Người Bình Xuyên

Chương 26: TỚI BẾN TRE BA DƯƠNG TỬ TRẬN NĂM HÀ KỂ CHUYỆN THIÊN ĐỊA HỘI

/74


Đầu năm 1946, Ba Dương triệu tập hội nghị tại Rạch Su trình bày việc đưa quân xuống tăng cường chiến khu Bến Tre, tiếp cứu mặt trận An Hóa - Giao Hòa bị Tây uy hiếp nặng.

Theo lệnh Khu trưởng Nguyễn Bình, Ba Dương chỉ thị cho các bộ đội chọn đơn vị có thành tích lập liên quân đi Bến Tre. Đích thân ông chỉ huy đại đội Tân Thuận trong chuyến đi này.

Năm Hà được giao trọng trách thủ trại.

Bây nhờ nhằm cuối tháng chạp, Tết cũng gần kề. Nhiều người ngại đánh giặc trong mấy ngày giáp Tết, nhưng không ai dám nói ra.

Tại Nhà Tròn, xã An Thới Đông, các cánh quân Nhà Bè, Tân Thuận, Tân Quy, Thủ Thiêm tổ chức ăn Tết trước đồng bào ba ngày. Đây là một cái Tết khó quên giữa sông cái mênh mông và rừng xanh chằn chịt. Khung cảnh giống hệt vùng Lương Sơn Bạc.

Tám giờ đêm 30 Tết, tất cả vượt sông Soài Rạp, theo vàm Bao Ngược tới đóng quân ở xã Tân Dân trước bốn giờ sáng mùng một Tết Bính Tuất. Vừa đi vừa đánh tạo khí thế. Cánh Nhà Bè đánh Cần Giuộc, cánh Tân Thuận đánh Cần Đước, cánh Tân Quy đánh Chợ Trạm. Ngày hôm sau, các cánh tới Bình Phục Nhứt trong quận Chợ Gạo. Dù mệt nhoài anh em vẫn đào công sự phục kích địch trước khi hành quân vô tỉnh Bến Tre. Nhưng đến bờ Nam Cửa Tiểu thì được tin mặt trận An Hóa Giao Hòa đã mất. Bộ chỉ huy quyết định kéo qua xã Châu Bình đánh đoàn tàu ghe thực phẩm. Ba Dương đích thân chỉ huy cánh quân Tân Thuận phục kích tại ngã ba Giồng Trôm, sau đó rút về xã Bình Khương. Mối quan tâm của Ba Dương là lập liên quân.

Khi kéo đại bộ phận xuống Gò Công gặp bọ đội Hai Lung, Ba Dương đề nghị thống nhất lực lượng. Hai Lung là con nhà giàu làm nghề lưới biển bị phá sản. Đang học ban tú tài, anh xin qua học trường Bá nghệ để sớm đi làm kiếm sống. Tốt nghiệp, anh bị bắt đi hạ sĩ quan trong đại đội 7 lính thợ pháp thuộc địa (ème Compagnie d’Ouvriers d’Artillerie Coloniale - COAC). Đến lúc Nhật đảo chánh Pháp, Hai Lung trốn về Gò Công và được giao chỉ huy quân đội Cộng hòa tự vệ, lực lượng trên ba trăm quân. Anh rể Hai Lung là Maurice nhắn Hai Lung về giữ chức phó tỉnh trường, nhưng Hai Lung viết thư nói rõ mỗi người một mặt trận. Đất ai nấy giữ. Đơn vị của Hai Lung có điểm đặc biệt là bộ ba chỉ huy đều là cựu học sinh trường máy do Tây đào tạo, đó là trường Kỹ nghệ thực hành. Hai chỉ huy phó của Hai Lung là Ba Trứ và Ba Hậu.

Tới Bình Đại, Ba Dương triệu tập hội nghị bàn về phối hợp lực lượng giải giới Đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp đã có hành động quân phiệt làm nhân dân ta thán. Đến dự có Hai Lung, Trương Văn Giàu, Bùi Sĩ Hùng. Trương Văn Giàu là chỉ huy Cộng hòa Vệ binh, Bùi Sĩ Hùng là sinh viên y khoa. Đang hội nghị tại Giao Hòa thì nghe tin Tây sắp tấn công. Hai Lung dàn quân nghênh chiến, còn Ba Dương rút qua sông Ba Lai đóng tại Châu Phú theo kế hoạch đã định.

Hai chiếc Xpít-phai (Spitfire) lên bắn phá dọn đường cho bộ binh. Trong lúc chưa đào phòng tuyến, Ba Dương chạy ra cây rơm sau nhà trú quân. Ông xoay quanh cây rơm vừa tránh đạn vừa ra lệnh cho đơn vị tản khai. Không may trúng đạn tử thương. Cái chết bất ngờ của Ba Dương khiến lực lượng Bình Xuyên trên đường hành quân xa phải quay trở về.

Ăn Tết được vài ngày, Năm Hà đang ở Tam Thôn Hiệp thì trình sát thuộc đại đội 2 chi đội 3, tốc xuồng về báo tin buồn: "Anh Ba Dương tử trận ở Bến Tre rồi anh Năm ơi!". Tin như sét đanh bên tai khiến mọi người bàn hoàng. Năm Hà nhớ lại ngày ra đi, anh Ba dặn riêng: "Chú phải giữ kỹ anh em, đừng để chúng xách súng đi lung tung. Bây giờ mình là bộ đội cách mạng rồi". Càng suy ngẫm, càng thương tiếc không nguôi…

° ° °

Cũng trong khoảng thời gian đó, Chi đội 2 mất vị chỉ huy. Trong cuộc càn tại Rạch Mới, Từ Văn Ri trúng đạn khi băng qua rạch. Năm Chảng lên năm quyền chỉ huy.

Lúc này cũng là lúc Pháp đang cho các giang đỉnh càn quét. Năm Hà và đội chỉ huy của Bảy Rô rút vô Tam Thôn Hiệp. Trời mưa dầm dai dẳng, gió rít từng cơn, dưới sông Lòng Tàu nước cuộn sóng, xa xa nghe tiếng máy màu tuần xình xịch lúc xa lúc gần. Năm Hà cùng anh em rút vô ngôi đình gần bờ sông cái, lòng buồn không thể tả. Trong đời giang hồ của Bảy Rô, chưa lúc nào thấy bi quan như lúc này. Chủ tướng tử trận, lực lượng phân tán, địch càn mạnh, trời như thông cảm tâm trạng của những kẻ thất cơ, sụt sùi mưa gió.

Một lúc sau, tiếng "xình xịch" tàu tuần nhỏ dần rồi im bặt. Tàu đã đi xa rồi nhưng cơn mưa vẫn còn rả rích lê thê. Bảy Rô vốn tánh hiếu động, nhìn quanh thấy ông từ đang nấu nước pha trà. Anh đến gạ chuyện:

- Bác năm nay được mấy mươi? Trụ trì tại đình này từ bao giờ? Đình này thờ thần nào vậy?

Ông từ nhìn Bảy Rô rồi thong thả trả lời:

- Năm nay tôi đúng lục tuần, già rồi nên xin vô đình trông nom nhanh khói để dưỡng già. Vô đây cũng được năm sáu năm. Còn đình thờ ai thì thú thật tôi không rõ, vì ít ai dám mở sắc thần ra xem. À, cách đấy mấy năm, có nhà khảo cổ xin phép mở sắc thần. Theo ông ta, thì đình này thờ các chiến sĩ trận vong của vua Tây Sơn đã đánh cháy thuyền của tên Mạn Hòe. Tên hải tặc này là người Pháp, đánh giặc thuê cho vua Gia Long lúc còn mang tên Nguyễn Ánh. Trận đánh này diễn ra từ nữa Cần Giờ đến Ngã Bảy, trước đây trên một trăm năm mươi năm…

Năm Hà cùng đám Ba Ray, Chín Mập đều xúm lại ngồi quanh nghe chuyện đời xưa. Năm Hà vừa nhắm trà vừa hỏi:

- Ông có phải là người vùng này không?

Ông từ gật:

- Tôi sanh ra tại đây, lớn lên làm nghề chài tại đây và - ông cười hiền lành - chừng chết cũng chôn tại đây…

Năm Hà liền hỏi:

- Từ lâu tôi muốn gặp người địa phương để hỏi về miền đất này. Tại sao lại gọi là Rừng Sác? Có người viết Sác với chữ T, có người viết Sác với chữ C. Cái nào trúng, cái nào sai?

Ông từ lắc đầu:

- Về chữ nghĩa thì tôi không rành. T hay C, tôi không được rõ. Nhưng vùng này thì tôi biết nhiều hơn ai hết vì tôi chuyên nghề chài lưới trên sông. Tôi nghe ông bà cắt nghĩa như thế này: Rừng Sác là rừng nước mặn trên bãi sình lầy. Bởi vậy cho nên có cây Sác, mướp Sác. Vùng này sông rạch lớn nhỏ chằn chịt, nhưng lớn nhất là hai con sông Lòng Tàu, Soài Rạp. Ở đây có rất nhiều tắt tức là những con rạch ngắn nối hai khúc sông rạch khác. Tắt Chàng Hảng nối liền hai sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Chỗ nước xoáy, nguy hiểm cho ghe thuyền đi lại. Có nhiều tên lạ như Ăn Thịt; sau này người ta đọc trẹo là An Thịt, nhưng thật ra là Ăn Thịt. Nơi đây có nhiều cọp, khách thương hồ chết về nạn cọp vồ nên mới có cái tên như vậy. Có nơi mang tên dễ sợ như ngã ba Chó Tru. Chỉ rõ nơi này hoang vắng đến nỗi chó cũng phát sợ… Đi ngược về miệt Long Thành, có nơi cảnh đẹp mang tên là Vũng Gấm. Trời nước long lanh như gấm vóc, nhưng tới đó phải coi chừng… sấu lên như củi mục…

Cả bọn giật mình lè lưỡi vì trước đây, khi chạy Tây, họ đã từng đóng quân tại Bàu Bông, Vũng Gấm, thuộc xã Phước An.

- Tại sao Vũng Gấm có nhiều sấu hơn nơi khác?

Ông từ suy nghĩ một lúc. Mắt ông nhìn đăm đăm bếp lửa như cố tìm hồi ức trong đống tro tàn:

- Ông thân tôi kể chuyện như thế này: Dân Nam Kỳ thích ăn thịt sấu, mà sông cái miệt mình rất hiếm sấu. Có một thằng Tây mãn lính xoay nghề đi buôn. Hắn ta sắm ghê lên Biển Hồ mua sấu chở về Sài Gòn bán. Đi hai ghe nhưng tới miệt Vũng Gấm thì sấu quậy chìm một ghe. Sấu ngày nay có lẽ là sấu chắt của mấy trăm con sấu nói trên.

Năm Hà cười:

- Tôi thì nghe người ta kể khác ông anh. Sông Bến Nghé rất nhiều sấu. Nghé là tiếng kêu của sấu chứ không phải của trâu. Bến Nghé là bến sấu.

Ông từ say sưa nói tiếp:

- Đó là thời xưa. Nhưng khi Tây tới, tàu bè đi lại trên sông tấp nập, sấu hoảng sợ rủ nhau tìm nơi vắng vẻ. Còn cọp thì lúc Tây chưa tới, cọp lền nghển miệt Cần Giuộc. Giữa ban ngày, Tết năm nào tôi quên mất rồi, cọp về tới chợ Tân Kiểng gây náo động. Có một nhà sư tên Tăng An ra tay đánh hổ như Võ Tòng trong Thủy Hử. Hạ được cọp rồi Tăng An cũng chết. Một nhà sư khác tên Tăng Ngộ cũng được bà con Cần Giuộc nhắc nhở về tại võ nghệ tuyệt trần đánh chết cọp.

Ông từ càng nói càng thêm hứng thú. Lâu ngày mới có nguời chịu nghe vốn sống của ông:

- Miệt Lý Nhơn có nhiều chuyện hay. Gần đó có một nơi gọi là Đá Hàn. Tàu lớn đên đây thường bị đụng đá hàn. Nghe nói là Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định đã ra lệnh cho nghĩa quân lên miệt Biên Hòa bắn đá dùng bè đưa về nhận chìm ở đó để ngăn tàu giặc. Mấy ông bà già ưa kể chuyện ngoài Quản Định đã đóng quân ở Lý Nhơn trước khi rút qua Đám Lá Tối Trời.

Đến đây, ông từ vụt cười xòa:

- Còn một chuyện này nữa: Vùng Rừng Sác ăn thông với miệt Chợ Đệm, nơi đây có xóm Ba Cụm chuyên nghề bối đại tài. Thuyền ghe đi qua đầy đều bị bối. Day qua day lại thì nồi cơm bắc trên cà-ràng đỏ lửa biến mất. Bọn bối ở đây lọi dưới nước giỏi như rái cá. Tôi có qua đó mấy lần. Lần nào cũng bị bối. Nhưng mình không hiểu tại sao dân Rừng Sác lại thích nghề lục lâm thảo khấu như vậy.

Ông từ vô tình đặt câu hỏi trước đám lục lâm thảo khấu chánh cống. Mọi người cười rộ. Nhưng sau cái cười vô ý thức đó, một chút đắng cay chua chát làm tê đầu lưỡi. Lão giữ đình đã khêu gợi vết thương lòng. Cả quãng đời cơ cực, tủi nhục hiện ra trước mắt họ. Sanh ra với hai bà tay trắng, họ phải bán sức lực để đổi láy bát cơm. Làm tá điền thì bị chủ đất coi như toi mọi.

Bảy Rô không thể nào quên những lời thủ thỉ của vợ mới về nhà chồng. Vợ anh đã kể lại chuyện đi Tết nhà tên chủ đất lúc chị mới lên mười. Nhà nghèo, cô bé phải mượn ái dài đi mừng tuổi chủ đất. Ba má phải mượn tiền trả góp để mua một ký hồng tươi, một cặp rượu chát cho con xách qua cúng ông bà tên chủ đất. Mới mười tuổi, nhưng cũng đã sơm biết căm tức, cô bé muốn bóp nát những trái hồng tươi, muốn đập tan hai chai rượu quý thay vì đem nạp cho vợ chồng tên ác độc khốn khiếp. Điều làm cô bé bất bình nhất là sau khi dâng quà Tết, phải lên nhà thờ lạy đủ hai mươi bốn bà thờ không sót một cái rồi mới đến chúc thọ ông bà chủ đất. Lòng căm thù ấy đã lây qua Bảy Rô; khi theo Mười Nhỏ, hễ nghe nói "đi hát" "ăn hàng" bọn điền chủ, là Bảy Rô tán thành ngay…

Đó là số phận của những người theo nghề nông. Còn những kẻ ra thành thị làm phu khuân vác thì bị nạn cặp rằn, cai thầu, đứng bên chuyên ăn chặn, ăn xới, ăn bớt trên mồ hôi nước mắt người lao động. Đó là chưa kể đến quán nhậu, tiệm thuốc, sòng bạc và nhà thổ. Không đủ tiền đóng thuế thân, họ phải sống theo kiểu "dân lậu", như thằng Chơn, thằng Chó ơ xóm "săn-chê" - Đã là dân lậu thì không được vào hương chức hội tề, không được dự tiệc đình làng, không được kiện cáo bất cứ ai, dù kẻ đó hà hiếp, áp bức mình. Trong hòan cảnh đó, không làm nghề lục lâm thì làm nghề gì để sống cuộc đời đáng sống?

Bảy Rô toan trả lời, nhưng ông từ đã đi lấy nước mưa cho bình trà thứ hai. Để thay đổi không khí, Bảy Rô đề nghị Năm Hà kể chuyện "đi hát":

- Có vụ nào làm cho làng lính Tây tà khiếp vía không anh Năm?

Năm Hà mỉm cười:

- "Đi hát" không phải là nghề của tao… Tuy vậy tao cũng biết chút đỉnh. Vùng Rừng Sác này rất thuận tiện cho giới lục lâm làm ăn. Đây là yết hầu của thành phố. Tàu buôn nước ngoài theo ngã Lòng Tàu vô Sài Gòn. Ghe thuyền từ Nam Vang hay lục tỉnh theo ngã sông Soài Rạp vô Chợ Lớn, cho nên các con kinh Cây Khô, Rạch Đỉa, Rạch Bàng ngày đêm tấp nập thuyền bè. Có những đoàn ghe chài hàng chục chiếc chở gạo, heo, bò, do tàu kéo chạy qua miễu Ông, rúc còi liên hồi nghe thật vui tai. Miễu Ông đây là miễu thờ Cá Ông, chứ không phải là thờ Ổng Bổn…

- Ông Bổn là ai vậy anh năm? - Chín Mập hỏi.

- Vùng này rất nhiều người Tàu, phần lớn là người Tiều. Họ qua đây trong nhóm mấy nghìn người "phù Minh diệt Thanh". Ông Bổn là nhà hàng hải Trịnh Hòa, chỉ huy đoàn thương thuyền trên 200 chiếc. Trịnh Hòa được thờ như vị phúc thần gọi là Tảm Bảo Công, Bổn Đầu Công, gọi tắt là ông Bổn. Sống ở đây, người Tàu vẫn quên lề thối cũ là lập hội kín, mà nổi tiếng nhất là Thiên Địa Hội. Có hai nhóm, Nghĩa Hưng - gọi là Kèo xanh và Nghĩa Hòa gọi là Kèo vàng. Nghĩa Hưng là của người Phước Kiến, còn Nghĩa Hòa là của người Triều Châu (Tiều). Có chuyện buồn cười là dân mình cũng vô Thiên Đại Hội của người Tàu. Không ai đâu xa chính ông thân của tao đây. Ông ở nhóm Nghĩa Hòa "Kèo vàng". Hồi đó tao còn nhỏ nhưng nghe lỏm các cuộc họp kín, còn nhơ tới bây giờ. Khách tới nhà luôn luôn xách dù. Dù không chỉ che nắng che mưa mà còn để làm ám hiệu. Móc dù ở cán vô trong là có người theo dõi. Đội nón cũng để làm ám hiệu. Nón úp thì ở lâu, nón ngửa thì đi liền. Nếu đi ghe thì chiếc gàu úp trên cần bánh lái là ám chỉ chủ ghe là người trong hội. Về sau tụi lính kín biết các mật hiệu, giả dạng hội viên để thâm nhập bắt bớ. Đằng mình cũng rút kinh nghiệm, hễ thấy khả nghi là truy tới cùng. Có nhiều cách truy. Chẳng hạn như quẹt một lúc năm ba que diêm cho lửa cháy phừng phừng lên, nếu là hội viên thứ thiệt thì khách sẽ đọc mấy câu thơ:

Hòn núi Diệm Sơn rất nêu cao,

Trực nhìn thấy ngọn lửa hỏa hào

Liều mình bước đại qua ngọn núi

Được gặp hiền lương kết nghĩa hào.


Ba Bay liền hỏi:

- Nếu gặp thứ giả thì sao hả anh Năm?

Năm Hà làm dấu chém gió. Ba Bay cười lớn:

- Cho "mò tôm" hả anh Năm? Hay quá!

Nhưng Bảy Rô nhắc lại đề nghị của mình:

- Anh Năm nói lòng dòng mà chưa kể chuyện "đi hát"…

Năm Hà cười:

- Không đi lạc đâu. Đi lòng vòng rồi cũng tới đó. Ông bà mình biết Thiên Địa Hội là của người Tàu, nhưng cũng vô để lần lần lái mục tiêu đấu tranh về phía mình là đòi Tây trả lại đất nước mà chúng đã chiếm từ thời Gia Long, Minh Mạng… Hồi nãy mày hỏi có trận "đi hát" làm làng lính Tây khiếp vía, tao trả lời đây nè. Có chớ! Có tới hai vụ chớ không phải một. Không phải đánh bọn nhà giàu mà đánh ngay thằng Tây. Đó là chuyện đời xưa do ông thân tao kể lại. Vụ thứ thứ nhất là vụ Phan Xích Long phá Khám Lớn năm 1913 và vụ thứ hai là vụ Tư Mắc phá Khám Lớn năm 1916. Hai tay này chịu ảnh hưởng Thiên Địa Hội, huy động nông dân các vùng ngoại thành, xuất phát từ Cần Giuộc, Cần Đước và các quận lân cận, nổi lên cướp chính quyền xưng bá đồ vương. Có đến năm sáu trăm người mặc áo đen quần trắng, đeo bùa, xuống đường với võ khí thô sơ. Tây thằng tay đàn áp và sau đó xử bắn một lúc năm mươi mốt người để khủng bố tinh thần dân chúng. Nhưng trái với sự tính toán của Tây, chúng càng khủng bố dân càng căm thù càng làm tới. Dân Bình Xuyên mình mang ít nhiều dòng máu của Phan Xích Long và Tư Mắc.

Bảy Rô nhắc lại câu hỏi:

- Đó là chuyện đời xưa… tụi tôi muốn nghe những vụ đánh cướp ác liệt nhất gần đây…

Cả bọn hưởng ứng:

- Phải đó. Kể đi anh Năm.

Năm Hà gật gù:

- Theo tao thì vụ đánh cướp đáng kể ở Sài Gòn, Chợ lớn là vụ đánh cướp sòng bạc của Sáu Ngọ. Cách đây mười nằm, Sài Gòn Chợ Lớn có hai tay chứa cờ bạc nổi tiếng, đó là Sáu Nhiều và Sáu Ngọ. Sáu Ngọ là tay giao thiệp rộng, vô dân Tây, lấy tên là Paul Daron, bỏ tiền ra mua hết lính ở Sài Gòn, làm ăn suôn sẻ, dân cờ bạn an tâm lui tới sát phạt. Chỉ có một lần tên chưởng lý mới đổi tên là Lafrique quyết tâm dẹp sòng bạc ngày càng thách thức chính quyền, không coi luật pháp ra sao hết. Muốn đóng cửa sòng bạc Sáu Ngọ, tên chương lý phải vận động đưa lính từ Mỹ Tho về, vì lính ở Sài Gòn đều "ngậm xôi chùa" của chủ sòng bạc. Đó là về mặt cò bót lính tráng, còn về mặt du đãng, ăn cướp, Sáu Ngọ nuôi một tiểu độii "mặt rằn mặt rện" từng can án đâm thuê chém mướn để trị bọn lưu manh trà trộn vào sòng bạc giở trò giật dọc…

Vậy mà Bảy Viễn đánh được sòng bạc này mới hay. Bảy Viễn giả làm tay cờ bạc, nhiều lần lui tới để nghiên cứu đường đi lối về. Sòng bạc Sáu Ngọ là một vi-la bánh ếch, chung quanh có rào sắt cao khỏi đầu. Tại cổng ra vào duy nhất có nhà gác do bọn bảo vệ canh giữ. Ở dãy nhà sau dành bồi bếp, luôn luôn có một đám vệ sĩ, sẵn sàng chạy lên can thiệp khi có báo động. Tụi này võ trang dao bảy và dao găm. Thời đó Tây cấm ngặt sắm súng. Sòng bạc của Sáu Ngọ gồm đủ các tầng lớp xã hội, giới sang có bác sĩ, kỹ sư, phủ huyện, giới trung lưu có thầy thông, thầy ký, giáo viên, giới hạ lưu cũng có cai thầu dắt mối… Có nhiều thứ chơi nhưng phần đông chỉ "mặn" món me. Chỉ có bốn cửa, yêu, lượng, tam, túc mà thiên hạ mê tới bán vợ bán con, gia đình tan nát. Sau khi nghiên cứu xong, Bảy Viễn chọn ngày lành tháng tốt ra quân. Ngày lành là ngày thiên hạ lãnh lương, bóp phơi no nóc. Cùng đi với Bảy Viễn có ba đệ tử ruột, một ngồi ngoài xe, đến giờ hành động là rồ máy chờ sẵn. Lúc đó Bảy Viễn có nhiều xe hơi cho thuê, gọi là xe "lôcaxông". Còn các tên kia thì tới trước Bảy Viễn, mỗi tên thủ sẵn trong túi môt bao vải. Bảy Viễn ăn mặc sang trọng, áo ba túi ngắn tay, miệng ngậm xì-gà, đi xe bóng loáng. Bọn vệ sĩ trông thấy là mở banh cửa sắt, chào hỏi tử tế.

Bảy Viễn chọn một chỗ tốt trong sòng me. Ở chỗ này anh ta có thể làm chủ tình hình phía trước mặt, còn phía sau lưng đã có hai thằng đệ tử bảo vệ. Khi mọi người hoàn toàn chăm chú vào tên "phá hỏa" đang cầm chiếc đưa gạt các hột me từng chùm bốn hột, thì Bảy Viễn nhanh tay quơ hết tất cả các xấp tiền gom lại thành đống, đạp dưới chân, đồng thời móc súng đuổi tất cả lùi về phía trước, tấn vô vách. Tức thì hai tên đệ tử nhào tới hốt tiền tuôn vào bao đầy nhóc rồi chạy ra xe. Lúc bây giờ bọn vệ sĩ đã được báo động chạy túa lên nhà trên, nhưng Bảy Viễn nhanh chân rút lui, súng vẫn chỉa vào đám đông, chân đi thụt lùi về phía cửa. Lúc này hai tên đệ tử đã vứt hai bao tiền vô xe và chạy trở vô yểm trợ cho Bảy Viễn rút lui an toàn. Xe đã nổ máy chờ sẵn. Cả ba vừa nhảy lên là vọt nhanh, tiếng bánh xe rít trên đường tráng nhựa nghe đến ê răng. Bọn vệ sĩ chạy túa theo chỉ kịp hít bụi và khói.

Bảy Rô kêu lên:

- Đúng là ăn cướp kiểu Bách Sa Mi, Hoàng Ngọc Ẩn…

Năm Hà gật gù:

- Đúng vậy. Người ta nói Bảy Viễn là ăn cướp chợ còn Mười Trí là ăn cướp vườn, nghĩa là vẽ mặt mầy rằn rện để dọa thiên hạ…

Ba Bay tham lam:

- Anh Năm kể vài vụ cướp của Mười Trí đi..

Năm Hà khoát tay:

- Để bữa khác! Chuyện của Mười Trí thì phải kể dài dòng, nếu có ai chịu khó ghi chép thì cũng thành một cuốn sách dầy mấy trăm trang, đọc hòai không thấy chán…


/74

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status