Chân Long Kiếm

Chương 6: Báu vật của Đại Việt

/23


Trần Thì Kiến dùng phép Truyền Âm Nhập Mật nói với nhà vua:

- Hoàng thượng, hai ngày nữa là đến ngày các vì sao đổi dời, thần sẽ thi triển đạo thuật mạnh nhất của mình, trước tiên để hóa giải sự suy yếu của Long khí, Lê Quý Ly vì thế mà sẽ bị đau ốm. Sau đó, Hoàng thượng cho Cấm Vệ Quân âm thầm tới bắt Quý Ly rồi trừ khử hắn đi là ngài sẽ không cần phải lo lắng gì nữa cả.

Danh tiếng Dịch lý và đạo thuật của Trần Thì Kiến vang danh khắp nơi, những lời này tất không phải giả, nhưng ông ta vẫn tò mò muốn biết nhiều thứ nên hỏi:

- Nhưng khanh làm phép gì mà có thể khiến cho Lê Quý Ly bị đau ốm vậy?

Trần lão tâu:

- Bẩm Thánh thượng, là như thế này ạ. Trời có Thiên khí, đất có Địa khí thì người cũng có Nhân khí. Chính Nhân khí của Quý Ly đã làm suy yếu Long khí của Thánh thượng nên muốn loại trừ hắn chỉ có cách làm yếu Nhân khí của hắn.

Ông tìm lời uyển chuyển chứ nói đúng sự thật thì vua sẽ nổi trận lôi đình mà hỏng kế hoạch. Vua nghe thế gật gù bảo:

- Ra là thế, vậy cứ làm theo lời khanh.

- Thánh thượng yên tâm, nhất định lần này Quý Ly khó lòng chạy thoát.

Phế Đế bật cười to:

- Ha ha ha, hay lắm, hay lắm, Trẫm có khanh phò tá, lo gì đại nghiệp không thành.

Phế Đế sau khi có được lời đảm bảo của Trần lão thì vui mừng quay trở về và lệnh cho tên thái giám thân cận của mình:

- Ngươi hãy đi lựa chọn mười lăm mười sáu người giỏi nhất trong Cấm Vệ Quân cho trẫm.

Lão thái giám già rất ngạc nhiên bởi ông ta chưa bao giờ thấy Hoàng Đế tỏ ra nghiêm trọng như thế, bèn hỏi:

- Hoàng Thượng, ngài bỗng nhiên triệu tập Cấm Vệ Quân, không biết ngài gặp chuyện gì vậy ạ?

Phế Đế đáp:

- Không có việc gì, trẫm muốn bắt trộm.

- Hoàng thượng muốn bắt trộm? Có tên trộm nào cả gan dám trộm đồ của Ngài ư?

Lão thái giám đã sống nhiều năm trong cung nhưng đây là lần đầu tiên ông ta nghe nói có trộm.

Phế Đế gật đầu dặn dò:

- Đúng là có trộm đấy, hơn nữa y rất táo tợn và nhanh nhẹn, mấy lần trẫm cho người đuổi bắt nhưng y cũng thoát được. Lần này trẫm nhất quyết phải bắt y cho bằng được.

Lão thái giám thấy từng lời nói của Phế Đế đều chắc như đinh đóng cột, thầm nghĩ: "Hoàng Thượng không giống như đang đùa, có lẽ trong cung có trộm thật." Ông ta hỏi tiếp:

- Ngài định bắt y ngay tối nay luôn ạ?

- Không, vẫn chưa chuẩn bị chu đáo, bắt làm sao được, mà hơn nữa, trẫm đã cho người nhử mồi y vào tối mai rồi. Bây giờ ngươi đi chuẩn bị đi.

- Thần tuân lệnh!

Lão thái giám cúi đầu nhận mệnh.

Phế Đế bỗng gọi giật lại nhắc nhở.

- À này, ngươi nhớ phải chọn những ai giỏi võ và đáng tin đấy, nếu để lộ ra, coi chừng cái đầu trên cổ của ngươi đấy.

Việc này vô cùng hệ trọng nên ông ta phải cẩn thận.

Lão thái giám đáp:

- Vi thần tuân lệnh.

Lão thái giám đi rồi, Phế Đế nghĩ tới viễn cảnh tươi sáng sắp tới mà bật cười ha hả.

Về phần Trần Thì Kiến, sau khi Hoàng Đế rời đi, ông quay lại hậu viện thì không thấy Phùng Sĩ Chu đâu nữa. Phùng lão đột ngột rời đi làm cho ông hụt hẫng, cứ tưởng phen này được hàn huyên với sư huynh sau mấy chục năm xa cách. Nhưng rồi sau đó ông lại tự nhủ Phùng lão vẫn đang ở đây lâu, thể nào cũng có cơ hội. Điều quan trọng hơn là chuẩn bị cho công việc của ngày mai.

Phùng lão đang trên đường về bỗng nhiên bắt gặp một toán lính đang ngồi ăn ở trong quán. Toán lính này mặc áo màu xanh nước biển, cổ áo viền tròn màu đỏ, giữa ngực có một hình tròn to cũng màu đỏ, trong hình tròn là một chữ "tốt" khá lớn màu đen, mặc ý phục như vậy thì đích thị là quân Ngô. Ông quét mắt qua, quả nhiên đã nhìn thấy Từ Phong trong đó. Bọn chúng ngồi tụm vào một chỗ nhưng có vẻ khá yên lặng, không nói chuyện nhiều, mà cắm đầu ăn, trông qua sắc mặt có chút mệt mỏi uể oải. Sau thất bại ở chùa Vân Tiêu, bọn chúng bỏ đi đâu không rõ, hóa ra là đi đến Thăng Long, nhưng vì đi quá chậm nên phải mất hai ngày mới đến nơi.

Từ Phong cũng trông thấy ông nhưng hắn không có phản ứng gì, cúi đầu tiếp tục bữa ăn; đúng thôi, khi trên núi Yên, ông đứng ở xa quan sát nên hắn nghĩ ông chỉ là một phật tử đến nghe giảng đạo nên bây giờ dù đứng đối diện nhau thế này, hắn cũng chẳng nhớ nổi.

Phùng lão vốn chán ghét chúng nên đi thẳng luôn lên lầu, chẳng thèm liếc mắt một cái. Ông vào phòng của mình. Không bao lâu sau, ông nghe thấy âm thanh nói chuyện ở phòng bên cạnh vọng sang:

- Tướng quân, mọi mệnh lệnh của Hoàng Thượng, tìm hiểu Tứ Đại Bảo Khí (1), điều tra sức mạnh của Đại Việt ngài đều đã hoàn thành, cớ sao vẫn chưa quay về?

- Không, hiện tại ta vẫn chưa thể quay về được!

Người hỏi là tên tướng đã đánh nhau với Vô Ngã và kẻ trả lời lại là Từ Phong, không ngờ hắn lại chọn đúng ngay phòng bên cạnh phòng của Phùng lão, tiếng bọn chúng dù rất nhỏ nhưng vẫn lọt vào tai ông một cách rõ ràng. Ông thầm nghĩ: "Quả nhiên chúng đến đây chẳng có ý đồ tốt gì! Hết đi tìm hiểu Tứ Đại Bảo Khí rồi điều tra sức mạnh Đại Việt. Mình không nên manh động, để xem chúng còn âm mưu gì nữa không!" Ông lại tiếp tục lắng nghe tên cấp dưới nói:

- A, tại sao ngài chưa thể quay về? Nhiệm vụ xong hết rồi mà!

Từ Phong liếc mắt ra xung quanh rồi hạ giọng xuống đáp:

- Ngươi không biết đấy thôi, chuyến đi lần này Hoàng Thượng không chỉ ra lệnh như vậy, ngài còn một nhiệm vụ bí mật hơn lệnh cho ta đi làm và làm cho bằng được.

- Nhiệm vụ gì thế ạ?

Gã thuộc hạ càng sốt sắng, hỏi ngay lập tức, mà Phùng lão cũng tập trung lắng theo dõi câu trả lời của Từ Phong. Từ Phong dường như đã quên mất câu “tai vách mạch rừng” nên đáp:

- Vì các ngươi là thuộc hạ thân tín của ta nên ta nói cho biết. Thật ra trước khi sang Đại Việt, ngoài mấy nhiệm vụ kia, Hoàng Thượng còn lệnh ta khi quay trở về phải mang theo hai món thần khí mạnh nhất của Đại Việt.

Gã thuộc hạ kinh ngạc, Phùng Sĩ Chu thì vừa ngạc nhiên vừa tức giận, “không ngờ bọn chúng còn âm mưu cướp cả báu vật của Đại Việt, đáng chết!” Đang nghĩ thầm trong bụng thì ông nghe thấy tên thuộc hạ kia khẽ thốt lên:

- A, Đại Việt còn có thần khí ngoài Tứ Đại Bảo Khí, thật không ạ?

- Hoàn toàn thật! Nó...

- Tướng quân! Tứ Đại Bảo Khí đã to nhường vậy thì Thần khí còn lớn đến như thế nào nữa chứ, chúng ta sao có thể mang về nước được chứ.

Hai tên lính xung quanh nghe chuyện cảm thấy rất hay, quá háo hức không tự chủ được ngắt lời y, cũng may Từ Phong thấy bản thân được bọn thuộc hạ chú ý, nên tâm trạng vui vẻ, không giận mà bỗng nhiên có nổi hứng, y nói:

- Các ngươi sai rồi, Tứ Đại Bảo Khí rất lớn nhưng Thần khí thì nhỏ hơn vạn lần, chúng chỉ là một thanh kiếm và một bộ áo giáp mà thôi.

- A!!...

Gã kia vừa a một tiếng thì im bặt, suýt nữa thì gã lại ngắt lời thượng cấp. Từ Phong trừng mắt nhìn gã tỏ ý khiển trách rồi kể:

- Đó là Chân Long kiếm và Phù Đổng Thiên Vương thần giáp. Theo truyền thuyết Chân Long kiếm được thủy tổ của dân Đại Việt, Lạc Long Quân rèn. Thân kiếm dài ba thước, mặt kiếm sáng bóng, uy lực vô biên. Người ta truyền miệng nhau rằng khi Chân Long kiếm ra khỏi vỏ thì sẽ có rồng bay lên trời. Nhưng nghe nói từ sau khi Lạc Long Quân dẹp yên một trận loạn lạc lớn thì Chân Long Kiếm mất tăm tích nữa, không ai biết nó ở đâu nữa.

Bọn lính ngồi nghe, có kẻ nín thở than chuyện này quả là thần kỳ nhưng cũng có kẻ bĩu môi cho là truyện bịa đặt, cho rằng thần ở nước gã thì có thể tồn tại chứ Đại Việt thì làm sao mà có được. Từ Phong nhấp một ngụm rượu, đợi cho bọn thuộc hạ sốt ruột nhìn mình rồi mới kể tiếp:

- Phù Đổng Thiên Vương thần giáp, hay còn gọi là Phù Đổng thần giáp. Năm xưa khi nước chúng ta mới thành lập, triều đại lúc bấy giờ gọi là Ân Thương. Lúc đó chúng ta binh hùng tướng mạnh, kỵ binh cũng ra đời, bách chiến bách thắng, oai hùng bốn phương. Vua Thương có hùng tâm mở rộng bờ cõi nên đã tập hợp quân đội, ra lệnh cho quân xuôi nam. Lúc đầu quân ta đánh đến đâu thắng đến đó quân địch không cản nổi bị đánh cho chạy tan tác. Nhưng thật là đáng tiếc... khi quân ta vừa đến chân núi Vũ Ninh thì đã bị đánh thua phải chạy về.

Nói xong thì lại thở dài một hơi, nhấp ngụm rượu, mấy tên thuộc hạ thấy hắn dừng lại không khỏi buồn bực lên tiếng hỏi:

- Tướng quân, tại sao một quân đội hùng mạnh như thế kia lại có thể thua?

Phải nói rằng tên Từ Phong này khá là có khiếu kể truyện, hắn biết dùng đúng lúc, để cho người ta chờ đợi sốt ruột rồi nhao nhao lên hỏi thì hắn mới tiếp tục:

- Chính là do Phù Đổng Thiên Vương!

"Ồ!" Mọi người ồ lên một tiếng. Có người nhíu mày hỏi:

- Tướng quân, chỉ là một bộ giáp thì sao có thể đánh bại mấy vạn quân chứ?

Từ Phong bĩu môi nhìn tên lính vừa hỏi kia một cái:

- Ta có nói đó là một bộ giáp à?

Tên kia há mồm định nói gì đó nhưng cuối cùng lại nuốt xuống, trong lòng buồn bực, rõ ràng là vừa nói nó là thần giáp gì đó mà! Từ Phong không để ý đến tên thuộc hạ mà nhìn khắp mấy tên đang vây quanh mình:

- Phù Đổng Thiên Vương là thần tướng nhà trời!

Hài lòng nhìn vào vẻ mặt kinh ngạc của bọn thuộc hạ, Từ Phong chậm rãi kể tiếp:

- Theo truyền thuyết của Đại Việt kể lại thì khi quân ta quá dũng mãnh, vua Hùng thứ sáu đã kêu gọi người tài khắp cả nước đi lính. Nghe nói Phù Đổng Thiên Vương hay dân gian còn gọi là Thánh Gióng từ bé là một đứa trẻ ba tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói năng gì nhưng khi nghe tiếng sứ giả của nhà vua đi tuyển người tài thì bất ngờ lên tiếng đòi đánh trận. Phù Đổng Thiên Vương được vua Hùng ban cho một bộ áo giáp bằng sắt, một cây thiết côn và một con ngựa sắt. Ông ta lên ngựa ra chiến trường, dùng thần thông của mình, đơn thương độc mã đánh tan quân địch. Sau đó, có lẽ vì đã hoàn thành nhiệm vụ, ông ta lên đỉnh núi Sóc Sơn cởi bỏ lại bộ giáp rồi cưỡi ngựa bay về trời. Người đã đi nhưng vật còn đó, bộ giáp được những thợ rèn giỏi nhất của Đại Việt làm ra, lại được thần lực của Thánh Gióng bồi đắp,đã trở thành thần khí hiếm có trong trời đất, vì thế mà dân Việt đặt tên nó theo tên của ông ta. Sau này nó trở thành bảo vật trấn quốc, đáng tiếc do thời cuộc thay đổi, Phù Đổng Thiên Vương cũng biến mất.

Bọn lính nghe chuyện mà xuýt xoa không thôi. Thật không ngờ là Đại Việt lại có một truyền thuyết như vậy, lại có người tinh ý phát hiện ra một chuyện:

- Tướng quân, sao người lại biết rõ mọi chuyện như vậy?

Từ Phong nghe thuộc hạ hỏi thì hơi mất tự nhiên, trầm ngâm một lúc mới nói:

- Ta nghe sư phụ kể lại. Trước kia sư phụ ta từng đến đây du lịch được người ta kể lại.

Bọn lính gật gù như đã hiểu, ngược lại bên phòng kia, Phùng lão đang thắc mắc vấn đề này. Một tên tướng quân người Tàu với chức vụ nhỏ nhoi sao có thể biết truyền thuyết của Đại Việt rõ như thế được, mà cái cớ đi du lịch là do Từ Phong bịa đặt, chứ thực ra gã cũng chẳng rõ nguyên nhân làm sao mà sư phụ gã biết được mấy truyền thuyết kia.

/23

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status