Mùa Đông năm ấy khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Tuyết phủ trắng vạn vật và cái lạnh cắt da đã giết chết không ít kẻ cơ hàn. Tuy nhiên tình hình võ lâm lại nóng bóng như dầu sôi, chiến tranh giữa hai phe chính tà có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sau trận Độc Nha sơn, sáu phái Bạch đạo đã hiểu rõ dã tâm của Nam - Bắc Thiên Tôn và Âu Dương Mẫn nên không còn thụ động nữa. Họ âm thầm chuẩn bị lực lượng, chờ ngày giáng ma.
Nhưng hiện tại đối phương chưa có động tĩnh gì, có lẽ đang củng cố lực lượng. Rừng không hai cọp, Song Tôn và Âu Dương Mẫn đều muốn tiêu diệt nhau.
Sang Xuân, Hội đồng Võ lâm đã thắng một nước cờ khi Giáo chủ Thiên Sư giáo Huyền Thiên chân nhân Trương Sách dùng uy tính của mình làm cho Minh Đế nghi ngờ Bắc Thiên Tôn. Thế là từ nay triều đình đứng ngoài cuộc phong ba, chẳng hậu thuẫn cho bất cứ ai nữa.
Song Tôn không hề nản chí, nhập hai bang Chiết Mai, Bích Huyết thành Nam Bắc bang, hùng cứ núi Linh Sơn, trọng địa của Chiết Mai bang. Linh Sơn thuộc huyện Dương Bình, nằm ờ cực Tây Hà Nam, gần ranh giới Thiểm Tây và cũng không xa Sơn Tây. Quả là một vị trí vô cùng thuận lợi.
Nam Bắc bang có hai đồng bang là nhị vị Thiên Tôn. Dương Tố Vy, Lã Bất Thành giữ chức hộ bang Tả Hữu Sứ. Ngoài ra, Song Tôn còn mời thêm vài đại cao thủ đến làm Khách Khanh hộ pháp.
Phần Âu Dương Mẫn thì được sự đỡ đầu của Xoa Lạp cốc nên không thiếu nhân thủ và lại toàn là những tay thiện chiến, giỏi nghề kiếm thuẫn.
Đại khái, cục diện võ lâm hiện là như thế. Song điều mà giới giang hồ quan tâm nhất lại là cuộc so tài giữa Cầu Nhiêm đại hiệp Hàn Thiếu Lăng với Thiếu chủ Xoa Lạp cốc Nhạc Cuồng Loạn vào sáng ngày rằm tháng hai tới.
Sau khi giải cứu Hội đồng Võ lâm và mấy trăm cao thủ võ lâm thoát khỏi Độc Nha sơn, trước sự hiện diện của nửa vạn hào kiệt tứ hải, thanh danh Hàn Thiếu Lăng rực rỡ như mặt trời chính ngọ. Nhờ chàng ta phá ải, đưa viện binh vào mà bọn tà ma phải tháo chạy.
Nhưng đến đầu tháng giêng, khi tuyết đã tan hết, một cuộc thăm dò quanh vực thẳm Độc Nha sơn được Thiếu Lâm và Cái bang được tiến hành một cách âm thầm. Tuy thế, tin tức về việc ấy cũng bị rò rỉ ra ngoài, khiến võ lâm bàng hoàng, thương xót. Té ra, Cầu Nhiêm đại hiệp đã thất tung khi đuổi theo Quân Sơn chân nhân Đường Mai Giãn. Trước đó Hội đồng Võ lâm đã cho núi Quân Sơn trong Động Đình hồ thì không có Đường lão. Họ phỏng đoán rằng hai người ấy có thể đã giao đấu trên con đường xuyên vực và cùng rơi xuống đấy.
Nhưng lạ thay, dưới vực chỉ có thi thể của Đường Mai Giãn và Trịnh Bá Nghiêm, Bang chủ Bích Huyết bang. Vậy là vẫn còn hy vọng, mấy chục vạn đệ tử Cái bang ở địa phương lập tức nhận được lệnh truy tìm tung tích của vị Cầu Nhiêm đại hiệp.
Song sau đó, vào đầu tháng hai, phái Thiếu Lâm vẫn tiến hành xây dựng lôi đài dưới chân núi, chuẩn bị cho cuộc phó ước của Hàn Thiếu Lăng và Nhạc Cuồng Loạn. Nếu họ Hàn còn sống tất đến phó hội. Bằng như chàng không xuất hiện tức là đã chết và tang lễ sẽ được cử hành long trọng nhất lịch sử võ lâm.
Tại sao Hội đồng Võ lâm lại vội vã như thế mà không chờ thêm một thời gian nữa? Lý do chính vì nghĩa phụ của chàng, Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh đã bùi ngùi khẳng định rằng tướng tinh của Tử Khuê đã tắt. Ông là bậc kỳ nhân cái thế tinh thông thiên văn địa lý và bói toán, chẳng thể sai được. Không chỉ riêng mình Trần lão mà bất cứ ai biết một chút về môn Chiêm Tinh thì cũng có thể nhận ra sao Khuê đã mờ trên bầu trời đêm.
Cũng có những người không tin vào lời Trung Thiên Tôn, đó là đám nữ nhân thân quyến của Quách Tử Khuê. Đàn bà vốn ngoan cố và khó dạy. Họ cho rằng Tử Khuê là bằng hữu với Lỗ phán quan, một chức sắc cao cấp chốn Âm ty, thì không thể chết non được.
Sau khi nghe Thiết Đảm Hồng Nhan kể về sự xuất hiện bất ngờ, éo le của ả Trác Thanh Chân khỉ gió nào đó, Kỹ nương cùng hai con dâu cũng đoán rằng đã tìm ả nọ để lấy lại “Diêm Vương quỷ kỳ”. Ả ta không đến Quách gia trang như đã hẹn.
Quách gia trang lập đàn cúng tế, mời gọi Lỗ phán quan hiển linh để họ hỏi han tin tức của Tử Khuê. Song chẳng hiểu sao cái lão chết tiệt ấy chẳng hề xuất hiện. Các bà liền ngấm ngầm nguyền rủa thóa mạ Lỗ Trực, kẻ đã xúi giục Tử Khuê đi Lạc Dương để rồi mất tích. Tuy nhiên, chẳng ai dám chửi thành tiếng.
Giờ đây chúng ta quay lại với chàng trai đen đủi Quách Tử Khuê, xem diễn biến thế nào? Đàn bà bao giờ cũng hữu lý, khi một kẻ có ô dù là quan to chốn Âm ty thì chẳng thể chết non được. Trần gian như thế tất Địa phủ cũng chẳng khác.
Nhưng nếu như thoát chết một cách dễ dàng, đơn giản thì Tử Khuê nào phải kẻ mang phần số đen đủi, hắc ám. Bởi vậy, khi tỉnh lại, chàng ta phát hiện mình đang bị giam cầm ở trong một nhà lao kỳ quái.
Tử Khuê nằm ngửa trên sàn đá lạnh, ngơ ngác nhìn quanh, tưởng đã đến ngục A Tỳ, chờ Diêm Vương phán xử những việc mình làm trên trần thế.
Nhưng ánh dương quang nhàn nhạt và vài bông tuyết nhỏ đang len lỏi qua những ô cửa trên đầu tường thạch thất đã khiến chàng ngờ ngợ ra đây chẳng phải là cõi Âm.
Tử Khuê ngồi bật dậy, đưa tay lên ngực trái, lòng vui mừng khôn xiết khi nghe trái tim vẫn còn thổn thức những nhịp đập đều đặn. Đồng thời chàng cũng ngộ thức được mình hoàn toàn lõa thể, thân không mảnh vải.
Song điều ấy chẳng có nghĩa lý gì trước niềm hạnh phúc của kẻ vừa trở về từ “Quỷ Môn Quan”. Tử Khuê hân hoan xếp bằng vận khí điều tức. Gương mặt chàng mất dần vẻ rạng rỡ vì chân khí đã hoàn toàn thất tán, kinh mạch bế tắc nhiều chỗ.
Sau vài khắc hoài công, Tử Khuê thở dài chấp nhận hoàn cảnh. Chàng tự nhủ rằng chỉ cần sống sót về nhà là có cách chữa trị. Quyển “Huyền Hư Y Cảo” của sư thúc chàng, có đủ những dược phương thần diệu để phục hồi chân nguyên cho kẻ vừa bị trọng thương.
Sau đó, Tử Khuê bình tâm quan sát cái nhà tù kỳ dị này và tự hỏi ai đã đưa mình đến đây? Nếu là Lỗ phán quan thì sao không đưa chàng về thẳng nơi dưỡng thương gần nhất là Thiếu Lâm tự. Vậy phải chăng người xuống vực thẳm cứu chàng thuộc phe địch? Phe nhà sẽ không để bệnh nhân trần truồng trong một tòa nhà bằng đá lạnh tanh như thế này.
Dòng suy tưởng mênh mang đã bị cắt đứt khi ánh mắt Tử Khuê thâu tóm toàn bộ cảnh vật. Chàng đã ngờ ngợ ra lối kiến trúc kỳ lạ này.
Năm xưa, ân sư chàng, Vu Mộc chân nhân đã từng nói về những nỗ lực của nền y học Trung Hoa trong việc điều trị bệnh điên.
Bệnh điên tức thị bệnh phong, đứng đầu trong nan y tứ chứng: phong, lao, cỗ, lại. Người đời sau dễ gây nhầm lẫn khi dùng chữ “phong” để chỉ bệnh cùi hũi. Thật ra, “lại” mới chính là tên chính xác của bệnh cùi.
Trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh tiên sinh không hề có chữ “phong” nào mang ý nghĩa chỉ thị là bệnh cùi cả. Và ở mục chữ “lại”, tiên sinh giải thích rõ từ này chỉ bệnh phong cùi, bệnh hủi. Vì vậy, phải chăng người Giao Châu đã đọc trái chữ “phung” thành “phong” và chữ này hoàn toàn thuần Việt?
Chúng ta hãy trở lại căn thạch thất hình bát giác đang giam hãm Quách Tử Khuê. Nó rất giống với những lời mô tả của Vu Mộc chân nhân về một căn phòng trị bệnh điên. Trước mỗi vách của tòa nhà tám cạnh này đều có những tảng đá hình khối chữ nhật chôn dựng đứng. Dựa vào màu sắc, Tử Khuê có thể nhận ra chúng là đá nam châm.
Hấp lực với sắt thép của từ thạch là điều thần bí, kỳ diệu mà người Trung Hoa cổ tôn sùng. Ngoài việc dùng từ thạch để chế tạo ra kim chỉ Nam, họ còn hy vọng đặc tính kỳ lạ của đá nam châm sẽ chữa trị được bệnh điên cuồng.
Các thầy lang đã thiết lập những căn phòng có vách chất đầy những thanh từ thạch và nhốt bệnh nhân vào trong ấy. Họ mong rằng những hấp lực của đá nam châm sẽ điều chỉnh những lệch lạc trong cơ thể kẻ điên. Và là cháu chắt của Phục Hy, Văn Vương các thầy thuốc Trung Hoa đã phối hợp với nguyên lý Bát Quái. Cho nên các phòng các từ thạch đều mang hình bát giác tám cạnh.
Có thể phương pháp trị bệnh điên độc đáo ấy đã du nhập vào Trung Hoa từ Ba Tư theo con đường tơ lụa. Người ta nói người Ba Tư và người Địa Trung Hải cũng sử dụng cách điều trị này từ thời rất xa xưa.
Để khẳng định điều mình phỏng đoán, Tử Khuê đến xem xét một tảng đá ở gần nhất. Chàng mỉm cười méo mó khi tìm thấy một chiếc đinh rỉ sét đang bám chặt trên đấy.
Tử Khuê chán nản lẩm bẩm :
- Mình có điên đâu mà họ nhốt vào đây cơ chứ?
Chàng thẫn thờ nhìn lên nóc tòa thạch thất, nhận ra mái nhà làm bằng lớp lá dầy cộm, gắn chặt với tám thanh vì kèo vững chắc.
Trên mỗi bức tường, cách mặt đất chừng độ hai trượng, người ta trổ những hàng ô thông sáng vuông vức, cạnh chỉ độ gang tay. Nghĩa là Tử Khuê có phục hồi đầy đủ sức lực, nhảy lên tới chỗ ấy thì cũng vô phương thoát được.
Tử Khuê thở dài, lững thững dạo quanh căn phòng có đường kính ba trượng nọ. Chàng vui mừng vì lần lượt phát hiện ra những tiện nghi tối thiểu.
Ở một cạnh hơi tối tăm bởi không nhằm hướng nắng tỏa đến, Tử Khuê tìm thấy một bể nước nhỏ và một hồ xí. Bể nước thông với bên ngoài bằng một lỗ hẹp nhỏ ở đấy, tất nhiên chàng không thể chui lọt. Hồ xí thì khỏi bàn tới.
Cảm thấy khát, Tử Khuê cầm chiếc gáo gỗ trên thành bể múc nước mà uống vài ngụm. Nước lạnh đến ê răng vì đang là mùa Đông và có tuyết rơi.
Đi thêm vài bước, Tử Khuê phát hiện những mảnh vải rách nằm lây lất, có lẽ chúng là của cái gã bệnh nhân gã ở đây trước chàng?
Tử Khuê trố mắt kinh ngạc khi nhìn thấy quyển “Lôi Đình bí phổ” đang nằm trong mớ giẻ rách kia. Chàng hoan hỉ nhặt lên, thắc mắc hỏi vì sao kẻ thù không tịch thu bảo vật liên thành này? Chợt nhớ đến “Tỵ Lôi thần châu”, chàng liền xem xét bắp đùi mình thì thấy nó vẫn còn. Đang lúc tâm tư rối tự to vò, Tử Khuê chợt nghe tiếng người gọi văng vẳng :
- Nhị công tử! Tiểu tỳ đã mang cơm chiều đến.
Chàng ngỡ ngàng tiến về phía ấy, nhận ra rằng phía sau tảng từ thạch tối tăm nhất có cửa thông ra ngoài. Nếu giờ là buổi hoàng hôn thì hướng này thuộc hướng nam.
Các tảng từ thạch đều cao hơn đầu người, dầy độ hai gang và rộng gần sải tay. Chúng được chôn trước các bức vách đá và không sát, cách ba bước chân. Do khung cửa nhỏ hơn một chút, lại ở nơi thiếu ánh sáng nên nếu không đến gần, Tử Khuê sẽ khó nhận ra.
Lúc này, chàng thấp thỏm bước qua khung cửa, đi hết đoạn đường hầm chật hẹp dài độ gần mười trượng, gặp một cánh cửa gỗ dày, đai thép cực kỳ rắn chắc. Cửa vẫn đóng kín mít và mâm cơm được đưa qua một khe chữ nhật trổ trên phần dưới cánh. Tử Khuê còn nghe được tiếng dặn dò vọng lại, trong lúc ả tiểu tỳ quay gót :
- Nếu công tử không chịu uống thuốc giống như hôm qua, thì đừng mong thoát khỏi cảnh giam cầm.
Tử Khuê nhìn mâm cơm, thấy có một bát sứ Giang Tây rất đẹp, miệng hình lục giác. Mùi thơm và hơi nước nóng hổi phát ra từ khe nắp đậy. Chàng ngồi xuống, tò mò mở nắp bát thuốc và nếm thử.
Sau khi tiếp nhận quyển “Huyền Hư Y Cảo” của Cửu Hoa chân nhân, mẫu thân chàng trở nên say mê nghề thuốc. Bà đã lập ra cả một dược phòng trong trang với đầy đủ dược vị. Tử Khuê thường giúp mẹ trong việc bào chế nên thông thuộc nhiều loại thảo dược.
Giờ đây, chàng không khó khăn nhận ra mùi của những loại thuốc quý như: Sâm, hà thủ ô, tam thất, đỗ trọng, bá kinh thiên... Chúng rất tốt cho việc khôi phục nguyên khí, nên Tử Khuê khoan khoái uống cạn ngay.
Bỗng chàng sững sờ vì một ý niệm hãi hùng. Đó là việc ngày hôm qua vẫn còn một gã nhị công tử điên khùng chết tiệt nào đó đã hiện diện chốn này.
Và chàng sẽ phải trả lời thế nào với gia chủ về việc gã ta thì biến mất, còn mình thì có mặt?
Lúc uống nước, Tử Khuê đã soi mặt vào gáo gỗ, biết rằng khuôn mặt mình không hề thay đổi. Nghĩa là chẳng có việc Lỗ phán quan đưa hồn chàng nhập vào xác khác. Càng nghĩ càng bế tắc. Tử Khuê thở dài phó mặc, bưng cơm vào trong và chén sạch sẽ, chàng đang đói đến rã ruột.
Đêm xuống, ngoài trời gió Đông rít vù vù, tuyết lọt qua những hàng lỗ thôn hơi phía bắc. Nhưng lạ thay, Tử Khuê lại thấy ấm hơn lúc chiều, có lẽ nhờ bát thuốc quý kia. Chàng thao thức mãi không ngủ được vì hoang mang và thương nhớ người thân. Bỗng Tử Khuê nghe ở hướng nam có tiếng người trò chuyện nho nhỏ. Dường như gã gác cửa đang tâm sự với tình nhân, là ả nữ tỳ mang cơm đến lúc chiều.
Tử Khuê muốn biết thêm thông tin về hoàn cảnh hiện tại của mình, nên nhẹ nhàng lần đến đấy, ngồi nghe ngóng. Quả nhiên, câu chuyện của đôi tình nhân nọ có đề cập đến chàng, tức gã nhị công tử điên loạn.
Sau vài đêm, Tử Khuê đã loáng thoáng biết được nạn nhân đã phát điên năm mười hai tuổi, được đưa vào Từ thạch đã tám năm. Và may sao, sau nhiều năm dài hoài công chờ đợi, cách đây ít ngày, nhị công tử không còn múa may, đập phá hay chửi rủa, la hét nữa. Gã bắt đầu ăn uống đều đặn và còn thò tay cho phụ thân mình chẩn mạch.
Tiêu trang chủ cũng là thầy thuốc của con mình. Ông nhận ra quý tử Tiêu Mẫn Hiên sắp khỏi bệnh. Nhưng ông không dám thả gã ra ngay vì Mẫn Hiên có thể bất ngờ chạy trốn. Gã khùng ấy thông minh tuyệt thế, căn cơ võ học thuộc hàng thượng phẩm. Năm mười hai tuổi, gã học hết nghề của cha và chạy nhanh như sóc. Kiếm quyền có thể quên nhưng khinh công thì không.
Hơn nữa, trong suốt mấy năm qua, Tiêu trang chủ đã bồi bổ cho con trai bằng trăm thứ thuốc quý nên sức lực Mẫn Hiên rất dồi dào. Thỉnh thoảng Trang chủ cho y nhịn đói vài bữa rồi mới đưa cơm canh tới cho thuốc vào thế là y nuốt sạch.
Trong đợt cuối năm này, Tiêu trang chủ đã sử dụng đến thảo dược ngàn năm và những vị thanh tâm, chia ra uống trong vòng một tháng. Đến rằm tháng mười một tới, nếu bệnh của Mẫn Hiên khả quan hơn thì được mang ra ngoài điều trị tiếp.
Những thông tin nọ đã giúp Tử Khuê bình tâm. Sau tám năm không gặp mặt, chắc hẳn họ Tiêu chẳng thể nhận ra sự khác biệt giữa chàng và Mẫn Hiên.
Vả lại, trong Từ Thạch ốc nào có ai khác ngoài chàng! Họ bắt buộc phải tin chàng là con trai họ. Sau khi được tự do, Tử Khuê sẽ tìm cách trốn về Hứa Xương.
Để đề phòng bất trắc, Tử Khuê đã học thuộc lòng “Lôi Đình bí phổ” rồi xé vụng, mỗi ngày một ít, thả vào hồ xí.
Những chén thuốc quý của Tiêu gia trang đã giúp Tử Khuê dần dần tụ tập được chân khí, đả thông vài kinh mạch bị bế tắc. Vì rảnh rỗi và cũng vì cuộc phó ước với Nhạc Cuồng Loạn vào ngày rằm tháng hai sắp tới, Tử Khuê đã tham luyện võ công của Lôi Đình thần cung. Chẳng cần tinh thông, chàng chỉ cần nắm vững từng chiêu thức để dễ dàng đối phó. Vu Mộc chân nhân là tôn sư trong nghề phá giải võ học người khác, nên Tử Khuê không hề gặp khó khăn khi tìm cách khắc chế võ học Lôi Đình.
Lạ thay, phần khinh công trong bí phổ lại có đến hai pho gồm “Lôi Đình thân pháp” và “Tiên Nữ Tùy Phong”. Tử Khuê theo khẩu quyết của pho thứ hai mà luyện thử thì phát hiện nó cực kỳ thần diệu và cũng chính là tuyệt kỹ mà Trác Thanh Chân đã thi thố.
Chàng phỏng đoán đấy là sở học Hoành Sơn Tiên Nữ, vợ bé Lôi Đình Thần Đế Quân. Hoành Sơn là một ngọn núi nhỏ vùng Tây Bắc Thiểm Tây, gần ranh giới Nội Mông.
Tử Khuê ngẩn người tự hỏi :
- Phải chăng Trác Thanh Chân chính là di nữ của Lôi Đình Đế Quân và Hoành Sơn Tiên Nữ nên mới sở hữu thủ lục võ công của cả hai? Một cung nữ bình thường thì làm sao có được quyển bí kíp trị giá liên thành này?
Khi hồi tưởng lại câu nói của ả họ Trác, chàng càng tin chắc vào giả thiết của mình. Thanh Chân vốn ở Hoành Sơn với mẹ, chỉ đến Thần cung để trộm “Hắc Ngọc tiên đào”. Nàng không cư trú tại đấy nên Nhạc Cuồng Loạn không biết mặt.
Khi người ta chết đi sống lại thì luôn tỏ ra bao dung, rộng lượng hơn trước. Do vậy, Tử Khuê chẳng hề trách Thanh Chân đã lừa dối mình. Chàng còn cảm thấy nhớ nhung người vợ bất đắc dĩ, một nàng tiên bé bỏng, ngây thơ.
Gần giữa tháng mười một, Tử Khuê đã khôi phục được năm phần nội lực và thông hiểu “Lôi Đình bí phổ”. Chàng cũng luyện thành pho “Tiên Nữ Tùy Phong”, khinh công tăng tiến vượt bậc. Tuy nhiên, khi thi triển nó, chàng không giống ai, dáng bộ ẻo lả như là Thanh Chân.
Chiều mười bốn, Tử Khuê đoán rằng đã đến lúc nhận thuốc nên ra của nam chờ sẵn. Lát sau, chàng nghe có tiếng chân quen thuộc của ả tỳ nữ Tiểu Sương. Khi ả còn cách cửa gỗ chừng hơn trượng, thì Tử Khuê phát hiện thêm tiếng chân nhẹ nhàng cùa người thứ hai và người này lên tiếng :
- Tiểu Sương! Hôm nay nhà bếp cho nhị đệ ta ăn những món gì vậy?
Tiểu Sương đình bộ quay lại, vui vẻ nói :
- Bẩm đại tiểu thư! Cũng chỉ là những món thường lệ. Có điều gần đây nhị công tử ăn nhiều quá, món nào cũng chẳng chê.
Sau gần một tháng lắng nghe, Tử Khuê đã khá thông thạo tình hình của Tiêu gia trang. Chàng biết rằng nàng đại tiểu thư kia tên là Tiêu Dị An, tuổi đã hai mươi bốn, tuy xinh xắn nhưng ế chồng vì tính tình lạnh lùng, khắc nghiệt.
Dị An là con của đại phu nhân đã quá cố, còn Mẫn Hiên là con của người kế thất.
Thính giác của Tử Khuê cực kỳ linh mẫn, nghe được những âm thanh do Dị An gây ra khi mở lồng đậy cơm. Và ả ế chồng kia hít hà khen thơm rồi vui vẻ bảo :
- Trông ngon lành lắm. Ta rất hài lòng.
Tiêu Dị An quay gót bỏ đi, còn Tiểu Sương tiếp tục mang mâm cơm đến cửa Từ Thạch ốc. Khi ả chuẩn bị đưa mâm cơm đút qua khe, chợt lẩm bẩm mấy câu :
- Lạ thật! Sao đại tiểu thư đột nhiên quan tâm đến nhị thiếu gia thế nhỉ?
Mẫn Hiên mà khỏi bệnh thì nàng ta mất quyền thừa kế chứ có lợi lộc gì?
Lúc đầu, Tử Khuê không hề bận tâm đến lời nói ấy. Song khi bưng chén thuốc lên uống, chàng nhận ra ngay có mùi lạ. Sau gần ba chục chén, Tử Khuê đã quá quen thuộc hương thơm của thuốc và chàng chợt nhớ đến thái độ lạ lùng của Tiêu Dị An qua nhận xét của Tử Sương.
Hồi tưởng lại hành vi của anh rể Nhậm Đức Tín, chàng ngần ngại không dám uống chén thuốc. Họ Nhâm có thể vì số tài sản thừa kế mà dám bán đứng chàng thì biết đâu Dị An cũng sẵn sàng đầu độc Mẫn Hiên để giành lấy cơ nghiệp?
Để kiểm chứng, Tử Khuê đưa mâm cơm vào trong đặt xuống sàn. Sau đó, chàng tìm bắt một con thằn lằn trên vách. Tám năm không quét dọn, nơi đây cực kỳ dơ bẩn và đầy bụi bậm. Trước khi phát điên, nhị công tử đã có hai mươi năm công lực dù tuổi mới mười hai. Tiêu trang chủ đã hết dạ tài bồi cho nhị công tử, dùng kỳ trân dị dược để biến Mẫn Hiên thành cao thủ. Có thể gã đã lâm bệnh vì sự ưu ái đó của cha già. Cho nên khi phát cuồng, gã thừa sức đập chết bất cứ ai vào quét dọn.
Khi tiếp quản cơ ngơi ô uế này, Tử Khuê cũng không dám cải thiện môi trường vì sợ lộ. Chàng chỉ phủi sạch chỗ mình nằm ngủ. Loài thằn lằn thì chẳng quản sạch dơ, vui vẻ sinh sôi nảy nở rất nhiều, bám đầy trên tường thạch ốc. Tử Khuê vươn mình thi triển phép “tụ khí thành ti”, búng rơi một con khá lớn. Tử Khuê vận công có chừng mực nó không chết, tính cựa quậy nhưng bị ngón tay của chàng khống chế không nhúc nhích.
Tử Khuê dùng miệng thổi một ít nước thuốc thổi vào miệng con vật đáng thương. Khi được thả ra, nó bò loạn xạ như điên cuồng, nhưng chỉ lát sau là bất động.
Tử Khuê xem xét lại, biết nó đã chết hẳn, liền buông tiếng thở dài, ngán ngẩm cho thói đời.
Nửa đêm, Tử Khuê chợt phát hiện tiếng động rất nhẹ ở hàng ô chữ thông gió trên vách hướng đông. Chàng liếc nhanh về hướng ấy và thấy thấp thoáng ánh mắt ai đó.
Biết Dị An quay lại thăm dò kết quả, Tử Khuê giả vờ ngáy đều. Dị An nghe được, thất vọng lẩm bẩm thành lời :
- Lạ thật! Chẳng lẽ Hà thủ ô ngàn năm đã phá giải được độc tính của “Cuồng Tâm tán”?
Ả bực bội buông mình xuống đất, bỏ đi mất. Tử Khuê suy nghĩ miên man đến cục diện éo le ngày mai khi phải đóng vai Tiêu Mẫn Hiên.
Chàng đã tính chuyện bỏ chạy ngay khi vừa ra khỏi cửa Từ Thạch ốc.
Nhưng hiện giờ công lực của chàng chỉ còn một nửa, và Kinh Túc Dương Minh Vị vẫn bị bế tắc ở huyệt Lương Khâu, phía trên đầu gối chân phải, không chạy nhanh được. Nghĩa là Tử Khuê phải ở lại thêm một thời gian, chờ hoàn toàn bình phục rồi mới ra đi.
Sáng hôm sau, Tử Khuê giật mình tỉnh giấc vì tiếng ai kêu réo :
- Mẫn nhi! Con mau ra cho phụ thân xem bệnh trạng trong người thế nào?
Tử Khuê choàng dậy và súc miệng rồi mới chạy ra, chàng hồi hộp đưa tay qua khe hở trên cánh cửa.
Tiêu trang chủ xem mạch rất lâu, cuối cùng nghiêm nghị nói với ai đó :
- Phu nhân! Lão phu đoán chắc rằng bệnh tình của Hiên nhi đã thuyên giảm được sáu bảy phần. Cứ uống thuốc thêm một tháng nữa là có thể đưa ra ngoài.
Thì ra Trang chủ phu nhân cũng hiện diện. Nghe trượng phu nói xong, bà bật khóc trách móc :
- Sao tướng công bảo rằng hôm nay Hiên nhi sẽ được chấm dứt cảnh giam cầm đầy đọa, mẫu tử trùng phùng? Thiếp đã quá mỏi mòn vì chờ đợi, vì thương xót con thơ, chắc không sống nổi cho đến lúc con thơ bình phục.
Tiêu trang chủ rầu rĩ biện bạch :
- Tuy thể trạng rất tốt song không hiểu sao Hiên nhi cứ lặng thinh, khiến lão phu chẳng yên tâm. Nếu thả ra ngay bây giờ, lỡ nửa đêm nó phát cuồng chạy trốn thì ai mà đuổi kịp? Lão phu phát hiện trong người Hiên nhi có đến hơn ba chục năm công lực. Xiềng xích con thơ thì lão phu chẳng nỡ, bằng như điểm huyệt thì vô ích vì năm xưa Hiên nhi đã học phép “Đạo chân xung huyệt”, tự động hóa giải chỉ sau nửa khắc.
Trang chủ phu nhân tuyệt vọng, quỳ xuống, nắm chặt tay Tử Khuê, vuốt ve và khóc lóc :
- Hiên nhi ơi! Tám năm nay lòng mẫu thân đau đớn như ai cào ai xé, lúc nào cũng mong nhớ đến con thơ, mong có ngày con tỉnh trí. Sao Hiên nhi không thương xót mẹ hiền mà thoát khỏi cảnh u mê?
Rồi bà gục mặt vào hai bàn tay Tử Khuê mà khóc ngất. Giọng bà khá giống Kỹ nương và vô cùng tha thiết khiến lòng chàng xúc động. Bất giác, Tử Khuê bật miệng, bùi ngùi nói nhỏ :
- Xin mẫu thân đừng khóc nữa!
Nghe câu nói ấy, Trang chủ phu nhân hoan hỉ phi thường, quay sang bảo chồng :
- Tướng công có nghe gì không? Hiên nhi đã nhận ra thiếp!
Tiêu trang chủ hân hoan tiếp lời :
- Lão phu cũng đã nghe rồi, để ta hỏi Hiên nhi vài câu cho rõ đã.
Ông nghiêm nghị hỏi :
- Hiên nhi! Con còn nhớ phụ mẫu danh tính là gì không?
Tử Khuê không biết vì bọn gia đinh, nô tỳ chỉ gọi là Trang chủ và phu nhân chứ đâu dám gọi tên của họ. Tử Khuê bí quá đáp lại :
- Hài nhi nhờ tiếng khóc bi ai của mẫu thân mà hồi tỉnh lại, nhất thời chẳng thể nhớ ra danh tính của song thân.
Cây nói gãy gọn hợp đạo lý này của chàng đã quá đủ để người mẹ đáng thương kia tin rằng con mình đã khỏi bệnh. Bà mếu máo hỏi chồng :
- Tướng công còn chờ gì nữa mà không mở khóa cửa?
Tiêu trang chủ cẩn thận như vậy là vì sợ bất trắc sau này. Mẫn Hiên mà thoát ra, chạy loạn xa khắp nơi thì cà thiên hạ biết ông có người con điên loạn, tổn hại thanh danh cao quý của một dòng họ mà mấy đời tập Tước Hầu. Tám năm nay, Tiêu trang chủ luôn phải nói dối người ngoài rằng Mẫn Hiên được gởi đi học võ phương xa.
Dù lòng còn phấp phỏng nhưng ông vẫn phải chiều ý người vợ trẻ đẹp, hiền thục. Nhị phu nhân Từ Lan nhan sắc phi phàm và trẻ hơn chồng đến hai mươi tuổi. Bà còn ha sinh một nam tử là Mẫn Hiên khiến tông tự họ Tiêu không đứt đoạn. Do vậy, Tiêu trang chủ yêu thương bà tha thiết.
Biết cửa sắp được mở, Tử Khuê vội nói :
- Mẫu thân à, hài nhi cần một bộ y phục.
Từ nương bật cười :
- Mẫu thân có mang theo sẵn trong người nhưng vì quá vui mừng mà quên mất.
Nói xong, bà đút qua khe một bọc vải có tấm trường bảo gấm xanh, áo trong, đồ lót và đôi giày vải. Lạ thay, chúng khá vừa vặn dù Từ nương chưa bao giờ nhìn thấy vóc dáng Tử Khuê.
Khi cửa mở toang, Tử Khuê mới hiểu ra nguyên nhân. Thân hình chàng và Tiêu trang chủ có kích thước tương tự.
Chàng chưa kịp quan sát kỹ gương mặt của lão già quắc thước, râu ba chòm oai vệ kia thì bị một phu nhân áo đen ôm chầm lấy. Chàng thoáng nhận ra rằng Tiêu phu nhân khá giống mẹ mình.
Những ngày sau đó, Tử Khuê không hề gặp phải khó khăn gì. Ai cũng tin tưởng và vui mừng khi thấy nhị công tử đã bình phục, trở thành thanh niên tráng kiện, tuấn tú.
Chỉ mình đại tiểu thư Tiêu Dị An là gượng cười, buồn nhiều hơn vui.
Nhưng nàng không còn cơ hội để ám hại đứa em cùng cha khác mẹ nữa. Lúc nào cũng có bốn người lẫn quẫn cùng nhị công tử, bất kể ngày đêm. Họ có trách nhiệm khống chế Mẫn Hiên khi gã có dấu hiệu phát cuồng trở lại.
Và Tử Khuê phát hiện ra rằng Tiêu gia trang đầy dẫy cao thủ. Từ vị Tổng quản già nua đến gã gia đinh gác cổng. Chàng không thắc mắc mà chỉ dặn lòng thêm cẩn thận. Lòng thương con trời biển của Từ nương đã khiến Tử Khuê gọi bà là mẹ mà không hề ngượng miệng.
Từ nương chăm sóc chàng như đứa trẻ thơ, luôn kề cận kể lể mọi việc trong trang, cố giúp ái tử sớm hồi phục ký ức một cách trọn vẹn.
Trí nhớ của Tử Khuê thì mẫn tiệp phi thường nên chẳng hề quên cái gì cả.
Chỉ sau nửa tháng, chàng đã thông thuộc tên tuổi từng người.
Tất nhiên, giờ thì chàng biết Tiêu trang chủ tên gọi là Tiêu Lạp Dân, tuổi chẵn sáu mươi. Ông ta còn là Ngân Diện Hầu đời thứ tư của Minh Triều.
Khi Tử Khuê giả vờ không nhớ, thắc mắc về cái tước hiệu kỳ quái ấy thì được Từ nương giải thích :
- Cao tằng tổ Tiên Phương là một kiếm khách. Ông ta thường mang một chiếc mặt nạ che đến mũi mà hành hiệp, nên được người võ lâm xưng tụng là Ngân Diện Kỳ Hiệp. Khi Thái Tổ hoàng đế Chu Nguyên Chương tiến đánh Sơn Tây, trúng mai phục của quân Mông Cổ ở gần Tỉnh Châu, sắp mất mạng thì được Tiên Phương cứu giá. Sau đó, họ Tiêu theo phò Minh Thái Tổ cho đến khi giang sơn được thu hồi trọn vẹn. Lúc luận công ban thưởng, được phong hầu, Tiêu cao tằng tổ đã xin cái danh hiệu Ngân Diện Hầu. Minh Thái Tổ chuẩn tấu, sai bộ công đúc một chiếc mặt nạ bằng bạc, pha thêm vàng và đồng cho cứng cáp, trên khắc dấu Ngọc Tỷ, rồi tặng cho họ Tiêu.
Bà mỉm cười kết luận :
- Hiên nhi biết không? Họ Tiêu chúng ta đã chuốc lấy khổ, vì lúc nào muốn đeo Kim bài, xưng Tước Hầu, thì mãi mang luôn cái mặt nạ nặng trịch, lạnh lẽo ấy. May cho ta là Hầu Tước phu nhân thì không phải mang mặt nạ.
Quen thói thân mật vui vẻ với mẹ hiền, Tử Khuê buột miệng nói đùa :
- Quả là may thật! Nếu không thì thiên hạ đã chẳng được chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt thế của mẫu thân.
Từ nương rất cao hứng vì được ái tử tán dương, song giả vờ trừng mắt mắng yêu :
- Hiên nhi chớ bẻm mép! Ta đã già nua còn đẹp đẽ cái nỗi gì nữa.
Chợt bà phát hiện mặt mình đang nóng bừng lên vì hãnh diện, vội đứng dậy mở tủ, lấy ra môt quyển sách mỏng, trao cho con rồi nói :
- Hiên nhi! Đây là bí lục võ công nhà ta, con hãy ôn luyện lại cho thuần phục để phụ thân vui lòng.
Ngoài bìa ghi bốn chữ “Tiêu gia bí kíp” song khẩu quyết bên trong giống hệt “Lôi Đình bí phổ”, chỉ khác ở chỗ không có pho “Tiên Nữ Tùy Phong”, và hai pho kiếm chưởng thì thiếu sáu, bảy chiêu lợi hại nhất. Tử Khuê kinh ngạc khôn cùng nhưng không dám để lộ ra.
Vẻ mặt thẫn thờ của chàng đã khiến Từ nương ngộ nhận. Bà nở nụ cười hiền hòa và an ủi :
- Năm xưa, con đã từng thuộc lòng bí kíp này, cứ từ từ nghiên cứu sẽ nhớ lại thôi. Phần đường lối của chiêu thức, ta sẽ nhắc nhở, hướng dẫn cho.
Té ra Từ nương là bậc kỳ nữ xuất chúng, nắm vững tinh túy tuyệt học của Lôi Đình. Do bẩm sinh bất túc nên nội công chỉ có thành tựu giới hạn. Nếu không, bà đã là một cao thủ thượng thừa.
Trong suốt gần một tháng trời, bà cẫn mẫn dạy cho Tử Khuê từng thức kiếm, từng đường quyền. Nhờ vậy mà chàng tiếp thu rất nhanh. Kỳ công này chẳng làm ai tán thưởng vì họ cho rằng nhị công tử chỉ nhớ lại những gì học thuở niên thiếu. Song họ sẽ kinh ngạc nếu biết chàng thông thạo võ học Lôi Đình hơn cả Tiêu trang chủ. Chàng chỉ thiếu tuyệt kỹ “Phách Không chưởng lực” vì kém hỏa hầu.
Bề ngoài, vẫn sử xự như mình chưa hồi phục trọn vẹn, ít nói và thỉnh thoảng lại mỉm cười vô cớ. Thật ra, trong lòng chàng rối như tơ vò chẳng biết giải quyết hoàn cảnh éo le này thế nào. Chàng thật tâm yêu thương Từ nương, không muốn bà phải khổ tâm thêm nữa. Và dẫu có trình bày sự thật thì cũng chẳng có ai tin, họ sẽ cho rằng bệnh chàng tái phát. Giả sử họ tin thì càng bội phần tai hại, vì chàng sẽ lấy đâu ra một gã Mẫn Hiên mà trả họ.
Cuối cùng, Tử Khuê quyết định đào tẩu trong dịp tết nguyên đán. Và chàng sẽ để lại một phong thư, trấn an vợ chồng Tiêu trang chủ rằng mình đi du ngoạn, mở rộng kiến văn. Về đến nhà, chàng sẽ thỉnh cho được Lỗ phán quan, hỏi cho rõ nội tình và hạ lạc của Tiêu Mẫn Hiên. Nếu gã còn sống thì chàng bắt họ Lỗ mang gã trả về Từ Thạch ốc.
Tử Khuê đã nhiều lần khấn vái, gọi tên nghĩa ca mà không thấy hiện ra.
Chàng thầm trách lão đem con bỏ chợ, đưa chàng vào cảnh ngộ oái ăm này.
Do từ đầu đã nuôi ý định đào tẩu nên Tử Khuê dành nhiều thời gian lang thang khắp Tiêu gia trang, tức Hầu Phủ. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương xuất thân từ chốn bần hàn, thảo mãng nên cũng có chút máu khôi hài. Khi Tiêu Chương chê Tước Trung Dũng Hầu và đòi đổi thành Ngân Diện Hầu thì Minh Thái Tổ hơi phật ý. Ông ta chuẩn tấu song chơi lại bằng cách bắt họ Tiêu chỉ được xưng Hầu khi mang mặt nạ.
Đeo ngân diện cả ngày thì bất tiện, nhất là lúc Đông về, bạc sẽ lạnh tanh, da mặt khó chịu vô cùng. Thế nên con cháu họ Tiêu đành phải cho gia nhân, tỳ nữ gọi mình là Trang chủ.
Cố sự trên giải thích việc vì sao chủ nhân Hầu phủ lại không được bọn người nhà xưng hô là Hầu Tước Đại Nhân. Hầu phủ của dòng họ Tiêu không nguy nga tráng lệ, song diện tích rất lớn, tường xây cao đến hai trượng, án ngữ mọi sự dòm ngó của người bên ngoài. Phía sau phủ là đại hoa viên rộng đến vài mẫu, trồng gần trăm cây Thủy Sam cổ thụ tuổi đến gần hoa giáp.
Thủy Sam là loại cây thân gỗ lớn, rụng lá, thuộc họ Sam, có thể cao đến mười hai trượng. Thân chính cao thẳng, cành nhánh vươn ngay về hướng nam bắc, đông tây xen kẽ nhau giống tháp nhọn. Lá Thủy Sam có dạng dày, dẹt, mọc hai bên, nhánh nhỏ, màu lá thay đổi theo mùa. Mùa Xuân lá màu nõn chuối non tơ mềm mại. Mùa Hè lá trở nên xanh biếc mượt mà đáng yêu. Mùa Thu lá chuyển vàng, mùa Đông chuyển sang màu hồng rồi rụng dần.
Thủy Sam là loại có sức sống mãnh liệt, tính thích ứng rộng rãi, sinh trưởng nhanh, mỗi năm cao thêm từ gang rưỡi đến bốn gang tay. Bởi vậy, Thủy Sam là báu vật trong ngành rồng rừng lấy gỗ. Thủy Sam là loại cây đặc hữu của Trung Hoa, có ở miền Đông Bắc từ nhiều triệu năm trước. Gần năm trăm năm sau, thời nhà Minh, người ta tưởng rằng Thủy Sam đã tuyệt chủng thì lại thấy hơn một ngàn cây ở huyện Lợi Xuyên, Hồ Bắc.
Tất nhiên là Tử Khuê không cần biết những điều ấy về Thủy Sam. Giờ đã là tháng chạp, nên cây chẳng còn chiếc lá nào. Chàng ngắm nhìn những cành cây trơ trụi, tưởng nhớ đến Quách gia trang, nơi cũng có vài cây như thế và chàng thầm tính toán việc trèo lên cây mà nhảy ra ngoài.
Hàng Thủy Sam cuối đại hoa viên cách tường bốn trượng bằng một con đường trải sỏi phẳng phiu. Trên đường ấy, lúc nào cũng có bọn gia nhân dắt chó đi tuần cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra còn có cả những chốt canh cố định, nhãn tuyến bao quát suốt con đường. Nếu Tử Khuê băng qua đường mà vượt tường thì sẽ bị phát hiện ngay. Và khi nhà họ Tiêu dùng chó đánh hơi mà truy đuổi thì chàng khó thoát nổi. Chàng cần vài khắc thời gian và không để đối phương biết mình ra bằng lối nào.
Tử Khuê gật gù hài lòng tin rằng từ ngọn cây cao mười trượng kia chàng có thể vượt qua khoảng cách bốn trượng ra ngoài tường một cách êm thắm.
Thời điểm thích hợp sẽ là những ngày xuân, khi người ta vui say mừng năm mới.
Tiếng chân người phía sau nhắc nhở Tử Khuê nhớ trở ngại cuối cùng, đó là sự giám sát của hai gã cận vệ. Sau này, Tiêu trang chủ đã yên tâm hơn nên giảm số người canh chừng xuống còn hai. Nhưng hai gã này có võ công khá nhất, cơ trí cũng tinh minh, già dặn, hành vi cẩn trọng, chu đáo.
Họ là anh em ruột, mang họ Từ do phụ thân nhị phu nhân nuôi dưỡng.
Vì mồ côi sớm, không biết cha mẹ là ai nên hai gã này mang họ ân nhân.
Từ lão gia nuôi trẻ mồ côi vì lòng nhân, chứ không phải với ý định nhận nghĩa tử, nên hai gã vẫn chỉ là nô bộc. Người giàu có rất thận trọng trong việc nhận con nuôi, để phòng hậu họa giành gia sản sau này, nhất là khi họ đã có con ruột.
Lúc Từ Lan xuất giá về làm dâu nhà họ Tiêu thì hai gã cũng đi theo vì trước giờ quen hộ vệ nàng. Tuy đã chính thức là gia đinh của Hầu phủ song họ luôn giành lấy trách nhiệm bảo vệ nhị phu nhân. Về sau, Từ nương đã sai họ bảo vệ Mẫn Hiên tức Tử Khuê.
Từ Phong ba mươi chín, Từ Vũ ba mươi tám tuổi, cao trung bình nhưng cơ thể rắn chắc, lực lưỡng. Tên thì hiền lành, song sắc diện lạnh như tiền, mắt loang loáng, thần sắc rất đáng sợ dù ngũ quan đoan chính, chẳng có chút dị dạng. Và dường như họ chỉ tươi cười khi tiếp cận Từ nương và Mẫn Hiên.
Tử Khuê đủ trình độ để biết hai gã ấy là đại cao thủ, cả kiếm thuật lẫn khinh công. Cảm động trước lòng trung thành của họ đối với Từ nương mà chàng yêu mến hai gã. Ngược lại, phong thái đôn hâu, điềm nhiên và dễ thân cận của Tử Khuê đã chinh phục được hai anh em họ.
Trang chủ phu nhân thấy vậy hài lòng khen :
- Không ngờ khi trưởng thành, Hiên nhi lại có được tính tình dễ mến như vậy. Năm xưa ta cứ lo khi lớn lên, ngươi sẽ cao ngạo, lạnh lùng như Dị An.
Nhưng đến tối hai mươi bốn tháng chạp thì xảy ra một biến cố đã làm đảo lộn hoàn toàn những mưu tính của Tử Khuê.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, chàng đã có thể khẳng định rằng tám năm trước, chính đại tiểu thư Tiêu Dị An đã hạ độc Mẫn Hiên bằng “Cuồng Tâm tán”. Và sau này, nếu Từ nương còn sinh nở được lần nữa thì đứa bé ấy cũng sẽ bị Dị An ám hại. Trước khi ra đi, Tử Khuê muốn đền đáp ân tình của Từ nương nên định sẽ bày cho bà cái phương pháp khôn khéo mà mẫu thân chàng đã sử dụng.
Cuối canh hai, Tử Khuê đi sang phòng của Trang chủ phu nhân ở sát vách, cùng chung dãy bắc sương. Tiêu trang chủ vắng nhà đã hơn nửa tháng.
Từ nương hớn hở hỏi :
- Trời lạnh căm căm sao Hiên nhi không đi nghỉ sớm, còn sang đây làm gì?
Tử Khuê ngồi xuống đôn gỗ hòa nhã đáp :
- Hài nhi buồn về thái độ lạnh nhạt của đại thư nên khó ngủ. Hài nhi mong mẫu thân lên tiếng, chia cho nàng ta một nửa gia sản để tránh cảnh nồi da xáo thịt.
Từ nương mỉm cười chua chát :
- Hiên nhi lầm rồi! Từ nhiều năm nay phần thừa kế đã được chia đôi. Dị An ghét ngươi vì muốn tranh giành chức Hội chủ Hoạch Đầu hội đấy thôi.
Tử Khuê bàng hoàng như bị sét đánh ngang tai, chết điếng cả người. Ai lại có thể ngờ đến việc Ngân Diện Hầu phủ lại là sào huyệt của tổ chức giết thuê lừng danh Trung Thổ cơ chứ?
Song Tử Khuê phải mau mau trấn tĩnh, cố không để lộ sự sợ hãi và kinh ngạc tột độ của mình. Chàng đang là Mẫn Hiên, mới tỉnh táo sau tám năm mê muội, không biết gì cả.
Tử Khuê đứng lên, giả vờ đi khép cánh cửa sổ, tranh thủ chút thời gian cho sắc diện bình thường trở lại. Chàng quay về quế rồi từ tốn nói :
- Mẫu thân chưa từng nhắc nhở nên hài nhi không nhớ nổi việc này.
Từ nương nhìn chàng bằng ánh mắt xót xa và bảo :
- Thật tâm ta cũng muốn Hiên nhi quên hẳn vì không dính dáng gì đến cái tổ chức nhơ nhớp ấy. Nhưng số trời đã định, ta không sao cưỡng lại được.
Ngày mai phụ thân ngươi sẽ hồi phủ và tổ chức đại hội thường niên. Ngươi sẽ được giới thiệu với tư cách Thiếu hội chủ và tham gia điều hành sự vụ để vài năm nữa kế vị ngôi Hội chủ.
Tử Khuê nghe gáy lạnh toát, rầu rĩ khoái thác :
- Hài nhi mới khỏi bệnh, chỉ muốn được đi du ngoạn đó đây cho bõ tám năm tù đày, chẳng muốn làm gì cho mệt trí. Mong mẫu thân nói giúp vài câu với phụ thân.
Từ nương buồn bã lắc đầu :
- Dẫu mẹ có thương con thì cũng đành bất lực vì tính nết cha ngươi vô cùng độc đoán. Tốt nhất là Hiên nhi cứ giả đò vui vẻ tham dự. Sang Xuân, ta sẽ mượn cớ về chơi quê ngoại, đưa Hiên nhi đi thăm thú những thắng cảnh Trung Nguyên.
Bà dừng lời, nhấp hớp trà thơm rồi nói tiếp :
- Còn một lý do bắt con phải làm vui lòng phụ thân, đó là tính mạng của Từ Phong và Từ Vũ. Hồi tháng chín, họ được cử đi ám sát một nhân vật ở An Dương nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ. Hai gã ấy chẳng nỡ ra tay vì đối tượng có đến bảy đứa con thơ nhao nhác. Dị An là người khắc nghiệt, tàn ác, lại đang chấp chưởng Hình đường, tất sẽ không tha cho họ. Chỉ có Hiên nhi là đủ tư cách cứu họ khỏi án tử.
Bà nhìn chàng với vẻ khẩn cầu :
- Từ Phong, Từ Vũ tuy là nô bộc nhưng đã lớn lên với mẹ, tình nghĩa thâm sâu. Mong Hiên nhi hãy vì ta mà cứu họ.
Tử Khuê thấy hai gã sát thủ còn giữ được lòng nhân ái vô cùng cảm phục và thương mến. Chàng khẳng khái trấn an Từ nương :
- Mẫu thân yên tâm, hài nhi đoan chắc sẽ gỡ tội được cho hai người ấy.
Từ nương hài lòng, cùng Tử Khuê trò chuyện mãi đến gần sáng mới đuổi chàng về phòng.
Tử Khuê lấy cớ hỏi han nội tình rất cặn kẻ, hiểu được nhiều bí ẩn trọng đại. Thì ra, Tiêu Lập Dân là sư đệ, đồng thời là em rể Lôi Đình cung chủ Trác Ngạn Chi. Đôi lúc ông cũng muốn nghe lời Từ nương, giải tán Hoạch Đầu hội, song bị trưởng nữ Dị An phản đối. Nàng ta có hậu thuẫn là cậu ruột, tức Lôi Đình Đế Quân, nên không sợ cha mình.
Càng hiểu rõ hoàn cảnh hiện tại, Tử Khuê càng thêm hoang mang, lo sợ, dù biết có trốn vế Quách gia trang cũng khó mà yên thân. Chẳng lẽ chàng cứ phải trốn tránh suốt đời, không dám lộ mặt?
Nỗi buồn phiền cùng cực đã biến thành sự bi phẫn, Tử Khuê nghiến răng thề rằng sẽ ở lại, tìm cách tiêu diệt xong cái tà hội ác độc này. Đây cũng là nghĩa vụ của võ sĩ đối với giang hồ và bách tính.
Chủ ý ấy đã khiến Tử Khuê bình tâm lại, thiếp đi lúc canh tư.
Quả nhiên trưa hôm sau, Tiêu Lạp Dân về đến phủ và ra lệnh triệu tập toàn bộ thủ hạ, trong tòa đại sảnh rộng thênh thang lúc đầu giờ Tuất, tối mai.
Ông đã trò chuyện với Mẫn Hiên, tức Tử Khuê về đại hội này. Chàng mỉm cười đáp ngây ngô :
- Phụ thân cứ yên tâm. Hài nhi đã được mẫu thân chỉ giáo qua. Được làm thiếu chủ thì sung sướng biết bao, tha hồ ra oai với thiên hạ.
Tiêu Lạp Dân thở dài ngán ngẩm, thương cho ái tử chưa hoàn toàn bình phục, ngây thơ cứ y như trẻ con vậy. Nhưng tin vào tài y thuật của mình, Lạp Dân không lo lắng lắm. Ông hỏi han, dặn dò con trai một lúc rồi mới dời gót.
Ông ta đi rồi, Tử Khuê ngồi nhìn qua song cửa hướng tây, ngắm cảnh tuyết rơi mà thương nhớ người thân nơi cố quận. Chàng hiểu rằng còn rất lâu mới được cùng họ đoàn viên.
Là kẻ thuần phác, ít mưu mẹo, Tử Khuê không tài nào tìm được cách thoát khỏi mớ bòng bong này, kể cả việc làm sao mà phá tan Hoạch Đầu hội mà không khiến cho Lôi Đình Đế Quân nghi ngờ.
Sực nhớ đến gã anh vợ xảo quyệt, đa mưu túc trí là Vô Tướng Quỷ Hồ Dịch Quan San, Tử Khuê tạm yên lòng. Sang Xuân, chàng sẽ tìm cách rời khỏi Hầu phủ, lẻn về Hứa Xương cùng gã bàn bạc kế sách.
Tiếng tằng hắng của Từ Vũ ở bên ngoài khiến Tử Khuê chạnh lòng. Sau cuộc đàm đạo vừa rồi với Tiêu trang chủ, chàng không còn tự tin nữa. Ông đã nghiêm nghị dặn dò chàng không được can thiệp vào việc trừng phạt hai gã họ Từ. Dường như Tiêu Lạp Dân đã đoán trước được rằng Từ nương sẽ nhờ chàng gỡ tội cho họ.
Phần vì lời hứa với người đàn bà bất hạnh kia, phần vì thương anh em họ Từ, Tử Khuê bóp trán tính toán, cố tìm ra phương sách. Phải chăng “đương cục giả mê, bàng quang giả tỉnh”. Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối?
Cuối cùng Tử Khuê cũng có được kế lưỡng toàn, vừa cứu được họ, vừa loại trừ được kình địch.
Chàng mở cửa, khoác áo cừu ra ngoài rủ Từ Phong và Từ Vũ đi dạo bằng một câu ngớ ngẩn đến mức họ phải mỉm cười :
- Này nhị vị! Ta chợt nhớ đến lũ thằn lằn trong Từ Thạch ốc, muốn đi xem chúng có mạnh khỏe không?
Tuy đang chờ án tử hình mà thần thái hai gã này vẫn thản nhiên. Có thể do họ cam tâm chấp nhận, vì không còn đường nào khác, đào tẩu thì ba tháng sau cũng chết vì kỳ độc mãn tính. Tất cả thủ hạ Hoạch Đầu hội đều bị khống chế bởi độc dược. Hoặc dã họ tin tưởng rằng nhị công tử sẽ vì mẫu thân mà cứu họ.
Hôm nay là ngày đẹp trời hiếm hoi trong cái mùa Đông chết dẫm này.
Trời vẫn lạnh, nhưng gió thổi nhẹ và tuyết rơi lất phất.
Đang lúc giữa giờ Mùi, trừ những kẻ trong phiên đang canh gác, phần lớn người trong phủ đều ngủ cả. Cảnh vật khá tĩnh lặng, nhất là vườn Thủy Sam phía sau. Từ Thạch ốc tọa lạc ở giữa khu rừng này.
Đến nơi, Tử Khuê nghiêm nghị bảo hai cận vệ :
- Nhị vị cứ ở ngoài này, cứ để ta vào một mình được rồi. Có người lạ, bọn thằn lằn sẽ không dám gặp ta.
Hai gã nhìn nhau ngao ngán, gật đầu và cố nén nụ cười. Họ vào trong chỗ bẩn thỉu, hôi hám ấy làm gì cơ chứ?
Chẳng còn nhốt ai nên cửa Từ Thạch ốc không hề khóa, dù ổ khóa vẫn còn treo lủng lẵng nơi khoen. Bọn gia nhân cũng không hề có ý quét dọn cơ ngơi kỳ dị này. Nó sẽ được phá bỏ khi Tiêu trang chủ xác định rằng nhị công tử đã hoàn toàn bình phục.
Tử Khuê rất hài lòng khi thấy bên trong còn giữ được nguyên trạng.
Chàng bước mau đến tảng từ thạch ở hướng Đông Nam, nơi mình tạt chén thuốc nước đã bị Dị An hạ độc.
Tử Khuê không sợ bẩn vì thứ nước thuốc sắc đặc sánh, bám chặt và làm loang lỗ mặt đá. Giờ đây, những chỗ ấy cũng phủ thêm một lớp bụi mỏng.
Trên sàn gạch có khá nhiều mảnh vụn của bát dĩa, muỗng đũa... những thứ ấy bị Mẫn Hiên hủy hoại. Chúng được làm bằng gỗ, khi gã hơi hồi tỉnh, không còn phá phách nữa mới được dùng đồ sứ.
Tử Khuê nhặt một mảnh bát có mép khá sắt, cạo lớp thuốc đã khô cứng trên mặt đá, tất nhiên có cả bụi bặm. Chàng hứng lấy thứ cặn bã ấy bằng một mảnh giấy đã mang theo sẵn trước khi rời phòng.
Được một nhúm nhỏ, vo chặt lại chừng hạt nhãn, Tử Khuê cho rằng đã đủ. Chàng sẽ hạ độc Dị An bằng đường hô hấp nên không thể dùng nhiều được. Số còn lại chàng để dành phòng khi hữu sự.
Tử Khuê đã hồi ức lại nội dung quyển “Huyền Hư Y Cảo” biết “Cuồng Tâm tán” lợi hại vô song, không hề để lại dấu vết và cũng không có thuốc giải.
Chất độc này theo máu, công phá phần não bộ khiến nạn nhân phát cuồng, vô phương chữa trị. Tuyên truyền “Cuồng Tâm tán” là độc kỹ lừng danh của Thủy Thần Độc Vương Cao Mộng Đắc. Thần Thủy là một địa phương ở vùng cực Bắc tỉnh Thiểm Tây. Họ Cao chết đã bốn mươi năm, không người nối dỗi nên võ học thất truyền. Giờ đây cái thứ vũ khí độc địa ấy trong tay Tiêu Dị An, khiến một kẻ thiện dụng độc như Tiêu Lạp Dân cũng không ngờ đến.
Tử Khuê hiểu rằng độc tố đã phân tán đều trong chén thuốc, nên với một ít bụi phấn thế này thì khó mà làm cho Dị An phát điên. Song chàng hy vọng rằng ả sẽ tạm thời bị choáng váng, tâm thần hỗn loạn, không giữ được chủ ý sát hại anh em họ Từ. Để đảm bảo phần thắng, Tử Khuê dự đinh rằng sẽ ra tay nhiều lần, vì sẽ ngồi chung bàn tọa với Dị An.
Đầu giờ Tuất ngày hai mươi sáu tháng chạp, đại hội thường niên của Hoạch Đầu hội được tiến hành, trong tòa đại sảnh phía sau quần thể Tứ hợp viện, cơ ngơi chính của Hầu phủ.
Tòa nhà này mới được xây dựng chừng hai mươi năm, khi nhân số của Hoạch Đầu hội quá đông.
Từ sáng đến giờ đã có hàng trăm người lần lượt tìm đến Hầu phủ. Họ chính là thủ lĩnh của những phân hội địa phương, thường là chốn phồn vinh, sầm uất. Nơi hoang dã nghèo khó thì làm quái gì có ai đủ tiền mướn sát thủ.
Thân chủ của Hoạch Đầu hội không chỉ có giới võ lâm mà phần lớn là đám thương lái, đám nhà giàu và bọn quan lại. Chỗ nào có lợi lộc thì nơi ấy có tranh giành.
Những phát minh thành tựu trong lịch sử đã chứng tỏ dân tộc Trung Hoa cực kỳ thông tuệ, cần cù và đầy sáng tạo. Đồng thời họ cũng rất thâm hiểm nên mới nổi tiếng thế giới về binh pháp và thuật quyền mưu.
Người Trung Hoa đã áp dụng “Tam thập lục kế” vào cả lĩnh vực buôn bán, quan trường. Họ thích nhất là kế “Tá đao sát nhân”, mượn tay kẻ khác để loại trử kẻ địch, thù nhân. Cho nên, nghề giết mướn rất ư phát đạt ngay từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc.
Trong lịch sử Trung Hoa, Kinh Kha là một hình tượng của một tráng sĩ anh hùng, bất khuất. Nhưng xét cho cùng, Kinh Kha cũng là một kẻ đâm thuê chém mướn. Người đời sau vì chán ghét Tần Thủy Hoàng mà tôn sùng Kinh Kha. Nhưng nếu họ Kinh thành công thì Trung Hoa chẳng thể sớm thống nhất, và nền văn minh không phát triển một cách nhanh chóng, rực rỡ đến thế.
Tử Khuê phải cố nín cười khi thấy bên trên chiếc hương án đặt trước cạnh tường hướng bắc có bức họa tường rất lớn, vẽ một chàng tráng sĩ hiên ngang đang đứng cạnh một bờ sông.
Tử Khuê có thể đoán chắc đấy là Kinh Kha vì mé tả có bài thơ cổ bi tráng :
Phong phiêu phiêu hề Dịch thủy hàn!
Tráng sĩ nhất khứ hề Bất phục phản!
Thì ra Hoạch Đầu hội đã tôn Kinh Kha làm tổ sư, phủ hào quang lên cái nghề giết thuê đầy tội lỗi của mình.
Chẳng hiểu hằng trăm tên giết mướn kia có thật lòng tin vào sự cao quý của nghề nghiệp mình đang làm hay không? Giờ đây họ đều hướng về hương án thờ Kinh Kha với vẻ thành kính rất mực. Trông họ chẳng khác gì những thiện nam, tín nữ đang chiêm bái tượng Phật trong chùa vậy.
Thích khách chứ chẳng phải đệ tử danh môn chính phái nên không có đồng phục. Họ cũng không ai đeo mặt nạ vì ai cũng mang trên vai vài ba cái án sát nhân, theo kiểu Danh Đầu Trạng của Lương Sơn Bạc. Hơn nữa, họ đều bị khống chế bằng độc dược mãn tính, có phản bội, cáo giáo đồng đảng thì cũng không thể sống sót.
Sau diễn từ khai mạc và nghi lễ thượng hương bái tổ, đại hội tiến hành việc tổng kết vụ sự. Một chiếc bàn dài và ba ghế dựa đã được mang ra đặt trước hương án. Khoảng nền vách bắc cao hơn phần diện tích còn lại độ gần sải tay, giúp cử tọa có thể nhìn rõ đoàn chủ tịch. Bọn môn nhân cũng được ngồi trên đôn gỗ vì hội nghị sẽ kéo dài hàng canh giờ.
Nhưng trước khi cho phép thủ hạ an tọa, Tiêu Lạp Dân đã tuyên cáo việc nhị công tử Tiêu Mẫn Hiên chính thức trở thành Thiếu hội chủ, sau này sẽ kế vị lão.
Dĩ nhiên, ai nấy đều vỗ tay tán thành bởi “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nhưng trong lòng họ đầy ắp e ngại vì biết chàng trai mặt mày ngơ ngáo kia đã từng điên loạn suốt mấy năm qua.
Được Tiêu Lạp Dân dặn dò từ trước, Tử Khuê bước ra vái chào cử tọa và chỉ cười tươi chứ không phát biểu. Lạp Dân sợ Mẫn Hiên nói quàng nói xiên thì mất mặt họ Tiêu.
Tử Khuê mang bản chất hiền lành đôn hậu nên nụ cười rất dễ mến, khiến bọn sát thủ lão luyện kia nhận ra tính nết và lập tức có tình cảm. Sau này, chàng làm Hội chủ thì bọn thuộc hạ sẽ dễ sống hơn cô ả La Sát Tiêu Dị An kia.
Đại tiểu thư nhà họ Tiêu không hề xấu xí, đôi mắt lá răm và bờ môi anh đào chín mọng kia còn có vẻ đa tình nữa. Thân hình nàng cũng thon thả, khiêu gợi chứ không gầy đét. Thế mà chẳng hiểu sao một ả rất mực đàn bà như thế lại khắc nghiệt, tàn nhẫn phi thường?
Thấy ái tử được nhìn với ánh mắt tán thưởng, Tiêu Lạp Dân, tức Hội chủ Hoạch Đầu hội, cao hứng mời toàn trường an tọa. Phần ông dẫn con gái, con trai mình đến ngồi ở bàn chủ tịch.
Lòng Tử Khuê vô cùng hồi hộp, quyết định ra tay sớm vì lát nữa sẽ không còn cơ hội. Chàng và Dị An sẽ ngồi hai ghế tả hữu, chính giữa là Tiêu Lạp Dân.
Cho nên, khi Tiêu hội chủ vừa an vị và Dị An đang lay hoay kéo ghế, Tử Khuê búng ngay một nhúm bột đất chứa “Cuồng Tâm tán” vào mũi ả chị hờ.
Tử Khuê đã dùng muỗng sứ nghiền nát số bột đất kia trở nên nhuyễn nhỏ như bụi bặm, mắt thường khó mà phát hiện.
Đã quen với phép điểm huyệt bằng tia cương khí nên thủ pháp của chàng cực kỳ chuẩn xác. Chàng lại dựa vào nhịp phập phồng của bộ ngực nở nang kia mà chọn đúng lúc Dị An hít vào. Nàng ta khoác áo lông cừu ngắn song không khép vạt.
Dị An lãnh trọn số bụi tai hại ấy và lập tức hắt hơi lia lịa, khiến Tử Khuê lo ngay ngáy sợ bụi thuốc văng ra hết. Chàng thầm van vái cả Phật Tổ lẫn Tam Thanh cho mình đừng thất bại, nguy hại đến tính mạng của anh em họ Từ.
Trong quá khứ, Tử Khuê đã gặp quá nhiều xui xẻo nên không còn tự tin khi làm bất cứ việc gì. Dẫu biết rằng chất độc đi vào đường hô hấp sẽ tác dụng nhanh và mạnh hơn đi vào dạ dày, song Tử Khuê lại không nắm vững được lượng độc tố cần thiết.
Trà nóng đã được mang ra nhưng chén nào cũng có nắp đậy. Khi uống, người ta sẽ dùng cạnh nắp để chặn xác trà. Nhấp xong một hai hớp thì đậy nắp cho nóng. Do vậy, Tử Khuê không hy vọng hạ thủ thêm lần nữa vào chén trà.
Vả lại, việc dùng chân khí búng mạnh thuốc qua mặt một đại cao thủ như Tiêu Lạp Dân là một hành động dại dột.
Tuy luôn rén rình rập sắc diện, thần thái của Dị An, Tử Khuê vẫn theo dõi được diễn tiến của hội nghị. Lúc này, Phân hội chủ các địa phương đang trình bày với Tiêu Lạp Dân về những khó khăn, những hợp đồng chưa hoàn thành của khu vực mình đang phụ trách.
Chàng sợ đến toát mồ hôi khi một lão già gầy, đầu hói, đứng lên phát biểu :
- Thưa Hội chủ! Phân hội Hứa Xương vừa phát hiện Đông Nhạc Tiên Hồ Tái Dịch Vân trong nhà một lão đại phú họ Quách. Thuộc hạ đã thử đột nhập vào dọ thám thì phát hiện việc canh phòng của Quách gia trang cực kỳ nghiêm mật. Và dường như bản lãnh của bọn gia đinh rất cao cường, không thua gì những sát thủ kiêu dũng của bổn hội. Thuộc hạ cho rằng phân hội Hứa Xương không đủ sức bắt cóc ả họ Dịch, xin Hội chủ cử thêm người đến hỗ trợ.
Tiêu Lạp Dân trầm ngâm vuốt chòm râu dài và đẹp một lúc rồi mới nói :
- Lão phu rất tin tưởng vào nhãn quan sắc bén của Hồ các hạ nên lòng rất nghi hoặc. Thường thì các nhà đại phú không thể có được lực lượng gia nhân lợi hại đ
Nhưng hiện tại đối phương chưa có động tĩnh gì, có lẽ đang củng cố lực lượng. Rừng không hai cọp, Song Tôn và Âu Dương Mẫn đều muốn tiêu diệt nhau.
Sang Xuân, Hội đồng Võ lâm đã thắng một nước cờ khi Giáo chủ Thiên Sư giáo Huyền Thiên chân nhân Trương Sách dùng uy tính của mình làm cho Minh Đế nghi ngờ Bắc Thiên Tôn. Thế là từ nay triều đình đứng ngoài cuộc phong ba, chẳng hậu thuẫn cho bất cứ ai nữa.
Song Tôn không hề nản chí, nhập hai bang Chiết Mai, Bích Huyết thành Nam Bắc bang, hùng cứ núi Linh Sơn, trọng địa của Chiết Mai bang. Linh Sơn thuộc huyện Dương Bình, nằm ờ cực Tây Hà Nam, gần ranh giới Thiểm Tây và cũng không xa Sơn Tây. Quả là một vị trí vô cùng thuận lợi.
Nam Bắc bang có hai đồng bang là nhị vị Thiên Tôn. Dương Tố Vy, Lã Bất Thành giữ chức hộ bang Tả Hữu Sứ. Ngoài ra, Song Tôn còn mời thêm vài đại cao thủ đến làm Khách Khanh hộ pháp.
Phần Âu Dương Mẫn thì được sự đỡ đầu của Xoa Lạp cốc nên không thiếu nhân thủ và lại toàn là những tay thiện chiến, giỏi nghề kiếm thuẫn.
Đại khái, cục diện võ lâm hiện là như thế. Song điều mà giới giang hồ quan tâm nhất lại là cuộc so tài giữa Cầu Nhiêm đại hiệp Hàn Thiếu Lăng với Thiếu chủ Xoa Lạp cốc Nhạc Cuồng Loạn vào sáng ngày rằm tháng hai tới.
Sau khi giải cứu Hội đồng Võ lâm và mấy trăm cao thủ võ lâm thoát khỏi Độc Nha sơn, trước sự hiện diện của nửa vạn hào kiệt tứ hải, thanh danh Hàn Thiếu Lăng rực rỡ như mặt trời chính ngọ. Nhờ chàng ta phá ải, đưa viện binh vào mà bọn tà ma phải tháo chạy.
Nhưng đến đầu tháng giêng, khi tuyết đã tan hết, một cuộc thăm dò quanh vực thẳm Độc Nha sơn được Thiếu Lâm và Cái bang được tiến hành một cách âm thầm. Tuy thế, tin tức về việc ấy cũng bị rò rỉ ra ngoài, khiến võ lâm bàng hoàng, thương xót. Té ra, Cầu Nhiêm đại hiệp đã thất tung khi đuổi theo Quân Sơn chân nhân Đường Mai Giãn. Trước đó Hội đồng Võ lâm đã cho núi Quân Sơn trong Động Đình hồ thì không có Đường lão. Họ phỏng đoán rằng hai người ấy có thể đã giao đấu trên con đường xuyên vực và cùng rơi xuống đấy.
Nhưng lạ thay, dưới vực chỉ có thi thể của Đường Mai Giãn và Trịnh Bá Nghiêm, Bang chủ Bích Huyết bang. Vậy là vẫn còn hy vọng, mấy chục vạn đệ tử Cái bang ở địa phương lập tức nhận được lệnh truy tìm tung tích của vị Cầu Nhiêm đại hiệp.
Song sau đó, vào đầu tháng hai, phái Thiếu Lâm vẫn tiến hành xây dựng lôi đài dưới chân núi, chuẩn bị cho cuộc phó ước của Hàn Thiếu Lăng và Nhạc Cuồng Loạn. Nếu họ Hàn còn sống tất đến phó hội. Bằng như chàng không xuất hiện tức là đã chết và tang lễ sẽ được cử hành long trọng nhất lịch sử võ lâm.
Tại sao Hội đồng Võ lâm lại vội vã như thế mà không chờ thêm một thời gian nữa? Lý do chính vì nghĩa phụ của chàng, Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh đã bùi ngùi khẳng định rằng tướng tinh của Tử Khuê đã tắt. Ông là bậc kỳ nhân cái thế tinh thông thiên văn địa lý và bói toán, chẳng thể sai được. Không chỉ riêng mình Trần lão mà bất cứ ai biết một chút về môn Chiêm Tinh thì cũng có thể nhận ra sao Khuê đã mờ trên bầu trời đêm.
Cũng có những người không tin vào lời Trung Thiên Tôn, đó là đám nữ nhân thân quyến của Quách Tử Khuê. Đàn bà vốn ngoan cố và khó dạy. Họ cho rằng Tử Khuê là bằng hữu với Lỗ phán quan, một chức sắc cao cấp chốn Âm ty, thì không thể chết non được.
Sau khi nghe Thiết Đảm Hồng Nhan kể về sự xuất hiện bất ngờ, éo le của ả Trác Thanh Chân khỉ gió nào đó, Kỹ nương cùng hai con dâu cũng đoán rằng đã tìm ả nọ để lấy lại “Diêm Vương quỷ kỳ”. Ả ta không đến Quách gia trang như đã hẹn.
Quách gia trang lập đàn cúng tế, mời gọi Lỗ phán quan hiển linh để họ hỏi han tin tức của Tử Khuê. Song chẳng hiểu sao cái lão chết tiệt ấy chẳng hề xuất hiện. Các bà liền ngấm ngầm nguyền rủa thóa mạ Lỗ Trực, kẻ đã xúi giục Tử Khuê đi Lạc Dương để rồi mất tích. Tuy nhiên, chẳng ai dám chửi thành tiếng.
Giờ đây chúng ta quay lại với chàng trai đen đủi Quách Tử Khuê, xem diễn biến thế nào? Đàn bà bao giờ cũng hữu lý, khi một kẻ có ô dù là quan to chốn Âm ty thì chẳng thể chết non được. Trần gian như thế tất Địa phủ cũng chẳng khác.
Nhưng nếu như thoát chết một cách dễ dàng, đơn giản thì Tử Khuê nào phải kẻ mang phần số đen đủi, hắc ám. Bởi vậy, khi tỉnh lại, chàng ta phát hiện mình đang bị giam cầm ở trong một nhà lao kỳ quái.
Tử Khuê nằm ngửa trên sàn đá lạnh, ngơ ngác nhìn quanh, tưởng đã đến ngục A Tỳ, chờ Diêm Vương phán xử những việc mình làm trên trần thế.
Nhưng ánh dương quang nhàn nhạt và vài bông tuyết nhỏ đang len lỏi qua những ô cửa trên đầu tường thạch thất đã khiến chàng ngờ ngợ ra đây chẳng phải là cõi Âm.
Tử Khuê ngồi bật dậy, đưa tay lên ngực trái, lòng vui mừng khôn xiết khi nghe trái tim vẫn còn thổn thức những nhịp đập đều đặn. Đồng thời chàng cũng ngộ thức được mình hoàn toàn lõa thể, thân không mảnh vải.
Song điều ấy chẳng có nghĩa lý gì trước niềm hạnh phúc của kẻ vừa trở về từ “Quỷ Môn Quan”. Tử Khuê hân hoan xếp bằng vận khí điều tức. Gương mặt chàng mất dần vẻ rạng rỡ vì chân khí đã hoàn toàn thất tán, kinh mạch bế tắc nhiều chỗ.
Sau vài khắc hoài công, Tử Khuê thở dài chấp nhận hoàn cảnh. Chàng tự nhủ rằng chỉ cần sống sót về nhà là có cách chữa trị. Quyển “Huyền Hư Y Cảo” của sư thúc chàng, có đủ những dược phương thần diệu để phục hồi chân nguyên cho kẻ vừa bị trọng thương.
Sau đó, Tử Khuê bình tâm quan sát cái nhà tù kỳ dị này và tự hỏi ai đã đưa mình đến đây? Nếu là Lỗ phán quan thì sao không đưa chàng về thẳng nơi dưỡng thương gần nhất là Thiếu Lâm tự. Vậy phải chăng người xuống vực thẳm cứu chàng thuộc phe địch? Phe nhà sẽ không để bệnh nhân trần truồng trong một tòa nhà bằng đá lạnh tanh như thế này.
Dòng suy tưởng mênh mang đã bị cắt đứt khi ánh mắt Tử Khuê thâu tóm toàn bộ cảnh vật. Chàng đã ngờ ngợ ra lối kiến trúc kỳ lạ này.
Năm xưa, ân sư chàng, Vu Mộc chân nhân đã từng nói về những nỗ lực của nền y học Trung Hoa trong việc điều trị bệnh điên.
Bệnh điên tức thị bệnh phong, đứng đầu trong nan y tứ chứng: phong, lao, cỗ, lại. Người đời sau dễ gây nhầm lẫn khi dùng chữ “phong” để chỉ bệnh cùi hũi. Thật ra, “lại” mới chính là tên chính xác của bệnh cùi.
Trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh tiên sinh không hề có chữ “phong” nào mang ý nghĩa chỉ thị là bệnh cùi cả. Và ở mục chữ “lại”, tiên sinh giải thích rõ từ này chỉ bệnh phong cùi, bệnh hủi. Vì vậy, phải chăng người Giao Châu đã đọc trái chữ “phung” thành “phong” và chữ này hoàn toàn thuần Việt?
Chúng ta hãy trở lại căn thạch thất hình bát giác đang giam hãm Quách Tử Khuê. Nó rất giống với những lời mô tả của Vu Mộc chân nhân về một căn phòng trị bệnh điên. Trước mỗi vách của tòa nhà tám cạnh này đều có những tảng đá hình khối chữ nhật chôn dựng đứng. Dựa vào màu sắc, Tử Khuê có thể nhận ra chúng là đá nam châm.
Hấp lực với sắt thép của từ thạch là điều thần bí, kỳ diệu mà người Trung Hoa cổ tôn sùng. Ngoài việc dùng từ thạch để chế tạo ra kim chỉ Nam, họ còn hy vọng đặc tính kỳ lạ của đá nam châm sẽ chữa trị được bệnh điên cuồng.
Các thầy lang đã thiết lập những căn phòng có vách chất đầy những thanh từ thạch và nhốt bệnh nhân vào trong ấy. Họ mong rằng những hấp lực của đá nam châm sẽ điều chỉnh những lệch lạc trong cơ thể kẻ điên. Và là cháu chắt của Phục Hy, Văn Vương các thầy thuốc Trung Hoa đã phối hợp với nguyên lý Bát Quái. Cho nên các phòng các từ thạch đều mang hình bát giác tám cạnh.
Có thể phương pháp trị bệnh điên độc đáo ấy đã du nhập vào Trung Hoa từ Ba Tư theo con đường tơ lụa. Người ta nói người Ba Tư và người Địa Trung Hải cũng sử dụng cách điều trị này từ thời rất xa xưa.
Để khẳng định điều mình phỏng đoán, Tử Khuê đến xem xét một tảng đá ở gần nhất. Chàng mỉm cười méo mó khi tìm thấy một chiếc đinh rỉ sét đang bám chặt trên đấy.
Tử Khuê chán nản lẩm bẩm :
- Mình có điên đâu mà họ nhốt vào đây cơ chứ?
Chàng thẫn thờ nhìn lên nóc tòa thạch thất, nhận ra mái nhà làm bằng lớp lá dầy cộm, gắn chặt với tám thanh vì kèo vững chắc.
Trên mỗi bức tường, cách mặt đất chừng độ hai trượng, người ta trổ những hàng ô thông sáng vuông vức, cạnh chỉ độ gang tay. Nghĩa là Tử Khuê có phục hồi đầy đủ sức lực, nhảy lên tới chỗ ấy thì cũng vô phương thoát được.
Tử Khuê thở dài, lững thững dạo quanh căn phòng có đường kính ba trượng nọ. Chàng vui mừng vì lần lượt phát hiện ra những tiện nghi tối thiểu.
Ở một cạnh hơi tối tăm bởi không nhằm hướng nắng tỏa đến, Tử Khuê tìm thấy một bể nước nhỏ và một hồ xí. Bể nước thông với bên ngoài bằng một lỗ hẹp nhỏ ở đấy, tất nhiên chàng không thể chui lọt. Hồ xí thì khỏi bàn tới.
Cảm thấy khát, Tử Khuê cầm chiếc gáo gỗ trên thành bể múc nước mà uống vài ngụm. Nước lạnh đến ê răng vì đang là mùa Đông và có tuyết rơi.
Đi thêm vài bước, Tử Khuê phát hiện những mảnh vải rách nằm lây lất, có lẽ chúng là của cái gã bệnh nhân gã ở đây trước chàng?
Tử Khuê trố mắt kinh ngạc khi nhìn thấy quyển “Lôi Đình bí phổ” đang nằm trong mớ giẻ rách kia. Chàng hoan hỉ nhặt lên, thắc mắc hỏi vì sao kẻ thù không tịch thu bảo vật liên thành này? Chợt nhớ đến “Tỵ Lôi thần châu”, chàng liền xem xét bắp đùi mình thì thấy nó vẫn còn. Đang lúc tâm tư rối tự to vò, Tử Khuê chợt nghe tiếng người gọi văng vẳng :
- Nhị công tử! Tiểu tỳ đã mang cơm chiều đến.
Chàng ngỡ ngàng tiến về phía ấy, nhận ra rằng phía sau tảng từ thạch tối tăm nhất có cửa thông ra ngoài. Nếu giờ là buổi hoàng hôn thì hướng này thuộc hướng nam.
Các tảng từ thạch đều cao hơn đầu người, dầy độ hai gang và rộng gần sải tay. Chúng được chôn trước các bức vách đá và không sát, cách ba bước chân. Do khung cửa nhỏ hơn một chút, lại ở nơi thiếu ánh sáng nên nếu không đến gần, Tử Khuê sẽ khó nhận ra.
Lúc này, chàng thấp thỏm bước qua khung cửa, đi hết đoạn đường hầm chật hẹp dài độ gần mười trượng, gặp một cánh cửa gỗ dày, đai thép cực kỳ rắn chắc. Cửa vẫn đóng kín mít và mâm cơm được đưa qua một khe chữ nhật trổ trên phần dưới cánh. Tử Khuê còn nghe được tiếng dặn dò vọng lại, trong lúc ả tiểu tỳ quay gót :
- Nếu công tử không chịu uống thuốc giống như hôm qua, thì đừng mong thoát khỏi cảnh giam cầm.
Tử Khuê nhìn mâm cơm, thấy có một bát sứ Giang Tây rất đẹp, miệng hình lục giác. Mùi thơm và hơi nước nóng hổi phát ra từ khe nắp đậy. Chàng ngồi xuống, tò mò mở nắp bát thuốc và nếm thử.
Sau khi tiếp nhận quyển “Huyền Hư Y Cảo” của Cửu Hoa chân nhân, mẫu thân chàng trở nên say mê nghề thuốc. Bà đã lập ra cả một dược phòng trong trang với đầy đủ dược vị. Tử Khuê thường giúp mẹ trong việc bào chế nên thông thuộc nhiều loại thảo dược.
Giờ đây, chàng không khó khăn nhận ra mùi của những loại thuốc quý như: Sâm, hà thủ ô, tam thất, đỗ trọng, bá kinh thiên... Chúng rất tốt cho việc khôi phục nguyên khí, nên Tử Khuê khoan khoái uống cạn ngay.
Bỗng chàng sững sờ vì một ý niệm hãi hùng. Đó là việc ngày hôm qua vẫn còn một gã nhị công tử điên khùng chết tiệt nào đó đã hiện diện chốn này.
Và chàng sẽ phải trả lời thế nào với gia chủ về việc gã ta thì biến mất, còn mình thì có mặt?
Lúc uống nước, Tử Khuê đã soi mặt vào gáo gỗ, biết rằng khuôn mặt mình không hề thay đổi. Nghĩa là chẳng có việc Lỗ phán quan đưa hồn chàng nhập vào xác khác. Càng nghĩ càng bế tắc. Tử Khuê thở dài phó mặc, bưng cơm vào trong và chén sạch sẽ, chàng đang đói đến rã ruột.
Đêm xuống, ngoài trời gió Đông rít vù vù, tuyết lọt qua những hàng lỗ thôn hơi phía bắc. Nhưng lạ thay, Tử Khuê lại thấy ấm hơn lúc chiều, có lẽ nhờ bát thuốc quý kia. Chàng thao thức mãi không ngủ được vì hoang mang và thương nhớ người thân. Bỗng Tử Khuê nghe ở hướng nam có tiếng người trò chuyện nho nhỏ. Dường như gã gác cửa đang tâm sự với tình nhân, là ả nữ tỳ mang cơm đến lúc chiều.
Tử Khuê muốn biết thêm thông tin về hoàn cảnh hiện tại của mình, nên nhẹ nhàng lần đến đấy, ngồi nghe ngóng. Quả nhiên, câu chuyện của đôi tình nhân nọ có đề cập đến chàng, tức gã nhị công tử điên loạn.
Sau vài đêm, Tử Khuê đã loáng thoáng biết được nạn nhân đã phát điên năm mười hai tuổi, được đưa vào Từ thạch đã tám năm. Và may sao, sau nhiều năm dài hoài công chờ đợi, cách đây ít ngày, nhị công tử không còn múa may, đập phá hay chửi rủa, la hét nữa. Gã bắt đầu ăn uống đều đặn và còn thò tay cho phụ thân mình chẩn mạch.
Tiêu trang chủ cũng là thầy thuốc của con mình. Ông nhận ra quý tử Tiêu Mẫn Hiên sắp khỏi bệnh. Nhưng ông không dám thả gã ra ngay vì Mẫn Hiên có thể bất ngờ chạy trốn. Gã khùng ấy thông minh tuyệt thế, căn cơ võ học thuộc hàng thượng phẩm. Năm mười hai tuổi, gã học hết nghề của cha và chạy nhanh như sóc. Kiếm quyền có thể quên nhưng khinh công thì không.
Hơn nữa, trong suốt mấy năm qua, Tiêu trang chủ đã bồi bổ cho con trai bằng trăm thứ thuốc quý nên sức lực Mẫn Hiên rất dồi dào. Thỉnh thoảng Trang chủ cho y nhịn đói vài bữa rồi mới đưa cơm canh tới cho thuốc vào thế là y nuốt sạch.
Trong đợt cuối năm này, Tiêu trang chủ đã sử dụng đến thảo dược ngàn năm và những vị thanh tâm, chia ra uống trong vòng một tháng. Đến rằm tháng mười một tới, nếu bệnh của Mẫn Hiên khả quan hơn thì được mang ra ngoài điều trị tiếp.
Những thông tin nọ đã giúp Tử Khuê bình tâm. Sau tám năm không gặp mặt, chắc hẳn họ Tiêu chẳng thể nhận ra sự khác biệt giữa chàng và Mẫn Hiên.
Vả lại, trong Từ Thạch ốc nào có ai khác ngoài chàng! Họ bắt buộc phải tin chàng là con trai họ. Sau khi được tự do, Tử Khuê sẽ tìm cách trốn về Hứa Xương.
Để đề phòng bất trắc, Tử Khuê đã học thuộc lòng “Lôi Đình bí phổ” rồi xé vụng, mỗi ngày một ít, thả vào hồ xí.
Những chén thuốc quý của Tiêu gia trang đã giúp Tử Khuê dần dần tụ tập được chân khí, đả thông vài kinh mạch bị bế tắc. Vì rảnh rỗi và cũng vì cuộc phó ước với Nhạc Cuồng Loạn vào ngày rằm tháng hai sắp tới, Tử Khuê đã tham luyện võ công của Lôi Đình thần cung. Chẳng cần tinh thông, chàng chỉ cần nắm vững từng chiêu thức để dễ dàng đối phó. Vu Mộc chân nhân là tôn sư trong nghề phá giải võ học người khác, nên Tử Khuê không hề gặp khó khăn khi tìm cách khắc chế võ học Lôi Đình.
Lạ thay, phần khinh công trong bí phổ lại có đến hai pho gồm “Lôi Đình thân pháp” và “Tiên Nữ Tùy Phong”. Tử Khuê theo khẩu quyết của pho thứ hai mà luyện thử thì phát hiện nó cực kỳ thần diệu và cũng chính là tuyệt kỹ mà Trác Thanh Chân đã thi thố.
Chàng phỏng đoán đấy là sở học Hoành Sơn Tiên Nữ, vợ bé Lôi Đình Thần Đế Quân. Hoành Sơn là một ngọn núi nhỏ vùng Tây Bắc Thiểm Tây, gần ranh giới Nội Mông.
Tử Khuê ngẩn người tự hỏi :
- Phải chăng Trác Thanh Chân chính là di nữ của Lôi Đình Đế Quân và Hoành Sơn Tiên Nữ nên mới sở hữu thủ lục võ công của cả hai? Một cung nữ bình thường thì làm sao có được quyển bí kíp trị giá liên thành này?
Khi hồi tưởng lại câu nói của ả họ Trác, chàng càng tin chắc vào giả thiết của mình. Thanh Chân vốn ở Hoành Sơn với mẹ, chỉ đến Thần cung để trộm “Hắc Ngọc tiên đào”. Nàng không cư trú tại đấy nên Nhạc Cuồng Loạn không biết mặt.
Khi người ta chết đi sống lại thì luôn tỏ ra bao dung, rộng lượng hơn trước. Do vậy, Tử Khuê chẳng hề trách Thanh Chân đã lừa dối mình. Chàng còn cảm thấy nhớ nhung người vợ bất đắc dĩ, một nàng tiên bé bỏng, ngây thơ.
Gần giữa tháng mười một, Tử Khuê đã khôi phục được năm phần nội lực và thông hiểu “Lôi Đình bí phổ”. Chàng cũng luyện thành pho “Tiên Nữ Tùy Phong”, khinh công tăng tiến vượt bậc. Tuy nhiên, khi thi triển nó, chàng không giống ai, dáng bộ ẻo lả như là Thanh Chân.
Chiều mười bốn, Tử Khuê đoán rằng đã đến lúc nhận thuốc nên ra của nam chờ sẵn. Lát sau, chàng nghe có tiếng chân quen thuộc của ả tỳ nữ Tiểu Sương. Khi ả còn cách cửa gỗ chừng hơn trượng, thì Tử Khuê phát hiện thêm tiếng chân nhẹ nhàng cùa người thứ hai và người này lên tiếng :
- Tiểu Sương! Hôm nay nhà bếp cho nhị đệ ta ăn những món gì vậy?
Tiểu Sương đình bộ quay lại, vui vẻ nói :
- Bẩm đại tiểu thư! Cũng chỉ là những món thường lệ. Có điều gần đây nhị công tử ăn nhiều quá, món nào cũng chẳng chê.
Sau gần một tháng lắng nghe, Tử Khuê đã khá thông thạo tình hình của Tiêu gia trang. Chàng biết rằng nàng đại tiểu thư kia tên là Tiêu Dị An, tuổi đã hai mươi bốn, tuy xinh xắn nhưng ế chồng vì tính tình lạnh lùng, khắc nghiệt.
Dị An là con của đại phu nhân đã quá cố, còn Mẫn Hiên là con của người kế thất.
Thính giác của Tử Khuê cực kỳ linh mẫn, nghe được những âm thanh do Dị An gây ra khi mở lồng đậy cơm. Và ả ế chồng kia hít hà khen thơm rồi vui vẻ bảo :
- Trông ngon lành lắm. Ta rất hài lòng.
Tiêu Dị An quay gót bỏ đi, còn Tiểu Sương tiếp tục mang mâm cơm đến cửa Từ Thạch ốc. Khi ả chuẩn bị đưa mâm cơm đút qua khe, chợt lẩm bẩm mấy câu :
- Lạ thật! Sao đại tiểu thư đột nhiên quan tâm đến nhị thiếu gia thế nhỉ?
Mẫn Hiên mà khỏi bệnh thì nàng ta mất quyền thừa kế chứ có lợi lộc gì?
Lúc đầu, Tử Khuê không hề bận tâm đến lời nói ấy. Song khi bưng chén thuốc lên uống, chàng nhận ra ngay có mùi lạ. Sau gần ba chục chén, Tử Khuê đã quá quen thuộc hương thơm của thuốc và chàng chợt nhớ đến thái độ lạ lùng của Tiêu Dị An qua nhận xét của Tử Sương.
Hồi tưởng lại hành vi của anh rể Nhậm Đức Tín, chàng ngần ngại không dám uống chén thuốc. Họ Nhâm có thể vì số tài sản thừa kế mà dám bán đứng chàng thì biết đâu Dị An cũng sẵn sàng đầu độc Mẫn Hiên để giành lấy cơ nghiệp?
Để kiểm chứng, Tử Khuê đưa mâm cơm vào trong đặt xuống sàn. Sau đó, chàng tìm bắt một con thằn lằn trên vách. Tám năm không quét dọn, nơi đây cực kỳ dơ bẩn và đầy bụi bậm. Trước khi phát điên, nhị công tử đã có hai mươi năm công lực dù tuổi mới mười hai. Tiêu trang chủ đã hết dạ tài bồi cho nhị công tử, dùng kỳ trân dị dược để biến Mẫn Hiên thành cao thủ. Có thể gã đã lâm bệnh vì sự ưu ái đó của cha già. Cho nên khi phát cuồng, gã thừa sức đập chết bất cứ ai vào quét dọn.
Khi tiếp quản cơ ngơi ô uế này, Tử Khuê cũng không dám cải thiện môi trường vì sợ lộ. Chàng chỉ phủi sạch chỗ mình nằm ngủ. Loài thằn lằn thì chẳng quản sạch dơ, vui vẻ sinh sôi nảy nở rất nhiều, bám đầy trên tường thạch ốc. Tử Khuê vươn mình thi triển phép “tụ khí thành ti”, búng rơi một con khá lớn. Tử Khuê vận công có chừng mực nó không chết, tính cựa quậy nhưng bị ngón tay của chàng khống chế không nhúc nhích.
Tử Khuê dùng miệng thổi một ít nước thuốc thổi vào miệng con vật đáng thương. Khi được thả ra, nó bò loạn xạ như điên cuồng, nhưng chỉ lát sau là bất động.
Tử Khuê xem xét lại, biết nó đã chết hẳn, liền buông tiếng thở dài, ngán ngẩm cho thói đời.
Nửa đêm, Tử Khuê chợt phát hiện tiếng động rất nhẹ ở hàng ô chữ thông gió trên vách hướng đông. Chàng liếc nhanh về hướng ấy và thấy thấp thoáng ánh mắt ai đó.
Biết Dị An quay lại thăm dò kết quả, Tử Khuê giả vờ ngáy đều. Dị An nghe được, thất vọng lẩm bẩm thành lời :
- Lạ thật! Chẳng lẽ Hà thủ ô ngàn năm đã phá giải được độc tính của “Cuồng Tâm tán”?
Ả bực bội buông mình xuống đất, bỏ đi mất. Tử Khuê suy nghĩ miên man đến cục diện éo le ngày mai khi phải đóng vai Tiêu Mẫn Hiên.
Chàng đã tính chuyện bỏ chạy ngay khi vừa ra khỏi cửa Từ Thạch ốc.
Nhưng hiện giờ công lực của chàng chỉ còn một nửa, và Kinh Túc Dương Minh Vị vẫn bị bế tắc ở huyệt Lương Khâu, phía trên đầu gối chân phải, không chạy nhanh được. Nghĩa là Tử Khuê phải ở lại thêm một thời gian, chờ hoàn toàn bình phục rồi mới ra đi.
Sáng hôm sau, Tử Khuê giật mình tỉnh giấc vì tiếng ai kêu réo :
- Mẫn nhi! Con mau ra cho phụ thân xem bệnh trạng trong người thế nào?
Tử Khuê choàng dậy và súc miệng rồi mới chạy ra, chàng hồi hộp đưa tay qua khe hở trên cánh cửa.
Tiêu trang chủ xem mạch rất lâu, cuối cùng nghiêm nghị nói với ai đó :
- Phu nhân! Lão phu đoán chắc rằng bệnh tình của Hiên nhi đã thuyên giảm được sáu bảy phần. Cứ uống thuốc thêm một tháng nữa là có thể đưa ra ngoài.
Thì ra Trang chủ phu nhân cũng hiện diện. Nghe trượng phu nói xong, bà bật khóc trách móc :
- Sao tướng công bảo rằng hôm nay Hiên nhi sẽ được chấm dứt cảnh giam cầm đầy đọa, mẫu tử trùng phùng? Thiếp đã quá mỏi mòn vì chờ đợi, vì thương xót con thơ, chắc không sống nổi cho đến lúc con thơ bình phục.
Tiêu trang chủ rầu rĩ biện bạch :
- Tuy thể trạng rất tốt song không hiểu sao Hiên nhi cứ lặng thinh, khiến lão phu chẳng yên tâm. Nếu thả ra ngay bây giờ, lỡ nửa đêm nó phát cuồng chạy trốn thì ai mà đuổi kịp? Lão phu phát hiện trong người Hiên nhi có đến hơn ba chục năm công lực. Xiềng xích con thơ thì lão phu chẳng nỡ, bằng như điểm huyệt thì vô ích vì năm xưa Hiên nhi đã học phép “Đạo chân xung huyệt”, tự động hóa giải chỉ sau nửa khắc.
Trang chủ phu nhân tuyệt vọng, quỳ xuống, nắm chặt tay Tử Khuê, vuốt ve và khóc lóc :
- Hiên nhi ơi! Tám năm nay lòng mẫu thân đau đớn như ai cào ai xé, lúc nào cũng mong nhớ đến con thơ, mong có ngày con tỉnh trí. Sao Hiên nhi không thương xót mẹ hiền mà thoát khỏi cảnh u mê?
Rồi bà gục mặt vào hai bàn tay Tử Khuê mà khóc ngất. Giọng bà khá giống Kỹ nương và vô cùng tha thiết khiến lòng chàng xúc động. Bất giác, Tử Khuê bật miệng, bùi ngùi nói nhỏ :
- Xin mẫu thân đừng khóc nữa!
Nghe câu nói ấy, Trang chủ phu nhân hoan hỉ phi thường, quay sang bảo chồng :
- Tướng công có nghe gì không? Hiên nhi đã nhận ra thiếp!
Tiêu trang chủ hân hoan tiếp lời :
- Lão phu cũng đã nghe rồi, để ta hỏi Hiên nhi vài câu cho rõ đã.
Ông nghiêm nghị hỏi :
- Hiên nhi! Con còn nhớ phụ mẫu danh tính là gì không?
Tử Khuê không biết vì bọn gia đinh, nô tỳ chỉ gọi là Trang chủ và phu nhân chứ đâu dám gọi tên của họ. Tử Khuê bí quá đáp lại :
- Hài nhi nhờ tiếng khóc bi ai của mẫu thân mà hồi tỉnh lại, nhất thời chẳng thể nhớ ra danh tính của song thân.
Cây nói gãy gọn hợp đạo lý này của chàng đã quá đủ để người mẹ đáng thương kia tin rằng con mình đã khỏi bệnh. Bà mếu máo hỏi chồng :
- Tướng công còn chờ gì nữa mà không mở khóa cửa?
Tiêu trang chủ cẩn thận như vậy là vì sợ bất trắc sau này. Mẫn Hiên mà thoát ra, chạy loạn xa khắp nơi thì cà thiên hạ biết ông có người con điên loạn, tổn hại thanh danh cao quý của một dòng họ mà mấy đời tập Tước Hầu. Tám năm nay, Tiêu trang chủ luôn phải nói dối người ngoài rằng Mẫn Hiên được gởi đi học võ phương xa.
Dù lòng còn phấp phỏng nhưng ông vẫn phải chiều ý người vợ trẻ đẹp, hiền thục. Nhị phu nhân Từ Lan nhan sắc phi phàm và trẻ hơn chồng đến hai mươi tuổi. Bà còn ha sinh một nam tử là Mẫn Hiên khiến tông tự họ Tiêu không đứt đoạn. Do vậy, Tiêu trang chủ yêu thương bà tha thiết.
Biết cửa sắp được mở, Tử Khuê vội nói :
- Mẫu thân à, hài nhi cần một bộ y phục.
Từ nương bật cười :
- Mẫu thân có mang theo sẵn trong người nhưng vì quá vui mừng mà quên mất.
Nói xong, bà đút qua khe một bọc vải có tấm trường bảo gấm xanh, áo trong, đồ lót và đôi giày vải. Lạ thay, chúng khá vừa vặn dù Từ nương chưa bao giờ nhìn thấy vóc dáng Tử Khuê.
Khi cửa mở toang, Tử Khuê mới hiểu ra nguyên nhân. Thân hình chàng và Tiêu trang chủ có kích thước tương tự.
Chàng chưa kịp quan sát kỹ gương mặt của lão già quắc thước, râu ba chòm oai vệ kia thì bị một phu nhân áo đen ôm chầm lấy. Chàng thoáng nhận ra rằng Tiêu phu nhân khá giống mẹ mình.
Những ngày sau đó, Tử Khuê không hề gặp phải khó khăn gì. Ai cũng tin tưởng và vui mừng khi thấy nhị công tử đã bình phục, trở thành thanh niên tráng kiện, tuấn tú.
Chỉ mình đại tiểu thư Tiêu Dị An là gượng cười, buồn nhiều hơn vui.
Nhưng nàng không còn cơ hội để ám hại đứa em cùng cha khác mẹ nữa. Lúc nào cũng có bốn người lẫn quẫn cùng nhị công tử, bất kể ngày đêm. Họ có trách nhiệm khống chế Mẫn Hiên khi gã có dấu hiệu phát cuồng trở lại.
Và Tử Khuê phát hiện ra rằng Tiêu gia trang đầy dẫy cao thủ. Từ vị Tổng quản già nua đến gã gia đinh gác cổng. Chàng không thắc mắc mà chỉ dặn lòng thêm cẩn thận. Lòng thương con trời biển của Từ nương đã khiến Tử Khuê gọi bà là mẹ mà không hề ngượng miệng.
Từ nương chăm sóc chàng như đứa trẻ thơ, luôn kề cận kể lể mọi việc trong trang, cố giúp ái tử sớm hồi phục ký ức một cách trọn vẹn.
Trí nhớ của Tử Khuê thì mẫn tiệp phi thường nên chẳng hề quên cái gì cả.
Chỉ sau nửa tháng, chàng đã thông thuộc tên tuổi từng người.
Tất nhiên, giờ thì chàng biết Tiêu trang chủ tên gọi là Tiêu Lạp Dân, tuổi chẵn sáu mươi. Ông ta còn là Ngân Diện Hầu đời thứ tư của Minh Triều.
Khi Tử Khuê giả vờ không nhớ, thắc mắc về cái tước hiệu kỳ quái ấy thì được Từ nương giải thích :
- Cao tằng tổ Tiên Phương là một kiếm khách. Ông ta thường mang một chiếc mặt nạ che đến mũi mà hành hiệp, nên được người võ lâm xưng tụng là Ngân Diện Kỳ Hiệp. Khi Thái Tổ hoàng đế Chu Nguyên Chương tiến đánh Sơn Tây, trúng mai phục của quân Mông Cổ ở gần Tỉnh Châu, sắp mất mạng thì được Tiên Phương cứu giá. Sau đó, họ Tiêu theo phò Minh Thái Tổ cho đến khi giang sơn được thu hồi trọn vẹn. Lúc luận công ban thưởng, được phong hầu, Tiêu cao tằng tổ đã xin cái danh hiệu Ngân Diện Hầu. Minh Thái Tổ chuẩn tấu, sai bộ công đúc một chiếc mặt nạ bằng bạc, pha thêm vàng và đồng cho cứng cáp, trên khắc dấu Ngọc Tỷ, rồi tặng cho họ Tiêu.
Bà mỉm cười kết luận :
- Hiên nhi biết không? Họ Tiêu chúng ta đã chuốc lấy khổ, vì lúc nào muốn đeo Kim bài, xưng Tước Hầu, thì mãi mang luôn cái mặt nạ nặng trịch, lạnh lẽo ấy. May cho ta là Hầu Tước phu nhân thì không phải mang mặt nạ.
Quen thói thân mật vui vẻ với mẹ hiền, Tử Khuê buột miệng nói đùa :
- Quả là may thật! Nếu không thì thiên hạ đã chẳng được chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt thế của mẫu thân.
Từ nương rất cao hứng vì được ái tử tán dương, song giả vờ trừng mắt mắng yêu :
- Hiên nhi chớ bẻm mép! Ta đã già nua còn đẹp đẽ cái nỗi gì nữa.
Chợt bà phát hiện mặt mình đang nóng bừng lên vì hãnh diện, vội đứng dậy mở tủ, lấy ra môt quyển sách mỏng, trao cho con rồi nói :
- Hiên nhi! Đây là bí lục võ công nhà ta, con hãy ôn luyện lại cho thuần phục để phụ thân vui lòng.
Ngoài bìa ghi bốn chữ “Tiêu gia bí kíp” song khẩu quyết bên trong giống hệt “Lôi Đình bí phổ”, chỉ khác ở chỗ không có pho “Tiên Nữ Tùy Phong”, và hai pho kiếm chưởng thì thiếu sáu, bảy chiêu lợi hại nhất. Tử Khuê kinh ngạc khôn cùng nhưng không dám để lộ ra.
Vẻ mặt thẫn thờ của chàng đã khiến Từ nương ngộ nhận. Bà nở nụ cười hiền hòa và an ủi :
- Năm xưa, con đã từng thuộc lòng bí kíp này, cứ từ từ nghiên cứu sẽ nhớ lại thôi. Phần đường lối của chiêu thức, ta sẽ nhắc nhở, hướng dẫn cho.
Té ra Từ nương là bậc kỳ nữ xuất chúng, nắm vững tinh túy tuyệt học của Lôi Đình. Do bẩm sinh bất túc nên nội công chỉ có thành tựu giới hạn. Nếu không, bà đã là một cao thủ thượng thừa.
Trong suốt gần một tháng trời, bà cẫn mẫn dạy cho Tử Khuê từng thức kiếm, từng đường quyền. Nhờ vậy mà chàng tiếp thu rất nhanh. Kỳ công này chẳng làm ai tán thưởng vì họ cho rằng nhị công tử chỉ nhớ lại những gì học thuở niên thiếu. Song họ sẽ kinh ngạc nếu biết chàng thông thạo võ học Lôi Đình hơn cả Tiêu trang chủ. Chàng chỉ thiếu tuyệt kỹ “Phách Không chưởng lực” vì kém hỏa hầu.
Bề ngoài, vẫn sử xự như mình chưa hồi phục trọn vẹn, ít nói và thỉnh thoảng lại mỉm cười vô cớ. Thật ra, trong lòng chàng rối như tơ vò chẳng biết giải quyết hoàn cảnh éo le này thế nào. Chàng thật tâm yêu thương Từ nương, không muốn bà phải khổ tâm thêm nữa. Và dẫu có trình bày sự thật thì cũng chẳng có ai tin, họ sẽ cho rằng bệnh chàng tái phát. Giả sử họ tin thì càng bội phần tai hại, vì chàng sẽ lấy đâu ra một gã Mẫn Hiên mà trả họ.
Cuối cùng, Tử Khuê quyết định đào tẩu trong dịp tết nguyên đán. Và chàng sẽ để lại một phong thư, trấn an vợ chồng Tiêu trang chủ rằng mình đi du ngoạn, mở rộng kiến văn. Về đến nhà, chàng sẽ thỉnh cho được Lỗ phán quan, hỏi cho rõ nội tình và hạ lạc của Tiêu Mẫn Hiên. Nếu gã còn sống thì chàng bắt họ Lỗ mang gã trả về Từ Thạch ốc.
Tử Khuê đã nhiều lần khấn vái, gọi tên nghĩa ca mà không thấy hiện ra.
Chàng thầm trách lão đem con bỏ chợ, đưa chàng vào cảnh ngộ oái ăm này.
Do từ đầu đã nuôi ý định đào tẩu nên Tử Khuê dành nhiều thời gian lang thang khắp Tiêu gia trang, tức Hầu Phủ. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương xuất thân từ chốn bần hàn, thảo mãng nên cũng có chút máu khôi hài. Khi Tiêu Chương chê Tước Trung Dũng Hầu và đòi đổi thành Ngân Diện Hầu thì Minh Thái Tổ hơi phật ý. Ông ta chuẩn tấu song chơi lại bằng cách bắt họ Tiêu chỉ được xưng Hầu khi mang mặt nạ.
Đeo ngân diện cả ngày thì bất tiện, nhất là lúc Đông về, bạc sẽ lạnh tanh, da mặt khó chịu vô cùng. Thế nên con cháu họ Tiêu đành phải cho gia nhân, tỳ nữ gọi mình là Trang chủ.
Cố sự trên giải thích việc vì sao chủ nhân Hầu phủ lại không được bọn người nhà xưng hô là Hầu Tước Đại Nhân. Hầu phủ của dòng họ Tiêu không nguy nga tráng lệ, song diện tích rất lớn, tường xây cao đến hai trượng, án ngữ mọi sự dòm ngó của người bên ngoài. Phía sau phủ là đại hoa viên rộng đến vài mẫu, trồng gần trăm cây Thủy Sam cổ thụ tuổi đến gần hoa giáp.
Thủy Sam là loại cây thân gỗ lớn, rụng lá, thuộc họ Sam, có thể cao đến mười hai trượng. Thân chính cao thẳng, cành nhánh vươn ngay về hướng nam bắc, đông tây xen kẽ nhau giống tháp nhọn. Lá Thủy Sam có dạng dày, dẹt, mọc hai bên, nhánh nhỏ, màu lá thay đổi theo mùa. Mùa Xuân lá màu nõn chuối non tơ mềm mại. Mùa Hè lá trở nên xanh biếc mượt mà đáng yêu. Mùa Thu lá chuyển vàng, mùa Đông chuyển sang màu hồng rồi rụng dần.
Thủy Sam là loại có sức sống mãnh liệt, tính thích ứng rộng rãi, sinh trưởng nhanh, mỗi năm cao thêm từ gang rưỡi đến bốn gang tay. Bởi vậy, Thủy Sam là báu vật trong ngành rồng rừng lấy gỗ. Thủy Sam là loại cây đặc hữu của Trung Hoa, có ở miền Đông Bắc từ nhiều triệu năm trước. Gần năm trăm năm sau, thời nhà Minh, người ta tưởng rằng Thủy Sam đã tuyệt chủng thì lại thấy hơn một ngàn cây ở huyện Lợi Xuyên, Hồ Bắc.
Tất nhiên là Tử Khuê không cần biết những điều ấy về Thủy Sam. Giờ đã là tháng chạp, nên cây chẳng còn chiếc lá nào. Chàng ngắm nhìn những cành cây trơ trụi, tưởng nhớ đến Quách gia trang, nơi cũng có vài cây như thế và chàng thầm tính toán việc trèo lên cây mà nhảy ra ngoài.
Hàng Thủy Sam cuối đại hoa viên cách tường bốn trượng bằng một con đường trải sỏi phẳng phiu. Trên đường ấy, lúc nào cũng có bọn gia nhân dắt chó đi tuần cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra còn có cả những chốt canh cố định, nhãn tuyến bao quát suốt con đường. Nếu Tử Khuê băng qua đường mà vượt tường thì sẽ bị phát hiện ngay. Và khi nhà họ Tiêu dùng chó đánh hơi mà truy đuổi thì chàng khó thoát nổi. Chàng cần vài khắc thời gian và không để đối phương biết mình ra bằng lối nào.
Tử Khuê gật gù hài lòng tin rằng từ ngọn cây cao mười trượng kia chàng có thể vượt qua khoảng cách bốn trượng ra ngoài tường một cách êm thắm.
Thời điểm thích hợp sẽ là những ngày xuân, khi người ta vui say mừng năm mới.
Tiếng chân người phía sau nhắc nhở Tử Khuê nhớ trở ngại cuối cùng, đó là sự giám sát của hai gã cận vệ. Sau này, Tiêu trang chủ đã yên tâm hơn nên giảm số người canh chừng xuống còn hai. Nhưng hai gã này có võ công khá nhất, cơ trí cũng tinh minh, già dặn, hành vi cẩn trọng, chu đáo.
Họ là anh em ruột, mang họ Từ do phụ thân nhị phu nhân nuôi dưỡng.
Vì mồ côi sớm, không biết cha mẹ là ai nên hai gã này mang họ ân nhân.
Từ lão gia nuôi trẻ mồ côi vì lòng nhân, chứ không phải với ý định nhận nghĩa tử, nên hai gã vẫn chỉ là nô bộc. Người giàu có rất thận trọng trong việc nhận con nuôi, để phòng hậu họa giành gia sản sau này, nhất là khi họ đã có con ruột.
Lúc Từ Lan xuất giá về làm dâu nhà họ Tiêu thì hai gã cũng đi theo vì trước giờ quen hộ vệ nàng. Tuy đã chính thức là gia đinh của Hầu phủ song họ luôn giành lấy trách nhiệm bảo vệ nhị phu nhân. Về sau, Từ nương đã sai họ bảo vệ Mẫn Hiên tức Tử Khuê.
Từ Phong ba mươi chín, Từ Vũ ba mươi tám tuổi, cao trung bình nhưng cơ thể rắn chắc, lực lưỡng. Tên thì hiền lành, song sắc diện lạnh như tiền, mắt loang loáng, thần sắc rất đáng sợ dù ngũ quan đoan chính, chẳng có chút dị dạng. Và dường như họ chỉ tươi cười khi tiếp cận Từ nương và Mẫn Hiên.
Tử Khuê đủ trình độ để biết hai gã ấy là đại cao thủ, cả kiếm thuật lẫn khinh công. Cảm động trước lòng trung thành của họ đối với Từ nương mà chàng yêu mến hai gã. Ngược lại, phong thái đôn hâu, điềm nhiên và dễ thân cận của Tử Khuê đã chinh phục được hai anh em họ.
Trang chủ phu nhân thấy vậy hài lòng khen :
- Không ngờ khi trưởng thành, Hiên nhi lại có được tính tình dễ mến như vậy. Năm xưa ta cứ lo khi lớn lên, ngươi sẽ cao ngạo, lạnh lùng như Dị An.
Nhưng đến tối hai mươi bốn tháng chạp thì xảy ra một biến cố đã làm đảo lộn hoàn toàn những mưu tính của Tử Khuê.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, chàng đã có thể khẳng định rằng tám năm trước, chính đại tiểu thư Tiêu Dị An đã hạ độc Mẫn Hiên bằng “Cuồng Tâm tán”. Và sau này, nếu Từ nương còn sinh nở được lần nữa thì đứa bé ấy cũng sẽ bị Dị An ám hại. Trước khi ra đi, Tử Khuê muốn đền đáp ân tình của Từ nương nên định sẽ bày cho bà cái phương pháp khôn khéo mà mẫu thân chàng đã sử dụng.
Cuối canh hai, Tử Khuê đi sang phòng của Trang chủ phu nhân ở sát vách, cùng chung dãy bắc sương. Tiêu trang chủ vắng nhà đã hơn nửa tháng.
Từ nương hớn hở hỏi :
- Trời lạnh căm căm sao Hiên nhi không đi nghỉ sớm, còn sang đây làm gì?
Tử Khuê ngồi xuống đôn gỗ hòa nhã đáp :
- Hài nhi buồn về thái độ lạnh nhạt của đại thư nên khó ngủ. Hài nhi mong mẫu thân lên tiếng, chia cho nàng ta một nửa gia sản để tránh cảnh nồi da xáo thịt.
Từ nương mỉm cười chua chát :
- Hiên nhi lầm rồi! Từ nhiều năm nay phần thừa kế đã được chia đôi. Dị An ghét ngươi vì muốn tranh giành chức Hội chủ Hoạch Đầu hội đấy thôi.
Tử Khuê bàng hoàng như bị sét đánh ngang tai, chết điếng cả người. Ai lại có thể ngờ đến việc Ngân Diện Hầu phủ lại là sào huyệt của tổ chức giết thuê lừng danh Trung Thổ cơ chứ?
Song Tử Khuê phải mau mau trấn tĩnh, cố không để lộ sự sợ hãi và kinh ngạc tột độ của mình. Chàng đang là Mẫn Hiên, mới tỉnh táo sau tám năm mê muội, không biết gì cả.
Tử Khuê đứng lên, giả vờ đi khép cánh cửa sổ, tranh thủ chút thời gian cho sắc diện bình thường trở lại. Chàng quay về quế rồi từ tốn nói :
- Mẫu thân chưa từng nhắc nhở nên hài nhi không nhớ nổi việc này.
Từ nương nhìn chàng bằng ánh mắt xót xa và bảo :
- Thật tâm ta cũng muốn Hiên nhi quên hẳn vì không dính dáng gì đến cái tổ chức nhơ nhớp ấy. Nhưng số trời đã định, ta không sao cưỡng lại được.
Ngày mai phụ thân ngươi sẽ hồi phủ và tổ chức đại hội thường niên. Ngươi sẽ được giới thiệu với tư cách Thiếu hội chủ và tham gia điều hành sự vụ để vài năm nữa kế vị ngôi Hội chủ.
Tử Khuê nghe gáy lạnh toát, rầu rĩ khoái thác :
- Hài nhi mới khỏi bệnh, chỉ muốn được đi du ngoạn đó đây cho bõ tám năm tù đày, chẳng muốn làm gì cho mệt trí. Mong mẫu thân nói giúp vài câu với phụ thân.
Từ nương buồn bã lắc đầu :
- Dẫu mẹ có thương con thì cũng đành bất lực vì tính nết cha ngươi vô cùng độc đoán. Tốt nhất là Hiên nhi cứ giả đò vui vẻ tham dự. Sang Xuân, ta sẽ mượn cớ về chơi quê ngoại, đưa Hiên nhi đi thăm thú những thắng cảnh Trung Nguyên.
Bà dừng lời, nhấp hớp trà thơm rồi nói tiếp :
- Còn một lý do bắt con phải làm vui lòng phụ thân, đó là tính mạng của Từ Phong và Từ Vũ. Hồi tháng chín, họ được cử đi ám sát một nhân vật ở An Dương nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ. Hai gã ấy chẳng nỡ ra tay vì đối tượng có đến bảy đứa con thơ nhao nhác. Dị An là người khắc nghiệt, tàn ác, lại đang chấp chưởng Hình đường, tất sẽ không tha cho họ. Chỉ có Hiên nhi là đủ tư cách cứu họ khỏi án tử.
Bà nhìn chàng với vẻ khẩn cầu :
- Từ Phong, Từ Vũ tuy là nô bộc nhưng đã lớn lên với mẹ, tình nghĩa thâm sâu. Mong Hiên nhi hãy vì ta mà cứu họ.
Tử Khuê thấy hai gã sát thủ còn giữ được lòng nhân ái vô cùng cảm phục và thương mến. Chàng khẳng khái trấn an Từ nương :
- Mẫu thân yên tâm, hài nhi đoan chắc sẽ gỡ tội được cho hai người ấy.
Từ nương hài lòng, cùng Tử Khuê trò chuyện mãi đến gần sáng mới đuổi chàng về phòng.
Tử Khuê lấy cớ hỏi han nội tình rất cặn kẻ, hiểu được nhiều bí ẩn trọng đại. Thì ra, Tiêu Lập Dân là sư đệ, đồng thời là em rể Lôi Đình cung chủ Trác Ngạn Chi. Đôi lúc ông cũng muốn nghe lời Từ nương, giải tán Hoạch Đầu hội, song bị trưởng nữ Dị An phản đối. Nàng ta có hậu thuẫn là cậu ruột, tức Lôi Đình Đế Quân, nên không sợ cha mình.
Càng hiểu rõ hoàn cảnh hiện tại, Tử Khuê càng thêm hoang mang, lo sợ, dù biết có trốn vế Quách gia trang cũng khó mà yên thân. Chẳng lẽ chàng cứ phải trốn tránh suốt đời, không dám lộ mặt?
Nỗi buồn phiền cùng cực đã biến thành sự bi phẫn, Tử Khuê nghiến răng thề rằng sẽ ở lại, tìm cách tiêu diệt xong cái tà hội ác độc này. Đây cũng là nghĩa vụ của võ sĩ đối với giang hồ và bách tính.
Chủ ý ấy đã khiến Tử Khuê bình tâm lại, thiếp đi lúc canh tư.
Quả nhiên trưa hôm sau, Tiêu Lạp Dân về đến phủ và ra lệnh triệu tập toàn bộ thủ hạ, trong tòa đại sảnh rộng thênh thang lúc đầu giờ Tuất, tối mai.
Ông đã trò chuyện với Mẫn Hiên, tức Tử Khuê về đại hội này. Chàng mỉm cười đáp ngây ngô :
- Phụ thân cứ yên tâm. Hài nhi đã được mẫu thân chỉ giáo qua. Được làm thiếu chủ thì sung sướng biết bao, tha hồ ra oai với thiên hạ.
Tiêu Lạp Dân thở dài ngán ngẩm, thương cho ái tử chưa hoàn toàn bình phục, ngây thơ cứ y như trẻ con vậy. Nhưng tin vào tài y thuật của mình, Lạp Dân không lo lắng lắm. Ông hỏi han, dặn dò con trai một lúc rồi mới dời gót.
Ông ta đi rồi, Tử Khuê ngồi nhìn qua song cửa hướng tây, ngắm cảnh tuyết rơi mà thương nhớ người thân nơi cố quận. Chàng hiểu rằng còn rất lâu mới được cùng họ đoàn viên.
Là kẻ thuần phác, ít mưu mẹo, Tử Khuê không tài nào tìm được cách thoát khỏi mớ bòng bong này, kể cả việc làm sao mà phá tan Hoạch Đầu hội mà không khiến cho Lôi Đình Đế Quân nghi ngờ.
Sực nhớ đến gã anh vợ xảo quyệt, đa mưu túc trí là Vô Tướng Quỷ Hồ Dịch Quan San, Tử Khuê tạm yên lòng. Sang Xuân, chàng sẽ tìm cách rời khỏi Hầu phủ, lẻn về Hứa Xương cùng gã bàn bạc kế sách.
Tiếng tằng hắng của Từ Vũ ở bên ngoài khiến Tử Khuê chạnh lòng. Sau cuộc đàm đạo vừa rồi với Tiêu trang chủ, chàng không còn tự tin nữa. Ông đã nghiêm nghị dặn dò chàng không được can thiệp vào việc trừng phạt hai gã họ Từ. Dường như Tiêu Lạp Dân đã đoán trước được rằng Từ nương sẽ nhờ chàng gỡ tội cho họ.
Phần vì lời hứa với người đàn bà bất hạnh kia, phần vì thương anh em họ Từ, Tử Khuê bóp trán tính toán, cố tìm ra phương sách. Phải chăng “đương cục giả mê, bàng quang giả tỉnh”. Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối?
Cuối cùng Tử Khuê cũng có được kế lưỡng toàn, vừa cứu được họ, vừa loại trừ được kình địch.
Chàng mở cửa, khoác áo cừu ra ngoài rủ Từ Phong và Từ Vũ đi dạo bằng một câu ngớ ngẩn đến mức họ phải mỉm cười :
- Này nhị vị! Ta chợt nhớ đến lũ thằn lằn trong Từ Thạch ốc, muốn đi xem chúng có mạnh khỏe không?
Tuy đang chờ án tử hình mà thần thái hai gã này vẫn thản nhiên. Có thể do họ cam tâm chấp nhận, vì không còn đường nào khác, đào tẩu thì ba tháng sau cũng chết vì kỳ độc mãn tính. Tất cả thủ hạ Hoạch Đầu hội đều bị khống chế bởi độc dược. Hoặc dã họ tin tưởng rằng nhị công tử sẽ vì mẫu thân mà cứu họ.
Hôm nay là ngày đẹp trời hiếm hoi trong cái mùa Đông chết dẫm này.
Trời vẫn lạnh, nhưng gió thổi nhẹ và tuyết rơi lất phất.
Đang lúc giữa giờ Mùi, trừ những kẻ trong phiên đang canh gác, phần lớn người trong phủ đều ngủ cả. Cảnh vật khá tĩnh lặng, nhất là vườn Thủy Sam phía sau. Từ Thạch ốc tọa lạc ở giữa khu rừng này.
Đến nơi, Tử Khuê nghiêm nghị bảo hai cận vệ :
- Nhị vị cứ ở ngoài này, cứ để ta vào một mình được rồi. Có người lạ, bọn thằn lằn sẽ không dám gặp ta.
Hai gã nhìn nhau ngao ngán, gật đầu và cố nén nụ cười. Họ vào trong chỗ bẩn thỉu, hôi hám ấy làm gì cơ chứ?
Chẳng còn nhốt ai nên cửa Từ Thạch ốc không hề khóa, dù ổ khóa vẫn còn treo lủng lẵng nơi khoen. Bọn gia nhân cũng không hề có ý quét dọn cơ ngơi kỳ dị này. Nó sẽ được phá bỏ khi Tiêu trang chủ xác định rằng nhị công tử đã hoàn toàn bình phục.
Tử Khuê rất hài lòng khi thấy bên trong còn giữ được nguyên trạng.
Chàng bước mau đến tảng từ thạch ở hướng Đông Nam, nơi mình tạt chén thuốc nước đã bị Dị An hạ độc.
Tử Khuê không sợ bẩn vì thứ nước thuốc sắc đặc sánh, bám chặt và làm loang lỗ mặt đá. Giờ đây, những chỗ ấy cũng phủ thêm một lớp bụi mỏng.
Trên sàn gạch có khá nhiều mảnh vụn của bát dĩa, muỗng đũa... những thứ ấy bị Mẫn Hiên hủy hoại. Chúng được làm bằng gỗ, khi gã hơi hồi tỉnh, không còn phá phách nữa mới được dùng đồ sứ.
Tử Khuê nhặt một mảnh bát có mép khá sắt, cạo lớp thuốc đã khô cứng trên mặt đá, tất nhiên có cả bụi bặm. Chàng hứng lấy thứ cặn bã ấy bằng một mảnh giấy đã mang theo sẵn trước khi rời phòng.
Được một nhúm nhỏ, vo chặt lại chừng hạt nhãn, Tử Khuê cho rằng đã đủ. Chàng sẽ hạ độc Dị An bằng đường hô hấp nên không thể dùng nhiều được. Số còn lại chàng để dành phòng khi hữu sự.
Tử Khuê đã hồi ức lại nội dung quyển “Huyền Hư Y Cảo” biết “Cuồng Tâm tán” lợi hại vô song, không hề để lại dấu vết và cũng không có thuốc giải.
Chất độc này theo máu, công phá phần não bộ khiến nạn nhân phát cuồng, vô phương chữa trị. Tuyên truyền “Cuồng Tâm tán” là độc kỹ lừng danh của Thủy Thần Độc Vương Cao Mộng Đắc. Thần Thủy là một địa phương ở vùng cực Bắc tỉnh Thiểm Tây. Họ Cao chết đã bốn mươi năm, không người nối dỗi nên võ học thất truyền. Giờ đây cái thứ vũ khí độc địa ấy trong tay Tiêu Dị An, khiến một kẻ thiện dụng độc như Tiêu Lạp Dân cũng không ngờ đến.
Tử Khuê hiểu rằng độc tố đã phân tán đều trong chén thuốc, nên với một ít bụi phấn thế này thì khó mà làm cho Dị An phát điên. Song chàng hy vọng rằng ả sẽ tạm thời bị choáng váng, tâm thần hỗn loạn, không giữ được chủ ý sát hại anh em họ Từ. Để đảm bảo phần thắng, Tử Khuê dự đinh rằng sẽ ra tay nhiều lần, vì sẽ ngồi chung bàn tọa với Dị An.
Đầu giờ Tuất ngày hai mươi sáu tháng chạp, đại hội thường niên của Hoạch Đầu hội được tiến hành, trong tòa đại sảnh phía sau quần thể Tứ hợp viện, cơ ngơi chính của Hầu phủ.
Tòa nhà này mới được xây dựng chừng hai mươi năm, khi nhân số của Hoạch Đầu hội quá đông.
Từ sáng đến giờ đã có hàng trăm người lần lượt tìm đến Hầu phủ. Họ chính là thủ lĩnh của những phân hội địa phương, thường là chốn phồn vinh, sầm uất. Nơi hoang dã nghèo khó thì làm quái gì có ai đủ tiền mướn sát thủ.
Thân chủ của Hoạch Đầu hội không chỉ có giới võ lâm mà phần lớn là đám thương lái, đám nhà giàu và bọn quan lại. Chỗ nào có lợi lộc thì nơi ấy có tranh giành.
Những phát minh thành tựu trong lịch sử đã chứng tỏ dân tộc Trung Hoa cực kỳ thông tuệ, cần cù và đầy sáng tạo. Đồng thời họ cũng rất thâm hiểm nên mới nổi tiếng thế giới về binh pháp và thuật quyền mưu.
Người Trung Hoa đã áp dụng “Tam thập lục kế” vào cả lĩnh vực buôn bán, quan trường. Họ thích nhất là kế “Tá đao sát nhân”, mượn tay kẻ khác để loại trử kẻ địch, thù nhân. Cho nên, nghề giết mướn rất ư phát đạt ngay từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc.
Trong lịch sử Trung Hoa, Kinh Kha là một hình tượng của một tráng sĩ anh hùng, bất khuất. Nhưng xét cho cùng, Kinh Kha cũng là một kẻ đâm thuê chém mướn. Người đời sau vì chán ghét Tần Thủy Hoàng mà tôn sùng Kinh Kha. Nhưng nếu họ Kinh thành công thì Trung Hoa chẳng thể sớm thống nhất, và nền văn minh không phát triển một cách nhanh chóng, rực rỡ đến thế.
Tử Khuê phải cố nín cười khi thấy bên trên chiếc hương án đặt trước cạnh tường hướng bắc có bức họa tường rất lớn, vẽ một chàng tráng sĩ hiên ngang đang đứng cạnh một bờ sông.
Tử Khuê có thể đoán chắc đấy là Kinh Kha vì mé tả có bài thơ cổ bi tráng :
Phong phiêu phiêu hề Dịch thủy hàn!
Tráng sĩ nhất khứ hề Bất phục phản!
Thì ra Hoạch Đầu hội đã tôn Kinh Kha làm tổ sư, phủ hào quang lên cái nghề giết thuê đầy tội lỗi của mình.
Chẳng hiểu hằng trăm tên giết mướn kia có thật lòng tin vào sự cao quý của nghề nghiệp mình đang làm hay không? Giờ đây họ đều hướng về hương án thờ Kinh Kha với vẻ thành kính rất mực. Trông họ chẳng khác gì những thiện nam, tín nữ đang chiêm bái tượng Phật trong chùa vậy.
Thích khách chứ chẳng phải đệ tử danh môn chính phái nên không có đồng phục. Họ cũng không ai đeo mặt nạ vì ai cũng mang trên vai vài ba cái án sát nhân, theo kiểu Danh Đầu Trạng của Lương Sơn Bạc. Hơn nữa, họ đều bị khống chế bằng độc dược mãn tính, có phản bội, cáo giáo đồng đảng thì cũng không thể sống sót.
Sau diễn từ khai mạc và nghi lễ thượng hương bái tổ, đại hội tiến hành việc tổng kết vụ sự. Một chiếc bàn dài và ba ghế dựa đã được mang ra đặt trước hương án. Khoảng nền vách bắc cao hơn phần diện tích còn lại độ gần sải tay, giúp cử tọa có thể nhìn rõ đoàn chủ tịch. Bọn môn nhân cũng được ngồi trên đôn gỗ vì hội nghị sẽ kéo dài hàng canh giờ.
Nhưng trước khi cho phép thủ hạ an tọa, Tiêu Lạp Dân đã tuyên cáo việc nhị công tử Tiêu Mẫn Hiên chính thức trở thành Thiếu hội chủ, sau này sẽ kế vị lão.
Dĩ nhiên, ai nấy đều vỗ tay tán thành bởi “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nhưng trong lòng họ đầy ắp e ngại vì biết chàng trai mặt mày ngơ ngáo kia đã từng điên loạn suốt mấy năm qua.
Được Tiêu Lạp Dân dặn dò từ trước, Tử Khuê bước ra vái chào cử tọa và chỉ cười tươi chứ không phát biểu. Lạp Dân sợ Mẫn Hiên nói quàng nói xiên thì mất mặt họ Tiêu.
Tử Khuê mang bản chất hiền lành đôn hậu nên nụ cười rất dễ mến, khiến bọn sát thủ lão luyện kia nhận ra tính nết và lập tức có tình cảm. Sau này, chàng làm Hội chủ thì bọn thuộc hạ sẽ dễ sống hơn cô ả La Sát Tiêu Dị An kia.
Đại tiểu thư nhà họ Tiêu không hề xấu xí, đôi mắt lá răm và bờ môi anh đào chín mọng kia còn có vẻ đa tình nữa. Thân hình nàng cũng thon thả, khiêu gợi chứ không gầy đét. Thế mà chẳng hiểu sao một ả rất mực đàn bà như thế lại khắc nghiệt, tàn nhẫn phi thường?
Thấy ái tử được nhìn với ánh mắt tán thưởng, Tiêu Lạp Dân, tức Hội chủ Hoạch Đầu hội, cao hứng mời toàn trường an tọa. Phần ông dẫn con gái, con trai mình đến ngồi ở bàn chủ tịch.
Lòng Tử Khuê vô cùng hồi hộp, quyết định ra tay sớm vì lát nữa sẽ không còn cơ hội. Chàng và Dị An sẽ ngồi hai ghế tả hữu, chính giữa là Tiêu Lạp Dân.
Cho nên, khi Tiêu hội chủ vừa an vị và Dị An đang lay hoay kéo ghế, Tử Khuê búng ngay một nhúm bột đất chứa “Cuồng Tâm tán” vào mũi ả chị hờ.
Tử Khuê đã dùng muỗng sứ nghiền nát số bột đất kia trở nên nhuyễn nhỏ như bụi bặm, mắt thường khó mà phát hiện.
Đã quen với phép điểm huyệt bằng tia cương khí nên thủ pháp của chàng cực kỳ chuẩn xác. Chàng lại dựa vào nhịp phập phồng của bộ ngực nở nang kia mà chọn đúng lúc Dị An hít vào. Nàng ta khoác áo lông cừu ngắn song không khép vạt.
Dị An lãnh trọn số bụi tai hại ấy và lập tức hắt hơi lia lịa, khiến Tử Khuê lo ngay ngáy sợ bụi thuốc văng ra hết. Chàng thầm van vái cả Phật Tổ lẫn Tam Thanh cho mình đừng thất bại, nguy hại đến tính mạng của anh em họ Từ.
Trong quá khứ, Tử Khuê đã gặp quá nhiều xui xẻo nên không còn tự tin khi làm bất cứ việc gì. Dẫu biết rằng chất độc đi vào đường hô hấp sẽ tác dụng nhanh và mạnh hơn đi vào dạ dày, song Tử Khuê lại không nắm vững được lượng độc tố cần thiết.
Trà nóng đã được mang ra nhưng chén nào cũng có nắp đậy. Khi uống, người ta sẽ dùng cạnh nắp để chặn xác trà. Nhấp xong một hai hớp thì đậy nắp cho nóng. Do vậy, Tử Khuê không hy vọng hạ thủ thêm lần nữa vào chén trà.
Vả lại, việc dùng chân khí búng mạnh thuốc qua mặt một đại cao thủ như Tiêu Lạp Dân là một hành động dại dột.
Tuy luôn rén rình rập sắc diện, thần thái của Dị An, Tử Khuê vẫn theo dõi được diễn tiến của hội nghị. Lúc này, Phân hội chủ các địa phương đang trình bày với Tiêu Lạp Dân về những khó khăn, những hợp đồng chưa hoàn thành của khu vực mình đang phụ trách.
Chàng sợ đến toát mồ hôi khi một lão già gầy, đầu hói, đứng lên phát biểu :
- Thưa Hội chủ! Phân hội Hứa Xương vừa phát hiện Đông Nhạc Tiên Hồ Tái Dịch Vân trong nhà một lão đại phú họ Quách. Thuộc hạ đã thử đột nhập vào dọ thám thì phát hiện việc canh phòng của Quách gia trang cực kỳ nghiêm mật. Và dường như bản lãnh của bọn gia đinh rất cao cường, không thua gì những sát thủ kiêu dũng của bổn hội. Thuộc hạ cho rằng phân hội Hứa Xương không đủ sức bắt cóc ả họ Dịch, xin Hội chủ cử thêm người đến hỗ trợ.
Tiêu Lạp Dân trầm ngâm vuốt chòm râu dài và đẹp một lúc rồi mới nói :
- Lão phu rất tin tưởng vào nhãn quan sắc bén của Hồ các hạ nên lòng rất nghi hoặc. Thường thì các nhà đại phú không thể có được lực lượng gia nhân lợi hại đ
/23
|