Họa Quốc

Chương 22: Đại kết cục: Hạnh phúc là ở việc hiểu được cách từ bỏ

/27


Mùa đông, năm Lê Yến thứ ba.

Tuyết trắng như lông ngỗng bay lả tả, phủ lên cả hoàng cung một tầng trắng như bạc. Khi Di Phi bước vào Bách Ngôn đường, Khương Trầm Ngư đang khẽ thảo luận gì đó với Tiết Thái, còn những người khác đang im lặng làm việc, ngọn lửa trong lò than hồng đang cháy rực, thỉnh thoảng phát ra tiếng nổ lép bép, khiến cho cả căn mật thất có vẻ yên bình lạ thường.

“Không đúng không đúng, rõ ràng ta tính là cách Vĩnh Xuyên ba trăm bảy mươi hai dặm, sao đến chỗ ngươi lại thành ba trăm sáu mươi chín dặm?”. Khương Trầm Ngư cầm một quyển sổ, băn khoăn không thôi.

Tiết Thái cũng lộ vẻ hơi kinh ngạc, ngẫm một lúc, trả lời: “Có lẽ là đo lường có nhầm lẫn”.

Di Phi rũ rũ chiếc áo lông cừu bám đầy h tuyết, tới sau lưng Tiết Thái nhìn: “Đang làm gì đấy?”.

Chỉ thấy trong tay Tiết Thái cũng cầm một cuốn sổ, ghi chép chi chít toàn là con số.

Khương Trầm Ngư vẫy tay nói: “Hoa Tử, ngươi đến đúng lúc lắm, chúng ta đang đo vẽ bản đồ mới nhất của Bích quốc, nhưng có vài chỗ số liệu nhận được không giống nhau lắm, ngươi giúp xem xem là thế nào”.

Khóe mắt Di Phi hơi co giật, thở dài nói: “Này này này, đừng có đặt cho ta cái tên khó nghe này nữa, nghe chẳng khác gì ăn mày cả…”.

“Nếu ngươi không thích Hoa Tử, thế gọi là Phi Tử cũng được”. Tiết Thái vùi đầu trong những con số, không ngẩng đầu lên. Di Phi lườm hắn một cái, bước đến ngồi cạnh bàn: “Thì sai có ba dặm, có sao đâu, các người thật là rảnh đến mức vô vị, lại tự mình làm chuyện vặt vãnh này. Này, ta mang đến một chuyện rất thú vị, các người có nghe không?”.

Khương Trầm Ngư và Tiết Thái đều tỏ vẻ không quan tâm, đặc biệt là Tiết Thái còn ngáp một cái.

Di Phi bẽ mặt: “Được rồi, dù sao cũng không can hệ gì đến Lê quốc, nhiều nhất là con dân Nghi quốc phát rầu mà thôi”.

Nghe đến hai chữ Nghi quốc, Khương Trầm Ngư ngẩng đầu lên: “Nghi quốc làm sao?”. Gần đây không nghe thấy bên đó có chuyện gì lớn xảy ra cả.

Di Phi cười hì hì, để lộ vẻ mặt: “Thế nào? Bây giờ muốn nghe rồi à? Đáng tiếc ta lại không muốn nói nữa”, gã bắt chéo chéo, rồi thuận tay tự rót cho mình một chén trà nóng.

Tiết Thái cũng không ngẩng đầu lên nói: “Có thể truyền đến tai hắn, chắc chắn chỉ là mấy chuyện vớ vẩn, không thể có chính sự”.

“A, lần này ngươi lầm rồi. Cái ta sẽ nói ra không những là chuyện lớn, hơn nữa ít nhiều cũng có chút liên quan đến Lê quốc, thậm chí là thừa tướng ngươi”.

Khương Trầm Ngư trong lòng tò mò, nhưng lại không muốn Di Phi đắc chí, bèn quét mắt nhìn khắp phòng một vòng rồi nói: “Tử Tử đâu?”.

“Đến đây đến đây, thần đến đây!”. Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến ngay, cửa gian mật thất mở ra, người áo tím theo sau La Hoành vội vàng đi vào trong, tiết trời lạnh giá như thế, hắn lại chạy đến mức mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển không ra hơi, vừa vào đến cửa vừa bái kiến vừa kích động nói: “Hoàng thượng, Nghi quốc xảy ra chuyện rồi!”.

Mọi người có mặt nghe đến đây, không ai là không quay đầu lại nhìn Di Phi, để lộ biểu cảm “Xem kìa, không có ngươi cũng đâu có sao”.

Di Phi mắt thấy người áo tím cướp mất cơ hội ra vẻ của mình, đành sờ sờ mũi, cười hì hì nói: “Quả nhiên, về trình độ nhanh nhạy thông tin, Tử Tử không bị tụt hậu so với bất cứ người nào!”.

“Tử Tử, có chuyện gì từ từ nói”. Khương Trầm Ngư căn dặn.

Người áo tím lấy tay áo lau mồ hôi, không buồn ngồi xuống, vội vã kể ngay: “Là như thế này, ngày mùng bảy tháng mười một chính là ngày sinh nhật của Nghi vương Hách Dịch, mà năm nay ngài ấy đã ba mươi tuổi”.

Khương Trầm Ngư nghe đến đây, nhớ đến lời Hách Dịch đã từng nói với nàng, lờ mờ đoán ra “xảy ra chuyện” mà họ nói là chỉ chuyện gì. Không biết tại sao, rõ ràng đã sớm biết sự tình, nhưng khi thực sự đối diện với điều này, ngón tay vẫn không kìm được run lên, sau đó khi lên tiếng, giọng nàng cũng hơi khàn khàn: “Nghi vương… chọn ai… làm hoàng hậu?”.

Sẽ là ai nhỉ?

Trong Nghi quốc, vị thiên kim tiểu thư của danh môn nào có thể xứng với vị quân vương phong lưu phóng khoáng đó?

Nữ tử nào có thể cùng chàng chơi cờ? Có thể gảy đàn cho chàng nghe? Có thể cùng chàng xuất hành? Có thể phụ tá cho chàng trị lý thiên hạ Nghi quốc?

Cho dù như thế nào… Hách Dịch đã chọn người ấy, thế thì, người ấy nhất định có thể làm được.

Khương Trầm Ngư cụp mắt, trong lòng dấy lên một nỗi chua chát xót xa, rốt cuộc là cảm giác gì, đến bản thân mình cũng không rõ nổi. Chính vào lúc này, một câu nói lọt vào tai nàng: “Nghi vương không cưới ai cả”. Thoạt đầu, giọng nói vẫn còn mơ hồ, lúc ẩn lúc hiện, nhưng đột nhiên, như một tiếng sấm giữa đất bằng, sáu tiếng ấy vang lên rành rọt.

“Ngươi nói gì?”. Nàng kinh ngạc đến mức lập tức đứng bật dậy. Tiết Thái bên cạnh cuối cùng cũng ngẩng đầu lên, lườm nàng một cái.

Người áo tím thấy mình đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của quân vương, vô cùng tự hào, ưỡn thẳng ngực cao giọng nói lại một lần nữa:

“Nghi vương không cưới ai cả”.

Sáu tiếng này, âm nào cũng đẹp.

Như tuyết tan, như hoa nở, như ánh dương vươn khỏi tầng mây, như đứa trẻ con nhú chiếc răng mới… Vô cùng tuyệt mỹ.

Khương Trầm Ngư chỉ cảm thấy trái tim của mình thình thịch thình thịch, đập rất nhanh, sau đó, nghe thấy giọng nói của mình vui mừng như trời hửng nắng trong tiết trời tuyết giá, như nụ hoa chúm chím đợi bung nở: “Tại, tại sao?”.

“Là thế này, từ nửa năm trước, các lão thần của Nghi quốc đã bắt đầu tuyển phi cho hoàng đế của bọn họ, lựa chọn được hơn khoảng ba trăm khuê nữ danh môn, mỗi người đều được vẽ một bức tranh, trình lên trước mặt Nghi vương để ngài lựa chọn. Còn Nghi vương bệ hạ chọn trái chọn phải, không phải chê người này lông mày thô quá, thì cũng chê người kia dái tai nhìn không đẹp… Tóm lại là những lý do viện ra đều khiến người ta tức chết. Cuối cùng các lão thần hết cách, phải hỏi ngài thích như thế nào. Thế là, Nghi vương bệ hạ liền…”. Người áo tím nói đến đây, mắt cong cong liếc sang Tiết Thái, cố nhịn cười nói: “Đã làm một chuyện khiến cả nước chấn động giống như Tiết tướng”.

Tiết Thái thấy chủ đề bị chuyển sang hắn, liền cau có nhíu mày.

Khương Trầm Ngư là nhân vật tầm cỡ nào, lập tức hiểu ngay, “a” một tiếng, nói: “Không phải là Nghi vương cũng dùng tranh vẽ Hy Hòa phu nhân để bịt miệng thế gian đấy chứ?”.

Người áo tím ngay tức khắc quỳ sát đất: “Hoàng thượng thánh minh! Hồi bẩm hoàng thượng, Nghi vương chính là dùng chiêu này. Vì thế, hiện tại người trong toàn thiên hạ đều biết: Hóa ra Nghi vương bệ hạ cũng một lòng thầm thương trộm nhớ Hy Hòa phu nhân của nước ta, chẳng trách khi phu nhân còn sống, ngài lén lút đến Bích quốc mấy lần! Đến nay, khắp đầu đường ngõ phố đều lưu truyền một quyển thoại bản ‘Mộng hoa hạnh’, trong đó ám chỉ Hy Hòa phu nhân một đời làm chúng sinh điên đảo, có mắc mứu tình cảm với vô số đế vương khanh tướng, từ ngữ sinh động linh hoạt, cũng khá dễ đọc, vi thần mua một cuốn, hoàng thượng có muốn đọc không?”. Vừa nói, vừa rút một cuốn sổ bìa màu xanh lam từ trong người ra, trình lên trước mặt Khương Trầm Ngư.

“…”. Khương Trầm Ngư dán mắt vào ba chữ “Mộng hoa hạnh” viết xiêu xiêu vẹo vẹo trên bìa sách, mí mắt giật giật một hồi, cuối cùng gượng gạo đẩy nó ra, nói với Tiết Thái: “Chúng ta tiếp tục đi. Núi Hướng Dương cao chín mươi tư trượng thật à?”.

Tiết Thái gật đầu: “Đã từng cao hơn trăm trượng, nhưng gió sương ăn mòn, bây giờ thành thấp như vậy”.

Người áo tím thấy không có ai đếm xỉa đến lời mình nói, đành hụt hẫng cất cuốn sách đi, ngoan ngoãn tìm chỗ ngồi xuống.

Di Phi sán lại, vỗ lên vai y, ra chiều thần bí nói: “Chỗ ta còn bản chưa bị cắt xén, có đọc không?”.

Người áo tím giật thót người, vội vàng nhìn sắc mặt Khương Trầm Ngư, thấy nàng thần sắc bình thường, có lẽ là không nghe tháy câu ban nãy, bấy giờ mới an tâm, cũng không nói gì, chỉ thò tay ra dưới gầm bàn.

Di Phi chớp chớp mắt, giơ một ngón tay lên: “Một quyển một trăm lượng…”.

“Ngươi…”.

“Chê đắt à, thế thì không bán nữa”. Di Phi nhướng mày, quay người ra vẻ định bỏ đi.

Người áo tím vội vàng kéo gã lại, không lằng nhằng nhét một thỏi bạc cho gã.

Di Phi cười hì hì, cũng rút một cuốn sách từ trong người ra. Tất cả đều phát sinh dưới gầm bàn thần không biết quỷ không hay – nhưng không lọt qua nổi cặp mắt của Tiết Thái.

Đầu mày của hắn cau lại càng chặt hơn, cuối cùng trừng mắt nhìn Khương Trầm Ngư, hạ giọng nói: “Bọn họ làm bậy như thế, hoàng thượng cũng không quản?”.

Khương Trầm Ngư mỉm cười, dễ tính nói: “Đấy là bản tính của con người, cấm cũng không được, cứ mặc họ”.

Tiết Thái nhìn nàng chăm chú một lúc, “hừ” một tiếng, bất mãn nói: “Chẳng qua hoàng thượng nghe Hách Dịch không thành thân, cho nên tâm trạng vui vẻ mà thôi…”.

Vì giọng nói của hắn thực sự rất nhỏ, nên nhất thời Khương Trầm Ngư chưa nghe ra: “Hả? Ngươi nói cái gì?”.

“Không có, thần chẳng nói gì cả”. Tiết Thái không nói gì nữa, lại vùi đầu vào đống sổ sách, không ngẩng đầu lên nữa.

Tuyết bên ngoài rơi càng lúc càng lớn.

Nháy mắt đã lại đến giao thừa.

Tân Dã đã lên bốn tuổi, nhưng vẫn chưa biết nói, tính cách cũng khá hướng nội, hay ngồi một mình ngẩn ngơ, nhìn không có vẻ gì là hoạt bát nhanh nhẹn, khiến một đám cung nhân lo lắng đến chết đi được.

Sáng sớm ngày giao thừa, Khương Trầm Ngư đã đến tẩm cung của thái tử, đích thân mặc quần áo cho nó. Tuy nó phát triển chậm về các phương diện khác, nhưng vóc dáng lại lớn rất nhanh, khuôn mặt đều tập trung hết những ưu điểm của Chiêu Doãn và Họa Nguyệt, vô cùng vô cùng tuấn mỹ. Rất nhiều người già trong cung nói, thậm chí còn đẹp hơn cả Tiết Thái năm xưa. Vì thế, khi chọn xiêm y cho nó, nàng cũng dụng tâm: Một chiếc áo bông nhỏ, mặt ngoài là hoa vàng nền đỏ, thêu hoa văn chìm hình con rồng vàng nhỏ bốn móng, mặt trong nụ hoa màu hồng phấn trên nền màu vàng mơ, cổ áo và tay áo đều chần một vòng lông chồn màu trắng như tuyết, làm nổi bật gương mặt nhỏ ngây thơ, đáng yêu không tả xiết.

Khương Trầm Ngư nhìn rất thích, không kìm được bẹo má nó: “Trắng như đánh phấn tạc ngọc, chính là nói con đó”.

Tân Dã giương đôi mắt to tròn, đen láy như sơn, nhìn nàng không chớp mắt, ngũ quan vô cùng thanh tú nhưng biểu cảm vẫn đờ đẫn, cũng không biết nghe có hiểu không.

Khương Trầm Ngư thầm thở dài trong lòng, đội mũ lên cho nó rồi nắm tay nó nói: “Đi thôi. Hoàng di dẫn con đi cắt mai”.

Cái gọi là cắt mai là một tập tục mới thịnh vài năm gần đây, trước đêm trừ tịch, cắt một cành hoa mai vùi xuống đất, ngụ ý “cắt bỏ vận xui, để điềm gở quay về với cát bụi”.

Trong cung vốn không có mai đỏ, nên đã đặc biệt trồng mấy cây bên ngoài n Phái cung.

Sau khi xưng đế, Khương Trầm Ngư đã chuyển đến Cảnh Dương điện, nơi ở cố định của hoàng hậu các đời – n Phái cung bị bỏ trống. Lúc bấy giờ đi đến trước n Phái cung không người ở, thấy các cung nữ thái giám đã chuẩn bị xong xuôi từ lâu, đang đứng chờ dưới gốc cây. Trong cảnh tuyết trắng giăng trời, mấy cây mai ngạo nghễ bung cánh nở, từng đóa từng đóa đỏ tươi, phong cảnh cực kỳ trang nhã.

Cung nữ bê một chiếc khay bằng gỗ mun lên, vén lớp khăn nhiễu điều ra, bên trên có đặt một cây kéo mới, trên kéo còn buộc dây tơ bảy màu. Màu sắc của dây tơ này cũng được chọn cẩn thận, xanh xanh đỏ đỏ, nhìn rất vui mắt.

Thái giám giữ thang thật chắc chắn, Khương Trầm Ngư cầm kéo bước lên thang.

Kể ra thì đây thực chất là một phong tục rất đáng ghét, đặc biệt là nhát kéo đầu tiên của mỗi năm đều phải do hoàng thượng đích thân cắt, hơn nữa cây mai càng cao càng tốt. Nghi quốc và Yên quốc thì không sao, hoàng đế đều là nam, nhưng đến Bích quốc và Trình quốc, hai vị nữ vương đều đau đầu nhức óc vì nó.

Năm ngoái Khương Trầm Ngư giẫm lên váy khi trèo thang, suýt chút nữa thì ngã, vì thế năm nay nàng đã đổi sang mặc Hồ phục khi cưỡi ngựa, đi giầy thúc ngựa để trèo thang, quả nhiên không bị chật vật như năm ngoái.

Nhất thời trong lòng đắc ý, nàng trèo đến bậc thang cao nhất xong, nhón gót kiễng lên cắt cành mai cao nhất.

Phía dưới tiếng hoan hô của mọi người vang lên.

Khương Trầm Ngư cúi đầu nhìn Tân Dã, lắc lắc cành mai trong tay, kết quả thanh gỗ chắn ngang dưới chân bị gãy làm đôi, nàng lập tức chới với, rơi xuống.

“Hoàng di…”. Một giọng nói non nớt vang lên đầu tiên. Những người khác bấy giờ mới kinh hoảng hò hét, lũ lượt chạy đến cứu giúp.

“Hoàng thượng, hoàng thượng không sao chứ?”.

“Hoàng thượng, hoàng thượng sao rồi? Ngã có đau không?”.

Khương Trầm Ngư bị mọi người vây quanh, nhưng cũng chẳng buồn để ý đến cái chân bị trẹo lúc ngã, vội vàng đẩy mọi người ra, khập khiễng đi đến trước mặt Tân Dã, giọng run run nói: “Tân Dã, vừa nãy là con… gọi ta phải không?”.

Trong đôi mắt to của Tân Dã vẫn còn sót lại vẻ sợ hãi, sau đó, nó nhào đến ôm chặt nàng, òa lên khóc.

Khương Trầm Ngư sững người ra một lúc, sau đó ngồi xuống, ôm lại nó, nói: “Tân Dã, hóa ra con biết nói! Tốt quá rồi! Thật sự tốt quá! Gọi lại một lần nữa đi!”.

“Hoàng di…”. Giọng nói sợ sệt, vì trước đó chưa từng nói nên nghe lại càng cứng nhắc.

Nhưng Khương Trầm Ngư lại giống như được nghe thứ âm thanh tuyệt vời nhất thế gian, vui đến phát khóc, nói: “Tốt quá rồi… tốt quá rồi… Tân Dã! Tốt quá rồi…”.

Tân Dã không bị câm điếc, cũng không bị chậm phát triển trí tuệ, nó biết nói, hơn nữa, câu đầu tiên lại là gọi nàng.

Khương Trầm Ngư bỗng cảm thấy tất cả nỗi đau mà Khương Họa Nguyệt mang đến cho nàng, khoảnh khắc này, toàn bộ đều được đền bù nhờ Tân Dã.

“Tân Dã, ngoan lắm, ngoan lắm…”.

Nàng hạnh phúc đến mức rơi lệ.

Biết làm sao được, hoa rơi rụng. Như từng quen biết yến quay về(1)

Một khi đã yên ổn, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, nước chảy mây trôi, nháy mắt là đã qua hai năm.

Năm Lê Yến thứ năm, ông trời rốt cuộc không còn đối xử ưu ái với con người như trước nữa.

Đầu tiên là tháng tư khai xuân, Khương phu nhân cả đời sống trong những lời dối trá đã kết thúc cuộc đời một cách bình yên trong giấc ngủ ngàn thu. Khương Trầm Ngư đương nhiên đau đớn vạn phần, cử hành tang lễ rất long trọng cho mẫu thân. Khương Trọng không quay về Khương phủ, mà chọn cất một ngôi nhà nhỏ bên cạnh mộ phần của vợ mình, ngày ngày câu cá trồng hoa, sống cuộc đời ẩn dật.

Đến khi vào hạ, ôn dịch bùng phát, chỉ trong chưa đầy hai tháng ngắn ngủi, đã lây nhiễm bảy tòa thành trì chủ yếu trong vùng Hàn Cừ, Hán Khẩu, mỗi ngày đều có đến hơn trăm người chết vì dịch bệnh.

Khương Trầm Ngư cử liền bảy mươi đại phu dược sư đi theo quân đội đến bảy thành, nhưng không khống chế được dịch bệnh, cuối cùng, trên triều đường, Tiết Thái xin được đích thân đi thị sát tình hình dịch bệnh.

Khương Trầm Ngư đắn đo rất lâu, cuối cùng đồng ý.

Chuyến này Tiết Thái đi liền nửa năm.

Trong nửa năm, Khương Trầm Ngư chỉ có thể dựa vào những tấu sớ chuyển đến chuyển đi và những lời kể vắn tắt của Thất tử để biết được tin tức của Tiết Thái.

Nghe nói, đầu tiên hắn đến thành Hàn Cừ, chạm trán Giang Vãn Y ở đó. Sau khi vào thành, hắn không đi thăm bệnh nhân bị nhiễm bệnh trước, mà tuần sát quanh thành một vòng, cuối cùng phát hiện nguồn nước trong thành Hàn Cừ bị ứ đọng lâu năm, bùn đất tích tụ khiến nguồn nước ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Vì thế, bắt đầu cho thợ nạo vét kênh ngòi.

Đồng thời, lập ra Lục Tật quán, cách ly toàn bộ những người bị nhiễm bệnh. Việc này dẫn đến sự phản đối gay gắt, cho rằng hành động đó là bất nhân.

Tiết Thái chẳng nói chẳng rằng, vứt hết những người phản đối vào trong Lục Tật quán này, từ đó tất cả im bặt, không còn người nào dám phản kháng.

Về sau, hắn còn thi hành một loạt các biện pháp như “xây Lậu Trạch viên để chôn thi thể những người nhiễm bệnh”, “phàm những người chôn được một trăm người chết dịch thì được thưởng mười lạng vàng để khích lệ”, cuối cùng, trước sự nỗ lực của hắn và Giang Vãn Y, đến mùa đông, ôn dịch coi như đã được giải quyết. Khi số người chết mỗi ngày một ít đi, gần vạn người còn sống sót sau khi uống thuốc do GiangVãn Y điều chế, thì một bi kịch chấn động đã xảy ra…

Tiết Thái đã bị nhiễm bệnh.

Vô phương cứu chữa.

Mà khi hắn tự biết bệnh của mình không thể chữa được, hắn chỉ nói một câu: “Ta đứng đầu bách quan, phải lấy làm gương”. Bèn chủ động chuyển vào Lục Tật quán, không ra ngoài nữa.

Khương Trầm Ngư ở đế đô nghe được tấu báo trên buổi chầu sớm, lập tức bật dậy khỏi ngai vàng, mặt không còn giọt máu, sau đó bệnh ở mắt tái phát, trước mặt tối sầm liền ngất đi.

Văn võ khắp triều kinh hãi hoảng loạn.

Khi Khương Trầm Ngư tỉnh lại, tức khắc hạ chỉ đến thành Hàn Cừ, mặc kệ quần thần ra sức phản đối, dẫn theo Phan Phương và thị vệ thiết thân. Một đoàn hơn trăm người cưỡi khoái mã ngồi khinh xa đến thành Hàn Cừ.

Khi nàng đến Hàn Cừ đã là mười ngày sau.

“Thảo dân Giang Vãn Y, tham kiến hoàng thượng”. Giang Vãn Y và các quan viên nghe tin đến ngoại thành tiếp giá, đang định quỳ lạy thì Khương Trầm Ngư đã tóm cánh tay hắn, kéo lên.

“Tiết tướng đâu?”.

“Tiết tướng vẫn ở trong Lục Tật quán…”. Giang Vãn Y còn chưa nói xong, Khương Trầm Ngư đã hạ lệnh: “Đưa trẫm đến Lục Tật quán”.

Hắn còn chưa kịp nói gì, mười mấy quan viên lớn nhỏ bên cạnh đã lũ lượt quỳ xuống nói: “Không được đâu! Hoàng thượng thân thể ngàn vàng, tuyệt đối không thể đi tới đó! Nếu đến hoàng thượng cũng bị lây nhiễm, thì biết làm thế nào?”.

Khương Trầm Ngư không thèm nhìn bọn họ, chỉ nhìn thẳng vào mắt Giang Vãn Y: “Sư huynh, huynh dẫn ta đi!”.

“Hoàng thượng…”.

“Sư huynh”. Khương Trầm Ngư bỗng chốc hét lên, đồng tử co lại, gương mặt đầy vẻ kiên nghị: “Lẽ nào trẫm tạm gác quốc sự ngàn dặm xa xôi chẳng ngủ chẳng nghỉ đến đây là để nhìn thấy một đám các ngươi khóc lóc sao?”.

Câu này quả thực quá mạnh mẽ, Giang Vãn Y không có cách nào phản bác, cuối cùng, đành thở dài một tiếng, nói: “Được rồi. Xin hoàng thượng theo thảo dân”.

Thế là, cuối cùng Khương Trầm Ngư đã đến trước Lục Tật quán.

Đó là một khu nhà trệt nằm ở ngoại ô hẻo lánh, vì gấp rút xây dựng trong thời gian ngắn, nên cực kỳ đơn giản sơ sài. Bốn bề trống trải, đến cây cối cũng chẳng có. Gió đông thổi ù ù, quạ kêu “quà quạ”, trong tích tắc mắt Khương Trầm Ngư cay xè.

Giang Vãn Y đưa cho nàng một viên đan dược, nói: “Để đề phòng, xin bệ hạ uống viên thuốc này”.

Khương Trầm Ngư nhận lấy, thái giám bên cạnh đang định thử thuốc thì nàng đã uống hết, nhảy xuống xe chạy về phía cửa lớn, khoảnh khắc này, nàng quen mất mình là hoàng đế của Bích quốc, là nữ tử quý tộc đi không lộ chân cười không lộ xỉ, nàng chỉ dùng tốc độ nhanh nhất của mình, dồn toàn lực để chạy, vừa chạy vừa kêu: “Tiết Thái! Tiết Thái!”.

Thế nhưng, cánh cửa của Lục Tật quán vẫn đóng im ỉm.

Khương Trầm Ngư đập cửa: “Tiết Thái! Tiết Thái! Người đâu, mở cửa cho trẫm! Mở cửa ra!”.

Đám thị vệ đi cùng mặt đầy vẻ do dự.

Khương Trầm Ngư nổi giận: “Các ngươi dám kháng chỉ?”.

Thị vệ vội vàng đi lên phía trước, đang định đẩy cửa, một giọng nói trong trẻo, đanh vang, rõ ràng từ bên trong vẳng ra ngoài: “Không được vào trong”.

Khương Trầm Ngư lập tức nhận ra đó là giọng của Tiết Thái, liền đập cửa nói: “Tiết Thái! Là ngươi sao? Mau mở cửa! Là trẫm đây! Trẫm đến rồi”.

Bên kia cánh cửa im lặng một thời gian rất dài, hắn mới chậm rãi nói một câu: “Hoàng thượng… mời về cho”.

“Nói đùa gì thế? Lẽ nào trẫm vứt bỏ quốc sự nghìn dặm xa xôi không ngủ không nghỉ đến đây là để nhìn cánh cửa đóng kín này sao? Mau mở cửa ra cho trẫm!”. Nàng lại lôi lý do này ra.

Nhưng rõ ràng Tiết Thái không phải là Giang Vãn Y, cũng không phải là bất cứ một quan viên nào khác, hắn chính là hắn, Băng Ly công tử Tiết Thái. Vì thế, hắn vẫn không mở cửa, lạnh nhạt nói: “Vi thần cỏ bệnh trên người, nếu hoàng thượng lại gần sẽ bị lây nhiễm. Cái lễ quân thần tuy quan trọng, nhưng sức khỏe của hoàng thượng còn quan trọng hơn, thần không dám làm tội nhân thiên cổ. Cho nên, hoàng thượng xin giữ cho vi thần cái danh trong sạch”.

“Tiết Thái!”. Tiếng đầu tiên thốt lên là phẫn nộ, nhưng đến tiếng thứ hai, lại chuyển thành vô cùng ấm ức và đau thương: “Tiết Thái… ngươi đừng giận dỗi nữa, ngươi mở cửa được không? Trẫm, trẫm… thật sự rất lo lắng cho ngươi… Mười ngày nay, trẫm sợ mình đến muộn, sợ không gặp được ngươi… Ngươi mau mở cửa đi…”.

Tiếng nói nghẹn ngào thảm thiết, đến người bên cạnh cũng không đành lòng nghe. Huống hồ nàng thân phận là cửu ngũ chí tôn mà lại van nài một thần tử như vậy.

Những người bên cạnh ai biết rõ quan hệ của nàng và Tiết Thái, nhìn thấy đều không khỏi thương xót; còn người không biết hoặc lần đầu gặp hoàng thượng, đều trợn mắt há mồm – Hoàn toàn không dám nghĩ, sao lại có thần tử bất kính với hoàng đế như thế.

Đối mặt với tiếng khóc lóc van nài của Khương Trầm Ngư, Tiết Thái vẫn không có động tĩnh gì, giọng điệu vẫn lạnh nhạt đến gần như thờ ơ: “Hoàng thượng, cánh cửa này thần tuyệt đối sẽ không mở. Người đừng hy vọng nữa”.

“Ngươi! Ngươi! Ngươi dám kháng chỉ?”. Khương Trầm Ngư tức tối giậm chân: “Trẫm sẽ giết cả nhà ngươi, tru di cửu tộc nhà ngươi”.

“Cả nhà thần đã chết hết từ lâu rồi”.

“Ngươi ngươi ngươi!”. Khương Trầm Ngư không thuyết phục được hắn, liền quay sang sai khiến các thần tử khác: “Các ngươi qua đây, phá cánh cửa này cho trẫm, sẽ có trọng thưởng”.

Đám thị vệ còn chưa kịp hành động, Tiết Thái đã lạnh lùng nói: “Nếu vì thế mà hoàng thượng nhiễm bệnh, cả nhà các ngươi đều bị diệt môn, có gan thì cứ qua đây đi”.

Đám thị vệ nhìn nhau, nhất thời không ai dám động thủ.

Khương Trầm Ngư vừa giận dữ vừa đau lòng, đành tự mình đập cửa, nàng đập rất mạnh, đến mức cả bàn tay đều sưng đỏ lên: “Tiết Thái, ngươi dám cư xử như vậy với ta, ngươi là đồ khốn! Ngươi không phải là người! Người vong ơn phụ nghĩa! Ngươi coi thường hoàng uy…”. Nàng mắng chửi hết một lượt những từ có thể nghĩ ra, mắng đến mức giọng khản đặc, mắng đến mức sức cùng lực kiệt, cuối cùng đôi chân mềm nhũn, trượt xuống theo cánh cửa ngồi bệt trên mặt đất.

“Hoàng thượng…”. Tiết Thái trước đó vẫn luôn im lặng không lên tiếng để mặc cho nàng mắng chửi, đến lúc này mới chậm rãi mở miệng, nói: “Hoàng thượng, nước không thể một ngày không có vua, người… mau về sớm đi”.

Khương Trầm Ngư ngồi trên mặt đất không chút hình tượng, bưng mặt, toàn thân run rẩy.

Tiết Thái im lặng đợi một lúc, không nghe thấy phản ứng của nàng, bèn nói tiếp: “Vi thần có hai việc muốn nói với hoàng tlìượng, nhưng trước đây không ngờ hoàng thượng sẽ đến, cho nên đã nhờ Chu Long viết thành tấu chương đưa về đế đô. Bây giờ có lẽ cũng đã đến nơi rồi. Sau khi hoàng thượng quay về, đọc xong sẽ hiểu”.

Khương Trầm Ngư vẫn không phản ứng lại.

Giọng Tiết Thái mơ hồ như đang than thở: “Hoàng thượng… người… thật sự… không nên đến”.

“Ngươi bớt lời đi!”. Giọng Khương Trầm Ngư đầy vẻ căm giận: “Trẫm tới hay không là chuyện ngươi có thể bình luận được sao?”.

“Hoàng thượng, vi thần… không còn nhiều thời gian nữa”. Hắn bỗng mềm mỏng nói câu này, Khương Trầm Ngư rúng động, sau đó nước mắt tuôn rơi.

Thái giám sau lưng muốn lấy lòng nên đi lên phía trước đưa khăn tay cho nàng, Khương Trầm Ngư quay lại nói: “Toàn bộ các ngươi lui hết, đứng cách thật xa. Ta nói chuyện với Tiết tướng, không cho phép các ngươi nghe!”.

Mọi người vội vàng lùi ra sau trăm trượng, ở đây trống trải hoang vắng, lại sắp vào đêm, một nhóm ngươi run lập cập chờ trong gió lạnh, từ xa nhìn đôi quân thần đó, trong lòng có đủ mọi suy nghĩ.

Còn bản thân đương sự lại hoàn toàn không để ý đến ánh mắt của người khác, lao đến trước cửa khóc đến mờ mịt cả đất trời: “Tiết Thái, ngươi mở cửa ra. Ta phải gặp mặt ngươi, nhìn thấy ngươi xong, ta sẽ đi ngay. Ngươi mở cửa đi… Tiết Thái, ngươi đừng như vậy với ta, đừng như vậy với ta có được không?”.

Tiếng hít thở của Tiết Thái lọt qua tấm ván cửa, lờ mờ truyền đến, khoảnh khắc này hắn đang có biểu cảm như thế nào? Trong lòng hắn đang nghĩ gì?

Dung nhan nhìn chẳng được, tâm tư đoán không xong. Đứa trẻ này đối với nàng mà nói chưa bao giờ là thuộc hạ, chưa bao giờ là đệ đệ, mà là huynh trưởng, là chỗ dựa của nàng!

Khương Trầm Ngư thút thít nói: “Ngươi có biết không, mấy ngày hôm nay trong đầu ta chỉ nghĩ có một chuyện? Đó chính là tại sao ta phải phái ngươi đi Hàn Cừ? Là ta hại ngươi, ngươi sắp chết rồi, cả đời ta sẽ vì thế mà cắn rứt và tự trách, là ta, là ta đã khiến Tiết Thái mới chỉ mười lăm tuổi chết ở nơi đất khách quê người!”.

“Mười lăm tuổi…”. Tiết Thái nhắc lại ba chữ này, dường như hơi ngây ngốc: “Vi thần… ba tháng trước, đã tròn mười lăm rồi”.

“Đúng thế, ngày mùng tám tháng tám, ta tặng quà cho ngươi, ngươi nhận rồi chứ?”.

“Ừ”. Ngừng một lát, lại nói: “Thần rất thích”.

Món quà nàng tặng cho hắn là một bức tranh đích thân nàng vẽ, tranh vẽ quang cảnh Tiết Thái và Cơ Anh tỉ thí trong đại thọ của phụ thân nàng vào năm Đồ Bích thứ hai.

Đó là cảnh lần đầu tiên nàng gặp Cơ Anh.

Đó cũng là cảnh lần đầu tiên nàng gặp Tiết Thái.

Nhiều năm trôi qua như thế, cảnh tượng đó vẫn sống động trong trí não nàng, mỗi một chi tiết đều rõ mồn một. Thế nên khi nàng vẽ xong, liền sai người từ đế đô đem đến Hàn Cừ.

Lúc ấy Tiết Thái hoàn toàn không có hồi âm, cho nên một dạo nàng vẫn nghĩ có lẽ hắn không thích món quà này cho lắm. Nhưng phút này, tai nghe thấy mấy tiếng “thần rất thích” của hắn, tại sao cùng với vui mừng, lại lời lời như đâm vào tim như vậy?

“Tiết Thái, ngươi mở cửa ra, dù vắt kiệt sức lực của toàn thiên hạ, ta cũng phải cứu ngươi. Ngươi sẽ khỏe lên, nhất định sẽ khỏe lên. Ta không để truyền kỳ của ngươi kết thúc vào tuổi mười lăm đâu! Cho nên, ngươi mở cửa ra đi!”.

Tiết Thái hít một hơi thật sâu: “Trầm Ngư”.

Cánh tay Khương Trầm Ngư vốn dĩ chuẩn bị đập cửa bỗng dừng lại giữa khoảng không.

Tiết Thái gọi… gọi… nàng là gì?

Hắn luôn không dùng kính ngữ, thậm chí gọi cả tên kèm họ của nàng ra, đây là lần đầu tiên hắn gọi nàng là Trầm Ngư.

Khương Trầm Ngư ngẩn ngơ trả lời: “Cái gì?”.

“Mười lăm tuổi”. Tiết Thái nhắc lại ba chữ này một lần nữa, sau đó, giọng nói bỗng chốc trở nên vô cùng dịu dàng, cũng vô cùng thê lương: “Lần đầu tiên khi ta gặp nàng, nàng cũng mười lăm tuổi”.

Tuy Khương Trầm Ngư gặp Tiết Thái trong buổi thọ yến của Khương Trọng, nhưng khi ấy nàng nấp sau rèm cửa, Tiết Thái không nhìn thấy nàng. Sau đó, hắn khiến Hy Hòa ngã xuống hồ, rồi xông đến Cảnh Dương điện thỉnh tội, lần đó kỳ thực cũng được coi là lần đầu tiên, nhưng khi ấy Tiết Thái chỉ mải thỉnh tội, căn bản không chú ý đến trong đám người xung quanh còn có một người là nàng.

Lần đầu tiên họ chính thức đối mặt nhìn nhau là khi Tiết Thái đã bị biến thành nô lệ, khi Khương Trầm Ngư dẫn hắn đến lãnh cung gặp Tiết Mính. Nàng còn nhớ khi đó nàng chìa tay ra, hắn lại lùi lại một bước, nói: “Tiết Thái là nô tài, không dám cầm tay tiểu thư”.

Năm đó nàng mười lăm tuổi.

Trái tim của Khương Trầm Ngư bỗng chốc run rẩy thít chặt lại.

“Ta không thích số tám, nàng có biết tại sao không?”.

Khương Trầm Ngư lắc đầu.

Tiết Thái dường như ngần ngừ một lát, nhưng cuối cùng vẫn nói ra: “Bởi vì, khoảng cách giữa chúng ta là tám năm”.

Mắt Khương Trầm Ngư bỗng mở to đến cực đại.

Tiết Thái khẽ cười: “Rất kinh ngạc sao? Thực ra ta cũng thế. Có một ngày, ta phát hiện ra nguyên nhân tại sao ta lại ghét con số này như thế, là vì số tuổi của nàng trừ đi số tuổi của ta, đáp án là tám. Khi ấy, bản thân ta cũng rất kinh ngạc”.

“Tiết Thái…”. Khương Trầm Ngư không kìm được gọi tên hắn, nhưng gọi xong, lại không biết phải nói gì.

“Nếu như, ta ra đời sớm tám năm, vào ngày mùng một tháng một năm Đồ Bích thứ tư, khi nàng đến tuổi cập kê, trong bốn nước, người xứng với nàng nhất kỳ thực không phải là Cơ Anh, mà nên là ta, chẳng phải sao?”.

Khương Trầm Ngư cảm thấy có một bàn tay vô hình, trong khoảng khắc này, bóp chặt trái tim nàng.

“Tám năm… cho dù ta có trưởng thành sớm như thế nào, cho dù ta có thần thông ra sao, cho dù ta có nỗ lực trưởng thành nhanh gấp ba người khác như thế nào, thế nhưng, tám năm này, ta không sao vượt qua nổi…” Giọng nói của Tiết Thái càng lúc càng trầm thấp mơ hồ, giống như đang nói mơ: “Đối với sinh mệnh, ta lạm chi quá nhiều, cho nên, bây giờ, đến lúc hoàn trả rồi…”.

“Hoàn trả cái gì? Lạm chi cái gì?”. Khương Trầm Ngư cuống lên: “Ngươi mới mười lăm tuổi! Ngươi còn có thể sống đến tám mươi tuổi! Ta không cho phép ngươi nói như thế”.

“Đối diện với sự thực đi, Trầm Ngư. Cả đời này của nàng, mỗi lần gặp phải chuyện không muốn đối mặt, nàng liền chọn cách trốn tránh, nhưng lần này, ta không cho nàng trốn tránh”.

Khương Trầm Ngư lại bàng hoàng lần nữa.

“Để ta nói cho nàng nghe, những gì ta nói sau đây rất quan trọng. Ta đã tìm ra tung tích của Cơ Hốt, nội dung cụ thể ta đã sai Chu Long đưa cho nàng; còn trong triều thần hiện nay, có vài người có thể bồi dưỡng, có vài người cần phải cấp tốc cách chức, trong lòng nàng rất rõ; nhưng để cho chắc chắn, ta cũng viết cả ra rồi… Năm năm qua, ta kế thừa chí hướng của Cơ Anh, mỗi ngày trăm công nghìn việc khổ sở vất vả lao tâm khổ tứ, cuối cùng đã được đền đáp. Đến nay, trong nước quốc thái dân an, quan hệ bốn nước hòa hảo, trong thời gian ngắn sẽ không xảy ra chiến sự. Cho nên!”. Giọng hắn bỗng dưng trở nên kích động, nói từng tiếng rành rọt: “Nếu như nàng muốn thoái vị lấy chồng, đây là thời cơ”.

“Ngươi nói cái gì?”. Khương Trầm không thể ngờ đến điều hắn muốn nói lại là điều này, cơ hồ hoài nghi mình lầm.

Nhưng giọng nói của Tiết Thái lại càng lúc càng sáng rõ, rành mạch và gấp gáp: “Nàng thích Hách Dịch đúng không? Nhưng vì thân phận của hai người, cho nên không thể ở bên nhau đúng không? Hiện tại, nàng có cơ hội rồi đó”.

“Ta không biết ngươi đang nói gì!”.

“Cơ Hốt là chủ nhân của Tứ quốc phổ, năm năm qua vì trốn tránh nàng, nàng ta đã chọn ẩn cư, nhưng chỉ cần nàng mời nàng ta lần nữa nàng ta sẽ xuất sơn, nàng có thể gửi gắm Tân Dã cho nàng ta, nàng ta vẫn sẽ giúp cháu của mình. Mẫu thân nàng đã qua đời, cũng là lúc mời phụ thân nàng quay về rồi. Hai người bọn họ, một người là bù nhìn rơm, một người là cáo già, tuy đều rất bạc tình, nhưng đối với Tân Dã, đều sẽ tận tâm tận lực. Cho nên nàng, cuối cùng cũng có thể rút lui khỏi vòng xoáy lớn này”.

“Ngươi… ngươi…”. Khương Trầm Ngư nói không nên lời.

“Trầm Ngư, có câu này có thể khá phũ phàng, nhưng lại là sự thực – Nàng không có tố chất làm hoàng đế. Năm năm nay, sở dĩ nàng có thể làm hoàng đế thuận buồm xuôi gió, ngoài vì nàng khoan dung độ lượng, được lòng người ra, còn có một phần nguyên nhân là – Những việc xấu xa, bẩn thỉu, nàng không muốn làm ta đều làm thay nàng. Bây giờ, ta sắp chết rồi, trừ phi nàng dùng Khương Trọng giúp nàng, nhưng, chắc chắn nàng không muốn lại đối diện với ông ta, cho nên… lúc này là lúc rút lui rồi. Lấy chồng đi, Trầm Ngư”.

Lấy chồng đi, Trầm Ngư.

Năm tiếng cuối cùng chắc nịch đanh thép, không ngừng vang vọng.

Nhất thời, trên trời dưới đất, đều lặp đi lặp lại năm tiếng này – Lấy chồng đi, Trầm Ngư. Lấy chồng đi, Trầm Ngư. Lấy chồng đi, Trầm Ngư.

Khương Trầm Ngư kêu thét lên, bịt chặt tai mình.

Giọng nói của Tiết Thái hơi nghẹn ngào, nhưng vẫn cố gắng kìm chế: “Năm đó ta ép nàng xưng đế là vì ta có tính toán riêng, ta không muốn nàng và Hách Dịch tiếp tục dây dưa, ta sợ nàng thực sự vứt hết tất cả đi theo hắn ta, cho nên, ta sử dụng tất cả mọi thứ để giữ nàng lại. Ta biết chuyện ương Họa Nguyệt và hai tên Tiêu La thông đồng, ta cố ý không đánh tiếng, ta cho ả ta có cơ hội đoạn tuyệt với nàng, kỳ thực, nếu như không cho họ cơ hội, chị em nàng vẫn có thể tiếp tục hòa thuận chung sống; ta biết nàng đã hai lần đi gặp Hách Dịch, ta ghen muốn chết, nhưng, ta nhất định phải cho hai người cơ hội cắt đứt, cho nên ta mạo hiểm việc có thể mất nàng, dùng xe ngựa của mình để che giấu cho nàng… Ta thận trọng từng bước, khổ tâm trù tính, ta tưởng rằng… chỉ cần cho ta thêm vài năm là sẽ có hy vọng. Từ nhỏ ta đã muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, cho dù sau này nhất thời thất thế, nhưng cũng là nhận đủ vinh sủng, vì thế trên thế gian này, không có thứ gì là ta không có được, bao gồm cả nàng trong đó. Cho nên, ông trời cuối cùng đã không chấp nhận, giáng một đòn chí mạng cuối cùng xuống ta”.

“Tiết Thái…”. Khương Trầm Ngư run run ấn lên cánh cửa, không thể tưởng tượng nổi vẻ mặt của Tiết Thái khi nói những lời này ở bên kia cánh cửa, hắn đang khóc ư? Lần duy nhất hắn khóc chính là lần khuyên nàng xưng đế, nhưng lần đó hắn tuy lòng xao động, nhưng không phải là kích động.

Băng Ly.

Danh hiệu mà Yên vương phong tặng kỳ thực là sự miêu tả chân thực về Tiết Thái. Cứng cỏi như băng đá, trong suốt như lưu ly.

Một con người như thế này, lại, lại… lại thích nàng. Sự thực này khiến cho cả trời đất đều trở nên ảm đạm.

“Nàng đi đi”. Tiết Thái mềm yếu nói.

“Ta không đi! Ta không đi! Cho dù ngươi có đuổi ta như thế nào, ta cũng không đi! Trừ phi ngươi đi cùng ta!”. Khương Trầm Ngư cố chấp lắc đầu.

Tiết Thái hít sâu một hơi, cười với một vẻ bất lực: “Nàng ấy… quả nhiên là khắc tinh của đời ta…’.

“Tiết Thái… ngươi, ngươi thật sự thích ta sao? Thế thì…”. Khương Trầm Ngư cắn môi, mỗi từ nói ra đều rất khó khăn: “Chỉ cần ngươi khỏe, khỏe lên, ta, ta sẽ lấy ngươi… Ta sẽ lấy ngươi, được không? Cho nên, Tiết Thái, ngươi đừng từ bỏ, ngươi ra đây đi, ta không tin bao nhiêu danh y trong thiên hạ, bao nhiêu thuốc quý như thế mà không cứu nổi ngươi!”.

Bên kia cánh cửa, im lặng rất lâu.

Khương Trầm Ngư đợi một lúc, không kìm được lại đập cửa: “Tiết Thái, Tiết Thái, ngươi có nghe thấy không? Ngươi có nghe thấy ta nói không? Ngươi đã lên kế hoạch lâu như thế, còn ép ta phải làm hoàng đế, để dọn đường cho quan hệ giữa chúng ta, sao lại có thể dừng lại ở đây? Ngươi không thích ta sao? Hãy cưới ta đi! Cưới ta đi!”.

“Không kịp nữa rồi!”. Giọng Tiết Thái vô cùng vô cùng khản đặc, khản đến mức khiến người ta cảm thấy dây thanh đới của hắn có thể đứt bất cứ lúc nào.

Khương Trầm Ngư mặt trắng bệch như tờ giấy: “Gì cơ?”.

“Nàng còn nhớ cái lần Hy Hòa chết đó không, ta dùng chăn chụp lên đầu nàng, không cho nàng nhìn? Lần này… cũng như thế…”.

Khương Trầm Ngư run rẩy lảo đảo đứng dậy: “Tiết Thái, ngươi, ngươi sao thế? Bộ dạng của ngươi bây giờ… rất đáng sợ sao?”.

“Đúng thế. Cho nên, nàng không thể nhìn. Nếu như nàng thấy… cả đời này sẽ toàn mơ ác mộng, hơn nữa mỗi lần nhớ đến lại là một lần đau khổ. Còn ta, tuyệt đối không thể để lại nỗi đau khổ này cho nàng. Cho nên…”. Tiết Thái nhẹ nhàng nói với nàng, bằng giọng điệu dịu dàng mà nàng chưa từng được nghe: “Không được nhìn. Trầm Ngư, không được nhìn”.

“Tiết Thái…”.

“Ta đã nói hết, nàng… đi đi”.

“Tiết Thái”. Nước mắt đầm đìa trên gương mặt Khương Trầm Ngư.

Tiếng bước chân lạo xạo, loáng thoáng truyền tới từ đầu bên kia cánh cửa, sau đó, câu nói cuối cùng của Tiết Thái vang lên: “Thực ra, hôm nay nàng có thể đến đây thăm ta, ta thật sự… rất vui”.

Sợi dây cuối cùng ở nơi sâu thẳm cõi lòng nàng cũng vì câu nói này mà đứt phựt, Khương Trầm Ngư chỉ cảm thấy mắt mình bỗng dưng nhòe đi, sau đó, sương mù dày đặc màu đỏ như máu tươi bao phủ, che hết tất cả cảnh vật trước mắt.

Nàng ngất đi.

Đến khi Khương Trầm Ngư tỉnh lại, trên mắt đã bị băng một dải lụa, có thể lờ mờ cảm thấy mình đang ở trên xe ngựa, bánh xe lăn lộc cộc, chòng chành lắc lư.

Nàng sờ dải lụa: “Chuyện gì thế?”.

Bên cạnh, giọng nói của Giang Vãn Y vang lên dịu dàng: “Hoàng thượng, bệnh mắt của người tái phát, lần này tương đối nghiêm trọng, cho nên phải điều trị cẩn thận. Hơn nữa… Tiết tướng dặn dò chúng thần đưa người về kinh, cho nên, bây giờ người đang trên đường về kinh.”

“Muội không đi!”. Khương Trầm Ngư giãy lên muốn ngồi dậy: “Muội không đi, muội phải nói chuyện với Tiết Thái, muội còn phải…”.

“Tiết tướng chết rồi!”. Giang Vãn Y lạnh nhạt nói một câu, nàng run lẩy bẩy.

“Huynh… nói gì?”.

“Sau khi hoàng thượng ngất, Tiết tướng vô cùng lo lắng, dặn dò chúng thần đưa người về kinh, nhưng dặn dò được một nửa thì không nghe thấy tiếng nữa, chúng thần vội vàng phái người vào trong, thì phát hiện Tiết tướng đã… ngừng thở”.

“Cũng có nghĩa là… đến nhìn mặt hắn lần cuối muội cũng không được nhìn?”. Có lẽ vì không nhìn thấy gì, nên KhươngTrầm Ngư trở nên yên tĩnh, không còn kích động nóng nảy như lúc đập cửa nữa.

Giang Vãn Y nhìn nàng một cách thương xót, “ừ” một tiếng.

Cả người Khương Trầm Ngư không hề nhúc nhích.

Giang Vãn Y nhẹ nhàng cầm tay nàng, khẽ nói: “Nếu muốn khóc thì cứ khóc đi”.

“Muội không khóc”.

“Hoàng thượng…”.

“Muội không thể khóc. Mắt của muội đang đắp thuốc, nếu muội khóc, nước mắt sẽ làm trôi hết thuốc”. Khi Khương Trầm Ngư nói câu này, giọng nói vẫn còn run rẩy, nhưng biểu cảm đã bình tĩnh đến mức đáng sợ.

Giang Vãn Y sờ lên dải lụa băng mắt nàng: “Ba ngày sau là được tháo băng, hoàng thượng có thể nhìn thấy trở lại”.

“Muội biết rồi. Cho nên, muội không khóc”. Khương Trầm Ngư cầm tay hắn, giống như đang nắm chặt chỗ dựa cuối cùng của mình, nói từng tiếng một: “Muội sẽ mau chóng khỏe trở lại, sau đó, muội sẽ đích thân đưa tiễn Tiết Thái. Truyền ý chỉ của trẫm, hỏa táng thi hài của Tiết tướng thành tro, rồi lấy tro cốt cho vào hộp, mang về đế đô. Trẫm sẽ đích thân chủ trì đại tang cho Tiết Thái!”.

Ánh mặt trời mùa đông chiếu xuyên qua cửa sổ rọi lên gương mặt nàng. Tuy đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng khóe môi cương nghị, cái cằm xiết chặt, không điểm nào là không bộc lộ quyết tâm và ý chí của vị nữ vương này.

Trong lòng Giang Vãn Y bỗng trào dâng một niềm kính trọng, hắn không nói thêm gì nữa.

Năm Lê Yến thứ năm, thừa tướng Tiết Thái nhận đế mệnh đến bảy thành trì xử lý dịch bệnh, không may nhiễm bệnh, chết ở Hàn Cừ. Hoàng đế nghe tin chảy nước mắt, lệnh hỏa táng di thể thừa tướng, đưa tro cốt về kinh.

Ngày mùng một tháng mười hai, hoàng đế đích thân chủ trì tang lễ cho thừa tướng.

Ngày thừa tướng nhập thổ, tuyết rơi nhiều như khóc, cả nước đau buồn.

Hoàng đế mất đi cánh tay phải, bệnh nặng, ba tháng sau băng hà, truyền ngôi cho thái tử Tân Dã, lệnh cho tiền thừa tướng Khương Trọng, tiền quý tần Cơ Hốt phò tá thái tử, đổi quốc hiệu thành Bích, niên hiệu Tân Bình.

Người đời sau để phần biệt, gọi giai đoạn trước triều Lê là Tiền Bích, sau triều Lê là Tân Bích.

Bức tranh mỹ nhân treo trên tường, xiêm áo bị gió thổi phấp phới, tựa như sắp bước từ trong tranh ra.

Nhưng vì ngày ngày dãi gió dầm mưa, nên có những chỗ đã bắt đầu ố vàng, khiến nàng vừa cao ngạo, cách biệt nhân thế, lại vừa thêm vài phần tịch liêu không thê tả xiêt.

Bức tranh này treo trên một tửu lâu hai tầng có tên là “Long Phượng lâu”, tọa lạc trên con phố phồn hoa nhất Nghi quốc. Còn ông chủ của tửu lâu này không phải ai khác chính là Nghi vương.

Từ hai năm trước, sau khi chàng treo bức tranh này lên, chặn đứng tâm tư muốn mai mối của một số đại thần, cũng thu hút được vô số văn nhân tao khách đến đây, bọn họ người thì muốn đến xem Hy Hòa phu nhân trong truyền thuyết rốt cuộc trông như thế nào, người thì muốn đến so sánh nàng ta với nữ quyến trong nhà mình… Người người đều nghe nói về một bức tranh như thế, người người đều chạy đến đó ăn cơm. Tóm lại, hành động này của Hách Dịch không những thành công trong việc từ chối hôn sự của mình, còn kiếm được bộn tiền.

Nhưng cũng hoàn toàn trì hoãn hôn sự của chàng. Đến nỗi khi người Nghi quốc nhắc đến hoàng đế của mình, đều tỏ vẻ lo lắng: “Ngươi nói xem hoàng đế của chúng ta tuổi có còn nhỏ đâu mà vẫn còn kén cá chọn canh như thế. Sao không chịu tìm một nữ nhân để ổn định chứ?”.

“Ngươi thì biết gì, bây giờ hoàng đế ngài muốn đi đâu thì đi đấy, muốn làm gì thì làm nấy, không có ai quản tốt biết bao nhiêu. Hơn nữa tuy ngài không lấy vợ, nhưng hồng nhan trí kỷ, một đêm phong lưu chắc chắn là vô số, hi hi, đây mới là cảnh giới cao nhất của nam nhân: Có quyền, có tiền, có nữ nhân, còn có tự do!”.

“Nhưng không có con cái nối dõi thì vẫn không ổn”.

“Sợ cái gì chứ, chúng ta còn có tiểu công tử. Dù sao hoàng thượng quanh năm suốt tháng cũng không ở đế đô, nếu không có tiểu công tử, ngài có thể thoải mái như thế không?”.

“Cũng đúng. Tiểu công tử thật sự rất lợi hại… Đúng rồi, năm nay ngài cũng mười sáu tuổi rồi đúng không? Cũng có thể thành gia rồi nhỉ? Ngươi nói xem, ở Nghi quốc chúng ta, thiên kim tiểu thư của nhà nào có thể xứng với tiểu công tử?”.

“Ồ, cái này ấy mà, phải suy nghĩ cho thật kỹ…”.

Những cuộc thảo luận kiểu này có khắp trong các tửu lâu, lọt vào tai một người nào đó, y liền không nhịn được mỉm cười?

Người này thân khoác áo khoác màu đen, đi lên cầu thang vội vã lên tầng hai, đến trước bức tranh.

Nữ tử trong tranh đứng trước chiếc gương đồng, dáng người cực kỳ thướt tha yểu điệu, mái tóc như mây bay lãng đãng, còn trong gương đồng lại có thể nhìn thấy gương mặt của nàng – mày đậm môi son, không phải là nhan sắc của nhân gian.

Bức tranh này truyền từ Tiết Thái đến Hách Dịch, giúp hai nam tử xuất sắc từ chối hôn sự, vì thế có thể thấy nó được vẽ đẹp đến nhường nào.

Thế nhưng, người thân khoác áo choàng đen đó đứng trước bức tranh, nhìn thần thoại do tự tay mình vẽ ra, lại hiểu một cách sâu sắc rằng, thứ nàng vẽ ra chẳng được đến bảy phần của Hy Hòa phu nhân.

Có lẽ do nàng đứng nhìn chăm chú trước bức tranh quá lâu, cho nên đã thu hút sự chú ý của vài người khách:

“A? Ngươi xem, lại có người ngơ ngẩn trước bức tranh đó”.

“Đừng nhìn nữa, năm nào chẳng có bao nhiêu thằng ngốc như thế, có phải hiếm thấy đâu…”.

“A! Nhìn kìa!”.

“Có cái gì hay mà nhìn…”.

“Mau nhìn mà xem! Người đó gỡ bức tranh xuống rồi!”.

“Cái gì? Giữa thanh thiên bạch nhật, lại có người dám ộm tranh!”.

Khách khứa trong tửu lâu nhốn nháo cả lên, nhìn lên tiêu điểm của tầng hai, đoán xem kẻ nào không sợ chết dám lấy bức tranh đó xuống.

Nhưng từ góc nhìn của bọn họ, chỉ thấy người áo choàng đen đó kín mít từ đầu đến chân, không hở ra một chút da thịt.

Ngay tức khắc có tiểu nhị xông lên lầu chuẩn bị bắt giữ y. Nhưng lúc này, người áo đen nói một câu: “Nghe nói, muốn gả cho Nghi vương bệ hạ, phải đẹp hơn người trong tranh, đúng không?”.

Giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng, linh động như khói, triền miên như nước, lại ngân vang như chuông.

Nữ nhân?

Tất cả mọi người có mặt đều ngẩn ra, tiểu nhị cũng đứng yên tại chỗ.

Sau đó, người áo đen lại nói câu thứ hai: “Thế thì ta đến ứng cử, hãy đưa ta yết kiến Nghi vương bệ hạ”.

Sau một hồi im lặng chết chóc, cả tửu lâu bùng lên náo loạn.

Trong tiếng huyên náo của mọi người, chưởng quầy của tửu lâu đi lên cầu thang, chắp tay hành lễ: “Mời tiểu thư đi theo ta”.

Hai người rất mau chóng biến mất ở góc rẽ cầu thang.

“Người đó là nữ nhân? Nữ nhân? Nàng ta còn đẹp hơn cả người trong tranh?”.

“Đã dám hạ bức tranh đó xuống, chắc chắn là như vậy. Nếu không là khi quân, bị chém đầu đó…”.

“Trời ơi, vừa nãy sao không kéo áo choàng của nàng ta xuống? Muốn biết nàng ta trông thế nào quá!”.

“Đừng có ngốc thế! Nếu người đó quả thực xinh đẹp hơn cả Hy Hòa phu nhân, hơn nữa thực sự trở thành hoàng hậu của Nghi quốc, dung mạo của nàng ta có thể dễ dàng cho ngươi nhìn thấy sao?”.

“Tuy nói như vậy, nhưng vẫn muốn biết quá á á á á á…”. Tiếng than thở, tiếng ngạc nhiên, tiếng tò mò và đủ mọi giọng nói hòa lẫn với nhau, khiến tửu lâu càng lúc càng náo nhiệt hơn bình thường.

Mà lúc này, người áo đen được chưởng quầy của tửu lâu dẫn dắt, đã bước vào một căn phòng ở tầng hai.

Hai tên thị vệ tiến lên phía trước chuẩn bị lục soát người, Hách Dịch ở trong phòng xua tay: “Không được làm mỹ nhân kinh sợ. Các ngươi lui ra, để nàng vào trong”.

Người áo đen chậm rãi đi đến trước mặt chàng, dừng lại cách chàng khoảng một trượng.

Hách Dịch dò xét nàng từ đầu đến chân một lượt, cười nói: “Nàng thật may mắn, hôm nay trẫm lại ở đây”.

“Đừng có coi thường thế lực của ta ở Nghi quốc”.

“Ha ha”. Hách Dịch cười vui vẻ: “Ta đương nhiên biết rõ thế lực của nàng, chỉ có điều ta lại không ngờ đến bây giờ nàng vẫn còn có thể sử dụng những thế lực này”.

Đám thị vệ nghe đến đây, cuối cùng đã hiểu hóa ra vị cô nương này là chốn quen biết cũ với hoàng thượng!

Người áo đen cầm bức tranh lên, từ tốn nói: “Ta nghe nói, muốn gả cho ngài, cần phải đẹp hơn nàng ta!”.

Hách Dịch tươi cười nhìn năng.

Người áo đen bỏ bức tranh xuống: “Nhưng ta không đẹp bằng nàng ta, còn có thể gả cho ngài không?”.

Ánh mắt của Hách Dịch liền trở nên sâu thẳm: “Cởi áo choàng ra”.

Người áo đen từ từ cởi bỏ chiếc đai, thả hai tay ra, chiếc áo choàng trùm từ đầu đến chân tụt xuống đất như nước chảy.

Các thị vệ nhìn thấy dung mạo của nàng xong, hai mắt trợn tròn.

Hách Dịch nhìn phản ứng của mọi người một lát rồi mỉm cười: “Nếu như nàng nhìn phản ứng của những người này xong còn cảm thấy chưa đủ tự tin…”. Chàng đứng dậy, đi thêm khoảng một trượng, dừng trước mặt người khách, giơ tay lên, nhẹ nhàng kéo lấy tay nàng: “Vậy thì để ta nói cho nàng hay, trong mắt ta, Hy Hòa phu nhân căn bản không bằng một phần vạn của nàng”.

Người đó run rẩy, giọng run run: “Cái hẹn ba năm đã qua… lại thêm hai năm nữa, còn có hiệu lực không?”.

Hách Dịch chăm chú nhìn nàng một cách dịu dàng vô hạn: “Đối với nàng… ta nghĩ hẳn là có hiệu lực vĩnh viễn…”.

Ngừng lại một lát, gọi tên nàng:

“Tiểu Ngu”.

Năm Tân Bình thứ nhất, có nữ tử lấy bức tranh Hy Hòa trên Long Phượng lâu xuống, tự xưng dung nhan mình còn đẹp hơn nàng ta. Nghi vương gặp xong, quả nhiên cả mừng, bèn cưới nàng, giấu trong thâm cung không ai được gặp.

Năm Tân Bình thứ hai, Nghi vương truyền ngôi cho người cháu, tức Hiền vương mà người Nghi quốc gọi thân mật là “tiểu công tử” Dạ Thượng.

Nghi vương cùng vợ thoái vị ẩn cư, làm ăn trong bốn bể, vô cùng thích ý.

Năm Tân Bình thứ ba, có sử quan khẩn cầu biên lại Bích sử, khi hạ bút đến đoạn Khương Trầm Ngư, lời lẽ phần nhiều miệt thị, nói là họa quốc (gây họa cho đất nước).

Bích vương Tân Dã mới chín tuổi đọc xong, sai người phạt trượng.

Sử quan hoảng sợ, định sửa lại, Bích vương giữa triều đường lại nói: “Cứ như thế đi, không cần sửa”.

Thế nên, Bích sử ghi rằng:

Lê vương Khương Trầm Ngư, con gái út của hữu tướng của triều Tiền Bích Khương Trọng, dung mạo xinh đẹp, được Bích vương Chiêu Doãn yêu thích, cưới về trong cung, phong làm Thục phi, sau lại tấn phong hoàng hậu. Người này giỏi về quyền thuật, lòng dạ độc ác thủ đoạn sâu xa, kiêm cả văn sử, tài năng ngút trời. Vào đêm được phong hậu, đầu độc giết Bích vương, khiến ngài bệnh mãi không khỏi, nhân cơ hội lâm triều xử lý chính sự, nắm chính quyền trong tay. Năm Đồ Bích thứ sáu, Bích vương băng hà, tỉ muội họ Khương tranh quyền, thị được thừa tướng Tiết Thái hỗ trợ, giết tỉ tỉ của mình, từ đây lên ngôi, tự xưng Duệ đế, đổi quốc hiệu thành Lê.

Năm Lê Yến thứ năm, Tiết tướng bệnh chết, không lâu sau Khương thị cũng qua đời.

Phía dưới bình luận:

Trong thời gian tại vị tuy Lê vương làm được rất nhiều việc tốt, nhưng trước thị giết chồng sau lại giết chị, ngay đến cha mình cũng không tha, vì ý kiến bất đồng với Khương tướng nên đã bãi miễn ông, khiến ông nhiều năm không được quay về kinh, vì thế người này có thể nói là bạc tình lạnh lùng đến cực độ. Đồ Bích mênh mông, thiếu chút nữa là bị hủy hoại trong tay người phụ nữ này, buồn thay đau thay! Hy vọng người đời sau lấy đây làm gương…

“Thanh sơn viễn cận đái Hoàng Châu, Tễ cảnh Trùng Dương thướng bắc lâu. Vũ yết đình cao tiến cúc nhuận, Sương phi thiên uyển ngự lê thu. Thù du sáp mấn hoa nghi thọ, phỉ thúy hoàng thoa vũ tác sầu. Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy, Hà tằng đắc kiến thử phong lưu…”(2)

Ngữ điệu chậm rãi, nhẹ nhàng vang vọng giữa những tán bách xanh tươi, nam tử ăn vận thoải mái vừa đi vừa ngâm nga, có vẻ vô cùng thoải mái.

Sau lưng chàng, một người dáng vẻ như a hoàn đang dìu một nữ tử, nữ tử này nghe xong liền cười: “Nhìn chàng vui vẻ như thế, tiết Trùng Dương sắp đến, lẽ nào chàng không có chút ưu sầu ‘biên sáp thù du thiểu nhất nhân’(3) nào sao”.

Nam tử lập tức quay người lại, ra hiệu cho a hoàn lui ra, tự mình đỡ tay nữ tử, nói: “Ta có ái thê xinh đeo ở bên cạnh, lại còn có con trai chưa chào đời đang chờ đợi, có gì mà phải ưu sầu?”.

Nữ tử chớp chớp mắt: “Sao chàng khẳng định là con trai?”.

“Con gái càng tốt, xinh đẹp giống như nàng, có tố chất gây họa cho nước nhà”.

Nữ tử đang định cười thì phía trước có mười mấy người đi đến, nhìn dáng vẻ cũng là leo núi vãn cảnh, những người đó ăn vận theo kiểu văn sĩ, vừa đi vừa bàn luận:

“Này, huynh có nghe nói Bích vương sai người soạn lại sử sách Tiền Bích, trong đó viết về Lê vương rất tệ không!”.

“Ả vốn gây họa cho nước cho dân, theo ta thấy, viết như thế vẫn còn nhẹ đấy”.

“Chẳng trách ả chết rồi trước mộ chẳng có lấy một tấm bia. Không giống như Võ hậu thời Đường cho mình một tấm bia không chữ”.

“Võ Tắc Thiên dù có thế nào đi chăng nữa, cũng không hạ độc chồng mình, so với Khương Trầm Ngư, còn nhân từ hơn nhiều”.

“Nhưng ta nghe nói, người hạ độc không phải là Lê vương, mà là đệ nhất mỹ nhân của bốn nước – Hy Hòa phu nhân”.

“Thôi đi. Làm gì có ai hạ độc cả bản thân mình. Đừng quên cuối cùng Hy Hòa chết thảm nhường nào… Chắc chắn là Khương Trầm Ngư đố kỵ với dung nhan kiều diễm của nàng, Bích vương vừa bị bệnh, ả liền lập tức ban cái chết cho Hy Hòa, còn tung tin với bên ngoài là bệnh chết, ai tin chứ!”.

“Thế xem ra Khương Trầm Ngư này quả nhiên là mầm họa lớn!”.

“May mà ông trời có mắt, làm cho ả bị bệnh mà chết. Tạo nghiệt quá nhiều sẽ có kết cục này”.

“Ta cảm thấy, để cho ả chết vẫn là dễ dàng cho ả, loại đàn bà độc ác này, đáng nhẽ phải lôi ra giễu phố lăng trì mới có thể giải hết hận!”.

“Được rồi, ai bảo hoàng đế của chúng ta nhân từ nương tay, nói thế nào đi chăng nữa, ngài cũng do một tay nữ nhân kia nuôi lớn, giống như là mẹ vậy… Đổi lại là ta, ta cũng thấy khó xử. Hoàng thượng đáng thương, mới chín tuổi mà phải đối mặt với những chuyện này… May mà ngài vẫn còn ông ngoại và Cơ thái hậu yêu thương ngài…”.

Tiếng bàn luận của đám văn nhân này càng lúc càng xa, chẳng ai buồn đưa mắt liếc về phía bên này một cái.

Đợi khi họ đi khuất tầm mắt, a hoàn mới “phì” một tiếng, căm hận nói: “Những kẻ đọc sách này là đáng ghét nhất, nói nhăng nói cuội, bàn luận vớ vẩn!”.

Nam tử cười hi hi: “Thế theo Hoài Cẩn, phải trừng phạt bọn họ như thế nào?”.

“Ừm… bắt bọn họ đi làm ruộng hết đi! Xem bọn họ còn nhàn rỗi như thế không?”.

Nam tử lộ vẻ kinh ngạc, quay sang nói với nữ tử: “A đầu này của nàng thật là ghê gớm đấy!”.

Nữ tử mỉm cười.

Hoài Cẩn bất mãn nói: “Tiểu thư, bọn chúng nói tiểu thư như thế, tiểu thư không tức giận sao? Còn nữa, hoàng thượng sao lại đồng ý cho sử sách viết về tiểu thư như thế? Còn cả lão gia nữa, sao lão gia cũng đồng ý…?”.

Nữ tử dịu dàng ngắt lời nàng ta, nói: “Thiên tử thay đổi thần tử cũng thay đổi, để củng cố chính quyền, đẩy hết lỗi lầm cho triều đại trước là một hành động sáng suốt”.

“Nhưng mà…”.

“Không sao. Dẫu sao… Khương Trầm Ngư đã chết rồi, người đời sau bình luận về nàng thế nào, nàng cũng không có ý kiến gì”.

“Đúng đấy đúng đấy!”. Nam tử ghé sát lại, trong ánh mắt tràn ngập sự tán thưởng: “Tiểu Ngu nhà ta nghĩ thông suốt nhất, cho nên mỗi ngày mới hạnh phúc như thế”.

Tiểu Ngu ngẩng đầu lên, nhìn nam tử cao hơn mình nửa cái đầu, ánh mắt sáng lấp lánh, có chút cảm khái, lại có chút cảm ơn: “Hạnh phúc của thiếp… lẽ nào không phải do phu quân ban cho sao?”.

Hai người dù đã thành hôn nhiều năm, nhưng phút này nhìn vào mắt nhau, tình ý vẫn triền miên như cũ.

Hoài Cẩn ở bên cạnh đã quen, nên quay đầu đi làm bộ không thấy.

Nữ tử bỗng kêu một tiếng rất khẽ.

Nam tử đột nhiên biến sắc, lo lắng hỏi: “Sao vậy?”.

“Con… đạp thiếp…”.

“Đi nào, ta bảo bọn Tiểu Chu đánh xe đến, chúng ta mau về thôi”. Nam tử nói đoạn rồi gọi người.

“Đừng… đừng gấp gáp như thế… chỉ là đạp thiếp một cái thôi, không phải sắp lâm bồn đâu…”. Nữ tử bị phản ứng của nam tử chọc cười, lườm chàng một cái: “Chàng luôn không cho thiếp ra khỏi cửa, làm cho thiếp chán chết đi được. Hôm nay khó khăn lắm mới dẫn thiếp leo núi, gì thì gì thiếp cũng phải leo đến đỉnh núi mới thôi”.

“Ta đâu có không cho nàng ra khỏi cửa”. Nam tử mặt đầy vẻ oan uổng, cười khổ nói: “Trước đây nàng ngôi thai không thuận, động một chút là nôn ọe, sư huynh nàng nói nàng khí hư thể nhược, không nên hoạt động nhiều”.

“Sư huynh sư huynh sư huynh, rốt cuộc chàng nghe huynh ấy hay là nghe thiếp?”.

“Ta đương nhiên là…”. Nam tử nói đến đây, mắt đảo một vòng, bỗng cúi xuống: “Nghe ‘Song Hoàng Liên’ nhà chúng ta!”.

Hoài Cẩn ở bên cạnh bật cười thành tiếng, che miệng nói: “Cô gia thật quá đáng, sao lại đặt cho tiểu thiếu gia tương lai một cái tên khó nghe như thế!”.

“Tuy khó nghe, nhưng lại gần gũi, độc nhất vô nhị. Ngươi nghĩ xem, ta từng là hoàng đế, còn phu nhân của ta cũng từng là một hoàng đế, hai hoàng đế kết hợp lại mới có đứa trẻ này, thế chẳng phải là ‘Song Hoàng Liên’ sao?”.

“Sao chàng không gọi là ‘Song Đản Hoàng’ (trứng hai lòng) đi?”. Nữ tử lườm chàng một cái, quay người đi lên phía trước.

Nam tử vẫn rất nghiêm túc ngẫm nghĩ: “Song Đản Hoàng… hình như cũng không tồi đâu…”.

“Này, thiếp chỉ tùy tiện nói ra thôi! Nếu chàng thật sự dám đặt tên như thế, thiếp không chịu đâu”.

“Ha ha ha ha…”. Ba người tiếp tục đi lên núi, lại gặp đám văn nhân đó xuống núi, tiếng bàn luận của họ vẫn chưa dứt, lại đổi sang một chủ đề khác.

“Nghe nói Trình vương tháng trước bị ám sát chết rồi?”.

“Ừ, hơn nữa, nghe nói là huynh trưởng của nàng ta làm”.

“Huynh trưởng của nàng ta chẳng phải đã chết cả rồi sao?”.

“Còn một người bỏ trốn. Đó chính là kẻ đã hại chết Kỳ Úc hầu của chúng ta!”.

“Ồ… hình như tên là Di gì đó, Di Phi thì phải”.

“Đúng. Hắn quả là giỏi nhẫn nhịn, mười năm đằng đẵng, cuối cùng đã phục quốc thành công!”.

“Quả nhiên là một nam nhân như lạng sói…”.

Tiếng bàn luận xa dần.

Hoài Cẩn nhớ đến diện mạo thực sự của nam nhân bị bình luận là như “lang sói”, không kìm được lại cười “phì” một tiếng nữa: “Nào có giống lang sói, rõ ràng là một con công!”.

“Mười năm…”. Trong mắt của nam tử lại ngập tràn sự cảm khái: “Hóa ra đã mười năm rồi…”.

“Đúng thế, mười năm phong vân biến ảo của thiếp, cũng là mười năm nếm mật nằm gai của Di Phi”. Nữ tử nói đến đây, cũng bộc lộ vẻ mặt đầy phức tạp: “Hắn tuy bề ngoài cười cợt không nghiêm túc, nhưng thực sự là một nam nhân rất giỏi. Cũng may, hắn cũng không phải kẻ địch của thiếp”.

Nam tử mỉm cười rất kỳ dị.

Nữ tử không kìm được hỏi: “Chàng cười cái gì?”.

Nam tử thong thả nói: “Di Phi không thể là kẻ địch của nàng được”.

“Tại sao chàng lại khẳng định như vậy? Nếu như năm đó thiếp không chịu đồng ý thu nhận hắn…”.

Nam tử ngắt lời nàng: “Nàng nhất định sẽ thu nhận. Bởi vì, nàng đã từng thề phải báo thù cho Sư Tẩu, tuyệt đối không thể tha thứ cho Di Thù. Thế thì còn có cách gì tốt hơn là thu nhận cái gai trong mắt của Di Thù?”.

Nữ tử nhìn chằm chằm chàng một lúc xong cười rạng rỡ: “Chàng quả thực rất hiểu thiếp”.

“Sở dĩ ta nói Di Phi không thể trở thành kẻ địch của nàng, ngoài việc hai người có chung một kẻ địch ra, còn có một nguyên nhân, đó là…”.

“Là gì?”.

Nam tử bỗng nín thinh, không chịu nói.

“Mau nói đi! Mau nói mau nói…”.

“Không nói”.

“Hách Dịch!”.

“Đại trượng phu nói không nói, tức là không nói. Nàng gọi tên của ta cũng vô dụng”.

Hoài Cẩn bên cạnh đưa mắt liếc qua liếc lại hai người, sau đó cũng cười. Kỳ thực, nguyên nhân đó nàng cũng biết, chỉ có điều tiểu thư… dường như thật sự thật sự không biết…

Tiểu thư quả thực là một người rất chậm hiểu.

Năm đó trong mắt chỉ có một mình Cơ Anh. Tâm tư của những người khác đối với nàng thế nào, nàng hoàn toàn không hay biết. Nếu không phải cô gia là người đầu tiên dũng cảm bày tỏ với nàng, có lẽ người bên cạnh tiểu thư hôm nay chưa chắc đã là cô gia.

Nói ra, đáng thương nhất vẫn là thừa tướng, hắn nói sớm một chút thì tốt rồi, nhưng lại đến lúc gần chết mới nói, hại cho tiểu thư khóc đến suýt mù cả đôi mắt…

Vừa nghĩ đến muôn vàn chuyện năm xưa, nàng bỗng hắt xì hơi một cái, lại nhìn thấy hai người – một người vẫn truy hỏi không thôi và một người cười kỳ lạ trước mắt, một cảm xúc từ từ trào dâng, mềm mại lan tỏa khắp toàn thân.

Tên của loại cảm xúc này chính là hạnh phúc.

Ngàn năm trôi qua, đời sau bình luận.

Hạnh phúc vui sướng lại ở hôm nay.

Mùa đông năm Tân Bình thứ hai, Trình quốc Di Phi xưng đế. Lịch sử bốn nước, một lần nữa sang trang.

Chú thích: (1) Hai câu trong bài từ “Hoán khê sa – Nhất khúc tân từ tửu nhất bôi” của nhà thơ đời Tống Yến Thù (991 – 1055).

(2) Bài “Cửu nhật đăng cao” của Vương Xương Linh (thời Đường). Nhà thơ kể lại tình cảnh đăng cao vào tết Trùng Dương theo phong tục, leo lên Bắc lâu, cảnh núi non trùng điệp từ xa tới gần thu vào tầm mắt. Tạm dịch nghĩa như sau: Núi xanh từ xa tới gần trải dài đến kinh đô, sau cơn mưa leo lên lầu Bắc vào tiết Trùng Dương. Mưa tạnh đình cao hoa cúc tươi tốt, sương giăng vườn ngự uyển hoa lê vào thu. Cành thù du gài tóc, hoa trường thọ, trâm phỉ thúy cài ngang dáng như mỹ nhân âu sầu nhảy múa. Chẳng trách Đào Tiềm uống say mèm dưới hàng rào, đời người có được mấy lần phong lưu như thế này…

(3) Một câu trong bài “Cửu nhật cửu nguyệt ức Sơn Đông huynh đệ” của Vương Duy, nghĩa là vào tiết Trùng Dương nhớ người thân nơi phương xa hôm nay đều đăng cao, cài thù du lên tóc, duy chỉ thiếu có mình.

HẾT CHÍNH VĂN


/27

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status