Đào Hoa Y Cựu

Chương 4 - Tháng Năm Tĩnh Hảo, Người Ân Ái (1)

/7


Những ngày sau đó, Phùng Hành ngày càng cảm thấy quái lạ.

Hoàng Dược Sư một đêm đột nhiên tóc bạc trắng thì thôi, cảnh vật trên đảo có biến đổi cũng không đáng ngạc nhiên lắm, nhưng nàng nhận ra điều kỳ lạ quan trọng nhất chính là: Đảo Đào Hoa từ bao giờ lại vắng lặng như thế?

Một sáng, khi Hoàng Dược Sư đang chải tóc cho mình, nàng liền nhân cơ hội hỏi ra thắc mắc bấy lâu:

Phụ thân, các sư huynh, sư tỷ, sư đệ đâu cả rồi ạ? Tại sao lâu như vậy mà A Hành không thấy họ đâu cả?

Động tác của Hoàng Dược Sư chợt chậm một chút, trên khuôn mặt thoáng qua vẻ cô đơn, nhưng chỉ là một thoáng chốc, y rất nhanh khôi phục thần sắc hờ hững thường ngày, đáp:

Ta sai bọn chúng ra đảo làm một số việc.

Phùng Hành thấy y không vui, hiểu ý cũng không nhắc đến chuyện này nữa, nói lảng sang việc khác:

Phụ thân, hôm nay người dạy cái gì cho A Hành thế?

Phùng Hành từ nhỏ tuy trí tụê hơn người, có khả năng ghi nhớ thần kỳ, đã gặp là không quên, nhưng sức khỏe yếu ớt, không thể tập võ. Hoàng Dược Sư yêu thương nàng, để bù đắp lại tiếc nuối không thể truyền cho nàng chút nào võ công của mình, liền quyết dạy hết cho nàng tất cả những sở học tâm đắc của bản thân, từ cầm kỳ thi họa, y bốc tinh tướng, thiên văn địa lý, đến ngâm thơ đối câu, y thuật dược tính, kỳ môn ngũ hành, binh thư trận pháp, ..., không thiếu một món nào.

Mà Phùng Hành cũng là người Hoàng Dược Sư cảm thấy thỏa mãn nhất khi truyền thụ y bác. Luận về thông minh, Phùng Hành học một hiểu mười, hơn xa những đồ đệ của y, họa may chỉ có Hoàng Dung mới so được với nàng. Luận về chăm chỉ, Phùng Hành tự hiểu bản thân không biết võ công là điều bất tiện nhất, nên luôn tự giác học tập và trau dồi những thứ khác để phòng thân khi cần, khi học cũng luôn chú tâm nghiêm túc, khác hẳn với Hoàng Dung một ngày học thì ba ngày chơi, một giờ học thì ba giờ đi mò trai bắt cá, nghịch phá khắp nơi, khiến Hoàng Dược Sư giận dữ vô cùng, lại nhìn khuôn mặt càng lớn càng giống mẹ của con gái thì không nỡ lòng nào trách phạt, chỉ đành chui vào mộ thất kể xấu con với thê tử.

Phùng Hành chăm chỉ học đến mức nhiều khi Hoàng Dược Sư thấy xót nàng, liền cấm không cho tiểu thê tử chạm tới sách vở một ngày. Tất nhiên kết quả luôn là y bị đánh bại bởi một nghìn không trăm linh một chiêu làm nũng đại pháp của A Hành nhà mình, dù tâm không cam, tình không nguyện đến mấy, cũng phải lên lớp làm phu tử miễn phí cho nàng. Chịu thôi, ai bảo tiểu thê tử của y đáng yêu như thế, khiến y luôn cảm thấy yêu chiều nàng thế nào cũng vẫn là không đủ. Y cao ngạo cổ quái với thế nhân, nhưng lại không nỡ lớn tiếng dù chỉ một câu trước mặt nàng. Đây có thể xem như là báo ứng không?

Hoàng Dược Sư mải hồi tưởng lại những ký ức ngọt ngào giữa y và A Hành trong quá khứ, hơi lơ đãng, đến khi Phùng Hành lặp lại câu hỏi lần thứ hai, mới ghé vào tai nàng, hỏi:

Vậy hôm nay A Hành muốn học cái gì ?

A Hành chớp chớp mắt suy nghĩ một lúc, sau đó mắt sáng lên, nói:

A Hành hôm nay muốn học đàn.

Không được. Hoàng Dược Sư dứt khoát cự tuyệt. Thê tử của y vừa tỉnh dậy, còn yếu như thế, phải ngồi lâu luyện đàn, Hoàng Dược Sư nghĩ thôi đã thấy xót. Tất nhiên không được!

Phùng Hành hơi thất vọng, nhưng rất nhanh lại vui vẻ nói:

Vậy thì học đánh cờ đi phụ thân, lâu rồi A Hành không cùng người chơi một ván cờ.

Không được. Hoàng Dược Sư lại lạnh mặt từ chối. Chơi cờ hao tâm tổn trí, A Hành của y đang yếu, Hoàng Dược Sư lại tiếp tục thấy xót thê tử.

Vậy phụ thân dạy A Hành nấu ăn nha? Mắt Phùng Hành lòe lòe sáng, trước giờ chỉ có Hoàng Dược Sư xuống bếp vì nàng, nàng cũng muốn nấu cho y một bữa ngon lành, nhưng từ bé đến lớn luôn bị y cấm vào nhà bếp.

Được rồi, Phùng Hành cô nương thừa nhận rằng về phương diện trù nghệ của mình, chỉ có thể dùng một từ để hình dung: Nát. Dường như trí thông minh của nàng phát huy tác dụng ở mọi lĩnh vực, trừ nhà bếp ra. Có một năm Phùng Hành nổi hứng, lén Hoàng Dược Sư xuống bếp. Kết quả chính là, Hoàng đảo chủ đen mặt ôm A Hành của y ra khỏi nhà bếp trong tình trạng sắp bị thiêu chín cùng với cái phòng bếp xấu số. Từ đó về sau, nhờ phúc của nàng, Đào Hoa đảo có một nhà bếp mới. Còn ách bộc trên đảo mỗi khi thấy Phùng Hành dợm bước về phía phòng bếp thì xanh mặt khóc lóc, nhất quyết lấy chết can ngăn. Vì thế, suốt một thời gian dài sau đấy, Phùng Hành lại rơi vào trạng thái vô cùng u sầu. Rõ ràng lần này nàng chỉ muốn xuống bếp ăn vụng thôi mà, bọn họ có cần phản ứng thái quá như vậy không? (T.T)

Vừa nghe tiểu thê tử tỏ ý muốn học nấu ăn, Hoàng Dược Sư rất nhanh gạt phăng:

Tuyệt đối không thể!

Đừng nói tới trù nghệ của A Hành tốt đến chừng nào phu quân như y hiểu rất rõ, cho dù không biết thì y cũng không thể đồng ý để nàng xuống bếp. Sở dĩ Hoàng Dược Sư chịu dạy cho Hoàng Dung trù nghệ vì chung quy con gái cũng phải lấy chồng, không thể ở bên y suốt đời được, ra ngoài trong tình huống cấp thiết có thể tự phục vụ bản thân.

Còn A Hành thì đương nhiên phải khác. A Hành là thê tử của y. Là một phu quân đúng chuẩn nhị thập tứ hiếu , Hoàng Dược Sư cảm thấy làm nam nhân mà để nương tử phải xuống bếp thì thật là thất bại. Hơn nữa, A Hành vốn không khỏe mạnh, để thê tử đứng dưới bếp chịu khói cay lửa nóng, Hoàng đảo chủ lại xót lòng không nỡ. Về phần ra ngoài ư, tất nhiên là y ở đâu thì thê tử của y phải ở đó, tình huống nàng một thân một mình lang thang bên ngoài, Hoàng Dược Sư tự tin rằng điều đó không thể xảy ra. Lý tưởng hành động của đảo chủ nhà chúng ta chính là: Nhu cầu lương thực hàng ngày của tiểu thê tử đã có y lo, nàng chỉ cần chăm sóc tốt cho nhu cầu lương thực trên giừơng của y là được. Hoàng Dược Sư cảm thấy cảm giác nuôi béo A Hành sau đó ăn thịt có vẻ đặc biệt ngon miệng .[! ~_~] Còn cái gì gọi là quân tử xa nhà bếp , ngươi cảm thấy Hoàng lão tà sẽ để ý đến sao?

Phùng Hành cũng hiểu Hoàng Dược Sư thương mình mới cấm đoán đủ điều, nhưng lúc này tâm tính của nàng trở về là một cô bé mười lăm. Một Phùng Hành mười lăm tuổi tất nhiên không thể tà như Hoàng Dung được, nhưng tính tình cũng tuyệt đối không thể chững chạc, hiểu chuyện bằng một Phùng Hành sau khi đã trở thành Hoàng phu nhân. Nàng không khỏi phụng phịu dỗi:

Phụ thân không giữ lời! Người rõ ràng bảo để A Hành tự chọn sẽ học cái gì, nhưng A Hành nói thế nào người cũng không đồng ý!

Kẻ bình thường dám dỗi hờn lên án Hoàng lão tà, tất nhiên sẽ được ban Phụ Cốt châm ngay tức khắc. Đến cả Dung nhi chọc y giận, Hoàng Dược Sư cũng làm mặt lạnh với con bé. Nhưng mà bây giờ là A Hành của y đang trách móc y, Hoàng Dược Sư ngay cả nhíu mày một cái cũng không nỡ, chỉ đành ôm nàng dỗ:

Là vi phu không tốt, A Hành đừng giận. Ngoại trừ những thứ vừa nãy, nàng muốn học gì cũng được, chịu chưa?

Phùng Hành nghe vậy lấy làm vui sướng, không để ý lắm hai chữ vi phu , cho rằng mình nghe nhầm, hẳn là y nói vi phụ đấy thôi. Lúc này, nàng đang hưng phấn cọ cọ trong lòng Hoàng Dược Sư, cười nói:

Phụ thân nói thật chứ? Vậy A Hành muốn học điểm huyệt, điểm huyệt không cần võ công đúng không ạ, phụ thân mau dạy A Hành đi!

Hoàng Dược Sư không nghĩ tới tiểu thê tử lại đòi học điểm huyệt, ánh mắt bỗng trở nên sâu thẳm không dò được.

Nói đến môn điểm huyệt này, quả thật là một môn đơn giản mà có sức công phá không hề nhỏ. Đó là môn mà nữ sư không dạy cho nam đồ, nam sư không dạy cho nữ đồ, mẫu thân không dạy cho con trai, phụ thân không dạy cho con gái. Tóm lại là không cùng giới tính thì không thể dạy. (Tất nhiên cùng giới tính dạy cho nhau cũng nên cảnh giác vì nó có thể bẻ thẳng thành cong. =_=)

Nên biết rằng năm xưa bởi vì Chu Bá Thông dạy cho Anh Cô điểm huyệt, điểm đi điểm lại rồi điểm luôn lên giừơng, quả thật là nguy hiểm vô cùng.

Hoàng Dược Sư vốn khinh bỉ lũ thất phu tam thê tứ thiếp, từng viết câu thơ: Khất cái hà tằng hữu nhị thê? (1) Sau khi thành thân, y yêu thương thê tử không hết, tự nhiên không để mắt đến ai khác. Từ ngày thê tử qua đời, trong lòng luôn nhớ nhung tưởng niệm, mười mấy năm chưa từng nghĩ đến chuyện tục huyền, cũng không gần nữ sắc. Nguyên nhân chính tất nhiên là do trong lòng y, ngoài A Hành ra, mọi hồng nhan đều là bùn đất. Vả lại, Hoàng Dược Sư cao ngạo hơn người, tự nhiên là khinh thường dùng nữ nhân mình không yêu để phát tiết dục vọng. Có một năm, Âu Dương Phong từng muốn thừa cơ thăm dò về Cửu Âm chân kinh nên ý đồ gửi tặng mười mấy cơ thiếp cho y, nào ngờ đúng vào ngày sinh thần của Hoàng Dung, cũng là ngày Phùng Hành tạ thế, Hoàng Dược Sư cho rằng Âu Dương Phong đang sỉ nhục thê tử, liền nổi giận vỗ Phụ Cốt châm lên người đám cơ thiếp, trực tiếp hạ lệnh đuổi khách.

Cho nên nói, Phùng Hành cô nương chính là đang đùa giỡn với lão nam nhân cấm dục mười sáu năm.

Hậu quả thật sự không dám tưởng tượng.

Hết chương 3.

____________

*Chú thích:

(1) Tạm dịch là: Ăn mày sao lại có hai vợ? Đây là câu nằm trong bài thơ do Hoàng Dược Sư làm để châm biếm thế đạo lễ giáo (ở đây là châm biếm trực tiếp Mạnh Tử - người được nho sĩ bấy giờ tôn sùng chỉ sau Khổng Tử), thể hiện rõ quan điểm ly kinh phản đạo của ông. Sau này Hoàng Dung đã dùng bài thơ ấy để vượt cầu gặp Đoàn Nam Đế. Nguyên văn bài thơ:

Khất cái hà tằng hữu nhị thê?

Lân gia yên đắc hứa đa kê?

Đương thời thượng hữu Chu thiên tử,

Hà sự phân phân thuyết Nguỵ Tề?

Giao rất tâm đắc bài này, mà tính ra thì trong nguyên tác đa phần câu nói của Hoàng thúc thúc đều khiến Giao tâm đắc hết á. =_=

(2) Tục huyền: Người đàn ông góa vợ lấy thêm vợ khác được gọi là tục huyền

/7

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status