Thì ra Lữ Lân vừa rồi vung ngọn đao thép chém thẳng trúng vào bóng đen gần mình nhất và khi ánh lửa lóe lên để cậu ta thấy rõ được diện mạo của đối phương, cậu ta không khỏi hết sức kinh hoàng.
Nhưng sau đó cậu ta nghĩ lại, thấy lưỡi đao của mình khi chạm trúng vào người đối phương lại lóe lửa đỏ lên như vậy, tất con người ấy không phải bằng xương bằng thịt, vì chỉ khi nào lưỡi đao chạm vào đá mới có hiện tượng bắn lửa như thế mà thôi.
Bởi thế chứng tỏ bóng người mà cậu ta vừa chém trúng chính là hình nhân bằng đá chứ không phải một con người thật sự. Do đó bao nhiêu sự sợ hãi của cậu ta liền tiêu tan cả đi.
Song, qua ánh lửa lóe lên vừa rồi, Lữ Lân đã thật sự trông thấy khuôn mặt người ấy hết sức khủng khiếp, dù là trong một cơn ác mộng cậu ta cũng chưa từng thấy được một khuôn mặt khủng khiếp đến mức ấy bao giờ.
Khuôn mặt của bóng người ấy hoàn toàn không giống một khuôn mặt do sắt đá chạm nên, mà rõ ràng là một khuôn mặt bằng da bằng thịt.
Hơn nữa, nếu hỏi khuôn mặt ấy đáng kinh khiếp đến mức nào, nhất thời dù là ai cũng không nói rõ ra được cả, chính vì thế nên khuôn mặt ấy càng dễ khiến cho người nhìn phải bắt rùng mình rởn óc. Vì nó tái nhợt đến mức không thể tưởng tượng, lại hoàn toàn không có một tí tình cảm, lạnh lùng như gỗ đá.
Một khuôn mặt như thế, dù cho ở giữa ban ngày nơi một khu chợ náo nhiệt, mà thoạt mới nhìn qua người ta cũng không khỏi phải kinh hoàng thất sắc, phương chi nó lại ở trong một khung cảnh hoang vu vắng vẻ như thế này.
Lữ Lân sau khi siết chặt ngọn đao thép Miến Điện vào tay, vẫn đứng trơ người ra, không biết hành động sao cho phải...
Giữa lúc ấy, bỗng nhiên cậu ta lại nghe có tiếng cười khanh khách, hết sức lạnh lùng, từ bốn phương tám hướng vọng đến.
Tiếng cười ấy thực không thể đoán đích xác nó từ đâu phát ra, mới nghe qua như từ xa vọng đến, nhưng nếu quay đầu nhìn lại, tựa hồ từ cửa miệng tái nhợt của khuôn mặt ghê rợn ấy phát ra.
Bởi thế Lữ Lân không khỏi hết sức kinh hoàng và qua một lúc khá lâu, cậu ta buột miệng kêu lên được bốn tiếng:
- Ông... là ai thế? Câu hỏi của Lữ Lân vừa dứt, tiếng cười lạnh lùng và hết sức trống trải ấy bỗng dưng im phắt lại, đồng thời Lữ Lân như thấy trước mặt mình bừng sáng lên.
Lúc bấy giờ, Lữ Lân biết mọi việc mình đang mục kích là những việc vô cùng quái dị và nếu sau này mình thoát khỏi được vòng nguy hiểm, đem kể lại cho người chung quanh nghe, chắc chắn cũng không ai sẽ chịu tin lời bao giờ.
Hơn nữa, Lữ Lân cũng tự biết hiện nay chắc chắn không ai ra tay cứu nguy cho mình được, mà chỉ còn trông mong ở sự cố gắng tự giải cứu của chính mình mà thôi, do đó Lữ Lân cố trấn tĩnh tinh thần, ngửa mặt nhìn thẳng lên để quan sát cho thực kỹ khung cảnh trước mắt.
Nhưng khi cậu ta đưa mắt nhìn kỹ thì lại càng kinh ngạc hơn.
Thì ra, cách xa về phía trước mặt Lữ Lân độ năm sáu trượng, lúc ấy có một ngọn đèn sáng, không ngớt chập chờn lưng lửng giữa khoảng không. Ngọn đèn ấy có một màu xanh lục, trông chẳng khác chi một ngọn đèn ma nên làm khung cảnh đen tối bên trong sơn động lại càng có vẻ âm u đáng sợ hơn.
Song, dù cho ngọn đèn ấy có màu chi đi nữa, nó vẫn là một ngọn đèn sáng, do đó cảnh vật chung quanh đã có thể thấy rõ ràng. Vì vậy Lữ Lân nhận định được nơi mình đang đứng là đâu.
Quả nhiên, cậu ta thấy nơi ấy chính là một cái sơn động to lớn, bốn bên vách đá phản chiếu ánh sáng màu xanh lục, nên trở thành lóng lánh, song khắp nơi đều hoàn toàn trống không.
Những bóng đen lố nhố đông đặc đã làm cho Lữ Lân toát mồ hôi lạnh vừa rồi, cũng như khuôn mặt vô cùng khủng khiếp mãi mãi in trong tâm trí cậu ta khi nãy giờ đây, tự nhiên đã biến mất đi đâu cả.
Do đó, Lữ Lân không khỏi hoài nghi những hiện tượng khi nãy, rất có thể chỉ là ảo giác của mình mà thôi.
Nhưng cậu ta lại tự thấy rằng tất cả mọi việc mà mình được mục kích hoàn toàn là sự thực, chứ không phải ảo giác vì những hiện tượng ấy đã lưu lại trong tâm não cậu ta một ấn tượng thực sâu sắc, nếu là ảo giác chắc chắn không khi nào nó có thể lưu lại cho cậu ta một ấn tượng sâu sắc đến vậy.
Lữ Lân lại cố trấn tĩnh tinh thần, và nghĩ đến trong sơn động này nếu có người nào ho và kế đó lại nghe có tiếng người cười, tất nhiên là phải có người ở. Vậy chẳng cần biết kẻ ấy là ai, nếu giờ cậu ta tỏ ra khiếp sợ chẳng hóa ra làm trò cười cho đối phương hay sao? Chính vì nghĩ thế nên Lữ Lân cảm thấy bạo dạn hơn, to tiếng nói:
- Nơi đây là nơi nào? Các ông mang tôi đến đây là có ý chi? Mau thả tôi ra ngay.
Lữ Lân đã lặp đi lặp lại mấy lượt câu nói của mình, nhưng liền đó tiếng cười khanh khách lạnh lùng lại nổi lên liên tiếp, đồng thời ngọn đèn màu xanh lục âm u kia cũng nhảy múa chập chờn như càng nhanh nhẹn hơn.
Lữ Lân trông thấy ngọn đèn ấy có thể bay lơ lửng chập chờn giữa khoảng không, đã là hết sức quái dị, thế mà giờ đây nó bất thần nhảy múa càng lúc càng nhanh hơn, trong lòng cậu ta lại càng kinh hãi.
Qua một lúc sau, chuỗi cười lạnh lùng ấy bỗng im hẳn rồi nghe thấy một giọng nói hết sức trống rỗng, rằng:
- Ngươi có phải là Lữ Lân không? Khi tiếng nói ấy vừa vang lên, ngọn đèn màu xanh lục trước mặt nhảy múa càng thêm nhanh nhẹn hơn nữa.
Lữ Lân nhờ ánh sáng ngọn đèn, cậu ta đưa mắt chú ý nhìn kỹ khắp trong sơn động, nhưng thấy đâu đó vẫn trống trơn, hoàn toàn không có một bóng người nào cả.
Hơn nữa, theo sự nhận xét của Lữ Lân tiếng nói ấy đã phát ra từ ngọn đèn xanh lục trước mặt mình.
Nếu bảo ngọn đèn mà có thể nói chuyện được, thực là một việc quá hoang đường, nhưng vì Lữ Lân đã mục kích bao nhiêu chuyện quái đản không thể tưởng tượng, nên đối với việc ấy cậu ta vẫn không cảm thấy lạ lùng chi cả.
Bởi thế cậu ta bèn ưỡn ngực đứng thẳng lên nói:
- Đúng thế, tôi là Lữ Lân. Ông là ai thế? Giọng nói ấy lại cất tiếng cười lạnh lùng nói:
- Ta là ai chẳng phải ngươi đã trông thấy rồi hay sao? Vậy hà tất ngươi phải hỏi nhiều như thế? Lữ Lân chú ý nhận xét thật tỉ mỉ phương hướng của giọng nói ấy, nhưng vẫn không làm thế nào xác định được nó từ đâu phát ra.
Song qua ngụ ý của câu nói, tựa hồ đối phương tự nhận mình chính là ngọn đèn chập chờn kia, bởi thế Lữ Lân tức giận nói:
- Ông giả quỷ giả thần như thế là có mục đích gì? Giọng nói ấy cất to tiếng cười ha hả nói:
- Lữ Lân người biết biết tính mạng của ngươi hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay ta không? Lữ Lân to tiếng đáp:
- Khéo nói bá láp, tại sao không lộ mặt để so tài với tôi? Giọng nói ấy liền đáp:
- Võ công của ta đã tiến tới mức xuất quỷ nhập thần, ngay đến việc ta ở đâu ngươi cũng không thể nào biết được, đồng thời vừa rồi ta đã hóa thân ra thành trăm ngàn bóng người rồi lại biến đi trong thoáng chốc, vậy ngươi thử nghĩ ngươi có thể đối địch nổi với ta hay không? Lữ Lân tuy tuổi còn nhỏ, nhưng không để cho kẻ khác phỉnh gạt được mình như bao nhiêu cậu bé khác, do đó lúc bấy giờ cậu ta đoán biết võ công đối phương quả cao cường đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi, nhưng cậu ta lại biết rằng câu nói: hóa thân làm trăm bóng người ấy, chính là một câu nói dối đầy xảo trá, chẳng làm thế nào tin được.
Bởi thế Lữ Lân bèn cất tiếng cười nhạt nói:
- Ông chớ nên khoác lác một cách lớn lối, tôi không khi nào tin là có như vậy đâu.
Giọng nói ấy dừng lại trong giây lát, rồi lại lên tiếng tiếp rằng:
- Ta hỏi ngươi, chẳng hay ngươi có muốn ra khỏi sơn động này để trở về đoàn tụ với cha mẹ ngươi không? Lữ Lân nói:
- Lẽ tất nhiên là tôi muốn, ông hãy mau thả tôi ra.
Giọng nói ấy lại tiếp:
- Đâu lại dễ dàng như thế được? Trước tiên ngươi hãy bằng lòng hứa với ta một việc, ta mới chịu thả ngươi ra.
Lữ Lân tuy vừa đối đáp với giọng nói ấy, nhưng một mặt vừa chú ý quan sát thật kỹ mọi mặt chung quanh.
Do đó, cậu ta cảm thấy ngoài những hiện tượng quái dị khiến ai nhìn thấy cũng kinh tâm vừa rồi, còn thời giờ đây đâu đâu cũng trống không, chẳng có điều chi đáng ngờ cả.
Lữ Lân cảm thấy hiện giờ trước mặt mình chỉ có một điều quái dị duy nhất, ấy là ngọn đèn ấy không ngớt nhảy múa tung tăng, không khi nào chịu đứng yên, làm cậu ta có cảm giác hoa cả mắt mà thôi.
Do đó, Lữ Lân tựa hồ đã bình tĩnh hơn, lòng can đảm của cậu ta cũng như được củng cố lại, vì thế khi nghe giọng nói nọ bảo mình phải hứa với đối phương một việc mới bằng lòng thả mình ra, cậu ta bèn đáp:
- Đấy là chuyện gì, ông hãy nói cho tôi nghe thử đã.
Giọng nói ấy đáp:
- Cha mẹ ngươi...
Lữ Lân không chờ đối phương nói dứt lời, bèn nhanh nhẹn khẽ nhún đôi bàn chân vung ngọn đao thép Miến Điện lên, dùng ngay thế Lưu Tinh Cản Nguyệt lao thoắt về phía trước nhắm ngay ngọn đèn đang nhảy múa quét tới.
Thì ra, Lữ Lân một mặt nói chuyện với đối phương, song mặt khác cũng thầm có sự quyết định, sự quyết định ấy là cậu ta thà bị đối phương nhốt mãi ở trong sơn động đen tối này, song nhất định phải tìm hiểu cho kỳ được nguyên do nào đã khiến cho ánh lửa đèn nọ không ngớt chập chờn nhảy múa. Do đó, cậu ta đã vung đao lên chém tới nhanh như gió hốt.
Song, giọng nói ấy chỉ dừng trong giây lát, và khi thấy ngọn đao của Lữ Lân sắp chém đến nơi, ngọn đèn nọ đã bay bổng lên nóc động, tức thì lại nghe thấy có tiếng cười to rằng:
- Thằng bé đáng ghét kia, ngươi muốn đối địch với ta, quả nằm mộng giữa ban ngày.
Lữ Lân vội dừng chân đứng lại, ngửa mặt nhìn lên, thấy nóc động cao đến ba trượng, cậu ta xét thấy tài khinh công của mình không làm sao vọt người lên được đến trên đó, nên đành lên tiếng đáp rằng:
- Tôi rất chán ghét ánh lửa chập chờn kia, nhưng giờ thì ông hãy nói tiếp đi nào.
Vừa nói, nhưng Lữ Lân đã toan tính hành động kế tiếp, hầu đối kháng với kẻ thù.
Giọng nói ấy bèn nói tiếp rằng:
- Gần đây cha mẹ ngươi đã bằng lòng nhận áp tải cho người ta một món vật đến Cô Tô, món vật ấy có lẽ ngươi cũng được biết rồi chứ? Lữ Lân nghe qua không khỏi giật mình, cậu thầm nghĩ rằng: Té ra đối phương bắt sống mình mang tới nơi này, lại chính có tương quan đến việc ấy. Bởi thế cậu ta bèn lên tiếng hỏi:
- Nếu tôi được biết thì sao? Giọng nói ấy đáp rằng:
- Nếu ngươi biết thì tốt lắm, nơi đây ta có một phong thư trao cho ngươi, để ngươi mang đến trao cho cha mẹ ngươi. Sau khi ngươi rời khỏi nơi này, phải lập tức đi tìm cha mẹ ngươi ngay, đồng thời phải đưa phong thư đến tận tay họ trước khi họ đến Cô Tô. Bằng trái lại, chắc chắn ngươi không làm sao thoát được cái chết.
Lữ Lân nói:
- Như vậy không được, vì hiện nay tôi chẳng rõ tôi đang tại đâu, hơn nữa tôi biết rằng nếu cha mẹ tôi bắt đầu lên đường, chắc chắn rằng ông bà đi rất nhanh, vậy tôi làm sao theo kịp trước khi hai ông bà đi đến Tô Châu? Giọng nó ấy cất tiếng cười to ha ha đáp:
- Điều đó không cần chi ngươi phải lo ngại, vì suốt ngày hôm nay ngươi đã được người đưa đi một hành trình dài, do đó hiện nay ngươi đang ở gần thành Tô Châu rồi, vì thế ngươi chỉ cần ra khỏi sơn động này, đi chẳng mấy chốc sẽ đến ngoại ô thành Tô Châu và ở đấy chờ đón cha mẹ ngươi là được.
Lữ Lân đứng trơ người ra một lát, trong lòng không ngớt băn khoăn về chỗ chỉ nghe được tiếng nói của đối phương chứ không nhìn thấy thấy con người của đối phương ra sao cả, vì lúc ấy trong ngôi sơn động tối này, ngoài đốm lửa màu xanh lục chập chờn và bản thân cậu ta ra, còn thì chung quanh đều trống trơn, không biết đối phương ẩn mình nơi nào.
Trong khi đó, tiếng nói của đối phương rõ ràng là trong sơn động phát ra, nên lại càng làm cho Lữ Lân lấy làm la, bởi thế cậu ta thầm nghĩ: Tại sao mình không lên tiếng hứa với đối phương, để chờ cho đối phương đưa phong thư ra, nhân đó mình sẽ trông thấy được hình dáng của hắn, để xem hắn ta là một con người như thế nào? Hơn nữa, dù sao cậu ta cũng cần thoát khỏi sơn động tối tăm này và khi gặp được cha mẹ mọi việc sẽ được cha mẹ cậu lo.
Bởi thế Lữ Lân bèn khẽ gật đầu đáp:
- Được, tôi xin hứa với ông việc đó, vậy phong thư ở đâu, ông hãy đưa cho tôi đi nào.
Giọng nói ấy trả lời rằng:
- Thằng bé kia, ngươi đã vào sơn động này rồi, kể như ngươi đã bị trúng một loại chất độc vô cùng nguy hiểm, vậy nếu ngươi định giở trò chi với ta chắc chắn ngươi sẽ bị mất mạng một cách vô cùng đau đớn.
Lữ Lân sốt ruột nói:
- Nhưng bức thư ấy đâu nào? Gọng nói ấy đáp:
- Ngươi sốt ruột chi thế? Lữ Lân đinh ninh rằng khi đối phương trao phong thư ra cho mình, chắc chắn phải xuất hiện để chàng ta trông thấy, nhưng nào ngờ việc quái dị lại xảy ra ngay lúc ấy, vì khi tiếng nói của đối phương vừa dứt bỗng từ trên nóc sơn động đã thả xuống một phong thư màu đỏ từ từ bay nhẹ nhàng, rớt xuống mặt đất.
Lữ Lân trông thấy thế không khỏi sửng sốt, đứng trơ người ra một lúc lâu không nói chi được cả.
Giọng nói ấy lại vọng đến rằng:
- Ngươi hãy mau nhặt phong thư, rồi đi theo con đường này để ra khỏi sơn động.
Mãi đến giờ phút này, Lữ Lân vẫn không làm sao biết được số người mang mình đến đây là ai, cũng như người đang đối thoại với mình là người nào. Do đó cậu ta chỉ có cách nghe theo lời của đối phương, cúi người nhặt lấy phong thư rồi đứng thẳng lên. Sau đó cậu ta bỗng thấy ánh đèn từ trên cao hạ thấp xuống, và chỉ còn cách mặt đất một trượng, rồi từ từ di động về phía trước. Thế là Lữ Lân liền hối hả rảo bước đi theo sau.
Cậu ta đi tới chẳng bao lâu và sau khi đã qua đến bảy tám khúc quanh, trông thấy trước mặt mình có một khung cửa bằng sắt, Lữ Lân chưa kịp thò tay xô cánh cửa nặng nề thì nó đã tự động mở toang ra, đồng thời ánh đèn nọ cũng chớp lên rồi tắt mất.
Lữ Lân tuy đã gặp bao nhiêu chuyện quái dị vừa xuất hiện bên trong sơn động, nhưng cậu ta xét thấy bản thân mình chưa hề bị đối phương gây thương tích chi cả, thế mà qua câu nói của người bí mật bên trong sơn động, bảo là cậu ta hiện nay đang trúng phải một độc chất vô cùng nguy hiểm, vậy chẳng biết đó là sự thực hay chỉ là một sự đe dọa mà thôi? Song dù sao đi nữa khi đã thấy một con đường thoát thân rồi, nên cậu ta vội vàng nhún mạnh đôi chân lao thẳng ra khỏi khung cửa sắt.
Và khi thân người của Lữ Lân vừa lướt ra khỏi khung cửa sắt ấy chẳng bao lâu, bỗng nghe một tiếng rầm to vọng đến, bởi thế cậu ta không khỏi giật mình, quay đầu nhìn lại và một lần nữa cậu ta hết sức kinh hoàng hoảng hốt.
Thì ra lúc bấy giờ cậu ta không còn trông thấy cánh cửa sắt ấy ở đâu nữa cả, mà nơi ấy chỉ có tảng đá gồ ghề y hệt như những nơi khác trong núi. Hơn nữa bên trên những tảng đá ấy lại có cỏ mọc um tùm tốt tươi.
Lữ Lân đưa mắt nhìn khắp chung quanh, thấy mình đang đứng trên một đỉnh núi cao lắm và cạnh đấy có một con đường mòn dẫn thẳng xuống núi.
Lúc bấy giờ trăng đêm sáng vằng vặc, sao thưa không ngớt nhấp nháy đầy trời.
Lữ Lân bất giác nói lẩm bẩm một mình rằng:
- Chẳng lẽ ta đang nằm mộng hay sao? Tuy cậu ta nói lẩm bẩm một mình, nhưng nào ngờ có kẻ lên tiếng đáp ngay câu nói của cậu ta, rằng:
- Ngươi chẳng phải nằm mộng đâu.
Gọng ấy ở sát bên cạnh Lữ Lân nên cậu ta không khỏi kinh hoàng, quay phắt người lại rồi vung ngọn đao thép Miến Điện trong tay quét thẳng về phía đó nghe một tiếng vút.
Nhưng thế đao của cậu ta mới đi nửa chừng, bất thần không còn nghe tiếng gió rít, mà cũng không thể tiếp tục quét tới được nữa, chứng tỏ nó đã bị đối phương kẹp cứng rồi.
Bởi thế Lữ Lân vô cùng kinh hãi, vội đưa mắt nhìn kỹ lại, quả nhiên trông thấy mọi việc đang xảy ra trước mắt đều không ngoài sự xét đoán của cậu ta.
Vì ngay lúc ấy có một thân hình cao lớn, mặt được che kín, mình mặc y phục đen, dùng hai ngón tay trỏ và giữa kẹp cứng lấy ngọn đao thép Miến Điện của cậu ta.
Lữ Lân trông thấy vậy, cố sức giật mạnh ngọn đao thép trở về nhưng không làm sao giật thoát ra được.
Người ấy bèn lên tiếng nói:
- Ngươi hãy yên lòng, ta không khi nào sát hại ngươi đâu, nếu ta thật sự muốn sát hại ngươi thì với trình độ võ công của ngươi thử hỏi nào đỡ nổi một thế đánh của ta chứ? Lữ Lân nghe giọng nói của đối phương hết sức ôn hòa, nên cũng thấy đỡ lo, nhưng vì cậu ta mới ra khỏi ngôi sơn động bất giác lại gặp phải một nhân vật che mặt như thế này, nên trong lòng không khỏi hết sức kinh dị lên tiếng hỏi:
- Ông... ông có phải là người đã lên tiếng nói chuyện với tôi bên trong ngôi sơn động ấy không? Người che mặt cất tiếng cười đáp:
- Tất nhiên là không phải, ta đây họ Đàm, vậy ngươi hãy gọi ta là Đàm bá bá được rồi.
Lữ Lân nói:
- Chả lẽ ông có quen biết với phụ thân tôi hay sao? Người che mặt khẽ lắc đầu nói:
- Ta hoàn toàn không được quen biết trước với lệnh tôn, nhưng ta lớn tuổi hơn ngươi nhiều, vậy chả lẽ đến hai tiếng bá bá mà ngươi cũng không chịu gọi hay sao? Nói đoạn, người ấy bèn buông lỏng hai ngón tay đang kẹp chặt lấy ngọn đao thép ra, do đó Lữ Lân vội vàng thu ngọn đao trở về, rồi đeo gọn vào sườn. Cậu ta thấy đối phương không có ác ý muốn sát hại mình, nhưng vì chưa tìm hiểu được lai lịch đối phương nên lại lên tiếng hỏi:
- Đàm bá bá, thế bác làm sao biết được là tôi không phải đang nằm mộng? Chả lẽ bác cũng từ bên trong sơn động ấy ra hay sao? Nếu tôi chẳng phải nằm mộng, tại sao cánh cửa sắt vừa rồi tôi vừa bước ra khỏi là không còn trông thấy nó nữa? Người che mặt đáp:
- Nếu nói trắng ra, việc ấy chẳng có chi lạ lùng cả vì bên ngoài khung cửa sắt ấy được nghi trang bằng một tảng đá to rất khéo léo, nên khi cánh cửa đóng kín lại người ngoài nhìn vào chẳng thể trông thấy được một điểm nào khả nghi.
Lữ Lân ồ lên một tiếng dài nói:
- Té ra là thế, nhưng này Đàm bá bá, tại sao vừa rồi bên trong ngôi sơn động, tôi được thấy có rất đông người thế mà chỉ trong chớp mắt sau là số người ấy lại biến đi đâu mất cả? Người che mặt cất tiếng than dài đáp:
- Việc ấy ta cũng không biết được rõ ràng, nhưng ta tin chắc rằng mọi việc ngươi vừa mục kích được chẳng phải là một hiện tượng do quỷ thần chi làm ra cả.
Lữ Lân mỉm cười đáp:
- Lẽ tất nhiên, tôi cũng biết đấy không phải là những trò trêu cợt của quỷ thần, vì nếu đối phương là quỷ thần tại sao còn bảo tôi phải mang thư đến cho cha mẹ tôi nữa? Đôi mắt sáng của người che mặt nhìn chăm chú vào Lữ Lân một lúc nói:
- Quả cọp cha thì không sinh chó bao giờ, mọi việc mà ngươi mục kích bên trong ngôi sơn động khi nãy chắc chắn hết sức quái dị, thế mà ngươi lại tỏ ra chẳng hề biết kinh khiếp như vậy, cũng đủ thấy ngươi là kẻ bạo dạn can đảm hơn nhiều đứa bé khác.
Lữ Lân nhớ lạ vừa rồi, khi vừa nhìn thấy những việc quái dị bên trong ngôi sơn động ấy đã sợ đến toát mồ hôi lạnh khắp người, nên không khỏi thẹn thầm, sắc mặt cũng bừng đỏ như gấc.
Người che mặt lên tiếng nói:
- Nhân vật bên trong ngôi sơn động ấy tuy ta đã biết được, song vẫn không làm sao có thể nói rõ cho ngươi biết ông là người như thế nào. Giờ đây chẳng hay ngươi có bằng lòng đưa bức thư mà ông ta bảo ngươi mang về đưa cho cha mẹ cho ta xem qua? Lữ Lân lộ sắc đắn đo nói:
- Đàm bá bá, bác...
Người che mặt cất tiếng cười nói:
- Ngươi hãy yên lòng, vừa rồi ta đã bảo là không khi nào có ý hại ngươi đâu, vì nếu ta có ý hại ngươi, ta chỉ cần dùng vũ lực đoạt lấy phong thư ấy, chắc chắn ngươi vẫn không làm sao đối kháng lại được với ta. Giờ đây chỉ cần ngươi trao lại bức thư ấy cho ta, chẳng những ngươi hoàn toàn vô hại và ngay đến phụ mẫu ngươi cũng rất có lợi kia.
Lữ Lân nghe thế, trong lòng không khỏi thoáng có một ý nghĩ, nên lên tiếng hỏi:
- Hiện giờ cha mẹ tôi đang ở đâu? Người che mặt đáp:
- Hai ông bà ấy hiện đã rời khỏi thành Nam Xương, nhưng chắc chắn trên đường đi họ bị nhiều người gây sự lắm, do đó hành trình không khỏi chậm trễ. Hiện giờ ta cần phải đi gặp bọn họ để báo cho họ biết là đại họa sắp đến với bọn họ rồi.
Lữ Lân nghe thế không khỏi hết sức kinh hoàng nói:
- Sắp có đại họa đến với cha mẹ tôi à? Nhưng cậu ta lại lắc đầu nói tiếp rằng:
- Không thể có như vậy được, vì hai ông bà là người có trình độ võ công hết sức cao thâm, vậy thử hỏi còn biết sợ ai nữa? Người che mặt cất tiếng than dài, đưa một bàn tay lên vỗ nhẹ vào lưng Lữ Lân:
- Tuổi ngươi hãy còn nhỏ, nên có rất nhiều việc ngươi chưa được biết, lần này trong việc ấy sẽ lôi kéo đến nhiều bậc cao thủ thượng thặng trong võ lâm, do đó nếu cha mẹ ngươi không kịp thời rút khỏi ra vòng thị phi, e rằng khó tránh khỏi cái họa diệt thân đấy.
Lữ Lân là đứa bé thông minh, hơn nữa qua lời đối thoại với người che mặt, cậu ta đã nhận ra đối phương chính là một bậc trưởng thượng có tánh rất trung hậu chứ chẳng phải là người có lòng dạ xấu xa, bởi thế cậu ta mới vội vàng lên tiếng:
- Đàm bá bá, việc mà bác nói đến ấy có phải là việc cha tôi nhận áp tải một món vật cho người ta để đưa đến Tô Châu đấy không? Người che mặt khẽ gật đầu đáp:
- Đúng thế, chính là việc ấy, ôi cha mẹ ngươi đã bị danh vọng làm hại, và nếu chẳng phải thế đâu dễ chi bị kẻ khác lợi dụng, để đi mạo hiểm đi đứng giúp cho đối phương như vậy? Lữ Lân tuy đã biết vật ấy từ lúc đầu, nhưng đối với toàn bộ việc ấy cậu ta vẫn không làm sao hiểu rõ, nên vội vàng nói:
- Đàm bá bá, sự thực là việc chi thế? Chẳng hay bác có thể nói rõ cho tôi nghe được không? Người che mặt đáp:
- Hiện giờ ta vẫn chưa hoàn toàn biết rõ được, nhưng ta tin rằng tất có ngày mọi việc sẽ được phơi trần ra ánh sáng.
Lữ Lân nghe giọng nói của người che mặt tỏ ra hết sức trịnh trọng, nên cũng thấy không tiện hỏi thêm chi.
Người che mặt lại nói tiếp:
- Ngươi hãy đưa phong thư ấy cho ta xem đã.
Lữ Lân suy nghĩ một lúc mới thò tay vào áo lấy phong thư ra.
Người che mặt nhận lấy phong thư rồi nhanh nhẹn xé ra nghe một tiếng roẹt, rút tờ thư bên trong phong bì ra, ngoắt Lữ Lân đến nói rằng:
- Ngươi cũng bước đến đây cùng xem với ta.
Lữ Lân vội vàng bước đến, đưa mắt nhìn thấy trên tờ giấy ấy có viết mấy dòng chữ rất ngay ngắn rằng: Kính gởi Lữ Tổng tiêu đầu, Hiện nay ông đang nhận lời áp tải cho người ta một món hàng quan trọng, và với uy danh của ông, thật ra tại hạ tuyệt nhiên không dám có ý nghĩ liều lĩnh.
Song, hiện nay lệnh lang đang trúng một chất độc vô cùng nguy hiểm, khắp trong thiên hạ chắc chắn không ai có thể giải trừ nổi, vậy nếu ông bằng lòng trao món vật đang áp tải cho lệnh lang mang đến đây, tôi sẽ vui lòng giúp lệnh lang giải trừ ngay. Trái lại, ắt hẳn tính mệnh của lệnh lang sẽ bị nguy hiểm.
Mong ông hãy suy nghĩ cho thật chín chắn, tuyệt đối chớ nên để lỡ thời giờ. Và mọi việc xảy ra xin hỏi lệnh lang thì sẽ biết rõ. Lữ Lân xem qua không khỏi sửng sốt, đứng trơ ra một lúc thực lâu mới lên tiếng hỏi:
- Đàm bá bá, tôi thật sự đã bị trúng độc chất rồi hay sao? Người che mặt khẽ gật đầu đáp:
- Lẽ tất nhiên không thể có việc ấy được, vì theo như ta được biết, người ấy có lòng dạ thực tốt, không đến đỗi lại xuống tay hại ngươi như vậy.
Nói đoạn, người che mặt lại cất tiếng than dài, rồi nói lẩm bẩm như chỉ để một mình ông ta nghe rằng:
- Ta ngỡ là ông ta nhiều năm qua đã mất hết ý chí hào hùng thuở trước, nhưng chẳng ngờ ông ấy lại còn muốn xuất đầu lộ diện để hoạt động nữa.
Lữ Lân đưa mắt chăm chú nhìn vào người che mặt nói:
- Đàm bá bá, bác đang nói về ai thế? Người che mặt cất tiếng than đáp:
- Chẳng có chi cả. Riêng phong thư này ngươi cũng chẳng cần trao cho cha mẹ ngươi nữa.
Lữ Lân hỏi:
- Nếu vậy tôi cũng sẽ chẳng gặp phải điều chi hại đấy chứ? Lữ Lân nhớ lại những việc mình vừa mục kích được bên trong sơn động, tỏ ra hết sức quái đản đáng khiếp sợ, nên trong lòng hãy còn phập phồng, nhưng người che mặt đã tươi cười nói rằng:
- Ngươi hãy yên lòng, ta không khi nào gạt ngươi đâu, giờ đây ngươi hãy theo ta đến gặp cha mẹ ngươi đã.
Lữ Lân vui mừng đáp:
- Nếu thế, có lẽ cha mẹ tôi hiện giờ ở gần đây hay sao? Người che mặt đáp:
- Đúng thế, ngươi hãy theo ta rồi sẽ rõ.
Dứt lời ông ta bèn thò tay ra kéo lấy một cánh tay của Lữ Lân, nhanh nhẹn chạy bay về phía trước.
Lữ Lân bị người che mặt kéo chạy như bay, hai bên vành tai gió rít vèo vèo, và chẳng mấy chốc sau cả hai đều dừng chân đứng yên lại.
Người che mặt bỗng lên tiếng ngạc nhiên nói:
- Ủa...! Ngươi hãy đứng yên chờ ta một chốc và tuyệt đối không nên lên tiếng nói, hoặc hành động chi cả.
Lữ Lân biết người che mặt này chính là một bậc võ lâm tiền bối, nên cậu ta đã đặt hoàn toàn tín nhiệm vào đối phương, bởi thế điều chi Lữ Lân cũng nghe theo lời, vội vàng tìm đến sau một gốc cây to ẩn kín thân mình.
Người che mặt nói vừa dứt lời, liền chạy bay về phía trước, vì lúc ấy ông ta trông thấy hai người ăn mặc vô cùng quái dị, đầu đội mũ cao, trông chẳng khác chi hai con quỷ vô thường, đang hành động có vẻ thập thò như muốn làm điều chi bất lương.
Do đó, người che mặt bèn nhắm ngay hướng chúng lao thoát tới, rồi chộp cổ xách bổng chúng lên một cách dễ dàng, thì ra hai gã đàn ông ăn mặc như hai con quỷ vô thường ấy chính là môn hạ của Quỷ Thánh Thạnh Linh tên gọi là Hắc Bạch Vô Thường.
Lúc bấy giờ sự thực thì Lữ Lân chỉ đứng cách xa Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương không đến nửa dặm đường, nhưng chỉ đáng tiếc là Lữ Lân hoàn toàn không hay biết việc đó, và ngay đến Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương cũng thế.
Lữ Lân thấy người che mặt đã lướt đi thì đứng yên một chỗ, không hề dám nhúc nhích, và qua một lúc khá lâu, bỗng cậu ta nghe về phía hướng sơn động mà cậu ta vừa thoát khi nãy có năm tiếng hú trong trẻo, ba dài hai ngắn vọng đến bên tai.
Những tiếng hú ấy xé tan sự tĩnh mịch của đêm khuya, bay lâng lâng giữa khoảng trời cao, khiến ai nghe đều không khỏi giật mình kinh hãi.
Giữa lúc tiếng hú ấy chưa dứt, Lữ Lân đã trông thấy người che mặt phi thân lướt tới nhẹ nhàng như một đợt khói, thân pháp của ông ta nhanh nhẹn không thể tả, nên chỉ trong chớp mắt sau là đã tiến đến trước mặt Lữ Lân, hối hả nói:
- Mau! Ngươi hãy chạy mau! Mau lên! Lữ Lân nghe qua giọng nói của ông ta, có vẻ như đang hết sức sợ hãi, không biết đã xảy ra việc chi rồi, vội vàng lên tiếng hỏi:
- Đàm bá bá, giờ đây không đi gặp cha mẹ tôi hay sao? Người che mặt đáp:
- Tạm thời chúng ta chớ nên gặp mặt họ thì hơn, ngươi hãy mau đi một mình tới Tô Châu trước, và khi đến được Tô Châu rồi ngươi cũng chớ nên đi đứng bừa bãi, trái lại hãy nên lợi dụng đêm tối, đi gấp đến ngọn núi Hồ Khưu và tìm đến một tảng đá to nhất ở trên ngọn núi ấy ngồi yên chờ đợi. Khi ngươi trông thấy có một người con gái đi tới thì nên biết người con gái ấy chính là con ta, nó tên gọi là Đàm Nguyệt Hoa. Ngươi nên nói cho nó biết là ngươi được ta bảo đến đó ngồi chờ để gặp nó, tất nó sẽ xếp đặt mọi việc giúp cho ngươi. Trên đường đi chớ nấn ná để mất thời giờ, vậy ngươi hãy mau đi đi.
Người che mặt hối hả nói xong, bèn nhún đôi chân lao thoắt đi như một cơn gió hốt, chỉ trong nháy mắt là đã lướt đi xa ngoài ba trượng.
Lữ Lân nghe giọng nói của người che mặt tỏ ra mọi việc đang xảy đến vô cùng nghiêm trọng, hơn nữa giọng của ông ta lại có một sức uy nghi khiến người nghe không dám cãi lại, do đó Lữ Lân bèn đắn đo trong giây lát, rồi nhằm hướng Tô Châu chạy như bay.
Sau khi vượt đi chẳng bao xa, Lữ Lân chợt nhớ lại vừa rồi người che mặt có bảo, là ông ta dẫn mình đi gặp mặt cha mẹ mình, vậy chắc chắn cha mẹ mình cũng ở gần đâu đây chứ chẳng xa, nếu hai ông bà có ý định đi đến Tô Châu, đôi bên đều cùng một đường, vậy sao ông không để lại một mảnh giấy hầu báo cho hai ông bà biết hướng mình đi để khỏi lo lắng? Vì nghĩ thế nên Lữ Lân bèn thò tay vào áo, lấy ra một tấm giấy nhỏ, rồi lai dùng một chiếc bật lửa đốt cháy thành than một que cây khô, viết lên mặt giấy rằng: Cha má, hiện con đang đi đến Tô Châu, vậy xin cha má chớ quá lo lắng. Lân nhi kính bút. Sau khi viết xong, Lữ Lân bèn leo lên một ngôn cây cao cạnh đấy, định gắn mảnh giấy ấy vào một cành cây, nhưng cậu ta lại sợ bị gió thổi bay đi nên mới thò tay vào sườn lấy thanh đao thép Miến Điện ra, cắm chặt mảnh giấy ấy vào thân cây cho thực chắc.
Lữ Lân đoán biết, nếu cha mẹ mình đi ngang qua đây chắc chắn sẽ gặp thanh đao và mảnh giấy và do đó sẽ biết phương hướng của mình đi, không còn lo ngại cho mình nữa.
Khi mọi việc xong xuôi, Lữ Lân bèn nhảy xuống khỏi ngọn cây, rồi hối hả đi thẳng về hướng Tô Châu bất kể ngày đêm. Sau khi Lữ Lân đã đi, quả nhiên Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương phát giác ngọn đao thép Miến Điện và tấm giấy mà cậu ta để lại.
Nhưng cả hai ông bà đều không thể đọc được những chữ của Lữ Lân viết, vì lúc ấy đã có kẻ xóa mất dòng chữ ấy trước rồi.
Kẻ đã bí mật xóa mất dòng chữ lưu bút của Lữ Lân, tựa hồ muốn làm cho Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương đều hiểu lầm là hiện nay Lữ Lân không còn sống trên dương trần này nữa.
Riêng Lữ Lân suốt trên đường đi Tô Châu, vì cậu ta là một cậu bé, nên cũng không ai chú ý đến và khi tới thành Tô Châu, cậu ta bèn nghe theo lời dặn dò của người che mặt, tìm đến tảng đá to trên ngọn núi Hồ Khưu, để ngồi chờ cô gái tên họ là Đàm Nguyệt Hoa.
Chẳng mấy chốc sau, quả nhiên Lữ Lân trông thấy một cô gái hối hả chạy bay bay đến nơi, vội tưởng đối phương là Đàm Nguyệt Hoa, nhưng chẳng ngờ cậu ta đã gặp Hàn Ngọc Hà, nên mới chịu bao nhiêu sự bạc đãi như đã nói.
-oOo-
Lữ Lân nằm yên trong khoang thuyền, nhớ lại mọi việc đã xảy ra sau khi mình rời khỏi nhà ra đi, trong lòng cảm thấy vô cùng rối rắm, thực chẳng khác chi một cuộn tơ vò, không biết đâu là manh mối.
Hơn nữa, trong cuộc đánh nhau với Hàn Ngọc Hà ở trên ngọn tháp cổ, cậu ta bị trọng thương khắp cả thân mình, nên ê ẩm đau đớn không thể tả xiết, do đó cậu ta bất giác cất tiếng rên rỉ.
Tiếng rên của Lữ Lân vừa cất lên khỏi miệng, người đàn ông to béo lại thò đầu vào khoang thuyền cười nói:
- Thằng bé kia, trong lúc ngươi còn ở ngọn tháp trên núi Hồ Khưu, xem ngươi có vẻ cứng cỏi gan dạ lắm, thế tại sao giờ đây lại cất tiếng rên la? Ngươi không thể chịu nổi sự đau đớn chăng? Lữ Lân nghe thế, sắc mặt không khỏi bừng đỏ đáp:
- Này chú béo, số người của chú đã cứu tôi đến nơi này, song chẳng biết có thể chữa được thương thế của tôi không? Người đàn ông to béo cười ha hả đáp:
- Chỉ khéo hỏi bá láp.
Lữ Lân nghe qua câu trả lời ấy, ngơ ngác không hiểu ý nghĩa ra làm sao, trong khi cậu ta định lên tiếng hỏi, người đàn ông to béo ấy đã nói tiếp rằng:
- Bảy anh em chúng ta tuy không có tài quán tuyệt thiên ha, nhưng nếu không thể chữa lành thương thế tầm thường của ngươi, còn đáng là gì nữa? Lữ Lân nghe thế mới tạm yên lòng, đồng thời cậu ta đang định lên tiếng nói chuyện tiếp, bỗng nghe từ trên bờ hồ có người cao giọng hát rằng: Thuở trước Trúc Lâm xưng Thất Hiền, Rượu say nằm ngửa chửi đời điên.
Ngày nay Trúc Lâm xưng Thất Tiên, Ngao du đây đó vui triền miên! Ngài chẳng thấy: Lạc cảnh kẻ mê là khổ hải, Bi thương người ngộ ấy niềm vui? Khổ vui tuy khác nhưng là một, Mê, ngộ dù hai ấy một thôi! Ngoài người cao giọng cất tiếng ca ra, Lữ Lân còn nghe có một số người nữa đang vỗ tay làm nhịp, đồng thời lại nghe có tiếng giày cỏ bước trên đất nghe lẹp xẹp rất đông. Và chẳng mấy chốc sau, tiếng động ấy cứ mỗi lúc nghe một gần hơn.
Lữ Lân nghe lời ca tỏ ra rất nhẹ nhàng thoát tục, đoán biết sáu người khác trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên đã về đến nơi, song lúc ấy cậu ta đang nằm trong khoang thuyền, nên không làm sao trông thấy rõ họ được.
Liền đó tiếng ca bỗng dừng lại, rồi nghe có người nói:
- Đại ca, mấy món thuốc đã tìm đủ cả đây rồi, giờ thì đến lượt anh lo sắc vậy.
Người đàn ông to béo ở dưới thuyền lên tiếng hỏi:
- Về đến nơi sao các ngươi không xuống thuyền, còn ở trên bờ chờ chi nữa? Vẫn giọng nói khi nãy đáp:
- Người chủ trên ngôi tháp ở Hồ Khưu mà chúng ta gặp trong đêm qua, chắc chắn đêm nay lại đến tìm chúng ta, vậy chả lẽ chúng ta không bàn cách đối phó hay sao? Người đàn ông to béo cười nói:
- Giữa thanh thiên bạch nhật, ánh thái dương chiếu rọi ấm áp như thế này, mà lại lo nghĩ đến chuyện tối nay làm gì cho mệt? Kế đó, lại nghe có người cất tiếng cười to hả hả nói:
- Này, anh hãy chụp lấy, đây chính là thứ rượu Nữ Nhi Hồng đó.
Tức thì lại nghe một tiếng phịch, Lữ Lân đoán biết dường như số người ở trên bờ đã ném xuống thuyền một vật chi.
Lữ Lân nghe lời đối thoại giữa đôi bên, tỏ ra rất thanh cao nhàn tản, khiến bao nhiêu phiền muộn trong lòng cậu ta cũng tiêu tán cả đi, đồng thời cậu ta thấy nếu đem thái độ ấy của Trúc Lâm Thất Tiên so sánh với những việc thần bí quái đản mà cậu ta đã gặp trong ngôi sơn động nọ, cũng như khung cảnh đáng khiếp sợ ở trên đỉnh ngọn tháp Hồ Khưu, quả cách biệt nhau một trời một vực.
Do đó, trong lòng Lữ Lân không khỏi hết sức ngưỡng mộ, tạm thời quên mất bao nhiêu sự đau đớn trong người, cậu ta gắng gượng chỏi đôi tay đứng lên, rồi lần theo bàn ghế bước ra trước cửa thuyền, cậu ta đưa mắt nhìn về phía bờ hồ, trông thấy có sáu người cao thấp không đều nhau đang đứng yên tại đấy.
Thái độ của sáu người ấy trông hết sức khoan thai vui vẻ, nhàn tản ung dung, xem ra không có gì bận tâm cả, riêng người đàn ông to béo dưới thuyền đang bưng một cái hồ lô màu đỏ tía, há họng uống từng ngụm nghe ừng ực.
Lữ Lân vừa mới bước đến cửa mui thuyền, thì đã có người trông thấy được lên tiếng nói:
- Thằng bé kia, sao ngươi không nằm yên dưỡng thương, đi đứng làm chi thế? Người ấy vừa dứt lời liền đưa chân bước thẳng lên mũi thuyền.
Tuy lúc bấy giờ, người ấy vốn đang đứng trên bờ, còn chiếc thuyền mặc dù đậu sát mé nước, song hãy còn cách bờ khoảng bảy tám thước, thế mà người ấy không hề nhún chân nhảy, mà cũng không hề lao người lướt đi, trái lại chỉ bước nhẹ nhàng là đã bước lên mũi thuyền rồi.
Khi bước đến gần Lữ Lân, người ấy bèn thò tay chộp lấy Lữ Lân, xách bổng ra khỏi mui thuyền, do đó Lữ Lân cảm thấy khắp cả người đều bị đau đớn không thể tả.
Tuy nhiên, cậu ta vẫn nghiến chặt đôi hàm răng chịu đựng, chẳng hề lên tiếng rên la, dù khuôn mặt đã méo xệch, trông vô cùng xấu xí.
Lữ Lân cố nhịn đau, đưa mắt nhìn kỹ người ấy, trông thấy đối phương có vẻ nho sinh, mình mặc áo dài xanh đã bạc màu.
Và khi người ấy xách bổng Lữ Lân lên cao, bất thần buông lỏng năm ngón tay ra khiến cậu ta từ trên té ầm trở xuống ván thuyền.
Tuy người ấy không hề dùng sức mạnh ném Lữ Lân xuống, nhưng vì lúc ấy khắp người Lữ Lân đang mang thương tích, nên vừa té xuống mặt thuyền, cả thân người đều đau đớn không thể tả, cơ hồ từng đốt xương một đang rời ra, đôi mắt té lửa suýt ngất lịm.
Nếu Lữ Lân không biết số người chung quanh chính là những người đã cứu thoát mình ở ngọn núi Hồ Khưu, có lẽ cậu ta đã nghĩ người thư sinh này đang có ác ý muốn sát hại mình chăng? Nhưng Lữ Lân tin chắc rằng Trúc Lâm Thất Tiên đã cứu mình thoát nạn, vậy tuyệt đối không khi nào họ xuống tay hạ sát mình bao giờ.
Song nhìn qua hành động của người thư sinh này thì cậu ta không khỏi hoang mang, không hiểu đối phương có dụng ý chi.
Tuy nhiên, cậu ta vẫn một mực cắn chặt lấy vành môi dưới, cố gắng đè nén cơn đau buốt trong người, chẳng hề rên la một tiếng nào cả.
Người thư sinh ấy trông thấy thế, bèn lộ sắc tươi cười nói:
- Thằng bé ngươi quả là cứng cỏi, gan dạ hiếm có lắm.
Vừa nói, nhưng người ấy vừa dùng đầu bàn chân hất mạnh Lữ Lân bay bổng lên cao ba thước, đồng thời sau khi cả thân người Lữ Lân bay bổng lên, ông ta lại không thò tay chụp lấy mà trái lại nhảy lùi ra xa.
Lữ Lân trông thấy thế, không khỏi sợ hãi, thét lên một tiếng thất thanh vì cậu ta nghĩ rằng: Nếu mình té trở xuống mặt ván thuyền một lần nữa, chắc chắn không tài nào chịu đựng nổi sự đau đớn. Do đó, cậu ta đang định xoay mạnh đôi chân để gắng gượng đứng vững trên mặt ván, hầu tránh khỏi bị té như khi nãy...
Song, ngay lúc ấy thì năm người còn đứng trên bờ, bỗng đồng thanh nói to lên rằng:
- Thằng bé kia, ngươi chớ nên hành động liều lĩnh vì nếu ngươi chịu đựng nổi mọi sự đau đớn đến với ngươi, là một dịp may hiếm có đối với ngươi rồi đó.
Lữ Lân nghe thế như chợt hiểu ra điều gì, nên không dám cử động thân người, để xuôi tay chân té ầm trở xuống mặt ván thuyền một lần nữa.
Lần này, cậu ta cảm thấy bị té càng nặng nề hơn khi nãy, nên khắp thân người đau đớn vô ngần.
Lữ Lân vốn không có ý muốn cất tiếng rên la, nhưng vì quá đau đớn, nên hai dòng lệ tự tuôn trào rồi buột miệng kêu lên ối chao .
Lúc ấy, người thư sinh nọ bèn cất tiếng cười, rồi thò tay vào áo lấy ra một cây bút lông dài chừng một thước mộc, cán bút do loài trúc tía làm nên.
Đầu bút lông ấy có ngòi bằng lông, dài độ một tấc, trông vô cùng mềm mại.
Sau đó, người thư sinh bèn vung bút lên, quét thẳng về phía trước mặt Lữ Lân, tức thời Lữ Lân cảm thấy những sợi lông nhỏ rức trên đầu ngọn bút không ngớt chớp thành một vầng ánh sáng lập lòe trước mặt, và nhằm điểm thẳng vào mười tám huyệt đạo trên khắp khuôn mặt cậu ta, chiều dọc bắt đầu từ Thượng Tinh đến Thừa Tương, chiều ngang từ huyệt Ty Trúc Phong ở phía tả sang đến huyệt Ty Trúc Phong ở phía hữu.
Bởi thế, Lữ Lân cảm thấy trên mỗi huyệt đạo nơi đó, đều đang có một cảm giác tê dại.
Song, sau cảm giác ấy, cậu ta lại cảm thấy khắp thân người ấm áp như ánh nắng mùa xuân chiếu rọi, rồi lan ra khắp châu thân, nhẹ nhàng sảng khoái không thể tả.
-oOo-
Hết chương 14
/49
|