Mật Mã Tây Tạng

Chương 186: Lịch sử Thánh vực

/235


Buổi tối, cả bọn kéo đến nhà Mã Cát. Nhà cô ở phía Bắc thôn, nằm bên con sông nhỏ, căn nhà không lớn lắm, nhưng được quét dọn rất sạch sẽ. Nhà chia làm hai tầng, có cầu thang độc mộc dẫn lên xuống, hai tầng đều trổ ô cửa sổ nhỏ hướng về phía ánh sáng, chỗ thông phong có bếp lửa. Trong nhà gần như không có đồ đạc gì, chỉ có mấy món đồ thêu đơn giản treo trên tường.

Bữa tối rất bình thường, chẳng có gia vị gì, thức ăn đạm bạc, song cũng đã lâu lắm rồi họ không được ăn thứ gì ngoài lương khô. Cơm nắm, bánh rau dại, một ít nấm ngâm muối hoặc hong khô, trộn với thứ bột cay cay giống như ớt, Mã Cát còn lấy ra một loại thức uống tự chế khá giống rượu gạo, mấy người bọn đội trưởng Hồ Dương đều nức nở khen ngon.

Trong bữa ăn, Trác Mộc Cường Ba hỏi Mã Cát về lịch sử của Thánh vực và tình hình các thôn làng xung quanh. Cô bèn kể lại một lượt những gì mình biết, những truyền thuyết đã được nghe cho họ.

Thánh vực này được ai phát hiện, phát hiện vào lúc nào thì từ lâu đã chẳng còn ai biết được. Chắc là từ rất lâu, rất lâu trước đây, hơn một vạn năm trước, đã có những cư dân nguyên thủy cư trú ở gần núi tuyết phát hiện ra chốn này. Vì nơi này không có gió thốc dữ dội, có thể coi là một ốc đảo giữa vùng băng tuyết, nên lẽ tự nhiên là có người di cư tới đây. Trải qua hơn vạn năm, không biết đã có bao nhiêu bộ tộc thiên di tới. Tính riêng các bộ tộc mà Mã Cát biết, đã có thôn Mã Ba ở gần đây tự xưng là hậu duệ của người Cát, mà người Cát lại phát triển từ người dân tộc Mục mà ra; dân làng Đa Ngưỡng thì cho rằng tổ tiên của mình là người dân tộc Niên đầu sói; các làng Qua Ninh, Na Ninh thì lần lượt là hậu duệ của người Côn Ngô, người Vi; làng Vị Huyết Nhẫn khá lớn mạnh là hậu duệ của bộ tộc Bạch Lang;... gần như mỗi thôn làng đều là một chủng tộc khác nhau.

Pháp sư Á La nghe khá chăm chú, phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc, mấy chủng tộc mà Mã Cát thuận miệng kể ra ấy, không ngờ bao gồm cả những chủng tộc khởi nguyên trong truyền thuyết của người Tạng và cả tộc Khương, tộc Địch trong các ghi chép lịch sử thời Hạ, Thương, Chu. Khoảng cách về cả thời gian và cương vực của những dân tộc này đều cực lớn. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì ở đây vừa có người triều Hạ, vừa có người triều Thương, hay người nước Tần, nước Tề thời Chiến Quốc là hàng xóm, hoặc Hung Nô triều Hán và Đột Khuyết thời Đường ở sát cạnh nhau, đi vài bước là tới.

Về lịch sử của Thánh vực thì Mã Cát cũng chỉ biết ngần ấy. Tới đây sớm nhất là người núi tuyết, cũng có truyền thuyết nói rằng, người núi tuyết vốn là những sự sống được núi tuyết mang thai đẻ ra, vì vậy bọn họ vốn đã cư trú trên tầng bình đài thứ ba kia rồi. Về sau mới lục tục có những người khác tới đây. Mới đầu người ít, đất rộng, ai nấy đều tìm những vùng đất thích hợp để sinh sống, sản xuất, mọi sự hết sức bình an vô sự. Về sau khi người dần đông lên, không tránh khỏi việc xuất hiện những tranh chấp. Thánh vực này cũng chẳng khác gì những nơi khác bên ngoài, hết phân rồi lại hợp, hợp rồi lại phân, có điều quy mô và mức độ thảm khốc nhỏ hơn rất nhiều mà thôi. Cũng đã từng xuất hiện một khoảng thời kỳ thống nhất ngắn ngủi, nghe đâu gọi là Vương triều Thái Dương gì đó, nhưng thời gian cũng không được dài lắm, sau rồi lại phân khai. Còn về người núi tuyết ở tầng bình đài thứ ba, vì việc lên xuống một tầng không phải chuyện dễ, vả lại thời đó tầng thứ ba ấy còn chưa có người Qua Ba xuất hiện, không giống như bây giờ. Thời đó, trên tầng thứ ba cũng thiên tai liên tiếp, mà có những nơi còn thoắt nóng thoắt lạnh, ngoài người núi tuyết ra, đó không phải là nơi thích hợp cho tất cả mọi người cùng sinh tồn, vì vậy, trong truyền thuyết, suốt một hai vạn năm liền đều chỉ có người núi tuyết sống ở trên đó. Nguồn truyện:

/235

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status