Bình Tung Hiệp Ảnh Lục

Chương 9: Cổn cổn đại giang lưu anh hùng huyết sái - Du du trường dạ mộng nhân nữ tình si

/31


Triều Âm hòa thượng nói: “Con không hỏi, ta cũng định nói. Cả nhà Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm là những kẻ hành sự kỳ quái nhất trong võ lâm. Dòng họ của y đều có một quy tắc rất quái dị: Phàm là con trai, khi đến mười sáu tuổi thì phải cạo đầu làm nhà sư du phương, sau mười năm mới được để tóc dài hoàn tục, nhưng vẫn chưa thể thành gia lập thất, lại phải mười năm làm ăn mày, làm ăn mày xong mới được cưới vợ sinh con. Cho nên đàn ông nhà họ Tất, nếu phải thành thân thì ít nhất phải sau ba mươi sáu tuổi. Nhân số nhà họ Tất ít ỏi, nhiều đời đơn truyền, có lẽ là do thành thân muộn. Tất Đạo Phàm võ công cao cường, xuất qủy nhận thần, mười năm làm sư, mười năm làm ăn mày, sau đó lại hoàn tục ẩn cư, trong đời đã có nhiều hành vi kỳ lạ, do đó được người ta gọi là Chấn Tam Giới. Châu hiền điệt, Tất Đạo Phàm là kẻ đã thoát ra khỏi ba giới tăng, trái, tục, lại chẳng phải là một quái nhân trong hai đạo hắc bạch, chả lẽ ông ta cũng nhận được Lục Lâm tiễn của các người, tung vào những chuyện bao đồng này hay sao?”

Châu Sơn Dân nói: “Con làm sao dám truyền Lục Lâm tiễn cho ông ta. Nếu Tất tiền bối ra tay tương trợ, chính là điều con mong muốn, làm sao dám ngăn cản”.

Thạch Thúy Phượng lại hỏi: “Ngươi bảo cha ta truyền ra Lục Lâm tiễn rốt cuộc là vì chuyện gì? Tên tiểu tặc đi ngựa trắng là người như thế nào?”

Châu Sơn Dân mỉm cười nói: “Vì ta muốn giúp phu quân của cô nương báo thù! Tên tiểu tặc ấy chính là con trai duy nhất của Trương Tôn Châu, cũng là kẻ thù của Vân Lối đệ!” Chàng ngập ngừng trong chốc lát rồi lại nói: “Ta thấy Tất tiền bối quá nửa là đã ra tay tương trợ. Đáng tiếc ta không biết ông ta ở Hoạt Lộc, nếu không ta sẽ mời Thạch lão tiền bối cùng cha viết thư cho ông ta”.

Thạch Thúy Phượng chợt hỏi: “Vân tướng công, tên tiểu tặc ấy có thật là kẻ thù của tướng công hay không?”

Sắc mặt Vân Lối trắng bệt, nàng nói: “Ừ, đúng thế. Y là kẻ thù của nhà ta!”

Thạch Thúy Phượng mỉm cười nói: “Vậy huynh phải đáp tạ muội mới phải”. Thế rồi lấy ra một bức thư đang đóng kín, nói: “Cha muội sớm đã nghĩ đến ông ta. Các người T không dám mời, ta sẽ thay các người đến gặp ông ta”. Châu Sơn Dân liếc mắt, chỉ thấy phong thư đền rằng: “Gởi Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm huynh đài”. Rồi vỗ tay cười rằng: “Thạch lão tiền bối, đang suy nghĩ chu đáo, đã sớm nghĩ đến người này. Tên tiểu tặc ấy lần này quả thực tự chui đầu vào lưới, hiền đệ, đệ có thể đích thân báo thù!”

Thạch Thúy Phượng hớn hở nói: “Muội vừa vào nhà, người đã viết thư này bảo muội đi đưa thư. Muội rất ngạc nhiên tại sao người lại nôn nóng như thế, té ra là vì giúp huynh báo thù. Cha thật tốt, người đã dối muội, không chịu nói lai lịch của tên tiểu tặc ấy cho muội nghe. Té ra tên tiểu tặc ấy là kẻ thù của huynh! Lát nữa chúng ta sẽ cùng đi, huynh cũng sẽ làm quen với Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm!”

Vân Lối giật mình hỏi: “Muội đã xem qua bức thư này chưa?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Huynh không nghe muội nói ư, cha muội đã giấu muội! Nếu muội xem bức thư này, chẳng phải sẽ hiểu được tất cả hay sao? Bây giờ không cần xem cũng biết người đã viết gì, đương nhiên là mời Tất Đạo Phàm giúp đỡ cho huynh”.

Vân Lối thắc mắc: “Thạch Anh không hề biết Trương Đan Phong là kẻ thù của nàng, bản thân nàng cũng thấy ông ta khúm núm trước mặt Trương Đan Phong, sao ông ta lại viết thư nhờ Tất Đạo Phàm, giết Trương Đan Phong? Bức thư này nói gì? Quả thực rất khó đoán!”

Thạch Thúy Phượng ngạc nhiên nói: “Vân tướng công, huynh đang nghĩ gì thế? Cha đã truyền Lục Lâm tiễn cho huynh, lại còn nhờ người báo thù, huynh không vui ư?”

Vân Lối cố nở nụ cười: “Ra rất vui! Thạch cô nương, cha của cô nương và Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm có quen thân nhau không?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Không, ông ta là đối thủ của cha muội! Ông ta ngang ngược bá đạo, muội chưa thấy ai dám bắt nạt cha muội như ơng ta!” Điều ấy thật khiến cho mọi người bất ngờ, Triều Âm hòa thượng kêu lên: “Ai bảo Tất Đạo Phàm ngang ngược bá đạo?”

Vân Lối nói: “Vậy ông ta đã bắt nạt cha của cô nương như thế nào?”

Châu Sơn Dân nói: “Đã như thế, sao cha cô nương lại còn viết chư cho ông ta?”

Ba người đều tranh nhau hỏi, Thạch Thúy Phượng của, nói: “Ông ta bắt nạt cha muội, nhưng cha muội lại rất khâm phục ông ta! Huynh hỏi ông ta đã bắt nạt cha muội như thế nào ư? Chuyện này đã xảy ra mười mấy năm về trước!

Lúc ấy muội vẫn là một cô bé bảy tám tuổi, tuy tuổi nhỏ khờ khạo, nhưng vẫn còn nhớ rõ chuyện ngày hôm ấy. Có một ngày, ngoài cửa nhà muội có một tên ăn mày hưng dữ, gia nhân tặng gạo cho y y cũng không cần, cứ bảo cha muội phải cho y một món báu vật. Ai mà không biết cha muội buôn bán châu báu trong giới hắc đạo, người nhà tưởng rằng y đến gây sự, có người đánh y, y vẫn không nhúc nhích, nhưng người đó thì bị văng xa tới mấy trượng. Sau đó muội mới biết đó là nội công thượng thừa Triêm Y thập bát điệt.

Ngày hôm đó cha muội đáng dạy muội đọc sách viết chữ, gia nhân vào bẩm cáo có một tên ăn mày hung dữ lai lịch bất minh, giọng điệu ngang ngược đến trước cửa.

Cha muội chợt tái mặt, vẫn tay nói: “Được, mời y vào, sau khi y vào không ai đến gần nửa bước, dù ta có bị y đánh chết, các người cũng không được tiến vào!” Rồi lại bảo nấp ở trong phòng ngủ không được bước ra. Muội nghe cha nói như thế thì sợ hãi, nhưng muội vẫn không nghe lời người, sau khi tên ăn mày hung dữ ấy vào, muội đã len lén đứng nhìn vào.

Tướng mạo của tên ăn mày hung dữ ấy rất kỳ lạ, râu tóc rối bời, mặt đen như nhọ nồi, tay cầm một cây gậy, tựa như hung thần ác sát, sau khi bước vào thì ngồi đối diện với cha muội, trừng mắt nhìn cha muội rất lâu, rất lâu, hai người đều không lên tiếng.

Cha muội thở dài, bước vào trong phòng lấy ra rất nhiều châu báu, bày hết trước mặt y rồi nói: “Tất gia, của cải nhà tôi đều ở đây cả”. Tên ăn mày ấy cười lạnh, gạt đống châu báu xuống đất rồi nói: “Oanh Thiên Lôi, người đừng giả vờ khờ khạo với ta nữa! Nhà ta nhiều đời tìm kiếm, đã tìm mấy mươi năm nay, nay ta đã điều tra rõ ràng, vật ấy đang ở chỗ ngươi, ngươi không chịu đem ra cho ta ư?” Cha muội lại nói: “Vật ấy không phải của ngài, sao có thể đưa cho ngài được?” Tên ăn mày ấy cười lạnh: “Chả lẽ là của ngươi đấy hử? Ngươi có biết lai lịch của nó hay không, sao dám nói ta không phải là chủ nhân của nó?” muội chưa bao giờ thấy có người dám ăn nói với cha muội như thế, cha muội thì tỏ vẻ van nài, nói với y rằng: “Món báu vật ấy dù cho Tất gia có chạm vào, cũng không thể nói là của Tất gia. Tôi được người ta gởi gắm, có thể không cần đến gia tài, nhưng mong Tất gia hãy buông vật này!” Tên ăn mày ấy nổi giận, đứng dậy lớn giọng nói: “Của cải, của cải? Vậy ngươi có trao cho ta vật này hay không?” Cha muội nói: “Không!” Tên ăn mày ấy cười lạnh, múa tít cây gậy ăn mày rồi nói: “Được! Ngươi đã không chịu vậy ta sẽ lãnh giáo Nhiếp Vân kiếm pháp của ngươi!”

Cha muội bảo: “Đã là như thế, xin thứ cho tại hạ phóng túng!” Rồi rút kiếm xông vào đánh nhau với y, lúc ấy muội vẫn chưa học kiếm pháp, thấy cha muội tựa như hổ dữ, kiếm quang loang loáng, tỏ vẻ như muốn liều mạng. Tên ăn mày ấy vừa vung gậy thì bị nhốt trong luồng kiếm quang, nhưng cây gậy vẫn co duỗi tự nhiên như con quái mãng, khiến muội xem mà hoa cả mắt!

Họ lao vào nhau khoảng một bữa cơm mà vẫn không phân cao thấp. Chợt nghe tên ăn mày hung dữ ấy quát lên: “Ngươi có đưa cho ta hay không?” rồi đánh bốp một gậy xuống vai cha muội, cha muội nói: “Không đưa!” rồi bất ngờ đâm soạt một kiếm vào vai của y, tên ăn mày ấy kêu lên: “Hảo hán tử!” rồi vung gậy đánh tiếp, một hồi sau chỉ nghe bốp một tiếng, tên ấy vung gậy tới, đánh cha muội lộn nhào, cha muội không thèm kêu một tiếng, bò dậy tiếp tục lao vào đấu với y, không bao lâu thì đâm tên ăn mày ấy một kiếm, tên ăn mày cũng như cha muội, không hề kêu lên một tiếng, càng đánh càng dữ, đến sau này dưới đất toàn là máu tươi, cha muội bị đánh ngã mấy lần, trán cũng bị cây gậy đánh trúng rách da. Tuy như thế, tên ăn mày cũng chiếm không được phần hơn, không những mái tóc rối bời bị luồng kiếm quang chém đứt, trên người cũng bị nhiều vết thương, sau đó hai người đều sức cùng lực kiệt, tên ăn mày ấy lại đánh cha muội một gậy, cha muội cũng đâm trúng y một kiếm, hai người đều ngã xuống đất, không bò dậy nổi nữa. Muội sợ quá lúc đầu không dám kêu, giờ đây thì khóc òa lên, cha muội lăn ở dưới đất mấy vòng, gắng gượng nói: “Được, Tất gia, ông hãy đem đi, tôi đã thua!”, giọng nói của cha muội rung rung, tựa như rất sợ hãi. Tên ăn mày hung dữ ấy nói: “Không, ngươi không thua. Ngươi giữ lời hứa với người ta, quả thật là một thiết hán tử hiếm có, ngươi hãy giữ lại món báu vật ấy. Ta không giành của ngươi nữa, sau này nếu gặp khó khăn, nếu đem báu vật ấy trao đổi, ta sẽ tận lực giúp ngươi”. Nói xong thì bò dậy, băng bó vết thương, rồi chống gậy loạng chọang ra khỏi nhà muội. Cha muội không gượng dậy nổi, muội chạy ra ngoài gọi, người nhà mới dám vào, đỡ cha muội lên giường, nghỉ ngơi hơn nửa tháng mới khỏe lại. Vừa mới đi đứng được, người đã vịn tường đến bảo tàng lâu, nhìn bức họa ấy sững sờ, muội suốt ngày không rời người, hôm ấy muội cũng len lén đi theo. Lúc đó muội vẫn còn nhỏ không dám hỏi, đến khi lớn có hỏi người cũng chẳng nói”.

Vân Lối chợt hỏi: “Là bức họa nào?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Chính là bức họa lớn mà huynh đã thấy ở trên lầu trong ngày thành thân của chúng ta”.

Vân Lối kêu ồ một tiếng, nói gì nữa.

Thạch Thúy Phượng lại kể: “Sau đó cha muội bảo tên ăn mày hung dữ kia thật sự không phải người xấu, mà là một kỳ hiệp, có ý rất khâm phục ông ta. Muội thì không tin, hôm đó y đã bắt nạt cha muội, ngang ngược bá đạo vô cùng, làm sao không phải là người ác? Cha muội buôn bán châu báu trong giới hắc đạo, rủi ro rất lớn, nhiều lần suýt mất cả mạng, lúc đó thường nói với muội về tên ăn mày hung dữ năm xưa, tức là Tất Đạo Phàm ngày nay, bảo rằng nếu chuyện này có Tất gia giúp đỡ thì có thể chuyện nguy thành an, tuy là nói như thế, nhưng cha chưa bao giờ nhờ vả ông ta. Vân tướng công, hôm nay cha vì huynh, đã chịu viết thư cho ông ta, cho thấy người rất thương mến huynh. Hôm nay muội mặc cho ông ta là người tốt hay kẻ xấu, là kỳ hiệp hay quái vật, tóm lại là chỉ cần ông ta chịu rút đao tương trợ báo thù cho huynh, muội đã rất vui mừng, không nghĩ đến chuyện ác năm xưa nữa”.

Vân Lối suy nghĩ, tựa như không hề nghe Thạch Thúy Phượng nói. Triều Âm hòa thượng chen vào nói: “Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm, có thể bảo y là một kẻ độc ác cũng được, cũng có thể nói y là kẻ tâm địa thiện lương cũng được. Hơn hai mươi năm trước, ta đã từng gặp mặt y một lần, lúc đó y cũng là hòa thượng như ta, vẫn chưa để tóc hoàn tục, vẫn chưa làm ăn mày.

Lúc ấy ta vừa mới học võ công, phiêu bạt trên giang hồ, là một nhà sư du phương ăn ở bốn phương. Một ngày nọ đã đến huyện Phụng Dương của tỉnh An Huy, đó là cố hương của Thái Tổ hoàng đế Chu Nguyên Chương, có bài ca dao hát rằng: “Nói Phụng Dương, ăn Phụng Dương, Phụng Dương là nơi tốt, ở Phụng Dương có Hoàng đế họ Chu, mười năm thì có chín năm đói. Nhà lớn thì bán lương thực, nhà nhỏ thì bán con cái, kẻ tôi tớ không có con bán, vác trống ăn mày đi bốn phương”. Có thể thấy Phụng Dương tuy lá quê hương của Hoàng đế, nhưng chẳng nhờ được gì, ngược lại còn bị hoàng đề đặt ra sưu cao thuế nặng, khiến cho dân không sống nổi, hễ gặp năm đói thì trăm họ chạy đói khắp nơi. Năm ấy cũng là năm đói, Phụng Dương mười nhà thì đã có chín nhà trống, quả thực tai họa rất nghiêm trọng. Nhưng có một nơi giàu có xa hoa, các người biết đó là đâu không, đó chính là một ngôi chùa!”

Vân Lối ngạc nhiên nói: “Chùa? Chùa chẳng phải là nơi nhà sư ở hay sao?”

Triều Âm nói: “Đúng thế, chùa chiền là nơi ở, nhưng ngôi chùa này lại giống như nhà giàu sang trọng, bọn họ đều là những đại hòa thượng có tiền có thế! Không hề biết sợ ai, thời còn trẻ Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã từng cạo đầu làm sư, ông ta đã xuất gia ở trong ngôi chùa này. đó vốn là một ngôi chùa nhỏ, sau khi vua Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế, đã mở rộng ngôi chùa này. Chính vì nơi Hoàng đế đã từng xuất gia cho nên gọi là chùa Hoàng Giác.

Nhà sư trong chùa Hoàng Giác ngang ngược bá đạo, điều không cần phải nói đến, bọn chúng không giữ giới luật, cũng không giữ thanh quy, nhân mùa đói kém đã mua rất nhiều phụ nữ nhà nghèo nuôi ở trong chùa làm trò dâm lạc. Khi đi ngang Phụng Dương, ta nghe dân nghèo nói chuyện bán con gái vào trong chùa, người thì bảo bán năm trăm tiền, người thì bảo được ba trăm tiền, nhưng số tiền ấy không đủ mua lương thực cho mười ngày. Có những người nghèo đến nỗi không nuôi nổi con gái, cũng van nài chùa nuôi hộ. Ta nghe như thế thì lửa giận bốc lên, trong thiên hạ lại có một ngôi chùa như thế, hòa thượng như thế, cả một hòa thượng ăn thịt như ta cũng bị bọn chúng làm cho mất mặt!

Lúc ấy ta vẫn chưa tới ba mươi tuổi, tính nóng nảy hơn bây giờ, mặc cho bọn chúng là chùa Hoàng Giác, ta liền xách thiền trượng chạy vào tìm trụ trì hòa thượng mắng cho một trận. Nào ngờ những hòa thượng ấy đều biết võ công, trụ trì, là một có thể, hòa thượng trong cả chùa chạy ra, định bắt sống ta rồi giết chết. Ta đấu với bọn chúng cả nửa ngày cũng giết được vài tên, nhưng địch nhiều ta ít, đến lúc sức cùng lực kiệt, suýt tý nữa thì bị sa vào tay bọn chúng.

Đang lúc nguy ngập, bên ngoài lại có một hòa thượng du phương, tay cầm mỏ, miệng đọc lớn Phật hiệu, lớn giọng nói rằng: “Thế giới thanh bình, càn khôn sáng láng, các người là kẻ bại họai trong chốn cửa Phật!” Vừa niệm Phật A đi đà vừa ra tay giết người, một lát sau thây chất đầy đất, ta thấy mà cũng rung người, liền nói: “Sư huynh, hãy tha cho bọn chúng!” Hòa thượng ấy bảo: “Hòa thượng trong chùa khác thì có thể tha, nhưng hòa thượng trong ngôi chùa này thì ta đã căm hận đến thấu xương! Nêu ông đã nảy lòng từ bi thì cứ để một mình ta ra tay”. Ông ta cứ một đao thì giết chết một tên, hễ tên nào xông tới đều bị chém chết. Trong chùa Hoàng Giác còn treo một bức họa của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, thật buồn cười, trong chùa lại treo bức họa của Hoàng đế, nhưng Hoàng đế trong bức họa lại không phải là một hòa thượng. Hòa thượng du phương ấy ôm bụng cười trước bức họa của Chu Nguyên Chương, rồi phun một bãi nước bọt vào bức họa ấy. Đây là một hành động đại nghịch bất đạo, ta tuy căm ghét bọn ác bá quan phủ bức hại lương dân, nhưng cũng cảm thấy kinh hãi trước hành động sỉ nhục Hoàng đế ấy. Hòa thượng này nói: “Ông không cần phải sợ, trước khi Chu Nguyên Chương làm Hoàng đế đã từng như chúng ta, y sợ người ta nhắc đến chuyện y đã là hòa thượng, ta căm ghét y đã làm ô danh hòa thượng. Ông đã dám giết bọn dâm tăng, tại sao không dám căm ghét tên Hoàng đế dung túng cho bọn dâm tăng, đã từng làm hòa thượng này?” Ông ta nói xong thì xé nát bức họa. Nghe ông ta nói thế, ta không còn lo lắng nữa, cười lớn rằng: “Thống khoái! Thống khoái!”

Hòa thượng ấy bảo: “Giết người thì thống khoái, nhưng cứu người thì rất phiền phức. Làm người cũng không chỉ mong thống khoái mà sợ phiền phức”. Trong chùa Hoàng Giác có giấu rất nhiều phụ nữ, cha mẹ của họ đã bỏ đi khắp nơi, nếu thả bọn họ ra, bọn họ cũng chẳng biết đi về đâu. Hòa thượng ấy nói: “Cứu người phải cứu đến cùng, chúng ta nên hộ tống họ, giúp họ tìm người nhà”. Ông ta nói rất đúng, giết người thì dễ, cứu người thì khó, bọn ta đã mất hai tháng mới đưa từng người về cho cha mẹ huynh đệ họ. Còn của cải trong chùa Hoàng Giác thì đương nhiên chia cho dân nghèo. Đây chính là công đức đầu tiên mà sau khi ta xuống núi, suốt đời này làm sao quên được.

Ta và hòa thượng ấy đi lại với nhau hơn hai tháng, rất hợp ý nhau, đôi bên tỉ thí võ công, cũng không phân biệt cao thấp, kết thành tri giao. Hòa thượng ấy chính là Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm của ngày hôm nay, ta rất nhớ ông ta, đáng tiếc sau lần từ biệt ấy thì không bao giờ gặp lại”.

Vân Lối say xưa lắng nghe, câu chuyện của Triều Âm hòa thượng rất hay, Tất Đạo Phàm trong câu chuyện càng khiến cho nàng suy nghị4 nhiều, nghe Triều Âm hòa thượng nói, tựa như thấy vẻ mặt của Tất Đạo Phàm khi phun nước bọt vào bức họa Chu Nguyên Chương. Tại sao ông ta lại căm hận Hoàng đế khai quốc của triều Minh như thế? Thực sự khiến cho người ta khó hiểu. Vân Lối chợt nhớ đến Trương Đan Phong, nàng nhớ lại vẻ mặt căm hận của Trương Đan Phong khi nhắc đến Chu Nguyên Chương, nàng đột nhiên hoang mang, lòng càng rối bời.

Chỉ nghe Châu Sơn Dân cười rằng: “Triều Âm đại sư, lần này ông có thể gặp lại ông ta. Một Tất Đạo Phàm đã đủ đối phó với tên tiểu tặc, lại thêm đại sư nữa, dù y có ba đầu sáu tay, mọc cánh cũng khó thoát. Ha ha, hiền đệ, đệ đã sắp báo được thù, cha đệ dưới chín suối cũng có thể nhắm mắt”.

Vân Lối nhìn đăm đăm về phía xa, không đáp lời Châu Sơn Dân, cả Triều Âm hòa thượng và Thạch Thúy Phượng cũng cảm thấy ngạc nhiên. Trời đến gần trưa, Triều Âm hòa thượng đứng dậy, nói: “Chúng ta hãy đi cho mau, chỉ còn bốn ngày nữa là tới kỳ hạn với tên thư sinh ấy”.

Bốn người nối đuôi ra khỏi cổ mộ, Vân Lối ngẩng đầu lên nhìn trời xanh, tựa như vừa mới nằm ác mộng. Triều Âm hòa thượng cỡi thớt ngựa trắng chạy đầu tiên, sau đó là đến Vân Lối, Triều Âm hòa thượng đi được một đoạn thì kìm ngựa đi song song với Vân Lối, cố ý tách Châu Sơn Dân và Thạch Thúy Phượng ở phía sau, Thạch Thúy Phượng đương nhiên không vui, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào.

Đến khi trời chạng vạng thì đã đến một trấn nhỏ ở huyện Hân, gặp hai tốp nhân mã, tốp đầu là Hỏa Thần Đạn Hắc trang chủ ở Thái cốc, một tốp là Ẩm Mã trại Lam trại chủ, Triều Âm hòa thượng và Châu Sơn Dân đều quen biết họ, đôi bên chào hỏi nhau, họ cũng đến nhà của Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm. Bốn người Triều Âm hòa thượng và họ cùng thuê một khách sạn lớn nhất. Triều Âm hòa thượng lấy ba phòng, ông ta và Châu Sơn Dân ở một phòng, Thạch Thúy Phượng và Vân Lối mỗi ở một phòng, dưới ánh mắt mọi người, Thạch Thúy Phượng nào dám nói đến chữ không.

Đêm nay Vân Lối cứ lăn qua trở lại mà không ngủ được, chợt nghe bên ngoài có người gõ cửa, Vân Lối hỏi: “Ai thế?”

Bên ngoài cửa Thạch Thúy Phượng thì thầm đáp: “Là muội”.

Vân Lối sợ nàng phát hiện, chỉ đành đội khăn, khoác ác ngoài ra mở cửa, nhưng chợt thấy Thạch Thúy Phượng mặt đầy nước mắt, ngả vào trong lòng mình. Vân Lối nhẹ nhàng đỡ nàng lên, ngồi xuống giường rồi hỏi: “Muội sao thế?”

Thạch Thúy Phượng đưa mắt nhìn nàng như hơn trách, nói: “Vân tướng công, muội không phải là kẻ tầm thường, muội không thể nào chịu nổi cái giận này”.

Vân Lối nói: “Ai đã làm muội giận?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Sư bá và nghĩa huynh của huynh, hình như họ có ý chia rẽ chúng ta, họ chẳng coi muội là thê tử của huynh. Có phải họ chê muội không xứng với huynh, cho nên tìm giai nhân khác cho huynh hay không?”

Vân Lối nén không được bật cười, nói: “Muội đã nghĩ đi đâu thế? Họ đều có lòng tốt”.

Thạch Thúy Phượng tức giận nói: “Hay lắm! Họ tìm giai nhân khác cho huynh mà còn bảo có lòng tốt? Muội đã làm điều gì thất đức mà huynh lại có ý thôi muội?”

Thế rồi nước mắt tuôn rơi, Vân Lối lúng túng nói: “Sao lại nói thế? muội càng nói càng sai! Ta muốn thôi muội từ lúc nào?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Vậy huynh, huynh...” rồi nàng e thẹn không nói gì nữa, Vân Lối nhủ thầm: “Giờ đây giả đã thành thật, biết làm thế nào bây giờ?”

Nàng đang định lên tiếng Thanh minh, Thạch Thúy Phượng đã cắt lời: “Nghĩa huynh của huynh, đừng nhắc đến y nữa, muội sẽ lập tức quay về tìm cha. Huynh cưới muội làm vợ hay là cưới nghĩa huynh? Hừ, hừ, muội căm ghét y!”

Vân Lối lúng túng vô cùng, nàng toan nói sự thật, nhưng chợt nghe ngoài cửa có tiếng ho, Châu Sơn Dân nói vọng vào: “Hiền đệ, đệ đang nói chuyện với ai thế?”

Vân Lối như gặp được cứu tinh, đẩy Thạch Thúy Phượng ra nói: “Châu đại ca đến, muội hãy mau ra ngoài, hãy lau khô nước mắt, nếu để y thấy thì không hay lắm”.

Thạch Thúy Phượng đang tức giận, nàng xoay người chạy ra ngoài cửa, nhưng không ngờ lại va phải Châu Sơn Dân, nàng hận không đẩy cho chàng té nhào, thế rồi về phòng trùm mền kín đầu, âm thầm khóc trong mền.

Vân Lối thấy Châu Sơn Dân nửa đêm tìm đến, trong lòng rất kinh ngạc. Chỉ nghe Châu Sơn Dân nói: “Hiền muội, chúng ta thân như người nhà, nếu có điều gì thì cứ cho ta biết. Muội có chuyện gì khó xử?”

Vân Lối giật mình, gượng cười rằng: “Đúng thế, huynh có thấy Thạch cô nương cứ bám lấy muội không? Đây chính là tâm sự khó giải. Muội không thể nào giải được tâm sự này, chỉ đành nhờ đại ca giúp muội”.

Châu Sơn Dân biến sắc, chỉ nghe Vân Lối lại nói tiếp: “Thạch Thúy Phượng thật sự là một người tốt, rất hợp với huynh. Đại ca, huynh đi cùng nàng, chả lẽ chẳng có ý gì với nàng hay sao?”

Lúc này sắc mặt của Châu Sơn Dân đã rất khó coi, chàng đoán rằng Vân Lối chắc chắn đã thích người khác, cho nên mới đẩy Thạch Thúy Phượng cho mình. Vân Lối nào ngờ chàng suy nghĩ như thế, thấy chàng đã biến sắc, cũng bất giác sững người ra. Chỉ nghe Châu Sơn Dân nói: “Vân muội, muội đừng giấu huynh nữa, muội có tâm sự khác”.

Vân Lối giận dỗi nói: “Cái gì?”

Châu Sơn Dân nhìn nàng, đột nhiên nói: “Có phải con trai của Trương Tôn Châu đối xử với muội rất tốt hay không?”

Vân Lối đáp mà giọng hơi rung: “Rất tốt!”

Châu Sơn Dân nói: “Nhưng y là kẻ thù của nhà muội!”

Vân Lối nói: “Không cần huynh phải nhắc muội chuyện này, bức huyết thư của gia gia muội đã nói rất rõ”.

Châu Sơn Dân nói: “Nói những gì?”

Vân Lối nói: “Muốn muội phải giết cả nhà của kẻ thù!”

Châu Sơn Dân hỏi dấn tới: “Nhưng y rất tốt với muội!”

Vân Lối nói: “Tốt hay xấu cũng đều như nhau cả, muội... muội... làm sao có thể quên lời dặn của gia gia được!” Rồi nàng im lặng, trong khoảnh khắc ấy chân tình đã lộ rõ, Châu Sơn Dân đã thất vọng, nhưng nghe nàng kiên quyết sẽ làm theo lời dặn của gia gia, cho nên không còn lo lắng. Thấy Vân Lối run rẩy, rân rấn nước mắt, chàng lại cảm thấy đáng thương, vừa cảm thấy đau lòng, thế rồi cánh tay tê rần, tựa như bị kiến cắn, chỉ nghe bên ngoài có tiếng Triều Âm hòa thượng quát: “Thằng giặc thật lớn gan, có ta ở đây mà ngươi cũng dám tìm tới!”

Châu Sơn Dân giật mình, rút thanh yêu đao phóng vọt lên mái nhà. Chỉ thấy dưới ánh trăng sáng vằng vặc, một thư sinh mặt đẹp như ngọc, tựa cười mà không phải cười đứng sừng sững ở đấy, đó không phải là người mà mình đã truyền Lục Lâm tiễn truy bắt! Lam trại chủ và Hắc trang chủ đều hiện thân, nằm phục ở một góc mái. Triều Âm hòa thượng lại kêu lên: “Ta không động thủ với hạng tiểu bối, ta sẽ kìm chế con ngựa trắng của y, các người hãy cẩn thận đừng để y chạy thoát!”

Châu Sơn Dân kêu lên: “Lối đệ, mau đến đây!”

Hắc trang chủ có ngoại hiệu là Hỏa Thần Đạn, ông ta vừa vung tay thì ba trái hỏa châu phóng tới trước mặt, thư sinh ấy lướt người nhẹ nhàng né tránh; Lam trại chủ Lam Thiên Thạch rút Phán Quan bút, hai bút điểm xéo tới, nhưng thư sinh ấy vẫn không rút kiếm, tay trái đột nhiên vẽ thành nửa vòng cung, tay phải vung lên đánh ra một chiêu Trường Hà Lạc Nhật, trong thủ có công, đẩy Lam Thiên Thạch thối lùi hai bước; Châu Sơn Dân chém nhanh tới một đao, thân hình thư sinh ấy rất nhanh, gót chân xoay nửa vòng, ngón tay phất ra, Châu Sơn Dân không kịp đề phòng, cổ tay đã bị y phất trúng, lập tức sưng đỏ lên. Lúc này Vân Lối cũng đã đuổi tới, cây Thanh Minh kiếm loáng lên trong không trung, tựa như muốn đâm tới, dưới ánh trăng, chỉ thấy Trương Đan Phong tựa như đầy nước mắt, Vân Lối nghiến chặt răng, đâm soạt ra một kiếm, chỉ nghe Trương Đan Phong kêu lên: “Huynh đã nghe cả rồi, chả lẽ đệ hận huynh đến thế sao?” Thế rồi lách mình né tránh, không trả đòn. Châu Sơn Dân kêu lên: “Đâm vào đại huyệt của y, đừng nương tay”.

Hắc Bảo Xuân lại vung ra ba trái hỏa đạn, Trương Đan Phong ngâm rằng: “Thân này rồi sẽ về với đất, ân thù biết bao giờ mới xong!” Rồi đột nhiên lướt người tiến tới, né tránh một kiếm của Vân Lối, vỗ thẳng một chưởng vào mặt Lam Thiên Thạch, Lam Thiên Thạch vội vàng né qua, Trương Đan Phong nhảy vọt xuống Châu Sơn Dân nói: “Đuổi theo mau!”

Vân Lối bần thần, cũng cùng mọi người đuổi theo.

Trương Đan Phong chúm môi huýt một tiếng sáo, tựa như gọi con Chiếu dạ sư tử mã, chỉ nghe tiếng sáo vang dài đến cả mấy dặm, Triều Âm hòa thượng phóng lên con ngựa trắng, chặn con ngựa trắng của Trương Đan Phong lại, lúc này hai con ngựa tựa như rất quen thuộc nhau, con này vừa cất tiếng hí thì con kia cũng đáp lại. Chiếu dạ sư tử mã không chịu tới. Trương Đan Phong lại huýt một tiếng sáo nữa, con Chiếu dạ sư tử mã vẫn cứ đứng sững ra, Triều Âm hòa thượng vỗ một chưởng vào cổ ngựa, con ngựa bị ông ta quét trúng, bốn vó khụy xuống đất. Trương Đan Phong lòng đau như cắt, mắng rằng: “Tặc hòa thượng, dám hại ngựa tốt của ta!” Thế rồi hai chưởng liên tục quét ra, nhưng bốn người Lam, Hắc, Châu, Vân đều đã vây chàng vào ở giữa, đang lúc gấp gáp, lại không thể rút kiếm, cho nên không thể xông ra ngoài.

Triều Âm hòa thượng nói: “Ngươi không còn ngựa, xem ngươi có chạy đi đằng trời?” nói vừa dứt lời, con ngựa trắng mà ông ta đang ngồi đột nhiên hí dài giận dữ, hai vó trước chổng lên, Triều Âm hòa thượng suýt tý nữa rơi xuống. Con ngựa này đã được Triều Âm hòa thượng kìm chế từ lâu, vốn đã nghe ông ta sai khiến, nhưng lúc này đột nhiên nổi giận, điều đó vượt ngoài dự liệu của Triều Âm hòa thượng.

Triều Âm hòa thượng nào biết, con Chiếu dạ sư tử mã của Trương Đan Phong chính là do con ngựa trắng của ông ta sinh ra. Trương Tôn Châu thương con mình cho nên đã nhường con Chiếu dạ sư tử mã cho chàng, Triều Âm hòa thượng đã đánh bị thương con Chiếu dạ sư tử mã, con ngựa trắng đã nổi điên lên, chổng vó hất Triều Âm hòa thượng xuống, nhưng Triều Âm vẫn không rơi xuống, thế là phóng nhanh về phía trước. Triều Âm hòa thượng tuy võ công cao cường, có thể chế phục con ngựa này, nhưng ông ta không muốn đả thương nó, con ngựa lồng lên chạy, ông ta không kìm lại được, chỉ trong khoảnh khắc con ngựa đã chạy được cả mấy dặm!

Con Chiếu dạ sư tử mã mạnh mẽ lạ thường, sau khi bị đau thì hí dái một tiếng, đột nhiên nhảy lên, phóng tới. Trương Đan Phong cười lớn nói: “Hay lắm, hay lắm!”

Lam Thiên Thạch điểm hai bút tới, Hắc Bảo Xuân vung cây roi cuộn ra, cả ba người đều có ý muốn chặn Trương Đan Phong lại, không để cho chàng phóng lên lưng ngựa. Trương Đan Phong lắc người, xông về phía vị trí của Vân Lối, Vân Lối nghiến răng chém xéo ar một kiếm về phía mặt Trương Đan Phong, nói thì chậm, nhưng sự việc diễn ra rất nhanh, con Chiếu dạ sư tử mã cũng xông tới, Châu Sơn Dân buộc phải lùi xéo để né tránh, Trương Đan Phong nhảy vọt lên lưng ngựa, Hắc Bảo Xuân đột nhiên phóng ra hỏa linh châu, tuy rất nhanh nhưng con ngựa ấy càng nhanh hơn, cả ba trái hỏa linh châu đều rơi ở phía sau nó. Chỉ nghe chàng ta kêu rằng: “Xin thứ không thể phụng bồi, ba ngày sau sẽ gặp lại!” Tiếng cười và tiếng vó ngựa tan trong không trung, trong chớp mắt người và ngựa đều mất dạng.

Vân Lối đứng thẫn thờ, Lam Thiên Thạch, Hắc Bảo Xuân, Châu Sơn Dân đều tiu nghỉu. Một lát sau, Triều Âm hòa thượng mới kìm chế được con ngựa của mình, lúc này ông ta chầm chậm dong ngựa trở về, thấy mọi người như thế thì cười khổ rằng: “Đêm nay chúng ta đều đã thất bại. Nói không chừng ba ngày sau, ta cũng phải ra tay”.

Sáng sớm hôm sau, mọi người cùng kéo nhau đi vê phía tây, Thạch Thúy Phượng vừa giận dỗi vừa đau lòng, nàng chẳng thèm nói lời nào với Vân Lối. Còn Châu Sơn Dân thì cứ mãi suy nghĩ, sau trận đánh đêm qua, chàng biết võ công của Trương Đan Phong hơn hẳn Vân Lối, rõ ràng Trương Đan Phong biết nàng là kẻ thù, nhưng vẫn không nỡ đả thương nàng, đủ thấy hai người đã có tình ý với nhau. Trên suốt quãng đường chàng cứ rầu rĩ không vui, cũng chẳng nói năng gì với Vân Lối. Vân Lối mừng vì lỗ tai được yên, chỉ là nỗi buồn trong lòng cứ tăng theo thời gian.

Ba ngày sau, mọi người đã đến Lộc Hoạt, ngôi làng Tất Đạo Phàm đang ở có núi sông vây quanh, địa thế rất hiểm trở. Triều Âm hòa thượng cỡi ngựa đi trước, báo tên cho gia nhân, chỉ thấy quần hùng đã tụ tập trong nhà họ Tất, tất cả đều lộ vẻ nôn nóng. Triều Âm và Tất Đạo Phàm hơn hai mươi năm không gặp, đương nhiên không nén được vui mừng, sau khi chủ và khách đã ngồi xuống, những anh hùng lục lâm nhận được Lục Lâm tiễn, lại được Trương Đan Phong mời đến đều nôn nóng đến hỏi Châu Sơn Dân, rốt cuộc thư sinh đi ngựa trắng mà họ phải đối phó có lai lịch như thế nào.

Tất Đạo Phàm nói: “Lệnh tôn Kim Đao trại chủ tuy chưa gặp mặt với at, nhưng từ lâu đã biêt1 rõ lòng nhau, người ông ta phải truy bắt chắc chắn là hạng cùng hung cực ác, chỉ cần thế sự bố trí ngày hôm nay của kẻ địch đã đủ thấy lòng dạ nham hiểm vô cùng, Thiếu trại chủ không cần phải nói nhiều, tại hạ cũng động thủ với y”. Rồi ông ta đưa mắt liếc nhìn, thấy chỉ có mỗi mình Thạch Thúy Phượng là nữ tử, Tất Đạo Phàm vuốt râu cười: “Xin thứ tại hạ không biết trong chốn lục lâm lại có một nữ trung hào kiệt”.

Châu Sơn Dân đáp thay rằng: “Cô nương này chính là viên ngọc quý của Oanh Thiên Lôi”.

Thạch Thúy Phượng bước tới thi lễ rồi lớn giọng nói: “Gia phụ có thư hỏi thăm”.

Tất Đạo Phàm cả mừng cười: “Nếu Oanh Thiên Lôi có chuyện gì căn dặn, ta dầu sôi lửa bỏng cũng không từ, ta đã đợi bức thư này hơn mười năm nay!” Thế rồi xé thư ra xem, sắc mặt đột nhiên thay đổi.

Vân Lối đang rất hồi hộp trong lòng, không biết trong thư nói gì, chỉ thấy Chấn Tam Giới Tất Đạo Phàm xem đi xem lại rồi chậm rãi gấp thư cất vào trong áo. Châu Sơn Dân đang định lên tiếng nói lai lịch của thư sinh ấy, Tất Đạo Phàm đã liếc mắt, chậm rãi nói: “Thiếu trại chủ không cần phải nói, ta đã có tính toán”.

Rồi ông ta đưa mắt liếc nhìn Vân Lối, Châu Sơn Dân nói: “Vị anh hùng này là sư điệt của Triều Âm đại sư, cũng chính là nữ tế của Thạch lão anh hùng”.

Tất Đạo Phàm nói: “Nữ tế của Oanh Thiên Lôi đã đến, đáng tiếc lại không có ông ta! vụ án này e rằng không thể nào giải quyết cho dứt khoái được”. Thế rồi ông ta ngẩng đầu nhìn lên trời, quần hùng đang ngồi đều nín thở ngưng thần, chỉ nghe ông ta cười khan một tiếng rồi vẫy tay về phía Vân Lối, Thạch Thúy Phượng nói: “Theo ta đến đây!” Rồi chậm rãi nói: “Nếu Bạch Mã thư sinh ấy có đến đây Triều Âm sư huynh hãy thay tôi ứng phó” Tuy ông ta đã hoàn tục, nhưng vẫn xưng hô với Triều Âm hòa thượng như ngày xưa.

Vân Lối, Thạch Thúy Phượng theo ông ta ra hành lang, lên một tòa tiểu lâu, trên tiểu lâu có treo một bức họa, trên bức họa vẽ cảnh sông núi nước non giống hệt như bức tranh trong phòng của Thạch Anh, chỉ là nhỏ hơn nhiều mà thôi. Chưa kịp ngồi yên thì có một đứa trẻ chạy vào, chỉ bức tranh nói: “Cho con bức tranh này!”

Đứa trẻ khoảng bảy tám tuổi, trông rất dễ thương. Tất Đạo Phàm vuốt râu, lấy bức tranh xuống, trao cho đứa trẻ rồi bảo: “Cầm đi! Hôm nay có thể thấy tranh thật, ta không cần đến nó nữa”. Đứa trẻ cầm bức tranh nhảy chân sáo ra ngoài, chắc là nó đã xin cha mình nhiều lần, nhưng hôm nay mới được.

Tất Đạo Phàm chờ cho đứa trẻ đi xuống, mới mỉm cười: “Thạch cô nương, năm ấy khi ta đến nhà cô nương, cô nương cũng còn bé như nó. Cô nương có nhớ không?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Cha tôi phải nằm liệt giường hai tháng, chuyện này tôi làm sao quên?”

Tất Đạo Phàm thở dài, nói: “Ngày đó ta rất hung dữ, cho đến hôm nay cô nương vẫn còn giận ta ư? Cha cô nương có nói cho cô nương biết hay không?”

Thạch Thúy Phượng nói: “Cha tôi thì không căm giận ông. Nếu hôm nay ông ra tay giúp báo thù, tôi cũng phải đáp tạ ông”.

Tất Đạo Phàm ngạc nhiên nói: “Báo thù, báo thù gì?”

Thạch Thúy Phượng ngạc nhiên nói: “Chẳng phải cha tôi đã nói rõ trong bức thư rồi ư? Bạch Mã thư sinh ấy là kẻ thù của Vân tướng công?”

Tất Đạo Phàm trợn mắt nhìn nàng, hỏi: “Cái gì?”

Sắc mặt Vân Lối trắng bệt, nàng nói: “Thạch cô nương nói không sai. Chỉ là chuyện báo thù, tôi không muốn nhờ vả người khác!”

Tất Đạo Phàm nói: “Chí khí lớn lắm! Ta không ngờ trong đó lại có nhiều chuyện như thế này, thật khiến cho ta khó xử”.

Thạch Thúy Phượng nói: “Cái gì? Không ngờ ư? Thế cha tôi đã nói gì trong thư?”

Tất Đạo Phàm mỉm cười, quay mặt về phía Thạch Thúy Phượng, trầm giọng nói: “Hôm nay tôi hẹn cô nương đến đây là muốn kể cho cô nương nghe một câu chuyện, câu chuyện này cả cha cô nương cũng không hề biết. Đã từ lâu, có một nhà sư già tinh thông võ công, hiểu rõ việc đời. Lúc đó Trung Hoa bị dị tộc chiếm lấn, thiên hạ hỗn loạn, có hai anh em kết nghĩa, người anh buôn muối lậu, người em là một kẻ ăn mày. Hai người có chí lớn, đều muốn dấy binh đuổi người Hồ. Nhà sư già ấy đi trước họ một bước, đã dựng lá cờ nghĩa ở Hoài Tâỵ...”.

Vân Lối chợt chen vào: “Nhà sư già có hai học trò, một kẻ là người anh buôn muối lậu, và một kẻ là người em ăn mày”.

Tất Đạo Phàm mỉm cười nói: “Vẫn chưa đủ, nhà sư ấy không phải có hai học trò mà có đến ba học trò. Công tử đã nghe câu chuyện không đầy đủ này ở đâu?”

Vân Lối nói: “Thật không dám giấu, đó chính là kẻ hôm nay chúng ta phải đối phó. Y vốn bảo rằng sẽ kể ba câu chuyện, đoạn đầu của câu chuyện đầu tiên chẳng khác gì những lời ông mới nói, câu chuyện thì tôi đã biết, nhưng câu chuyện thứ ba thì vẫn chưa nghe y kể”.

Thạch Thúy Phượng rất ngạc nhiên, thấy Tất Đạo Phàm chăm chú lắng nghe, mặt không đổi sắc, tựa như đã đoán được điều này. Chỉ nghe Tất Đạo Phàm tiếp lời: “Đúng thế. Y biết nhiều hơn ta, những điều ta nói hôm nay có lẽ cũng chỉ là một nửa của câu chuyện thứ ba”.

Thạch Thúy Phượng sắc mặt nặng nề, liếc mắt nhìn Vân Lối, tựa như đang oán trách “chàng” vẫn giấu mình.

Tất Đạo Phàm nói: “Nếu chuyện này y đã kể, ta cũng không cần giấu họ tên nữa. Kẻ buôn muối lậu là Trương Sĩ Thành, kẻ ăn mày là Chu Nguyên Chương, còn nàh sư già ấy chính là Bành Oánh Ngọc. Bành Oánh Ngọc còn có một học trò tên là Tất Lăng Hư, người này thông hiểu binh thư, túc trí đa mưu, đã từng theo Bành Oánh Ngọc đi khắp thiên hạ, cải trang thành các hạng người, cũng đã từng là hòa thượng và kẻ ăn mày. Trước khi Chu Nguyên Chương tham gia quân khăn đỏ, đã từng làm một tiểu đầu lĩnh trong nghĩa quân của sư phụ y. Chuyện này chắc người ấy đã kể cho công tử biết. Lúc đó quân Nguyên vẫn còn hùng mạnh, trong số anh hùng nổi dậy, binh lực Bành Oánh Ngọc không lớn, đã bị quân Nguyên đánh bại vài lần, tình thế rất nguy hiểm. Chu Nguyên Chương có dã tâm rất lớn, trong một lần binh bại thế nguy, y đã bán đứng sư phụ của mình cho quân Nguyên rồi giả vờ than khóc, thu xếp tán cuộc, dắt bộ thuộc của sư phụ gia nhập vào quân Hồng Cân, toan lợi dụng quân Hồng Cân tranh đoạt thiên hạ. Chu Nguyên Chương tưởng rằng sư phụ đã chết, thật sự ông ta không chết, trên đường quân Nguyên giải ông ta lên Bắc Kinh, Tất Lăng Hư đã ngàn dặm đuổi theo, sắp xếp mưu kế, cuối cùng đã cứu thoát ông ta, trong đó có nhiều chuyện rất phức tạp, ta cũng không cần phải nói kỹ.

Lúc này Trung Nguyên đã rất hỗn loạn, hai thầy trò Bành Oánh Ngọc không về được Giang Nam, cho nên đã tụ tập nghĩa binh, mưu đồ nổi dậy một lần nữa. Nhưng miền bắc là căn cứ địa của quân Nguyên, hai người Bành Tất đang mưu đồ khởi nghĩa, bị quân Nguyên tấn công, trong một trận chiến, Bành Oánh Ngọc đã bị trọng thương, trước khi chết còn nói với Tất Lăng Hư rằng: “Đời người ai cũng chết, nay ta đã chết trên sa trường, còn tốt hơn chết trên giường bệnh. Nay có một chuyện vẫn chưa xong, con hãy làm thay cho ta. Cứ theo đà này, người Hán chắc chắn sẽ đuổi được người Hồ. Theo ta thấy, người có thể làm được điều đó chắc chắn là hai sư huynh của con, nếu không Chu thì là Trương. Chu Nguyên Chương hùng tài đại lược, nhưng lại là kẻ khắc nghiệt vô ơn, không phải ta hận hắn đã bán đứng ta, ta thật sự không muốn hắn làm Hoàng đế, bởi vì như thế trăm họ sẽ rơi vào khổ cực. Ta từ nhỏ đã phiêu bạt giang hồ, đi khắp trong thiên hạ, biết rõ địa thế ở các nơi, cho nên đã vẽ lại một bức bản đồ, ai có được bức bản đồ này sẽ làm nên nghiệp bá. Con hãy trao bức bản đồ này cho Trương Sĩ Thành. Sau khi Bành Oánh Ngọc qua đời, Tất Lăng Hư đã mạo hiểm cầm bản đồ xuống miền Nam. Đáng tiếc ông ta đã quá muộn, khi đến được Giang Nam thì cuộc tranh hùng giữa Chu và Trương đã thay đổi, Trương Sĩ Thành bị vây ở Tô Châu, đã sắp đến ngày bị tiêu diệt. Ông ta không muốn bị vây mà chết, cho nên mới đánh liều một phen, hẹn Chu Nguyên Chương đánh một trận cuối cùng ở Trường Giang.

Tất Lăng Hư khuyên ông ta bảo toàn thực lực, mở đường máu bỏ chạy, Trương Sĩ Thành cười lớn rằng: “Ta làm sao có thể thất tín với thằng ăn mày ấy”. Thế rồi ngay đêm ấy gọi một họa sư, vẽ lại bức tranh phong cảnh của Tô Châu. Trương Sĩ Thành rất thích đánh cờ vây, đêm ấy vẫn ngồi uống rượu đánh cờ với Tất Lăng Hư, đến khi trời sáng thì tên họa sư cũng vẽ xong, bức tranh ấy rất kỹ càng, núi non thành quách đều nằm trong bức bản tranh. Trương Sĩ Thành giấu châu báu vào bức bản đồ của Bành Oánh Ngọc ở một chỗ vắng vẻ, rồi đánh giấu lên bức tranh, sai một người thân tín đem bức tranh cùng con trai của ông ta bỏ trốn ngay trong đêm ấy. Tất Lăng Hư rất cảm động, không muốn bỏ đi trong lúc nguy nan, trong trận chiến ở Trường Giang, ông ta đã chết trước cả Trương Sĩ Thành. Ông ta còn có một đứa con nhỏ đã bỏ chạy theo loạn quân, may mà còn giữ được tính mạng”.

Thạch Thúy Phượng nghe thế thì giật mình, hỏi: “Bức tranh đó ở đâu?” Nói chưa xong, chợt thấy một cây hỏa tiễn màu lam phóng lên trên trời, có người kêu: “Bạch Mã thư sinh đã đến!”

Tất Đạo Phàm chậm rãi đứng dậy, mỉm cười: “Bức họa ấy nằm ở trong nhà của Thạch cô nương, giờ đây có lẽ đã nằm trong tay của Bạch Mã thư sinh!”

Thạch Thúy Phượng mở to mắt, chỉ nghe Tất Đạo Phàm lại mỉm cười nói: “Thư của cha cô nương nói rằng ta phải gặp Bạch Mã thư sinh này, không phải có chuyện cần giúp, càng không phải nhờ ta báo thù. Tất cả mọi chuyện đều do ta xử trí. Nhưng hiện giờ ta vẫn còn nhiều chuyện chưa hiểu, đáng tiếc cha cô nương lại không chịu đến gặp ta. Chuyện hôm nay thật khiến cho ta khó xử!”

Vân Lối đứng ngẩn người ra, chỉ nghe tiếng cười của Trương Đan Phong từ xa đã đến gần. Tất Đạo Phàm nói: “Không biết Bạch Mã thư sinh ấy là người thế nào, ta phải đi gặp y!” Thế rồi tay trái dắt Vân Lối, tay phải dắt Thúy Phượng chậm rãi bước xuống lầu.

Vân Lối lòng lo như lửa đốt, vừa mới ra bên ngoài thì thấy Triều Âm hòa thượng đang đánh nhau với Trương Đan Phong.

Công phu ngoại gia của Triều Âm hòa thượng đã lên đến mức đăng phong tạo cực, đã sớm đồn khắp giang hồ, quần hào đứng vây quanh nhìn hai người, cây thiền trượng to như miệng bát của Triều Âm hòa thượng kêu lên vù vù, còn thư sinh ấy thì người nhẹ nhàng phiêu hốt, kiếm thế như cầu vồng, kiếm trượng giao nhau trong nhất thời vẫn chưa biết ai thắng ai thua.

Hai người đánh được nửa canh giờ, Triều Âm hòa thượng quát lớn một tiếng, vung tròn cây thiền trượng quét mạnh ra như giao long xuất động, dời núi lấp biển, Trương Đan Phong thu kiếm thế lại, đạp vào phương vị ngũ hành bát quái từng bước thối lui. Tất Đạo Phàm mỉm cười: “Phục Ma trượng pháp của Triều Âm sư huynh đã tiến bộ. Kiếm pháp của Bạch Mã thư sinh thì ta chưa từng thấy qua”. Đang nói thì hai người đã đấu được thêm hơn mười chiêu nữa, Triều Âm hòa thượng từng bước thối lui, chợt nghe keng một tiếng, tia lửa bắn ra tung tóe, cây thiền trượng của Triều Âm hòa thượng đã bị mẻ mất một miếng, quần hào lục lâm đều kinh hoảng.

Triều Âm hòa thượng đột nhiên phóng vọt tới, vung cây thiền trượng đâm ra, đây là một chiêu sát thủ trong Phục Ma trượng pháp, lại thêm công lực mấy mươi năm của Triều Âm hòa thượng, ông ta đột nhiên tung đòn ar tựa như đâm tựa như quét, trong khoảnh khắc trượng ảnh đã chặn kín xung quanh Trương Đan Phong, Vân Lối kinh hãi kêu lên, chợt nghe Triều Âm hòa thượng cười lớn, còn thanh kiếm của Trương Đan Phong thì đã bay lên không trung.

Quần hào lục lâm đều reo lên như sấm dậy, chợt thấy Triều Âm hòa thượng thu thiền trượng, nhảy vọt ra khỏi vòng chiến, Trương Đan Phong nhảy lướt lên chụp lấy thanh kiếm. Triều Âm hòa thượng nói: “Sư phụ của ngươi tuy đáng ghét, nhưng ngươi là hạng tiểu bối trong bổn môn, ta không muốn lấy lớn hiếp nhỏ, ngươi hãy cứ đi đi!”

Quần hào lục lâm đều ngạc nhiên xôn xao bàn tán. Tất Đạo Phàm mỉm cười nói: “Sự việc càng lúc càng lạ, Bạch Mã thư sinh làm sao có thể lại trở thành đồng môn với Triều Âm sư huynh? Thiền trượng bị chặt, bảo kiếm đã rơi, thú vị! Thú vị”.

Trương Đan Phong nắm chui kiếm, thần thái vẫn tự nhiên, lớn giọng nói: “Vãn bối Trương Đan Phong đến đây theo lời hẹn, kính mong Tất lão anh hùng ra gặp mặt”.

Hắc trang chủ và Độc Hành Đại Đạo Quảng Trung là hai kẻ nóng nảy nhất, Trương Đan Phong chưa lên tiếng, cả hai đã nhảy vọt ra, một người sử dụng roi dài, một người sử dụng thiết bài, roi dài cuốn tới, thiết bài vỗ xuống, hai món binh khí đánh tới như mưa. Trương Đan Phong giơ kiếm ngang trước ngực, người xoay chuyển nhẹ nhàng, không ra đòn phản công, hai người Hắn Quảng đang định đổi chiêu thì chợt thấy Trương Đan Phong lách người, đã thoát ra khỏi kẽ hở của hai món binh khí. Chỉ nghe Tất Đạo Phàm kêu: “Xin hãy ngừng tay, Trương công tử hãy theo tôi!”, giọng nói như chuông đồng trấn động cả toàn trường. Quần hào đều nghĩ bụng: “Chắc chắn Chấn Tam Giới sẽ đích thân tỉ thí với y!”

Chỉ thấy Tất Đạo Phàm chậm rãi tiến về phía trước, dắt Trương Đan Phong ra hoa viên ở phía sau, vào một cái đình nhỏ, trên bàn đá có một bàn cờ vây, quân cờ trong bàn thưa thớt, chắc là vẫn chưa đánh xong.

Tất Đạo Phàm gọi người nhà rót hai bình rượu mang ra rồi bảo: “Danh tướng thích chơi cờ, cao nhân thích ngắm trăng, xưa nay đều như thế cả, công tử có thích chơi một bàn không? Đáng tiếc lão hủ ở đây không có tranh để ngắm!”

Trương Đan Phong mỉm cười, vái dài rồi nói: “Vãn sinh bất tài, nghe tiếng đàn ca thì hiểu nhã ý. Vãn sinh có mang theo một bức tranh, tuy không phải là thủ bút của danh gia, nhưng cũng rất đáng xem”. Thế rồi lấy ra một bức tranh treo lên trong đình, Tất Đạo Phàm liếc nhìn, đột nhiên thở dài, hạ giọng nói: “Giang sơn yên bình ta lại đến. Năm xưa khi vẽ bức tranh này chắc là có người cũng uống rượu đánh cờ, Trương công tử, công tử kỳ nghệ cao cường, xin mời hay chọn quân trắng”.

Hành động của hai người khiến cho quần hào đều bất ngờ. Truyền Lục Lâm tiễn là chuyện rất hệ trọng, thế mà họ lại ngồi ở đây ngắm trăng đánh cờ. Triều Âm hòa thượng cũng ngạc nhiên nói: “Tên sư điệt này mình chưa hề gặp qua, sao Chấn Tam Giới lại biết y kỳ nghệ cao cường?”

Vân Lối đứng một bên, đột nhiên quay đầu nói: “Y đương nhiên biết đánh cờ, có phải bức tranh này là phong cảnh Tô Châu không?”

Triều Âm hòa thượng ngạc nhiên hỏi: “Con chưa từng đến Tô Châu, sao lại biết?”

Thạch Thúy Phượng cũng lạnh lùng nói: “Y đương nhiên biết”.

Hai người vừa uống rượu vừa đánh cờ, quần hào đứng từ xa đều nôn nóng. Tất Đạo Phàm cầm quân đen hạ xuống trước, giở tay bày ra cuộc thế “Yến song phi”, Trương Đan Phong đi quân cờ đầu tiên lại đặt vào giữa bàn cờ, chiếm vị trí thiên nguyên. Thuật ngữ cờ vây có nói: “Kim biên ngân giáp thạch đổ tử”, có nghĩa là khuyên người ta nên giữ ở vị trí gốc, còn đặt ở giữa bàn cờ thì rất dễ bị người ta chiếm lấy. Trận thế “Yến song phi” mà Tất Đạo Phàm bày ra, là chiến lược giữ gốc. Không ngờ Trương Đan Phong không muốn giành các vị trí gốc với ông ta mà đã chiếm ở giữa. Tất Đạo Phàm khen rằng: “Hào khí của công tử quả thực hơn người trước, có thật là không muốn tranh đất với tại hạ không?” Thế rồi suy nghĩ một lúc lâu, cuối cùng hạ xuống một quân cờ, còn Trương Đan Phong thì hạ xuống ngay chẳng hề suy nghĩ, nửa canh giờ sau, quân cờ trong bản vẫn thưa thớt, Tất Đạo Phàm chảy mồ hôi ròng ròng, đột nhiên đứng dậy, gạt quân cờ trong bàn, buồn bã nói: “Ván cờ này tôi không thể tranh với công tử được nữa!”

Trương Đan Phong mỉm cười đứng dậy, nói: “Đã nhường!” rồi cuốn bức tranh lại. Quần hào đều xôn xao, Tất Đạo Phàm liếc mắt, đột nhiên nói: “Trương công tử, không phải lão hủ không biết tiến thoái, công tử đã hẹn nhiều bằng hữu đến đây, lão hủ cũng muốn thỉnh giáo vài chiêu kiếm pháp của công tử theo lệ!”

Trương Đan Phong không ngờ Tất Đạo Phàm lại nói như thế, nhưng chàng vẫn thản nhiên, nói: “Đã như thế, mong lão tiền bối hãy nương tay”.

Tất Đạo Phàm lấy một cây gậy gỗ ở góc tường ra, cười rằng: “Cây gậy ăn mày này vẫn còn sử dụng được!”

Cây gậy của Tất Đạo Phàm được làm từ gỗ giáng long, cứng rắn như sắt đá. Trương Đan Phong vẫn đứng yên thủ thế, Tất Đạo Phàm biết chàng không chịu ra tay trước, chỉ múa gậy về phía chàng nói: “Hãy để ý tiếp chiêu”, rồi giở gậy lên quét tới, Trương Đan Phong nói một chữ hây, đột nhiên lắc người phóng lên, cây gậy giáng long lướt qua dưới chân chàng, chàng chưa hạ xuống thì kiếm quang đã nổi lên, một chiêu Bạch Hồng Quán Nhật đâm vào huyệt Hoa Cái của Tất Đạo Phàm, Tất Đạo Phàm cũng kêu lên một tiếng hây!”

Cây gậy giáng long trầm xuống phía dưới, một chiêu Bình Sa Lạc Nhạn quét xéo vào mạch môn, Trương Đan Phong đột nhiên đánh ra một kiếm Nhật Nguyệt Kinh Thiên, kiếm quang như cầu vồng quét ngang ra, thế công của Tất Đạo Phàm hoàn toàn bị phá giải. Tất Đạo Phàm khen rằng: “Kiếm pháp của Trương huynh quả nhiên siêu phàm!”

Đột nhiên cây gậy giáng long kéo ngược về nhanh như điện chớp, xem ra Trương Đan Phong không thể né được nữa, chàng đột nhiên lật ngược thân kiếm lại, thân pháp cũng nhanh như kiếm chiêu, phối hợp rất kín kẽ, lướt xéo qua cây gậy gỗ, chàng hất kiếm lên, tia lửa bắn ra tung tóe. Tất Đạo Phàm tựa như kinh hoảng, khi rút gậy lại nhìn thì nhát kiếm của Trương Đan Phong đã quét qua cổ ông ta, Tất Đạo Phàm lách người né tránh, xoay qua một bên, quần hào đều thầm kinh hoảng trong lòng. Triều Âm hòa thượng lại ngạc nhiên, mũi kiếm ấy chỉ cần hơi nghiêng qua, thì có thể đâm trúng, chả lẽ Trương Đan Phong không thể khống chế được kình lực của mình?

Tất Đạo Phàm biết chàng có ý nhường nhịn, khi nhìn lại cây gậy giáng long thấy không mẻ miếng nào thì mới cười ha hả nói: “Bảo kiếm của công tử và gậy của tôi đều không hề bị tổn thương, không cần lo lắng”.

Thế là vung cây gậy đánh tới, Trương Đan Phong chú ý ứng phó, chỉ cảm thấy gậy của ông ta có một luồng kình lực vô hình, tựa như gió trời mưa biển dồn tới. Thì ra luận về thân pháp, ông ta có phần hơn Trương Đan Phong, nếu luận về nội lực, Trương Đan Phong lại cao cường hơn Tất Đạo Phàm nhiều. Đánh được ba mươi mấy chiêu, Trương Đan Phong đánh ra một chiêu Long Môn Cổ Lãng, kiếm thế dồn tới, khi thấy mũi kiếm sắp chạm vào cây gậy giáng long, chợt bị Tất Đạo Phàm kéo gậy qua một bên, chợt khom người tựa như muốn ngã xuống. Chỉ nghe vù một tiếng, cây gậy của Tất Đạo Phàm đã quét qua sống lưng chàng, Trương Đan Phong xoay người nhảy vọt qua một bên, quần hào đều kêu thầm trong lòng: “Thật đáng tiếc!”

Triều Âm lại rất ngạc nhiên, cây gậy ấy chỉ cần hạ xuống một chút thì có thể đánh gãy xương sống lưng của Trương Đan Phong, chả lẽ Tất Đạo Phàm cũng không thể tự khống chế kình lực của mình?

Trương Đan Phong biết Tất Đạo Phàm đã nhường một chiêu, chàng định tìm cách hỏi Tất Đạo Phàm tại sao làm thế. Chợt nghe Tất Đạo Phàm cười ha hả, cầm côn xông tới.

Đó chính là:

Tỉ thí mới biết mối hận cũ, tựa như ván cờ tàn.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau phân giải.


/31

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status