Nhật Nguyệt Đương Không

Chương 229: Phong tình ốc đảo (thượng).

/435


Trời sáng, một vầng mặt trời đỏ rực dần nhô lên ở phía đông. Giờ đây đám đá sỏi trở thành cát vàng cuồn cuộn. Nhìn về phía nào cũng thấy giống nhau, không có đường cũng không có một vật định hướng.

Định hướng duy nhất, là một đống xương lạc đà đã khô, chắc mới đi qua không lâu trước đó. Cổ của nó vặn vẹo cho thấy sự giãy dụa trước khi lìa đời. Ánh sáng ban mai khiến người ta khoan khoái. Giờ đây mặt trời trở thành một quả cầu lửa, bắt đầu thiêu đốt làm hạt cát nóng rực lên. Ngoài Tuyết Nhi, những con ngựa khác đều không chịu nổi. Mọi người vội lập trại nghỉ, căng lều, để ngựa trốn trong lều hóng mát.

Long Ưng dùng ma khí để an ủi từng con ngựa. Phong Quá Đình và Vạn Nhận Vũ thì lau người cho chúng, lấy nước và cỏ cho chúng ăn.

Vạn Nhận Vũ nói:

- Giờ thì ta đã hiểu tại sao ở đây người ta đều cưỡi lạc đà chứ không cưỡi ngựa rồi. Cát sẽ đốt cháy vó của chúng mất, phải làm gì đó cho chúng mới được.

Long Ưng nói đầy tự tin:

- Nội khí của ta có thể tăng sức kháng nóng của chúng. Hơi nước trong cơ thể ngựa cũng khó tiết ra ngoài. Đương nhiên, không thể bằng lạc đà dự trữ được nước trong cơ thể.

Phong Quá Đình thương xót nói:

- Có lẽ sắp đến biển Bồ Xương. Tới đó là chúng có thể nghỉ ngơi trong ốc đảo um tùm rồi.

Có tiếng gió đột nhiên vang lên, Thần Ưng hạ cánh từ trên trời. Phong Quá Đình ra ngoài trướng, giơ cánh tay để nó đậu lên tay, rồi thở dài:

- Nó cũng phải uống nước và ăn rồi.

Mười lăm ngày tiếp theo. Họ vẫn vội ngày nghỉ, đêm đi. Cảnh vật chẳng có gì thay đổi. Chỉ có thời gian ngày càng chậm chạp. Mỗi ngày như lặp lại cảnh tượng vừa rồi. Không những như chưa từng chuyển động, thời gian còn như ngừng trôi, sự tĩnh lặng như cái chết.

Ba người không còn tâm trạng nói chuyện nữa.

Khi trời sắp sáng, Phong Quá Đình “Ý” một tiếng, rồi nhìn lên trời.

Hai người ngước đầu lên nhìn bầu trời xanh nhạt. Thần Ưng đang bay nhanh về phía trước, rồi trở thành một chấm đen nhỏ.

Vạn Nhận Vũ mừng rỡ:

- Nhất định là nó đã phát hiện ra ốc đảo có nước.

Phong Quá Đình hiểu rõ Thần Ưng nhất, gã bèn đáp:

- Nhất định là vậy, chúng ta không được dừng lại.

Chỉ có người phải ở trong vùng đất khô hạn này hơn mười ngày, mới hiểu được tâm trạng hi vọng vào phía trước của họ.

Lần này họ đã thông minh hơn, bó móng của từng con ngựa lại, rồi tiếp tục lên đường.

Cảnh sắc trước mắt thay đổi. Từng cồn cát màu vàng đậm kéo dài đến tứ phía, vó ngựa bị lún vào trong cát. Chạy nhanh một chút cũng không được. Hạt cát lấp lánh dưới ánh mặt trời, trông như những đợt sóng nước. Nhìn những cây liễu sa mạc, khiến người ta phải khâm phục sự ngoan cường của chúng. Chúng có thể tồn tại và phát triển ở nơi đáng sợ không một sự sống này, điểm xuyết cho biển cát vô tận.

Vạn Nhận Vũ nói:

- Đây là bữa ăn nhỏ trước buổi tiệc lớn. Chúng ta đã đến khu vực biên giới của Taklimakan rồi.

Phong Quá Đình nói:

- Ngươi biết đường sao? Có phải sắp đến Bồ Xương rồi không?

Vạn Nhận Vũ nói:

- Đi qua biết bao lần mà vẫn không biết đường. Bởi lẽ sa mạc Talimakan là biển cát biết lưu động. Cứ mỗi khi tỉnh dậy lại nhìn thấy cảnh vật khác nhau. Sông ngòi thì đột nhiên ngừng chảy. Cả dòng sông đều biến mất, còn tưởng đã đi lầm nơi.

Long Ưng cười nói:

- Có lẽ là có ốc đảo, tiểu đệ cảm giác như vậy!

Phong Quá Đình lầm bầm:

- Hi vọng biển Bồ Xương sẽ không biến mất đột ngột. Giờ đây điều tại hạ muốn làm nhất là hôn lên làn đất xanh ngăn ngắt.

Vạn Nhận Vũ chỉ về phía trước rồi nói:

- Nhìn kìa!

Hai người nhìn về phía gã chỉ. Phía đường chân trời xuất hiện một điểm xanh khiến người ta mừng rỡ. Nó như thật, như ảo dưới ánh mặt trời chói chang. Trong thế giới khô hạn này, một điểm xanh có thể trở nên quý giá đến như vậy.

Một trận gió thổi bay cát lên, ào vào mặt họ. Mắt, mũi, miệng vốn đã khô khốc giờ càng khó chịu hơn. May mà liên tưởng tới sông suối và cỏ xanh trong ốc đảo kia, lòng họ cháy lên hi vọng, vượt qua tất cả những giày vò của cát.

Ba người thúc ngựa đi nhanh hơn. Điểm nhỏ màu xanh biến thành một đường xanh khảm lên đường chân trời. Chưa bao giờ như lúc này đây, cây cỏ khiến họ cảm thấy mừng vui như thế.

Cả một canh giờ sau, khi mặt trời vượt quá bầu trời, đường màu xanh cuối cùng đã trở thành một rừng cây. Những cây bạch dương thẳng tắp chọc trời. Những cây hòe um tùm tươi tốt, chúng mọc sát vào nhau, cành lá vang lên rào rào trong gió. Cảm giác ướt át đến theo làn gió.

Đàn ngựa trở nên hưng phấn, không cần thúc cũng tự chạy tới. Nền cát xốp trở thành nền đất vững chãi. Phía đằng trước xanh mát um tùm, ngay cả gió cũng trở nên mát mẻ dễ chịu.

Sa mạc Taklimakan nằm ở trung tâm bồn địa Tarim. Phía đông kề biển Bồ Xương. Phía tây tiếp giáp ốc đảo Kashi. Phía nam giáp sơn mạch Côn Lôn. Phía bắc là sông Tarim. Đó là sa mạc lớn nhất đáng sợ nhất.

Sa mạc Taklimakan, chính là “nơi vào mà đi không đi ra được”.

Bên trên không có chim bay, dưới không có thú chạy. Nhìn về mọi phía, muốn tìm chỗ nghỉ cũng không hề có, chỉ có thể lấy xương người chết làm vật đánh dấu, vì vậy có tên là “biển chết”.

Núi Hoành Tuyên Thần trong lòng sa mạc kéo dài hơn trăm dặm. Phía đông giáp bờ sông Hòa Điền, đá ráp bị gió thổi lâu ngày, hình thành đủ thứ hình thù kỳ lạ - giống như những bức tượng thần vật tự nhiên.

Đối lập hoàn toàn với nó, là rất nhiều sông suối, ốc đảo và quốc gia vòng quanh Taklimakan.

Sông thì có sông Yarkand, sông Tarim, sông Hòa Điền và sông Thả Mạt. Trong số đó, sông Hòa Điền có thể xuyên qua bụng sa mạc.

Trong mùa mưa mùa hè, có thể ngẫu nhiên đưa nước chảy vào sông Tarim tại phía bắc sa mạc, những thời gian khác thì trong tình trạng đoạn dòng.

Vì có sông nên đã hình thành những ốc đảo lớn nhỏ. Ốc đảo lớn nhất nằm ở khu thảo nguyên Điền Sở, nhưng ốc đảo được ông trời chăm chút nhất là biển Bồ Xương.

Biển Bồ Xương là điểm thấp nhất tại bồn địa Nghiễm Mậu. Là một dòng nước chảy từ sơn mạch Côn Lôn xuống. Những dòng nước này đều hội tụ vào biển Bồ Xương, hình thành một chiếc hồ lớn chu vi bốn trăm dặm. Thời chiến quốc gọi nó là “Thế Trạch”, “lượng nước của nó mùa đông và mùa hè đều không tăng giảm”.

Biển Bồ Xương cũng là địa điểm của nước Lâu Lan cổ, sau này vong quốc vào thời Hán, bị chôn vùi không còn tông tích.

Biển Bồ Xương có nghĩa là “chiếc hồ nơi nhiều dòng nước hợp lại”.

Dòng sông rộng khoảng hai trượng. Họ đứng ở bờ đông ngây người nhìn cảnh đẹp khó tin trước mắt, sau cuộc hành trình ròng rã hơn mười ngày trong sa mạc.

Thảo nguyên xanh ngắt đã hiện ra trước mắt.

Những bầy cừu giống như từng đám mây trắng xốp bồng bềnh trong biển xanh. Từng đợt sóng cỏ phập phồng theo gi tản ra, mùi thơm bay lan trong không khí. Nước sông chảy róc rách dưới chân, tấu lên bản nhạc của tự nhiên. Phía đằng xa thấp thoáng vài căn lều thưa thớt, khói bếp bay lượn trong ánh chiều tà. Tiếng bò, tiếng cừu be be, vọng lại trong không gian rộng lớn của thảo nguyên. Đại thảo nguyên Bồ Xương Hải đẹp đến độ thoát tục, kiều diễm say lòng người.

Ba người nhìn đến ngây dại.

Đám ngựa được cởi yên và đồ dùng, đang chạy đuổi nhau rong chơi bên sông.

Bên trái bờ đối diện là một hàng cây hồ dương. Dưới ánh sáng óng ánh của buổi chiều tà, mặc dù thân cây thô kệch như rạn ra và vặn vẹo, nhưng cành lá lại mọc ra từ khắp nơi thể hiện sức sống mãnh liệt trong sự khô cằn, không khuất phục trước môi trường ác liệt của sa mạc. Khiến người ta cảm thấy sức sống kỳ diệu của hồ dương.

Vạn Nhận Vũ nhìn cây hồ dương đối diện, khen ngợi:

- Người bản địa có lời ca ngợi hồ dương rằng “sống cả nghìn năm không chết. Chết cả nghìn năm không đổ. Đổ cả nghìn năm không mục”. Có lẽ câu nói này hơi khoa trương, nhưng chắc cũng không khác nhiều so với thực tế.

Phong Quá Đình nói:

- Ở nơi như cảnh tiên trong cõi trần này, sống cả đời cũng không hề chán.

Vạn Nhận Vũ nói:

- Hèn gì thiếu soái và những người khác quyết định đi xa, hóa ra là vì cảnh đẹp vô cùng, vô tận.

Long Ưng nói:

- Chúng ta bị mục dân phát hiện ra rồi.

Hai người nhìn về theo ánh mắt gã. Một số người cưỡi ngựa đang tiến về phía họ.

Có năm con ngựa phóng tới. Ngay lập tức chúng đã đến bờ sông. Đám thổ dân ghìm ngựa dừng lại, rồi nhìn họ từ bên kia dòng sông. Đối phương ăn mặc quần áo dân du mục, eo dắt dao bầu. Người lớn tuổi nhất cũng không quá ba mươi. Người trẻ tuổi nhất nhiều lắm cũng chỉ mười hai, mười ba tuổi. Khuôn mặt những người trẻ hơi ngây thơ, nhưng thần khí hơn cả những người lớn tuổi.

Mục dân nhiều tuổi nhất đột nhiên giơ hai tay lên, lòng bàn tay hướng về phía họ, hét lên một câu họ nghe không hiểu.

Vạn Nhận Vũ thấp giọng nói với hai người:

- Họ đang chúc chúng ta bình an, là những lời dạo đầu khi người không quen gặp nhau.

Rồi gã giơ hai tay, lặp lại lời đối phương.

Rồi đối phương hạ tay trái xuống, tay phải đặt lên ngực nói một câu khác.

Vạn Nhận Vũ chỉ về phía đông, đáp lại một câu.

Năm người từ lớn đến nhỏ, ngay lập tức lộ ra sự khinh miệt, còn phát ra tiếng cười cợt.

Phong Quá đình nói:

- Ngươi đã nói gì vậy?

Vạn Nhận Vũ nghi hoặc nói:

- Gã hỏi ta đến từ đâu. Ta nói rằng ta tới từ nước Đại Đường. Không hiểu có gì buồn cười ở đây?

Người mục dân lớn tuổi lại nói một tràng từ bờ bên kia.

Vạn Nhận Vũ nói:

- Mấy câu này ta đều không hiểu. Lần trước có người dẫn đường cho ta.

Long Ưng vội nói bằng tiếng Đột Quyết:

- Các ngươi có hiểu tiếng Đột Quyết không?

Không ngờ, họ đột nhiên ngừng nụ cười, ánh mắt đầy địch ý. Gã trẻ tuổi nhất giơ tay ra nắm lấy đao.

Người lớn tuổi dùng tiếng Đột Quyết cao giọng hỏi lại:

- Các ngươi là bạn của người Đột Quyết sao?

Câu này cả ba người đều hiểu.

Long Ưng thông minh nói:

- Chúng ta không những không phải bạn của họ, mà còn là kẻ địch của họ.

Cả năm người cùng dãn sắc mặt, người lớn tuổi nói:

- Vậy các ngươi là bạn của ai?

Long Ưng thầm nghĩ những người mục du Tái Ngoại có lối sống và quy tắc riêng của họ. Người mục dân lớn tuổi có lẽ là người có địa vị cao nhất trong số năm người. Vì vậy, y đứng ra nói chuyện, những người khác không xen vào. Khi gặp phải người xa lạ, họ cũng có cách chào hỏi của mình. Nội dung nói chuyện theo một mô hình cố định, để phân biệt bạn hay địch, và để phán đoán về đối phương.

Long Ưng biết rằng chỉ cần một sai lầm trong lời nói thôi, là có thể sẽ đánh nhau. Hắn vội nói:

- Chúng ta là bạn của các ngươi.

Thấy đối phương không hề nở nụ cười, hắn vội vàng thêm một câu:

- Và cũng là bạn của người Thổ Phiên.

Ở đây gần với Thổ Phiên. Có lẽ Thổ Phiên khá thân thiết với những người dân du mục này. Chắc họ cũng có quan hệ với người dân ở đó.

Vì vậy, hắn nói ra cái tên Thổ Phiên để xem có gặp may không.

Phong Quá Đình cũng nói bằng tiếng Thổ Phiên:

- Chúng ta mang theo tơ lụa đến tặng các ngươi.

Sắc mặt người dân du mục lớn tuổi vẫn nghiêm trang. Nhưng đột nhiên hắn nói bằng giọng Thổ Phiên lưu loát hơn giọng Đột Quyết:

- Bạn ở Thổ Phiên của các ngươi là ai?

Long Ưng cố gắng nói bằng tiếng Thổ Phiên:

- Là Hoành Không Mục Dã.

Cả năm người lộ vẻ kinh ngạc, nhưng nét mặt đã bớt sát khí. Ba người biết rằng mình đã nói đúng.

Người lớn tuổi đặt tay phải lên ngực, nói:

- Ta tên là Ba Đạt.

Sau đó, y nói tên từng người còn lại. Khi y gọi đến tên ai, người được giới thiệu đều để tay phải lên ngực, trông rất oai phong. Họ tự hào vì cái tên của mình.


/435

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status