Chân Long Kiếm

Chương 1: Trúc Lâm Yên Tử

/23


Trên núi, tiếng chim hót ríu rít rất vui tai, cây cối to cao, rậm rạp, các tán cây đan vào nhau tầng tầng lớp lớp. Ánh nắng chiếu xuyên qua tán lá trên cao xuống dưới mặt đất tạo ra những khoảng sáng tối xen lẫn, vô cùng kỳ ảo.

Lúc này, một chàng trai chừng hơn ba mươi tuổi, tay mang túi nải, đang men theo con đường mòn trong rừng. Thân hình dong dỏng cao, khuôn mặt vuông vắn, mép thì lún phún ria. Trên người mặc bộ quần áo xanh lam, chân đi giày vải cũ đã rách. Chàng ta có lẽ đã đi lạc trong rừng nhiều ngày nên gương mặt lộ vẻ mỏi mệt.

Chàng lấy từ trong túi nải một ống tre, mở nắp ống tre, uống một ngụm nhỏ, rồi ngồi xuống một hòn đá nghỉ ngơi, bụng nghĩ thầm, "mình lạc trong rừng đã chín hôm, đây là ống nước cuối cùng, lương khô cũng gần hết, nếu qua ngày mai mà chưa tìm được đường ra thì nguy mất." Chàng thở dài chán nản, ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn xung quanh hòng tìm hi vọng giữa không gian ánh sáng yếu ớt, bỗng thấy đằng xa bên trái có cái bóng chuyển động, phía trên lấp loáng màu trắng, giống dáng người nhấp nhổm. Chàng nheo mắt nhìn kỹ hơn thì nhận ra đó là một người đàn ông đội nón lá, lưng gùi gánh củi lớn đang đi. Chàng ta sướng hơn bắt được vàng, reo to:

- Ha ha ha, ra được đến cửa rừng rồi, ha ha ha, mình thoát nạn rồi, ha ha ha.

Chàng ta nhảy cẫng lên, đôi chân vốn rệu ra như được tiếp thêm sức mạnh, ba chân bốn cẳng đuổi theo tiều phu nọ, vừa chạy vừa hô lớn:

- Bớ bác tiều phu ơi! Đợi tôi với! Đợi tôi với!

Ban đầu bác tiều phu nghe tiếng í ới sau lưng, bác ta cứ tưởng đó là thú dữ hay sơn tặc nên hoảng sợ bỏ chạy. Chàng trai không hiểu gì nên guồng chân nhanh hơn, tiều phu càng sợ hãi, lại cố sức chạy. Bác ta muốn chạy thật nhanh nhưng lưng mang gánh củi nặng, sao bằng chàng trai được, tới khi bác ta nghe rõ lời thì mới biết mình hiểu nhầm nên dừng lại. Chàng trai chạy đến, chống tay thở hổn hển, hỏi:

- Sao bác bỏ chạy thế, tôi đâu có ý xấu.

Bác tiều phu thả gánh củi xuống nghỉ mệt, bác ta trả lời đứt quãng:

- Tôi nào biết, tôi cứ nghĩ sơn tặc hay thú dữ đuổi nên bỏ chạy thôi.

Chàng trai bật cười thú vị. Tiều phu quan sát chàng từ trên xuống dưới và hỏi:

- Anh bị lạc trong rừng phải không?

- Ơ! Sao bác biết?

Tiều phu cười khà khà đáp:

- Tôi dân vùng này mà. Quanh đây ít người nên tôi nhớ lắm. Vả lại sắc mặt anh tái xanh như vậy, nhất định thiếu nước, thiếu thức ăn và đi bộ trong rừng rất lâu rồi.

Chàng cứ thật lòng mà kể:

- Bác tinh mắt thật đấy, chả dấu gì bác, tôi là người vùng khác, đi tới đi lui trong rừng mấy hôm không biết thế nào lại bị lạc, may sao gặp được bác.

- Ra là thế.

Hai người ngồi nghỉ một lát rồi đứng dậy cùng nhau xuống núi, ra đến bìa rừng, chàng trai đứng trên lưng chừng nhìn xuống. Màu xanh của cây cối trải dài xuống tới chân núi, quả thật rất húng vĩ. Đứng giữa trời đất bao la, ngắm từng đám mây lờ lững trôi, mọi mệt nhọc muộn phiền dường như đều tan biến. Chàng nhất thời thốt lên

- Cảnh sắc ở dưới đó đẹp quá, đẹp tuyệt vời.

- Ha ha, xuống dưới còn đẹp hơn nữa kìa.

Tiều phu chỉ tay nói:

- Xuống dưới một đoạn nữa là đến nhà tôi. Trời cũng sắp tối rồi, mời cậu vào nhà dùng bữa cơm với vợ chồng tôi cho vui. Mai hẵng đi.

Chàng trai lắc đầu:

- Thôi, tôi không dám làm phiền gia đình bác, có lẽ tôi xuống chân núi tìm chỗ nghỉ ngơi.

Tiều phu đề nghị mấy lần nữa nhưng chàng trai vẫn không chịu, cuối cùng bác ta đưa chàng một cái túi và nói

- Hầy, nếu cậu không muốn thì tôi cũng không ép. Ở đây tôi còn ba gói bánh chưa bóc, tôi tặng cậu đi đường.

Giờ từ chối thì bất lễ, chàng đành cầm lấy rồi cám ơn:

- Bác thật tốt bụng quá. Cái ơn cứu mạng của bác tôi quyết không quên, mai này nhất định tôi sẽ đền đáp.

- Ơn nghĩa gì đâu, giúp người là làm việc thiện, cậu đừng lo lắng về chuyện đấy.

- Tạm biệt bác, hẹn ngày gặp lại.

Hai người chia tay nhau. Chàng trai một mình xuống núi. Đi được, chàng bỗng vỗ trán, kêu: "Thôi chết! Mình quên hỏi tên bác tiều phu đó rồi." Trời đã tối, không tiện quay trở lại nên chàng tiếp tục đi, sau đó tìm được một quán trọ nên tạm thời ghé vào rồi sáng mai lại lên đường.

Những ngày sau đó, chàng đi thăm thú khắp vùng đó. Bỗng nhiên chàng bị thu hút bởi một mảnh đất rộng rãi, khung cảnh thoáng đãng mà lại yên tĩnh, trong bụng khoái lắm, chàng tự nhủ: “Vị trí này đất bằng phẳng, từng đàn chim bay lượn quanh chân núi, đây chắc hẳn là chỗ đất tốt rồi, nếu dựng nhà ở ngay chỗ đó thì tuyệt.”

Vậy là chàng ta quyết tâm định cư ngay tại nơi vừa tìm được. Chàng bắt đầu dựng nhà, khai khẩn đất hoang, và rồi ba năm sau thành sản nghiệp, lập ra ấp Lam Sơn. Sản nghiệp về sau càng bề thế, người người đều biết tiếng.

Còn bác tiều phụ nọ đúng như lời chàng trai đã hứa, được trả ơn rất hậu, gia đình chuyển xuống đồng bằng, ăn nên làm ra.

Yên Sơn hay Bạch Vân Sơn, quanh năm có mây phủ. Nhìn từ xa, Bạch Vân sơn trải dài năm sáu dặm, mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh không nhiễm bụi trần. Đường núi hoang sơ, gập ghềnh, muốn lên núi chỉ có duy nhất một con đường mòn dẫn thẳng tới đỉnh núi, ẩn khuất dưới những tán rừng. Nhiều chỗ đi hiểm trở không thể bước đi như bình thường mà phải dùng bằng cả hai tay.

Ấy thế mà giữa lưng chừng xuất hiện một ông lão tóc bạc như cước, râu dài rủ xuống ngực, lướt đi lên đỉnh núi như trên đất bằng vậy. Ông lão quần áo phất phơ, chân đi mỗi bước xa hơn trượng, chẳng khác gì thần tiên đi mây về gió thăm thú nhân gian. Chẳng bao lâu sau ông lão đã lên được tới đỉnh. Ông lão ngẩng đầu, ngắm nhìn ngôi chùa ở ngay trước mắt. Trong đôi mắt hổ ánh lên nỗi hoài niệm. Đã lâu rồi ông không tới đây, không biết cố nhân xưa giờ thế nào.

Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Vân quanh năm mây mù che phủ. Chùa không quá to lớn, bờ tường đã bạc màu theo thời gian, mái ngói cũng đã hằn rõ dấu vết thời gian. Trên cổng chùa có viết ba chữ theo thể chữ Nôm: Tĩnh Tâm tự. Ông lão vừa bước vào thì hai chú tiểu từ trong chạy lại, chắp tay hành lễ hỏi:

- Xin cho hỏi thí chủ là ai, đến đây làm gì?

Ông lão không để ý đến sự vô lễ của chú tiểu, chỉ cười đáp:

- Nhờ tiểu sư phụ vào thông báo với Viên Ngộ đại sư rằng có bạn cũ là Phùng Sĩ Chu đến thăm.

- Vâng, xin thí chủ đợi một lát.

Ông lão nhân cơ hội nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, thấy cảnh vật còn đẹp hơn xưa, rừng xanh núi thẳm, thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ vô cùng nên tấm tắc khen ngợi không ngớt.

"Hà hà! Ông ấy đã ra rồi!" Lão nhân hướng mắt vào bên trong. Một vị sư cụ mặc áo cà xa màu đỏ, chân mang giày cỏ, bước chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng vô cùng trầm ổn. Ông có lẽ đã ngoài tám mươi tuổi nhưng sắc mặt vẫn hồng hào, thần khí sảng lảng. Nhà sư sắp tới gần, chú tiểu vẫn không hề hay biết, thế mà lão nhân từ xa đã nghe được rõ ràng. Nhà sư bắt gặp lão nhân đứng đó thì hồ hởi nói:

- A di đà phật! Chào Phùng huynh, đã lâu không gặp.

- A! Con chào trụ trì ạ.

Bấy giờ chú tiểu mới sửng sốt quay người lại. Thì ra đây là trụ trì của chùa. Đại sư gật đầu khẽ khoát tay:

- Ừ! Được rồi, con đi đi!

- Vâng ạ!

Ông lão họ Phùng mừng rỡ, ánh mắt lộ rõ sự kích động thậm chí, khóe mắt đã rơm rớm lệ:

- Ha ha ha, Viên Ngộ đại sư, bao nhiêu năm không gặp, đại sư vẫn tráng kiện, mạnh khỏe như xưa.

- Phùng huynh đã quá lời rồi, lão nạp thật không dám nhận. Mời vào, mời vào.

- Mời!

Chùa Tĩnh Tâm là nơi để các cao tăng Trúc Lâm Yên Tử nghỉ ngơi và nghiên cứu kinh Phật nên không khí chùa rất yên tĩnh. Viên Ngộ đại sư và Phùng lão là bạn lâu năm, nếu không muốn nói là tri kỷ. Hai người sóng đôi bước vào trong sân chùa vừa đi vừa bàn luận rôm rả. Phùng lão theo Viên Ngộ vào đến sân chùa thì bắt gặp một nhà sư trẻ tuổi, chỉ chừng mười tám mười chín đang quét sân. Đại sư Viên Ngộ gọi chàng ta lại giới thiệu:

- Giới thiệu với Phùng huynh, đây là Vô Tướng, học trò của ta. Vô Tướng, đây là Phùng tiền bối, là bạn cũ nhiều năm của thầy.

Vô Tướng chắp tay hành lễ:

- Tiểu tăng xin ra mắt tiền bối.

- Tiểu sư phụ không cần đa lễ.

Ông lão nhẹ nhàng phẩy tay một cái. Vô Tướng cảm thấy một luồng nội lực nhu hòa mà hồn hậu ùa tới nâng chàng lên. Chàng nghĩ vị tiền bối này có ý thử võ công của mình, bèn vận kình chống đỡ, ngờ đâu trước ngực bị đè nặng, hô hấp khó khăn, hai chân như muốn khuỵu xuống. Chàng hoảng hồn, vội vàng vận kình trụ vững mới không bị ngã ngửa ra nhưng trước ngực nặng nề, mặt mũi đỏ bừng, trong lòng sợ hãi. Đại sư Viên Ngộ dĩ nhiên biết xảy ra việc gì, đại sư trừng mắt nhìn Vô Tướng khiển trách:

- Vô Tướng, con không được vô lễ, con mau xin lỗi Phùng tiền bối đi.

Vô Tướng bị sư phụ mắng, giật mình tỉnh ngộ. Chàng vội cúi đầu, thành khẩn nói:

- Cháu có mắt mà không thấy Thái Sơn, mong tiền bối không chấp nhặt mà bỏ qua cho.

Ông lão xua xua tay lắc đầu:

- Ấy, không sao đâu, là ta có lỗi trước.

Thật sự tính tình ông lão không ưa mấy cái lễ tiết này nọ, thành ra gây hiểu lầm. Ông lão liếc mắt đánh giá Vô Tướng từ trên xuống dưới hồi lâu rồi gật gù:

- Ha ha, Viên huynh quả nhiên tinh mắt, thu được một đệ tử giỏi. Tiểu sư phụ đây hai mắt lấp lánh thần quang, chính khi lẫm liệt, quả là nhân tài trăm người có một.

- Cháu tài học kém cỏi, tiền bối đã khen quá lời rồi.

Vô Tướng được khen ông lão mà sợ nên càng tỏ ra khiêm tốn. Đại sư Viên Ngộ biết có nói gì nữa thì đều chỉ tô vẽ thêm đuôi, bèn sai chàng pha nước mời ông lão. Phùng lão nhìn quanh nhìn quất, chợt thấy có một bộ cờ đặt ở trong góc tường thì máu mê cờ nổi lên. Ông lúc trẻ thường hay tìm những cao thủ cờ tướng mà đánh. Đại sư Viên Ngộ tinh mắt, mỉm cười, sai Vô Tướng mang lại. Đại sư vừa xếp cờ vừa nói:

- Nào, chúng ta vừa đánh cờ vừa nói chuyện, liệu Phùng huynh có cho ta cơ hội gỡ lại ván cờ ngày nào chăng?

Phùng lão nghe thế bật cười ha hả:

- Ha ha! Không ngờ chuyện đó trôi qua đã lâu mà đại sự vẫn còn nhớ rõ như vậy.

- Ha ha, lão nạp tu hành mấy chục năm mà vẫn không sao trừ bỏ được hết tham sân si, đã khiến Phùng huynh chê cười rồi.

Đại sư Viên Ngộ cầm quân trắng nên được đi trước. Vô Tướng đứng hầu một bên quan sát. Cờ tướng biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc thì xông lên tấn công, khi thì thu về phòng thủ, rất nhịp nhàng uyển chuyển. Chàng theo dõi cuộc đánh cờ mà cứ ngỡ đang chứng kiến hai cao thủ giao đấu võ công, chiêu thức tầng tầng lớp lớp, nhờ thế mà ngộ ra được nhiều điều tâm đắc.

Ba người say mê chơi quên hết cả thời gian, chớp mắt trôi qua hơn hai canh giờ. Lúc này cờ đang vào thế giằng co. Quân đen tuy chiếm lợi về quân số nhưng lại bị quân trắng tấn công ráo riết, Pháo trắng ở vị trí thuận lợi để chuẩn bị cho nước chiếu hết tiếp theo.

"Nếu sư phụ đưa Pháo vào giữa, tất Phùng tiền bối sẽ tiến Xe chiếu tướng sư phụ bên mạn sườn trái, bắt buộc sư phụ phải lui Xe về chống. Như thế sẽ dẫn đến đấu cờ. Sư phụ tuy ăn được Xe và Mã của tiền bối nhưng ngược lại thế công hoàn hảo sư phụ khổ công dựng nên bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Kết cuộc vẫn không có người nào chiếm lợi thế." Vô Tướng tư chất thông tuệ, đã nhanh chóng hiểu được cục diện.

Quả nhiên đại sư Viên Ngộ nhấc Pháo trắng định đi. Không phải đại sư không biết nước cờ này nhưng đây là nước đi tốt nhất trong lúc này.

Đột nhiên chú tiểu quét sân chạy vào, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đại sư, có chuyện lớn... có chuyện lớn xảy ra rồi.

Đại sư đặt quân Pháo xuống vị trí cũ, ngẩng đầu lên hỏi:

- Chuyện gì mà con có vẻ hoảng hốt vậy?

Chú tiểu hít sâu một hơi rồi đáp:

- Lính Ngô... lính Ngô không hiểu vì nguyên nhân gì mà kéo đến đây quấy rối, hiện tại sư huynh Vô Ngã đang đánh nhau với bọn chúng dưới chùa Vân Yên ạ.

- Ồ! Thật sao?

Đại sư Viên Ngộ và ông lão nhìn nhau, việc này rõ ràng chẳng bình thường chút nào.

- Phùng huynh, có lẽ chúng ta tạm dừng, xuống đó xem thế nào.

- Đúng thế, việc chùa quan trọng hơn, chúng ta mau đi thôi.

Đại sư Viên Ngộ và ông lão bèn thi triển khinh công chạy vùn vụt xuống dưới. Theo sau đó khá xa là Vô Tướng và chú tiểu.

Khi Đại sư Viên Ngộ tới nơi thì thấy một nhà sư áo xám đang giao đấu với một viên tướng quân Ngô. Nhà sư tự là Vô Ngã, khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, là sư huynh của Vô Tướng. Vô Ngã nhập môn trước Vô Tướng năm năm, nhưng vì tư chất hơi kém nên võ công chỉ bình bình. Vô Ngã có nguy cơ sắp thua rồi.

/23

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status