Hoàng Đình

Q.1 - Chương 129 - Thỉnh Thần Phù Hộ

/387


Hồng đại hiệp nhìn Trần Cảnh, không nói tiếng nào. Hiện tại thế gian đồn rằng Diệp Thanh Tuyết biến mất là do bị nhốt trong Côn Lôn, cho nên mới có việc năm ấy Trần Cảnh theo Giao Long Vương vọt lên chín tầng trời, quên cả sống chết nhảy vào Côn Lôn. Lời đồn đãi này được đại đa số người tin tưởng, bởi vì thế gian còn đồn rằng Diệp Thanh Tuyết trộm pháp quyết cho Trần Cảnh tu hành, mà sở dĩ bị nhốt trong Côn Lôn là vì muốn trộm pháp quyết.

Trước kia Hồng đại hiệp không tin lắm, nhưng giờ nó tin, bởi vì vẻ mặt của Trần Cảnh đủ để nói lên tất cả.

- Hà Bà gia, Thần Cô... thật sự...

Hồng đại hiệp muốn hỏi, lại không dám. Nhưng rồi nó vẫn đánh bạo lên tiếng:

- Côn Lôn này xưng là vạn sơn chi mẫu , phái Côn Lôn lại càng là cội nguồn của đạo môn trong thiên hạ, tuy rằng có cực ít người Côn Lôn hành tẩu thế gian, nhưng lại cực kỳ thần bí. Nếu Thần Cô thật sự bị nhốt trong đó, vậy thì nguy hiểm rồi, ngay cả Giao Long Vương lợi hại như vậy cũng có vào mà không có ra...

- Sư tỷ vì ta mà đi khắp nơi mượn pháp quyết, vì ta mà mạo hiểm, hiện tại bị nhốt ở bên trong núi Côn Lôn, ngươi cho rằng ta phải làm gì?

Trần Cảnh đột nhiên nhẹ giọng hỏi. Hắn cũng không quay đầu lại, vẫn đứng trên mặt nước, nhìn lên núi Côn Lôn.

Hồng đại hiệp không biết trả lời thế nào, lại nghe Trần Cảnh nói thêm:

- Ngoại trừ phá núi Côn Lôn, ta còn có thể làm gì?

Giọng của hắn luôn rất nhẹ, nhưng vào trong tai Hồng đại hiệp lại có một cảm giác quyết liệt, phảng phất có gió tanh mưa máu lạnh thấu xương.

- Nếu sư tỷ chết rồi, ta sẽ lấy Côn Lôn đạo môn làm vật tế, lấy dãy núi làm mộ phần, dẫn Kinh Hà cuồn cuộn nước thành nhạc tiễn đưa, bảo vệ linh hồn của tỷ ấy mãi mãi không tan biến.

Trần Cảnh chậm rãi nói, không có chí nguyện to lớn kinh thiên động địa, thậm chí cả Hồng đại hiệp còn nghe không rõ lắm. Nhưng hắn vừa dứt lời, sóng sông tức khắc uốn cao, giống như một con rồng khổng lồ trở mình.

Hồng đại hiệp cả kinh, thần linh ở trong thần vực của mình, chỉ một ý nghĩ là có thể khiến gió giục mây vần, nhưng nơi này cách Tú Xuân loan cực xa, Trần Cảnh lại chỉ vừa hơi xúc động, cả con sông đã muốn cuộn trào. Hồng đại hiệp không khỏi đánh giá Trần Cảnh cao thêm rất nhiều.

Nước sông Kinh Hà rất trong, ven bờ phần lớn đều là núi non. So với những con sông khác thì thành trấn hai bên bờ sông ít hơn nhiều. Không có dấu vết của con người, cũng sẽ không có ô nhiễm, không có việc đốt núi khai hoang, đương nhiên chất lượng nước lẫn linh khí trong nước cũng hơn nhiều.

Truyền thuyết kể rằng, ngàn năm trước từng có người có đại thần thông bày xuống một tòa Cửu Khúc Hoàng Hà trận trên sông Hoàng Hà, trong khoảng thời gian ngắn không mấy người có thể phá. Nghe nói trận chiến ấy gần như cuốn sạch toàn bộ kẻ tu hành trong thiên hạ, bất kể là Côn Lôn lúc ấy như mặt trời ban trưa, hay là bàng môn tiểu phái, không có một môn phái nào có thể thoát ra ngoài hỗn loạn.

Cửu Khúc Hoàng Hà trận trên sông Hoàng Hà kia gần như đã xóa hết những tiên nhân nổi danh thiên hạ lúc ấy. Bất kể kim tiên có sư phụ Thánh nhân Thiên Tôn, hay là dã tiên bàng môn, chỉ cần tiến vào trận sẽ bị tước tam hoa, bịt ngũ khí* trong ngực. Cái trận pháp mà Trần Cảnh từng bày ở Tú Xuân loan kém cực xa Cửu Khúc Hoàng Hà trận năm đó, nhưng lại có điểm chung, đó là đều lấy linh lực hà vực làm cơ sở, đều dung hợp thế của hà vực. Có điều Cửu Khúc Hoàng Hà trận năm đó còn dung hợp cả linh bảo tiên thiên, mà trận thức ở Tú Xuân loan lại dung hợp kiếm do Trần Cảnh từng bước tế luyện.

(Tam hoa, ngũ khí - tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên: hiểu đơn giản là từ dẫn ba loại thuộc tính, diễn hóa ra năm loại khí theo ngũ hành, trở thành sức mạnh trong cơ thể)

Trần Cảnh không dừng lại thủy phủ Long Vương quá lâu, cũng không tính ở lại nơi này. Hắn sợ có một ngày mình không nhịn được mà dâng sóng nhấn chìm Côn Lôn.

Hắn về lại Tú Xuân loan. Vài ngày sau, trưởng trấn Quân Lĩnh dẫn theo một nhóm người tới cúng tế trước miếu Hà Bá, còn mang cả một pho tượng thần được phủ kín vải đỏ, đặt trong cái kiệu tám người khiêng. Đương nhiên, họ còn mang theo cả lục súc*.

(Lục súc*: sáu loài vật nuôi ở nhà, gồm ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn)

Kỳ thật Trần Cảnh có chút bài xích với việc lấy sinh linh để cúng tế, nhưng đây là tập tục ở nhân gian, trong lòng bọn họ, nếu không dùng sinh linh cúng tế thì tâm khó có thể bình an, mà một khi tâm bất an, cho dù vẫn đèn nhang cúng bái hàng ngày, thì lực tín ngưỡng lại kém hơn nhiều. Theo thời gian, Trần Cảnh đã dần cảm nhận được rằng nguyện lực nhang đen thật sự là thứ tốt, ở thời khắc mấu chốt có thể hóa thành pháp lực. Cũng như năm đó Trần Cảnh giết Hà Bá Ác Long hạp vậy, pháp lực không đủ, linh lực hà vực lại phải dùng để trấn áp pháp bảo của Hà Bá kia, tới lúc Trần Cảnh yếu thế sắp phải chết thì lại chiếm được nguyện lực của mọi người, sau đó chẳng những pháp lực liên tục không ngừng nảy sinh, còn có thể gia tăng tâm lực, làm cho thực lực phát huy được hơn xa vốn có. Mà với Trần Cảnh, ưu đãi lớn nhất của nguyện lực nhang đèn chính là có thể làm tâm tư của hắn thanh tĩnh, không bị ngoại ma quấy nhiễu.

Đây chẳng qua cũng chỉ là cảm giác của Trần Cảnh. Hắn cảm giác mình bất kể là tu hành hay là suy nghĩ chuyện gì đó thì tâm niệm đều tập trung khác thường, không hề bị phân tâm bởi bất kỳ việc nào khác.

* * *

Từng có yêu linh ở trước miếu Hà Bá hỏi Trần Cảnh, rằng tâm ma trong suy nghĩ khác gì so với ngoại ma và thiên ma. Cho dù là người phàm trần thì cũng biết người tu hành sợ nhất là tâm ma, ngoại ma và thiên ma xâm loạn, nhẹ thì dẫn tới mấy chục năm không thể tinh tiến tu vi, nặng thì trong vòng một đêm thân tử đạo tiêu.

Trần Cảnh đã trả lời: Ma thông thường đều phân thành hữu hình và vô hình. Những ý nghĩ xằng bậy tự nảy sinh trong đầu mình gọi là tâm ma, mà ngoại ma tức là những sức mạnh từ bên ngoài đè ép lên bản thân. Nói đến ngoại ma, Trần Cảnh nghĩ ngay tới lời nguyền ác mộng vong hồn mình trúng phải, đây cũng xem như ngoại ma. Còn thiên ma, tương truyền đó là một loại sinh linh, tồn tại ở dị vực hư không, chỉ khi có người thành đạo mới xuất hiện để quấy nhiễu. Theo truyền thuyết, lúc Tam Thanh đạo tổ của đạo môn thành đạo thì có cả ngoại ma lẫn thiên ma tới.

Nhang đèn nguyện lực có thể áp chế cả ngoại ma lẫn tâm ma, đây là điều Trần Cảnh cảm nhận được rõ ràng.

* * *

Pho tượng chẳng biết được điêu khắc lúc nào kia có khuôn mặt và tỉ lệ thân hình giống pho tượng trong miếu Hà Bá như đúc. Chẳng qua nhìn kỹ thì nó có vẻ vô hồn hơn nhiều, thiếu một phần linh động và sinh cơ.

Dựa theo phong tục, pho tượng này sẽ được đặt trong thần miếu cả đêm, coi như để thần linh làm phép khai quang cho nó, sau đó ngày hôm sau sẽ được đưa trở về trong thần miếu mới xây. Trần Cảnh đương nhiên cũng thêm đủ loại bùa chú trên pho tượng, phòng ngừa tà linh bám lên tượng để hưởng nhang đèn. Loại chuyện này ở nhân gian cũng không ít, thậm chí còn rất nhiều. Về phần làm sao bọn chúng làm được như vậy, thì đến nay Trần Cảnh vẫn chưa quá rõ ràng.

Ngày hôm sau, trời vừa mới sáng thì người trấn Quân Lĩnh đã khua chiêng gõ trống tới, mang tượng thần trở về.

Âm thần của Trần Cảnh đã nhập vào pho tượng thần mới kia, ngồi trên cỗ kiệu tám người khiêng, cùng trở về trấn. Ở nhân gian có một nghi thức cúng lễ với cái tên đặc biệt, gọi là thỉnh thần . Thế nhưng thỉnh thần này rốt cuộc là mời được thần thật sự, hay mời về một cô hồn dã quỷ thì bọn họ cũng không biết. Bởi vì phần lớn nhân gian không biết kỳ thật đại đa số thần linh đều bị hạn chế về địa vực, bọn họ chỉ biết ở mảnh đất này có một vị thần cực kỳ linh nghiệm, không nghĩ ngợi gì thêm, vội thỉnh vị thần đó về quê hương của mình. Làm như vậy, nếu không xa còn tốt, nếu là xa, pho tượng rời khỏi thần vực của vị thần kia, trên đường nhất định sẽ bị cô hồn dã quỷ hoặc yêu linh quỷ quái chiếm giữ.

Trần Cảnh cũng không biết có chuyện như vậy phát sinh. Hiện tại hắn đang nghĩ xem liệu mình có thể phân hóa ý niệm hay không, nếu có, vậy có thể lưu lại một bộ phận ý niệm ở trong pho tượng thần mới này, hấp thu được càng nhiều nguyện lực nhang đèn. Đột nhiên, hắn mơ hồ nghe được tiếng bàn tán xôn xao. Chỉ nghe xa xa hình như có người nói: Đây là người trấn Quân Lĩnh đến Tú Xuân loan thỉnh Hà Bá, hắc hắc, phàm nhân ngu xuẩn, bọn họ làm sao biết rằng Hà Bá kia có linh nghiệm hơn nữa cũng chỉ là Hà Bá, vĩnh viễn không thể rời Kinh Hà. Thế mà bọn họ lại muốn thỉnh về trong trấn. Cũng tốt, tượng thần kia đã được Hà Bá Kinh Hà tịnh hóa, có thể thoải mái dung hợp thần hồn, cũng có thể hấp thu hương khói. Vài chục năm nữa, có lẽ ta cũng có thể hóa hình, trở thành thần linh một phương rồi.

Đại ca anh minh, đến lúc đó nhìn thấy đám ngu xuẩn này tế bái phía dưới sẽ là chuyện sảng khoái đến cỡ nào chứ.

Trần Cảnh nghe thấy hết cả, nhưng không có đi tìm hai yêu linh nói chuyện phía xa kia, chỉ thầm cảnh giác, lại cảm thấy may mắn vì mình nhập vào tượng thần này đi cùng. Hắn nhập vào tượng thần, tạo ra một loại hiện tượng dị thường. Thế nhưng những người xung quanh, kể cả tám người khiêng kiệu cũng không ai biết, chỉ có người cũng là thần linh, lấy phép vọng thần mới nhìn thấy được.

Một con sông vô hình, giống như dải ngân hà trên chín tầng trời, lơ lửng trên đầu bọn họ, cùng đi về phía trước. Đây đều là nguyện lực ngưng kết thành, tuy rằng rất mờ, nhưng thần linh có thể liếc mắt một cái là biết trong kiệu có chân thần. Mà người trong đạo môn cũng sẽ có mật pháp nhìn thấy dị tượng này. Chỉ có những tiểu yêu tiểu linh là nhìn không rõ, cũng có thể ra bởi vì cách khá xa nên không cảm giác được.

Một đường thẳng tiến, trên đường không dừng nghỉ chân, sáng sớm từ miếu Hà Bá xuất phát, tới trưa đoàn người đã về đến trấn Quân Lĩnh.

Trấn Quân Lĩnh tên đầy đủ là Tướng Quân Lĩnh, nghe nói từng xuất hiện một vị tướng quân khai quốc. Có điều vị tướng quân này chưa từng trở lại đây, nhưng cái thôn trấn này từ đó đến nay vẫn gọi là Tướng Quân Lĩnh. Khi trở lại trấn Quân Lĩnh thì ông lão trưởng trấn đứng lại ở trước trấn, mà phía sau ông ta là đông đảo nam nữ già trẻ trong trấn. Hơn nữa hôm nay còn là ngày chợ phiên, người ở thập phương tới trấn buôn bán, lúc này cũng tò mò đứng phía sau trưởng trấn để nhìn ngó. Ông lão trưởng trấn hơi xanh xao, nhưng có vẻ rất có tinh thần, bên cạnh ông là một vị thầy đồ tướng mạo gầy gò, khoảng chừng năm mươi tuổi, vẻ mặt chính khí. Trần Cảnh nhìn người này, không cần dùng phép vọng thần cũng có thể thấy được một tầng cương khí màu trắng bao phủ quanh người ông ta. Tầng cương khí này không giống như kiếm cương sắc bén, mà làm cho người ta có cảm giác chính trực.

Nghe đồn người có học vấn cao thâm ở nhân gian có thể dưỡng ra tính tình cương trực, chư tà bất xâm, vạn pháp bất nhiễm. Trần Cảnh vẫn luôn cho rằng đây chỉ là đồn nhảm, nhưng hôm nay nhìn thấy thì tin rồi.

Hắn nhìn thầy đồ, ông ta cũng nhìn hắn. Tuy rằng thầy đồ không có pháp thuật gì để nhìn thấu rèm vải thật dày kia, nhưng lại có thể thấy một luồng ánh sáng xanh từ trong kiệu phóng lên cao, như một dòng sông xanh kéo dài đến tận trời, xua tan đi tất cả khí âm tà ở nơi này. Ông ta cũng biết thỉnh thần là chuyện rất khó, thường thường mời tới không phải thần thật sự, cho nên mới xuất hiện ở đây xem trước.

Ông ta nói nhỏ với trưởng trấn đứng cạnh:

- Hà Bá gia tới rồi.

Ông lão trưởng trấn tuy luôn mỉm cười, nhưng nghe được thầy đồ nói câu này xong, nét lo âu ẩn sâu trong mắt thoáng cái đã hóa thành hưng phấn. Ông lập tức ra hiệu cho người tấu nhạc, khua chiêng gõ trống, đốt vang pháo trúc, rồi để người nâng tượng thần tới trong thần miếu ở chính giữa trấn, đặt lên bệ thờ. Xong xuôi tất cả, lại để hai đứa trẻ một nam một nữ kéo tấm lụa đỏ phủ trên tượng xuống. Tiếp đó là cúng tế, cũng do thầy đồ đọc một bài văn tế thần.


/387

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status