Người Phiên Dịch

Chương 9

/69


Trình Gia Dương

Tôi về trường hỏi thăm phòng của Phi, tôi còn nhờ cô phụ trách ở tầng dưới ký túc gọi qua điện thoại nội bộ nhưng vẫn không có ai nghe máy. Tôi đã có phần lo lắng liền hỏi cô phụ trách: “Bây giờ đã nghỉ hè chưa ạ?”.

“Thực ra chưa chính thức nghỉ hè, nhưng sau khi thi xong học sinh cũng có thể rời trường được rồi. Mà cháu tìm ai thế?”


“Kiều Phi khoa Pháp ạ.”

“Kiều Phi về nhà rồi.” Người nào đó đứng đằng sau tôi nói.




Tôi quay đầu lại thì thấy hai cô gái với mái tóc ướt, chắc là mới đi tắm về. Vừa nhìn thấy tôi cả hai cô đều gật đầu “Chào anh!”.

“Sao cô ấy lại về nhà chứ? Mà cô ấy về lúc nào vậy?”

“Sáng thứ Hai hôm qua.” Sự hiếu kỳ lộ rõ trong mắt hai cô gái.

“Ôi, biết làm thế nào bây giờ?” Tôi nghĩ ra một lí do có thể hỏi thăm địa chỉ của cô ấy, “tiền thù lao phiên dịch lần trước của cô ấy vẫn còn ở chỗ anh, hai em có biết địa chỉ nhà cô ấy không? Anh muốn gửi cho cô ấy”.

“Tôi có, chỗ tôi có.” Cô quản lý ký túc nói, “trong bản đăng ký ở kí túc xá”.

Tôi chép lại địa chỉ, Phi sống tại thành phố công nghiệp nặng ở Đông Bắc, nhìn kỹ địa chỉ tôi nhận thấy dường như thiếu một cái gì đó. “Nhà cô ấy không có điện thoại hả cô?”


“Ừ, cô ấy không lưu lại số điện thoại nhà.”

Giờ đã là mười một giờ trưa thứ Ba, lúc này cách thời điểm Phi rời khỏi khách sạn một ngày rưỡi, còn cách thời điểm tôi đi Canada hai ngày nữa. Hai tiếng sau, tôi đã ngồi trên máy bay đi Thẩm Dương.

Tới Thẩm Dương tôi định chuyển sang đi tàu, nhưng lại chưa có chuyến tiếp theo, nên tôi đành phải đi xe buýt đường dài. Tôi phải ngồi chật chội tận ba tiếng đồng hồ đồng thời còn phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc khó chịu của những người buôn bán nhỏ, tới Thẩm Dương nhập hàng nữa. Trời nhá nhem tối tôi mới tới được thành phố nơi Phi sinh sống.

Đây là thành phố gang thép nổi tiếng. Do nhu cầu vận chuyển nên bến xe được xây dựng bên cạnh nhà máy gang thép. Tôi vừa xuống xe, quay lại thì nhìn thấy một dãy lò luyện thép màu đỏ đen đứng sừng sững trong ráng chiều.

Quãng đường dài khiến tôi mệt mỏi rã rời, tôi muốn tìm một quán cơm ăn chút gì đó, nhưng nghĩ đến việc mình vẫn chưa biết nhà Phi ở đâu, tôi đành tạm gác ý muốn đó lại.




May mà địa chỉ nhà cô ấy không quá rắc rối. Tôi gọi taxi đến đó. Đây là khu chung cư xây theo kiểu chung bếp vào khoảng giữa thập kỷ Tám mươi, màu sơn đỏ bên ngoài đã trở nên loang lổ theo thời gian. Tôi tìm tới nhà số hai, tầng năm của dãy thứ ba. Tôi gõ cửa khoảng nửa tiếng rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì cả.

Cho tới khi cửa nhà hàng xóm bật mở, một người đàn bà trung niên bước ra, đầu tiên bà ta quan sát tôi từ đầu tới chân sau đó mới nói: “Cậu gõ gì mà gõ, nhà họ có ai ở nhà đâu”.

Tôi sững người một lát rồi hỏi lại: “Đây là nhà họ Kiều có phải không ạ?”.

Người đàn bà đó không trả lời câu hỏi của tôi, nhưng những lời của bà đã khích lệ tôi rất nhiều: “Con bé Phi Phi chắc phải một tiếng nữa mới về nhà”.

“Có phải là cô bé đó đang học ngoại ngữ phải không ạ?”

“Chỗ chúng tôi còn có ai nữa chứ?”

Tôi còn muốn hỏi thêm cô ấy đã đi đâu nhưng người phụ nữ kia đã đóng cửa rồi.

Tốt rồi, ít nhất mình đã không tìm nhầm. Mãi tới lúc này tôi mới cảm thấy đói, tôi bèn đi ăn chút gì đó, nhân tiện chờ cô ấy về.

Không thể đi quá xa, tôi ăn mì tại hiệu mì gần nhà cô ấy. Lúc đi ra tôi nhìn thấy một phụ nữ trung niên bán thuốc lá. Do quá mệt mỏi tôi muốn hút một điếu, trong sạp thuốc của bà chẳng có loại nào ngon cả. Tôi nói: “Cháu lấy Đại hội đường Nhân dân”.


Bà ta liền chỉ vào bao thuốc Bảy con sói.

Tôi nhìn lại bà ta, sau đó tự mình lấy một hộp Đại hội đường Nhân dân từ sạp thuốc của bà.

Không chờ tôi hỏi, người phụ nữ kia đã cười rồi dùng tay ra dấu mười hai tệ.

Tôi châm một điếu, rồi trở về tầng dưới khu nhà của Phi, ngồi trên ghế đá. Lúc này trời đã tối hẳn, tôi nhìn đầu điếu thuốc lập lòe cháy từng hồi, rồi lại nghĩ mình đang ngồi tại một góc trong một thành phố hoàn toàn xa lạ, tất cả chỉ là vì cô gái này. Cách đây không lâu tôi đã cùng cô gái đó tận hưởng niềm hoan lạc của cuộc mây mưa.


Có người đang bước tới, mờ mờ ảo ảo, dường như là bóng của Phi, tay cô ấy đang cầm thứ gì đó, mà không chỉ có một mình cô ấy.

Tôi đứng dậy tiến về phía cô.

Bên cạnh cô ấy là người phụ nữ bán thuốc ban nãy, Phi xách hộ bà hộp thuốc. Cô mặc bộ áo liền váy màu xanh da trời, mái tóc đen được buộc gọn đằng sau, càng làm nổi bật khuôn mặt nhỏ nhắn không phấn son, trông cô ấy giống như nữ sinh cấp ba.

Cô đi ngang qua tôi. Cô nhìn tôi nhưng do trời tối nên cô không nhận ra.

Tôi khẽ gọi: “Phi”.

Cô ấy dừng bước, quay đầu lại: “Trời ạ! Em không thể tưởng tượng nổi đó lại là anh”.

Kiều Phi

“Đúng, đây là nhà em, căn phòng này là do bà con hàng xóm cho. Đây là mẹ em, mẹ em bị câm điếc. Bố em cũng vậy, cũng bị câm điếc. Do vậy nhà em không lắp điện thoại. Bố em nằm viện rồi, em vừa từ bệnh viện Thẩm Dương về sau ca phẫu thuật nối van tim của bố, ban nãy là em tới thăm bố.”

“Đúng vậy, chính vì việc này mà em rất cần tiền.”

“Đâu có, không có gì đâu, em vẫn rất khỏe mà. Có thế nào đi nữa cũng chẳng sao đâu.”


“Em nhớ bố mẹ nên về thôi.”

“Thế à? Anh tìm em mãi ư?”

“…”

“Có chuyện gì không anh?”

“Ồ.”

“Em cũng không chắc nữa, em chưa từng làm hướng dẫn viên du lịch bao giờ.”

“Có thể kiếm được bao nhiêu tiền hả anh?”

“Cũng có thể em nên thử xem sao. Mà tiền học phí kỳ sau cũng vẫn phải nộp kia mà.”

“Anh cho em số điện thoại của công ty du lịch đó nhé. Được, em sẽ liên lạc với họ.”


“…”

“Sao anh lại tìm được tới đây? Anh có mệt lắm không?”

Trình Gia Dương

Mẹ Phi bưng nước sạch tới cho tôi, Phi vừa đứng cạnh tôi nói chuyện, vừa rút từng bao thuốc trong tút thuốc của mẹ ra hong khô. Trước đây tôi rất tò mò không hiểu Phi xuất thân từ một gia đình như thế nào. Cô ấy có năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh, tính cách lại cởi mở, hoạt bát, hơn nữa lại có nhan sắc mặn mà.




Thế nhưng những gì tôi nhìn thấy lúc này là căn nhà nhỏ chưa tới năm mươi mét vuông, trừ nhà bếp, nhà vệ sinh và hành lang thì còn hai căn phòng nữa, một lớn một nhỏ. Căn phòng lớn cũng chưa tới mười mét vuông, đồ đạc trong nhà tuy sạch sẽ nhưng đều rất cũ, cả căn nhà chẳng có sự tu sửa nào.


Phi rất thành thục thủ ngữ, thông báo cho mẹ biết tôi là bạn học của cô ấy.

Tôi nhìn bức ảnh chụp chung của cô và bố treo trên tường. Lúc đó cô còn rất nhỏ, tay đang cầm một quả táo nhựa màu đỏ rực, cười rạng rỡ, trông cô rất giống bố.




Sau khi biết được mức thù lao sẽ được nhận, với công việc ở công ty du lịch cô ấy có hứng thú hẳn lên. Tôi đưa số điện thoại của Tiểu Bình cho cô, cô liền đặt trong sổ ghi chép.

Cô ấy nói: “Em đun nước cho anh, anh tắm rửa một chút sau đó nghỉ lại đây nhé”.

Tôi lại gật gật đầu, không biểu lộ gì cả nhưng thật ra trong lòng rất vui.

Trong nhà vệ sinh, Phi dùng một tấm gỗ che hố đại tiện, cô ấy đem bình nước sôi cùng chiếc chậu nhựa con màu xanh da trời đặt vào trong. Sau đó nói với tôi: “Đây là chậu rửa mặt của em, anh pha nước đi, đừng để bị bỏng đấy nhé!”.

Tôi gội đầu, tắm rửa qua loa, cảm thấy sảng khoái hẳn. Lúc tôi đi ra, Phi đã giặt áo phông và quần cho tôi rồi, phơi trên sân thượng.

Khi cô bước tới đặt khăn khô lên đầu tôi, tôi cứ tưởng cô lau giúp mình.

Cô nói: “Hôm nay anh ngủ trong phòng em, em ngủ cùng mẹ”.

Tôi hỏi lại: “Anh không làm phiền em đấy chứ?”.

“Không có gì. Sao anh không đi làm mà lại tới đây? “

“Ban nãy anh đã nói với em rồi mà, anh sợ em xảy ra chuyện gì.”


Cô ấy cười: “Người khiến em xảy ra chuyện vẫn chưa chào đời đâu”.


“Mai anh phải về rồi, ngày kia anh đi Canada công tác.”


Phi nhìn tôi trìu mến nói: “Vậy anh mau ngủ sớm đi, mai em tiễn anh”.

Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, Phi và mẹ cô ấy đã chuẩn bị xong bữa sáng. Sữa đậu nành, quẩy, giá trộn, trứng ốp lết. Mẹ của Phi lấy trứng cho tôi, trứng vừa miệng, rất ngon. Sau đó cả ba người chúng tôi cùng rời khỏi nhà. Mẹ cô ấy đi bày hàng bán, Phi tiễn tôi ra ga Thẩm Dương.

Lúc tôi mơ mơ màng màng ngồi trên tàu, nhìn cảnh vật vụt qua bên ngoài cửa sổ, những điều được nhớ tới về những ngày vừa qua khiến tôi thầm kinh ngạc.

Đây hoàn toàn không phải là nhìn cảnh nhớ tới người.

Buổi chiều hôm đó, trái tim tôi bị Minh Phương xuyên thủng một lỗ lớn, cơ duyên trùng hợp, người bù đắp cho tôi lại là Kiều Phi. Cuộc sống cô gái này khác tôi một trời một vực. Cô ấy không giống tôi, cũng chẳng giống những người tôi quen, cô ấy đã tạo nên một cơn chấn động mạnh mẽ trong tôi. Tới lúc này lỗ thủng của trái tim tôi đã được vá lành, thậm chí cô ấy còn chiếm trọn trái tim tôi.

Trong tâm trí tôi chỉ có hình bóng cô, khi rời khỏi đó tôi thực sự không yên tâm, cuối cùng tôi cũng cất tiếng hỏi: “Em sẽ không tới Khuynh Thành nữa chứ?”.

“Vâng.”

Cô vẫy vẫy tay về phía tôi, mái tóc đen bị gió thổi tung, giống như cánh buồm trong gió.


/69

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status