Câu Chuyện Phù Sinh

Chương 1

/229


Trên đường từ nhà hàng Dati về nhà, ngày nào Bách Lý Vị Bộ cũng phải băng qua một khu rừng rậm rạp phủ đầy tuyết trắng, men theo con sông nhỏ lúc nào cũng chỉ đóng băng một nửa, đơn độc tiến về phía trước. Giữa những cây vân sam cao lớn, thi thoảng vọng lại tiếng di chuyển của một loài động vật không rõ tên.

Vùng núi Ploiesti[1] lúc chớm đông, ngoài những du khách liên tục ra vào khu nghỉ dưỡng tự nhiên Sinaia, khắp nơi đều là cảnh vắng vẻ mênh mông.

[1] Tức Ploieʂti, một thành phố thuộc Romania. (Nd)

Hôm nay là ngày 23 tháng 12, ngày cuối cùng trước Giáng sinh, Bách Lý Vị Bộ khoác chiếc ba lô lớn, rảo bước tiến vào trong rừng sâu, vừa đi vừa cảnh giác quay đầu lại nghe ngóng.

Trước đêm Giáng sinh, cô nhất định phải gặp được anh!

Trường trung học Roxana bắt đầu nghỉ đông từ tuần trước. Một ngày sau khi trường học cho nghỉ, Bách Lý Vị Bộ đã tới nhà hàng Dati gần khu nghỉ dưỡng làm thuê. Ông chủ nhà hàng Raphael là một ông chú tốt bụng có ngoại hình na ná như ông đại tá KFC, luôn dùng cái giọng oang oang để ca ngợi với thực khách rằng Bách Lý Vị Bộ là một thiên thần Trung Hoa do thượng đế phái tới cho ông, thông minh xinh đẹp, và quan trọng hơn cả là chăm chỉ nhanh nhẹn.

Trước những lời khen quá mức của người khác, Bách Lý Vị Bộ luôn tươi cười, không nói thêm gì.

Gia huấn của họ Bách Lý chỉ có hai chữ: khiêm tốn.

Nói tới họ Bách Lý, Bách Lý Vị Bộ từ trước đến nay không mấy tường tận về tổ tiên của mình. Cô là một người Trung Quốc chính tông. Cụ tổ, ông bà nội của cô đều là người Trung Quốc. Một trăm năm trước, nhà Bách Lý di cư từ Trung Quốc tới Romania, định cư ở ngoại ô thành phố Sinaia, một vùng hẻo lánh ở vùng núi Ploiesti. Một căn nhà ba tầng nhỏ theo lối kiến trúc Trung Quốc ẩn mình trong khu rừng rậm Đông Âu. Một trăm năm qua, họ sống một cách bí ẩn và lặng lẽ. Ngoài những việc cần thiết như đi làm, đi học, mua sắm, người nhà Bách Lý dường như không bước chân ra khỏi cửa. Một trăm năm nay, họ luôn cố thủ tại khu rừng rậm rạp có tên gọi Bích Lạc này với một sự kiên cường và cố chấp không ai hay biết.

Tên gọi của khu rừng là do cụ tổ của cô đặt.

Bách Lý Vị Bộ biết rằng cái tên Bích Lạc bắt nguồn từ một câu thơ của Bạch Cư Dị:

Lên bích lạc, xuống hoàng tuyền;

Hai nơi tìm khắp mơ huyền thấy đâu.[2]

[2] Hai câu trong bài “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị, nguyên văn là “Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền, lưỡng xứ mang mang giai bất kiến”. Theo Đạo gia, Bích Lạc là tên của một tầng trời, ở đây chỉ tiên giới. (Nd)

Đặt một cái tên Trung Quốc cho khu rừng rậm Đông Âu, thật là sự kết hợp kỳ quặc.

Từ khi Bách Lý Vị Bộ chào đời tới nay, suốt mười bảy năm qua, gia đình cô chỉ có ba vị khách. Vị khách khiến cô có ấn tượng sâu sắc nhất tới vào mùa hè năm cô tốt nghiệp tiểu học. Một cô gái người Trung Quốc có mái tóc đen dài quá thắt lưng, khuôn mặt xinh đẹp, thân hình uyển chuyển, mặc váy áo màu đen. Cô ta nói chuyện với bố mẹ Bách Lý Vị Bộ, giọng nói rất nhỏ, không biết đang nói những gì.

Bách Lý Vị Bộ chau mày nhìn cô gái lạ mặt, từ trong nụ cười rạng rỡ như hoa nở của cô ta, cô nhận thấy một sự ngập ngừng muốn nói lại thôi.

Khi cô gái ra về, Bách Lý Vị Bộ núp sau cánh cửa, nhìn thấy mẹ mình nắm chặt tay cô ta, hỏi một cách không cam chịu:

– Thực sự không còn cách nào khác ư? Chúng tôi đã mất đi Vị Tình. Tôi rất sợ sau này… Vị Bộ sẽ giống như chị gái nó.

Cô cũng nhìn thấy người cha lúc nào cũng mỉm cười hiền hậu lần đầu tiên chau tít đôi mày, nhìn cô gái kia với ánh mắt khắc khoải trông chờ cứu rỗi.

– Hôm nay tôi đến chỉ là thăm bạn cũ mà thôi! – Cô gái khẽ cười, điềm đạm nói – Đã đặt tên cho nó là Vị Bộ, vậy thì mỗi một bước đi trong tương lai, hãy để cho bản thân nó tự lựa chọn[3].

[3] Ở đây, “Vị” có nghĩa là “vị lai”, tức tương lai, “bộ” có nghĩa là bước đi. (Nd)

Ngay sau đó, Bách Lý Vị Bộ nhìn thấy cô gái kia quay đầu lại, dùng ánh mắt thăm thẳm hút hồn bắt lấy cô bé đang nhìn trộm, đôi môi màu hoa hồng nhạt của cô ta khẽ mấp máy với Bách Lý Vị Bộ.

Cô ta đang nói với mình điều gì? Cô ta chỉ khẽ mấp máy đôi môi, nhưng bên tai Bách Lý Vị Bộ lại vọng đến một âm thanh trong trẻo:

– Hãy chứng tỏ dũng khí thực sự, thợ săn!

Sau khi cô gái đi khỏi, trong một thời gian rất lâu dài, không còn người ngoài tới nhà cô nữa. Nói một cách chính xác, là muốn tới cũng không tới được. Bách Lý Vị Bộ chưa bao giờ mời bạn học về nhà chơi. Từng có một số cậu bạn nhiều chuyện lén lút bám theo cô bạn học người Trung Quốc về nhà, kết quả là đi theo lần nào là lạc đường lần ấy. Chỉ cần Bách Lý Vị Bộ bước chân vào rừng Bích Lạc, những cậu nhóc liều lĩnh kia lập tức không nhìn thấy bóng dáng của cô đâu nữa. Những thân cây cao lớn dường như sống dậy, di chuyển chặn kín đường tiến của chúng.

Nhà Bách Lý không cho phép người ngoài bước chân vào.

Bởi vì, trong cơ thể họ tuôn chảy dòng máu của tộc Nhân Mã, xạ thủ bẩm sinh, đời đời cô lập, chỉ tồn tại vì số mệnh của chính mình.


/229

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status