Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa

Chương 70: 70: Chương 16-4

/108



Khi cảnh sát trực ban của trại tạm giam phát hiện có người biến mất khỏi phòng giam số sáu thì đã là buổi chập tối, gần lúc ăn cơm của ngày hôm sau.
Người phát hiện Nghiêm Cẩn mất tích lại chính là quản lý Vương – người phụ trách phòng giam số sáu.

Hôm đó thứ bảy vốn không phải ca trực nhưng vì có vài tài liệu để ở văn phòng nên buổi chiều quản lý Vương đành tới trại giam lấy, tranh thủ ghé qua xem tình hình của Mã Lâm.

Thấy tâm lý Mã Lâm khá ổn định, anh lại nghĩ sẽ qua gặp Nghiêm Cẩn nói chuyện một lát, nhân thể đưa anh hai cây thuốc lá người nhà gửi vào.

Nào ngờ anh ta lại được Lý Quốc Kiến báo lại rằng Nghiêm Cẩn hôm qua bị đưa đi thẩm vấn tới giờ vẫn chưa về, có lẽ được đưa ra ngoài cũng nên.

Đưa ra ngoài nghĩa là được dẫn về thẩm vấn tại đội cảnh sát hình sự, đa phần nghi phạm bị giam giữ trong trại tạm giam rất sợ bị đưa ra ngoài nên ít nhiều trong giọng nói của Lý Quốc Kiến cũng có phần lo lắng.
Quản lý Vương nghe thấy vậy, ban đầu cũng không để bụng lắm bởi tuy là chuyện đưa ra ngoài này không phổ biến nhưng cũng không hiếm gặp.

Mãi đến lúc ra về tình cờ gặp người quen ở cửa, anh ta vô tình nhắc tới chuyện này, người đó mới ngạc nhiên nói: “Không phải chứ, tôi nhớ chiều thứ sáu đội hình sự đã nộp lại phiếu yêu cầu triệu tập rồi, họ có dẫn người nào ra ngoài đâu.”
Nói tới đây hai người họ đưa mắt nhìn nhau, đồng thời nhận thức được nguy cơ, có chuyện không hay xảy ra rồi!
Mười phút sau trại tạm giam rối như canh hẹ, đến cả bầu không khí cũng đầy sự căng thẳng và bất an.

Tất cả được ra lệnh ra khỏi phòng, tập trung trên đường tuần tra.

Tất cả cảnh sát của trại giam và một số cảnh sát vũ trang đi tới đi lui, nhiều lần kiểm tra quân số, đối chiếu danh sách phạm nhân.


Mười mấy nghi phạm trong phòng giam số sáu lần lượt bị gọi riêng vào phòng thẩm vấn nói chuyện.
Nhân viên trong trại tạm giam tiến hành khớp lời khai, cuối cùng làm rõ quá trình.

Chiều thứ sáu, sau khi thẩm vấn xong, tổ chuyên án nộp lại phiếu yêu cầu triệu tập rồi ra về, đáng lẽ sau đó cảnh sát phụ trách phòng thẩm vấn phải áp giải Nghiêm Cẩn ra khỏi phòng.

Nhưng thật không may lúc đó lại đúng vào giờ ăn tối, có ba cảnh sát trực ban: một người đưa nghi phạm khác về phòng giam, một người đi ăn ở nhà ăn, khi về thì trực thay cho cảnh sát thứ ba đi ăn.

Nhưng hai người này bàn giao không đúng quy định, một người thì nói người kia vội đi ăn nên không hề nhắc anh ta rằng còn một nghi phạm vẫn ở trong phòng thẩm vấn, người nọ lại nói mình đã nhắc rồi nhưng đối phương quên mất, dù sao cũng không có nhân chứng, ai gánh trách nhiệm cũng chẳng giải quyết được gì.

Điều duy nhất có thể chắc chắn là cảnh sát trực phòng giam trong giờ ăn tối không nhìn thấy Nghiêm Cẩn nên cũng nghĩ anh bị tổ chuyên án đưa đi.

Và thế là Nghiêm Cẩn đã bị bỏ quên suốt một đêm trong phòng thẩm vấn như thế.
Sau đó có người phát hiện song sắt cửa sổ phòng thẩm vấn bị bẻ cong, còn có dấu vết cọ xát ngoài tường chứng tỏ nghi phạm đã bỏ trốn khỏi phòng thẩm vấn bằng cửa sổ.

Trại giam lập tức quyết định tìm kiếm mọi ngóc ngách tại đây, tất cả cảnh sát không trực đều bị triệu tập khẩn cấp gần như lục tung từng tấc đất trong trại giam để tìm kiếm Nghiêm Cẩn.
7h30 tối, dù không ai muốn thừa nhận nhưng sự thật tàn khốc đã phơi bày trước mắt: Số 0382 của phòng giam số sáu, nghi phạm giết người Nghiêm Cẩn, đã bỏ trốn một cách bí ẩn.
Không ai biết anh làm thế nào mà thuận lợi vượt qua bốn bức tường cao vời vợi và cánh cổng sắt được canh gác nghiêm ngặt của trại tạm giam.
Trong lúc đó, nghi phạm gây nên trận rối ren trong trại tạm giam lại đang đứng bên cạnh một sạp báo ở đối diện spa “Tự thủy lưu niên”, cầm một tờ báo trên tay vờ như đang đọc nhưng tầm mắt không hề đặt trên mặt báo mà cứ dán lên cửa kính hướng ra đường của spa Tự thủy lưu niên.

Anh đang cố gắng thu thập hình ảnh của Quý Hiểu Âu qua lớp kính trong.
Vé tàu điện ngầm từ China World Trade Center Tower III đến Tứ Huệ là hai đồng, khi anh vượt qua cầu thang thật dài để xuất hiện trên mặt đất thì trong túi chỉ còn ba đồng xu, một đồng năm hào, hai đồng một hào, tổng cộng là bảy hào, thậm chí không đủ tiền mua một chai nước, chỉ đủ mua một tờ báo cũ rích ra ngày hôm qua mà thôi.
Chủ sạp báo là một người phụ nữ ngoài tứ tuần, len lén trộm nhìn anh rất nhiều lần bởi tuy Nghiêm Cẩn có vẻ gầy guộc nhưng đứng ở đây, thần thái và khí chất vẫn khiến bản thân anh rất khác biệt so với những người bình thường khác, hơn nữa, bộ cảnh phục màu tím than càng làm anh càng thêm phần bảnh trai.
Nghiêm Cẩn có mắt sau lưng làm sao lại không phát hiện ra ánh mắt dò xét của bà chủ quán, người phụ nữ trung niên vẫn còn rất ưa nhìn và ánh mắt đa tình hướng vào anh của người đó như hai chiếc bàn chải phủ mật ngọt chà tới chà lui trên người anh.

Song, anh chẳng có tâm trạng đáp lại lời mời mọc phong lưu ấy, tính ra chai nước khoáng và bánh quy vị jambon trên quầy còn thu hút anh hơn nhiều.
Từ chiều qua đến giờ, nếu không tính đến vài ngụm nước máy trong nhà vệ sinh công cộng, đã gần ba mươi tiếng đồng hồ Nghiêm Cẩn chưa có gì bỏ bụng.

Những đợt huấn luyện sinh tồn nơi hoang vu trước đây cũng chẳng thể giúp anh duy trì điều kiện sống cơ bản nhất trong thành phố ngợp vàng son này, trừ khi anh trở thành người vô gia cư cố tìm chút cơm thừa canh cặn trong các bãi rác hoặc thùng nước gạo.

Nếu bảo cầm bộ cảnh phục trên người đi ăn chặn một bữa cơm, thì giống như chuyện mặc cả với taxi sáng sớm, tuy không phải không thể nhưng trước mắt anh chẳng dám mạo hiểm.

Anh trốn khỏi trại giam lúc sáu giờ mười phút sáng, bây giờ nhìn xe cộ trên phố tấp nập thế này chắc hẳn đã khoảng năm giờ chiều, chắc chắn trại giam đã phát hiện chuyện anh mất tích rồi.

Nếu kẻ bị ăn chặn không chịu im lặng chịu thiệt một lần mà làm ầm lên sẽ rất gây chú ý của đám đông, cũng khiến anh rơi vào tình thế nguy hiểm vô cùng.
Ngoài ra, lúc này trong lòng anh cũng đang vô cùng rối rắm, không biết có nên băng qua đường, kéo cô gái của anh xuống vũng bùn này không?
Lại nói tới quá trình bỏ trốn khỏi trại giam của Nghiêm Cẩn, về sau bị người ta đồn thổi đến là thần kỳ, không khác gì trong “Vượt ngục” và “The Shawshank Redemption”.


Nhưng thực tế anh chẳng trèo tường, cũng không hề đào đường hầm, mà hiên ngang đi ra từ cổng chính, suốt quá trình đến anh còn thấy khó tin, tựa như một câu chuyện cổ tích có trăm ngàn lỗ hổng, có kể cũng chẳng ai tin được.
Nhảy xuống từ cửa sổ phòng thẩm vấn trên tầng năm, anh dùng cục nóng điều hòa lắp trên tường các tầng làm chỗ đặt chân, chỉ hơn mười giây sau, đôi chân anh đã an toàn đặt xuống mặt đất vững chãi.

Song Nghiêm Cẩn không bỏ đi ngay mà còn quay lại khu vực làm việc.
Buổi chiều trong lúc đi từ phòng giam tới nơi thẩm vấn, do thói quen nghề nghiệp từ chục năm trước, mỗi khi đến nơi lạ anh đều sẽ lưu tâm đến kiến trúc và địa hình xung quanh trước tiên.

Lúc ấy anh chú ý tới hai cánh cửa bên phải cầu thang, lần lượt treo biển “phòng thay đồ nam” và “phòng thay đồ nữ”.

Mục đích Nghiêm Cẩn quay lại tòa nhà văn phòng chính là để đi vào phòng thay đồ nam.
Cửa phòng thay đồ có khóa nhưng chuyện đó không làm khó được Nghiêm Cẩn.

Vừa rồi trước khi rời khỏi phòng thẩm vấn, anh đứng lên ghế vặn gãy phích cắm sau camera rồi rút một sợi dây đồng giấu vào người.

Nắm được công cụ này trong tay, khóa cửa bình thường với anh dường như chẳng có chút nghĩa lý gì.
Phòng thay đồ có kê mấy dãy tủ locker, cái khóa cái không.

Trong ngăn tủ đa số là cảnh phục và một số đồ dùng cá nhân.

Mở mấy ngăn tủ, Nghiêm Cẩn tìm được một bộ cảnh phục khá vừa vặn với mình, tuy bộ đồ hơi nhỏ nhưng anh chỉ cần cởi áo len lông cừu là mặc được.

Sau đó anh còn tìm được một đôi giày da và mũ, nhưng lần này Nghiêm Cẩn không may mắn như trước vì đôi giày hơi chật, nhưng cũng chẳng còn cách nào, dù sao cũng không thể mặc cảnh phục mà lại xỏ đôi giày lười được, đành để đôi chân ấm ức một chút.


Tiếc rằng trên bộ đồ này không có nhiều tiền, móc mãi cũng chỉ tìm thấy vài đồng xu.
Tòa nhà văn phòng tối om như mực, hành động rón rén của Nghiêm Cẩn tạo ra tiếng động chỉ khẽ khàng như một con mèo đi ngang qua, không hề làm sáng bất cứ bóng đèn cảm ứng này.

Ở đây chỉ có nhà vệ sinh mở đèn sáng 24/24.

Đứng trước tấm gương loang lổ, anh kiểm tra một lượt trang phục từ đầu đến chân, mọi thứ đều đã ổn, cơ bản có thể đảm bảo anh sẽ an toàn đi được từ đây tới cổng chính của trại giam, không bị người ta soi mói gì.
Còn chuyện sẽ phải làm gì sau khi bước ra khỏi cánh cổng đó, anh chỉ đành đặt cược vào vận may mà thôi.
Nghiêm Cẩn còn nhớ lúc anh bị đưa tới trại giam hai tháng trước, do phải ký vào giấy tờ bàn giao nghi phạm nên xe cảnh sát có dừng lại một lát trước cổng.

Nhìn qua kính xe ra ngoài, anh trông thấy một cán bộ quản lý trại giam mặc đồng phục đi tới, nhưng chỉ chào hỏi vài câu với cảnh sát vũ trang gác cổng, cũng không phải xuất trình giấy tờ hay thẻ ngành gì cả.

Cảnh sát quản lý trại giam và cảnh sát vũ trang thuộc hai hệ thống riêng biệt, cảnh sát vũ trang không thể biết được tất cả các cảnh sát ở đây, Nghiêm Cẩn đành đặt cược lên điểm sơ xuất nho nhỏ về mặt chế tài này.
Nghiêm Cẩn trốn trong một phòng vệ sinh được trưng dụng làm nhà kho vài giờ đồng hồ, yên lặng chờ tới giờ thức giấc vào 6h sáng.

Anh không có đồng hồ cũng chẳng có điện thoại nên không biết lúc này đã là mấy giờ, song anh biết 6h sáng là giờ giao ca của tốp cảnh sát vũ trang.

Khi đó người hết ca thì đã mệt lử, người nhận ca lại chưa thực sự bước vào trạng thái làm việc, tận dụng được thời cơ này là tốt nhất.

Hơn nữa, với các nghi phạm bị giam tại đây, 6h thức dậy, 6h30 vệ sinh cá nhân xong là tới lúc điểm danh buổi sáng, tới lúc ấy cán bộ quản lý có lẽ sẽ phát hiện anh vắng mặt.

Bởi vậy, thời gian để anh đi hết 340m từ tòa nhà văn phòng tới cổng chính chỉ vỏn vẹn 30 phút mà thôi..



/108

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status