Danh Môn

Chương 6: Lâm Chi đường (Thượng)

/495


Quyển 1: Họ Trương ở Hà Đông

Chương 6: Lâm Chi đường (Thượng)

Dịch : Tử Lăng

Nguồn: Tàng Thư Viện

Lòng Trương Nhược Phong rối tung rối bời, quyền nắm tiền tài ở bất cứ một gia tộc nào đều là quyền lực cực kỳ quan trọng, phải do gia chủ kiểm soát theo tộc quy. Nhưng đại ca luôn ở trong kinh làm quan, giao cho ông quản lý thay, đã được gần mười năm, hiện giờ đột nhiên muốn ông giao lại, tâm lý tình cảm không thể chịu được là một chuyện, Trương Nhược Phong càng lo hơn là chuyện kia nếu bị lật tẩy thì phải làm sao?

Nhưng điều lệ con vợ lẽ không thể nắm giữ quyền lực của tộc trong tộc quy đã bị hủy bỏ vào mười lăm năm trước. Vậy, vậy nên làm thế nào mới tốt đây?

"Đại ca, Thập bát lang phải hoàn thành nghiệp học hành, e là nó không có thời gian."

Trương Nhược Hạo khoát tay mỉm cười nói:"Không phải là để nó làm ghi chép sổ sách, chỉ xét duyệt thu chi một lượt, không mất công gì cả. Vả lại, mùa xuân sang năm nó phải tham gia thi cử, nếu trúng khảo thì phải bước vào con đường làm quan. Ta chỉ muốn để nó rèn luyện vài tháng, chẳng có ý nào khác, tam đệ không cần quá nhạy cảm."

Nhưng cho dù rèn luyện thử một phen, cũng cần thời gian nửa năm, khoản sổ sách ấy làm sao có thể giấu giếm được. Mắt thấy đại ca đã quyết định chuyện này, Trương Nhược Phong vì khẩn trương lại buột miệng nói, "đại ca, nó là con của tiểu thiếp, hơn nữa là con riêng mà lục đệ mang về từ bên ngoài. Nó sao có thể nắm giữ quyền lực trong tộc được, không lẽ đại ca đã quên chuyện về Trương Phá Thiên ư?"

Nói rồi ông vội ngậm miệng lại, ông biết mình đã lỡ lời.

Lúc này, Trương Nhược Hạo chắp tay sau lưng đi chậm rãi tới trước cửa sổ. Chuyện mới chỉ qua khoảng mười năm, nhưng mây trắng lững lờ trôi dường như đã qua cả ngàn năm rồi. Ông lặng lẽ nhìn bầu trời, trong mắt lóe lên một nét đau buồn.

Chuyện Trương Nhược Phong nói là lần nguy hiểm nghiêm trọng nhất trong một trăm năm qua của gia tộc. Cũng chính chuyện này đã khiến Trương Nhược Hạo thủy chung không lấy được vị trí Hữu tướng.

Mười lăm năm trước, người Hồi Hột ruổi ngựa xâm lấn Trung Nguyên, các đại thế gia rầm rộ tuyển mộ nghĩa binh hòng trục xuất giặc Thát. Trương gia cũng bởi vậy đã sản sinh ra một tướng tài trăm năm khó gặp, một người con của vợ lẽ tên là Trương Phá Thiên. Đúng lúc Thái Nguyên bị chiếm đóng, Trương gia sắp đối mặt với tai họa ập xuống đầu, chính y đã chiêu mộ nghĩa quân ở quận Thường Sơn, bày kế thần kỳ đại phá kỵ binh tinh nhuệ của Hồi Hột, ba lần đánh thắng cả ba, giành lại Thái Nguyên. Nhờ đó, Trương gia đã khống chế tám vạn quân Hà Đông, đủ để đối kháng với các thế gia lớn. Sau cuộc chiến, bảy đại thế gia ước hẹn nhau, luân phiên làm Tể tướng, mỗi nhà kiểm soát quyền lực trong triều năm năm.

Mười năm trước, vốn tới lượt Trương Nhược Hạo làm Tể tướng, nhưng gia chủ của họ Thôi là Thôi Viên lại thành công khơi lên mâu thuẫn nội bộ của Trương gia. Những người chi chính họ Trương nhất trí bức ép Trương Phá Thiên giao ra binh quyền. Trương Phá Thiên nổi giận, phản bội rời khỏi Trương gia, cũng dắt theo tám vạn quân Hà Đông. Y tự mình mở tông lập phủ, được họ Thôi thừa nhận là chính tông của họ Trương, còn ủng hộ y làm Hữu tướng. Nhưng không tới nửa năm, quân quyền của y bị họ Thôi đoạt đi hoàn toàn, chức Hữu tướng cũng bị Thôi Viên thay thế.

Còn họ Trương ở Hà Đông cũng vì thế mà thực lực tổn thương nặng nề, chỉ còn cái xác, căn bản không còn sức đối kháng với các thế gia khác. Chuyện này vẫn luôn là nỗi ân hận ghê gớm trong lòng Trương gia, không cho phép bất cứ người nào nhắc đến, hơn nữa lúc ấy xảy ra hết sức bí mật, cho nên ngoài sáu huynh đệ Trương Nhược Hạo ra, không ai biết được chân tướng câu chuyện.

Hôm nay do sốt ruột Trương Nhược Phong lại bỗng đề cập chuyện này, ý muốn nói con của vợ lẽ không thể dùng được. Trương Nhược Hạo trầm mặc rất lâu, đột nhiên khẽ thở dài, chậm rãi nói:"Chúng ta đã sai một lần, không thể sai tiếp lần thứ hai. Có những chuyện ta không thể nói cho đệ, mà đệ cũng không cần biết. Chuyện về Thập bát lang cứ quyết định vậy!"

...

Ánh mặt trời của tháng chín giống như tình yêu của người đàn ông bốn mươi tuổi, ấm áp mà thiếu lửa. Dưới ánh sáng của nó, người đi đường đều trở nên có phần uể oải, nhịp chân chậm hơn rất nhiều.

Trương Hoán đi ra cổng chính của Trương phủ, sải bước qua một cây cầu gỗ hình trăng khuyết, lại đi tiếp về phía trước hai dặm đường là tới chợ Nam của phủ Thái Nguyên. Lâm Chi đường nằm ở tận cùng chợ Nam.

Thái Nguyên là vùng đất có rồng bay lên trời của đế quốc Đại Đường, nên được phong làm Bắc Đô. Nó lại là trung tâm kinh tế, chính trị của Hà Đông, dân số đông đúc, thương nghiệp phát triển. Bố cục của thành Thái Nguyên có hình bàn cờ, bốn mươi phường nằm rải rác. Mỗi mặt đông, tây, nam, bắc đều có ba đường phố lớn là đường chính, thông suốt toàn thành.

Ở hai bên đường lớn toàn là tường che cao cao, chia cách các phường. Tất cả các hoạt động thương nghiệp đều được phân bố trong các phường. Hơn nữa, để tiện bề thu thuế và quản lý, việc mua bán hàng hóa cần phải tiến hành trong chợ chuyên môn, không được tự tiện chiếm đất kinh doanh. Các phường đều bố trí họp chợ, tương đương với chợ mậu dịch sau này. Ở các thôn quê và thị trấn còn có lập chợ phiên. Nhưng đối với việc buôn bán hàng hóa với số lượng lớn, phải đặc biệt thiết lập riêng chợ Bắc và chợ Nam. Chợ Bắc bán các thứ xa xỉ như châu báu, ngọc bích, vải vóc tơ lụa, còn chợ Nam thì bán các vật dụng sinh hoạt thường ngày như gạo thóc, hàng tạp hóa; làm ăn, thịnh vượng thua xa chợ Bắc.

Sở dĩ phủ của tộc họ Trương ở sát chợ Nam là vì toàn bộ đất đai của chợ Nam đều thuộc Trương gia bọn họ, cửa hàng cũng là do Trương gia xây dựng một cách thống nhất. Thu nhập từ tiền thuê mỗi năm là mười mấy vạn xâu tiền, đó là nguồn tiền tài lớn nhất của Trương gia ngoài thuế ruộng đất từ trang viên (1).

Sau khi hết loạn lạc chiến tranh, để nhân khẩu sinh sôi, mở rộng tài nguyên, triều đình định ra hàng loạt biện pháp khuyến khích. Một trong số đó là nới lỏng hạn chế đối với thương nhân, tỷ như bãi bỏ hộ tịch thương nhân, cho phép thương nhân mặc quần áo như bình dân, cho phép thương nhân cưỡi ngựa, vân vân...

Xuyên qua khu vực giao dịch vải vóc ồn ào nhộn nhịp, trước mặt là khu tập trung các hiệu thuốc. Suốt một con đường nơi đây toàn là các hiệu thuốc, tổng cộng mười mấy nhà, kinh doanh các loại dược liệu, hơn nữa theo thông lệ, trong hiệu thuốc của mỗi nhà đều có vài thầy thuốc thường trực. Điều thú vị nhất chính là cuối con đường không ngờ lại có một nhà bán quan tài, kiêm áo liệm giấy âm phủ. Một chuỗi phục vụ dành cho sinh lão bệnh tử, con phố này có đủ cả.

Lâm Chi đường nằm ở sâu nhất, ngay sát vách cửa hiệu quan tài nọ. Phong thủy tuy không tốt, nhưng làm ăn của nó lại phát đạt nhất. Trương Hoán còn cách Lâm Chi đường chừng trăm bước, mà người bệnh xếp hàng đã tới chỗ rẽ ở góc đường. Có bệnh nhân được người trong nhà dìu đỡ, có bệnh nhân thì nằm trên cáng, đắp chăn đệm thật dày trên người, sắc mặt đều cực kỳ đau đớn xanh xao.

Chỉ một người cười ha hả duy nhất chính là ông chủ cửa hiệu quan tài. Y đi đi lại lại giữa những người xếp hàng, đôi khi xoa xoa trán của người này, nhìn bựa lưỡi của người kia, dáng điệu y hệt một bậc danh y, nhưng lời y nói ra lại làm người ta tức chết, "bệnh này của ngươi không cứu được, cửa hiệu của ta cung cấp các kiểu quan tài, nhân lễ mười năm thành lập cửa hiệu, nhất loạt giảm giá ưu đãi còn tám thành giá ban đầu."

Trương Hoán đi qua bên cạnh, tiện tay gõ y một cái, cười nói:"Diêm chưởng quỹ lại làm tổn thương người ta rồi, coi chừng ta nói cho sư phụ biết sẽ bẻ gãy bộ xương già của ông."

Diêm chưởng quỹ có bề ngoài giống hung thần mặt đen quay đầu lại, nhìn thấy Trương Hoán, vội chắp tay, mặt đau khổ nói:"Ông chủ Lâm luôn có tay nghề hồi sinh kỳ diệu, khiến cho buôn bán của cửa hàng thấp hèn của ta ế ẩm. Cũng hết cách, xin Thập bát lang nể tình cho."

Trương Hoán vỗ bả vai y cười nói:"Nói vui với ông thôi, sư phụ ta sẽ không để bụng chút chuyện nhỏ này đâu."

"Đúng vậy! Đúng vậy! Ông chủ Lâm bận rộn đến cả thời gian đi nhà xí cũng không có, nào còn chiếu cố được chút chuyện nhỏ của ta." Diêm chưởng quỹ cười khan. Y chợt nghĩ tới một chuyện, nháy mắt ghé tai nói thầm với Trương Hoán:"Bình Bình hình như lại gặp phiền phức, đang ở cửa sau, ngươi đi xem đi!"

Nói rồi, y lại vén chăn của một người bệnh lên, bỗng nhiên bịt mũi, chần chừ giây lát nói:"Cửa hiệu của ta cung cấp số lượng lớn vôi sống, ba đồng tiền bốn cân, rẻ nhất toàn thành..."

Trương Hoán nghe nói Lâm Bình Bình lại gặp phiền phức, không khỏi khẽ cười gượng, liền quay người xuyên qua con hẻm bên cạnh hiệu thuốc, đi về cửa sau của Lâm Chi đường. Nơi này nằm tiếp giáp tường thành của chợ Nam, dưới tường thành là một vùng đất trống trải, có trồng mấy gốc liễu già trăm tuổi. Từ xa, Trương Hoán đã thấy Lâm Bình Bình ngồi chồm chỗm dưới một cây liễu, ngón tay vẽ vòng vòng trên mặt đất, hiếm khi thấy nàng tĩnh lặng như vậy. Đó thông thường là biểu hiện sau khi nàng đã mắc lỗi.

"Bình Bình, lại gặp rắc rối ư?"

Trương Hoán cười rồi cũng ngồi xổm xuống. Thấy nàng vẽ ba vòng tròn trên mặt đất, ngăn cách ba con kiến trong vòng, không để chúng chạy ra, y lại cười nói:"Có phải là vì chuyện phiền não hôm qua không?"

Lâm Bình Bình ngẩng đầu, trong mắt lộ một vẻ ngỡ ngàng:"Chuyện hôm qua nào?"

Trương Hoán không khỏi vừa bực tức vừa buồn cười, bản thân sợ nàng bị phụ thân trách mắng, sáng sớm đã chạy tới tìm gia chủ cầu xin. Còn nàng thì lại nhẹ nhàng rồi, không ngờ đã quên sạch sành sanh.

"Chính là chuyện Trương gia muốn thu lại Lâm Chi đường đó."

Lâm Bình Bình sững sờ, đột nhiên kêu 'a!' rồi nhảy lên, "hỏng rồi! Hỏng rồi! Ta đã quên nói cho cha biết." Nói đoạn, nàng cũng chẳng để ý tới Trương Hoán, đứng lên lật đật hoảng hốt định đi. Trương Hoán liền kéo nàng lại, cười nói:"Không cần, ta đã giải quyết cho cô rồi. Trương gia sẽ không đuổi Lâm Chi đường đi."

"Giải quyết rồi? Vậy thì tốt!" Lâm Bình Bình thở ra một hơi thật dài, rồi lập tức ném chuyện này ra khỏi đầu, lại liếc nhìn Trương Hoán, kinh ngạc hỏi:"Sao hôm nay ngươi tới đây?"

Trương Hoán bực bội, "không phải cô chạy tới thư viện nói với ta, sư phụ có chuyện tìm ta sao?"

"À!" Lâm Bình Bình đỏ mặt, vội giải thích cho tính chóng quên của mình:"Ta có phiền muộn trong lòng, nên quên hết mấy chuyện này."

"Nói thử xem! Có chuyện phiền muộn gì cần Trương thập bát giúp cô tháo gỡ?"

Lâm Bình Bình liếc nhìn y, lưỡng lự ấp úng nói:"Vậy ngươi, ngươi có năm xâu tiền không?"

"Năm xâu tiền?" Trương Hoán xòe tay cười nói:"Ta một tháng mới có hai xâu tiền theo quy định, chỉ đủ ăn, đâu có nhiều thế chứ?"

"Vậy nói với ngươi cũng vô dụng." Lâm Bình Bình rầu rĩ không vui lại ngồi xổm xuống, bắt ba con kiến nhỏ chạy trốn về.

"Cô không muốn nói thì thôi, vốn ta còn có biện pháp có thể giúp cô vay được."

"Nhưng tiền vay sớm muộn cũng phải trả." Lâm Bình Bình lẩm bẩm. Nhưng có tiền vẫn tốt hơn không có, nàng ngẫm nghĩ giây lát, đoạn nói:"Vậy ta nói cho ngươi, ngươi không được phép nói cho người khác."

"Ừm!"

"Chuyện là thế này, cha chữa khỏi bệnh cho một bệnh nhân. Bệnh nhân ấy lén trả nhiều hơn năm xâu tiền chữa bệnh, kết quả bị cha phát hiện. Lúc sáng cha bảo ta đưa lại cho người ta."

Nói đến đây, trên mặt Lâm Bình Bình lộ ra nét buồn bã, nàng thở dài một hơi rồi tiếp tục kể:"Ta vừa đi tới cửa chợ Nam, trông thấy một bà lão ôm một bé gái quỳ trên đất xin ăn, thực sự rất đáng thương!"

"Cho nên cô liền nóng đầu đưa cho bọn họ toàn bộ số tiền hả?" Trương Hoán kìm không được cười lớn ha hả. Tình tiết tiếp theo nàng không nói, y cũng có thể đoán ra. Lâm Bình Bình đi đến cửa nhà bệnh nhân nọ mới nhớ ra không còn tiền, lại quay trở về tìm bà lão ăn mày, kết quả là bà ta đã đi mất không còn bóng dáng.

"Ngươi cười cái gì!" Lâm Bình Bình bật dậy. Nàng giận dữ nhìn chằm chằm Trương Hoán, "ngươi cho rằng ta sẽ xin lại tiền từ bọn họ ư? Không phải, bọn họ đáng thương lắm. Ngươi chưa thấy cô bé đó đâu, người gầy đến nỗi còn một mẩu bé tẹo." Lâm Bình Bình dùng tay mô phỏng ra một hình dạng nhỏ bé, mắt nàng chợt đỏ ửng, cắn chặt môi nói:"Bố mẹ của cô bé đó đều bị bán thân làm nô lệ, cần mười xâu tiền mới có thể chuộc bọn họ về. Ta muốn giúp bọn họ."

Trương Hoán im lặng rất lâu. Đoạn y vỗ nhẹ hai má nàng, mỉm cười nói:"Cô chảo ngốc nghếch, ta sẽ nghĩ cách kiếm năm xâu tiền ấy cho cô. Chúng ta đi thôi!"

...

Chú thích:

(1): Vùng đất mà hoàng thất, quan lại, phú hào chiếm giữ và kinh doanh thời phong kiến.

Danh Môn

Tác giả: Cao Nguyệt


/495

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status