Phế Đô

Chương 44 - Chương 44

/67


Trang Chi Điệp cười gằn một tiếng, lâu lắm không nói gì. Ngưu Nguyệt Thanh đưa mắt ra hiệu cho Triệu Kinh Ngũ. Cậu ta đi theo chị vào trong nhà. Ngưu Nguyệt Thanh nói với Triệu Kinh Ngũ:

– Cậu nói những chuyện ấy làm gì? Anh ấy đang buồn phiền, cậu lại làm cho anh ấy nẫu ruột ra hả?

Trang Chi Điệp lại gọi:

– Kinh Ngũ ơi, cậu lại đây.

Triệu Kinh Ngũ đi ra bảo:

Bạn đang đọc truyện tại

– Hôm nay không nói chuyện này nữa, suốt từ sáng đến tối, việc này cũng làm em đau đầu, để hôm khác hãy nói nhé! Xe đến trước hỏi tất sẽ có đường. Liễu Nguyệt ơi, em đặt cho con chó này một cái tên chứ?

Liễu Nguyệt bảo:

– Gọi nó là Cẩu Tiểu Ngũ.

Trang Chi Điệp gắt lên:

– Đùa cái kiểu gì vậy? em không thấy việc nghiêm chỉnh hay sao hả?

Rồi quay sang nói với Triệu Kinh Ngũ:

– Bây giờ mình phải đi trước toà án, có thể gặp trước một số nhà văn, nhà phê bình và giáo sư Trung văn trường đại học của tỉnh và thành phố của Tây Kinh, bảo họ viết các luận chứng trao cho toà án, trực tiếp gây ảnh hưởng đến quan thẩm phán. Mấy ngày này cậu và Hồng Giang không làm cái gì khác, đi tìm Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải phân công nhau tìm gặp các nhà văn, học giả, giáo sư, dùng bất cứ cách nào, cứ lấy danh nghĩa của mình, bảo viết ra ý kiến trong tác phẩm có tính chất ký sự cho phép khái quát và quy nạp, mình sẽ đưa ra một danh sách, trong này có người viết theo ý kiến của chúng ta, không có vấn đề gì, có người khó cuốn níu được họ, chỉ cần viết ra những lời chung chung đại khái cũng được, nếu cứ khăng khăng không muốn viết, thì chỉ yêu cầu họ không viết cho phía Cảnh Tuyết Ấm luận chứng nào là được.

Lập tức viết ra một danh sách, Triệu Kinh Ngũ liền cầm đi. Trang Chi Điệp cũng bảo Liễu Nguyệt đi tiễn Triệu Kinh Ngũ, rồi nói với Ngưu Nguyệt Thanh:

– Vụ kiện này không có anh, thì bên này có thế trận hàng trăm người cũng không ăn thua.

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

– Anh giỏi anh tài, ở nhà thì anh hùng như thế, ra khỏi cửa thì không dám có mặt trong phiên toà! Thôi không nói nữa, tất cả đều nghỉ ngơi, em cũng rã rời chân tay ra đây này.

Liễu Nguyệt tiễn Triệu Kinh Ngũ ra cổng khu nhà tập thể. Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Liễu Nguyệt ơi, ở ngõ phố trước mặt kia có cửa hàng bán tiết dê trôn ớt, anh mời em cùng ăn!

Liễu Nguyệt đáp:

– Trời oi bức thế này, ăn thứ đó mướt mồ hôi!

Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Vậy thì đi ăn kem.

Liễu Nguyệt hỏi:

– Hôm nay anh làm sao vậy? Rộng rãi phóng khóang thế? Em không ăn, em tiễn anh ra ngoài cổng lớn để cám ơn anh đã có lời mời.

Hai người đi ra cổng lớn, nhưng Triệu Kinh Ngũ không đi, cứ đứng ở chỗ tối bóng đèn, bảo:

– Liễu Nguyệt ơi, em lại đây.

Liễu Nguyệt hỏi:

– Đến chỗ tối ấy làm gì, em sợ lắm!

Nhưng rồi cô ta cũng đi tới. Triệu Kinh Ngũ khẽ bảo:

– Em nhìn chỗ kia kìa.

Liễu Nguyệt nhìn theo tay chỉ, thì thấy ở chỗ chân tường cách đấy mười mét, có hai người ôm nhau xoắn xuýt, liền cúi đầu cười hi hí. Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Tình yêu không sợ tối không sợ ma, chúng mình đến gần một chút nghe xem họ nói gì.

Liễu Nguyệt gí ngón tay vào mặt Triệu Kinh Ngũ mắng:

– Anh cũng học cái thói xấu ấy à? Có giỏi thì anh cũng ra phố lôi một cô mà đi, nghe trộm người ta ra cái quái gì, lưu manh hạng bét!

Không ngờ Triệu Kinh Ngũ chợt kêu lên một tiếng: ái chà, ôm lấy mặt.

Liễu Nguyệt hỏi:

– Thọc vào đâu hả? Vào mắt phải không?

Bước lại gỡ tay nhìn vào mặt, Triệu Kinh Ngũ liền ôm luôn Liễu Nguyệt cắn một phát vò cái má non tơ kia, rồi co cẳng chạy. Vừa lúc đó một chiếc xe taxi từ đằng kia phố phóng tới, đèn pha chiếu thẳng vào Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt hốt hoảng tới mức hai chân hai tay bám sát vào tường, khi đèn xe chiếu qua, bình tĩnh lại thì Triệu Kinh Ngũ đã mất hút, Liễu Nguyệt cảm thấy buồn cười, cái anh chàng Triệu Kinh Ngũ trắng trẻo này cứ tưởng là con ma chơi bời, thì ra lại ngốc nghếch, hôn một cái rồi chạy như bay như biến chẳng khác gì con thỏ.

Liễu Nguyệt cảm thấy trên má còn đau đau, vừa đưa tay xoa má vừa quay về, nhưng lại nhìn thấy chiếc xe taxi vừa rồi đậu ngay cổng. Người ra khỏi xe là Chu Mẫn, anh nói với Liễu Nguyệt:

– Liễu Nguyệt đấy ư? Cô ở đây làm gì vậy? Vừa giờ đèn pha chiếu lướt qua một cái, tôi đã nhìn thấy cô.

Liễu Nguyệt bỗng hốt hoảng hỏi:

– Anh nhìn thấy tôi à? Tôi đang làm gì nào?

Chu Mẫn đáp:

– Một mình cô đứng ngẩn tò te ở chân tường, tôi cứ tưởng lại cãi nhau với cô Thanh, ra đây khóc cơ đấy. Không có chuyện gì chứ?

Liễu Nguyệt liền cười:

– Chị ấy còn cãi nhau với tôi nữa, tôi sẽ sang ở hẳn nhà anh, không về cho mà xem. Tôi đâu có khóc được, đâu có sụt sịt lau nước mắt trong phiên toà như anh, một người đàn ông to lớn! Anh ở bệnh viện về phải không? Ông Hiền thế nào rồi?

Chu Mẫn giục:

– Ta về nhà nói chuyện, thầy Điệp có nhà không?

Hai người đi vào nhà, Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đã đi ngủ. Liễu Nguyệt liền gõ cửa bảo Chu Mẫn đã đến. Ngưu Nguyệt Thanh mặc quần áo ngủ đi ra. Chu Mẫn liền vào buồng ngủ nói chuyện trực tiếp với Trang Chi Điệp. Vừa nói được một câu, Trang Chi Điệp đã lồm cồmbò dậy khỏi giường, quần áo chưa mặc xong, đã khóc thút thít. Thì ra bệnh viện khám bệnh cho ông Hiền, đã nhận xét ông bị ung thư gan, mà đang ở giai đoạn di căn. Trang Chi Điệp bóp hai tay vào nhau bảo:

– Tại làm ông ấy tức quá thành bệnh đấy mà!

Anh xồn xồn định đi sở văn hoá gặp lãnh đạo nói chuyện, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt kéo anh lại, bảo muộn thế này người của sở văn hoá đã về từ đời tám hoánh nào rồi, anh tìm ai cơ chứ. Trang Chi Điệp hét tướng lên:

– Ông Hiền đau yếu như thế mà còn ra toà được. Ông ấy hôn mê trong phiên toà, chứ nếu chết ngay tại đó, thì cho dù muốn dành cho ông cái gì, cũng chẳng thể dành được. Hết giờ làm việc thì tôi sẽ đến nhà giám đốc sở. Bọn họ đối xử hèn hạ với một trí thức lão thành như vậy sao? Một chức danh quan trọng hay một con người quan trọng?

Ngưu Nguyệt Thanh liền buông tay để chồng đi, nhưng Chu Mẫn lại lo sợ ung thư gan ở thời kỳ cuối thì chẳng còn sống được bao lâu, có lẽ Chung Duy Hiền chẳng thể nào chống chọi nổi đến phiên toà thứ hai đâu, nếu ông Hiền ra đi, thì sức mạnh của bên toà soạn tạp chí coi như hết. Ngưu Nguyệt Thanh nghe Chu Mẫn nói vậy, liền bực dọc:

– Chớ có nói dại thế! Bây giờ cậu còn mong tổng biên tập Chung Duy Hiền ra toà lần thứ hai hả? Thôi thì vụ kiện có thua sạch sành sanh, chỉ cần chẩn đóan bệnh của ông có sai sót, thì chỉ là một trận sợ hãi tóat mồ hôi cũng được!

Chu Mẫn cũng tự thấy đã lỡ lời, anh bảo:

– Em không có ý ấy, em chỉ định nói mình đang theo kiện, mà ông Hiền lại lăn ra ốm đúng vào lúc như thế này…

Ngưu Nguyệt Thanh cũng sợ lời quở trách của mình làm Chu Mẫn phân tán tư tưởng, chị bảo:

– Vừa giờ Triệu Kinh Ngũ từ chỗ ông thẩm phán về đây, vấn đề sự kiện không lớn đâu.

Rồi cứ thế chị nói lại một lượt những biện pháp bổ sung mà Trang Chi Điệp đã sắp xếp. Tư tưởng Chu Mẫn cũng bớt căng thẳng đi, lại chủ động nêu ra ý kiến, ngay bây giờ anh còn phải đến bệnh viện trông coi ông Hiền.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo chị cùng đi, nhất định phải nấu một bát canh trộn gì đó để ông ăn. Cuối cùng Chu Mẫn tất ta tất tưởi ra đi.

Ngay trong đêm, Trang Chi Điệp tìm đến nhà giám đốc sở, đập phá tranh cãi với giám đốc, chẳng khác nào định đánh nhau. Chưa bao giờ giám đốc sở thấy Trang Chi Điệp nóng nảy dữ tợn như thế, ông giải thích đi giải thích lại, nhưng đùn đẩy trách nhiệm, chỉ bảo sẽ đi thăm Chung Duy Hiền ngay trong đêm, hứa sẽ giải quyết tất cả các khoản chi phí chạy chữa, kể cả lương và phụ cấp của những người trông coi. Trang Chi Điệp bảo không giải quyết vấn đề có tính thực chất, thì đi thăm làm gì? Định để người bệnh nhìn thấy các anh càng bị kích thích mà chóng chết hay sao? Doạ đến mức giám đốc sở cùng Trang Chi Điệp đi đến nhà bốn vị phó giám đốc khác, cuối cùng khiến năm người cùng nghiên cứu biện pháp xử lý, cho mãi đến lúc bốn giờ sáng mới ra được nghị quyết: đồng ý để Chung Duy Hiền toà soạn tạp chí Tây Kinh khai báo chức danh, biên tập và tổng duyệt, gửi đơn khai báo của ông lên văn phòng bình xét chức danh của tỉnh, do cấp trên kiểm tra phê chuẩn. Sự việc đến bước này, Trang Chi Điệp mới bắt tay từng người, cám ơn họ, cũng mong họ thông cảm cho sự xúc động nóng nảy của anh. Về đến nhà thì hầu như trời đã tờ tờ sáng.

Trưa hôm ấy tất cả lãnh đạo trung cấp trở lên của sở văn hoá xách gói to gói nhỏ, toàn những thứ bổ mát đi vào bệnh viện thăm Chung Duy Hiền. Từ bệnh viện Ngưu Nguyệt Thanh gọi điện báo cho chồng tư tưởng tình cảm của ông ấy rất tốt, đã ăn một bát bánh chẻo, đã xuống giường đi lại được. Trang Chi Điệp bỏ điện thoại xuống liền gọi Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt bước vào, anh liền ôm cô ta vừa cười, vừa hôn. Liễu Nguyệt bảo:

– Người em toàn mồ hôi.

Liễu Nguyệt liền bưng một chậu nước vào buồng ngủ, lau rồi xong nằm trên giường. Nhưng Trang Chi Điệp không sang buồng. Anh mở cửa đi gặp văn phòng bình xét chức danh nói rõ tình hình, hy vọng họ, sau khi nhận được đơn khai báo, có thể coi là một ngoại lệ, xét duyệt nhanh gấp cho. Sau đó từ văn phòng bình xét chức danh gọi điện cho bệnh viện, tìm Ngưu Nguyệt Thanh, bảo vợ dìu Chung Duy Hiền đến trực tiếp nghe điện thoại. Anh nói trong điện thoại:

– Anh Hiền ơi, bây giờ thì anh cứ yên tâm mà dưỡng bệnh nhé!

Đầu giây bên kia Chung Duy Hiền nói:

– Chi Điệp này, tôi biết cảm ơn anh thế nào đây? Trong thành phố này cái gì cũng khó giải quyết chỉ có người chết mới giải quyết được nhanh thôi.

Trang Chi Điệp nói:

– Mình đâu có chờ chết hả anh? Anh vừa ốm một cái, sự việc chẳng đã được giải quyết rồi ư?

Chung Duy Hiền bảo:

– Tôi vẫn còn may, tôi vẫn còn may! Chi Điệp này, vừa giờ bọn họ đưa cho tôi một quyết nghị báo lên cấp trên nghiên cứu. Cái quyết nghị này chọi nổi hàng trăm lần uống thuốc đấy!

Trang Chi Điệp nói:

– Văn phòng bình xét chức danh sẽ xét duyệt rất nhanh gửi xuống, vài hôm nữa tôi sẽ cầm trong tay chiếc sổ đỏ chức danh cao cấp về đây cho anh, bệnh gì của anh cũng sẽ khỏi hết.

Đầu kia, Chung Duy Hiền bảo:

– Sổ bìa đỏ, sổ bìa đỏ, tôi đáng giá một quyển sổ bìa đỏ như vậy sao? Chi Điệp ơi, anh bảo, cái tôi cần là quyển sổ bìa đỏ ấy à?

Trong ống nghe, giọng của Chung Duy Hiền xúc động phẫn uất, cuối cùng là một trận khóc nức nở. Ở đầu này, Trang Chi Điệp cũng đã sụt sịt không thành tiếng từ lâu.

Đêm hôm ấy Trang Chi Điệp ngủ ngon lắm. Đang ngon giấc thì Liễu Nguyệt vào gọi:

– Anh nhìn trời xem nào, bây giờ là mấy giờ. Điện thoại reo dồn dập, chị cả đang cuống lên trong điện thoại kia kìa, anh còn không ra nhận hả?

Trang Chi Điệp tỉnh dậy, quả nhiên thấy mặt trời đã rọi vào cánh cửa sổ, vội vàng ra nhận điện thoại xong, không rửa mặt cũng không xúc miệng đánh răng, tức tốc cưỡi “Mộc lan” vào bệnh viện.

Chung Duy Hiền nằm ngửa trên giường, người tọp hẳn đi, lại không đeo kính cận, trông dáng dấp thật đáng sợ, gần như không nhận ra được nữa. Năm giờ sáng nay, ông nôn ra mạu nôn ra hẳn nửa ca nhổ đờm. Bác sĩ vội vàng cấp cứu oán trách những người trông coi: Ngưu Nguyệt Thanh, Chu Mẫn, Cẩu Đại Hải và hỏi sau cơn hôn mê tỉnh lại, người bệnh luôn luôn ổn định, tại sao vào nằm viện lại nôn ra máu? Nôn ra máu là triệu chứng xấu đấy, tĩnh mạch dạ dầy cong lại căng lên, dễ xảy ra chảy máu, chảy máu nếu không dừng lại được thì đi đứt. Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo, hôm qua ông tổng biên tập vui lắm, còn ăn bánh chẻo, còn đi xuống giường, bọn này cứ bảo ông Hiền đã lập kỷ lục tạo ra chuyện lạ, có ai biết đâu lại thế này? Bác sĩ hỏi, có chuyện gì kích thích làm ông ấy xúc động như thế, Chu Mẫn đã nói lại chuyện chức danh. Bác sĩ liền mắng mỏ, tại sao nói với ông ấy vào lúc này, người lành lặn hẳn hoi, một khi xúc động còn thường sinh ra các loại chứng bệnh nữa là người ốm nặng như thế này tại sao lại không xúc động cơ chứ. Sau một lúc chạy chữa, ông Hiền đã ngừng nôn ra máu, cũng dần tỉnh lại, chỉ có điều bảo Chu Mẫn cầm chìa khóa về nhà tập thể của ông ở toà soạn tạp chí, lấy cái hộp gối ở đầu giường đến đây. Chiếc hộp gối đã được đem đến, ông Hiền liền ôm khóc. Mọi người không ai hiểu tại sao ông làm thế và cũng không dám lấy hộp gối đi.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

– Anh Hiền ơi, anh quen gối cứng, không quen gối mềm phải không?

Chung Duy Hiền lắc đầu. Chu Mẫn bảo:

– Có lẽ ông đựng tiền tiết kiệm trong đó – Rồi nói với ông Hiền – thầy cứ đưa em giữ cẩn thận cho, không để mất đâu.

Chung Duy Hiền vẫn không đưa. Đến lúc chín giờ, ông bảo ông cần gặp Trang Chi Điệp:

– Sao Chi Điệp không đến thăm mình nhỉ? Các bạn gọi giúp mình bảo Chi Điệp đến nhé?

Khi Trang Chi Điệp bước vào buồng bệnh, Ngưu Nguyệt Thanh chặn anh sang một bên, khe khẽ kể hết mọi chuyện, lại còn dặn:

– Không được nói chuyện chuyện chức danh nữa, bác sĩ dặn không được để ông xúc động nữa. Nếu nôn ra máu lần nữa là đi đứt. Hiện giờ ông cứ ôm khư khư cái gối, liệu có phải ông đựng tiền mặt và phiếu gửi tiết kiệm ở bên trong? Ông và vợ ông sống chẳng ra sao cả nửa cuộc đời, hay là không muốn giao cho vợ những thứ ấy? Nhưng đã đến nước này không thể không báo cho bà ấy. Nếu ông không đưa hộp gối cho chúng ta giữ hộ, thì vợ ông đến chẳng giằng lấy hay sao? Nhưng em lại nghĩ, nếu ông ấy gặp chuyện chẳng lành, thì chúng mình giữ tiền của ông ấy làm gì?

Trang Chi Điệp bảo:

– Để anh gặp ông ấy xem sao đã.

Anh bước vào, kéo tay Chung Duy Hiền:

– Anh Hiền ơi, tôi đã đến đây.

Chung Duy Hiền mở to mắt, đột nhiên cười bảo:

– Anh không đến mình chưa chết được.

Trang Chi Điệp rơm rớm nước mắt bảo:

– Anh đừng nghĩ thế, cũng đừng nghĩ gì nữa anh Hiền ạ, anh sẽ có kỳ tích, anh sẽ có kỳ tích đấy, anh Hiền ạ!

Chung Duy Hiền nghe vậy gật gật đầu bảo:

– Mình cũng nghĩ như vậy, lẽ ra mình là người nên chết từ lâu rồi. Mình đã sáng tạo ra kỳ tích.

Nói rồi một giọt nước mắt già nua nhỏ xuống, lăn qua từng gờ thịt trên khuôn mặt nhăn nheo sâu hoắm, cuối cùng rơi xuống không thành giọt mà tự mất đi, chỉ để lại một vệt dài sang sáng như con ốc sên bò qua. Ông lại bảo:

– Chi Điệp ạ, nhưng kỳ này, thì không được rồi. Mình cảm thấy mình sẽ chết, anh bảo mình chết xứng đáng chứ?

Trang Chi Điệp đáp:

– Cuộc đời anh khúc khuỷu gập ghềnh, nhiều gian nan, song cũng phong phú đầy đủ, chưa kể đến việc đã sáng tạo ra biết bao nhiêu giá trị xã hội. Chỉ riêng cuộc sống của bản thân anh đã có giá trị huy hoàng. Anh là người thật sự sống cao thượng và trong trắng. Anh hơn hẳn bất cứ người nào trong chúng tôi, cho nên anh đã tạo ra kỳ tích.

Chung Duy Hiền nói:

– Mình chẳng bằng anh – người lử đi, nghĩ một lúc nói tiếp – Nhưng mình cũng coi như có một quyển sổ bia đỏ, lại còn có thêm cái hộp gối này! Bây giờ điều mình thấy tiếc là không thể cùng anh theo kiện đi tới chỗ có kết quả, để người ta chê cười mình.

Trang Chi Điệp nói:

– Ai dám chê cười anh nào! Chỉ ngạc nhiên và kính nể anh thôi!

Trang Chi Điệp thấy sắc mặt ông mỗi lúc một nhợt nhạt đi, hơi thở cũng hổn hển gấp gáp, biết ngay có chuyện rồi. Anh cố ghìm nước mắt bảo:

– Anh Hiền ơi, anh còn có việc gì cần tôi làm không?

Lý Hồng Văn bảo:

– Anh Hiền ơi, anh hãy ráng chịu đựng, tôi đã điện báo cho gia đình anh, có lẽ sáng sớm nay đã nhận được. Một lúc nữa lãnh đạo sở cũng sẽ đến, còn có nhiều tác giả đã gọi điện đến hỏi tình hình, nói sẽ đến thăm anh.

Chung Duy Hiền bảo:

– Không cho đến, chẳng cho ai đến cả.

Ông xua tay bảo mọi người đi ra hết, chỉ để Trang Chi Điệp ở bên cạnh. Mọi người chẳng hiểu thế nào cả, đành phải lui ra ngoài. Chung Duy Hiền đưa cái hộp gối trong lòng cho Trang Chi Điệp và bảo:

– Chi Điệp này, con người ta ai cũng phải chết. Mình không sợ chết đâu. Mình chỉ đau lòng để một người bị khổ. Chị ấy hẹn sẽ đến thăm, nhưng bị ngã gãy chân. Chờ chị ấy đến có thể mình đã chết, vậy thì anh giao cho chị ấy hộp gối này. Lại đưa cho chị ấy số tạp chí dẫn đến vụ kiện ấy. Đó là của cải của mình, toàn bộ của mình. Chị ấy là ai, xin anh đừng hỏi. Đến lúc đó, chị ấy tìm đến anh sẽ biết.

Trang Chi Điệp đỡ lấy hộp gối, hộp gối nặng lắm. Anh cảm thấy anh đã lừa dối ông già. Anh định lúc ông già sắp sửa tắt thở sẽ nói ra tất cả, nhưng anh không nỡ lòng nói ra, anh thà kiếp này mang nỗi ân hận đà lừa dối ông, đã lãng phí tình cảm của ông mà dày vò hành hạ bản thân, chứ không muốn trước lúc qua đời, ông biết rõ chân tướng mà đi sang thế giới bên kia với sự trống rỗng, cái gì cũng tuyệt vọng. Trang Chi Điệp gật đầu với Chung Duy Hiền, lại gật đầu một lần nữa. Anh nhìn ông già co giật toàn thân bần bật, giơ tay vẫy trước ngực một cái, mồm mím chặt, đột nhiên phù một tiếng, một bãi máu đỏ tươi phun ra. Ngụm máu ấy phun mạnh vô cùng, những giọt máu nhỏ li ty đều đặn phun ra không trung như đốt pháo hoa ngày lễ, một phần in lên bức tường trắng tinh, một phần lại xả xuống, rơi lên đầu, lên mặt, lên người ông. Trang Chi Điệp không kêu lên, cũng không khóc rống lên, anh lặng lẽ đứng nhìn cơn đau co giật gian nan của Chung Duy Hiền, cuối cùng đã nở một nụ cười, nụ cười ấy dần dần đông cứng trên khuôn mặt.

Trang Chi Điệp ôm hộp gối bước ra khỏi phòng. Những người đứng ở ngoài nhao nhao xô đến hỏi:

– Ông Hiền sao rồi?

Trang Chi Điệp đáp:

– Ông ấy đã chết.

Anh cứ ôm hộp gối đi dọc theo hành lang, ra đến ngoài ngôi nhà gác, anh đứng tại chỗ. Mặt trời phả xuống rát bỏng, rọi thẳng vào mắt khiến anh mấy lần mở ra mà không được. Mọi người ùa cả vào phòng, bác sĩ y tá cũng chạy đến. Họ lặng lẽ ngắm nhìn tất cả. Y tá bắt đầu nhấc ống thở trong mũi Chung Duy Hiền ra, gấp hai mép khăn trải giường lại, tết thành một cái nút rất to. Hai y tá liền đẩy một cái xe chở xác vào khiêng Chung Duy Hiền đã được bọc trong chiếc khăn trải giường màu trắng lên xe. Y tá hỏi:

– Ai là gia đình của người chết?

Không ai trả lời. Y tá lại hỏi một lần nữa:

– Ai là gia đình của người chết?

Ngưu Nguyệt Thanh đang ngây người dựa vào tường, đột nhiên hỏi:

– Ô, có chuyện gì vậy?

Y tá bảo:

– Chiếc khăn trải giường này đã thuộc về ông ấy. Chị ra cơ quan viện nộp năm đồng nhé!

Xe chở xác được đẩy khỏi nhà gác, bánh xe trục trặc, cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, kêu cành cạch cành cạch. Trang Chi Điệp quay đầu lại, chiếc xe chở xác đẩy ra lối cửa của ngôi nhà gác, trong ánh nắng như đổ lửa trông như một thỏi thép vừa ra lò, hoặc là một xe thuỷ tinh được chở ra từ cung thuỷ tinh thần thoại. Ở đầu của chiếc khăn trải giường trắng kia, một cái gì tròn tròn cứ lắc sang bên này lại lắc sang bên kia của sàn xe khi nó được đẩy qua ba bậc thềm thâm thấp, trông như quả dưa hấu đựng trong cái túi vải.


/67

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status