Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa?

Chương 29

/35


Học sinh trong trường đi vào giờ giấc học tập như trước, lúc này đã là giữa đông nên chúng tôi đứa nào đứa nấy núc ních quần áo. Tôi không chịu được lạnh nên từ dưới lên trên kín như bưng, chỉ sợ ngã một cái là không đứng lên được. Trong khi đó Vũ chỉ mặc một cái áo len mỏng bên trong và áo đồng phục thì luôn không kéo khóa.

Cô Oanh chủ nhiệm giao cho một bạn chữ đẹp viết lại sơ đồ lớp. Lần này cô không để con trai ngồi xen kẽ con gái nữa, mà để hai bạn nam hoặc hai bạn nữ ngồi cùng bàn, ngay từ nét chữ đầu tiên đã có tên Vũ, cậu ấy phải ngồi bàn một, đầu bàn dãy trong cùng, bên cạnh Vũ là lớp trưởng, tổ trưởng tổ một. Lệ Quyên ngồi ngay dưới.

Tôi vẫn ngồi chỗ mình, lớp lẻ một nam một nữ nên bàn tôi duy nhất có hai đứa trái cực. Vừa khi cô cho phép cả lớp chuyển chỗ, Vũ đứng lên luôn, xách cặp đi, tay áo bị kéo lên, thì ra Vũ chỉ đeo một chiếc đồng hồ.

Đức thế chỗ Vũ, cậu ta thân thiện hơn Vũ nhiều, chưa gì đã tìm ra chuyện để nói và dặn tôi rằng hãy luôn nhớ tới tinh thần đoàn kết trong giờ kiểm tra.

Tôi cứ thấy hụt hẫng, buồn buồn mặc dù cậu bạn ngồi cùng có nói và làm trò nhiều thế nào chăng nữa. Sáng nay khi vừa tới lớp, tôi chạm mặt Vũ ở cửa, cậu ấy lờ đi luôn. Đã không còn là bạn cùng bàn nữa, ít ra cũng nên chào nhau trước khi chuyển lên chứ?

Ngày hôm sau cũng vậy, Vũ ngồi trên lan can cùng mấy bạn nam, còn vươn người giật tóc một bạn nữ lớp B4 vừa đi qua, suýt ngã, tôi bước vào lớp thì các cậu ấy còn cười to hơn.

*

Chúng tôi tan học thì có mưa. Giữa tiết trời này giọt mưa lạnh như nước đá, rơi nhỏ giọt dưới mái hiên. Tiếng mưa rả rích.

Ông bà sang chơi với chắt, con anh Sơn, còn bố mẹ đi làm ca, không có ai ở nhà nên tôi nghĩ mình sẽ đợi trời tạnh. Một số bạn trong trường có ô, hoặc áo mưa, một số khác được người thân cho xe vào tận sâu trong sân trường đón, lớp tôi có vài bạn xuống căng tin uống nước.

Phong đưa cho Mai Mít chiếc áo mưa sẵn trong cặp, sau đó Mai Mít rủ Yến về chung. Tôi chợt mỉm cười, ngày xưa đó luôn chỉ có tôi và Yến mang ô đi học, bốn đứa thì hai cái là đủ rồi…

Tôi vào lại lớp ngồi cho ấm, đưa tay lướt qua mặt bàn, chọn chỗ ngồi đúng vị trí ngày đầu tiên chuyển sang ngôi trường này, cũng là chỗ Vũ ngồi bây giờ, mới đó đã gần hết một học kỳ. Mười năm nữa, những khoảnh khắc bây giờ sẽ trở thành nỗi nhớ.

“Về thôi!”

Phong đứng dựa vào cửa lớp tôi, nụ cười của cậu bị sấp bóng.

“Về thế nào được? Mưa lắm!”

Phong xoay người chỉ vào lưng áo khoác của mình, ý để tôi rúc vào như con gà con rúc vào cánh gà mẹ.

“Trời lạnh lắm, cậu dầm mưa lỡ bị ốm?!”

“Trời này đã là gì, chín mùa đông của tớ giống như ngồi trong tủ lạnh cơ mà!”

Tôi bật cười, cái ví von ngộ nghĩnh chả biết có đúng không (vì tôi đang nghĩ tới ngăn đông lạnh) lại khiến tôi nghe theo răm rắp. Rõ ràng có thể đợi mưa ngớt nhưng cả hai lại chọn cách băng qua nó.

“Thế thì cậu phải khoác cái áo chùm lên đầu!”

Tôi bỏ áo khoác đồng phục ra, quàng lên đầu cậu ấy. Phong không đồng ý nhưng thấy tôi đếm một cái áo mỏng, hai áo len, một lớp áo gió đang mặc thì cười lớn:

“Cậu lên Bắc Cực chắc chỉ lăn được thôi nhỉ? Ha ha…”

Tôi lườm cho một cái, giật lại áo thì Phong đã chùm lên đầu và giữ chặt.

“Rầm!”

Phía cuối lớp có tiếng động, ngoài tôi và Phong còn ai trong phòng nhỉ? Chúng tôi chạy xuống cuối lớp, Vũ ngồi bệt dưới đất, có thể cậu ấy đang nằm trên hai dãy ghế trước khi bị ngã xuống sàn.

Tôi định hỏi thăm không nhưng Vũ đã đứng dậy, phủi bụi.

“Ngủ cũng không yên!”

Kể cả khi Vũ im lặng tôi cũng không thể nói lên lời.

Chỗ đứng này trước kia tôi từng bị các bạn nhét đồ vào cặp, rồi Vũ đứng ra bảo vệ, dẫu rằng sự bảo vệ ấy có phần cộc cằn thô lỗ.

“Mày ở lại trường à?”

Trước khi Vũ bước ra khỏi lớp, Phong có hỏi một câu.

“Giờ về.”

Và thế là Vũ chạy qua sân trường, đội mưa với chiếc áo len mỏng, tôi nhìn theo cho đến khi khuất tầm mắt. Dường như có một chút gì đó trượt qua bàn tay mà tôi chưa kịp nắm.

Kể từ sau đó tôi và Phong đi về chung một chiếc xe mà hai đứa không nói với nhau câu nào, dẫu Phong chùm áo tôi, còn tôi ở trong lớp áo khoác của cậu ấy.

“Đợi tớ lấy áo mưa cho cậu!”

Tới nhà, tôi vội vàng nhảy xuống xe, mở khóa cổng và chạy tót vào trong tìm áo nhưng Phong quay đầu xe luôn.

“Không cần đâu! Tớ về nhé!”

Và cậu ấy đạp xe đi.

Đến khi chạy lên tầng cất quần áo, tôi nhận ra Phong đứng ở đầu ngã rẽ, chùm áo khoác của tôi và nhìn rất lâu, dường như tôi đã làm cậu ấy đau, mà tôi không biết.

*

Suốt ngày chủ nhật tôi lên chơi với cháu. Sau khi đặt tên các cháu hết một vòng thiên nhiên đất trời, ông nội chọn Việt Anh để đặt cho đứa chắt đầu tiên. Ông bảo Việt trong từ Việt Nam, rất là ý nghĩa, và cũng như tôi, Việt Anh là con gái nên phải có một “tên hiệu” ở nhà là Giun. Với lý do rằng tuổi thơ của bố bé Giun, tức là anh họ tôi thường hay bị giun quan tâm đặc biệt.

Con bé Giun không có nhiều bạn cùng trang lứa vì khu nhà của anh Sơn toàn những gia đình có con lớn như tôi rồi, ôm bé vào lòng, nắm cổ tay tròn lẳn thích ơi là thích, nhưng con bé tè vào người tôi lúc nào chẳng hay.

“Dạo này tình yêu tình báo thế nào rồi Chun ngố?”

Tôi tròn mắt nhìn anh Sơn. Anh đang hỏi tôi đấy ư?

“Ơ… thì.. anh đang nói gì thế… em mới lớp mười một mà?!”

Nhìn anh một lúc thì tôi đoán ra, chị Hải Anh biết thì cả họ đều biết, rằng có một bạn cao cao, trắng trắng theo đuổi tôi.

“Nhưng... anh vẫn mong mày với thằng Phong thành đôi.”

Tự nhiên anh nói thế khiến lòng tôi bỗng trùng xuống. Anh Sơn đã chứng kiến tuổi thơ quấn quýt của tôi và Phong, nô đùa, giận dỗi, đòn roi,... nhưng anh có biết tới cậu bạn Vũ của tôi không?

“Bọn con trai thích bằng mắt, nhưng cảm nhận bằng trái tim ngốc ạ! Anh đây sau hai sáu năm đã chiêm nghiệm được điều đó.”

Nói rồi anh vuốt cằm nhìn vẻ mặt khó nghĩ của tôi, tiếp tục:

“Khai quá! Đi thay áo nhanh và ngay!

Tôi bồng Giun cho mẹ bé thay quần áo với vẻ mặt ngô nghê và dấu chấm hỏi lửng lơ, nhưng lại thấy vui vui, trong đầu hiện lên hình ảnh Vũ đèo tôi phía sau, đi bên cạnh là Phong.

Tôi ôm nguyên khoảnh khắc đó vào giấc ngủ tới tận sáng, đến nỗi chỉ kịp đánh răng rửa mặt, soi gương chải tóc, thơm má bé Giun, ung dung ăn sáng, rồi cắp cặp ké theo anh Sơn đi làm. Từ đây tới trường mất có vài phút chạy xe máy thôi mà.

*

Lớp tôi có tiết thể dục ngoài trời, thầy cho học sinh khởi động và thi kéo co, nhằm tạo không khí sôi nổi, mỗi đội gồm hai tổ. Tổ ba của tôi ít con trai nhưng bù lại có vài bạn khá nặng ký.

Thầy đưa cho chúng tôi sợi dây thừng rất dài, mỗi đứa bám một đoạn, mấy bạn nam cao to nắm đoạn đầu và cuối mỗi bên, con gái ở giữa, hoặc có thể đứng ngoài la hét. Như tôi tự thấy mình vướng tay vướng chân nên tiếp sức bên ngoài.

Vũ cầm đầu dây bên tổ một và hai, còn Đức đại diện cho chúng tôi. Thầy vừa thổi còi đội bên kia đã kéo mạnh khiến cậu bạn Đức ngã sóng soài và chúng tôi thua ngay lập tức.

Đức bị các bạn nữ chỉ trích vì ngoại hình bảnh bao, tốt tướng là thế mà yếu xìu như bún. Và cậu ta sớm bị đẩy ra để một bạn nam khác thay thế.

Sau đó các bạn thực sự cố gắng hết mình, bỏ giầy đi đất, Vũ còn bợt hết cả da, cánh tay run run vì kéo quá nhiều. Cậu ấy bảo đã chơi phải hết mình. Câu nói ấy khiến đội của hai tổ đó quyết tâm lắm lắm.

Vì tinh thần không chịu kém cạnh, kể cả tôi, Đức, mấy bạn nữ cũng ùa vào kéo, lúc nhúc bám chặt dây. Nhờ đó tỉ số được cân bằng sau hai hiệp kéo, đứa nào đứa nấy thở hổn hển, nóng ran cả người.

Đến hiệp quyết định, bạn trên đẩy bạn dưới, tôi nghiến răng nhắm nghiền mắt mà kéo, dù rằng cứ trượt dần về phía trước. Và kết quả là đội của tôi thua ê chề, mấy bạn kia lè lưỡi ăn mừng. Họ kéo nhau vào căng tin, chi phí thì đương nhiên đội nào thua đội ấy trả.

Tuy còn cay cú vì chưa tung hết sức lực, nhưng kẻ bại trận chúng tôi nhanh chóng cười toe toét kéo thầy cùng vào căng tin.

Lớp tôi chiếm nguyên cả quán nước trong trường, tôi đến sau nên chỉ còn chỗ đứng. Vũ vẫn ở vị trí trung tâm của cậu ấy, bên cạnh có nhiều bạn khác, họ đòi xem bàn tay đỏ tấy, tróc da. Nhiều người hỏi han như vậy đến lượt tôi chắc cậu cũng chả cần.

Tôi xòe bàn tay cũng bị đỏ của mình ra rồi nắm lại.

*

Về đến nhà tôi mới thấy đau tay dữ dội, suýt thì đánh đổ lọ hoa trên tay. Bố nói tôi bị căng cơ do lười vận động nhưng mỗi ngày tôi đạp xe tới chục cây số chứ có lười đâu. Vì thế có đau tôi cũng không nói, nhỡ sáng mai bố gọi dậy sớm đi vận động thì toi.

Đến hôm sau trên cổ tay của tôi bị sưng, đi xe đạp hay ăn cơm cũng chỉ dùng một tay. Hôm sau nữa thì tôi gần như không chịu nổi, đi học mà cắn răng cam chịu. Sau giờ tin học trở lại lớp, tôi phát hiện trong ngăn bàn có một cái bánh mỳ và vỉ Aspirin cùng chai nước lọc.

Tôi nghĩ đến Vũ và bật cười, tự nhiên hết đau ngay lập tức. Đức về tới chỗ, cậu ta vơ lấy hết.

“Của đứa nào đấy?”

Tôi không đáp. Cậu ta thản nhiên bóc bánh mỳ và ăn luôn trước mặt tôi.

“Làm Hotboy sướng thật, ốm tý là có người quan tâm!”

À, thì ra là của một bạn nữ nào đó, tôi ngốc thật, tụi con trai làm sao chu đáo được như thế.

“Bạn ốm à?”

Thế mà tôi cứ tưởng...

“Ừ, nhưng Aspirin để giảm đau chứ có chữa cảm đâu?”

Đức nhìn tôi không chớp mắt, chắc cậu ta đang nghĩ tôi vừa chạy đi mua mấy thứ đó, đang định xử lý thì bị một đứa vô duyên xía vào nên có vẻ ái ngại rõ ràng.

“Tôi biết bạn quan tâm đến tôi nhưng kiến thức đơn giản cảm cúm phải uống Panadol mà không biết hả?”

Nhưng lời nói thốt ra thì không có vẻ hối hận. Tôi lấy cho cậu ta miếng dán lên thái dương mà bà vẫn nhắc mang theo, khỏi tốn công Đức ảo tưởng.

“Đùa đấy chứ vừa rồi tôi trông thấy thằng Phong lởn vởn quanh lớp mình. Vén tay lên tôi xem cho!”

Là Phong ư? Cậu ấy có thể đưa trước mặt tôi mà, cậu bạn ngốc của tôi.

“Trời ơi, có cái cục bầm bé tẹo thế này một hai ngày là khỏi!”

Đức kéo tay áo tôi lên từ lúc nào, cậu ta giãy nảy nhưng Đức ngồi cạnh mới được vài ngày còn biết tôi bị đau, thế mà...


/35

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status