Phế Đô

Chương 58 - Chương 58

/67


Ngưu Nguyệt Thanh thấy chồng đi ra khỏi nhà ăn trước khi lễ cưới bắt đầu, mãi không thấy trở lại, thì trong lòng nghi nghi. Bởi vì tất cả bạn bè của anh đều dự lễ cưới, có phải anh ngấm ngầm đi gặp Đường Uyển Nhi? Nhưng chị không thể đi được.

Khi chủ tịch thành phố và phu nhân hỏi chị, Trang Chi Điệp đi đâu, thì chị đưa đẩy nói, có người gọi anh ấy đi, chắc là có việc gấp. Bà vợ ông chủ tịch yêu cầu chị ăn tiệc xong thế nào cũng phải đi xem buồng cưới, phải chờ cô dâu chú rể động phòng xong mới được về. Mười một giờ đêm, Ngưu Nguyệt Thanh mới về đến nhà. Chị thấy ngay có người đã vào phòng ngủ, đâm ra chột dạ liền kiểm tra cẩn thận giường chiếu và thế là phát hiện một sợi tóc dài, ba sợi lông ngắn và xoăn, hơn nữa bức hình treo trên tường bị lật úp lại. Không giữ nổi tức giận, chị túm ngay cái gối quăng đi, lột luôn chiếc chăn trải giường vứt đi, lật cả nệm ném đi. Chị gào lên, giật cửa phòng sách, rũ tung tất cả trong phòng, quăng sách vở bản thảo, điêu khắc, đá gốm lọ gốm vào một đống rồi giẫm chân lên đập nát, sau đó ngồi tại chỗ chờ Trang Chi Điệp về.

Ngưu Nguyệt Thanh chờ suốt đêm không thấy Trang Chi Điệp về. Hôm sau lại một ngày nữa Trang Chi Điệp vẫn không trở về. Ngưu Nguyệt Thanh đã nhụt chí, không đập phá đồ đạc nữa. Chị đang thu thập quần áo thay giặt của mình cho vào trong một cái va li da to đùng, thì có tiếng gõ cửa. Chị đi ra mở then cửa, sogn không đẩy cánh cửa, quay người đi vào buồng tắm, dùng kem rửa mặt xoa lên mặt. Chị phát hiện trong gương mặt mình có nếp nhăn mới, to tiếng sụt sịt và bắt đầu xoa bóp trên mặt theo cách làm của Vương phi nước Anh Diana.

Chị nói:

– Anh về đấy hả? Trong tủ lạnh có tinh long nhãn, anh pha một cốc mà uống tẩm bổ lấy lại nguyên khí. Từ nay về sau làm xong chuyện ấy, anh phải quét sạch lông mới phải.

Bạn đang đọc truyện tại

Nhưng một tiếng oà khóc đã trả lời chị. Thấy tiếng khóc khác lạ, Ngưu Nguyệt Thanh quay đầu lại, thì quỳ sụp trong phòng không phải Trang Chi Điệp mà là anh Hoàng giám đốc. Ngưu Nguyệt Thanh đi ra, không dìu anh Hoàng dậy, lạnh lùng hỏi:

– Anh làm sao vậy, buôn bán sập tiệm hả?

Giám đốc Hoàng đáp:

– Tôi tìm anh Điệp.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Anh tìm anh ấy thì cứ đi mà tìm, quỳ khóc ở đây làm gì?

Giám đốc Hoàng đáp:

– Bà vợ tôi lại uống thuốc sâu rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh ngồi xuống, nhưng đã cầm gương soi lông mày, hỏi:

– Lại uống thuốc sâu ư? Vậy thì chị ấy đói bụng mà uống à?

Giám đốc Hoàng nói:

– Tôi bảo, là uống thuốc sâu ấy mà!

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

– Loại thuốc sâu ấy của anh, chị ấy chả uống rồi là gì?

Giám đốc Hoàng đứng lên nói:

– Lần này thì cô ấy uống chết thật rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh giật mình, cái gương soi rơi khỏi tay nứt vỡ, chị hỏi:

– Chết rồi sao?

Giám đốc Hoàng nói:

– Tôi chỉ bảo uống “102” này uống vào không việc gì. Cô muốn uống thì cứ uống, rồi kéo cửa ra đi. Buổi trưa về, mở vung nồi ra không thấy cơm, tôi sốt tiết mắng cho một trận. Cô ngày càng quá quắt, đến cơm cũng không nấu hả? Nhìn vào giường lò, thì một chân cô ấy vểnh lên, tôi đẩy chân một cái, cả người cô ấy lật đi. Cô ấy đã chết cứng rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong, im lặng một lúc lâu, nghe giám đốc Hoàng còn đang càu nhàu tại chỗ, anh ta bảo chẳng hiểu ra sao cả, cái lô thuốc sâu này, thì mình muốn nó có độc, thì nó không độc, khi không để nó có độc, thì nó lại làm chết người thật. Ngưu Nguyệt Thanh liền cười nói:

– Giám đốc Hoàng ạ, chết cũng được, anh có tiền như vậy, muốn làm gì mà chẳng được, chỉ có thiếu một cô vợ đầm! Chị ấy chết là do số phận chị ấy không hợp với anh, chị ấy chết chẳng phải đã dọn đường cho anh, anh còn buồn không tìm được một cô mười tám hai mươi tuổi hay sao?

giám đốc Hoàng nói:

– Trước khi uống thuốc cô ấy cũng nói thế, nhưng ly hôn thì cứ ly hôn, tôi đã đồng ý cho cô ấy mười vạn đồng, mà cô ấy lại muốn chết. Tôi biết cô ấy không muốn chết đâu, cô ấy doạ tôi ấy mà, nhưng ai ngờ loại thuốc này có độc. Cô ấy chết như vậy, anh em nhà mẹ đẻ cô ấy liền nhờ người khác viết đơn kiện, gửi lên toà án, gửi cho uỷ ban nhân dân thành phố, nghe đâu còn gửi cho ông chủ tịch thành phố, toàn là cáo buộc “101” của tôi là thuốc sâu giả, “102” cũng là thuốc sâu giả.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Ồ, anh đến nhờ Trang Chi Điệp lại viết cho anh một bài tuyên truyền sản phẩm, hoặc sang chỗ lãnh đạo thành phố để gỡ tội cho anh phải không?

Giám đốc Hoàng nói:

– Đúng vậy, bây giờ tôi đến tìm Trang Chi Điệp nhờ anh ấy mở cho tôi lối đi, không biết anh có cứu tôi không?

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Vậy thì anh ra cổng mà chờ Trang Chi Điệp của anh, tôi còn phải đi đây, tôi phải đóng khóa cửa lại.

Giám đốc Hoàng ngượng ngùng nói:

– Ấy! Ấy!

Ngưu Nguyệt Thanh đập cái gương xuống đất chát một cái, vỡ tan tành, chị mắng:

– Anh cút đi cho tôi nhờ! Bọn đàn ông thối tha các anh còn cái thứ gì nữa, ngoài mấy cái đồng tiền, anh bức vợ anh chết, còn không mau mau đi lo liệu mai táng cho chị ấy, lại đến đây khóc tìm lối thoát, anh lại còn mặt mũi nào nói với tôi hả? Anh còn dẫn ai đến nữa hả, có phải anh cũng dẫn cả con vợ hoang không biết xấu hổ kia đến hả? Có phải nó đang đợi anh ở gác dưới không hả? Anh dắt nó lên đây cho tôi xem nào, kẻ làm hại đàn bà lại là những con đàn bà gì nào? Anh đã nghĩ chưa? Tối nay anh hại người này, thì ngày mai nó đến lại anh đấy! Anh cút đi! Anh cút đi!

Giám đốc Hoàng bị chị đẩy ra ngoài, cửa đóng sầm một cái.

Cửa đóng lại rồi, Ngưu Nguyệt Thanh nhìn những vết bẩn của đôi giày vấy bùn đi trên nền thảm, chị cảm thấy buồn nôn, liền cầm chổi lau nhà lau sạch, chị lau hết lần này đến lần khác, rồi ngồi xuống mép giường thở hổn hển.

Buổi chiều hôm ấy, Trang Chi Điệp vẫn không về nhà. Ngưu Nguyệt Thanh đã viết một bức thư dài dằng dặc, chị kể lại cuộc sống hoà thuận suốt mười mấy năm vợ chồng mới cưới nhau. Chị nói ngày ấy anh quê mùa như thế nào, nghèo rớt mồng tơi ra sao. Chị đã lấy anh, đã hoàn toàn hy sinh bản thân cho anh, động viên an ủi anh, chăm sóc anh, để anh phấn đấu từng bước đến ngày hôm nay.

Ngày nay anh đã thành công, đã có tiếng tăm, có cả danh cả lợi, đương nhiên chị không tương xứng là phu nhân của anh, bởi vì chị vốn không xinh đẹp, huống hồ bây giờ đã già đi, càng bởi vì trong mười mấy năm, chị hoàn toàn hy sinh vì anh nên đã không sống cho mình. Trong một thời gian dài, lâu lắm, cuộc hôn nhân của hai người đã chết, hai người đồng sàng dị mộng, đã như vậy, tôi đau khổ, anh cũng đau khổ, chẳng thà kết thúc còn hơn. Viết đến đây, chị còn viết thêm một đoạn khác. Chị bảo xét đến cùng, thì không biết sự việc phát trỉên đến bước này là do chị sai ở chỗ nào, đối với anh, đối với gia đình này, chị đã dốc hết tâm huyết, còn anh, Trang Chi Điệp, thì hết lần này đến lần khác đã làm chị đau lòng, lẽ nào đều là giả dối? con người sống tới mức giả dối như vậy sao? Nhưng viết ra rồi, chị lại lấy bút gạch đi. Chị cảm thấy không cần viết như vậy nữa. Thế là chị lại viết, để bảo toàn danh dự của anh, vì hạnh phúc từ nay về sau của anh, chị không muốn làm ầm ĩ thành kẻ thù khi chia tay giống như những người thông thường vẫn làm, chỉ mong giải quyết hoà bình, không qua toà án, mà chỉ đến văn phòng đường làm thủ tục ly hôn là được rồi. Chị bảo, bây giờ chị phải đi sang bên Song Nhân Phủ, xin đừng tới tìm chị, muốn tìm thì phải viết xong đơn để cùng đi đến văn phòng đường phố. Viết xong thư, chị xách cái va li chứa đầy quần áo thay giặt, đi ra khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, chị cảm thấy một sự giải thoát hiếm có.

Vừa đến Song Nhân Phủ, đã thấy mẹ chị ngồi trên chiếc đôn đá ở cổng, nét mặt bà ngây dại. Ngưu Nguyệt Thanh gọi một tiếng “Mẹ!” mẹ chị cứ tỉnh bơ, còn nhìn Ngưu Nguyệt Thanh vẫn ngồi không động đậy. Ngưu Nguyệt Thanh liền ngồi xổm trước mặt mẹ, hỏi:

– Mẹ ơi, sao mẹ không nhận ra con hả mẹ? Mẹ làm sao thế?

Bà đột nhiên bừng tỉnh, ánh mắt ngây dại di chuyển trong khoang mắt, rồi hỏi:

– Ai đấy?

– Con là Nguyệt Thanh, mẹ không nhận ra con ư?

Bà liền há hốc mồm, co giật và khóc. Ngưu Nguyệt Thanh thấy mẹ bỗng chốc thành như vậy cũng khóc. Hai mẹ con lúc đầu còn khóc trong lòng, nhưng sau đó mỗi người đều có tủi hờn riên, càng khóc dữ dội hơn, khó khăn lắm chị mới dìu được mẹ vào trong nhà, hỏi mẹ tại sao ngay đến con gái cũng không nhận ra. Bà mẹ bảo suốt ba đêm nay bà không ngủ, lúc nào trong đầu cũng kêu ong ong, nhưng con gái không sang, con rể cũng mất hút. Bà đã bó quần áo Ngưu Nguyệt Thanh đã từng mặc thành một bó thả vào một cái giếng cạn ở trong sân, nên Ngưu Nguyệt Thanh mới trở về. Bà bảo:

– Con mất hồn rồi, Nguyệt Thanh ơi, mẹ đã gọi hồn con về đấy!

Ngưu Nguyệt Thanh biết mẹ đã lại lẩn thẩn rồi, nhưng xưa nay chưa bao giờ mẹ chị ngây dại như thế này. Chị nghĩ bụng hai mẹ con gần nhau nhất, cho nên chuyện của con gái, chắc mẹ có cảm ứng gì đấy mới như vậy. Không sao nín nhịn nổi, chị đã rưng rưng nước mắt. Chị bảo:

– Mẹ ơi, đều tại con không tốt, đã bao nhiêu ngày không sang chăm nom mẹ, đã khiến mẹ đau yếu như thế này. Con không bao giờ xa mẹ nữa, con sẽ về ở bên Song Nhân Phủ này, một ngày ba bữa cơm, con nấu cho mẹ ăn, ban đêm con ngủ với mẹ, nói chuyện với mẹ. Mẹ ơi, bây giờ mẹ thèm ăn gì nào?

Bà mẹ bảo bà muốn ăn canh mì. Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng đi nấu, mở vung ra, nồi đã rửa, nhưng còn bẩn, Ngưu Nguyệt Thanh lại đau lòng. Hơn mười năm nay, chín phần mười trái tim chị dành cho Trang Chi Điệp, rồi sau đó mới dành một phần cho mẹ, chị cảm thấy có lỗi với mẹ nhiều, mà trên đời, người gần gũi nhất chỉ có mẹ. Có Ngưu Nguyệt Thanh ở bên, nét mặt bà mẹ dần dần tươi tỉnh lại, nhưng bà thường hay bảo ngôi nhà này nên quét lại tường, trên tường bám đầy rệp cuốn chiếu, thậm chí có cả rết. Ngưu Nguyệt Thanh rót nước sôi cho mẹ, bà bảo trong bát có cả cục sâu bọ. Bưng nước cho bà rửa chân, bà bảo dưới đáy chậu có một cục sâu bọ to hơn. Tối đến, Ngưu Nguyệt Thanh không cho mẹ ngủ ở giường quan tài một mình, mà ngủ chung với mình, thì bà bảo không ngủ được, thường hay bảo lúc lên ba lên bốn, Ngưu Nguyệt Thanh béo lắm, ngoan lắm, sau đó cứ lấy tay đánh liên tục vào chân Ngưu Nguyệt Thanh duỗi sang, bảo ruồi đậu kín chân, bảo ngày mai nhất định phải rửa chân. Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, nằm dịch sang để mẹ ôm và cứ khóc rưng rức.

Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn tìm Đường Uyển Nhi khắp thành phố, gần như đã đi đến khắp phố to ngõ nhỏ mà không hề có kết quả. Ba người liền đến tìm Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ uống rượu giải sầu ở nhà đã mấy hôm, thấy ba người vào vẫn buồn bã. Trang Chi Điệp nói:

– Liễu Nguyệt một lòng lấy Đại Chính, tôi đã khuyên cô ấy nhiều lần, nhưng có tác dụng gì đâu? Tôi bảo, Liễu Nguyệt này, chưa kể Triệu Kinh Ngũ đẹp trai, riêng tài năng của cậu ta chưa biết chừng tương lai sẽ thành rồng thành phượng không lo em không sung sướng được sao? Nhưng cô ấy tầm mắt hạn hẹp, hỏi lại tôi, thầy Điệp ơi, thầy đang cho em ăn bánh vẽ đấy hả? Cậu xem xem, kiến thức của cô ấy như vậy, tôi cũng hết cách. Tôi không phải bố của cô ấy, cũng chẳng phải thân thích họ hàng của cô ấy, cho dù giữ được thân cô ấy, liệu có giữ được trái tim của cô ấy? Đã như vậy, thì cứ để cô ấy hoàn toàn quyết định.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Theo tôi thì việc ấy tốt chứ, không phải việc xấu đâu, lúc đầu nghe nói Triệu Kinh Ngũ và Liễu Nguyệt định đính hôn, trong lòng thấy không vui lắm, nhưng không nói ra được. Bây giờ cô ấy lấy thằng thọt, các anh xem xem, cái khó của thằng thọt còn ở sau này cơ!

Chu Mẫn nói:

– Thầy Phòng nói vậy là có ý gì?

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Tôi nghe bà xã bảo, hôm đi tắm với Liễu Nguyệt, đã phát hiện Liễu Nguyệt là sao bạch hổ. Sao bạch hổ xung khắc với chồng, có thể giết chồng không dùng đến dao. Trong sách viết thế mà.

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Các anh khỏi cần nói nữa, em cũng chẳng phải con người định huỷ hoại mình vì một người đàn bà. Con người ai cũng có chí hướng của mình, cô ấy không muốn lấy em, thì quả dưa cố vặn thường không ngọt. Em chỉ hận vì thân bất tài. Lại tiếc vì cô ấy quá coi trọng món lợi trước mắt. Hôm nay các anh đã đến đây, em xin nhận hết tấm lòng tốt, mong các anh ngồi chơi, em đi lấy mấy chai rượu về uống.

Trang Chi Điệp nói:

– Triệu Kinh Ngũ đã độ lượng như vậy, thì bọn tôi cũng yên tâm. Muốn uống rượu thì hôm nào đó đến chỗ tôi, chúng mình uống một trận cho thoải mái đã đời. Có điều hôm nay đang có việc gấp, cậu cũng nên đi với chúng tôi. Cậu có biết không, Uyển Nhi mất tích rồi.

Thế là kể lại đầu đuôi ngọn nguồn, song lại không đả động gì đến chuyện mất tích lúc Đường Uyển Nhi và mình đi xem phim. Chu Mẫn không nén được xúc động, oà khóc. Anh nói:

– Anh Ngũ ơi, chúng mình đang làm chuyện gì vậy? Người của anh bỏ đi, người của tôi thì mất tích. Chúng tôi gần như đã chà xát như chải lược dầy một lượt cả thành phố này, vẫn không có tăm hơi dấu vết gì. Tôi cứ sợ cô ấy gặp kẻ xấu, hoặc là đã bị hại, hoặc là bị mắc lừa đem đi bán!

Trang Chi Điệp nói:

– Cậu ăn nói vớ vẩn gì vậy, trong thành phố này, Đường Uyển Nhi không oán không thù, kẻ nào hại được cô ấy? Cô ấy là con người tinh khôn như vậy, lại bị mắc lừa để đem đi bán sao? Kinh Ngũ này, cậu có nhiều lối, quen biết các bè đảng trường phái, mình phải tìm cách đi tìm cô ấy mới phải.

Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Tại sao không cho tôi biết chuyện này sớm hơn? Bây giờ bọn maphia thích làm những chuyện này. Tôi quen một người, nếu nằm trong tay bọn họ, thì có thể tám chín phần mười tìm ra.

Bốn người liền đi ra phố, vẫy một chiếc taxi đi thẳng về hướng phố mới ở phía Bắc. Đi tới phố mới, xuyên qua một ngõ nhỏ, đến một cửa hàng treo một vòng hoa nhỏ rất đẹp, Triệu Kinh Ngũ bảo ba người đợi trước cửa, rồi đi vào nói chuyện với một bà già đang cắt hoa giấy trong cửa hàng. Một lát sau đi ra bảo:

– Mục Tử đi vắng.

Mọi người hỏi:

– Mục Tử là ai?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Anh ta là nhân vật chắp nối cả hai con đường công khai và bí mật, thời trẻ đã theo học võ nghệ, có bản lĩnh ghê gớm.

– Chúng ta hãy ra phố ăn cơm đã, ăn xong lại đến.

Bốn người lại quay ra phố, đi vào một quán ăn, vừa mới bước đến cửa thì gặp Nguyễn Tri Phi và một cô gái ngồi xe phóng qua. Xe ngừng lại, Nguyễn Tri Phi ra khỏi xe nói với Trang Chi Điệp:

– Ái chà, đang định đi tìm anh, nào ngờ lại gặp ở đây. Anh xem tôi có may mắn không?

Mạnh Vân Phòng liếc cô gái ngồi trên xe, khe khẽ hỏi:

– Lại thay ca rồi hả?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Đâu có, đây là thư ký riêng của tôi. Thay ca làm gì, bây giờ chẳng chịu ly hôn! Hôm nay các cậu có thì giờ rảnh rỗi đi dạo phố à? Chúng mình định đi tuyển ba cô gái mốt thời trang, cùng lên xe với mình nhé! Hiện nay các tiệm ca múa đang ăn khách biểu diễn mốt thời trang, mình đã nhận vào bốn cô, đi xem giúp mình nhé?

Trang Chi Điệp đáp:

– Chúng tôi còn có việc quan trọng, anh đi đi.

Mạnh Vân Phòng đang định nhờ Nguyễn Tri Phi tìm Đường Uyển Nhi thì Trang Chi Điệp liền lườm một cái ra hiệu, Mạnh Vân Phòng thôi ngay. Nguyễn Tri Phi bảo:

– Các anh lén lút, lại định làm chuyện gì, vậy thì không quấy rầy nữa. Để hôm nào muốn xem những mốt này, sẽ gọi điện cho mình nhé.

Nói xong chui vào trong xe, nói với cô gái kia chuyện gì đó, rồi cười ngất, phóng xe đi. Bốn người đi vào quán cơm.

Trong quán rất đông khách, Triệu Kinh Ngũ phải xếp hàng mua vé. Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn chọn một chiếc bàn ngồi xuống nói chuyện. Ở chiếc bàn bên cạnh có hai thanh niên cúi đầu thủ thỉ chuyện trò gì đó, liền trông thấy một gã đàn ông lực lưỡng, đầu tiên đứng trước cửa kính ngoài cửa sổ nhìn vào trong nhà. Trang Chi Điệp lúc đầu ngẩng lên nhìn, thấy cái mặt áp vào cửa kính bẹt hẳn đi, liền cảm thấy khó chịu, cúi xuống bảo Mạnh Vân Phòng:

– Kẻ vô công rồi nghề.

Anh liền quay lưng vào cửa kính, cố ý che lấp người đứng ngoài cửa sổ. Một lúc sau, gã đàn ông kia đi vào, dáng người không cao, nhưng cơ thể vuông vức chắc nịch, đến thẳng bên chảo bánh rán mua liền bốn chiếc, cũng không gói giấy, mỗi tay cầm hai cái, ngồi trước bàn hai chàng thanh niên kia. Hai chàng trai không nói nữa, đang định đứng dậy thì gã nọ giơ hai tay ra, hai tay vẫn cầm bánh rán, gã nói:

– Người anh em, phiền người anh em vén giúp ống tay áo.

Hai chàng trai nhìn gã, mỗi người lẳng lặng xắn một bên ống tay áo, ống tay đã vén lên, trong hai ống tay đều mang băng vải đỏ viết hai chữ “trị an” màu vàng. Hai chàng trai đều kêu ối một tiếng, quay người chạy, nào ngờ bốn chiếc bánh rán đã đập bôm bốp vào má của hai thanh niên. Gã nọ khẽ quát:

– Dám chạy hả? Nói thật đi, ví tiền trên chuyến xe khách ở bến thứ mười hai có phải bọn mày ăn cắp không?

Chàng trai đáp:

– Làm sao ông biết? Không, không phải ăn cắp mà là nhặt được.

Gã nọ bảo:

– Được, nhặt thì được. Bỏ ví tiền vào túi áo bên phải của ta, người mất ví tiền còn đang khóc ở đồn công an đấy!

Chàng trai bỏ ví tiền vào túi áo phải của gã nọ, còn bảo:

– Đại ca ơi, chúng em nhặt được thật mà, nhặt ở chỗ cửa xe.

Gã nọ bảo:

– Còn ngoan đấy, vậy thì cho đi, nếu lần sau còn nhặt nữa, thì gặp ta sẽ không như hôm nay đâu, cút, cài cúc áo lại tử tế, cút!

Hai thanh niên tự cài cúc áo, rồi cụng tay chào, quay người chạy mất. Gã nọ mỉm cười, cầm chiếc bánh trên bàn ăn. Pha vừa rồi làm cho Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn mắt chữ i mồm chữ o. Mạnh Vân Phòng khẽ nói:

– Liệu anh ta có đưa ví tiền cho người mất không nhỉ?

Chu Mẫn đáp:

– Loại người này em có biết, đừng để anh ta nghe thế! Không làm gì được đâu.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Cậu biết anh ta làm gì?

Chu Mẫn đáp:

– Loại người lang thang này, đồn công an hay dùng. Năm nào còn ở huyện lỵ Đồng Quan em đã từng đóng vai này.

Trong lúc nói chuyện, thì Triệu Kinh Ngũ đã mua vé cơm mang đến, liền cất giọng hỏi:

– Mục Tử đấy à? Tìm anh bao nhiêu lâu sao anh lại ở đây!

Gã nọ phồng phồng một cục to ở má, lưỡi không gỡ ngay ra được, chỉ đưa chiếc bánh rán trong tay cho Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ không ăn, vui vẻ quay lại nói với Trang Chi Điệp:

– Mình đi tìm Mục Tử, Mục Tử liền ngồi ở cạnh mình! Mục Tử ơi, tôi xin giới thiệu, đây là nhà văn Trang Chi Điệp, đây là nhà nghiên cứu Mạnh Vân Phòng, đây là biên tập viên Chu Mẫn.

/67

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status