Hoàng Đình

Q.2 - Chương 47 - Bia Thần Kinh Hà

/387


Những người trên đầu tường thành lúc này chỉ nhìn thấy hình ảnh một người mặc áo bào màu lam như hình bóng in dưới mặt nước hiện ra, rồi lại vỡ nát trong những gợn sóng xuất hiện khi một cơn gió thổi tới. Hư không lại yên tĩnh trở lại như chưa hề có gì xảy ra. Chỉ là chư thần nơi đầu tường thành đã không còn ý thức nữa. Trí nhớ của bọn họ nếu còn tồn tại trong trời đất này, cũng chỉ vĩnh viễn ghi nhớ lấy cảnh tượng ngay thời khắc đó mà thôi. Không phải pháp lực của bọn họ quá thấp, mà lúc đó lòng bọn họ đang xao động, đang chuyển dời theo sự kinh hãi sang vui mừng khôn xiết. Ngay lúc Hư Linh nói ra câu: “Hà Bá gia, người đã đến rồi”, thì ý thức của bọn họ gần như không có chút phòng bị nào.

Ngay tích tắc ấy, dấu ấn phong cấm trên trán Hư Linh cũng đã bị gỡ bỏ.

Chỉ thấy nàng lấy một tấm gương ra, đi đến sát rìa của thành Kinh, chậm rãi xoay mặt gương xuống phía đầu tường thành. Tường thành của thành Kinh trong mặt gương như thể trở thành bùn nhão, một lúc sau, mặt gương xuất hiện hai chữ thành Kinh thật to. Ngoài ra, toàn bộ mặt gương đều trở nên đen kịt, không có thêm hình ảnh gì nữa cả.

Mặt gương vừa xoay đến thành này, bộ dạng tòa thành Kinh cũng như bị thay đổi. Vốn trong thành phát ra thần quang, nhưng bây giờ lại không có nữa. Thành này đã bị Hư Linh dùng Chiếu Hồn Bảo Giám phong kín lại rồi. Với pháp lực của Hư Linh, có lẽ sẽ không có khả năng phong kín thành Kinh, mà dù có phép thuật đặc biệt nào khác cũng khó lòng phong kín cả tòa thành một cách đơn giản như vậy. Hiển nhiên, Hư Linh đã tiến nhập vào một tầng thứ mới, dù là Chiếu Hồn Bảo Giám, hay bản thân người đang sử dụng đều đang tiến nhập vào một loại tầng thứ mới.

Cũng trong tích tắc ngay khi Hư Linh phong kín thành Kinh này, thượng du con sông đột nhiên truyền đến tiếng sóng nước mãnh liệt. Âm thanh như thể bờ đê con sông lớn bị vỡ, hoặc như núi long đất lở.

Tiếng sóng nước cuộn trào mãnh liệt quét xuống.

Luồng sóng nước quét xuống kia không phải là sóng nước thật sự, mà là linh lực của sông Kinh Hà, lại mang theo âm thanh của sóng nước chồm quét xuống. Người phàm tục không nghe thấy được âm thanh này, chỉ có một số người tâm tư trầm tĩnh lúc đang ngủ mới nghe thấy. Kẻ đó sẽ giật mình mà choàng tỉnh, sau khi tỉnh lại không nghe thấy gì cả, có cảm giác là mình vừa gặp ác mộng, lại không rõ lí do.

Còn trong mắt người tu hành, đó là dòng linh lực mênh mông đang cuộn trào mãnh liệt, đủ để đánh bay mọi thứ.

Linh lực kia hình thành, như vạn con ngựa lao chạy như điên, như trăm rồng tụ tập, như có vô cùng vô tận ác quỷ đang thu gặt lấy sinh mệnh. Bọn chúng đang gầm thét, rống giận.

Khôi vương tức giận cùng cực. Ông ta kinh hãi không rõ vì sao người vừa cắt đứt đoạn thượng du sông Kinh Hà kia lại đột nhiên biến mất, lòng dâng lên dự cảm không tốt. Đồng thời ông ta cũng giận dữ vì biến cố xảy ra nơi thành Kinh. Cảm ứng giữa ông ta và thành Kinh đã bị hạ thấp xuống cực điểm.

Ông ta vọt người lên, lại phát hiện ấn Thành Hoàng bên kia như bị Kinh Hà trì kéo nặng đến ngàn cân. Ông ta thầm kinh hãi, lại tập trung thần lực thu hồi ấn Thành Hoàng. Chỉ cảm thấy như mình đang nhổ một thân cây lên, cảm giác lỏng lẻo như thể sắp rút ra được, nhưng mãi vẫn không thể kéo lên. Ông ta khẩn trương, dùng hết sức thu lấy ấn Thành Hoàng. Ấn này như thể sắp rời khỏi Kinh Hà đi ra, nhưng ông ta vẫn cảm giác còn thiếu một chút nữa. Rồi ông ta lập tức tỉnh ngộ, vọt người phóng đi, buông bỏ ấn Thành Hoàng, độn thẳng hướng về thành Kinh.

Ông ta cảm giác được hơi nước phía sau như những tia kiếm đang sượt qua bên ngoài làn da mình. Do vậy, ông ta dùng toàn lực bay độn đi. Đây là lần đầu tiên ông ta phát hiện độn thuật của mình chậm chạp như vậy, cũng là lần đầu tiên phát hiện ra khoảng cách từ Kinh Hà đến thành Kinh lại xa xôi đến như vậy.

Ông ta gắng sức câu thông với thành Kinh, muốn từ tòa thành của mình lấy thêm chút ít lực lượng, đủ để giúp mình nháy mắt trở vào trong thành. Chỉ là tòa thành trì trước mắt cách ông ta không xa kia lại không ở trong lòng ông ta, như là một vật chết không còn thuộc về ông ta nữa.

Ông ta cảm nhận được phép thuật hộ thân của mình bị đâm thủng, cảm giác được pháp bào mình bị cắt nát, cảm giác được hơi nước băng lạnh, cảm giác được từng lưỡi dao sắc bén xẹt qua da mình. Ông ta nhìn thấy thành Kinh ở trước mắt, đã cảm thấy linh lực tín ngưỡng bên trong thành, như thể chỉ cần đưa tay có thể chạm đến được. Thế nhưng ngay tại khoảng không trung sát với thành Kinh, ông ta còn nhìn thấy Hư Linh an tĩnh đứng nơi đó. Trước kia ông ta cảm thấy cho dù Hư Linh có động hay tĩnh thì vẫn mãi như một đóa linh hoa đen nở rộ trong màn đêm yên tĩnh, nhưng bây giờ mới cảm nhận được, nàng là ác ma.

Da thịt ông ta bị đâm thủng, bị cắt xẻ, xương cốt da thịt bị chia lìa ngay trên không trung. Cái đầu ông ta rơi xuống vùng đất bên dưới, con mắt vẫn mãi nhìn vào bóng dáng Hư Linh đứng trên đầu tường thành, đang ngẩng đầu nhìn trời.

Tình cảnh của Thành Hoàng thành Giang Đông tương tự như Khôi vương. Y cũng phóng người lên bỏ chạy về thành cùng lúc với Khôi vương. Chẳng qua, không có ai phong ấn thành Giang Đông cả.

Chỉ thấy thành Giang Đông có thần quang phóng lên cao, xoắn về phía y, còn trong dòng Kinh Hà lại còn một con sóng linh như kiếm truy đuổi theo sau. Tốc độ hai phía đều không chênh lệch cho lắm. Chỉ cần y đụng vào thần quang từ thành Giang Đông thì tính là trở lại được thành Giang Đông, hơn nữa nhìn qua như thể linh lực Kinh Hà có chút chậm chân hơn.

Đúng lúc này, Hư Linh đưa tay chụp vào trong hư không, Chiếu Hồn Bảo Giám xuất hiện trong tay. Nàng chiếu mặt gương về phía xa kia một cái, thân hình Thành Hoàng thành Giang Đông đột nhiên khựng lại. Kinh hãi dâng lên trong mắt y. Chiếu Hồn Bảo Giám chiếu đến người không khiến y rơi xuống trong hư không, mà cả người lại vẫn có thể tiếp tục bay về phía trước. Chỉ có điều một cái khựng người này đã đủ để kéo y vào thẳng quỷ môn quan, con sóng linh sông Kinh Hà nháy mắt đã cắn nuốt lấy y. Từng tiếng kêu thảm mơ hồ vang lên từ cao vút đến suy yếu dần, cuối cùng nhẹ đến mức không còn nghe thấy được nữa.

Còn Âm Mị vương kia, căn bản không đi ra ngoài rồi.

Vì là thần linh, cho nên đều hiểu rõ nhược điểm của nhau. Một thần linh tiến vào khu vực của thần linh khác đều phải đối mặt với nguy hiểm cực độ. Bọn họ luôn cẩn thận, không chịu đến sông Kinh Hà, đến khi Trần Cảnh lâm vào hiểm địa thì bọn họ mới dồn dập ra tay. Lúc đó trông như Trần Cảnh tiến nhập vào hiểm địa, nhưng thực ra trên thượng du con sông căn bản không có kẻ nào đến trả thù cả, là do tự Trần Cảnh làm ra mọi chuyện mà thôi.

Vì bọn họ kinh hỉ, sợ Trần Cảnh lui về nên vội vàng ra tay, vì vậy mới rơi vào trong kế hoạch của Trần Cảnh.

Nhìn như đơn giản, nhưng đó là cả quả trình tính toán ngay từ lúc bắt đầu. Từng chút từng chút một, Trần Cảnh khiến bọn họ rơi vào cảnh bán tín bán nghi, sau đó thật sự tham gia vào trận chiến nằm ngoài dự liệu của tất cả bọn họ. Rồi hắn khiến Khôi vương giận dữ, khiến Thành Hoàng thành Giang Đông và Âm Mị vương cảm thấy tâm tình rét lạnh. Cho nên, đến khi bản thân hắn rơi vào hiểm địa, bọn họ phát hiện chỉ cần mình xuất thủ thì Trần Cảnh sẽ chết không chỗ chôn thây, mới quyết đoán ra tay.

Trần Cảnh cũng là chờ đợi thời khắc này. Chỉ cần bọn họ đi ra, thì sẽ không có cơ hội trở về.

***

Truyền bá tín ngưỡng cần phải trải qua năm dài tháng rộng, không phải một sớm một chiều mà xong được. Có đôi khi, những chuyện thế này không thể dùng thủ đoạn phép thuật làm được.

Qua một đêm, bảng hiệu trên miếu Thành Hoàng ngay trung tâm của cả ba tòa thành đều biến thành bốn chữ Hà Bá Kinh Hà. Tượng thần trong miếu lại không bị thay đổi, chỉ là khi mọi người nhìn qua lại cảm giác như đã thay đổi. Trong lòng mọi người thầm nghi hoặc, có sợ hãi, không biết đã có chuyện gì xảy ra. Có điều cuộc sống vẫn cứ như thế mà trôi qua.

Đôi khi, có vài việc nếu mọi người thương lượng với nhau, nhất định sẽ có nhiều ý kiến phản đối. Sau đó, nếu cứ thẳng tay tiến hành, bọn họ cũng chỉ có thể yên lặng tiếp nhận.

Ba tháng trôi qua, tượng thần trong ba tòa thành đều biến thành tượng Trần Cảnh.

Trần Cảnh không thay đổi tượng thần, mà thời gian dần cải biến đi. Quá trình thay đổi này cũng chính là quá trình thay đổi tín ngưỡng. Khi bộ dạng tượng thần biến thành tượng Trần Cảnh, thì coi như Trần Cảnh cũng đã dung nạp được tín ngưỡng của ba thành rồi.

Ba vị Thành Hoàng chết đi, tín ngưỡng của bọn họ không bị tiêu tán. Tượng thần còn ở đây, Trần Cảnh phải mất ba tháng mới chuyển tín ngưỡng của bọn họ sang người mình. Tuy quá trình này có một bộ phận tín ngưỡng tiêu tán đi, nhưng đó là chuyện khó mà tránh được.

Hư Linh lại trở về từ đường Hà Tiền. Nàng vốn là quỷ vật, là quỷ linh nên cần rất ít tín ngưỡng. Do vậy nàng không để ý đến tín ngưỡng kia.

***

Lực lượng tín ngưỡng dung nhập trong sắc phù, mà từ nay trở đi cũng sẽ không ngừng dung nhập vào.

Bộ dạng của Mê Thiên điệp trong đan điền tượng thần Trần Cảnh cũng chầm chậm thay đổi. Nó biến thành một thứ tựa như hổ phách, được Trần Cảnh gọi là Điệp đan.

Điệp đan chậm rãi di động trong cơ thể tượng thần, chạy dọc từ lưng lên phía trên. Lộ tuyến di chuyển của Điệp đan như đi theo đường kinh mạch được sinh ra trong trận lôi kiếp lần trước. Mất ba tháng ròng, Điệp đan mới lên tới Thiên Linh Cái trên đỉnh đầu tượng thần.

Trong một đêm tối mưa sa gió giật, một tia sét đánh xuống miếu Hà Bá. Sấm sét này không vang dội, đến Hồng đại hiệp còn không phát hiện ra, nhưng Điệp đan lại dung nhập vào bên trong sắc phù. Vốn không thể khống chế được sắc phù, nhưng từ lúc này, Trần Cảnh đã có thể làm được.

Thần kỳ hơn cả là mọi tín ngưỡng đều dung nhập trong Điệp đan, dung nhập vào trong Mê Thiên điệp.

Linh lực, Mê Thiên điệp, sắc phù, tín ngưỡng, bốn thứ dung hợp lại làm một. Tuy quá trình dung hợp kèo dài dằng dặc, cuối cùng sẽ phát triển thành cái dạng gì thì đến chính Trần Cảnh cũng không cách nào phán đoán được.

***

Dòng chảy trên bầu trời vẫn cứ tiếp tục, mang đi một đoạn thời gian có tốt đẹp, có bi thương.

Không ngừng có thần linh xưng vương trên thế gian, khai đàn giảng đạo, nhận lấy rất nhiều đệ tử hoặc tín đồ truyền đạo khắp đất trời. Đạo hạnh của bọn họ đều đã tiến nhập vào một loại cảnh giới thần bí tựa như Trần Cảnh hiện tại, thậm chí có khi còn cao thâm hơn Trần Cảnh rất nhiều.

Trong lúc đó, những huyền môn đạo phái nổi danh trong trời đất từ rất lâu đời lại không có chút động tĩnh. Không có chút ít truyền lưu đồn đại nào về họ trên thế gian này. Chuyện này phi thường kỳ quái, nhưng không khiến các thần linh trong thiên hạ để ý. Bọn họ đang bận rộn thu chiếm lấy tín ngưỡng thiên hạ.

Pháp lực cao thấp của một vị thần linh không thể đo đếm bằng việc tín ngưỡng người đó rộng lớn thế nào. Nhưng lại có không ít người dựa vào đó để so sánh.

Trần Cảnh không tận lực thu nhận tín đồ. Nhưng sau khi hắn một đêm đoạt được vị trí chủ thần của ba thành Kinh, thành Tây Tương và thành Giang Đông, trước Tú Xuân loan cũng dần có yêu linh tụ tập. Ngoài ra, còn có thêm một vài tu sĩ nhân gian.

Thỉnh thoảng Trần Cảnh cũng sẽ ngưng tụ sương mù thành pháp đàn giảng pháp. Nơi đó không có ánh sáng đầy trời, không có hoa sen nở đầy mặt nước, cũng không có hương thơm khắp hư không, chỉ có những lời rất bình thường. Những lời này khiến người nghe cảm giác nhưng từng đợt sóng triều, không khiến người ta có cảm giác buồn bực mà còn làm tâm tình trở nên yên tĩnh lại.

Đáng tiếc, Trần Cảnh khai đàn giảng pháp không nhiều. Sau khi những người, hoặc thần, hoặc yêu linh nghe xong sẽ đến gặp những thần linh khác nghe đạo, hiếm khi một mực lưu lại nơi này mà không đi. Đại đa số trong bọn họ, chỉ là may mắn gặp dịp mà thôi.

Có một điểm khiến Hồng đại hiệp rất hài lòng, đó là về phương thức giảng đạo của Trần Cảnh, cả về chuyện những người nghe xong rời đi đều có vẻ còn chưa thấy đủ. Nó cho rằng hẳn là Trần Cảnh định ra cuộc sống kế tiếp sẽ là những ngày chuyên giảng giải đạo pháp, như vậy sẽ có rất nhiều người mộ danh mà đến. Nó nói liên miên không dứt rất nhiều thứ liên quan tới chuyện này, mà Trần Cảnh lại căn bản không để ý tới.

Đối với những kẻ nghe xong rồi rời đi, Hồng đại hiệp luôn đưa ra một câu chúc, nếu là yêu linh thì tốt nhất là vừa ra khỏi Kinh Hà thì bị giết thân đoạt đan. Còn đối với tu sĩ nhân gian, nó sẽ nói các ngươi vừa rời khỏi Kinh Hà thì tốt nhất nên bị tu sĩ ma đạo rút hồn luyện khí đi.

Đa số thần linh đều là ở gần đó mà đến, gần như toàn bộ thần linh địa giới Bá Lăng đều thường xuyên đến trước miếu Hà Bá.

Tâm tư Hồng đại hiệp không ác độc như vậy. Đó chỉ trong lúc nó tức giận, nói ra cho sướng miệng, chứ cũng không thật sự muốn nguyền rủa người khác.

Giảng đạo giảng pháp cũng rất có lợi cho chính bản thân người giảng giải. Mỗi lần giảng lại tương đương với một lần chải vuốt lại tất cả những gì mình biết. Nhất là với Trần Cảnh, mỗi lần giảng hắn đều sẽ có lý giải mới đối với phép thuật, tâm tư cũng rõ ràng, thanh minh hơn không ít.

Mê Thiên điệp, nước Chân Linh, sắc phù, tín ngưỡng, bốn thứ hợp lại cùng một chỗ. Lúc đầu chúng nó là một mớ mơ hồ, nhưng dần dần lại hiển lộ ra một con bướm, như thể mọi thứ đều dung nhập cả vào trong Mê Thiên điệp. Nhìn qua, có thể thấy khí tức Mê Thiên điệp cao thượng thêm mấy phần, nguyên nhân chính là vì có sát nhập tín ngưỡng vào. Bên trên cánh bướm lại được thần niệm khắc kinh Hoàng Đình vào, nhìn qua càng thêm tươi đẹp, ánh sáng lưu chuyển đầy màu sắc. Trần Cảnh không biết được những biến hóa từ điều này, hắn chỉ mơ hồ cảm nhận được một lực lượng nào đó trên người Mê Thiên điệp. Hắn không cảm nhận rõ ràng được, nhưng có dự cảm, chỉ cần tiếp tục khắc ấn, dung nhập thêm những văn tự huyền bí này lên cánh bướm, hắn rồi sẽ hiểu được ý nghĩa của nó.

Trong lúc Mê Thiên điệp đang xen lẫn giữa thật và ảo, một con bướm lớn hiện lên trên Thiên Linh Cái của tượng thần. Con bướm che kín lấy đầu tượng, có sắc thái tươi đẹp, lại giống như một hình xăm. Trong bóng đêm, nó tản ra ánh sáng nhàn nhạt, hút lấy chu thiên linh lực.

Mê Thiên điệp này chỉ xuất hiện ở đỉnh đầu tượng thần khoảng một canh giờ lúc nửa đêm, còn những lúc khác thì ở trong quá trình từ đan điền đi tới đỉnh đầu. Di chuyển lên xuống một thời gian dài như vậy, mỗi ngày Mê Thiên điệp đi qua hắn đều cảm giác như sống lưng có thêm chất lỏng sền sệt bên trong. Chất lỏng này như máu, nhưng không phải là máu, mà là linh lực được luyện hóa, có lực lượng của các ngôi sao, có linh lực sông Kinh Hà, có tín ngưỡng hỗn tạp bên trong đó. Những thứ này thông qua Mê Thiên điệp luyện hóa ra, cho nên Trần Cảnh cảm thấy là do lực lượng của kinh Hoàng Đình trên cánh bướm mang lại.

Lại một đoạn thời gian nữa trôi qua.

Đột nhiên có một ngày, Trần Cảnh cảm nhận trong lòng tượng thần bất chợt thông thấu hết cả. Một ý niệm, hắn có thể nhìn khắp được cả Kinh Hà.

Dưới chân núi Côn Lôn không ngừng có linh lực chảy ra. Hắn mơ hồ cảm nhận trong linh lực đó còn chứa đầy sự thê lương. Nó theo Côn Lôn đi ra, luôn chảy liên tục qua khắp núi non gập ghềnh, vào khe núi, qua vực sâu, chảy vào vùng bằng phẳng, hoặc lao thẳng băng xuống.

Một mạch lao thẳng đến Đông Hải. Trần Cảnh nhìn thấy Đông Hải phía trước là một mảng sâu thẳm, như thể một con mãnh thú khổng lồ đang há to miệng, truyền đến từng đợt từng đợt khí tức mênh mông.

- Đây là…là bài vị Long vương.

Trần Cảnh thầm kinh ngạc, không kìm lòng thốt lên một câu:

- Ta chứng được bài vị Long vương Kinh Hà.

Hắn thốt lên lời này khi vẫn còn trong trạng thái huyền hoặc khó hiểu. Âm thanh như được gió núi trong trời đất phân tán đi, truyền vào tai từng yêu linh đang phun ra nuốt vào thiên địa linh khí trong núi sâu, truyền vào tai tất cả các vị thần linh, chui cả vào trong những động thiên phúc địa.

Lập tức có người nổi giận hừ lên, âm thanh nổ vang như sấm rền tỏ vẻ bất mãn, trách hắn vô lễ. Nhưng đa số người khác chỉ trầm mặc.

Ngay khi hắn đạt được bài vị Long vương Kinh Hà, cơ thể tượng thần cũng đột ngột phát sinh biến hóa. Loại biến hóa này hắn chỉ cảm nhận được trong một ý niệm. Hắn cảm giác trên lưng mình có tiếng nước chảy rào rào, như thể tiếng của một con sông lớn đang chạy chồm lao nhanh. Hắn đột nhiên cảm thấy Kinh Hà trong cơ thể hắn như muốn hiển hóa đi ra.

Ngoại trừ chuyện đó, Trần Cảnh còn cảm nhận được một vài thứ trong dòng Kinh Hà hoàn toàn khác với lúc trước. Hắn mới phát hiện ra mình còn rất nhiều thứ chưa biết trong dòng Kinh Hà này. Trong đó, khiến Trần Cảnh ngoài ý nhất chính là tảng đá đen mà Hà Bá Ác Long hạp khi xưa tế ra, có thể nói là không hề đơn giản.

Nghe nói, tảng đá đó là từ một thanh kiếm từ trên trời giáng xuống, đâm chém tạo thành. Khiến Trần Cảnh cảm thấy được thần bí, có thể thấy đó tuyệt đối không phải là một tảng đá đen vô dụng, cũng thể bình thường mới bị một thanh kiếm từ trên trời giáng xuống đâm chém.

Trần Cảnh đưa ý niệm vào thăm dò bên trong. Trong ý niệm của hắn, tảng đá đen đó đã có biến hóa nghiêng trời lệch đất. Nó hóa thành một tấm bia trắng như ngọc, bên trên có ấn kí vân nước, rồi có chi chít chữ viết tràn vào trong đầu hắn.

Có bốn chữ to nhất trên đó ánh vào trong cảm giác của hắn. Tuy hắn không đọc được, nhưng tích tắc sau đã hiểu đó là chữ gì.

“Bia thần Kinh Hà.”

/387

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status