Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 60

/71


Từng tia nắng rơi trên làn da, thấm vào mạch máu, trào dâng trong lục phủ ngũ tạng của cô. Thẩm Hề bắt chước Phó Đồng Văn gạt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán anh ra. Cô phát hiện giữa các ngón tay mình có sợi tóc bạc, lấp ló ẩn hiện, chưa thấy bao giờ.

Thời gian giục giã thiếu niên già, tóc mai chớm bạc trong sớm hôm...

Cô thất thần nhìn sợi tóc bạc của anh, anh chưa nhận ra, vẫn đang chờ đợi câu trả lời của cô.

Bất chợt Thẩm Hề cúi đầu, nơi đây có thế nhìn thấy sảnh kịch dưới tầng, vốn định mượn cớ này để che giấu, vậy mà giọt nước mắt đã đậu xuống giày anh.

Phó Đồng Văn muốn lau nước mắt cho cô, nhưng cô ngoảnh mặt tránh.

"Em không đi..."

Vừa dứt lời lại nói tiếp: "Trước đây em nói rồi, dù anh đuổi em đi, em cũng không đi. Lỗi lầm chồng chất cũng không phải là lỗi của anh. Nếu như cha em còn sống..." Nhắc đến cha, Thẩm Hề không thể nào tiếp tục được.

L0ng ngục bí bách, cô lắc đầu quầy quậy: "Nhà họ Thẩm không có kẻ khờ, anh ba, em không hồ đồ."

Chỉ là cô bị đè nặng bởi quá khứ của Thẩm gia thôi.

Phó Đồng Văn nhìn cô.

Từ lúc Thẩm Hề nhào vào lòng anh vừa khóc vừa tìm thuốc, anh biết cô sẽ không bỏ đi. Nhưng trong lòng anh có nỗi hổ thẹn, không thể ép cô ở lại, càng không thể nài nỉ. Hai người nhìn nhau, như mỗi lần trước đây, bốn mắt không hề né tránh.

"Có gì chúng ta về nhà hẳn nói, nếu không anh Đàm lại rầy rà." Thẩm Hề không muốn để anh biết mình đã nhìn thấy ánh lệ trong mắt anh, cô vờ như nhìn sảnh kịch dưới tầng, bồi thêm câu: "Vạn An phiền phức lắm."

Rất lâu sau cô mới nghe thấy tiếng anh: "Được, về nhà thôi."

Chúng ta về nhà thôi.

Ngôi nhà nhỏ trong phố Lễ Hòa đường Hà Phi chính là nhà của họ.

Nơi ấy có ba người thân thiết không cùng máu mủ ruột rà đang chờ đợi họ. Tầng hai nơi ấy là phòng ngủ của họ, cách bài trí, sắp xếp, ngay cả màn giường cũng giống y hệt noãn các trong căn nhà cũ Phó gia. Chỉ khác là dưới mái nhà có thêm tổ chim én.

Phó Đồng Văn sai người chuẩn bị xe.

Từ Viên có quy định xe hơi không được vào, nhưng cần nhắc phu nhân cậu ba Phó vừa mới đổ bệnh nặng nên phá lệ một lần. Từ lúc xuống tầng cho đến khi ngồi vào hàng ghế sau, xe rời khỏi Từ Viên, Thẩm Hề không hé một lời.

Xe đến đầu ngõ, Thẩm Hề vừa xuống xe liền thấy Virtue cười tươi rói rồi nhảy xuống khỏi chiếc ghế nhỏ, dùng tiếng Trung mới học bập bẹ: "Anh chị về rồi!" Một tay cô ấy cầm cọng hành lá vẫn chưa bóc sạch, tay kia mừng rỡ vẫy vẫy Thẩm Hề, "Về nhà nào, về nhà nào."

Hóa ra trước khi đi, Phó Đồng Văn đã bảo người gọi một cú điện thoại về nhà.

Đàm Khánh Hạng lập tức chuẩn bị cơm trưa, nhiệm vụ bóc vỏ hành được giao cho Virtue. Dù cô nhóc không biết hai ngày nay Phó Đồng Văn đi đâu, làm gì, nhưng thấy sắc mặt Đàm Khánh Hạng nặng nề, cả ngày chỉ ngồi trên ban công là biết ngay có chuyện lớn xảy ra rồi. Bởi vậy nghe nói hai người Thẩm Hề về, Virtue còn vui vẻ hơn cả Đàm Khánh Hạng, nhấp nhổm ngồi trong nhà không xong bèn bê ghế đến đầu ngõ, vừa bóc hành vừa chờ họ.

Virtue cuốn tờ báo đựng rác lại, ôm cả ghế và hành chạy đầu tiên.

Khi Thẩm Hề và Phó Đồng Văn vào nhà, Đàm Khánh Hạng đã lau sạch tay, đích thân ra đón họ. Anh ta có hàng trăm lời muốn nói, nhìn hai người chăm chú, cuối cùng ánh mắt rời sang khuôn mặt Thẩm Hề: "Tôi cứ sợ..." Sợ cô đi thật.

Rồi anh ta chợt cười thoải mái: "Tốt! Như thế này là tốt nhất, tốt nhất rồi!"

Thẩm Hề là tâm bệnh của Phó Đồng Văn, chẳng lẽ không phải là tâm bệnh của Đàm Khánh Hạng ư? Từ lúc ở trên tàu phát hiện hai người có tình cảm, anh ta luôn nơm nớp lo sợ đến ngày này, hối ấy anh ta không hiểu Thẩm Hề, sợ cô sẽ giận cá chém thớt, sợ cô muốn báo thù mà phá hỏng sự nghiệp cách mạng và sắp xếp của Phó Đồng Văn trong nhiều năm qua. Sau này thân thiết với Thẩm Hề hơn, trở thành bạn bè của nhau rồi, anh ta càng sợ cô biết được sự thật vì nó quá tàn nhẫn, đối mặt với kẻ thù của mình, còn là cha và anh ruột của người mình yêu, liệu phải làm thế nào để vẹn cả đôi đường?

Lúc này đây là ông trời ban phước.

Cơ hội tốt nhất, cũng gặt hái được kết quả đẹp nhất.

Đàm Khánh Hạng nở nụ cười, Virtue cười tươi rói, Vạn An cũng cười rạng rỡ.

Thẩm Hề đã khóc mấy ngày nay, giây phút nhìn thấy ba gương mặt hân hoan, phản ứng của cô cũng chậm đi ít nhiều, nhưng nhanh chóng mỉm cười đáp lại.

"Hai người lên tầng đi, mau đi tắm rửa nào." Đàm Khánh Hạng dặn dò Vạn An, "Đừng cười nữa, chăm sóc cậu ba và mợ ba đi, còn muốn nhận lương nữa không hả?"

Trong tiếng thúc giục của Đàm Khánh Hạng, Thẩm Hề theo anh về phòng ngủ.

Sau khi đóng cửa lại, Phó Đồng Văn mở ngăn kéo thứ hai của bàn sách ra, bên trong xếp một chồng thư. Dù ở nhà họ Phó ngày trước hay trong căn nhà này đều có thể bắt gặp những chồng thư được buộc gọn gàng ở bất cứ chỗ nào. Thẩm Hề từng tò mò lật xem một vài bức thư trong phòng sách nhà họ Phó, tất cả đều là thư của những học sinh được anh giúp đỡ, cô cũng đã thấy những bức thư do Cô Ấu Vi viết trong căn nhà này, bởi vậy khi nhìn xấp thư cô không còn quá lạ lẫm.

Nhưng phong thư anh vừa lấy ra là...

"Đây là thư qua lại của cha em và anh." Anh nói.

Phó Đồng Văn muốn cởi ra, nhưng dây thừng buộc trong mười mấy năm đã thành nút chết từ lâu.

Thẩm Hề nhìn đăm đăm những con chữ trên phong thư, sau mấy giây thất thần, cô cầm con dao rọc giấy đưa cho anh. Phó Đồng Văn đón lấy con dao, cắt đứt dây buộc, mở bức thư đặt trên cùng ra, đặt bốn tấm hình bên trong lên bàn.

Tấm thứ nhất chụp cô vào ngày sinh nhật mười tuổi.

Tấm thứ hai và tấm thứ ba không có cô, trong tấm thứ tư có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi, đều là con trai cùng một thế hệ trong nhà họ Thẩm.

Ngón tay cô trượt xuống, cô quên hết rồi, rất nhiều tên và thứ bậc không còn nhớ rõ. Cuối cùng đầu ngón tay dừng lại ở một góc hàng thứ ba sau mọi người, tìm thấy anh hai. Anh đút một tay vào túi quần, đang nghiêng đầu cười nói với anh cả đứng bên, dù không chụp chính diện, nhưng từ nét cười ấy, tựa hồ cô có thể nghe thấy tiếng cười của anh.

Bỗng chốc Thẩm Hề bật khóc.

Hóa ra vẫn còn. Anh hai thấy không, ở nơi anh không biết, vẫn còn một người giữ lại chút gì đó cho em...

Phó Đồng Văn muốn giúp cô lau nước mắt, nhưng cô lắc đầu, khẽ nức nở: "Không sao, em không sao."

Nếu đã khóc rồi, vậy thì hôm nay hãy để nước mắt chảy cạn đi.

Cô nhìn anh hai và mình trong bức ảnh không rời mắt, muốn lên tiếng nói gì đó.

"Tấm ảnh đen trắng này, trong ngày sinh nhật mười tuổi của em, anh hai mời một thợ chụp ảnh người Nhật Bản đến nhà chụp." Cô kể lại, "Anh hai em ấy mà, nếu anh gặp anh ấy, chắc chắn hai người sẽ thành tri kỷ của nhau. Anh ấy từng học ở trường quân đội lục quân Nhật Bản, khi đi học những bạn học Trung Quốc cùng khóa luôn bị người Nhật Bản kỳ thị, đa số đều bỏ học. Cuối cùng trong tốp người ấy chỉ có hai người tốt nghiệp, trong đó có anh hai em."

Sau khi tốt nghiệp trường quân đội, cậu hai nhà họ Thẩm không tham gia quân ngũ mà đi theo con đường kinh doanh của cha.

"Anh ấy làm cách mạng, chắc chắn thế." Thẩm Hề cố gắng nhớ lại tất cả những chi tiết nhỏ nhất, "Anh ấy có một con dao, trên con dao đó khắc hoa, khắc cả chữ "Cộng hòa", em từng thấy nó rồi... trong lúc vô tình."

Những năm cuối triều Thanh, người theo đuổi "cộng hòa" đều thuộc Đảng Cách mạng.

Không thể lầm được.

Anh hai không thích chuyện trai gái, bởi vậy không giống những cậu ấm du học nước ngoài luôn chống đối người nhà mình về chuyện hôn nhân. Lúc còn du học ở Nhật Bản, anh từng viết thư cho cha, tỏ ý trong chuyện này thì nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Sau đó anh và cô tiểu thư ấy gặp mặt lần đầu dưới sự vun vén của ba mai và người lớn trong nhà, ba lần hẹn hò ở nhà họ Thẩm, người làm hai bên đều đi theo.

Sau ba lần, hôn sự được quyết định, chỉ chờ ngày thành thân.

Cô từng lén hỏi anh hai, anh thích cô tiểu thư ấy cỡ nào, anh cười đáp: "Anh hai là người không yêu đương."

Hồi ấy cô không hiểu, bây giờ nhớ lại...

Trên con dao sắc bén khắc hoa.

Trong tim chủ nhân con dao ấy vẫn dịu dàng, chỉ có điều dịu dàng ấy dành trọn cho dân tộc.

Rèm trúc bên cửa sổ được cơn gió thu thổi qua, gõ lách cách vào bệ cửa.

Thẩm Hề nhét từng tấm ảnh vào trong bì thư màu nâu, gấp miệng thư lại rồi xé phong thư thứ hai ra.

Bức thư được lấy ra, cô lưỡng lự không dám mở. Bàn tay nắm chặt tờ giấy rất lâu, ngón tay m0n trớn theo nếp gấp vu0t ve từng tấc giấy, cuối cùng vẫn mở ra. Thật ra cô không quá quen với nét bút của cha, nếu Phó Đồng Văn không nói chắn chắc cô sẽ không nhận ra đây là thư ông viết. Dù là câu cú hay cách dùng từ, cô đều cảm thấy lạ lẫm.

Cậu bạn Đồng Văn:

Việc ngày thường quấn thân, đã lâu không hỏi thăm.

Cậu viết thư đến, tôi mừng khôn xiết. Thế cuộc hiện giờ cách biệt rất lớn, nhưng thực lực quốc gia mỏng manh, sức sống yếu ớt, tôi tiếc cái tài hoa của cậu không thể cống hiến cho cách mạng. Giữa tôi và cậu không có giả dối...

Cô đọc bức thư, tựa như đang đứng trong phòng sách nhà họ Thẩm.

Chim họa mi đang vỗ cánh trong lồng, uống hớp nước, ăn ít thức ăn. Người làm đang cho chim ăn, mài mực, pha trà, cha nhắc bút lên, đứng bên bàn sách, viết thư hồi âm cho người bạn xa ở Bắc Kinh.

Chuyện trao đổi trong thư là thế cục châu Á lúc bấy giờ. Từ thư hồi âm có thể nhận ra khi ấy Phó Đồng Văn đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những điều mắt thấy tai nghe lúc du học ở Anh, càng thêm hy vọng Trung Quốc tương lai có thể học theo nước Anh, bảo vệ hoàng tộc, đi theo thể chế "Quân chủ lập hiến".

Nhưng cha không cho là đúng, trong thư ông thử thuyết phục Phó Đồng Văn.

Cô đọc xong, lại đọc sang bức thư tiếp theo.

Thư từ được Phó Đồng Văn cất giữ rất cẩn thận, sắp xếp theo trình tự thời gian.

Cô lấy từng bức thư ra, cẩn thận đọc từng câu từng chữ, lẳng lặng quan sát cuộc tranh luận lời qua tiếng lại giữa cha và Phó Đồng Văn.

Phó Đồng Văn thấy cô chú tâm đọc, bèn dặn Đàm Khánh Hạng đưa bữa trưa vào phòng ngủ.

Từ bữa trưa đến bữa tối cho đến khi lên đèn.

Xe điện bên ngoài cửa sổ qua lại không ngớt, nhưng cô hoàn toàn không nghe thấy tiếng leng keng. Cô chống cằm, tựa người vào bệ cửa sổ, tì trán lên mép bàn, đặt phẳng bức thư lên đùi để đọc... thỉnh thoảng có chỗ không hiểu cũng nhờ anh giải thích đôi câu.

Ánh đèn đêm sáng ngời kỳ lạ, đèn tường nơi đầu giường không kém là bao.

Cô mới đổ bệnh nặng, đến nửa đêm eo mỏi nhừ không chịu nổi nữa, cuối cùng cầm thư lên giường đọc.

Nội dung và tình cảm trong thư cũng từ hùng hồn sôi nổi, tràn đầy tự tin lúc ban đầu dần dần chuyển thành suy tư chồng chất, âm u nặng nề. Năm tháng đọng lại trong từng trang thư, mang theo sự lo âu nặng trĩu với đất nước, để nỗi buồn càng thêm chồng chất, dường như có thể sụp đổ ngay trước mắt bất cứ lúc nào... Thế rồi cô nhìn thấy phong thư cuối cùng.

Trước khi mở thư ra, Thẩm Hề không thể đoán được cha đã viết bức thư tuyệt bút này thế nào.

Nhưng bất ngờ thay, bức thư rất ngắn, không thảo luận bất cứ chuyện quốc gia nào, đều là kinh nghiệm kinh doanh.

Thẩm Hề lướt mắt tới câu kết:

Ít bữa nữa vào kinh, mong gặp mặt tâm sự. Hy vọng mượn được sức của cậu, hoàn thành chuyện tốt.

Bạn già Thẩm Anh.

Cô biết, "chuyện tốt" này chính là chuyện sau này Phó Đồng Văn đã nói.

Thẩm Hề ngồi tựa vào đầu giường, không muốn cử động, không muốn gấp thư lại... bức thư cuối cùng bình tĩnh đến nhường này, còn mang theo cả sự cầu xin, người cha hơn năm mươi tuổi đã mang tâm trạng nào để chuẩn bị lên Bắc Kinh giao phó hậu sự?

Bức thư được rút khỏi tay, cô choàng tỉnh, đôi mắt sưng đỏ, gắng gượng nở nụ cười với Phó Đồng Văn.

"Em thật sự rất hâm mộ anh... cha hiếm khi có thời gian gặp em."

Thời gian của đời người có hạn, dành cho quốc gia quá nhiều rồi, dành cho người thân sẽ ít đi.

Phó Đồng Văn giúp cô thu dọn những bức thư trên giường, tắt đèn tường, đi dép quay về bên cô, tìm kiếm gương mặt ấy trong bóng tối. Cô không khóc.

"Người ôm nghĩa lớn sẽ tỏ ra lạnh nhạt với người nhà." Giọng anh cất lên trong căn phòng không ánh sáng, "Đừng trách ông ấy".

Thẩm Hề lắc đầu, trả lời anh, cũng là trả lời cha.

Bờ vai tỏa hơi nóng, từ từ bàn tay anh. Cô thuận theo sức của anh ngả đầu xuống gối, trên người đắp tấm chăn bông.

Bóng đêm lặng lẽ bao trùm lấy cô.

Trong mơ màng, cô lẩm bẩm: "Ở nhà họ Thẩm dưới quê còn có từ đường Thẩm gia... có lẽ đã bỏ hoang từ lâu rồi."

Gian từ đường ấy cô đã từng tới, được xây theo kết cấu ba sân, ba lối đi, chín phòng chính và hai sương phòng, gồm mười mấy kiến trúc lớn nhỏ, nổi tiếng bề thế trong vùng. Mười mấy năm nay chắc hẳn đã thành đống hoang phế, hoặc đã thay tên đổi chủ.

Nếu như vẫn còn, cô muốn tự tay đặt bài vị của cha và anh lên bàn thờ trong từ đường, để được con cháu hương khói sau này.

Cha và anh không thể làm ma cô độc phiêu bạt không nơi tương tựa, làm quỷ vất vưởng không tìm thấy đường về.

/71

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status