Bão Đồng

Chương 14

/16


Nhưng không chỉ có dân tình dò la, mà ngay đến một người nắm quyền sinh quyền sát của cả một huyện trong tay cũn? đi dò la nơi này nơi khác, người này người kia. Chỉ có điều, dân tình bên dưới thì dò la, nghe ngóng thái độ bên trên, còn trên thì lại dò la những thông tin rò rỉ từ bên dưới, dẫu là sự rò rỉ ấy là vô tình, là bột phát. Mà suy cho cùng, căn nguyên của sự dò la, bưng bít đang có manh nha thành phổ biến và nạn rò rỉ thông tin, cũng là từ việc làm bột phát của chính những người chưa có hiểu biết bao nhiêu về đường hướng, nhưng lại ý thức rất rõ việc mình làm không chỉ vì vợ con, mà còn vì bao người thân yêu trong xóm, ngoài làng. Nói thì vòng vo thế, nhưng ngắn gọn lại, đấy là tâm thái của Cải và Điền, Đĩnh, rồi Dậm, Tinh và cả ông Mải và Túc, và bao người dân làng Phương Trà, Phương Lưu, rộng ra là cả xã Tiên Trưng, cả huyện Vĩnh Tiên những ngày này. Khác chăng chí ở chỗ, trên thì nắm bắt, dò la để hiểu bản chất sự việc dưới đang ngấm ngầm làm, xem thực hư, sai đúng đến đâu; còn dưới thì ngại ngần, sờ sợ, không muốn phiền luỵ đến mình. Ngay như Phượng, vợ Thuật, một nữ chủ tịch xã những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ác liệt là thế cũng không biết sợ là gì, vậy mà hôm trước đang ngồi làm cá ngoài cầu ao, mới nghe chồng mon men nói với Cải về quản khoán ở hợp tác xã hiện nay, đã hốt hoảng cầm con dao phay chạy vào, vừa huơ vừa như gào thốc bộ lên, đến nỗi tý nữa thì đột quỵ: “Ông im đi ngay! Không nhớ cái án tày đình của chú Điền đấy ư, còn lảm nhảm quản quản khoán khoán cái gì thế!?”. Chắp nối những lần gặp gỡ, chuyện trò, từ sự xuất hiện có phần đường đột của ông Mải hôm họp thường vụ huyện uỷ sau đêm bão lốc, đến cái tin ông cụ và mấy đảng viên dưới Tiên Trung làm đơn xin ra đảng. Rồi chuyện Điền bị án kỷ luật lưu đảng giờ vẫn chưa được xoá. Đến vụ xô xát vỡ kính xe uỷ ban ở đầu làng Phương Lưu, mấy người bị bắt đưa về giam ngoài trụ sở xã bỗng nhiên được tha không lấy lời khai, không lập biên bản. Và cuộc gặp Đĩnh, phó chủ tịch phụ trách công an xã Tiên Trung lại mặc nhiên để dân mình dựng trạm gác ngay đầu làng, “bế quan toả cảng” không cho bất cứ người lạ nào vào ra. Vậy mà Đĩnh chẳng những không vòng vo giấu giếm, còn như đánh bài ngửa với bí thư huyện uỷ. Rồi cả thái độ có phần đột ngột, hay nỗi lo sợ cho sinh mạng chính trị của chính chồng mình của Phượng, khi đang làm cá ngoài cầu ao nữa… Tất cả, tất cả, những lần gặp gỡ, chuyện trò Cải mang chắp nối, sâu chuỗi lại và hình dung rõ dần cái mớ bòng bong với cả những đường ngang mối dọc của nó. Vậy mà không gỡ ra, còn cứ bọc mãi trong lớp vỏ tưởng như bền chặt, tốt tươi nhưng lại mỏng manh đến héo hắt, thì đến bao giờ mỗi kỳ giáp hạt dân mới không phải đói vàng con mắt, xã, và cả huyện nữa, mới không phải vắt chân lên cổ đi mua sắn, ngô, mì mạch về cứu đói cho dân. Trong khi ruộng đất thì phì nhiêu, dân thì cần cù và giàu truyền thống quật khởi, còn nhà nước thì không ngừng chăm lo cho dân, ngay cả những năm chống chiến tranh ác liệt là thế, vẫn đầu tư sức người sức của làm không biết bao nhiêu kênh mương, cống đập dẫn nước vào đồng, rồi giống cây, giống con, và cả phân lân, phân đạm, thuốc phòng trừ sâu đều bán như cho các hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng nông dân thì chẳng mấy kỳ giáp hạt tháng ba ngày tám không nhao lên về lương thực. Còn nếu ở đâu đó không nhao lên về lương thực hoạ chăng được vài anh điển hình, trên rót xuống không thiếu thứ gì, kể cả phân đạm, lân, thuốc trừ sâu cho lúa và ngô xay, mì mạch cho trại lợn tập thể.

Nếu không có bác Thìn, trưởng ban tổ chức huyện uỷ, ngó vào hỏi: “Nay thứ bảy, anh có về qua nhà với chị và các cháu một hôm không?”, thì không biết Cải còn ngồi lặng đi trên chiếc ghế sa lông bên bàn nước đến bao giờ. Nghe tiếng người hỏi, Cải ngồi ngay dậy, chào:

- Bác Thìn đấy à. Bác vào uống nước. Hôm nay đã thứ bảy rồi ư. Nhanh thế!

Thìn vừa ngồi xuống ghế, hỏi ngay:

- Anh lên tỉnh, có gặp được mấy ông thường trực không?

- Ông Quang, bí thư, đi tham quan Liên Xô rồi. Còn hai ông phó ở nhà, thì ông Thạch đang đi Đà Nẵng, chỉ gặp được mỗi ông Xứng, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ. Nhưng mới nghe tôi báo cáo câu trước câu sau, ông ấy đã chồm lên mắng té tát như cha mắng con, nghĩ vừa giận vừa bực, mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ừ, đúng là mắng té tát như cha mắng con, huyện anh lâu nay toàn khoán chui, anh vừa mới được điều về làm bí thư mấy tháng nay, định lấy cái sai này biện minh cho cái sai kia, đi ngược lại đường lối hợp tác hoá nông nghiệp của đảng, cũng tức là đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa, hả! Thôi, anh về đi, tôi không có thì giờ nghe anh nói dông dài nữa đâu. Nhớ là còn đang bàn thì thôi, trót ra nghị quyết rồi phải lập tức cho thu hôi về, huỷ đi. Chứ không, trên mà xử lý là chính anh bị kỷ luật nặng đấy. Lúc ấy đừng có trách trên này không nói trước!

Cải nói lại lời ông Xứng đến đấy bỗng đột ngột dừng. Thìn cũng biết Cải đang có nỗi bức xúc, cũng không muốn hỏi nữa. Hai người ngồi lặng đi đến mấy giây. Mãi khi Cải cầm cái ấm, rót chén nước chè mới pha đặt trước mặt, Thìn mới cất giọng nhỏ nhẻ:

- Trên đường đi, anh có qua sở nông nghiệp tranh thủ ý kiến anh Soa không?

- Anh Soa thì trước sau vẫn ủng hộ huyện, nhưng lại khuyên cứ để như lâu nay nơi này nơi kia vẫn tự phát làm. Chớ có ra nghị quyết là lôi thôi to đấy. Tôi có bảo anh Soa là thôi, anh cứ ủng hộ bọn tôi bằng cách lờ đi. Còn huyện, thế nào thì thế cũng phải ra văn bản, thì mới chính thức thành chủ trương để còn hướng dẫn thực hiện và phân công chỉ đạo cụ thể, mới có kết quả tốt được. Chứ cứ để tự phát mạnh ai nấy làm, dễ tan vỡ hợp tác xã lắm. Nhưng quan trọng là làm cho dân tin, có tin thì người ta mới vững tâm bỏ công sức vào sào ruộng nhận khoán, chứ còn nói suông, khẩu thiệt vô bằng, dân người ta không tin đâu. Mà một khi dân đã không tin, thì nghị quyết có hay đến mấy người ta cũng không nghe, không làm, và dĩ nhiên cũng không thể thành hiện thực được. Thế mới có câu “hãy xem các ông ấy làm, chứ đừng nghe các ông ấy nói”, nên anh cứ để huyện uỷ chúng tôi ra nghị quyết.

Thìn dáng chừng sốt ruột, vội hỏi:

- Anh nói thế, ông Soa có bảo sao nữa không?

- Ông ấy bảo mình lo là lo cho các cậu, mà người chịu trách nhiệm chính là cậu thôi, chứ còn mình thì, cậu cứ yên tâm, mình chẳng những ủng hộ cách làm của huyện, mà còn dành thời gian theo dõi quá trình triển khai của các cậu. Nhưng nhớ là phải bí mật nhá. Đừng để lộ ra. Vừa mới triển khai, kết quả chưa có, mà để lộ ra là dễ bị đập nát ngay từ trong trứng lắm đấy. Thế nên, mình thật lòng khuyên các ông dưới ấy nên tập trung chỉ đạo làm vụ đầu tiên cho có kết quả, không được tất cả, cũng được bảy tám mươi phần trăm số hợp tác xã giành vụ lúa bội thu. Vụ lúa bội thu sẽ là lời giải đáp mỹ mãn nhất cho cách khoán mới của các ông. Còn không, dẫu các ông có thuyết phục tới đâu đi chăng nữa, cũng không có sức hấp dẫn bằng thực tế trên đồng ruộng ngoài kia đâu.

- Thế là vẫn phải giấu giấu giếm giếm, chán quá! - Thìn bỗng buông tiếng thở dài, kèm một lời ngao ngán.

Cải bảo:

- Cũng đành vậy. Nhưng giấu giếm để tư túi cá nhân mới sợ, chứ giấu giếm để dân có cơm no ngày hai bữa, sản xuất phát triển, hợp tác xã được củng cố vững chắc thì giấu thế chứ giấu nữa, tôi nghĩ, chúng ta nhất định giấu được.

Thìn cầm chén nước lên định uống, nghe Cải nói vội đặt cạch xuống chiếc khay nhôm, hỏi:

- Anh có chủ quan không đấy? Chính cuộc họp thường vụ hôm trước, khi thông qua nghị quyết cho các họp tác xã giao ruộng khoán đến xã viên, trong số sáu thường vụ có mặt chí có bốn người giơ tay, còn hai không tán thành. Một trong hai người đó lại chính là anh Trường, phó bí thư kiêm chủ tịch huyện. Cái kim bọc giỏ lâu ngày cũng ra, huống hồ là nghị quyết của thường vụ mà phó bí thư kiêm chủ tịch huyện không nhất trí, thì làm sao có thể giữ kín mãi được.

Thìn dừng lời, khi nhìn thấy ngoài hành lang có bóng Thơi đang đi đến. Thơi đang đi, lại ngập ngừng như giữ kẽ, chưa muốn vào phòng bí thư khi đang có khách. Thấy thế, Thìn gọi với ra:

- Chú Thơi hả, có việc gì cứ vào đi.

Chánh văn phòng huyện uỷ như được câu nói ấy khích lệ, mạnh chân bước hẳn vào trong phòng, vừa kéo chiếc ghế đôn dựng ở mé tường ra định ngồi, thì Cải chỉ tay vào chiếc ghế sa lông đối diện, bảo:

- Thôi kéo ghế ra làm gì nữa, cứ ngồi xuống đây, người trong nhà cả.

Thơi ngồi vào chiếc ghế còn bỏ trống cạnh Thìn:

- Báo cáo anh Cải với bác Thìn, sáng nay có đồng chí ở phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh về làm việc với văn phòng, về việc huyện uỷ được phân phối một chiếc xe máy, do anh Trường chủ tịch uỷ ban ký. Đây là một trong tổng số hai mươi nhăm chiếc xe máy hợp tác xã mua bán đưa từ miền Nam ra. Vậy chiếc xe trong danh sách ghi là huyện uỷ, cụ thể mang tên ai, bí thư, phó bí thư thường trực, hay là xe công để cơ quan văn phòng huyện uỷ dùng chưng?

Vừa nghe Thơi nói đến đấy, Thìn như giật bắn người, còn Cải cũng vội nhổm lên, hỏi:

- Có việc ấy thật à? Sao không nghe ai nói nhỉ.

- Tôi có nghe nói, hợp tác xã mua bán huyện rút ở ngân hàng hai triệu tiền mặt đi miền Nam mua gạo về cứu đói, từ sau hôm bão lốc cơ, chứ có thấy nói đến xe máy xe miếc gì đâu nhỉ.

Nghe Thìn nói mà như hỏi, làm một người dưới quyền như Thơi không thể không trả lời:

- Dạ, báo cáo bác, xe máy thì quả tình khi nghe đồng chí công an nói em mới biết, chứ mấy hôm trước chỉ thấy nói có mua được đâu hai trăm tấn gạo, nhưng còn đang ở ngoài cảng ạ.

- Đi mua gạo cứu đói từ khi lúa mới trỗ, mà giờ gặt vãn gạo mới về, lại còn ở mãi ngoài cảng thì nói làm gì. Mà thôi, dẫu sao cũng biểu dương anh chị em ngoài họp tác mua bán huyện đã biết chung sức lo cứu đói cho dân, nhưng còn bao nhiêu cái xe máy đấy, cậu Thơi làm việc cụ thể với lãnh đạo hợp tác xã mua bán nhá. Sao trong lúc dân còn không có gạo ăn, huyện lại xuất tiền mặt đi mua xe máy thế nhỉ?

Cải nói xong, cả ba như ngồi lặng đi. Cải không biết đang nghĩ gì. Còn Thìn và Thơi đều thầm nghĩ, bí thư hỏi thế, mình còn biết hỏi ai?

***

Sáng chủ nhật, lẽ ra vợ chồng Cải đèo nhau sang bên ngoại ăn hỏi bà dì ngay từ sớm, nhưng cô con gái lấy xe đạp của bố xuống trường, cứ dặn đi dặn lại chờ con về cùng đi. Nhưng cô con gái chưa về thì bố đã đi rồi. Không phải là đi xuống bà dì. Xuống bà dì phải có cả mẹ và con cùng đi nữa chứ. Mà xuống Đồ Sơn, đi một mình. Hay đúng hơn là có người dẫn bố đi, như kiểu người ta áp giải tội phạm.

Có người dẫn đi như kiểu người ta áp giải tội phạm, nói thế không biết có quá lời, nhưng hãy cứ đọc đi, rồi ai khắc hiểu thế nào là tuỳ.

Sáng vợ chồng Cải vừa cơm nước xong, con gái lấy xe đi được một lúc thì có ông Quế bên hàng xóm sang chơi.

Nhà ông Quế ở cách nhà vợ chồng Cải một cái tường trồng toàn xương rồng gai. Ông Quế trước làm cán bộ trên sở nông nghiệp, đến chức trưởng phòng quản lý hợp tác xã thì về hưu. Làm trưởng phòng quản lý hợp tác xã, ông hiểu rất rõ nguyên tắc quản lý kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. Mà nguyên tắc quản lý kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa thì chưa ở đâu, chưa có sách vở nào dạy mang ruộng đất giao cho hộ xã viên làm. Giao cho hộ xã viên làm thì khác nào trứng để đầu đẳng, khác nào quay lại kinh tế cá thể theo con đường tư bản chủ nghĩa, đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa. Và đấy là điều một người như ông Quế, bao nhiêu năm tận tâm tận lực làm theo những điều được đọc trên sách báo, được nghe giảng không biết bao nhiêu lần trong các lớp chính trị, giờ bỗng nghe tin thường vụ huyện uỷ ra nghị quyết giao ruộng khoán, thì chẳng khác nào nghe sét đánh bên tai. Nên biết tin Cải về, từ tối hôm qua cơ, khi vợ Cải đang ngồi xem nhờ ti-vi bên nhà ông, nghe tiếng kẹt cổng vội đứng dậy về, là biết ngay lại chồng về mới vội thế. Biết tin Cải về, từ tối hôm qua cơ, ông liền sang ngay, nhưng của đáng tội, hai lần, đúng hai lần, ông sang đến ngõ thì cả hai lần nhìn vào trong nhà, rõ là trên cái bàn giữa nhà còn cây đèn sáng ra tới sân, mà trong nhà ngoài sân không có bóng một người nào, cũng không nghe tiếng nói cười vọng ra, chỉ nghe những tiếng như thì thao, rên rỉ. Cả hai lần sang đến cổng, rồi lại quay về, ông đều hậm hực chửi thầm cái đồ phải gió, chưa về đến nhà đã hú hí với nhau. Mà hú hí với nhau sao không tắt đèn đi, vãn cứ để đèn sáng thế kia nhìn cho rõ hay sao không biết nữa, làm cho bố mày bị hố đến những hai lần.

Thế nên sáng nay, vừa ăn lót dạ lưng cơm nguội rưới nước mắm cáy xong, ông vội sang ngay. Vội sang ngay nhưng ông cũng chưa hỏi han, chuyện trò với Cải được bao nhiêu, hay đúng hơn, một người vừa đặt đít xuống ghế đã vồ vập hỏi: “Nghe nói thường vụ huyện uỷ ra nghị quyết giao ruộng khoán cho xã viên, là thật hay chỉ là tin đồn, hả chú?”. Đấy là ông gọi thay cho cháu. Bởi ông Quế không chỉ hơn Cải dễ đến gần hai chục tuổi, mà về họ tộc cũng còn là vai trên của anh, nên câu ông hỏi không những là của một đảng viên già hỏi đảng viên trẻ, dù đảng viên trẻ có là bí thư huyện uỷ chăng nữa, thì vẫn không thể là lão đổng chí được; còn họ tộc thì khỏi bàn, làm đến ông giời mà về làng không theo thứ bậc dòng họ cũng bị các cụ chửi cho mục mả. Làm đến ông giời về làng cũng phải theo thứ bậc dòng họ, nên Cải vừa cầm cái ấm lên, định ra sân xúc bã pha ấm chè mới, nghe ông Quế hỏi câu ấy, vội quay lại, ngồi ngay xuống chiếc ghế đối diện với ông chú. Cải xác nhận: “Thật đấy, chứ không phải tin đồn đâu, chú ạ! Xã nhà mấy hôm nay cũng đang đo ruộng giao cho xã viên, hả chú?”. Vừa nghe Cải hỏi, ông Quế mặt bỗng tím tái như miếng thịt trâu thiu, nói gắt: “Anh mà cũng vào hùa với chúng nó để phá hợp tác xã, thì thật không thể hiểu nổi”. Cải sợ ông chú tức giận quá dễ phát chứng huyết áp cao, vội đứng dậy đi đến đứng sau lưng ông Quế, định nói mấy câu động viên ông yên tâm, con hơn cha nhà có phúc, lớp trẻ bây giờ có làm điều gì khác các cụ ngày xưa là cũng chỉ muốn biến những mong ước của các cụ thành hiện thực một cách tốt đẹp và mỹ mãn hơn, chứ nỡ lòng nào lại đi phá phách những cái các cụ đã dầy công xây đắp.

Nhưng Cải chưa kịp nói với ông chú điều anh vừa chợt nghĩ, thì bỗng ngoài ngõ có tiếng ào ào, người bảo không phải, đi quá tý nữa, chứ sao nhà bí thư huyện uỷ lại bé thế này, người bảo đúng rồi, ngoài kia họ chả chỉ nhà có cái cổng hai cánh bằng tre đấy ư. Cải bước nhanh ra cửa, nhìn ngớp ra ngoài ngõ xóm. Vợ Cải đã chuẩn bị sang ăn hỏi cô em nên ăn mặc nền nã, quần vải phíp đen, áo vải phin nâu, nghe tiếng người như đang tìm vào nhà mình, vội tất tưởi ra cổng. Giây lát vợ Cải quay vào, đi sau là hai người đàn ông trông có vẻ là lạ, người đi trước tay xách chiếc cặp da màu mận chín, có hai cái khoá bạc trắng lấp loáng ở thành cặp. Vợ Cải dẫn khách vào tới sân, mời các anh vào nhà xơi nước, rồi đi thẳng vào bếp. Dáng chừng sáng nay chị nghĩ cả nhà sang bên ngoại, nên chỉ đun mỗi gáo nước đủ cho chồng pha ấm chè, nào ngờ mới sáng ra đã khách gần chưa ra khách xa đã vào. Từ ngày chồng về làm bí thư huyện, chưa có chủ nhật nào nhà đông khách như chủ nhật này. Vợ Cải dẫn khách vào tới sân thì Cải cũng nhận ra người xách chiếc cặp da màu mận chín là Chu, bác sĩ Chu, trưởng phòng y tế kiêm giám đốc bệnh viện huyện, anh em con chú con bác với Trường, chủ tịch huyện. Còn người đi sau chưa biết là ai, nhưng trông mặt thấy quen quen, hẳn cũng là cán bộ, nhân viên huyện này. Vâng, em là bác sĩ Âng, ở phòng khám đa khoa bệnh viện. Dạ, tên bố mẹ đặt cho. Nhà em ở Tiên Cự. Bí thư mới về huyện mà đã biết xã em rồi ạ.

Sau dăm ba câu thăm hỏi chuyện trò giữa chủ và khách, thỉnh thoảng có lời ông Quế xen ngang ca cẩm về nỗi khám bệnh bây giờ chán mớ đời, tớ có sổ khám và chữa bệnh ưu tiên lão thành cách mạng, nội bốn hẳn hoi, mà ai đời lên bệnh viện huyện khám chúng nó chỉ cho đúng mười viên thuốc cảm áp-spê-rin với hai chục viên bê-một thì bõ bèn gì. Bác sĩ Chu trịnh trọng đặt chiếc cặp da, từ nãy vẫn để trên ghế phía sau lưng, lên bàn, cẩn thận mở khoá, lấy ra cái cặp con bìa cát- tông bên trong đựng toàn giấy tờ, chắc là quan trọng. Vợ Cải cũng đun xong siêu nước, xách lên, nhưng không đổ ngay cạnh bàn khách đang ngồi, mà cẩn thận cầm cái phích ra ngoài hiên, rồi đổ nước từ siêu sang phích. Chị vừa đổ vừa để ý nhìn vào trong nhà, như dõi theo biến đổi trên nét mặt chồng, đang cầm tờ giấy bác sĩ Chu vừa đưa, chăm chú đọc. Không biết là giấy gì, lành hay dữ, nhưng quả là anh cầm tờ giấy đọc với sự biến đổi trên nét mặt không thể che giấu, từ bình thản sang tím tái, rồi nhợt nhạt hẳn đi. Không khí trong nhà ắng lặng. Mới sáng ra mà chim chóc ngoài vườn, mọi hôm chỉ riêng đám chim chích nhặt sâu cũng đủ ríu ran ỏm tỏi, nhưng hôm nay chim chích ngoài vườn không thấy bóng vía con nào, dù là chỉ bay liệng qua sân. Trong nhà ắng lặng đến mươi giây, mới thấy Cải ngẩng lên nhìn Chu và Ang, nói chầm chậm như người hụt hơi:

- Mời hai đồng chí uống nước đi, rồi ở chơi trưa ăn với gia đình bữa cơm.

Chu nhìn Cải, dè dặt nói:

- Xin phép bí thư, em được trình bày cụ thê lịch trình thế này ạ. Bí thư vừa xem, trong giấy có ghi rõ ngày tập trung là đúng hôm nay đấy ạ. Còn lý do giấy về chậm bí thư vừa có ý trách, chúng em xin nhận, nhưng sự thực không chậm đâu ạ. Mãi chiều tối hôm qua em mới nhận được giấy này từ tay, vâng, từ tay… các anh ở trên ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh đấy ạ. Vì bệnh viện huyện được giao nhiệm vụ như một chi nhánh của nội bốn, nên chúng em có nhiệm vụ chấp hành chỉ đạo của ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh, chuyển giấy đến tận tay bí thư và đưa bí thư đến nơi an dưỡng của tỉnh luôn ạ. Xin bí thư tạo điều kiện cho chúng em hoàn thành nhiệm vụ, đưa bí thư đến nơi an dưỡng đúng ngày giờ ghi trong giấy ạ.

Bác sĩ Chu, không biết có nên gọi là bác sĩ Chu nữa, hay gọi rõ ra là Chu ạ, để không lẫn vào đâu được. Chứ bây giờ, cấp dưới mỗi khi chuyện trò với cấp trên không dạ thưa thì cũng vâng ạ mềm mại và thứ bậc hẳn hoi, chẳng phải chuyện chơi đâu. Cải nghe Chu ạ nói câu cuối cũng thấy mủi lòng, đúng là các cậu ấy chỉ là cái anh thừa hành công vụ, mà đã thừa hành công vụ thì không thể dây dưa trì hoãn. Nhưng bây giờ đi ngay thì còn công việc. Cải bảo:

- Anh Chu với anh Ang cứ về trước. Sáng mai tôi đi xe của huyện uỷ ra cũng kịp đầu giờ làm việc buổi sáng, là các anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ chứ gì.

Chu tỏ ra lo lắng với công việc được giao:

- Bí thư thông cảm, chúng em chí là người chấp hành chỉ thị. Lãnh đạo bảo đưa bí thư đi nhà an dưỡng Đồ Sơn ngay hôm nay, chứ không thấy nói để bí thư tự đi xe của huyện uỷ ạ.

Cải không ít hơn hai lần nghe bác sĩ Chu nói lãnh đạo bảo, cấp trên giao, định hỏi lãnh đạo, cấp trên đây là ai, ở đâu, nhưng lại nghĩ đến câu Chu vừa nói như van như nạy, xin bí thư tạo điều kiện cho chúng em hoàn thành nhiệm vụ, thì bảo: - Thôi, tiện xe các cậu đưa mình đi cũng được. Nhưng ở đây ăn cơm trưa xong hẵng đi nhá.

Vợ Cải đã rót xong siêu nước vào phích, xách vào, đi vòng sau lưng chồng đặt lên bàn. Rồi quay ra, ghé tai chồng nói nhỏ, đưa giấy mời đi an dưỡng chứ có phải đưa giấy gọi đến công an đâu mà phải có mặt đúng ngày giờ. Không đi. Anh cứ để cho họ về. Giữ ở lại làm gì, em không phục vụ được đâu, còn phải sang bên ngoại, mười một giờ nhà trai dẫn lễ hỏi sang rồi đấy. Cải chưa nói gì, thì không biết những lời của vợ có bay sang cái tai lúc nào cũng vểnh lên như tai chuột của ông Quế, mà đã nghe ông chú nói, vừa như giục anh cháu họ, vừa như tỵ nạnh với bí thư huyện:

- Ối giời, tớ cũng có thẻ nội bốn do ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh cấp đây, nhưng đã bao giờ được biết cái nơi an dưỡng cán bộ tỉnh ở chỗ nào. Thế mà bỗng dưng chú mày có giấy mời đi an dưỡng mang đến tận nhà, lại không đi thì phí quá. Hay là để tớ đi thay, hả đồng chí bác sĩ Chu. Tớ cũng là cán bộ lão thành cách mạng, cũng có thẻ nội bốn, ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh cấp, chứ tưởng xoàng đấy à!

Bác sĩ Chu chỉ nhìn ông Quế cười cười, chứ không nói gì, vì biết có nói cũng chả lại được với lão đồng chí này. Chu quay ra nói như năn nỉ với Cải:

- Thôi anh ơi, cơm nước làm gì cho bận chị và cháu. Anh cứ đi ngay bây giờ cho chúng em hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao. Xuống dưới đó tắm biển một cái cho mát, rồi anh em mình vào nhà hàng, anh ạ.

Cải là người hay cả nể, nghe Chu năn nỉ thế liền quay ra bảo vợ:

- Em vào chuẩn bị cho anh bộ quần áo, lấy cái quần ka- ki màu mận với cái áo trắng ngắn tay ấy. Ừ, quần đùi áo may ô tối qua anh tắm, phơi ngoài dây kia. Khô hay ướt cũng cứ mang đi, không xuống đấy lấy gì mà thay. Chẳng lẽ cả tháng giời chỉ độc nhất vô nhị một quần đùi, một may ô thôi à!

Cải đã nói rành rẽ là thế, nhưng Nha vẫn lúi húi hết đi vào trong buồng lại đi ra nhà ngoài, tay cầm cái áo cộc tay ngơ ngác. Dường như Nha không còn nhớ chồng vừa nói gì nữa. Sự luống cuống ở vợ không thể qua con mắt của chồng, Cải không giục, cũng không đợi vợ đi lấy, anh tự ra dây phơi ngoài sân rút cái quần đùi, áo may ô, tiện tay cầm luôn cái khăn mặt, cũng không cần biết có đúng là khăn rửa mặt của mình hay của vợ, của con. Cải nhét quần áo vào cái túi xách có dây buộc quai, nguyên là cái túi đeo sau lưng từ ngày anh còn trong quân ngũ, giờ cũng chỉ hơi bàng bạc, nhưng vẫn nhận ra màu vải quân trang. Trước khi ra xe, Cải không quên với lên đầu cột giữa nhà lấy cái túi xách kiểu túi học sinh may bằng loại vải bạt, hay vải ni-lông, cứng cào cạo nhưng để sổ sách, tài liệu treo vào ghi-đông xe đạp lại rất tiện. Cái túi chiều tối qua Cải treo trên ghi-đông xe, đạp từ cơ quan về là treo luôn lên đầu cột. Cải không quên lấy cái túi xách mang đi, không phải vì để ở nhà sợ mất, vợ Cải vốn là người chu đáo, dù túi tài liệu, cái bút máy Trường Sơn, hay chiếc bật lửa hút thuốc lào mà chồng bỏ quên ở nhà, đi cả tháng về, Nha cũng cất cẩn thận. Còn bây giờ, Cải không quên lấy cái túi xách mang đi không phải để ở nhà sợ mất, cái chính là trong túi có tới vài ba cái văn bản đánh máy nghị quyết của ban thường vụ huyện uỷ cho các hợp tác xã giao ruộng khoán đến hộ xã viên, mà gần tuần nay, kể từ hôm Cải đặt bút ký ban hành nghị quyết đến các chi bộ, thì lúc nào trong túi xách của anh cũng có vài ba bản nghị quyết.

Cải tay xách cái túi hai quai kiểu túi học sinh, vai khoác cái túi đeo kiểu ba lô bộ đội lững thững đi ra xe.

Sau Cải mấy bước là hai vị bác sĩ Chu và Ang đi sóng đôi nhau, nhưng lại giữ khoảng cách vừa đủ để nếu Cải có phép tàng hình cũng không thoát được.

Người đi sau cùng là vợ Cải. Nha bước tập tững như người thọt chân, mắt không nhìn đường mà cứ như dán vào tấm lưng cánh phản của chồng, mới tối qua xong, chị vừa nhận ra anh lo nghĩ việc gì lớn lao, hệ trọng lắm, nên chỉ hơn tháng không về mà người trông đã gầy phơi ra từng chiếc xương sườn. Cũng mới tối qua xong, ngay cái lúc niềm khát khao dâng hiến ở Nha đang bùng lên hừng hực, tưởng chỉ tích tắc thôi là sự hưng phấn và niềm đam mê ở người đàn bà đang độ hồi xuân được đền đáp. Vậy mà, vậy mà đúng cái lúc ngọn lửa tình bùng lên hừng hực trong người Nha, thì cũng đồng thời Nha nhận ra cái của quý của chồng mà từ nãy đến giờ vợ đã chắc mẩm là của mình bỗng nhão ra, mềm đi, ỉu xìu xìu trong tay chị. Khi Nha hiểu ra nỗi lo sợ đến làm anh rụt cả vòi lại, chỉ vì một nghị quyết do anh vừa ký có thể bị thu hồi, đồng nghĩa với việc anh bị kỷ luật nặng, thì Nha bỗng thấy niềm khao khát đam mê của mình thật bé nhỏ, tầm thường, nếu đem so với những gì chồng đang đeo đuổi. Chỉ có điều, Nha cũng thấy phân vân là sao cái giấy mời đi an dưỡng mà cũng ngày giờ nghiêm ngặt quá thể, đến nỗi chỉ lùi lại một đêm sáng mai đi, thậm chí một buổi trưa nay thôi, để anh ấy sang bên ngoại ăn hỏi cô em vợ xong là chiều đi ngay, cũng không được. Nha càng nghĩ, càng thấy phân vân, càng phân vân lại càng khó hiểu, càng khó hiểu lại càng thấy buồn. Đi tiễn chồng mấy bước ra xe mà Nha thấy bã cả người, như phải đi bộ hàng mấy chục cây số. Khi chồng lên xe đi rồi, Nha quay về tưởng chừng như không thể đi được nữa. Tới đầu ngõ vào cổng nhà mình, chị phải ngồi xuống nghỉ chân. Khi ngồi xuống nghỉ chân, Nha bất chợt nhìn thấy con bói cá đậu từ chỗ nào đó trên cây sung đầu ao chúi đầu đâm vụt xuống nước, mổ trúng con cá mại cờ cắp lượn nửa vòng mặt ao, rồi vụt bay đi mất.

Trong khi đó, chiếc ô tô có biểu tượng chữ thập đỏ của bệnh viện huyện chở Cải đi an dưỡng ngoài Đổ Sơn, có hai vị bác sĩ Chu và Ang, biết gọi họ là gì nhỉ, áp giải, dẫn đường, hay đi cùng, đều chưa chính xác, thôi tuỳ người đọc đáng kính, muốn phong cho hai vị bác sĩ kia mỹ từ nào là tuỳ. Chỉ biết, khi xe chạy qua ngã ba huyện lỵ, Cải vẫn quen tác phong thân mật, suồng sã với lái xe cơ quan, quay sang bảo lái xe tạt vào huyện uỷ hay uỷ ban cho mình nói với bác Thìn hay anh Trường mấy việc của tuần tới đã nhá. Nhưng Chu gạt đi, ông Thìn chủ nhật nào chẳng về nhà, còn anh Trường tối hôm qua… Suýt nữa thì Chu nói, anh Trường tối hôm qua giao nhiệm vụ cho em hôm nay phải đón bằng được anh ra Đồ Sơn xong, bảo sáng nay lên tỉnh có việc gì gấp ấy mà. Nhưng Chu kịp nói chữa, chiều tối qua đánh bóng bàn xong, thấy anh ấy bảo sáng nay ra thành phố có việc gì ấy. Nghe Chu nói thế, cậu lái xe không cần nửa lời hỏi Cải, bởi anh dẫu sao cũng chỉ là người đi nhờ xe, chứ không phải chủ xe, chủ xe là bác sĩ Chu cơ. Nghe Chu nói, cậu lái xe cứ thế vút xe thẳng lên phía quốc lộ mười. Lúc gần tới cầu Ghẽ, Cải quay lại phía sau nói với Chu, lần này không nói với lái xe, vì cũng biết thân biết phận kẻ đi nhờ, có nói lái xe chắc gì để tai. Cải quay lại phía sau nói với Chu, gần tới cầu dừng xe cho mình vào qua nhà cậu Thơi tý nhá. Nhà Thơi ở ngay mé đường, dừng xe, ới nửa câu trong nhà đã nghe thấy. Lái xe cũng biết nhà Thơi, nên có ý lưỡng lự chờ trưởng phòng Chu bảo dừng là dừng. Nhưng Chu lại không bảo gì lái xe, mà nói với lên ghế trên chỗ Cải ngồi, giọng có phần mềm và rõ hơn ban nãy, anh Thơi sáng nay cũng đi với anh Trường, thấy bảo đi thăm cụ nào trên tỉnh, anh ạ. Sau tiếng ạ của Chu là sự ắng lặng đến buồn tẻ trên xe. Sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế nhỉ? Hai người Cải cần gặp trước lúc đi an dưỡng một tháng trời, lại đều là hai người sáng nay cùng đi thăm cụ nào trên tỉnh với nhau. Mà cụ nào nhí? Trong số thường vụ tỉnh uỷ anh em bên dưới hay gọi bằng cụ chỉ có ông Quang, bí thư, ông Xúng, phó bí thư thường trực, một người bảy mốt, một người sáu chín; còn ông Tháo, tiếng là cũng ngấp nghé bảy mươi ngang tuổi ông Xứng, nhưng chỉ là uỷ viên thường vụ phụ trách tuyên huấn, nên cũng ít được vị nể. Vậy là ai, ai yếu đau mà cả phó bí thư kiêm chủ tịch huyện cùng chánh văn phòng huyện uỷ đi thăm? Ông Quang chắc là không phải, vì còn ở Liên Xô chưa về. Chỉ còn ông Xứng. Ông Xứng mới sáng qua Cải lên báo cáo về khoán quản còn bị ông đe, nếu không thu hồi nghị quyết về ngay là kỷ luật cậu nặng đấy! Chẳng lẽ đã ốm ngay lập tức được, ừ, biết đâu đấy, cái tuổi ngấp nghến bảy mươi cũng không thể nói mạnh. Hơn nữa, cụ này lại ham hố đủ thứ, quyền lực, của cải, con cái. Nghe nói riêng con cái cụ có thể được xếp vào tốp dẫn đầu tỉnh, gái trai, lớn bé tất cả đâu những chín đứa. Ngay cả cái khoản kia cụ cũng chẳng kém ai, dẫu đã ngấp nghến bảy mươi nhưng vẫn còn máu lắm. Dạo Cải còn ở ban kinh tế tính, thỉnh thoảng sang văn phòng xin gặp phó bí thư trực, mấy đứa con gái cứ đun đẩy nhau, không đứa nào chịu lên hỏi xem cụ có tiếp khách được không. Hỏi mãi, chúng mới bảo, anh nam giới lên thì dễ, chứ chúng em là nữ lên gặp ngại lắm, chào bằng bác, nói năng cũng thưa bác, vậy mà cụ không nghe, cứ bắt các em chào anh bằng anh cho thâm mật, bác bác, ông ông nghe phong kiến bỏ mẹ, thì anh bảo, đến bố chúng em cũng chả dám gọi cụ bằng anh. Nghe tức cười đến chết mà không lỡ cười, vì cũng còn giữ thể diện cho cụ trước đám nhân viên kia nữa. Nhưng dẫu tuổi già lúc khoẻ lúc yếu là lẽ thường, cụ Xứng mới ốm thật đi chăng nữa, thì sao Trường không bảo chánh, phó văn phòng bên uỷ ban đi cho tiện, lại kéo chánh văn phòng huyện uỷ đi. Lại thêm một việc Cải không thể hiểu thực hư ra sao, cũng như mới ban nãy ở nhà, khi ngồi xem cái giấy mời đi an dưỡng, mà da mặt Cải cứ dần tím tái, đến không còn tin ở mắt mình khi đọc những dòng ghi trên tờ giấy in sẵn, viết tay, có con dấu và chữ ký của trưởng ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh. Nhưng ý thức của một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo, dù là cấp huyện, như thầm khuyên Cải cứ nghiêm chỉnh chấp hành rồi đâu có đó, ở hiền thì lại gặp lành, cớ sao phải lo.

Cải không lo. Không hề mảy may gợn mối lo. Lo thì anh đã chả ung dung ra xe, tự tay mở cánh cửa xe phía trên, leo lên ngồi vào chiếc ghế vẫn dành cho thủ trưởng mỗi khi đi công tác. Cái quy định ấy không thấy ghi trong văn bản nào, nhưng mặc nhiên ở cơ quan, đơn vị nào cũng thế, chiếc ghế phía trước, bên cạnh người lái, là ghế dành cho thủ trưởng, hoặc người có quyền hành nhất trên xe. Một quy định bất thành văn, nhưng lại có hiệu lực còn bằng mấy nghị định, sắc lệnh của chính phủ. Cậu lái xe bệnh viện nhìn thấy Cải đưa tay cầm núm đấm cửa xe, định bảo, anh lại ghế sau, nhưng lại thấy bác sĩ Chu, thủ trưởng trực tiếp của anh ta, đang mở cửa xe sau leo lên, thì thầm hiểu, chính cái ông đi nhờ xe đây mới là người có quyền sinh quyền sát hàng nghìn cán bộ, nhân viên huyện này, và dĩ nhiên không loại trừ mình. Vậy là anh lái xe lặng lẽ nhấn ga. Chiếc xe bấm còi, nháy đèn xanh đỏ inh ỏi, làm mọi người đi đường, dù là xuôi hay ngược chiều xe chạy, đều dạt cả ra hai bên. Xe hồng thập tự, có đèn xanh đỏ hẳn hoi mà không dạt cả ra hai bên thì hoạ có là người điên. Chiếc xe đưa Cải đi an dưỡng tiêu chuẩn nội bốn, có giấy mời của ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh hẳn hoi, mà chẳng khác nào xe chở bệnh nhân cấp cứu, cũng có thầy thuốc, những hai bác sĩ chứ không phải y tá, y sĩ gì đâu, áp tải trên xe đưa đến tận nơi, còn hơn cả bệnh nhân ưu tiên đặc biệt. Hay Cải cũng là bệnh nhân ưu tiên đặc biệt, cấp cứu chữa chạy kịp thời một căn bệnh đặc biệt.

Chưa biết thế nào, phải chờ vào an dưỡng Đồ Sơn mới biết.

Nhưng giờ xe còn đi trên đường. Đèn xe nhấp nháy. Còi xe gắt gỏng. Người đi đường chỉ nghe tiếng còi, thấy tín hiệu đèn cấp cứu cũng không ai bảo ai, lặng lẽ nhường đường cho xe cấp cứu vượt qua, như một động thái nho nhỏ giúp cứu người bị nạn. Mà cứu người bị nạn thì không ai nề hà, không ai đắn đo. Vậy là chiếc xe có biểu tượng chữ thập đỏ cứ thế lao đi trên con đường nhựa, dẫu không lấy gì làm tốt, cũng không phải là quá xấu.

Đồng tháng sáu nắng như đổ lửa, dẫu lúc này mới vào khoảng chín, mười giờ sáng. Nắng như đổ lửa, nhưng đồng vẫn lố nhố từng đám người cày, cuốc, đắp bờ, tát nước, bằng gầu giai, gầu sòng. Những ruộng mạ lên xanh đầy như mâm sôi. Cứ nhìn màu mạ cũng thấy báo hiệu một vụ lúa tốt tươi, chẳng thế người xưa bảo “có tốt mạ, mới tốt lúa”. Mạ vụ này nhiều nơi không “đồng khởi” ra mộng một ngày như mọi năm, vì ruộng giao đến từng hộ rồi, cấy lúa gì có năng suất, cấy vào bao giờ thì chắc ăn, nông dân người ta thuộc vanh vách cả. Có điều, lâu nay hợp tác xã đẩy xã viên vào con đường thụ động, tước đi của họ cái quyền được định đoạt cách thức canh tác trên mảnh đất cha ông để lại, nên họ cứ trông chờ, ỷ lại vào tập thể, chứ cứ để họ tự làm, tự lo xem, chỉ một vài vụ là đất đai trở lại màu mỡ, ruộng đồng lại tốt tươi ngay. Bởi suy cho cùng, với người nông dân không sức hấp dẫn nào bằng đất đai, không tự do nào bằng tự do vùng vẫy trên sào ruộng do mình làm chủ, không quyền lợi nào bằng quyền lợi có đất đai cày cấy, gieo trồng, mang lại kết quả bằng chính hạt thóc, củ khoai do mình đổ mồ hôi, nước mắt mà có.

Chiếc xe của bệnh viện huyện chở Cải đi an dưỡng rời quốc lộ mười, rẽ xuống Ninh Hải, xuôi đường mười bốn ra Đồ Sơn. Xe chạy khá êm. Cải có cảm giác chiếc xe chỉ hơi lắc lư như đưa võng, làm những ý nghĩ của anh chẳng những không bị đứt quãng, mà còn mỗi lúc một dầy thêm. Cậu lái xe, và cả Chu, Ang nữa, thấy Cải chăm chăm nhìn ra ngoài xe như cũng phần nào hiểu tâm trạng của anh. Nhất là bác sĩ Chu, người tối qua được chủ tịch Trường đích thân gọi điện thoại bảo, chú lên phòng anh ngay, anh có một việc chỉ giao cho chú làm anh mới yên tâm. Và bây giờ, nếu Trường biết Chu chỉ còn nửa giờ xe chạy nữa là hoàn thành nhiệm vụ Trường giao, đưa Cải tới nơi an dưỡng Đồ Sơn, chắc hẳn Trường yên tâm lắm lắm.

Bữa cơm tối ở nhà ông Mải xong đã lâu, mâm bát được bà cụ và cô con gái cất dọn từ bao giờ. Chỉ còn mỗi chiếc chiếu trải ngay lối cửa trong nhà bước ra, bà định guộn thì ông huơ tay bảo, cứ để đấy ngồi, vào trong nhà gió máy không có, nóng chết. Ông ngồi một góc chiếu, dáng hơi khom khom, lưng cúi xuống như nhìn ngắm cái gì trên cái điếu bát để trước mặt. Trông ông quắc thước, da dẻ hồng hào, có xương có thịt hơn cái dạo bão lốc xong khoác áo mưa lên huyện uỷ, bị Trường xua như xua gà. Con người ta kể cũng lạ, lo lắng, buồn phiền hay thanh thản, sướng vui không mấy ai không hiện ra trên nét mặt, trong cái nhìn, qua cử chỉ nói năng, đi đứng. Ông Mải ngồi, một chân như xếp bằng, một chân khuỳnh lên, cả hai bên ống quần nâu dài đều kéo đến đầu gối. Tính ông thế, dẫu nóng đến chết cũng không mặc quần đùi, cứ quần dài mặc thay đổi, khi cái quần bạc màu, lúc cái quần rung rúc một, hai miếng lật ở đầu gối, ở mông. Còn áo thì có đi đâu, chứ ở nhà mùa nóng chẳng mấy khi ông mặc. Như lúc này, ông ngồi cởi trần, quần xắn đến đầu gối, dáng thật thảnh thơi, thong thả chọc chọc cái thông điếu vào nõ, rồi chậm rãi vê vê mồi thuốc lào đặt vào nõ điếu. Bà xách ấm nước vối dưới bếp lên, định đế trên hiên nhà, nhưng ông quay lại bảo:

- Bà cứ để ấm nước xuống đây, rồi vào cái bàn trong nhà cầm ra cho tôi mượn mấy cái bát vẫn uống nước.

Bà vợ thấy hơi khác mọi tối, ông chồng có ngồi đến đêm cũng chỉ một cái bát ông vẫn uống, và một cái bà hoặc đứa nào uống nữa thì tuỳ, chứ sao lại cầm những mấy cái bát uống nước. Bà vội hỏi:

- Tối nay họp hành gì ở đây, hả ông?

- Họp gì đâu. Mà sao bà hỏi kỹ thế. Tôi bảo lấy mấy cái bát thì bà cứ lấy. Nghe giọng ông như có nỗi niềm uẩn khúc trong lòng. Bà không nói gì nữa, vào cái bàn trong nhà bê cả cái khay gỗ có đàn bát chuyên để mùa nóng nực uống nước vối ủ lá chi chi, ra đặt vào giữa cái chiếu trải ngoài sân cho ông.

Nhưng đúng là ông Mải đang có nỗi niềm uẩn khúc trong lòng. Như mọi khi, ông Mải có thể ra thẳng nhà bí thư Sa ngoài Phương La hỏi xem thực hư ra sao. Nhưng ông Sa, từ ngày mổ dạ dầy tưởng chết, không điều hành công việc đảng uỷ nữa, giao cả lại cho Thuật, quyền bí thư kiêm chủ tịch uỷ ban xã. Mà Thuật với ông Mải như mặt giăng mặt giời, chẳng đời nào ông lại chịu cái nước lép, dẫn thân đến tận nhà Thuật, vả lại, Thuật bây giờ có còn ra Thuật, quyền bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch xã nữa đâu mà hỏi.

Phải rồi, Thuật bây giờ có còn ra Thuật nữa đâu, hay ít ra cũng gần như thế.


/16

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status