Bình Tung Hiệp Ảnh Lục

Chương 15: Gian hoạn lộng quyền trầm oan thùy dữ tuyết - Lôi đài tranh thắng hiệp sĩ ám phi châm

/31


Vân Lối nhìn thấy bóng Trương Đan Phong, bất giác ngẩn người ra. Một lát sau mới sực tỉnh, một làn gió mang hương hoa thổi tới, khiến cho nàng lấy lại tinh thần, đứng bên ngoài cửa sổ lắng nghe.

Chỉ nghe Trương Đan Phong nói: “Thoát Bất Hoa tuy là vua Ngõa Thích, nhưng quyền hành đều nằm trong tay Dã Tiên, một phần thì nằm ở trong tay A Thích. Cho nên thật sự Ngõa Thích đang bị chia ba. Lần này Vương Chấn chủ trương bắt giữ A Thích, tôi thấy đó có lẽ là ý của Dã Tiên”.

Vu Khiêm nói: “Tại sao?”

Trương Đan Phong nói: “Đó chính là mượn đao giết người. Tôi biết con người Dã Tiên, dã tâm của y rất lớn, tự xưng là người kế thừa của Thành Các Tư Hãn, y sớm muội gì cũng sẽ đoạt ngôi, A Thích và Thoát Bất Hoa tương đối gần gũi nhau, nếu y trừ được A Thích thì sau này sẽ đoạt ngôi dễ dàng hơn nhiều”.

Vu Khiêm chép miệng: “Nghe công tử nói mà tôi đã hiểu ra nhiều. Đáng tiếc triều ta không ai biết tình hình của kẻ địch”.

Trương Đan Phong nói: “Nếu Ngõa Thích xảy ra chuyện tranh chấp nội bộ thì đó là phước của triều Minh”. Thế rồi cười khổ, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, Vân Lối vội vàng thu mình nấp vào trong bụi hoa, thầm nhủ rằng: “Trương Đan Phong rõ ràng có thù với Thiên tử nhà Minh, sao chàng lại lo cho nhà Minh đến thế?”

Chỉ nghe Trương Đan Phong lại nói tiếp: “Đàm Đài Diệt Minh thật ra là một người Hán được sinh ra ở Ngõa Thích, y tương đối gần gũi với A Thích, đêm qua tôi đã gặp y, nhờ y dùng đại nghĩa khuyên cha tôi thuận nước đẩy thuyền, gây rối nội bộ nước Ngõa Thích”.

Vu Khiêm nói: “Lệnh tôn có chịu không?”

Trương Đan Phong nói: “Thật không dám giấu, ông quả thật có ý giành lại giang sơn nhà Minh, nhưng ông cũng không quên mình là người Hán, cho nên chuyện này thành hay bại cũng khó đoán”.

Vu Khiêm chợt hỏi: “Sao công tử không đích thân khuyên lệnh tôn”.

Trương Đan Phong nói: “Lần này tôi về Trung thổ còn có một chuyện rất quan trọng, đó là phải lấy cho bằng được báu vật liên quan đến vận nước, cho nên không thể lập tức trở về”.

Vu Khiêm nói: “Ngõa Thích có nội loạn hay không vẫn chưa biết, nhưng người Ngõa Thích đã sắp đánh tới nơi, vậy phải nên làm thế nào đây?”

Trương Đan Phong nói: “Trung Quốc lớn hơn Ngõa Thích gấp mười lần, nếu muôn người có thể chung lòng thì sợ gì cường địch?”

Vu Khiêm nói: “Chỉ e không thể muôn người đều một lòng!”

Trương Đan Phong nói: “Phiêu kỵ tướng quân Quách Đăng, Binh bộ chủ sự Dương Hồng, Đại thống lĩnh Ngự lâm quân Trương Phong Phủ đều là những người có tài, đại nhân có thể sắp xếp trước. Vương Chấn tuy quyền cao thế lớn, nhưng ai cũng biết y là gian thần, đến khi vận nước gặp nguy, đại nhân chỉ cần kêu một tiếng, đương nhiên bốn phương sẽ hưởng ứng, tên họan quan Vương Chấn làm sao có thể ngăn cản được?”

Vu Khiêm thở dài nói: “Thành bại khó biết, tôi chỉ mong dốc hết sức mình mà thôi”.

Trương Đan Phong nói: “Tà không thể thắng chính, đó là điều chắc chắn!”

Vu Khiêm nói: “Công tử sáng suốt, suy nghĩ sâu xa quả thật là kỳ tài trên đời này, tại sao không chịu đứng ra giúp cho nước nhà?”

Trương Đan Phong mỉm cười nói: “Mỗi người đều có chí riêng, hơn nữa nam nhi trả ơn nước đầu cần phải đứng trong triều?”

Vu Khiêm bất giác buồn bã. Trương Đan Phong biết mình nói hơn quá đáng, thế rồi cười nói: “Nhưng trụ cột triều đình như đại nhân thì lại khác”.

Vân Lối đứng bên ngoài nghe Trương Đan Phong nói chuyện với Vu Khiêm, phân tích tình hình kẻ địch, bàn bạc chuyện nước nhà, có thể thấy tấm lòng trung của chàng đối với đất nước. Bất giác không khỏi kinh ngạc và vui mừng. Kinh ngạc là vì Trương Đan Phong hành sự rất khó lường; vui mừng là vì mình quả nhiên không nhìn sai người, Trương Đan Phong là một người mang bầu máu nóng. Bất giác cảm thấy mối thù oán giữa hai nhà thật vô vị.

Chỉ nghe Trương Đan Phong lại nói: “Lần này tôi vào kinh mạo hiểm đến gặp, được đại nhân tin mà không nghi ngờ, ngày sau nếu có cần gì thì dù thịt nát xương tan cũng sẽ dốc hết lòng”.

Vu Khiêm nói: “Công tử nên trả ơn nước chứ không phải trả ơn tôi”.

Trương Đan Phong nói: “Nam nhi phải đến nợ nước, cần gì phải so đo. Đêm đã khuya, đại nhân nên an giấc. Vãn sinh xin cáo từ”.

Vu Khiêm trầm ngâm, chợt hỏi: “Chừng nào chúng ta gặp lại?”

Trương Đan Phong nói: “Khi cần gặp thì tôi tự nhiên sẽ đến”.

Vu Khiêm nói: “Người xưa có nói, bạch đầu như tân, khoảnh trái như cố (hai câu này có nghĩa là, có những người làm bạn suốt đời với nhau, đến khi đầu bạc răng long, nhưng vẫn như mới gặp nhau, đôi bên chẳng hiểu nhau nhiều. Có những người chỉ gặp nhau qua đường, ngừng xe lại, giở rèm xe ra nói chuyện, nhưng tựa như bạn bè thân thiết lâu năm. Cho nên tình bằng hữu có thân thiết hay không là không phải ở thời gian mà là có hiểu nhau hay không). Lời này rất đúng. Tôi đến lúc về chiều mới có thể quen biết một tri kỷ vong niên như công tử, thật là chuyện vui trong đời”.

Trương Đan Phong cười nói: “Sau này sẽ gặp lại, mong đại nhân đừng tiễn”. Thế rồi nghe tiếng Vô Kỵ mở cửa, Trương Đan Phong bước ra ngoài.

Trong khoảnh khắc, Vân Lối rối bời lòng dạ, gặp hay không gặp, trong nhất thời nàng không thể quyết định. Chỉ nghe Trương Đan Phong bước ra khỏi thư phòng, đang từ biệt Vu Khiêm, Vân Lối chợt nhớ đến lời của Trương Đan Phong: “Khi cười thì nên cười thì nên cười, khi khóc thì nên khóc, cần gì phải kìm nén?” Rồi nàng nghĩ: “Vậy mình cũng nên gặp thì gặp, cần gì phải lo lắng?” Khí huyết dâng trào, lòng như lửa đốt, nàng đang định nhảy ra, chợt cảm thấy sau lưng có tiếng gió, tựa như ở eo có người chạm vào, Vân Lối sờ xuống eo mới thấy chỉ còn lại vỏ kiếm. Vân Lối không dám kêu lớn, nàng xoay người vọt lại, hai chưởng quét ra, chợt cổ tay cảm thấy tê rần, phía trước mắt một bóng người xẹt tới, Vân Lối tuy võ công cao cường, nhưng vẫn bị người ấy điểm trúng Ma huyệt, thế rồi nhấc bổng nàng lên, nàng có kêu cũng không ra lời, bên tai tựa như nghe tiếng Trương Đan Phong: “Buông y xuống, buông y xuống. Tiểu huynh đệ, tiểu huynh đệ, có đúng là đệ không?”

Trương Đan Phong tựa như từ sau đuổi tới, nhưng người này chạy nhanh không thể hình dung nổi, Vân Lối bị y kẹp vào người mà tựa như đạp mây cỡi sương. Khinh công của Trương Đan Phong cũng hiếm thấy trên giang hồ, nhưng người này còn nhanh hơn cả chàng, trong khoảnh khắc đã bỏ Trương Đan Phong ở phía sau.

Vân Lối vừa kinh hoảng vừa tức tối, nhưng lại không thể vùng vẫy được, chợt thấy người ấy điểm vào lưng mình, rồi nhẹ nhàng đặt nàng xuống đất. Vân Lối chợt cảm thấy khí huyết lưu thông, tứ chi thoải mái, đang định xông tới thì nhìn thấy người đã bắt cóc mình chính là ông già hôm trước đã đánh Đàm Đài Diệt Minh bị thương!

Vân Lối chỉ đành khựng lại, ông già ấy săm soi cây Thanh Minh kiếm, nhìn thẳng vào Vân Lối, chợt lên tiếng hỏi: “Sư phụ của ngươi có phải là Phi Thiên Long Nữ Diệp Doanh Doanh hay không?”

Vân Lối nói: “Đúng thế”.

Ông già ấy thở dài, nói: “Đã mười năm nay ta không gặp bà ta, thấy kiếm như thấy người, nay bà ta đã trao Thanh Minh kiếm cho ngươi, chắc là đã làm xong hai chuyện sư tổ sai khiến”.

Mười hai năm trước, Phi Thiên Long Nữ đã phạm lỗi, bị Huyền Cơ Dật Sĩ phạt phải ở lại núi Tiểu Hàn mười lăm năm, trong vòng mười lăm năm này bà ta phải làm xong hai chuyện: Thứ nhất là luyện hai môn võ công khó nhất, thứ hai là dạy một học trò tinh thông Bách Biến Huyền Cơ kiếm pháp, Vân Lối đã từng nghe sư phụ kể lại chuyện này. Lúc này nghe ông già ấy nhắc lại, cho nên vội vàng hỏi: “Người có phải là Đại Kim Cương Thủ Đổng sư bá hay không?”

Ông già này chính là Đại Lực Kim Cương Thủ Đổng Nhạc, nghe thế thì cười ha hả, nói rằng: “Ngươi rất thông minh, đêm qua ta thấy ngươi mang thanh kiếm này đến nhà Trương Phong Phủ, ta đã để ý, chỉ vì thấy ngươi là nữ giả nam cho nên không dám nhận. Quả nhiên ngươi là sư điệt của ta, ngươi có biết tại sao ta không cho ngươi ra tay hay không?”

Vân Lối ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?” Rồi nghĩ bụng: “Mình đâu có muốn động thủ với ai!”

Đổng Nhạc nói: “Lúc nãy ngươi chẳng phải xông ra ám sát Trương Đan Phong ư? Nếu ngươi giết y, ngươi đã sai lầm”.

Vân Lối bị ông ta hiểu lầm, thế nhưng nàng cũng hỏi: “Sai thế nào?”

Đổng Nhạc nói: “Trương Đan Phong tuy là con trai của Trương Tôn Châu, nhưng lại là một người có trái tim yêu nước. Hôm qua sau khi ác đấu với Đàm Đài Diệt Minh, buổi tối ta đã đến khách sạn của tên Phiên vương Mông Cổ, lúc đó Trương Đan Phong đang nói chuyện với Đàm Đài Diệt Minh. Té ra hai người đang bàn bạc một chuyện bí mật, chuyện này con không cần biết, nhưng lại có lợi đối với Trung Quốc. Vì thế ta vốn định đánh Đàm Đài Diệt Minh một chưởng, nhưng đã tha cho y”.

Vân Lối cười thầm: “Chuyện này con cũng đã biết trước”.

Đổng Nhạc nói: “Thử hỏi nếu con giết y thì chẳng phải đã phá hỏng chuyện rồi sao. Hơn nữa võ công của con cũng chẳng phải là đối thủ của y, con có thấy bản lĩnh của y chưa?”

Vân Lối nói: “Đã từng thấy”.

Đổng Nhạc nói: “Ồ, vậy thì càng không nên. Người hiệp sĩ trong võ lâm phải biết tự lượng sức mình. Con tên là gì?”

Vân Lối nói: “Con tên là Vân Lối”.

Đổng Nhạc kêu ối chao một tiếng, nói: “Đi khắp nơi mới tìm được con, té ra con là tiểu muội của Vân Trọng, thật là kỳ lạ! Chả trách nào con đòi giết Trương Đan Phong”.

Vân Lối giở khóc giở cười, Đổng Nhạc lại nói: “Đêm qua ta nghe nói Trương Đan Phong sẽ đến gặp Vu Khiêm, cho nên đã theo dõi, nhưng trên đường có chút chuyện, vì thế đến nơi thì y vừa mới bước ra, không biết họ đã nói gì? Con có nghe không?”

Vân Lối trả lời: “Con cũng không nghe rõ”.

Đổng Nhạc nói: “Cũng không sao. Nghe nói Vân Trọng cũng ở đây, huynh muội các con đã gặp mặt nhau chưa?”

Vân Lối buồn bã nói: “Ca ca đã được điều vào cung làm thị vệ”.

Đổng Nhạc thở dài: “Như thế cũng tốt, nhưng hắn cứ tưởng rằng có làm quan thì mới có thể báo thù rửa hận cho tổ phụ, nhưng lại là sai”.

Vân Lối nói: “Quyền thần đang nắm quyền, Lý Quảng vô công, đại sư bá nói phải lắm”.

Đây là hai câu Đổng Nhạc viết trong thư gởi cho Châu Kiện. Đổng Nhạc nói: “Ồ, té ra con cũng đã xem bức thư đó. Đáng tiếc Trọng nhi không hiểu lý lẽ này. Nói như thế, chúng ta sẽ khó gặp hướng Thế rồi kể lại lời Trương Phong Phủ. Đổng Nhạc nói: “Lần này ta đột nhiên quay về là vì một chuyện rất khẩn cấp, sắp phải gặp sư tổ của con cho nên không thể đến gặp Châu Kiện. Ta đi ngang qua kinh sư cho nên ghé vào dò hỏi tung tích của Trọng nhi, cũng không thể ở lâu được, khi con gặp hắn, hãy chuyển lời của ta”.

Vân Lối gật đầu, Đổng Nhạc lại nói tiếp: “Các con nếu muốn báo thù nhà họ Trương thì cứ theo quy củ võ lâm, ta không quản đến chuyện này. Nhưng Trương Đan Phong là người thuộc lớp các con, mối thù của đời trước không liên quan gì đến y, nếu có thể giải được thì cứ giải. Song đại ca của con là con trưởng, chuyện báo thù con phải nghe hắn. Con cứ chuyển lời của ta, để hắn suy nghĩ”.

Theo quy cử võ lâm, phàm những chuyện liên quan đến thù hận của cha mẹ tổ tiên, dù là bậc sư phụ hay tôn trưởng cũng chỉ có thể khuyên giải, không thể dùng mệnh lệnh ngăn cản cho nên Đổng Nhạc mới nói như thế.

Đổng Nhạc lại nói tiếp: “Còn Trương Tôn Châu ấy là xấu hay tốt, ta vẫn chưa biết. Tạ Thiên Hoa sư đệ giờ đây vẫn còn ở nước Hồ, ta cũng không biết tin tức của y. Lần này ta gặp sư tổ của con là cầu xin ngài cho phép sư phụ của con xuống núi”.

Vân Lối nói: “Có lẽ lúc này nhị sư bá đã đến núi Tiểu Hàn”.

Thế rồi nói sơ qua về chuyện của Triều Âm hòa thượng. Đổng Nhạc cười rằng: “Hay lắm! Xem ra bốn anh em bọn ta đã sắp đến nước Hồ làm chuyện long trời lở đất. Chỉ e sư phụ của con vẫn chưa được xuống núi”.

Huyền Cơ Dật Sĩ đã bế quan hơn ba mươi năm nay, Vân Lối cũng chưa gặp ông ta, nàng nghĩ bụng: “Nếu cả người cũng xuống núi, e rằng đây là chuyện rất khó khăn”. Thế nhưng nàng cũng không dám hỏi nhiều. Đổng Nhạc nhìn sắc trời, nói: “Trời đã sắp đến canh bốn, ngày mai ta sẽ rời kinh, con đang ở đâu, ta không đưa con về được”.

Vân Lối nói: “Con đang ở khách sạn, sư bá cứ tùy tiện, con cũng không đưa người được!”

Lúc này họ đang đứng bên một đầm nước ngoài ngoại ô, dưới ánh trăng bóng nước bàng bạc, trong hồ chỉ có hai bóng người. Đổng Nhạc lại thở dài, nói: “Hơn mười năm ở đất Hồ, cả đầu cũng bạc phơ! Ôi, thời gian qua thật nhanh, nhớ lại năm xưa khi chia tay với sư phụ của con, bà ta cũng trẻ trung như con”.

Vân Lối chợt giật mình, nhớ lại tình cảm của sư phụ với đại sư bá, cho nên nàng rất thắc mắc lời nói ban nãy của Đổng Nhạc. Khi ngẩng đầu nhìn lên thì Đổng Nhạc đã đi xa.

Vân Lối xoay người không bước về khách sạn mà đi thẳng về hướng nhà của Vu Khiêm. Khi đến nơi thì nghe tiếng trống canh gõ bốn lần, chỉ thấy trong thư phòng của Vu Khiêm đèn vẫn sáng trưng. Vân Lối ngạc nhiên nói: “Ồ, ông ta vẫn chưa ngủ!” Thế rồi lặng lẽ đi đến trước cửa phòng, gõ nhẹ mấy tiếng, Vu Khiêm mở cửa phòng, mỉm cười nói: “Vân cô nương, mời cô hãy vào đây, tôi đã đợi cô nương rất lâu!”

Vân Lối cải dạng nam trang, suốt quãng đường chẳng ai nhận ra, Vu Khiêm vừa nhìn thì đã gọi là Vân cô nương, nàng không khỏi ngạc nhiên. Vu Khiêm mỉm cười: “Trương Đan Phong đã sớm cho tôi biết chuyện này, sao đến lúc này cô nương mới đến gặp tôi?”

Vân Lối thấy ông ta cười thân thiết, không khỏi tuôn nước mắt rồi quỳ xuống đất.

Vu Khiêm cúi người đỡ nàng dậy, nói: “Khi ta đi thi, gia gia của cô nương làm chủ khảo, nếu không chê, ta có thể gọi cô nương một tiếng điệt nữ”.

Vân Lối nghe ông ta nhắc tới gia gia thì càng đau lòng hơn, nàng run rẩy hỏi: “Gia gia của con đã chết như thế nào? Có đúng là Hoàng thượng hạ thánh chỉ ban chết hay không? Bá bá có biết nội tình không?”

Vu Khiêm bảo Vân Lối ngồi xuống, rót cho nàng tách trà nóng rồi nói: “Con hãy lau khô nước mắt rồi ta sẽ nói kỹ”.

Vân Lối lau nước mắt lắng nghe. Vu Khiêm thở dài rồi nói: “Năm gia gia con gặp nạn, ta đã làm đến Binh bộ thị lang, nghe tin dữ của gia gia con từ Nhạn Môn quan truyền về, trăm quan văn võ đều rất bi phẫn, mọi người đều bảo gia gia của con bị giữ ở nước người, chăn ngựa hai mươi năm ở vùng tuyết phủ, trước sau vẫn không cúi đầu, quả thật còn hơn cả Tô Vũ, xin Hoàng thượng rửa oan, rửa sạch tội danh, phong tặng tước hiệu. Hoàng thượng thấy tấu chương thì bảo rằng: “Vân Tĩnh đã chết rồi ư, trẫm cũng không biết, để trẫm quay về hỏi thử, tấu chưởng của khanh hãy để lại một bên”. Nói xong thì hạ lệnh bãi chầu, đại thần Lưu Tân không nhịn được, bước ra chạy đến ngự thư phòng hỏi rằng: “Vậy chiếu thư ban chết Vân Tĩnh chẳng phải do Thánh thượng viết ư? Hoàng thượng ấp úng, Tư Lễ thái giám Vương Chấn nghe thế chạy tới, nói: “Hoàng thượng, cả chiếu thư ngài viết mà cũng quên rồi sao?” Hoàng thượng vội vàng nói: “Ồ, phải, phải, chính là trẫm đã viết chiếu thư. Y bị mang tội gì, để trẫm nhớ lại xem”.

Vương Chấn đứng một bên, nói: “Y là sứ thần mà không làm tròn trách nhiệm cho nên bị ban chết”. Hoàng thượng nói: “Đúng thế, đúng thế! Chết vì tội này!” Lưu Tân mắng Vương Chấn rằng: “Rõ ràng ngươi đả giả truyền thánh chỉ, hại chết bậc trung lương, lại còn đổ cho Hoàng thượng, khiến cho Hoàng thượng mất lòng người!” Vương Chấn thẹn quá hóa giận, lập tức bắt Lưu Tân giam vào thiên lao, bịa đặt ra một tội danh xử tử ông ta. Văn võ trong triều không phục dâng tấu chương đàn hạch, sau đó Lưu Tân mới được miễn tội chết, cắt chức làm dân. Một ngự sử khác kêu oan cho gia gia của con cũng bị đày đi Hải Nam, không lâu sau thì bị Vương Chấn hại chết. Những người lên tiếng đàn hạch y đều bị đày đi nơi khác, cả ta cũng bị đày đến Giang Tây làm tuần án”.

Vân Lối phẫn nộ vô cùng, nói: “Tên họan quan đáng căm giận, té ra là gia gia của con đã bị y hại chết! Tại sao y lại phải hại chết gia gia của con?”

Vu Khiêm nói: “Sau đó bọn ta dò hỏi được, té ra tên họan quan Vương Chấn này đã cấu kết với cha con Dã Tiên, âm thầm đem binh khí của Trung Quốc trao đổi ngựa tốt của Mông Cổ, gia gia của con là đại thần tiền triều, rất có tiếng tăm, lại đã giữ lòng trung hai mươi năm chẳng khác gì Tô Vũ chăn dê, nếu ông ta quay về chắc chắn sẽ sửa sang triều chính, bài trừ gian đảng. Ta đoán Vương Chấn sợ gia gia của con đã biết được chuyện y tư thông với người Mông Cổ, nếu gia gia con trở về triều thì chẳng có lợi đối với y cho nên giả truyền thánh chỉ ra tay trước! Y là Tư lễ thái giám, ngọc tỷ của Hoàng thượng nằm trong tay y, tấu chương trong ngoài ngoại trừ đại thần đích thân đem lên, tất cả đều phải qua tay y, y muốn giả truyền thánh chỉ thì dễ như trở bàn tay”.

Vân Lối nghe xong, bất đồ nhớ lại năm xưa Trương Tôn Châu đã bảo Đàm Đài Diệt Minh tặng cho gia gia nàng ba túi gấm.

Ba túi gấm này rất kỳ lạ, cho nên tuy còn nhỏ nhưng Vân Lối vẫn nhớ rất kỹ, đến khi lớn lên, Triều Âm hòa thượng, Châu Kiện và Trương Đan Phong đã từng nhắc. Trong túi gấm thứ nhất có một viên sáp, bên trong có giấu thư của Vương Chấn gởi cho Thoát Hoan (tức là cha của Dã Tiên) và Trương Tôn Châu, bàn bạc chuyện dùng vũ khí trao đổi ngựa Mông Cổ, túi gấm này suy đoán Vân Tĩnh sẽ bị bắt, bảo Tạ Thiên Hoa vào kinh trao viên sáp cho Vu Khiêm tố cáo Vương Chấn. Tuy túi gấm thứ ba suy đoán không đúng (Vân Tĩnh không chỉ bị bắt mà còn bị lập tức ban chết), nhưng cũng là ý tốt của Trương Tôn Châu. Vân Lối nghĩ: “Nếu năm xưa giao viên sáp này cho Vu Khiêm, thế lực của Vương Chấn không đến nỗi lớn mạnh như bây giờ”.

Vu Khiêm nói xong, thở dài than rằng: “Vân đại nhân chưa được rửa oan, nhưng ông ta có một cháu gái tốt thế này, ở dưới suối vàng cũng có thể nhắm mắt”.

Vân Lối nhớ lại cái chết thê thảm của gia gia, lửa phẫn nộ lại sinh ra, vỗ tay thề rằng: “Tiểu nữ không phanh thây tên gian tặc ra muôn đoạn, thề không làm người”.

Vu Khiêm lắc đầu: “Vân cô nương, lúc này tôi không tán thành cô nương báo thù”.

Vân Lối hỏi: “Lão báo có dụng ý gì?”

Vu Khiêm nói: “Lúc này Vương Chấn đang nắm quyền lớn, trong phủ có rất nhiều giáp sĩ. Trong quân cũng có nhiều tướng lĩnh là người của y, giờ đây chúng ta đang toàn lực đối phó với người Ngõa Thích, nếu nôn nóng sẽ hỏng chuyện lớn. Tục ngữ có nói, kẻ làm điều ác chắc chắn sẽ chết. Sau này mưu gian của y bị bại lộ, dù cho cô nương không trả thù, chắc chắn cũng có người giết chết y. Cô nương tuy tinh thông võ nghệ, nhưng một tay khó vỗ nên kêu, ít nhất cũng phải gặp ca ca của cô nương rồi tính tiếp”.

Vân Lối nghĩ cũng có lý, thế rồi im lặng không nói, nước mắt dâng tràn. Vu Khiêm chậm rãi đứng dậy, đến đẩy cửa sổ ra, nói: “Trời đã sắp sáng. Vân cô nương, cô nương đang ở đâu?”

Vân Lối nói: “Tôi đang ở khách sạn”.

Vu Khiêm nói: “Khách sạn người đông, cô nương chỉ có một mình, lại là gái giả trai, chắc là có nhiều điều bất tiện, chi bằng cứ dọn đến nơi này. Tôi có tin gì cũng dễ dàng thông báo”.

Vân Lối nói: “Nếu lão bá đã bảo như thế, điệt nữ cũng không khách sáo, để điệt nữ về thu xếp rồi sẽ lập tức dọn tới”.

Phòng bên kia có giọng nói trong trẻo của thiếu nữ vang lên: “Cha, đêm nay cha lại không ngủ ư?”

Vu Khiêm mỉm cười, nói: “Cha sắp ngủ đây”.

Rồi nói với Vân Lối: “Con gái của ta cứ thúc giục ta đi ngủ, cô nương hãy mau về dọn hành lý đến. Ta thường làm việc đến suốt đêm, cho nên không chăm sóc cho đứa con này được”.

Vân Lối thấy tình cha con của họ thắm thiết, không khỏi nhớ lại gia gia và cha của mình. Tuổi tác của Vu Khiêm cũng tương đương với gia gia vào mười năm trước, nhưng gia gia lại không hiền từ với mình như Vu Khiêm.

Vân Lối trở về khách sạn tính tiền, dọn đến nhà họ Vu, con gái của Vu Khiêm tên gọi Vu Thừa Châu, năm nay chỉ vừa mới chín tuổi, thông minh lanh lẹ, hoạt bát vô cùng, Vân Lối ăn mặc lại theo lối nữ giới, Thừa Châu cứ chạy theo nàng kêu tỷ tỷ. Vân Lối và cô bé rất thân thiết với nhau, từ đó nàng ở lại nhà họ Vu.

Vân Lối ở lại nhà họ Vu, trong lòng còn có một hy vọng, nàng mong Trương Đan Phong sẽ quay lại tìm Vu Khiêm, thế nhưng cả nửa tháng trời cũng chẳng thấy Trương Đan Phong. Vân Lối ở nhà họ Vu được sáu ngày thì tên Phiên vương Mông Cổ và Đàm Đài Diệt Minh cũng trở về Ngõa Thích.

Ở được nửa tháng, Vân Lối nhớ rằng Trương Phong Phủ đã từng nói khoa thi võ năm nay đã sắp mở, cho nên hỏi thăm Vu Khiêm, Vu Khiêm cười rằng: “Điệt nữ ngoan, đừng nôn nóng, nếu ca ca của con đi thi, ta sẽ gọi hắn đến gặp con”.

Vân Lối hỏi: “Đã mở khoa thi chưa?”

Vu Khiêm nói: “Giờ đây chỉ mới thi buổi đầu, người rất đông, để ta đến binh bộ xem thử thành tích của ca ca con như thế nào”.

Năm ngày lại trôi qua, một buổi sáng sớm, Vu Khiêm đột nhiên gọi Vân Lối vào phòng rồi cười rằng: “Con có muốn gặp ca ca không?”

Vân Lối mừng rỡ nói: “Hôm nay bá bá dắt con đi gặp ca ca hay sao?”

Vu Khiêm nói: “Đúng thế! Nhưng con phải thiệt thòi một chút. Con phải giả thành người tì tùng của ta, ta sẽ dắt con xem tỉ thí”.

Vân Lối rất mừng, vội vàng cải dạng thành một tên thư đồng của Vu Khiêm. Té ra hôm nay là ngày thi cúi cùng, vốn là thi võ không cần đòi hỏi cử tử, tỉ thí võ công với nhau, nhưng vì khoa thi năm nay rất đặc biệt, mục đích là tìm kiếm những bậc kỳ tài giỏi võ nghệ trong thiên hạ, bởi vậy vòng đầu là phải tỉ thí cỡi ngựa bắn cung, vòng thứ hai là thi binh pháp, xong xui rồi sẽ tỉ võ. Đây là ý kiến của Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải, y bảo rằng đây là kỳ thi võ, lẽ ra phải lấy võ nghệ làm chủ, võ nghệ thì có nhiều loại, không chỉ có bắn cung cỡi ngựa, múa đao lọc thương, nếu không tỉ võ thì làm sao biết được ai có tài thật sự? Hoàng đế ở trong cung buồn bã, nghe có trò vui thì lập tức phê chuẩn tấu chưởng của Khang Siêu Hải, rồi ra lệnh dựng lôi đài ở trong hiệu trường, bắc khán đài ở xung quanh cho mình và Thượng thư các bộ cùng với các quan đến xem. Khang Siêu Hải đưa ra chủ trương này thật ra là có lòng riêng. Té ra y có hai sư huynh đệ cũng tham gia cuộc thi năm nay, hai sư huynh đệ của y võ công rất cao, nhưng chỉ hiểu biết sơ sài về binh pháp, cho nên Khang Siêu Hải muốn giúp cho họ tỏ rõ oai phong trong trận tỉ võ.

Xung quanh hiệu trường có Ngự lâm quân canh giữ, bên trong bách trăm khán đài. Vu Khiêm dắt Vân Lối cùng với các quan trong binh bộ, hộ bộ trên khán đài ở phía đông, hoàng đề và các thân vương, thái giám thì ngồi ở khán đài chính giữa. Vu Khiêm thì thầm: “Con xem kìa, người mặc long bào, ở phía sau có một hàng võ sĩ đang đứng chính là đương kim Hoàng thượng. Người đứng bên trái Hoàng thượng là thái giám Vương Chấn”.

Vân Lối liếc nhìn Vương Chấn, cố gắng ghi nhớ tướng mạo của y.

Cử tử tham gia tỉ võ nghỉ ngơi ở dưới lôi đài, Vu Khiêm nói với Vân Lối: “Trong khoa thi năm nay tuy bảo bất cứ ai cũng có thể tham gia, nhưng ngoại trừ những người có quân chức, người khác khác phải có võ quan từ tam phẩm trở lên làm người bảo hộ, cho nên Hoàng thượng mới yên tâm ra xem”.

Vân Lối nghĩ thầm: “Té ra là thế. Vậy thì những người thật sự có năng lực trong giang hồ chắc chắn sẽ không tới”.

Chỉ nghe ba tiếng trống vang lên, cuộc tỉ võ bắt đầu. Vân Lối căng thẳng vô cùng, nàng tập trung chú ý lên những người tỉ võ trên lôi đài, nhưng đó lại là hai hán tử thô lỗ xa lạ, một người sử dụng đơn đao, còn người kia sử dụng hoa thương, chỉ trong khoảnh khắc người sử dụng đơn đao đã thắng, liên tiếp ba cặp lên lôi đài, Vân Trọng vẫn không thấy xuất hiện. Những người bại thì bước xuống đài, những người thắng thì tiếp tục đấu, nếu thắng được hai trận liên tiếp thì có thể nghỉ để người khác lên đấu, đến khi đấu xong thì lại thi thêm một vòng nữa. Vân Lối không thể nào nhớ được tên của họ, đến khi cặp thứ tư đấu xong, người thắng còn đứng lại trên lôi đài là một kẻ mình cao bảy thước, hai tay cầm hai cây thiết chùy trông rất oai phong.

Binh bộ thượng thư nói với Vu Khiêm rằng: “Đó là tướng quân Hồ Đại Khánh mà binh bộ chúng ta vừa mới đề bạt, hai tay có sức mạnh ngàn cân. Khoa thi năm nay có rất nhiều người ứng thí, sau hai vòng thi trước chỉ còn lại chín mươi sáu người, vốn tất cả đều có thể tỉ võ trên lôi đài, nhưng Hoàng thượng lại bảo muốn xem những người giỏi nhất trong vòng một ngày, cho nên hôm qua binh bộ đã tổ chức thi vòng loại, từ trong chín mươi sáu người chọn ra bốn người. Hồ tướng quân là người có thành tích tốt nhất trong cuộc thi vòng loại”.

Vu Khiêm mỉm cười, ông ta biết Hồ Đại Khánh là thân tín của Binh bộ thượng thư, đương nhiên Binh bộ thượng thư mong y thắng. Một viên quan cầm loa đứng trước lôi đài kêu to: “Cử tử số chín Lâm Đại An lên đài! Người đảm bảo là Lễ bộ chủ sự Lý Thuận”.

Sau tiếng Hô ấy, mọi người đều biết cử tử này không có chức quan. Vân Lối ngạc nhiên, chỉ thấy một cử tủ phe phẩy quạt xếp nhảy lên đài, y tuy ăn mặc theo quy định của khoa thi võ, nhưng tướng mạo rất nho nhã trông như một thiếu nữ, cây quạt xếp trong tay chẳng xứng tý nào với bộ nhung trang trên người. Người này chính là con trai của Lâm trang chủ, một người bạn thân của Oanh Thiên Lôi Thạch Anh, mấy tháng trước đã từng đến cầu hôn Thạch Thúy Phượng, bị Thạch Thúy Phượng dùng kế đánh bại.

Lâm Đại An xếp quạt vái một cái rồi cất giọng the thé nói: “Mong Hồ tướng quân nương tay”.

Hồ Đại Khánh thầm kêu lên: “Thật xui xẻo, ở đâu lại xuất hiện một quái vật nửa âm nửa dương thế này!” Thế rồi vung cây chùy, quát rằng: “Nương tay cái gì? Ở đây là chốn triều đình, ngươi tưởng là trò đùa ư? Hãy mau rút ra binh khí!”

Lâm Đạo An dịu dàng nói: “Binh khí của vãn sinh là cây quạt xếp này!”

Hồ Đại Khánh cả giận, bổ xuống một chùy, y nào biết công phu điểm huyệt của Lâm Đạo An vừa chính xác vừa hung hiểm, chỉ thấy y xếp cây quạt lại, đầu quạt chỉ tới huyệt Nhuyễn Ma ở dưới be sườn Hồ Đại Khánh. Hồ Đại Khánh rất cao lớn, xoay chuyển không tiện, hai cây chùy sắt thật lớn đánh vù vù nhưng không thể nào cản nổi Lâm Đạo An, vừa mới tung chiêu ra, chỉ nghe ầm một tiếng, thân hình to như trâu nước của Lâm Đạo An ngã bổ xuống lôi đài. Lâm Đạo An đã quét một cước, cười rằng: “Đa tạ đã nhường!”

Hoàng đế thấy thế thì không vui, chỉ cười rằng: “Hay thật!” Vương Chấn nói: “Trận sau càng hay hơn, Hoàng thượng nhớ xem cho kỹ!”

Chỉ nghe quan cầm loa lại kêu lên: “Cử tử số mười!”

Thấy một người nhảy lên đài giơ cao thiết thuẫn, té ra đó là Lộ Lượng, kẻ tâm phúc của Vương Chấn, hai anh em Lộ Minh và Lộ Lượng đều tham gia tỉ thí, nhưng Lộ Minh thì đã bị loại ra ngay từ vòng đầu bởi một thiếu niên không rõ lai lịch, chỉ có y là mới được vào chung khảo.

Hỗn Nguyên bài pháp của Lộ gia tuy yêu cầu kiếm và thuẫn phải phối hợp với nhau, nhưng chỉ có một tấm thuẫn cũng đã đủ đối phó với Lâm Đạo An. Lộ Lượng mở thiết bài ra, tựa như bày một tấm bình phong ở trước người, Lâm Đạo An nào dám tiến vào, hai người đấu được vài mươi chiêu thì Lộ Lượng cố ý để lộ sơ hở, Lâm Đạo An lập tức vung quạt điểm vào huyệt Toàn Cơ trên ngực của y. Nào ngờ thiết thuẫn đột nhiên kéo về, chỉ nghe bốp một tiếng, cây quạt nan bằng sắt của Lâm Đạo An đã bị đánh gãy, Lâm Đạo An bị gãy mất cây quạt chẳng khác gì ăn mày mất gậy đánh chó, không thể nào múa may được nữa chỉ đành nhảy vội xuống lôi đài.

Vương Chấn mỉm cười, Hoàng đế khan rằng: “Võ sĩ của công công quả nhiên có bản lĩnh!”

Chỉ nghe quan cầm loa lại kêu lên: “Cử tử số mười một Sa Vô Kỵ lên đài, người đảm bảo làm Phó thống lĩnh Ngự lâm quân Dương Oai!”

Vân Lối lại ngạc nhiên, không ngờ tên đạo tạc lục lâm Sa Vô Kỵ cũng tham gia cuộc tỉ võ lần này.

Sa Vô Kỵ nhảy lên lôi đài, hai chưởng đẩy ra nói: “Ta chỉ dùng đôi chưởng tiếp thiết bài của ngươi!”

Lộ Lượng cả giậ, vung thiết bài từ trên đầu giáng xuống, quát rằng: “Được, ngươi tiếp thử xem!”

Thiết bài từ trên giáng xuống, ít nhất cũng đến bảy tám trăm cân. Sa Vô Kỵ nhảy né sang một bên, Lộ Lượng vừa nhìn thì thấy lòng bàn tay của Sa Vô Kỵ đen như sơn, quả nhiên đó là loại công phu Độc sa chưởng, y không khỏi cả kinh, vội vàng thu thiết bài lại hộ thân. Nói thì chậm, sự việc diễn ra lại rất nhanh, chỉ thấy Sa Vô Kỵ ra tay nhanh như điện chớp. Chỉ nghe bốp một tiếng, chưởng của y đã đánh trúng vai của Lộ Lượng, Lộ Lượng kêu lớn rồi đâm xuống lôi đài. Vốn là Lộ Lượng kém cỏi, nếu dùng thiết thuẫn hộ thân, Độc sa chưởng của Sa Vô Kỵ tuy lợi hại nhưng cũng không thể nào đánh vào được, Sa Vô Kỵ lại giỏi dùng tâm kế, cho nên vừa mới nhảy lên đài thì đã khích y ra tay, nhân lúc y không phòng bị đã đánh ra một chưởng.

Chưa đầy ba chiêu Lộ Lượng đã bị đánh ngã, Vương Chấn tức giận đến nỗi sắc mặt tái xanh. Tổng quản Khang Siêu Hải cười rằng: “Công công đừng tức giận, trận sau tiểu tử ấy sẽ thua to!” Thế rồi chỉ nghe quan cầm loa lại kêu: “Cử tử số mười hai Lục Triển Bằng lên đài, người đảm bảo là Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải!”

Chỉ thấy một hán tử người ngũ đoản nhảy lên lôi đài, trên eo của y cột sợi roi tơ vàng nhưng vẫn không tháo xuống, mỉm cười nói rằng: “Độc sa chưởng của ngươi quả nhiên lợi hại, ta sẽ nhường ngươi đánh trước ba chưởng! Nếu ta né tránh thì coi như ta thua!”

Sa Vô Kỵ ngạc nhiên, chỉ nghe Lục Triển Bằng cứ thúc giục: “Đánh đi, sao lại không đánh? Đây là lôi đài tỉ thí võ công, nếu ngươi không đánh thì hãy cút xuống cho ta!”

Sa Vô Kỵ nghĩ hầm: “Môn Độc sa chưởng của mình rất lợi hại, chả lẽ y có thể chống lại độc khí, mình chưa từng nghe nói đến loại võ công này”.

Y rất bực tức trong lòng nhưng không động thanh sắc, chỉ lạnh lùng nói: “Chưởng của tôi rất độc, Lục gia hãy cẩn thận!” nói chưa dứt thì vỗ thẳng một chưởng vào mặt, y nghĩ bụng: “Đánh vào áo chỉ e y mặc áo giáp, đánh vào mặt y làm sao chống đỡ nổi!”

Nào ngờ y vừa mới vỗ ra một chưởng, Lục Triển Bằng húc vai vào khủyu tay của y, Sa Vô Kỵ đau đến thấu tim, cánh tay của bị sụi xuống, nhưng y cũng đành đánh liều thừa thế chụp vào tử huyệt dưới be sườn của Lục Triển Bằng, nếu y chụp trúng thì Kim Cương La Hán cũng chịu không nổi. Vân Lối lúc này đang xem chăm chú, nàng đang suy nghĩ làm cách nào để hóa giải đòn này!

Chợt nghe Sa Vô Kỵ kêu lên thảm thiết, Lục Triển Bằng chưa nhúc nhích Sa Vô Kỵ đã ôm cánh tay bị gãy nhảy xuống lôi đài! Vân Lối cả kinh thất sắc, đó chính là nội công thượng thừa hiếm thấy trên võ lâm tên gọi Triêm Y thập bát điệt! Nàng thầm nhủ rằng: “Có cao thủ như thế này tham gia khoa thi, chỉ e đại ca của mình chưa chắc đậu Võ trạng nguyên!”

Lục Triển Bằng chính là sư đệ của Khang Siêu Hải, võ công tương đương với y, Lục Triển Bằng đang dương dương đắc ý thì chợt nghe quan cầm loa gọi: “Cử tử số mười bốn là đài!” Vân Lối thấy người ấy thì vừa vui vừa lo, bởi vì y chính là Vân Lối!

Lục Triển Bằng giơ tay cười: “Vân thống lĩnh cũng tới, xin mời rút ra binh khí!”

Vân Trọng vào Ngự lâm quân chưa bao lâu, nhưng võ công suất sắc cho nên thường được người ta đem ra so sánh với Kinh sư tam đại cao thủ, Lục Triển Bằng không dám khinh địch, y tháo sợi roi tơ vàng xuống, bước lên thủ thế. Cây roi này của y vốn dùng gân cọp và dây thừng ngàn năm bện lại, có thể khắc chế đao kiếm, còn Vân Trọng thì lại sử dụng một cây đao cho nên vừa nhìn thì đã thấy chàng thua thiệt. Chỉ thấy Lục Triển Bằng bày ra chiêu thế, lật tay đánh ra một roi quét ngang về phía eo của Vân Trọng!

Thế roi đánh ra nhanh như điện chớp, nhưng Vân Trọng càng nhanh hơn. Chỉ thấy chàng lắc lư thân người, nương theo đầu roi phóng thẳng ra, sợi roi quấn ngược vào người chàng, nhưng lại không chính xác, không thể nào chạm vào áo quần Vân Trọng. Vân Trọng xoay người chém ra một đao, Lục Triển Bằng cũng rất ghê gớm, liên tục đánh ra ba roi, tiếng gió cuộn lên, chỉ thấy trên lôi đài là một màn bóng roi tựa như cuồng phong cuộn tới. Vân Trọng tung người phóng vọt lên, xuất chiêu dưới màn roi dày đặc, Lục Triển Bằng thấy chiêu roi Hồi Phong Tảo Liễu của mình chẳng làm gì được Vân Trọng, thế là trầm cổ tay xuống, lại sử dụng một tuyệt kỷ sát thủ. Chỉ thấy y lại vung cây roi ra, cuộn vào cổ tay Vân Trọng, nếu Vân Trọng bị roi cuộn vào thì chắc chắn sẽ roi đao. Vân Trọng đẩy tay trái ra, vổ thẳng một luồng chưởng phong vào ngực địch thủ, đó chính là công phu Đại Lực Kim Cương thủ. Lục Triển Bằng kêu một tiếng hay lắm, chỉ thấy y đột nhiên lướt ra sau nửa thước, chưởng trái cũng đẩy ra, hai chưởng chưa chạm vào nhau thì đột nhiên cả hai bên đều biến chiêu, phóng roi múa đao, rồi lại thay cung đổi vị, khiến ai cũng hoa cả mắt!

Cũng là loại công phu Triêm Y thập bát điệt của Lục Triển Bằng cực kỳ lợi hại, tuy không hạ được Đại Lực Kim Cương thủ nhưng cũng kìm chế được chàng, Vân Trọng vỗ ra ba chưởng, đều bị y cản lại, cho nên cũng cả kinh. Lúc này hai bên đều thi triển tuyệt học cả đời, tỉ thí cả binh khí, nội công và chưởng pháp, chỉ cần bên nào hơi yếu hơn thì sẽ lập tức bị đánh rơi xuống lôi đài, khó giữ nổi tánh mạng. Hoàng đế vừa nhìn vừa luôn miệng kêu lên, còn Vân Lối thì thầm thất kinh!

Chỉ thấy hai người đánh một hồi lâu mà không phân thắng bại, bộ pháp của hai bên đều dần dần chậm chạp. Vân Lối thầm nhủ: “Nếu trận này dù ca ca có thắng cũng đã mệt đến đứt hơi, theo quy củ cuộc tỉ võ này, thắng hai trận thì mới được nghỉ ngơi. Nếu trong trận tiếp theo có kẻ cứng cỏi như Lục Triển Bằng, chắc chắn chẳng còn hy vọng gì, huống chi trận này cũng chưa chắc thắng!”

Hai người đánh nhau được hơn trăm chiêu, cả hai đều nôn nóng. Vân Trọng quyết chí giành cho bằng được chức Võ trạng nguyên cho nên liên tục đánh ra những chiêu hiểm hóc, Kim Cương thủ lúc nặng lúc nhẹ, lúc nhanh lúc chậm để tìm sơ hở chế địch. Lục Triển Bằng thì tương đối già dặn hơn, y không hề nôn nóng mà ngưng thần ứng phó. Chỉ thấy Vân Trọng loạng chọang, chồm người ngã vào trong vòng roi, đao trên tay phải và chưởng trái đều tấn công vào ba mặt của Lục Triển Bằng, đây là một lối đánh rất mạo hiểm, nếu ra đòn không trúng thì bản thân không chết cũng bị thương. Lục Triển Bằng kêu lên: “Hay lắm!”

Thế rồi hóp bụng lại, cây roi cuộn tròn vào trong, vừa né tránh chưởng lực vừa phản công, chiêu này cũng rất hiểm hóc, Vân Trọng suýt nữa kêu lên. Chợt thấy Lục Triển Bằng kêu ối chao một tiếng, Vân Lối chưa kịp nhìn rõ thì đã thấy y buông roi bật ngửa té xuống lôi đài! Té ra y vừa tung đòn phản công, cổ tay tựa như trúng một mũi kim, may mà y lăn thật nhanh, nếu không đã mất mạng bởi Đại Lực Kim Cương thủ. Y thầm mắng: “Hừ, tên tiểu tử này đã để sẵn ám khí trong lòng bàn tay, bị ám toán như thế thật không đáng!”

Nhưng tỉ võ không cấm ám khí, y cũng chẳng lên tiếng được. Thực ra y không hề biết, mũi phi châm ấy chẳng phải do Vân Trọng phóng ra!

Vân Lối và Vân Trọng đều thắc mắc! Chỉ thấy quan cầm loa lên rằng: “Cử tử số mười lăm Trương Đan Phong lên đài, người đảm bảo là Cẩm y vệ chỉ huy kim Ngự lâm quân tổng giáo đầu Thạch Thúy Phượng!”

Vân Lối vừa nghe thì đã hồn bay phách tán, nàng nhất thời đứng sững ra! Trương Đan Phong cũng tham gia tỉ võ, tranh đoạt chức trạng nguyên với đại ca của mình, chuyện nay quả thật không thể ngờ nổi!

Đó chính là:

Lại thấy Trương lang tính toán hay, thần châm bảo kiếm giải thâm thù.

Muốn biết Trương Đan Phong và Vân Trọng ai sẽ đạt được chức Võ trạng nguyên, mời xem hồi sau phân giải.


/31

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status