Bích Huyết Kiếm

Chương 7: CHIẾN NGŨ LÃO - TRƯỢNG NGHĨA ĐOẠT NGHÌN VÀNG

/24


Nghe mấy lời của Thừa Chí có vẻ khinh thị, Ôn Minh Sơn giận đến nỗi giở mặt ngay, nhưng nghĩ sao, ông ta ngửng mặt lên trời cười ha hả, rồi nói:

- Lão phu lăn lộn ở chốn giang hồ đã mấy chục năm trời, chưa từng gặp ai dám coi thường cây gậy thép đầu rồng của ta. Thôi được, cậu có tài thì cứ việc dùng kiếm gỗ kia mà chém gẫy cây thép này của ta đi!

Nói đoạn, ông ta quay ngang, rồi “vù” một tiếng, quạt luôn vào ngang lưng Thừa Chí. Lúc ấy chiếc gậy vụt mạnh và nhanh khiến ai ai cũng tưởng Thừa Chí đã bị đập ngãy lưng, nhưng ngay khi đó thấy chàng bắn vọt lên trên. Nhanh như chớp, Thừa Chí chưa xuống tới đất đã đâm thẳng kiếm gỗ vào mặt đối phương rồi. Quay ngược quài trượng, Ôn Minh Sơn liền dùng đầu gậy điểm huyệt trọng yếu phía sau lưng Thừa Chí. Thừa Chí nghĩ thầm: “Không ngờ quài trượng của y lại còn dùng để điểm huyệt nữa! Nếu vậy ta cần phải thận trọng mới được.”

Vừa suy nghĩ, vừa né mình để tránh, rồi đột nhiên đưa kiếm gỗ vuốt dọc theo chiếc gậy thép chém ngược lên. Nếu cây kiếm đó thuộc loại kim khí thì mấy ngón tay kẻ địch tất nhiên phải bị chém đứt ngay. Thế kiếm ấy của chàng rất lợi hại. Minh Sơn tuy biết kiếm đó bằng gỗ thật nhưng nếu để cho chàng chém trúng thì tay mình thế nào cũng bị trọng thương, nên ông phải buông gậy ra cho nó rơi xuống đất để tránh khỏi tình trạng nguy ngập đó. Nhưng tay trái ông ta lại bắt luôn đuôi một cách chớp nhoáng, đồng thời hất mạnh một cái, ông đã đưa bổng chiếc gậy nặng mấy chục cân lên trời. Thấy ông lão mắt nhanh, tay nhanh và thế võ lại quá ư lợi hại, Thừa Chí cũng phải phục thầm.

Hai người càng chiến càng hăng. Quài trượng của Minh Sơn múa kêu “vù vù.” Một đôi khi chiếc gậy đánh hụt trúng mặt đất, khiến gạch lát vỡ vụn ra như cám. Lẩn tránh, len lỏi giữa khe gậy, Thừa Chí tựa như con bươm bướm bay đi lượn lại. Kiếm gỗ của chàng nhẹ nhàng linh độn lúc nào cũng nhè những nơi hiểm yếu của địch mà tấn công.

Chớp mắt đã đánh được bảy, tám mươi hiệp. Trượng pháp của ông ta đột nhiên biến đổi, quét ngang điểm ngược, vây kín xung quanh kẻ địch khiếng người đứng xem chỉ thấy gió ở cây trượng phát ra càng ngày càng mạnh. Dưới ánh nến chỉ thấy bóng sáng vòng tròn của quài trượng quay tới và làm lóe mắt mọi người.

Từ khi học võ tới giờ, lần đầu tiên Thừa Chí gặp phải tay kình địch. Sức mạnh chiếc gậy thép của địch quá lớn, nên chàng không sao tới sát cạnh đối phương được, còn cây kiếm gỗ thì lại không dám va chạm với quài trượng bằng thép kia. Chàng nghĩ thầm: “Ta phải dùng tới tuyệt chiêu của sư phụ thì mới có thể thẳng nổi.”

Nghĩ đoạn, chàng bỗng đứng sững người ra trong giây lát, Minh Sơn mừng quá, quét ngay một gậy tới, Thừa Chí dùng tay trái nắm luôn đầu gậy, bẻ sang một bên, còn tay phải đưa kiếm đâm thẳng vào người kẻ địch.

Giựt mình sợ hãi, Minh Sơn cảm thấy hổ khẩu tê buốt đồng thời chiếc gậy thép đã bị Thừa Chí cướp giật mất. Vì Minh Sơn là người bề trên nhà họ Ôn, nên Thừa Chí phải giữ lễ độ và không dám làm đối phưong phải mất sĩ diện. Chàng thu kiếm lại và đồng thời trả lại cây gậy thép tận tay Minh Sơn.

Vừa sợ vừa giận, Minh Sơn lại giáng luôn một gậy nữa. Thừa Chí nghĩ thầm: “Ông già này buồn cười thật! Đã thua rồi mà vẫn chưa chịu!”

Gậy thép của đối phương đã đánh tới người, không còn thời giờ để suy nghĩ nữa chàng bèn vung tay dùng một thế khéo léo hất mạnh một cái, thế là cây gậy thép to lớn đã văng tuốt lên cao chẳng qua Minh sơn chỉ muốn chữa thẹn ra oai, nhưng không ngờ chỉ nhục thêm chứ có ích lợi gì đâu?

Năm anh em Ngũ tổ trong phái Thạch Lương có Ôn Minh Thi người thứ tư là giỏi về môn ám khí nhứt. Ông ta sử dụng 24 chiếc phi đao, bách phát bách trúng. Phi đao của ông ta cũng khác hẳn những ám khí cùng loại, mỗi cái nặng nửa cân. Khi đối địch, ông ta cắm những phi đao đó vào trong bao da đeo ở sau lưng. ám khí dùng để tấn công khi kẻ địch không phòng bị, đại khái chơi trụ tiền giấu trong tay áo, tật lê giấu trong túi áo… nhưng ám khí của Minh Thi lại đeo ra ngoài áo, cán đao thì khoét lỗ, lúc phóng ra không khí luồn qua kêu o o, ông ta tự hào là đao của mình thiên hạ vô song. Tiếng kêu của cán đao báo hiệu cho đối phương. Nhưng sự thật tiếng kêu đó làm loạn tinh thần chiến đấu của địch thì đúng hơn.

Minh Thi thấy anh ba mình đột nhiên bắn ám khí ra mà đều bị Thừa Chí dùng thủ pháp khác lạ bắt mất thì nói.

- Tài đỡ ám khí của Viên huynh giỏi lắm! Bây giờ xin mời Viên huynh tiếp thử phi đao của tôi xem sao?

Nói đoạn, chàng trao kiếm gỗ trả lại cho thằng nhỏ. Người nhà họ Ôn ai cũng biết phi đao của Minh Thi lợi hại lắm. Nếu Thừa Chí bắt được cả số phi đao đó thì không sao, bằng không chàng chỉ bắt hụt một con là người đứng xem phía sau sẽ bị tai vạ liền. Bởi vậy, trừ bốn anh em trong Ngũ tổ ra, ai nấy đều phải rút lui phía ngoài cửa đứng xem để khỏi bị chết oan chết uổng.

Ôn Minh Thi gọi to:

- Coi chừng phi đao!

Vừa dứt lời, hắn chỉ phẩy tay một cái, giữa một đạo ánh sáng lạnh lập lờ, một con đao đã vù vù bay tới.

Thấy phi đao có vẻ không hiểm độc lắm, Thừa Chí nghĩ thầm: “Nếu dùng tay bắt lấy con đao này thì họ không hiểu tài ba của ta. Ta phải trổ tài thế nào để cho họ chịu phục thì họ mới chịu thả Tiểu Tuệ và trả lại số vàng.”

Chàng vội móc túi lấy ra hai quân cờ, mỗi tay cầm một quân nhằm đúng phi đao mà ném. Quân cờ bên tay trái tới trước. Chỉ nghe “keng” một tiếng, phi đao đã mất tiếng vù vù như trước vì quân cờ đã đánh gãy chuôi đao rỗng ruột và có tiếng kêu như sáo diều kia. Còn quân cờ bên tay phải thì chàng ném trúng lưỡi, rồi cả hai cùng rơi xuống đất. Phi đao nặng hơn nửa cân, còn quân cờ thì bé nhỏ và nhẹ, mà khi hai thứ va chạm nhau rồi thì rơi xuống cùng một lúc.

Như vậy đủ thấy rõ tay của chàng khỏe hơn Minh Thi gấp mấy lần.

Bỗng đổi sắc mặt, Minh Thi phóng luôn hai đao một lúc, Thừa Chí cũng đồng thời tung ra bốn quân cờ đánh hai phi đao rơi xuống đất tức thì. Minh Thi “hừ” một tiếng rồi nói:

- Võ nghệ khá lắm!

Miệng nói, tay không ngừng, ông ta lại phóng ra sáu con đao cùng một lúc. Lúc này muốn ném trúng kẻ đối thủ rất khó, nên Minh Thi mới cố ý ném sáu phi đao ra làm bốn bề tám hướng và nghĩ thầm: “Chẳng lẽ ngươi còn đủ tài đánh rơi bấy nhiêu con đao của ta?”

Mọi người chỉ thấy “vù, keng, vù, keng” sáu tiếng liền. Quả nhiên sáucon đao đó bị mười hai quân cờ của Thừa Chí đánh rơi hết cả. Ôn Minh Thi tức quá, hét lên:

- Giỏi lắm!

Hai tay ông ta lại ném ra sáu phi đao một lúc và đao nào cũng nhắm chỗ yếu huyệt của Thừa Chí mà bay tới. Sáu đao vừa ném xong, ông ta lại phóng tiếp luôn sáu đao nữa. Đó là món tuyệt kỹ bình sinh của ông ta, dù đối thủ có giỏi tới đâu cũng chỉ tránh được sáu con đầu. Minh Đạt là người lão thành biết cân nhắc, ông ta hiểu rõ Thừa Chí là đệ tử của một cao nhân, nên võ công mới tuyệt tác như vậy, nay thấy em Tư mình lại dùng tới đao pháp quá lợi hại như thế, trong lòng hãi kinh, liền kêu lên rằng:

- Tứ đệ, chớ có đả thương tới tính mạnh của y.

Chưa nói dứt lời, ông ta đã thấy Thừa Chí giơ hai tay lên trên không quơ loạn xạ một hồi. Mỗi tay chàng đã bắt được sáu con dao, rồi nhằm giá khí giới ném liên tục, mọi người mới thấy rõ tất cả đao, thương, mâu, khích, cắm trên đó đã bị phi đao chém cụt mất ngọn rồi.

Ngũ lão, bỗng mắt lộ hung quang, đồng thanh hét lớn:

- Ngươi có phải là người của gian tặc Kim Xà phái đến đây không?

Thì ra miếng võ bắt đao vừa rồi của Thừa Chí đã tự học trong cuốn “Kim Xà bí kíp.” Năm xưa, Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi đại chiến phái Thạch Lương, Ôn Minh Sơn đã sử dụng “Liên hoàn thập nhị phi đao” định giết đối thủ nhưng Kim Xà Lang Quân giơ hai tay lên bắt cũng sử dụng thủ pháp đó. Thừa Chí tuy không biết phái Thạch Lương có căm thù với Kim Xà Lang Quân, nhưng chàng vẫn không dám sử dụng võ công trong Kim Xà bí kíp. Nay đột nhiên gặp phải trường hợp nguy hiểm nên trong lúc nguy cấp, chàng không kịp suy tính thuận tay dùng luôn miếng “Thiên Thủ Quan Âm Thâu Vạn Báu” tuyệt kỹ ra bắt đao. Thấy thủ pháp của chàng giống hệt Hạ Tuyết Nghi, Ngũ lão đều nhảy xổ lại và đồng thanh quát tháo.

Đang định trả lời, Thừa Chí thoáng thấy phòng khách bên ngoài có ba người đi qua. Trong đó có một người là Tiểu Tuệ đang bị trói chặt khuỷu tay, do hai tên đại hán dẫn lên đây. Có lẽ nàng bị rơi xuống dưới hầm bị bắt dẫn đến đây. Thừa Chí liền dùng ngay khinh công “Nhứt Hạc Xung Thiên” nhảy thẳng ra phòng khách. Minh Đạt và Minh Nghĩa liền rút khí giới ra đuổi theo.

Không thèm để ý tới địch đuổi mình, Thừa Chí nhảy thẳng tới chỗ Tiểu Tuệ. Hai tên đại hán tay đao tay kiếm vung loạn lên chém thẳng vào người chàng.

Chỉ nghe thấy hai tiếng “coong coong” khí giới của hai tên đại hán đã rời khỏi tay bay ra. Cả hai cùng ngạc nhiên, sợ hãi, vì kẻ hạ khí giới của chúng là cụ chủ Cả và cụ chủ Hai. Đồng thời Minh Đạt và Minh Nghĩa cất tiếng mắng:

- Chúng bây đụt quá! Rõ đồ ăn hại!

Quở trách xong, nhị lão xông lại đánh Thừa Chí và Tiểu Tuệ.

Nhắc lại, vừa rồi Thừa Chí nhanh quá không thèm gạt đỡ đao kiếm của hai tên đại hán, mà luồn qua phía dưới, tới cạnh Tiểu Tuệ, giựt đứt dây thừng đang trói chặt khuỷu tay nàng. Giữa lúc ấy thì hai ông già đuổi tới nơi và bật đỡ trở ra những đao kiếm sắp chém lầm phải mình.

Tiểu Tuệ được cởi trói, mừng quá, liền reo lên:

- Thừa Chí đại ca!

Trong lúc đao kiếm của hai tên đại hán đang bị Nhị lão hất tung lên. Thừa Chí liền cầm quăng dây thừng chàng vừa cởi trói cho Tiểu Tuệ cuốn luôn vào cán thanh kiếm kéo về phía mình, rồi ném luôn cho Tiểu Tuệ và bảo:

- Cầm lấy kiếm!

Chàng buông thõng quãng dây thừng, cây kiếm bay sang phía Tiểu Tuệ nàng giơ tay bắt lấy.

Câu chuyện vừa xảy ra nhanh như chớp nhoáng, Thừa Chí vừa tung cây kiếm cho Tiểu Tuệ xong, thì hai cây kích của Minh Đạt đã đâm tới mặt chàng. Giữa lúc ấy mọi người đều nghe thấy hai tiếng kêu “ối chà!” Thì ra thấy hai tên đại hán đứng đó làm vướng chân vướng cẳng mình, Minh Nghĩa tức quá liền đá cho chúng mấy cái. Cả hai tên đại hán đều ngã bắn kêu oái. Còn Thừa Chí chàng vẫn đứng yên, chỉ ngửa người về phía sau là hai cây kích của Minh Đạt đã đâm hụt. Minh Đạt đang định tiến lên để đưa thẳng song kích vào người kẻ địch nhưng chưa kịp lấy sức để bồi thêm miếng nữa thì ông ta đã thấy song kích của mình đã bị quãng dây của Thừa Chí cuốn chặt và lôi đi.

Chợt nảy ra ý kiến định mượn sức địch để đánh lại địch, Minh Đạt liền nương sức đâm thẳng song kích vào người Thừa Chí. Né mình sang một bên để tránh, Thừa Chí liền giựt một cái, rồi buông thõng quãng dây ngay. Trong lúc xuất kỳ bất ý, Minh Đạt không kịp thu lại thế tiến loạng choạng vài bước suýt ngã về phía trước. Lợi dụng lúc ấy Thừa Chí đã kéo tay Tiểu Tuệ nhảy vào trong Luyện Võ sảnh đứng yên. Minh Đạt giận quá, mặt đầy sát khí, lấy tay dằng mạnh một cái đã giựt đứt quãng dây cuốn chặt song kích, rồi nhảy vào trong Luyện Võ sảnh và đứng sau lưng Ngũ lão.

Ôn Minh Đạt tay trái cầm song kích, tay phải chỉ vào mặt Thừa Chí, quát hỏi:

- Tên Kim Xà gian tặc hiện nay ở đâu? Nói mau!

Thừa Chí bình tĩnh trả lời:

- Xin lão tiền bối hãy khoan nổi giận, muốn hỏi chuyện gì, cháu cũng xin thưa.

Ôn Minh Nghĩa giận dữ hỏi:

- Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi là người thế nào với cậu? Hiện giờ y ở đâu? Có phải hắn sai cậu tới đây không?

- Thưa lão tiền bối. Cháu chưa hề gặp mặt ông ta bao giờ vậy làm sao mà sai cháu tới đây được.

Ôn Minh Sơn hỏi:

- Cậu nói thật không?

- Cháu nói dối các cụ làm gì? Trong khi đi thuyền, tình cờ cháu gặp được chú Ôn Thanh. Vì hợp tánh, hợp tình nên chúng cháu mới kết giao làm bạn. Quả thật, cháu có biết Kim Xà, Ngân Xà là ai đâu?

Tuy Ngũ lão hơi nguôi cơn giận nhưng vẫn còn hoài nghi, Minh Đạt lại hỏi:

- Nếu cậu không nói rõ chỗ ẩn núp của Kim Xà gian tặc thì ngày hôm nay cậu đừng có hòng ra khỏi đất Thạch Lương này.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Cậy có chút võ nghệ như các ông thì giữ sao nổi được tôi cơ chứ!”

Tuy trong bụng nghĩ như vậy, bề ngoài chàng vẫn cung kính trả lời:

- Cháu với Kim Xà Lang Quân, vô cố vô thân, thậm chí chưa hề gặp nhau bao giờ. Nhưng cháu biết chỗ ở của ông ta. Chỉ sợ ở đây không có người nào dám tới gặp ông ta thôi!

Lửa giận lại bốc lên, Ngũ lão cũng nói:

- Ai bảo không dám nào? Trong mười mấy năm nay, lúc nào chúng tôi cũng để tâm tìm kiếm hắn. Năm anh em chúng tôi dù có phải chết vì tay hắn, dù phải đi tớn tận chân trời, góc biển nào cũng mặc, nhưng quyết tâm tìm cho được hắn mới thôi. Vậy hắn ở đâu?

Thừa Chí tủm tỉm cười, trả lời:

- Các cụ muốn tìm gặp ông ta thật ư?

Minh Đạt tiến lên một bước nói:

- Phải.

Thừa Chí cười hóm hỉnh:

- Gặp ông ta chả có ích lợi gì đâu!

Ôn Minh Đại nói:

- Nầy cậu bạn nhỏ kia, ai nói đùa với cậu làm gì? Cậu nói mau đi?

- Các cụ còn tráng kiện thế này ít ra cũng phải sống thêm vài năm nữa mới gặp ông ta được. Ông ta… chết rồi!

Thừa Chí vừa dứt lời, mọi người đều ngẩn người ra, Ôn Thanh, Ôn Minh Sơn nổi giận mắng liền:

- Thật là tiền oan nghiệp chướng!

Minh Nghĩa nói với Ôn Thanh:

- Thanh Thanh, cháu đỡ má vào trong kia đi! Đừng có ở đây bêu xấu, để người ta cười cho.

Ôn Thanh khóc òa lên, trả lời:

- Bêu xấu cái gì? Má cháu nghe cha cháu đã mất, tất nhiên phải đau đớn chứ!

Thừa Chí giật mình kinh ngạc nghĩ thầm: “Người đàn bà đẹp ấy là vợ của Kim Xà Lang Quân! Vậy Ôn Thanh là con ông ta chắc?”

Minh Nghĩa thấy Ôn Thanh cãi lại mình trước mặt mọi người còn gì nhục nhã bằng, nghiến răng cồm cộp, nói với Minh Đạt:

- Đại ca, nếu anh còn nuông chìu con nhãi ranh này, em sẽ dạy bảo nó đấy!

Minh Đạt quát mắng Ôn Thanh:

- Ai là cha mầy? Có đi vào nhà trong ngay không?

Ôn Thanh đỡ mẹ, từ từ đi vào nhà trong. Lúc đó người đàn bà đã tỉnh lại dần, khẽ bảo Ôn Thanh:

- Con mời Viên tướng công tối mai đến chơi. Má muốn hỏi chuyện cậu ta.

Ôn Thanh gật đầu nói với Thừa Chí:

- Còn một ngày nữa. Tối mai anh hãy trở lại, xem anh có thể lấy trộm được số vàng đó không?

Nói xong, Ôn Thanh lườm Tiểu Tuệ với một vẻ tức tối, rồi đỡ mẹ vào nhà trong.

Thừa Chí bảo Tiểu Tuệ rằng:

- Ta đi thôi!

Hai người quay trở ra. Ôn Minh Ngô đứng giữa cửa giơ tay ra cản lại:

- Hãy khoan đã! Chúng tôi muốn hỏi cậu.

Thừa Chí chắp tay vái chào:

- Thưa cụ hôm nay muộn lắm rồi. Cụ cho phép tối mai cháu sẽ trở lại thăm các cụ.

- Tên gian tặc Kim Xà Lang Quân chết ở đâu? Có ai trông thấy hắn chết không?

Nghĩ tới cái chết thảm thương của vị hòa thượng bị Trương Xuân Cửu đâm trộm, Thừa Chí nghĩ thầm: “Chắc họ cũng muốn được hưởng các di vật của Kim Xà Lang Quân, vậy ta không thể nói rõ cho họ biết được.”

Chàng liền trả lời:

- Thưa cụ, tin này do các bạn nói cho cháu biết. Hình như Kim Xà Lang Quân chết trên một hòn đảo ở tận ngoài khơi tỉnh Quảng Đông.

Năm anh em họ Ôn nhìn nhau một lúc tỏ vẻ ngạc nhiên. Thừa Chí lại bảo thầm: “Các ngươi cứ việc ra ngoài khơi tỉnh Quảng Đông tìm kiếm đi!”

Nghĩ xong, chàng chào mọi người:

- Cháu xin thất lễ.

Ôn Minh Ngô vội cản lại:

- Khoan! Vội vàng làm gì?

Minh Ngô muốn hỏi cho thật rõ mới thôi liền giơ tay ra cản nhưng Thừa Chí đã đẩy lui hai cánh tay của ông già. Minh Ngô vội vã dùng cổ tay móc lại định bắt Thừa Chí. Nhưng ý chàng không muốn đánh nữa, chỉ chờ cho Minh Ngô buông tay xuống, có chỗ trống là kéo Tiểu Tuệ đi liền.

Đột nhiên, thấy “vù” một tiếng, chàng nhảy vụt đi thẳng, không đụng chạm đến quần áo kẻ địch. Nổi giận, Minh Ngô rút luôn roi da bò ra, nhắm sau lưng Thừa Chí đánh tới. Thấy phía sau có tiếng gió, Thừa Chí vội xách Tiểu Tuệ, nhảy về phía trước tránh được ngọn roi đó. Chẳng cần quay đầu lại, cố nhảy lên bờ tường chạy thẳng. Minh Ngô luyện chiếc roi đó đã mấy chục năm trời, khi nào lại chịu để Thừa Chí đi thoát một cách dễ dãi như thế, liền vụt chiếc roi lên quấn lấy chân Tiểu Tuệ. Vì biết rõ Tiểu Tuệ võ nghệ kém hơn, tất nhiên không thể nào tránh khỏi, nên Minh Ngô định lôi cho được Tiểu Tuệ ngã xuống như vậy cũng gỡ lại được chút sĩ diện, Minh Ngô mới thi hành chính sách “tỵ thực tựu hư” (tránh kẻ mạnh, đánh kẻ yếu) là thế. Đang ở trên không, Thừa Chí nghe thấy tiếng gió, liền giơ tay trái bắt luôn ngọn roi, và dùng sức kéo mạnh một cái, thế là Minh Ngô cũng bị lôi lên trên cao. Mục kích rõ ràng khi còn đang lơ lửng trên không, chẳng nhờ đâu mượn sức được, thế mà Thừa Chí cũng kéo nổi Minh Ngô lên, các người nhà họ Ôn đều giựt mình sợ hãi và thầm phục tài chàng.

Minh Thi vội vàng ném hai chiếc phi đao lên, nhằm đúng giữa lưng Thừa Chí, mục đích cứu em Năm, chớ không định giết đối thủ. Thừa Chí phải buông roi ra, rồi kéo Tiểu Tuệ ra ngoài bờ tường, đồng thời lấy chân khẽ gạt phi đao. Bị gạt, hai chiếc phi đao quay trở lạ, rơi xuống đầu Minh Ngô lúc đó vừa bị ngã ngồi, biết không thể đứng dậy tránh kịp, liền quất luôn roi da vào hai chiếc phi đao ấy. Ngờ đâu, roi da đã bị Thừa Chí dùng nội lực dứt nhưng chưa đứt hẳn, nay đụng vào phi đao roi da đứt ra từng đoạn một, còn phi đao vẫn rơi xuống. Sợ quá Minh Ngô phải lăn sang một bên để tránh. Nhưng vì hơi chậm một chút, ông ta chỉ tránh được một con thôi, còn một con đã đâm thủng vạt áo. Khi đứng dậy, người ông ta toát đẫm mồ hôi lạnh, sợ đến nỗi không nói được nửa lời. Minh Đạt cứ lắt đầu thở dài, còn mọi người khác đều lo sợ thầm.

Minh Nghĩa nói:

- Coi thằng nhỏ tuổi chỉ độ 20 là cùng. Dù nó bắt đầu luyện từ trong bụng mẹ nó đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ có 20 năm công lực thôi. Nhưng không hiểu sao võ nghệ và nội công của nó lại lợi hại đến thế được?

Minh Sơn nói:

- Lợi hại như Kim Xà gian tặc, mà còn thua anh em mình! Tối mai, thằng nhãi con thế nào cũng trở lại, anh em ta phải cẩn thận lắm mới được.

Thừa Chí và Tiểu Tuệ về tới nhà trọ, Tiểu Tuệ cứ khen lấy khen để tài ba xuất chúng của Thừa Chí. Nàng nói:

- Thôi sư huynh cứ khen ngợi mãi sư phụ anh ta giỏi lắm. Nhưng em dám chắc sư phụ anh ấy cũng không thể nào giỏi bằng anh được.

Thừa Chí hỏi:

- Thôi sư huynh tên là gì? Ai là sư phục của anh ta?

- Tên anh ấy là Thôi Hy Kính, biệt hiệu là Ngọc Diện Kim Cương. Sư phục anh ta là môn đồ của phái Hoa Sơn, đồ đệ của Mộc lão tổ sư. Tên là gì em không hỏi, chỉ biết hiệu của ông ta là “Đồng Bút Thiết Toán Bàn” Anh coi biệt hiệu ấy có ngộ nghĩnh buồn cười không?

Thừa Chí gật đầu, nghĩ thầm: “Không ngờ y lại là đồ đệ của đại sư huynh ta. Như vậy, y phải gọi ta là sư thúc mới phải.”

Tuy nghĩ thế nhưng chàng không nói rõ cho Tiểu Tuệ biết. Sau đó, người nào trở về giường người ấy yên nghỉ.

Tối hôm đó, Thừa Chí dặn Tiểu Tuệ ở lại nhà trọ chờ đợi, Tiểu Tuệ tự biết võ nghệ của mình kém quá, có đi thì cũng chỉ thêm vướng chân vướng tay, và còn làm bận lòng Thừa Chí phải để ý đến mình luôn. Tuy không bằng lòng, nhưng nàng vẫn phải nghe lời. Chờ tới canh hai, Thừa Chí đi theo lối cũ tới thẳng nhà họ Ôn. Thấy bốn bề đen như mực, không có một chút ánh sáng đèn nến nào cả, chàng đang định phi thân vào bên trong bỗng nghe thấy ở đằng xa có ba tiếng tiêu. Một lát sau, chàng lại nghe thấy ba tiếng như thế nữa. Chàng hiểu ngay đó là ám hiệu của Ôn Thanh gọi mình. Chàng liền quay sang phía núi, nơi trồng hoa hồng mà bữa nọ Ôn Thanh đã thổi tiêu cho chàng nghe. Lên tới sườn núi, chàng đã trông thấy từ đằng xa có hai bóng người ngồi trong đình. Khi tới gần, chàng mới thấy rõ hai người ấy đều là đàn bà cả.

Một người thổi tiêu, đang khẽ thổi khúc điệu mà bữa nọ Ôn Thanh đã thổi cho chàng nghe. Ngạc nhiên vô cùng, chàng liền từ từ đi tới. Người nọ để ống tiêu xuống, chạy ra đón. Nhìn kỹ bộ mặt, chàng mới hay người thiếu nữa đó chính là Ôn Thanh, ngẩn người trong giây phút, chàng mới ú ớ nói:

- Em… em là…

Ôn Thanh mỉm cười trả lời:

- Vâng, thân em chính phận gái. Cứ giấu đại ca mãi, xin đại ca thứ lỗi cho nhé?

Nói xong, nàng chắp tay vái chào. Thừa Chí cúi đầu trả lễ. Bao nhiêu vấn đề, chàng hồ nghi trước kia đến bây giờ thấy Ôn Thanh ăn mặc nữ trang chàng mới khỏi thắc mắc. Chàng nghĩ thầm: “Trước kia ta cứ trách nàng, tánh nết và cử chỉ như con gái chẳng có chí khí trượng phu gì cả. Thì ra nàng là con gái thật sự.”

Ôn Thanh nói:

- Tên thật của em là Ôn Thanh Thanh đấy ạ.

Nói xong nàng cầm khăn che miệng cười. Thấy nàng ăn mặc nữ trang sắc đẹp vô song, chàng trách mình quá hồ đồ và quá thật thà, nên mới bị nàng đánh lừa được. Vào địa vị người khác, nếu chung đụng bấy lâu tất nhiên nhận ngay ra nàng là một thiếu nữ.

Ôn Thanh Thanh lại nói:

- Má em ngồi trong đình kia, có mấy lời muốn hỏi anh đấy.

Bước vào trong đình, chàng cúi đầu chào má Thanh Thanh:

- Chào bác, cháu là Viên Thừa Chí xin bái kiến.

Người đàn bà đứng tuổi vội đứng lên đáp lễ:

- không dám mời công tử ngồi

Thấy sắc mặt sầu thảm của người đàn bà chắc trong lòng bà ta đau đớn lắm. Chàng lẳng lặng ngồi xuống, trong óc suy nghĩ: “Theo lời Thanh Thanh nói với bà ta bữa nọ thì má nàng đã bị một kẻ bất lương hãm hiếp rồi sinh ra nàng. Người bị gọi là kẻ bất lương tất nhiên chính là Kim Xà Lang Quân rồi. Xem sắc mặt của Ngũ lão thì họ có vẻ ghét Kim Xà Lang Quân thậm tệ, cho nên Thanh Thanh vừa nhắc tới chuyện cha nàng, đã bị ngay ông già Hai mắng cho một trận. Còn má nàng, nghe tin Kim Xà Lang Quân đã tạ thế liền ngã ra chết giấc. Xét bề ngoài như vậy, tất nhiên trong lòng bà ta phải yêu chồng một cách thiết tha. Vậy bên trong chắc có ẩn tình gì đây. Ta phải nghĩ cách an ủi bà ta mới được.”

Má Thanh Thanh ngồi yên lặng giây lát rồi khẽ hỏi:

- Hắn… Hắn đã chết thật ư? Viên tướng công có được mục kích không?

Thấy Thừa Chí gật đầu, bà ta lại nói:

- Viên tướng công rất quý cháu Thanh Thanh, tôi biết lắm. Tôi không như các ông ngoại hoặc chú bác nó, coi cậu là kẻ thù đâu. Xin cậu hãy kể lại tình hình lúc cha cháu sắp chết cho tôi nghe.

Sau khi đọc được võ nghệ trong cuốn Kim Xà bí kíp, Thừa Chí coi Kim Xà Lang Quân như một trong các thầy dạy mình, và không còn xem thường ông ta như lúc đầu mà sư phụ chàng và Mộc Tang đạo nhân là Kim Xà Lang Quân là người đứng giữa haiphe chánh và tà. Vì thế hôm trước khi nghe thấy Ngũ lão gọi Kim Xà Lang Quân là gian tặc, chàng tức giận vô cùng. Nay thấy má Thanh Thanh hỏi, chàng nhanh nhẩu đáp:

- Cháu chưa hề được gặp Kim Xà Lang Quân, nhưng nói cho đúng ra, thì cháu cũng là đồ đệ của ông ta, vì cháu đã học được ông ấy rất nhiều miếng võ. Còn tình hình sau khi ông ta chết như thế nào, xin lỗi bác, cháu không thể cho bác biết được vì cháu sợ có kẻ manh tâm nghe lỏm được, sẽ cho đào mả ông ta.

Chưa nghe hết lời của Thừa Chí, má Thanh Thanh đã loạng choạng ngã ngửa người ra phía sau, Thanh Thanh vội ôm lấy mẹ và kêu gọi:

- Má ơi! Má tỉnh lại đi!

Một lát lâu, má Thanh Thanh dần dần hồi tỉnh, vừa khóc vừa nói:

- Tôi chịu khổ chịu nhục cũng chỉ mong chờ cha cháu về đón mẹ con tôi rời khỏi chốn này. Chờ đợi suốt mười tám năm liền nhưng vẫn tuyệt vô âm tích, đến nay mới hay tin là cha cháu đã quy tiên trước tôi rồi. Còn Thanh Thanh chưa từng được trông thấy mặt cha nó bao giờ!…

Thừa Chí nói:

- Xin bác chớ nên nghĩ ngợi làm gì cho thêm đau lòng. Hiện giờ Hạ lão tiền bối đã nằm nghỉ yên dưới chín suối rồi. Chính tay cháu đã cải táng xương cốt cho lão tiền bối.

Má Thanh Thanh nói:

- Ơn đức này chúng tôi không biết lấy gì để đền đáp tướng công!

Vừa dứt lời, bà ta liền đứng dậy, chắp tai vái chào Thừa Chí và nói tiếp:

- Thanh Thanh, con mau mau quỳ xuống lạy tạ Viên đại ca đi!

Thấy Thanh Thanh quỳ, Thừa Chí cũng lật đật quỳ xuống đáp lễ. Má Thanh Thanh lại hỏi:

- Chẳng hay nhà tôi có để lại di thư cho chúng tôi không?

Nghe nói, chàng mới sực nhớ tới bức địa đồ mà chàng đã tìm thấy ở phía trong tờ bìa cuốn Bí Kíp bên góc bản đồ đã có ghi chú rõ ràng mấy câu đây: “Người được hưởng kho báu, xin đến tỉnh Triết Giang, phủ Từ Châu, làng Thạch Lương, tìm nàng Ôn Nghi rồi trao tặng nàng 100 nghìn lạng vàng kia hộ tôi.” Vì Thừa Chí không có tính tham của nên khi xem xong, chàng tiện tay nhét vào hành trang chớ không để ý tới nữa. Lúc ấy trong bụng chàng nghĩ rằng: “Tài ba như Kim Xà Lang Quân mà vẫn phải chết tại núi hoang và suýt nữa thì không một ai chôn cất giùm. Rất có thể ông ta bị mang họa cũng tại số vàng kếch sù ấy cũng nên!” Vì thế, chàng không thèm để ý gì tới bức bản đồ ấy nữa.

Bây giờ, thấy mẹ Thanh Thanh hỏi tới, chàng mới nhớ ra, liền hỏi:

- Cháu hỏi thế này hơi vô lễ một chút nhưng xin bác hãy thứ lỗi cho. Chẳng hay tên bác có phải là Nghi không?

Mẹ Thanh Thanh giựt mình, trả lời:

- Phải! Sao cậu lại biết?… Trong di thư có nói đến tôi phải không? Cậu có mang theo đấy chớ?

Đang định trả lời, bỗng nhiên chàng nhảy vượt qua lan can ra bên ngoài. Thanh Thanh và mẹ nàng đều hoảng sợ. Hai người vừa nghe có tiếng kêu “ối trời!” đã thấy Thừa Chí từ trong bụi cây bước ra, tay túm cổ một người. Người đó đã bị chàng điểm huyệt nên tứ chi không cử động được. Đi tới phía trước đình, Thừa Chí ném tên nọ xuống đất. Thanh Thanh vừa trông thấy hắn liền la lên:

- Ô kìa, bác Bảy!

Ôn Nghi thở dài một tiếng, nói với Thừa Chí:

- Viên tướng công, hãy tha cho hắn! Trong gia đình họ Ôn này, không một ai coi mẹ con chúng tôi là người nhà cả!

Nghe thấy lời nói của bà ta bi đát quá, Thừa Chí liền giơ tay ra và xoa những huyệt của người kia. Lúc người ấy tỉnh dậy, chàng mới nhận ra hắn là Ôn Nam Dương mà hôm qua đã giao chiến với mình. Y là đứa con của Minh Nghĩa, xếp hạng bảy trong các anh em cùng một vai vế. Thanh Thanh nổi giận nói:

- Bác Bảy, sao bác lại tới đây nghe trộm chúng tôi nói chuyện? Như thế còn ra cái thể thống gì nữa!

Hắn định giở mặt, nhưng trông Thừa Chí đứng đó, y hậm hực nói to lên:

- Mẹ nào con nấy có khác. Mình chim trai đã hư hỏng rồi lại còn dạy cả con gái chim trai nữa!

Bị những câu nói mỉa, Ôn Nghi xấu hổ và đau lòng quá, hai hàng lệ tuôn rơi lả chả. Thanh Thanh không thể nhịn được liền rút kiếm ra đuổi theo và quát lớn:

- Nầy bác Bảy, đứng lại, sao bác lại nói tầm bậy tầm bạ như vậy?

Nam Dương ngừng bước quay lại mắng:

- Con khốn nạn này muốn phản chăng? Các ông bảo tao tới đây, mày làm gì tao nào?

- Bác muốn bảo gì thì cứ việc đường hoàng mà nói. Tại sao lại lén lút nghe trộm chúng tôi nói chuyện như thế?

Nam Dương cười nhạt:

- Chúng tôi? Không biết ở đâu lòi ra cái thằng đàn ông mọi rợ này mà mầy dám tự xưng chúng tôi, chúng nó như thế? Thật là sĩ diện và danh giá của 18 đời nhà họ Ôn này đã bị mẹ con mầy làm mất hết cả.

Giận đến nỗi hai con mắt đỏ ngầu, Thanh Thanh quay lại nói với Ôn Nghi:

- Má, má đã nghe thấy bác ấy nói chưa?

Ôn Nghi khẽ nói:

- Anh bảy, anh hãy lên đây, em có chuyện muốn nói với anh.

Ngẫm nghĩ giây phút, Nam Dương ngang nhiên đi thẳng vào trong đình. Ôn Nghi nói tiếp:

- Đời của em và cháu nó rất đáng tội nghiệp. Cũng may, được năm vị chú bác và các anh em thương hại, cho nên em với cháu nó mới được ở lại nhà họ Ôn này mười mấy năm. Câu chuyện của em với người họ Hạ, cháu Thanh Thanh không hay biết một tí gì. Nay người đó đã khuất mà câu chuyện đó anh lại hiểu rất rõ. Vậy tiện đây, xin anh làm ơn kể hộ cho Thanh Thanh và Viên tướng công nghe.

Nam Dương bực tức nói:

- Tôi không được rảnh, việc của cô thì cô phải kế lấy, quý hồ cô nương không sợ xấu hổ là được rồi.

Ôn Nghi thở dài rồi nói:

- Thôi được, để em kể cũng không sao! Vì chú đã được người ta cứu cho khỏi chết tưởng rằng anh còn có chút lòng nhớ tới ơn ấy nên em mới nhờ anh kể chuyện lại hộ. Không ngờ người nhà họ Ôn hầu hết đều vong ơn bội nghĩa.

Nam Dương nổi giận:

- Phải, y có cứu tôi khỏi chết thật. Nhưng tại sao y lại chịu cứu tôi? Thôi được, để tôi nói rõ đầu đuôi câu chuyện cho mọi người được hay, khỏi phải để cô kể lại thêm đuôi thêm cánh vào lại sai hết cả câu chuyện. Người họ Viên kia và cả cháu Thanh Thanh nữa, bây giờ tôi xin kể hết tại sao lại quen biết Kim Xà gian tặc cho mà nghe.

Các người sẽ thấy lòng của gian tặc hiểm độc như thế nào!

Thanh Thanh nói:

- Bác nói xấu cha cháu, cháu không nghe đâu!

Nói xong, nàng lấy hai tay bịt tai, Ôn Nghi nói:

- Thanh Thanh, con cứ nghe đi. Cha con tuy không tốt thiệt nhưng còn khá hơn người nhà họ Ôn trăm nghìn lần.

Ôn Nam Dương cười nhạt nói:

- Chắc cô đã quên rằng cô cũng họ Ôn phải không? Năm tôi hai mươi mốt tuổi nghĩa là cách đây 20 năm, cha tôi sai tôi đi Dương Châu giúp chú Sáu.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Thì ra anh em nhà họ Ôn tất cả những sáu người cơ đấy!”

Ôn Nam Dương lại tiếp tục nói:

- Khi tới Nam Dươong, tôi không gặp chú Sáu. Một đêm, tôi nhúng tay vào một vụ án rồi không may bị bắt.

Ôn Nghi hỏi kháy:

- Sao anh không nói rõ đã nhúng tay vào vụ án gì?

- Nam nhi đại trượng phu dám làm chẳng lẽ không dám nói ư? Một hôm, tôi trông thấy một người con gái đẹp lắm. Đêm đến, tôi nhảy qua bờ rào định hái hoa. Vì nàng ta không chịu nên tôi giết chết nàng. Trước khi tắt thở, nàng còn lên tiếng kêu cứu. Ngờ đâu tiếng kêu cứu đó lọt đến tai mấy tên võ sư. Họ bổ tới bao vây. Vì địch không nổi bấy nhiêu người nên tôi bị bắt tức thì.

Thấy y kể lại thủ đoạn đi hái hoa thật đê hèn xấu xa như vậy mà y không có vẻ gì xấu hổ cả, Thừa Chí phải rùng mình kinh hãi. Nam Dương lại nói:

- Chúng điệu tôi nộp lên quan. Bị giam trong tù lao, tôi không biết sợ là gì cả vì tôi nghĩ rằng chú Sáu ở đất Dương Châu vô địch cả hai bên bờ Giang Nam và Giang Bắc nếu chú ấy biết tôi bị bắt, thế nào cũng đến cứu, nhưng đợi mãi mà vẫn không thấy chú Sáu đến cứu. Rồi công văn ở tỉnh gởi xuống phán trảm huyết tôi ngay tại chỗ. Thấy ngục tốt cho hay tin đó, tôi mới sợ hãi vô cùng.

Thanh Thanh xen vào:

- Cháu tưởng bác không biết sợ là gì?

- Ba hôm sau thấy ngục tốt bưng vô một mâm thịt và một bát rượu lớn, tôi biết ngay ngày mai phải bị xử huyết rồi. Tôi không sợ chết, chỉ tiếc thân mình còn trẻ là đã phải lìa bỏ cõi trần thôi. Ăn uống xong no say, tôi nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm, bỗng có người khẽ vỗ vai tôi, tôi ngồi nhổm dậy và nghe thấy người đó rỉ tai tôi: “Yên lặng tôi sẽ cứu cho!” Y có cầm một con dao thật bén, chặt đứt xiềng xích ở chân tay tôi rồi cõng tôi vượt ngục đến một cái miếu cổ ở ngoại thành. Người đó khinh công giỏi, sức lại khoẻ, nên cứu tôi một cách dễ dàng mà không một ai hay biết cả. Tới khi y thắp sáng ngọn nến trên bàn thờ tôi mới biết y trẻ hơn tôi và đẹp trai lắm! Hừ!

Nói tới đây, Nam Dương ngừng lại đưa mắt lườm Ôn Nghi và Thanh Thanh rồi mới nói tiếp:

- Tôi cúi chào cám ơn nhưng y kiêu ngạo lắm, không thèm trả lễ tôi và chỉ nói rằng: “Tôi họ Hạ. Anh là người họ Ôn, phái Thạch Lương phải không?” Tôi gật đầu. Lúc ấy tôi mới thấy võ khí của hắn là một thanh kiếm chứ không phải con đao, nhưng hình dáng thanh kiếm đó kỳ lạ lắm.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Chắc là thanh kiếm Kim Xà mà ta tìm được.”

Nam Dương lại kể tiếp:

- Tôi hỏi y tên là gì? Thì y trả lời: “Anh không cần biết tới. Thế nào sau này thì anh cũng không cảm ơn tôi đâu!” Thấy y nói, tôi ngạc nhiên quá. Trong bụng tôi nghĩ: “Y đã cứu ta tất nhiên ta phải chịu ơn y suốt đời chớ?” Y lại nói: “Tôi vì chú Sáu anh nên mới cứu anh ra. Vậy anh hãy theo tôi.” Tôi theo y đi tới một con sông đào cùng lên một chiếc thuyền, rồi y bảo người lái đò cho thuyền xuôi xuống miền Nam. Khi đi khỏi Dương Châu được mười mấy dặm, tôi mới yên tâm. Một lát sau thấy người đó cầm chiếc dục Nga Mi giống y hệt của chú Sáu tôi, tôi nghĩ thầm:“Cái đó là ám khí để phòng thân của chú Sáu. Tại sao người này lại có?” Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, y nói: “Chú Sáu anh là bạn của tôi, hà, hà, hà!” Nghe thấy tiếng cười ghê rợn của y, tôi run mình sờn gáy. Y lại nói: “Đây có một cái hòm, anh làm ơn đem về nhà anh hộ tôi. Còn lá thơ này, anh đưa hộ cho các bác, các chú anh đọc.” Nói xong, y lấy tay chỉ vào trong khoang thuyền. Tôi thấy một cái hòm thật lớn, xung quanh có đóng nẹp sắt rất kỹ lưỡng bên ngoài còn buộc thêm dây thừng. Y nói: “Anh phải về nhà ngay. Giữa đường đừng có dừng lại và đưa ngay cái hòm này cho các bác, các chú anh ngay. Và phải bảo các ông ấy mở, chớ đừng để cho người ngoài đụng tới!” Tôi nhận lời ngay. Y lại nói: “Trong vòng một tháng, tôi sẽ tới thăm vậy anh báo cho các người bề trên anh biết để họ chờ đợi đón tiếp tôi.” Nghe lời nói nửa úp nửa mở của y, tôi không hiểu biết gì cả nhưng vẫn cứ gật đầu nhận lời. Vừa dặn bảo tôi xong, y liền cầm cái mỏ neo lên, hai tay bẻ mạnh một cái, bốn cá móc đất của chiếc mỏ neo gãy ngay tám đoạn.

Nghe tới đây, Ôn Thanh Thanh bỗng reo một tiếng:

- Hay!

Nam Dương nhổ luôn đống nước miếng xuống đất. Thanh Thanh rất ưa vệ sinh, thấy Nam Dương nhổ bậy làm dơ bẩn như vậy, vẻ không vui hiện ngay lên trên nét mặt. Biết ý nàng, Thừa Chí dùng chân chùi ngay đống đàm ấy đi, Thanh Thanh khẽ gật đầu tỏ vẻ khen ngợi và bằng lòng. Ôn Nam Dương tiếp tục nói:

- Y tỏ sức khỏe tôi xem, tôi không biết có dụng ý gì. Chỉ thấy y ném cái neo gãy vào trong khoang thuyền, rồi y nói: “Nếu anh không làm theo lời dặn của tôi, thì anh sẽ bị như cái neo này đấy!” Y lại móc túi lấy ra một nén bạc, vứt xuống ván thuyền và nói rằng: “Đây là tiền lộ phí của anh.” Nói xong, y nhổ hai cái sào bên tay trái vừa cắm xuống nước người y đã nhảy cao lên, rồi lại cắm chiếc sào bên tay phải xuống đáy sông, đồng thời y rút chiếc sào bên tay trái lên và lại cắm luôn về phía trước. Chỉ có mấy động tác như thế, y tựa như đi trên không, chống bằng hai cái sào mà sang tới bên kia sông. Lúc tới bờ, y gọi: “Đỡ lấy!” Vừa dứt lời, y đã lao hai chiếc sào tới chỗ trước mặt tôi. Tự lượng sức mình kém quá, tôi không dám bắt hai chiếc sào đó. Chỉ nghe thấy “bộp, bộp” hai tiếng, hai chiếc sào đã lần lượt cắm vào mũi thuyền. Sợ quá tôi đành nín lặng. Nghe thấy tiếng cười dài như tràng pháo nổ, tôi nhìn lên bờ thì hình bóng y đã khuất trong bóng tối rồi.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Kim Xà Lang Quân sử xự cũng khí khái hào hiệp thật!”

Còn Thanh Thanh thì lên tiếng khen ngay:

- Người đó thật là một vị anh hùng hào kiệt!

Ôn Nam Dương đáp:

- Hừ! Anh hùng cái quái gì? Lúc ấy tôi vẫn coi y là người ân nhân đã cứu tôi khỏi chết nhưng mỗi khi nhìn thấy đôi mắt lộ hung quang của y thì tôi có cảm tưởng là y rất ghét tôi. Tôi lại nghĩ đó chỉ là một tánh nết kỳ lạ của y thôi, cho nên tôi không để ý tới. Từ đó về tới nhà, tôi phải sang một lần đò nữa. Dọc đường, các phu khiêng gánh chiếc hòm ấy đều kêu nặng lắm. Tôi đoán chắc trong hòm phải chứa đựng nhiều trân châu báu vật mà chú Sáu đã cướp bóc được của người ta nên mới nặng nề như thế. Ta vất vả vận tải về, thế nào các bác, các chú chả chia thêm cho một phần. Càng nghĩ tôi càng khoái trí. Về tới nhà, các bác các chú đều khen tôi tài giỏi và bảo lần đầu tiên đi kiếm ăn mà tôi đã làm được một việc lớn như thế thật khá lắm.

Thanh Thanh nói xen vào:

- Phải khá lắm! Cho một thiếu nữ đem về những một hòm lớn châu báu cơ mà!

Ôn Nghi mắng liền:

- Thanh Thanh, im mồm, để nghe bác kể chuyện!

Nam Dương lại kể:

- Tối hôm đó, trong khách sảnh đèn đuốc sáng choang, bốn tên gia đinh khiêng cái hòm ra. Cha tôi và bốn vị chú bác ngồi ở giữa, tôi ra tay cởi dây thừng và nhổ từng chiếc đinh ra. Lúc ấy, tôi nhớ lắm, bác cả vừa cười vừa nói: “Chắc chú Sáu mê con nhỏ nào chưa chịu bỏ nên mới sai cháu Dương áp tải hòm đồ này về đấy! Nào, tất cả lại đây xem trong hòm đựng những châu báu gì?” Tôi mở nắ hòm ra, thấy trên có phủ một tờ giấy, mặt tờ giấy có một lá thơ đề rằng: “Năm anh em họ Ôn hãy cùng bóc raxem.” Mấy chữ đó đẹp lắm nhưng không phải bút tích của chú Sáu. Tôi đưa ngay phong thơ cho bác cả nhưng bác không bóc xem, chỉ nói: “Xem bên dưới là cái gì đã?” Tôi bóc lượt giấy trên ra, thấy bên dưới có một gói vuông vắn, khâu kỹ lưỡng lắm. Bác cả nói: “Thím Sáu, thím cầm kéo lại đây cắt gói đồ ra xem. Sao lần này chú Sáu lại khâu kỹ lưỡng và cẩn thận đến thế?” Thím Sáu cắt đứt các đường chỉ xong vừa mở gói đồ ra bỗng có bảy, tám mũi tên độc bắn ra.

Thanh Thanh sợ hãi rú lên một tiếng.

Thừa Chí nghĩ: “Đó là thói quen của Kim Xà Lang Quân.”

Ôn Nam Dương nói:

- Bây giờ nghĩ ra, thật là cám ơn ông Trời có mắt. Nếu tôi nóng nảy mà tranh mở gói đồ ra thì tánh mạng của tôi có còn nữa không? Mấy mũi tên độc đó đều xuyên cả vào mình mẩy thím Sáu. Thứ thuốc bôi trên mũi tên độc lắm, thấy máu là phong hầu tức thì. Người của thím Sáu cứ tím dần đi. Và không thấy thím ấy rên rỉ nửa lời. Thím ấy ngã lăn ra chết liền.

Nói tới đây, y quay lại đay nghiến Thanh Thanh:

- Đó là thành tích tốt mà cha mày tạo ra đấy. Thấy thím Sáu chết một cách bất ngờ như vậy, mọi người hoảng sợ. Chú Năm nghi tôi lập mưu nên bắt buộc tôi phải mở gói đồ, tôi sợ quá nhưng không biết làm sao đành phải đứng thật xa, cầm cái cây thật dài để mở gói đồ. Nhưng lần này không có gì bắn ra nữa. Trong đó đựng những bửu bối gì? Tôi đố các người đoán được đấy?

Thanh Thanh nói:

- Ai mà đoán được! Có những gì thế?

Ôn Nam Dương cất giọng thảm não nói:

- Là xác của ông Sáu đó!

Thanh Thanh sợ hãi đến nỗi mặt tái mét. Thấy thế, Ôn Nghi vội ôm chặt lấy nàng.

Bốn người yên lặng trong giây lát, rồi Nam Dương lại nói:

- Các người bảo như thế y có độc địa không? Đã giết chết chú Sáu thì thôi, y lại còn cho đưa xác về tới nhà.

Ôn Nghi đỡ lời:

- Có tử tế thì người ta mới làm như thế như thế?

- Hừ! Tất nhiên cô cho hành động của y là phải chớ gì?

Ngửng đầu nhìn sao trên trời, Ôn Nghi từ từ nói:

- Thanh Thanh, lúc ấy tuổi má lớn hơn con bây giờ một năm nhưng lại ngây thơ hơn con nhiều, chả biết gì cả. Các chú bác hay làm việc ác nên má ghét các chú bác lắm. Thấy chú Sáu bị giết chết, má không thương xót chút nào. Má chỉ lấy làm lạ là vì chú ấy võ nghệ cao cường lắm, tại sao lại bị người ta giết được? Má núp sau lưng và không dám nói nửa lời. Sau đó, bác Cả mới lớn tiếng đọc lá thơ cho mọi người nghe: “Cùng bảy anh em họ Ôn phái Thạch Lương, nay gởi về một cái thi thể, xin vui lòng nhận cho. Người này đã phạm lỗi làm ô nhục chị tôi rồi đang tâm giết chết liền, chẳng những thế lại còn hạ sát nốt cha mẹ và các anh em tôi tất cả năm người, số ta không chết mới là lạ. Nghĩa là ta phải giết chết 50 mạng người nhà các ngươi và làm nhơ bẩn mười phụ nữ. Không đủ con số đó, ta thề chẳng làm người. Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi kính bạch.” Vừa đọc xong bức thơ, mặt bác Cả bỗng nhợt nhạt dần, hai tay run lẩy bẩy, và lời nói không còn mạch lạc như lúc đầu.

Ôn Nghi liền hỏi Nam Dương rằng:

- Anh Nam Dương, có thật chú Sáu đã giết chết toàn gia người ta không?

Nam Dương trả lời một cách hãnh diện:

- Chúng ta “nam nhi đại trượng phu” đã bước chân vào hắc đạo (con đường tối, nghĩa là làm giặc) thì những việc hiếp dâm, cướp của, giết người, phóng hỏa, đều coi rất nhẹ nhàng và tầm thường. Thấy chị y còn nhan sắc, chú Sáu cưỡng ép không được mới rút dao ra giết luôn. Chuyện đó chắc là có.

Ôn Nghi thở dài:

- Các người đàn ông khi ra ngoài chỉ tạo nên những việc tiền oan nghiệp chướng, những việc tày trời như thế?

Nam Dương lại kể tiếp:

- Bác Cả đọc xong thơ, giây lát sau, bỗng cười ha hả và nói rằng: “Nếu nó đến tận cửa nhà ta thì càng tốt. Bằng không chúng ta biết nó ở đâu mà đi kiếm chớ?” Tuy nói cứng như thế, nhưng bác ấy vẫn phải cẩn thận đề phòng. Đêm hôm đó, sau khi ra lịnh giới nghiêm, bác Cả còn cho người đi Kim Hoa và Nghiêm Châu mời đón chú Bảy và chú Tám về.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Sao họ nhiều anh em thế nhỉ?”

Thanh Thanh hỏi mẹ:

- Nhà ta còn ông Bảy và ông Tám, sao con lại không được biết?

Ôn Nghi trả lời:

- Hai ông ấy là em họ các ông nhà. Xưa nay, hai ông vẫn ở riêng nơi khác.

Ôn Nam Dung đỡ lời luôn:

- Xưa nay chú Bảy vẫn ở Kim Hoa, và chú Tám ở Nghiêm Châu. Tuy là anh em trong họ nhưng ít ai biết tới hai chú ấy. Không hiểu tại sao gian tặc Kim Xà lại được tin chóng thế? Hai chú vừa về tới nửa đường đã bị y đón giết liền. Tên gian tặc ấy như là thần xuất quỷ mật vậy. Không biết y lấy trộm được từ hồi nào 50 chiếc thẻ tre mà nhà ta vẫn thường dùng để lúc thâu thuế gạo tính cho khỏi quên? Hễ cứ giết một người nhà ta là y cắm luôn một chiếc thẻ tre trên tử thi. Xem ra, không cắm đủ 50 chiếc thẻ y không chịu buông tha.

Thanh Thanh hỏi:

- Nhà ta, trên dướic có hơn trăm người, sao địch không nổi người ta? Bên phía người đó có bao nhiêu người hở bác?

- Y chỉ có việc một thân một mình nhưng y không dám công nhiên lộ diện. Lúc thường, không biết y ẩn núp ở đâu. Hễ thấy người nhà ta đi lẻ loi một mình là y hiện ra giết luôn. Tức giận quá, cha tôi phải mời rất nhiều cao thủ hắc đạo tới Thạch Lương để trợ giúp. Suốt ngày, các người tụ họp ở đại sảnh và cùng chuyện trò để chờ đợi y tới. Ngoài cửa dán một tờ báo cáo lớn, hẹn y phải chánh địa quang minh tới đây quyết đấu. Y cứ làm thinh.

Thấy chúng ta đông người, y tuyệt tích không tới. Nửa năm sau, các giang hồ hảo thủ giải tán dần. Anh Ba tôi và em Chín con chú Năm, bỗng thấy chết đuối ở cái ao trong vườn và trên ngực hai người đều có cắm thẻ tre. Chẳng ai ngờ tên gian tặc lại nhẫn nại đến thế! Chịu khó đợi chờ nửa năm trời, nhắm đúng khi trong nhà không có cao thủ thì ra tay sát hại liền, từ đó tháng nào trong nhà ta cũng có người chết. Các tiệm bán quan tài ở làng Thạch này làm không kịp hòm sẵn để bán cho nhà ta. Bác Cả phải cho người ra tận Từ Châu mua để chôn cất người nhà. Với người ngoài, nhà ta không dám cho hay sự thật, chỉ bảo là bị bịnh dịch tả, nên mới chết nhiều người đến thế. Cô Nghi, chắc cô còn nhớ những ngày giờ sợ hãi đó chớ gì?

Ôn Nghi nói:

- Vâng lúc ấy, tất cả thị trấn này ai nấy đều bàng hoàng sợ hãi. Nhà chúng ta suốt ngày đêm đều có gia đinh đi tuần tiễu. Cha em và các bác, các chú, thay phiên nhau canh gác. Đàn bà và trẻ con phải ở cả vào căn nhà giữa, không dám bước chân ra khỏi cửa.

Nam Dương nghiến răng nói:

- Canh phòng cẩn thận đến thế, mà hai người con dâu của chú Tư đều bị y bắt cóc đi mất. Ai cũng tưởng hai thím ấy đã bị giết chết rồi. Ngờ đâu hơn tháng sau, lại thấy ở Dương Châu gửi thư về nói rằng: “Bị y bán làm gái điếm, xin cho người đem tiền đến chuộc.” Sau hỏi ra, cả hai đã phải tiếp khách trên một tháng rồi. Tức quá, chú Tư suýt chết ngất.

Nghe tới đây, Thừa Chí rởn tóc gáy nghĩ thầm: “Báo thù cho cha mẹ và anh, y đã giết chết nguyên thủ phạm cũng đủ rồi, hà tất Kim Xà Lang Quân phải tàn sát và hiếp tróc như thế thì quá đáng thật!”

Vừa nghĩ, chàng vừa lắc đầu tỏ vẻ bất mãn vì hành động vô nhân đạo đó.

Nam Dương lại nói:

- Có điều này đáng hận nữa, là hễ đến ba ngày Tết: Đoan Ngọ, Trung Thu, và Nguyên Đán, y lại gởi một lá thơ tới, trong đó kê khai các người đã bị giết và nhắc lại còn thiếu của y mấy mạng người và mấy người đàn bà. Phái Thạch Lương chúng ta ở Giang Nam tung hoành mấy chục năm mà nay bị tên gian tặc đó làm lụy, đến nỗi chịu cảnh tang thương đến thế! Ai nấy đều suy tính phải báo lại mối thù này. Nhưng thủ đoạn y cao cường quá, cha tôi bàn đi tính lại thật vô kế khả thi. Chúng ta đề phòng cẩn thận hơn trước thì mấy tháng liền không thấy y tới. Nhưng hễ canh phòng hơ chểnh mảng một chút là có sự không lành xảy đến ngay. Trong hai năm người nhà họ Ôn ta, già trẻ lớn bé, tất cả bị giết mất 38 người. Đấy cháu Thanh Thanh thử nghĩ xem, chúng ta có đáng hận y không?

Thanh Thanh hỏi:

- Sau rồi sao nữa?

Nam Dương nói:

- Đoạn sau này xin nhường để má cháu kể nốt.

Đưa mắt nhìn Thừa Chí, Ôn Nghi rầu rĩ nói:

- Có thật chính Viên tướng công đã chôn cất hài cốt của anh ta phải không? Nếu vậy tôi chả cần phải giấu diếm tướng công nữa. Chúng tôi chỉ mong lát nữa tướng công cho mẹ con chúng tôi biết tình hình lúc chết của anh ta như thế nào?… vậy…

Nói tới đây, giọng nói của nàng nghẹn ngào, nghe không ra tiếng. Một lát sau, nàng mới nói tiếp được:

- Lúc đó, tôi không hiểu tại sao anh ta lại nhẫn tâm đến thế? Sự thật, tôi cũng không muốn biết. Cha tôi cấm tôi không được bước ra tới ngưỡng cửa lớn. Buồn bực quá, mỗi ngày tôi có thể ra vườn chơi cũng phải có các anh, các chị đi theo, tôi mới được ra, dù là ban ngày cũng vậy. Hồi đó, đang lúc tiếc tháng ba, mùi hương của hoa thơm cỏ lạ theo gió thổi vào, ngào ngạt khắp nhà, tôi muốn lên sườn núi xem hoa nở và hóng gió mát. Nhưng chỉ vì Kim Xà Lang Quân giết người và lịnh cấm nghiêm ngật của cha tôi mà tôi phải bị nhốt trong nhà, bỏ uổng mất cảnh đẹp, không người thưởng thức. Chiều hôm đó, tôi, chị Ba con bác Hai, con dâu chú Năm, anh Nam Dương, và anh Niệm Từ, tất cả năm anh em ra chơi ngoài vườn. Tôi đánh đu, mỗi khi nhún lên thật cao, trông thấy cây cảnh bên ngoài, hớn hỡ biết bao. Bỗng anh Niệm Từ thét lên một tiếng, rồi ngã người ra phía sau, tôi sợ hãi quá. Sau mới biết anh ta bị người nọ phóng Kim Xà chùy trúng giữa ngực, chết ngay tại chỗ. Tôi còn nhớ, lúc ấy anh Nam Dương sợ chạy trốn vào trong nhà, bỏ mặc ba người đàn bà chúng tôi ở ngoài vườn.

Mặt đỏ bừng, Nam Dương cãi rằng:

- Một mình tôi địch sao nổi? ở lại đó phải mất mạng tôi không? Tôi phải đi gọi người cứu viện chớ?

Ôn Nghi nói tiếp:

- Tôi đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bỗng đâu một cái bóng đen ở trên tường nhảy xuống đúng ngay tấm ván của chiếc đu mà tôi đang đứng trên đó.

Người đó nhún mạnh một cái, chiếc đu bay bổng lên trời. Y ôm chặt lấy lưng tôi, rồi y ôm lấy tôi nhún mạnh người tôi chỉ thấy vù vù như đằng vân giá vũ, cả hai đều bay ra khỏi chiếc đu. Những tưởng phen này tôi và y sẽ bị rơi xuống không chết thì cũng tan xương, ngờ đâu tay trái y ôm lấy tôi, tay phải y víu ngay được cành cây cổ thụ. Lại bật mạnh một cái, y và tôi đã bắn ra xa mười mấy trượng, rồi nhẹ nhàng đứng xuống mặt đất. Sợ hãi đến nỗi mơ mơ hồ hồ, tôi cứ đấm bừa vào mặt hắn. Y dùng ngón tay điểm bả vai tôi. Thế là người tôi mềm nhũn như bún, chân tay không cựa quậy được, tai tôi chỉ nghe thấy tiếng hò hét đuổi theo của rất nhiều người, nhưng tiếng hò hét đó càng ngày càng xa dần. Y cắp tôi vào nách, một mạch chạy thẳng lên một cái hang ở trên sườn núi cao chót vót. Giải huyệt cho tôi xong, y ngồi nhìn tôi miệng tủm tỉm cười. Nghĩ đến hai người chị dâu đã bị y hãm hiếp hồi nọ, tôi định chết trong sạch còn hơn sống nhục. Tôi đập đầu vào vách đá. Y sợ quá vột túm lấy cổ áo tôi, nhưng trán của tôi đã bị thương một tí rồi, nên mới có cái sẹo này đây.

Thấy cái sẹo đó khá lớn, Thừa Chí đoán chắc vết thương không nhỏ. Ôn Nghi thở dài một tiếng đoạn nói tiếp:

- Nếu lúc bấy giờ y không kéo tôi lại để cho tôi chết lại đỡ khổ cho y. Khi tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên một cái thảm lông chiên ở trong hang núi. Sợ hãi quá, tôi suýt chết lần nữa, sau nhìn thấy quần áo vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mới đượcyên đôi chút. Có lẽ thấy tôi định tự tử, tà tâm của cường đạo bỗng đổi ra lòng thiện, nên y mới không đang tâm hãm hại tôi chăng?

/24

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status