Đi Tìm Bài Thơ Cổ

Chương 5: Tên họ Trần phải sống !

/32


Nghe “keng … keng” hai tiếng, hai thanh kiếm nhọn hoắt của hai vị sứ giả bị ám khí lạ đánh lệch hướng, đâm vào khoảng không.

Liền sau đó, một bóng đen phóng đến từ phía bắc hồ nước, thân thủ người này nhanh vô bì, mọi người chưa định thần thì thân người Trần Lĩnh đã bị xách đi. Tiếng người la ó, huyên náo. Tiếp sau đó, hai vị sứ giả, ông lão râu trắng và cô gái giống đàn ông thi nhau rượt theo.

Đường xa mới biết ngựa hay, sau khoảng thời gian ăn xong một bữa cơm thì chỉ còn ông lão râu trắng là có thể tiếp tục cuộc truy đuổi, những người kia đều bị bỏ xa. Nhưng nếu công bằng mà nói trong trận tỉ thí khinh công này người áo đen kia mới là xuất sắc nhất, bởi thân người Trần Lĩnh không hề nhẹ.

“Tên kia, ngươi đừng cố, ngươi chạy không lại lão đâu!” Ông già quát lên, hơi thở trong thanh âm phát ra hơi dồn dập, chứng tỏ ông ta sắp đuối sức.

Lát sau, khi không còn gắng ngượng được nữa vì tuổi cao sức giảm, ông già mới nói: “Chẳng qua ngươi còn trẻ, xương cốt còn cứng, ối cha! Đau lưng quá! Chờ đó, ta không dễ dàng để tụt mất thằng đệ tử tốt đâu!”

*************************************

Một lần nữa Trần Lĩnh lại tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, sau cơn đau như búa bổ vào đầu. Họ Trần chẳng tức giận, chẳng chửi thề, mang bản mặt rầu rĩ gã tự nhủ: “Bị đánh một đòn đã bất tỉnh, không biết là sống hay chết! Vậy là võ công của mình vẫn còn kém lắm, cái tên nho sinh họ Ngô chắc chỉ là hạng tiểu tốt mới khen mình là cao thủ.”

“Lĩnh! Dậy rồi đó hả? Sao hôm nào cũng sức đầu mẻ trán vậy, sao lại gây gỗ đánh nhau hả con? Cha thật không biết thế nào với con đây, cha đã già rồi, con hãy trưởng thành để cha có thể yên tâm được không?” Trần lão nói giọng buồn buồn, không quát nạt nhưng Trần Lĩnh thấy rúng động, gã nghĩ rằng vì mình chiếm chỗ xem hát nên bị đánh, điều đó là có nguyên nhân từ bản thân, thấy cha buồn bã đến vậy, mặt gã trông có vẻ bứt rứt.

“Cha! Con xin lỗi! Từ này con sẽ ở nhà làm việc, không đi chơi nữa!” Nói đến đây gã lại nghĩ đến việc vẫn chưa được nghe cô gái ấy hát, lòng nuối tiếc miên man, khuôn mặt buồn như đưa đám.

“Ha ha! Đúng là thằng ngố, cha chỉ nói vậy thôi, đánh nhau cũng tốt, để rèn cho chai đòn, cho xương nó cứng… ha ha ha ha… làm gì mà thiểu não vậy.” Trần lão thấy Lĩnh buồn ra mặt nên bất nhẫn. Nếu là thường ngày, Trần Lĩnh liền cười nói bông đùa, thì cơm lại lành, canh lại ngọt, gã vẫn tiếp tục quậy phá. Nhưng giờ đây gã không muốn như thế, cất giọng nói: “Sao cha không quát nạt thật nặng, không đánh con nhừ tử cho chừa ra, như cách làm của tất cả những người cha khác? Như cách của ông bà xưa, thương cho roi cho vọt!”

Ông lão họ Trần cười nói: “Vì con là đứa con ngoan chẳng qua tánh hơi khác thường mà thôi, ít nhất cha vẫn tin con mình. Giờ con đã lớn rồi, mười chín tuổi rồi, đánh con chỉ mệt thân già cha thôi, dành sức để đập rèn còn hơn.”

Nước mắt nước mũi đã đong đầy, Trần Linh nói: “Con nổi tiếng là đứa quậy phá mà, cha quên rồi sao, làng này ai cũng cấm con họ chơi với con… sao cha lại nói con ngoan chứ!”

“Mỗi cái khuôn đúc ra những thanh đồng giống nhau, con đã nói, con không muốn là một sản phẩm đại trà từ khuôn mẫu mà, vậy thì cần gì để ý đến người ta. Cha chỉ biết con là con của cha, không trộm cắp, không lọc lừa, không vô cớ làm việc tổn hại đến người khác, như vậy là đủ rồi!” Nói rồi Trần lão quay lưng bỏ đi.

***************************

“Lĩnh à! Chúng ta dừng rèn vài ngày để cha xử lý thanh thiết cũng như tạo khuôn đúc đồng. Hôm nay bác Ba Phạm hàng xóm bắt đầu thu hoạch khoai, con nên qua phụ giúp bác ấy một tay, đó là tình làng nghĩa xóm, bác ấy không nhờ nhưng chúng ta cũng nên chủ động. Con gái bác ấy, nhỏ Liên vẫn hay qua đây nấu cơm, giặt giũ cho cha những lúc cha bận vật lộn với số nông cụ mùa gặt, tội nghiệp con bé thật, nhiều khi đến đốt lò cho cha, chẳng ngại bẩn, chẳng ngại nóng rát… Thật là hiếm có. Ước gì …”

Trần Lâm lão nói lấp lững nhưng cũng đủ cho Lĩnh hiểu hết ý trong lời của ông, mặt gã khó xử nói: “Giúp thuận theo tình làng nghĩ xóm thì con sẵn sàng, riêng chuyện mối mai cho con thì …”

Trần Lão cướp lời: “Mối mai thì đã sao? Xưa nay cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, mày tính cãi hay sao? Ông bà xưa không hề nói sai, cha mẹ là những người có kinh nghiệm trong tình trường cũng như đời sống vợ chồng, lựa chọn bạn đời cho con mình bằng những kinh nghiệm từng trải. Cha cũng vì mày mà thôi!”

Trần Lĩnh đáp “dạ” rồi vác cuốc đi, lòng mang nặng những suy tư. Gã cứ đi cứ nuôi lớn những suy nghĩ không nhất quán ở trong đầu. Nhà bác Ba Phạm cách Trần gia con đường ruộng hai mẫu đất. Trần Lĩnh đến Phạm gia khi vẫn chưa đả thông tư tưởng.

Trần Lĩnh băng qua rừng cây rồi đến bãi đất trồng khoai chứ không vào cửa chính. “Chào bác Ba, cháu đến để giúp gia đình một tay ạ!” Bác Ba Phạm mắt lộ vẻ ngạc nhiên, dừng cuốc đứng lên, giây lát sau ông mỉm cười nói: “Quý hóa quá! Nhưng bác thấy cháu đang làm việc mà, mấy hôm nay vẫn nghe tiếng búa tiếng đe.” Phạm lão tuổi ngũ tuần, dáng người thấp bé nhưng trông rất khỏe mạnh và rắn chắc. Nơi đây còn có một người đàn bà lớn tuổi, hai cô gái tuổi thanh niên và một cậu nhóc bảy, tám tuổi. Chắc những người này là vợ con Phạm lão.

“Cha cháu đang xử lý và làm khuôn đúc, cháu không có việc nên sang đây. Ôi chao! Bãi đất nhà bác lớn quá, cháu nhớ hướng tây này là một cánh rừng rậm rạp mà, ồ kìa! Đằng kia Còn có con kênh nữa.” Trần Lĩnh vừa nói mắt ánh lên vẻ ngạc nhiên.

Phạm lão lại cười hiền hòa: “Cũng nhờ cuốc và rìu của cha cháu rèn, Nên bác khai phá bãi đất và đào con kênh này chỉ trong vòng ba tháng thôi đấy. Từ khi cha con cháu đến đây, cả làng này đỡ vất vả hơn nhiều, nông cụ cha cháu rèn sắc bén kinh khủng, chặt nhẹ nhẹ vài cái, là cái cây to đứt liền. Không hiểu sao, có tài như cha cháu lại chịu đến xứ “khỉ ho cò gáy” này.”

Trần Lĩnh đáp: “Xứ nào cũng có cái hay của nó! Chắc cha cháu nghĩ như vậy! Vả lại cha cháu nói núi Nam Sơn này là quê gốc của họ Trần, vì cuộc bạo loạn Mười Hai Sứ Quân, nên ông cố mới dẫn ông nội di chuyển chỗ ở, giờ thời bình rồi nên cha cháu dẫn cháu về hương khói tổ tiên.”

Trần Lĩnh vừa nói vừa vác cuốc đến cạnh cô gái trẻ, Phạm lão nói: “Thì ra là vậy, bác cứ thắt mắt hoài!”

Cô gái có vẻ e dè, ngượng ngùng né sang một bên, Trần Lĩnh mỉm cười nói: “Cám ơn Liên những năm qua đã đến nhà phụ giúp cha tôi, thật là ngại quá!”

Phạm Thị Liên hơi ấp úng nói: “Không … Không có chi đâu … Cậu … Cậu đừng bận lòng!” Mặt cô gái đôi mươi đỏ ửng lên, cô gái xinh xắn nhưng dáng người lam lũ, vì không chải chuốt, điểm trang gì nên nhìn cô khá dân dã.

“Mặt con làm gì đỏ vậy Liên … hà hà.” Phạm lão cười nói, vợ ông vội đánh nhẹ vào lưng chồng, bà nói: “Ông này! Sao nói vậy làm con bé xấu hổ!”

Câu nói của Phạm phu nhân không gỡ gạt được gì, Liên càng đỏ mặt thêm lên, Trần Lĩnh nghĩ mình nên giải nan cho nàng, gã nói: “Khoai lang gặp nắng, mặt còn đỏ huống hồ Liên Liên cô nương nhà ta. Chuyện thường mà hai bác … Hì hì.” Mọi người cười, Liên cũng cười, nụ cười duyên dáng, khiến nàng xinh đẹp hơn, một nét đẹp thật là dung dị, Trần Lĩnh nhìn thấy, một chút rúng động hiện lên mặt gã, rồi chợt tắt.

“Vui vẻ quá ha!” Một giọng nói ngạo nghễ, phá tan tâm trạng đang vui của mọi người.

Một lão già tuổi ngũ tuần, dáng người hơi béo, lão mặt quần áo lụa sáng màu vàng, trông ra dáng những kẻ ăn trên ngồi trốc. Gia đình họ Phạm đều giật mình thối lui và dừng công việc, Trần Lĩnh có linh cảm chuyện không hay thường xuất hiện như thế này.

Phạm lão rụt rè nói: “Không biết phú hộ Bá đến, không kịp đón tiếp, cho tôi được xin lỗi!”

“Nguyễn Bá này không thích nghe những lời dư thừa, cái ta cần là số nợ phân giống, trâu cày và số thuế đất lão trồng khoai này, lão phải trả!” Họ Nguyễn giọng điệu chẳng nề nang gì, vừa nói lão vừa dùng gậy chột chột vào những củ khoai mới đào.

Trần Lĩnh tức điên người nghĩ thầm: “Đất này do bác Phạm khai phá, là đất của ông nội lão để lại hay sao?”

“Xin ngài cho chúng tôi thêm vài ngày… tôi…” Phạm lão nói như van nài, Nguyễn Bá trừng mắt, lão dương cây gậy lên đánh một cái thật mạnh vào vai Phạm lão, rồi thọt vào bã sườn ông một cái rất mạnh, tấm da trần của Phạm Ba liền bị trầy sướt, ứa máu, người ông ngã lăn xuống đất. Vợ con ông vội đến đỡ và che chắn lấy thân người ông. Họ chắc chắn Nguyễn Bá sẽ không chỉ đánh có vậy, hắn sẽ hành hung ông Ba cho đến khi đã tay như mọi khi.

Trần Lĩnh điên tiết mặt mày, máu nóng sôi lên, bàn tay nắm chặt. Bụng nghĩ thầm: “Quá lắm rồi, không thể chấp nhận được!” Họ Trần vận lực, chân trái tiến một bộ, tay trái đưa ngang vai sẵn thế quơ ngang, nhưng đó là động tác đánh lạc hướng đối thủ, tay phải cong và đưa lùi ra sau, sẵn thế tung nắm đấm mãnh liệt mới đúng là mục đích của chiêu thức này . Thực ra đây là một chiêu rất căn bản, bất cứ võ sư làng nào cũng có dạy, ai có chút ít am hiểu về võ thuật đều nhận ra đó là tư thế trong bộ quyền pháp, có tên “Thủy Tinh Nổi Giận.”

Kình phong nổi lên, tất cả sức mạnh gã họ Trần dồn hết vào đây. Chiêu quyền mới đánh được một nửa, bỗng nhiên Trần Lĩnh ngã quỵ xuống chân Phú Hộ bá, ôm ngực mà rên la trong đau đớn. Diễn biến quá đường đột, mọi người tại ruộng khoai đều ngạc nhiên há hốc.

Nguyễn Bá đá chân vào người Trần Lĩnh và nói: “Cái tên này làm gì vậy? Mày Bị trúng gió hay sao?” Thị Liên vội đến xem tình hình họ Trần, cô giật mình khi thấy gã mặt mày tái méc, mạch đập loạn xạ.

“Đừng tưởng giả bệnh là khỏi trả nợ!” nói rồi Nguyễn Bá nắm lấy cổ áo Trần Lĩnh định xách người gã lên. Mặt họ Trần tỏ ra đau đớn quặn thắt, gã huơ tay hất một cái, thân người mập mạp của phú hộ Bá liền bị đẩy ngã lăn.

Trong cơn đau đớn điên loạn, Trần Lĩnh dùng hai nắm đấm của mình đánh liên tiếp vào những củ khoai lang dưới đất, không bao lâu hàng chục củ liền bị nghiền nát.

“Hắn lên cơn điên rồi, bây đâu kiệu về! Phạm lão nhớ đấy, ông cho bọn ngươi ba ngày, nếu không trả đừng trách ông không báo trước.” Nói rồi Nguyễn Bá bước lên kiệu không quên quát nạt những anh phu khiên.

Tiếng kêu la của Trần Lĩnh dần yếu ớt, tiếp sau đó gã lăn ra đất, nằm im bất động. Phạm Lão rụt rè tiến lại gần, đưa tay lên mũi gã, thấy còn thở, ông già vui mừng ra mặt, rồi cùng vợ con đỡ gã họ Trần vào nhà và gọi đứa trẻ bảy tuổi sang nhà Trần lão báo tin.

*******************

“Lĩnh con, thấy trong người thế nào?” Mắt họ Trần dần hiện ra hình dáng người cha quen thuộc, đây là lần thứ ba trong tháng, gã bị bất tỉnh nhân sự. Nhưng lần nay thấy vì cảm giác mệt nhòa, đau đớn. Trần Lĩnh thức dậy, gã múa mấy tay chân, khuôn mặt như muốn nói “con thấy tràn trề sức lực”. Trần lão vui mừng ra mặt, ánh mắt ông ánh lên những tia sáng ngời ngời. Trần Lĩnh ngơ ngác nói: “Sao cha lại cười! Chuyện gì xẩy ra với con vậy?”

Trần lão nói: “Cha thật không ngờ! Với bản tính hướng ngoại, thích quậy phá như mày lại … lại có thể lĩnh hội được bí pháp luyện nội công nhanh đến vậy. Giờ đã qua giai đoạn quan trọng, nội công của con sẽ thăng tiến rất nhanh.”

“Bí pháp luyện công, con luyện lúc nào chứ?” Trần Lĩnh mặt ngạc nhiên hỏi, ông già tươi cười đáp: “Ha ha … chính là những thời thiền trước và sau khi đi ngủ đấy.”

Trần Lĩnh tỏ mặt chưa hiểu nói: “Con không hiểu, cái đó con tưởng ai cũng phải ngồi chứ, đơn giản vậy mà là luyện nội công sao? Nói vậy con đã là cao thủ rồi à?”

“Chưa đâu, cần nhiều thời gian hơn, cần nghiêm túc hơn, con ngồi khoảng bao lâu thì vào trạng thái an định?” Trần lão hỏi, Trần Lĩnh ngẫm nghĩ đáp: “Con không biết, dạo gần đây thấy nhanh hơn, không còn cảm giác đau chân, mỏi lưng nhiều nữa, nhiều khi cứ muốn ngồi mãi.”

“Vậy đã tới cảnh giới tam thiền, cha thật không ngờ đấy, lúc nãy cha xem các luân xa của con thì thấy đã khai mở được năm thành hỏa hầu. Đã qua giai đoạn khó khăn đầu tiên, cầm lấy quyền sách này, đây là bí pháp thăng tầng ở những mức độ cao hơn. Trong đó còn có những kinh nghiệm trong quá trình luyện và vận khí mà các nhân vật đời trước của dòng họ đã đúc kết lại.”

Nghe cha nói vậy nhưng họ Trần vẫn giữ vẻ mặt mơ hồ: “Khoan đã cha, con chỉ ngồi im, hít vào thở ra, rồi hướng suy nghĩ đến bụng dưới. Chỉ có như vậy thôi, chẳng lẽ việc luyện công dễ đến như vậy sao?

Trần lão lại nói: “Mỗi ngày ngồi hơn ba canh giờ, ngồi từ lúc con sáu tuổi, tính ra đã được hơn mười ba năm rồi, có dễ dàng đâu chứ. Ngoài ra phương pháp luyện của nhà chúng ta có khác. Những lần cha xoa bóp cho con là những lúc cha đã dùng công lực của mình để kích thích các luân xa của con hoạt động. Việc này diễn ra rất chậm rãi nên con chẳng hay biết gì là vậy. Tâm pháp nhà ta là không để lộ cho người luyện biết, để tránh họ dụng công. Lúc nhỏ, cha đã biến việc ngồi thiền, thành một phần trong cuộc sống của con, giống như đói phải ăn, mệt phải ngủ vậy.”

Trần Lĩnh ngẫm nghĩ: “Mình học chạy với thầy Tám, nhanh chóng bỏ xa những đứa học lâu năm. Gần đây, đôi khi những cú đấm của mình đột nhiên trở nên mạnh mẽ. Chẳng lẽ …“ Suy nghĩ miên man, Trần Lĩnh vui ra mặt, không kìm được, gã buột miệng rêu lên :”Ha ha … hay quá cha ơi!”

Trần lão cũng cười ha hả, rồi ông đột ngột làm mặt nghiêm túc: “Đừng vội mừng … Giờ công lực của con cũng khá nhưng chỉ biết vẫn dụng vào những bước chạy không chưa đủ. Ra đây!”

Trần Lĩnh vội đi theo, mặt gã háo hức vô cùng. Trần lão lấy ra một cái hộp gỗ cũ kỹ, trong đó có những cái chuông to bằng bàn tay, đầu chuông móc vào những sơi dây mảnh, nhưng trông có vẻ chắc chắn. Hai cha con họ cùng nhau đi ra lò rèn.

Nét tươi cười dần tắt, Trần Lĩnh méo máo nói: “Hóa ra cha dạy khí công cho con là để đập rèn sao?”

“Chứ làm gì, có cần phải ngạc nhiên vậy không?” Trần lão vừa chuẩn bị dụng cụ vừa nói: “Nghề rèn có gì không tốt, chẳng lẽ mày muốn giống bọn người giang hồ vô công rồi nghệ, kết bè kết phái để làm mấy trò không ra gì hay sao? Người học võ đầu tiên phải quên mình đang học võ, như vậy sẽ không khiến bản thân trở nên kiêu ngạo, ta đây thế này thế nọ.”

Có tất cả tám cái chuông được treo theo hình trăng khuyết trước bệ đè, nơi đặt sắt nung đỏ để gia công. Trần Lão từ tốn nói: “Họ Trần ta có hai bộ binh khí thuật. Một là Kiếm, thứ hai là búa, cha sẽ dạy con sử búa trước, vì dù sao con đã dùng búa từ năm mười bốn tuổi, ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Cha sẽ dùng tay để di chuyển những cái chuông này bằng cách kéo những sợi dây nối này, khi thân người con chạm trúng, nó kêu lớn là chưa đạt. Cha sẽ tăng mức độ từ chậm đến nhanh. Nói là thuật luyện búa nhưng có bao gồm thân pháp né tránh, di chuyển. Ngoài ra ở đây có ba cái đè, cha sẽ di chuyển cái kìm cùng thanh thép này liên tục trên chúng. Để xem khả năng phán đoán của con thế nào trong khi phải bận rộn né tránh những cái chuông.”

“Không có chiêu thức, bài bản gì vậy cha, con chỉ né bừa rồi đập bậy à.” Trần Lĩnh khó hiểu, ông lão họ Trần nói: ”Không có chiêu cũng được hiểu với ý có vô lượng chiêu thức, võ công dòng họ ta có xuất xứ từ Phật gia, ngay cả khí công lẫn ngoại công đều tóm gọn trong một câu nói cổ: “Đi với Bụt(1) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, con hãy hiểu câu nói này, yếu quyết chỉ có từng đó thôi!”

Trần Lĩnh lẩm bẩm câu nói của cha trong đầu, giây lát sau gã cười nói: “Con hiểu rồi, có thể bắt đầu được chưa, thưa cha!”

Theo sự bố trí đặc biệt, tám cái chuông có bốn cái di chuyển ngang, bốn cái di chuyển dọc, được điều khiển bằng tay phải của ông già. Muốn vào tầm búa để đập thanh thiết, Trần Lĩnh phải di chuyển vào trận pháp ấy. Lúc đầu gã họ Trần hơi luống cuống, may nhờ có học qua khinh công nên những bước di chuyển của gã khá mau lẹ, né tránh được những cái chuông di chuyển vô định hướng, không theo một lề lối nào cả.

“Nhanh quá! Ối chao! Cha…” Trần Lĩnh loạng choạng ngã nghiên miệng cứ bô lô ba la, có lúc gã bị dồn ép phải lăn lộn xuống nền than đất, cả người đen đúa, lấm lem, trông thật khá coi. Ông già họ Trần thủ pháp nhanh đến kỳ lạ, cùng lúc quản lý tám cái chuông nhưng tuyệt nhiên không hề để chúng va chạm vào nhau.

Trần Lĩnh khốn khổ né tránh những cái chuông đã khó, huống hồ rãnh tay đánh vào mục tiêu, mà mục tiêu của gã cũng không cố định, toàn cuộc giống như một mình gã đang bị nhiều người vây khốn nhưng không được đánh họ, phải cố gắn để né tránh các đòn thế, trong khi tấn công một người khác ở phía đối diện.

Thời khắc dần trôi qua, khi trời tây đã đỏ một màu, bỗng một thanh âm chát chói vang lên “Keng”, tiếp sau đó những tiếng chuông lớn thi nhau dồn dập, Trần Lĩnh đã tung ra cú đập đầu tiên. Ông già cười lớn nói: “Ha ha, trật lất rồi…”

Họ Trần thiểu não nói: “Cha nói từ chậm đến nhanh cơ mà! Không rãnh tay để ra đòn nữa là…” Họ Trần đánh được một chiêu đã không trúng đích, còn bị những cái chuông thì thi nhau tấn công, trong thế công không dụng tâm phòng thủ, gã đã để thân người mình chạm vào chuông.

Ông già nói: “Đây là mức dễ nhất rồi, tám cái chuông tương đương với bốn đối thủ hạng bét. Dù sao mày cũng khá, né tránh cũng nhanh lắm, ngày đầu vậy là giỏi hơn cha lúc xưa rồi.”

Trần Lĩnh ánh mắt vui lên đôi chút nói: “Vậy khi nào có thể thành tựu hả cha?” Ông già tỉnh bơ đáp: “Cả đời cũng không thể thành tựu! Được đến đâu hay đến đó thôi! Cho đến khi phản ứng của con trở nên nhanh nhạy và mỗi chiêu đánh ra đều tính toán thiệt hơn, sẵn thế phòng thủ, thì mới có thể được coi là thành tựu một nửa. Phần còn lại phải tự học hỏi, tự kinh nghiệm trong những lần thực chiến. Vào thời Ngô vương nhà ta có một vị tướng quân dưới trướng ngài ấy. Vì tỵ tổ ấy cả đời chinh chiến không bị một vết thương, dù là một trong những vị tướng tiên phong.”

“Thật vậy sao cha? Nhà ta có người làm quan à?” Trần Lĩnh nói giọng hơi ngạc nhiên, ông già đáp: “Ông ấy có danh hiệu là Bách Chiến Mộc Búa, sử sách bị khuyết bởi ông rất đạm bạc danh lợi, sau trận Bạch Đằng Giang liền về đây ở ẩn, chỉ có những người trong võ đàn mới biết đến. Lúc nhỏ cha nghe nội con kể rằng, vào một ngày mùa đông, gió bắc lạnh căm căm, mình ông đến đền thờ Ngô Vương tại Đường Lâm chịu tang khi nghe tin báo, lúc đó nhiều kẻ đối nghịch vì danh vọng đến khiêu chiến, đều bị đánh gục tại đương trường, từ đó tỵ tổ có ngoại hiệu Bách Chiến Mộc Búa”

Long Nhãn quân! Cấp báo, cấp báo!” Một anh lính mặc quân phục nước Chiêm Thành phi ngựa thẳng vào phủ Bình Nam tướng, phá tan buổi chiều thu cô tịch.

Đang ngồi trên ghế thái sư là một người đàn ông trung niên, ông có khuôn mặt vuông vức đầy góc cạnh, ánh nhìn ôn nhu và ngũ quan đầy đặn hơn nhiều so với người thường. Cái miệng rộng rãi của người này mấp máy nói với vị văn sĩ già kế bên dưới: “Nguyễn học sĩ! Quân tình có báo cáo, mau cho gã lính kia vào!”

Văn sĩ già có thân hình gầy đét, với khuôn mặt dễ bắt gặp ở bất cứ đâu, ngoài tủ sách dày đeo trên lưng thì người ông chẳng có gì đặc biệt để người khác ấn tượng lâu dài. Nguyễn học sĩ đáp dạ rồi đi ra cửa lớn Họp Quân đường.

“Các người đừng làm khó dễ, tướng quân cho mời anh lính kia vào.” Đám lính canh vội lui ra nhường đường, anh lính tuổi khoảng hai mươi năm, mặt mày dày dạn sương gió, tóc tai rủ rượt, quần áo lấm lem, hai chân anh ta giành giật nhau tiến vội đến trước cửa Họp Quân đường.

“Ngươi tên gì, là thuộc hạ của ai?” Vị tướng cất giọng điềm đạm, anh lính trẻ tuổi vội đáp: “Bẩm! Lâm Tân thưa ngài! Cuối năm ngoái thuộc hạ cùng chín người khác, được đích thân tướng quân tuyển lựa cho nhiệm vụ đặc biệt.”

“À! Ta nhớ ra anh rồi, anh em họ Lâm trong hội Thập Nhãn! Mà sao không tiếp tục thám thính, có tin báo thì giao cho tóp người nằm vùng ở Ma Linh Châu (2) chạy về là được rồi!” Bình Nam tướng nói, anh lính vội đáp: “Thuộc hạ được anh em giao nhiệm vụ báo tin cho ngài, đây là việc cấp bách, không kịp liên lạc với hội Rồng Một Mắt được.”

“Vậy nói đi!” Vị tướng bình thản hớp một ngụm trà, anh lính có vẻ nôn nóng lắm rồi, anh cất lời: “Thuộc hạ cùng anh trai là Lâm Tấn, qua nhiều ngày tháng tha phương, cả hai nằm vùng tại nhà một hào phú kinh thành nước Chiêm. Qua điều tra biết được, con trai cả ông ta là phó đội Hoàng vệ quân trong triều. Cũng là lý do bọn thuộc hạ chọn làm tôi tớ nhà này. Cơ may cuối cùng cũng mỉm cười, bộ quần áo thuộc hạ đang mặt là của lính vệ quân. Mấy ngày trước, bọn thuộc hạ nghe tin công chúa nước này trở về, cảm thấy kỳ lạ nên đi thám thỉnh, cuối cùng phát hiện ra một sự việc vô cùng có ảnh hưởng. Cô công chúa này rất được sủng ái, thậm chí có nhiều người sẵn sàng ủng hộ cô ta lên làm nữ vương. Nhưng giờ đây cô ta đang chết mệt một anh chàng Cồ Việt.”

“Ối chao! Dạ, thuộc hạ xin lỗi…” Nguyễn học sĩ không giữ bình tĩnh, Bình Nam tướng huơ tay coi như vô sự rồi hướng mặt về phía anh lính nói: “Tiếp tục đi!”

Anh Lính đáp dạ rồi nói: “Đây không phải là bồng bột cũng không phải tình yêu sâu đậm gì, những cái ấy có thể thay đổi. Còn lá bùa của thánh nữ Thiên Y A Na thì vô phương cứu chữa, trừ khi gã kia chết còn không, cô công chúa đất Chiêm vĩnh viễn mắt kẹt trong cuộc tình oan gia này.”

“Kế sách Trọng Thủy tráo nỏ thần, cũng hay ho đó chứ, nhưng chắc chắn bên kia chiến tuyến sẽ không ngồi yên để ta chiếm tiên cơ!” Bình Nam tướng vẫn điềm đạm nói, anh lính vui mừng ra mặt cất lời: “Tướng quân anh minh, chắc ngài sẽ có đối sách để ủng hộ người con dâu tương lai của Đại Cồ Việt lên ngôi vương. Chỉ có một điều, bùa ngải ấy vẫn có thể phá giải khi đối tượng của nàng ta lìa trần.”

“Thưa tướng quân! Chúng ta dùng hạ kế xưa cũ này có nên chăng. Không quang minh lỗi lạc thì khó phục chúng, con dân Việt vẫn còn mối di hận khi chính mình là nạn nhân của xạo kế này!” Nguyễn học sĩ chen lời, vẫn với thái độ điềm tĩnh vô sự, Bình Nam tướng đáp: “Nếu xảo kế giữ được thái bình vùng đất Nam phương này, thì nó là cứu cánh, chúng ta không phải lo đến việc bị hai mặt giáp công nữa.”

Anh lính vội nói: “Tướng quân nói không sai! Việc quan trọng đầu tiên lúc này là bảo đảm tính mạng cho đối tượng, gã họ Trần phải sống, mới có thể làm phò mã được.”

Bình Nam tướng nói: “Gã đang ở đâu, bọn ngươi đã có hành động gì chưa?” Lâm Tân đáp: “Bẩm! Anh trai thuộc hạ đã nhận nhiệm vụ bảo vệ gã, nhưng lúc sáng đây thôi, bọn thuộc hạ nghe tin không hay nên vội đến đây xin trợ giúp. Đối phương đã phái hai cao thủ là anh em nhà Sa-bát đi thích sát họ Trần. Chúng là những dũng sĩ đệ nhất đất Chiêm, anh trai thuộc hạ chắc chắn không địch lại một tên trong số chúng, cả thuộc hạ nữa cũng chưa chắc, huống hồ trước đó đối phương đã phái nhiều giáo đồ trong hội Thiên Y A Na.”

Bình Nam tướng thoáng ưu tư trên nét mặt rồi nhanh chóng trở về trạng thái vô sự nói: “Ngươi đi tắm rửa thay đổi quần áo người Chiêm ra, rồi đến đây ngay, ta sẽ an bài, gặp được anh ngươi thì cả bọn lập tức dẫn gã họ Trần ấy về đây ngay, ta sẽ biến hắn thành anh tài, cho thật xứng đáng với mỹ nhân … ha ha!”

***************

“Bác ơi cho hỏi, bác có quen anh chàng này không?” Người nói là một nam nhân tuổi khoảng ba mươi. Anh ta có thân hình cao lớn, lực lưỡng, cùng giọng nói khá đặc biệt, đi cùng còn có một người nữa, anh ta có ánh nhìn lạnh lùng, không cảm xúc. Lão nhân tuổi ngoài sáu mươi, lưng còm và đang mang trên lưng thúng đựng ngô nặng nề, xem chừng còn khỏe mạnh lắm. Ông ngắm nghía bức vẽ giây lát rồi vội nói: “Là thằng Lĩnh, nó đi xa mới về làng này tháng trước thôi, các cậu là bạn nó à!”

Người thanh niên kia đáp nhanh: “Đúng vậy! Nhờ bác chỉ đường bọn tôi đến nhà để tương gặp!” Ông già chưa kịp nói, thì bỗng nhiên từ con đường ruộng mé đông thấp thoáng bóng người đi đến, người này, da mặt đen, thân người ra dáng lanh tay lẹ chân, ánh mắt tươi sáng hay cười. Không ai khác đó chính là Trần Lĩnh, người bọn kia đang muốn tìm. Gã họ Trần tánh ưa náo sự liền hỏi: “Có chuyện gì vậy bác Năm?”

“Hay quá! Vừa nhắc là có mặt, có bạn ở xa đến tìm cháu này.” Bác Năm vội hớn hở nói rồi quay lưng đi. Bọn hai người kia thay đổi sắc mặt, vội cảm ơn ông già rồi đi về phía họ Trần.”

Trần Lĩnh ngạc nhiên khi chưa bao giờ nhìn thấy những người này, gã vội nói: “Các anh tìm tôi à?”

“Không!” Người kia lạnh lùng nói: “Là diêm chúa tìm mi! Bọn tao là anh em nhà Sa-Bát, ngươi chắc đã nghe qua rồi chứ?”

Trần Lĩnh chừng hửng nói: “Sa-bát với sa mạc gì chứ, tôi có quen bọn ông đâu!” Người này giờ nói chuyện trông già dặn hơn, có lẽ là anh trai của kẻ con lại. Hắn ta nói: “Vậy giờ mi đã biết, nhưng tao e rằng đã quá muộn! Chết đi!” Nói rồi gã anh này rút thanh đao bọc trong túi da dê ra, chẳng ngần ngại, liền chém tới tấp về phía Trần Lĩnh. Em trai của hắn cười nhép miệng rồi đi đến thân cây bạc hà tựa lưng quan đấu.

“Tổ cha mày, thằng điên … ối chao!” Họ Trần cong người ra sau né tránh đường đao ngọt lịm trong gang tất, cùi chỏ đối phương đánh về phía bụng họ Trần, gã liền xoay người trong tư thế khó khăn, tay phải chống xuống đất, tiện chân đá hai phát vào hạ bộ đối thủ.

Hai anh em nhà Sa-bát kinh ngạc tột độ, không ngờ thân hình họ Trần như con lươn, tên anh nhanh chóng xoay chuyển đại đao múa tít, sấn đến tấn công, lúc này họ Trần đã sẵn thế, hai chân cùng đưa thân người xoay ngang qua một bên đường làm ba chiêu đao nhanh như chớp của đối phương trở nên vô dụng.

Trần Lĩnh xoay chuyển ý nghĩ vội lùi đến thân cây bạc hà bên đường. Sa-bát anh tiến đến tấn công liên tiếp hơn hai mươi chiêu, có đơn giản, có ảo diệu nhưng tất cả đều không làm gì được họ Trần, gã dựa vào thân pháp nhanh nhẹn cùng những thân cây hoặc cành cứng chĩa ra làm lá chắn.

“Tao lấy mạng mi!” Sa-bát điên tiết lên, lực đạo trong thanh đao càng lúc càng mãnh liệt, những thân cây rộng một gang nhiều khi còn bị chặt đứt đến một nửa huống hồ những cành lá chỉ như cánh tay người.

“Mày định làm tiều phu chắc, vô cớ đốn gỗ là sao?” Trần Lĩnh hơi rãnh tay một chút liền nói, thanh đao lần này lại chém tới nhắm chân họ Trần, gã lạng choạng né tránh, nấp vào sau thân cây to bằng bắp đùi người. Đường đao của Sa-bát quá sức tưởng tượng của họ Trần, thân bạc hà này liên bị chặt đứt liền, dư lực vẫn còn thanh đao đi ngang cắt đứt ống quần Trần Lĩnh.

Một thoáng biến sắc nhưng với tâm cơ linh động gã họ Trần liền đẩy thân trên cây bạc hà ngã vào người đối thủ, phán đoán hắn ta sẽ né sang cánh phải, họ Trần liền nhảy sang cánh trái tên người Chiêm tung tất cả sức lực vào cú đạp này. Thân người cao lớn của Sa-bát bị đá lăn lộn vào đám cành cây vung vải, văng xa cả đoạn hai trượng.

Trần Lĩnh vội nắm lấy một cái cành có tư thế giống búa tạ đến sáu, bảy phần. Bụng nghĩ thầm “Ông sẽ cho mày biết tay!”

Tên Sa-bát lâu nay vẫn nhận được sự ca tụng và nể sợ của nhiều người cả Cồ Việt lẫn Chiêm Thành. Ai ngờ nãy giờ đã tung gần năm mươi chiêu vẫn chưa làm gì được đối thủ tay không, còn bị đá lăn lộn, mặt hắn ánh lên tia hung dữ, hàm răng hắn nghiến chặt, miệng rống lên và thanh đao tỏa ra sát khí kinh người.

Nãy giờ Trần Lĩnh đã nhìn ra nhiều sơ hở cùng điểm yếu của đối thủ, nhưng gã không có binh khí trong tay, không thể đủ tầm công kích đối phương. Sa-bát chém tới liên hoàn, thanh đao nhanh hơn lúc nãy rất nhiều, họ Trần né tránh liên tiếp và trong lòng xoay chuyển ý nghĩ: “Hắn ta đang giận, càng đánh càng có nhiều sơ hở, thanh đao đi nhanh nhưng quá đà và không rút về kịp, như vậy chẳng làm khó mình được.

Sa-bát chém từ dưới lên, Trần Lĩnh thối lui, lúc mũi đao đến ngang cổ họ Trần, Sa-bát với thủ pháp kỳ dị, tay trái trợ lực đánh vào chui đao, thanh đao tuột khỏi tay phải xoay tít, sẵn thế vòng tròn cứa ngang cổ đối thủ. Là người có chút am tường về nội gia khí công Trần Lĩnh chắc hẳn biết huyệt Lao Cung trong lòng bàn tay trái đối thủ đã phát động nội công thượng thừa, đến cảnh giới như ý tùy hình.

Nhưng Trần Lĩnh không có thời giờ bận tâm đến điều đó, gã cũng không được dạy như vậy, bởi vì từ lúc luyện Búa pháp Trần gia từ hai tuần trước, cha gã không cho gã rãnh một sát na nào để suy nghĩ chuyện khác ngoài né tránh và công kích mục tiêu di chuyển. Như đã đoán biết, Trần Lĩnh liền rụt đầu rùa, cúi mình xuống, hai tay nắm thanh gỗ đập hơi chéo lên nhắm vào bả sườn Sa-bát.

Chọn vị trí ấy hẳn có chủ đích, khi luyện bộ búa pháp này, cha gã luôn xoay chuyển cánh tay phải, ngoài việc bận rộn né tránh, luyện tập khả năng phán đoán vị trí để đánh trúng quả không dễ dàng. Nhưng vào lúc sinh tử tồn vong họ Trần liền ứng biến nhanh lẹ, vượt lên khả năng của gã.

Sườn bảo vệ phế phổi, sau khi lãnh một đòn không nhẹ, hơi thở Sa-bát liền bấn loạn, hắn ôn ngực thối lui trong khi binh khí không kịp chụp lại. Trần Lĩnh không thừa thế xông lên mà đừng im nói: “Tôi có làm gì đâu mà mấy người đòi mạng chứ, thắng bại đã rõ, mau đi đi khi tôi đây chưa đổi ý!” Nói thì nói vậy nhưng trống ngực họ Trần đã đập loạn cả lên rồi, gã nghĩ thầm: “Hú vía quá, thanh đao đi ngang lạnh tê mặt, mau đi đi mấy ông nội! Không biết mình đã làm gì mà đủ thứ chuyện không rõ ất giáp gì cứ ập tới.”

Anh em nhà Sa-bát nào để yên và từ bỏ mục đích, chúng không hẹn mà cùng nhau sấn tới. Đây là lần đầu tiên Trần Lĩnh đối mặt với tình thế hung hiểm như vậy, mồ hôi trán nhễ nhãi, sống lưng lạnh toát, nghĩ đến việc vừa mới thoát chết trong gang tất không khỏi rùng mình. Bụng bảo dạ: “Nên chạy cho mau, may mắn chắc không đến hai lần, huống hồ có tên kia nữa!”

Nghĩ vậy hai chân họ Trần cuống cuồng xoay ngược tìm cách thoát thân. Anh em Sa-bát liền tức tốc đuổi theo. Chạy được một lúc thấy khoảng cách giữa mình và hai người kia không bị rút ngắn, có lúc càng được nới rộng ra, Trần Lĩnh lấy lại bình tĩnh và nghĩ thầm: “Mình được học khinh công đã ba năm, dạo gần đây phát hiện ra có nội công kha khá trong người, vậy thì việc gì phải sợ bọn chúng chứ, tự mình nhát mình rồi.”

Giây lát sau vẻ mặt họ Trần trở nên tươi tỉnh, động tính trẻ con gã quay ngược lại làm mặt hề rồi vỗ mông trêu chọc hai kẻ đồ tể phía sau làm chúng tức điên lên, gia tăng cước lực. Vì Trần Lĩnh hơi ngập ngừng cộng thêm đối phương bị kích, cho nên khoảng cách hai bên giờ chỉ còn chưa đến hai trượng.

Lúc nãy gã họ Trần lại tái mặt, gã lo nhìn phía sau không để ý vấp phải thanh cây khô bên bệ đường, té ngã lộn nhào. Thanh đao chém tới, sát khí kinh người, Trần Lĩnh vội lăn mình né tránh, thân pháp mau lẹ gã bật người lên cắm đầu chạy tiếp.

Một lúc sau đôi bên cùng đến một bãi đất rộng. Trần Lĩnh cứ cắm đầu chạy, không cần bận tâm phía trước mình có một cái giếng cũ. Bất thần lúc đấy hai thanh đao phóng tới, lực đạo người phóng ra hùng hậu khiến hai món lợi khí bay như tên bắn, trong lúc cấp bách, họ Trần vội né tránh sang thành giếng, miệng la toán. Vô tình chân gã đạp trúng đám rong rêu trơn lán trên phiến đá cũ, cú trượt này khiên thân người họ Trần loạng choạng, rơi tỏm xuống miệng giếng sâu thăm thẳm. Tuy còn sáng trời nhưng ở trên nhìn xuống chỉ thấy một màu đen hun hút.

Chú thích: Nguồn wiki

(1)Bụt: là một danh từ (được sử dụng rộng rãi trong dân gian ngày xưa) khác để nói về Phật. Bụt cũng được gọi là Bụt-đà, Phật-đà, Bậc giác ngộ, Giác giả, Phật, có thể có các nghĩa sau: người giác ngộ, Thích-ca Mâu-ni, Phật tính, tận cùng thế giới, tuy nhiên cũng có thể được dùng để nói về những bậc thần thánh Việt Nam nhân từ, chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189.

Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) được phiên âm trực tiếp thành Bụt, từ Bụt được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa, Bụt được coi như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ Bụt bị mất đi và được thay thế bởi từ Phật. Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, Phật đồ rồi được rút gọn thành Phật.

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo.

(2): Ma Linh: là tên một địa danh lịch sử của Việt Nam gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ thuộc Quảng Trị ngày nay

Ma Linh trước là một châu của Chiêm Thành, năm 1069 sau trận chiến với Đại Việt, vua Chăm là Chế Củ bị bắt đem về Thăng Long. Để được tha về nước, vua Chế Củ đã dâng 3 châu phía bắc Chăm Pa cho Đại Việt mà Ma Linh là một trong 3 châu đó. Sau khi sát nhập Ma Linh vào lãnh thổ Đại Việt, đến năm 1074 nhà Lý đã đổi tên Ma Linh thành châu Minh Linh

/32

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status