Rất nhanh đã tới cuộc thi vật lý quốc gia của cấp trung học.
Đấu vòng loại là do các trường tự tuyển chọn, theo ý của sư gia thì “Coi như có, coi như đi ngang qua sân khấu mà thôi chứ ai có thể thi, ai không mọi người đều biết rõ rồi.”
Mỗi trường cũng chỉ có ba suất tham dự cuộc thi cấp tỉnh, trong đó có hai cái tên là do song hùng của khối 11 thầu rồi.
Từ Vãn Tinh phì phì hỏi: “Này Vu Khánh Khánh, cậu không thể chọn cái tên nào dễ nghe hơn hả?”
Mập Mạp không phục nói: “Vật lý song hùng thì làm sao? Tôi còn chưa gọi hai người là ‘sống mái song sát’ đã là nể tình lắm rồi.”
Sau đó đương nhiên cậu ta bị Từ Vãn Tinh tẩn ra bã.
Giây tiếp theo có đứa cùng lớp từ văn phòng về gào loạn lên: “Từ Vãn Tinh, sư gia tìm cậu kìa, lên văn phòng ngay!”
Sau đó cậu ta lại quay đầu vào lớp rống lên: “Kiều Dã, cậu cũng đi, sư gia tìm hai ngươi!”
Từ Vãn Tinh quay đầu lại nhìn Kiều Dã nhướng mày, hai người một trước một sau đi xuống lầu đến văn phòng giáo viên.
Xuân Minh nói với Mập Mạp: “Cái tật của cậu chính là ở chỗ đầu óc ngu quá, đặt cái tên cũng bị tẩn.”
Mập Mạp: “Rõ ràng tôi khen Vãn Tinh học vật lý tốt —— nói thế thì cậu đặt cái tên dễ nghe xem nào.”
Xuân Minh nhàn nhạt nói: “Gọi là gì chả được lại cứ phải vật lý song hùng với cả sống mái song sát, lệ khí quá nặng.
Cậu nên nói là người đẹp và quái vật (mỹ nữ cùng dã thú), vừa vặn trong đó còn có một chữ trong tên Kiều Dã.
Chờ Từ Vãn Tinh trở về cậu nói tên này cho cậu ta nghe xem cậu ta có vui mừng hay không.”
Mập Mạp cực kỳ kính nể nghĩ: Mẹ nó, đây mới là mẫu mực, là vua nịnh nọt của cả đám.
La Học Minh tìm Kiều Dã và Từ Vãn Tinh đương nhiên là vì chuyện thi vật lý quốc gia.
Tuy nói đây là chuyện của Trương Vĩnh Đông nhưng thân là chủ nhiệm lớp ông cũng cần phát huy trách nhiệm quản lý bao quát.
Hơn nữa ông còn làm được đến hô mưa gọi gió, làm như mình mới là thầy vật lý không bằng.
“Hôm nay vào tiết tự học buổi tối nhà trường sẽ phát một bộ bài thi do thầy cô trong trường ra đề, coi như sơ tuyển.
Hai đứa làm cho đàng hoàng, nghiêm túc, phải lấy được tiêu chuẩn đi thi có biết chưa?”
Trương Vĩnh Đông ở bên cạnh gật đầu như đảo tỏi: “Tổng cộng chỉ có ba suất, lớp mình có hai thì người khác chắc chắn sẽ không phục cho nên hai đứa viết cho tử tế, lấy thực lực ra mà đối đáp để đám người kia không thể nói được gì.”
Ý này chính là không cần biết ngày thường hai đứa học giỏi vật lý thế nào nhưng vào thời khắc mấu chốt này không ai hỗ trợ được đâu, hai đứa phải tự mà làm cho tốt.
Kiều Dã lời ít mà ý nhiều gật đầu đáp: “Em đã biết.”
Thiếu nữ bên cạnh vẫn cà lơ phất phơ đứng đó ngoáy tai thế là bị sư gia trừng mắt quát: “Còn em thì sao, Từ Vãn Tinh, có nghe rõ chưa?”
Từ Vãn Tinh nắm lỗ tai chìa về phía ông hỏi: “Lỗ tai em lớn thế này còn không nghe rõ sao?”
Giây tiếp theo cô bị sư gia không khách khí đập cho một phát trong tiếng cười ha ha của Trương Vĩnh Đông thế là cô vội co giò chạy về lớp.
Vì thế lúc còn cách kỳ thi giữa kỳ một ngày Trương Vĩnh Đông ôm một chồng bài thi đến lớp vào tiết tự học buổi tối và nói: “Hôm nay chúng ta làm bài kiểm tra vật lý đột xuất.”
Cả lớp kêu khổ thấu trời: “Ngày mai đã phải thi giữa kỳ rồi sao hôm nay còn thi đột xuất nữa vậy!”
“Đề tương đối khó, coi như luyện tập, làm được thì làm không làm được thì coi như cho biết.” Trương Vĩnh Đông phớt lờ tiếng oán thán dậy trời mà phát bài thi xuống, cuối cùng dừng mắt nhìn một góc phòng học, nơi ấy có bóng dáng vật lý song hùng, “Tuy nói không phải thi thố gì nhưng mọi người cần nghiêm túc làm bài, lần này thi là để chọn ba đại diện đi tham gia cuộc thi tỉnh, cuối cùng sẽ tham gia chung kết vật lý cả nước.”
Bài thi được truyền xuống từ bàn đầu tiên, phòng học vang lên tiếng sột soạt, tất cả đều là thở ngắn than dài.
Lúc bài thi được truyền cho Kiều Dã thì Từ Vãn Tinh cong môi nói: “Từ lúc này chúng ta chính thức tranh hùng hả?”
Kiều Dã ngước mắt nhìn cô cười nhạt: “Xin tiếp chiêu.”
Tục ngữ nói rất đúng, đóng cửa đánh chó, muốn đào bẫy thì phải bẫy người nhà trước (phải không?).
Mấy ông thầy vật lý ra đề đúng là không đơn giản, một nửa đề đều khó nhăn răng, một nửa còn lại thì đầy bẫy.
Tưởng là đề cơ học à, xin lỗi nhé, giải được một nửa mới phát hiện phải dùng nhiệt học giải thích.
Tưởng là bài sơ đồ mạch điện phổ thông, nhưng không, đó là mạng nhện, bốn phương thông suốt, hoa hết cả mắt.
Từ Vãn Tinh dồn hết sức lực, mới đầu trong lòng cô đều là “ông đây không thể bại bởi tên này được”, nhưng sau đó cô nhanh chóng đắm chìm trong tình yêu thương nhiệt tình với kiến thức.
Lúc này chỉ còn “Đề bài chết tiệt, tưởng làm khó bà à, nằm mơ đi”.
Đêm đầu đông có rất nhiều học sinh nhìn đề rồi như lọt vào sương mù, thi thoảng xoa tay hà hơi cố sưởi ấm trái tim băng lạnh vì thời tiết và vì đề vật lý.
Nhưng Từ Vãn Tinh càng viết càng chú tâm, tay và đầu nhanh chóng xoay chuyển, trán còn thấm một tầng mồ hôi hơi mỏng.
Có đôi khi cô cảm thấy tốc độ tay không theo kịp tốc độ não, giấy nháp thay hết tờ này tới tờ kia mà vẫn không viết xong ý nghĩ trong đầu nên cô chỉ có thể ngoáy đại khái.
Cuối cùng cô nhanh chóng viết vào bài thi những bước giải đề quan trọng sau đó trực tiếp điền đáp án.
Đề thi học sinh giỏi vật lý khác đề thi bình thường.
Học sinh không cần giải đề tỉ mỉ mà chỉ cần liệt kê nguyên lý và một bước tính cuối cùng rồi ra kết quả là được, như thế cũng không sao.
Lúc này Trương Vĩnh Đông đứng trên bục giảng cúi đầu nhìn đồng hồ nói: “Đã hết giờ, mọi người nộp bài thi đi, từ cuối chuyển lên trên.”
Lúc này Từ Vãn Tinh mới như tỉnh mộng trở về không khí thu đua trong lớp.
Móa, lúc kiểm tra lại bài cuối lần thứ 2 cô phát hiện mình rẽ nhầm hướng, vì thế vội tính toán lại lần nữa trên nháp và chưa kịp viết vào trong bài thi!
Cô không chút nghĩ ngợi gạch lời giải ban đầu đi sau đó điền kết quả cuối cùng vào chỗ trống.
Giây tiếp theo người sau lưng nhẹ gõ lưng ghế của cô rồi chuyển bài thi lên.
Từ Vãn Tinh đón lấy sau đó liếc nhanh một cái và phát hiện Kiều Dã cũng đã làm xong cả bài thi, chẳng qua lúc nhìn tới bài cuối cùng ——
Hế, đáp án của hai người không giống nhau!
Cô dừng một chút, đọc nhanh như gió lời giải của cậu, khóe môi cong lên.
Kẻ ngồi phía trước nhắc nhở cô: “Từ Vãn Tinh, chuyển bài thi lên.”
“Ok.” Cô đưa bài thi qua sau đó quay đầu lại nhìn Kiều Dã.
Vốn cô định nói cái gì nhưng trong lòng vừa động đã nhịn xuống.
Sau khi suy tư cô cười hì hì nói, “Nếu là thi đấu thì có phải có hình phạt chứ nhỉ?”
Kiều Dã: “Cậu muốn hình phạt gì?”
“Ví dụ như nếu thua phải gọi ba ba, khom lưng ba lần hoặc dập đầu mấy cái gì gì đó?”
Kiều Dã trầm mặc một lát mới hỏi: “Mấy người đều dùng loại quy củ này trên giang hồ sao?”
Từ Vãn Tinh xì một tiếng phì cười sau đó thong thả lắc lư nói: “Như vậy đi, đấu vòng loại, đấu bán kết và trận chung kết, coi như có ba lần thi đấu.
Mỗi khi thua một vòng thì kẻ thua phải đồng ý một điều kiện của người thắng.”
“Điều kiện gì?”
“Tôi còn chưa nghĩ xong, cho nên mới nói là điều kiện chứ không nói cụ thể cái gì.” Cô nhìn Kiều Dã cảnh giác thì biết mình rào trước quá nhiều khiến cậu ta băn khoăn vì thế dứt khoát tiêu sái lên kế hoạch, “Cậu đừng sợ, tôi sẽ không bắt cậu gọi ba ba hay linh tinh gì đó.
Cùng lắm nếu tôi thắng sẽ để cậu xách cặp cho tôi một tháng, hoặc mời tôi ăn một bữa thật ngon.
Này thì được đúng không?”
Kiều Dã lười biếng nói: “Chỉ cần tôi làm được thì ok.”
“Vậy một lời đã định.”
“Một lời đã định.”
Từ Vãn Tinh mang vẻ mặt hớn hở, trong lòng còn phải nỗ lực nén vui mừng như điên.
Ha ha ha ha ha, vòng thứ nhất cô thắng chắc rồi! Lúc đọc qua đáp án của cậu cô đã phát hiện thằng nhãi này nghĩ giống hệt cô lúc đầu, cuối cùng rơi vào bẫy của Đông ca, ha ha ha ha!
Không, bình tĩnh, đừng cười.
Cô phải giả vờ tiếp!
Còn Kiều Dã nhìn cái gáy tràn ngập tự tin của cô thì bật cười.
Cô chỉ lo đảm bảo sẽ không đưa ra bất kỳ yêu cầu gì quá đáng với cậu nhưng lại không hề suy xét liệu cậu sẽ đưa ra yêu cầu nào quá đáng không…… Đây là vì cô tự tin mình sẽ thắng hay có tin tưởng với nhân phẩm của cậu vậy?
Kiều Dã suy nghĩ cái gì Từ Vãn Tinh không thể biết hết, cô vẫn đắm chìm trong vui sướng lần đầu tiên giành được chiến thắng.
Mãi tới 5 phút sau chuông tan học vang lên, cô cõng cặp xách lên định đi ra ngoài thì bỗng nhiên bị Kiều Dã gọi lại.
“Từ Vãn Tinh.”
“Hả?” Cô đã đi qua chỗ cậu nên lúc này nghe thấy thì quay lại.
Kiều Dã đưa một cuốn sổ ghi chép cho cô nói: “Cho cậu.”
“Gì vậy?” Cô không hiểu gì mà đón lấy, mở ra thì thấy đó là sổ ghi chép tiếng Anh của cậu, “Hả? Cho tôi cái này làm gì?”
“Nhìn tờ mới nhất ấy.”
Từ Vãn Tinh xôn xao lật tới một nửa thì thấy một tờ bút ký mới viết, đầy cả trang, bao gồm toàn bộ những điều cần chú ý trong môn ngữ văn.
Kiều Dã nói: “Ngày hôm qua cậu hỏi tôi về thưởng thức thơ cổ, nhưng nếu chỉ phân tích một bài thì cũng không giúp được gì cho cậu.”
Thế nên cậu viết hoàn chỉnh một trang, giản lược những tâm đắc của mình.
Chữ viết của cậu trước sau vẫn xinh đẹp, nhưng cũng có thể thấy cậu viết rất vội, có vẻ như đang đuổi kịp thời gian.
Đương nhiên là gấp rồi, sáng mai đã là thi ngữ văn, cậu ta cần đưa cho cô phần ghi chú này trước khi tan học nếu không chính là vô dụng.
Từ Vãn Tinh ngây ra rồi nhìn kỹ phần ghi chú kia và lại ngẩng đầu nhìn Kiều Dã, nỗi vui mừng khi có thể thắng được cậu trong vòng thi thứ nhất đột nhiên tan biến.
Nhưng Kiều Dã vẫn bình tĩnh, chỉ nhìn cuốn sổ trong tay cô và nói: “Phía trước là trọng điểm ngữ pháp tiếng Anh của nửa học kỳ, cậu đại khái nhìn một cái là đủ thấy.
Với thói quen ra đề của cô Trương thì đa phần sẽ ra đề vào mấy phần này.”
“……”
Từ Vãn Tinh cầm cuốn sổ ghi chép của cậu, trong thời gian ngắn cô không biết phải nói gì.
Nhưng hiển nhiên là Kiều Dã cũng không cần cô nói gì.
Sau khi nói xong chuyện muốn nói cậu xách cặp lên đi ra ngoài, miệng ném lại mấy chữ: “Tôi đi trước.”
“Này?” Cô nhìn bóng dáng cậu biến mất ở cửa chính thì há miệng sau đó phát hiện mình còn quên cả nói lời cảm ơn.
Chữ của Kiều Dã giống hệt con người cậu ta, sạch sẽ, hàm súc.
Việc giám định và thưởng thức thơ cổ là đề bắt buộc phải có trong đề thi đại học.
Nó chiếm 8 phần, nếu hiểu được bản chất thì 8 phần này về cơ bản không có gì khó.
Dù sao đây cũng là đề dành cho cấp ba, sẽ không có quá nhiều bài thơ cổ quá tối nghĩa và khó hiểu.
Kiều Dã dùng một trang để viết lại toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức của mình, đúng là có gì nói hết.
Cậu nói nếu chia theo đề tài thì thơ tả núi sông thường nói về niềm hoài cổ, xuân hoa thu nguyệt phần nhiều là nỗi u uất và thương nhớ, thơ về trăng và nước chảy thường về nỗi nhớ nhà.
Còn có bài thơ về cung điện cô liêu vậy đa phần miêu tả oán thán nơi khuê phòng.
Đỗ Phủ là người lòng mang thiên hạ, hay lo lắng vì nước vì dân rồi lo cho cuộc sống của người bình thường.
Thi tiên Lý Bạch thì hay nói về núi sông rự rỡ, phong cảnh tráng lệ.
Cậu nói về phong cách thơ Đường đa số là cả nhà vui vẻ, khí thế thản nhiên.
Thơ Tống thường uyển chuyển đau buồn, dùng lời thơ diễn tả u sầu.
(Truyện này của trang Rừng Hổ Phách, những trang khác đăng truyện đều là đi ăn cắp.
Mọi người muốn đọc nhiều truyện hay đề nghị ghé thăm trang web: runghophach.com!) Lúc phân tích tốt nhất nên kết hợp bối cảnh thời đại, xem quốc gia lúc ấy có cường thịnh hay không, chủ nghĩa lãng mạn có thịnh hành hay suy yếu.
Còn nếu đất nước suy vong, thì thi nhân theo chủ nghĩa hiện thực sẽ cảm thán về thiên hạ, vì nước vì dân mà lo lắng.
Cách cục của các bài thơ thời kỳ này đa số thường lấy đau buồn cá nhân để cảm thương nỗi buồn ly biệt của thế gian.
……
Cậu vội vàng viết cả một trang bút ký, đây lại đều là những tri thức cô chưa từng gặp qua bao giờ.
Trên thực tế tất cả những tâm đắc này đều là nỗ lực của Kiều Dã, dù đổi là người khác có nguyện ý đưa cho cô toàn bộ kinh nghiệm thưởng thức và giám định thơ ca trong 2 năm của mình thì cũng không thể so được với ghi chép trong một trang này của cậu.
Trong cái lều ở lầu 2, không biết A Hoa đã nhảy từ nóc nhà xuống từ khi nào mà lúc này nó đang meo meo xin đồ ăn tối.
Có điều Từ Vãn Tinh lại chẳng thèm đếm xỉa gì tới nó.
Cô ngơ ngác ngồi ở bàn, ánh mắt nhìn thật lâu vào trang giấy của cuốn sổ ghi chép, có cảm xúc nói không nên lời dâng lên.
Vì sao cậu ta lại viết mấy cái này cho cô? Không phải quan hệ giữa bọn họ là cạnh tranh ư? Hôm nay còn là ganh đua sấm sét ầm ầm đó, thế mà cậu ta lại chép hết những tâm đắc trong giám định và thưởng thức thơ của mình rồi không hề tiếc rẻ đưa cho cô một cách khẳng khái.
Này, đám học bá các người không phải đều giữ kiến thức bo bo cho mình à? Đến cách giải đề cũng không muốn tiết lộ cho người khác thì làm gì có kiểu một lời không nói đã xì hết cơ mật ra như thế này?!
Trong một nháy mắt Từ Vãn Tinh nhớ tới chút tâm tư nhỏ của bản thân lúc nộp bài thi.
Đột nhiên cô cảm thấy tâm tình tiểu nhân đắc chí kia của cô đúng là ngược lại với sự quang minh sáng rọi của Kiều Dã, thật sự cô quá ——
Quá tiểu nhân mà, òa òa òa.
Cô tự nhủ với bản thân dù vòng thứ nhất này có thắng thì cũng không thể quá phận.
Vốn cô còn nghĩ sẽ bắt cậu ta gọi mình là gia gia ba ngày, nhưng nay thôi chứ còn gì.
Nể mặt đống ghi chú này cô giảm giá, chỉ bắt cậu ta gọi ba ba là được.
Từ Vãn Tinh không thích học thuộc, cũng không thích nhớ từ mới nhưng Kiều Dã đều chắp tay đưa mọi tâm đắc của bản thân cho cô.
Ý thức trách nhiệm lúc này cao như núi đè trong lòng cô, nếu không học tử tế thì đúng là đã phụ tấm lòng của người khác.
Cô ghi nhớ nội dung trên tờ ghi chú kia sau đó mở ngăn tủ lấy ra cuốn 《 300 bài thơ Đường Tống 》đã lâu không đụng tới nên đã dính đầy tro bụi.
Lúc này cô tiến hành việc luyện tập chân chính.
Sớm ngày hát khúc ly ca,
Sương thưa, du tử đêm qua sang đò.
(Lý Kỳ – Tống Ngụy Vạn chi kinh – thivien.net)
Kiều Dã nói “Đề về trăng và nước chảy thì thường là nhớ nhà”, trúng.
Gió xuân mừng chim hót
Bóng hoa rợp ánh trời
Bao năm cô gái Việt
Phù dung hái nhớ người.
(Đỗ Tuân Hạc – Xuân Cung Oán – thivien.net)
Cô nhìn phần phân tích thơ bên dưới thì thấy nói, “Sự cô đơn của cung điện mô tả nỗi oán hận thâm cung”, cũng trúng rồi.
Đầm xa trăng vằng vặc
Núi biếc suối bời bời
Không thấy Thần Mây nhỉ?
Đêm thu xót cảnh trời.
(Mã Đái – Sở Giang hoài cổ – thivien.net)
“Nếu nói tới sông núi thường là hoài cổ”, cô nhìn phân tích và thấy không khác Kiều Dã nói là mấy.
Cô cúi đầu xem tiếp, tay cầm cuốn ghi chú, biểu tình càng ngày càng nghiêm túc.
Kỳ thật cũng không quá khó, ít nhiều nhìn từ tổng kết của cậu thì cô hẳn cũng sờ được chút đường ra phải không?
Trong lúc đắc chí nghĩ lần này giám định và thưởng thức thơ từ hẳn cô sẽ làm khá tốt thì chính bản thân Từ Vãn Tinh cũng không ý thức được không biết từ lúc nào cô đã sinh ra cảm giác hoàn toàn tin tưởng vào ghi chú và con người của Kiều Dã.
Cô không hề do dự mà cho rằng lời cậu nói đều đúng rồi cứ thế lựa chọn tin tưởng một cách đơn giản.
Đêm đầu đông tại Thành Đô rất huy hoàng, ngọn đèn ở hẻm Thanh Hoa lại tản mạn.
Mọi nhà đều đã nghỉ ngơi chỉ trừ ba căn phòng vẫn sáng đèn không tắt, trong đêm lạnh này chúng như trăng sao rạng rỡ.
Trong căn nhà nhỏ hai tầng, Kiều Dã mặc quần áo ở nhà giải bài cuối cùng trong đề thi vòng đấu loại môn vật lý.
Kỳ thật lúc viết ra đáp án cậu đã cảm thấy không ổn, nhưng nhìn đồng hồ chỉ còn lại 6,7 phút nên cậu chỉ đành tạm dừng, không hề nghĩ ngợi lấy vở ra, đặt bài thi qua một bên và bắt đầu viết tổng kết về giám định và thưởng thức thơ từ.
Một nửa đầu tiên của đề thi kia không có vấn đề gì, chỉ có nửa sau có vấn đề.
Mặc dù với mấy bài trước cậu nghĩ mình đã đủ điểm, có thể lấy được tiêu chuẩn thi nhưng cậu vẫn lấn cấn.
Giờ phút này cậu làm lại bài, tính toán trên vở nháp lần nữa để tìm ra đáp án chính xác.
Phía sau rèm cửa Tân Ý đang học bài trong tiếng mắng sa sả của bố mẹ.
“Môn khoa học tự nhiên không tốt thì sao còn không luyện thêm mấy đề nữa đi? Cần cù bù thông minh, người chậm thì phải bắt đầu sớm, dưới ngòi bút chăm chỉ mới sinh ra người tài!”
Tân Ý cứ thế mở từng bộ sách luyện đề ra, mày nhíu chặt lại rồi gấp gáp vùi mình vào cuộc chiến học vấn.
Cô nghĩ chỉ cần nỗ lực hơn, qua một năm nữa thi đại học xong thì mọi thứ sẽ kết thúc.
Từ Vãn Tinh cũng không ngủ, sau khi học xong phần giám định và thưởng thức thơ từ cô lại lật phần ghi chú tiếng Anh ra và đọc lướt thật nhanh.
Thời tiết lạnh, A Hoa không thích chạy khắp nơi trong gió lạnh nên nó lười biếng cuộn tròn trong góc bàn của cô, vừa khò khè vừa thỉnh thoảng ngẩng đầu liếc nhìn cô một cái.
Cô nhóc ngày thường hay thích chơi với nó gần đây không để ý đến nó như trước.
Sau khi chuẩn bị bữa tối cho nó xong cô sẽ ngồi ở bàn không biết là đang làm gì.
A Hoa ngáp một cái, lại thay đổi tư thế và chìm vào mộng đẹp.
Nhân loại luôn bận rộn, vẫn là làm mèo thoải mái hơn.
/50
|