Đại Vận Mệnh

Chương 27: TRIỆU DU NGHĨA

/32


Tiểu Hắc vừa dứt lời thì tự lúc nào trong nhà đã xuất hiện một lão nhân tóc bạc. Vừa trông thấy lão nhân này, Cao Thảo vội vã cúi đầu cung kính:

- Sư phụ, đồ nhi trông người mỏi mắt suốt cả tháng trời, thật đúng là nắng hạn chờ mưa vậy. Ân, sư phụ cứ như hạc nội mây ngàn, làm đồ nhi chẳng biết đường nào mà lần.

Lão nhân tóc bạc này hóa ra chẳng phải ai xa lạ, chính là lão nhân kể chuyện mà Cao Thảo từng gặp chín năm về trước ở Đạo Hương Thôn. Nhớ khi đó, cảm khái trước sự hiệp nghĩa của Cao Thảo, ông ta quyết định thu nạp cậu làm đồ đệ. Lại qua vẻ bề ngoài và dáng điệu kia, thật không ai dám ngờ rằng người đó lại chính là Triệu Du Nghĩa – nhị đệ tử của Tuyệt thế kì nhân Đông Phương Hiên Di.

Cao Thảo vừa dứt lời thì thấy sư phụ mình vừa vuốt râu, vừa cười nói:

- Hà, theo như Triệu Du Nghĩa ta thấy thì làm gì có chuyện “nắng hạn chờ mưa rào” chứ. Tiểu tử ngươi bây giờ khi đã nếm đòn đau, lúc ấy mới nhớ tới lão già này chứ gì?

Bị sư phụ đoán trúng tâm sự, Cao Thảo gãi đầu cười gượng:

- Sư phụ. Mấy ngày hôm nay đệ tử cảm thấy vô cùng ấm ức. Chẳng phải là ấm ức vì bản thân, đấy là vì ấm ức thay cho người. Sư phụ nghĩ xem, nếu mai này giang hồ biết đệ tử của người bị một đám vô lại đánh cho tan tác, như vậy thì còn ra cái thể thống gì chứ.

Nghe đệ tử mình nói vậy, Triệu Du Nghĩa vội khoát ống tay áo, cười mà rằng:

- Có trách thì hãy trách bản thân học nghệ chưa tinh. Hà hà, tiểu tử ngươi đã thấy chưa. Là nam nhi thì phải không ngừng tự cường, nhất định còn phải cố gắng thêm. Hừm, ta nghe nói đồ nhi của ta bị người ta đánh nên ghé qua thăm nom một chút, giờ thấy con cũng ổn rồi, Triệu Du Nghĩa ta lại phải lên đường luôn đây!

Lão vừa nói thì toan bước ra khỏi cửa, Thảo trông thấy vậy hốt hoảng nhảy tới túm chặt lấy vạt áo ông đoạn la lớn:

- Không được. Mấy ngày hôm nay đệ tử có thời gian rảnh, suy nghĩ lại tất cả những lời sư phụ căn dặn, đến nay đã thấy thấm thía lắm rồi. Đệ tử xin hứa từ nay về sau tuyệt đối sẽ không chểnh mảng nữa, chỉ mong sư phụ hãy dốc túi mà truyền nghệ.

Triệu Du Nghĩa nghe thế cười vang:

- Ha ha, dốc túi mà truyền nghệ. Nói mới hay làm sao. Hừm, ngươi đã biết lỗi của bản thân chưa?

Cao Thảo gương mặt đỏ bừng, cúi đầu xấu hổ nói:

- Đệ tử đã biết rồi. Trước đây đệ tử vốn ngông cuồng tự đại, lại vô tình để mấy trò bịp bợm của lũ gia nhân làm cho mờ mắt. Cứ nghĩ bản lĩnh võ công đã là ghê gớm lắm rồi, thế nên càng ngày nên xao nhãng việc luyện tập võ công. Gần đây nhất đệ tử liên tục bị người ta hạ nhục, lúc đó mới thấy rằng bản thân thật là kém cỏi.

Triệu Du Nghĩa nghe vậy, sau đó mỉm cười:

- Hừm, mấy cái trò của bọn Tiểu Hắc bầy ra ta đều đã biết hết. Thế nhưng cái chính là ta muốn con mai này tự mình khám phá ra chân tướng mọi chuyện. Giang hồ hiểm ác lắm, những chuyện vặt vãnh như thế còn nhìn không thấu, mai này con lăn lộn chốn võ lâm, Triệu Du Nghĩa ta làm sao yên tâm được chứ.

Thấy vẻ mặt chàng đã ra chiều hối lỗi, ông gật đầu hài lòng đoạn hạ giọng nói:

- Thảo nhi, bản tính của con quá xốc nổi và nóng vội. Chính vì cái lối làm việc mà không suy nghĩ trước sau ấy khiến cho không biết bao nhiêu kẻ xấu lợi dụng, đã vậy nó nhiều khi còn làm hại chính con nữa. Bởi thế mà gần mười năm nay, mặc dù vẫn không ngừng truyền dạy võ công cho con, thế nhưng mỗi lần gặp mặt ta đều âm thầm phong bế công lực của con. Hà hà, không có công lực, một thân bản lĩnh của con làm sao có thể thi triển được.

Triệu Du Nghĩa vừa dứt lời, Thảo há hốc mồm ra:

- Sư phụ phong bế công lực của đồ nhi ư! Té ra là như thế.

Nghe chàng nói thế, Triệu Du Nghĩa lắc đầu cười:

- Hừ, võ học chẳng ra gì mà suốt ngày luôn gây chuyện thị phi. Sắp mười tám tuổi đầu rồi chứ ít gì. Nếu con mà có thể có chút công phu, lúc đó với bản tính không biết trời cao đất dày của mình, không biết con còn gây thêm chuyện gì nữa chứ.

Cao Thảo cố gắng vớt vát, tìm cách thanh minh:

- Sư phụ, đồ nhi quả có lỗi song mà…. Hừ, cũng là do lũ Tiểu Tam, Tiểu Hắc bọn chúng bày trò đó chứ.

Triệu Du Nghĩa lại lên tiếng:

- Con sâu đo ăn thức ăn mầu gì thì thân thể nó sẽ có mầu như vậy. Hừ, vốn bản tính của con là thích cái gì đó gọi là “hành hiệp trượng nghĩa” đến mù quáng, bởi vì thế bọn Tiểu Hắc kia mới có hành động như vậy. Để mọi chuyện tốt hơn, trước hết nên bắt đầu chỉnh sửa từ bản thân mình trước đã. Nên nhớ rằng, trước bất kì sự việc nào cũng không thể suy xét bằng mắt thường được, mà là phải dùng cái đầu của mình mà suy nghĩ. Nhớ chưa? Nếu cứ cẩu thả và nóng vội, mai này ắt có lúc hối hận thì đã muộn.

Dừng lại một chút, nhìn đệ tử trầm tư sau đó ông cất tiếng thở dài:

- Nhưng dẫu sao ta cũng rất mừng vì có một đệ tử hào hiệp và khẳng khái như con. Lần này con đã nhận ra được lỗi lầm và quyết tâm sửa chữa, ta quả thật cũng rất mừng. Hừm, thử thách con như vậy cũng đã đủ rồi. Thảo nhi, con hãy đi theo ta đến trường luyện võ.

Nghe sư phụ mình nói vậy, Cao Thảo vô cùng mừng rỡ vội vã đi theo ông tới trường luyện võ. Gọi là trường luyện võ ấy là bởi vì đây là khu vực được Tiết Gia Yến - mẫu thân của chàng, xuất của cải ra xây dựng theo ý thích của nhi tử mình. Đây là nơi chàng rèn luyện võ nghệ cùng Triệu Du Nghĩa suốt bấy nhiêu năm qua.

Khi đên nơi, chỉ nghe Triệu Du Nghĩa lên giọng giải thích:

- Thảo nhi, bài tập thổ nạp điều tức mà ta chỉ dạy cho con, con vẫn rèn luyện thường xuyên đấy chứ?

Nghe sư phụ mình hỏi vậy,Thảo cung kính đáp:

- Thưa sư phụ, đồ nhi vẫn không ngừng rèn luyện.

Ông nghe vậy gật đầu hài lòng, sau đó từ tốn nói:

- Vậy là tốt. Thực ra đó chính là yếu quyết tu luyện nội công mà Triệu Du Nghĩa ta sáng tạo ra, tên gọi của nó là Hải Lãng Thao Thiên Quyết, ý là thân thể của bản thân mình như là biển lớn, khi cần có thể thao khống tất thảy mọi vật. Vốn dĩ khởi thủy của nó chính là Hải Nạp Bách Xuyên công của Vạn Hoa Cốc, sau đó được ta phát triển mà thành cách tu luyện như con vẫn thường làm.

Nói đến đây Triệu Du Nghĩa chắp hai tay sau lưng, thở dài một tiếng:

- Nhớ khi xưa, sư phụ của ta là Đông Phương lão nhân dạy cho mấy huynh đệ chúng ta phương pháp tu tập nội công Hải Nạp Bách Xuyên, ví bản thân mình hóa thành biển lớn, song lại là ở cái thế tĩnh lặng rồi từ từ thâu nạp nguồn nước từ khắp thiên hạ. Cách luyện tập chủ yếu là ngồi yên lặng trong không gian tĩnh mịch, thả lỏng thể xác và tâm hồn rồi điều tức theo khẩu quyết nhằm tụ tập công lực. Ấy nhưng sau đó họ Triệu ta nghĩ rằng, võ công chia ra làm cương và nhu, tĩnh và động, ấy tại sao tu luyện nội công cứ nhất nhất phải cần phải ngồi lặng yên một chỗ trong không gian yên tĩnh. Bởi thế lúc ấy lòng ta băn khoăn không thôi. Cuối cùng ta liều lĩnh từ bỏ phương thức luyện công của sư phụ, cố gắng phát triển nó thành thứ công phu có thể tĩnh trong thế động, động trong cái tĩnh. Theo họ Triệu ta thấy chỉ cần tập trung tinh thần để luyện ý, đạt đến bản lãnh cao cường thì ngay cả trời sập đất lún cũng không làm người ta xao động. Thật may mắn, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Thảo nhi, ta đã chỉ cho con khẩu quyết và cách tu luyện môn công phu Hải lãng thao thiên, giờ ta sẽ dạy cho con cách điều khí và phân phối công lực mỗi khí sử dụng chiêu thức.

Thảo nghe nói vậy mừng rỡ dạ một tiếng. Lúc ấy lại nghe Triệu Du Nghĩa giải thích một hồi nữa, kế đó lên tiếng căn dặn:

- Tất cả mọi thứ trên đời này đều bị chi phối ở cái gọi là Nhất nguyên lưỡng cực. Khí của trời đất, hợp thì là một, chia thì là Âm và Dương, tách ra làm bốn mùa, bày xếp thì thành Ngũ hành. Công lực của bản thân cũng vận hành y như vậy. Công lực sở dĩ tu tập được là có được là do sự Diệu hợp nhị ngưng, phối hợp với nhau một cách kỳ diệu mà ngưng đóng lại của nhị ngũ, tức Ngũ Hành từ Hình Nhi Thượng (khí năng, khí chất vô hình) qua Hình Nhi Hạ (Thể Chất, Hữu Hình). Khi biến thì hình hóa, ở thiên linh cái là tượng, ở đan điền là hình. Công lực không ngừng chuyển hóa, tiêu trưởng, thuận nghịch, đắp đổi cho nhau sinh ra khí lực cũng như tạo nên sự thiên biến vạn hóa của chiêu thức võ công. Khi sử dụng chiêu thức ở thế động thì sinh Dương, động cực thì Tịnh, Tịnh thì sinh Âm, Tịnh cực thì lại động, một Tịnh một động cũng làm căn bản cho nhau, đó là trở về cái gốc còn gọi là Hổ Vĩ Kì Căn vậy. Đây là nguyên lý chính của cách vận hành và điều phối nội lực trong khi sử dụng võ công vậy.

Thảo cung kính đáp:

- Sư phụ, vậy mà đồ nhi từ trước đến vẫn không hề hay biết. Lại cứ ngỡ rằng phương thức đó chủ yếu cũng là để cường thân kiện thể mà thôi. Chẳng ngờ đó lại là yếu quyết tu luyện một môn nội công thượng thặng, từ cổ chí kim chưa có môn công phu nào sánh bằng.

Nghe đệ tử mình chi hồ giã giã một chập, chỉ nghe Triệu Du Nghĩa cười:

- Thứ công phu do họ Triệu ta sáng tạo ra mà cũng được ngươi tán tụng lên đến trời xanh, hà hà, tiểu tử ngươi công phu vỗ mông ngựa cũng không tồi. Ừm, được rồi. Vạn Hoa Cốc có một môn công phu điểm huyệt độc môn có thể phong bế công lực của đối phương. Trừ phi người bị điểm trúng đã khai thông được kì kinh bát mạch, còn không thì…. Hà hà. Hôm nay cao hứng, ta sẽ chỉ dạy cho con luôn. Mai này có thời gian, con hãy tự nghiền ngẫm.

Một lúc sau thấy ông đưa tay chỉ vào giá binh khí, đoạn cười nói:

- Thảo nhi. Ta và Quách đại ca cùng thụ giáo Đông Phương lão nhân học nghệ. Quách đại ca có sáng tạo ra một bộ kiếm pháp tên gọi là Phiêu phong bát thức, còn ta bất tài vô thuật không nghĩ ra được thứ gì ra hồn cả. Hà hà, chỉ có một lộ “Túy ảnh tượng” là cũng có thể dùng tạm. Hiện giờ ta muốn xem xem, sau khi công lực được giải phóng, con sử dụng lộ Túy ảnh tượng hình kia sẽ ra cái bộ dạng như thế nào đây.

Nghe sư phụ mình nói vậy, Thảo dạ ran một tiếng rồi lập tức bước ra vớ lấy cây thiết thương cầm trên tay. Triệu Du Nghĩa thấy vậy cười mà hỏi:

- Thảo nhi, sao con không sử Túy kiếm như những gì ta truyền thụ mà lại quyết định chọn thương.

Chàng liền đáp:

- Sư phụ, sư phụ từng bảo vũ khí và chiêu thức là vật chết mà người dụng mới là vật sống. Điều quan trọng nhất đó chính là nhanh, chuẩn và hiểm và thuần thục. Đồ nhi chưa thuần ở kiếm, bởi thế kiếm hay thương nào có gì quan trọng lắm đâu.

Triệu Du Nghĩa nghe vậy cười lớn, tung người nhảy ra:

- Nói hay lắm. Lần này để ta quá chiêu với con.

Vừa nói ông vừa với lấy một cặp ngô câu kiếm trên giá vũ khí. Một lúc sau thì thấy hai bóng người, một già một trẻ nghiêng ngả trên sân, vũ khí trên tay bọn họ chập chờn biến ảo không ngừng. Loáng thoáng tiếng vũ khí va chạm, tiếng rít gió và cả thanh âm của Triệu Du Nghĩa thỉnh thoảng vang lên:

“Ân, Túy ảnh tượng trọng kỹ chứ không trọng hình.”

“Hình say, ý không say. Bước say, tâm không say.”



Cuộc chiến chấm dứt, Triệu Du Nghĩa khẽ xoa đầu Thảo đoạn cười:

- Khá lắm, quả không làm ta thất vọng. Song con hãy nhớ rằng: thân nam nhi thì không ngừng nỗ lực. Đừng bao giờ tự mãn mà chây lười, chủ quan mà ỷ lại. Hãy nhớ kĩ lời ta. Còn bây giờ ta phải đi ngay thôi.

Thảo nghe sư phụ nói vậy xịu mặt:

- Sư phụ phải đi thật sao.

Triệu Du Nghĩa gật đầu đáp:

- Thật là lần này ta phải đi rồi. Thời gian vừa rồi ta lang thang ở Kim Quốc, dường như bọn người Nữ Chân đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc chinh phạt xuống phía nam thì phải. Ài, con cũng biết rồi đấy, hiện giờ là thời gian sứ giả Kim Quốc sang tiếp quản cống phẩm hàng năm. Ta muốn đi dò la xem động tình thế nào. Sau đó lại tiếp tục đến Giang Bắc thêm lần nữa để nghe ngóng tình hình. Đồ nhi ngoan, ta đi rồi con nhớ hãy bảo trọng và giữ gìn nghe không!

Ông vừa dứt lời lập tức phất ống tay áo, thoáng cái đã mất dạng. Cao Thảo đứng trông theo bóng sư phụ, vừa có cảm giác mừng rỡ vì công lực đã được khai thông, lại lo lắng vì cái tin Kim Quốc sắp sửa động binh. Tuy nhiên nghĩ tới đây hùng khí trỗi dậy, ưỡn ngực lên mà nhủ rằng: “Hừ, bọn người Nữ Chân kia sang một người giết một người, sang vạn người giết vạn người. Trước đòi lại mảnh giang sơn đã bị đánh cướp, sau thừa thắng xông lên đập tan hang ổ của cái đám Kim Quốc tàn ác và vô lương tâm ấy.



Nói về chuyện của Cao Thảo, sau khi Triệu Du Nghĩa rời đi, chàng không ngừng khổ luyện võ nghệ, trau dồi bản lĩnh. Cứ qua một đoạn thời gian, khi nào có thời gian rảnh chàng lại đi Ba Lăng tìm gặp Tuyết Luân hàn huyên tâm sự. Tình cảm của hai người vì thế mà ngày càng gắn bó. Cho đến một lần tìm đến nơi ở của Tuyết Luân, khi thấy nhà cửa vắng hoe, chàng lấy làm buồn lòng lắm. Bởi thế hôm ấy chàng nổi hứng tìm đến một tửu quán, định bụng sẽ xả hơi một phen.

Cao Thảo bước vào trong tửu quán, chọn một chiếc bàn nhỏ rồi gọi một bình Phạn Gia Tửu kèm theo mấy món nhắm. Lúc bấy giờ vô tình Thảo trông thấy ở chiếc bàn trước mặt có hai hán tử trẻ đang đối ẩm. Một người mày kiếm mắt sao, dáng vẻ khôi ngô đĩnh đạc, khí thế bất phàm. Người kia anh tuấn trắng trẻo, vận bộ trường sam mầu xanh, bên cạnh có đặt một thanh trường kiếm. Cả hai người này tuổi còn trẻ, chắc cũng chỉ trạc tam tuần song khí độ hiên ngang, uống rượu như rồng cuốn nước, thật đúng như tác phong của một trang nam tử hán khí khái. Quan sát biểu cử của hai người này, Thảo sinh lòng ngưỡng mộ, tập trung lắng nghe câu chuyện của hai người bọn họ.

Lúc bấy giờ hán tử trẻ tuổi vận trường y mầu lam nhạt cất tiếng:

- Trần huynh, lần này huynh bôn tẩu gấp rút đến Ba Lăng như vậy, không biết là có chuyện gì quan trọng?

Người họ Trần kia đưa tay nhấc vò rượu lên tu ừng ực, sau đó dừng lại một hơi đoạn cất tiếng:

- Chẳng dám giấu gì Diệp lão đệ, cách đây không lâu ta được tin Vô tung kiếm khách Vi Hàn bị người đả thương, đào mệnh đến gần kinh thành. Bởi thế mà ta gấp rút đến Ba Lăng tìm gặp sư tỷ, bàn kế hoạch truy bắt tên ác đồ đó.

Nghe đến đây, người họ Diệp khẽ nhíu mày ngạc nhiên:

- Người nào mà đủ bản lãnh đả thương gã họ Vi nhỉ?

Nam tử họ Trần kia lại ngửa mặt tu một ngụm lớn, sau đó dằn mạnh vò rượu xuống bàn đoạn lớn tiếng:

- Hừ, việc lần này tính ra cũng là một hỉ sự. Vi Hàn hắn đụng độ phải Hộ pháp trưởng lão của Thiên Nhẫn giáo. Ài, giá như hai tên khốn ấy đánh nhau đến lưỡng bại câu thương thì tốt biết bao.

Nói đến đây không hiểu sao họ Trần thở dài, cất giọng buồn bã:

- Nói ra thì thật xấu hổ. Chẳng ngờ ân sư của huynh một đời chỉ thu năm đệ tử, ấy vậy mà có đến hai tên là cầm thú đội lốt người. Thật đúng là…

Hiểu được tâm sự của huynh đệ mình, người họ Diệp cất tiếng an ủi:

- Phi Chi huynh, thế sự vô thường chúng ta đâu lường hết được mọi sự đâu. Huống chi Quách lão cốc chủ một đời ngang dọc, lại có thể đào tạo được một đệ tử như Lý đại ca, đó chẳng phải là một chuyện đáng ngưỡng mộ hay sao.

Nói đến đây y như nghĩ ra điều gì nên khẽ lắc đầu, cất giọng cảm thán:

- Chỉ đáng tiếc thay Lý đại ca một thân bản lĩnh lại bị bọn gian tà Thiên Nhẫn giáo hại chết. Ôi, tấm lòng hào kiệt, nghĩa khí anh hùng như Lý đại ca, hiện trên giang hồ có ai sánh bằng chứ!

Thì ra hán tử họ Trần kia tên gọi Trần Phi Chi, là ngũ đệ tử của Vạn Hoa Cốc chủ Quách Khinh Hàn. Sau sự kiện ở ngoại biên Lạc Thành chín năm trước, bởi vì thế thực lực Vạn Hoa Cốc có phần thua sút hơn Thuần Dương Quan một chút. Lại nối về phần mấy đệ tử khác của Quách Khinh Hàn, Tam đệ tử Tô Mộ Bạch thì bặt vô âm tín, còn Vi Hàn chẳng những không chết mà bản lãnh võ công vẫn rất là ghê gớm. Mười năm nay dù ít khi hiện thân, song mỗi lần họ Vi xuất hiện ở đâu thì y như rằng ở đó xảy ra một trường tang tóc.

Gần đây Vi Hàn hắn xung đột với đám người của Thiên Nhẫn giáo, bởi vậy mà bị thương đào mệnh đến Lâm An. Trần Phi Chi nghe được tin này, không chút nào chậm trễ vội rời Vạn Hoa Cốc tìm đến gặp Khúc Vân, tìm cách truy bắt tên ác tặc họ Vi.

Còn về thanh niên trẻ tuổi áo xanh kia, người này không phải ai xa lạ mà chính là Diệp An Tường, nhị thiếu gia của Thần Kiếm sơn trang. Hai người Trần Phi Chi và Diệp An Tường tuổi đời mới ngoài ba mươi song võ công vô cùng cao cường, tiếng tăm lừng lẫy bốn phương, được mọi người xưng tụng là hai trong số Lục đại tuấn kiệt của võ lâm đương thời.

Nói thêm một chút về “Lục đại tuấn kiệt”, bọn họ chính là sáu vì sao trẻ mới nổi song đã rực sáng trên võ lâm. Ngoài hai người Trần Diệp ở đây, bốn người còn lại là Ngô Chính Hà của Trường Bạch kiếm phái, Liễu Vĩnh của Bá Đao sơn trang, Tần Bá Nhiên của Thuần Dương quan và Đường Triển Hưng của Đường gia Tứ Xuyên. Ngoại trừ Đường Triển Hưng tính khí thất thường, Tân Bá Nhiên xuất thân đạo gia ít khi hạ sơn, mấy người còn lại nghe nói ai nấy đều hào hiệp, khẳng khái, chính là những bậc anh hùng hiệp nghĩa lừng lẫy giang hồ.

Lại nói, khi Diệp An Tường vừa nhắc đến một người được gọi là Lý đại ca, chỉ thấy Trần Phi Chi hai mắt đỏ hoe, rưng rưng nói:

- Mười tám năm rồi. Thế mà đã mười tám năm rồi. Ấy vậy mà ta chẳng những không tìm thấy tung tích thê tử của Lý sư huynh, ngay cả chuyện báo thù rửa hận cho huynh ấy Phi Chi ta cũng không làm nổi. Ha ha, ta thật vô dụng.

Diệp An Tường nghe vậy cũng với lấy hũ rượu uống một hơi dài, sau đó đưa tay áo quệt ngang miệng, lớn tiếng nói rằng:

- Trần đại ca cứ tự trách bản thân như thế thì có ích lợi gì chứ. Đệ nghĩ là thân nam tử hán chỉ cần không thẹn với lương tâm, như vậy là đủ rồi. Hà hà, mai này huynh lo xong mọi việc ở Vạn Hoa Cốc, một người một kiếm đại náo tổng đà Thiên Nhẫn giáo một phen, dẫu có nằm lại ở đó vẫn không uổng một kiếp người.

Trần Phi Chi nghe y nói tới đây vỗ bàn rầm một cái làm cho mấy đĩa đồ nhắm như cũng nảy tưng lên:

- Hảo. Lão đệ nói phải lắm. Hừ, nếu mà ta không vướng chuyện của tên ác tặc Vi Hàn, nhất định sẽ tham gia với đệ vào phần nhiệt náo này.

Y vừa dứt lời cầm vò rượu lên một hơi tu cạn, tiếp đó tiện tay cầm vò rượu quăng ra ngoài cửa sổ, cao giọng nói lớn:

- Tiểu nhị đâu. Mau mang ra thêm mấy bình rượu nữa.

Đúng lúc ấy, Cao Thảo vội bước ra hướng về phía hai người Trần Diệp đoạn cất lời:

- Hai vị anh hùng, vừa rồi được xem qua hào khí của hai người, tiểu sinh lấy làm thán phục lắm. Bởi thế bạo gan qua đây xin mời hai vị một chung rượu để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Trần Phi Chi nhìn chàng một lượt, gương mặt thoáng chút biến sắc. Cao Thảo thấy thần tình lạ lẫm của y thì khá ngạc nhiên, song rất nhanh sau đó họ Trần giơ tay lên chỉ xuống vị trí cạnh mình đoạn cất tiếng:

- Vị tiểu huynh đệ này, diện mạo của ngươi rất giống với Nhị sư huynh của ta. Hà hà, bởi thế vừa nhìn qua cũng biết tiểu huynh đệ cũng là một trang hảo hán rồi. Xin mời ngồi.

Diệp An Tường nghe thế cũng lên tiếng gật gù:

- Quả thật là rất giống. Giống đến ngạc nhiên. Ha ha, tiểu đệ giờ đang tự hỏi liệu đây có phải hậu nhân của Lý đại ca hay không nữa. Tiểu huynh đệ, không biết danh tính là như thế nào vậy?

Cao Thảo xách ghế ra ngồi cạnh hai người Trần Diệp, sau đó cung tay một cái cạn chung rượu rồi lên tiếng trả lời:

- Tiểu đệ họ Cao, tên Thảo, vốn là người ở Lâm An. Lần này đến Ba Lăng để tìm gặp một vị bằng hữu. Không biết danh tính của hai vị đại ca là gì vậy?

Trần Phi Chi trả lời:

- Ta họ Trần, tên Phi Chi. Còn kia là Diệp An Tường, nhị thiếu gia của Thần Kiếm sơn trang. Ha ha, uống như thế này không thống khoái lắm. Tiểu nhị mau mang ra đây ba vò rượu nào.

Cứ như thế ba người bọn họ say sưa trò chuyện, chén tạc chén thù. Sau khi chuếnh choáng hơi men, Trần Phi Chi cất giọng sang sảng:

- Nói như Cao đệ đệ đây thì bọn người Nữ Chân toan tính sang giầy xéo giang sơn gấm vóc của người Hán chúng ta thêm một lần nữa ư? Hừ, đến lúc ấy nam nhi tung hoành sa trường, vung gươm giết giặc, đền nợ nước, trả thù nhà. Hùng tâm tráng chí xông pha vạn nẻo, chẳng cần phải uống rượu suông nói chuyện trên trời nữa. Ha ha..

Tới đây họ Trần cao giọng ngâm vang:

Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục.

Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết.


(Bài Mãn giang hồng của Nhạc Phi.

Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ.

Khát, cười chém Hung Nô uống huyết
.)

Trần Phi Chi vừa dứt lời, Diệp An Tường vỗ mạnh vào bàn một cái, cao giọng nói:

- Hừ, đại ca ngâm mấy câu thơ ấy làm tiểu đệ càng thấy đau lòng khôn xiết. Một đời Nhạc nguyên soái tận trung báo quốc, ấy vậy mà lại bị tên khốn Tần Cối kia mưu gian hãm hại. Than ôi, chỉ hận không thể đào mộ tên khốn ấy lên mà băm xác hắn làm vạn mảnh. Thật không biết làm sao để nguôi ngoai được nỗi uất hận này.

Nghe An Tường nói vậy, một cỗ hào khí dâng lên trong lồng ngực Thảo, chàng dõng dạc lên tiếng:

- Diệp đại ca, bọn gian thần ác bá hiện vẫn nhan nhản trong triều. Hừ, đệ nghĩ hôm nay chúng ta uống cho thống khoái một trận, sau đó xách kiếm đến Lâm An bát nháo một trận. Trước là mừng cái sự hội ngộ ngày hôm nay, sau là trừ đi mối họa cho lương dân bách tính.

Diệp An Tường lập tức hưởng ứng:

- Đệ nói đúng lắm. Hừ, huynh đệ chúng ta uống cho thật thống khoái. Trần đại ca thì có việc của huynh ấy, ta và lão đệ kén khoái mã chạy ngày đêm, một mạch đến Lâm An cắt đầu mấy tên gian thần chơi.

Tiếp đó An Tường cất giọng gọi rượu, sau cất giọng phẫn nộ:

- Cũng thật là một nỗi nhục lớn cho người Hán chúng ta. Cao lão đệ, thứ cho họ Diệp này buông lời khó nghe. Tên gian tặc Cao Cầu kia mới chết được không lâu thì lại lòi ra một tên họ Cao khác cũng ác ôn không kém. Hừ, về mưu mô thủ đoạn và độ giảo quyệt, có lẽ tên họ Cao ấy so với Tần Cối cũng một chín một mười. Ôi! Thật đáng thương cho bao bậc trung lương đã bị Cao ác tặc hãm hại. Ta e rằng chỉ cần cho tên gian tặc kia thêm năm ba năm lộng hành nữa, sợ rằng lúc đó giang sơn người Hán chúng ta sẽ tan nát dưới vó ngựa của Kim cẩu mà thôi.

Thảo nghe tới đây có chút tò mò, vội cất tiếng hỏi:

- Diệp huynh, không biết tên ác tặc đó là ai. Sao đệ chưa bao giờ nghe nói tới nhỉ?

Diệp An Tường đáp:

- Hừ, còn ai khác ngoài tên Lễ bộ thượng thư Cao Minh Vĩ chứ.

Thảo nghe tới đây thật khác nào sét đánh ngang tai, vỗ mạnh bàn đứng dậy, run giọng nói:

- Không thể nào!

Diệp An Tường ngẩn ra nhìn chàng một cái, sau đó như nghĩ ra điều gì đó gương mặt chợt biến đổi vẻ khá là khó coi.

- Kìa! Cao lão đệ làm sao thế. Hay là…

Ngừng lại một chút, như cũng không tin vào nhận định của mình Diệp An Tường sững người:

- Hay là, lão ta chính là…

Đến lúc này Thảo như phát điên lên, chàng dùng tay hất mạnh một cái, chiếc bàn đựng rượu và đồ nhắm văng ra tung tóe, lại gào lên:

- Không đúng. Huynh nói láo. Phụ thân của đệ không phải là gian thần hại nước hại dân.

Trước biến cố bất ngờ ấy, chủ quán và tiểu nhị sợ đến run người. Lúc ấy thấy Trần Phi Chi đứng vụt dậy, đá bay cái ghế ra trừng mắt nhìn chàng mà rằng:

- Hừ, họ Trần ta trông diện mục ngươi có mấy phần giống người sư huynh quá cố của ta, ấy mới nghĩ rằng họ Cao ngươi cũng là một trang hảo hán. Ấy nhưng cách hành xử của ngươi làm Trần Phi Chi này hết sức thất vọng.

Cao Thảo lúc này như kẻ mất hồn, chàng thẫn thờ:

- Không đúng. Không thể nào. Phụ thân của ta không bao giờ lại như thế.

Diệp An Tường như hiểu được đôi phần về tâm trạng của chàng lúc này, bởi thế cất tiếng thở dài:

- Vị huynh đệ này, ta biết huynh đệ hiện đang chịu đả kích quá lớn. Ấy nhưng là trang nam tử hán thì phải biết chấp nhận sự thật. Ta đoán con người của huynh đệ cũng rất tốt, chỉ vì không may mắn có một người phụ thân như vậy thôi.

Thảo lúc này thẫn thờ, run rẩy nói:

- Diệp đại ca. Những gì huynh nói là thật chứ?

Diệp An Tường khẽ gật đầu:

- Diệp An Tường ta lí đâu lại rỗi hơi bịa ra chuyện như thế. Cao lão đệ không biết đấy thôi, gần mười năm trước Tạ Duy Khang đại nhân bị Cao Minh Vĩ hãm hại đến nhà tan cửa nát. Gần đây nhất là ba vị đại nhân khác vì chủ trương chống đối Kim triều, lập tức cũng đã bị phụ thân của đệ thẳng tay thanh trừ. Huống chi…

Nói đến đây Diệp An Tường thở dài một tiếng:

- Lão đệ nếu không tin lời ta nói, ngay bây giờ có thể đi tra xét thực hư. Chuyện này thực cũng không khó khăn lắm, tìm đến những bậc lương đống trong triều, những nạn dân lầm than khổ cực để ý một chút là biết. Song ta chỉ mong Cao lão đệ khi biết sự thật rồi, hi vọng lão đệ không lầm đường lạc lối mà dẫm vào dấu chân của phụ thân mình.

An Tường vừa dứt lời, nước mắt Thảo đã chảy ướt mặt. Lúc ấy thấy chàng hét lên điên cuồng, tung người lên ngựa rồi phi như bay.

Cuối ngày hôm ấy, Thảo lúc này sặc sụa trong men rượu, lại chỉ hận bản thân không thể say mà chết đi, cứ thế chàng lang thang vật vờ không mục đích. Chẳng hiểu sao loanh quanh một hồi, đến lúc chập choạng tối thì thấy Thảo xuất hiện ở cổng nhà Tuyết Luân. Lúc này bước thấp bước cao, chàng xiêu vẹo bước vào trong nhà.

“Là Cao công tử. Tiểu thư, mau ra xem này.” Thảo loáng thoáng nghe thấy thanh âm của Tiểu Quần vang lên.

Khi vừa thấy bóng Tuyết Luân, Thảo nói trong hơi men sặc sụa: “Luân Luân, cuối cùng ta đã gặp muội rồi.”

Chàng nói đến đây liền gục xuống, mê man không biết gì nữa. Khi vừa mở mắt dậy thì thấy Tuyết Luân đang ngồi sát cạnh chàng, khẽ mỉm cười và nói:

- Thảo ca, huynh không sao chứ.

Nhớ lại chuyện thương tâm ngày hôm qua, Thảo không nén được thương tâm, vội nhổm dậy ôm chặt cô vào lòng nức nở: “Luân Luân. Dù có chuyện gì đi chăng nữa muội cũng không bỏ ta chứ.”

Trông thấy thái độ khác lạ của chàng, Tuyết Luân chỉ nhẹ nhàng an ủi:

- Thảo ca, sao huynh lại nói vậy. Dù có bất kì chuyện gì xảy ra, Luân Luân cũng không xa rời huynh mà. Thảo ca, huynh nói đi. Có chuyện gì xảy ra với huynh vậy.

Chàng nghe hỏi vậy như nghẹn đi:

- Hôm qua, hôm qua ta mới phát hiện ra… Hóa ra, hóa ra…

Tới đây không tài nào nói được hết câu. Lúc ấy lại nghe thấy Tuyết Luân nói:

- Nếu huynh không muốn nói thì thôi. Nhưng huynh yên tâm, dẫu xảy ra bất kì chuyện gì thì muội cũng luôn sát cánh bên huynh mà.

Đúng lúc ấy, đột nhiên cô nghe thấy Thảo lên tiếng:

- Luân Luân, muội có đồng ý làm thê tử của ta không?

Như không ngờ đến tình huống naỳ, thế nên khi chàng vừa dứt lời người Tuyết Luân như giật bắn lên, gương mặt cô đỏ bừng, ấp úng nói:

- Sao huynh đột nhiên lại nói chuyện này chứ?

Lúc ấy nghe Thảo cất tiếng thở dài:

- Luân Luân, ta đã chán ngán cuộc sống tù túng như thế này lắm rồi. Ta giờ chỉ muốn tìm đến một nơi yên tĩnh để có thể suy nghĩ về tất cả mọi chuyện. Nhưng ta lại rất sợ cô đơn, ta rất sợ cô đơn muội có biết không. Ừm, bởi thế ta muốn muội có thể đi theo ta.

Nói tới đây hai tay Cao Thảo lắc nhẹ vào bờ vai Tuyết Luân, mặt đối mặt, cất tiếng:

- Luân Luân, muội hãy nhìn thẳng vào mắt ta xem. Muội có đồng ý làm thê tử của Thảo này không?

Lúc ất Tuyết Luân tay vân vê tà áo, gương mặt như nhuộm một lớp hồng sa, cô cúi đầu lí nhí nói:

- Thảo ca, huynh còn không hiểu về con người của Luân Luân sao. Tất nhiên là muội ưng thuận rồi. Nhưng trước tiên, huynh cũng phải gặp qua Khúc a di của muội một lần, sau đó nói chuyện này một cách thật rõ ràng mới được.

Thảo vội vã gật đầu:

- Được, chờ mấy ngày nữa khi Khúc a di của muội về, ta sẽ cùng mẫu thân ta đến xin thưa chuyện.

Nói đến đây đưa mắt nhìn qua một vòng quanh căn phòng của Tuyết Luân, chàng chợt kêu lên một tiếng:

- Luân Luân, ở đâu mà muội lại kiếm được nhiều hoa Lan thế này?

Nghe chàng hỏi vậy, Tuyết Luân đưa tay chỉ qua một vòng, sau đó cười nói:

- Thảo ca, muội cũng thật là hên quá mức. Gần đây ở Ba Lăng có xuất hiện một lão nhân bán phong lan, hơn nữa còn có rất nhiều chủng loại Lan hiếm nữa nhé. Kia là Bạch phát hồng nhan lan, thứ Lan cực hiếm và cũng chỉ có tận Thanh Thành sơn. Còn kia…

Ngẩn ra nghe nàng nói một hồi, Thảo chợt cười khẽ:

- Ân, nói ra mới nhớ. Ta còn chưa từng tặng muội một giò lan nào. Thật là…

Tới đây như nhớ ra được điều gì, chàng vội vã tiến tới chiếc bàn có bày biện văn phòng tứ bảo đoạn cười nói:

- Hôm nay ta rảnh. Vậy để ta vẽ tặng nàng một bức tranh nhé. Tên của nó là Lan hoa tiếu mỹ nhân.

Vừa nói chàng vừa trải tấm lụa trắng trên bàn ra, sau đó vung tay loang loáng, thấp thoáng đã thấy bóng đóa phong lan hé nở dưới xuân quang. Thảo lại toan vung bút điểm tô thì thấy Tuyết Luân cầm lấy tay chàng đoạn mỉm cười:

- Thảo ca. Huynh đừng vẽ nữa!

Nghe nàng nói vậy, Thảo đỏ mặt cười xòa:

- Sao vậy. Là ta vẽ xấu quá chăng?

Tuyết Luân vừa lắc đầu, vừa cười, gò má cô lúc này thoáng nhuộm một mầu hồng phấn nhàn nhạt, kiều diễm không bút mực nào tả xiết:

- Không phải. Muội biết giờ huynh đang chuẩn bị vẽ chân dung của muội. Ấy nhưng muội hiện giờ chưa trang điểm.

Thảo ngẩn ra một chút, sau đó cười khẽ:

- Luân Luân, ta đã khi nào thấy muội trang điểm bao giờ đâu. Huống chi, muội hiện giờ đã xinh đẹp như thế, trang điểm vào rồi chỉ sợ lúc đó Ngọc Hoàng thượng đế bắt muội lên thiên giới thì ta phải làm sao đây.

Tuyết Luân giơ bàn tay nhỏ bé đấm nhẹ vào vai chàng, lại cất tiếng cười khúc khích:

- Huynh chỉ được cái ăn nói hàm hồ. Hứ, muội thức trông chàng mấy canh giờ, khóe mắt đã thâm quầng, lại chưa vấn đầu chải tóc. Không cho huynh vẽ muội bây giờ.

Nàng nói tới đây, Thảo ơ lên một tiếng, sau đó hỏi:

- Thế phải làm sao giờ. Bức tranh này ta đang vẽ dở, chẳng nhẽ lại …

Tuyết Luân bẽn lẽn:

- Huynh để khi nào vẽ tiếp cũng có sao đâu. Thảo ca, bẩy ngày sau Luân Luân sẽ tròn mười bẩy tuổi. Lúc đó huynh đến đây vẽ tiếp cũng được.

Cô nói đến đây thì tiến lại góc phòng, khẽ nâng niu chiếc tỳ bà đoạn lên tiếng:

- Hôm nay huynh có chuyện không vui. Dẫu không biết đó là chuyện gì song Luân Luân muốn huynh nghe một khúc ca.

Vừa nói cô nương họ Âu Dương kia vừa ướm đàn so dây, mấy ngón tay mảnh dẻ như búp măng nhẹ đặt lên phím đàn, tiếng ca trong trẻo theo đó cất lên:

Thiếu nữ Ba Lăng bên song cửa.

Ngắm chiều tà sắp sửa trôi qua.

Động Đình nước biếc xa xa.

Cỏ xanh sen trắng, mây là là bay.

Nâng đàn nguyệt so dây ướm phím,

Gẩy bàn tay chúm chím môi hồng.

Hát rằng : xuân hạ thu đông.

Gái tròn mười bẩy lấy chồng được chăng.


Tới đây bất chợt cô ngừng đàn, quay sang phía Thảo đoạn cười khúc khích: “Thảo ca, muội không hát nữa đâu. Nếu huynh muốn nghe, đúng bẩy ngày sau nhớ quay lại đây, Luân Luân hát cho huynh nghe tiếp khúc ca này. Nhớ đó nghe!”

/32

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status