Báu Vật Của Đời

Chương 44

/69


Năm năm sau. Một sáng mùa đông, Tưởng Đệ đang nằm trong chái đông chờ chết, bỗng nhổm dậy. Do bệnh cũ tái phát, mũi chị đã thối rữa, chỉ còn là hai cái hốc đen ngòm, hai mắt cũng đã bị mù, mớ tóc dài mượt rụng gần hết, những sợi tóc còn lại ngả màu chì, che không kín cái đầu khô héo. Chị lẩy bẩy đi tới trước rương, bắc ghế đẩu trèo lên lấy cây dàn tì bà đã vỡ hộp xuống, rồi vẫn cái dáng lẩy bẩy như thế, chị lần ra sân. ánh nắng chiếu trên cơ thể người đàn bà lở loét cùng mình và bốc lên mùi hôi thối này. Chị huống cặp mắt mù về phía mặt trời, một dòng nước đặc như keo từ hai hốc đen chảy ra. Đang ngồi đan chiếu cói cho đội sản xuất, mẹ vội đứng dậy, giọng đau xót:

- Con gái khốn khổ của mẹ! Con ra đây làm gì?

Tưởng Đệ co ro ngồi xuống chân tường, duỗi thẳng hai chân đầy vẩy như vẩy cá. Chị cởi trần không chút thẹn thùng, rét buốt cũng không xâm hại được chị. Mẹ chạy vào trong nhà lấy ra tấm chăn chiên đắp lên hai chân chị.

- Con ơi!... Đời con thật... Mẹ gạt nước mắt, tiếp tục đan.

Ngoài đồng vọng lại tiếng hô khẩu hiệu của bọn học sinh tiểu học. Chúng hô Tấn công, tấn công, tấn công nữa kẻ thù giai cấp, tiến hành đến cùng cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản. Hô đến khản giọng, rầm rộ hang cùng ngõ hẻm, vẽ những tranh rất trẻ con lên tường mọi nhà bằng phấn màu, những khẩu hiệu dữ dội, lỗi chính tả sai hàng đồng.

Tưởng Đệ bật cười khanh khách. Bằng một giọng khê đặc, chị nói:

- Mẹ, con đã ngủ với hàng vạn người đàn ông, đã kiếm được ối tiền, tất cả đều chuyển thành vàng, đá quí kim cương, đủ dùng cho cả đời. Chị thò tay vào cái hộp đàn đã bị ông cán bộ công xã chọc thủng một lỗ to tướng, nói tất cả để trong này. Mẹ xem, viên ngọc to này là viên dạ minh châu của một thương gia Nhật tặng con, mẹ đính nó trên mũ, đi đêm không cần đèn lồng... Đây là viên ngọc mắt mèo, con đổi bằng mười chiếc nhẫn... Đây là chiếc xuyến vàng, cụ Hùng cho cái lần phá trinh... Chị kể ra từng chiếc mà nay chỉ còn trong ký ức, điểm từng chiếc, bảo:

- Mẹ lấy cả đi, có bấy nhiêu thứ thì còn lo gì nữa, viên ngọc lục bảo này chí ít cũng mua được một tấn bột mì, chiếc kiềng cổ này đáng giá một con la... Mẹ ơi, lúc sa vào nhà chúa con đã thề rằng, đã bán mình thì một lần cũng là bán, vạn lần cũng là bán, chỉ cần các chị em con được sung sướng, thì tấm thân này có sá gì?... Con đi đâu cũng đem theo cây đàn tì bà này... chiếc dây chuyền này là của Kim Đồng, đeo nó vào sống lâu trăm tuổi. Mẹ, những đồ quí giá này mẹ nhớ cất cho kỹ, đừng để trộm nó lấy mất, đừng để Bần nông đoàn đấu tranh tịch thu mất!... Chúng là mồ hôi nước mắt của con. Mẹ cất kỹ cả chưa?

Những dòng nước mắt già nua chảy tràn mặt mẹ. Mẹ không ngại bẩn, ôm chặt Tưởng Đệ khóc không thành tiếng:

- Con gái yêu của mẹ, tim mẹ tan nát vì con, còn nỗi khổ nào trên đời này hơn nỗi khổ của con!...

Kim Đồng bị Hồng vệ binh đánh chảy máu đầu khi quét rác ngoài đường. Mặt bê bết máu, cậu đứng dưới tán cây ngô đồng nghe chị Tư kể mà trong lòng đau nhói từng cơn. Trên cổng nhà cậu, Hồng vệ binh treo một lô biển: Nhà Hán gian, Sào huyệt của bọn Hoàn hương đoàn, Nhà thổ, v.v... Giờ đây nghe chị Tư kể, cậu nghĩ rằng, nên đổi tên nhà thổ thành nhà báo hiếu hoặc nhà liệt nữ mới đúng. Do bệnh tật của chị, cậu lâu nay xa lánh chị, lúc này cậu hối hận quá. Cậu đi tới nắm chặt bàn tay lạnh giá của chị, nói:

- Chị Tư... cảm ơn chị đã cho em dây chuyền... Em đã... đeo vào cổ rồi đây này!...

Nét vui mừng chợt lóe lên trong đôi mắt mù, chị nói:

- Đeo rồi hả? Em không ngại gì chứ? Đừng nói với vợ em là chị... Cho chị sờ xem có vừa không nào...

Vào những giây phút cuối cùng, từng đàn giòi vội vã rời khỏi thân thể chị. Chúng cảm thấy máu chị đã đông lại không hút được nữa.

Trên khuôn mặt chị nở một nụ cười xấu xí. Chị nói, giọng yếu dần:

- Cái đàn của tôi... để tôi dạo một khúc mọi người cùng nghe...

Bàn tay chị rờ rẫm một hồi trên cây đàn rồi buông thõng, đầu ngoẹo sang một bên.

Mẹ khóc mấy tiếng rồi lau nước mắt đứng lên:

- Con ơi, thế là con đã trả hết nợ rồi

Sau khi chôn cất chị Tư được hai hôm, chúng tôi vừa cảm thấy rỗi rãi được đôi chút thì tám phần tử phái hữu của nông trường Thuồng Luồng luân phiên khiêng thi thể chị Phán Đệ đặt trên cánh cửa gỗ ván nhà tôi. Tiểu đầu mục tay đeo băng đỏ, gõ cửa quát to:

- Nhà Thượng Quan ra mà nhận xác!

Mẹ bảo anh ta:

- Nó không phải con gái tôi.

Tiểu đầu mục chính là cậu thanh niên trong đội canh tác ở nông trường, có biết Kim Đồng. Anh ta đưa cho Kim Đồng một mảnh giấy, nói:

- Đây là thư của chị cậu để lại. Vì tinh thần nhân đạo cách mạng, chúng tôi mới đưa chị ta về. Cậu không tưởng tượng nổi chị ta nặng đến như thế nào đâu, bọn phái hữu oằn cả lưng!...

Kim Đồng nhìn cánh phái hữu tỏ vẻ áy náy. Cậu mở tờ giấy Phán Đệ viết: Tôi là Thượng Quan Phán Đệ, không phải Mã Thụy Liên. Tôi tham gia cách mạng hai mười năm, không ngờ kết cục lại đến nông nỗi này. Tôi tha thiết đề nghị quần chúng cách mạng đưa xác tôi về trấn Đại Lan, giao cho mẹ tôi là Thượng Quan Lỗ thị

Kim Đồng bước tới chỗ đặt thi thể Phán Đệ cúi xuống lật tờ giấy che mặt. Mắt Phán Đệ lòi ra ngoài, lưỡi thè ra quá nửa. Cậu vội vàng đậy tờ giấy lại, quì sụp xuống lạy tiểu đầu mục và tám người phái hữu:

- Phiền các ông khênh giúp đến nghĩa trang, gia đình tôi không còn người nữa!

Lúc này mẹ mới kêu gào ầm ĩ.

Sau khi chôn cất chị Năm, Kim Đồng kéo lê chiếc xẻng vừa về đến đầu ngõ liền bị một toán Hồng vệ binh túm chặt. Họ chụp lên đầu Kim Đồng một chiếc mũ hình chóp bằng giấy bồi. Cậu lắc đầu một cái, chiếc mũ rơi xuống đất. Cậu trông thấy tên mình viết trên mũ, bị gạch chéo bởi hai gạch màu đỏ hình chữ nhân, bên cạnh viết: Tội phạm giết người hiếp xác chết. Hồng vệ binh vụt Kim Đồng một gậy vào mông, không đau mấy vì có quần bông, nhưng Kim Đồng vẫn kêu toáng lên. Hồng vệ binh nhặt chiếc mũ lên, lệnh cho Kim Đồng nhún thấp chân xuống như Võ Đại Lang trên sân khấu để chúng chụp mũ vào đầu cậu, ấn lút xuống. Một hồng vệ binh mặt mũi hung tợn, quát:

- Giữ lấy mũ, còn rơi nữa tao sẽ đánh què chân mày!

Kim Đồng hai tay giữ mũ, lảo đảo bước đi. Cậu trông thấy có rất nhiều người cũng bị chụp mũ trước cổng trụ sở công xã, trong đó có Tư Mã Đình da vàng bủng, bụng to như cái trống; có ông hiệu trưởng trường tiểu học; trưởng phòng giáo vụ trường trung học; năm sáu ông cán bộ công xã mới đây còn diễu võ dương oai, và cả một số người năm xưa đã từng bị Lỗ Lập Nhân bắt quì trên khán đài, cũng đều đội mũ cao đứng ở đó. Kim Đồng trông thấy mẹ. Đứng bên mẹ là thằng Vẹt bé tí tẹo, bên cạnh thằng Vẹt là Kim-Một-Vú. Mũ của mẹ có dòng chữ: Đồ giòi bọ Thượng Quan Lỗ thị. Thằng Vẹt không bị chụp mũ. Kim-Một-Vú đầu đội mũ cao, cổ đeo một chiếc giày Hồng vệ binh khua chiêng gõ trống, áp giải bọn đầu trâu mặt ngựa đi diễu phố. Hôm ấy là phiên chợ cuối cùng của năm, người đông như kiến, một số người ngồi xổm bên dương bày bán một số lương thực phụ như khoai lang, rau cải bẹ và giày cỏ. Tất cả mọi người đều mặc đồ đen, những chiếc áo bông bóng loáng vì cáu bẩn do mũi dãi, mồ hôi dầu và bụi bặm bám cả một mùa đông. Những người có tuổi phần lớn dùng dây thừng làm thắt lưng. Cách ăn mặc của mọi người gần như không khác là bao so với mười lăm năm về trước. Những người đi chợ Tuyết quá nửa bị chết trong ba năm liên tiếp mất mùa, người nào sống sót cũng đã trở thành già nua. Cá biệt có người còn nhớ được phong độ của chàng Công tử Tuyết cuối cùng. Khi ấy không ai ngờ công tử Tuyết lại trở thành tên hiếp xác chết. Các đầu trâu mặt ngựa đờ đẫn cất bước, Hồng vệ binh dùng gậy vụt tới tấp vào mông họ, nhưng chỉ đánh tượng trưng, không đau.

Chiêng trống rầm trời, tiếng hô khẩu hiệu đinh tai nhức óc dân chúng chỉ trỏ, bàn tán sôi nổi. Kim Đồng cảm thấy có ai dẫm vào chân nhưng cậu không để ý. Nhưng khi bị dẫm lần thứ hai thì cậu liếc sang bên, thấy Kim-Một-Vú đầu cúi nhưng mắt ngước lên nhìn cậu, mớ tóc ngả màu rơm phủ lên vành tai đỏ ủng vì lạnh. Cậu nghe thấy chị ta hỏi nhỏ:

- Anh chàng công tử Tuyết chết tiệt? Bao nhiêu phụ nữ mong cậu thì cậu chăng mần, cậu lại đi mần cái xác chết?

Kim Đồng giả vờ không nghe thấy, mắt nhìn xuống đất và gót chân người đi trước.

- Diễu phố xong cậu gặp tôi!

Kim Đồng nghe Kim-Một-Vú nói vậy.

Cậu đang rối như canh hẹ, ngán ngẩm về lời gợi ý không đúng lúc của chị ta.

Tư Mã Đình đi bộ đã vất vả lại dẫm phải miếng gạch vỡ ngã lăn ra. Hồng vệ binh đá vào mông, ông cũng không có phản ứng. Một Hồng vệ binh nhảy lên lưng ông dận mạnh. Một tiếng ục như quả bóng xì hơi vang lên và dòng nước vàng vàng ộc ra từ miệng. Mẹ ngồi xổm xoay mặt ông lại hỏi:

- Ông bác, ông làm sao thế này?

Tư Mã Đình hé cặp mắt đã thất thần nhìn mẹ một thoáng rồi khép lại, không bao giờ mở ra nữa. Hồng vệ binh lôi xác ông sang vệ đường, lăn xuống một cái rãnh. Đoàn người tiếp tục tiến.

Kim Đồng thoáng nhìn thấy một bóng người thanh mảnh len lỏi giữa đám đông. Cô mặc chiếc áo chẽn nhưng kẻ sọc màu đen, đầu quấn khăn màu cà phê, mặt đeo khẩu trang to bụ, chỉ hở đôi mắt sắc như dao cau. Sa Tảo Hoa rồi, cậu suýt kêu lên. Từ khi chị Cả bị hành quyết Sa Tảo Hoa bỏ nhà đi biệt, thoắt cái đã bảy năm? Trong thời gian đó cậu nghe rất nhiều huyền thoại về cô nữ tặc này, nói rằng cô đánh cắp khuyên tai của phu nhân Xi-ha-núc, cậu cho rằng nữ tặc đó chính là Sa Tảo Hoa. Mấy năm không gặp, nhìn bề ngoài cô đã trở thành một phụ nữ. Trong chợ, giữa đám dân chúng mặc toàn đen, có một số người đeo khẩu trang, đầu quấn khăn. Đó là những thanh niên trí thức về nông thôn đợt đầu tiên. Sa Tảo Hoa trông có vẻ tây hơn những thanh niên trí thức kia. Cô đứng bên cửa quán ăn của hợp tác xã cung tiêu ngó sang bên này. Cô quay mặt về phía ánh nắng, nên đôi mắt cô lấp lánh như pha lê. Hai tay thọc trong túi ngoài chiếc áo nhưng sọc, cùng màu với chiếc quần cũng bằng nhưng kiểu ống túm, kiểu mốt nhất hiện nay. Một ông già từ trong quán ăn chạy ra, lẩn vào đám đầu trâu mặt ngựa, đuổi theo ông ta là hai người đàn ông nói giọng vùng khác. Ông già rét tím cả người, cạp quần bằng vải bông trắng kéo cao đến ngực. Ông lách trong đoàn người, vừa lách vừa nhét từng miếng bánh nướng vào miệng, mắt mũi trợn trừng vì nghẹn. Hai người đàn ông kia tóm được ông. Ông khóc òa lên, bôi mũi dãi vào đầy miếng bánh, than vãn:

- Tôi đói, tôi đói!

Hai người đàn ông ngán ngẩm nhìn miếng bánh rơi dưới đất, một người ngồi xuống, dùng hai ngón tay kẹp miếng bánh lên xem, thái độ tỏ ra bỏ thì thương vương thì tội. Những người xung quanh khuyên anh ta:

- Bạn ơi, đừng lấy lại nữa, thương ông già một tí!

Anh ta ném mẩu bánh xuống trước mặt ông già, nói:

- Đồ khốn, đúng là của nợ! Ăn đi, cho chết nghẹn con chó già đi! Anh ta lấy chiếc khăn tay nhàu nát trong túi ra lau tay rồi bỏ đi. Ông già chạy đến chân tường, ngồi xuống, nhấm nháp từng tí mẩu bánh đầy mũi dãi, tận hưởng mùi vị thơm ngon đã lâu ông không được hưởng.

Cái bóng của Sa Tảo Hoa len lỏi giữa đám đông. Một người đàn ông mặc trang phục công nhân dầu mỏ, đầu đội mũ lông sói rất đẹp, miệng ngậm điếu thuốc lá thơm ra vẻ ta đây, đi ngang như cua xuyên qua dòng người. Thấy mọi người tỏ ra hâm mộ, anh ta càng đắc ý, càng vênh váo. Kim Đồng biết anh ta. Đúng là người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân, anh chàng du thủ du thực Phòng Thạch Tiên rách như tổ đỉa trong thôn, vậy mà một chiếc mũ lông sói đã biến anh ta thành người khác. Bộ trang phục công nhân dầu mỏ mặt ngoài bằng vải xanh trong lót bông dày, chỉ nhìn cũng đã thấy ấm. Một thằng lỏi con gầy nhom như khỉ, đũng quần bị rách lời bông như cái đuôi cừu bẩn, áo chẽn bật hết cúc phơi cái bụng màu nâu, tóc rối như tổ quạ. Nó bám theo Phòng Thạch Tiên.

Mọi người chen lấn xô đẩy nhau để cho ấm người. Thằng lỏi đến sát sau lưng Thạch Tiên, nhảy lên giật lấy chiếc mũ đội luôn vào đầu rồi bỏ chạy. Mọi người càng chen lấn nhau hơn, quát tháo ầm ĩ. Phòng Thạch Tiên sờ đầu ngẩn người ra rồi thét lên một tiếng, đuổi theo. Thằng lỏi không chạy nhanh, hình như có ý đợi. Thạch Tiên xông tới, không nhìn đường, mắt chỉ đóng đinh vào chiếc mũ. Anh ta va phải người, bị người ta đẩy bật lại, gạt sang bên, ngật ngưỡng, mắt nảy đom đóm. Mọi người dừng lại xem màn trình diễn, ngay cả các tiểu tướng Hồng vệ binh cũng bỏ mặc đám đầu trâu mặt ngựa đội mũ cao, len lên để xem. Thằng lỏi chạy tới trước cổng xưởng luyện thép của công xã, ở đó có một số bé gái bán lạc rang. Bán lạc rang là phạm pháp, nên bọn chúng rất cảnh giác, sẵn sàng bỏ chạy bất cứ lúc nào. Trước cổng xưởng là một cái đầm rộng, tuy trời lạnh, nhưng nước trong đầm bốc hơi ấm vì nước thải từ lò luyện thép liên tục chảy vào đầm. Thằng lỏi lột mũ trên đầu quẳng ra giữa đầm. Mọi người ngạc nhiên, nhưng sau đó thì hít hà tỏ vẻ thích thú. Chiếc mũ lông sói bập bềnh trên mặt nước, chưa chìm. Phòng Thạch Tiên chay đến nơi, chửi:

- Oắt con, tao thì lột da mày!

Nhưng thằng lỏi thoắt cái đã mất hút. Thạch Tiên nhìn chiếc mũ, mắt chớp chớp ứa ra hai giọt nước. Anh ta loay hoay bên bờ đầm, một người khuyên:

- Chạy về lấy cây sào mà khều!

Người khác lại bảo:

- Đợi lấy được sào thì mười cái mũ cũng đã chìm nghỉm từ đời tám hoánh rồi?

Chiếc mũ đã bắt đầu chìm. Có người kêu lên:

- Cởi quần áo ra, ai vớt được là của người ấy!

Nghe vậy, Phòng Thạch Tiên cuống lên, vội cởi bộ quần áo bông của công nhân dầu mỏ ra, chỉ mặc mỗi chiếc quần lót rồi rón rén lội xuống nước. Nước sâu, chấm vai anh ta. Rồi anh ta vớt được chiếc mũ.

Nhưng khi mọi người dán mắt vào quang cảnh trên đầm thì Kim Đồng trông thấy thằng lỏi kia nhanh như cắt ôm bộ quần áo của Thạch Tiên chạy vào một ngõ nhỏ, rồi cái bóng mảnh mai kia cũng loáng một cái, mất hút theo. Khi Phòng Thạch Tiên ướt luật thuật trèo lên bờ thì chỉ còn lại mỗi đôi giày rách và đôi tất thủng lỗ chỗ. Thạch Tiên chạy vòng quanh, vừa chạy vừa gào:

- Quần áo tôi đâu rồi, quần áo tôi đâu rồi? Rồi chuyển sang khóc lóc thảm thiết. Khi anh ta hiểu rằng đã bị kẻ cắp đánh lừa, cái mũ chỉ là giương bẫy, còn mục tiêu thực sự là bộ quần áo, thì anh ta kêu to:

- Trời ơi, tôi chẳng thiết sống nữa?

Nói rồi anh ta ôm mũ nhảy xuống đầm. Mọi người kêu cứu nhưng không ai chịu cởi quần áo. Gió lạnh thấu xương, giọt nước vừa rơi xuống đã thành băng, tuy nước trong đầm ấm thật đấy, nhưng xuống thì dễ, lên thì khó. Phòng Thạch Tiên quẫy đạp dưới nước, còn quần chúng trên bờ thì chép miệng than thở bọn kẻ cắp đúng là cao thủ.

Hình như mẹ quên là đang bị đi diễu phố. Người mẹ đã từng nuôi cả một đàn con gái, có những chàng rể vua biết mặt chúa biết tên này dám quẳng cái mũ xuống đất, ngật ngưỡng chạy trên đôi bàn chân bé tí, mẹ tới sát mép đầm, giận dữ nhìn những người đứng xem:

- Sao thấy người ta chết mà không cứu?

Mẹ lấy cây chổi có chiếc cán dài bằng trúc ở một cửa hàng gần đấy, chạy tới mép nước trơn như mỡ, gọi to:

- Cháu Phòng, cháu Phòng, sao cháu dại thế? Túm lấy đầu sào để bác kéo lên? Chắc là ở dưới nước chẳng thích thú gì!

hòng Thạch Tiên không muốn chết nữa. Ướt như chuột lột, anh ta run rẩy bò lên bờ, môi thâm tím, ánh mắt hết vẻ vênh váo, miệng lắp bắp nói không thành lời. Mẹ cởi áo dài bông khoác cho anh ta. Mặc chiếc áo của phụ nữ, trông anh ta thật tức cười. Mẹ bảo:

- Cháu đi giày vào rồi chạy ngay về nhà, chạy thật nhanh cho toát mồ hôi ra, nếu không thì chết là cái chắc.

Nhưng tay anh ta cứng đờ ra, mọi người phải xúm lại giúp anh ta đi giày, xốc anh ta dậy bắt chạy nhưng anh ta không chạy được, hai chân kéo lê trên mặt đất.

Mẹ chỉ còn mặc một chiếc áo cánh mỏng, hai tay bắt chéo cho đỡ lạnh, đưa mắt nhìn theo Phòng Thạch Tiên. Đám đông nhìn mẹ bằng con mắt nể trọng. Kim Đồng không tán thành việc làm của mẹ. Cậu nhớ lại, chính thằng cha Phòng Thạch Tiên năm ngoái làm bảo vệ hoa màu cho thôn, mỗi khi ngoài đồng tan tầm, hắn đứng ở đầu thôn lục soát những nguồn đi làm đồng về. Mẹ nhặt được một củ khoai lang trên đường đi, bỏ trong chiếc bị cói Thạch Tiên khám thấy cho là mẹ ăn cắp, mẹ cãi lại, hắn đánh mẹ hai bạt tai chảy máu mũi. Hôm ấy mẹ cũng mặc chiếc áo này, vết máu không giặt sạch, còn lấm tấm trước ngực. Một thằng vô công rồi nghề, dựa vào thế lục bần nông mà quậy phá, để hắn chết thì có gì đáng tiếc? Thậm chí cậu còn oán mẹ. Trước cửa lò mổ của công xã cậu trông thấy Sa Tảo Hoa đứng trước tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng. Cậu cho rằng sự rủi ro của Phòng Thạch Tiên có dính dáng tới Sa Tảo Hoa, thằng lỏi kia chính là đồ đệ của Sa Tảo Hoa. Cô ta dám đánh cắp chiếc nhẫn kim cương của bà Hoàng Mônich trong phòng Tổng thống của khách sạn Hoàng Hải, tất nhiên không thèm đánh cắp một bộ quần áo bông. Chẳng qua là cô ra tay trừng trị kẻ đã xúc phạm bà ngoại của cô. Kim Đồng bắt đầu nhìn nhận Sa Tảo Hoa với con mắt hoàn toàn khác. Cậu từng nghĩ rằng trộm cắp là xấu xa, bất luận thời đại nào, bắt gà trộm chó đều xấu, nhưng đạo chích như Sa Tảo Hoa thì thật đáng khen! Cậu có phần sung sướng khi nghĩ rằng một ngọn cờ mới của nhà Thượng Quan đã được dựng nên!

Viên tiểu đầu mục Hồng vệ binh rất không bằng lòng về hành vi của mẹ. Anh ta giơ chiếc loa điện cầm tay, một của hiếm rất thích hợp với tình thế và nhu cầu của cách mạng lúc bấy giờ, cất giọng rè rè bệnh hoạn của nhân vật bự hồi thí điểm cải cách ruộng đất:

- Các đồng chí, các tiểu tướng Hồng vệ binh, các chiến hữu, các bần nông và trung nông lớp dưới thân mến! Các đồng chí không nên để cho những thủ đoạn giả vờ từ bi của Thượng Quan Lỗ thị, mụ già phản cách mạng mưu toan chuyển hướng đấu tranh của chúng ta!...

Viên tiểu đầu mục Hồng vệ binh này tên là Quách Bình Ân. Anh ta rất bất hạnh vì bị ông bố tính nết quái đản tên là Quách Kim Thành hành hạ. Quách Kim Thành đánh gãy chân vợ nhưng không cho vợ khóc một tiếng. Mọi người khi đi qua nhà ông ta thoáng nghe thấy tiếng roi gậy vụt vào da thịt và tiếng phụ nữ khóc ti tỉ. Từng có một ông tốt bụng tên là Lý Vạn Niên định vào can ngăn, nhưng vừa gõ cổng thì một hòn đá rất to từ trong vườn ném trúng lưng khiến ông bị thương nặng. Quách Bình Ân thừa hưởng cái tính hung hãn và thâm độc của bố. Trong cách mạng văn hóa, anh ta đá dập thận thầy giáo Chu Văn. Anh ta hò hét một hồi rồi khoác loa lên vai đi tới trước mặt bà Lỗ, phóng chân đá một phát vào đầu gối bà, quát:

- Quì xuống.

Bà Lỗ rên lên đau đớn rồi khuỵu xuống. Hắn lại xách tai bà lên, quát:

- Đứng lên! Bà Lỗ vừa đứng lên, hắn lại đá bà ngã xuống và còn dận gót chân lên lưng bà. Hàng loạt động tác của hắn là nhằm giải thích khẩu hiệu Đánh kẻ thù giai cấp ngã lăn ra đất đạp thêm một đạp, rất thịnh hành lúc bấy giờ.

Kim Đồng thấy mẹ bị đánh thì cơn giận bùng lên.

Cậu nắm chặt quả đấm, xông tới trước mặt Quách Bình Ân. Cậu giơ nắm đấm lên thì bắt gặp ánh mắt thâm hiểm của hắn. Thằng con trai mới lớn này mới tí tuổi mà hai mép đã có rãnh sâu chạy thẳng xuống cằm chẳng khác loài bò sát thời cổ đại. Bàn tay Kim Đồng tự nhiên mềm nhũn, cậu run rẩy định chất vấn Bình Ân vì sao đánh mẹ mình, nhưng khi thấy Bình Ân giơ tay lên, câu hỏi liền chuyển thành tiếng kêu khóc:

- Mẹ ơi!

Rồi cậu quì sụp trước mặt mẹ. Mẹ nâng cái đầu khá nặng của cậu lên, giận dữ:

- Đồ giẻ rách! Đứng lên cho tôi nhờ?

Kim Đồng đứng lên. Quách Bình Ân chỉ huy đội gậy gộc và đội thanh la áp giải bọn đầu trâu mặt ngựa tiếp tục đi diễu trong chợ. Quách Bình Ân định dùng loa điện hô hào quần chúng cùng anh ta hô khẩu hiệu, nhưng cái giọng quái gở của anh ta được phóng đại qua loa không khác thuốc trừ sâu cực độc, gần như làm ngất xỉu mọi người trong chợ. Quần chúng nhăn mặt cắn răng chịu đựng, không ai hô theo anh ta.

Kim Đồng mơ tưởng đến một ngày huy hoàng nào đó, tay cầm bảo kiếm Long Tuyển, cậu dồn tất cả bọn chúng, từ thằng Quách Bình Ân, Trương Bình Đoàn, thằng Phương Chuột, thằng Chó Lưu, thằng Vu Vân Vũ, Ngụy Sùng Dê, Quách Thu Sinh... lên khán đài, bắt chúng quì thành một hàng dài, rồi vung thanh Long Tuyền chỉ vào từng thằng... Tất nhiên trước tiên là thằng Vu Vân Vũ. Cái thằng đầu đầy mụn nhọt ấy nước mắt như mưa, lắp bắp van xin: Kim Đồng... à không, Công tử Thượng Quan, tha mạng cho tôi, tiểu nhân còn một mẹ già tám mười tuổi không người phụng dưỡng... Công tử Kim Đồng phong thái hào hoa, mặc toàn đồ trắng, một kiếm hiệp nổi danh thiên hạ, ngoắt mũi kiếm cắt luôn một tai Vu Vân Vũ cho chó ăn, nhưng con chó lập tức mửa cái tai đã nát nhừ ra, không thèm nuốt. Công tử Kim Đồng nói: Xéo đi, đồ chó cũng chê không thèm ăn, đồ cóc thối, cút! Vu Vân Vũ lăn xuống chân khán đài. Tiếp theo, đến luật Ngụy Sừng Dê, cái thằng hung dữ hơn sài lang, xảo trá hơn hồ ly, nhút nhát hơn thỏ dế, thằng cha khi rắn thì rắn hơn mũi khoan kim cương, khi mềm, mềm hơn đống phân nhão, quì dưới chân công tử Kim Đồng, dập đầu lạy như tế sao, cặp mắt lươn hấp háy như đếm tiền đồng. Thưa ông Kim Đồng, thưa cha Kim Đồng kính mến?... Câm mồm, mày không đáng là cháu tao, càng không đáng là con tao. Kim Đồng là bậc anh tài, làm sao đẻ ra cái lũ vét đĩa chúng mày? Tì mũi kiếm sắc lạnh trên cái mũi tẹt. - Mày còn nhớ không? Năm xưa mày đã đối xử với tao như thế nào? - Thưa công tử Kim Đồng, thưa đại hiệp, xin đại nhân bỏ qua cho sai lầm của tiểu nhân. Tể tướng trong bụng chứa cả con tàu, không phải tàu thường, mà là con tàu khổng lồ, sức chở vạn tấn rẽ sóng ra khơi vượt trùng dương? Tên lóng của công tử còn rộng hơn biển cả, mênh mông hơn trùng dương? Mồm mép dẻo quẹo, nghe mà phát ngán. Cắt lưỡi thằng này để nó không còn tuôn ra những lời bẩn thỉu nữa! Ngụy Sừng Dê hai tay bịt miệng, mặt tái mét. Công tử Kim Đồng sẽ rung cổ tay, Long Tuyền rít lên khe khẽ, ánh chớp chói lòa, tiện đứt hai cổ tay Ngụy Sừng Dê như tiện mía. Lưỡi kiếm không hề bị cản trở, sắc ngọt như chém vào không khí. Kim Đồng khéo léo khoanh một nhát cắt đứt lưỡi thằng Ngụy Sùng Dê, miệng nó chỉ còn là cái hốc đầy máu. Tiếp theo là thằng khốn kiếp Quách Bình Ân. Thoạt tiên, Kim Đồng nghĩ chưa ra nên cắt cái gì trên người nó. Chém phăng đi là xong! Kim Đồng giơ kiếm lên: Vì mẹ, tiêu diệt tên vô lại này. Lưỡi kiếm hạ xuống, cổ thằng Bình Ân bị chém vát từ sau gáy, chiếc đầu lăn lông lốc xuống rãnh, một đàn cá vừa đen vừa gầy vẫy đuôi lao tới mà rỉa thịt. Báo thù tuyết hận xong, mắt đầy lệ, Kim Đồng tra kiếm vào vỏ, hai tay khoanh trước ngực, cúi chào quần chúng dưới khán đài. Quần chúng hoan hô, một bé gái thắt nơ bằng lụa hồng, ôm hoa chạy lên khán đài tặng công tử Kim Đồng. Kim Đồng cảm thấy cô bé khuôn mặt có vẻ quen quen, nhìn kỹ thì ra đó là cô bé vẫn đến chơi ở bãi pháo trong nông trường Thuồng Luồng. Cô ngồi trên nòng pháo như cưỡi trên lưng ngựa. Bế cô bé trên tay, cậu chợt nhớ ra thằng Trương Rỗ. Phải trừng trị thằng ác ôn dâm đãng này một trận. Cậu cân nhắc rồi, phải chặt phăng cái trong đũng quần hắn, để hắn không bao giờ tỏ vẻ ta đây được nữa... Chỉ trong chớp mắt đã tóm được tên Trương Rỗ. Thằng mất dạy, quì xuống! Kim Đồng quát, có biết vì sao bắt mày về đây không Trương Rỗ nói, thưa Kim Đồng đại hiệp, tiểu nhân không biết... Kim Đồng đại hiệp dùng mũi kiếm chỉ vào đũng quần Trương Rỗ, nói: Ta báo thù cho chị em phụ nữ! Trương Rỗ hai tay ôm đũng quần, y hệt động tác của Hàn Chim. Kim Đồng đại hiệp dùng mũi kiếm rạch đứt đũng quần Trương Rỗ, định cắt thì trông thấy Cầu Đệ từ trong rừng liễu chạy ra che chở cho hắn. Chị nghiêm giọng bảo Kim Đồng: Kim Đồng, cậu định làm gì vậy? Kim Đồng nói: Chị Bảy tránh ra, để em thiến con lợn đục này, biến nó thành tên thái giám cuối cùng ở Trung Quốc, báo thù cho các chị. Cầu Đệ nước mắt ràn rụa, nói: Cậu em tốt bụng của chị, cậu không hiểu lòng dạ phụ nữ tí nào...

- Quay lại - Một tiểu tướng Hồng vệ binh thoi một quả vào bụng Kim Đồng, chửi - Mẹ kiếp, định chạy trốn phỏng? Kim Đồng cảm ựông rớt nước mắt trước khung cảnh do ảo tưởng cậu tạo ra. Bị một thoi vào bụng, ảo tưởng biến mất, cậu càng cảm thấy hiện thực thật nghiệt ngã, tương lai càng mờ mịt!

Lúc này, đám Hồng vệ binh do Quách Bình Ân cầm đầu mâu thuẫn với Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng do Vu Vân Vũ làm chủ tướng. Vu Vân Vũ và Quách Bình Ân, lúc đầu là đấu khẩu, cãi nhau một trận, rồi sau cảm thấy không hả giận, liền giở vũ lục với nhau, thế là nổ ra một cuộc vũ đấu.

Thoạt tiên Vu Vân Vũ đá Quách Bình Ân một đá, Quách Bình Ân hồi thủ một đấm, rồi hai tên xoắn lấy nhau, Quách Bình Ân lột chiếc mũ bảo mạng của Vu Vân Vũ mà cào xé cái đầu đầy mụn nhọt. Vu Vân Vũ thọc ngón tay cái vào mép Quách Bình Ân xé rách ra một mảng. Hai phái Hồng vệ binh thấy chủ soái đánh nhau liền xông lên đánh hội đồng, gậy gộc vung lên, gạch ngói bay tới tấp, các tiểu tướng Hồng vệ binh vỡ đầu chảy máu, tất thảy đều tỏ ra anh dũng bất khuất. Viên tướng cốt cán của Vu Vân Vũ là Ngụy Sùng Dê múa cây trường thương liên tiếp đâm lòi ruột hai người, máu cùng với phân vọt ra nhoe nhoét. Vu Vân Vũ và Quách Bình Ân đều lui về tuyến hai để chỉ huy tác chiến. Lúc này Kim Đồng trông thấy cô gái che mạng rất giống Sa Tảo Hoa lướt qua Quách Bình Ân, hình như cô ta giơ tay sẽ vuốt một cái trên mặt hắn. Vài phút sau, Quách Bình Ân chợt gào toáng lên, thì ra trên má hắn đã bị rạch một vết khá rộng trông như một cái miệng. Máu ứa ra từ vết thương trông gớm ghiếc. Quách Bình Ân bỏ mặc tất cả, ôm má chạy về trạm y tế công xã. Quần chúng thấy xảy ra án mạng, sợ cháy thành vạ lây, vội thu dọn hàng họ, chạy tán loạn vào các ngõ.

Trong trận này, Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng của Vu Vân Vũ giành toàn thắng, thâu tóm đội chiến đấu bão táp của Quách Bình Ân, đồng thời bắt sống toàn bộ số đầu trâu mặt ngựa, coi là chiến lợi phẩm. Chiếc loa điện của Quách Bình Ân giờ đây đeo chéo trên vai Vu Vân Vũ. Hai đội viên Bão táp bị Ngụy Sừng Dê đâm lòi ruột, một tên chưa kịp khênh đến bệnh viện đã tắt thở, tên thứ hai Uông Kim Chi được tiếp hai lít máu đã được cứu sống. Máu lấy từ huyết quản các đầu trâu mặt ngựa. Sau khi xuất viện, tất cả các tổ chức Hồng vệ binh từ chối tiếp nhận hắn vì dòng máu bần nông của hắn đã bị lai tạp. Trong này có máu của địa chủ, máu của phú nông, máu của phản cách mạng và máu của kẻ thù giai cấp. Theo cách nói của Vu Vân Vũ thì Uông Kim Chi đã là phần tử xa lạ mang trong người năm loại độc tố, chẳng khác hoa quả đã lai giống. Anh chàng Uông Kim Chi hẩm hiu này, từng là bộ trưởng tuyên truyền của Bão táp. Sau khi bị đối xử không ra gì, hắn đứng ra thành lập đội chiến đấu Tê giác một sừng, cũng khắc con dấu, cũng may cờ đội và băng đeo tay, và còn được sử dụng năm phút trong buổi phát thanh của công xã phát thanh tiết mục Tê giác một sừng, bài vở đều do một mình hắn viết, nội dung là một mớ tả pí lù, từ tình hình chiến đấu của Tê giác một sừng đến lịch sử trấn Đại Lan, từ lượm lặt gần xa đến những tin đồn thổi... Hàng ngày ba lần phát thanh, sáng trưa tối. Đến giờ phát thanh là các phát thanh viên của các phe phái ngồi xếp hàng trên chiếc trường kỷ, đợi đến lượt mình. Tiết mục Tê giác một sừng của Uông Kim Chi xếp cuối buổi phát thanh, phát xong là cử Quốc tế ca, hát xong câu Internationale sẽ là xã hội tương lai, buổi phát thanh kết thúc.

Trong những năm tháng không kịch cọt, không hát xướng, tiết mục dài năm phút của Tê giác một sừng trở thành thú vui duy nhất của quần chúng vùng đông bắc Cao Mật. Trong chuồng lợn, bên bàn ăn, trên giường, mọi người dỏng tai chờ đợi. Một tối Tê giác một sừng phát trên loa: Bần nông và trung nông lớp dưới thân mến, các bạn chiến đấu thân mến, qua tiết lộ của một nhân vật có thế lực, người đã rạch má Quách Bình Ân, nguyên đội trưởng Đội chiến đấu Bão táp, là con nữ tặc nổi danh Sa Tảo Hoa. Sa Tảo Hoa là con gái Sa Nguyệt Lượng tên Hán gian hoành hành ở vùng Cao Mật trong nhiều năm, mẹ đẻ của thị là Thượng Quan Lai Đệ, ngươi đã mưu sát một đặc đẳng công thần, bị Chính phủ nhân dân xử tử hình. Nữ tặc Sa Tảo Hoa hồi nhỏ được một dị nhân ở đông nam Lao Sơn truyền thụ võ nghệ, giỏi thuật phi hành, góc mái đầu tường nhảy qua như bỡn. Tài nghệ móc túi thì lại càng kinh khủng, xuất quỉ nhập thần. Theo sự tiết lộ của một nhân vật có thế lực, Sa Tảo Hoa trở lại Cao Mật đã được ba tháng.

Mụ đặt trạm liên lạc bí mật ở tất cả các thôn trấn, và dùng thủ đoạn cưỡng ép dụ dỗ lôi kéo một số tay chân cung cấp tin cho mụ. Thằng nhỏ vứt mũ của bần nông Phòng Thạch Tiên chính là một đồ đệ của mụ. Mụ gây án khắp nơi, tội ác chồng chất. Mụ có nhiều biệt hiệu, nổi tiếng nhất là biệt hiệu Sa Chim én. Nữ tặc Sa Tảo Hoa trở về Cao Mật lần này là để báo thù cho cha mẹ.

Rạch má Quách Bình Ân chỉ mới là động tác mở màn của đợt phục thù giai cấp, rồi đây hàng loạt thảm án sẽ liên tiếp xảy ra! Đồn rằng, công cụ gây án của con nữ tặc là đồng tiền bằng đồng đặt trên đường ray để bánh xe lửa cán mỏng ra, mỏng như tờ giấy, sắc như nước, thổi sợi lông đứt đôi, rạch vào da thịt, mười phút sau mới chảy máu, hai mươi phút mới thấy đau, ba mươi phút sau là thắng cẳng. Con nữ tặc kẹp vũ khí lợi hại ấy giữa hai ngón tay, vuốt nhẹ một cái là cắt đứt động mạch, toi mạng là cái chắc. Nữ tặc luyện công phu không giống mọi người. Mụ theo thầy học nghệ, thò tay vào nước sôi, lần lượt vớt ra đủ mọi đồng tiền thả trong nước, tay không hề bị bỏng, nhanh và khéo đến như vậy chưa từng thấy trên đời? Các chiến hữu cách mạng thân mến, bần nông và trung nông lớp dưới thân mến! Sau khi kẻ thù cầm súng đã bị tiêu diệt, kẻ thù cầm đồng tiền vẫn tồn tại! Chúng giảo hoạt gấp trăm lần, điên cuồng gấp trăm lần khi đâu tranh với chúng ta!...

- Quá giờ rồi, quá giờ rồi!

Trong loa có tiếng nói xen vào...

- Xong ngay đây, xong ngay đây...

- Không được, không được!... Tê giác một sừng không được chiếm thời gian của Quốc tế ca...

- Kết thúc chậm một chút không được sao?

Nhưng nhạc Quốc tế ca vang lên đột ngột chấm dứt buổi phát thanh.

Sáng hôm sau, loa phát thanh truyền đi một bài dài của Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng, bắt bẻ từng câu từng chữ về huyền thoại Sa Tảo Hoa do Tê giác một sừng bịa ra, và kể ra từng tội của Tê giác một sừng. Các phe phái cũng ra tuyên bố chung, quyết định cắt bỏ thời gian phát thanh của Tê giác một sừng, lệnh cho những người lãnh đạo Tê giác một sừng hạn trong hai mươi bốn giờ phải giải tán, hủy bỏ con dấu và các phương viện tuyên truyền.

Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng tuy phủ nhận sự tồn tại của nữ tặc siêu hạng Sa Tảo Hoa, nhưng vẫn bố trí ngầm rất nhiều mật thám, chỉ điểm xung quanh nhà Kim Đồng. Cho đến tiết thanh minh năm sau, khi công an huyện đánh xe về bắt Kim Đồng đem đi, thì những mật thám đóng giả thợ hàn nồi, thợ mài dao, thợ sửa chữa giày dép cùng với những trạm bí mật mới rút di theo lệnh của Vu Vân Vũ lúc này đã được vinh thăng là Chủ nhiệm Uỷ ban cách mạng trấn Đại Lan.

Nông trang Thuồng Luồng trong khi thanh lọc đội ngũ giai cấp, tìm thấy quyển sổ tay của Kiều Kỳ Sa, trong đó ghi chép đầy đủ cuộc tình giữa Kim Đồng và Long Thanh Bình. Thế là Cục Công an huyện bắt giữ Kim Đồng với tội danh tình nghi giết người, hãm hiếp xác chết, và không điều tra nghiên cứu gì hết, xử Kim Đồng múc án mười lăm năm khổ sai, nơi thụ án là nông trường lao cải kề bên cửa sông Hoàng chảy vào biển.


/69

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status