Duyên Nợ Đào Hoa

Chương 25

/27


Thần tiên sống là một tên bịp bợm phổ thông.

Thần tướng số trong thiên hạ đa phần đều là phường lừa đảo, Thần tiên sống chỉ là một gã vô cùng tầm thường trong số đó.

Cái chuyện đoán mệnh ấy mà, dùng một câu mà Thần tiên sống đã từng cảm khái với những kẻ cùng nghề để nói thì, nào có chuẩn được. Nếu số mệnh có thể tính ra, lại còn có cơ xoay chuyển, thế thì lão phu đã đổi quách đại vận[1] của bản thân, mẹ nó chứ, đi làm tể tướng từ lâu rồi!

[1] Đại vận và tiểu vận là cách nói thường thấy trong bói toán. Đại vận chỉ lành dữ trong mười năm, tiểu vận lại đo họa phúc trong một năm.

Năm xưa, Thần tiên sống ngụ tại một thị trấn nhỏ đầy ắp cá tôm, thóc gạo dồi dào, quanh năm bày sạp trong miếu Nguyệt Lão.

Gái đã cập kê mà chưa gả, rồi các bà các mẹ vào miếu để cầu duyên cho chính mình hoặc con cháu, thường sẽ ghé vào sạp xem một quẻ. Thành trấn nhỏ bé tẹo, cô nương nhà ai ưa con trai nhà ai, con gái nhà nào đương đợi lấy chồng, cả thành đều biết. Cho nên Thần tiên sống bói mười quẻ thì trúng cả mười, người trong thành liền tặng ba chữ “Thần tiên sống” cho lão làm danh hiệu, khi lấy vợ hoặc lúc gả con cũng thường mời lão tới uống ly rượu cưới.

Thế nhưng, có một ngày vào năm ấy tháng ấy, thành trấn nhỏ lại đón thêm một ông thầy tướng số.

Ông thầy tướng số này không những có thể hòa hợp ngày sinh, giải bát tự, xem bói giải quả, còn có thể mạc cốt xưng trọng[2], thỉnh thần viết chữ[3], hàng yêu trừ ma, thay đổi phong thủy, giúp nhà cửa bình yên. Thần tiên sống không biết nhiều mánh bịp bằng hắn, chẳng mấy chốc đã thua tơi tả. Việc làm ăn ngày càng xuống dốc, sắp tới ngay cả cháo cũng chẳng có mà húp nữa rồi, liền quyết định ra giang hồ xông pha một phen, vừa có thể kiếm được thêm chút mối làm ăn, vừa có thể trui rèn thêm mánh khóe.

[2] Mạc cốt xưng trọng: Theo truyền thuyết, đây là cách bói toán do đạo trưởng Viên Thiên Cương của đời Đường nghiên cứu ra. Căn cứ vào bát tự của người bói để tra ra trọng lượng của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh và giờ sinh. Gộp bốn trọng lượng này lại, chúng ta sẽ có trọng lượng của bát tự (nặng bao nhiêu lượng, bao nhiêu tiền). Căn cứ vào trọng lượng của bát tự, người bói sẽ tra theo chú giải có sẵn.

[3] Thỉnh thần viết chứ: Đây là một cách bói toán trong đạo giáo của Trung Quốc. Cách này cần có một người làm kẻ được thánh thần nhập xác. Thần thánh sẽ nhập xác những người này, biết một vài chữ để nhắm nhủ ý tứ của mình. Người xem bói dựa vào những chữ này để lý giải ý muốn của thần linh.

Thế là Thần tiên sống liền giơ cao tấm biển hiệu viết bốn chữ “Bói đâu trúng đó”, vác hành lý lên lưng, đạp chân lên con đường giang hồ mênh mông.

Vào một ngày xuân rực rỡ nắng vàng, Thần tiên sống tới kinh thành.

Kinh thành quả nhiên đâu đâu cũng thấy vàng, Thần tiên sống tới một đạo quán, thuê một gian sương phòng, sắp xếp hành lý, bước vào trong sân tản bộ, vừa giương mắt lên đã trông thấy một người đàn ông đang dắt theo một đứa bé trai thong thả đi dạo trong sân.

Thần tiên sống đưa mắt nhìn theo, thấy người đàn ông kia mặt trắng điểm râu, ước chừng ba mươi tuổi, liếc sơ qua thì y phục đơn giản, nhưng nhìn kỹ mới thấy, đồ đều được may từ loại vải thượng hạng. Đứa bé bước đi vẫn còn hơi tập tễnh, từ bộ y phục nho nhỏ đến đôi hài xinh xinh đều được chế tác rất tinh xảo, trên cổ còn đeo một chiếc khóa như ý[4] lấp lánh ánh vàng.

[4] Khóa như ý: Là một vật trang sức thường đeo của trẻ nhỏ thời xưa, với mong muốn đứa trẻ đó mạnh khỏe bình an.

Rõ là dê béo từ trên trời rớt xuống mà.

Thần tiên sống thong thả bước về phía trước, vuốt râu cười: “Vị tiểu thiếu gia này tướng mạo xuất chúng, là người có phúc lớn”.

Vị đại lão gia đang dắt tay đứa bé nghe vậy liền nhìn Thần tiên sống, nói: “Vậy ư, làm sao tiên sinh nhìn ra được?”.

Thần tiên sống nói: “Viên ngoại ngài khí độ bất phàm, tiểu thiếu gia lại ngập tràn khí chất cao quý, kẻ mắt sáng chỉ nhìn qua đã biết hai vị nhất định là quý nhân. Nếu tại hạ nói mình bói ra việc ấy, chẳng phải là lừa gạt ngài rồi”.

Sau đó Thần tiên sống chắp tay, cúi đầu liếc nhìn đứa bé kia một cái, làm ra vẻ vô ý nhíu màu, sau đó quay người đi về một hướng khác.

Thần tiên sống chắp tay sau lưng, giả bộ lơ đãng nhìn về phía xa xa, thong dong bước đi, trong lòng lại bắt đầu đếm nhẩm: Một bước, hai bước, ba bước…

Đến bước thứ sáu, lão liền nghe sau lưng có người nói: “Tiên sinh, xin dừng bước”.

Thần tiên sống quay người lại nói: “Viên ngoại có chuyện gì?”.

Đại lão gia nói: “Ban nãy tiên sinh nhìn con tại hạ, thần sắc dường như có chút ưu tư, xin hỏi vì cớ làm sao?”.

Thần tiên sống thong thả bước lại gần, trong lòng thầm nghĩ, lão phu nói dối cái gì bây giờ nhỉ. Số mệnh có kiếp nạn lớn, hay là có tướng đoản mệnh, hay là kỵ nước lửa…

Số mệnh có kiếp nạn, trò này dùng nhiều quá rồi, trù người ta chết sớm thì hình như hơi bị ảnh hưởng đến âm đức… Thần tiên sống là một tên bịp bợm có lương tâm. Lão bước tới bên cạnh đại lão gia, cúi đầu nhìn đứa bé, nói: “Xin bạo gan hỏi một câu, có phải tiểu thiếu gia sinh năm Giáp Tử[5]?”.

[5] Giáp Tử: Năm Giáp Tý.

Bên dưới chiếc khóa như ý đeo trên cổ đứa bé kia, có lộ ra một góc của một chiếc túi thêu hoa, hình như thêu hoa văn chuột ôm đồng tiền, Thần tiên sống liền đánh liều đoán vậy.

Đại lão gia liền tỏ vẻ tôn kính hơn hẳn: “Không sai, con trai ta sinh vào ngày mồng Một tháng Bảy năm Giáp Tử”.

Thần tiên sống vân vê chòm râu, qua quýt bấm ngón tay, sau đó nói: “Tiểu thiếu gia sinh trong nhà phú quý, vốn đã định cả cuộc đời suôn sẻ bình an, tương lai có thể hưởng được phúc phận mà những người khác không tài nào mơ tới được. Chỉ có điều, trên đường nhân duyên, chỉ sợ có chút…”.

Thần tiên sống nhẩm tính, mấy thứ như bày lễ thay đổi vận mệnh này, vượt qua tai ách này, đều không coi là sở trường của mình, hơn nữa đám cùng nghề trong kinh thành chắc chắn đều biết cả, thôi thì liền lấy ngay cái khả năng mà bản thân đắc ý nhất ra, mẹ nó, nhất định phải vét bẫm một mớ.

Đại lão gia nói: “Nhân duyên thế nào?”.

Thần tiên sống nói: “Ban nãy tại hạ đứng từ xa nhìn lại, chỉ thấy toàn thân tiểu thiếu gia rạng ngời dương khí, chỉ có người sinh ra vào ngày dương tháng dương năm dương mới có hiện tượng này”.

Đại lão gia hiển nhiên hỏi tiếp: “Cái gì gọi là ngày dương tháng dương năm dương?”.

Thần tiên sống nói: “Năm Giáp Tử, Giáp là dương, Ất là âm, tử là dương, nữ là âm, năm Giáp Tử lại là năm đứng đầu một vòng can chi, đúng là dương càng thêm dương, tháng và ngày phân theo âm dương, lẻ là dương còn chẵn là âm. Ngày mồng Một tháng Bảy năm Giáp Tử, chính là đã dương lại càng dương. Hơn nữa người sinh vào tháng Bảy, đương chính giữa mùa hè, nhân duyên vốn đã có trở ngại. Thơ vẫn viết ‘Phục Thiên[6] tháng nóng lại khô, là lúc chim nhạn bơ vơ một mình’, người sinh ngày dương tháng dương năm dương…”.

[6] Phục Thiên: Những ngày nóng nhất trong mùa hè, thường bắt đầu từ giữa tháng Bảy đến giữa tháng Tám.

Thần tiên sống thở dài, lắc đầu: “Là mệnh trọn kiếp cô loan”.

Đại lão gia thần sắc kinh hãi, đưa mắt nhìn con trai: “Trọn kiếp cô loan… Sao lại… tiên sinh, không biết có cách gì hóa giải được không?”.

Thần tiên sống chỉ đợi có một câu này, liền nhíu chặt mày lại nói: “Haizz, mệnh trọn kiếp cô loan, vốn là không có cách gì giải được…”.

Thần tiên sống sau khi nói xong “không có cách gì giải được” liền kéo dài giọng ra, vốn định dài giọng xong sẽ thêm hai chữ “Có điều” vào.

Nhưng Thần tiên sống mới dài giọng được một nửa, đại lão gia đã lảo đảo lùi lại đằng sau một bước, “Không có cách nào giải được ư!”. Sau đó quay đầu nhìn về phía trời cao, thở dài chán nản.

Thần tiên sống vội vàng tiến lên một bước: “Có điều…”.

Lời còn chưa dứt, đã thấy dưới chân hẫng một cái.

Thì ra nãy giờ Thần tiên sống và vị đại lão gia kia vẫn đứng nói chuyện bên một cái giếng cạn, mấy ngày gần đây có vị vương phi muốn tới đạo quán một chuyến. Thế là đạo quán phải tu sửa lại nền đất, tấm vải bố dùng khiêng đất cát bị người ta ném lên trên miệng giếng lại quên nhặt về, trên mặt vải dính toàn là bùn đất, ngoại trừ việc hơi gồ lên một chút thì không khác gì nền đất xung quanh. Thần tiên sống giẫm phải, liền rơi luôn xuống giếng, cái gáy nện vào thành đá, lão còn chưa kịp kêu đau thì đã lăn ra ngất xỉu rồi.

Đại lão gia thở dài xong quay người lại, chỉ thấy bốn bề vắng tang, vị tiên sinh đoán mệnh ban nãy không biết đã đi đâu.

Từ đó trở đi, kinh thành lại có thêm một truyền thuyết về việc có vị cao nhân đã từng hiện thân.

Thần tiên sống rơi xuống đáy giếng, bị gãy mất một cánh tay, ở trong đạo quán dưỡng thương hơn một tháng trời mới khá lên. Chi tiêu trong kinh thành thật tốn kém, tích góp bao năm gần như đã dùng sạch cả. Thần tiên sống cảm thấy bản thân với kinh thành kỵ nhau thì phải, cú ngã lần này đúng là điềm báo cho một tương lai buôn bán tiền lãi thì chẳng thấy đâu, vốn liếng lại cứ bay đi dần dần. Vậy là khi cánh tay vừa khỏi, Thần tiên sống liền rời khỏi kinh thành ngay, lại lần nữa bước lên con đường bôn ba khắp chốn.

Sau khi phiêu bạt mấy chục năm trời, Thần tiên sống lại một lần đặt chân lên đất kinh thành.

Thần tiên sống lúc này đã hơn bảy mươi tuổi, phiêu bạt không nổi nữa, muốn tìm một nơi an ổn làm ăn, kiếm tiền dưỡng lão.

Thần tiên sống vẫn luôn nhớ về mảnh đất kinh thành, cảm thấy kinh thành náo nhiệt phồn hoa, việc làm ăn nhiều. Người ta hay nói “Đại ẩn là ẩn giữa kinh thành[7]”, chợ ở kinh thành là nơi sầm uất náo nhiệt nhất, làm gì còn nơi nào thích hợp hơn cho một lão già muốn lui về ở ẩn như Thần tiên sống nữa.

[7] Nguyên văn “Đại ẩn ẩn vu thị”: Là một câu nói lưu truyền trong dân gian, có rất nhiều phiên bản. Ý chỉ: Những ẩn sĩ nhìn thấu hồng trần, tìm về núi cao rừng thẳm lánh đời chỉ là “ẩn” trong hình thức mà thôi. Còn cái “ẩn” thật sự phải là những người có thể bình tâm, tránh xa phiền muộn ngay chốn thị thành ồn ã.

Mấy chục năm trôi qua, vậy mà đạo quán kia vẫn rất tấp nập, chủ quán đã xấp xỉ bảy mươi, gặp lại Thần tiên sống vô cùng niềm nở. Thần tiên sống mua lấy hai gian nhà cũ trong con hẻm nhỏ giữa kinh thành, ban ngày liền tới đạo quán kia bày sạp.

Sau khi Thần tiên sống sắp xếp ổn thỏa mọi việc, liền theo thói quen cũ, bắt đầu dò hỏi về các chuyện hiếm lạ xảy ra ở kinh thành.

Chuyện hiếm lạ trong kinh thành nhiều đến nỗi có đếm cũng không hết, nhưng có một chuyện mà Thần tiên sống cảm thấy quả là xưa nay hiếm.

Đại công tử của Tống thừa tướng đương triều, là người mang mệnh trọn kiếp cô loan.

Người ta đồn rằng Tống thừa tướng từng gặp phải một vị cao nhân, vị cao nhân ấy đã xem một quẻ đoán mệnh cho đại công tử, phán rằng Tống công tử sinh ngày dương tháng dương năm dương, đã định là kẻ trọn kiếp cô loan, không cách gì thay đổi được. Lời cao nhân nói quả nhiên không sai chút nào, đại công tử của nhà Tống thừa tướng đã trở thành tâm điểm của câu chuyện tiếu lâm truyền khắp kinh thành. Tiểu thư hứa gả cho hắn, nhất định sẽ bỏ trốn cùng người khác, cô nương mà hắn đem lòng thương, chắc chắn sẽ cùng kẻ khác nên duyên. Vị Tống công tử này gần đây có nhìn trúng một cô nương ở thanh lâu. Trừ hắn ra thì toàn bộ kinh thành đều biết, nàng kia có đi lại với một gã thư sinh sống trong ngôi miếu rách.

Thần tiên sống nghe mà sửng sốt, không ngờ trong thiên hạ này lại có người mang mệnh trọn kiếp cô loan thật, nếu người năm đó lão gặp là vị này thì có phải tốt không.

Có một ngày, Thần tiên sống đang ngồi đằng sau sạp bói đặt trong miếu thì có một vị công tử trẻ tuổi mặt mày ủ dột đi tới.

Thần tiên sống trông vị công tử kia dáng đi thất thểu, quanh người ngập vẻ cô đơn, sắc mặt rầu rĩ, hai mắt nhìn đăm đăm xuống đất, bằng đôi mắt lõi đời của mình, lão vừa nhìn đã biết ngay hắn bị thất tình.

Thần tiên sống nghĩ rằng, nếu như cái cụm “trọn kiếp cô loan” này đã có cao nhân nhắc tới, hơn nữa lại có quý nhân nghiệm chứng rồi, vậy thì nên đem ra dùng thường xuyên mới được. Thế là lão mới kêu một tiếng: “Vị công tử kia ơi”.

Vị công tử kia thoáng chút hoàn hồn, quay người nhìn lại, Thần tiên sống vuốt chòm râu trắng như tuyết của mình, híp mắt lại mà phán: “Vị công tử này, lão phu thấy đỉnh đầu công tử âm khí vần vũ, sao Hồng Loan ảm đạm lu mờ, có phải đang vì tình mà đau khổ?”.

Vị công tử kia liền xiêu xiêu vẹo vẹo bước tới trước sạp hàng ngồi xuống, không nói hai lời liền chìa tay ra, “Nếu lão đã nhìn ra, vậy thì xem tay cho ta, ta hỏi đường nhân duyên”.

Thần tiên sống nói: “Sở trường của lão phu không phải xem tay, công tử có muốn bói chữ không?”.

Vị công tử kia liền đáp: “Cũng được, vậy xem thử một chữ đi”, sau đó cầm bút lên, viết chữ “Song”[双].

Thần tiên sống khép hờ đôi mắt, nói: “Chữ “Song” này tách ra, là một chữ “Hựu” đi liền một chữ “Hựu”, “Hựu” rồi lại “Hựu”, có ý liên tiếp tuần hoàn, lặp đi lặp lại, không tài nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Công tử hỏi nhân duyên, thứ lỗi lão phu nói thẳng một câu, mệnh của công tử, chỉ sợ đã định là trọn kiếp cô loan…”.

Vị công tử kia nghe xong liền ngồi ngơ ra đó, hai mắt đờ đẫn. Thần tiên sống đang định nói: “Có điều…”, thì vị công tử kia lại đột nhiên bật cười mấy tiếng não nề, lẩm bẩm rằng: “Quả nhiên, quả nhiên, bất luận bói lúc nào, đều ra cái mệnh chết tiệt này!”. Nói xong lại bật cười ha hả, loạng choạng đi thẳng ra cửa.

Thần tiên sống vội hét với theo: “Công tử, công tử, ngài còn chưa trả tiền bói!”. Lúc lão đuổi ra đến cửa, người đã sớm chẳng thấy bóng dáng đâu.

Gã què xin cơm ngoài cửa miếu cười nói: “Hôm nay lão cũng gặp được Tống công tử rồi đó. Haizz, hắn cũng thật đáng thương, bởi có một vị cao nhân từng đoán mệnh cho hắn, nên dù tìm đủ mặt các thầy tướng số trong thành để bói cũng chẳng ra được cái gì ngoài ‘trọn kiếp cô loan’. Ai, mệnh hắn cũng thật là xui xẻo!”.

Thần tiên sống chợt hiểu ra, người ban nãy chính là Tống công tử nổi tiếng gần xa. Không trả tiền bói cũng thôi vậy, trông bộ dáng hắn mà xem, quả thực rất đáng thương.

Năm thứ hai, Thần tiên sống nghe người ta kể, vị Tống công tử kia vô duyên vô cớ biệt tăm. Chuyện này náo động không nhỏ, ngay cả hoàng đế cũng hạ lệnh tìm kiếm khắp đất nước, nhưng không có kết quả gì. Mọi người đều đoán rằng vị Tống công tử kia đau lòng quá mức, nhìn thấy hồng trần, liền bỏ nhà vào ngôi miếu nhỏ nào đó chốn thâm sơn cùng cốc, cạo đầu làm sư.

Việc làm ăn của Thần tiên sống tại kinh thành không ngờ lại vô cùng thuận lợi. Thần tiên sống nói với đồ đệ của mình rằng, thiên hạ vốn có nhiều người muốn đoán mệnh như thế đấy, số tiền này không phải do chúng ta lừa họ mà kiếm được, là bọn họ cam tâm tình nguyên ném đi.

Mấy người đồ đệ của Thần tiên sống đều là những thiếu niên lang thang đầu đường xó chợ. Thần tiên sống thấy bọn chúng ăn không đủ no, liền thường chia cho mấy miếng cơm, sau đó tiện tay thu luôn làm đồ đệ.

Thần tiên sống nói, coi như là tích chút đức sau khi chết.

Thần tiên sống thọ tới hơn chín mươi tuổi, bình yên nhắm mắt trên giường.

Việc lão thu nhận mấy người đồ đệ quả nhiên đã tích được âm đức. Trong số những đồ đệ của lão có hai người là con độc đinh sinh trong gia đình quyền quý, lại bị tịch thu gia sản, cả nhà bị chém, may mắn trốn ra được. Còn ba người là con của những người dân đói khát chạy nạn tới kinh thành sau đợt lũ Hoàng Hà. Cha mẹ của những đứa trẻ này dưới âm tào địa phủ thấy Thần tiên sống thu dưỡng con mình, cảm động đến rơi nước mắt, đứng trước mặt Diêm Vương nói không ít lời hay ý đẹp về lão.

Diêm Vương liền gọi Thần tiên sống đến trước điện, nói rằng đời sau có thể sắp xếp cho lão đầu thai vào một nhà đại phú đại quý, có điều công đức của lão vẫn dư một chút, Diêm Vương hỏi lão có còn nguyện vọng gì muốn thực hiện hay không.

Thần tiên sống nói, lão phu được người ta gọi là Thần tiên sống cả một đời, nhưng lại không có phúc phận làm thần tiên thật để lên trời. Cho nên lão phu hy vọng có thể lên thiên đình mở rộng tầm mắt một phen.

Diêm Vương nói, chuyện này dễ thôi. Sau đó sai Lục Phán trình một phong văn thư lên Ngọc Đế, mời một vị Tiên sử dẫn Thần tiên sống lên thiên đình dạo một vòng.

Trong lúc thăm thú chốn thiên cung, Thần tiên sống vẫn không quên dò hỏi xem trên trời có chuyện gì hiếm thấy hay không.

Tiên sử dẫn đường cho lão liền nói: “Nếu nhìn dưới góc độ của người phàm, thì thiên đình nơi nơi đều có chuyện hiếm thấy. Còn nếu nói chuyện hiếm thấy nhất…”. Tiên sử chỉ tay về một phía, “Vị Tống Dao tiên ở đằng kia tình cờ nhặt được tiên đan mà thăng thiên thành tiên, chuyện của ngài ấy chính là chuyện hiếm thấy nhất”.

Thần tiên sống liền híp đôi mắt già nua, nghển cổ ngóng về phía Tiên sử chỉ.

Chỉ thấy dưới tán cây tiên có một vị thần tiên trẻ tuổi mặc áo bào màu lam đang ngồi sóng vai cùng một vị thần tiên khoác trường sam màu nhạt. Thần tiên mặc áo bào lam đang kể với vị thần tiên mặc áo nhạt kia, giọng điệu pha vài phần thổn thức:

“Hoành Văn, thật ra lúc ta còn ở nhân gian, từng có vị cao nhân đoán mệnh cho ta, nói mệnh của ta đã định là trọn kiếp cô loan…”.


/27

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status