Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 92: Đồi núi Minh hạc, gặp sư phụ. Dưới núi Thiên Bình, hỏi thăm chồn tiên

/101


Sông Tương ở phía Nam hồ Động Đình,và sông Quế Giang của miền Nam, bắt nguồn cùng một nơi, chảy theo hai nhánh khác nhau. Chỗ đầu nguồn của hai sông đó là nơi mà từ xưa đã có tên là đỉnh núi Minh Hạc phong. Ngọn núi đó cao muôn trượng, tiều phu hiếm khi tới đây hái củi, vì thế có rất nhiều loài thú chạy, chim bay, lấy chỗ đó làm nơi nương thân, tránh khỏi bẫy sập của thợ săn. Trên chỗ cao nhất của ngọn Minh Hạc phong, có một cây phong cổ thụ, cao vút tầng mây. Loài hạc trắng thông linh tính lấy ngọn cây phong này là nơi làm tổ. Người địa phương tương truyền rằng loài hạc này xây tổ đã vài trăm năm. Những khi gió mát, trăng sáng, đêm khuya vắng vẻ, người ở quanh vùng đó ba trăm dặm có thể nghe được tiếng hạc kêu, phát ra từ trên đỉnh núi. Tiếng hạc kêu rất thê lương, buồn thảm, gợi mối sầu cho người lữ khách, nghĩ chuyện về quê, hoặc cảm động lòng người chinh phu. Có người còn nói rằng hạc này là hạc tiên, tiếng kêu của nó không phải tiếng chim thường hót. Vì thế, từ xưa truyền lại, gọi tên núi này là Minh Hạc (hạc kêu).

Vào những năm đầu của niên hiệu Khai Nguyên, đời nhà Đường, người dân quanh vùng không được nghe tiếng hạc kêu nữa. Một số người gan dạ rủ nhau, kết thành nhóm, cùng leo lên đỉnh núi xem thử. Ở dưới những gốc cây phong nhìn lên, quả thấy những tổ chim hạc, nhưng chẳng thấy hình bóng con hạc nào. Người ta nói rằng hạc đã mãn kiếp số, bay về trời rồi. Truyền thuyết này phù hợp với chuyện Huyền Châu Tử trấn thủ Chiết Giang, để lầm lỡ công vụ, bị đầy xuống trần làm chim hạc.

Hôm đó, trời vừa sang thu, thời tiết mát mẻ. Sau cơn mưa rào, bầu trời trong sáng. Vừa chập tối, một vầng trăng sáng ló ra trên đỉnh núi, con hạc nọ rời tổ bay đi, du ngoạn một vòng, gặp một số chim bạn, cùng nhau tụ tập ở chỗ rừng sâu, kể lể chuyện bình sinh. Trong những con chim đó có con kiếp trước làm người không nên nết, bị phạt tội làm chim, có con kiếp trước tu đạo không thành thật, bị phạt tội, mang hai cánh, gia nhập đoàn chim bay, chịu bao nỗi thống khổ vì sương gió. Luận về phẩm chất, lai lịch, chúng đều thua xa con hạc nọ, mà tình trạng mắc nạn, chịu tai kiếp, cũng không giống chút nào. Con hạc đó không dám oán trời, trách đất, chấp nhận cuộc sống, giữ lòng trung chính, dẫu không lập được nhiều công đức, cũng chưa dám giữ ý nghĩ xấu bao giờ.

Chỉ vì gặp phải giao long ác độc hung hăng làm ác, mình sơ ý không kịp đề phòng, mới đến nỗi mang họa sát thân, đày vào kiếp luân hồi. Nhớ lại một ngàn năm tu đạo, kết cuộc không thoát khỏi mang thân chim chóc. Nghĩ tới đó, hạc ta bất giác nhỏ nước mắt.

Bình nhật nương thân giữa đám rừng cây, tuy có chỗ ở yên ổn, cũng không có lúc nào dám lơ là, mất cảnh giác, thậm chí lúc ngủ cũng đứng một chân. Tuy không phải như Việt vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật để lập chí báo thù, hoặc như Tô Tần đâm vào đùi cho tỉnh ngủ, hạc ta cũng tập theo thói quen chịu khốn khổ, để tự cảnh tỉnh, hy vọng lâu ngày cũng được thoát nạn, trở về chức vụ cũ, không mắc lỗi lầm cũ nữa. Vả lại, tuy bản thân đang ở chỗ biếm chích, lòng nó vẫn luyến tiếc, nhớ tới cảnh tiên, tuyệt nhiên không dám phế bỏ việc học đạo một ngày nào, nên phải đứng một chân trong giấc ngủ, để dễ dàng tỉnh ngủ, khả dĩ tăng thêm học lực. Hễ là người đi học, nếu không trải qua gian khổ, khó tạo nên học nghiệp lớn lao, người hay chim cũng vậy thôi. Hạc ta nỗ lực phấn đấu như thế, cũng cảm động lòng trời, hứa hẹn có ngày tha tội phục hồi chức vụ. Về sau hễ là loài hạc, con nào cũng hâm mộ hạc kia khổ chí mà thành tiên, nên đều bắt chước cách khổ tu đó. Vì thế ngày nay, hễ hạc ngủ là co một cẳng lên.

Lại nói tiếp chuyện chim hạc kia, cùng nhiều con chim đồng đạo bàn luận với nhau một hồi, rồi vì đôi bên trí tuệ không đều, phẩm tính khác biệt, cảm thấy cuộc trò chuyện không còn hứng thú, ngỏ ý cáo từ. Đúng lúc đó, mặt trăng lên đến giữa trời, ánh trăng sáng sủa, trong vắt, coi rất dễ thương. Hạc ta bất giác nổi lòng lo lắng, buồn bã, nhìn vầng trăng sáng, buông tiếng thở dài.

Các chim kia kinh hãi, thất sắc nhìn nhau, nói :

- Anh hạc đã nổi chứng ngớ ngẩn mất rồi !

Chúng không thể ở lại, hò reo một tiếng, bay tản lạc, trở về tổ nghỉ ngơi. Còn lại một mình con hạc nọ, lúc khóc lúc cười, lúc ca lúc múa, làm ồn lên một hồi, khiến các vị tiên trên cung trăng hay được, cũng đồng tình với nó, thương cho nó vì lẻ loi mà phát cuồng.

Một trận cuồng phong nổi lên, kéo đám mây đen, che khuất mặt trăng. Mặt trăng ẩn mình sau đám mây, không ló ra nữa, để khỏi nhìn con hạc lẻ loi, đáng thương. Hạc ta hiểu được ý trăng, bất giác gật đầu, buông tiếng thở dài, nói :

- Các vị đạo huynh, chắc các vị không nỡ thấy tôi chịu tai kiếp, chẳng muốn nhìn tôi phải cô đơn, tịch mịch, nên ẩn mình trong đám mây chứ gì ? Ôi, cảm kích biết mấy !

Câu nói chưa dứt, đã nghe bên tai có tiếng người nói :

- Đời có lúc trị lúc loạn, vận số có khi hưng khi suy, con người ta cũng có lúc thăng trầm khác nhau. Ngươi không để mờ tối bản lai, thông đạt tính linh, chấp nhận điều nghịch, nương theo điều thuận, luôn luôn giữ được cách nhìn thông đạt, tại sao chỉ vì một vấp váp nho nhỏ, mà mang dạ bất bình ?

Giọng nói dịu dàng, như tiếng đàn bà. Hạc ta kinh hãi, nghĩ mình bị đày tới đây đã lâu năm, chưa từng giữa lúc đêm khuya thanh vắng nghe được tiếng đàn bà. Nếu đây không phải tiên tử, ắt cũng tiên yêu, chứ yêu nhân làm sao có được tri thức đó ? Hẳn là tiên nhân, không còn ngờ gì nữa. Vì thế, nó vội vàng quì gối, khấu đầu vái lạy, tự nhận lỗi mình, và xin được thấy tiên dung.

Lại nghe người tiên cười, nói :

- Chúng ta vốn là đồng đạo, chẳng dám nhận đại lễ ấy đâu. Ta là Hằng Nga trên cung trăng đây. Vừa rồi gặp được Thiết Quài tiên sinh, ông ấy nhờ ta nhắn tin cho ngươi biết, nói rằng ngươi bị biếm chích, lập chí thanh cao, khắc khổ tu từ, việc đó Ngọc đế đã nghe biết, hứa cho ngươi vào ngày trung thu năm nay được thoát tội, lúc đó tự có cao nhân tới cứu ngươi. Vậy trong khoảng thời gian giữa giờ thân và giờ dậu, ngươi hãy ở giữa đường đèo trên núi mà chờ đợi, sẽ thấy hai đạo nhân, một già một trẻ, tức là các vị sư phụ của ngươi đấy. Ngươi hãy vái mà xin thụ nghiệp. Hai người đó tự có cách độ cho ngươi nhập thế.

Hạc ta vội nói :

- Đệ tử mắc tội, đi đầy, khổ chí tu đạo, vốn rất sợ rơi vào chốn phàm trần, không thể tự cứu. Nay được tiên sư cứu cho, lại độ cho xuống trần thế, thì đừng cứu độ còn tốt hơn.

Hằng Nga cười, nói :

- Ngươi là thượng tiên có chức đã lâu năm, nói ra những lời như thế, có khác gì kẻ mới học đạo ? Ngươi mắc tội vào thân, biến thành loài chim đã lâu, nếu không xuống nhân gian một chuyến, làm sao có thể chuyển sang thân người ? Mang thân hạc cũng có thể thành tiên được đấy, nhưng sau khi thành tiên, rốt cuộc vẫn là dị loại. Vả lại dị loại tu tiên, so với làm người tu tiên, khó khăn hơn nhiều. Ngươi chỉ biết rằng một khi nhập thế, liền biến thành phàm phu tục tử, có biết đâu rằng phàm phu tục tử rốt cuộc vẫn hơn cầm thú rất nhiều, huống chi ngươi giữ được bản tính không diệt, gần đây lại có nhiều công phu tu luyện, thì tư chất tiên đó, dẫu có xuống nhân gian, cũng không đến nỗi hao mòn. Lại được tiên sư hộ trì, dẫn dắt, thì thời gian chuyển sinh làm người trần gian chỉ trong chớp mắt, liền thành chân tiên. Đó là vì Thiết Quài tiên sinh là chỗ bạn bè cũ của ngươi, đã khổ tâm nghĩ cách thành toàn cho ngươi, tại sao ngươi còn nói ra những lời trật trìa như thế?

Hạc ta nghe vậy, vội khấu đầu lạy tạ. Hằng Nga cũng không muốn nói thêm, xuất hiện chân thân, cưỡi mây bay lên không trung. Giây lát, mây đen kéo đi, trăng sáng lại ló ra, sáng sủa hơn trước. Hạc ta vội quì lạy. Từ đó, những lúc đêm tối, nó không cất tiếng kêu ai oán nữa, cũng không ở trên núi đi nhàn tản, mà đứng ngây người ra ngắm trăng, mong đợi ngày rằm tháng tám.

Hôm đó, trời vừa chập tối, nó chiếu theo lời Hằng Nga chỉ dẫn, lần xuống núi, ở chỗ đường đèo bay lượn một hồi, rồi đứng lại, ngước nhìn lên trời, cúi nhìn xuống núi, nhìn quanh bốn phía. Vừa qua giờ thân, nó nghĩ thầm : "Cuối cùng, đã tới giờ rồi !". Lúc đó, nhảy nhót hay bay lượn nó đều không dám, chỉ đứng ở chỗ đất cao, để có thể nhìn lên cao, cúi xuống thấp, kính cẩn trông đợi tiên sư đến. Nào ngờ nó đợi hoài đợi hủy, chẳng thấy bóng một người nào.

Hạc ta bất giác cảm thấy nóng ruột quá chừng. "Chẳng lẽ Hằng Nga đã nói sai giờ giấc . Há chẳng phải đó là khoảng thời gian giữa giờ mùi và giờ thân ? Thế này thì lỡ dở mất giờ ta đi đón tiếp mất thôi. Vì thế hai vị tiên sư trách ta không có lòng thành, nên chẳng chịu cho ra mắt chăng ?". Nghĩ tới đó, bất giác lại đâm ra nghĩ quẩn, nghi ngờ những lời Hằng Nga đã nói. Chung qui lỗi cũng tại ta khinh suất tin lời cô ấy. Tại sao hôm nay ta không đi sớm, từ giờ sau ngọ, đảo quanh một vòng xem thử ? Cơ hội ngàn năm khó gặp đã để lỡ, há chẳng đáng tiếc, đáng buồn hay sao ? Nghĩ tới đó, cơ hồ muốn từ trên vách núi nhảy xuống, chết quách cho rồi !

Đang lúc bàng hoàng, đau khổ như thế, lại nghe bên tai có tiếng người nói :

- Nam nhi làm việc, sao lại lúc khóc, lúc cười, thất thường như thế ? Sao lại học thói đàn bà, con gái, há chẳng đáng thẹn, đáng chê cười lắm ru !

Hạc ta nghe nói, liền thấy sự việc lại có hy vọng lắm rồi. Chẳng cần biết người đó là ai, vừa nói những gì, nó vội quì xuống, nằm gục trên phiến đá, lạy dập đầu, hô to :

- Tiên sư cứu con ! Tiên sư cứu con ?

Lại nghe bên tai có tiếng cười, nói :

- Ngươi đã sai trái thật tình. Ta đã nói với ngươi ra sao, tự nhiên phải có hai vị tiên sư tới chứ. Nóng vội làm chi ? Hai vị tiên sư đó, vừa là thầy vừa là học trò của nhau. Kiếp này làm lão sư, kiếp trước lại là học trò. Vị lão sư hiện giờ có tên gọi Chung Li Quyền, ngoại hiệu là Văn Phòng tiên sinh, người học trò gọi là Lã Nham, tự Động Tân, là người mới xuất gia gần đây, vừa ở trên Lư Sơn học Thiên độn kiếm pháp với Hà tiên cô. Hai thầy trò có ước hẹn từ ba năm trước, hẹn gặp nhau ở đây. Cả hai đều là sư phụ của ngươi, vì thế mới nói ngươi có hai vị tiên sư lận.

Hạc ta nghe nói, biết ngay người nói là Hằng Nga, vui mừng khôn xiết.

Hằng Nga lại đem quan hệ trước đây của hai vị tiên Chung, Lã, nói rõ một hồi. Cuối cùng, nói tới việc hai vị tiên đã quyết định giờ này sẽ tới. Nhân vì Lã tiên đã học xong kiếm pháp, chỉ còn thiếu một thanh kiếm tốt để sử dụng, sư phụ mới dẫn ông ta tới Cô Tô một chuyến. Trước đây, người đồng đạo là Trương Quả tiên sinh, trong lúc vân du miền Ngô Việt, từ xa nhìn thấy ở địa phương Cô Tô có kiếm khí xuất hiện lờ mờ, mới tới các nơi danh sơn tìm kiếm, hỏi han, phát hiện ra được kiếm khí đó phát ra từ núi Thiên Bình, ở ngoại thành Cô Tô, hiện đang bị một yêu nhân giữ chặt, không cho kiếm đó xuất hiện ngoài đời. Nhưng bản thân yêu nhân lại không thể vận dụng được. Trương tiên mới thương lượng cùng hắn ba bốn lần, hắn vẫn lắc đầu, nên Trương tiên mới tố cáo cùng Chung tiên. Chung tiên biết rằng kiếm này rốt cuộc sẽ về tay Lã tiên sử dụng. Thực ra không chỉ có một kiếm, vì khi vận dụng, nó phân hai kiếm thư hùng. Theo người ta nói, vào thời Ngô Việt, có hai vợ chồng Can Tương, Mạc Da luyện chế được hai thanh kiếm. Về sau phân tán ra trong nhân dân, cho tới cuối đời nhà Hán, có chồn yêu nhặt được thanh Can Tương, mới lần mò tìm ra nốt thanh Mạc Da. Rốt cuộc, cả hai thanh kiếm vào tay một người.

Một đêm, bỗng nghe trong nhà có tiếng nam, nữ nói chuyện với nhau, kế đó nghe hai thanh kiếm đụng nhau lách cách, thấy ánh kiếm lấp loáng. Đến sáng nhìn lại, hai thanh kiếm đã hợp làm một. Chồn tiên sợ quá, cho là thần vật, mới đem giấu ở dưới núi Thiên Bình, lại tự tìm ra một động phủ trên núi làm nơi cất giấu, đích thân giữ gìn. Người mà Trương tiên nói ở trên chính là yêu nhân này. Trương tiên lại biết rõ lai lịch Lã tiên, nghe ông ta đã học xong kiếm pháp, tình nguyện đưa hai thầy trò đi lấy kiếm. Vì thế, hai người đó nhất định sẽ tới đây, chỉ có điều tới chậm một chút thôi. Lã tiên định tới đây liền, giải quyết việc của ngươi cho xong, rồi mới đi lấy kiếm, để ngươi khỏi phải nghểnh cổ trông ngóng. Nào ngờ Trương tiên nhận được pháp chỉ của tổ sư, phải tới kinh thành, nhận một nhiệm vụ trọng đại, chỉ có thể đi lấy kiếm cho xong, để còn phải mau mau vào kinh làm việc. Vì thế, họ đã khiến ngươi phải mất công chờ đợi. Vừa rồi, ta đứng trên mây, thấy ngươi nóng vội, nghĩ cũng thương tình. Về sau, Thiết Quài tiên sư phái người báo tin cho ta biết, nhờ ta thông tri cho ngươi một tiếng. Đại khái trễ nhất là sáng sớm mai, hai vị tiên sư cũng tới đây.

Câu nói chưa dứt, bỗng nghe trên không trung có tiếng cọp gầm. Hằng Nga cười nói :

- Tới rồi, tới rồi ! Con cọp này chính là con cọp mà Chung tiên thu phục được, hồi còn là một cậu bé. Thiết Quài tiên sinh đã đem nuôi giùm ở núi Thiếu Thất, ngày nay đem trả lại, làm con vật để cưỡi. Hiện nay, trong các vị thần tiên, chỉ có Chung tiên là người cưỡi cọp, vậy không phải ông ấy tới, còn ai vào đây ?

Hằng Nga vừa nói, vừa hiển xuất thân hình, đưa tay vịn cổ hạc, đứng đợi. Quả nhiên tiếng cọp lại gần, mây đen kéo đi, mặt trăng hiện ra, soi sáng hai vị tiên nhân, cùng cưỡi trên lưng một con mãnh hổ vằn vện, coi bộ hung dữ. Hai vị tiên hướng về phía Hằng Nga hành lễ, sau đó Lã tiên đem con cọp buộc vào gốc cây.

Hằng Nga dẫn dắt chim hạc, bảo nó cúi đầu lạy hai vị tiên. Chung Li Quyền vỗ lên đầu hạc, cười nói :

- Tội nghiệp cho ngươi bị đày xuống trần đã mấy trăm năm, vẫn chưa để bản chân mờ tối, tiền trình hắn là rộng lớn, không biết đâu mà lường.

Chim hạc vừa buồn rầu vừa cảm động, kể tỉ mỉ hoàn cảnh đi đầy, hai vị tiên đều nói :

- Việc trước chúng ta đã hiểu rồi, bất tất phải thuật lại. Nay chúng ta muốn dẫn ngươi xuống nhân gian một chuyến, ngươi có bằng lòng hay không ?

Chim hạc khấu đầu lạy, nói :

- Được tiên sư tài bồi cho, đệ tử lẽ nào lại không tình nguyện ?

Hai vị tiên đều gật đầu, tỏ ý hài lòng. Hằng Nga lại hỏi tới chuyện thu nhận kiếm, Lã tiên liền đưa kiếm báu cho cô xem.

Hằng Nga tiến lại, vừa đưa tay ra để nhận lấy, chợt cảm thấy muôn đạo hàn quang phát ra, bắn lên tận những đám mây, khiến ánh trăng của Hằng Nga cũng bị lay động. Chung Li Quyền vội đưa ra một ngón tay, nhắm vào mũi kiếm, phất một cái, bấy giờ kiếm quang mới thu lại, ánh trăng ổn định trở lại. Hằng Nga cười, nói :

- Không xong rồi ! ông có kiếm này, có thể phá hủy cung trăng của tôi mất thôi.

Câu nói đó khiến hai vị tiên và con hạc cùng cười rộ. Hằng Nga lại hỏi :

- Kiếm này lợi hại thế nào ? Sao trước nay không nghe ai nói tới?

Chung Li Quyền đáp :

- Những binh khí bình thường, dùng lâu ắt hư hỏng. Chỉ có loại kiếm báu, do thần tiên đích thân luyện tinh hoa của năm kim loại chế ra, càng lâu ngày, càng phát ánh sáng rực rỡ. Còn thanh kiếm này, tuy không do thần tiên chế ra, nhưng kim chất của nó cũng là những tinh hoa lượm lặt được từ xưa đến nay, ở khắp nơi, lại gia thêm tinh huyết của người mới tạo thành. Ngày xưa, hai vợ chồng Can Tương, Mạc Da chế luyện kiếm, phải nhảy vào lò nấu, góp tinh huyết của người sống, sắt mới chảy ra. Sau khi chết, anh hồn của họ phụ vào hai thanh kiếm. Tới chừng chồn già lượm được, gom về một nơi, vợ chồng mới được gặp lại nhau, nhập chung làm một. Lại ở trên núi tu luyện thêm vài trăm năm, nhận được tinh khí của sông núi, mặt trời mặt trăng, nên mới phát ra ánh sáng, có thể át được ánh sáng, vào nước rẽ nước, gặp lửa dập tắt lửa. Bản thân thanh kiếm đã thành tiên, nay lại rơi vào tay người tiên, quả là giai thoại đặc sắc nhất từ xưa tới nay. Cô nghĩ coi, như vậy nó đã lợi hại hay chưa ?

Hằng Nga nghe nói, thè lưỡi, khen là kỳ lạ. Chung Li Quyền quay nhìn Lã Động Tân, nói :

- Kiếm này là bí vật trong trời đất, là báu vật kỳ lạ trong vũ trụ, người bình thường không dễ gì có cơ hội được nhìn thấy nó, và đã là báu vật kỳ lạ, thì không nên đem khoe khoang, chỉ tổ động lòng tham của người khác.

Lã Động Tân vội dạ dạ, xin nghe lời, thu hồi kiếm báu, cất vào trong bao. Hằng Nga lại hỏi tới chuyện Trương Quả, Chung tiên nói:

- Tức cười cho ông này, là người không ham vui chuyện du hí cõi hồng trần, lần này lại phải làm một chức quan nhỏ, trông coi chuyện nghệ thuật, múa hát. Đại khái là chẳng bao lâu nữa đương kim hoàng đế về chầu trời, vị hoàng đế nối ngôi tuy là một anh quân, nhưng chịu hệ lụy từ các vị tiên hoàng nhiều đời trước, e rằng bản thân sẽ gặp phải thảm kiếp, khiến nhà Đường bước vào thời trung suy, xe loan phải thiên di đi xa, chỉ không đến nỗi mất nước mà thôi 1 . Trương Quả đi lần này, chính là vâng chỉ Ngọc đế tạo thành kiếp số. Vừa hay, vì đệ tử của tôi đi tìm kiếm báu, chúng tôi cùng tìm tới chồn già. Chồn già cho biết bản thân hắn không có phúc, nên không sử dụng được thanh kiếm này. Vừa nhấc lên tay, thanh kiếm liền nặng chỉu, vì thế hắn phải đem kiếm giấu ở dưới núi. Nhưng bản thân hắn đã phí biết bao tâm huyết mới được kiếm này, lại mất công gìn giữ mấy trăm năm, nên không dễ gì nhường cho người khác. Trương Quả mới nghĩ ra một cách, nói : “Hiện tại, ta đang tìm một người, ứng kiếp mà ra đời. Nếu ngươi chịu từ bỏ thanh kiếm này, ta bảo đảm rằng ngươi lập được đại công. Chỉ cần ngươi đường đường chính chính giữ bổn phàm, không làm việc gì ra ngoài khuôn phép, hoặc giả làm việc gì tà đãng chăng nữa, thì sau khi kiếp số định rồi, ngươi cũng thành chính quả". Chồn già nghe nói, vô cùng mừng rỡ, vui vẻ dâng kiếm lên. Bản thân hắn được chúng tôi viết điệp văn xuống âm phủ, để chuyển kiếp làm một người Bắc Phiên. Vì mắc nhiều việc như thế, chúng tôi tới trễ một chút, không đúng như giờ giấc đã ước hẹn.

Hằng Nga lại hỏi :

- Tình hình kiếp số lần này ra sao, có thể nói trước được không?

Chung Li Quyền gật đầu, nói :

- Thiên cơ vốn không thể tiết lậu, nhưng chúng ta chẳng chỗ xa lạ. Nói sơ lược cũng không hại gì. Đại khái sau khi con chồn này đi đầu thai, triều đình Trung Quốc sẽ có tranh chấp nội bộ. Việc nội tranh này có liên quan tới bà hậu phi trong cung. Phụ nữ sống buông thả bên trong, người Hồ tạo phản bên ngoài, thành thế trong ứng ngoại hợp, tạo nên kiếp nạn. Đại khái tình hình là như vậy.

Hằng Nga lại hỏi :

- Vừa rồi đạo huynh nói rằng vị vua mới gặp phải tai kiếp, là hệ lụy từ các vị thiên tử nhiều đời trước, nói như vậy là nghĩa làm sao ?

Chung Li Quyền đáp :

- Thiên tử bản triều rất anh minh, chỉ tiếc rằng ngài khiếm khuyết nhiều về mặt luân thường, nên dâm phong rất thịnh, đến nay dưới âm tào còn để lại nhiều huyền án. Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là chuyện gia đình nhà họ Lý , là vì tiên hoàng đế dụng binh hải ngoại, chinh phạt nước của người lùn . số là nước đó, con cháu được phúc của tổ tiên, được làm vua, nhưng mấy trăm năm nay quyền chính trị nằm trong bọn Ma giáo. Hiện giờ, vị quốc sư nước đó là một con tê giác thành tinh, nghe tin binh sĩ trung nguyên tới, liền gom gió khắp bốn phương về một chỗ, tạo thành gió lốc rất mạnh, nhận chìm chiến thuyền nhà Đường, người chết vô số. May có con trai Vương Xương là Vương Thái, được Hà tiên cô chỉ điểm, học được nhiều pháp thuật của thượng tiên, dự bị để đi xẻ núi cứu mẹ, tuy tuổi còn nhỏ, đã có bản lãnh cực cao, mắt thấy binh sĩ Trung Quốc bị cuồng phong dìm chết, vừa giận vừa buồn, liền sử dụng phép cuốn nước biển, oanh kích núi, một mặt ngăn chặn gió lốc, một mặt kích động cho các núi lớn của nước người lùn, nhất tề phun lửa, và làm cho mặt đất rung chuyển, làm chết vô số người. Từ nay về sau, nếu người lùn dám xâm phạm thượng quốc, làm chuyện tàn bạo, bất nhân, cứ theo cách đó mà niệm chú lâm râm, thì những nơi phồn hoa nhất của nước đó cũng bị oanh kích, tan như ngói vỡ.

/101

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status