Báu Vật Của Đời

Chương 27

/69


Trận tuyết đầu tiên của những năm hòa bình đã che lấp những xác chết. Những con bồ câu đói đi lại vụng về trên tuyết, tiếng kêu buồn bã của chúng chẳng khác tiếng núc nở của người đàn bà góa. Buổi sáng có tuyết, bầu trời trong suốt như nhìn qua lớp băng, trông vừa cao nhã vừa mới mẻ. Phương đông đỏ rục, mặt trời lên, bầu trời như ngọc lưu ly cao vạn trượng. Tuyết phủ kín mặt đất. Người ra khỏi nhà, hơi thở ra màu phấn hồng, đi trên tuyết lạo xạo, tay dắt bò dê, lưng địu hàng hóa, men theo cánh đồng phía đông của thôn đi về hướng nam, vượt con sông Mục đầy cua ốc và ếch nhái, đến khoảnh đất cao không có tên rộng chừng năm mươi mẫu để họp chợ, phiên chợ kỳ lạ của vùng Cao Mật: Chợ Tuyết, chợ họp trên tuyết, giao dịch mua bán trên tuyết và cử hành những lễ nghi trên tuyết. Đây là một nghi thức im lặng tuyệt đối, bất kể tình huống nào cũng không được nói, mở miệng nói là chuốc lấy tai họa. ở chợ tuyết, mọi người chỉ được nhìn thấy, được ngủi, được sờ mó, cảm thụ bằng trái tim, mà không được phép nói thành lời. Còn như nếu lỡ miệng nói một câu thì hậu quả như thế nào? Không ai hỏi, cũng không ai giải thích, làm như ai cũng biết, ai cũng hiểu, có điều không nói ra miệng đấy thôi.

Những người Cao Mật còn sống sót, phần lớn là phụ nữ và trẻ con, đều mặc quần áo ngày tết, lội tuyết đến chợ. Mùi tuyết lạnh xộc vào mũi như kim châm, phụ nữ đều lấy tay áo rộng che mũi và miệng, tuồng như để che hơi lạnh của tuyết, nhưng tôi thì cho rằng để không cho lời buột ra khỏi miệng. Trên đồng tuyết mênh mông chỉ có tiếng lạo xạo, người không nói nhưng súc vật thì không ai cấm đoán. Dê be be, bò ẩm bò, những con lừa ngựa sống sót sau chiến tranh hí hí, Những con chó điên cào bới xác chết, ngửa nhìn mặt trời tru lên như chó sói.

Trong thôn chỉ còn mỗi con chó mù của lão đạo sĩ Môn Thánh Vũ là không điên, chệnh choạng đi theo chủ. Trên khu đất cao có một ngọn tháp xây bằng gạch xanh, phía trước có ngôi nhà tranh ba gian, người chủ ngôi nhà là Môn Thánh Vũ, năm nay một trăm hai mươi tuổi. Ông cụ luyện phép tịch cốc, không ăn lương thực đã hai mươi năm nay. Người gầy như con ve sầu, ông cụ chỉ sống bằng những hạt sương. Sau này đi học, được biết con ve sống bằng nhựa cây, tôi suy ra rằng ông cụ không thể sống bằng những hạt suông. Một mình sống trên đồi cao, trước mặt là hàng vạn mẫu hoa màu, sau lưng là dòng sông đầy tôm cá và cái đầm mùa xuân và mùa hạ có bao nhiêu trứng chim, ông cụ thích ăn cái gì thì ăn. Nghiên cứu sự thần kỳ đã biến thành trần tục như thế nào thì có ý nghĩa gì? Thêm một ông thánh không ăn lương thực thì có gì xấu? Chiến tranh đã làm tổn thương ghê gớm trí tưởng tượng của người dân Cao Mật. Giờ đây đã hòa bình, là lúc nên khôi phục lại trí tưởng tượng đó. Nhóm lại Chợ Tuyết là một việc được mọi người hoan nghênh.

Trong con mắt người dân, lão đạo sĩ là một cao sĩ nửa người nửa tiên. Hành tung bí ẩn, bước đi nhẹ nhàng, đầu trọc như bóng đèn, chòm râu bạc rậm như bụi tơ hồng, đôi môi dày như môi la con mới đẻ, răng có màu như mặt trong của vỏ sò, mặt đỏ mũi đỏ, lông mày trắng và dài như cánh chim, mỗi năm đạo sĩ xuống thôn một lần, vào ngày đông chí. Cụ có một nhiệm vụ đặc biệt: Chọn Công tử Tuyết cho phiên chợ Tuyết, mỗi năm họp một lần. Nói được chọn là Công tử Tuyết có một chức trách thiêng liêng và được thù lao vật chất, vì vậy thôn dân ai cũng mong con trai mình được chọn. Công tử Tuyết năm nay là tôi, Thượng Quan Kim Đồng. Lão đạo sĩ đi khắp mười tám thôn vùng Cao Mật, cuối cùng chọn tôi. Điều này chứng tỏ tôi không giống mọi người. Mẹ tôi khóc vì sung sướng! Đôi khi ra phố, đám phụ nữ nhìn tôi bằng con mắt kính nể. Họ ngọt ngào hỏi:

- Công tử Tuyết ơi, khi nào thì có tuyết?

- Tôi cũng không rõ, không biết khi nào thì tuyết rơi!

- Công tử Tuyết mà không biết khi nào thì có tuyết?

- Hừm, không thể tiết lộ thiên cơ!

Mọi người mong có tuyết, riêng tôi lại càng mong. Chiều tối hôm trước mây hồng dầy đặc, chiều hôm qua tuyết bắt đầu rơi, lúc đầu nhỏ, về sau thì to, như những chiếc lông ngỗng, như những quả cầu nhưng. Tuyết bay đầy trời, che lấp tất cả. Vì có tuyết nên trời tối rất sớm. Cáo kêu ngoài đầm, những oan hồn đi vật vờ trên đường to ngõ hẻm, kêu khóc ầm ĩ. Tuyết rơi trên cửa sổ hồ giấy. Những đã thú trắng toát ngồi chục dưới bậu cửa, cái đuôi to tướng quật vào khung cửa bồm bộp. Đêm hôm ấy bụng tôi cứ phấp phỏng không yên, tôi trông thấy nhiều cảnh tượng kỳ lạ không hiểu thực hư ra sao. Nói ra thì thấy nó thường quá, chẳng thà không nói là hơn.

Trời chưa sáng hẳn mẹ đã đun nước cho tôi rửa mặt, rửa tay. Mẹ rửa rất kỹ hai bàn tay tôi, nói rằng rửa sạch tay cho con cún của mẹ. Mẹ còn lấy kéo sửa móng tay cho tôi. Cuối cùng, in vân tay màu đỏ lên trán tôi như cái nhãn hàng hóa. Mẹ mở cổng, thấy lão đạo sĩ đang đứng đợi. Cụ đem đến một chiếc áo dài màu trắng, một chiếc mũ màu trắng, đều may bằng lụa trơn bóng, sờ mát tay. Cụ còn đem cho tôi một chiếc phất trần bằng lông đuôi ngựa trắng. Cụ đích thân mặc quần áo cho tôi, bảo tôi đi vài bước trong sân

- Thiện tai - Cụ nói - Thế mới là Công tử Tuyết đích thực!

Tôi rất vênh váo, mẹ và chị Cả cũng rất vui. Sa Tảo Hoa nhìn tôi bằng con mắt ngưỡng mộ. Chị Tám nở một nụ cười mê hồn. Tư Mã Lương cười nhạt.

Hai người đàn ông khiêng chiếc kiệu bên trái vẽ rồng, bên phải vẽ phượng đến kiệu tôi đi. Người đi trước là phu kiệu chuyên nghiệp Vương Thái Bình, người đi sau là anh trai Vương Công Bình. Hai anh em đều có tật nói lắp. Mấy năm trước, để trốn quân dịch, Vương Thái Bình chặt đứt ngón tay trỏ, Vương Công Bình lấy bã đậu bôi vào dái, giả vờ bị bệnh sa dì. Trò bịp bị bóc trần, chủ nhiệm thôn Đỗ Bảo Thuyền chĩa súng trường vào mặt, cho hai anh em chọn lấy một trong hai con đường: một là bị xử bắn, hai là làm dân công thường trực, ra mặt trận cáng thương, vận tải đạn được. Hai người lắp bắp, không bao giờ nói được một câu hoàn chỉnh. Ông bố là Vương Đại Hải bị thọt chân vì ngã thang khi xây dựng nhà thờ, chọn giúp hai con trai con đường thứ hai. Phu kiệu chuyên nghiệp mà cáng thương thì còn phải nói, êm và nhanh, ai cũng ca ngợi. Hai anh em đều lập công. Khi phục viên, đoàn trưởng đoàn cứu thương Lục Thiên Lý tự tay viết giấy chúng nhận công lao của hai anh em. Cùng đi dân công với anh em Vương Thái Bình, có em trai của Đỗ Bảo Thuyền là Đỗ Kim Thuyền bị bạo bệnh mà chết. Hai anh em không quản đường xa ngàn dặm, khiêng thi thể Đỗ Kim Thuyền về quê, dọc đường trải qua bao gian khổ mới về tới nhà Đỗ Bảo Thuyền. Hai anh em vì nói lắp nên không nói rõ được đầu đuôi câu chuyện, mỗi người ăn hai cái tát của Đỗ Bảo Thuyền. Đỗ Bảo Thuyền cho rằng hai anh em mưu sát Đỗ Kim Thuyền. Hai anh em chìa giấy xác nhận của đoàn trưởng ra, Đỗ Bảo Thuyền giật lấy xé tan ra từng mảnh, khoát tay:

- Đào ngũ thì lúc nào cũng là đào ngũ!

Hai anh em oan ức quá mà không thể nói cho người khác hiểu nỗi khổ tâm của mình. Đôi vai được rèn luyện rắn như thép, chân bước rất có bài bản, ngồi trên cáng của họ êm như ngồi trên con thuyền trôi xuôi dòng nước. Cánh đồng tuyết trắng vang lên tiếng chó sủa xen kẽ tiếng thanh la.

Trên sông Mục cũng có một cây cầu đá, dầm cầu bằng gỗ thông. Chủ nhiệm phụ nữ thôn Sa Lương là Cao Trường Anh đang đứng trên cầu. Chị ta để tóc ngắn, cặp tóc dính con bướm nhựa, môi cong hở lợi màu tím. Chị ta có khuôn mặt thô như đẽo bằng rìu, cằm có râu. Chị ta nhìn tôi bằng ánh mắt nóng bỏng. Tôi biết chị đang ở góa, chồng chị bị xe tăng nghiền nát. Cây cầu rung rinh, những phiến đá lát cầu chạm vào nhau lạch cạch. Tôi qua cầu, ngoảnh lại nhìn, thấy từng hàng dọc dấu chân trên cánh đồng tuyết. Rất nhiều người vẫn cố đi về phía bên này. Tôi trông thấy mẹ và chị Cả cùng lũ trẻ nhà tôi, và cả con dê nữa. Mẹ không quên che bầu vú cho nó. Quên thì nó sẽ khổ. Tuyết dầy lút gối, chắc chắn bầu vú nó lết trên tuyết. Từ nhà tôi đến chợ Tuyết gần mười dặm, nó chịu sao nổi?

Anh em phu kiệu khênh kiệu lên đồi. Những người đến sớm mắt sáng lên chào đón tôi. Đàn ông, đàn bà, trẻ con mím chặt miệng để không nói, người lớn tỏ vẻ trang nghiêm, trẻ con nhăn nhó như khỉ.

Dưới sự hướng dẫn của lão đạo sĩ, họ khiêng tôi đến chỗ bệ đất hình vuông ở chính giữa cao điểm, trên bệ kê hai chiếc ghế băng, phía trước hai ghế băng là một cái lư trong có ba thẻ hương. Họ gác đòn kiệu lên ghế, tôi vẫn ngồi trong tư thế lơ lửng dưới đòn kiệu. Cái rét lặng lẽ cắn các ngón chân tôi như mèo đen, cắn tai tôi như mèo trắng. Hương cháy phát ra những tiếng động mơ hồ nghe như tiếng giun, từng đám tàn rơi xuống như nhà bi cháy sập. Khói hương chui vào lỗ mũi trái, chui ra lô mũi phải. Phía dưới bệ có chiếc lò đốt vàng mã, lão đạo sĩ đang đốt một thếp tiền giấy, ngọn lửa như những con bướm vàng, tàn giấy như những con bướm đen nhẹ nhàng bay lên, bay mệt thì rơi xuống tuyết và chết. Lão đạo sĩ cúi lạy trước đàn rồi đưa mắt ra hiệu cho hai người phu kiệu. Họ khiêng tôi lên, lão đạo sĩ trao cho tôi một cái gậy bọc giấy trang kim, đầu gậy treo chiếc bát bằng thiếc. Đây là quyền trượng của công tử Tuyết. Tôi vung cây gậy này là có tuyết rơi hay sao? Chỉ định tôi là Công tử Tuyết xong, lão đạo sĩ giới thiệu với tôi về người đã sáng lập ra chợ Tuyết. Đó là lão đạo sĩ Trần, sư phụ của lão đạo sĩ. Theo chỉ thị của Thái Thượng Lão Quân, lão đạo sĩ Trần sáng lập ra Chợ Tuyết, công đức viên mãn rồi, cụ hóa thành tiên, cư ngụ trên ngọn núi chọc trời, ăn quả thông, uống nước suối, từ cây tùng bay sang cây bách, từ cây bách bay vào trong động. Lão đạo sĩ giảng giải cặn kẽ cho tôi về nhiệm vụ của Công tử Tuyết. Bước thứ nhất là lập đàn thụ phong, việc này vừa làm xong; bước thứ hai là tuần du trong chợ, bước này đang tiến hành.

Đây là giờ phút oai vệ nhất của Công tử Tuyết, mười mấy tiểu hiệu mặc quần áo xanh đỏ, trong tay không cầm vật gì, nhưng giữ tay ở tư thế cầm loa, kèn, trống, thanh la, phùng mang trợn mắt như đang tấu nhạc, tay trái giơ cao ngang tầm vai, tay phải giơ chiếc dùi tưởng tượng, cứ ba bước lại gõ một tiếng y như thật. Anh em họ Vương chân như lò xo, mỗi bước lại nhún nhảy. Những người đi chợ tạm ngùng công việc giao dịch thầm lặng, trố mắt mà ngắm Công tử Tuyết. Những khuôn mặt quen và những khuôn mặt không quen trên nền tuyết trắng, đỏ như táo chín, đen như than củi, vàng như sáp ong, xanh như lá rau. Tôi khua quyền trượng trước mặt mọi người. Họ có vẻ hốt hoảng, giơ tay lên như để che chắn, miệng há to như chực kêu lên, nhưng không một ai dám kêu lên một tiếng. Một trong những nhiệm vụ thiêng liêng mà lão đạo sĩ yêu cầu ở tôi là, nêu có kẻ nào dám kêu lên một tiếng thì dùng cái bát bằng thiếc treo ở đầu quyền trượng úp vào miệng hoặc vào cằm của kẻ vi phạm bẩy ra một cái là người đó đứt lưỡi.

Tôi nhìn thấy mẹ, chị Cả, chị Tám, Sa Tảo Hoa, Tư Mã Lương trong đám đông câm lặng. Con dê của tôi không chỉ đeo nịt vú mà còn đeo khẩu trang hình chóp nón chụp kín cả miệng của nó, có hai dây bằng vải buộc lên sau tai. Những người nhà của Công tử Tuyết tuân thủ lệnh cấm nói đã đành, ngay cả con dê cũng im hơi lặng tiếng như người. Tôi huơ gậy về phía những người thân của tôi, họ cũng giơ tay lên chào lại. Thằng quỉ Tư Mã Lương khum bàn tay làm thành ống nhòm, nhìn về phía tôi. Sa Tảo Hoa mặt mũi tươi tắn như con cá biển vừa lên khỏi mặt nước.

Hàng hóa trong Chợ Tuyết có đủ các loại, chia theo nhóm hàng. Theo sự hướng dẫn ngầm của đội nghi trượng, tôi bước vào gian hàng giày dép. Gian này toàn là dép bện bằng cỏ bồ, nhân dân vùng Cao Mật đi giày này suốt mùa đông. Ông Hoàng Thiên Quí có năm con trai thì bốn người bị xử bắn, một người bị khổ sai. Lão chống cây gậy bằng cành liễu, râu bám đầy tuyết, trùm đầu bằng vuông vải trắng, chiếc bao tải rách khoác trên người. Lão cúi xuống giơ hai ngón tay để mặc cả với chủ quầy Cầu Hoàng Tản một đôi dép cỏ bồ. Lão Cầu giơ ba ngón tay đè hai ngón tay của lão Quí. Lão Quí khăng khăng giữ ý, lật hai ngón tay lên đè trên ba ngón tay của lão Cầu, lão Cầu lại lật ba ngón tay đè lên hai ngón tay của lão Quí. Bốn năm lần như vậy, lão Cầu tỏ vẻ bất lực, chọn trong xâu dép lấy ra một đôi đã mốc xanh. Hoàng Thiên Quí nghiến răng lại để biểu thị sự tức giận. Lão vỗ ngực chỉ lên trời, chỉ xuống đất, không hiểu nghĩa là gì hoặc không có nghĩa gì cả. Lão giơ gậy chỉ vào một đôi thật tốt, bện bằng phần gốc cỏ bồ. Lão Cầu gạt chiếc gậy của lão Quí, giơ bốn ngón tay kiên quyết đòi đúng giá. Lão Quí chỉ trời, vạch đất, lộn trái chiếc túi gai đeo bên mình. Lão cúi xuống tháo lấy đôi dép mà lão ưng ý, tụt chân khỏi đôi giày da há mõm, rồi lập cập xỏ chân vào dép. Sau đó, lão moi trong chiếc túi may thêm vào quần lấy ra một tờ giấy bạc nhàu nát ném xuống trước mặt lão Cầu. Lão Cầu mặt giận bừng bừng, chửi nhưng không dám chửi thành tiếng, chỉ giẫm bành bạch. Nhưng rồi lão cũng nhặt tờ giấy bạc lên, vuốt mép cho phẳng giơ cho mọi người xem. Những người xung quanh, kẻ đồng tình thì lắc đầu, kẻ hồ đồ thì cười mỉm. Lão Quí chống gậy đi ra, bước chân lệt sệt, chỉ cách nhau một tấc, hai chân lão cứng đờ như que củi. Tôi không có cảm tình với lão Cầu. Lão ta đã nói là miệng cứ như tép nhảy. Tôi thầm mong lão trong cơn tức giận buột miệng nói thành lời là tôi dùng cái bát thiếc kẹp lưỡi lão. Nhưng lão rất tinh, hình như đoán ra ý đồ của tôi. Lão nhét tờ giấy bạc vào chiếc dép rõ ràng là đã chuẩn bị từ trước, treo ở đầu đòn gánh. Hắn lấy cả đôi dép xuống, chỉ tay vào từng người thợ bện dép xung quanh đang trố mắt ra nhìn tôi, rồi lại chỉ vào những đồng tiền lẻ trong dép, rồi bằng một thái độ cung kính, lão lẳng đôi dép về phía tôi. Đôi dép rơi trúng bụng, lăn xuống chân tôi, mấy tờ giấy bạc lẻ văng ra, trên mỗi tờ đều có những con cừu béo tốt, đứng ngơ ngẩn như đang đợi cắt lông hoặc đem giết thịt. Tiếp tục tiến lên, lại có mấy đôi dép ném tới, trong dép có tiền lẻ.

Đến gian hàng bán cơm, người vợ góa của Triệu Giáp là Phương Mai Hoa đang rán bột mì trong một cái chảo đáy bằng. Hai đứa con của chị ta, một trai một gái ngồi trên chiếu, quấn quanh người bằng một chiếc chăn. Bốn con mắt mở thao láo. Bên cạnh bếp bày mấy chiếc bàn long chân, sáu người đàn ông bán chiếu đang ngồi ăn nhồm nhoàm. Bánh bột mì hai mặt rán vàng, ăn với súp rau, cắn một miếng bánh lại húp một miếng súp. Súp nóng, những người đàn ông miệng nhờn mỡ. Những gian hàng bên cạnh không có khách, chủ hàng đứng suông, gõ xoong nồi cho đõ buồn, nhìn sang gian hàng chị góa bằng ánh mắt ghen tỵ.

Khi chiếc cáng của tôi đi qua, chị góa Phương Mai dán đồng tiền vào chiếc bánh bao, nhẹ nhàng liệng về phía tôi. Tôi vội cúi đầu xuống, chiếc bánh rơi trúng ngực Vương Công Bình. Chị góa tỏ vẻ xin lỗi, lau tay bằng mảnh khăn đầy mỡ. Trên khuôn mặt tái xanh của chị là đôi mắt hõm sâu, xung quanh có quầng đen. Một người đàn ông cao và gầy đi tắt qua quầy bán gà, bước tới. Những con gà mái hoảng hốt kêu cục cục, bà bán gà nhìn ông ta gật đầu. Dáng đi của ông ta rất lạ, người thẳng đuỗn, cứ mỗi bước đi lại rướn lên một cái. Tôi nhận ra ông ta. Ông ta là Trương Thiên Tứ, môn đồ của đạo Hoạt nạn. Mọi người đặt cho ông ta cái biệt hiệu là Ông trời. Ông ta theo đuổi một nghề kỳ quặc: dẫn độ người chết về quê. Ông ta dùng tà thuật khiến người chết đi lại được. Vùng Cao Mật có rất nhiều người chết nơi đất khách quê người, nhờ ông ta dẫn về. Rất nhiều người nơi khác chết ở Cao Mật, nhờ ông ta dẫn về quê cũ của họ. Ai mà không kính nể một con người có khả năng dẫn người chết vượt trăm núi nghìn sông. Trên người ông ta lúc nào cũng phảng phất mùi tử khí. Những con chó dữ nhất trông thấy ông ta cũng cụp đuôi lỉnh mất. Ông ta ngồi xuống ghế băng trong gian hàng của chị góa, giơ hai ngón tay lên, chị góa cũng ra hiệu đáp lại, chị hiểu rằng ông ta định ăn hai mẻ năm mươi cái, chứ không phải hai hoặc hai mươi cái. Chị góa vội vàng chuẩn bị bánh bao cho ông ta vì ông thực khách to bụng này khiến chị mừng rơn, mắt sáng lên, còn những gian hàng bên cạnh thì mắt tối sầm. Tôi rất mong họ mở miệng, nhưng ghen tức mấy thì ghen tức, họ không chịu hé răng. Trương Thiên Tứ im lặng ngồi nhìn chị góa chuẩn bị, hai tay đặt trên đầu gối, một cái túi bằng vải đen lủng lẳng ở thắt lưng.

Không ai biết rằng, hồi cuối thu ông ta vừa có chuyện làm ăn lớn, dẫn độ một vong hồn khách thương Quan Đông làm nghề buôn bán tranh niên họa chết ở thôn Ngải Khưu vùng Cao Mật. Con trai người khách thương sau khi ngã giá với ông ta liền về trước để chuẩn bị. Đường đi trăm núi ngàn sông, ai cũng nghĩ ông ta không về được. Vậy mà ông ta đã trở về, xem ra thì mới về, cái túi vải kia chắc là túi tiền. Ông ta đi đôi giày cỏ rách tả tơi, để lộ những ngón chân sưng tấy bằng quả bí đỏ mới rụng rốn, gót chân to như khuỷu chân trâu. Em gái thằng Gật ôm một cây cải bẹ lớn đi ngang qua cáng, cặp mắt đa tình của cô ta liếc xéo tôi. Cánh tay ôm cây cái đỏ tía lên vì lạnh. Khi cô ta đi qua chỗ bếp của chị góa, tôi thấy tay chị góa run bắn. Kẻ thù gặp nhau. Nhưng cái thù giết chồng cũng không làm chị góa vi phạm qui ước của Chợ Tuyết, chị không nói thành lời nhưng tôi trông thấy máu đang sôi lên trong huyết quản chị. Căm thù nhưng không để lỡ chuyện kinh doanh, đó là cái giỏi của chị góa. Chị hốt trọn cả mẻ bánh vào cái liễn sứ, bê đến trước mặt Trương Thiên Tứ. Trương Thiên Tứ chìa tay ra, chị góa hơi ngạc nhiên nhưng lập tức chị hiểu ra. Chị vỗ vỗ trán tự trách mình sơ ý. Chị dốc trong lọ lấy ra hai củ dưa hành vỏ tím đưa tận tay Trương Thiên Tứ và lấy cái bát nhỏ đổ đầy tương ớt coi như ưu đãi đặc biệt, đặt trước mặt Trương Thiên Tứ. Những người đàn ông bán chiếu bất mãn nhìn chị góa, lườm nguýt chị về thái độ ưu ái này. Trương Thiên Tứ thoải mái ngồi nhấm nháp một cách chậm rãi củ dưa hành, đợi bánh nguội. Ông ta kiên nhẫn tách từng nhánh hành, xếp chúng lên bàn ăn thành một hàng dọc theo thứ tự lớn nhỏ, thỉnh thoảng lại đổi vị trí của các nhánh cho phù hợp với trình tự đã định. Sau đó, lúc tôi đi sang gian hàng rau, từ xa tôi trông thấy Trương Thiên Tứ bắt đầu ăn bánh bao, ăn nhanh kinh khủng, không phải là ăn mà y như bỏ bánh vào chum!

Về chuyện Trương Thiên Tứ gọi hồn, đối với tôi, nó như một cái xương cá mắc trong họng, chừng nào chưa lấy ra thì tôi còn khó chịu. Đó là một buổi trưa gió rét căm căm, con trai của người khách thương Quan Đông thuê một cỗ xe ngựa và bốn người khỏe mạnh, chở thi thể bố anh ta từ thôn Ngải Khưu đến thôn tôi, hỏi thăm nhà Trương Thiên Tứ. Lúc đó, tôi cùng Tư Mã Lương đang chơi đùa trên phố. Tư Mã Lương dẫn đường cho họ. Ngôi nhà của Trương Thiên Tứ tọa lạc ở góc tây nam của thôn, tách hắn với những nhà khác. Tường vây rất cao, cổng đóng im ỉm, cánh cổng dán hai đạo bùa vẽ trên giấy vàng. Tư Mã Lương trỏ cái cổng cho con trai người khách thương rồi né sang một bên. Con trai người khách thương móc túi lấy ra một tờ giấy bạc nhét vào tay Tư Mã Lương rồi bước tới trước cổng, chần chừ một thoáng, cuối cùng cầm lấy cái vòng đập vào cánh cổng. Đập lần thứ hai, cánh cổng hé mở, ló ra khuôn mặt Trương Thiên Tứ bôi đầy chu sa.

- Đến rồi hả? - Ông ta hỏi.

Con trai người khách thương mặc chiếc áo dài cổ lông chồn, hất đầu về phía cỗ xe ngựa, không trả lời. Trương Thiên Tứ chìa tay ra, nói:

- Đưa đây!

Con trai người khách thương lôi trong bọc ra một gói giấy, nói:

- Đây là tiền đặt cọc. Nếu ông đưa đến ngày mồng Bốn tháng Chạp thì tôi thưởng cho ông thêm một khoản nữa, khoản này là...

Trương Thiên Tứ nói:

- Không phải khoan kim cương thì khoan sao nổi vật rắn! Ông yên tâm đi, chuẩn bị ngày mồng Bốn tháng Chạp đón hỉ thần!

Con trai người khách thương nói:

- Nếu lỡ hẹn...

Trương Thiên Tứ nói:

- Lỡ hẹn thì tôi không lấy một xu.

Con trai người khách thương nói:

- Nếu như thiếu chân thiếu tay thì...

Trương Thiên Tứ nói:

- Thiếu gì trên người ông già thì cứ xẻo lấy trên người tôi mà bù vào?

Con trai người khách thương nói:

- Tôi vẫn cứ phấp phỏng thế nào ấy, từ đây đến quê tôi chí ít cũng nghìn dặm, trèo đèo vượt suối, qua sông qua đò...

Trương Thiên Tứ nói:

- Ông có gọi hồn hay không thì bảo? Không gọi nữa thì cuốn xéo! Đạo Hoạt nạn chúng tôi ba nghìn thầy trò, gọi hồn khắp cái đất nước Trung Quốc này chưa hề sai sót điều gì?

Con trai người khách thương nói:

- Xin ông đừng nóng, sao tôi lại không tin ông. Không tin ông thì tôi chở đến đây làm gì?

- Thôi được, thỏa thuận như vậy nhé, ngày mồng Bốn tháng Chạp tôi bày cơm rượu đón hỉ thần, anh em, khênh vào đi!

Bốn người đàn ông mặc áo chẽn, thận trọng chuyển cái xác sang một cái cáng tạm bợ. Xác chết to bằng con trâu, bụng bằng cái chum đựng nước, đầu hói quá nửa, trên mặt đậy tờ giấy vàng. Ông ta dễ nặng đến hai tạ, khi còn sống chắc là đi đứng khá vất vả, nay chết rồi thì làm sao vượt hàng nghìn dặm để về quê ở Quan Đông? Nhân tiện xin nói thêm, vùng đông bắc Cao Mật, kề một bên thôn lớn thuộc châu Bình Độ, đó là thôn Ngải Khưu. Bắt đầu từ đời Minh, họ sáng tác tranh niên họa vẽ trên giấy điệp, bán khắp ba tỉnh Quan Đông.

Hàng năm cứ vào đầu mùa đông, các lái tranh vùng đông bắc đều về đây trong khi đợi lấy hàng thì uống rượu chơi gái vì họ rất nhiều tiền. Thôi, không nói dông dài nữa. Cái xác của ông chủ thương nặng trĩu bên phải, hai người khiêng bên phải mồ hôi đầm đìa, hai người khiêng bên trái thì lại tương đối nhẹ nhàng. Đây chính là hiện tượng người chết nặng một bên. Bốn trai tráng khênh cáng vào trong cổng liền đặt xuống theo lệnh của Trương Thiên Tứ, đặt trên một chiếc chiếu cói đã chuẩn bị sẵn. Trương Thiên Tứ không lịch sự gì cả, nói luôn:

- Các vị ra ngay để tôi tiếp linh khí.

Con trai người khách thương còn định nói gì nữa, nhưng Trương Thiên Tứ đẩy tất cả ra ngoài cổng rồi đóng sập cổng lại. Bốn trai tráng như bị trúng tà khí, đứng ngây ra như phỗng. Con trai người khách thương rút tiền trả bốn người. Anh ta lại bước tới bên cổng ghé mắt nhìn vào trong. Không nhìn thấy gì, vì cổng nhà Trương Thiên Tứ không một kẽ hở. Lại áp tai vào cánh cổng nghe động tĩnh, nhưng bên trong im ắng như nghĩa địa. Tường vây xây bằng gạch cao hơn mái nhà, trên tường chăng dây thép gai, ngôi nhà của Trương Thiên Tứ khiến người ta kính nể, ngay cả Lỗ Lập Nhân và chị Phán Đệ khi phát động phong trào Bần Nông Đoàn cũng không dám vào nhà, mặc dù rất biết mức sinh hoạt của Trương Thiên Tứ hơn hẳn trung nông. Nhân vật bự thích nghịch nghiên mực từng tặng Bần Nông Đoàn một câu như sau: Đấu một trung nông hơn đập chết mười con thỏ đồng. Con trai người khách thương không biết làm thế nào, đành phải ra về cùng với bốn trai tráng. Mười mấy đứa trẻ chúng tôi nhìn những phù chú quái gở trên cánh cổng mà rợn tóc gáy, lặng lẽ rút lui. Không biết ai đã kêu lên: Ma đấy? Thế là chúng tôi co giò chạy, để đối phó với quỉ nhập tràng, chúng tôi chạy thẳng vào gốc cây cổ thụ, sắp chạm gốc thì rẽ đột ngột. Chạy ngay sau lưng tôi là Tư Mã Lương né không kịp, vêu cả môi lên khi dập vào gốc cây liễu.

Cái hôm Trương Thiên Tứ dẫn người chết ra đi, người trong thôn đã đến đợi sẵn ngoài cổng. Trời chưa sáng hẳn, vầng trăng tròn vành vạnh vẫn chưa lặn, chân trời phía đông lảng vảng mấy đám mây mỏng màu hồng, mặt trời chua mọc. Chúng tôi đứng im, cố nén cả tiếng hắt hơi. Không có gió, chỉ có hơi lạnh thấu quang, người khác thì tôi không rõ, riêng tôi run cầm cập. Phía đầm xa xa là màu kim nhũ. Mấy con ngỗng trời vươn cổ cong cong trên băng mỏng rúc mỏ vào trong cánh. Khói trắng cuồn cuộn trên ống khói nhà Trương Thiên Tứ, từng đám tàn giấy theo khói bay lên cao, một mùi lạ khiến người lộn mửa tỏa ra khắp nơi. Rồi lửa tắt, khói trắng cũng không bốc lên nữa, trong sân sáng mờ mờ, không một tiếng động, có thể nghe rõ tiếng đánh rắm của con ngỗng trời ngoài đầm. Cái mùi lạ càng đậm đặc khiến người ta phải lấy tay áo bịt mũi. Đợi rất lâu, cuối cùng cánh cổng mở ra, kẹt lên một tiếng như tiếng xé vải. Trương Thiên Tứ mình mặc áo chẽn màu đen, phía dưới mặc quần hẹp ống cũng màu đen, chân đi giày gai, đầu đội mũ dạ đen giống như cái nón, bước ra cổng. Ông ta khoác trên tay trái một chiếc làn, tay phải xách chiếc đèn lồng phết bằng giấy bồi. Trong đèn có ánh sáng leo lét ông ta đứng nghiêng bên cổng, nói nhỏ vào trong bằng một giọng cực kỳ nghiêm trang:

- Xin mời hỉ thần đi ra?

Dưới ánh trăng, cái xác chết to béo đứng trước bức tường ngăn làm bình phong, mặc chiếc áo dài đen rộng thùng thình không tay, cái đầu hói tròn xoay được quấn bằng một chiếc khăn đen, chụp lên khăn là một chiếc mũ cói. Phần dưới của áo choàng quét đất, do vậy không nhìn thấy chân. Các xác như một cây tháp biết đi. Chúng tôi không tin vào mắt mình. Cái xác cứng đơ nhưng rõ ràng là biết đi. Nó đi động theo ánh trăng, ra đến cổng thì dừng lại, thân hình to lớn chao đi một cái như sắp ngã. Nó có vẻ đầu nặng chân nhẹ, cái mùi rất gắt là từ trong áo choàng tỏa ra. Trương Thiên Tứ khóa cổng lại bằng một chiếc khóa to tướng bằng đồng. Ông ta đến trước mặt hỉ thần, ngồi xuống đốt một thếp tiền giấy. Chiếc áo dài của người chết phất phơ trong ánh lửa. Đốt vàng mã xong, Trương Thiên Tứ cúi lạy một lạy rồi đứng lên niệm thần chú. Niệm chú xong, ông ta đi trước, mặt xoay nghiêng, nói nhỏ: Hỉ thần, hỉ thần, xin hãy lên đường, trở về cố hương, chôn cùng tổ tiên. Con hiền cháu thảo, đêm ngày ngóng trông. Hỉ thần, hỉ thần, lên đường may mắn?. Đọc xong, ông ta rắc nắm tiền giấy rồi chậm rãi đi trước. ánh sáng leo lét của chiếc đèn lồng chấp chới như ma trơi. Cái xác hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Thiên Tứ một cách miễn cưỡng, chậm rãi đi theo ông ta.

Cho phép tôi trở lại Chợ Tuyết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, kiếm được một món tiền lớn trở về, Trương Thiên Tứ liền đi với cô hiếng trong tay ôm cây cải bẹ. Ông ta rửa sạch bụi đường trong ánh mắt tình tứ của cô ta. Nhiệm vụ tuần du Chợ Tuyết của tôi đã xong, dàn nhạc câm lại đưa tôi về trước cây tháp. Anh em họ Vương gác cáng vào chỗ cũ. Tôi cảm thấy hai chân tê dại, bàn chân buốt đến nỗi không dám chạm đất. Trong võng có mười mấy đôi giày cỏ và những tờ giấy bạc nhàu bẩn. Những tiền này là tiền dâng lên Công tử Tuyết, là của tôi vì đây là tiền thù lao cho tôi sắm vai Công tử Tuyết. Bây giờ nhớ lại, Chợ Tuyết đúng là ngày Tết của phụ nữ. Tuyết như một tấm chăn trùm lên mặt đất, tưới cho đất, khiến đất đai sinh sôi nảy nở. Tuyết là thứ nước của sinh nở, là tượng trưng của mùa đông, càng là báo hiệu của mùa xuân. Tuyết rơi, nghĩa là mùa xuân đầy sức sống đã nhảy lên lưng con tuấn mã, tới gần.

Dưới chân tháp có một tịnh thất nho nhỏ. Trong tịnh thất không thờ cúng thần tiên nào cả, thực tế là cúng vái ở ngoài tháp. Trong tịnh thất thắp hương vòng mùi thơm nhẹ nhàng, trước lư hương có một chậu gỗ to đầy tuyết trắng tinh, không một vết bẩn. Phía sau cái chậu là một chiếc ghế đẩu, đây là chỗ ngồi của Công tử Tuyết.

Tôi ngồi xuống ghế, nghĩ ngay đến nhiệm vụ cuối cùng khiến tôi vô cùng xúc động. Lão đạo sĩ vén tấm ri đô ngăn tịnh thất với bên ngoài, bước vào. Lão trùm lên đầu tôi chiếc khăn sa mỏng màu trắng. Theo lời dặn của lão, tôi hiểu trong khi thực hành chức trách, tôi không được vén chiếc khăn sa lên. Tôi nghe thấy tiếng chân lão đạo sĩ nhẹ nhàng đi ra. Trong tịnh thất chỉ có tiếng thở, tiếng tim dập của tôi. Bên ngoài, vọng tới tiếng chân dẫm lên tuyết lạo xạo của mọi người.

Một phụ nữ nhẹ nhàng tiến lại phía tôi. Qua tấm sa mỏng, tôi lờ mờ nhìn thấy người này có thân hình thanh mảnh, trên người toát ra cái mùi lông lợn cháy. Người này chắc không phải là dân trấn Đại Lan, rất có thể là người thôn Sa Lương. Thôn này có một cơ sở sản xuất bàn chải bằng lông lợn. Bất kể là người ở đâu, Công tử Tuyết đều coi như nhau. Tôi lập tức thọc hai bàn tay vào chậu tuyết để tuyết thiêng rửa sạch những gì ô uế trên tay tôi, rồi tôi giơ hai tay ra phía trước. Theo qui định, những phụ nữ đến cầu tự, đến xin được có nhiều sữa, đều vén áo lên, đưa vú đến tận tay Công tử Tuyết. Quả nhiên, hai khối thịt ấm và mềm mại đã chạm vào bàn tay lạnh giá của tôi. Tôi cảm thấy chóng mặt, qua hai bàn tay, luồng hơi ấm hạnh phúc lan khắp cơ thể tôi. Tôi nghe thấy tiếng thở khó kìm hãm của người phụ nữ. Hai bầu vú mềm mại như đôi chim bồ câu chững lại một thoáng rồi tuột khỏi tay tôi.

Cặp vú thứ nhất tôi sờ chưa đã, thì đã bay mất. Tôi hơi thất vọng nhưng càng hy vọng nhiều hơn, nhúng hai tay vào chậu tuyết để lấy lại sự tinh khiết thiêng liêng. Tôi hơi sốt ruột chờ đợi cặp vú thứ hai. Cặp vú thứ hai đã tới, lần này tôi không để chúng bay đi một cách dễ dàng! Tôi giơ bàn tay rắn chắc chộp lấy chúng. Chúng xinh xắn và rất dàn hồi, không mềm cũng không rắn, như chiếc màn thầu mới ra lò, không nhìn rõ chúng nhưng tôi biết chúng rất trắng, rất mịn, núm vú rất nhỏ, chỉ như hai cái nấm tí hon. Tôi nắm lấy chúng, thầm chúc cho chúng những lời tốt đẹp nhất. Bóp một cái, chúc chị đẻ sinh ba - ba đứa con bụ bẫm; bóp hai cái, chúc sữa chị tuôn trào như suối, bóp ba cái, chúc sữa chị vừa ngọt vừa thơm. Chị rên lên khe khẽ rồi giật mạnh ra. Tôi sững sờ vì bị giáng một đòn vào tình cảm, trong lòng rất đỗi hổ thẹn. Để tự trừng phạt, tôi thọc hai tay thật sâu vào chậu tuyết. Ngón tay tôi chạm vào đáy chậu trơn tuột cho đến khi hai tay tôi tê dại hẳn đi, tôi mới rút chúng ra. Công tử Tuyết giơ cao hai tay chúc phúc cho tất cả phụ nữ vùng đông bắc Cao Mật. Tình cảm của tôi bị tổn thương, hai bầu vú lõng thõng như hai cái bị chạm vào tay tôi. Tôi sờ chúng, chúng không chịu, kêu trong họng như con gà mái, mặt da nhăn lại. Tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy cái đầu vú to tướng rồi nhả ra luôn. Người đàn bà phả vào mặt tôi hơi thở sặc mùi gỉ sắt. Công tử Tuyết coi ai cũng như ai, chúc bà thực hiện được nguyện vọng, thích sinh con trai thì sinh con trai, thích sinh con gái thì sinh con gái, muốn có bao nhiêu sữa thì có bấy nhiêu sữa? Bầu vú của bà sẽ luôn luôn khỏe mạnh, nhưng nếu muốn trở lại thời thanh xuân thì Công tử Tuyết bất lực!

Cặp vú thứ tư tính tình bạo liệt như con điều hâu, lông cánh màu nâu, mỏ cứng, cổ ngắn và khỏe. Cái mỏ cưng của chúng cứ mổ mổ vào lòng bàn tay tôi. Bên trong cặp vú thứ năm hình như có cả một tổ ong vò vẽ. Tay tôi vừa sờ vào, bên trong hến nổi lên những tiếng vù vù. Do va đập của lũ ong, nên bề mặt của vú nóng hôi hổi. Tay tôi rân rân như kiến bò, tôi gửi tới chúng những lời chúc mừng tốt đẹp!

Ngày hôm đó tôi sờ khoảng một trăm hai mươi cặp vú những ấn tượng về một số cặp tiếp nối nhau như một quyển sách, có thể giở từng trang. Nhưng tất cả những ấn tượng rõ nét ấy bị một chiếc vú cuối cùng làm đảo lộn tất cả. Nó như một con tê giác húc lung tung, tạo nên một trận động đất trong kho ký ức của tôi, hay như một con trâu rừng xông vào vườn rau, đẫm bẹp tất cả.

Khi đó hai bàn tay tôi đờ đẫn ra vì những cảm giác nóng bỏng, chờ đợi cặp vú sau để thực hiện chức trách của Công tử Tuyết. Vú chưa tới mà tôi đã nghe tiếng cười rúc rích quen thuộc. Má hồng môi thắm, mắt đen láy khuôn mặt ăn chơi của người phụ nữ trẻ có biệt hiệu là Kim Một Vú bỗng hiện ra trong đầu tôi. Tay trái tôi sờ trúng vú phải đồ sộ của chị, còn tay phải thì sờ vào khoảng không. Vậy là tôi biết chắc chắn Kim-Một-Vú đây rồi. Người phụ nữ phong lưu góa chồng buôn bán dầu thơm này suýt bị tử hình trong đại hội đấu tranh. Sau đó, chị lấy một người nghèo nhất trong thôn, nhà không một gian, đất không một tấc cắm dùi, một hành khất, tên là Nhỡn Phương Kim, trở thành vợ của cố nông đỏ. Chồng chỉ có một mắt, vợ chỉ có một vú, thật là một cặp trời sinh. Kim-Một-Vú được gọi là mụ Kim, mụ nhưng không già, về cách chơi độc đáo của chị ta vẫn được lưu truyền trong giới đàn ông trong thôn, tôi đã được nghe nhiều lần, hiểu mà không hiểu. Tay trái tôi nắm vú chị, chị dùng tay trái dẫn tay tôi sang bên phải. Hai tay tôi nâng bầu vú nặng chịch, to quá cỡ, cảm thấy hết sức nặng của nó. Chị hướng dẫn tôi sờ nắn từng phần da trên vú chị. Nó như một quả núi đơn côi, nghễu nghện trên ngực trái, nửa trên là bờ dốc thoai thoải, nửa dưới là nửa quả cầu hơi chúc xuống. Nó là chiếc vú ấm nhất trong những cái vú mà tôi đã sờ, nóng bỏng như da con gà trống bị bệnh đậu. Nó thật mịn màng, nếu không quá nóng, nó sẽ mịn hơn nữa. ở đầu mút của bán cầu dưới, trước hết là bộ phận nhô ra như một cái chén úp ngược, và phần cong ngược lên chính là núm vú. Nó khi mềm khi cứng như viên đạn bọc cao su, vài giọt sữa lành lạnh bám trên đầu ngón tay tôi. Tôi bỗng nhớ lại câu nói của Thạch Tân, anh chàng từng đi buôn lụa mãi tận miền nam xa xôi, nói với tôi trong lò sấy cỏ. ánh ta nói rằng, Kim Một Vú dâm như quả đu đủ xanh, hễ động tới là chảy nhựa trắng ra. Quả đu đủ giống Kim Một Vú ư? Tôi chưa trông thấy quả đu đủ, nhưng bằng vào cảm giác tôi hiểu rằng đu đủ là xấu, là mê hoặc người ra. Nhiệm vụ thiêng liêng của Công tử Tuyết đã bị Kim Một Vú lái trệch sang một lối khác. Bàn tay tôi như miếng bọt biển thấm lấy sức nóng trên vú chị, còn chị hình như thỏa mãn đến mức cao nhất qua những ve vuốt của tôi. Chị rên rỉ như lợn con, ghì nhặt đầu tôi vào ngực chị, ấp bầu vú nóng bỏng lên mặt tôi. Tôi nghe thấy chị lẩm bẩm:

- Bạn thân yêu, bạn thân yêu của tôi...

Qui ước của Chợ Tuyết đã bị phá.

Một câu nói là một tai họa.

Một chiếc xe Jeep màu xanh lá cây dừng lại trên bãi trống trước cửa nhà lão đạo sĩ, từ trên xe nhảy xuống bốn nhân viên công an mặc quân phục màu vàng, huy hiệu trắng đeo trước ngực. Họ nhanh nhẹn như những con báo, xông vào nhà lão đạo sĩ. Vài phút sau, lão đạo sĩ tay bị còng sấp ngửa chui ra. Lão đạo sĩ buồn bã nhìn tôi không nói gì, nhẫn nhục chui vào xe. Ba tháng sau, lão đạo sĩ Môn Thánh Vũ, tên đầu sỏ của một đạo phản động, tên gián điệp nằm vùng thường xuyên bắn pháo hiệu trên định dốc, bị bắn dưới cầu Đoạn Hồn ở huyện. Con chó mù của đạo sĩ bị bắn bể sọ khi nó rượt theo chiếc xe Jeep.


/69

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status