người ta như vậy trong lòng rất áy náy vội cảm tạ.

Hoà thượng chắp tay chào đi ra luôn y còn thuận tay đóng cửa phòng cho chàng.

Lúc ấy bụng đói chịu không nổi Thanh Lam một hơi ăn hết hai chục cái bánh bao ở trong đĩa, rồi chàng cầm chén nước lên uống hai ngụm, thấy đắng lắm, chàng liền nghĩ thầm:

"Ngôi chùa đổ nát, lại ở chỗ vắng vẻ như thế này thì làm gì có trà ngon..." Chàng vừa nghĩ tới đó, đang định uống thêm thì thấy đầu óc choáng váng, chàng vội đặt chén xuống, ngả lưng lên trên giường ngủ luôn.

Một lát sau, hình như có người đang quát tháo ở phía đằng xa, rồi có người gọi mình. Tiếp theo đó, lại có người lại hắt nước lã vào mặt mình. Nhưng chàng ngủ say và cảm thấy chân tay mệt mỏi, hai mắt nặng chình chịch không sao mở ra được. Rôt cuộc chàng lại ngủ tiếp, giấc ngủ đó cũng khá lâu và say sưa lắm, cũng không biết trải qua bao nhiêu lâu, chàng mới thức tỉnh.

Chàng mở mắt ra nhìn, thấy mặt trời đã chiếu qua cửa sổ, mới biết là đã trưa lắm rồi. Chàng cũng không hiểu tại sao mình lại ngủ say như thế vội xuống giường nhưng thấy đầu óc còn nặng chĩu.

Chàng giật mình kinh hãi, nghĩ thầm:

"Từ khi ta học võ tới giờ, chưa bao giờ có hiện tượng như thế này cả, chẳng lẽ tối hôm qua vì đi nhiều đường quá mà mệt mỏi như thế này chăng?" Chàng ngửng đầu lên nhìn thấy cửa phòng cũng mở toang, bụng bảo dạ rằng:

"ủa! Tối hôm qua rõ ràng thấy cửa đóng kín hẳn hoi, sao bây giờ lại mở toang ra như thế?" Chàng không kịp suy nghĩ, vội vàng đeo kiếm vào định lên đường, nhưng chàng nghĩ lại người ta tiếp đãi mình tử tế như thế lúc đi cũng phải dâng cho người ta ít nhiều tiền vàng hương và cám ơn hoà thượng một tiếng mới phải chứ.

Chàng vội ra ngoài đại điện. Ngờ đâu cả đại điện lẫn điện ngang cũng không có một bóng người nào cả. Chàng lại tưởng ngôi nhà đổ nát ở trong núi hoang thì làm gì có nhiều hoà thượng, nên chàng lại đi xuống núi tìm kiếm. Nhưng tìm cả bếp lẫn lều tranh của hoà thượng ngủ cũng không có bóng người nào cả. Chàng thấy trên tường có treo mấy cái mũ, chàng đoán chắc trong chùa này thể nào cũng có ba bốn nhà sư. Nhưng chàng không hiểu trời mới sáng tỏ mà các nhà sư đã đi đâu sớm thế? Và lại đi hết sạch như vậy? Chàng lại nghĩ tiếp:

"Ta cũng chẳng cần biết họ đi đâu hết! Ta có việc cần phải lên đường ngay, chớ chờ họ sao được?" Nghĩ đoạn chàng móc túi lấy một nén vàng nho nhỏ ra để ở trên bàn, rồi đi ra ngoài cửa chùa lên đường ngay.

Chàng đi được vài chục bước, định xuyên qua khu rừng để ra ngoài đường cái, thì bỗng nghe thấy có người, với giọng khàn khàn kêu gọi:

- A Di Phật! Cứu Mệnh Vương Bồ Tát Đại thí chủ người đại lượng phúc lớn, đại nhân không nghĩ đến lỗi của tiểu nhân xin tha thứ cho anh em tiểu tăng!

Thanh Lam nghe nói ngẩn người ra, vội nhảy lui về phía sau ba bước, giơ chưởng lên trước ngực, ngó nhìn bốn xung quanh.

Khu rừng thông đó không rậm rạp lắm. Chàng chỉ ngẩng đầu nhìn đã trông thấy suốt, nhưng không thấy bóng một người nào, chàng ngạc nhiên vô cùng, bụng bảo dạ:

"Lạ thật! Chẳng lẽ ban ngày ban mặt mà lại gặp ma chăng?

Nhưng thôi, ta còn việc bận phải lên đường! Mặc tiếng nói đó là người hay là ma, ta chẳng cần phải đếm xỉa tới!" Nghĩ đoạn, chàng liền rảo bước đi luôn. Ngờ đâu mới bước được mấy bước, lại nghe thấy tiếng nói đó nổi lên, nhưng lần này lại có những hai ba người cùng nói một lúc rằng:

- Đại thí chủ! Nếu thí chủ đi thì không còn người nào giải cứu anh em chúng tôi nữa! Anh em chúng tôi cứ bị treo luôn mấy ngày như thế nầy, không chết mệt cũng chết đói. Xin đại thí chủ mở lòng từ bi, cứu một mạng người hơn là ăn chay ba đời!

Quả nhiên có người kêu la cầu cứu và hình như tiếng đó ở trên không vọng xuống. Chàng vội ngẩng đầu nhìn lên phía trên, liền thấy trên mấy cây thông cổ thụ Ở cách đó mấy trượng có treo ba nhà sư, người nào cũng bị trói chéo tay về phía sau, đang lơ lửng ở trên không. Chúng vừa thấy chàng ngẩng đầu lên liền tỏ vẻ cầu khẩn liền. Chàng liền nghĩ thầm:

"Thảo nào ở trong chùa mình tìm mãi vẫn không thấy một người nào cả, thì ra chúng bị treo cây này. Thế là nghĩa lý gì? Tại sao chúng lại bị treo ở trên cây như thế?" Nghĩ đoạn chàng liền nhảy lên trên cây cởi trói cho chúng, mới hay chúng bị trói bằng những sợi giây da bò ngâm nước, nên dù người giỏi võ đến đâu cũng không sao giằng đứt được. Chàng vội lấy kiếm ra cắt đứt những sợi giây ấy để cởi trói cho chúng.

Ba tên hoà thượng xuống tới mặt đất vội quỳ lạy Thanh Lam rồi nói:

- Anh em tiểu tăng có mắt không biết núi Thái Sơn! Xin cám ơn thí chủ đã cứu giúp cho!

Thanh Lam thắc mắc vô cùng vội hỏi:

- Mời ba vị đại sư đứng dậy! Chẳng hay tại sao ba vị lại bị trói ở trên cây như thế?

Ba hoà thượng liền ngẩn người ra nhìn nhau, rồi người đã tiếp nước chàng tối hôm qua giọng run run hỏi:

- Chả lẽ đại thí chủ không biết một tí gì ư?

Thanh Lam là người rất thông minh, liền nghĩ tới những lời dặn bảo của thầy đồ Thư mọi khi rồi chàng lại hồi tưởng đến chuyện tối hôm qua mà nghĩ tiếp:

"Bóng người lén lút ở ngoài cửa sổ lúc ta mới vào phòng nghỉ ngơi, với chén nước mà hoà thượng đưa cho ta uống, uống xong ta thấy đầu óc choáng váng liền..." Nghĩ tới đó, chàng mới nghi ngờ bọn hoà thượng này không phải là người tử tế, nên chàng sầm nét mặt lại hỏi ba tên hoà thượng ấy rằng:

- Tiểu sinh với các ngươi không có thù oán gì hết thì khi nào tiểu sinh treo các người ở trên cây như vậy? Nhưng việc tối hôm qua như thế nào các ngươi phải nói thật cho ta hay?

Hoà thượng đã tiếp nước chàng vội đáp:

- Sư phụ của anh em tiểu tăng là Hoa Di Lặc, võ công cao siêu lắm. Nửa năm về trước đã được Điền Tiết Độ Sứ mời làm giáo luyện.

Mấy hôm trước đây sư phụ chúng tôi đến ngôi chùa đổ nát này để trụ trì. Vì nơi đây lẩn khuất ít có người chú ý tới và những người đi lại Nguỵ Quận đâu phải vào đâu để nghỉ chân?

Thanh Lam nghe nói kêu "ồ" một tiếng trong lòng mừng thầm, và nghĩ tiếp:

"May mắn thật! Không ngờ mình lại phát giác được sự bí mật này!" Nghĩ đoạn, chàng lại hỏi tiếp:

- Tối hôm đó, bọn người ở Nguỵ Quận ra cùng vào trong chùa này nghỉ chân phải không?

Hoà thượng nọ liền gật đầu đáp:

- Vâng, vâng! Tối hôm nọ tất cả có mười một người trong đó có một thiếu nữ. Nghe nói họ định đi trả thù gì ấy, nhưng lúc trở về chỉ còn có bốn người thôi!

- Bốn người thôi ư?

Thanh Lam nghĩ tới chuyện tối hôm nọ, đối phương chỉ có bốn chết, hai bị bắt thôi như vậy phải có năm người quay trở lại mới phải? à con nhỏ họ Liễu bị mình hất bắn trường kiếm ngã ngồi phịch xuống đất, rồi sau không thấy tung tích nó đâu hết. Chả lẽ nó còn ở Lộ Châu, chưa về chăng?

Nghĩ tới đó, chàng lại hỏi tiếp:

- Thế người đàn bà không quay trở lại ư?

Hoà thượng nọ đáp:

- Không! cho nên Công Tôn đại gia mới bảo Hà đại gia ở lại, để dò la xem tung tích của mấy người nọ ra sao? Tối hôm qua thí chủ đến ở trọ. Hà đại gia trông thấy, bảo thí chủ là đồ đệ của kẻ thù, dặn tiểu tăng bỏ thuốc mê vào trong ấm nước trà.

/96

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status