Phong Vũ Thanh Triều 1

Chương 14: Giang Nam phong vân

/67


Giang Nam. Bình minh.

Sau khi lão Tôn bắn tin khẩn cấp đến địa đạo Tây Hồ, các thành viên bang hội liền tụ tập ở tông đường chờ mệnh lệnh. Lâm Tố Đình, Nữ Thần Y, và Tiểu Tường không đến đó tham dự. Họ ba người ở lại Hắc Viện chăm sóc vết thương của Trương Quốc Khải. Bệnh tình của chàng tuy đã có tiến triển nhưng công phu vẫn chưa khôi phục hẳn.

Tiện thể cũng xin giới thiệu đôi chút về khu căn cứ bí mật thứ hai của bang phái Đại Minh Triều. Hắc Viện là địa bàn thứ nhất, đã được nhắc qua. Còn trung tâm hoạt động thứ ba chính là đồn Bạch Nhật, sau này mới nói đến.

Địa đạo Tây Hồ là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất. Hệ thống này đã được các thành viên bang phái phản Thanh phục Minh đào, bắt đầu vào cuối thời điểm trị vì của Hoàng Thái Cực, vị hoàng đế thứ hai thuộc triều đình nhà Thanh.

Địa đạo Tây Hồ là nơi trú ẩn của các vị đương gia và nhóm thành viên bang hội Đại Minh Triều tại Giang Nam. Địa đạo còn là chỗ cất giấu tài liệu mật thám, là trạm cứu thương, là nơi hội họp, và là kho chất chứa binh khí.

Địa đạo được đào bên cạnh Tây Hồ bởi vì khu vực đó thuộc khu đất thép, tức loại đất sét hòa với đá ong nên có độ bền rất cao. Hệ thống của địa đạo bao gồm thư phòng, tông đường, bệnh xá, nhà bếp, kho chứa thuốc, và kho lương thực... Địa đạo không chỉ đơn giản là cơ quan hoạt động chính trị mà còn trở thành chốn sinh sống của rất nhiều thành viên bang phái Đại Minh Triều.

Về quy mô, hệ thống địa đạo Tây Hồ có tổng chiều dài toàn tuyến trên hai trăm dặm, với ba tầng sâu khác nhau. Tầng trên cách mặt đất tám thước. Tầng giữa cách mặt đất mười sáu thước. Còn tầng dưới cùng thì cách mặt đất tới những hai mươi bốn thước. Địa đạo Tây Hồ nằm sâu trong lòng đất nên có cài lỗ thông hơi ở các lùm cây.

Địa đạo Tây Hồ đã được Sư Thái, Mã Lương, và thành viên bang hội xây dựng sau khi học đường Hắc Viện hình thành. Họ bắt tay đào xới hệ thống liên hoàn vào những năm cuối cùng của Hoàng Thái Cực, mãi cho đến cuối đời của hoàng đế Thuận Trị thì địa đạo mới chính thức hoàn tất. Căn cứ bí mật này đã được các vị đương gia sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống triều đình nhà Thanh.

Trở lại câu chuyện. Cửu Dương men theo đường hầm bí mật, từ Hắc Viện đi đến tông đường của địa đạo Tây Hồ. Các hậu thủ đang ngồi đăm chiêu, thấy Giang Nam thất hiệp bước vào thì vội đứng lên vòng tay, cúi đầu cung kính:

- Tham kiến thất đương gia.

Cửu Dương vẫy tay mời họ ngồi, rồi chàng nhẹ nhàng an tọa lên chiếc ghế gỗ nâu. Chàng chưa nói câu nào thì lão Tôn chạy vô thưa:

- Đại đương gia đến.

Nghe danh tánh Thiết Đầu Lôi, các thành viên bang hội lẫn Cửu Dương đồng loạt đứng dậy, nét mặt rất đỗi vui mừng. Nhoáng một cái, Giang Nam đại hiệp xuất hiện trong chiếc áo tơi đẫm nước. Chiếc áo được bện bằng lá cọ khô.

- A di đà phật - Hòa thượng Khẩu Tâm bước chân qua cửa, chắp tay chào.

- Tham kiến đại đương gia – Tất cả đồng thanh.

Thấy mọi người nghênh đón long trọng, Khẩu Tâm điềm đạm bảo:

- Thiện tai, thiện tai. Bần tăng là kẻ tu hành, khẩn xin các vị đừng đa lễ.

Sau khi thốt câu khiêm tốn, Khẩu Tâm cởi áo tơi, giũ nước, rồi để tựa vào cánh cửa. Ở trong địa hầm lúc bấy giờ không gian tịch mịch. Chiếc lò sưởi nơi góc phòng tỏa hơi nóng. Đống than hồng đỏ ói, chói lòa. Bên ngoài trời đổ mưa to.

- Mời đại đương gia an tọa - Lão Tôn trân trọng dang tay.

Khẩu Tâm liền đến ngồi lên chiếc ghế mun đen, cách Cửu Dương một khoảng. Chiếc ghế gỗ mun được đặt phía dưới bậc tam cấp. Bậc thang bắt lên bục gỗ, trên đó có chiếc ghế lớn, vốn là vị trí của thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân. Ở đằng sau bục gỗ là linh đường, nơi thờ bài vị của tứ đương gia, ngũ đương gia, và lục đương gia. Ba vị đương gia quá cố từng là ba thành viên đắc lực trong nhóm Giang Nam hiệp sĩ nhưng đã không may thất thủ và hy sinh ở Tây Sơn. Kế bàn thờ bài vị của ba người họ là tấm địa đồ non nước.

Khẩu Tâm an tọa chưa được bao lâu thì quay sang bảo Cửu Dương:

- Thất đệ, huynh bắt được tin nên đến giúp một tay.

Cửu Dương gật đầu cảm khái:

- Có huynh ở đây rất tốt, thêm một người thêm sức lực.

Gia Cát tái lai định nói câu tiếp theo thì lão Tôn chen lời. Ông lão đang ngồi hướng bên phải Cửu Dương.

- Không biết đại đương gia có tin tức gì của thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân? – Lão Tôn nói nhanh.

Hỏi xong, lão Tôn hồi hộp dán mắt vào mặt Khẩu Tâm. Vị hòa thượng chưa trả lời thì người trung niên ngồi cạnh lão Tôn lên tiếng:

- Đến bây giờ mà thiếu đà chủ vẫn chưa quay về địa đạo Tây Hồ hội ngộ chúng ta, tôi e vết thương của Sư Thái trở nặng. Chẳng lẽ bà lâm cảnh nguy nan?

Người thanh niên khác vọt miệng:

- Sau biến cố Tây Sơn, chúng tôi chỉ nhận một bức thư bồ câu duy nhất gởi từ đồn Bạch Nhật. Trong thư báo tin Sư Thái bế môn, thế thôi.

- Đúng rồi! – Nhiều thành viên bang hội nhao nhao - Sau lá thư đó thì tổng đà chủ lẫn thiếu đà chủ hai người họ đều bặt vô âm tín.

Khẩu Tâm đọc được sự bận tâm trong mắt mọi người nên nói:

- Các vị đừng quá lo lắng. Thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân đang liều thương cho Sư Thái ở đồn Bạch Nhật. Hai người họ không sao.

Và Khẩu Tâm hỏi lại:

- Còn tam đương gia Trương Quốc Khải thế nào?

- Tánh mạng của tam đương gia bình an vô sự – Lão Tôn mau mắn đáp – Nữ Thần Y đã tìm ra cách triệt chất độc Kinh Phủ.

- Tạ trời phật!

Khẩu Tâm chắp tay khấu đầu một cái. Khi chàng ngước lên thì thấy lão Tôn cụp đôi mắt. Ông ấy buồn bã nói thêm:

- Nhưng người đồ đệ của Nữ Thần Y thì không được may phước. Nó cùng hàng tá thường dân bá tánh bị bọn cẩu Thanh bắt giam.

- A di đà phật – Khẩu Tâm âm thầm khấn niệm trước khi cau mày hỏi lão Tôn - Sao lại như vậy?

Nhân lúc lão Tôn tường thuật câu chuyện xui rủi thì Cửu Dương rời khỏi ghế, đi đến nơi treo tấm bản đồ khổng lồ. Chàng đứng khoanh tay xem xét đường lộ và nghiên cứu tỏ tường các ngõ hẻm.

(Tiếp theo)

Khẩu Tâm ngồi nghe, chốc chốc lại thở dài, tới khúc bọn quân binh muốn giam cầm luôn cả Cửu Dương và Nữ Thần Y thì lắc đầu nói:

- Chúng ta nhất định không thể để binh lính triều đình lộng hành như vậy được.

Các thành viên bang hội rất căm hờn vụ binh sĩ tống giam dân lành. Thành ra, Khẩu Tâm vừa bộc lộ cảm nghĩ xong thì có vô số người đập bàn cáo trạng:

- Hồi tháng trước, sông Trường Giang lụt lội, triều đình không xuất kho đắp đê thì thôi, còn nhẫn tâm tăng thuế. Lại nữa, đám binh lính láo toét cứ ngang nhiên ra mặt hiếp đáp dân lành hoài. Bọn chúng chẳng những ăn uống không trả tiền mà còn đánh đập tiểu nhị và giam giữ dân chúng chỉ vì mấy câu nói có hàm ý chỉ trích triều đình Mãn Châu.

- Chưa hết đâu! – Vị thanh niên nọ hét toáng - Hôm qua còn có thêm mấy mươi người bị giam giữ, cũng chỉ vì nói trật vài lời.

- Bọn chúng thật là quá đáng! – Người trung niên kia thu nắm đấm - Chúng ta phải ra mặt làm phản thôi!

Lập tức, có tới vài chục người chém tay vào không khí:

- Nói hay lắm! Chúng ta phải giết sạch đám chó Thanh! Đuổi bọn tẩu cẩu Mãn Châu ra khỏi đất đai trung nguyên!

Ở đằng kia, nơi treo tấm bản đồ, Cửu Dương không tán thành mưu lược chọi thẳng cánh triều đình nhà Thanh. Quân địch đang đông, sức lại mạnh. Còn phe ta thì quá yếu ớt. Quân vô thế cơ. Nếu mà choảng nhau thì chỉ có nước địch chết ba, ta chết ráo. Cửu Dương khẽ lắc đầu. Chàng đứng im chờ mọi người hò hét cho đã, đợi cơn giận dữ trút qua. Sau hồi to tiếng, bọn họ dịu lại.

Tới lúc này, Cửu Dương mới lên tiếng giãi bày:

- Các huynh đệ đừng quá nóng nảy, hãy nhớ rằng ở nhà chúng ta còn có thê tử với lại hài nhi.

Hầu hết tất cả thành viên bang hội lặng thinh nghe Cửu Dương phân tích. Trong lòng họ đột nhiên cảm giác bùi ngùi, nỗi thương nhớ vợ con bủa vây tâm não. Họ kháo nhau:

- Gia Cát tái lai nói rất chí lý. Tội phản nghịch bất đạo, thiên tử khai đao. Ít nhất là bị tru di tam tộc.

Nhưng cũng không ít thành viên bang hội băn khoăn nói:

- Chả lẽ chúng ta vì tham sống sợ chết để rồi bó tay ngồi xem bọn cẩu Thanh đánh đập hoặc giam cầm dân chúng vô tội?

- Đương nhiên là không! - Khẩu Tâm bất thình lình lên tiếng bênh vực Cửu Dương – Chúng ta nhất định đánh đuổi bọn Mãn Thanh, kế hoạch này chỉ trong sớm muộn mà thôi, các vị cứ việc an lòng.

- Đúng vậy! - Lão Tôn nói - Chúng ta nên liệu việc cấp bách trước, cứu người là quan trọng trên hết, còn công vụ khởi nghĩa thì hãy tính sau.

Rồi lão Tôn và Khẩu Tâm không hẹn mà cùng đứng lên tiến đến sau lưng Cửu Dương. Khẩu Tâm hỏi Gia Cát tái lai trong khi các thành viên bang hội xúm tụm lại nghe ngóng:

- Bây giờ chuyện đầu tiên mà chúng ta phải chú tâm là tìm cách giải cứu đám phạm nhân từ trong ngục thất. Không biết đệ có chủ trương gì chưa? Có thể nào nói ra để mọi người cùng tham khảo?

Cửu Dương không đáp lời Khẩu Tâm mà hỏi trổng:

- Có bao nhiêu người đang bị giam cầm?

Lão Tôn thở dài bảo:

- Theo dự định thì trên dưới có đến gần năm mươi người đang bóc lịch trong nhà lao.

Cửu Dương vừa lắng tai nghe lão Tôn bẩm báo vừa cau mày tính toán kế sách. Chàng tự hỏi phải làm sao đây? Nơi ngục thất cửa ngõ chằng chịt. Mỗi ngõ đều được binh sĩ cai quản nghiêm ngặt đến độ con ruồi cũng khó bay lọt huống hồ con người muốn đào tẩu. Chẳng những thế, địa hình nhà tù còn được xây cất vòng vo phức tạp, cạm bẫy trùng trùng điệp điệp. Sa chân vào đó như sa vào trận kỳ môn bát quái. Nếu không quen thuộc đường đi ngõ rẽ sẽ khó trở ra ngoài. Thôi thì tìm cách khác vậy. Cửu Dương xòe cây “nam châm quạt” phe phẩy, nói:

- Để tránh làm động đám quân binh, chúng ta nên theo ngõ hậu vào giải cứu khâm phạm rồi rút lui một cách êm ái.

Mưu cơ của Cửu Dương mù mờ như khói bếp khiến nhiều thành viên bang hội trơ mắt:

- Ý của thất đương gia là?

Lão Tôn bạo dạn đoán mò:

- Chắc thất đương gia có ý định an bài cướp ngục?

- Đúng phân nửa! – Khẩu Tâm bật ngón cái lên khen ông lão.

Khẩu Tâm quả là nhanh trí, chỉ cần nghe loáng thoáng đã biết Cửu Dương muốn làm thế nào để giải phóng phạm nhân. Vị hòa thượng tự nguyện thay thế Cửu Dương giải thích với mọi người:

- Không chỉ đơn giản là cướp ngục, mà cướp ngục bằng cách đào đường hầm bí mật thông tới nơi giam giữ tù binh.

- Đúng vậy! – Cửu Dương gật đầu nói - Lúc nãy, tôi đã quan sát kỹ càng bức sơn đồ. Nếu tôi tính không sai thì tọa độ của đại lao nằm dưới chân ngọn đồi Hoang Liêu, cạnh con sông. Nên sau khi cứu người xong thì chúng ta có hai kế hoạch. Thứ nhất là rút lùi theo đường núi tới Phong Đô. Thứ hai là chèo ghe lênh đênh trên mặt nước xuôi dòng Thanh Lộ, một chi nhánh nhỏ của sông Dương Tử để rời khỏi Giang Nam. Nếu các vị đồng ý kế hoạch này thì chúng ta nên bắt tay ngay. Nội trong năm ngày, từ trên đèo Hoang Liêu, chúng ta sẽ đào đường hầm xuyên sỏi đá tới tận nơi cai ngục.

Mọi người định vỗ tay hoan hô sách lược thì bị Cửu Dương gạt phắt:

- Nhưng tôi báo trước, kế hoạch này nói ngoài miệng dễ dàng nhưng làm thì rất khó. Lý do thứ nhất, nhỡ chúng ta đoán lệch hướng để rồi đào sái chỗ, chạm trúng mé sông thì nước sẽ tràn vào. Thứ hai, chúng ta không có tấm bản đồ lao tù trong tay nên tôi e khó mà biết được chỗ giam người vô tội, chỗ nhốt những kẻ cướp của hoặc kẻ sát nhân. Tôi không muốn chúng ta vì cứu người thân mà phóng thích nhầm những tên đầu lâu đáng bị xử án tử hình.

Khẩu Tâm, lão Tôn, cùng các thành viên bang hội hào hứng không được bao lăm thì bị Cửu Dương nói cho tới dè dặt. Cửu Dương dẫn dắt họ đi một vòng thật lớn nhưng cuối cùng lại trở về điểm xuất phát. Họ nhìn nhau như muốn hỏi:

- Vậy thì chúng ta nên làm thế nào đây? Chả lẽ chúng ta phải vì đại nghĩa mà diệt thân, bỏ mặc năm mươi mạng người không lo tới?

Cửu Dương biết các thành viên bang hội đang nghĩ những gì. Chàng tặc lưỡi định trưng bày ý kiến mới thì bỗng nhiên một thành viên lên tiếng:

- Thất đương gia có trí lực tốt như vậy thì chắc chắn đã nghĩ được thượng sách để đánh cắp tấm bản đồ lao ngục. Tại hạ nói đúng không thất đương gia?

Cửu Dương xếp cây quạt lại, vòng tay cúi đầu, nói:

- Đa tạ huynh đài khen ngợi!

Sau khi khéo léo đáp lời ca tụng, Cửu Dương nhìn Khẩu Tâm, bảo:

- Đệ quả là có… hạ sách để đánh cắp tấm địa đồ lao ngục, nhưng đệ muốn trở về Hắc Viện thương lượng với Tiểu Tường.

Nãy giờ Khẩu Tâm lo ngay ngáy cho tánh mạng của Hiểu Lạc và đám dân lành, nay nghe có kế sách đánh thó tấm địa đồ thì mừng rỡ vỗ vai Cửu Dương.

________________________________________

Hắc Viện. Giờ Ngọ.

Ở bên dưới từ đường của Hắc Viện, bữa cơm trưa thân mật được bày ra. Hồi nãy, Thiết Lâm với Tân Quý có tới hỏi thăm sức khỏe của tam đương gia. Họ gần như nhảy cẫng khi trông thấy da dẻ của Trương Quốc Khải hồng hào, thần sắc vô cùng sáng sủa và… tối cũng sủa. Cả hai vị tú tài huyên thuyên với Trương Quốc Khải vài câu rồi bá vai bỏ đi làm thơ vẩn vơ trong vườn.

Hiện tại có năm người quây quần bên mâm cơm. Nói năm người là nói về vị trí địa lý, nói cho xôm chứ ăn thì chỉ một mà thôi. Bốn người kia chẳng ai rớ chén đũa. Có thể họ không đói hoặc đã no rồi. Nhưng cũng có lẽ là tại vì trong lúc này có một người đang say sưa nói, còn ba người kia chăm chú lắng nghe.

Hai trong ba người đang ngồi chống cằm chăm chú lắng nghe là Lâm Tố Đình và Tiểu Tường. Nữ Thần Y bận múc từng muỗng canh đút Trương Quốc Khải. Còn Cửu Dương thì say sưa trình bày kế hoạch cướp ngục cứu tù binh.

Cửu Dương vừa quảng cáo sơ sơ cái đoạn dùng đường hầm cứu đám tù nhân và Hiểu Lạc thì bị Tiểu Tường gián đoạn. Tiểu Tường vỗ tay bôm bốp:

- Ý kiến hay tuyệt!

Lâm Tố Đình cũng phấn khởi không kém. Nàng chà hai lòng bàn tay vào nhau, bảo:

- Người xưa có câu “dụng binh phải thần tốc,” cho nên huynh hãy mau lựa ngày giờ cầm cờ thượng lộ, trận chiến này muội sẽ theo giúp một tay, cứu Hiểu Lạc về đây.

Gõ mõ xong, Lâm Tố Đình chợt nhớ chi tiết quan trọng:

- Ủa mà các huynh định chừng nào bắt đầu xuất phát?

Cửu Dương lắc đầu đáp nhanh:

- Còn chưa đào được đường hầm thì đâu thể nào hành động.

- Sao thế? – Lâm Tố Đình há hốc miệng.

Riêng Tiểu Tường thì nóng gáy nên xực lại:

- Các huynh chỉ có việc lấy mấy cái thuổng đào đào bới bới thôi, có khó khăn gì mà không chịu hành động?

- Không hẳn đơn giản như muội nghĩ đâu? - Cửu Dương so vai giãi bày – Chúng tôi không nắm bản đồ địa ngục trong tay thì làm sao mà biết phải đào hướng nào cho trúng? Nhỡ đụng mép sông là tiêu tùng.

Lâm Tố Đình nhướng mắt:

- Chắc huynh nói quá.

Tiểu Tường trề môi:

- Đào lộn đào lại mấy hồi!

Điệu bộ khinh dể của Lâm Tố Đình và Tiểu Tường khiến Cửu Dương tức sôi nhưng không nói gì. Chàng chỉ ngồi gãi cằm suy nghĩ. Chàng rất muốn lên tiếng nhờ Tiểu Tường đánh cắp tấm bản đồ địa lao. Ngặt cái là thâm tâm chàng mâu thuẫn. Chàng không định làm Phạm Lãi, càng không định khuyên Tây Thi đi hầu tri huyện lão gia, dùng tình một đêm đổi chác năm mươi mạng người.

Cửu Dương suy tới nghĩ lui, rốt cuộc đành quyết chí một mình một ngựa tự giải quyết vấn đề. Chàng quyết tâm tìm cách khác, vẹn toàn hơn, và chủ yếu là không cần phải hy sinh người nữ nhân bên cạnh.

Tự kỷ thỏa thuê, Gia Cát tái lai quay sang nhìn Trương Quốc Khải. Trong lòng Cửu Dương ước ao trời phật cải tạo số mệnh, hóa chàng thành tam đương gia. Tuy rằng Trương Quốc Khải thọ thương ở Tây Sơn, bị Khang Hi thụi một dao suýt chết. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Bởi đích thực là mỗi ngày Trương Quốc Khải đều được Nữ Thần Y săn sóc. Chỉ cần có người con gái dịu dàng khả ái đó ở bên cạnh thì, đối với Cửu Dương, đánh gãy cặp giò cũng chẳng lo.

Đang dệt mộng tào lao, Cửu Dương giật mình khi nghe Nữ Thần Y bảo:

- Sao huynh không nghĩ cách gì đó để đánh thó tấm bản đồ đại lao?

- Đã nghĩ ra cách từ sớm rồi – Cửu Dương ậm à ậm ừ– Nhưng mà cách đó… không tốt cho lắm.

- Cách đó là cách gì? – Tiểu Tường tò mò.

Cửu Dương nhìn Tiểu Tường, ngập ngừng hỏi lại:

- Muội thật muốn biết cách đó là cách gì hả?

- Lẽ đương nhiên – Tiểu Tường tung hai tay lên không trung.

Cửu Dương ngồi yên trầm tư mặc tưởng, chưa dám nói. Lâm Tố Đình thấy sư huynh lửng lơ con cá vàng, anh chàng ăn nói lâu lắc thì bắt đầu bực mình. Nàng nghĩ rằng chàng hống hách, chẳng muốn tiết lộ mưu sách cho nàng nghe nên thét be be:

- Cách đó là cách gì? Huynh cứ nói mau đi, không thôi chờ đến trời tối thì cái mông muội mọc rễ mất rồi!

Bị Lâm Tố Đình la hét ầm ầm bên tai, Cửu Dương thốt không trọn lời:

- Cách đó là… là… - Chàng cà lăm.

Nghe sư đệ là là ủi ủi… quần đùi, Trương Quốc Khải thúc hối:

- Chắc đệ muốn cho người trà trộn vào phủ tri huyện đánh cắp tấm bản đồ? Nhưng đệ muốn triệu ai đi? Đại ca Khẩu Tâm, lão Tôn, hay là đệ cứ để huynh đi thử một phen?

Trước lời lẽ như đống giẻ nhùi của tam sư huynh, Cửu Dương xúc động khụt khịt mũi. Trương Quốc Khải bệnh tình chưa khỏi mà hăng hái đòi vào hang cọp.

- Không dễ dầu gì - Cửu Dương lắc đầu - Trong mấy ngày qua, hôm nào đệ cũng lén đến trước cổng tri phủ xem xét, thấy rất khó ra tay. Cho dù là ban ngày hay ban đêm cũng vậy. Bọn binh lính trực chỉ canh gác, chẳng một phút hớ hênh.

- Vậy phải làm sao? – Trương Quốc Khải hỏi, gương mặt rầu rĩ đến tội.

Cửu Dương vì bất đắc dĩ mà buộc lòng thổ lộ chiến thuật mỹ nhân kế. Chàng hạ thấp giọng, ngụ ý lòng vòng:

- Theo đệ nghĩ thì... chỉ có tiên nữ mới bay lọt vào phủ tri huyện mà thôi.

Nữ Thần Y nghe lướt qua là biết Cửu Dương muốn ngầm chỉ điều gì:

- Còn mỹ nữ thì sao? – Nữ Thần Y nói, cố tình dùng chữ mỹ, tránh chữ kỹ.

Tiểu Tường đang ngồi bặm môi khóa mỏ, chợt nghe Nữ Thần Y và Cửu Dương quanh co thì trí óc lóe sáng. Tiểu Tường búng tay cái chóc:

- Phải ha! Có thế mà nãy giờ muội nghĩ không ra. Giang Nam tri huyện lão gia mê gái đẹp, đêm nào cũng có vài kỹ nữ ở Thái Hồng Lâu đến hầu.

Và Tiểu Tường véo tình nhân một cái ngay đùi non:

- Huynh có mưu kế thì nói toẹt cho rồi, còn bày đặt vòng vo tam quốc.

Cửu Dương nhăn nhó giơ tay thoa vết cấu. Tiểu Tường lại véo chàng thêm cái nữa, nhưng lần này nàng nhéo ngay chỗ… xích lên trên đùi một tí xíu, thiếu chút là trúng chỗ hiểm. Nữ Thần Y ngỡ sắp có trận ẩu đả liền len tay vô… chính giữa giải hòa:

- Giờ này mà hai người còn có tâm tình… nhéo lộn?

- Nhéo trúng chứ nhéo lộn thì nhéo làm chi? - Lâm Tố Đình xỏ ngọt.

Bị tri kỉ đá giò lái, Nữ Thần Y cười hiền. Rồi vị Hoa Đà tái thế liếc Tiểu Tường dụ khị:

- Cô mà giúp Thiên Văn chuyến này thì dù làm trâu làm ngựa huynh ấy cũng chịu.

- Được thôi! - Tiểu Tường đập tay lên ngực.

Và nàng hứa chắc với Cửu Dương:

- Huynh cứ để muội đi lo. Đêm nay muội biết có Hồng Nhi, Cúc Nhi, và Lan Nhi theo Uyên ma ma đến đó. Muội sẽ nhờ họ đánh thó tấm bản đồ.

Cửu Dương gật đầu cảm tạ, lòng dạ vui sướng vô bờ. Không ngờ mưu mô của chàng gọn gàng trót lọt. Tiểu Tường khỏi phải đi hầu tri huyện lão gia.

Cửu Dương định mở lời cám ơn thì Tiểu Tường nũng nịu nói:

- Sau khi muội giúp huynh hoàn thành đại sự thì huynh sẽ đền đáp muội như thế nào?

Lâm Tố Đình nghe Tiểu Tường đòi hỏi thù lao liền trừng mắt:

- Thì như Nữ Thần Y nói hồi nãy. Huynh ấy sẽ làm ngựa cho cô cưỡi. Lúc đó cô tha hồ phi nước đại. Sướng quá rồi còn muốn cái gì nữa đây hả cô hai?

Lâm Tố Đình chưa nói dứt câu “cúng cùi,” Trương Quốc Khải đã bật cười ha hả. Ngồi bên cạnh Trương Quốc Khải, Nữ Thần Y thẹn thò tới nỗi đánh rơi chén canh xuống sàn. Câu nói của nàng quá là trong sạch mà bị Lâm Tố Đình khuấy đến đục ngầu, rồi còn bẻ cong queo ý nghĩa thẳng thót của người ta. Đúng là bó tay, bó chân, bó toàn thân luôn. Lâm Tố Đình nham nhở hết sức tưởng tượng.

Bây giờ bàn tới đương sự. Cửu Dương nhắm mắt định thần, âm thầm vận mười hai thành công lực cố xua đuổi hình ảnh ngựa người người ngựa mà Lâm Tố Đình mới vừa vẽ vời trong trí của chàng. Khổ cái là đuổi hoài cũng đuổi không xong, chàng đành nhăn mặt như Tôn Ngộ Không ăn ớt.

Thấy tâm trạng Cửu Dương rộn ràng, Tiểu Tường quơ chiếc đũa đang nằm lăn lóc trên bàn, dùng nó làm cây thước khẽ tay Lâm Tố Đình:

- Cô là chuyên gia nói bậy không hà!

Tiểu Tường ngoài miệng mắng mỏ nhưng sâu hoắm nơi đáy lòng có khoái làm kỵ mã không ta?


/67

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status