Bút Vẽ Giang Sơn Mực Tô Xã Tắc

Chương 22: Mười năm

/261


Cổ nhân có câu, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, ý muốn nói thời gian trôi qua rất nhanh. Điều này quả thật chẳng sai chút nào, năm tháng vô cùng, đời người ngắn ngủi, trước sự thay đổi của thời gian, trước chiều dài lịch sử vô cùng, sinh mệnh một con người liệu sẽ tỏa sáng được bao lâu. Đời người thường thường chỉ bảy, tám chục năm, dài cũng chỉ đến một trăm năm, so với thiên nhiên tạo hóa tồn tại đã hàng tỉ năm, thật chẳng đáng kể. Cổ nhân lại có câu, đời người chỉ như giấc chiêm bao, thế nhưng khi cổ nhân tỉnh mộng, liệu sẽ vui hay buồn; khi thế nhân tỉnh mộng, liệu là buồn hay vui. Chẳng ai biết câu trả lời, nhưng chắc chắn một điều, trong thế giới này vẫn có hàng trăm triệu người nguyện trầm mê trong giấc mộng. Võ giả kia tu luyện để làm gì, chẳng phải cũng là để kéo dài sinh mệnh, gia tăng tuổi thọ sao. Tu chân giả kia lại tu luyện làm gì, không phải cũng vì giấc mộng trường sinh hay sao. Thư pháp giả liệu có khác hay không, mục đích của họ tu luyện là gì. Câu hỏi này cũng khó có đáp án, thậm chí ngay cả các thư pháp giả cũng chưa chắc đã rõ ràng họ tu luyện để làm gì. Vì danh ư, danh tiếng lưu truyền thiên cổ, cũng chẳng chịu nổi sự mài dũa của thời gian. Vì lợi ư, đời người chẳng được bao lâu, khi chết cũng chẳng đem theo được gì? Vì lo cho con cháu sao, thế sự xoay vần, họa phúc khó lường, ai dám chắc gia tộc mình sẽ trường tồn? Hay đơn giản như cầu cho cõi lòng một sự an tâm, nhưng làm sao để tâm thanh thản? Bao nhiêu bậc trí giả vô song, đến tận khi tỉnh mộng vẫn mãi đau đầu đi tìm mục đích của chính bản thân, để rồi cuối cùng vẫn ôm nỗi niềm luyến tiếc mà ra đi. Thế nhưng một thiếu niên, lại rõ ràng hơn bọn họ rất nhiều. Hắn tu luyện chẳng phải vì trường sinh, cũng chẳng vì danh lợi, mục đích tu luyện hiện giờ của hắn, chính là trở nên mạnh mẽ để tìm đường về nhà, để tìm lại người thân đã mất. Chỉ có về nhà hắn mới an tâm, chỉ có tìm lại được người thân đã mất, hắn mới thực sự vui vẻ. Thiếu niên này, chính là Nguyễn Phong.

Mười năm trôi qua nhanh chóng, đứa trẻ ngày gầy yếu ngày nào, giờ đã trở thành một thiếu niên mạnh khỏe. Mái tóc dài không cắt, được buộc lại một cách cẩu thả tạo cho Nguyễn Phong một cảm giác tự do thoải mái. Đôi mắt sáng trong, con ngươi đen tuyền, lại ẩn chứa quang mang trí tuệ. Đôi mắt vẫn được cho là cửa sổ tâm hồn, thông qua đôi mắt của Nguyễn Phong, người ta thấy được sự chín chắn, thông minh, còn có cả một bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Làn da vốn xanh xao vì bệnh tật, giờ đã trở thành màu bánh mật khỏe khoắn. Thân thể cao lớn, tuy không quá cơ bắp, nhưng ẩn chứa đầy sức mạnh bộc phát. Có thể nói, hình thể Nguyễn Phong là điển hình cho vóc người phương nam, cao lớn, mạnh khỏe.

Trong vòng mười năm này, Nguyễn Phong đã được Vũ Ngôn truyền thụ rất nhiều về thư pháp gia. Từ phương pháp chế tạo văn phòng tứ bảo, cho đến kiến thức về các loại tài nguyên vật liệu để quý hiếm, từ kiến thức cơ bản trong thư pháp tu luyện, cho đến những cảm ngộ của riêng bản thân Vũ Ngôn về thư pháp. Có thể nói, dưới sự chỉ bảo của Vũ Ngôn, Nguyễn Phong đã có được nền tảng thực lực và kiến thức vô cùng vững chắc. Thứ duy nhất mà hắn còn thiếu, đó là sự mài giũa trong thực tế. Có trải qua thử thách, con người mới càng trưởng thành hơn, và thư pháp gia cũng không ngoại lệ. Một nhà thư pháp gia, không chỉ đòi hỏi có cơ sở vững chắc, còn phải có khả năng thích ứng và ứng biến tốt, kỹ xảo chiến đấu và kinh nghiệm thực tiễn phải song hành, có như vậy mới đạt đủ tiêu chuẩn trên con đường chống lại cái ác, bảo vệ con người.

Tính đến lúc này, Nguyễn Phong đã sắp bước qua tuổi mười bốn, bước vào tuổi mười lăm. Đến mười lăm tuổi, tất cả thiếu niên trong làng đều sẽ trải qua lễ trưởng thành, đại biểu cho việc hắn đã có khả năng tự quyết định, cũng như tự chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. Mười lăm tuổi, đối với một tu luyện giả cũng là một mốc thời gian quan trọng. Đạt đến mười lăm tuổi, linh hồn cùng cơ thể con người cũng được tính là trưởng thành. Mười lăm tuổi, sức sống dồi dào, linh hồn tươi trẻ, tu luyện giả sẽ bắt đầu tìm cho mình một bản mệnh chân hồn, quyết định đến tương lai tu luyện của bản thân. Bản mệnh chân hồn, có những người sinh ra đã có, lại có những người phải trải qua khổ luyện, tìm kiếm từ trong tự nhiên. Chân hồn vốn bắt nguồn từ thư pháp, chân hồn là cách mà các thư pháp gia liên kết với linh hồn vạn vật, từ đó điều động sức mạnh tự nhiên. Chân hồn tuy có muôn hình vạn trạng, nhưng về cơ bản cũng được phân chia theo các sức mạnh tự nhiên. Từ cơ bản thì có ngũ hành nguyên tố, tiến thêm một tầng thì từ ngũ hành sẽ phát triển thành bát quái. Từ bát quái lúc này mới diễn hóa ra muôn hình vạn trạng, các loại chân hồn cũng vì vậy mà đa dạng vô cùng, từ hình thái đến tính chất, cấp bậc cũng như sức mạnh đặc trưng đều vô cùng phong phú

Theo một cách hiểu nào đó, chân hồn cũng đại biểu cho khả năng hấp thụ và vận dụng các nguyên tố tự nhiên. Ngũ hành nguyên tố, vốn đã có sẵn trong cơ thể con người, con người cũng có thể vận dụng chúng để hấp thu nguyên tố thuộc ngũ hành từ ngoại giới, cường thân kiện thể, gia tăng sức mạnh, nhưng con người không có sẵn ngũ hành chân hồn. Muốn thu được chân hồn của bất cứ loại nguyên tố nào, đều phải trải qua quá trình tìm kiếm và tạo được mối liên kết linh hồn, từ đó mới có thể khống chế được sức mạnh tự nhiên. Chân hồn có cấp bậc, và cũng có thể tiến hóa. Càng tiến hóa đến cấp bậc cao, chân hồn càng gần với bản nguyên của sức mạnh. Chân hồn đạt đến cấp cao, sẽ quy về các sức mạnh tự nhiên được biểu diễn trong bát quái, sau đó là ngũ hành, tứ tượng, lưỡng nghi, thái cực, cuối cùng là vô cực. Khi đạt đến thái cực, chân hồn sẽ hòa làm một thể với bản thân tu luyện giả, cơ thể sẽ dung nhập vào thiên địa, trường tồn cùng thiên địa, có thể tự do điều động sức mạnh trong thiên địa. Sau khi đạt đến vô cực, tu luyện giả có thể hình thành trong cơ thể một tiểu thiên địa mới. Tu luyện giả ở trong tiểu thiên địa này, có thể chế định quy tắc theo ý muốn, từ đó tạo ra lĩnh vực của bản thân, khi chiến đấu cùng đối phương, có thể vận dụng lĩnh vực này để tạo ra lợi thế cho bản thân, ức chế sức mạnh của kẻ địch. Sau vô cực, tất sẽ trở về hỗn độn, là cảnh giới cao nhất của tu luyện giả. Khi sức mạnh trong cơ thể đạt đến cấp bậc hỗn độn, có thể nói tu luyện giả đã tiếp cận trực tiếp với đạo, hòa vào với đạo, trở thành đạo. Từ khi thiên địa xuất hiện, đã trải qua vô vàn năm tháng, cũng xuất hiện vô số dạng sinh vật, nhưng có thể đạt đến cấp bậc hỗn độn, thì vẫn chưa nghe nói đến, hoặc là chưa từng có ai có thể nhận biết đến sự tồn tại của hắn.

Trong từng cấp bậc, lại cũng có phân chia thứ bậc sức mạnh. Bắt đầu từ khi tu luyện, người tu luyện sẽ được tính là nhập môn, quá trình này có thể rất lâu, cũng có thể nhanh chóng nếu có được sự trợ giúp từ bên ngoài. Nhập môn về cơ bản, chính là quá trình khai mở tâm nhãn, hấp thu ngũ hành nguyên tố để cường hóa thân thể, giúp thân thể đạt đủ yêu cầu tiếp nhận chân hồn. Sau khi đã đạt được chân hồn bản mệnh đầu tiên, người tu luyện sẽ được gọi là tân thủ. Giai đoạn tân thủ sẽ có tổng cộng mười cấp bậc, mỗi lần gia tăng một cấp, là một lần mở rộng đan điền hoặc nê hoàn cung. Đạt đến cấp mười, tân thủ sẽ phải trải qua quá trình nén ép năng lượng, đem toàn bộ lượng nguyên tố đã hấp thụ được, từ thể khí ngưng tụ thành thể lỏng. Năng lượng trong cơ thể đạt thành thể lỏng, tân thủ sẽ trở thành tu luyện nhân. Giai đoạn này không được phân rõ cấp bậc, bởi mục đích chính của tu luyện nhân là cố gắng gia tăng sức mạnh, hấp thu nguyên tố ngưng kết thành dạng lỏng đến mức tối đa có thể, sau đó lại một lần nữa nén ép năng lượng lỏng thành thể rắn. Năng lượng ở thể rắn được gọi là nguyên tinh, cũng đại là đại biểu cho cấp bậc tu tinh. Trong cấp bậc tu tinh, một lần nữa cấp bậc lại được phân chia thành mười cấp, tương ứng với số lượng nguyên tinh một người ngưng kết được. Khi năng lượng đạt đến mười nguyên tinh, chân hồn sẽ tiến hóa, trở về với bản nguyên tương ứng trong bát quái. Người đã có thể đạt đến cấp bát quái, hầu hết đều hùng bá một phương, sức mạnh to lớn vô cùng đáng sợ.

Tạm không nói đến quá trình tu luyện sau này, chỉ riêng việc trở thành tân thủ Nguyễn Phong vẫn chưa đạt được, bởi hắn vẫn chưa có được chân hồn đầu tiên. Tuy nhiên, hắn đã chuẩn bị cho việc này từ rất lâu. Mười năm vừa qua, hắn không chỉ nghiên cứu thư pháp, theo học Vũ Ngôn, mà dựa theo sự cải thiện của sức khỏe, Nguyễn Phong cũng dần tiếp xúc với võ thuật. Mặc dù khởi điểm của Nguyễn Phong chậm hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi, nhưng dựa vào sự khổ luyện chăm chỉ, cùng với sự tận tình chỉ dạy của ông ngoại và sư phụ Vũ Ngôn, hắn đã có những bước tiến bộ rất nhanh. Vũ Ngôn tuy là một thư pháp gia, nhưng đừng xem thường khả năng võ thuật của hắn. Không có một thư pháp gia nào yếu, và cũng không có một thư pháp gia nào không biết võ thuật. Võ thuật và thư pháp, đều có điểm chung, đó chính là sự thể ngộ của bản thân với đạo được ẩn dấu bên trong võ công hoặc thư pháp. Chính vì vậy, người luyện thư pháp, võ công cũng không thể kém, và điều ngược lại cũng luôn đúng. Vũ khí Nguyễn Phong chọn là thương, bởi thương luôn thẳng tắp, giống như bản tính cương trực của một người quân tử. Điều khiển thương lại có phần giống như khi sử dụng bút để viết chữ, lực cánh tay và lực cổ tay đều phải vận dụng nhuần nhuyễn. Thương chiêu đều dứt khoát gọn gàng, cũng như nét chữ của người quân tử, luôn sắc bén, rõ ràng….. Vì rất nhiều lí do, Nguyễn Phong đã lựa chọn thương làm binh khí, cũng chính thức bước trên con đường kiêm tu võ công và thư pháp.

/261

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status